Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Trở Về Mái Nhà Xưa

18/12/201508:52(Xem: 6183)
Trở Về Mái Nhà Xưa

Minh Đức Triều Tâm Ảnh
(Sīlaguṇa-Mahāthera)

NHẶT LÁ RỪNG XƯA
Tủ sách Huyền Không Sơn Thượng

(Phật lịch 2558 – 2015)

Trở Về Mái Nhà Xưa

Nơi chỗ tĩnh cư, an thiền và viết lách, tôi có treo một bức thư pháp viết hai câu thơ của vua Trần Thái Tông: “Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách, nhật viễn gia hương vạn lý trình”. Câu thơ ấy ngày nào đi vô, đi ra tôi cũng thấy, cốt ý chỉ để tự thầm lặng nhắc nhở mình:“Coi chừng tâm viên ý mã nghe! Đừng có mải miết, miệt mài gió bụi ham chơi như khách lãng đãng phong trần, cứ mỗi ngày, mỗi ngày (nhật viễn) như thế sẽ xa cách quê nhà cả hằng vạn dặm đường!”
Lạ lùng! Hóa ra, khi tự khuyến hóa xong, tôi thấy mình lầm lũi bộ hành vượt hằng vạn dặm đường trở về quê nhà ngay tức khắc, chỉ một vài sát-na thôi!

Bạn có thể hiểu quê nhà là gì nhỉ? Quê nhà là chốn cố hương,mái nhà xưa cũ,chân diện mục của mình, là con người thực của mình chớ có gì khác đâu! Tuy nhiên, điều không ngờ tới thì đấy là cách nói khác của chánh niệm, trở về với thực tại thân, thọ, tâm và pháp, ngay bây giờ đây, ngay hiện tại đang là!

Ồ, kỳ quặc, mỗi ngày, mỗi ngày mình xa cách cả hằng vạn dặm đường cái quê nhà, cái con người thực của mình ư?

Quả như thế đấy, các bạn!

Hãy theo dõi tiến trình của đời người, nhân và quả, tương duyên tương sinh của nó để thấy mình mỗi ngày mỗi xa cách con người thực, khuôn mặt xưa cũ của mình ra sao!

Con người từ khi mới sinh ra thì tâm thức đang còn muội lược, yếu ớt, tất thảy mọi quan năng đều có ghi nhận ngoại giới nhưng đa phần là do tưởng tri (saññā) chưa có thức tri (viññāṇa); còn tuệ tri (pajānāti - paññāṇa) thì không thể. Dần dà qua thời gian, khi mẹ cho bú mớm, dỗ dành, à ơi, nâng niu, khi đói, lúc khát - những nhu cầu sinh lý cơ thể đã bắt trẻ đòi hỏi, kêu khóc, có nghĩa là nó bắt đầu hướng ra thế giới bên ngoài để tìm kiếm, thu thập thông tin. Đến bốn năm tuổi, từ tưởng tri, bé đã bắt đầu hình thành thêm thức tri - những thức tri đơn giản để xử lý lúc đói, lúc no, lúc vui cười, lúc kêu khóc, lúc đòi hỏi cái nầy, cái khác. Như vậy, qua giao tiếp với cha mẹ, anh em, mọi người trong gia đình, trẻ đã tích lũy được những kiến thức cơ bản để có thể đáp ứng nhu cầu lẫn những sinh hoạt thông thường của tuổi thơ. Lớn lên tí nữa, qua tuổi thiếu niên, đến thanh niên, nhờ học tập từ gia đình, bè bạn, học đường và cộng đồng xã hội, kết hợp với khả năng tư duy, chiêm nghiệm, phán đoán mà kỹ năng và kinh nghiệm ngày càng phong phú, đa dạng và cũng dĩ nhiên là ngày càng phức tạp hơn. Rồi đến lúc có sự nghiệp, lập gia đình, phải ứng phó với mưu sinh, công việc; trong tương giao phức tạp với đủ mọi hạng người xấu tốt, thương ghét khác nhau mà cái thức tri ấy càng trưởng thành hơn, dạn dày kinh nghiệm hơn. Nói cách khác, thức tri không ngớt được tô bồi, tích lũy do dòng nghiệp cũ hiển lộ, tiếp sức cho dòng nghiệp mới thì kho tàng và bộ máy của trí năng càng hình thành cá biệt tính, huân trưởng những chủng nghiệp tạo nên dòng chảy riêng biệt, thành một con người, một chúng sanh, một ngã tính không ai giống ai. Cái tốt là ở đây mà cái xấu cũng có từ đây vậy. Chánh tà, thiện ác, đúng sai, vui khổ, trí ngu, sang hèn đã được thiết định do vô minh và nghiệp chi phối, vẽ ra, phác họa nên!

Nếu một người không thể tiếp thu thông tin cần thiết từ bên ngoài thì anh ta không ích dụng gì cho cuộc đời, chỉ mang đến hệ lụy cho thân nhân quyến thuộc. Vì vậy, hướng ra bên ngoài, từ tuổi thơ cho đến lúc trưởng thành, không phải là một sai lầm mà đó chính là điều kiện tiến hóa tất yếu của đời sống con người trong cộng đồng xã hội. Cái sai lầm để đưa đến phiền não, khổ đau, chán chường, thất vọng - chính là ở chỗ khác, chỗ do điều kiện tương sinh: Con người do hướng ngoại để tầm cầu, săn đuổi không ngưng nghỉ, dần dà đến một lúc nào đó, họ chỉ sống với cái bên ngoài mình, chạy theo nhu cầu và đáp ứng, đáp ứng và nhu cầu! Và thế là cái “con người thực” của họ, đã bị họ quên đi, và họ chỉ biết sống với danh vọng, sự nghiệp, tiền tài, quyền lực. Cái vỏ bọc bên ngoài ấy được trau chuốt, điểm trang, được làm cho đẹp đẽ, được ngụy tạo như thực, được thổi lồng vào đấy những giá trị cao cả hoặc những lợi ích “rất nhân văn và rất thực tế”: Một cái “giả ngã tuyệt vời” để thay thế cho cái “thực ngã” (con người thực) lần hồi bị mất đi và họ tưởng lầm đó là mình thật! Cái ảo tượng đã đánh tráo thực tượng một cách rất ngoạn mục! Các bạn có thấy ra điều ấy không? Và ai trong chúng ta đã đánh mất mình từ lâu rồi? Và ai trong chúng ta cũng đang lần hồi khoác những “mặt nạ bản ngã” khác nhau mà không tự biết? Bi thảm và bi khốn là ở chỗ ấy! Cả nhân loại này đang sống với cái giả ngã, với “con người lạ mặt” ấy?! Và chung thân làm người khách phong trần, mỗi ngày mỗi xa cách quê hương?!

Đấy là cõi lưu đày miên viễn cho tất cả chúng ta, có phải?

Sự thực chưa dừng lại ở đó.

Trên mỗi đối tượng tiếp xúc hàng ngày, nhất là những đối tượng ưa thích, trìu mến hoặc những đối tượng liên hệ đến tiền tài, danh vọng, địa vị, chúng ta không ngừng gia tăng những tình cảm ưa ghét, tham sân, loại trừ, lựa chọn, thích, không thích... Ở một mức độ nào đó, điều này xem ra cũng là chuyện tự nhiên, bình thường trong đời sống của một con người có gia đình và sự nghiệp phải lo toan; nhưng khi đối diện với tình huống, những thái độ mang “dấu ấn ngã tính” này ngày càng được tích luỹ, vun bồi, gia tăng, phát triển cho đến lúc trở nên quá sâu dày, kiên cố thì chúng đã bắt đầu trở nên nguy hiểm! Tại sao vậy? Vì từ đây, chúng ta đã hình thành những thành kiến, cố chấp, những hận thù, oan kết hay những say mê, chìm đắm trong thế giới bên ngoài, đến độ chúng ta “đánh mất khả năng quay trở lại chính mình”. Những người làm chính trị say mê hào quang danh vọng, địa vị và quyền lực; những kẻ nhân danh tín ngưỡng, tôn giáo câu mị tín đồ; những nhóm người ái quốc dân tộc cực đoan; những người khoác những chiếc áo với mọi nhân danh cao cả; gần hơn và cụ thể hơn là nhưng kẻ đam mê chết sống với cổ phiếu, cá độ, những kẻ ghiền cờ bạc, rượu chè, ma tuý thì điều này biểu hiện quá rõ ở khắp mọi nơi trên thế giới, xung quanh chúng ta. Quá rõ họ là những kẻ “vong thân và tha hóa”, họ đã xa cách quê nhà cả hằng vạn dặm đường rồi! Dĩ nhiên, nó đem đến đau khổ cho mình, cho người; có trường hợp lại lây lan ảnh hưởng cho cả quốc độ, đôi khi cho cả thời đại. Nhưng thật ra, ở mỗi chúng ta, sống trong những mức độ tha hóa và vong thân khác nhau cũng không phải là ít; bằng chứng là khi yêu ai, giận ai, khi thất bại, nhục nhã ê chề, chúng ta có thể quên ăn, mất ngủ, đứng ngồi không yên; có kẻ thì lo âu sợ hãi và có người lại dễ trở nên thất thần, đãng trí, điên cuồng. Kết quả ấy, đơn giản chỉ vì tâm chúng ta đã bị chìm đắm quá sâu vào ngoại cảnh. Chúng ta đã nô lệ quá nhiều vào thế giới bên ngoài. Chúng ta đã sống với cái bên ngoài và xem cái bên ngoài ấy “là cái giá trị thực, là cái hạnh phúc thực” cho đời mình. Rồi khi mà các “giá trị ảo, hạnh phúc ảo” ấy, điên đảo tác động nghịch chiều, tương tác theo định luật nhân quả công minh và lạnh lùng thì những nỗi đau khổ, thống khổ tất định như cơn lũ lụt cuồng nộ đổ tràn xuống thân tâm có cơ chúng ta không còn chịu đựng nổi nữa. Lúc đó chúng ta muốn “chánh niệm để trở về lại với thân tâm mình, con người thực của mình” để tìm một chút bình an, thanh thản - dù một chút thôi - cũng không phải dễ dàng gì!

Và ai trong chúng ta hãy nhìn ngắm thử xem. Khi mà cái tâm quá nhiều bận rộn với thế giới bên ngoài, mưu toan, lo nghĩ, giải quyết, tính toán lăng xăng; và cả khi tham sân, ái ố, hỷ nộ đã trở nên cá tính bình thường - thì xem chừng, cái tâm ấy sắp tiêu ma rồi! Và hiện nay, trên thế giới, xung quanh chúng ta, biết bao nhiêu là cái tâm bị bệnh tật, bị tiêu ma như thế, các bạn có biết không? Ồ, quá nhiều! Và mọi thuốc thang, phương dược thần kỳ, y học hiện đại cũng chẳng thể nào chữa trị cho những cái tâm bệnh tật ấy! Xã hội văn minh này, tiện nghi vật chất phong phú này, hiện có không biết bao nhiêu kẻ có tâm hồn rách nát, hoang vu, tàn phế bi thảm và đáng thương như thế!?

Phải tỉnh táo, sáng suốt để nhìn cho ra sự thật ấy các bạn ạ!

Vậy, chánh niệm, quay nhìn lại chính mình là gót chân đầu tiên định hướng trở về với mảnh đất thực tại, trở về với mái xưa, quê hương cũ chớ có gì lại lùng đâu!

Nói rõ thêm một chút nữa.

Những ai trong chúng ta thử ngồi yên lặng một lát, một lát thôi, chỉ ngồi yên lặng và lắng nghe hơi thở vào, hơi thở ra mà ngồi không được, ngồi không yên, cái tâm cứ cựa quậy, nhúc nhích, móng vọng chỗ này, chỗ kia thì hãy coi chừng - là triệu chứng bất ổn rồi đấy! Trầm kha hơn thì có kẻ không dám ngồi mà nhìn mình, đối diện với cái tâm của mình, vì nó xấu xa, tởm lợn quá, dơ dáy quá, giống như bãi rác chợ chiều! Đấy là triệu chứng của cái tâm đã bắt đầu hư mục, phế thải, chỉ có nước đem quăng vào nghĩa địa! Nói cách khác, nếu cứ mãi thích sa đà, ham chơi ở bên ngoài, đã chìm đắm quá sâu vào các đối tượng ngoại giới thì trở lại với chánh niệm giống như vọc nước tìm trăng! Một người đang bận tâm, đang bị chìm đắm trong những kỷ niệm vui buồn quá khứ, đang toan tính cho một mơ ước tương lai hoặc đang tức giận ai đó, đang tương tư, thương nhớ người nào thì khó có thể tập trung vào hiện tại, khó trở lại với chính mình, khó trở về với thực tại thân thọ tâm và pháp đang là, bây giờ đây!

Chánh niệm là trở lại với thân tâm, là an lập nền tảng chân xác cho thực tại để từ đó mà thấy biết, suy nghĩ và nói năng cho được đúng đắn, khỏi phải sai lầm để đưa đến đau khổ, phiền não. Nói cách khác cho khái quát hơn: Chánh niệm giống như chuẩn bị mảnh đất thân tâm, an lập thực tại để chúng ta sẽ cấy trên đó những giống cây tri thức, kiến thức, tình cảm, nhận xét, so sánh, phán đoán và cả những kinh nghiệm trong đời sống tương giao nhân quần, xã hội.

Vậy, sau khi được thư giãn, buông xả, nghỉ ngơi hoàn toàn (như buổi nói chuyện về thư xả hôm trước) thì tâm trí chúng ta sẽ tự động quay về với thực tại thân thọ tâm pháp. Trở lại với chính mình, trở về lại với thân tâm mình, tức là trở về thực tại mà thiền vipassanā gọi là chánh niệm. Chánh niệm ở đây là không lang thang hướng ngoại cầu huyền, bỏ quên chính mình, tức là không bỏ quên thực tại đang diễn ra ngay nơi thân tâm, ngay nới sự sống đang là của mỗi người.

Và cũng từ đây, bắt đầu từ chánh niệm trọn vẹn, khi thân thọ tâm pháp đã được an lập thì cảm giác nào, cái gì, pháp nào xảy ra nơi thân, nơi thọ, nơi tâm, nới pháp, bạn đều thấy rõ, biết rõ. Thấy rõ, biết rõ là chức năng của chánh kiến, của tuệ tri. Nói cách khác, có chánh niệm trọn vẹn thì chánh kiến mới có mặt. Có chánh kiến tất có tỉnh giác, tỉnh thức và tuệ tri như thực. Do vậy, tuệ quán vipassanā sẽ nhìn ngắm tham sân như nó là; và vì do tham sân vốn là duyên khởi, vô ngã tính, nên nó đến rồi nó sẽ đi theo định luật của tâm và pháp. Vậy thì chúng ta không cần diệt tham sân mà tham sân cũng tự động vắng lặng. Còn nếu bạn muốn chấm dứt tham sân bằng tư tâm sở, bằng thức tri thì bạn có biết, ý muốn chấm dứt đó cũng phát xuất từ tham sân, cũng chính là hoạt động của cái ngã tính hay không?

Như vậy, chánh niệm có mặt thì tỉnh giác, tuệ tri có mặt. Và cũng chỉ có chánh niệm, tỉnh giác, tuệ tri trọn vẹn mới làm cho tham sân đoạn tận mà không cần thiết một nỗ lực, một phương pháp thiết định nào cả. Các bạn hãy thực tập như vậy, trong đời sống thường nhật rồi các bạn sẽ chứng nghiệm, kinh nghiệm được sự thật tuyệt vời ấy thì phiền não và tham ưu trên đời này không cần phải tay xoa, tay phủi mỏi mề mà chúng cũng tự động rơi rụng, mất tích, vô tăm, vô tung đúng như câu thơ này:  Bụi, đừng xoa, đừng phủi. Ngắm nhìn tĩnh tại thôi. Gió lao xao khóm trúc. Mất tích ở cuối vời”.

Và thế là chúng ta sẽ không còn lang thang phiêu dạt, lãng đãng phong trần nữa, mà đã trở lại với mái nhà xưa, đã trở về với quê hương cũ, với bản lai chân diện mục nguyên sơ, mà ở đấy, mọi phiền ưu, khổ nạn không có chỗ dung thân. Rỗng không, vô ngã tính, tam giải thoát môn cùng với ta hãy cạn chung trà an nhiên tự tại như là chúng đang là...

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/10/2023(Xem: 698)
Rồi tôi đi sâu vào vườn trầm, đi mãi vào ...rừng trầm để mong tìm những cây trầm đại thụ, và tôi đã gặp bao cao Tăng tu hành tại đây, không chỉ các sư tại Âu Châu mà còn từ Hoa Kỳ, Úc, Canada ...nữa cơ. Các vị đã trao cho tôi bao trầm hương qua lời giảng của quí Sư dựa theo lời dạy của Đức Phật. Những thỏi trầm quí mang tên: Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Bát Nhã, Phổ Môn, Chú Đại Bi, Thập Chú, Thần Chú..v.v..và.v.v.Ôi, nhiều lắm, rồi với thời gian, nếu thành tâm trân quí và nắm giữ những thỏi trầm, thì hương trầm của nó cũng ít nhiều tỏa hương thơm ngát đánh bạt những sú uế mà bụi đời đã phủ lên người chúng ta.
15/03/2023(Xem: 3633)
Từ khi con người bắt đầu quy tụ sống thành nhóm, thành đoàn, và sau này phát triển đông đảo thành cộng đồng, xã hội, quốc gia, người ta đã biết tổ chức phân quyền, đưa ra những nguyên tắc luật lệ chung để mọi người dân sống trong cộng đồng quốc gia phải tuân theo. Những ai phạm tội phá rối trị an sẽ bị đem ra xét xử và trừng phạt theo nội quy luật lệ của quốc gia nơi họ cư ngụ. Có như thế thì mọi sinh hoạt trong cộng đồng xã hội mới giữ được trật tự, đời sống cá nhân mới được bảo đảm an toàn.
23/09/2022(Xem: 2124)
Giáo lý Bốn thánh đế là giáo pháp quan trọng nhất của những người học và tu tập theo lời dạy của Đức Phật. Cho dù chúng ta thuộc truyền thống Nguyên Thuỷ hay truyền thống Đại Thừa cũng đều tu học từ nền tảng giáo pháp này. Trong Bốn thánh đế thì đạo thánh đế gồm 37 pháp và thường được gọi là 37 phẩm trợ đạo. Trong đó thì Bát chánh đạo là căn bản nhất vì “Bát chánh đạo gồm có hữu lậu và vô lậu” (Trong Tạp A-hàm, Kinh Quảng Thuyết Bát Thánh Đạo, số 785 và Trong kinh Trung Bộ III, Đại Kinh bốn mươi, do Hòa thượng Minh Châu dịch).
17/11/2021(Xem: 19399)
Nghiệp, phổ thông được hiểu là quy luật nhân quả. Nhân quả cũng chỉ là mối quan hệ về tồn tại và tác dụng của các hiện tượng tâm và vật trong phạm vi thường nghiệm. Lý tính của tất cả mọi tồn tại được Phật chỉ điểm là lý tính duyên khởi.266F[1] Lý tính duyên khởi được nhận thức trên hai trình độ khác nhau. Trong trình độ thông tục của nhận thức thường nghiệm, quan hệ duyên khởi là quan hệ nhân quả. Chân lý của thực tại trong trình độ này được gọi là tục đế, nó có tính quy ước, lệ thuộc mô hình cấu trúc của các căn hay quan năng nhận thức. Nhận thức về sự vật và môi trường chung quanh chắc chắn loài người không giống loài vật. Trong loài người, bối cảnh thiên nhiên và xã hội tạo thành những truyền thống tư duy khác nhau, rồi những dị biệt này dẫn đến chiến tranh tôn giáo.
13/11/2021(Xem: 10101)
“Bát Thánh Đạo” là phương pháp tu hành chơn chánh cao thượng đúng theo qui tắc Phật giáo mà đức Thế Tôn đã có lời ngợi khen là quí trọng hơn tất cả con đường tu hành, là con đường không thẳng cũng không dùn, không tham vui cũng không khắc khổ, vừa thành tựu các điều lợi ích đầy đủ đến hành giả, hiệp theo trình độ của mọi người. Cho nên cũng gọi là “TRUNG ĐẠO” (Majjhimapaṭipadā) là con đường giữa. Ví như đàn mà người lên dây vừa thẳng, khải nghe tiếng thanh tao, làm cho thính giả nghe đều thỏa thích. Vì thế, khi hành giả đã thực hành đầy đủ theo “pháp trung đạo” thì sẽ đạt đến bậc tối thượng hoặc chứng đạo quả trong Phật pháp không sai. Nếu duyên phần chưa đến kỳ, cũng được điều lợi ích là sự yên vui xác thật trong thân tâm, từ kiếp hiện tại và kết được duyên lành trong các kiếp vị lai. Tôi soạn, dịch pháp “Bát Thánh Đạo” này để giúp ích cho hàng Phật tử nương nhờ trau dồi trí nhớ và sự biết mình. Những hành giả đã có lòng chán nản trong sự luân hồi, muốn dứt trừ phiền não, để
03/09/2021(Xem: 5333)
Có những người làm gì cũng hay, viết gì cũng hay. Tôi luôn luôn kinh ngạc về những người như vậy. Họ như dường lúc nào cũng chỉ ra một thế giới rất mới, mà người đời thường như tôi có ngó hoài cũng không dễ thấy ra. Đỗ Hồng Ngọc là một người như thế.
08/10/2020(Xem: 7627)
1- Hãy khoan hồng tha thứ, biết thiện thì làm, tới đâu thì tới. 2- Sống trong cuộc đời, muốn được thong thả rảnh rang thì đừng dính đến quyền lợi. 3- Làm việc hễ thuận duyên thì làm, không thuận thì phải khéo léo nhẫn nhịn để vượt qua. 4- Ăn chay, thương người, thương vật, tụng kinh. 5- Việc ác chớ để phạm, điều lành phải nên làm. 6- Thương người cùng thương vật, niệm Phật và tham thiền. 7- Chánh niệm đứng đầu là 3 niệm : Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. 8- "Hằng ngày ăn thịt chúng sanh mà mong giải thoát, điều đó không bao giờ có điều đó được". 9- Mót thời gian để tu, đừng bỏ qua, gặp việc thì làm; rảnh việc thì nhiếp tâm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. 10- Thông minh hiểu biết nhiều, coi chừng không bằng ông già bà lão ăn chay niệm Phật.
01/03/2020(Xem: 11576)
Kinh Viên Giác là kinh đại thừa đốn giáo được Phật cho đó là “Con mắt của 12 bộ kinh”. “Con mắt” ở đây theo thiển ý có nghĩa là Viên Giác soi sáng nghĩa lý, là điểm tựa, là ngọn hải đăng cho các bộ kinh để đi đúng “chánh pháp nhãn tạng”, không lạc vào đường tà và tu thành Phật. Khi nghe kinh này, đại chúng kể cả chư Phật và chư Bồ Tát đều phải vào chánh định/tam muội, không bình thường như những pháp hội khác.
28/11/2019(Xem: 7139)
Ấn độ là một trong những quốc gia nổi tiếng trên thế giới vì đất rộng, người đông, có dãi Hy mã lạp sơn cao nhất thế giới, có một nền văn minh khá cao và lâu đời, con số 0, số Pi (3,1416...) do người Ấn sử dụng đầu tiên trong toán học, Kinh Vệ Đà đã được người Ấn sáng tạo từ 1800 đến 500 năm trước công nguyên, Ấn Độ là quê hương của đức Phật, hay nói khác hơn đó là nơi đạo Phật phát sinh, ngày nay đã lan tràn khắp thế giới vì sự hành trì và triết thuyết của đạo Phật thích ứng với thời đại. Do đó việcTime New Roman tìm hiểu về Ấn Độ là một điều cần thiết.
17/04/2019(Xem: 4967)
Những pháp thoại của Lama Yeshe là độc nhất vô nhị. Không ai thuyết giảng được như đức Lama. Tự nhiên lưu xuất trong tâm, trực tiếp ngay bây giờ; mỗi lời nói của ngài là một cẩm nang hướng dẫn để thực tập. Tiếng anh của đức Lama rất tốt. Khó có người sử dụng nhuần nhuyễn như ngài. Với tính sáng tạo cao, đức Lama đã biểu hiện chính mình không chỉ qua lời nói, mà còn thể hiện tự thân và trên khuôn mặt. Làm sao để chuyển tải hết sự truyền trao huyền diệu này trên trang giấy? Như đã đề cập ở chỗ khác, chúng tôi trình bày với yêu cầu này cách tốt nhất có thể.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567