Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

84. Ý nghĩa và chức năng tác dụng của một ngôi chùa.

19/06/201420:11(Xem: 3555)
84. Ý nghĩa và chức năng tác dụng của một ngôi chùa.

Phật lịch 2554

Dương lịch 2010 - Việt lịch 4889

THÍCH PHƯỚC THÁI

100 CÂU HỎI PHẬT PHÁP

TẬP 2


 

84. Ý nghĩa và chức năng tác dụng của một ngôi chùa.

 

Hỏi: Kính thưa thầy, con là một Phật tử đã từng đi chùa từ lúc còn thơ ấu. Dù đã đi như thế, nhưng thú thật cho đến hôm nay, con cũng vẫn chưa hiểu rõ về nguyên ủy xuất phát, cũng như ý nghĩa và tác dụng của ngôi chùa như thế nào. Có người hỏi con về việc nầy, nhưng con không biết phải trả lời ra sao cho người đó hiểu. Vậy nay con kính xin thầy hoan hỷ giải đáp cho con hiểu rõ về vấn đề nầy. Con xin cám ơn thầy.

 

Đáp: Câu hỏi của Phật tử mới nghe qua tuy đơn giản, nhưng đây lại là một vấn đề mang tính chuyên sâu rộng lớn. Ngôi chùa tuy hiện diện trước mắt chúng ta, nhưng muốn hiểu rõ về nội dung cũng như hình thức tác dụng của nó, thiết nghĩ cũng không phải là chuyện dễ dàng. Vấn đề nầy, đâu phải chỉ riêng có Phật tử không hiểu, mà hầu như đại đa số Phật tử chúng ta, ít có ai chịu khó nghiên cứu tìm hiểu tường tận về vấn đề nầy. Với một đề tài sâu rộng như thế, mà chúng tôi chỉ trình bày giới hạn trong phạm vi trả lời câu hỏi, thì chắc chắn là chúng tôi không thể nào nói hết tầm mức quan trọng về ý nghĩa sâu xa và tác dụng của ngôi chùa được.

 

Tuy nhiên, để khỏi phụ lòng Phật tử đã hỏi, ở đây, chúng tôi cũng chỉ xin trình bày một cách dón gọn đơn sơ qua một vài nét khái quát, theo sự hiểu biết nông cạn của chúng tôi mà thôi. Nếu có dịp, tôi thành thật khuyên Phật tử nên nghiên cứu tìm hiểu sâu rộng cặn kẽ hơn. 

 

Trước hết, xin nói sơ qua về những tên gọi của nó. Chùa, tiếng Hán Việt gọi là tự. Nó còn có những tên khác như: Tăng già lam, Già lam, Phạm sát, Lan nhã, Tùng lâm, Tinh xá, Đạo tràng v.v… Có chỗ gọi là tự viện. Tiếng Phạn tương đương với tự viện là Vihara.

 

Truy nguyên về nguồn gốc của ngôi chùa, ta thấy, ở vào thời kỳ đức Phật Thích Ca, thì có hai ngôi tinh xá xuất hiện nổi tiếng sớm nhứt ở Ấn Độ. Một là tinh xá Trúc Lâm ở thành Vương xá do vua Tần Bà Sa La (Bimbisara) kiến lập. Hai là tinh xá Kỳ Hoàn hay còn gọi là Kỳ Viên (Jetavena) ở thành Xá vệ, do trưởng giả Tu Đạt Đa (Anathapindika) tạo dựng để cúng dường cho Phật và chúng tăng cư trú.

 

Còn ở Trung Quốc, theo sử liệu cho biết, ngôi chùa đầu tiên có tên là Hồng Lô Tự, do triều đình xây dựng để tiếp đãi tăng khách bốn phương. Thường các vị tăng Tây Vực (Ấn Độ) khi đến Trung Quốc thì trước tiên thường hay đến nơi nầy để nghỉ và rồi sau đó mới đi nơi khác. Do đó về sau, gọi nơi tăng ni ở là “Tự” tiếng Việt gọi là chùa. Đó là những ngôi chùa đầu tiên đã được kiến lập ở Ấn Độ và Trung Quốc.

 

Riêng ở Việt Nam, chúng tôi thấy trong quyển Đạo Phật Việt Nam, xuất bản năm 1995 tại TP Hồ Chí Minh, Hòa Thượng Thích Đức Nghiệp có nói đến ngôi chùa Yên Phú, thuộc xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Ngôi chùa nầy có mặt dài lâu nhứt trên đất nước Việt Nam tức vào khoảng thế kỷ thứ III trước Tây lịch. Ngoài ra, trong quyển Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam tập 1, khi nói về nhà Sư Phật Quang và di tích đầu tiên của Phật Giáo Việt Nam, giáo sư Lê Mạnh Thát cũng có đề cập đến một ngôi chùa cổ ở trên núi Quỳnh Viên. Nhưng rất tiếc ông không có nêu rõ tên chùa.

 

Nếu nói một cách chung chung, thì từ khi đạo Phật du nhập vào đất nước ta, khi đã có hình bóng của các vị tăng sĩ tu hành truyền đạo, tất nhiên là phải có những cơ sở cho những vị đó trú ngụ hoằng pháp. Cơ sở đó chính là ngôi chùa. Dĩ nhiên, trong thời kỳ phôi thai nầy, chắc chắn là những ngôi chùa đã được dựng lên, tất phải còn đơn sơ nghèo nàn lắm. Làm gì có được những ngôi chùa đầy đủ tầm vóc nguy nga tráng lệ, nghệ thuật kiến trúc thẩm mỹ độc đáo như sau nầy.

 

Về tác dụng của ngôi chùa, trước hết phải nói ngôi chùa mang chức năng là một cơ sở giáo dục. Nói chung, dù chùa nhỏ hay lớn, đơn sơ hay hoành tráng, đều có chung một mục đích là mang tính tác dụng giáo dục. Thử nhìn lại, những giai đoạn hưng vong, thạnh suy của dân tộc và Phật giáo, lịch sử đã chứng minh, bất luận thời nào, ngôi chùa cũng đóng một vai trò then chốt quan trọng trong việc điều hướng giáo dục quần chúng nhân dân. Có thể nói chùa là cái nôi là cái lò rèn luyện chuyên đào tạo cho mọi người hướng thiện tu hành.

 

Có những ngôi chùa biến thành như một ngôi trường làng, đề ra chương trình giáo dục thực tiễn nhằm xây dựng đạo đức nhân bản cho con người. Mục đích là nhằm đào tạo con người có được đời sống tâm linh phong phú và trên hết là chất liệu văn hóa tình người. Đó là con đường hướng đến Chân, Thiện, Mỹ, mà những vị tăng ni đóng vai trò chủ chốt trong việc đào tạo nầy. Một học giả đã viết: “Thời Giao Châu đô hộ phủ, các lò huấn dục nhân tài ắt phải ở tại các ngôi chùa Phật giáo cổ xưa, vốn thân cận với nhân dân bị trị, nơi quy tụ tín ngưỡng của nhân dân” (PGVN, Nguyễn Đăng Thục, T, 284)

 

Ngoài ra, ngôi chùa còn là một hình ảnh thân thương rất quen thuộc gần gũi với nếp sống hiền hòa của những người dân quê mộc mạc. Câu nói: “Đất vua, Chùa làng” đã cho ta thấy cái giá trị tín ngưỡng thiêng liêng trong tình tự hài hòa gắn bó thể hiện trong nếp sống tình cảm chơn chất đơn thuần của người dân quê. Vì chùa là mái ấm che chở ấp ủ nuôi dưỡng đời sống tâm linh của họ. Họ xem ngôi chùa như là một mái ấm gia đình chung. Do đó, nên họ cùng nhau quyết tâm đóng góp xây dựng bảo vệ và phát huy mạnh mẽ. Mái chùa là niềm an ủi xoa dịu những nỗi buồn u uất đè nặng trong tâm hồn của họ. Và vì thế nên họ không thể nào quên được.

Mai nầy tôi bỏ quê tôi

Bỏ trăng, bỏ gió, chao ôi bỏ chùa.

 

Bỏ quê bỏ cả gió trăng nhưng niềm đau nhứt là phải bỏ chùa! Làm sao có thể quên được? Vì chùa là nơi mà họ đã từng tới lui ấp yêu tràn đầy những kỷ niệm yêu thương gắn bó nhớ nhung. Đã thế, bảo sao họ có thể quên lãng cho được! Đó là một tình cảm thật thân thiết đậm đà nồng nàn, chứng tỏ hình ảnh của ngôi chùa nó đã ăn sâu trong lòng người Việt Nam như là một dấu ấn sâu đậm không thể nào phai nhòa trong tâm trí của họ. Chính vì lẽ đó, nên chúng ta cũng không lạ gì, khi thấy bất cứ nơi đâu có đông đảo đồng hương Phật tử sinh sống, thì chắc chắn nơi đó sẽ mọc lên ngôi chùa.

 

Mái chùa che chở hồn dân tộc

 Nếp sống muôn đời của tổ tông.

 

Chùa là một biểu tượng thiêng liêng thấm sâu vào lòng dân tộc Việt từ ngàn xưa. Như nước thắm sâu vào lòng đất. Do đó, dù đã trải qua mấy ngàn năm thăng trầm, thạnh suy, vinh nhục, vật đổi sao dời, qua phân ly tán, nhưng hình ảnh của ngôi chùa vẫn mãi mãi hiên ngang hiện hữu tồn tại trong lòng người dân Việt.

 

 Quả đúng như lời thơ của Vũ Hoàng Chương đã viết:

 

 

…Dân tộc ta không thể nào thua

Đạo Phật ta đời đời sáng lạn

Dầu trải mấy qua phân ly tán

Nhưng vẫn còn núi còn sông

Còn chót vót mãi ngôi chùa.

 

Đây cũng còn là nơi để chúng ta tôn thờ hướng lòng tri ân và báo ân đối với các bậc tiền nhân, những vị đã có công lao dựng nước và giữ nước, gần nhứt là các đấng sanh thành đã dày công khó nhọc giáo dưỡng chúng ta nên người.

 

Về thực chất đạo đức, ngôi chùa còn có tác dụng trực tiếp hướng dẫn con người hướng thiện. Nền luân lý đạo đức của Phật giáo dạy người Phật tử phải ăn ở hiền lành. Năm giới cấm của người Phật tử tại gia, đó là năm nguyên lý đạo đức căn bản mà người Phật tử phải giữ gìn cẩn thận. Đồng thời phải ý thức và áp dụng lý nhân quả vào đời sống. Có thế thì người Phật tử mới tránh được những điều tội lỗi. Đó là hướng tiến thăng hoa đạo đức của người Phật tử trong việc tu thân tề gia và đem lại nhiều lợi ích cho nhân quần xã hội. Thử hỏi được thế do đâu? Nếu không có ngôi chùa, thì làm sao người Phật tử có thể quy tụ công phu thực tập tu học thành công như thế?

 

Nói tóm lại, ngôi chùa ngoài hình thức ngoại diện như lối kiến trúc thẩm mỹ mang tính chất nghệ thuật tuyệt hảo biểu trưng đầy đường nét hoa văn dân tộc tính ra, nó còn có nhiều chức năng nhằm nuôi dưỡng đời sống tâm linh và đóng góp xây dựng nếp sống đạo đức hiền hòa cao đẹp cho con người theo chiều hướng thánh thiện. Đồng thời, nó cũng còn đáp ứng được những nhu cầu tín ngưỡng, thờ phụng, lễ bái, tu học, sinh hoạt xã hội của mọi tầng lớp dân chúng. Do đó, ngôi chùa thật là quan trọng mà chúng ta cần phải có bổn phận bảo tồn duy trì và phát huy mạnh mẽ trong tinh thần phụng sự nhơn sinh vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/02/2013(Xem: 4039)
Từ bi không chỉ là đồng cảm. Trên thực tế, nó là tâm hiểu được sự bình đẳng, bình đẳng giữa bản thân và người khác, giữa tốt và xấu, bình đẳng trong mọi hiện tượng nhị nguyên.
04/12/2012(Xem: 6315)
Để cho người bệnh có được một cái vốn căn bản, thì đầu tiên chúng ta nên cố gắng hướng dẫn cho người hộ niệm cái vốn căn bản vững vàng trước.
02/12/2012(Xem: 5900)
LỜI NHẮN NHỦ CỦA LÃO HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG Khi tai kiếp đến người đáng ở sẽ được ở, người đáng đi thì phải đi. Sống chết đều có số, phú quý mạng đã định, tránh không được, thoát không khỏi. Người số không bị nạn, dù đại tai kiếp đến vẫn được sống sót bình an. Điều duy nhất ở hiện tại có thể tự cứu và độ tha chính là nghe đại Kinh giải, y giáo phụng hành, lão thật niệm Phật, buông xả vạn duyên, cầu sanh Tịnh-độ. Công đức niệm Phật bất khả tư nghì. Chỉ có niệm Phật, sửa lỗi mới giảm bớt tai nạn. Những phương pháp khác không còn kịp nữa! Diệt trừ vọng niệm. Tất cả đều tùy duyên là tốt.
18/11/2012(Xem: 10592)
Quyển THIỀN TÔNG QUYẾT NGHI TẬP này do thiền sư Đoạn Vân Trí Triệt soạn vào đời Nguyên, được ấn hành vào niên hiệu Khang Hi thứ 6 (1667) đời Thanh, sau đó được xếp vào Đại Chính Tạng tập 48, trang 1009.
14/11/2012(Xem: 9900)
Ai cũng phải chết nên chết là điều đáng sợ. Tuy nhiên không phải ai cũng được trải qua tuổi già, nên dầu tuổi già còn đáng sợ hơn cái chết, người ta vẫn chúc tụng nhau sống lâu trăm tuổi, đầu bạc răng long. Vì không phải ai cũng thấy được những cái khổ của tuổi già.
08/11/2012(Xem: 15794)
Giáo phái Thanh Hải cũng có những hình thức có vẻ tương tự, mà mới nghe nói qua, ai cũng tưởng giống đạo Phật hay một đạo nào khác...
31/10/2012(Xem: 5338)
Đức Phật dạy chúng ta hãy vất bỏ mọi thái cực. Đó là con đường thực hành chân chính, dẫn đến nơi thoát khỏi sanh tử. Không có khoái lạc và đau khổ trên đường này...
13/10/2012(Xem: 9354)
Kinh Tứ Niệm Xứ là cốt lõi của Thiền Phật Giáo, có thể nói nếu không thông suốt tinh yếu của kinh này thì việc hành thiền sẽ như người lạc trong rừng sâu chỉ đi loanh quanh, khó tìm lối thoát.
12/10/2012(Xem: 3596)
Luật nhân quả khiến chúng ta phải trải qua những kết quả của việc ta đã làm. Những nơi mà chúng ta trải qua sự chín muồi của nghiệp được gọi là sáu cõi luân hồi.
10/10/2012(Xem: 9317)
Kamma hay nghiệp chỉ là hành động, một “việc làm”. Những hoạt động của chúng ta được thực hiện theo ba cách: bằng thân, bằng tâm, và bằng lời nói. Mỗi hành động quan trọng được thực hiện vì muốn có một kết quả, tức phải có một mục đích, một mục tiêu. Nghĩa là ta muốn có một điều gì đó đặc biệt xảy ra như kết quả của nó. Ước muốn này, cho dù có nhẹ nhàng thế nào chăng nữa, cũng là một hình thức của tham ái. Nó bộc lộ khát ái đối với sự hiện hữu và đối với hành động. Hiện hữu là để hành động ở mức này hay mức khác mà thôi. Sự sống hữu cơ bao gồm những hoạt động hoá học; sự sống tinh thần bao gồm những hoạt động tâm lý. Vì vậy, sự sống và hành động (nghiệp) không thể tách rời nhau.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567