Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

30. Bậc Chiến Thắng Bất Diệt

15/03/201410:18(Xem: 34385)
30. Bậc Chiến Thắng Bất Diệt
mot_cuoc_doi_bia_3



Bậc Chiến Thắng Bất Diệt,
Bạn Của Ta Giờ Ở Đâu?






Sớm hôm ấy, tại Kỳ Viên tịnh xá, chư tăngi ai cũng lấy làm ngạc nhiên, tò mò khi thấy một trung niên thợ săn, hình dong cao lớn, râu ria xồm xoàm, bước ào vào cổng, cất giọng ồm oàm, hỏi vị này, vị kia, cũng chỉ một câu hỏi:

“- Bậc chiến thắng bất diệt, bạn của ta, giờ ở đâu?”

Hay tin, đức Phật mỉm cười, bảo tỳ-khưu thị giả:

- Hãy bảo người ấy vào gặp Như Lai!

Và sau khi, người thợ săn ấy vào gặp đức Phật, không biết ngài đã giáo giới như thế nào mà buổi chiều, đức Phật bảo tôn giả Sāriputta sắm sửa y bát, và tôn giả Mahā Kassapa chủ trì cho ông ta thọ đại giới.

Câu chuyện lạ lùng ấy làm cho chư tăngi bàn tán suốt mấy hôm. Đức Phật phải đích thân kể chuyện lại một cách vắn tắt là:

- Sau khi thành đạo dưới cội bồ-đề, trên đường về Vườn Nai gióng trống pháp, Như Lai gặp một vị đạo sĩ trên đường ngược chiều, ông ta chính là Upaka thuộc phái Ājivakā. Thuở ấy, Như Lai đã gieo một hạt giống, và hạt giống ấy hôm nay đã nảy mầm, tăng trưởng nên ông ta đã tìm đến đây xin xuất gia sống đời phạm hạnh. Rồi ông ta sẽ đắc được quả Bất Lai, và bà vợ của ông ta, sau này sẽ đắc quả A-la-hán đấy!

Các vị đa văn, các vị kết tập sư, sau này đã cố gắng tìm hiểu câu chuyện, sắp đặt lại bố cục, tình tiết rồi họ thuật lại như sau:

- Upaka là một nhà tu khổ hạnh trẻ tuổi, đẹp trai; vì ở lâu trong rừng núi nên người ta gọi chàng là “ẩn sĩ thanh tịnh!”; lại nữa, chàng có đôi mắt đen rất đẹp nên người ta cũng gọi chàng là “đạo-sĩ-mắt-đen!”

Thuở nhỏ, Upaka đã lìa bỏ gia đình, xin xuất gia theo giáo phái Ājivakā, từ đó, rừng núi là nơi chàng chọn lựa để tu tập thiền định. Ngày ngày, Upaka đi khất thực đâu đó rồi trở lại ngôi rừng thân yêu của mình, nhưng tâm chàng cứ như vượn hoang, như khỉ núi chẳng an trụ được. Nhưng mọi người thấy dung mạo, cử chỉ, thái độ và hạnh độc cư thanh tịnh của Upaka nên cứ đồn đãi chàng là một vị A-la-hán.

Ven khu rừng có một xóm làng nhỏ, ít người nhưng đời sống khá sung túc nhờ ruộng rẫy, gỗ quý và cả nghề săn bắn. Ở đây, ai cũng tín mộ, thương quý chàng. Đặc biệt, có một gia đình trùm thợ săn hào phú kia thường trực đặt bát cho đạo sĩ mắt đen.

Hôm nọ, sau cuộc vân du trở về, trên đường ngược chiều, Upaka trông thấy một người, một sa-môn trung niên (đức Phật). Chàng đứng sững lại...

Sa-môn kia không cao lớn thái quá, chẳng phải gầy, chẳng phải mập mà đầy đặn. Y áo chẳng phải cũ, chẳng phải mới mà thanh sáng và hài hòa. Tất cả nơi ông sa-môn đều toát ra cái chừng mực, vừa phải nhưng đẹp, uy nghi và gợi cảm một cách lạ lùng.

Upaka bước tới rồi bước lui, nhìn ngắm mê mải. Có một thứ ánh sáng sáu màu, khi đậm, khi nhạt, khi lan rộng như hòa lẫn giữa hư không; lúc thì thu nhỏ lại, rực rỡ, tỏa hắt ra, lung linh, chập chờn rồi yên lặng, phẳng lặng như mặt nước hồ thu không gợn sóng.

Đến gần hơn tí nữa thì Upaka hoàn toàn bị nhiếp phục bởi sự trầm tĩnh, ổn định, an lạc toát ra từ đôi mắt, từ bước đi... Có một sự khôn ngoan vượt ngoài thế giới, sự minh triết rạng ngời, một trí tuệ siêu đẳng ở ẩn đâu đó, không chỉ nơi vừng trán bát ngát thông minh, mà còn ở nơi cả từng sợi tóc, lông mi, từng ngón tay, lóng tay và cả ngón chân nữa!

Upaka tự nghĩ: “Đấng này, vị sa-môn này, chắn chắn không phải là người, là phạm thiên chăng?”

Sau đó, Upaka cất tiếng chào, mở lời thân thiện, tán thán rằng:

- Ôi! Con người của bạn nó tỏa ra sự an ổn và thanh tịnh làm sao! Rồi còn nước da nữa, sao mà trông như mạ vàng ròng, chắc sức khỏe của bạn dồi dào lắm! Thế thì bạn tên chi? Xuất gia với ai? Bạn tin tưởng vào giáo pháp nào?

Đức Phật, sau đó, cũng hỷ xả cho Upaka biết rằng:

- Như Lai là bậc đã vô nhiễm giữa trần cảnh, đã đoạn tận ác pháp, đã tịch tĩnh, vô dục, đã bước ra khỏi mọi chấp kiến bản thân và thế gian điên đảo kiến. Như Lai đã chiến thắng tam giới, chứng quả Vô Thượng Giác thì Như Lai đâu còn cần xuất gia với ai nữa? Giữa chúng chư thiên, ma vương, phạm thiên thì Như Lai đứng một mình và là thầy của họ.

Nay Như Lai đang đi về Bārāṇasī, tại Vườn Nai để quay bánh xe pháp, gióng tiếng trống bất tử cho chúng sanh tỉnh giấc mộng dài...

Upaka bèn nói:

- Mong rằng sự thật đúng như bạn nói. Bạn thật xứng đáng được gọi là bậc Chiến Thắng Bất Diệt!

Đức Phật đáp:

- Này Upaka! Kẻ giải thoát ra khỏi mọi trói buộc trần gian xứng đáng được gọi như vậy. Kẻ mà ma quân, phiền não không còn tìm thấy dấu vết, xứng đáng được gọi như vậy. Các đức Như Lai, Chánh Đẳng Giác thường được danh xưng là Tối Thượng Tôn, Vô Năng Thắng, là bậc Chiến Thắng Bất Tử, Chiến Thắng Vô Tận, Vô Hạn Định!

Upaka gật đầu lia lịa:

- Thật đúng như vậy! Thôi, này bạn của ta, chào bạn và chúc bạn sức khỏe!

Sau khi đối thoại với đức Đạo Sư, tán thán đức Đạo sư, gật đầu lia lịa, chào “bạn của ta”, Upaka không dừng chân ở giáo pháp này, chàng bỏ đi. Bằng đường tắt, Upaka trở lại lều cỏ, nơi khu rừng Vakahara thân yêu của mình. Lại khất thực, lại thiền định, lại tâm viên ý mã, lại đi về thanh tịnh, trang nghiêm; lại được mọi người kính mộ coi chàng như là một bậc A-la-hán.

Gia đình ông trùm thợ săn kia có cô con gái đào tơ, sen ngó; nàng là pho tượng, là tác phẩm tuyệt mỹ của thợ trời, thợ nghiệp. Nàng đẹp đến nỗi, ông thợ săn không dám cho con gái đi đâu, sợ làm phiền hà, rầy rà các chàng trai trẻ trong vùng! Nàng tên là Cāpā.

Hôm kia, vì cả nhà đi vắng, nên Cāpā phải ra đặt bát cho chàng “đạo-sĩ-mắt-đen”. Thế là Upaka chết lặng, sững sờ, tiếng sét ái tình đột ngột như đập vỡ trái tim chàng. Căn nhà khép cửa đã lâu mà chàng như còn mãi chôn chân một chỗ, không rời chân đi được.

Cuối cùng, Upaka như người mất hồn, lững thững lê bước về ngôi lều cỏ, tâm thần choáng váng như vừa uống một tách rượu say. Upaka không ăn, không uống gì được. Chàng ngồi trọn bảy ngày như thế, bình bát chưa hề mở ra.

Trong sâu xa mơ hồ, Upaka thấy rõ tâm tư và quyết chí của mình: “Một là ngồi chết khô, hai là phải lấy được cô con gái kia làm vợ!”

Sau thời gian đi công việc trở về, ông trùm thợ săn chợt hỏi cô con gái rượu:

- Này con thân! Bậc A-la-hán của chúng ta vẫn đều đặn đến đây khất thực đó chớ!

- Thưa cha! Một lần thôi.

- Sao kỳ vậy chứ? Ngài có đi vân du ở đâu không?

- Các bậc A-la-hán thường nhập định bảy ngày, chắc ngài “đạo-sĩ-mắt-đen” của chúng ta là như thế chăng?

Ông trùm thợ săn cảm giác có cái gì đó không ổn, hối hả đi vào rừng. Đến cửa lều, nhìn qua nệm cỏ, thấy một cái xác vô hồn đang ôm bình bát trong lòng, đôi mắt lờ đờ, mê dại...

- Ối! Ông thợ săn hớt hãi la to - Ngài bị bệnh gì? Hay là ma nhập? Ối! Quỷ ma gì đây trời đất ơi!

Upaka tỉnh lại, nhận ra người thợ săn, mệt mỏi, xiêu ngã đứng dậy, bình bát rơi đổ tung tóe những thức ăn đã mốc meo. Rồi bất ngờ nhất, Upaka ôm chầm lấy người thợ săn khóc nức nở...

Người thợ săn hoảng hồn, hoảng vía, gỡ ra không được, hỏi dồn dập:

- Sao vậy? Sao kỳ lạ vậy ngài? Bệnh gì đây? Ma quỷ gì đây hở trời?

- Ông ơi! Tôi chết mất thôi! Upaka mở miệng, tiếng được tiếng mất, sau đó nói một hơi - Con gái ông đã lấy hồn tôi, đã làm cho tôi bị bệnh. Cái bệnh này còn vạn lần đau khổ hơn cái bệnh thân xác. Ông hãy cứu tôi! Tôi không phải là bậc A-la-hán đâu. Tôi chỉ là kẻ tầm thường. Tôi đi tu là vì yêu thích hình bóng của các ông đạo sĩ. Nay thì tôi yêu thương con gái của ông hơn. Con gái ông đã chiến thắng tôi, là bậc “chiến thắng bất diệt”! Ông ơi! Ông hãy giải thoát cho tôi khỏi mối tương tư. Một là tôi chết khô, hai là ông cho tôi người con gái. Nàng là một thiên thần, là người trên đầu trên cổ tôi, là thượng đế của tôi! Ông ơi! Ông hãy cứu tôi!

Nói như vậy là hết kinh điển, hết chữ nghĩa, hết tín ngưỡng, hết thiêng liêng, thần thánh...

Ông thợ săn bối rối, ngỡ ngàng trước sự việc như thế. Hồi lâu, nghĩ cũng cám cảnh thương tình, ông ân cần, dịu dàng nói:

- Thôi được rồi! Để tôi giải thoát mối đau khổ cho ngài. Thời tuổi trẻ tôi cũng đã từng biết yêu thương nên tôi hiểu.

Nhìn bậc tu hành từ dung sắc chói sáng, tuyệt mỹ mà phút chốc trở nên xanh xao, tiều tụy, ông thợ săn thương cảm xiết bao. Nhưng nghĩ cũng có điều thực tế nan giải, ông bèn nói:

- Mà này ngài ạ! Khi cưới nhau rồi, chẳng thể “một mái nhà tranh, hai quả tim vàng mà được đâu!” Ôi! Người ta bảo rằng: “Hạnh phúc thường phải ăn ngon, mặc đẹp, bạn mà cho nó ăn rau, uống nước lã thì nó sẽ phủi chân và bỏ đi ngay!” Ngài xuất gia từ nhỏ, ít quen được nắng mưa lam lũ, nghề chân nghề tay trệ vai, đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Con gái tôi vì là con một nên tôi cưng chìu, tôi “nâng như nâng trứng, tôi hứng như hứng hoa”. Tuy không giàu hơn ai nhưng nó ưng gì được nấy. Nó qưen mặc xiêm lụa kāsi, quen vòng hoa pātaliṃ. Tóc tai nó, thân thể nó quen ướp hương haricandana tuyệt hảo; da thịt nó óng ánh ngọc ngà như nụ paduma mới nở. Vậy ngài định làm gì mà có thể nuôi nổi nó?

Upaka vừa thòng hai chân xuống cuộc đời, đã vấp phải sự thật như cục đá ngáng đường, im sững.

Ông thợ săn gục gặc đầu, nói tiếp:

- Đấy! Ngài tính đi! Bụng làm dạ chịu. Tôi cũng thương ngài lắm, nhưng thực tế nó vậy, biết làm sao?

Sau một hồi suy nghĩ, Upaka nói:

- Ông đã thương thì thương cho trót. Thú thiệt, tôi chẳng biết một nghề gì. Nhưng những khi ông bắn rơi một con chim, bẫy được một con thú, tôi có thể “làm nghề” lượm chúng, mang xuống chợ bán để đổi gạo, đổi thức ăn cho cả... gia đình ta?

Cầm lòng không đậu, ông thợ săn tốt bụng gật đầu, dẫn về nhà, cho y phục rồi đem đến trình diện cô con gái rượu:

- Này con gái thân! Bắt đầu từ nay, cha nuôi ‘bậc ẩn sĩ trong nhà’, con chịu chứ?

Nàng Cāpā đã đoán ra mọi sự, nhưng giả vờ ngớ ngẩn hỏi:

- Bậc ẩn sĩ sao lại ẩn trong nhà có con gái?

- Không! Đây là bậc ẩn sĩ đã hết ẩn sĩ rồi!

- Sao kỳ vậy cha?

- Vì bây giờ ổng ẩn tại gia, có nghĩa là muốn nhận cha làm nhạc gia!

Nàng Cāpā kêu ré lên, bỏ chạy. Ông thợ săn vui vẻ cất tiếng cười hào sảng. Upaka mặt đỏ bừng, cúi gằm xuống mà lòng thấy hạnh phúc vô cùng...

Cũng là duyên, cũng là nợ. Cũng là nợ, cũng là duyên. Cái quả của sự gặp gỡ, thương yêu nhau, tuy hơi hiếm muộn, đến hơn mười năm sau, họ mới có được một mụn con trai, xinh xắn, bụ bẫm.

Đến lúc này thì sắc đẹp, tính nết nàng không còn như thời con gái nữa. Upaka bây giờ mới thấy thấm thía rằng, cái hạnh phúc vợ chồng mà chàng ước ao, bên người con gái đẹp như tiên nga ấy, hóa ra cũng tầm thường thôi. Nó khác xa so với trí tưởng tượng của chàng. Hơn thế nữa, thực tế áo cơm nó nghiệt ngã quá. Chàng đã phải nay núi này, mai núi khác. Gió sương, mưa nắng, khuôn mặt chàng đã cứng queo, khô quắp, nước da đã chai sạn màu đồng hun, đâu còn là chàng đạo-sĩ-mắt-đen đẹp trai năm xưa nữa! Làm “nghề lượm thịt săn” không đủ sống, chàng phải phụ thêm đốn củi, đốt than cùng nhiều nghề chân tay khác đến đổ mồ hôi, sôi nước mắt!

Vất vả, gian lao quá, đôi khi chàng mơ màng nghĩ đến đời sống nhàn cư, thanh tịnh cũ. Thỉnh thoảng, chàng tưởng nhớ đến hình bóng của người bạn gặp trên đường, bậc “Chiến Thắng Bất Diệt” ấy!

Nàng Cāpā rất thương chồng, thấy vì vợ con mà chàng cơ khổ, lam lũ cũng cám cảnh than dài. Nhưng, như chim đã liền cánh, bóng đã dính hình, âu nhân, âu duyên đành phải thế!

Một hôm con khóc, nàng vô tình hát rằng:

“- Ầu ơ... ru con, con ngủ cho ngoan

Cha con ẩn sĩ lượm thịt săn giữa rừng

Ầu ơ... ẩn sĩ rớt bát nửa chừng

Vì con, vì vợ còng lưng tháng ngày!”

Nghe được, Upaka tức giận nói:

- Này nàng Cāpā! Nàng nói ta “ẩn sĩ lượm thịt săn, ẩn sĩ rớt bát!” Nàng chế nhạo ta vừa vừa thôi chứ! Cục đá mà có tai, nó cũng chảy nước mắt vì câu nói của nàng đó! Ta không có cúi đầu, còng lưng mãi ở trong cái ngôi nhà này đâu! Ta biết ta là kẻ ăn đậu, ở nhờ, vô gia cư, vô nghề nghiệp. Ta biết thân, biết phận của mình lắm. Nói cho nàng biết, chẳng phải ta là kẻ tứ cố vô thân không nơi nương tựa đâu. Ta có một người bạn. Bạn của ta là “bậc Chiến Thắng Bất Diệt!” Ta sẽ đến ở với bạn của ta!

Thấy chồng vì tự ái mà nổi giận, nàng Cāpā đấu dịu, phân trần:

- Em không có ý nghĩ như vậy đâu, chàng-mắt-đen của em! Sự thực, em thấy chàng suốt ngày cúi đầu và còng lưng lượm thịt săn một cách vất vả, một cách khốn khổ. Vì yêu chàng mà em hát cho con nó nghe đó thôi!

Upaka gằn giọng:

- Nàng có cách nói hai nghĩa, nghĩa đằng đầu và nghĩa đằng đuôi! “Cúi đầu và còng lưng!” Chà! Ta biết quá mà! “Ẩn sĩ lượm thịt săn!” Chà! Lời mỉa mai hay nhỉ! Ta nói cho nàng biết, ta đã sa chân xuống đầm lầy khốn cùng và tủi nhục. Ta tỉnh ngộ rồi. Ta sẽ xuất gia trở lại. Ta sẽ đi theo bạn ta, nương tựa nơi bạn ta, bậc “Chiến Thắng Bất Diệt!”

- Chớ có tức giận em, chàng-mắt-đen của em! Có thể em đã dại dột, lỡ lời, xin chàng thứ tội!

Upaka lồng lên:

- Ta không có thứ tội. Chí ta đã quyết. Ta sẽ rời khỏi ngôi làng này, ngôi nhà này, nơi ta đã bị trói buộc, bị quyến rũ bởi sắc đẹp ma quái của nàng. Ích gì cái kỷ niệm đau xót này!

Nàng Cāpā năn nỉ:

- Ôi! Chàng-mắt-đen của em! Hãy ở lại! Chớ có bỏ đi! Em không dại dột thế nữa đâu. Em sẽ hầu hạ chàng, phục tùng chàng, là nô lệ của chàng!

Upaka cười lạt:

- Không thể nữa đâu, này nàng Cāpā! Lời rủ rê của nàng có thể làm cho trăm vạn nam nhân phải bủn rủn, mê mệt - nhưng ta thì không thể nữa đâu!

Nàng Cāpā xuống nước, mềm mỏng, gợi tình:

- Chàng-mắt-đen của em! Em đã đến nỗi nào! Em vẫn còn như cây takkāriṃ nở hoa trên đầu núi. Những vòng hoa pataliṃ vẫn rực rỡ hương sắc hiến tặng chàng. Những chiếc xiêm lụa kāsi vẫn làm dịu mắt chàng. Tóc em, da thịt em vẫn còn ướp hương haricandana thơm lừng lựng!

Upaka chợt cất giọng ráo hoảnh, chậm rãi:

- Bây giờ nàng lại định dùng mồi sắc đẹp để bủa giăng cánh chim trời đấy phỏng? Dẫu nàng là dòng dõi thợ săn thiện xảo đến bảy đời, cánh chim kia cũng chỉ một lần sa lưới thôi!

Đến lượt nàng Cāpā tức giận:

- Chàng nói thế mà nghe được sao? Em bủa giăng hay tự chàng bước chân vào lưới?

Upaka nín lặng. Nàng Cāpā quắc mắt:

- Này! Còn đứa con thì tính sao đây?

- Là quyền của nàng!

- Thế giả dụ tôi đánh nó, tôi giết nó thì ông cũng không thèm cứu ư?

- Nó từ trong núm ruột của nàng mà rứt ra, là máu huyết của nàng - thì nàng muốn làm gì đó thì làm!

Nàng Cāpā chợt thở dài. Thế là hết rồi. Con hổ đã muốn trở lại rừng xưa . Chàng đã trở lại với cái tâm xuất ly thanh tịnh. Sắc đẹp ta, nụ cười ta, vòng tay ta và cả con cái nữa, đã bất lực trước chàng.

Nàng Cāpā buồn bã, cất giọng dịu dàng:

- Chàng-mắt-đen của em! Chàng đành đoạn bỏ đi, không thương xót em và con sao?

Trái tim của Upaka thoáng xao xuyến, dẫu cố gắng trấn tĩnh nhưng giọng nói đã mềm đi:

- Ta cũng biết thế. Nhưng nàng hãy thông cảm cho ta. Ta phải tự cứu mình!

Nàng Cāpā đã hiểu, tự nghĩ:

“- Chẳng phải Upaka đã hóa thành gỗ đá. Chàng vẫn còn thương vợ, xót con nhưng vì đã quá đau khổ, không còn chịu đựng nổi hoàn cảnh ràng buộc với những tế toái của đời sống nên nói cứng, nói gắt ngoài miệng thế thôi. Vậy nếu ta thật tình yêu thương chàng thì hãy để chàng ra đi cho tròn ước nguyện!”

Nghĩ vậy, nàng Cāpā gạt nước mắt, nói:

- Thôi, đã vậy thì chàng hãy ra đi đi, ở nhà, mọi việc em lo liệu được. Nhưng chàng đi đâu?

Upaka cảm động, nắm tay Cāpā:

- Cảm ơn em! Cảm ơn em đã hiểu ta. Việc ta đi đâu thì em không cần phải lo lắng. Ta sẽ đến với bạn của ta, bậc “Chiến Thắng Bất Diệt!”

- Vị ấy ở đâu?

- Ta cũng không biết. Nhưng cách đây đã hơn mười năm về trước, bạn của ta đi gióng tiếng trống bất tử ở Vườn Nai tại Bārāṇasī. Còn bây giờ thì không rõ chiếc xe pháp ấy lăn bánh về đâu cũng không rõ nữa!

- Vậy làm sao mà tìm?

- Nàng yên trí, bạn ta nổi tiếng lắm! Lúc xuống chợ búa trao đổi hàng, ta có gặp một vài đoàn đạo sĩ, vài đoàn du sĩ, họ nô nức đi chiêm bái vị ấy. Đấy là một vị Phật, một đức Chánh Đẳng Giác, là bậc thầy của chư thiên và loài người!

Im lặng khá lâu giữa hai người.

Nàng Cāpā chợt nói:

- Vậy thì khi gặp vị ấy, đấng ấy, hãy nhiễu quanh ba vòng về phía hữu, chàng thay mặt em, đảnh lễ vị ấy giùm em!

Upaka mỉm cười sung sướng:

- Phải thế! Nói vậy là đúng đắn. Vì lợi ích cho cả hai ta, ta sẽ tỏ lòng cung kính vị ấy đúng y như vậy!

Chuyện chấm dứt ngang đó. Nhưng sau này, nàng Cāpā kia, nghe nói, cũng gởi con trai cho ông ngoại, theo chân Upaka, xuất gia với trưởng lão ni Gotamī. Vậy là ‘thiên tình sử’ hy hữu của họ được truyền tụng qua cửa tai của mọi người.

Sau này, lại có kẻ đặt ra một câu kệ thơ để ví von trường hợp chàng đạo sĩ mắt đen và cô con gái “tan” rồi lại “hợp” trong giáo pháp bất tử:

“- Tích xưa, chuyện cũ rành rành

Có khi gương vỡ lại lành hơn xưa!”

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/10/2023(Xem: 1261)
Rồi tôi đi sâu vào vườn trầm, đi mãi vào ...rừng trầm để mong tìm những cây trầm đại thụ, và tôi đã gặp bao cao Tăng tu hành tại đây, không chỉ các sư tại Âu Châu mà còn từ Hoa Kỳ, Úc, Canada ...nữa cơ. Các vị đã trao cho tôi bao trầm hương qua lời giảng của quí Sư dựa theo lời dạy của Đức Phật. Những thỏi trầm quí mang tên: Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Bát Nhã, Phổ Môn, Chú Đại Bi, Thập Chú, Thần Chú..v.v..và.v.v.Ôi, nhiều lắm, rồi với thời gian, nếu thành tâm trân quí và nắm giữ những thỏi trầm, thì hương trầm của nó cũng ít nhiều tỏa hương thơm ngát đánh bạt những sú uế mà bụi đời đã phủ lên người chúng ta.
15/03/2023(Xem: 5192)
Từ khi con người bắt đầu quy tụ sống thành nhóm, thành đoàn, và sau này phát triển đông đảo thành cộng đồng, xã hội, quốc gia, người ta đã biết tổ chức phân quyền, đưa ra những nguyên tắc luật lệ chung để mọi người dân sống trong cộng đồng quốc gia phải tuân theo. Những ai phạm tội phá rối trị an sẽ bị đem ra xét xử và trừng phạt theo nội quy luật lệ của quốc gia nơi họ cư ngụ. Có như thế thì mọi sinh hoạt trong cộng đồng xã hội mới giữ được trật tự, đời sống cá nhân mới được bảo đảm an toàn.
23/09/2022(Xem: 2764)
Giáo lý Bốn thánh đế là giáo pháp quan trọng nhất của những người học và tu tập theo lời dạy của Đức Phật. Cho dù chúng ta thuộc truyền thống Nguyên Thuỷ hay truyền thống Đại Thừa cũng đều tu học từ nền tảng giáo pháp này. Trong Bốn thánh đế thì đạo thánh đế gồm 37 pháp và thường được gọi là 37 phẩm trợ đạo. Trong đó thì Bát chánh đạo là căn bản nhất vì “Bát chánh đạo gồm có hữu lậu và vô lậu” (Trong Tạp A-hàm, Kinh Quảng Thuyết Bát Thánh Đạo, số 785 và Trong kinh Trung Bộ III, Đại Kinh bốn mươi, do Hòa thượng Minh Châu dịch).
17/11/2021(Xem: 25315)
Nghiệp, phổ thông được hiểu là quy luật nhân quả. Nhân quả cũng chỉ là mối quan hệ về tồn tại và tác dụng của các hiện tượng tâm và vật trong phạm vi thường nghiệm. Lý tính của tất cả mọi tồn tại được Phật chỉ điểm là lý tính duyên khởi.266F[1] Lý tính duyên khởi được nhận thức trên hai trình độ khác nhau. Trong trình độ thông tục của nhận thức thường nghiệm, quan hệ duyên khởi là quan hệ nhân quả. Chân lý của thực tại trong trình độ này được gọi là tục đế, nó có tính quy ước, lệ thuộc mô hình cấu trúc của các căn hay quan năng nhận thức. Nhận thức về sự vật và môi trường chung quanh chắc chắn loài người không giống loài vật. Trong loài người, bối cảnh thiên nhiên và xã hội tạo thành những truyền thống tư duy khác nhau, rồi những dị biệt này dẫn đến chiến tranh tôn giáo.
13/11/2021(Xem: 13378)
“Bát Thánh Đạo” là phương pháp tu hành chơn chánh cao thượng đúng theo qui tắc Phật giáo mà đức Thế Tôn đã có lời ngợi khen là quí trọng hơn tất cả con đường tu hành, là con đường không thẳng cũng không dùn, không tham vui cũng không khắc khổ, vừa thành tựu các điều lợi ích đầy đủ đến hành giả, hiệp theo trình độ của mọi người. Cho nên cũng gọi là “TRUNG ĐẠO” (Majjhimapaṭipadā) là con đường giữa. Ví như đàn mà người lên dây vừa thẳng, khải nghe tiếng thanh tao, làm cho thính giả nghe đều thỏa thích. Vì thế, khi hành giả đã thực hành đầy đủ theo “pháp trung đạo” thì sẽ đạt đến bậc tối thượng hoặc chứng đạo quả trong Phật pháp không sai. Nếu duyên phần chưa đến kỳ, cũng được điều lợi ích là sự yên vui xác thật trong thân tâm, từ kiếp hiện tại và kết được duyên lành trong các kiếp vị lai. Tôi soạn, dịch pháp “Bát Thánh Đạo” này để giúp ích cho hàng Phật tử nương nhờ trau dồi trí nhớ và sự biết mình. Những hành giả đã có lòng chán nản trong sự luân hồi, muốn dứt trừ phiền não, để
03/09/2021(Xem: 7242)
Có những người làm gì cũng hay, viết gì cũng hay. Tôi luôn luôn kinh ngạc về những người như vậy. Họ như dường lúc nào cũng chỉ ra một thế giới rất mới, mà người đời thường như tôi có ngó hoài cũng không dễ thấy ra. Đỗ Hồng Ngọc là một người như thế.
08/10/2020(Xem: 8999)
1- Hãy khoan hồng tha thứ, biết thiện thì làm, tới đâu thì tới. 2- Sống trong cuộc đời, muốn được thong thả rảnh rang thì đừng dính đến quyền lợi. 3- Làm việc hễ thuận duyên thì làm, không thuận thì phải khéo léo nhẫn nhịn để vượt qua. 4- Ăn chay, thương người, thương vật, tụng kinh. 5- Việc ác chớ để phạm, điều lành phải nên làm. 6- Thương người cùng thương vật, niệm Phật và tham thiền. 7- Chánh niệm đứng đầu là 3 niệm : Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. 8- "Hằng ngày ăn thịt chúng sanh mà mong giải thoát, điều đó không bao giờ có điều đó được". 9- Mót thời gian để tu, đừng bỏ qua, gặp việc thì làm; rảnh việc thì nhiếp tâm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. 10- Thông minh hiểu biết nhiều, coi chừng không bằng ông già bà lão ăn chay niệm Phật.
01/03/2020(Xem: 13655)
Kinh Viên Giác là kinh đại thừa đốn giáo được Phật cho đó là “Con mắt của 12 bộ kinh”. “Con mắt” ở đây theo thiển ý có nghĩa là Viên Giác soi sáng nghĩa lý, là điểm tựa, là ngọn hải đăng cho các bộ kinh để đi đúng “chánh pháp nhãn tạng”, không lạc vào đường tà và tu thành Phật. Khi nghe kinh này, đại chúng kể cả chư Phật và chư Bồ Tát đều phải vào chánh định/tam muội, không bình thường như những pháp hội khác.
28/11/2019(Xem: 8128)
Ấn độ là một trong những quốc gia nổi tiếng trên thế giới vì đất rộng, người đông, có dãi Hy mã lạp sơn cao nhất thế giới, có một nền văn minh khá cao và lâu đời, con số 0, số Pi (3,1416...) do người Ấn sử dụng đầu tiên trong toán học, Kinh Vệ Đà đã được người Ấn sáng tạo từ 1800 đến 500 năm trước công nguyên, Ấn Độ là quê hương của đức Phật, hay nói khác hơn đó là nơi đạo Phật phát sinh, ngày nay đã lan tràn khắp thế giới vì sự hành trì và triết thuyết của đạo Phật thích ứng với thời đại. Do đó việcTime New Roman tìm hiểu về Ấn Độ là một điều cần thiết.
17/04/2019(Xem: 5811)
Những pháp thoại của Lama Yeshe là độc nhất vô nhị. Không ai thuyết giảng được như đức Lama. Tự nhiên lưu xuất trong tâm, trực tiếp ngay bây giờ; mỗi lời nói của ngài là một cẩm nang hướng dẫn để thực tập. Tiếng anh của đức Lama rất tốt. Khó có người sử dụng nhuần nhuyễn như ngài. Với tính sáng tạo cao, đức Lama đã biểu hiện chính mình không chỉ qua lời nói, mà còn thể hiện tự thân và trên khuôn mặt. Làm sao để chuyển tải hết sự truyền trao huyền diệu này trên trang giấy? Như đã đề cập ở chỗ khác, chúng tôi trình bày với yêu cầu này cách tốt nhất có thể.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]