Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

05. Thời gian làm Thái Tử

01/03/201410:20(Xem: 19197)
05. Thời gian làm Thái Tử

phatthichca2


Sự Tích Đức Phật Thích Ca
Soạn giả : Minh Thiện Trần Hữu Danh

(Ấn bản 09/2010, có hiệu chính và bổ túc)


C- THỜI GIAN LÀM THÁI TỬ

Từ lúc đản sanh (năm –623) đến lúc xuất gia vào năm 29 tuổi.

1- Thời thơ ấu

Siddhattha dự lễ hạ điền[1]

Năm lên 7 tuổi[2], Siddhattha được đi dự lễ hạ điền ngoài cổng thành phía nam với vua cha để khai mạc mùa cày cấy. Ngồi dưới bóng mát của tàng cây ni-câu-đà[3]to lớn, Siddhattha chăm chú nhìn cảnh người dân cày tay lấm chân bùn, mình trần trùng trục dưới cơn nắng cháy, mồ hôi nhễ nhại, vừa cố gắng ấn sâu lưỡi cày xuống đất vừa cầm roi đánh và la hét con trâu. Con trâu cố sức kéo cày dưới làn roi, làm bật lên những mảng đất lớn. Những con giun quằn quại đau đớn. Những con chim bay đến tranh nhau ăn giun. Một con chồn đang lảng vảng gần đó rình bắt chim. Một anh thợ săn đang tìm cách giăng bẫy bắt chồn. Siddhattha than thầm: “Ôi! đời sống là một trường tranh đấu giết hại lẫn nhau dẫy đầy đau khổ”. Trong lúc mọi người vui vẻ theo dõi những trò vui của cuộc lễ thì Siddhattha ngồi tréo chân theo lối kiết già, trầm ngâm suy nghĩ, định tâm theo lối chỉ quán[4]và đắc sơ thiền. Trong khi thời gian trôi qua mà bóng cây ni-câu-đà ấy không di động, vẫn ở yên một chỗ che mát Siddhattha. Các cung nữ thấy hiện tượng lạ như vậy thì lấy làm ngạc nhiên đến tâu cho vua hay. Nhà vua đến nơi, đứng yên lặng nhìn hoàng tử một lúc rồi xá chào và nói: “Hỡi nầy con yêu quí, đây là lần thứ nhì Phụ vương đảnh lễ con”. Rồi nhà vua đọc bài kệ khen rằng :

“ Như lửa trên đầu núi,

“ Như trăng giữa không-gian,

“ Át hết thảy ngôi sao.

“ Ngồi thiền dưới gốc cây,

“ Uy quang chiếu sáng ngời.

“ Cũng như lúc sơ sinh,

“ Thân đã tọa thiền rồi,

“ Thần quang soi khắp cả

“ Mười phương chư chúng sinh

“ Nhân đây mà được độ.[5]

Siddhattha học văn

Từ thuở nhỏ Siddhattha đã tỏ ra thông minh xuất chúng. Trong mọi môn học, từ văn chương đến võ thuật ... ngài chỉ cần học một thời gian ngắn là hết sở học của thầy.

Năm lên 7 tuổi, vua cho mời vị giáo sư nổi tiếng tên Visavamitra (Tỳ Xa Bà Mật Đa La) vào cung dạy Siddhattha và các vương tử về Phạn văn (Sanskrit) và kinh Vệ Đà (Veda). Vừa mới gặp thầy bữa đầu Siddhattha hỏi :

Thưa thầy, tôi rất mừng hôm nay được thầy tới đây dạy bảo, tôi muốn học những sách về Phạn văn và Veda. Những bộ đó có 64 loại (Bràhmana, Nighandu, Sokkharappabhedana, Itihasa, Veyyakarana, Rigveda, Atharvaveda, ...)[6], vậy thầy định dạy về loại nào trước ?[7]

Giáo sư Visavamitra vốn là một người thông minh, tài trí, học rộng, nhưng khi nghe Siddhattha mới 7 tuổi hỏi như thế thì toát mồ hôi trán, vì chính ông cũng chưa biết hết 64 loại kinh sách mà Siddhattha vừa kể. Ông vội vàng quỳ xuống đọc bài thơ khen tặng như sau :

“ Giỏi thay! Hay thay! Chưa từng có!

“ Một người sáng suốt được như ngài.

“ Trí tuệ trong sáng vầng nhật nguyệt,

“ Thông hiểu các pháp của thế gian.

“ May mắn chúng tôi được gặp ngài

“ Qua dời gót ngọc tới học đường!

“ Những sách mà ngài vừa mới nói,

“ Quả là chúng tôi chưa từng thấy.

“ Dĩ nhiên ngài đã thông hiểu rồi!

“ Đáng làm đạo sư cho trời, người,

“ Chúng tôi đâu dám làm giáo học!

“ Cúi xin ngài sẽ chỉ bảo cho.[8]

Siddhattha học võ

Về võ thuật, khi Siddhattha được khoảng 12 tuổi, triều thần giới thiệu võ sư Kshantideva (Sàn Đề Đề Bà) là người thông hiểu 29 môn võ nghệ, để dạy hoàng tử. Võ sư được lệnh về thành, vào yết kiến vua; vua rất vui vẻ giao cho dạy Siddhattha và các vương tử khác. Đầu tiên võ sư biểu diễn các môn quyền cho các vương tử xem. Siddhattha nói: "Các môn này tôi đã thông hiểu rồi, không cần phải học". Vậy các môn ấy võ sư chỉ phải dạy cho các vương tử khác thôi. Sau đó võ sư đem hết tài lực biểu diễn các môn bí truyền cho Siddhattha xem về đô vật, cỡi ngựa, cỡi voi, lái chiến xa, sử dụng cung, kiếm, trường thương, móc câu ... Nhưng Siddhattha cũng nói: "Những môn nầy tôi đã thông hiểu cả rồi". Tới đây võ sư biết mình không có tài gì hơn để dạy, bèn làm bài kệ khen Siddhattha rằng :

" Thái tử tuổi thơ ấu,

" Học hỏi rất an nhàn,

" Chẳng mất bao công lực,

" Nháy mắt đã hiểu liền.

" Gấp trăm ngàn kẻ khác,

" Học tập biết bao năm,

" Thành công rất ít ỏi.

" Võ nghệ với văn chương,

" Thái tử vượt hơn người.[9]

Siddhattha cứu chim thiên nga[10]

Ngoài ra Siddhattha còn tỏ ra có lòng từ ái đặc biệt. Một hôm, Siddhattha vào khoảng 13 tuổi, đang chơi ngoài sân thì có con chim thiên nga bị tên bắn trúng cánh xà xuống bên cạnh. Siddhattha dịu dàng săn sóc vết thương cho con thiên nga, được một lúc sau thì có người em cô cậu là Devadatta (Đề Bà Đạt Đa), nhỏ hơn Siddhattha một tuổi, trên tay còn cầm cung tên, đến bảo rằng chính mình bắn được nên đòi bắt chim thiên nga lại. Siddhattha không chịu trả. Cuối cùng việc nầy được đưa ra triều đình phân xử. Giữa triều, Devadatta nói :

Lúc con chim thiên nga đang bay trên trời thì nó không thuộc về của ai cả. Nhưng chính tôi đã bắn trúng con thiên nga rơi xuống đất thì nó trở thành của tôi.

Siddhattha biện luận rằng :

Sự sống là điều quí nhứt trên đời, kế đó là sự tự do. Con chim thiên nga đang bay trên trời là biểu tượng của sự sống và sự tự do. Nó không thể trở thành vật sở hữu của người đã bắn nó. Vì vậy chim thiên nga phải được giao cho người bênh vực sự sống và sự tự do cho nó chứ không nên giao cho người chủ tâm giết hại nó. Giết hại là điều không nên làm. Do đó người có tâm giết hại không có quyền làm chủ sự sống và sự tự do của kẻ khác.

Sau khi thảo luận một hồi lâu, triều thần cho rằng Siddhattha có lý.

2- Tuổi trưởng thành

Siddhattha lập gia đình[11]

Khi Siddhattha được 16 tuổi, vua Suddhodana bàn tính với triều thần tìm người vợ tương lai cho Siddhattha, mong rằng với sự ràng buộc gia đình Siddhattha sẽ bỏ ý định xuất gia và sẽ trở thành một đại đế mang lại sự vẻ vang cho dòng họ Sàkya. Các vị đại thần giới thiệu nhiều cô gái nhan sắc và đức hạnh, nhưng vua Suddhodana bảo :

Siddhattha khó tính lắm ! Chúng ta phải hỏi trước xem Siddhattha thích có người vợ như thế nào.

Vâng lệnh vua, các vị đại thần liền đến gặp Siddhattha để hỏi ý kiến ngài về việc chọn lựa người vợ tương lai. Siddhattha đáp :

Bảy ngày nữa tôi sẽ trả lời quý vị.

Rồi Siddhattha tự nghĩ :

Ta đã biết rõ rằng vô số đau khổ đều do ham muốn, tham ái mà ra. Ái dục là nguồn gốc của đau khổ, xích mích, hung dữ, phiền muộn, là ly thuốc độc, là ngọn lửa, là lưỡi gươm hại người. Ta không cảm thấy sung sướng gì khi ở bên cạnh một người nữ. Tại sao ta lại không chọn lối sống yên tĩnh trong rừng ? Ở đó tâm ta sẽ được an nhàn, thảnh thơi trong cái vui thiền định.

Nhưng dưới áp lực gia đình và của mọi người xung quanh, cuối cùng Siddhattha đành tùy thuận theo truyền thống gia đình và gác lại lý tưởng xuất gia. Siddhattha nhớ lại các vị Bồ tát trước kia cũng đều lập gia đình cả. Hoa sen thanh tịnh không thể lấm bùn nhơ. Đến kỳ hẹn, Siddhattha nói với các vị đại thần :

Nếu phải lập gia đình thì tôi thích có người vợ đạo đức hơn là chỉ có sắc đẹp. Người đó phải diệu hiền, từ thiện, chân thật, không gian xảo và ganh tị, không thích se sua, rượu chè, cờ bạc và tiệc tùng. Người đó cũng phải là một cô dâu hiền, một bà chủ tốt với tôi tớ, không nề hà thức khuya dậy sớm. Người đó phải trẻ đẹp nhưng không tự cao.

Sau khi nghe các vị đại thần thuật lại lời Siddhattha, vua Suddhodana ra lệnh cho vị giáo sĩ Bà-la-môn trong triều :

Này ông Bà-la-môn, ông hãy đi khắp thủ đô Kapilavatthu, vào từng nhà tìm những cô gái có những đặc điểm mà Siddhattha đã mô tả, dù là con nhà quý tộc, hay Bà-la-môn, hay thương gia, hay nông dân cũng được. Vì Siddhattha chỉ chú trọng đến đức hạnh chứ không phân biệt giai cấp. Ông báo cho ta biết tất cả những cô gái đó.

Chẳng bao lâu, ông Bà-la-môn về báo cáo với vua về những cô gái ông đã chọn cho Siddhattha. Trong số đó ông chú ý đặc biệt đến Gopà Yasodharà (Da Du Đà La) còn có tên khác là Bhaddakaccàna, cùng tuổi với Siddhattha, con vua Suppabuddha (Thiện Giác Vương) xứ Koliya, là người có đầy đủ nhất những đặc điểm mà Siddhattha đã nêu ra. Nhà vua liền cho tổ chức một đại lễ phát quà cho những cô gái nói trên. Trong buổi lễ, từng cô gái trẻ đẹp bước đến nhận một món nữ trang quý giá do chính tay Siddhattha trao cho. Nhưng Siddhattha vẫn thản nhiên, không tỏ ra chú ý đến cô nào cả. Cuối cùng Yasodharà bước đến vái chào, đôi mắt tròn sáng, vui vẻ, diệu hiền nhìn thẳng vào mặt Siddhattha làm chàng hơi lúng túng vì không còn món nữ trang nào để tặng cho cô. Yasodharà mỉm cười nói :

Thưa Thái tử, hình như tôi có lỗi gì nên ngài không muốn tặng quà cho tôi phải chăng ?

Thưa cô, không phải vậy, chỉ tại cô đến sau cùng đó thôi. Vậy cô hãy nhận món quà này.

Nói xong, Siddhattha cởi chiếc nhẫn trong tay mình ra, trao cho Yasodharà. Nhưng Yasodharà cười nói :

Tôi không dám nhận chiếc nhẫn riêng của Thái tử đang dùng đâu ?

Cô cứ nhận đi, đây là món quà mọn của tôi tặng cô mà !

Tôi không dám ! Tôi đến đây không phải để lấy món trang sức của Thái tử mà chính là để làm món trang sức cho Thái tử.

Nói xong, Yasodharà mỉm cười và rút lui. Siddhattha thừ người nhìn theo.

Các vị đại thần đều cho rằng Siddhattha đã chú ý đặc biệt đến Yasodharà. Vua Suddhodana liền cử sứ thần đến thủ đô Devadaha xứ Koliya xin cầu hôn công chúa Yasodharà cho thái tử Siddhattha. Nhưng vua Suppabuddha gạt ngang, cho rằng chưa ai thấy Siddhattha có tài cán gì về võ thuật. Vua Suddhodana rất phiền muộn vì bị mất thể diện. Để an ủi cha, Siddhattha vén màn bí mật cho cha biết tuy chưa bao giờ biểu diễn võ thuật, chàng có thể tranh tài với bất cứ ai. Yên chí, vua Suddhodana đề nghị với vua Suppabuddha tổ chức một cuộc tranh tài về võ thuật mà người thắng cuộc sẽ thành hôn với Yasodharà.

Cuộc tranh tài gồm ba bộ môn: đãu kiếm, bắn cung và đãu vật. Có cả thảy 500 thanh niên tham dự. Về đấu kiếm, chỉ có Devadatta đở được 5 chiêu của Siddhattha, Nandà đở được 3 chiêu, còn mấy người khác chỉ đở được 1 - 2 chiêu là cùng.

Về bắn cung thì có 3 tấm bia được dựng lên từ gần đến xa, mỗi người chỉ được bắn một mũi tên vào mỗi tấm bia. Nandà chỉ bắn được một mũi tên trúng vào tâm điểm bia gần nhất, còn hai mũi kia đều ra ngoài tâm điểm. Devadatta bắn được hai mũi tên trúng vào tâm điểm bia thứ nhất và bia thứ nhì, mọi người hoan hô nhiệt liệt, nhưng đến mũi thứ ba thì ra ngoài tâm điểm. Những người khác thì cả 3 mũi tên đều sai tâm điểm. Đến phiên Siddhattha, ba lần giương cung, cung đều bị gãy. Siddhattha hỏi cha có cây cung nào khác chắc chắn hơn không. Vua Suddhodana bèn sai quân cận vệ vào đền thờ hoàng thượng Sìhahanu mang ra một cây cung thật to và nặng, không ai dùng nổi. Siddhattha giương cung một cách nhẹ nhàng, bắn cả 3 mũi tên đều trúng vào tâm của 3 tấm bia. Toàn thể khán giả vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Mũi tên cuối cùng xuyên qua tấm bia gỗ, bay xa 10 câu-lô-xá[12]về hướng đông nam, khi rơi cắm sâu xuống đất làm thành một giếng nước gọi là Giếng Tên (Sarakupa), có tài liệu gọi là Suối Tên (Arrow Spring).

Đến phần đấu vật, không ai địch nổi Siddhattha. Devadatta 3 lần bị hạ lưng chấm đất. Sau cùng Siddhattha chấp cả 36 thanh niên vào ôm mình một lượt, chàng chuyển thần lực vung tay ra một cái, cả 36 người đều ngã lăn xuống đất. Devadatta tức giận vì ganh tị, bỏ về trước.

Vua Suddhodana rất vui mừng, phấn khởi, và cao hứng sai quân hầu là Channa (Xa Nặc) dắt con ngựa chứng hung dữ Kanthaka (Kiền Trắc) ra cho mọi người cỡi thử. Vài thanh niên cỡi thử đều bị ngựa hất văng xuống đất. Siddhattha ngồi vững trên lưng ngựa cho đến khi con ngựa chịu đứng yên. Siddhattha cho ngựa chạy ba vòng sân, rồi trở lại chào vua Suddhodana và vua Suppabuddha.

Để tôn vinh Siddhattha, vua Suddhodana lại sai Channa về triều dắt con voi trắng tốt đẹp nhất của mình ra cho Siddhattha cỡi về cung. Channa vừa dắt voi ra tới cổng thành thì gặp Devadatta vừa về đến nơi. Devadatta hỏi :

Ngươi dắt voi đi đâu ?

Thưa ngài, tôi dắt voi ra cho Thái tử cỡi về.

Đang cơn nóng giận, Devadatta, tay trái nắm lấy vòi voi, tay phải đấm mạnh vào đầu voi. Con voi to lớn ngã gục chết liền, nằm chật cả cổng thành khiến người qua lại không được. Nandà tới sau, nắm vòi kéo voi ra khỏi cửa thành. Siddhattha đi trên chiến xa[13]lộng lẫy cũng vừa về đến nơi, thấy vậy lên tiếng trách Devadatta và khen ngợi Nandà, rồi bước xuống dùng thần lực nhấc voi lên ném ra xa một câu-lô-xá, khi voi rơi xuống làm lún đất thành một cái hố lớn, đến nay còn lưu truyền là Hố Voi (Hastigarta).

Lúc bấy giờ Siddhattha được 17 tuổi, lễ thành hôn với Yasodharà được tổ chức vô cùng long trọng. Sau lễ thành hôn là lễ tấn phong Hoàng tử Siddhattha làm Thái tử (Yuvaràja) kiêm Thống đốc vùng Kalishaka, lân cận thù đô Kapilavatthu. Nhưng một thời gian sau, nhận thấy Yasodharà không đủ sức quyến rũ làm cho Siddhattha bỏ ý định xuất gia, vua Suddhodana lại kén thêm cho thái tử hai bà thứ phi nữa là Gopika (Cù Di) và Migàranika (Lộc Dã), ngoài ra còn các thế nữ không kể. Nhà vua lại cho xây ba cung điện cho thái tử ở tùy theo thời tiết nóng, lạnh hay mưa.

Về cuộc đời nhung lụa ấy đức Phật đã kể lại như sau[14]:

"Đời sống của ta (lúc bấy giờ) thật là tế nhị, vô cùng tinh vi. Trong hoàng cung, chỗ ta ở, phụ hoàng có đào ao, xây những đầm sen. Khi sen xanh đua nhau khoe màu ở đây thì sen đỏ vươn mình phô sắc phía bên kia, và trong đầm bên cạnh sen trắng đua nhau khoe vẻ đẹp dưới ánh nắng ban mai. Trầm hương của ta dùng đều là loại thượng hảo hạng từ xứ Kasi[15]đưa về. Khăn và xiêm áo của ta cũng may toàn bằng hàng lụa bậc nhất từ Kasi chở đến.

"Ngày cũng như đêm, mỗi khi ta bước chân ra khỏi cung điện là có tàng lộng che sương đỡ nắng.

"Phụ hoàng cũng kiến tạo riêng cho ta ba tòa cung điện. Một để cho ta ở mùa lạnh, một mùa nóng và một mùa mưa. Trong suốt bốn tháng mưa ta lưu tại một biệt điện có đầy đủ tiện nghi, giữa những cung tần phi nữ. Cho đến hàng nô tỳ của phụ hoàng cũng được ăn sung mặc sướng chứ không phải như ở các nhà khác, gia đình chỉ được ăn cơm xấu và thức ăn cũ".

Vua Suddhodana làm đủ mọi cách để ngăn cản việc xuất gia của thái tử. Vừa tổ chức các trò chơi, ca, vũ, nhạc, kịch trong cung nội, vừa tổ chức các cuộc bố thí, phóng sinh, khuyên dân tu thiện, vừa bố trí không cho thái tử ra khỏi thành nhìn thấy cảnh dân đói khổ, già, bệnh, chết. Thái tử Siddhattha ở trong hoàng cung vui thú với năm cảnh dục lạc[16]thế gian ròng rã mười năm.

Thái tử Siddhattha nhớ đại nguyện[17]

Lúc bấy giờ ở cõi trời Tịnh Cư[18]có một vị Tiên (rishi) tên Suddhàvàsa (Tác Bình) thấy thái tử vui thú với năm cảnh dục lạc trong hoàng cung, ròng rã 10 năm, mặc dù tâm không đam mê nhưng thời gian thấm thoát qua mau không đợi người, vì thế ông đứng trên hư không lúc canh khuya lớn tiếng nói rằng: "Hỡi ngài Hộ Minh (Vessantàra) Bồ tát, xin ngài hãy sớm nhàm chán cảnh đời phàm tục mà xuất gia tu đạo. Xin ngài chớ yên vui với dục lạc mà quên đại nguyện cứu độ chúng sinh đau khổ khỏi cảnh sinh, già, bệnh, chết". Rồi ông Suddhàvàsa lại đọc bài kệ sau đây :

"Hay thay nhân giả tuổi cao rồi,

"Mau chóng xuất gia cho mãn nguyện.

"Sớm ban lợi ích khắp trời người.

"Năm cảnh dục lạc nên nhàm chán,

"Chớ đắm sáu trần[19]ở cõi đời.

"Chỉ có xuất gia hành đại trí,

"Tu thiền, định, tuệ, đạt Chơn như[20],

"Mới mong cứu được khổ luân hồi.

"Chúng sinh hoạn nạn nhiều phiền não!

"Nhân giả là bậc đại y sư

"Thuyết nhiều pháp dược chữa bệnh người,

"Mau chóng đưa lên đài thượng giác.

"Chúng bị vô minh che tối mịt,

"Cùng bao tà kiến vây ràng buộc,

"Khai thông trí tuệ được sáng ngời,

"Làm cho trời, người, mắt hết bệnh.

Thái tử Siddhattha đã nhiều đời nhiều kiếp trồng căn lành nên khi nghe trên không đọc bài kệ xong, ngài tự biết đã đến lúc xuất gia tầm đạo.

Cũng đêm đó vị Tiên Suddhàvàsa dùng thần lực làm cho vua Suddhodana chiêm bao thấy bảy cảnh tượng như sau :

1- Thấy lá phướn của vua Đế Thích từ cửa thành phương đông bay ra.

2- Thấy Thái tử cỡi con đại bạch tượng đi ra cổng thành phía nam.

3- Thấy Thái tử ngồi trên xe tứ mã từ cổng thành phía tây đi ra.

4- Thấy một cái xe lớn chở rất nhiều châu bảo trang nghiêm đi ra cửa bắc.

5- Thấy Thái tử đứng ở một con đường lớn giữa thành, tay cầm dùi đánh vào một cái trống lớn.

6- Thấy Thái tử ngồi trên lầu cao quăng châu báu xuống và có rất nhiều người lại lấy đem đi.

7- Thấy bên ngoài thành có sáu người cất tiếng khóc lớn, rồi vật mình lăn ra đất trông rất thê thảm.

Nhà vua tỉnh giấc, tâm ý bồi hồi lo sợ, sai triệu người đoán mộng vào xem thử lành dữ thế nào. Mộng sư vào hầu vua, nghe vua kể xong, suy nghĩ hồi lâu rồi tâu rằng :

Tâu Bệ hạ! Khó lắm, hạ thần không hiểu thấu, xin Bệ hạ tha thứ !

Nhà vua đang buồn lo thì có quan giữ cửa vào thưa :

Tâu Bệ hạ! Ngoài cổng thành có người xin vào đoán mộng hầu Bệ hạ.

Được, cho họ vào đây.

Tiên ông Suddhàvàsa giả làm người đoán mộng, vào đến nơi, nghe vua kể xong liền thưa rằng :

Tâu Bệ hạ! Điềm thứ nhất là thái tử sẽ xuất gia; điềm thứ hai là điềm thái tử sẽ đắc quả; điềm thứ ba là điềm thái tử được pháp tứ vô úy[21]; thứ tư là điềm thái tử thành Phật; thứ năm là điềm thái tử chuyển pháp luân; thứ sáu là điềm thái tử đắc ba mươi bảy phẩm pháp bảo[22]; thứ bảy là điềm nhóm lục sư ngoại đạo[23]lo buồn kêu khóc. Xin Bệ hạ cứ hoan hỉ, không nên lo buồn làm gì, vì đó toàn là những điềm lành.

Nói xong, tiên ông Suddhàvàsa bái tạ lui ra. Vua Suddhodana nghe xong, trong lòng tuy bớt lo buồn, nhưng lại nghĩ cách bày thêm nhiều thú vui tiêu khiển trong hoàng cung để thái tử quên chí xuất gia.

Thái tử Siddhattha dạo chơi bốn cửa thành

Tiên ông Suddhàvàsa muốn cho thái tử đi ra ngoài thành chơi để biết những việc xấu tốt của đời, mục đích khuyến khích thái tử chán bỏ năm món dục lạc[24]nơi hoàng cung. Ông giả một tên quân hầu nói chuyện với thái tử, khen chốn sơn lâm là nơi lạc thú nhất của con người. Thái tử nghe rồi đến xin phép vua cha được ra ngoài các cửa thành dạo chơi. Vua ra lệnh sửa sang đường xá, treo cờ dựng phướn trang nghiêm trên các nẻo đường thái tử sắp đi qua.

Hôm đó thái tử ngồi trên xe vàng sáng chói cùng với Channa (Xa Nặc) và đoàn quân hầu hộ tống ra cửa thành phía đông. Dân chúng được tập họp hai bên đường để rải hoa và hoan hô thái tử. Tiên ông Suddhàvàsa biến hình làm một ông lão nghèo nàn, lưng còng, răng rụng hết, đi thất thểu, mặt cúi xuống đất, hơi thở phì phào, đầu bạc như tuyết, tay chống gậy, run rẩy, khập khểnh đi qua trước xe thái tử. Thái tử nhìn thấy, ngậm ngùi hỏi Channa :

Người này làm sao thế ?

Thưa thái tử, người này là người già.

Già là gì ?

Thưa thái tử, người ta sinh ra lúc còn ít tuổi gọi là trẻ. Từ sáu mươi tuổi trở lên cơ thể suy tàn, tóc bạc da mồi, lưng còng sườn vạy, tinh thần mờ tối, thở ra không hẹn hít vào, chỉ còn chờ chết, gọi là già.

Thân ta rồi đây cũng bị như thế ư ?

Vâng! Thưa thái tử, sang hèn tuy khác nhau, có trẻ tất có già, nhất định không ai thoát khỏi cảnh già nua như ông lão này. Thái tử sau này cũng thế.

Thái tử cảm thấy buồn cho thân phận con người, liền bảo đoàn tùy tùng quày xe trở về cung. Suốt mấy hôm liền thái tử trầm ngâm suy nghĩ một mình để tìm cách thoát tướng già khổ cho tương lai mình và tất cả chúng sinh.

Một hôm khác, thái tử lại cùng với Channa và đoàn tùy tùng ra cửa thành phía nam. Suddhàvàsa biến thành một người bệnh, thân hình tiều tụy, run rẩy, nằm trên phẩn và nước tiểu của mình bên lề đường, rên rĩ thảm thiết, hầu như sắp chết. Thái tử nhìn thấy, hỏi Channa :

Người này sao lại như thế ?

Thưa thái tử, người này đang cơn bệnh nặng sắp chết.

Thế nào gọi là bệnh ?

Khi thân thể không được yên ổn, hoặc bị nóng, hoặc bị lạnh, hoặc bị đau nhức, thương tổn trong ngũ tạng, khí lực bạc nhược, tinh thần yếu đuối, mạng sống bấp bênh, gọi là bệnh.

Chỉ riêng một người này hay ai rồi cũng thế ?

Thưa thái tử, không riêng gì người này đâu, tất cả trời, người, cho đến muôn vật, không ai thoát khỏi bệnh hoạn.

Như vậy chính thân ta đây rồi cũng thế ư !

Thái tử buồn bã ra lệnh quày xe trở về cung. Suốt mấy hôm liền thái tử trầm ngâm suy nghĩ một mình để tìm cách giải thoát khỏi cảnh già, bệnh cho mình và tất cả chúng sinh.

Một hôm khác, thái tử lại cùng với Channa và đoàn tùy tùng ra cửa thành phía tây. Suddhàvàsa biến thành một xác chết nằm bên vệ đường, bắt đầu sình ươn, hôi thúi, ruồi nhặng bu quanh, trông rất ghê tởm. Thái tử kinh ngạc hỏi Channa :

Này Channa, người này sao lại như vậy ?

Thưa thái tử, đây là cái xác chết đang chờ thân nhân hỏa táng!

Sao lại gọi là xác chết ?

Thưa thái tử, con người hoặc bị bệnh nặng, hoặc bị thương tích các nơi hiểm yếu, hồn lìa khỏi xác, cơ thể không còn một chút sinh lực, chẳng khác gì gỗ đá, bỏ lại cha, mẹ, vợ, con, họ hàng, sau khi hỏa táng thân thể sẽ chỉ còn lại một đống tro tàn.

Chính thân ta rồi đây cũng lại như thế sao ?

Thưa thái tử, tất cả các sinh vật cho đến các bậc vua chúa đều không tránh khỏi cái chết.

Thái tử buồn bã ra lệnh quày xe trở về cung. Suốt mấy ngày liền, thái tử trầm ngâm suy nghĩ một mình để tìm cách giải thoát khỏi các tướng khổ già, bệnh, chết cho mình và tất cả chúng sinh.

Ít lâu sau thái tử lại cùng với Channa và đoàn tùy tùng ra cửa thành phía bắc. Suddhàvàsa lần này hóa thân làm một vị sa môn[25]mặc áo cà-sa, tóc râu nhẵn nhụi, trang nghiêm trầm tĩnh, vẻ mặt thanh thoát, chân bước khoan thai, tay cầm bát đi khất thực bên vệ đường. Thái tử ngắm nhìn một hồi, chợt nhớ lại kiếp xưa, liền xuống xe, đến trước vị sa môn đảnh lễ rồi hỏi :

Thưa ngài sa môn, xuất gia như ngài thì được lợi ích gì ?

Thưa thái tử, tôi nhận thấy con người tại gia luôn luôn bị đau khổ về sinh, già, bệnh, chết, tất cả các pháp ở thế gian đều vô thường, bại hoại, không an, nên tôi lìa gia đình, thân tộc, đến ở chỗ an nhàn, thanh vắng, để cầu thoát ách khổ não ấy. Tôi tu tập đạo vô lậu[26]giải thoát, điều phục năm giác quan[27], không cho sa ngã vào năm cảnh dục lạc[28]của thế gian, phát tâm từ bi để ban những pháp vô úy[29]cho đời, và giữ tâm bình đẳng hộ niệm[30]chúng sinh không bị ô nhiễm bởi các pháp thế gian, được đạo giải thoát. Đó là mục đích xuất gia của tôi.

Thái tử nghe xong trong lòng hoan hỉ, tự nghĩ rằng: " Trong toàn cõi nhân thiên, có lẽ chỉ có lối tu xuất gia này là hơn hết". Thái tử liền giục tả hữu quày xe trở về thành. Chiều hôm đó thái tử ngồi trầm ngâm suy nghĩ : "Chính thân ta phải chịu sanh, gìà, bệnh, chết, phiền não và ô nhiễm. Tại sao mọi người vẫn mải mê chạy theo tài sản danh vọng là những cái mà bản chất đều vô thường như vậy? Sống trong sanh, già, bệnh, chết, phiền não và ô nhiễm, ta đã nhận thức được sự tai hại của những điều ấy. Hay ta thử đi tìm cái chưa ai thành đạt, cái chân lý tuyệt đối, cái hạnh phúc tối thượng của cảnh niết bàn? "[31]. Rồi thái tử lại nghĩ: "Đời sống tại gia thật tù túng chật hẹp, là chỗ ẩn náu của bụi trần ô trược, phiền não và ràng buộc. Chỉ có xuất gia mới có thễ có được một đời sống an tịnh, thong dong, tự tại "[32].

Thái tử Siddhattha xin phép xuất gia

Sáng hôm sau, công chúa Yasodharà, đang mang thai sắp đến ngày sanh, vẻ mặt mệt mỏi, vừa thức giấc vội nói với thái tử rằng :

Thưa thái tử, hồi hôm em trằn trọc mãi không ngủ được, đến khi vừa chợp mắt thì chiêm bao thấy 20 điềm chẳng lành như sau : Em thấy quả đất lay động, lá phướn của vua Đế Thích văng xuống đất, các ngôi sao trên trời rơi rụng, một cây lộng lớn trong thành bị Channa lấy đi, và còn cắt tóc em mang đi nốt, những xâu chuỗi anh lạc trên mình em bị rơi mất cả, thân hình em bỗng trở nên xấu xí, chân tay tự nhiên rơi rụng, và thân thể lõa lồ, ngồi lên ghế thì ghế sập cẳng, nằm lên giường thì giường gãy chân, lại thấy những núi lớn sụp đổ, trong thành những cây cổ thụ gãy ngã ngổn ngang, mặt trăng mất ánh sáng, mặt trời mất tinh quang, trong thành những ngọn đuốc cháy sáng đều hướng ra ngoài, thần hộ thành kêu khóc, thành Kapilavatthu biến thành nơi hoang vắng, hoa quả trong vườn đều rơi rụng, các tráng sĩ hộ vệ chạy tán loạn. Theo em nghĩ thì 20 điềm ác mộng này có lẽ là điềm em sắp chết, hay là thái tử sắp dứt tình ân ái bỏ em mà đi hay sao ?

Đây chỉ là do công chúa lo sợ tôi đi xuất gia[33]đó thôi. Song giấc mộng này chỉ là những điềm lành, không có gì đáng lo ngại, công chúa cứ yên tâm, không nên phiền não làm chi cho mệt tinh thần[34].

Thưa thái tử, em sắp đến ngày sanh nở, con của chúng ta sắp chào đời, có thể là một hoàng nam. Xin thái tử đoái nghĩ đến mẹ con em sẽ phải sống đời hiu quạnh buồn thảm nơi hoàng cung nếu không có thái tử bên cạnh. Xin thái tử hãy ở lại với em và con, đừng đi xuất gia.

Công chúa ơi[35], có bao giờ nàng nhìn thấy một ông cụ hay một bà lão độ 80, hay 90, hay 100 tuổi không ? Lưng họ còng xuống như một mái nhà sắp sụp đổ, tay run rẩy chống gậy, dáng đi khập khểnh như sắp ngã xuống bất cứ lúc nào, tuổi trẻ đối với họ chỉ còn là một kỷ niệm xa vời, răng gãy xếu xáo, lưa thưa vài sợi tóc bạc trên đầu, da nhăn nheo như trái mướp khô ! Có bao giờ nàng nghĩ đến một ngày kia chính nàng cũng sẽ phải chịu cảnh già nua như vậy, không thế nào tránh khỏi không ?

“Công chúa ơi, có bao giờ nàng nhìn thấy một người đàn ông hay một người đàn bà đau yếu bệnh hoạn, phải chịu oằn oại trên phẩn và nước tiểu của chính mình không? Có người còn được người khác chăm sóc, có người thì không được ai chăm sóc cả ! Có bao giờ nàng nghĩ đến một ngày kia chính nàng cũng sẽ phải chịu cảnh đau yếu bệnh hoạn như vậy, không thế nào tránh khỏi không ?

“Công chúa ơi, có bao giờ nàng nhìn thấy xác của một người đàn ông hay một người đàn bà, một hai hay ba ngày sau khi chết, sình trương, nứt nẻ, hôi thúi, rục rã không? Có bao giờ nàng nghĩ đến một ngày kia chính nàng cũng sẽ phải chịu cảnh chết chóc thảm thương như vậy, không thế nào tránh khỏi không ? ...

Thôi thôi, thái tử đừng nói đến những cảnh tượng đáng ghê sợ như thế nữa, sẽ có ảnh hưởng không tốt đến con của chúng ta.

Này công chúa, ta muốn xuất gia chính là để cố tìm ra phương thức thoát khỏi những cảnh đau khổ trong sinh, già, bệnh, chết, sanh tử luân hồi cho chính ta, cho nàng, cho con chúng ta, và cho tất cả chúng sanh đang mê muội chìm đắm triền miên trong biển khổ sanh sanh tử tử. Đến khi thành công ta sẽ trở về đây để cứu nàng, cứu con và tất cả mọi người. Nàng nên can đảm ở lại chờ ta, đừng ngăn cản ta.

Công chúa Yasodharà nằm úp mặt xuống giường thút thít khóc.

Vài hôm sau thái tử vào gặp vua cha xin phép đi xuất gia :

Kính lạy Phụ vương, lòng con đêm ngày muốn xuất gia tầm đạo giải thoát, kính xin Phụ vương hoan hỉ cho con được toại nguyện.

Thái tử con ! Cha rất thương yêu con nên cha không đành lòng nào thấy con trở thành kẻ ăn xin không nhà không cửa, bữa đói bữa no, rày đây mai đó. Hơn nữa cha mong con sau nầy sẽ nối ngôi vua cai trị thiên hạ. Con đừng đi đâu hết, cứ ở lại đây với cha, rồi con muốn gì cha cũng chiều ý con.

Như Phụ vương muốn cho con ở lại thì xin Phụ vương ban cho con bốn điều này : Một là làm sao cho con trẻ mãi không già; hai là làm sao cho con mạnh khoẻ hoài không bệnh; ba là làm sao cho con sống hoài không chết; bốn là làm sao cho con học được đạo giải thoát để cứu chúng sanh khỏi những thống khổ ở đời.

Này con yêu quí, cứ theo bốn điều con xin đó thì chính cha đây cũng không có, làm sao cha ban cho con được !

Sau khi thái tử lạy tạ lui ra, vua Suddhodana buồn rầu họp tất cả những người thân tín trong hoàng cung lại, nói rằng :

Thái tử vừa lại đây xin phép đi xuất gia. Nếu ta đồng ý cho đi thì sau này không có người tài trí kế vị, vậy ai có ý kiến gì hay để giữ thái tử ở lại hoàng cung chăng ?

Tâu Đại vương, quan Tổng binh nói, hạ thần sẽ đặt 500 binh sĩ hùng tráng khỏe mạnh thay phiên nhau ngày đêm canh gác tại mỗi cửa thành, và thêm 500 binh sĩ tinh nhuệ tuần hành ngày đêm trên mặt thành, thì chắc chắn không thế nào thái tử lén ra khỏi thành được.

Tâu Hoàng thượng, Hoàng hậu Pajàpati nói, thần thiếp sẽ tăng cường thêm các thế nữ xinh đẹp nhất trong hoàng cung để ngày đêm hầu hạ thái tử, vừa giúp vui bằng các trò chơi, tiếng đàn, giọng hát, vừa trông chừng thái tử.

Các khanh ráng cẩn thận, vua nói, ta sẽ trọng thưởng.

Một hôm, thái tử Siddhattha đang đi dạo chơi trong một lâm viên ở ngoài thành, gặp lúc trời nắng tốt, thái tử xuống hồ nước trong xanh giữa những hàng cây cao vút để tắm cho mát. Trong lúc đang kỳ cọ, bỗng nghe tiếng vua trời Đao Lợi là Sakka Indra văng vẳng bên tai :

Hởi ngài Hộ Minh Bồ tát, thời kỳ xuất gia đã đến, ngài chớ nên chần chờ nữa, chúng sanh đau khổ triền miên đang cần ngài cứu độ.

Nghe xong, thái tử Siddhattha thấy lòng hăng hái phấn khởi. Vừa lúc ấy có quân hầu mang lệnh vua đến báo công chúa Yasodharà vừa sanh hoàng nam. Thái tử vui mừng lên lưng ngựa phóng nhanh về thành. Lúc thái tử hân hoan đi ngang qua, cô Kisà Gotamì đứng trên lầu nhìn thấy liền cất tiếng hát:

Hạnh phúc thay được làm cha,

“Hạnh phúc thay được làm mẹ,

“Hạnh phúc thay được làm vợ

“Của một chàng trai như thế.

Trong lúc đang vui mừng phấn khởi, thái tử Siddhattha liền quày ngựa lại, ném tặng nàng xâu chuổi ngọc đeo cổ của chàng trị giá một trăm ngàn đồng tiền vàng, rồi tiếp tục về hoàng cung. Thái tử chợt nghĩ: “Ai ai cũng mong được hạnh phúc, nhưng hạnh phúc ở thế gian vô thường, sanh, già, bệnh, chết này thật chóng tàn phai; làm thế nào để có được Hạnh Phúc Chân Thật Vĩnh Cửu?”



[1]Xem Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh 187, 190, 192; Lalitavistara 11.

[2]Theo quyển Lumbini a Haven of Sacred Refuge, trang 72, thì khi dự lễ Hạ Điền, đức Phật chỉ mới sanh được vài tháng.

[3]Cây ni-câu-đà(nigrodha), tên khoa học là Ficus Bengalensis, là một loại cây đa cao lớn (25m) mà hột nhỏ giống như hột cây dương-liễu. Siddhattha đang ngồi ở mé vườn cây ni-câu-đà gần thành Kapilavatthu. Sau khi thành Phật trở về, ngài cũng ngự tại đây thuyết pháp giáo hóa những người dòng Sàkya và dân chúng. Theo kinh Lalitavistara và kinh Trung Bộ thì thái tử ngồi dưới cây Jambu (hồng táo, black plumb tree, Syzygium cumini).

[4]Chỉ” là dứt trừ phiền não và vọng tưởng, “Quán” là tìm chân lý. Đó là 2 phương pháp thiền định.

[5]Xem Sự Tích Phật Giáng Thế của Hòa thượng Thích Trung Quán, trang 34.

[6]Bràhmana (Phạn thư), Nighandu (Từ ngữ), Sokkharappabhedana (Ngữ học), Itihasa (Sử truyện), Veyyakarana (Văn pháp). Rigveda, Samaveda, Yajurveda và Atharvaveda là bốn bộ kinh Veda chánh vào thế kỷ 15 trước CN, về sau có thêm các bộ Bràhmana (thế kỷ -10), Aranyaka và Upanisad (thế kỷ -7). Bộ Upanisad khởi đầu phong trào cải cách Bà-la-môn giáo.

[7]Theo The Life of Buddha as Legend and History, trang 46-47, trích từ kinh Lalitavistara, thì Siddhartha hỏi thầy Visavamitra muốn dạy viết mẫu tự nào, rồi ngài cầm bảng viết ra 64 mẫu tự. Mỗi lần viết ra một mẫu tự, ngài liền đọc một bài kệ giảng về đạo lý khởi đầu bằng mẫu tự ấy.

[8]Đoạn nầy trích trong Sự Tích Phật Giáng Thế của Hòa thượng Thích Trung-Quán, trang 27-28.

[9]Xem Sự Tích Phật Giáng Thế của Hòa thượng Thích Trung Quán, trang 29-30.

[10]Xem Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh 186, 190; Lalitavistara; Buddhacarita.

[11]Xem The Life of The Buddha của A. Foucher, trang 58-66; The Life of Buddha as Legend and History, trang 48-50; kinh Lalitavistara.

[12]Câu-lô-xá(kosa, krosa) là khoảng cách mà người ta còn có thể nghe tiếng trâu la lớn giữa đồng trống. Có lẽ khoảng 250m.

[13]Chiến xa: xe do ngựa kéo ra trận thời xưa.

[14]Xem The Life of The Buddha của A. Foucher, trang 64; Đức Phật và Phật Pháp, dịch giả Phạm Kim Khánh, trang 29; The Buddha and His Teachings của Narada, trang 7.

[15]Xứ Kasilúc bấy giờ nổi tiếng có nhiều tơ lụa tốt. Thủ đô của Kasi là Benares, hiện nay tên Varanasi, cách Sarnath độ 10 km về phía nam. Xứ Kasi lúc bấy giờ lệ thuộc vào vương quốc Kosala.

[16]Năm cảnh dục lạc: tiền tài, sắc dục, danh lợi, ăn uống, ngủ nghỉ (tài, sắc, danh, thực, thùy).

[17]Xem Sự Tích Phật Giáng Thế của Hòa thượng Thích Trung Quán, trang 43-44.

[18]Ngũ Tịnh Cư Thiênlà 5 cảnh trời thuộc Sắc giới, gồm có: 1- Vô Phiền thiên (Aviha). 2- Vô Nhiệt thiên (Atapa). 3- Thiện Kiến thiên (Sudassana). 4- Thiện Hiện thiên (Sudassa). 5- Sắc Cứu Cánh thiên (Akanittha). Những vị đắc quả A-na-hàm hoặc Tứ thiền có thể sanh lên một trong năm cảnh Tịnh Cư thiên (Suddhàvàsa).

[19]Sáu trầnlà sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp (ý).

[20]Chơn nhưlà Phật tánh, chơn lý tối thượng.

[21]Tứ vô úy(Cattàri vesarajjani) là 4 sự tự tin, an ổn, không lo sợ: 1- Nhất thiết trí vô úy, 2- Lậu tận vô úy, 3- Thuyết chướng đạo vô úy, 4- Thuyết chánh đạo vô úy.

[22]37 phẩm pháp bảo: Tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, bát chánh đạo.

[23]Lục sư ngoại đạo: 6 giáo phái nổi tiếng vào thời Phật tại thế.

[24]Năm món dục lạclà tiền tài, sắc dục, danh lợi, ăn uống, ngủ nghỉ.

[25]Sa môn: Tiếng Phạn là Sràmana, tiếng Pali là Samanna, có nghĩa là người siêng làm điều thiện, dứt bỏ nghiệp ác, cạo râu tóc, mặc áo cà-sa, sống bằng cách xin ăn, chỉ ăn trước hoặc trong giờ ngọ, ngủ dưới gốc cây.

[26]Vô lậu(anàsava) là thanh tịnh, không còn phiền não, không còn tái sanh vào 3 cõi dục sắc vô sắc.

[27]Năm giác quanlà mắt, tai, mũi, lưỡi, thân (xúc giác).

[28]Năm cảnh dục lạclà sắc, thanh, hương, vị, xúc; hoặc tài, sắc, danh, thực, thùy.

[29]Vô úy(vesarajja, abhaya) là tự tin, không còn sợ phải rơi vào cảnh khổ.

[30]Hộ niệmlà hướng dẫn, giúp đỡ người khác suy nghĩ để tìm ra chân lý và hạnh phúc.

[31]Trung Bộ (Majjhima nikàya) 26: kinh Ariyapariyesana.

[32]Trung Bộ (Majjhima nikàya) 36: kinh Mahàsaccaka.

[33]Xuất gia(nekkhamma): xa lìa đời sống thế tục để sống đời tu sĩ.

[34]Xem Sự Tích Phật Giáng Thế của Hòa thượng Thích Trung Quán, trang 55.

[35]Xem Tăng Chi Bộ, chương 3 pháp, kinh 35: Diêm Vương.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/02/2019(Xem: 7810)
Thuở xưa có một ông vua hiền đức, cai trị công bằng, dân chúng trong nước sống thanh bình. Một hôm, dưới sự đề nghị của cận thần tả hữu, vua triệu tập tất cả trưởng lão tôn túc của các tôn giáo trong nước. Khi tất cả có mặt đầy đủ, vua nói:
14/08/2018(Xem: 7462)
Kinh Vị Tằng Hữu của Bắc tông và Tăng Chi Bộ Kinhcủa Nam Tông đều có ghi rằng trong cuộc đời của một vị Phật CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC có 4 lần sự kiện vi diệu này xảy ra. Mỗi lần như thế, có một hào quang vô lượng, thần diệu, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra cùng khắp thế giới, gồm thế giới của chư Thiên, thế giới Ma vương và Phạm thiên, quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Cho đến những thế giới ở chặng giữa bất hạnh không có nền tảng, tối tăm u ám, mà tại đấy, mặt trăng, mặt trời với đại thần lực, đại oai đức như vậy cũng không thể chiếu thấu ánh sáng. Trong những cảnh giới ấy, một hào quang vô lượng, thâm diệu thắng xa uy lực chư Thiên hiện ra. Và các chúng sanh, sanh tại đấy, nhờ hào quang ấy mới thấy nhau và nói: "Cũng có những chúng sanh khác sống ở đây".
03/02/2018(Xem: 16540)
Tương quan là có quan hệ qua lại với nhau, tương cận là mối tương quan gần gủi nhất. Vấn đề này, mang tính tương tác mà trong Phật giáo gọi là: “cái này có thì cái kia có, cái này sinh thi cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt…”
06/01/2018(Xem: 15455)
Vài suy nghĩ về việc học chữ Phạn trong các Học Viện Phật Giáo Việt Nam_ Lê Tự Hỷ
22/05/2017(Xem: 53643)
Trong bước đầu học Phật, chúng tôi thường gặp nhiều trở ngại lớn về vấn đề danh từ. Vì trong kinh sách tiếng Việt thường dùng lẫn lộn các chữ Việt, chữ Hán Việt, chữ Pali, chữ Sanscrit, khi thì phiên âm, khi thì dịch nghĩa. Các nhân danh và địa danh không được đồng nhứt. Về thời gian, nơi chốn và nhiều câu chuyện trong sự tích đức Phật cũng có nhiều thuyết khác nhau làm cho người học Phật khó ghi nhận được diễn tiến cuộc đời đức Phật. Do đó chúng tôi có phát nguyện sẽ cố gắng đóng góp phần nào để giúp người học Phật có được một tài liệu đầy đủ, chính xác, đáng tin cậy, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ tra cứu khi cần.
19/03/2017(Xem: 7639)
Là người mới bắt đầu học Phật hoặc đã học Phật nhưng chưa thấm nhuần Phật pháp chân chính, chúng tôi biên soạn quyển sách nhỏ này, nhằm hướng dẫn cho người cư sĩ tại gia tập sống cuộc đời thánh thiện, theo lời Phật dạy. Chúng tôi cố gắng trình bày các nguyên tắc này theo sự hiểu biết có giới hạn của mình, sau một thời gian ứng dụng tu học cảm thấy có chút an lạc. Để giúp cho người cư sĩ tại gia thực hiện đúng vai trò và trách nhiệm của mình đối với gia đình người thân và cộng đồng xã hội. Trước tiên, chúng ta cần phải có một niềm tin vững chắc sau khi học hỏi, có tư duy sâu sắc, có quán chiếu chiêm nghiệm như lời Phật dạy sau đây: Này các thiện nam, tín nữ, khi nghe một điều gì, các vị phải quan sát, suy tư và thể nghiệm. Chỉ khi nào, sau khi thể nghiệm, quý vị thực sự thấy lời dạy này là tốt, lành mạnh, đạo đức, có khả năng hướng thiện, chói sáng và được người trí tán thán; nếu sống và thực hiện theo lời dạy này sẽ đem đến hạnh phúc, an lạc thực sự ngay hiện tại và về lâu về dài,
19/03/2017(Xem: 7162)
Nói đến đạo Phật là nói đến tinh thần nhân quả, nói đến sự giác ngộ của một con người. Con người sinh ra đủ phước báo hay bất hạnh là do tích lũy nghiệp từ nhiều đời mà hiện tại cho ra kết quả khác nhau. Mọi việc đều có thể thay đổi và cải thiện tốt hơn nếu chúng ta có ý chí và quyết tâm cao độ. Tất cả mọi hiện tượng, sự vật trên thế gian này là một dòng chuyển biến liên tục từng phút giây, không có gì là cố định cả. Một gia đình nọ, hai cha con cùng dạo chơi trong khu vườn nhà của họ. Bổng nhiên đứa con hỏi bố: “Bố ơi bố, nhà chúng ta có giàu không ạ?” Ông bố nghe xong liền mỉm cười, xoa đầu cậu con trai, rồi nói: “Bố có tiền, nhưng con không có. Tiền của bố là do bố tự mình siêng năng tích cực làm ra bằng đôi bàn tay và khối óc, được tích lũy trong nhiều năm tháng. Sau này con muốn giàu có như bố, trước tiên con phải học và chọn cho mình một nghề nghiệp chân chính, con cũng có thể thông qua nghề nghiệp của mình mà kiếm được tiền.”
17/03/2017(Xem: 6992)
1-Người Phật tử, phải thắng sự lười biếng bởi thái độ ỷ lại hay dựa dẫm vào người khác mà cầu khẩn van xin để đánh mất chính mình. 2-Bất mãn là thái độ thiếu khôn ngoan và sáng suốt, người trí càng nổ lực tu học và dấn thân đóng góp nhiều hơn nữa khi mọi việc chưa được tốt đẹp để không bị rơi vào trạng thái tiêu cực. 3-Người Phật tử chân chính, cương quyết phải thắng sự thiếu quyết tâm khi muốn làm việc thiện vì đó là trách nhiệm và bổn phận của người có lòng từ bi hỷ xả.
16/03/2017(Xem: 7100)
1-Người Phật tử hãy nên nhớ, sở dĩ con người ta đau khổ chính vì mãi đeo đuổi những thứ sai lầm do không tin sâu nhân quả và tin chính mình là chủ nhân của bao điều họa phúc. 2-Nếu chúng ta không muốn rước phiền não vào mình, thì người khác cũng không thể làm cho ta phiền muộn khổ đau, vì ta đã có cây kiếm trí tuệ nhờ nghe và biết chiêm nghiệm để rồi tu sửa. 3-Người Phật tử dù thắng trăm vạn quân cũng không bằng chiến thắng những thói hư tật xấu của mình, đó là chiến công oanh liệt nhất mà người đời ít ai làm được. 4-Chúng ta hãy luôn cám ơn nghịch cảnh vì chính khó khăn đó đã giúp cho ta có cơ hội quay lại chính mình, nhờ vậy tâm ta an tĩnh, sáng suốt mà tìm ra phương hướng để khắc phục.
14/03/2017(Xem: 6113)
Ngài là Thái tử, tên Sĩ Đạt Ta Có mẹ có cha, giống như mọi người. Mẹ là hoàng hậu, Thánh mẫu Ma Da Đức vua Tịnh Phạn, là cha của Ngài. Ngày rằm tháng tư, Thái tử ra đời Sinh xong bảy ngày, hoàng hậu sanh thiên.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]