Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

14. Viếng Thăm Kỳ Viên Đại Tịnh Xá

26/10/201320:12(Xem: 28518)
14. Viếng Thăm Kỳ Viên Đại Tịnh Xá

Mot cuoc doi bia 02

Viếng Thăm

Kỳ Viên Đại Tịnh Xá





Do tôn giả Sāriputta báo tin trước nên đức Phật và tăng đoàn mới đến địa đầu kinh thành Sāvatthi thì trưởng giả Sudatta và hoàng tử Jeta đã đến nơi nghinh đón!

Nhìn tướng hảo quang minh, quý phái của đức Phật và đoàn sa-môn trang nghiêm, thanh sáng, thong dong, tự tại từng bước một, kéo dài xa hút; trưởng giả Sudatta xúc động, bồi hồi, hoan hỷ đến chảy nước mắt! Hoàng tử Jeta thì đứng lặng người, một niềm tôn kính thiêng liêng đã đến với ông!

- Này ông trưởng giả lấy vàng đổi đất! Này vị hoàng tử hào phóng cúng dường vườn cây xinh đẹp! Như Lai biết công đức của hai vị rồi! Đức Phật dừng lại, mỉm nụ hoa sen nói chuyện với hai người – Bây giờ thì các vị về trước đi! Như Lai và tăng đoàn muốn gieo duyên trì bình khất thực đầu tiên tại thủ đô danh tiếng này!

Thế rồi, các vị trưởng lão nhanh chóng hội ý, phân chia các ngả đường. Con rồng vàng chợt bị ngắt từng khoảng, từng khoảng rất đẹp mắt, tuần tự rẽ sang các lối khác nhau. Đức Phật, tôn giả Sāriputta, Ānanda với chừng một trăm vị tỳ-khưu đi vào con lộ chính dẫn vào trung tâm thành phố. Như thường lệ, bất kể giàu nghèo, sang hèn không phân biệt; củ khoai, củ sắn, muỗng cơm, muỗng cháo, chút cari, lát bánh, bột hấp gì gì... đức Phật và tăng đoàn đều trân trọng thọ nhận như nhau, đến trưa mới về đến Kỳ Viên đại tịnh xá! Những đoàn khác cũng tuần tự trở về như những cánh chim vàng khuất dần trong vườn cây xanh!

Hình ảnh đức Phật và năm trăm vị tỳ-khưu y bát trang nghiêm, râu tóc sạch sẽ rải đều khắp kinh thành là một biến cố trọng đại xảy ra tại đất nước Kosala, hùng cường nhất vùng tây bắc này!

Thọ thực rồi nghỉ ngơi tại hương thất một lát, đức Phật, tôn giả Sāriputta, Ānanda, trưởng giả Sudatta, hoàng tử Jeta đi tản bộ nhìn ngắm các nơi. Công trình tuy chưa hoàn thành nhưng đức Phật cũng hình dung ra được cái tầm vóc kỳ vĩ của nó. Khuôn viên vườn rừng rất rộng, đi đến mấy khắc mới hết đất. Đâu đâu thầy thợ cũng đông đúc và họ làm việc khá yên lặng. Các công trình chính và phụ có lẽ nhiều gấp ba lần Trúc Lâm. Các chi tiết cảnh: Lối đi, ghế đá, vườn cỏ, ven hồ, ven suối được thực hiện rất thanh giản, tự nhiên nhưng không kém phần công phu và nghệ thuật đang được hình thành đây đó. Nội thất, tiện nghi sinh hoạt các nơi đều được sử dụng vật liệu chắc bền, được tính toán rất kỹ lưỡng! Nhà hội, nhà giảng rất rộng, cao, thoáng mát có cả hằng trăm cánh cửa vuông, tròn phối hợp hài hòa; hoa văn, họa tiết đặc trưng nghệ thuật kiến trúc của thời đại! Một số phòng tắm lại có cả lò sưởi, có ống khói cao, sẽ được đốt bằng củi thơm! Bệnh viện, nghe nói, sức chứa khoảng trăm giường rất tiện nghi, sạch sẽ; và sẽ tuyển dụng thầy thuốc chuyên môn chăm sóc, quản lý, điều hành! Nói tóm lại, không những ông triệu phú tiêu pha tiền rừng, bạc bể; mà còn cả chất xám, trí não của ông, của thầy thợ, của hoàng tử Jeta; và nhiều nhất, có lẽ là tôn giả Sāriputta nữa!

Trở lại hương phòng, đức Phật nhận xét:

- Công trình dẫu chưa xong nhưng có vẻ rất hoàn mỹ, này Sudatta! Giáo pháp của Như Lai phát triển được ở đất nước này thì công đức của ông là đệ nhất! Hoàng tử Jeta sau khi hùn góp rừng cây thì cũng nên tìm hiểu về giáo pháp để mang đến an lạc và hạnh phúc cho mình. Cuối cùng, Như Lai tán thán cả ông Sāriputta nữa, đã cố vấn và tham mưu cho công trình kỳ đặc như thế, với hằng ngàn chi tiết kiến trúc phức tạp - mà đâu đó hài hòa, sít sao, bắt mắt... cũng không dễ dàng gì; ngoài công sức của các kiến trúc sư chuyên môn, chắc ông cũng đã phải lao tâm khổ tứ nhiều lắm đấy!

Tỳ-khưu Ānanda rất tinh tế, phát biểu:

- Nhà hội và hương phòng của đức Thế Tôn phảng phất đường nét cung đình...

Tôn giả Sāriputta cười vui:

- Đúng vậy! Ở đây còn có sự góp ý của hoàng tử Jeta nữa đấy! Ngoài ra, nhóm thầy kiến trúc phụ trách chính lại được mời từ Gandhāra xuống, đa phần đã tốt nghiệp nhiều năm từ trường đại học kiến trúc Takkasilā nên họ biết rõ công việc của mình!

Mọi người, ai nấy đều hoan hỷ.

Hôm sau, trưởng giả Sudatta và có cả hoàng tử Jeta hùn góp tổ chức một buổi cúng dường lớn lên đức Phật và tăng đoàn giữa rừng cây. Trưởng giả Sudatta cung kính mở lời:

- Bạch đức Thế Tôn! Chúng đệ tử phải sắp đặt, thiết lễ cúng dường Kỳ Viên đại tịnh xá như thế nào để cho đúng với pháp và luật?

- Nầy Sudatta! Ông hãy khởi tâm cúng dường Kỳ Viên đến cho Tăng chúng mười phương, cả hiện tại và tương lai!

Câu nói của đức Phật thế là như bản giao kèo để ông trưởng giả trao quyền sử dụng cơ sở mà không chuyển nhượng quyền sở-hữu-chủ làm lễ rót nước lên tay ngài như ở Trúc Lâm. Cũng từ câu nói khôn khéo ấy, quyền sử dụng Kỳ Viên đại tịnh xá không giới hạn ở đức Phật và tăng đoàn ở đây mà cho tăng chúng mười phương! Như vậy, trưởng giả Sudatta vẫn là sở-hữu-chủ, và Kỳ Viên đại tịnh xá ông chỉ cho giáo đoàn mượn dùng - cho mượn vĩnh viễn!

Ngày hôm sau, trưởng giả Sudatta cúng dường đặt bát đức Phật và tăng đoàn tại tư gia, ông đã cho mời hàng trăm nhân sĩ, trí thức, bạn bè thân hữu đến cùng nghe pháp. Thọ thực xong, chư tăng trở lại Kỳ Viên. Giữa đại sảnh lớn rộng chỉ còn tôn giả Sāriputta và Ānanda đứng hầu, đức Phật thuyết một thời pháp giản dị, nói về hạnh phúc của đời người, đặc biệt nhấn mạnh về người cư sĩ tại gia.

- Nầy chư vị! Đức Phật nói - một người cư sĩ tại gia có chánh tín, có đạo tâm, có một đời sống trong lành và hiền thiện, họ được thọ hưởng bốn loại hạnh phúc thuộc về vật chất ở trên thế gian này! Đó là hạnh phúc sở hữu của cải, tài sản chơn chánh (atthisukha), hạnh phúc được sử dụng, thọ dụng của cải, tài sản chơn chánh (bhogasukha), hạnh phúc không có mang công, mắc nợ ai (ananasukha); và cuối cùng là hạnh phúc không bị người đời cười chê, khiển trách (anavajjasukha).

Thế nào là hạnh phúc sở hữu của cải, tài sản chơn chánh? Ở đây, người cư sĩ tại gia tạo nên của cải, tài sản bằng chính mồ hôi sức lực của mình, bằng nỗ lực cần chuyên thức khuya, dậy sớm, bằng chính nghề nghiệp chơn chánh của mình chứ không phải do trộm cắp, do làm ăn phi pháp, do mưu kế, do thủ đoạn man trá, lọc lừa! Nhờ nghĩ vậy, nên người cư sĩ cảm thấy hân hoan, thỏa thích. Đấy là hạnh phúc thứ nhất trong cuôc đời nầy!

Thế nào là hạnh phúc đươc sử dụng, thọ dụng của cải, tài sản chơn chánh? Nhờ sở hữu của cải, tài sản chơn chánh nên chi phí ăn ở, tiêu dùng mọi việc cho gia đình, mua sắm các tiện nghi sinh hoạt, xây nhà, dựng cửa, cưới vợ, gả chồng cho con cái, lễ hội, kỵ giỗ, tiệc vui... người cư sĩ cảm thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng, thanh thản! Thỉnh thoảng lại còn biết giúp đỡ những người nghèo khổ, tâm vị tha lại lại có cơ hội nẩy sinh. Ngoài ra, người cư sĩ còn biết dành dụm một khoản nhỏ để cúng dường sa-môn, đạo sĩ hầu tích lũy phước báu cho mai sau với tâm thỏa thích, mãn nguyện. Đấy là hạnh phúc thứ hai trên thế gian này!

Thế nào là hạnh phúc vì không mang công, mắc nợ? Người tốt, người hiền, người có đời sống đạo đức hễ mang công, mắc nợ ai thì đêm ngày trăn trở, ăn không ngon, ngủ không yên, canh cánh bên lòng; và ngọn lửa hổ thẹn, khó chịu cứ âm ỉ thiêu đốt từng khắc, từng canh. Do vậy, không mang một món nợ lớn, nhỏ nào thì tâm hồn yên ổn, mát mẻ, tháng ngày thanh bình và an lạc. Đây được gọi là hạnh phúc thứ ba trong cõi nhân sinh!

Thế nào là hạnh phúc không bị người đời cười chê, khiển trách? Đây là do đời sống của người cư sĩ tại gia có tàm, quý, biết giữ gìn thân, khẩu, ý. Trong cư xử với gia đình, thân quyến; lúc giao tiếp, ứng xử với bạn bè, xã hội họ luôn hòa nhã, nhu thuận, chân tình nên không có gì phải ăn năn, hối hận, bất an hoặc sợ hãi. Nghĩa là từ cử chỉ, hành động, lời ăn, tiếng nói đến tâm niệm, tư duy họ đều không có lầm lỗi, không ai có thể cười chê hoặc khiển trách được! Đây được gọi là hạnh phúc thứ tư!

Nầy chư vị! Trong bốn loại hạnh phúc ấy, hạnh phúc thứ tư là cao quý, cao thượng nhất vì nó là cánh cửa mở để bước vào kho tàng giáo pháp của Như Lai! Người không có lầm lỗi về thân, không có lầm lỗi về khẩu, không có lầm lỗi về ý là đã sống một đời sống có quy giới lành mạnh (ngũ giới), đã có mười hạnh lành tốt đẹp (thập thiện)! Nhờ vậy, tâm vị ấy trong sạch, thanh khiết. Ví như mảnh đất tâm đã được phát quang lùm bụi, đã được dọn dẹp sạch sẽ cỏ rác; từ đây, vị ấy có thể gieo lên đấy những hạt giống lành, được tưới nước, thêm phân, chăm bón công phu thì đời này, đời sau, hoa trái sẽ sum suê, tha hồ thu hoạch mùa màng bội thu, thịnh mãn!

Trưởng giả Sudatta chợt nói:

- Bạch đức Thế Tôn! Từ lâu, sống giữa bụi đời, làm ăn buôn bán, đệ tử cảm thấy mình có nhiều lầm lỗi về thân, về khẩu, về ý! Nay nhờ thời pháp này, đệ tử nguyện sẽ cố gắng sống cho tốt hơn! Tuy nhiên, đệ tử chưa rõ, sự giống nhau, khác nhau, cao thấp giữa trì giới và bố thí? Còn nữa, bố thí đến người nghèo khổ, cúng dường đến đức Phật và chư tăng phước quả sẽ như thế nào?

- Này Sudatta! Đức Phật giảng giải – Ông là người quảng đại, giàu lòng nhân ái; lúc chưa gặp Như Lai, ông đã biết thương tưởng, đùm bọc những người nghèo khổ, bất hạnh; đã biết trợ cấp đến những người cô độc, cô quả, phước báu của sự tế độ ấy sẽ giúp ông hưởng được sung mãn vật chất nhiều đời. Ông cũng đã cúng dường vật thực đến Như Lai và đệ tử của Như Lai là hội chúng thanh tịnh thì phước báu của sự cúng dường ấy lại càng lớn hơn nữa. Vì sao vậy? Vì không những được thọ hưởng sung mãn vật chất mà còn gieo duyên với đạo quả giải thoát! Hôm qua, Như Lai lại gợi ý ông cúng dường toàn bộ công trình xây dựng Kỳ Viên đại tịnh xá cho mười phương tăng là Như Lai muốn cho phước báu của ông càng vĩ đại hơn nữa! Vì sao vậy? Vì thiết kế tu viện, xây dựng tịnh xá, cốc liêu cho chư tăng có nơi sinh hoạt, ăn ở đàng hoàng, phước báu ấy còn lớn hơn cả cúng dường cho Như Lai!

Này Sudatta! Đức Phật giảng tiếp – Giáo pháp của Như Lai cần người kế thừa để phát triển xa rộng; và chính mười phương tăng sẽ làm việc ấy! Còn nữa, những hạt giống do mười phương Tăng gieo trồng nơi này, nơi khác sẽ kế tục tồn tại nhiều ngàn năm trên châu Diêm-phù-đề nầy cùng những châu lục khác nữa! Ông phải tự hiểu nhân quả kỳ diệu ấy để hoan hỷ rằng mình đã làm được một việc lành hy hữu!

Tuy nhiên, dù có lớn lao cách mấy, dù có hy hữu cách mấy thì tất cả sự bố thí như tế độ, bố thí như cúng dường tu viện, Như Lai, tăng chúng mười phương vẫn không bằng quy y Tam Bảo. Tại sao vậy? Vì khi quá sung mãn vật chất, do thọ hưởng phước quả con người sẽ sinh ra giải đãi về thiện pháp, thích đời sống hưởng thụ, tham đắm ngũ trần dễ bị lưu lạc đường về! Quy y Tam Bảo chính là sự quy hướng chơn chánh cho chiếc thuyền đời vậy! Thọ trì ngũ giới sau khi quy y Tam Bảo lại còn thù thắng hơn nữa, vì lúc ấy là đang bước đi trên lộ trình chơn chánh, hoàn thiện bản thân! Tu tập định tâm từ thì còn hơn cả ngũ giới, vì có giới mới có định mà định tâm từ thì đem lại mát mẻ, an vui cho mình, cho người, cho phi nhơn, cho chư thiên ở xung quanh nữa! Và cuối cùng, tối thượng hơn tất cả phước báu là tu tập tuệ quán, thấy rõ bản chất vô thường, vô ngã của chư pháp để giải thoát tất thảy khổ đau trong ba cõi, sáu đường!

Sau thời pháp sách tấn, khích lệ ấy, gia đình trưởng giả Sudatta, hằng chục gia nhân và hơn trăm vị khách đồng xin được thọ trì quy giới.

Mới hai ngày ở Kỳ Viên mà luồng gió trong lành của giáo pháp đức Thế Tôn đã thổi khắp kinh thành Sāvatthi và cả miền ngoại ô. Nhiều thành phần giai cấp khác nhau tìm đến nghe pháp. Tuy nhiên, đức Phật chỉ thuyết ba thời vào ba buổi chiều, còn hai buổi chiều khác, ngài giao cho tôn giả Sāriputta. Và cũng như thường lệ, buổi tối đức Phật giáo giới chư tăng - đặc biệt, ngài nói đến đặc điểm văn hóa, tín ngưỡng của từng vùng, miền; có những phong tục, tập quán giống nhau, khác nhau ra sao. Có cái còn tốt đẹp, còn ích dụng cho đạo đức nhân gian thì chưa nên đụng chạm đến; nếu nó liên hệ đến giáo pháp thì phải linh động, uyển chuyển khai triển ra, mở rộng thêm. Có cái quá tối tăm, ngu muội thì nên nhẫn nại, nhẫn nại nhiều ngày, nhiều tháng để giáo giới họ. Giá trị nào mà đã trở thành phổ thông, đã trở thành thước đo đạo đức xã hội thì đệ tử của Như Lai phải biết tôn trọng. Điều nào mà mọi người cười chê thì đấy cũng được xem như cấm giới, điều luật phải thọ trì lúc ứng xử, giao tiếp...

Khuya, đức Phật thuyết pháp cho chư thiên, dạ-xoa, phi nhân, thọ thần ở trong vùng. Trời Sakka xuống đảnh lễ, vấn an sức khỏe ngài rồi chỉ thị Tứ thiên vương hộ trì tăng chúng. Phạm thiên Sahampati hào quang sáng rực cả một vùng, xuống đảnh lễ, thăm viếng người bạn cũ, chào mừng và cùng hoan hỷ khi thấy giáo pháp được phát triển đến quốc độ Kosala nầy.

Suốt một tuần lễ, rất nhiều người hoan hỷ, xin quy y. Thỉnh thoảng có vài cuộc chất vấn gay gắt vì bất đồng quan điểm tư tưởng. Đức Phật cũng chỉ mỉm cười, không đáp; và rồi tôn giả Sāriputta giải quyết êm xuôi việc ấy!

Đại đức Ānanda rất ngưỡng mộ vị pháp huynh của mình, như chiếc bóng không rời, cứ hỏi han giáo pháp luôn!

Hôm kia, một số trong nhóm ba mươi vị tỳ-khưu Pāvāya từ miền tây bắc và cực bắc Kosala, dẫn theo hơn một trăm tân tỳ-khưu tìm về đảnh lễ đức Phật và vấn an sức khỏe của ngài. Họ rất vui mừng thấy chư tăng đông đảo và công trình vĩ đại của Kỳ Viên. Đức Phật cặn kẽ hỏi han việc hoằng hóa. Họ cho biết là chỉ phát triển ở một số thị trấn dân cư đông đúc, càng đi xa thì đất rộng, người thưa, đa phần họ quá nghèo khổ, sự khất thực rất khó khăn. Đôi khi đi cả ngày chỉ gặp mấy chòi lá ở sườn đồi, chân núi. Lại nữa, những loại tín ngưỡng nhân gian như thờ thần, thờ ma quỷ, thờ rắn, thờ bò, thờ dâm tượng sinh thực khí... và cả những hình thức khổ hạnh cực đoan đã ăn sâu, mọc rễ trong quan niệm, tập quán, trong sinh hoạt; nên họ rất khó tiếp cận giáo pháp trong sáng, lành mạnh, cần sự nỗ lực tự thân hơn là khẩn cầu tha lực như của chúng ta.

Đức Phật sách tấn họ, bảo đấy là tình hình khó khăn chung, đoàn tuyên giáo nào cũng có những trở ngại tương tự. Đức Phật cũng lưu ý là những tỳ-khưu còn yếu về pháp học, pháp hành thì chưa nên cho đi hoằng hóa, họ cần thời gian dài ngày để tu học.

Thế rồi, đức Phật bảo tôn giả Sāriputta giáo giới cho một trăm tân tỳ-khưu.

Thấy công việc ở đây cũng tạm yên, đức Phật chuẩn bị lên đường thì trưởng giả Sudatta dẫn đến một người - phục sức sang trọng, tướng mạo đẹp đẽ, ông quỳ thưa:

- Bạch đức Thế Tôn! Đây là thanh niên Subhūti (Tu-bồ-đề), em trai của đệ tử; suốt một tuần nay, y chăm chú lắng nghe giáo pháp, trí không rời giáo pháp, tâm không rời giáo pháp nên cảm thấy hân hoan, thỏa thích. Bây giờ, em trai của đệ tử muốn xin xuất gia, sống đời phạm hạnh, ngưỡng mong đức Thế Tôn thế độ cho y!

Quán căn duyên, đức Phật thấy rõ, biết rõ thanh niên này đã tu hành cách đây đã mười lăm đời đức Chánh Đẳng Giác; từ thuở đức Phật Padumuttara, ông ta đã là đạo sĩ Nanda nổi danh nhiều phương. Sau này, thanh niên này sẽ là vị tỳ-khưu thích sống ở núi rừng, được coi là bậc ly dục đệ nhất!

Đức Phật mỉm nụ hoa sen, gật đầu, nói vài lời giáo giới rồi bảo hai vị đại đệ tử chuẩn bị cho Subhūti thọ giới ngay, có ngài chứng minh...

Nhìn vị tân tỳ-khưu y bát, tướng mạo trang nghiêm như đã từng xuất gia lâu năm, đức Phật sách tấn:

- Này Subhūti! Ông đã có căn cơ sâu dày, vậy hãy sống đời phạm hạnh thiêng liêng, trong sạch... Bây giờ hãy cùng đi với Như Lai về Trúc Lâm tịnh xá...

Rồi ngài cắt đặt tiếp:

- Như Lai còn rất nhiều công việc ở Rājagaha và Vesāli; nên Sāriputta thay mặt Như Lai cùng với Devadatta, Mahānāma, Kimbila, Bhagu phải ở lại đây để trông coi hội chúng này. Cùng về Trúc Lâm với Như Lai chỉ có Ānanda, Anuruddha, tân tỳ-khưu Subhūti và thị giả Upavāna mà thôi. Lúc nào đến được Vesāli, Như Lai sẽ hội ý với các vị trưởng lão vùng ấy, sẽ bổ túc thêm các vị A-la-hán có nhiều năng lực để duy trì và phát triển Kỳ Viên!



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/10/2023(Xem: 1261)
Rồi tôi đi sâu vào vườn trầm, đi mãi vào ...rừng trầm để mong tìm những cây trầm đại thụ, và tôi đã gặp bao cao Tăng tu hành tại đây, không chỉ các sư tại Âu Châu mà còn từ Hoa Kỳ, Úc, Canada ...nữa cơ. Các vị đã trao cho tôi bao trầm hương qua lời giảng của quí Sư dựa theo lời dạy của Đức Phật. Những thỏi trầm quí mang tên: Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Bát Nhã, Phổ Môn, Chú Đại Bi, Thập Chú, Thần Chú..v.v..và.v.v.Ôi, nhiều lắm, rồi với thời gian, nếu thành tâm trân quí và nắm giữ những thỏi trầm, thì hương trầm của nó cũng ít nhiều tỏa hương thơm ngát đánh bạt những sú uế mà bụi đời đã phủ lên người chúng ta.
15/03/2023(Xem: 5190)
Từ khi con người bắt đầu quy tụ sống thành nhóm, thành đoàn, và sau này phát triển đông đảo thành cộng đồng, xã hội, quốc gia, người ta đã biết tổ chức phân quyền, đưa ra những nguyên tắc luật lệ chung để mọi người dân sống trong cộng đồng quốc gia phải tuân theo. Những ai phạm tội phá rối trị an sẽ bị đem ra xét xử và trừng phạt theo nội quy luật lệ của quốc gia nơi họ cư ngụ. Có như thế thì mọi sinh hoạt trong cộng đồng xã hội mới giữ được trật tự, đời sống cá nhân mới được bảo đảm an toàn.
23/09/2022(Xem: 2764)
Giáo lý Bốn thánh đế là giáo pháp quan trọng nhất của những người học và tu tập theo lời dạy của Đức Phật. Cho dù chúng ta thuộc truyền thống Nguyên Thuỷ hay truyền thống Đại Thừa cũng đều tu học từ nền tảng giáo pháp này. Trong Bốn thánh đế thì đạo thánh đế gồm 37 pháp và thường được gọi là 37 phẩm trợ đạo. Trong đó thì Bát chánh đạo là căn bản nhất vì “Bát chánh đạo gồm có hữu lậu và vô lậu” (Trong Tạp A-hàm, Kinh Quảng Thuyết Bát Thánh Đạo, số 785 và Trong kinh Trung Bộ III, Đại Kinh bốn mươi, do Hòa thượng Minh Châu dịch).
17/11/2021(Xem: 25313)
Nghiệp, phổ thông được hiểu là quy luật nhân quả. Nhân quả cũng chỉ là mối quan hệ về tồn tại và tác dụng của các hiện tượng tâm và vật trong phạm vi thường nghiệm. Lý tính của tất cả mọi tồn tại được Phật chỉ điểm là lý tính duyên khởi.266F[1] Lý tính duyên khởi được nhận thức trên hai trình độ khác nhau. Trong trình độ thông tục của nhận thức thường nghiệm, quan hệ duyên khởi là quan hệ nhân quả. Chân lý của thực tại trong trình độ này được gọi là tục đế, nó có tính quy ước, lệ thuộc mô hình cấu trúc của các căn hay quan năng nhận thức. Nhận thức về sự vật và môi trường chung quanh chắc chắn loài người không giống loài vật. Trong loài người, bối cảnh thiên nhiên và xã hội tạo thành những truyền thống tư duy khác nhau, rồi những dị biệt này dẫn đến chiến tranh tôn giáo.
13/11/2021(Xem: 13375)
“Bát Thánh Đạo” là phương pháp tu hành chơn chánh cao thượng đúng theo qui tắc Phật giáo mà đức Thế Tôn đã có lời ngợi khen là quí trọng hơn tất cả con đường tu hành, là con đường không thẳng cũng không dùn, không tham vui cũng không khắc khổ, vừa thành tựu các điều lợi ích đầy đủ đến hành giả, hiệp theo trình độ của mọi người. Cho nên cũng gọi là “TRUNG ĐẠO” (Majjhimapaṭipadā) là con đường giữa. Ví như đàn mà người lên dây vừa thẳng, khải nghe tiếng thanh tao, làm cho thính giả nghe đều thỏa thích. Vì thế, khi hành giả đã thực hành đầy đủ theo “pháp trung đạo” thì sẽ đạt đến bậc tối thượng hoặc chứng đạo quả trong Phật pháp không sai. Nếu duyên phần chưa đến kỳ, cũng được điều lợi ích là sự yên vui xác thật trong thân tâm, từ kiếp hiện tại và kết được duyên lành trong các kiếp vị lai. Tôi soạn, dịch pháp “Bát Thánh Đạo” này để giúp ích cho hàng Phật tử nương nhờ trau dồi trí nhớ và sự biết mình. Những hành giả đã có lòng chán nản trong sự luân hồi, muốn dứt trừ phiền não, để
03/09/2021(Xem: 7242)
Có những người làm gì cũng hay, viết gì cũng hay. Tôi luôn luôn kinh ngạc về những người như vậy. Họ như dường lúc nào cũng chỉ ra một thế giới rất mới, mà người đời thường như tôi có ngó hoài cũng không dễ thấy ra. Đỗ Hồng Ngọc là một người như thế.
08/10/2020(Xem: 8999)
1- Hãy khoan hồng tha thứ, biết thiện thì làm, tới đâu thì tới. 2- Sống trong cuộc đời, muốn được thong thả rảnh rang thì đừng dính đến quyền lợi. 3- Làm việc hễ thuận duyên thì làm, không thuận thì phải khéo léo nhẫn nhịn để vượt qua. 4- Ăn chay, thương người, thương vật, tụng kinh. 5- Việc ác chớ để phạm, điều lành phải nên làm. 6- Thương người cùng thương vật, niệm Phật và tham thiền. 7- Chánh niệm đứng đầu là 3 niệm : Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. 8- "Hằng ngày ăn thịt chúng sanh mà mong giải thoát, điều đó không bao giờ có điều đó được". 9- Mót thời gian để tu, đừng bỏ qua, gặp việc thì làm; rảnh việc thì nhiếp tâm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. 10- Thông minh hiểu biết nhiều, coi chừng không bằng ông già bà lão ăn chay niệm Phật.
01/03/2020(Xem: 13649)
Kinh Viên Giác là kinh đại thừa đốn giáo được Phật cho đó là “Con mắt của 12 bộ kinh”. “Con mắt” ở đây theo thiển ý có nghĩa là Viên Giác soi sáng nghĩa lý, là điểm tựa, là ngọn hải đăng cho các bộ kinh để đi đúng “chánh pháp nhãn tạng”, không lạc vào đường tà và tu thành Phật. Khi nghe kinh này, đại chúng kể cả chư Phật và chư Bồ Tát đều phải vào chánh định/tam muội, không bình thường như những pháp hội khác.
28/11/2019(Xem: 8128)
Ấn độ là một trong những quốc gia nổi tiếng trên thế giới vì đất rộng, người đông, có dãi Hy mã lạp sơn cao nhất thế giới, có một nền văn minh khá cao và lâu đời, con số 0, số Pi (3,1416...) do người Ấn sử dụng đầu tiên trong toán học, Kinh Vệ Đà đã được người Ấn sáng tạo từ 1800 đến 500 năm trước công nguyên, Ấn Độ là quê hương của đức Phật, hay nói khác hơn đó là nơi đạo Phật phát sinh, ngày nay đã lan tràn khắp thế giới vì sự hành trì và triết thuyết của đạo Phật thích ứng với thời đại. Do đó việcTime New Roman tìm hiểu về Ấn Độ là một điều cần thiết.
17/04/2019(Xem: 5811)
Những pháp thoại của Lama Yeshe là độc nhất vô nhị. Không ai thuyết giảng được như đức Lama. Tự nhiên lưu xuất trong tâm, trực tiếp ngay bây giờ; mỗi lời nói của ngài là một cẩm nang hướng dẫn để thực tập. Tiếng anh của đức Lama rất tốt. Khó có người sử dụng nhuần nhuyễn như ngài. Với tính sáng tạo cao, đức Lama đã biểu hiện chính mình không chỉ qua lời nói, mà còn thể hiện tự thân và trên khuôn mặt. Làm sao để chuyển tải hết sự truyền trao huyền diệu này trên trang giấy? Như đã đề cập ở chỗ khác, chúng tôi trình bày với yêu cầu này cách tốt nhất có thể.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]