Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 4

31/10/201203:23(Xem: 6126)
Phần 4

MẶT HỒ TĨNH LẶNG

Thiền sư Ajahn Chah

Tỳ kheo Khánh Hỷ chuyển dịch


Phần IV

Giữ giáo pháp đơn giản

Một khu rừng lớn gần làng mạc được dâng cho Ngài Ajahn Chah để làm tu viện. Một vị thiện nam giàu có nghe thế bèn hoan hỉ dâng cúng tài chánh để xây dựng một giảng đường và chùa lớn trên đỉnh đồi cao của khu rừng. Một số thiện tín khác hội họp cùng nhau vẽ nên một pháp đường và những kiến trúc phụ thuộc. Cốc của chư tăng được cất trong những hang động quanh núi. Một con đường xuyên qua khu rừng rậm được khai phá. Phần kiến trúc phải làm trước tiên là pháp đường: đổ móng, đúc những cây cột lớn, làm nền để thiết trí một tượng Phật khổng lồ. Khi công trình đang tiến hành, nhiều kiến trúc phụ được bổ sung. Thí chủ ủng hộ và nhóm kiến trúc sư bàn cãi mãi vì ý kiến bất đồng. Mái phải làm thế nào cho hợp? Có nên sửa đổi đồ án lại theo cách nào cho sáng suả hơn? Mọi người đều có ý kiến hay, nhưng ý kiến nào cũng tốn tiền cả.

Cuối cùng mọi người đem ra bàn thảo trong một buổi họp nhiều giờ với ngài Ajahn Chah. Tất cả mọi ý kiến đều được đem ra bàn cãi sôi nổi. Cuối cùng vị thiện nam thí chủ xin ngài Ajahn Chah cho biết ý kiến. Ajahn Chah cười và trả lời đơn giản:

-- Khi quí vị làm tốt thì có kết quả tốt.

Chẳng bao lâu pháp đường lộng lẫy hoàn thành.

Thiền cách nào hay nhất?

Hầu như suốt ngày Ajahn Chah phải bận rộn tiếp khách -- sinh viên, nông dân, chính trị gia, tướng tá, khách hành hương, thiện nam tín nữ. Họ đến xin ngài chúc phúc, để thỉnh ý, hỏi đạo, vấn an, bắt bí, thử thách, phân trần, chỉ trích, khiếu nại...; họ đem đến hàng ngàn vấn đề để giải quyết. Ajahn Chah không ngừng dạy dỗ họ. Có người hỏi ngài về chuyện này, Ajahn Chah trả lời:

-- Tôi đã học hỏi được nhiều giáo pháp khi tiếp xúc với họ, nhiều hơn tất cả các cách hành thiền khác.

Bữa ăn tuyệt vời

Một số sinh viên hỏi tại sao Ajahn Chah rất ít khi nói về Niết Bàn mà chỉ dạy về Trí Tuệ trong đời sống thường nhật. Nhiều thiền sư khác thường giảng dạy về sự chứng ngộ và nguồn an lạc vô biên của Niết Bàn. Ajahn Chah trả lời:

-- Một số người thưởng thức một bữa cơm ngon và sau đó kể lại sự tuyệt vời của bữa cơm cho bất kỳ ai mà họ gặp. Một số khác cũng ăn và thưởng thức một bữa cơm tương tự, nhưng họ cảm thấy không cần phải đi kể cho mọi người nghe về bữa cơm mà mình đã ăn rồi.

Cái cốc của ngài Ajahn Chah

Ajahn Chah bảo rằng ngài chẳng mơ gì nữa. Một đêm ngài chỉ ngủ vài tiếng trên một cái cốc cao cẳng. Bên dưới cốc là một sân rộng trống trải để tiếp khách.

Những vị khách đến thăm ngài thường mang theo quà. Ngoài thức ăn, y áo, họ còn đem dâng ngài những pho tượng cổ. Nhiều pho tượng được chạm trổ những hoa văn biểu tượng Phật giáo rất công phu và mỹ thuật.

Một vị sư Tây phương, nguyên là một nhà sưu tầm đồ cổ, rất say mê những tác phẩm mỹ thuật Á châu, lấy làm sung sướng được nhận lãnh nhiệm vụ quét dọn sạch sẽ cốc của ngài Ajahn Chah hàng ngày. Nhà sư nghĩ rằng đây là cơ hội tốt để thầy thưởng thức những nghệ thuật phẩm mình hằng ưa thích. Nhà sư nhận chìa khóa, lên cốc mở cửa, nhưng chỉ thấy độc một chiếc giường nhỏ và cái mùng che muỗi. Nhà sư khám phá ra rằng mỗi khi Ajahn Chah nhận được tặng phẩm gì, ngài liền phân phối ngay sau đó, càng sớm càng tốt. Achan Chah không dính mắc vào bất cứ cái gì.

Một buổi lễ thiêng liêng và một ngày nóng bức

Ngay thời kỳ Đức Phật, các nhà sư vẫn được mời đi làm lễ ban phước hay đem lại sự an lành cho tín đồ trong những lúc họ gặp khó khăn. Kinh điển có ghi chép chính Đức Phật đã theo tục lệ cổ truyền rảy nước thiêng và ban phúc cho thiện nam tín nữ.

Vì phần lớn các nhà sư hiện nay ở Thái Lan chỉ thích nghiên cứu học hỏi kinh điển và lễ lạc mà không chú trọng đến việc hành thiền nên ngài Ajahn Chah thường gọi đùa những nghi lễ này là "Đi ngược đường." Tuy thế, Ajahn Chah cũng dùng nghi lễ khi cần thiết. Một buổi chiều nóng nực, Ajahn Chah được mời xuống phố để thuyết pháp và làm lễ ban phước cho một số tín đồ và học sinh. Sau phần tụng kinh và thuyết pháp thường lệ, Ajahn Chah bưng một bát nước bằng đồng, nối liền với một sợi chỉ chuyền qua tay tám vị sư khác, dẫn đến bức tượng Phật lớn ở tư thế ngồi thiền. Sau phần tụng kinh và lễ dâng hương đèn, Ajahn Chah đứng dậy dùng một nhánh lá cọ rảy nước thiêng để chúc lành cho mọi người đến tham dự buổi thuyết pháp.

Môt nhà sư Tây phương trẻ trong phái đoàn chư tăng đến tham dự khởi tâm bất bình. Sau đó, không thể kiên nhẫn được với buổi lễ, than trách với Ajahn Chah:

-- Tại sao Ngài lại làm những nghi lễ vô bổ và chán ngắt, chẳng phù hợp với việc hành đạo chút nào?

Ajahn Chah trách lại:

-- Dĩ nhiên phải làm, vì một ngày nóng nực như thế này, mọi người đến tham dự đều muốn tắm mát.

Chân phép mầu

Dân làng và Phật tử sống quanh tu viện Wat Pah Pong kể rất nhiều chuyện về phép mầu của ngài Ajahn Chah. Họ nói rằng Ajahn Chah có thể phân thân đến nhiều nơi trong cùng một lúc. Có người quả quyết đã thấy Ajahn Chah phân thân thành hai. Họ nói rằng Ajahn Chah đã dùng phép mầu để chữa bệnh; Ajahn Chah có nhãn thông đã thuần thục trong việc nhập định.

Ajahn Chah cười khi nghe được những chuyện này. Phép mầu là vấn đề mà những người chưa giác ngộ cũng như những người chưa thông hiểu sâu xa Phật pháp thường mong cầu và quan tâm. Ajahn Chah nói:

-- Chỉ có một loại Chân Pháp Mầu. Đó là Giáo Pháp, những lời dạy có khả năng giải thoát tâm và chấm dứt khổ đau. Những pháp mầu khác chỉ là ảo tưởng, thuật tráo bài, mà mắt khiến ta đi trật đường. Đường chính của chúng ta liên quan đến con người, chết sống và tiến đến giải thoát. Ở Wat Pah Pong chỉ dạy có Chân Pháp Mầu mà thôi.

Một dịp khác Ajahn Chah nói với chư tăng:

-- Dĩ nhiên, một khi thiền định thuần thục, có thể dùng thiền định vào những mục tiêu khác như luyện thần thông, làm nước thánh, phúc chúc, làm bùa, tiên đoán việc tương lai, v.v... Nếu đạt tâm định các sư có thể làm được điều đó. Nhưng hành thiền như thế chẳng khác nào uống thuốc độc, uống rượu. Thế thì còn đâu là chánh đạo, con đường Đức Phật đã đi? Ở đây, thiền định (thiền vắng lặng) chỉ dùng làm căn bản cho thiền minh sát, vì vậy không cần phải đạt đến mức thiền định thật cao. Chỉ cần quan sát những gì sinh ra, tiếp tục quan sát nhân và quả, cứ thế tiếp tục quan sát. Bằng cách này chúng ta dùng sự chú tâm để quan sát hình sắc, âm thanh, mùi vị, sự xúc chạm và những hoạt động của tâm ý và cuối cùng sẽ tìm thấy Pháp Giải Thoát.

Pháp hành của người chủ nhà

Đời sống của gia đình thật khó mà cũng thật dễ. Khó làm nhưng dễ hiểu. Chẳng khác nào bạn đến đây và than phiền về cục than đỏ mà bạn đang nắm trong tay. Tôi chỉ đơn giản bảo bạn hãy vất nó đi. Bạn không chịu và cãi lại:

-- Không, tôi không muốn bỏ. Tôi muốn nó trở nên lạnh cơ.

Bạn có thể chọn một trong hai cách: vất bỏ nó đi, hoặc kiên nhẫn chịu đựng. Bạn sẽ phân vân hỏi lại:

-- Làm thế nào tôi có thể vứt bỏ được?

Bạn có thể bỏ gia đình bạn được không? Được. Bỏ phần nội tại trong tâm bạn. Bỏ sự dính mắc bên trong thôi. Giống như con chim đẻ trứng. Bạn có trách nhiệm phải ấp trứng. Nếu không trứng sẽ thối.

Có thể bạn muốn mọi người trong gia đình nể phục và cảm thông bạn, biết rõ tại sao bạn làm như thế này mà không làm như thế kia, v. v. Nhưng có thể họ không cảm thông được bạn. Thái độ của bạn có thể thiếu hòa ái. Tâm hồn bạn có thể chật hẹp. Nếu cha mẹ là một tên trộm và con không hưởng ứng, phải chăng con là đứa trẻ hư hỏng? Hãy giải thích và tìm hiểu mọi chuyện xảy ra trong chiều hướng tốt đẹp. Cố gắng thành thật, sau đó hãy để mọi chuyện tự nhiên. Nếu bạn bị bệnh và quyết định đến gặp bác sĩ, nhưng sau khi tận tâm chữa trị bằng mọi loại thuốc, bệnh bạn vẫn không khỏi, bạn phải làm thế nào đây? Bạn không còn cách nào hơn là phải chấp nhận thực trạng và để tâm tự nhiên.

Nếu bạn nghĩ đến các danh từ "gia đình tôi," "việc hành thiền của tôi," bạn sẽ gặp rắc rối vì những hình thức tự ngã này là nguyên nhân của đau khổ. Đừng nhọc công đi tìm hạnh phúc, dầu bạn đang sống với những người khác hay đang sống một mình. Hãy sống với giáo pháp, hạnh phúc sẽ tự tìm đến. Phật Pháp giúp bạn giải quyết vấn đề, nhưng chính bạn phải tự thực hành và khai mở trí tuệ trước. Bạn không thể có cơm bằng cách chỉ bỏ nước và gạo vào nồi, rồi bảo nó chín ngay. Bạn phải nhúm lửa và để cơm có đủ thời giờ chín. Với trí tuệ mọi vấn đề cuối cùng đều có thể giải quyết. Khi hiểu rõ đời sống gia đình, bạn có thể hiểu rõ được nghiệp báo và nhân quả, và nhờ thế bạn có thể quán xuyến và cải thiện mọi hành động của bạn trong tương lai.

Hành thiền chung nhóm với mọi người ở thiền viện hay trong những khóa thiền là những việc làm không mấy khó khăn. Vì ở đấy mọi người đều hành thiền, bạn phải tinh tấn theo họ, phải ngồi thiền, phải kinh hành như mọi người. Nhưng lúc về đến gia đình, bạn gặp khó khăn. Bạn bảo rằng lúc ở nhà bạn làm biếng. Bạn hãy bỏ hết quyền lực của chính bạn, chuyển quyền hành đó kẻ khác, cho sở làm, cho những vị thầy ở ngoài bạn. Hãy tỉnh dậy! Bạn tạo ra một thế giới riêng của chính bạn. Mà điều quan trọng là bạn có thích hành thiền không đã?

Là sư sãi, chúng tôi phải cố gắng giữ giới luật và hành hạnh đầu đà. Thực hành nghiêm chỉnh giới luật là con đường dẫn đến giải thoát. Các bạn cư sĩ cũng phải cố gắng giữ giới luật như vậy.

Các bạn hành thiền ở nhà nên giữ gìn trong sạch những giới căn bản. Cố gắng kiểm soát hành động và lời nói. Thật sự tinh tấn và hành thiền liên tục không gián đoạn. Muốn tập trung tâm ý bạn phải rán tinh tấn. Đừng thấy chỉ mới cố gắng một hay hai lần mà không tập trung tâm ý đã sinh ra chán nản.

Tại sao không thử cố gắng lâu hơn? Bạn đã để tâm trí đi lang bạt bao lâu theo ý nó mà không kiểm soát được? Bạn có băn khoăn rằng một hay hai tháng chưa đủ để luyện tâm an tịnh không?

Dĩ nhiên, tâm rất khó huấn luyện. Muốn dạy một con ngựa bất kham, hãy cho nó nhịn đói một lát, nó sẽ đến gần bạn hơn. Khi nó đã bắt đầu nghe lời, hãy cho nó ăn chút ít. Đạo sống của chúng ta có cái hay cái đẹp là có thể huấn luyện được tâm. Với nỗ lực đúng, chúng ta có thể đạt được trí tuệ.

Sông đời sống cư sĩ và thực hành chánh pháp là sống trong thế gian, nhưng ở trên thế gian. Giới bắt đầu bằng năm điều học căn bản. Mọi giới đều quan trọng -- là cha mẹ của mọi điều tốt đẹp.

Điều căn bản là loại bỏ khỏi tâm mọi sai lầm, quét sạch mọi nguyên nhân gây ra phiền muộn và dao động. Phải giữ giới luật thật kiên cố. Sau đó hãy tham thiền khi cơ hội đến. Đôi lúc việc hành thiền tiến triển tốt đẹp, đôi lúc không. Đó là chuyện tự nhiên. Đừng bận tâm về việc này. Cứ tiếp tục. Nếu nghi ngờ khởi lên, hãy xem chúng cũng như những chuyện khác của tâm đều vô thường cả.

Khi bạn tiếp tục hành thiền đều đặn thì sẽ có định tâm. Dùng tâm định này phát triển trí tuệ. Nhìn sự yêu ghét khởi dậy từ các giác quan mà không dính mắc vào chúng. Đừng bận tâm nghĩ đến kết quả hay sự tiến bộ. Cũng đừng mong ngóng ao ước tiến bộ mau chóng. Cũng như đứa trẻ muốn chạy phải tập bò và tập đi trước đã. Cứ giữ giới thật trong sạch và tiếp tục hành thiền.

Vô ngã

Đối với người không hiểu sự chết, cuộc sống chứa đựng nhiều rắc rối. Nếu thân thể ta thực sự là của ta, nó hẳn đã nghe theo mệnh lệnh mà ta đưa ra. Khi ta bảo, "Đừng có già" hay "Ta cấm ngươi không được đau," nó có nghe lời ta không? Không, nó chẳng thèm để ý đến. Ta chỉ là người thuê căn nhà này, chứ không phải chủ nhà. Nếu nghĩ rằng căn nhà này thuộc về ta, ta sẽ đau khổ khi phải rời bỏ nó. Nhưng thực ra chẳng có gì gọi là ta, chẳng có cái gì gọi là bản ngã thường tồn. Không có gì vững chắc, bất biến mà chúng ta có thể nắm giữ được.

Đức Phật phân biệt cho chúng ta thấy rõ hai loại chân lý -- chân lý rốt ráo và chân lý ước định. Ý niệm về một cái ngã chỉ là một khái niệm, một ước định. Người Mỹ, người Thái, thầy giáo, học sinh, tất cả chỉ là sự chế định mà thôi. Một cách rốt ráo thì chẳng có gì cả. Chúng chỉ là đất, nước, gió, lửa -- những yếu tố tạm thời kết hợp lại với nhau.

Chúng ta gọi cái cơ thể này là ta, nhưng một cách rốt ráo, chẳng có gì là ta cả, chỉ có "ANATTA," vô ngã mà thôi. Muốn biết rõ sự vô ngã, bạn phải hành thiền. Nếu bạn chỉ suy tư tìm hiểu, đầu bạn sẽ nổ tung. Một khi bạn hiểu rõ vô ngã, tức khắc gánh nặng của cuộc sống sẽ được nhấc đi. Đời sống của gia đình bạn, công việc của bạn,..., tất cả đều trở nên dễ dàng hơn. Khi không có cái nhìn chật hẹp về ngã nữa, bạn sẽ không còn dính mắc vào hạnh phúc. Và khi bạn không còn dính mắc vào hạnh phúc, bạn bắt đầu có hạnh phúc thực sự.

Ngắn và thẳng

Một bà già mộ đạo từ một tỉnh kế cận đến Wat Pah Pong hành hương. Bà thưa với ngài Ajahn Chah rằng bà chỉ có thể ở đây một thời gian ngắn thôi vì bà còn phải trở về chăm sóc mấy đứa chắt của bà. Bà cũng thưa với ngài là vì bà đã quá già nên xin ngài ban cho một thời pháp ngắn.

Ngài Ajahn Chah mạnh mẽ trả lời: Này, bà cụ hãy lắng tai nghe. Ở đây không có ai hết, chỉ như vậy thôi. Không ai là chủ nhân, không có ai già, không có ai trẻ, không có ai tốt, không có ai xấu, không có ai mạnh, không có ai yếu. Chỉ có vậy thôi, vậy thôi. Tất cả đều trống rỗng, chỉ có các yếu tố khác nhau của thiên nhiên, chúng nó tác dụng hỗ tương với nhau thôi. Không có ai sinh ra và chẳng có ai chết đi. Người nào nói về cái chết là người đó nói chuyện như đứa con nít không hiểu gì hết. Trong ngôn ngữ của Tâm, nghĩa là ngôn ngữ của Phật Pháp, không có chuyện đó.

Khi chúng ta gánh một gánh nặng, gánh đó thật nặng nề, nhưng khi không có ai gánh cái gánh nặng đó thì chẳng có vấn đề gì trên đời này nữa. Đừng tìm kiếm điều tốt, điều xấu hay bất cứ điều gì hết. Đừng là gì hết. Không có gì nữa hết. Chỉ có vậy.

Nước ngầm

Phật Pháp không riêng của ai; Phật Pháp không có sở hữu chủ. Phật Pháp phát khởi khi thế giới hiện khởi, nhưng đứng riêng độc lập một mình như sự thật muôn đời. Phật Pháp luôn luôn có mặt nơi đây, không dời đổi, không biên cương, dành sẵn cho mọi người muốn tìm đến với nó. Phật Pháp cũng như nước ngầm trong lòng đất: ai đào giếng sẽ bắt gặp chỗ nước ngầm đó. Dầu bạn có đào giếng hay không, nước ngầm vẫn luôn luôn ở đấy, ẩn tàng sau lưng mọi vật.

Khi tìm kiếm Phật Pháp, chúng ta có khuynh hướng tìm kiếm quá xa, chúng ta rướn quá độ, với quá xa, nên bỏ qua phần cốt tủy. Phật Pháp không phải ở đàng kia, hay ở chỗ nào xa lắc xa lơ, phải đi một chuyến thật xa, hay phải dùng viễn vọng kính, mới tìm thấy được. Phật Pháp ở ngay tại đây, rất gần với chúng ta, là yếu tính thật sự của chúng ta, là vô ngã. Khi chúng ta nhìn thấy yếu tính này, mọi vấn đề không còn nữa, mọi rắc rối biến mất hết. Tốt, xấu, sướng, khổ, sáng, tối, ta, người,..., chỉ còn là những hiện tượng trống rỗng. Nếu chúng ta biết được điều thiết yếu này, ý thức xưa cũ của chúng ta về tự ngã sẽ không còn nữa và chúng ta trở nên thật sự tự do.

Chúng ta thực hành sự xả bỏ, chứ không trì thủ. Nhưng trước khi có thể xả bỏ Thân và Tâm, chúng ta phải biết rõ bản chất của nó. Khi ấy sự xả bỏ xảy ra tự nhiên.

Không có gì là ta hay của ta; tất cả đều vô thường. Tại sao chúng ta không thể nói Niết Bàn là của ta? Bởi vì những kẻ chứng ngộ Niết Bàn không còn có tư tưởng về cái ta vàcủa ta nữa. Nếu còn có tư tưởng về ta và của ta, họ không thể nào thấy được Niết Bàn. Dầu họ biết rằng mật là ngọt, nhưng họ không còn nghĩ: Tôi đang nếm vị ngọt của mật.

Con đường Phật Pháp là phải bước tới hoài, nhưng Chân Phật Pháp không đi tới, không đi lui, cũng không đứng yên một chỗ.

Niềm vui của Đức Phật

Nếu mọi sự đều vô thường, bất xứng ý và vô ngã, mục tiêu của sự sống là gì? Một người ngắm nhìn dòng sông chảy qua. Nếu anh ta không muốn nó chảy, không muốn dòng sông liên tục thay đổi theo bản chất của nó, anh ta sẽ phải nhận chịu sự đau khổ lớn lao. Một người khác, ý thức được rằng bản chất của dòng sông là thay đổi không ngừng, dù mình có thích như vậy hay không, anh ta sẽ không cảm thấy đau khổ. Biết được sự sống cũng như dòng sông này, không có sự vui sướng lâu dài, không có tự ngã, chính là tìm được chân lý vững bền và không có sự đau khổ, chính là tìm ra được sự an tịnh thật sự trên đời.

Người ta có thể nói, "Thế thì ý nghĩa của cuộc đời là gì?" "Con người sinh ra làm chi?" Tôi không thể trả lời các câu hỏi đó. Tại sao bạn ăn? Bạn ăn để không phải ăn thêm nữa. Bạn sanh ra để không phải sanh ra nữa.

Giải thích bản chất thực sự của sự vật, về sự trống rỗng của chúng ta, là một việc khó khăn. Nghe được giáo pháp, con người phải tìm ra phương cách để hiểu.

Tại sao chúng ta hành thiền? Nếu chúng ta không hỏi tại sao, chúng ta được an nhiên tự tại rồi đó. Buồn rầu đau khổ không thể xảy đến với người hành thiền như thế này.

Ngũ uẩn là những kẻ giết người. Bám lấy thân thì sẽ bám lấy tâm, và ngược lại. Chúng ta hãy ngưng lại, đừng tin tưởng tâm của chúng ta nữa. Hãy dùng giới luật và sự an tịnh tâm để giữ gìn chánh niệm và tỉnh thức thường trực. Khi ấy bạn sẽ nhận chân được rằng mọi sự đều vô thường, bất xứng ý và trống rỗng, cùng lúc bạn sẽ nhìn thấy hạnh phúc và đau khổ xảy ra riêng rẽ. Trong sự tĩnh lặng đó, niềm vui chân thực của Đức Phật sẽ đến.

Lượm xoài

Khi bạn có được trí tuệ, sự tiếp xúc với đối tượng giác quan, cho dù tốt hay xấu, vui sướng hay đau khổ, cũng giống như đứng dưới gốc cây xoài lượm trái trong khi có kẻ khác leo lên cây rung cho bạn. Chúng ta chỉ việc lựa xoài tốt và xoài thúi mà chẳng nhọc công vì chúng ta không phải leo lên cây.

Như vậy nghĩa là gì? Mỗi đối tượng giác quan đến với chúng ta, mang lại cho chúng ta kiến thức. Chúng ta không cần phải làm đẹp chúng. Tám ngọn gió của thế gian -- được mất, vinh nhục, khen chê, đau khổ và vui sướng, cứ tới tự nhiên. Nếu tâm của bạn đã phát triển được sự yên tĩnh và trí tuệ, bạn có thể lượm và lựa một cách thoải mái. Cái mà người khác có thể gọi là tốt hay xấu, đó hay đây, vui sướng hay đau khổ, đều lợi lộc cho bạn, bởi vì kẻ khác leo lên cây xoài rung cho bạn, và bạn chẳng có điều gì phải sợ hãi.

Tám ngọn gió thế gian cũng giống như những trái xoài rớt xuống cho bạn. Bạn hãy dùng định lực và tâm yên tịnh để chiêm ngưỡng và thu thập. Biết trái xoài nào tốt, trái xoài nào thúi, chính là trí tuệ, tức là sự minh sát (vipassana). Bạn không tạo ra trí tuệ. Khi có trí tuệ, nội quán (insight) tự nhiên phát sinh. Dầu rằng tôi gọi nó là trí tuệ, bạn không nhất thiết phải cho nó một cái tên.

Tôi nói ngôn ngữ Zen

Một thiền sinh Zen hỏi Ngài Ajahn Chah:

- Sư bao nhiêu tuổi? Sư sống ở đây quanh năm suốt tháng, phải không?

Ngài Ajahn Chah trả lời:

- Tôi không sống ở đâu hết. Ông không kiếm ra tôi ở đâu hết. Tôi không có tuổi tác gì hết. Muốn có tuổi tác thì phải hiện hữu, mà nghĩ rằng mình hiện hữu là chuốc lấy rắc rối rồi. Chúng ta không tạo ra vấn đề thì thế giới cũng không có rắc rối. Đừng tạo ra cái tự ngã. Chẳng có gì đáng nói thêm nữa.

Có lẽ thiền sinh Zen này nhìn ra được rằng cốt tủy của Thiền Minh Sát (vipassana) không khác biệt với cốt tủy của Zen.

Chiêng im lặng

Sống trong thế gian mà hành thiền, người khác thấy bạn chẳng khác nào cái chiêng không được đánh động và không tạo nên âm thanh nào hết. Họ thấy bạn như vô dụng, điên rồ, thất bại. Nhưng thực ra điều ngược lại thì đúng hơn.

Sự thực ẩn tàng trong sự không thực, cũng như tính thường hằng ẩn tàng trong sự vô thường.

Không có gì đặc biệt

Người ta thường hỏi dọ tôi về sự hành trì riêng của tôi: Tôi chuẩn bị tâm tư như thế nào khi ngồi thiền? Không có gì đặc biệt hết! Tâm tôi để yên chỗ hồi nào tới giờ nó ở. Họ hỏi tôi, "Thế thì Ngài là một vị A-La-Hán chăng?" (A-La-Hán là một vị tu hành đã đạt đến mức độ cao của sự tiến bộ về tâm linh.) Tôi có biết đâu? Tôi như cây cổ thụ đầy lá hoa, hoa và trái. Chim chóc tới ăn và làm tổ trong cây đó. Nhưng cây cổ thụ đó không hiểu biết về thân phận nó. Nó cứ sống tự nhiên vậy thôi, nó sao nó vậy.

Bên trong bạn không có gì cả

Năm thứ ba tôi làm tỳ kheo, tôi có sự nghi ngờ về bản chất của Định và Trí Tuệ. Quá muốn kinh nghiệm trạng thái Định, tôi không ngừng cố gắng hành trì. Khi ngồi tham thiền, tôi cố gắng hình dung ra tiến trình đó, và do đó tâm tôi bị chia tách một cách đặc biệt.

Khi tôi không làm gì đặc biệt hết và không tham thiền thì tôi tốt, không có làm sao. Nhưng khi nào tôi quyết tâm tập trung tư tưởng thì tâm tôi trở nên cực kỳ bấn loạn.

Tôi tự hỏi, "Chuyện gì vậy? Tại sao nó như thế này?" Sau một thời gian tôi nhận ra rằng sự tập trung tâm ý trong việc hành thiền cũng giống như hít thở vậy thôi. Nếu bạn nhất định cố gắng thở sâu hay cạn, mau hay chậm, việc hít thở trở nên khó khăn. Còn nếu cứ xuôi thuận theo nó, không cần ý thức việc hít vào thở ra, việc hít thở trở nên tự nhiên và trôi chảy. Tương tự như vậy, mọi cố gắng bắt buộc mình trở nên tĩnh lặng chỉ là thể hiện sự bám víu và ham muốn. Làm như vậy chỉ cản trở sự định tâm mà thôi.

Thời gian trôi qua, tôi tiếp tục hành trì với lòng tin tưởng vững chắc và sự hiểu biết càng lúc càng lớn mạnh hơn lên. Dần dà tôi bắt đầu thấy diễn tiến tự nhiên của việc hành thiền. Vì nhận ra rằng những ước muốn của tôi rõ ràng là một chướng ngại, tôi hành trì một cách cởi mở hơn, khảo sát các yếu tố của tâm khi chúng xảy ra. Tôi ngồi và theo dõi, ngồi và theo dõi, cứ như vậy hoài.

Một ngày nọ, vào khoảng 11 giờ đên, sau khi ngồi thiền xong tôi đi kinh hành. Trong đầu tôi khi đó trống trơn không có tư tưởng nào hết. Tôi đang ở tu viện trong rừng mà có thể nghe những tiếng ồn ào và tiếng ca hát của cuộc hội hè đình đám đang diễn ra trong làng cách tu viện một khoảng xa. Khi cảm thấy mỏi mệt do việc hành thiền, tôi trở về cốc của mình. Khi tôi ngồi xuống, tôi nhận thấy tôi không ngồi vô thế kiết già mau lẹ như thường lệ. Tâm tôi tự nó muốn tiến vô trạng thái Định thâm sâu. Tâm tự nó như thế đó. Tôi tự nghĩ, "Tại sao như vậy?" Khi tôi ngồi xuống, tôi thấy tĩnh lặng hết sức. Tâm tôi vững vàng và tập trung tốt. Không phải là tôi không nghe được tiếng ca hát từ trong làng, nhưng tôi có thể làm cho tôi không nghe tiếng ca hát đó nếu tôi muốn như vậy.

Ở trạng thái nhất tâm này, tôi xoay nó hướng về các âm thanh thì tôi nghe được các âm thanh đó. Khi tôi không hướng tâm về các âm thanh thì hoàn toàn yên lặng. Lúc âm thanh tới, tôi quan sát kẻ đang chú tâm đến âm thanh, kẻ này hoàn toàn tách biệt với âm thanh. Tôi quán tưởng như vậy. Đây là trạng thái định, phải không? Không phải trạng thái này thì còn trạng thái nào khác hơn? Tôi có thể nhìn thấy tâm tôi tách rời khỏi đối tượng nó nhìn như cái chén này và ấm nước này vậy. Tâm và âm thanh không hề dính liền với nhau. Tôi tiếp tục xét như vậy, rồi tôi hiểu. Tôi nhìn thấy cái nối liền chủ thể và khách thể lại với nhau, và khi sự nối liền này bị phá vỡ, sự an tịnh thật sự hiển lộ.

Lần đó, tâm tôi không để ý đến chuyện gì khác. Nếu tôi muốn ngưng hành thiền, tôi có thể ngưng, như vậy mà không thấy khó chịu. Khi một nhà sư ngưng hành thiền, thầy thường tự hỏi, "Ta làm biếng chăng? Ta mệt mỏi chăng? Ta bất an chăng?" Không, tâm tôi lúc đó không làm biếng, không mệt mỏi, cũng không bất an. Tôi chỉ thấy trọn vẹn và đầy đủ về mọi mặt.

Khi tôi ngưng hành thiền để nghỉ ngơi một lát, chỉ có hành động ngồi là ngưng lại thôi. Tâm tôi vẫn y nguyên như trước, không thay đổi. Khi tôi nằm xuống, tâm tôi vẫn tĩnh lặng y như trước. Khi đầu tôi chạm lên chiếc gối, tâm tôi xoay vào trong. Tôi không biết nó xoay vô trong chỗ nào, nhưng nó xoay vô trong như điện được bật lên vậy, và toàn thân tôi nổ bùng ồn ào; sự nhận thức thì vô cùng tinh tế. Vượt qua điểm đó, tâm bước sâu vô nữa, bên trong không có gì hết, hoàn toàn không có gì hết, không có gì vô trong hết, không có gì có thể đạt tới hết. Sự nhận biết ngưng lại bên trong một lúc rồi trở ra. Không phải tôi kéo nó ra, không đâu, tôi chỉ là một quan sát viên, là người nhận biết mà thôi.

Khi tôi ra khỏi tình trạng này, tâm tôi trở lại trạng thái bình thường, và một câu hỏi nảy lên, "Cái đó là cái gì vậy?" Câu trả lời xảy đến là, "Những sự việc này, chúng chỉ là như vậy, như vậy thôi. Không cần phải nghi ngờ chúng nó." Tôi chỉ nói có bấy nhiêu, và tâm tôi chấp nhận như vậy.

Sau khi ngưng nghỉ một lúc, tâm tôi lại quay bật vô trong. Tôi không quay nó; chính nó tự quay vô trong lấy một mình. Khi tâm đi vô trong, nó lại đi tới bờ mé như lần trước. Lần thứ nhì này thân thể tôi vỡ thành từng mảnh vụn. Và tâm tôi đi sâu hơn nữa, tĩnh lặng, cùng tột. Khi tâm tiến vô và đã lưu lại một thời gian lâu như ý nó muốn, nó lại ra trở lại, và tôi trở về trạng thái bình thường. Trong thời gian này, tâm tự nó hành động, tôi chẳng hề có ý bắt nó đi vô hay đi ra gì hết. Tôi chỉ nhận biết và quan sát những gì xảy ra vậy thôi. Tôi không nghi ngờ. Tôi chỉ tiếp tục ngồi thiền và quán tưởng mà thôi.

Lần thứ ba tâm tiến vô, toàn bộ thế giới đều tan vỡ: đất đai, cây cỏ, đồi núi, người,..., tất cả chỉ là khoảng trống. Không một vật gì còn lại hết. Khi tâm thức đã tiến vô và lưu lại một thời gian như nó muốn, nó rút ra và trở lại trạng thái bình thường. Tôi không biết nó trụ như thế nào, những chuyện đó khó thấy và khó diễn tả. Không có gì có thể dùng để so sánh với tình trạng đó được.

Về ba lần kinh nghiệm này, ai nói được là chuyện gì đã xảy ra? Ai biết được điều đó? Tôi có thể gọi đó là gì? Điều tôi nói ở đây chỉ là vấn đề bản thể của tâm. Không cần phải bàn tới việc phân loại các tâm hay tâm sở. Bằng lòng tin sâu chặt, tôi tiến vô hành thiền, sẵn sàng liều mạng, và khi tôi ra khỏi kinh nghiệm này thì toàn thể thế giới đã thay đổi hẳn. Mọi kiến thức và hiểu biết đều đã biến thái. Nếu có người nào trông thấy tôi thì chắc người đó nghĩ là tôi đã điên mất rồi. Thật vậy, người nào không chánh niệm vững vàng rất dễ trở nên điên khùng, bởi vì nhận thức về thế giới vũ trụ hoàn toàn thay đổi hẳn so với trước. Thực ra chỉ có "cái ta" là thay đổi mà thôi. Tuy vậy, cái ta thay đổi đó vẫn chỉ là một người với cái ta trước kia. Thiên hạ nghĩ thế này, tôi nghĩ thế khác. Thiên hạ nói như thế này, tôi nói như thế khác. Tôi không còn đồng nhất với bàng dân thiên hạ như trước nữa.

Khi tâm tôi đạt tới sức mạnh tột độ của nó thì căn bản ở đây là năng lực tinh thần, năng lực của sự tập trung tâm ý. Trong trường hợp tôi vừa mô tả, kinh nghiệm đó đạt trên năng lực của định. Khi định đạt tới trình độ này, minh sát tự nó diễn tiến trong khi hành giả không cần phải cố gắng.

Nếu bạn hành trì như thế này, bạn sẽ không phải tìm kiếm ở đâu xa. Bạn thân ơi, bạn còn chần chờ gì nữa mà không thử đi?

Có một chiếc thuyền bạn có thể dùng để qua bên kia bờ sông. Tại sao bạn chưa chịu bước lên thuyền? Hay là bạn thích bùn sình hơn? Tôi có thể chèo chống ra khơi bất cứ lúc nào, nhưng mà tôi còn ở đây chờ bạn đó!


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/05/2011(Xem: 10555)
100 Câu Hỏi Phật Pháp Tập II Tỳ Kheo Thích Phước Thái 01 Tượng Phật bị sứt mẻ có thờ được không? 02 Thọ bát quan trai có lạy bàn vong được không? 03 Tu ở nhà một mình có tiến bộ không? 04 Khuyên người khác quy y có lỗi không? 05 Tụng kinh niệm Phật mà tâm còn tán loạn có được lợi ích gì không? 06 Tâm ở đâu?
28/02/2011(Xem: 7965)
Ban Sưu tập tu viện Quảng Hương Già Lam đã dày công sưu tập các công trình về kinh, luật, luận, thi kệ và tản văn của Đại lão Hòa thượng tập thành bộ "Toàn tập Tâm Như - Trí Thủ" nhân ngày húy nhật lần thứ 18 của Ngài. Công trình này vừa được tái bản đúng vào dịp kính tưởng niệm lần thứ 27 ngày Ngài viên tịch (2 /3 / Giáp Tý -2/3/Tân Mão) với sự bổ sung và chỉnh lý công phu, hình thức rất trang nhã, in thành 5 tập (thay vì 3 tập trong lần in trước). Giác Ngộ trích phần Lời nói đầu, trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
19/02/2011(Xem: 7084)
Những giáo pháp được đức Đạo sư nói ra không ngòai mục đích ban vui cứu khổ đưa đến an vui Niết-bàn giải thóat, cho dù là thiên kinh vạn quyển được triển khai từ những lời dạy cơ bản của Ngài...
11/02/2011(Xem: 30066)
Danh từ Ðạo Phật (Buddhism) xuất phát từ chữ "Budhi" nghĩa là "tỉnh thức" và như vậy Ðạo Phật là triết học của sự tỉnh thức. Nền triết học này khởi nguyên từ một kinh nghiệm thực chứng...
01/02/2011(Xem: 3078)
Tập sách này là kết tập những bài báo viết trên Bản Tin Hải Ấn và Phật Giáo Việt Nam trong cùng một chủ đề. Đó là Con Đường Phát Triển Tâm Linh.
28/01/2011(Xem: 13693)
Chúng tôi viết quyển sách này cho những người mới bắt đầu học Phật. Bước đầu tuy tầm thường song không kém phần quan trọng, nếu bước đầu đi sai, những bước sau khó mà đúng được.
22/01/2011(Xem: 5190)
Người cư sĩ tại gia, ngoài trách nhiệm và bổn phận đối với gia đình, xã hội còn có nhiệm vụ hộ trì Tam Bảo. Cho nên trọng trách của người Phật Tử tại gia rất là quan trọng...
13/01/2011(Xem: 18710)
Trong Đường Xưa Mây Trắng chúng ta khám phá ra Bụt là một con người chứ không phải là một vị thần linh. Đó là chủ tâm của tác giả...
10/01/2011(Xem: 11005)
Quyển sách này đã đem lại cho độc giả một cái nhìn mới của Tây phương đối với Phật giáo trước đây vốn hoàn toàn xa lạ và hiện nay đang rất thịnh hành ở châu Âu và châu Mỹ.
05/01/2011(Xem: 12551)
Triết thuyết Căn Bản của PG Đại Thừa
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567