Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

06. Ngày thứ sáu

13/10/201203:27(Xem: 5365)
06. Ngày thứ sáu

TỨ NIỆM XỨ GIẢNG GIẢI

Tác giả: Goenka
Dịch giả: Pháp Thông

 

NGÀY THSÁU

Ngày thứ sáu của khóa thiền Tứ Niệm Xứ - Satipaṭṭhāra- đã qua. Chúng ta tiếp tục quán pháp - Dhammānupassanā.Dhamma(Pháp) là những nội dung tâm trí và bản chất của chúng, là quy luật phổ quát của tự nhiên. Đức Phật, một con người đã giác ngộ, không màng đến việc thiết lập một bộ phái hay một tôn giáo. Sau khi đã khám phá ra sự thực tối hậu ở mức thâm sâu nhất, Đức Phật dạy quy luật này để giúp mọi người hiểu được thực tại và chấm dứt khổ đau của họ, bất kể bộ phái, cộng đồng, xứ sở, màu da hay giới tính của họ là gì. Toàn thể vũ trụ, hữu tình và vô tình, mọi người và mọi vật, đều bị quy luật (tự nhiên) này chi phối. Có hay không có (sự xuất hiện của) Đức Phật, quy luật này vẫn chi phối sự tác động qua lại bất biến giữa tâm và thân, giữa những dòng chảy, dòng cắt và dòng ngầm (của tâm thức) đang diễn tiến trong mỗi cá nhân. Tuy thế người ta vẫn tiếp tục chơi những trò chơi trên bề mặt của tâm, vẫn tiếp tục tự dối mình trong tăm tối vô minh và làm tăng trưởng khổ đau của họ bằng những hệ lụy do chính họ tạo ra.

Khandhapabbaṃ- Các uẩn

Dhammesu dhammānupassī viharati pañcasu upādānakkhandhesu

(Sống quán pháp trong các pháp dưới hình thức năm thủ uẩn)

Khandhacó nghĩa là một tập hợp, hay một đống của cái gì đó. Chúng ta được gọi là những con người. Đây là một sự thực bề ngoài hay sự thực chế định: nhưng ở mức sâu hơn, mọi cá nhân - Tôi, anh, nó - chỉ là năm uẩn (pañca khandhā). Đức Phật muốn bạn đi vào chiều sâu của thực tại này, ở đây bạn không còn phân biệt hay xác nhận (con người) theo danh tánh, ở đây tất cả chỉ là năm uẩn thuần túy mà thôi.

Trong năm uẩn, một là vô số các hạt hạ nguyên tử hay tổng hợp sắc - kalāpa, kết hợp lại với nhau kể như phần vật chất (sắc). Tâm được chia làm bốn uẩn khác: thức (viññāṇa); tưởng (saññā); thọ (vedanā); và hành hay phản ứng (saṅkhāra). Khi năm uẩn này kết hợp lại thì được gọi là một thực thể, một cá nhân. Ở mức cùng tột chúng chỉ là năm uẩn và toàn bộ tiến trình minh sát (vipassanā), toàn bộ tiến trình niệm xứ (satipaṭṭhāna) là để kinh nghiệm sự thực này. Bằng không thì ảo tưởng xem đó như là "Tôi", "của tôi", hay "tự ngã của tôi" với bất kỳ uẩn nào hay cả năm uẩn này - vốn là vô minh - sẽ tạo ra tham ái và chấp thủ, dẫn đến khổ đau cùng cực. Đây không phải là một tín điều cần phải được chấp nhận do lòng sùng đạo, chỉ vì một bậc giác ngộ đã nói như thế, cũng không phải là một triết lý phải được chấp nhận trên phương diện tri thức vì tính hợp lý và lôgic của Nó. Đây là một sự thực cần phải được kinh nghiệm và thực chứng ở đúng mức trong cơ cấu của thân. Khi sự thực này trở nên rõ ràng, lề thói quen ở tận sâu trong tâm thay đổi, và sự giải thoát được đạt đến. Đây là Dhamma(pháp).

Upādānalà chấp thủ. Thủ này phát triển đối với năm uẩn kể như đối tượng của nó; hoặc có thể nói năm uẩn được sanh ra và kết hợp lại với nhau do thủ - upādāna- vì thế chúng được gọi là năm thủ uẩn.

Một lần nữa, người hành thiền quán pháp trong pháp (Dhamma), ở đây là năm uẩn. Người hành thiền thực hành như thế nào đối với năm uẩn?

… 'iti rūpaṃ, iti rūpassa samudayo, iti rūpassa atthaṅgamo…

Đây là sắc, đây là sự sanh khởi của sắc, đây là sự hoại diệt của sắc: tất cả điều này phải được kinh nghiệm. Rūpacó nghĩa là sắc hay vật chất, samudayalà sự sanh khởi, atthaṅgamolà sự hoại diệt.

iti vedanā, iti vedanāya samudayo, iti vedanāya atthaṅgamo;

iti saññā, iti saññāya samudayo, iti saññāya atthaṅgamo;

iti saṅkhārā, iti saṅkhārānaṃ samudayo, iti saṅkhārānaṃ atthaṅgamo;

iti viññāṇaṃ, iti viññāṇassa samudayo, iti viññāṇassa atthaṅgamo’ti.

Đây là thọ, đây là sự sanh khởi của thọ, đây là sự hoại diệt của thọ;

Đây là tưởng, đây là sự sanh khởi của tưởng, đây là sự hoại diệt của tưởng;

Đây là hành, đây là sự sanh khởi của hành, đây là sự hoại diệt của hành;

Đây là thức, đây là sự sanh khởi của thức, đây là sự hoại diệt của thức;

Khi các danh uẩn - thọ, tưởng, hành, thức - đã được thực nghiệm, toàn tiến trình của những gì đang xảy ra bên trong (tự thân) cũng được thực chứng.

Iti ajjhattaṃ vā dhammesu dhammānupassī viharati, … 'attha dhamma’ti….

Các trạm tương tự tiếp nối theo sau, bên trong, bên ngoài, cả bên trong lẫn bên ngoài. Rồi "atthi dhamma’ti" - "Ô, đây là Pháp (dhamma)". Chánh niệm được thiết lập trong hiện thực rằng năm uẩn này tất cả đều có mặt. Ở một giai đoạn quan sát hay quán cao hơn (hành giả) chỉ thấy danh và sắc, không có gì khác nữa - không có "tôi", "của tôi" hay "tự ngã của tôi".

Ở mức quy ước, bề ngoài, những từ "tôi" và "bạn" phải được dùng, nhưng ở mức tối hậu, đích thực chỉ có năm uẩn. Tương tự, vì mục đích quy ước, chúng ta gọi những vật kết hợp lại với nhau là một chiếc xe, nhưng nếu chúng ta tháo rời và tách riêng nó ra thành từng phần, bộ phận nào là cái xe? ruột xe? bánh xe? chỗ ngồi? động cơ? bình điện? khung (xe)? Thực chất một chiếc xe chỉ là những bộ phận khác nhau kết hợp lại mà thôi.

Tương tự, thứ hai, ba, tư, năm, sáu, bảy và chủ nhật khi kết hợp lại với nhau thì làm thành một tuần; ba mươi ngày hợp lại thành một tháng; và mười hai tháng hợp lại thành một năm, cũng chỉ vì những mục đích quy ước. Thiền minh sát (vipassanā) chia tách, mổ xẻ, làm rời ra và quan sát thực tại đúng như nó là. Lúc ấy chấp thủ ra đi. Các uẩn còn lại, tiếp tục sanh và diệt, nhưng chúng (bây giờ) chỉ là các uẩn thuần túy, vì thủ - upādānađã ra đi. Đây là pháp (dhamma) của các uẩn.

yāvadeva ñāṇamattāya paṭissatimattāya anissito ca viharati, na ca kiñci loke upādiyati.

Cũng như trước, đến đây "chỉ có" mattā" trí tuệ, chỉ có tri kiến, chỉ có sự quan sát. Cho đến mức độ này (yāvadeva) không có người tri, không có người biết, hoặc người kinh nghiệm. Rồi, anissita ca viharati: không có gì để nương tựa vì không còn tham ái; không còn chấp thủ.

Āyatanapabbaṃ - Các căn xứ (12 xứ)

dhammesu dhammānupassī viharati chasu ajjhattikabāhiresu āyatanesu

Sống quán pháp trong pháp dưới hình thức sáu nội - ngoại xứ.

Āyatanalà sáu căn hay sáu môn: nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, và ý môn. Cả sáu môn này đều ở bên trong (ajjhatta) vì chúng nằm trên hay trong thân. Các đối tượng của chúng nằm ở bên ngoài (bāhiresu): đối với con mắt (nhãn), đối tượng là một cảnh sắc, mầu, hình dáng, hay ánh sáng; đối với lỗ tai, âm thanh; đối với mũi, mùi; đối với lưỡi, vị; đối với thân, vật xúc chạm; đối với ý hay tâm, một ý nghĩ, cảm xúc, ảo tưởng hay mơ mộng. Mặc dù gọi là các căn xứ bên ngoài (ngoại xứ), song chỉ khi tiếp xúc với các căn xứ bên trong (nội xứ), trên cơ cấu của thân, chúng mới trở thành những đối tượng. Đối với một người mù bẩm sinh không có thế giới của màu sắc, ánh sáng, hình dạng hay tướng trạng và do đó không cách nào hiểu được thế giới ấy. Sáu nội xứ và sáu ngoại xứ tạo thành mười hai xứ tất cả, và ngoại xứ chỉ thực sự hiện hữu đối với chúng ta khi nó tiếp xúc với căn môn tương ứng của nó.

Công việc thực hành với sáu nội ngoại xứ như thế nào?

cakkhuṃ ca pajānāti, rūpe ca pajānāti, yañca tadubbhayaṃ paṭicca uppajjati saṃyojanaṃ tañca pajānāti …

Sự thực của con mắt hay nhãn căn (môn) - cakkhu- và đối tượng của nó hay sắc (rūpa) phải được tuệ tri (pajānāti). Yañca tadubhayaṃ paticca, với căn bản của hai xứ này (tức con mắt và sắc), do sự tiếp xúc của chúng, uppajjati saṃyojanaṃ- một kết sử (trói buộc) khởi lên.

yathā ca anuppannassa saṃyojanasa uppādo hoti tañca pajānāti…

Người hành thiền làm việc với kiết sử (saṃyojana) hiện đã khởi lên ấy: saṃyojanasso uppādo hoti yañca pajānāti. Sự thực là với mỗi xúc chạm đều có một sự rung động hay cảm thọ (vedanā), phassa-paccayā vedanā- xúc duyên thọ. Tưởng (saññā) bắt đầu đánh giá: đàn ông, đàn bà; đẹp, xấu; dễ chịu, khó chịu. Với sự đánh giá này thọ (vedanā) trở thành lạc hay khổ, và lập tức hành (saṅkhāra), phần phản ứng của tâm, bắt đầu phát ra tham ái hay sân hận. Như vậy toàn bộ tiến trình của sự trói buộc (kiết sử) này khởi động và sinh sôi nảy nở.

Việc thực hành quán pháp đối với sáu căn môn nằm trong ranh giới của tâm và vật chất (danh - sắc). Đó là công việc phân tích và tuệ tri liên tục mọi sự xảy ra (trong thân - tâm) như thế nào. Nếu bạn không hay biết điều gì bạn sẽ thắt những thắt nút mới và làm tăng trưởng thêm hết trói buộc này đến trói buộc khác mà thôi. Khi bạn không phản ứng, vì bạn đã kinh nghiệm và quan sát sự trói buộc bằng trí tuệ, nó sẽ suy yếu đi. Lề thói quen của phản ứng bắt đầu thay đổi. Những trói buộc (kiết sử) cũ có thể trồi lên bề mặt: yathā ca anuppannassa saṃyojanassa uppādo hoti tañca pajānāti. Bạn quan sát sự sanh (uppāda) của kiết sử (saṃyojana) trước đây chưa sanh (anuppanna)

…yathā ca uppannassa saṃyojanassa pahānaṃ hoti tañca pajānāti, yathā ca pahānassa saṃyojanassa āyatiṃ anuppādo hoti tañca pajānāti

Khi bạn quan sát, các kiết sử lần lượt bị đoạn trừ: yathā ca uppannassa saṃyojannassa pahānaṃ ho ti tañca pajānāti. Khi tất cả các kiết sử đã trồi lên bề mặt và diệt chúng không còn sanh khởi trở lại (āyatiṃ anuppādo). Giai đoạn vượt qua kiết sử, giải thoát hoàn toàn, đã đạt đến.

Có ba loại đoạn trừ. Ngay cả khi bạn chỉ giữ giới (sīla), do ở bề mặt của tâm bạn không phản ứng thái quá với tham hoặc sân, đã có sự đoạn trừ nhất thời những kiết sử của bạn. Khi bạn đi vào sâu hơn với năng lực định (samādhi); sự đoạn trừ sẽ được nhiều hơn: gốc rễ (các kiết sử) đã lung lay. Và khi bạn hành minh sát (vipassanā) những gốc rễ này được tuyệt trừ ở mức sâu nhất của tâm - pahānaṃ. Chẳng hạn, một người khát nước tìm đến uống nước nơi một cái hồ phủ đầy rong rêu trên mặt. Để tạm thời uống được, họ phải dùng tay vét đám rong rêu qua một bên tạo thành một vùng nhỏ. Nhưng sau đó đám rong rêu sẽ phủ kín vùng nhỏ ấy lại. Đây là sự đoạn trừ nhất thời. Đây là giới - sīla. Để được quyền sử dụng lâu hơn, bốn cây cọc có lưới giăng phải được dựng lên để ngăn chặn đám rong lại. Đây là định (samādhi), khi nó đi vào sâu hơn, sẽ vét sạch một vùng tương đối lớn, song gốc rễ vẫn còn. Tuệ (pañā) loại trừ tất cả để cho không một phân tử (rong rêu) nào còn lại. Đây là sự đoạn trừ (pahāna) đích thực ở mức căn để, và là những gì muốn nói tới ở đây: yathā ca pahānassa saṃyojanassa āyatiṃ anuppādo hoti tañca pajānāti. Sự đoạn trừ hoàn toàn hay sự trừ tuyệt các kiết sử (saṃyojanas) được tuệ tri; chúng không thể nào sanh khởi (auppādo) trở lại. Đây là giai đoạn Alahán, sự giải thoát hoàn toàn.

sotañca pajānāti, sadde ca pajānāti, yañca tadubhayaṃ paṭicca uppajjati saṃyojanaṃ tañca pajānāti …

Tương tự, nhĩ căn (lỗ tai), âm thanh và sự trói buộc hay kiết sử khởi lên do chúng (tai và âm thanh) được quan sát.

… yathā ca anuppannassa saṃyojanassa uppādo hoti tañca pajānāti, yathā ca uppannassa saṃyojanassa pahāhaṃ hoti tañca pajānāti, yathā ca pahānassa saṃyojanassa āyatiṃ anuppādo hoti tañca pajānāti.

Khi xả phát triển, những kiết sử này trước đây chưa từng khởi lên trên bề mặt nay đã khởi và được đoạn trừ. Điều này cũng được quan sát (pajānāti).

Ghānañca pajānāti, gandhe ca pajānāti …

Jivhañca pajānāti, rase ca pajānāti …

Kāyañca pajānāti, phoṭṭhable ca pajānāti …

Manañca pajānāti, dhamme ca pajānāti … āyatiṃ anuppādo hoti tañca pajānāti …

Tương tự thực tại của mũi và mùi, lưỡi và vị, thân và bất cứ vật xúc chạm nào, và thực tại của tâm (ý) và những nội dung tâm trí hay pháp (dhamme) phải được quan sát (pajānāti). Trong mỗi trường hợp, những kiết sử sẽ khởi lên, bị đoạn trừ, và không khởi lên trở lại. Trong mỗi trường hợp, giai đoạn giải thoát viên mãn của một vị thánh Alahán không chỉ được chấp nhận một cách thuần túy trên phương diện triết lý, mà phải được kinh nghiệm, được thân chứng: pajānāti.

Iti ajjhattaṃ vā dhammesu dhammānupassā viharati … 'atthi dhammā’ti … na ca kiñci loke upādiyati.

Cũng tiến trình như trước tiếp nối theo sau. "Đây là pháp - dhamma". Tất cả sáu căn môn và đối tượng của chúng chỉ là pháp (dhamma) thuần túy không có "tôi", "của tôi", "nó" hay cá nhân nào ở đó. Chia chẻ, mổ xẻ, làm rời ra, và làm tan ra, phân tích mỗi căn môn riêng biệt, cá nhân trở thành chỉ một khối, một tiến trình, một sự vận hành tương tác của tất cả các xứ (āyatana) kết hợp lại với nhau. Với sự hiểu biết tri thức thuần túy, vô minh sẽ ngăn không cho chứng kiến (tuệ tri) pháp này, tiến trình này, và ngăn không cho thoát khỏi trói buộc này.

Việc thực hành dẫn qua những trạm tương tự đến mục tiêu cuối cùng.

Bojjhaṅgapabbaṃ- Các chi phần giác ngộ

dhammesu dhammānupassī viharati sattasu bojjahṅgesu.

Sống quán pháp trong pháp dưới hình thức thất giác chi (7 chi phần giác ngộ).

Bojjhaṅgalà bảy chi phần của sự giác ngộ hay bảy phẩm chất phải được phát triển (tu tập) để đạt đến mục tiêu cuối cùng.

Tâm tự nó rất thanh tịnh: thức - viññāna- rất là thanh tịnh, nhưng do các hành (saṅkhāra) quá khứ, làm duyên cho tưởng (saññā) luôn luôn đưa ra những đánh giá sai lầm, và khi thọ (vedanā) sanh thì hết hành này đến hành (saṅkhāra) khác lại được tạo ra. Do toàn bộ tiến trình này, tâm mất đi tính chất thanh tịnh tự nhiên của nó và trở nên rất kích động. Các chi phần giác ngộ (bojjhaṅga) sẽ phục hồi lại sự thanh tịnh này: khi các chi phần giác ngộ được quan sát như một thực tại, chúng sẽ tăng trưởng để trở nên hoàn hảo và khi mỗi chi phần được hoàn hảo, sự giác ngộ sẽ hoàn hảo. Đây là toàn bộ tiến trình vipassanā.

Chi phần giác ngộ hay giác chi thứ nhất là niệm (sati). Không có niệm, các bước khác trên đạo lộ không thể thực hiện được. Niệm (sati), sự quan sát thực tại một cách khách quan, là yếu tố quan trọng nhất bởi vì nó phải có mặt liên tục từ sátna này đến sátna khác cùng với mọi giác chi khác.

Thứ hai là trạch pháp - dhamma-vicaya. Trong ngôn ngữ Pāḷi chữ cayahay cayanacó nghĩa là "hợp nhất" hay "kết hợp". Sự thực bề ngoài, kiên cứng, hợp nhất, tạo ra quá nhiều ảo tưởng và lầm lạc: mọi quyết định và hành động của con người đều sai lầm. Vicayahay vicayananghĩa là chia chẻ ra, mổ xẻ ra, làm rời ra, tách bạch ra, như thiền minh sát muốn bạn phải làm. Mới đầu dhamma-vicayalà sự hiểu biết thuộc tri thức. Thân được phân tích chỉ như bốn yếu tố (tứ đại), với không có cái "tôi" nào ở đó. Tâm chỉ là bốn (danh) uẩn. Sáu căn môn và những đối tượng tương ứng của chúng, sự xúc chạm và tiến trình sinh sôi nảy nở được quan sát. Tính minh bạch trên phương diện tri thức có được này sẽ cho hành giả sự hướng dẫn để bắt đầu thực hành minh sát (vipassanā) và nghiên cứu sự thực ở mức đích thực.

Giác chi thứ ba là tinh tấn - viriya, giống như chánh tinh tấn - sammā vāyāmotrong Bát Thánh Đạo. Trong thiền minh sát nỗ lực lớn được đòi hỏi, song nỗ lực không phải để phản ứng, không phải để cho các pháp cứ việc xảy ra (mà không quan sát). Cho dù bạn đã từng chiến thắng trong cả ngàn cuộc chiến chống lại cả ngàn người, cuộc chiến không phản ứng trong nội tâm này còn khó khăn hơn nhiều vì thói quen cũ của bạn là phải làm một cái gì đó, phải phản ứng. Đừng lao vào cuộc chiến như ngài Ānanda - "Ta phải trở thành một bậc Alahán", "Ta phải" đoạn trừ những bất tịnh của ta - nếu bạn làm thế, tâm trở nên mất thăng bằng. Cực đoan khác là không làm việc, không quan sát hoàn toàn, cứ để cho mọi việc xảy ra. Để cho mọi việc xảy ra, nhưng cũng phải biết thực tại đúng như nó là. Cần phải có một mức độ căng thẳng tối thiểu nào đó: quá nhiều, hay không (căng thẳng) hoàn toàn, sẽ không hiệu quả. Chẳng hạn, để khoan một cái lỗ trên một viên ngọc quý, một sức ép nào đó là cần thiết, nhưng sức ép quá nhiều sẽ làm bể nó. Đó là trung đạo.

Tinh tấn - viriyalà chỉ để quan sát, tuệ tri tính chất vô thường của sanh - diệt: thực hành mà không phản ứng. Sự giải thoát được thực hiện bởi pháp (dhamma), bởi quy luật tự nhiên.

Khi bạn duy trì liên tục việc thực hành với niệm (sati) trạch pháp (dhamma-vicaya) và tinh tấn (viriya), phiền não ra đi, đồng thời hỷ (pīti) sẽ đến và tăng trưởng; pītiở đây là cảm thọ lạc trong thân, một trạng thái sung sướng và hạnh phúc. Bạn phải cẩn thận. Nếu bạn sanh tâm chấp trước vào trạng thái an lạc phát sinh do cái dòng chảy tự do của những rung động vi tế ở khắp toàn thân này, nếu bạn chờ đợi nó và dính mắc vào nó, thời đó không còn là một giác chi (bojjhaṅga) nữa. Nếu sự hiểu biết về tính chất vô thường (anicca) còn lại - tức bạn biết rằng đây vẫn là lãnh vực của tâm (danh) và vật chất (sắc) - lãnh vực của sanh và diệt - thì phiền não ra đi, và pīti hay hỷ phát triển để trở thành một chi phần của sự giác ngộ.

Khi hết đợt sóng này đến đợt sóng khác của cảm thọ lạc này đổ đến và được quan sát, giai đoạn quan trọng của passaddhi, sự an tịnh sâu lắng xuất hiện. Bây giờ ngay cả một âm thanh nhỏ nhiệm cũng là một quấy động lớn. Ngay cả hơi thở vốn đã trở thành giống như một sợi dây tinh tế, tạo thành một vòng xoay ngược vi tế ở lối vào lỗ mũi, cũng là một sự quấy rối. Tâm vô cùng bình an, yên lặng, thanh tịnh. Một lần nữa sự nguy hiểm lại đến: cảm giác sai lầm cho rằng sự bình an sâu lắng, chưa từng kinh nghiệm trước đây, là giải thoát. Cũng như hỷ (pīti) có thể trở thành một trói buộc nếu không dùng đúng như thế nào, ở đây tịnh (passaddhi) cũng có thể trở thành một trói buộc hay kiết sử y như vậy. Đó chỉ là một quán trọ giữa đường; mục tiêu cuối cùng vẫn còn xa lắm. Bạn có thể kiểm tra bằng cách mở mắt, hay lắng nghe, để thấy rằng sáu căn vẫn còn hoạt động. Bạn vẫn còn trong lĩnh vực của sinh và diệt. Bạn chưa vượt qua được lĩnh vực của tâm và vật chất hay danh và sắc.

Mặc dù ở giai đoạn cao này rất khó nắm bắt, song một sự dao động vi tế vẫn còn, và cảm thọ này được gọi là adukkhaṃasukhaṃ(bất khổ, bất lạc hay xả thọ). Trong hỷ (pīti) nó là lạc hay cảm giác dễ chịu; giờ đây nó chỉ là sự bình yên, mà cái nguy nằm ở chỗ vô thường (anicca) không còn được kinh nghiệm nữa. Xả ly ái đối với cảm thọ lạc hoặc xả ly sân đối với cảm thọ khổ còn dễ dàng hơn xả ly cái cảm giác bình yên này. Phải rất chú ý: với một cái tâm sắc bén, cảm giác những dao động vi tế, kiểm tra sáu căn, và duy trì sự hiểu biết rằng kinh nghiệm này vẫn là vô thường (anicca).

Luôn có một câu hỏi được đặt ra về cảm thọ trung tính. Đức Phật không có ý định nói tới cảm thọ ở bề mặt, lúc ban đầu vốn là bất lạc bất khổ. Thọ đó hoàn toàn khác. Nó liên quan đến tham và sân vì người ta cảm thấy chán nó, mất sự thích thú với nó, và muốn một cái gì khác hơn. Kinh nghiệm của họ đã trở nên cũ kỹ tẻ nhạt. Họ muốn một cái gì đó khác hơn và mới hơn, một cái gì mà họ không có. Đây là lề thói quen cũ của họ.

Đối với những người từ các bộ phái khác, những cộng đồng khác, xứ sở, tôn giáo, tín ngưỡng, và tín điều khác đã đến sông Hằng (Ganges) minh sát này để dập tắt cơn khát của họ, để chấm dứt vô minh và khổ đau của họ. Ngay cả khi cái cấu trúc tâm - vật lý hay danh và sắc này được họ chấp nhận như đang sanh và diệt (vô thường) và không cốt lõi (vô ngã), song do bối cảnh (xã hội) của họ cái cảm thọ trung tính, sâu lắng này lại tạo cho họ một ảo tưởng về sự bất diệt và vì thế trở thành một trói buộc (kiết sử). Đối với một người mà đức tin truyền thống của họ đặt nơi linh hồn thường hằng, pasaddhi(tịnh) dường như là cái (linh hồn) ấy. Đối với người khác đặt niềm tin nơi một đấng sáng tạo vĩnh cửu sống bên trong chúng ta, nó dường như là đấng sáng tạo không đổi đó. Đây là một ảo tưởng nguy hiểm. Khảo sát toàn diện trạng thái passaddhi(an tịnh) này, khảo sát toàn diện kinh nghiệm yên tĩnh sâu lắng này. Nếu như bạn duy trì chánh niệm đối với sự dao động rất vi tế đang sanh diệt ấy, lúc đó nó sẽ trở thành một giác chi (bojjhaṅga) và cho bạn sức mạnh để tiến tới thêm. Kinh nghiệm của bạn sẽ tăng trưởng.

Giác chi kế tiếp là samādhi- hay định giác chi. Trước khi Đức Phật trở thành một vị Phật, cũng như ngày nay có các loại định (samādhi) khác nhau. Khi tám thiền chứng (jhāna) được đạt đến, có một điều nguy hiểm là hành giả cảm giác như rằng mục tiêu (giải thoát) đã đạt đến, song đây chỉ là định thế gian (lokiya samādhi), đưa đến sự xoay vần hết kiếp sống này đến kiếp sống khác, hết cảnh giới này đến cảnh giới khác (luân hồi trong tam giới). Chánh định (sammā-samādhi) đưa chúng ta ra khỏi mọi cảnh giới và đến chỗ giải thoát viên mãn khỏi ràng buộc của sanh và tử, và khỏi mọi loại khổ đau. Nó được thực hành với trí tuệ tỉnh giác (sapajañña), với chánh niệm về các hiện tượng tâm - vật lý hay danh - sắc và sự thực chứng tính chất sanh diệt của nó. Lúc đó samādhi(định) trở thành định siêu thế (lokuttara). Khi thiền siêu thế được đạt đến, quả của Niết Bàn cũng đồng thời được đạt đến. Với định (samādhi), theo từng bậc, hành giả đạt đến quả tuđàhoàn (sotāpanna), tưđàhàm (sakadāgāmī), anahàm (anāgāmī), và Alahán (arahant). Định, khi đó trở thành định giác chi.

Upekkhāhay xả là giác chi thứ bảy. Giống như niệm (sati), nó phải có mặt từ đầu cho đến cuối, ở mỗi bước (tu tập thất giác chi). Nói chung bất cứ giác chi nào được quan sát, niệm và xả phải luôn luôn có mặt ở đó.

Một cái tâm thanh tịnh phải có cả bảy giác chi này. Những bất tịnh, khi được quan sát, sẽ trồi lên bề mặt và bị đoạn trừ; song các chi phần giác ngộ này, khi được quan sát, từng giác chi một, cũng trồi lên bề mặt, được phát triển, tăng trưởng và trở thành sung mãn. Phần này như vậy đã giải thích làm thế nào mục tiêu cuối cùng của sự giác ngộ viên mãn được đạt đến.

santaṃ vā ajjhattaṃ satisambojjhaṅgaṃ 'atthi me ajjhattaṃ satisambojjhaṅgo’ti pajānāti, asantaṃ vā ajjhataṃ satisambojjhaṅgaṃ'natthi me ajjhataṃ satisambojjhaṅgo’ti pajānāti.

Khi niệm (sati) giác chi có mặt (santaṃ) người hành thiền tuệ tri (pajānāti) - 'Atthi me ajjhattaṃ…'("lúc này niệm có mặt trong ta") Khi nó không có mặt (asantaṃ) người hành thiền cũng chấp nhận thực tại này - 'Natthi me ajjhattaṃ …'("lúc này niệm không có mặt trong ta").

yathā ca anuppannassa satisambojjhaṅgassa uppādo hoti tañca pajānāti, yathā ca uppannassa satisambojjhaṅgassa bhāvanāya pāripūrī hoti tañca pajānāti.

Tất cả các chi phần giác ngộ của niệm (sati) ở quá khứ giờ đây sẽ trợ giúp. Lúc này chúng (những niệm giác chi ấy) sẽ trồi lên bề mặt (anuppannassa uppādo hoti) và người hành thiền tuệ tri (tañca pajānāti). Sau khi đã khởi lên liên tục (uppannasa) các niệm giác chi ấy được tuệ tri và tăng trưởng cho đến khi chúng trở nên hoàn hảo - tức được đạt đến một cách trọn vẹn sung mãn (bhāvanāya pāripūrī).

santaṃ vā ajjhattaṃ dhamma vicaya sambojjhaṅgaṃ…bhāvanāya pāripūrī hoti tañca pajānāti.

Tương tự, trạch pháp hay nghiên cứu phân tích về sự thực - dhamma-vicaya, được tuệ tri là có mặt hay không có mặt. Trạch pháp giác chi quá khứ, trước đây chưa từng khởi lên, đã liên tục khởi lên từ sâu thẳm của tâm và được quan sát: nó sẽ phát triển đến sự hoàn hảo và đạt đến mục tiêu cuối cùng. Tất cả điều này được tuệ tri.

…vīriyasambojjhaṅgaṃ…

…pītisambojjhaṅgaṃ…

…passaddhisambojjhaṅgaṃ…

…samādhisambojjhaṅgaṃ…

Santaṃ vā ajjhattaṃ upekkjāsambojjhaṅgaṃ …bhāvanāya pāripūrī hoti tañca pajānāti.

Các chi phần giác ngộ tinh tấn (vīriya), hỷ (pīti- sự đê mê, sung sướng trong lúc cảm giác thọ lạc trong thân), tịnh (passaddhi), định (samādhi) và xả (upekkhā) được tuệ tri theo cùng cách (như trên) và phát triển hay tu tập cho đến sự viên mãn (pāripūrī).

Iti ajjhattaṃ vā dhammesu dhammānupassī viharati … 'atthi dhammesu'ti … na ca kiñci loke upādiyati.

Các pháp (dhamma) được quan sát bên trong, bên ngoài, và cả bên trong lẫn bên ngoài; sự sanh, sự diệt, và cả sanh lẫn diệt. Người hành thiền thấy rõ, "Đây là các pháp" và chánh niệm được thiết lập với thực tại này. Không có gì để nắm bắt hay chấp thủ. Như vậy, quán pháp - dhammānupassanāđã được thực hành.

Hỏi và đáp

Hỏi: Hướng sự chú tâm của chúng ta phải chăng là sự tự do duy nhất chúng ta có, còn các việc khác là do pháp (dhamma) điều khiển?

Đáp: Mọi việc đều do pháp điều khiển. Hướng sự chú tâm của bạn là cách duy nhất để tự giải thoát bản thân bạn thôi. Bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn, song nếu bạn phản ứng, pháp - dhamma- sẽ trói buộc bạn. Nếu bạn chỉ quan sát, pháp chắc chắn sẽ giải thoát bạn. Đây là quy luật của tự nhiên.

H: Đâu là lằn ranh phân chia giữa sự nghiêm túc thực hành (hành nghiêm mật) và lòng khao khát (tham)?

Đ: Đây là một câu hỏi hay. Nếu bạn khao khát muốn làm việc một cách thật nghiêm túc (hành miên mật), bạn đang khao khát chóng đạt kết quả, hay ít nhất cũng đang phát triển một sự dính mắc vào việc thực hành nghiêm túc ấy. Nếu bạn thấy bản thân mình hành không được nghiêm túc và rồi bạn trở nên thất vọng, đó cũng là tham. Chỉ chấp nhận sự kiện rằng bạn đang không hành nghiêm túc và bắt đầu trở lại, biết rằng bạn phải làm việc một cách nghiêm mật. Lúc đó bạn mới thực sự tiến bộ.

H: Phải chăng những cảm thọ trung tính (trạng thái lạc khổ không rõ rệt) xuất phát từ những phản ứng trung lập, và chúng ta có hy vọng thay đổi được điều này bằng sự quán sát thuần túy không?

Đ: Những cảm thọ trung tính có mặt do vô minh. Vô minh sẽ mất khi chúng được quan sát chỉ như một hiện tượng đang thay đổi - vô thường. Một sự hiểu biết trên bề mặt về tính chất vô thường - anicca, được xem như hữu ích, sẽ đến khi một cảm thọ khổ rất thô và vững chắc mất đi sau một lúc. Một sự hiểu biết sâu hơn, dựa trên chánh niệm về dòng chảy của những rung động vi tế ngấm ngầm bên trong, cho thấy rằng cảm thọ này sanh và diệt trong từng sátna.

H: Khi một người hành thiền bị kích thích và dồn dập với những ý nghĩ tham dục trong một lúc nào đó trước khi sự quan sát xảy ra, liệu họ có làm tăng trưởng các hành - saṅkhāras- đến một tình trạng tồi tệ hơn thay vì tịnh hóa chúng không?

Đ: Trước đây, tiến trình làm sinh sôi nảy nở (các hành) cứ diễn ra liên tục. Giờ đây, một vài sátna quan sát của bạn sẽ chuyển thành một vài giây, một vài phút, một vài giờ, đi vào năng lực của bạn. Thực hành minh sát, bạn hiểu rằng mỗi lần bạn lăn quay trong tham dục, bạn đã làm tăng thêm khổ đau của bạn, và bạn quan sát được nhiều bao nhiêu, bạn đi ra khởi khổ đau được bấy nhiêu.

H: Những lời dạy của Đức Phật (trong kinh) dường như muốn nói đến việc di chuyển hay quét sự chú ý liên quan đến hơi thở. Vậy thì nguồn gốc và tầm quan trọng của việc quán từ phần này sang phần khác (của cơ thể) trong pháp hành này là gì?

Đ: Khi Đức Phật nói sabba-kāya-paṭisaṃvedī assasissā-mī’ti sikkhāti, (cảm giác toàn thân tôi sẽ thở vào, vị ấy tập) chữ "sikkhāti" có nghĩa là "học tập". Ở chỗ khác "tuệ tri" (pajānāti: biết đúng) được dùng. Bạn phải học cách quét toàn thân với một hơi thở, và việc học này là - quan sát hết phần này sang phần khác, để cho tính rắn chắc của nó tan ra. Khi toàn thân tan ra và bạn có thể quét toàn khối. Lúc đó bạn lại phải đi từ phần này sang phần khác vì mặc dù toàn thân dường như đã mở toang ra, có thể vẫn còn những vùng nhỏ không biết… Bạn học (sikkhati) để đạt đến giai đoạn "hoại diệt - trí" (bhaṅga-ñāṇa).

H: Kinh đưa ra bốn pháp quán và rất nhiều pháp hành, tuy thế Ngài chỉ dạy niệm hơi thở và cảm thọ trên thân, không có sự xếp loại các pháp hành theo thứ tự quan trọng. Sao Ngài không dạy các pháp hành khác như thiền hành (đi kinh hành) và ghi nhận các tạp niệm?

Đ: Có những truyền thống khác nhau, và Đức Phật, một con người giác ngộ, cũng đưa ra những đối tượng ban đầu khác nhau cho những người khác nhau tùy theo hoàn cảnh, khả năng và khuynh hướng của họ. Tuy nhiên, khi họ tiến lên, các trạm đều như nhau. Truyền thống đang tồn tại này xuất phát từ pháp hành hơi thở ban đầu, từ đó người hành thiền tiếp tục kinh nghiệm cảm thọ, và như vậy họ cũng kinh nghiệm được sự sanh và diệt. Niệm hơi thở và cảm thọ cùng nhau sẽ dẫn đến mục tiêu cuối cùng. Bạn không bị cấm thử các pháp hành khác nhau, song nếu bạn đang tiến bộ ở đây, chỉ vì tò mò mà thử những pháp khác sẽ phí thì giờ của bạn đi. Nếu bạn đã cảm giác được các cảm thọ ở khắp nơi (trên toàn thân) và bây giờ ở một chỗ khác nào đó bạn cố gắng quan sát bước đi - mỗi bước chân giở lên và đạp xuống, nhưng không có cảm thọ - khả năng cảm giác các cảm thọ của bạn ở mức vi tế sẽ bị cùn đi. Trở lại với kỹ thuật (niệm thọ) này bạn sẽ không thể cảm giác được những cảm thọ ở chiều sâu đó nữa. Dĩ nhiên có những người tâm còn thô tháo quán hơi thở vi tế rất khó với họ, và đi (kinh hành) có thể thích hợp với họ hơn.

Cảm giác hơi thở vi tế trong một vùng nhỏ cũng rất khó. Nếu bạn đã cảm giác được nó một cách rõ ràng và rồi lại cố gắng cảm giác nó bằng cách đặt tay trên bụng - đây vốn là một kỹ thuật thô - thời bạn đang thoái bộ. Đức Phật muốn bạn di chuyển từ thô vào tế - oḷārikođến sukhuma. Nếu ở một giai đoạn nào đó một pháp thô phát sinh từ những chiều sâu (của tâm), điều không thể tránh được, song chỉ do tò mò bạn lại không thể khởi sự làm việc một cách chủ ý với một đối tượng thô, như những câu mở đầu của kỹ thuật khác, hãy quên hết mọi thực tại vi tế của vị trí mà bạn đã đạt đến được. Nếu một kỹ thuật nào đó thích hợp hơn với bạn, hãy bám vào đó và cố gắng để đạt đến mục tiêu cuối cùng: song thời gian là vô cùng quan trọng. Đừng phí cuộc đời quí giá của bạn để chạy đông chạy tây (tìm kiếm những cái khác).

H: Cái "tôi" không có chứ?

Đ: Đúng vậy - không có "tôi".

H: Vậy thì cái gì cần giác ngộ?

Đ: Vô minh cần giác ngộ, trói buộc cần giải thoát, không có gì khác.

H: Ngài định nghĩa thế nào về tâm bi? Chúng ta có thể sử dụng tâm bi cùng với chánh niệm khi đối phó với khổ đau của chúng ta?

Đ: Khi bi có mặt trong tâm, hãy chấp nhận tâm bạn (lúc đó) là một tâm bi. Tất nhiên bạn phải có lòng nhân ái đối với chính bạn, bạn phải thương yêu chính bạn, phải là đối tượng đầu tiên của tâm bi của bạn. Mỗi lần bạn phát sinh các hành - saṅkhāra, ngay cả tham và sân đối với một người nào khác, bạn đã giáng khổ đau lên chính bạn một cách tàn nhẫn. Cơn giận của bạn sẽ không làm hại được một hành giả vipassanācó trình độ - nó có thể hoặc không thể làm tổn hại người khác - song chính bạn đã bị hại và trở nên đau khổ. Hãy tránh nó. Hãy có lòng từ ái và bi mẫn với chính bạn.

H: Có thực rằng sự giải thích về thọ (vedanā) của truyền thống thiền này hầu như đã phân biệt hình thức vipassanā(minh sát) của chúng ta với những hình thức thiền minh sát khác trong truyền thống Phật giáo? Và các truyền thống khác định nghĩa vedanā(thọ) là thế nào, nếu nó không phải là những cảm giác thuộc về thân?

Đ: Đúng thế. Các truyền thống khác xem thọ (vedanā) chỉ như những cảm giác của tâm (thọ là một trong bốn danh uẩn thuộc tâm). Chúng ta không phải không tán đồng các truyền thống khác và đúng sự thực thì thọ là một trong bốn uẩn thuộc tâm. Tuy nhiên, chúng ta phải giải thích thay vì chỉ dịch thôi bởi vì một số từ Đức Phật dùng đã được Ngài giải thích trước đó rồi. Chẳng hạn, từ sampajañña(trí tuệ tỉnh giác) đã được Ngài giải thích như việc cảm giác các cảm thọ đang sanh và diệt. Cũng vậy, nhiều từ ngày nay hoặc đã thất lạc hoặc đã mang một nghĩa hoàn toàn khác, vì thế chúng ta phải đi vào (nghiên cứu) Tam Tạng - Tipiṭakađể tìm sự định nghĩa nguyên thủy của Đức Phật về chúng. Đức Phật đã giải thích rằng sukha vedanā(thọ lạc) và dukkha vedanā(thọ khổ) liên quan đến thân, và Ngài dùng somamassa(hỷ) và domanassa(ưu) để nói về tâm. Trong thọ quán niệm xứ - vedanā nupassanāNgài không dùng somanassa(hỷ) và domanassa(ưu), mà dùng sukha(lạc) và dukkha(khổ), vì thế chúng ta phải làm việc với các cảm thọ trong thân.

Bất luận điều gì bạn đã hiểu trên phương diện tri thức và bất luận điều gì bạn đã kinh nghiệm được, hãy tận dụng nó. Tận dụng Pháp - dhamma- không chỉ trong khóa thiền này thôi mà cả trong đời sống hàng ngày nữa. Sự phản ứng luôn luôn mang đầy tính tiêu cực. Hãy sống cuộc sống đúng pháp. Bất cứ điều gì xảy ra ở bên ngoài, hãy quan sát thực tại của các cảm thọ ở bên trong (thân) và giữ thái độ xả, lúc đó mọi quyết định của bạn và mọi hành động của bạn sẽ lành mạnh - không phải là những phản ứng, mà là những hành động tích cực, đem lại tốt đẹp cho bạn và tốt đẹp cho mọi người.

Mong cho tất cả các bạn có thể sống một cuộc sống lợi ích cho chính bản thân mình và cho mọi người. Cầu mong các bạn hưởng được những thành quả lợi ích nhất của Pháp: bình an, hòa hợp và hạnh phúc.

Cầu mong tất cả chúng sinh được an vui.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/10/2023(Xem: 1286)
Rồi tôi đi sâu vào vườn trầm, đi mãi vào ...rừng trầm để mong tìm những cây trầm đại thụ, và tôi đã gặp bao cao Tăng tu hành tại đây, không chỉ các sư tại Âu Châu mà còn từ Hoa Kỳ, Úc, Canada ...nữa cơ. Các vị đã trao cho tôi bao trầm hương qua lời giảng của quí Sư dựa theo lời dạy của Đức Phật. Những thỏi trầm quí mang tên: Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Bát Nhã, Phổ Môn, Chú Đại Bi, Thập Chú, Thần Chú..v.v..và.v.v.Ôi, nhiều lắm, rồi với thời gian, nếu thành tâm trân quí và nắm giữ những thỏi trầm, thì hương trầm của nó cũng ít nhiều tỏa hương thơm ngát đánh bạt những sú uế mà bụi đời đã phủ lên người chúng ta.
15/03/2023(Xem: 5287)
Từ khi con người bắt đầu quy tụ sống thành nhóm, thành đoàn, và sau này phát triển đông đảo thành cộng đồng, xã hội, quốc gia, người ta đã biết tổ chức phân quyền, đưa ra những nguyên tắc luật lệ chung để mọi người dân sống trong cộng đồng quốc gia phải tuân theo. Những ai phạm tội phá rối trị an sẽ bị đem ra xét xử và trừng phạt theo nội quy luật lệ của quốc gia nơi họ cư ngụ. Có như thế thì mọi sinh hoạt trong cộng đồng xã hội mới giữ được trật tự, đời sống cá nhân mới được bảo đảm an toàn.
23/09/2022(Xem: 2802)
Giáo lý Bốn thánh đế là giáo pháp quan trọng nhất của những người học và tu tập theo lời dạy của Đức Phật. Cho dù chúng ta thuộc truyền thống Nguyên Thuỷ hay truyền thống Đại Thừa cũng đều tu học từ nền tảng giáo pháp này. Trong Bốn thánh đế thì đạo thánh đế gồm 37 pháp và thường được gọi là 37 phẩm trợ đạo. Trong đó thì Bát chánh đạo là căn bản nhất vì “Bát chánh đạo gồm có hữu lậu và vô lậu” (Trong Tạp A-hàm, Kinh Quảng Thuyết Bát Thánh Đạo, số 785 và Trong kinh Trung Bộ III, Đại Kinh bốn mươi, do Hòa thượng Minh Châu dịch).
17/11/2021(Xem: 26019)
Nghiệp, phổ thông được hiểu là quy luật nhân quả. Nhân quả cũng chỉ là mối quan hệ về tồn tại và tác dụng của các hiện tượng tâm và vật trong phạm vi thường nghiệm. Lý tính của tất cả mọi tồn tại được Phật chỉ điểm là lý tính duyên khởi.266F[1] Lý tính duyên khởi được nhận thức trên hai trình độ khác nhau. Trong trình độ thông tục của nhận thức thường nghiệm, quan hệ duyên khởi là quan hệ nhân quả. Chân lý của thực tại trong trình độ này được gọi là tục đế, nó có tính quy ước, lệ thuộc mô hình cấu trúc của các căn hay quan năng nhận thức. Nhận thức về sự vật và môi trường chung quanh chắc chắn loài người không giống loài vật. Trong loài người, bối cảnh thiên nhiên và xã hội tạo thành những truyền thống tư duy khác nhau, rồi những dị biệt này dẫn đến chiến tranh tôn giáo.
13/11/2021(Xem: 13804)
“Bát Thánh Đạo” là phương pháp tu hành chơn chánh cao thượng đúng theo qui tắc Phật giáo mà đức Thế Tôn đã có lời ngợi khen là quí trọng hơn tất cả con đường tu hành, là con đường không thẳng cũng không dùn, không tham vui cũng không khắc khổ, vừa thành tựu các điều lợi ích đầy đủ đến hành giả, hiệp theo trình độ của mọi người. Cho nên cũng gọi là “TRUNG ĐẠO” (Majjhimapaṭipadā) là con đường giữa. Ví như đàn mà người lên dây vừa thẳng, khải nghe tiếng thanh tao, làm cho thính giả nghe đều thỏa thích. Vì thế, khi hành giả đã thực hành đầy đủ theo “pháp trung đạo” thì sẽ đạt đến bậc tối thượng hoặc chứng đạo quả trong Phật pháp không sai. Nếu duyên phần chưa đến kỳ, cũng được điều lợi ích là sự yên vui xác thật trong thân tâm, từ kiếp hiện tại và kết được duyên lành trong các kiếp vị lai. Tôi soạn, dịch pháp “Bát Thánh Đạo” này để giúp ích cho hàng Phật tử nương nhờ trau dồi trí nhớ và sự biết mình. Những hành giả đã có lòng chán nản trong sự luân hồi, muốn dứt trừ phiền não, để
03/09/2021(Xem: 7443)
Có những người làm gì cũng hay, viết gì cũng hay. Tôi luôn luôn kinh ngạc về những người như vậy. Họ như dường lúc nào cũng chỉ ra một thế giới rất mới, mà người đời thường như tôi có ngó hoài cũng không dễ thấy ra. Đỗ Hồng Ngọc là một người như thế.
08/10/2020(Xem: 9067)
1- Hãy khoan hồng tha thứ, biết thiện thì làm, tới đâu thì tới. 2- Sống trong cuộc đời, muốn được thong thả rảnh rang thì đừng dính đến quyền lợi. 3- Làm việc hễ thuận duyên thì làm, không thuận thì phải khéo léo nhẫn nhịn để vượt qua. 4- Ăn chay, thương người, thương vật, tụng kinh. 5- Việc ác chớ để phạm, điều lành phải nên làm. 6- Thương người cùng thương vật, niệm Phật và tham thiền. 7- Chánh niệm đứng đầu là 3 niệm : Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. 8- "Hằng ngày ăn thịt chúng sanh mà mong giải thoát, điều đó không bao giờ có điều đó được". 9- Mót thời gian để tu, đừng bỏ qua, gặp việc thì làm; rảnh việc thì nhiếp tâm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. 10- Thông minh hiểu biết nhiều, coi chừng không bằng ông già bà lão ăn chay niệm Phật.
01/03/2020(Xem: 13829)
Kinh Viên Giác là kinh đại thừa đốn giáo được Phật cho đó là “Con mắt của 12 bộ kinh”. “Con mắt” ở đây theo thiển ý có nghĩa là Viên Giác soi sáng nghĩa lý, là điểm tựa, là ngọn hải đăng cho các bộ kinh để đi đúng “chánh pháp nhãn tạng”, không lạc vào đường tà và tu thành Phật. Khi nghe kinh này, đại chúng kể cả chư Phật và chư Bồ Tát đều phải vào chánh định/tam muội, không bình thường như những pháp hội khác.
28/11/2019(Xem: 8188)
Ấn độ là một trong những quốc gia nổi tiếng trên thế giới vì đất rộng, người đông, có dãi Hy mã lạp sơn cao nhất thế giới, có một nền văn minh khá cao và lâu đời, con số 0, số Pi (3,1416...) do người Ấn sử dụng đầu tiên trong toán học, Kinh Vệ Đà đã được người Ấn sáng tạo từ 1800 đến 500 năm trước công nguyên, Ấn Độ là quê hương của đức Phật, hay nói khác hơn đó là nơi đạo Phật phát sinh, ngày nay đã lan tràn khắp thế giới vì sự hành trì và triết thuyết của đạo Phật thích ứng với thời đại. Do đó việcTime New Roman tìm hiểu về Ấn Độ là một điều cần thiết.
17/04/2019(Xem: 5856)
Những pháp thoại của Lama Yeshe là độc nhất vô nhị. Không ai thuyết giảng được như đức Lama. Tự nhiên lưu xuất trong tâm, trực tiếp ngay bây giờ; mỗi lời nói của ngài là một cẩm nang hướng dẫn để thực tập. Tiếng anh của đức Lama rất tốt. Khó có người sử dụng nhuần nhuyễn như ngài. Với tính sáng tạo cao, đức Lama đã biểu hiện chính mình không chỉ qua lời nói, mà còn thể hiện tự thân và trên khuôn mặt. Làm sao để chuyển tải hết sự truyền trao huyền diệu này trên trang giấy? Như đã đề cập ở chỗ khác, chúng tôi trình bày với yêu cầu này cách tốt nhất có thể.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]