- Chương I: Nghiệp dưới cái nhìn của người Phật tử
- Chương II: Chánh kiến tường giải
- Chương III: Quy luật vận hành của nghiệp
- Chương IV: Nghiệp phân tích theo Vi Diệu Pháp
- Chương V: Nghiệp và quả
- Chương VI: Mười phước nghiệp sự (Puññkiriyā - Vattthus)
- Chương VII: Các tiến trình tâm cận tử
- Chương VIII: Tái sinh
- Hỏi & đáp về nghiệp và quả của nghiệp
Tác giả: Ledi Sayadaw vànhiều Tác giả khác
Dịch giả: Pháp Thông
CHƯƠNG VI:
MƯỜI PHƯỚC NGHIỆP SỰ (Puññakiriyā - Vatthus)
3. TU THIỀN (Bhāvanā)
Bhāvanā nghĩa là phát triển hay trau dồi tâm. Nó là một hình thức của ý nghiệp (manokamma) làm cho tâm trở nên thanh tịnh. Khi bạn thành tâm ước mong cho hạnh phúc của tất cả chúng sinh và phát toả từ tâm đến họ, là bạn đang thực hành mettā-bhāvanā(thiền tâm từ). Trước tiên bạn trau dồi tâm từ trong tâm bạn và rồi cố gắng phát triển nó sao cho toàn thể con người bạn được thấm đẫm với lòng từ này.
Khi tâm từ đã phát triển trong tâm, bạn cảm thấy xót thương cho những người nghèo đói, bơ vơ không nơi nương tựa. Do đó, bạn phát tỏa những ý nghĩ trắc ẩn hay tâm bi đến những người cơ nhỡ. Đây gọi là karuṇā bhāvanā(thiền tâm bi). Giờ đây bạn sẽ phát triển một thôi thúc mãnh liệt muốn làm vơi nhẹ những nỗi khổ đau của người nghèo và bất hạnh. Từ khi tâm từ và tâm bi nảy nở trong bạn, bạn bắt đầu cảm thấy hoan hỷ đối với người giàu. Bạn cảm thấy một niềm hoan hỷ vị tha thực sự đối với họ. Đây là muditā bhāvanā(thiền tâm hỷ). Ba loại tu tập thiền (bhāvanā) kể trên có thể được phát triển bởi mọi người với một cái tâm cao thượng trong cuộc sống hàng ngày.
* Đề mục (nghiệp xứ) Tùy niệm Ân Đức Phật -Buddhanussati-kammaṭṭhāna
Đối với đề mục tuỳ niệm hay niệm tưởng các Ân Đức Phật (Buddhanussati-kammaṭṭhāna), bạn cần tập trung sâu vào ba thuộc tính: (1) sự tốt đẹp của nhân quá khứ, (2) sự tốt đẹp của quả, và (3) lợi ích cho tất cả chúng sinh.
- Sự tốt đẹp của nhân quá khứ
“Nhân” ở đây muốn nói tới sự hoàn thiện các pháp Balamật (Pāramīs)trong vô lượng kiếp quá khứ. Đức Phật đã thực hiện các nghiệp thiện và hành các Pháp Balamật với nghị lực phi thường. Những việc làm cao quý mà Ngài thực hiện trong suốt kiếp luân hồi không phải để cho riêng Ngài, mà cho sự giải thoát chung của mọi chúng sinh khỏi khổ đau trong trầm luân sinh tử. Chẳng hạn, chúng ta hãy nhớ lại việc thực hiện pháp bố thí balamật của Đức Vua Vessantara, tiền thân Đức Phật của chúng ta xem.
Phần lớn mọi người bố thí là để được nổi tiếng như một đại thí chủ. Thậm chí họ còn xem mình là ân nhân của người thọ nhận, và những người này cần phải biết ơn họ, nếu có thể phải tỏ lòng tri ân họ nữa. Họ hy vọng được tái sinh trong những cảnh giới cao sang. Họ nguyện đắc Niết-bàn chỉ có tính cách chiếu lệ. Còn đối với Đức Vua Vessantara thì khác, ngay khi vừa sinh ra đời, Ngài đã yêu cầu mẹ cho ngài một vật gì đó để bố thí bằng cách chìa bàn tay ra xin mẹ. Là một đứa trẻ thơ Ngài hoàn toàn không có mục đích vị kỷ nào cả. Ngài chỉ có một ước muốn thiết tha được bố thí hợp theo thói quen (vāsanā) của ngài mà thôi.
Do đó, ngài bố thí hết tất cả ngọc ngà châu báu và y áo của mình cho mọi người. Khi lên làm Vua, Ngài cho xây dựng nhiều phước xá và đãi ăn hàng ngày. Những cuộc bố thí của Ngài mỗi ngày lên tới hàng trăm ngàn đồng tiền vàng lúc đó. Ngài thọ hưởng niềm hạnh phúc được thấy mọi người no cơm, ấm áo. Ở đây, cũng vậy, Ngài không hề có ước muốn ích kỷ đối với danh tiếng hoặc mong được tái sinh trong cảnh giới cao sang. Mục đích duy nhất của ngài là được giúp đỡ tha nhân. Ngài tin rằng bổn phận của người giàu là phải chăm lo cho người nghèo. Ước nguyện cứu giúp người nghèo của Ngài quả thực là to lớn.
Việc Ngài bố thí con bạch tượng Paccaya, báu vật của hoàng gia, đã gây sự phản đối ầm ĩ từ phía dân chúng. Song đức Bồ tát Vessantara không lưu tâm đến việc gì khác ngoài ước nguyện chứng đắc toàn giác trí (Sabbaññuta-ñāṇa). Ở đây người ta có thể biện luận rằng mục đích này cũng là vì lợi ích cá nhân của Ngài mà thôi. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rằng việc chứng đắc toàn giác trí hàm ý gánh vác một công việc gay go hơn đối với Ngài, vì từ đó ngài phải du hành ngàn dặm dưới những điều kiện khác nhau để giảng dạy giáo pháp (của Ngài). Vì thế việc thành tựu toàn giác trí là để phục vụ cho những chúng sinh đang đau khổ, chứ không phải để hoạch đắc lợi lạc cá nhân cho riêng Ngài.
Trong giai đoạn cuối cùng của việc hoàn thiện các pháp balamật như một vị Vua, Đức Bồ tát Vessantara đã bố thí con trai, con gái, và cả Hoàng Hậu, vợ của ngài. Đây là một bằng chứng quá đủ để cho thấy lòng vị tha và thiện chí của ngài đối với tất cả chúng sinh. Chúng ta thử bàn luận chi tiết hơn vấn đề này xem. Có vợ đẹp con khôn được kể như là tột đỉnh của hạnh phúc trong các cõi nhân thiên này. Ngay cả vua Chuyển Luân Vương, nếu không có vợ đẹp, con khôn cũng sẽ không tìm thấy chút hạnh phúc nào trong cuộc đời! Nhưng Đức Bồ tát, Vua Vessantara dám từ bỏ những người thân thương nhất, đó là vợ con yêu quý của mình, và đem bố thí họ cho người khác. Hành động bố thí vô song này chắc chắn không phải vì danh hay lợi, mà vì muốn thành tựu toàn giác trí nhờ đó ngài có thể giải thoát các chúng sinh khỏi khổ.
Với mục đích cao quý và lòng vị tha như vậy, đức Bồ tát đã hy sinh cả sinh mạng của mình để thành tựu hạnh trì giới và kham nhẫn trong nhiều đại kiếp. Ngài cũng đã cứu mạng sống người khác với cái giá phải hy sinh chính sinh mạng của ngài để hoàn thành các pháp balamật khác. Những hành động cao quý và các pháp balamật đã được thành tựu trong những kiếp quá khứ của Ngài là nhân và duyên cho việc trở thành một vị Phật trong thế gian này.
- Sự tốt đẹp của quả
Khi những việc làm cao quý và các pháp balamật như vậy đã thành tựu, những kết quả, tự nó chắc chắn sẽ phải là tốt đẹp và cao quý. Do đó, trong kiếp hiện tại, là một vị Phật, Ngài có tướng hảo thanh thoát và tao nhã nhất, trí tuệ cao tột nhất, sức mạnh vĩ đại nhất, và tuệ giác thâm sâu nhất. Bạn nên quán niệm những thuộc tính này của đức Phật, kết quả của những thiện nghiệp quá khứ của Ngài theo chi tiết, khi bạn thực hành đề mục tuỳ niệm Phật.
- Những lợi ích các chúng sinh được hưởng
Như trên đã nói, khi những việc làm cao quý và các pháp balamật đã được Đức Phật hoàn thành, chúng sẽ đem lại cho ngài những kết quả thù thắng nhất và cuối cùng thúc đẩy ngài đạt đến toàn giác trí (Sabbaññutā ñāṇa). Sau khi thành Phật, ngài không yên nghỉ trong sự thỏa mãn với thành tựu tối thượng này. Suốt bốn mươi lăm năm còn lại của đời ngài, Đức Phật đã thuyết giảng thánh pháp đến mọi tầng lớp con người vì hạnh phúc và lợi ích của họ. Thậm chí, khi sắp nhập Vô-dư Niết-bàn (Mahāparinibbāna)ngài còn khuyến hoá các đệ tử:
Handa dāni bhikkhave āmantayāmi vo,
“Vayadhammā saṅkhārā, appamādena sampādetha”
Hãy nhìn, này các Tỳ khưu, Như Lai khuyên các con,
“Các pháp hữu vi đều có bản chất biến diệt và tan hoại. Do đó, hãy chuyên cần nỗ lực với chánh niệm.”
Những lời dạy của Ngài đã chỉ đường cho chúng sinh thoát khỏi khổ đau và chấm dứt tử sanh luân hồi. Như vậy bạn nên quán niệm với lòng tin sâu xa trên ba thuộc tính vĩ đại trong cuộc đời của Đức Phật, đó là; sự tốt đẹp của các nhân quá khứ, sự tốt đẹp của quả, những lợi ích vun bồi cho các chúng sinh. Từ đó bạn sẽ thấy rằng bạn đã phát triển được một niềm tin trọn vẹn nơi Đức Phật; và bạn tìm đến nương nhờ ngài, bằng cách đọc, “Buddho me saraṇaṁ, aññaṃ natthi - Đức Phật là nơi nương nhờ của con;không có nơi nương nhờ nào khác”. Nhờ thế lòng mộ đạo và đức tin với sự hiểu biết đầy đủ nơi Đức Phật của bạn sẽ đơm hoa kết trái trong dòng tâm tương tục (hữu phần) của bạn. Đây là lời giải thích tóm tắt về pháp thiền tùy niệm ân Đức Phật (Buddhanussati - bhāvanā).
Như vậy, sự phát triển của lòng từ (mettā) hoặc sự tu tập niệm Ân Đức Phật trong dòng tâm tương tục của bạn, nói chung, được gọi là bhāvanā(tu tập tâm). Sự tu tập này có thể được thực hành thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày. Bạn có thể khởi sự, hoặc với mettā-bhāvanā(tu tập tâm từ) hoặc với Buddhanussati-bhāvanā(tu tập niệm Ân Đức Phật) tuỳ bạn thấy pháp nào là thích hợp. Còn về việc thực hành có tính cách miên mật hơn pháp tu tập tâm này, bạn có thể tham khảo từ các cuốn sách khác, chẳng hạn như bộ Thanh tịnh đạo (Visuddhimagga) để có chi tiết đầy đủ hơn.