Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bố thí không bị năm nhà cuốn trôi

22/01/201103:49(Xem: 3839)
Bố thí không bị năm nhà cuốn trôi

BỐ THÍ KHÔNG BỊ NĂM NHÀ CUỐN TRÔI

Người thường xuyên thực hành bố thí, cúng dường, giúp đỡ, chia sẻ tạo nên những nhân tốt lành sẽ hưởng được quả báo tốt, đồng thời tránh khỏi các ách nạn bị năm nhà cuốn trôi, đó là:

- Nhà lũ lụt.

- Nhà hỏa hoạn

- Nhà trộm cướp

- Nhà vua quan tịch thu

- Nhà con cái bất hiếu, phá hoại.

1- Nhà lũ lụt:

Chiến tranh, thiên tai, sóng thần, động đất, lũ lụt thường xảy ra trên thế gian này. Nó cướp đi tài sản, của cải vật chất của con người, có khi cả đời người làm lụng cật lực, vất vả, chắt chiu, dành dụm được số tài sản nào đó, qua một cơn thiên tai hay chiến sự là tiêu tan không còn gì cả. Thậm chí có người đến sáu, bảy mươi tuổi mới tạo được ngôi nhà, sắm soạn được một ít vật dụng, một ít của tiền để dành lo an dưỡng tuổi già. Thế mà qua một trận thiên tai, trong nháy mắt đã trở thành trắng tay.

Chúng ta thấy trên đời này có biết bao sự bất ngờ gây nên mất mát đau thương cho con người. Lý do vì sao? Không gì khác hơn là “nhân quả.” Bởi chúng ta trong nhiều đời, nhiều kiếp đã gây tạo quá nhiều tội lỗi, ví như của cải vật chất ta tạo ra không phải bằng chính sức lực, mồ hôi và hành vi chân chánh của mình, mà ta dùng thủ đoạn để lường gạt, trộm cướp hay bóc lột người khác tạo nên. Vì vậy, đời nay tài sản của ta tuy có nhiều, nhưng phước lực không có, nên chúng không tồn tại với ta lâu dài, mà chúng đi theo các nghiệp nhân xấu của mình gây ra.

Do đó, chúng ta cần phải biết nhân nào dẫn đến giàu có, được nhiều của cải vật chất, được hưởng đầy đủ phúc lạc thế gian mà không bị năm nhà cuốn trôi.

Chúng ta thấy ở Việt Nam, năm nào cũng bị lũ lụt, nhất là miền Trung và miền Bắc gây biết bao cảnh khổ cho con người, nhưng cùng trong tình huống, có người bị mất mát nhiều, có người mất mát ít, có người vẫn an toàn không hư hao gì cả, người bị mất của, kẻ mất mạng sống v.v…Trong sự mất mát đau thương ấy, nếu ta cứ cho là số trời đã định, không cưỡng lại được thì thật là không đúng. Chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân tại sao có sự sai biệt như thế? Có thể nói ông Trời ở đây là chỉ cho luật nhân quả đang vận hành theo chu kỳ nhân duyên tác động đến nhân xấu mà ta đã làm trong quá khứ “gieo nhân gặt quả.” Hiểu được quy luật này, chúng ta sẽ có phương pháp chuyển hóa, thay đổi được nó. Chúng ta không than trời, trách đất hay oán hận, đổ thừa cho số phận gì cả, mà chúng ta phải tạo tác những hành động thiện lành, tạo nên những nhân tốt ngay từ bây giờ, đồng thời dùng sự hiểu biết chân chánh tạo nên cơ hội cải tạo đời sống hiện tại cho được tốt hơn.

2- Nhà hỏa hoạn:

Hỏa hoạn là tai họa thường do con người gây ra, nhưng sự thiệt hại của nó cũng thật khủng khiếp, khó lường. Chúng ta thấy nhiều gia đình tiêu tan sự nghiệp hay vong mạng chỉ vì cơn phẫn nộ của ngọn lửa vô tình, cả đời làm lụng vất vả tạo nhà, tạo xe, sắm sửa các thứ vật dụng sang trọng, đắt tiền trong gia đình, nhưng chỉ trong một vài giờ hỏa hoạn là trắng tay. Có khi tai họa này do mình gây ra, có khi do sự bất cẩn của nhà hàng xóm gây ra thảm cảnh cho nhiều gia đình một lúc.

3- Nhà trộm cướp:

Gọi là nhà trộm cướp là theo cách sắp xếp cho đủ năm nhà, chứ cho chính xác thì gọi là nạn trộm cướp. Đây là tai nạn xảy ra thường xuyên với con người và nạn này là do người này gây cho người kia. Nếu quý vị nào có đọc báo thì ngày nào, đêm nào cũng có trộm cướp xảy ra nơi này, nơi khác. Từ thành thị đến thôn quê đâu đâu cũng có xảy ra nạn này.

Nói cho rõ về trộm cướp là người làm lụng tạo ra của cải, tài sản bị người khác chiếm đoạt làm của mình. Trộm là lén lấy không cho người chủ sở hữu hay biết. Cướp là dùng sức mạnh ép buộc chủ sợ hữu phải giao nộp tài sản hay dùng vũ lực tiêu diệt chủ sở hữu để chiếm đoạt. Tuy hai cách thức trộm và cướp có khác nhau, nhưng cả hai hành vi đều có mục đích chung là chiếm đoạt của người. Hai hành động này là vi phạm luật pháp, vi phạm đạo đức làm người, trái với lẽ thường tình trong đời sống xã hội loài người, nên đều bị xã hội lên án. Mặc dầu hành vi này bị xã hội lên án gay gắt, luật pháp trừng trị không nới tay, nhưng nó vẫn cứ xảy ra.

Có người sau khi bị trộm cướp lấy đi thì tìm lại được, có người thì không. Vì sao chúng ta lại lâm vào hoàn cảnh như thế? Theo tuệ giác của Như Lai Thế Tôn, tất cả mọi trường hợp xảy ra đều có nguyên nhân sâu xa của nó, không có gì bỗng dưng, khi không, ngẫu nhiên mà xảy ra.

Nguyên nhân thứ nhất là do lòng tham của con người vì hưởng thụ quá mức, sống lười biếng hoặc do nghiện ngập đủ thứ nên làm liều để có tiền tiêu xài.

Nguyên nhân thứ hai là người có tài sản đã gieo nhân trộm cướp, lường gạt, bóc lột, làm những điều phi pháp giành lấy của cải về mình trong đời trước hoặc đời hiện tại, quả báo ấy dẫn đến việc ngày nay bị trộm cướp.

Nguyên nhân sâu xa muốn nói ở đây là “nhân nào quả nấy.” Người trong quá khứ do tham lam đã làm nhiều điều bất thiện, gây đau khổ cho người về phương diện vật chất. Cái nhân tham lam, bất thiện ấy dẫn đến ngày nay tài sản của mình bị lòng tham của kẻ khác dòm ngó, để ý. Họ tìm cách chiếm đoạt tài sản mình bằng nhiều hình thức, tùy theo mức độ của nhân xấu mình đã gieo mà tương ưng cho cách thức và mức độ tài sản của mình bị trộm cướp.

Vì vậy, người ăn lành, ở hiền, chăm làm phước đức sẽ tránh được tai họa của nhà trộm cướp này xảy đến cho mình.

4- Nhà vua quan tịch thu:

Thời phong kiến xưa, vua chúa làm chủ trị vì thiên hạ, mọi quyền hành tập trung vào nhà vua. Vì vậy, người nào phạm tội, vua muốn xử tội thế nào là cấp dưới phải thi hành thế ấy. Theo quan niệm thời ấy, vua là Thiên tử (con trời) thay trời trị vì muôn dân. Từ đó, vua muốn làm gì thì làm, trong triều không ai dám ngăn cản. Khi xét xử quan lại hay dân chúng tham ô gian dối hay nghi ngờ làm tổn hại đến triều đình, vua đứng ra xét xử tùy theo tội mà phán, có nhiều hình phạt rất khắc nghiệt như “tru di tam tộc” (giết sạch ba họ, nội, ngoại và vợ) tru di cửu tộc (giết sạch chín họ) hay tịch thu hết sạch tài sản rồi đày đi nơi hoang vắng xa xôi tự kiếm sống… để trừ hậu hoạ. Tất cả những điều này đến với ai cũng đều do nhân quả nghiệp báo xấu từ trước mà ra. Thấu rõ chỗ này, chúng ta phải ăn ở hiền lành, làm việc phước đức mới mong thoát khỏi bị nạn này.

Ngày nay tuy không còn chế độ phong kiến do vua đứng đầu toàn quyền phán xử, nhưng luật pháp hiện hành vẫn có những điều khoản, khung hình phạt rất nghiêm, rất nặng như án tử hình, tù chung thân hay tịch biên tài sản v.v… Có người không phạm tội, nhưng do tang chứng, vật chứng không thể chối cải, thanh minh không được “tình ngay lý gian” nên phải chịu tội oan. Những trường hợp bị oan nghiệt như vậy là do quả báo nghiệp xấu người ấy đã gây tạo trong kiếp trước, nay mới hội đủ nhân duyên trổ ra.

5- Nhà con cái bất hiếu phá sản:

Là cha mẹ, ai cũng đều thương con cái của mình, lúc nào cũng muốn cho con được sung túc, đầy đủ, no ấm. Cha mẹ luôn luôn sẵn sàng dang tay đùm bọc, chở che con cái, thậm chí đôi lúc phải làm việc bất thiện để bảo hộ cho con.

Nhiều ông cha, bà mẹ vì muốn cho con được no đủ, nên phải làm lụng đầu tắt mặt tối ít có dịp tiếp xúc dạy dỗ con cái. Vì quá bận bịu lo kinh doanh, buôn bán, tạo ra của cải, để con cái buông lung muốn gì làm nấy, cung cấp tiền bạc không cần tìm hiểu nguyên do. Từ đó, tạo cho con cái tính ỷ lại vào cha mẹ, sự nghiệp gia đình, không lo tu thân, học hành, mặc tình ăn chơi trác táng, sa đọa, kết bè kết bạn với người xấu ác, rồi rơi vào tình trạng nghiện ngập, hút chích…

Chúng ta thấy không ít gia đình, cha mẹ làm lụng vất vả cả đời, chỉ vì thương con mà trong phút chốc bị tan nhà, nát cửa, phải chịu cảnh khổ đau, nghèo đói.

Chúng tôi biết một bà mẹ nọ có hai đứa con trai, bà tuy lớn tuổi nhưng còn nhan sắc xinh đẹp, kiều diễm. Bà cặp bồ với những ông nhà giàu lớn tuổi, rồi lường gạt lấy tiền đem về cung cấp cho hai đứa con. Hai đứa con trai của bà rất ngỗ nghịch, không chịu học hành hay làm ăn gì cả, mà chỉ chờ mẹ đem tiền về tiêu xài mà thôi. Vì không công, rỗi việc, nên chúng thường giao du với đám bạn bè xấu, cuối cùng hai đứa đều sa vào con đường nghiện ngập, hút chích xì ke. Từ đó số tiền chúng cần để chi tiêu mỗi ngày một nhiều hơn. Vì thương con bà tìm đủ phương cách để lường gạt nhân tình của mình đem về chu cấp.

Đến lúc hai đứa bị công an bắt đưa vào trung tâm cai nghiện, thay vì khuyên giải con mình từ bỏ tệ nạn, bà lại lo sợ các con thiếu ma túy bị cơn nghiện hành hạ không chịu nỗi. Bà tìm môi giới, móc ngoặc với cán bộ quản lý trung tâm tiếp tế ma túy để các con sử dụng. Kết quả một đứa bị chết trong trại cai nghiện do dùng thuốc quá liều từ lượng thuốc bà chuyển vào để chúng dùng nhiều ngày. Và chỉ trong chưa đầy hai năm, bà đã phải bán hết nhà cửa, còn nợ nần nhiều người. Cuối cùng bà phải ở nhà mướn.

Vì thương con một cách mù quáng bà phải chịu cảnh tan nhà nát cửa, sống đời bần cùng, người thân không ai dám giúp vì sợ liên lụy.

Làm mẹ cha ai chẳng thương con? Nhưng chúng ta phải thương con như thế nào cho đúng cách để giúp chúng được trưởng thành. Đừng thương con theo kiểu bà mẹ ấy thì thật nguy hiểm cho con, cho mẹ, cho cả gia đình và xã hội. Chúng ta phải dạy con cái biết giá trị của cuộc sống bằng tinh thần tự lập, không ỷ lại vào gia đình, đặc biệt cần dạy con cái biết nhận thức đúng đắn về nhân quả, nghiệp báo để tạo cho chúng cuộc sống có giá trị, ý nghĩa và hạnh phúc lâu dài.

Để minh họa thêm cho nhà con cái bất hiếu, phá sản,chúng ta cùng nghe câu chuyện nhân gian sau đây:

Trong một làng nọ, nhà ông Nghèo và nhà ông Giàu ở gần nhau. Ông Giàu là một điền chủ khá giả nhất trong làng. Còn ông Nghèo là người làm mướn cho gia đình ông Giàu, nhưng đam mê uống rượu, đánh bài nên tháng nào ông cũng thiếu nợ ông Giàu. Vì vậy ông Nghèo làm mướn cho nhà ông Giàu quanh năm mà nợ vẫn còn. Rồi một ngày chiến tranh xảy ra, làng của hai ông chẳng may rơi vào vùng chiến sự, cả hai ông không thoát kịp nên bị mất mạng khi hai bên giao chiến ác liệt.

Sau khi chết, linh hồn hai ông đều xuống âm phủ chờ Diêm Vương xét xử. Để việc xét xử cho công bằng, Diêm Vương yêu cầu thuộc hạ cung cấp hồ sơ đầy đủ về mọi hoạt động của hai ông trên trần gian.

Ngày xét xử, Diêm Vương cho gọi hai vong hồn đến và phán rằng:

- Ta thấy trên trần gian Nghèo tuy làm lụng vất vả quanh năm, khổ nhọc thật đấy, nhưng phải tội đam mê cờ bạc và nghiện rượu nên xuống đây mà vẫn còn nợ của Giàu. Để thanh toán món nợ này, ta cho hai ngươi được đầu thai trở lại làm người trong một gia đình làm hai cha con với nhau. Vì Nghèo thiếu nợ Giàu nhiều, bây giờ ta cho Giàu làm cha của Nghèo để bắt Nghèo nuôi nấng mà trả nợ.

Nghe Diêm Vương phán vậy, Giàu không chịu, van xin Diêm Vương xét lại. Diêm chúa lại phán:

- Vậy thì ta cho ngươi đầu thai về Trần làm mẹ của Nghèo được không?

Giàu cũng không chịu, Diêm Vương hỏi:

- Vậy ngươi muốn như thế nào?

Giàu trả lời một câu chắc nịch:

- Dạ, thưa Diêm Vương, con muốn làm con của Nghèo.

Nghe vậy, Diêm Vương hỏi:

- Tại sao ngươi muốn làm con của Nghèo?

- Thưa Ngài, bởi vì làm con là sướng nhất, lúc ấy con tha hồ đòi nợ, con đòi đủ thứ, đòi nợ công khai, đỏi thứ gì Nghèo cũng phải chìu không dám trái ý...

Chúng ta thấy cha mẹ lo cho con thế nào? Có phải là nợ phải trả hay không? Lúc nhỏ thì bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn, cha mẹ phải lo cho con uống ăn đầy đủ, mỗi khi trái gió trở trời con đau là mẹ đứng ngồi không yên, phải thức suốt đêm lo lắng, chăm sóc không dám than phiền. Lớn lên một chút là phải lo cho ăn học, dù tốn kém bao nhiêu cha mẹ cũng nai lưng ra làm, dù nợ nần cũng cắn răng chịu đựng. Rồi lo công ăn việc làm, dựng vợ gã chồng cho nên bề gia thất, phân chia tài sản cho con … Như vậy có phải là cha mẹ trả nợ cho con không? Trả cho đến khi nào hết nợ mới thôi. Lỡ như kiếp này trả chưa hết thì kiếp sau đầu thai lại trả tiếp.

Câu chuyện trên cho ta một bài học lý thú về trả món nợ đời. Những người nợ nần với nhau kiếp này chưa thanh trả cho nhau, kiếp sau dễ làm cha mẹ con cái của nhau để đòi, để trả với nhau. Muốn đòi được món nợ tiền khiên, tốt nhất là đầu thai làm con đòi nợ. Vì cha mẹ nào cũng thương con, do tình máu mủ ruột rà luyến ái nên cha mẹ chẳng bao giờ bỏ con, chỉ có con bỏ cha mẹ mà thôi. Vì vậy, những người cùng gia đình, họ hàng thân thuộc thương yêu nhau hay gây khổ đau cho nhau đều là oan gia trái chủ của nhau cả.

Đây chỉ là một khía cạnh trong vấn đề nhân quả mà thôi, chứ thực ra được sinh ra làm người trong một gia đình với nhau phần lớn là do phước đức mà thành. Bởi vì chúng ta thấy cha mẹ nào cũng thương yêu con cái mà lo tròn bổn phận, trách nhiệm, thấy con cái mạnh khỏe, thành đạt lấy làm hạnh phúc, vả lại con cái nào cũng biết thương yêu, hiếu thảo với ông bà cha mẹ. Rất ít gia đình con cái bất hiếu phá sản không biết đạo lý làm người mới rơi vào nạn nhà thứ 5 này mà thôi.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/10/2023(Xem: 1286)
Rồi tôi đi sâu vào vườn trầm, đi mãi vào ...rừng trầm để mong tìm những cây trầm đại thụ, và tôi đã gặp bao cao Tăng tu hành tại đây, không chỉ các sư tại Âu Châu mà còn từ Hoa Kỳ, Úc, Canada ...nữa cơ. Các vị đã trao cho tôi bao trầm hương qua lời giảng của quí Sư dựa theo lời dạy của Đức Phật. Những thỏi trầm quí mang tên: Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Bát Nhã, Phổ Môn, Chú Đại Bi, Thập Chú, Thần Chú..v.v..và.v.v.Ôi, nhiều lắm, rồi với thời gian, nếu thành tâm trân quí và nắm giữ những thỏi trầm, thì hương trầm của nó cũng ít nhiều tỏa hương thơm ngát đánh bạt những sú uế mà bụi đời đã phủ lên người chúng ta.
15/03/2023(Xem: 5287)
Từ khi con người bắt đầu quy tụ sống thành nhóm, thành đoàn, và sau này phát triển đông đảo thành cộng đồng, xã hội, quốc gia, người ta đã biết tổ chức phân quyền, đưa ra những nguyên tắc luật lệ chung để mọi người dân sống trong cộng đồng quốc gia phải tuân theo. Những ai phạm tội phá rối trị an sẽ bị đem ra xét xử và trừng phạt theo nội quy luật lệ của quốc gia nơi họ cư ngụ. Có như thế thì mọi sinh hoạt trong cộng đồng xã hội mới giữ được trật tự, đời sống cá nhân mới được bảo đảm an toàn.
23/09/2022(Xem: 2802)
Giáo lý Bốn thánh đế là giáo pháp quan trọng nhất của những người học và tu tập theo lời dạy của Đức Phật. Cho dù chúng ta thuộc truyền thống Nguyên Thuỷ hay truyền thống Đại Thừa cũng đều tu học từ nền tảng giáo pháp này. Trong Bốn thánh đế thì đạo thánh đế gồm 37 pháp và thường được gọi là 37 phẩm trợ đạo. Trong đó thì Bát chánh đạo là căn bản nhất vì “Bát chánh đạo gồm có hữu lậu và vô lậu” (Trong Tạp A-hàm, Kinh Quảng Thuyết Bát Thánh Đạo, số 785 và Trong kinh Trung Bộ III, Đại Kinh bốn mươi, do Hòa thượng Minh Châu dịch).
17/11/2021(Xem: 26019)
Nghiệp, phổ thông được hiểu là quy luật nhân quả. Nhân quả cũng chỉ là mối quan hệ về tồn tại và tác dụng của các hiện tượng tâm và vật trong phạm vi thường nghiệm. Lý tính của tất cả mọi tồn tại được Phật chỉ điểm là lý tính duyên khởi.266F[1] Lý tính duyên khởi được nhận thức trên hai trình độ khác nhau. Trong trình độ thông tục của nhận thức thường nghiệm, quan hệ duyên khởi là quan hệ nhân quả. Chân lý của thực tại trong trình độ này được gọi là tục đế, nó có tính quy ước, lệ thuộc mô hình cấu trúc của các căn hay quan năng nhận thức. Nhận thức về sự vật và môi trường chung quanh chắc chắn loài người không giống loài vật. Trong loài người, bối cảnh thiên nhiên và xã hội tạo thành những truyền thống tư duy khác nhau, rồi những dị biệt này dẫn đến chiến tranh tôn giáo.
13/11/2021(Xem: 13804)
“Bát Thánh Đạo” là phương pháp tu hành chơn chánh cao thượng đúng theo qui tắc Phật giáo mà đức Thế Tôn đã có lời ngợi khen là quí trọng hơn tất cả con đường tu hành, là con đường không thẳng cũng không dùn, không tham vui cũng không khắc khổ, vừa thành tựu các điều lợi ích đầy đủ đến hành giả, hiệp theo trình độ của mọi người. Cho nên cũng gọi là “TRUNG ĐẠO” (Majjhimapaṭipadā) là con đường giữa. Ví như đàn mà người lên dây vừa thẳng, khải nghe tiếng thanh tao, làm cho thính giả nghe đều thỏa thích. Vì thế, khi hành giả đã thực hành đầy đủ theo “pháp trung đạo” thì sẽ đạt đến bậc tối thượng hoặc chứng đạo quả trong Phật pháp không sai. Nếu duyên phần chưa đến kỳ, cũng được điều lợi ích là sự yên vui xác thật trong thân tâm, từ kiếp hiện tại và kết được duyên lành trong các kiếp vị lai. Tôi soạn, dịch pháp “Bát Thánh Đạo” này để giúp ích cho hàng Phật tử nương nhờ trau dồi trí nhớ và sự biết mình. Những hành giả đã có lòng chán nản trong sự luân hồi, muốn dứt trừ phiền não, để
03/09/2021(Xem: 7443)
Có những người làm gì cũng hay, viết gì cũng hay. Tôi luôn luôn kinh ngạc về những người như vậy. Họ như dường lúc nào cũng chỉ ra một thế giới rất mới, mà người đời thường như tôi có ngó hoài cũng không dễ thấy ra. Đỗ Hồng Ngọc là một người như thế.
08/10/2020(Xem: 9067)
1- Hãy khoan hồng tha thứ, biết thiện thì làm, tới đâu thì tới. 2- Sống trong cuộc đời, muốn được thong thả rảnh rang thì đừng dính đến quyền lợi. 3- Làm việc hễ thuận duyên thì làm, không thuận thì phải khéo léo nhẫn nhịn để vượt qua. 4- Ăn chay, thương người, thương vật, tụng kinh. 5- Việc ác chớ để phạm, điều lành phải nên làm. 6- Thương người cùng thương vật, niệm Phật và tham thiền. 7- Chánh niệm đứng đầu là 3 niệm : Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. 8- "Hằng ngày ăn thịt chúng sanh mà mong giải thoát, điều đó không bao giờ có điều đó được". 9- Mót thời gian để tu, đừng bỏ qua, gặp việc thì làm; rảnh việc thì nhiếp tâm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. 10- Thông minh hiểu biết nhiều, coi chừng không bằng ông già bà lão ăn chay niệm Phật.
01/03/2020(Xem: 13829)
Kinh Viên Giác là kinh đại thừa đốn giáo được Phật cho đó là “Con mắt của 12 bộ kinh”. “Con mắt” ở đây theo thiển ý có nghĩa là Viên Giác soi sáng nghĩa lý, là điểm tựa, là ngọn hải đăng cho các bộ kinh để đi đúng “chánh pháp nhãn tạng”, không lạc vào đường tà và tu thành Phật. Khi nghe kinh này, đại chúng kể cả chư Phật và chư Bồ Tát đều phải vào chánh định/tam muội, không bình thường như những pháp hội khác.
28/11/2019(Xem: 8188)
Ấn độ là một trong những quốc gia nổi tiếng trên thế giới vì đất rộng, người đông, có dãi Hy mã lạp sơn cao nhất thế giới, có một nền văn minh khá cao và lâu đời, con số 0, số Pi (3,1416...) do người Ấn sử dụng đầu tiên trong toán học, Kinh Vệ Đà đã được người Ấn sáng tạo từ 1800 đến 500 năm trước công nguyên, Ấn Độ là quê hương của đức Phật, hay nói khác hơn đó là nơi đạo Phật phát sinh, ngày nay đã lan tràn khắp thế giới vì sự hành trì và triết thuyết của đạo Phật thích ứng với thời đại. Do đó việcTime New Roman tìm hiểu về Ấn Độ là một điều cần thiết.
17/04/2019(Xem: 5856)
Những pháp thoại của Lama Yeshe là độc nhất vô nhị. Không ai thuyết giảng được như đức Lama. Tự nhiên lưu xuất trong tâm, trực tiếp ngay bây giờ; mỗi lời nói của ngài là một cẩm nang hướng dẫn để thực tập. Tiếng anh của đức Lama rất tốt. Khó có người sử dụng nhuần nhuyễn như ngài. Với tính sáng tạo cao, đức Lama đã biểu hiện chính mình không chỉ qua lời nói, mà còn thể hiện tự thân và trên khuôn mặt. Làm sao để chuyển tải hết sự truyền trao huyền diệu này trên trang giấy? Như đã đề cập ở chỗ khác, chúng tôi trình bày với yêu cầu này cách tốt nhất có thể.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]