Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 43: Máu ai cũng đỏ, nước mắt ai cũng mặn

13/01/201110:33(Xem: 12030)
Chương 43: Máu ai cũng đỏ, nước mắt ai cũng mặn

Đường xưa mây trắng
theo gót chân Bụt

Thích Nhất Hạnh
Lá Bối Xuất Bản lần 2, 1992, San Jose, Cali, USA

--- o0o ---

9.

Chương 43

MÁU AI CŨNG ĐỎ, NƯỚC MẮT AI CŨNG MẶN

Tuy quốc vương Paessi chưa chính thức quy y với Bụt, nhưng cuộc viếng thăm của vua tại tu viện Jetavana đã được mọi giới trong vương quốc bàn tán đến và đã đem lại ảnh hưởng không nhỏ cho giáo đoàn của Bụt tại kinh đô Savatthi. Một số các vị lãnh tụ của các giáo phái tại thủ đô, lâu nay đã từng được quốc vương kính nể và bảo trợ, bắt đầu có mặc cảm là bị bỏ rơi. Họ nhìn tu viện Jetavana với con mắt không có thiện cảm.

Tuy nhiên giới trí thức và tuổi trẻ tìm tới tu viện Jetavana càng lúc càng đông. Ngay trong mùa an cư, trên một trăm năm mươi thanh niên đã xin được xuất gia và đã được thầy Sariputta cho làm lễ xuống tóc. Đại chúng tu học rất tinh tấn trong ba tháng an cư này, và cứ bảy hôm hay tám hôm một lần, tại tu việc có tổ chức thuyết pháp. Thấy quốc vương Pasenadi chuyên cần đi cúng dường và nghe thuyết pháp một số quan chức trong triều cũng bắt chước vua. Một số đã làm như thế từ tấm lòng thành thực ngưỡng mộ bậc thầy giác ngộ, còn một số đã làm như thế để cho vua vui lòng.

Mùa an cư được kết thúc bằng một lễ cúng dường lớn. Vua và triều thần đã nghe theo lời Bụt tổ chức một pháp hội, cúng dường thực phẩm và y dược cho mọi giới xuất gia, và chẩn tế cho những gia đình nghèo khổ nhất ở thủ đô và trong vương quốc. Sau khi lễ này hoàn mãn, vua và hoàng hậu đều xin quy y với Bụt.

Sau mùa an cư, Bụt và giáo đoàn chia nhau đi hành hóa tại các vùng lân cận ở thủ đô Savatthi. Số người được tiếp xúc với Bụt và với giáo đoàn càng ngày càng đông. Một hôm nọ, trong khi đi khất thực ở một xóm ven đô nằm bên tả ngạn sông Hằng, Bụt gặp một người gánh phân. Người này thuộc về giai cấp hạ tiện. Anh tên là Sunita, Sunita đã từng nghe nói về Bụt và giáo đoàn khất sĩ, nhưng đây là lần đầu tiên anh được trông thấy Bụt và giáo đoàn. Sunita lúng túng. Anh biết anh đang ăn mặc dơ dáy, người anh hôi hám và trên vai anh đang gánh một gánh phân người. Sunita vội vã tránh đường và tìm lối đi xuống bờ sông, nhưng từ xa Bụt đã trông thấy Sunita. Người quyết tâm độ người gánh phân này. Thấy Sunita tìm lối đi xuống bờ sông, Người cũng tìm lối đi xuống bờ sông để đón đường chàng. Thấy Bụt làm như thế, thầy Sariputta cũng bỏ hàng ngũ của mình đi theo Bụt. Thầy Meghiuya, thị giả của Bụt thấy thế cũng bước theo đại đức Sariputta. Tất cả các vị khất sĩ khác tuy vẫn còn đứng trong hàng ngũ, nhưng đều nhất loạt dừng lại im lặng quan sát.

Sunita luống cuống. Chàng đặt gánh phân xuống, dáo dác nhìn. Phía trên đường thì các vị khất sĩ áo ca sa vàng rựng đang đứng đầy cả đường, phía dưới này thì Bụt và hai vị khất sĩ đang tiến tới và đi về phía mình. Chẳng biết làm sao, Sunita liền lội xuống nước, đứng chắp hai tay lại.

Lúc bấy giờ, từ dãy nhà bên sông, dân chúng đã đổ ra đứng nhìn khá nhiều. Từ già trẻ trai gái, không ai biết chuyện đang xảy ra, Sunita vì sợ làm ô uế giáo đoàn đã tìm cách tránh xuống bờ nước, nhưng chàng đã bị Bụt chặn đường. Chàng nghĩ giáo đoàn này gồm toàn các giới quý phái và làm ô uế giáo đoàn là một tội rất lớn không nào tha thứ được. Tuy chàng đã lội xuống sông, nước ngập tới đầu gối, nhưng gánh phân của chàng vẫn còn để phía trên bờ nước. Chàng hy vọng Bụt và hai vị khất sĩ vì thế mà trở lên phía đường trên trở lại.

Nhưng Bụt không trở lên, người đi tới bờ nước, gần chỗ Sunita đứng, người nói với chàng:

- Này anh bạn, anh lên trên này để chúng tôi nói chuyện.

Sunita chắp hai tay vái lia lịa:

- Bạch đại đức, con không dám! Bạch đại đức, con không dám!

- Tại sao? Bụt dịu dàng hỏi.

- Con là người thuộc giai cấp hạ tiên, con sợ làm ô uế ngài và giáo đoàn của ngài.

Bụt ôn tồn:

- Chúng tôi đã đi tu rồi, chúng tôi không còn phân biệt giai cấp. Bạn cũng là người như tất cả chúng tôi. Chúng tôi không sợ bị ô uế đâu. Chỉ có tham dục, sân hận, và si mê mới làm ô uế được chúng ta, chứ một con người dễ thương như bạn thì chỉ cho chúng tôi thêm niềm vui mà thôi. Bạn tên là gì?

- Bạch ngài, con tên là Sunita.

- Sunita, bạn có muốn xuất gia làm khất sĩ như chúng tôi không?

- Con không dám.

- Tại sao bạn không dám?

- Tại vì con thuộc giới hạ tiện ngoại cấp.

- Tôi đã nói người đi tu không còn phân biệt giai cấp. Sunita! Trong đạo lý tỉnh thức và trong giáo đoàn khất sĩ, không có sự phân biệt giai cấp. Bạn hãy nghe đây. Nước trong các dòng sông như sông Ganga, sông Yamuno, sông Actravati, sông Sarabhu, sông Mahi, sông Rohini v.v... một khi đã chảy ra biển cả rồi thì đều trở nên biển cả mà không còn giữ lại cá tính và danh hiệu riêng biệt của mình. Cũng như vậy, người đi xuất gia dù xuất thân từ giới quyền qúy Khattiya hoặc giới Bà la môn Brahma, hoặc các giới Vessa và Suddha, hoặc không thuộc giai cấp nào, khi đã vào trong giáo đoàn để tu học theo đạo lý tỉnh thức thì đều phải từ bỏ giai cấp và chủng tộc của mình để trở nên một người khất sĩ. Sunita, nếu bạn muốn, bạn có thể trở thành một vị khất sĩ như chúng tôi.

Sunita hân hoan vô cùng, chàng chắp hai tay trên trán, thưa:

- Lạy Bụt, chưa có ai nói với con một lời dễ thương như là người đã nói. Ngày hôm nay là ngày hạnh phúc nhất của đời con. Con sẽ rất sung sướng nếu Bụt cho con dự vào hàng ngũ những người xuất gia trong đạo lý của người. Nếu Bụt chấp nhận con, con sẽ đem hết lòng thành để theo người!

Bụt trao bình bát cho thầy Meghiya. Người bước xuống bờ hồ và đưa tay cho Sunita bảo chàng nắm lấy. Rồi người bảo thầy Sariputta:

- Sariputta! Thầy giúp tôi một tay. Chúng ta tắm gội sạch sẽ cho Sunita và cho Sunita xuất gia ngay tại đây, trên bờ nước này.

Đại đức Sariputta mỉm cười. Thầy đặt bình bát của thầy trên bờ sông và bước xuống giúp Bụt. Sunita không cảm thấy thoải mái lắm khi được Bụt và thầy Sariputta kỳ cọ và tắm rửa, nhưng chàng không dám làm phật lòng hai người. Bụt bảo thầy thị giả lên tìm đại đức Ananda để xin một chiếc y khoác ngoài, và người làm lễ xuất gia cho Sunita ngay trên bờ sông. Làm lễ xuất gia xong, Sunita được giao cho đại đức Sariputta. Đại đức đưa vị khất sĩ mới về tu viện Jetavana, trong khi Bụt và giáo đoàn tiếp tục trên con đường khất thực.

Tất cả những gì xảy ra bên bờ sông hôm ấy dân chúng địa phương đều đã được chứng kiến. Tin Bụt thâu nhận Sunita một người làm nghề hót phân, một người thuộc giai cấp hạ tiện vào trong giáo đoàn khất sĩ bắt đầu được loan truyền các giới ở thủ đô, nhất là giới tôn giáo, và đã gây xúc động lớn. Chưa bao giờ ở vương quốc Kosala này mà một người trong giới ngoại cấp nhu Sunita lại được đón nhận và đưa vào hàng ngũ của những nhà lãnh đạp tinh thần. Có những người lên án Bụt, cho rằng sa môn Gotama bất chấp truyền thống và tập tục xã hội. Có người đi xa hơn, cho là Bụt có ý gây đảo lộn trật tự xã hội với mục đích phá rối sự trị an trong nước.

Những bàn tán xôn xao này được vọng về tu viện Jetavana do các giới nam nữ cư sĩ cũng có mà do các vị khất sĩ về thuật lại cũng có. Các vị đại đức lớn như Sariputta, Mahakassapa, Mahamoggallana và Anuruddha đã tìm cơ hội gặp Bụt để bàn về cách đối trị lại những phản ứng của vác giới ở thủ đô về vụ khất sĩ Sunita. Bụt bảo các thầy:

- Quý vị biết rằng sớm muộn gì chúng ta cũng phải chấp nhận vào giáo đoàn những thiện nam nữ trong giới ngoại cấp, bởi vì giáo nghĩa của chúng ta là giáo nghĩa bình đẳng, không chấp nhận được sự phân chia giai cấp. Ta đã gặp khó khăn bây giờ, nhưng nếu ta vượt thắng được thì ta sẽ mở được cánh cửa chưa từng được mở ra trong lịch sử, và các thế hệ mai sau này sẽ được thừa hưởng công đức. Chúng ta phải có can đảm.

Thầy Moggallana bạch:

- Can đảm thì chúng con có đủ. Chúng con cũng có đủ kiên nhẫn nữa, nhưng làm thế nào để dư luận bớt xôn xao thì công trình vào đời hành đạo của các huynh đệ khất sĩ mới đỡ phần nặng nhọc.

Thầy Sariputta đề nghị:

- Điều quan trọng nhất là giáo đoàn tu học cho tinh tấn. Con sẽ nổ lực giúp đỡ và hướng dẫn cho khất sĩ Sunita. Sự thành công của Sunita sẽ là bằng chứng hùng mạnh nhất để bênh vực chúng ta. Huynh đệ chúng ta cũng cần học cách giải thích cho quần chúng mỗi khi tiếp xúc vói họ để cho họ hiểu được chân nghĩa bình đẳng của con đường Bụt dạy. Lạy Bụt, nếu đức tôn qúy trên đời có cách thức gì hay hơn nữa thì xin người chỉ dạy chúng con.

Bụt để tay lên vai Sariputta:

- Những điều thầy nói đó rất đúng với ý của tôi. Chúng ta cứ như thế mà hành trì.

Chừng một tháng sau, sự đồn đãi về Sunita tới được tai quốc vương Pasenadi. Một số các vị lãnh đạo các giáo phái tại thủ đô đã đến xin yết kiến vua. Vốn sẵn có lòng thành kính đối với tất cả các bậc lãnh tụ tôn giáo, vua Pasenadi đã tiếp kiến họ và sau khi nghe mọi người nói chuyện vua cũng cảm thấy hoang mang, dù rằng vua có cảm tình nồng hậu với Bụt. Vua hứa hẹn với các vị lãnh đạo tôn giáo ấy là sẽ suy xét về vấn đề này. Rồi một hôm vua bảo xa giá đưa ngài tới tu viện Kỳ viên.

Xe ngừng trước cổng tu viện, vua một mình đi bộ vào. Bóng các vị khất sĩ áo vàng thấp thoáng sau những hàng cây xanh mát trong khuôn viên tu viện. Đã quen thuộc với con đường nhỏ dẫn tới tịnh thất của Bụt, vua cứ một mình đi, không cần hỏi thăm. Thỉnh thoảng trên đường đi, vua gặp một vị khất sĩ. Mỗi lần như thế, vua đều đứng lại chắp tay và cúi đầu. Vị khất sĩ nào cũng đứng lại chắp tay đáp lễ. Vua nhận thấy vị nào cũng có dáng điệu trầm lặng, thong dong, không vội vã, và vua bỗng nhiên cảm thấy đức tin của vua nơi Bụt lớn mạnh bội phần. Nửa đường vào tịnh thất, vua gặp một vị khất sĩ đang thuyết pháp trên một phiến đá, vây quanh vị khất sĩ này có chừng mười mấy vị khất sĩ khác và khoảng độ ba bốn mươi người cư sĩ áo trắng. Cảnh tượng rất đẹp đẽ. Phiến đá nằm dưới gốc cây thông lớn xòe lá che mát cả một vùng. Vị khất sĩ đang ngồi thuyết pháp kia tuổi chưa tới bốn mươi nhưng phong thái của ông đoan nghiêm và sáng rỡ. Những người ngồi và đứng quanh ông đang hết sức chăm chú nghe ông nói. Vua dừng lại để nghe và cảm thấy thích thú. Định ngồi xuống để nghe cho hết bài thuyết pháp nhưng vua chợt nhớ ra rằng mình đã tới đây với một chủ đích, cho nên ngài phải bỏ đi. Vua nghĩ bụng là trong chuyến về ngài sẽ ghé lại để cùng đàm đạo với vị khất sĩ ấy.

Bụt ra đón vua ngoài ngõ trúc phía trước tịnh xá và mời vua vào, Bụt mời vua ngồi, cũng vẫn trên những chiếc ghế tre như hôm hai người gặp nhau lần đầu. Sau khi trao đổi những lời thăm hỏi, vua hỏi Bụt vị khất sĩ đang thuyết pháp trên phiến đá dưới gốc thông già là ai. Bụt mỉm cười, nói:

- Đó là thầy Sunita xuất thân từ giới ngoại cấp, trước làm nghề đổ thùng. Đại vương thấy vị khất sĩ ấy thế nào?

Vua giật mình, thì ra vị khất sĩ có tướng mạo đoan nghiêm và sáng rỡ kia vốn là người đổ thùng Sunita. Nếu Bụt không nói thì vua không thể nào đoán ra được. Vua còn chưa biết nói gì thì Bụt đã nói:

- Vị khất sĩ Sunita từ ngày xuất gia đến nay đã tu học rất tinh tiến. Đó là một con người thẳng thắn, thành thật, thông minh và có chí nguyện lớn. Mới được tu học chưa đầy ba tháng mà thấy ấy đã nổi tiếng là người có đạo hạnh và phong thái thanh cao. Đại vương có muốn gặp gỡ và cúng dường cho vị khất sĩ rất xứng đáng ấy hay không?

Vua thành thật đáp:

- Trẫm rất sẵn sàng gặp gỡ và cúng dường y áo và thức ăn cho vị khất sĩ Sunita. Thế Tôn! Giáo pháp của ngài thật là thâm diệu! Trẫm chưa thấy một vị đạo sư nào có cái nhìn và tầm tay mở rộng như ngài. Thế Tôn! Có lẽ không một người nào, một loài nào hay một vật nào mà không được dự vào giáo pháp thâm diệu của ngài. Trẫm đã đến đây vơi một mục đích là hỏi ngài tại sao ngài lại chấp nhận một người trong giai cấp hạ tiện vào trong giáo đoàn cao quý của người, nhưng trẫm đã được thấy, được nghe, và đã được hiểu. Trẫm không phải hỏi ngài nữa. Trẫm xin cúi lạy trước Thế Tôn!

Vua đứng dậy chắp tay định lạy xuống, Bụt cũng đứng dậy. Người kéo tay vua mời vua ngồi trở lại trên chõng tre. Người cũng ngồi lại trên chõng tre. Nhìn vua, Bụt nói:

- Đại vương! Trong đạo lý giải thoát, không cósựụ phân biệt giai cấp mà chúng tính. Trước con mắt người giác ngộ, tất cả mọi chúng sinh đều bình đẳng. Máu ai cũng đỏ, nước mắt ai cũng mặn, tất cả chúng ta đều là con người. Ta phải tìm cách để mọi người có cơ hội đồng đều và vươn tới và thực hiện hoài bão của mình cũng như hoàn thành nhân phẩm của mình, vì vậy cho nên tôi đã đón nhận Sunita vào giáo đoàn khất sĩ.

Vua chắp tay:

- Trẫm đã hiểu, con đường của Thế Tôn đi là một con đường có nhiều chông gai. Trẫm biết là trên con đường ấy người sẽ gặp nhiều khó khăn và trở ngại, nhưng trẫm cũng biết là người có đủ hùng lực để vượt qua những trở ngại đó. Riêng trẫm, trẫm sẽ làm hết sức mình để yểm trợ cho chánh pháp.

Vua từ giã Bụt, nhưng khi ra đến tảng đá nằm dưới cội tùng già, vua không thấy vị khất sĩ và thính chúng của người nữa. Mọi người đã giải tán, vua chỉ gặp trên đường những vị khất sĩ đang chậm rãi đi thiền hành.




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/12/2013(Xem: 20504)
Nhóm Vi Trần vừa hoàn tất xong bộ Danh mục Đại Tạng Phật giáo Tây Tạng: Kangyur-Tengyur khoảng trên 5000 tên các tác phẩm Kinh Luận thuộc về truyền thừa Nalanda Danh mục bao gồm 4 ngôn ngữ Tạng - Phạn (dạng Latin hóa) - Hoa - Việt Đính kèm là 3 tập tin đã đươc trình bày theo các dạng: 1. Tang-Phạn-Hoa-Việt 2. Phạn-Tạng-Hoa-Việt 3. Hoa-Tạng-Phạn-Viêt
11/12/2013(Xem: 35391)
Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác là con nhà họ Đới ở Châu Ôn . Thuở nhỏ học tập kinh, luận và chuyên ròng về phép Chỉ quán của phái Thiên Thai. Kế, do xem kinh Duy Ma mà tâm địa phát sáng. Tình cờ có học trò của sư Huệ Năng là thầy Huyền Sách hỏi thăm tìm đến. Hai người trò chuyện hăng say.
10/12/2013(Xem: 24760)
Hầu hết chúng ta đều quen thuộc với câu chuyện đời của Đức Phật. Chúng ta biết rằng thái tử Siddhattha đã rời bỏ cung điện lộng lẫy của vua cha, để bắt đầu cuộc sống không nhà của người lữ hành lang thang đi tìm con đường tâm linh, và sau nhiều năm tu hành tinh tấn, Ngài đã đạt được giác ngộ khi đang nhập định dưới gốc cây bồ đề. Sau khi xả thiền, Đức Phật đã đi đến thành phố Benares, giờ được gọi là Varanasi. Ở đó, trong Vườn Nai, lần đầu tiên Ngài thuyết pháp về những gì Ngài đã khám phá về con đường đi đến hạnh phúc toàn vẹn. Lời dạy của Đức Phật rất đơn giản nhưng sâu sắc.
07/12/2013(Xem: 22400)
Phật Ngọc, ước nguyện hòa bình thế giới
03/12/2013(Xem: 59092)
Người ta thường nói :"Ăn cơm có canh, tu hành có bạn". Đối với tôi, câu nói này thật là quá đúng. Ngày nhỏ chưa biết gì nhưng từ khi làm Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử tôi đã thấy ích lợi của một Tăng thân. Chúng tôi thường tập trung thành từng nhóm 5,7 người để cùng nhau tu học. Giai đoạn khó khăn nhất là sau 75 ở quê nhà. Vào khoảng 1985, 86 các anh lớn của chúng tôi muốn đưa ra một chương trình tu học cho các Huynh Trưởng trong Ban Hướng Dẫn Tỉnh và những Htr có cấp nên đã tạo ra một lớp học Phật pháp cho các Htr ở Sàigòn và các tỉnh miền Nam. Nói là "lớp học" nhưng các Chúng tự học với nhau, có gì không hiểu thì hỏi quý Thầy, các Anh và kinh sách cũng tự đi tìm lấy mà học. Theo qui định của các Anh, Sàigòn có 1 Chúng và mỗi tỉnh có 1 Chúng. Chúng tu học của chúng tôi (Sàigòn) có tên là Chúng Cổ Pháp và phải thanh toán xong các bộ kinh sau đây trong thời gian tối đa là 3 năm:
16/11/2013(Xem: 27788)
Tên tục của tôi là Trai. Dòng họ xuất thân từ Lan Lăng là hậu duệ của vua Lương Võ Đế. Gia tộc cư ngụ tại tỉnh Hồ Nam, huyện Tương Lương. Cha tên Ngọc Đường, mẹ tên Nhan Thị. Năm đầu đời nhà Thanh, cha làm quan tại tỉnh Phú Kiến. Năm mậu tuất và kỷ hợi làm quan tại châu Vĩnh Xuân. Cha mẹ đã ngoài bốn mươi mà chưa có mụn con. Mẹ ra ngoài thành nơi chùa Quán Âm mà cầu tự. Bà thấy nóc chùa bị tàn phá hư hoại, lại thấy cầu Đông Quan nơi thành không ai sửa chữa nên phát nguyện trùng hưng kiến lập lại. Đêm nọ, cả cha lẫn mẹ đều nằm mơ thấy một vị mặc áo xanh, tóc dài, trên đỉnh đầu có tượng Bồ Tát Quán Thế Ấm, cưỡi hổ mà đến, nhảy lên trên giường. Mẹ kinh sợ, giật mình thức dậy, liền thọ thai. Cuối năm đó cha đi nhậm chức tại phủ Nguyên Châu.
26/10/2013(Xem: 63905)
Cuộc đời đức Phật là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều sử gia, triết gia, học giả, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cổ, nhạc sĩ, họa sĩ, những nhà điêu khắc, nhà viết kịch, phim ảnh, sân khấu… Và hàng ngàn năm nay đã có vô số tác phẩm về cuộc đời đức Phật, hoặc mang tính lịch sử, khoa học hoặc phát xuất từ cảm hứng nghệ thuật, hoặc từ sự tôn kính thuần tín ngưỡng tôn giáo, đủ thể loại, nhiều tầm cỡ, đã có ảnh hưởng sâu xa trong tâm khảm biết bao độc giả, khán giả, khách hành hương chiêm bái và những người yêu thích thưởng ngoạn nghệ thuật.
17/10/2013(Xem: 6944)
Đức Phật chỉ ra rằng: mọi vật có hình tượng, có thể chất đều sinh diệt, thay đổi không ngừng. Sự thay đổi của vạn vật là định luật. Định luật này chi phối mọi lãnh vực cuộc sống, không ràng buộc bởi thời gian, không gian.
17/10/2013(Xem: 40432)
50 năm qua, cuộc tranh đấu của Phật giáo năm 1963 chống chính quyền Đệ nhất Cọng hòa do Tổng thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo đã đàn áp Phật giáo. Sự việc đã lui về quá khứ nhưng vết thương trong lòng dân tộc, trong tim của Phật tử Việt Nam thì vẫn còn đó và có lẽ mãi còn trong lịch sử đau thương mà cũng lắm hào hùng.
17/10/2013(Xem: 30728)
Là nhân chứng sống động của lịch sử, của dòng đời, ai cũng thế. Sinh ra giữa cõi trần, có tai phải nghe, có mắt phải thấy, dù muốn nghe, muốn thấy hay không. Sống, có óc phải suy tư, có miệng phải nói, có chân phải đi, có tay phải làm. Nhưng phải biết nên nghĩ gì, nói gì, đi đâu, làm gì ! Sống, có bạn để tâm sự, có con để trao truyền. Tâm sự chuyện gì, trao truyền cái gì? Tôi tự hỏi và trải lòng ra cho ai muốn thấy tim tôi đang nhảy, phổi tôi đang thở và mỗi tế bào sinh diệt trong bất diệt của chân như. Chỉ xin đừng làm bác sĩ giải phẫu chân dung của tôi, nhưng nếu muốn thì cứ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]