Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm XX: Đạo

15/04/201311:10(Xem: 14056)
Phẩm XX: Đạo

Kinh Pháp Cú

Phẩm XX: Ðạo

1. Bát Chánh Ðạo Là Ðường Tối Thượng

Bát chánh, đường thù thắng ...

Câu chuyện xảy ra khi đức Phật ở Kỳ Viên, liên quan đến năm trăm vị Tỳ-kheo.

Một hôm, đức Phật sau khi du hành khắp nước, trở về Xá-vệ. Lúc ấy có năm trăm Tỳ-kheo bàn tán về những con đường đã đi qua: "Con đường của làng này bằng phẳng, con đường của làng này gồ ghề, con đường của làng này đầy sỏi đá, con đường của làng này không có sỏi... "Ðức Phật nhận thấy các thầy đủ duyên để chứng quả A-la-hán, bèn đi đến Pháp đường, hỏi:

- Các ông ngồi đây bàn tán việc gì?

Khi các thầy thưa xong, Ngài dạy:

- Này các Tỳ-kheo, những con đường đó chẳng đáng cho chúng ta quan tâm. Một người là Tỳ-kheo phải đi theo con đường Thánh Ðạo, chỉ có thế mới giải thoát mọi đau khổ.

Ngài nói kệ:

(273) Bát chánh, đường thù thắng,
Tứ Ðế, lý thù thắng,
Ly tham, pháp thù thắng,
Giữa các loài hai chân,
Pháp nhãn, người thù thắng.
(274) Ðường này, không đường khác,
Ðưa đến kiến thanh tịnh.
Nếu ngươi theo đường này,
Ma quân sẽ mê loạn.
(275) Nếu ngươi theo đường này,
Ðau khổ được đoạn tận.
Ta dạy ngươi con đường,
Với trí, gai chướng diệt.
(276) Ngươi hãy nhiệt tình làm,
Như lai chỉ thuyết dạy.
Người hành trì thiền định,
Thoát trói buộc ác ma.

2. Vô Thường

Tất cả hành vô thường...

Câu chuyện xảy ra khi Thế Tôn ở Kỳ Viên, liên quan đến năm trăm Thầy Tỳ-kheo.

Có năm trăm vị Tỳ-kheo nhận đề tài thiền định từ đức Phật, và cố gắng nỗ lực tối đa ở trong rừng, nhưng không chứng quả A-la- hán. Các vị trở lại xin Phật đề tài khác thích hợp hơn. Nhận thấy rằng các Tỳ-kheo này, vào thời Phật Ca-diếp, đã chuyên chú thiền quán trong hai ngàn năm về đề tài Vô Thường. Vậy Vô Thường là đề mục mà Ta sẽ giảng. Nghĩ thế, Phật bèn dạy:

- Này các Tỳ-kheo, trong cõi này và cõi khác, tất cả pháp hữu vi do không thật nên đều bị chi phối bởi vô thường.

(277) Tất cả hành vô thường,
Với tuệ quán thấy vậy,
Ðau khổ được nhàm chán,
Chính con đường thanh tịnh.
3. Khổ
Tất cả hành khổ đau ...
Chuyện này như chuyện trên, Phật dạy các thầy quán sát về khổ.
- Này các Tỳ-kheo, tất cả các uẩn ép bức chúng ta, đó là khổ.
Ngài nói kệ:
(278) Tất cả hành khổ đau.
Với tuệ quán thấy vậy,
Ðau khổ được nhàm chán,
Chính con đường thanh tịnh.

4. Vô Ngã

Tất cả pháp vô ngã ...

Cùng một câu chuyện trên, Phật nhận thấy các thầy từng quán về Vô Ngã trong năm trăm kiếp, Ngài dạy: Này các Tỳ-kheo, các uẩn đều không cố định, và đều không thực.

Ngài nói kệ:

(279) Tất cả pháp vô ngã,
Với tuệ quán thấy vậy,
Ðau khổ được nhàm chán,
Chính con đường thanh tịnh.

5. Chớ Hẹn Ngày Mai

Khi cần, không nỗ lực...

Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở Kỳ Viên, liên hệ đến Tôn giả Padhànakammika Tissa.

Có năm trăm thanh niên thành Xá-vệ theo Phật xuất gia, nhận đề tài thiền quán từ đức Bổn sư và đi vào rừng. Một người trong bọn họ nhác tu, hẹn lần hồi, nhưng bốn trăm chín mươi chín người kia nỗ lực thiền định và đắc quả A-la-hán. Bấy giờ, các thầy trở về bạch Phật về thành quả đạt được. Khi đi khất thực qua một ngôi làng cách Xá-vệ một dặm, một tín đồ trông thấy các thầy. Người ấy mời các vị về, cúng dường cơm và thực phẩm, và sau khi nhận lời hồi hướng, tín đồ ấy mời các thầy ngày mai đến thọ thực.

Về đến Xá- vệ, các thầy xếp cất y bát, đến đảnh lễ đức Phật. Ðức Thế Tôn tỏ lòng hoan hỷ và thăm hỏi thân mật các thầy. Chỉ nhà thầy nhác tu thầm nghĩ: "Ðức Thế Tôn hết lời vui mừng chào đón các thầy kia. Còn ta, vì chưa chứng quả nên Ngài không thèm nói một lời. Ngay hôm nay ta phải chứng quả A-la-hán, có thế khi ta trở lại, Thế Tôn mới nói chuyện với ta".

Các vị Sa-môn bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, trên đường về chúng con được một thiện tín mời ngày mai thọ thực. Sáng mai chúng con sẽ đi.

Sa-môn chưa chứng quả, suốt đêm ấy đi tới đi lui, rốt cuộc buồn ngủ quá thầy té nhằm một ghế đá, gãy chân, thầy kêu lên đau đớn. Các Sa-môn khi nghe tiếng chạy đến, săn sóc cho thầy. Trời đã sáng mà họ vẫn còn bận bịu chăm sóc cho thầy. Kết quả là năm trăm thầy không rảnh được để đi thọ thực sáng hôm ấy.

Phật hỏi:

- Sao các ông không đi vào làng nhận vật thực?

Các thầy thưa lại mọi chuyện. Phật bảo:

- Ðây không phải lần đầu tiên ông ấy ngăn trở các ông nhận vật thực. Ðời quá khứ ông ấy cũng như vậy.

Ngài kể chuyện quá khứ (Jàtaka 71), và kết luận:

- Này các Tỳ-kheo, người nào không trỗi dậy đúng giờ, ý chí yếu ớt và lười biếng, người ấy không bao giờ phát triển thiền định và chứng Thánh quả.

Ngài nói kệ:

(280) Nỗ lực không nhằm nơi,
Tiêu trầm chí khí mạnh,
Tuổi hoa sớm biếng lười,
Mong gì đạo chánh thánh.

6. Con Quỷ Ðầu Heo

Lời nói được thận trọng...

Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở tại Trúc Lâm, liên quan đến một con quỷ đầu heo.

Một hôm, Tôn giả Mục-Kiền-Liên cùng Tôn giả Lakkhana xuống núi Kỳ-xà-quật. Ðến một chỗ nọ Tôn giả Mục-kiền-liên bỗng mỉm cười, Tôn giả Lakkhana hỏi:

- Sao sư huynh cười?

- Lúc này không nên hỏi, hãy đợi đến lúc gặp Thế Tôn.

Hai vị tiếp tục đi khất thực ở thành Vương-xá. Xong trở về Trúc Lâm, đến trước Phật đảnh lễ lui ngồi một bên. Và Tôn giả Lakkhana bèn hỏi Tôn giả Mục-kiền-liên câu trước, lúc này Tôn giả mới trả lời:

- Tôi thấy một con quỷ to lớn thân hình cao gần một dặm, dáng người nhưng đầu heo, trong miệng mọc ra một cái đuôi đầy dòi bọ lúc nhúc. Tôi nghĩ thầm: "Thật ta chưa hề thấy một sinh vật nào như thế". Vì thế tôi mỉm cười.

Ðức Phật xác nhận:

- Mục-kiền-liên quả là có mắt thấy. Ta cũng từng thấy như thế khi ngồi dưới cây Bồ-đề, nhưng Ta nghĩ: "Nếu có ai chẳng tin, thật là điều tai họa cho chúng". Và vì thương những kẻ đó nên Ta không nói. Bây giờ có Mục-kiền-liên chứng kiến, Ta mới mạnh dạn nói sự thật.

- Bạch Thế Tôn, con quỷ ấy kiếp trước đã làm gì?

- Này các Tỳ-kheo, hãy lắng nghe.

Chuyện quá khứ

6A. Kẻ Phá Hoại Tình Huynh Ðệ

Vào thời đức Phật Ca-diếp, có hai Tôn giả sống hoà thuận với nhau trong một tu viện của làng nọ, người lớn sáu mươi tuổi, người nhỏ năm mươi chín tuổi. Tôn giả ít tuổi hơn thường mang y bát giùm cho vị lớn và đi theo sau, làm tròn mọi bổn phận như một chú tiểu hầu huynh trưởng. Giống như hai anh em cùng cha mẹ, họ sống trong hoà thuận, an lạc.

Một ngày kia, có một giảng sư đến chỗ họ ở. Ngày ấy là ngày nghe pháp, cả hai Tôn giả khoản đãi vị sư khách và nói:

- Ðại đức, xin giảng pháp cho chúng tôi.

Vị này giảng dạy pháp lý cho cả hai, họ rất vui mừng. Ngày hôm sau, hai Tôn giả đưa khách vào làng khất thực. Sau khi ăn xong, họ lại thỉnh:

- Tôn huynh, xin hãy giảng tiếp đoạn pháp hôm qua.

Và hai thầy thỉnh giảng sư thuyết pháp luôn cho dân chúng. Nghe xong, Phật tử mời giảng sư xin đến vào ngày mai. Cứ như vậy các vị đi khất thực khắp các làng lân cận, hai thầy đưa giảng sư đến những nhà quen.

Giảng sư nghĩ thầm: "Hai thầy này rất nhẹ dạ. Ta sẽ tìm cách khiến họ rời nơi đây và chiếm tư viện này". Buổi chiều, ông đến chăm sóc hai Tôn giả lớn tuổi. Khi đến giờ đi nghỉ, ông đến chỗ vị lớn tuổi, nói:

- Tôn giả, tôi có việc muốn nói với Ngài.

- Xin cứ nói.

Giảng sư ngần ngừ rồi nói:

- Ðiều tôi nói ra có nhiều tai hại.

Xong ông im lặng bỏ đi, đến chỗ vị nhỏ tuổi cũng làm như vậy.

Ngày thứ hai, ��ng cũng đóng kịch như vậy, ngày thứ ba, cả hai Tôn giả đều bị kích động. Giảng sư đến chỗ Tôn giả lớn tuổi, nói:

- Thưa Ngài, tôi có chuyện muốn nói nhưng không dám thốt ra trước mặt Ngài.

Vị này nài ép:

- Không sao, tôn huynh cứ nói.

- Nhưng, Tôn giả nhỏ kia có liên quan gì với Ngài không?

- Ngài bảo sao? Chúng tôi như anh em một mẹ, người này nhận cái gì thì người kia cũng nhận thế ấy, tôi chưa bao giờ thấy thầy ấy có lỗi.

- Thật vậy à?

- Thật chứ?

- Thưa Tôn giả, đây là điều Tôn giả nhỏ tuổi nói với tôi: "Thưa Ngài, Ngài thuộc dòng cao quí, nhưng còn Tôn giả lớn tuổi này, nếu Ngài có định quan hệ với ông ấy, và tưởng rằng ông ấy trung hậu và dễ mến, thì hãy coi chừng". Thầy lặp đi lặp lại với tôi như thế ngay từ hôm tôi mới đến tới giờ.

Nghe nói xong, Tôn giả lớn tuổi cảm thấy giận vô cùng, cõi lòng tan nát như một lọ gốm bị đập. Giảng sư đến chỗ thầy nhỏ tuổi, cũng nói y như trên, và thầy cũng cảm thấy đổ vỡ như sư huynh mình, hai vị thường đi khất thực với nhau, ngày đó Tôn giả trẻ đi vào làng một mình, đi trước sư huynh của mình và dừng bước nơi thọ thực, Tôn giả lớn tuổi đến sau.

Khi thấy sư huynh mình, Tôn giả trẻ nghĩ thầm: "Ta có nên mang y bát của Ngài hay không? Không, ta không mang". Nhưng sau đó: "Khoan! Chẳng bao giờ ta xử sự như thế này, ta không thể thiếu sót bổn phận". Và mềm lòng, thầy đến chỗ vị lớn tuổi:

- Thưa Tôn giả, hãy đưa y bát cho con.

Trưởng lão từ chối:

- Chú hãy đi đi, người giả dối. Chú không xứng đáng mang y bát cho tôi.

Vừa nói Ngài vừa xua tay khinh rẻ.

- Phải, tôi cũng nghĩ tôi không mang y bát cho Ngài.

- Này chú, chú tưởng tôi luyến tiếc tu viện này hay sao?

- Tôi cũng không cần ở tu viện. Tu viện Ngài, Ngài cứ ở.

Nói xong, thầy ôm y bát bỏ đi. Trưởng lão cũng ra đi, và thay vì đi chung với nhau như mọi lần, bây giờ một người đi hướng Ðông, một người đi hướng Tây. Giảng sư nói với họ:

- Ðừng làm thế.

Hai Trưởng lão bảo:

- Thôi, Ðại đức ở lại.

Và giảng sư làm chủ tu viện. Hôm sau, giảng sư đi vào làng kế cận, dân chúng hỏi thăm:

- Thưa Ðại Ðức, các vị kia đâu?

- Ðừng hỏi tôi. Hai thầy ấy gây gổ nhau và ra khỏi tu viện hôm qua. Tôi can hết sức mà không được.

Nghe thế, một số người khờ khạo tin liền, nhưng những người khôn ngoan bảo nhau:

- Trong suốt thời gian ở đây, chúng ta không thấy hai Tôn giả bất hòa với nhau. Nếu các vị sợ hãi bỏ đi, chắc tại ông thầy mới đến.

Và họ rất buồn.

Về phần hai Tôn giả, cả hai đều bất an. Trưởng lão nghĩ thầm: "Ôi! Thiệt là chú nhỏ rất lầm lỗi", khi thấy khách chú đã bảo "đừng liên hệ với ta". Và Tôn giả trẻ tuổi cũng nghĩ như thế. Cả hai đều bực bội, không thể đọc kinh hay tọa thiền.

Một trăm năm trôi qua, tình cờ cả hai Tôn giả cùng đến một tu viện miền Tây và cùng nhận chung một phòng. Khi Trưởng lão già vừa bước vào phòng và ngồi lên giường, Tôn giả trẻ cũng vừa đến. Thấy nhau, họ không cầm được nước mắt. Thầy trẻ suy nghĩ: "Ta có nên nói hay không? Chuyện đó không đáng tin". Và thầy đến chào vị Trưởng lão, nói:

- Bạch Ngài, trong suốt thời gian con mang y bát theo Ngài, Ngài có thấy con có gì sơ sót trong tư tưởng, lời nói và hành động?

- Không, ta không thấy.

- Thế thì tại sao Ngài bảo với vị sư khách rằng đừng dính dáng gì với con?

- Này chú, ta không nên nói như thế, mà trái lại ta được nghe chú nói như vậy về ta.

- Thưa Ngài, con cũng không hề nói như thế bao giờ.

Lúc ấy, cả hai mới nhận ra rằng, ông giảng sư nọ nói như vậy chỉ vì muốn chia rẽ huynh đệ, và cả hai đều nhận lỗi của mình. Sau thời gian một trăm năm bất an, cả hai vị giảng hoà với nhau. Và hai Tôn giả trở về tu viện cũ để mời sư thầy lắm chuyện ra khỏi cửa.

Giảng sư thấy hai vị trở về, vội đến trước đỡ lấy y bát. Nhưng hai Trưởng lão điểm mặt thầy:

- Ông không xứng đáng ở trong tu viện.

Không dám nán lại giây phút, giảng sư lập tức rời tu viện. Sau khi chết, giảng sư nói rơi vào địa ngục A tỳ, trong thời gian giữa hai đức Phật chịu hình phạt ở địa ngục, và bâuy giờ mang thân quỷ khổ sở như đã nói trên.

Sau khi nói xong, đức Phật dạy:

Ngài nói Pháp cú:

(281) Lời nói được thận trọng,
Tâm tư khéo hộ phòng,
Thân chớ làm điều ác,
Hãy giữ ba nghiệp tịnh,
Chứng đạo thánh nhân dạy.

7. Pothila, Ông Sư Rỗng

Tu thiền trí tuệ sinh ...

Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở tại Kỳ Viên, liên quan đến Tôn giả Pothila.

Trưởng lão Pothila, thông thuộc Tam tạng trong thời đại của bảy đức Phật, là người tuyên đọc giáo lý cho một nhóm năm trăm Tỳ-kheo. Một ngày nọ, đức Phật nhủ thầm: "Nếu có dịp, ta sẽ khuyến khích Trưởng lão này chấm dứt lậu hoặc". Và từ đó, mỗi khi Tôn giả đến bên Thế Tôn, Ngài thường gọi;

- Hãy đến đây, Pothila rỗng!

Hoặc:

- Chào ông Pothila rỗng.

- Ngồi xuống, Pothila rỗng.

- Hãy đi, Pothila rỗng.

Và khi Trưởng lão ra đi, Ngài còn nói theo:

- Pothila rỗng đã đi.

Trưởng lão Pothila tự nghĩ: "Ta thông thuộc Tam tạng và đọc suốt chú giải, ta là giáo thọ của năm trăm Tỳ-kheo, mười tám hội chúng. Vậy mà đức Thế Tôn luôn luôn gọi ta là Pothila rỗng. Chắc chắn vì ta chưa phát triển Chánh định nên Ngài gọi ta như vậy". Rất kích động, Trưởng lão quyết định vào rừng, thiền định. Chiều hôm ấy, Ngài sắp xếp y bát, và vào chập tối, đi lẫn trong hàng người nghe kinh. Các Tỳ-kheo đang tụng kinh không để ý đó là thầy của mình.

Pothila đi một khoảng đường một trăm hai mươi dặm, cuối cùng đến khu rừng có ba nươi vị Tỳ-kheo đang ẩn cư. Ðến nơi, Ngài chào vị trưởng chúng và nói:

- Bạch Trưởng lão, xin hãy chỉ giáo cho tôi.

- Tôn giả, Ngài là giảng sư, chúng tôi còn phải học với Ngài, sao Ngài nói thế?

- Thưa Ngài, xin đừng từ chối, hãy chỉ dạy tôi.

Thật ra, tất cả các Tỳ-kheo này đều chứng quả A-la-hán. Vị trưởng lão đệ nhất nghĩ thầm: "Vị Tỳ-kheo này, vì học rộng chắc sẽ cao ngạo". Và vì thế, đưa Pothila sang vị thứ hai, người thứ hai lại đưa xuống cho người thứ ba. Và cứ thế, họ đẩy Pothila đến người trẻ nhất trong nhóm, một chú Sa-di bãy tuổi đang ngồi vá y. Như thế kiêu khí của Pothila đã giảm rất nhiều.

Pothila đến bên chú Sa-di, chấp tay cung kính:

- Ðại đức, xin chỉ giáo cho tôi.

- Ơ kìa! Giáo sư, Ngài nói gì thế? Ngài hơn tôi về tuổi tác và học vấn, tôi còn phải học với Ngài.

- Ðại đức, xin đừng từ chối, hãy chỉ dạy cho tôi.

- Thưa Tôn giả, nếu Ngài kiên nhẫn, tôi sẽ chỉ cho.

- Tôi sẽ kiên nhẫn, nếu Ngài bảo tôi nhảy vào lửa tôi cũng nhảy.

Chú Sadi chỉ một cái ao cách đó không xa, bảo Pothila:

- Ngài hãy xuống ao, để cả y áo.

Chú biết rằng Pothila mặc y đẹp, đắt giá, nói thử như vậy để xem Pothila có dễ dạy không. Vừa nói xong, Pothila đã nhảy xuống ao, y áo ướt sũng. Chú Sa-di kêu lên:

- Hãy đến đây!

Lập tức, Pothila leo lên và đến gần chú. Chú bảo:

- Này Tôn giả, giả sử ở đây có một cái hang với sáu cửa, một con tắc kè chui vào hang, người nào muốn bắt nó, phải bít năm cửa hang, chừa lại một cửa là sẽ tóm được tắc kè. Như thế Ngài nên đóng hết đóng hết năm căn, và tập trung vào ý căn.

Với một người thông minh như Pothila, câu nói của chú Sa-di đã soi sáng vấn đề.

- Như thế đã đủ, Ðại đức.

Pothila tập trung tư tưởng, quán sát thân mình, và bắt đầu thiền định. Ðức Phật ở cách xa một trăm hai mươi dặm, biết rằng Tôn giả sẽ trở nên bậc đại trí tuệ Ngài hoá hiện trước Tôn giả, nói kệ:

(282) Tu thiền, trí tuệ sanh,
Bỏ thiền, trí tuệ diệt.
Biết con đường hai ngả,
Ðưa đến hữu, phi hữu.
Hãy tự mình nỗ lực,
Khiến trí tuệ tăng trưởng.

Nghe xong, Pothila đắc quả A-la-hán.

8. Các lão Tỳ Kheo Và Lão Bà

Ðốn rừng, không đốn cây ...

Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở tại Kỳ Viên, liên quan đến một số các Tỳ-kheo già.

Tại Xá-vệ, có một số đại phú gia quyền thế, và lớn tuổi, họ kết thân với nhau, cùng làm nhiều việc thiện. Khi nghe đức Thế Tôn giảng dạy, họ bảo nhau:

- Chúng ta đều già cả, sao còn ở lại gia đình làm cư sĩ.

Họ bèn đến xin Phật xuất gia, gia nhập Tăng đoàn, theo nếp sống Sa-môn. Vì lớn tuổi không thể học thuộc kinh kệ, họ cất một thảo am ngoài vòng tu viện, và ở chung với nhau. Mỗi khi khất thực, họ về nhà vợ con nhận thức ăn. Trong số đó, có một thầy Tỳ-kheo già, vợ cũ của thầy tên Madhurapàcikà, rất tử tế với các thầy. Các thầy thường mang vật thực nhận được đến nhà bà thọ thực, bà Madhurapàcikà vẫn hay dâng cúng nước xốt và càri. Ít lâu sau, bà lâm bệnh rồi qua đời. Các Tỳ-kheo già hay tin ôm cổ nhau than khóc kể lễ, người này té vào người kia:

- Ôi! Nữ thí chủ Madhurapàcikà đã chết.

Nghe kêu khóc rền rĩ, các Tỳ-kheo khác chạy đến, hỏi han:

- Các huynh, việc gì vậy?

Các Sa-môn già trả lời:

- Bà vợ của một người bạn chúng tôi mới chết. Bà ấy là một thí chủ tốt bụng nhất. Chúng tôi biết tìm đâu ra một người như vậy. Vì thế nên kêu khóc.

Các Tỳ-kheo bàn tán việc này tại Pháp đường, đức Thế Tôn đi đến hỏi:

- Các ông tụ tập ở đây bàn việc gì?

Khi các Tỳ-kheo thuật lại câu chuyện, Phật dạy:

- Ðây không phải lần đầu họ làm như vậy. Ðời quá khứ cũng đã xảy ra chuyện này.

Chuyện quá khứ

8A. Jatakakàka

Trong thời quá khứ, họ là một đàn quạ. Và bà nữ thí chủ là một con quạ cái, khi bay qua bờ biển nó bị sóng cuốn và nhận chìm, cả đàn kêu khóc, và tìm cách dùng mỏ tát nước biển để cứu bà quạ. Rốt cuộc cả đàn đều mệt mỏi vô ích.

Kể chuyện quá khứ, Phật dạy tiếp:

- Này các Tỳ-kheo? Khi nào còn rừng rậm tham, sân, si, các ông còn chịu đau khổ. Hãy đốn ngã rừng cây ấy các ông mới được giải thoát.

Ngài nói kệ:

(283) Ðốn rừng, không đốn cây
Từ rừng, sinh sợ hãi.
Ðốn rừng và ái dục
Tỳ-kheo, hãy tịch tịnh.

(284) Khi nào chưa cắt tiệt,
Ái dục giữa gái trai
Tâm ý vẫn buộc ràng
Như bò con bú mẹ.

9. Cỏ Úa, Hoa Phai

Tự cắt dây ái dục...

Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở tại Kỳ VIên, liên quan đến một thầy Tỳ-kheo đệ tử ngài Xá-lợi-phất.

Có một thanh niên khôi ngô, con nhà thợ bạc, từ bỏ gia đình, xuất gia tu học với Ngài Xá-lợi-phất. Tôn giả nghĩ thầm: "Ðồ đệ ta còn trẻ, tham dục rất mạnh". Ðể giúp thầy Sa-môn trẻ chống đỡ lại dục nhiễm, Tôn giả dạy thầy phép quán Bất tịnh. Nhưng đề mục ấy không thích hợp, nên mặc dù thầy đã rút vào rừng, nỗ lực phấn đấu trên một tháng, thầy vẫn không sao tập trung tư tưởng.

Thầy trở lại, Tôn giả hỏi:

- Con đã nắm vững đề mục thiền quán chưa?

Thầy trình bày sự thất bại của mình. Tôn giả bảo:

- Một người không bao giờ nói rằng: "Tôi không đạt được đề mục thiền quán".

Tôn giả chỉ dạy cẩn thận thêm về đề tài ấy. Thầy cũng không tiến bộ bao nhiêu, phải trở lại trình với thầy. Lần thứ ba, Tôn giả cũng dạy đề mục đó, chỉ dạy cặn kẽ về lý do, nguyên nhân và các ảo tưởng tương tự. Một lần nữa thầy lại thất bại trong công phu thiền quán.

Tôn giả Xá-lợi-phất nghĩ thầm: "Một Sa-môn bén nhạy, khi tham dục hiện hữu thầy biết nó hiện hữu. Khi tham dục không hiện hữu biết rằng chúng không hiện hữu. Sa-môn này bén nhạy, không trì độn, vững vàng trong đạo chưa lay chuyển. Tuy thế ta lại không thể hiểu được tư tưởng và khuynh hướng của thầy. Chắc chắn thầy sẽ thuần phục lời dạy của Phật".

Vào buổi chiều, Tôn giả dẫn đồ đệ đến chỗ Phật, và kể hết câu chuyện:

- Bạch Thế Tôn, đây là đệ tử con, con đã dạy y như thế...

Phật dạy:

- Biết được tư tưởng và khuynh hướng là quyền năng riêng của Phật, là bậc Toàn Giác có trí quán chiếu thông suốt, khiến cho mười ngàn thế giới ngợi khen.

Ðức Phật quán sát gia thế của thầy Sa-môn trẻ, biết rằng không những đời này thầy sanh trong nhà thợ bạc, mà đã năm trăm kiếp sanh trong nhà đó. Và trải qua thời gian lâu xa làm thợ kim hoàn, chuyên chạm trổ các hoa sen, hoa ca-nị-sắc bằng vàng ròng, nên thiên quán về đề tài nhờm gớm và tẻ nhạt, chắc chắn không thích hợp với thầy, chỉ có đề mục vui tươi mới thích hợp. Phật bảo Tôn giả:

- Này Xá-lợi-phất! Với Sa-môn mà ông chỉ định đề mục thiền quán vừa trải qua bốn tháng mệt nhọc vô ích, ông sẽ thấy y chứng A-la-hán ngay hôm nay, ông hãy đi nơi khác.

Sau khi đuổi Tôn giả đi, Phật dùng thần thông tạo ra một hoa sen bằng vàng to bằng bánh xe, cọng lá tươi tắn y như thật, đưa cho thầy Sa-môn bảo:

- Này Tỳ-kheo, hãy cầm lấy hoa sen này ra phía ngoài tinh xá, cắm nó trên đỉnh cát, và ngồi kiết già trước nó, ở giai đoạn sơ khởi, hãy lặp lại câu "Ðỏ thắm! Ðỏ thắm!"

Ngay khi nhận hoa sen từ bàn tay Thế Tôn, thầy Sa-môn trở nên bình an. Thầy làm theo lời Phật dạy, làm một đống cát ngoài rào tinh xá, cắm hoa sen lên, ngồi kiết già trước mặt nó, và lẩm nhẩm "Ðỏ thắm! Ðỏ thắm!" Ngay khi ấy, các triền cái bị tiêu diệt, thầy bắt đầu nhập định, phát triển Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Cả toàn thân thầy chìm sâu trong thiền định. Ðức Phật dự biết thầy đạt được định, tự hỏi "Sa-môn này có thể tự mình phát triển Thánh quả đến tận cùng không?" Thấy rằng thầy không thể tự đạt, Ngài ra lệnh "Hoa sen hãy héo!" Lập tức đóa sen thiền quán của thầy ngã màu, nhợt úa như bị vò nát.

Thầy Tỳ-kheo xuất định, thấy thế, tự nghĩ: "Bằng cách gì mà bông sen này trở nên già úa? Nếu những vật như thế không bị lệ thuộc vào giới thông tục mà còn bị chế phục bởi tuổi già, không có gì nghi ngại chuyện chúng sanh đắm luyến thế gian đều sẽ bị chế phục tương tự. "Thế là, thầy thấu rõ lẽ vô thường. Ðồng thời, thầy thấu luôn cả lý khổ và vô ngã. Ba pháp ấn hiện rõ rệt với thầy như lửa rực cháy, hay như sợi dây cột quanh cổ.

Lúc ấy có một lũ trẻ con chơi gần đấy, lội xuống hồ bẻ bông sen chất thành đống trên bờ. Thầy Tỳ-kheo nhìn những đóa hoa dưới nước và hoa trên bờ. Những hoa dưới nước tươi xinh đẹp, còn hoa trên bờ héo úa, tàn rũ. Thầy lại tự nhủ: "Nếu tuổi già đã đánh bại những vật không bị lệ thuộc vào thế gian, có lý nào lại không đánh bại chúng sanh đắm luyến thế gian?"

Và thầy càng thấu rõ lý vô thương, khổ, vô ngã.

Ðức Thế Tôn thấy rằng các đề mục thiền định đã hoàn toàn chinh phục thầy. Ngài bèn hóa hiện đến trước mặt thầy.

- Cái gì thế kia?

Thầy Tỳ-kheo ngạc nhiên nhìn lên thấy dường như đức Phật đến đứng trước mặt. Thầy lật đật đứng lên, chấp tay cung kính.

Ðức Thế Tôn nói kệ:

(285) Tự cắt dây ái dục,
Như tay bẻ sen thu,
Hãy tu đạo tịch tịnh,
Niết-bàn, Thiện Thệ dạy.

Nghe xong thầy chứng A-la-hán.

10. Chắc Chắn Sẽ Chết

Mùa mưa ta ở đây...

Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở tại Kỳ Viên, liên quan đến đại phú thương Mahàdhana.

Mahàdhana cùng đoàn xe năm trăm chiếc chất đầy vải mhuộm đỏ, từ thành Ba-la-nại đem đi bán. Khi về Xá-vệ, ông dừng lại bên bờ sông và nhủ thầm: "Ngày mai ta sẽ qua sông". Ông dừng xe, ngủ lại bên bờ. Suốt đêm ấy, một trận bão kéo đến và mưa như trút. Suốt bảy ngày nước sông dâng cao và dâng chúng lại nghỉ lễ bảy ngày. Mahàdhana không có dịp bán số vải của mình, ông tự nhủ: "Ta đã đi xa, nếu quay về sẽ tốn công, ta sẽ ở lại đây mùa mưa, mùa đông và mùa hè sang năm, để bán hết số vải".

Khi Thế Tôn đi khất thực, Ngài nhận ra dự tính của Mahàdhana và mỉm cười. Tôn giả A-nan hỏi lý do. Ngài bảo:

- Này A-nan, ông có thấy đại phú gia Mahàdhana chăng?

- Bạch Thế Tôn, có ạ.

- Ông ấy không biết mình sắp chết, và dự định ở lại đây suốt năm để bán hàng.

_ Bạch Thế Tôn, ông ấy sắp chết sao?

- Này A-nan, trong bảy hôm nữa, ông ấy sẽ bị cá nuốt.

Ngài nói kệ:

Hãy hăng say làm việc

Làm những gì nên làm ngày hôm nay.

Ai biết thần chết sẽ viếng ngày mai.

Chẳng phải chúng ta vẫn hằng vật lộn

Mỗi ngày cùng thần chết?

Ðây là lời hiền nhân ca ngợi:

Hạnh phúc thay, kẻ sống nhiệt tình

Ngày và đêm, không mệt mỏi

Dù chỉ một đêm y được sống.

- Bạch Thế Tôn, con sẽ nói với ông ấy.

- Ðược rồi, cứ đi.

Tôn giả đi đến chỗ Mahàdhana khất thực, ông ta cung kính cúng dường Tôn giả. Tôn giả hỏi:

- Ông dự định ở lại đây bao lâu?

- Thưa Tôn giả, tôi đã đến từ xa xôi, nếu trở về chắc sẽ trễ nãi. Tôi sẽ ở lại suốt năm để bán hàng rồi mới tiếp tục đi.

- Này cư sĩ, người ta dù cái chết gần kề cũng khó biết được. Nên cẩn thận điều này.

- Sao, con sắp chết ư?

- Phải đấy cư sĩ, chỉ trong bảy ngày nữa thôi.

Mahàdhana rất xúc động khi nghe Tôn giả bảo như thế, và ông mời Phật cùng chư Tăng đến cúng dường trong bảy ngày, vào ngày cuối, ông xin Phật chúc phước cho mình. Phật dạy:

- Này cư sĩ, người khôn ngoan không bao giờ nên nghĩ rằng: "Ta sẽ ở lại đây suốt mùa mưa, qua đông đến hạ, ta sẽ làm việc này, việc nọ...". Tốt hơn, người ấy cần quán tưởng về cái chết của mình.

Ngài nói kệ:

(286) Mùa mưa ta ở đây,
Ðông, hạ cũng ở đây,
Người ngu tâm tưởng vậy,
Không tự giác hiểm nguy.

Nghe xong, Mahàdhana chứng quả Dự-lưu, chúng hội cũng được lợi ích. Ông tiễn chân các chư tăng một quãng đường rồi quay lại. Ông cảm thấy nhức đầu và đi nằm. Chẳng bao lâu ông chết, và tái sinh lên trời Ðâu-suất.

11. Người Mẹ Mất Con Và Những Hạt Cải

Người tâm ý đắm say...

Câu chuyện xảy ra khi đức Phật ở tại Kỳ Viên, liên hệ đến ngài Kisà Gotami.

Câu chuyện của Tỳ-kheo-ni Kisà Gotami, như đã kể ở Pháp Cú 114, phẩm Ngàn. Khi ấy, đức Phật hỏi:

- Này Kisà Gotami, có tìm thấy hột cải trắng?

- Thưa, con không tìm thấy, trong làng người chết còn nhiều hơn người sống.

- Không phải chỉ có ngươi bị mất con. Ðó là luật chung cho mọi sinh vật. Thần chết như một dòng nước lũ dữ, cuốn phăng, giật đi và ném mọi loài vào biển hoại diệt, trong khi chúng sống chưa thỏa thích.

Ngài nói kệ:

(287) Người tâm ý đắm say,
Con cái và súc vật,
Tử thần bắt người ấy,
Như lụt trôi làng ngủ.
Nghe xong bà chứng quả Dự-lưu, hội chúng cũng được lợi.

12. Người Ðàn Bà Mất Hết Thân Quyến

Không có con che chở...

Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở tại Kỳ Viên, liên quan đến bà Patàcàrà. Câu chuyện của Tỳ-kheo ni Patàcàrà như đã kể ở phẩm Ngàn, Pháp Cú 113.

Ngày nọ, đức Thế Tôn biết bà đã vơi cơn sầu khổ, bèn bảo:

- Này Patàcàrà, người nào khi rời bỏ thế gian, không có con cái hay cha mẹ, họ hàng có thể bảo trợ, che chở hay cho ẩn trú. Cho nên, dù những người ấy đang sống đó, cũng như không có. Ng��ời khôn ngoan nên có đạo đức thanh tịnh để dẹp sạch đường đến Niết-bàn.

Ngài nói kệ:

(288) Một khi tử thần đến,
Không có con,che chở,
Không cha, không bà con,
Không thân thích che chở.
(289) Biết rõ ý nghĩa này,
Bậc trí lo trì giới,
Mau lẹ làm thanh tịnh,
Con đường đến Niết-bàn.

Nghe xong bà Patàcàrà chứng quả Dự-lưu, hội chúng có người chứng Dự-lưu, Nhị quả và Tam quả.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/07/2021(Xem: 16026)
Vào thời đại khủng hoảng niềm tin của tất cả tôn giáo, lòng người càng lúc hồi hộp bất an, giáo lý đức Thích Ca Mâu Ni như mặt trời chiều xuống bóng hoàng hôn ,Mật Tông Kim Cang Thừa như ngọn đèn sắp tắt, chỉ còn lại những bộ đại tạng kinh phủ đầy bụi trên những kệ kinh, nằm bất tỉnh không ai hỏi thăm trong những tu viên,viện bảo tàng cô đơn thiếu bóng người. Cuốn sách Mật Tông Kim Cang Thừa Chú Giải Toàn Thư Tập Hai, là sự trình bày và phô diễn mật nghĩa thậm thâm của Đại Phật Đảnh Lăng Nghiêm đà la ni , Bát Đại Kim Cang Thần Kinh và các phụ bản vô thượng du già. Là sự trợ duyên cho những ai, đã có gieo hạt giống pháp môn này, có thể khai hoa kết trái thành tựu sự tu tập giải thoát. Linh Quang từ nhỏ xuất gia tu học , tầm sư học đạo, và đi du học nhiều nước, nên trong đầu nhiều ngôn ngữ lộn qua lộn lại, bây giờ Tiếng Việt cũng quên dần,chính tả viết sai nhiều lắm, nên quý vị thông cảm bỏ qua những lỗi lầm về câu văn từ ngữ.
01/07/2021(Xem: 3713)
Kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa, đã được chính Đức Thế Tôn tuyên dương là Bổn Kinh Thượng Thừa, bao gồm những bí yếu cực kỳ nhiệm mầu, vi diệu mà Chư Phật trao truyền lại cho những ai đủ tín tâm thọ nhận. Pháp-bảo được lưu truyền đến nay, vẫn sáng ngời toả rạng lưu ly qua bao thăng trầm của thế sự vô thường, với tâm nguyện hoằng truyền Chánh Pháp của các bậc minh sư, tuỳ căn cơ chúng sanh mỗi thời mà soạn dịch. Một, trong những bổn kinh Diệu Pháp Liên Hoa thường được trì tụng tại các tự viện là bổn cố đại lão Hoà Thượng Thích Trí Tịnh biên soạn, hoàn tất với 557 trang, gồm 7 quyển, chia thành 28 phẩm , mỗi phẩm đầy đủ văn kinh và thi kệ. Cũng do nhu cầu và phương tiện tu học của Phật tử mà Hoà Thượng Thích Trí Quảng cũng đã lược soạn Diệu Pháp Liên Hoa Kinh thành Bổn Môn Pháp Hoa Kinh để Phật tử tại các Đạo Tràng Pháp Hoa có thể hàng ngày trì tụng mà không bị gián đoạn vì không đủ thời gian. Bổn Môn Pháp Hoa Kinh được Hoà Thượng trân trọng biên soạn, cô đ
29/06/2021(Xem: 6085)
Kính Pháp Sư Sướng Hoài, tôi tu sĩ Thích Thắng Hoan đọc qua tác phẩm PHẬT HỌC VĂN TẬP của ngài viết nhận thấy ngài một nhà bác học uyên thâm Phật giáo nắm vững mọi tư tưởng cao siêu của cácphái, các tông giáo cả trong đạo lẫn ngoài đời. Toàn bộ tác phẩm của ngài đều xây dựng vững chắc trên lãnh vực biện chứng pháp của Nhân Minh Luận. Nội dung tác phẩm trong đó, mỗi một chủ đề ngài biện chứng bằng những lãnh vực mặt phải mặt trái, chiều sâu chiều cạn, mặt phủ định, mặt xác định,cuối cùng để làm sáng tỏ vấn đề bằng kết luận. Tôi vô cùng kính nể kiến thức của ngài.
29/06/2021(Xem: 6277)
Phật giáo dùng từ bi làm căn bản, xem trọng giới sát nên thực hành phóngs anh.Từ nghĩa là trao cho khoái lạc; Bi nghĩa là san bằng khổ não. Người đời rất quý mến thân mạng, chồng vợ con cháu, tiền của, nhưng từ chối mỗi người không thể che chở bao gồm chung cả. Giả như nếu bất hạnh gặp gian nguy, vì cứu thân mình, thà bỏ tất cả vật ngoài thân, để cầu được sinh tồn riêng mình.Con người đã tham sống sợ chết, sanh mạng con vật nhỏ bé như con muỗi, con ve, sâu bọ, kiến mối, còn biết tránh chạy cái chết cầu mong được sống, thì các động vật khác chúng nó sao lại không như thế?
28/06/2021(Xem: 3973)
Trước khi nói đến tinh thần Trung đạo của Phật giáo, thiết nghĩ cần phân biệt sự khác nhau giữa tinh thần “Trung dung” và “Trung đạo.” “Trung dung” là những thiên trong Kinh Lễ. Sách Trung Dung do Tử Tư làm ra Mục đích của sách Trung Dung là giúp con người hiểu được đạo “Trung dung” để đạt đến một trình độ đạo đức cao hơn. Khổng Tử nói về đạo "trung dung", tức là nói về cách giữ cho ý nghĩ và việc làm luôn luôn ở mức trung hòa, không thái quá, không bất cập và phải cố gắng ở đời theo nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, cho thành người quân tử. Cũng theo tinh thần “Trung dung” như thế, không thể có một thái độ “Trung dung” cố định; tùy thời tùy thế mà linh hoạt. “Trung dung” với ý nghĩa trên là dung hợp, quân bình giữa thái quá và bất cập. Ví dụ : thuyết Duy Vật chủ trương tranh đấu; thuyết Duy Tâm của Đức Khổng Tử, chủ trương điều hòa hai yếu tố cực đoan bằng lẽ Trung Dung.
27/06/2021(Xem: 8313)
Pháp Học và Pháp Hành Khi đề cập đến những người tu trong Phật Giáo, thì chúng ta thấy có phân ra hai khuynh hướng tu học, một số vị thì nghiêng về pháp học, còn số vị khác lại chuyên về pháp hành. Vậy pháp học là gì ? Là cả đời tu chỉ chuyên về việc nghiên cứu, học tập kinh điển, xem các luận bản... để biết được hết Tam tạng kinh điển ( Kinh, Luật, Luận ), nhiều vị còn phiên dịch kinh điển, hay viết ra nhiều bộ luận dựa trên kiến thức, sự hiểu biết đã tích lũy. Nhưng tâm thật sự chứng ngộ, hay đạt đạo thì có thể chưa, chỉ hiểu, chứ chưa thực chứng. ( Còn số vị mà chuyên về pháp học nhưng tâm đã giác ngộ thì rất hiếm có, thời nay càng vô cùng hiếm ).
27/06/2021(Xem: 5599)
- Kính thưa chư Tôn đức, chư Pháp hữu & quí vị hảo tâm. Với tâm niệm hộ trì chư Tôn đức Tăng già, các bậc tu hành nơi đất Phật trong lúc nhiều khó khăn do Dịch covid đang nhiễu nhương, chúng con, chúng tôi đã thực hiện hai buổi cúng dường tịnh tài, tịnh vật và một ít nhu yếu phẩm đến chư Tăng Ni thuộc truyền thống Phật giáo Kim Cương Thừa Tibet tại Dharamsala, các vị Ẩn sỹ trên đỉnh Triund Himachal, cũng như các vị Tăng Ni VN hiện đang theo học PG Mật Tông tại Dharamsala India (19 vị). Sư cô Thích nữ Huệ Thảo đã thừa hành Phật sự này và đã cúng dường tất cả là 245 vị tu sỹ, trong đó có 19 vị tránh tiếp xúc đám đông nên đã nhận chuyển vào tài khoản cá nhân từ Sư cô Huệ Thảo, một số vị vì bịnh trạng đã nhờ bạn đồng tu nhận dùm, mỗi vị thọ nhận 1500INR kèm với một số tịnh vật cúng dường.
26/06/2021(Xem: 15591)
LỜI GIỚI THIỆU “Chết đi về đâu” là tuyển tập các bài pháp thoại của thầy Nhật Từ tại Hoa Kỳ, Úc châu và Việt Nam. Dựa vào kinh điển Phật giáo thuộc các truyền thống khác nhau, thầy Nhật Từ đã phân tích những trở ngại về tâm lí trước cái chết thường làm cho cái chết diễn ra sớm hơn và đau đớn hơn. Nếu chết được hiểu là tiến trình tự nhiên mà mỗi hữu thể đều phải trải qua thì nỗi sợ hãi về cái chết sẽ trở thành nỗi ám ảnh, trước nhất là từ hữu thức sau đó là từ vô thức, làm cho cuộc sống con người trở nên tẻ nhạt và đáng sợ.
26/06/2021(Xem: 10829)
LỜI NÓI ĐẦU Tác phẩm “Thế giới Cực Lạc” là tuyển tập các bài giảng của thầy Nhật Từ về nội dung của kinh A-di-đà. Với cách diễn tả và phân tích đơn giản và đi thẳng vào mọi vấn đề, thầy Nhật Từ đã giới thiệu về bản chất Tịnh độ Tây phương gắn liền với xã hội con người. Để có được kết quả vãng sanh Tây phương, mỗi hành giả cần hội đủ năm điều kiện tiên quyết.
25/06/2021(Xem: 7917)
Lời Nói Đầu Nam Mô Đại Từ Đại Bi Tầm Thanh Cứu Khổ Cứu Nạn Linh Cảm Ứng Quán Thế Âm Bồ Tát. Kính bạch chư Tôn Đức Tăng Ni, Kính thưa quý Phật tử, Trong thời gian cả thế giới đang bị dịch Covid-19, Sa di Thông Đạo đã dày công nghiên cứu Ngũ Bách Danh - Quán Thế Âm Bồ Tát. Đến nay đã hoàn thành bằng ba ngôn ngữ khác nhau: chữ Việt Nam, chữ Anh, chữ Hán. Bất cứ nơi nào có đạo Phật, chắc chắn có tu sĩ, có Phật tử sinh hoạt chung với nhau. Theo truyền thống Bắc tông, hằng năm các chùa đều tổ chức lễ tưởng niệm Đức Quán Thế Âm Bồ Tát ba lần vào những ngày 19 tháng Hai, 19 tháng Sáu, và 19 tháng Chín Âm lịch.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]