Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm X: Hình Phạt

12/04/201318:58(Xem: 16110)
Phẩm X: Hình Phạt

Kinh Pháp Cú

Phẩm X: Hình Phạt

1. Lục Quần Tỳ Kheo

Mọi người sợ hình phạt...

Thế Tôn đã dạy như thế tại Kỳ Viên, liên quan đến lục quần Tỳ-kheo.

Mười bảy vị Tỳ-kheo vừa sửa soạn xong chỗ ở thì nhóm Lục quần Tỳ-kheo tới bảo:

- Chúng ta lớn hơn, chỗ này thuộc về chúng ta.

Mười bảy vị kia không chịu vì sửa soạn trước nhất. Lục quần Tỳ-kheo liền đánh các Tỳ-kheo huynh đệ của mình. Khủng khiếp vì sợ chết, họ gào đến bể phổi. Thế Tôn nghe tiếng la thét hỏi chuyện, rồi Ngài ban hành giới luật về việc hành hung:

- Các Tỳ-kheo! Từ nay trở đi, một Tỳ-kheo không được hành hung. Ai làm điều này là phạm tội.

Và Ngài dạy tiếp:

- Này các Tỳ-kheo! Ta phải nhớ rằng cũng như ta, người khác run rẩy trước gậy gộc và sợ chết. Do đó chớ đánh hay giết người.

Phật đọc Pháp Cú:

(129) Mọi người sợ hình phạt,
Mọi người sợ tử vong.
Lấy mình làm ví dụ,
Không giết, không bảo giết.

2. Lục Quần Tỳ Kheo

Mọi người sợ hình phạt...

Thế Tôn đã dạy như thế tại Kỳ Viên, vì nhóm Lục quần Tỳ-kheo.

Câu chuyện cũng tương tự như trên. Khi Lục quần Tỳ-kheo tấn công nhóm mười bảy Tỳ-kheo, nhóm sau có cử chỉ đe dọa. Thế Tôn cũng nghe tiếng gào thét, kêu đến hỏi, và ban hành giới luật:

- Các Tỳ-kheo! Từ nay trở đi, không Tỳ-kheo nào được làm như thế. Ai làm điều này là phạm tội.

Và Ngài dạy tiếp:

- Này các Tỳ-kheo! Một Tỳ-kheo phải biết, cũng như ta người khác cũng run sợ trước gậy gộc, và cũng như ta người khác cũng ham sống. Nhớ nghĩ điều này trong tâm, không được đánh hay giết người khác.

Phật đọc Pháp Cú:

(130) Mọi người sợ hình phạt,
Mọi người ưa sống còn.
Lấy mình làm ví dụ,
Không giết, không bảo giết.

3. Một Bầy Trẻ

Chúng sanh cầu an lạc...

Do chuyện bầy trẻ con, Thế Tôn đã dạy câu trên tại Kỳ Viên.

Nhân đi vào Xá-vệ khất thực, Thế Tôn thấy một đám trẻ lấy gậy đánh rắn. Ngài hỏi vì sao, chúng bảo vì sợ rắn cắn. Phật liền dạy:

- Nếu các con đánh rắn này vì nghĩ rằng như thế sẽ bảo vệ được hạnh phúc của mình, hậu quả là sau này tái sanh vào các nơi khác nhau các con sẽ không được hạnh phúc. Ai tìm hạnh phúc cho mình thì không đánh đáp kẻ khác.

Và Ngài đọc Pháp Cú:

(131) Chúng sanh cầu an lạc,
Ai dùng trượng hại người,
Ðể an lạc cho mình,
Ðời sau không an lạc.


(132) Chúng sanh cầu an lạc,
Không dùng trượng hại người,
Ðể an lạc cho mình,
Ðời sau được an lạc.

4. Tỳ Kheo Và Con Ma

Chớ nói lời độc ác...

Vì Trưởng lão Kundadhàna mà Thế Tôn dạy câu trên khi ngụ tại Kỳ Viên.

Từ khi Kundadhàna trở thành Tỳ-kheo, bất cứ Ngài đi đâu cũng có một phụ nữ đi theo. Trưởng lão không thấy, nhưng mọi người khác đều thấy. Vào làng khất thực, dân chúng cũng dâng Ngài một phần trước, và sau đó phần thứ hai cho cô kia.

Chuyện quá khứ


4A. Thiên Nữ Hiện Hình Phụ Nữ

Thời Phật Ca-diếp, có hai Tỳ-kheo bạn rất thân nhau như hai anh em ruột. Thời Phật Dìghàyu, năm này qua tháng nọ, các Tỳ-kheo đều gặp nhau vào ngày Bố-tát. Hai Tỳ-kheo ấy đều đến giảng đường Bố-tát một lượt.

Một thiên nữ ở cõi trời Ba mươi ba thấy vậy bỗng có ý định tách họ ra. Ý tưởng điên rồ vừa sinh trong lòng thì một vị tách ra đi vệ sinh. Thiên nữ liền hóa thành một phụ nữ đi vào bụi cây với vị đó, rồi cùng đi ra, một tay vuốt lại búi tóc, tay kia sửa y phục. Chính vị đó thì không thấy, nhưng vị đứng chờ thì thấy. Khi đã biết thế, cô liền biến mất. Vì thế Tỳ-kheo bạn vừa đứng vào chỗ mình thì vị đang đứng nghiêm sắc mặt bảo:

- Này huynh, huynh đã phạm giới dâm.

- Trời, tôi đâu có làm việc đó!

- Không à? Thế cô nào đi sau huynh đó, vừa đi vừa sửa quần áo.

Trưởng lão như bị sét đánh, Ngài lắp bắp:

- Này huynh, chớ hại tôi, tôi không hề làm như thế!

- Ðiều gì tôi thấy, tôi thấy bằng chính mắt tôi. Ðừng mong tôi tin huynh!

Rồi ông bẻ đầu gậy đi chỗ khác.

Trong giảng đường Bố-tát, ông không chịu Bố-tát chung với bạn mình. Thiên nữ thấy thế, biết mình đã phạm lỗi lầm nghiêm trọng, cô liền thú thật:

- Tôn giả! Vị Trưởng lão thật sự không phạm giới. Tôi làm như thế chỉ cốt thử ông ta. Xin hãy bố-tát chung với ông ta như thường lệ.

Thấy thiên nữ đứng trên hư không nói như thế, Tỳ-kheo này tin theo, chịu bố-tát chung, nhưng không còn thân thiện với bạn cũ nữa.

Mạng chung, hai Trưởng lão tái sanh theo thiện nghiệp của họ.Còn thiên nữ bị đọa vào địa ngục A-tỳ, chịu hình phạt suốt thời kỳ giữa hai đức Phật. Thời Phật hiện tại, cô sanh làm đàn ông, xuất gia thành Tỳ-kheo, và làm tròn bổn phận của mình. Từ ngày đi tu, luôn luôn có một nữ nhân đi theo, do đó có tên là Kundadhàna.

(Hết Chuyện Quá Khứ)

Các Tỳ-kheo thấy thế bảo Trưởng giả Cấp Cô Ðộc đuổi vị ấy ra khỏi tinh xá để khỏi mang tiếng. Nhưng Trưởng giả bảo để Phật giải quyết. Các Tỳ-kheo bảo bà Tỳ-xá-khư y như thế, và bà cũng trả lời y như Trưởng giả. Họ không hài lòng hai cư sĩ này, nên kể cho vua nghe và yêu cầu vua đuổi vị ấy ra khỏi vương quốc. Vua bằng lòng, và đến tinh xá, đứng ngay lối vào phòng Trưởng lão. Trưởng lão nghe ồn, bước ra, vua thấy bóng một phụ nữ đứng sau. Khi Trưởng lão vào phòng ngồi xuống, vua không đảnh lễ vị ấy, nhưng cũng không thấy cô đó nữa. Vua nhìn phía trong cửa, dưới giường phòng, thì cô lại hiện ra phía sau. Vua kết luận đó là một bóng ma, và thưa với Trưởng lão:

- Tôn giả, có hình bóng bất tịnh theo sau, sẽ không có ai cúng cho Ngài. Xin thỉnh Ngài đến hoàng cung, tôi sẽ cung cấp tứ sự.

Các Tỳ-kheo bất mãn, bảo vua là tệ ác, còn Trưởng lão là đồi bại, và bây giờ lại thành con hoang của vua. Trưởng lão, trước giờ không hề đối đáp, bây giờ trả đũa, bảo các Tỳ-kheo là đồi bại, là con hoang của vua, là giao thiệp với phụ nữ. Các Tỳ-kheo bèn đi thưa Thế Tôn. Phật gọi lại hỏi và dạy:

- Các Tỳ-kheo thấy một nữ nhân theo sau ông, và họ nói những gì mà họ thấy. Nhưng còn ông, tại sao ông nói những gì ông không thấy? Chắc chắn vì tà kiến trong một tiền kiếp mà sự kiện này xảy đến với ông, bây giờ tại sao ông lại có thái độ sai lầm nữa?

Các Tỳ-kheo lại hỏi Trưởng lão đó đã làm gì trong tiền kiếp, Phật thuật lại các nghiệp của ông và kết luận:

- Tỳ-kheo chính vì ác nghiệp mà ông phải rơi vào cảnh ngộ đáng buồn này, ông không nên có thái độ sai lầm nữa. Ðừng trả treo với các Tỳ-kheo. Ðừng nói một lời nào, như chuông đồng bể miệng không phát ra tiếng. Như thế ông có thể đạt đến Niết-bàn.

Và Phật đọc Pháp Cú:

(133) Chớ nói lời ác độc
Nói ác, bị nói lại,
Khổ thay lời phẫn nộ,
Ðao trượng phản chạm người.


(134) Nếu tự mình yên lặng,
Như quả chuông bể miệng,
Người đã chứng Niết-bàn.
Sẽ không còn phẫn nộ.

5. Tỳ Xá Khư Và Quyến Thuộc Giữ Bát Quan Trai

Với gậy người chăn bò...

Thế Tôn dạy câu trên khi ngụ tại Pubbaaraama, liên quan đến Tỳ-xá-khư và các nữ cư sĩ của bà trong ngày thọ bát quan trai.

Tại Xá-vệ, ngày đại lễ trai giới, năm trăm phụ nữ tuân giữ giới luật trai giới và đến tinh xá. Tỳ-xá-khư hỏi trong họ vì mục đích gì mà giữ giới luật.

Người già nhất trả lời:

- Chúng tôi mong phước báo cõi trên.

Người trung niên:

- Ðể thoát khỏi quyền lực của chồng.

Người trẻ:

- Chúng tôi muốn có con.

Thiếu nữ mới lớn:

- Chúng tôi muốn có chồng.

Tỳ-xá-khư dẫn tất cả đến gặp Phật kể lại các câu trả lời, và được Phật dạy:

- Tỳ-xá-khư! Chúng sanh trong thế gian đều bị sanh, già, bệnh, chết, giống như mục đồng cầm gậy trong tay. Sanh đuổi họ đến già, già đuổi họ đến bệnh, và bệnh đuổi họ đến chết. Bốn khổ này như rìu cắt ngắn đời sống. Tuy thế, chẳng ai muốn đừng tái sanh. Tái sanh là mong ước của mọi người.

Và Ngài đọc Pháp Cú:

(135) Với gậy người chăn bò,
Lùa bò ra bãi cỏ.
Cũng vậy già và chết
Lùa người đến mạng chung.

6. Ngạ Quỷ Hình Trăn

Người ngu làm điều ác...

Do chuyện ngạ quỷ có hình trăn, Thế Tôn dạy câu trên ở tinh xá Trúc Lâm.

Từ đỉnh Linh Thứu, Trưởng lão Ðại Mục-kiền-liên và Lakkhana xuống thành Vương Xá khất thực. Dọc đường, Mục-kiền-liên dùng thiên nhãn thấy một ngạ quỷ trong tướng hình trăn dài hai mươi lăm dặm, bị lửa thiêu đốt khắp mình mẩy. Ngài mỉm cười, vị kia hỏi lý do, Ngài bảo đợi đến gặp Phật sẽ nói. Và trước mặt Phật, Ngài giải thích vì từ trước đến giờ chưa hề trông thấy ngạ quỷ như thế, nên Ngài mỉm cười. Phật cũng xác nhận:

- Các Tỳ-kheo, đệ tử Ta có thiên nhãn và đã sử dụng. Chính Ta đã thấy ngạ quỷ này khi lên ngôi Chánh Giác, nhưng Ta không nói ra vì người không tin lời Ta sẽ có hại cho họ. Nay đã có Mục-kiền-liên chứng kiến, Ta mới nói.

Và theo lời yêu cầu của các Tỳ-kheo, Ngài kể:

Chuyện quá khứ

6A. Chưởng Khố Sumangala và Kẻ Trộm

Thời Phật Ca-diếp, chưởng khố Sumangala đem vàng trải một khoảng đất rộng hai mươi Usabha, tức bằng số tiền xây một tinh xá, kể cả chi phí tổ chức lễ khánh thành tinh xá đó.

Một sáng sớm, trên đường đi đảnh lễ Thế Tôn, ông bắt gặp một tên trộm đang núp ở nhà nghỉ cổng thành, chân bê bết bùn, áo trùm khỏi đầu.

Ông biết hắn đã rình suốt đêm đâu đây. Tên trộm bị phát hiện, đem lòng căm thù ông. Hắn đốt ruộng ông bảy lần, đốt nhà bảy lần, chặt chân bò bảy lần. Chưa hả tức, hắn đánh bạn với gia nhân của ông để hỏi xem ông quý trọng cái gì nhất. Ðược biết đó là hương thất, hắn đợi Thế Tôn vào thành khất thực, liền đập bể bình đựng nước với thức ăn rồi nổi lửa đốt.

Nghe tiếng kêu hương thất bị cháy, chưởng khố chạy tới nhưng đã muộn. Không mảy may buồn tiếc, ông còn hân hoan vỗ tay thật to. Người ta ngạc nhiên hỏi, thì ông giải thích vì sẽ có dịp cúng tiền để xây dựng lại hương thất. Tên trộm nghe thế, cho rằng không thể đánh bại ông, trừ khi giết ông chết. Trong bảy ngày đó ông cúng dường Tăng chúng, và ngày cuối, ông đảnh lễ Phật thưa:

- Bạch Thế Tôn, con biết rằng có một người nào đó bảy lần đốt ruộng, bảy lần đốt nhà, bảy lần chặt chân bò, và cũng chính người ấy đốt hương thất. Con xin nhường phước báo đầu tiên của lần cúng dường này đến người ấy.

Tên trộm núp đâu đó, nghe được, lòng cảm thấy hổ thẹn vì tội lỗi lớn lao của mình, và lo âu vua sẽ giáng hình phạt xuống đầu. Do đó hắn phủ phục dưới chân chưởng khố xin tha thứ. Chưởng khố hỏi chuyện hắn từ đầu tới đuôi, và cũng xin lỗi hắn vì lỡ thốt ra lời nghi kỵ trong đêm bắt gặp hắn núp. Và cả hai bên tha thứ lẫn nhau. Tên trộm còn xin cho hai vợ chồng hắn làm nô lệ cho chưởng khố, nhưng ông không nhận và bảo hắn đi đi.

(Hết Chuyện Quá Khứ)

Và Thế Tôn kết luận:

- Do tạo nghiệp ác như thế, khi mạng chung tên trộm bị đọa vào địa ngục A-tỳ, chịu hình phạt ở đó rất lâu, nhưng quả báo chưa hết, hắn phải chịu đau khổ trên đỉnh Linh Thứu. Các Tỳ-kheo! Khi làm điều ác, kẻ ngu không biết việc ác của mình. Nhưng về sau, hắn sẽ bị thiêu đốt do nghiệp ác đã tạo, như rừng bị lửa cháy.

Và Ngài nói Pháp Cú:

(136) Người ngu làm điều ác,
Không ý thức việc làm.
Do tự nghiệp, người ngu
Bị nung nấu như lửa.

7. Cái Chết Của Ðại Mục-Kiền-Liên

Dùng trượng phạt không trượng...

Thế Tôn đã dạy câu trên tại Trúc Lâm, liên quan đến Ðại Mục-kiền-liên.

Các ngoại đạo bàn tán với nhau không hiểu tại sao Sa-môn Cồ-đàm được nhiều phẩm vật cúng dường đến thế. Một người nói mình biết lý do. Ðược như thế là Mục-kiền-liên, vì Mục-kiền-liên lên cõi trời hỏi chư thiên đã tạo công đức gì, rồi trở về thế gian kể cho mọi người do làm điều này, điều nọ... rồi ông xuống địa ngục hỏi các tội nhân tại sao làm thế và cũng trở về thế gian kể lại do phạm tội như thế, như thế. Dân gian tin lời ông, nên đem nhiều phẩm vật đến cúng dường. Bây giờ nếu giết ông đi, thì số phẩm vật đó sẽ về tay các ngoại đạo.

Họ đồng thanh cho là ý kiến hay. Sau đó họ quyên góp các thí chủ được một ngàn đồng, kiếm được một vài tên du đãng cướp bóc, thuê chúng đến Hắc Thạch giết Trưởng lão. Chúng đến ngay nơi Ngài ở, bao vây. Ngài chui qua lỗ khóa trốn thoát. Chúng trở lại và bao vây nữa, Ngài chọc thủng mái nhà bay lên hư không. Suốt hai tháng, bọn du đãng làm đủ cách, nhưng vẫn thất bại. Ðến tháng thứ ba, thấy quả báo do nghiệp ác đã tạo trong tiền kiếp đã đến, Ngài không cố gắng thoát đi nữa. Cuối cùng bọn du đãng bắt được Ngài. Chúng xé tay chân Ngài giã xương nát ra như hạt gạo, quăng hết vào bụi rậm rồi bỏ đi.

Trưởng lão muốn đảnh lễ Thế Tôn trước khi nhập Niết-bàn, nên tự quấn mình bằng định lực làm thân cứng lại, và bay lên không, đến gặp Phật, đảnh lễ và thưa:

- Bạch Thế Tôn, con sắp nhập Niết-bàn.

Phật hỏi:

- Tại đâu?

- Tại Hắc Thạch, bạch Thế Tôn!

- Vậy thì hãy tụng pháp cho Ta nghe trước khi đi, vì từ nay Ta sẽ không còn thấy lại đệ tử của Ta nữa.

Mục-kiền-liên vâng lời. Trước tiên Ngài bay lên không, biến hóa thần thông như Trưởng lão Xá-lợi-phất đã làm trước khi nhập Niết-bàn.

Tin bọn du đãng giết Mục-kiền-liên bay khắp miền Diêm-phù-đề. Vua A-xà-thế tức tốc phái do thám tìm thủ phạm. Bọn chúng đang nhậu nhẹt trong một quán rượu. Ðứa này nện lưng đứa kia khiến nó té xuống đất. Rồi hai đứa chửi lộn:

- Tại sao mày đánh lên lưng tao? Làm tao té?

- Mày là đồ ăn trộm, du thử du thực. Mày là kẻ đầu tiên đánh Ðại Mục-kiền-liên.

- Sao mày biết tao đánh?

Rồi nhiều tiếng nói hỗn độn:

- Chính tao đánh nè!

- Chính tao đánh nè!

Do thám của vua bắt hết cả bọn. Về triều chúng khai các đạo sĩ lõa thể chủ mưu. Vua bắt năm trăm đạo sĩ chung với năm trăm tên trộm bỏ xuống hố sâu đến thắt lưng đã đào sẵn trước sân hoàng cung, cho phủ rơm khắp mình chúng, đốt đến cháy dòn, xong cho cày sắt cày ra từng mảnh.

Các Tỳ-kheo bàn tán trong Pháp đường là Ðại Trưởng lão không xứng để chịu chết như vậy. Phật giải thích đó là ác nghiệp trong tiền kiếp. Và Ngài kể:

Chuyện quá khứ


7A . Ðứa Con Giết Cha Mẹ

Ngày xưa, có một chàng trai rất có hiếu. Mọi việc trong nhà như giã gạo, nấu ăn... một tay anh làm hết, chí đến săn sóc cha mẹ anh cũng hết sức chu đáo. Thấy con quá vất vả, hai ông bà định cưới dâu để đỡ đần phần nào. Anh lắc đầu nguầy nguậy, chỉ muốn chính tay mình hầu hạ cha mẹ mà thôi. Nhưng hai ông bà cương quyết cưới vợ cho con, cuối cùng một cô gái trẻ được rước về nhà. Cô ta hầu hạ cha mẹ chồng chỉ được vài ngày, sau đó bắt đầu nói nặng nhẹ. Cô cứ cằn nhằn với chồng là không thể ở nổi nhà này nữa. Ðợi anh đi vắng, cô lấy đất cục, váng cháo rải khắp nhà. Anh chồng về thấy nhà cửa tùm lum như thế, hoiû cô. Ðược dịp cô tru tréo

- Cha mẹ già mù lòa của anh làm đấy! Cứ vứt bừa, vứt bãi ra thế! Tôi dọn muốn đứt hơi! Khổ thân tôi, làm sao mà tôi sống cho nổi!

Cô cứ than van, rên rỉ mãi, khiến anh chồng bực mình. Trước đây là người đàng hoàng, có hiếu, nay hết thương cha mẹ, và còn tìm cách đối xử ác đối với họ.

Anh gạt cha mẹ lên xe đi thăm bà con. Vào đến rừng sâu, anh trao dây cương cho cha, bảo chỗ này bọn cướp hay rình rập, anh phải xuống xe, nhưng con bò đã rành đường, không lo. Anh đi xa một quãng thì la hét ầm ĩ, càng lúc càng to, như thể bọn cướp sắp tấn công tới nơi. Hai ông bà nhìn quanh nhìn quất cũng chỉ thấy một màn đen tối, nhưng thương con, chỉ nghĩ đến hạnh phúc của nó, nên vội bảo:

- Con ơi! Cha mẹ già rồi, đừng lo nữa, mà hãy tự cứu lấy mình.

Nhưng anh vẫn mặc kệ, giả làm bọn cướp hét đánh và giết hai ông bà, vứt thi thể trong rừng. Xong trở về nhà.

(Hết Chuyện Quá Khứ)

Thế Tôn kết luận:

- Các Tỳ-kheo! Mục-kiền-liên đã phạm trọng tội như thế. Ông chịu đau khổ vô số trăm ngàn năm ở địa ngục. Sau đó, vì ác báo chưa hết, nên một trăm kiếp liên tiếp bị đánh chết thân xác xé tan từng mảnh. Do đó Mục-kiền-liên phải chịu chết như thế tương ứng với ác nghiệp kiếp trước. Cũng vậy năm trăm đạo sĩ lõa thể và năm trăm tên cướp đã tấn công người không gây hấn với chúng, phải chịu chết tương ứng với tội lỗi đó.

Và Ngài đọc Pháp Cú:

(137) Dùng trượng phạt kẻ không trượng,
Làm ác người không ác,
Trong mười loại khổ đau,
Chịu gấp một loại khổ.


(138) Hoặc khổ thọ khốc liệt,
Thân thể bị thương vong,
Hoặc thọ bệnh kịch liệt,
Hay loạn ý tán tâm.


(139) Hoặc tai họa từ vua,
Hay bị vu trọng tội,
Bà con phải ly tán,
Tài sản bị nát tan.


(140) Hoặc phòng ốc nhà cửa,
Bị hỏa tai thiêu đốt,
Khi thân hoại mạng chung,
Kẻ ác sanh địa ngục.

8. Tỳ Kheo Lắm Của

Không phải sống lõa thể...

Thế Tôn đã dạy câu trên tại Kỳ Viên, liên quan đến một Tỳ-kheo nhiều của cải.

Nhân bà vợ qua đời, một gia chủ ở Xá-vệ từ bỏ thế gian, thành Tỳ-kheo. Ông xây một thất riêng, một nhà bếp và một nhà kho, trong đó ông chứa đầy nào bơ, nào mật, đủ các thứ. Dù đã là Tỳ-kheo, ông vẫn có nô lệ riêng. Họ nấu cho ông ăn theo sở thích, và ông chỉ ăn những món đó mà thôi. Ông cũng còn nhiều nhu cầu, như một bộ y ban đêm và bộ khác qua ngày. Ông ở sát bên tinh xá. Một hôm đang phơi y và ngọa cụ, các Tỳ-kheo trông thấy ông có quá nhiều đồ đạc, bèn dẫn ông đến với Thế Tôn.

Thế Tôn hỏi lại ông cho rõ:

- Tỳ-kheo, họ báo cáo về ông có đúng không?

Ông đáp:

- Vâng, bạch Thế Tôn, đúng vậy!

- Tỳ-kheo, Ta đã dạy rất rõ là nên tri túc thiểu dục, sao ông chất chứa nhiều của cải như vậy?

Giận dữ vì chút xíu đó, ông la lên:

- Rồi, tôi sẽ đi khắp nơi như thế này đây.

Vừa nói ông vừa quăng thượng y, chỉ mặc nội y đứng giữa hội chúng.

Thế Tôn vẫn kham nhẫn khuyên tiếp:

- Này Tỳ-kheo, trong tiền kiếp khi làm thủy tinh ông đã giữ được tính khiêm cung và biết sợ tội chết trong suốt mười hai năm. Tại sao bây giờ ông hư đốn thế? Ðã từ bỏ thế gian thành một Tỳ-kheo theo một vị Phật tôn quý như thế, sao ông cởi y, quên tính khiêm cung và không biết sợ tội nữa?

Tỳ-kheo như chợt tỉnh, ông khiêm cung trở lại, biết sợ tội chết, quấn y, đảnh lễ Phật và cung kính ngồi xuống một bên.

Theo lời thỉnh cầu của các Tỳ-kheo, Phật kể lại:

Chuyện quá khứ

8A. Mahimsàsa Và Hai Hoàng Tử Mặt Trăng, Mặt Trời

Thật xa xưa, thuở Phật còn là Bồ-tát, Ngài làm hoàng tử của chánh hậu Ba-la-nại, tên là Mahimsàsa. Về sau Ngài có thêm một người em nữa là hoàng tử Mặt Trăng (Canda). Chánh hậu qua đời, vua cưới vợ khác, và có thêm một hoàng tử Mặt Trời (Suriya). Vua sung sướng nên muốn ban một ân huệ. Hoàng hậu sau này đợi con lớn rồi mới nhắc lại ân huệ đó là xin vương quốc cho con. Vua từ chối vì thấy hai hoàng tử anh đi khắp nơi, nơi nào cũng chói lọi như ngọn lửa. Nhưng sợ bà trả thù, vua bảo hai con vào rừng, khi vua chết mớ trở về lên ngôi. Họ từ giã phụ vương ra đi. Qua sân hoàng cung, hoàng tử Mặt Trời thấy và biết chuyện, bèn đi theo. Cả ba đến Hy-mã-lạp-sơn. Bồ-tát rời đường mòn, ngồi dưới gốc cây bảo Mặt Trời đến hồ tắm, uống nước xong múc nước đựng trong lá sen mang về. Hồ này do một thủy quái Vessavana trông nom, và hắn được phép ăn thịt ai bước xuống hồ, trừ người nào nói được bậc thánh là gì.

Hoàng tử Mặt Trời bước xuống hồ, bị thủy quái hỏi, đáp rằng mặt trăng và mặt trời là bậc thánh. Không đúng, nên chàng bị hắn bắt nhốt trong động. Thấy lâu, Bồ-tát sai hoàng tử Mặt Trăng đi xuống hồ, chàng trả lời, bốn phương là bậc thánh, cũng không đúng nên bị bắt giam trong động. Bồ-tát lần này đích thân đi. Biết hồ này có thủy quái, Ngài không xuống, mà cung kiếm trên tay đứng chờ. Thủy quái thấy thế hóa thành tiều phu đến dụ Ngài:

- Bạn ơi! Bạn đi đường chắc mệt mỏi. Sao không xuống hồ tắm, uống nước và ăn ngó sen, rồi kết vòng hoa?

Ngài biết ngay hắn là một Dạ-xoa, hỏi chuyện và hắn nhìn nhận là đã bắt hai hoàng tử em, vì cả hai không chỉ được ai là bậc thánh. Bồ-tát bảo là sẽ nói cho hắn biết nếu được hắn tắm rửa. Dạ-xoa khoái chí liền tắm cho Ngài, múc nước uống, trang điểm cho Ngài với đồ trang sức quý báu, và đỡ Ngài lên tòa ngồi giữa lều trang hoàng lộng lẫy. Hắn ngồi xuống chân Ngài và lắng nghe.

Bồ-tát nói kệ sau:

Người khiêm nhường, sợ tội,
Ðược phú tính công bằng,
Chánh trực và hiền thiện,
Ðược gọi là thánh nhân.

Dạ-xoa nghe xong, phát tín tâm nơi Bồ-tát, và xin trả một người em cho Ngài. Ngài chọn hoàng tử út tức Mặt Trời. Hắn không chịu, vì như thế Ngài bỏ em lớn lấy em nhỏ làm đảo ngược tôn ti trật tự, tức Ngài biết thánh nhân nhưng không hành hạnh thánh nhân. Bồ-tát phải giải thích đầu đuôi câu chuyện. Nếu để Mặt Trời bị ăn thịt, sau này trở về nhận vương quốc, không ai tin Ngài mà còn bị nguyền rủa. Dạ-xoa rất thán phục nên giao hết hai em cho Bồ Tát. Ngài truyền ngũ giới cho hắn, và tiếp tục sống trong rừng với phẩm vật do hắn cung cấp.

Vua cha băng hà, Ngài trở về Ba-la-nại lên ngôi, phong Mặt Trăng làm phó vương, Mặt Trời làm đại nguyên soái, và xây dựng một chỗ tiện nghi cho Dạ-xoa. Hắn được lo đầy đủ.



(Hết Chuyện Quá Khứ)

Thế Tôn thuyết xong, Ngài hợp nhất các nhân vật trong Bổn sanh như sau:

- Dạ-xoa là Tỳ-kheo nhiều của cải, hoàng tử Mặt Trăng là Xá-lợi-phất, Mặt Trời là A-nan, và Mahimsàsa chính là Ta. Và Ngài nói tiếp:

- Tỳ-kheo! Như thế trong một tiền kiếp ông đã tìm hiểu bậc thánh là sao, có tính khiêm tốn và biết sợ chết. Nhưng vừa rồi, ông hành động sai trái, khi đứng trước mặt Ta giữa tứ chúng, với thái độ kỳ cục cho rằng mình thiểu dục, Một Tỳ-kheo là Tỳ-kheo không phải đã ném bỏ y quanh mình.

Và Phật đọc Pháp Cú:

(141) Không phải sống lõa thể,
Bện tóc, tro trét mình,
Tuyệt thực, lăn trên đất,
Sống nhớp, siêng ngồi xổm,
Mà con người được sạch,
Nếu không trừ nghi hoặc.

9. Santati , Quan Ðại Thần Của Vua

Ai sống tự trang sức...

Thế Tôn đã dạy như thế tại Kỳ Viên, do chuyện quan đại thần tên Santati.

Ði dẹp giặc ở biên giới về, Santati được vua Ba-tự-nặc xứ Kosala giao vương quốc cho ông nhiếp chính trong bảy ngày và một cung nữ để múa hát. Suốt bảy ngày đó, ông miệt mài rượu chè, và ngày cuối ông trang điểm lộng lẫy leo lên bạch tượng để đi đến hồ tắm. Ngang qua cổng thành thấy Thế Tôn đang vào thành khất thực, ông vẫn ngồi trên lưng voi, cúi chào Ngài và đi tiếp.

Thấy Phật mỉm cười, A-nan hỏi và được Phật cho biết:

- A-nan, hãy nhìn quan đại thần của vua trang điểm lộng lẫy, sẽ đến chỗ Ta, và nghe xong cuối bài kệ sẽ chứng A-la-hán. Rồi ông ta ngồi lơ lửng cách mặt đất tám cây thốt nốt và nhập Niết-bàn.

Ðám người ở đó nghe được chia ra làm hai phe. Phe tà kiến cho rằng Sa-môn Cồ-đàm ưa gì nói nấy, làm gì có chuyện tên say rượu bí tỉ, trang sức đầy mình, sẽ nghe pháp và nhập Niết-bàn. Quả là dối trá. Phe Phật tử thì tán thán thần lực của Phật thật kỳ diệu, và họ sẽ được đặc ân nhìn thấy sự vẻ vang của Phật và của Santati.

Xuống hồ, Santati bơi lội cả buổi, rồi vào lạc viên uống rượu, có cung nữ biểu diễn. Ðể có thân hình duyên dáng, cô ta đã nhịn đói bảy ngày và trong khi trổ hết tài khéo của mình, bao tử và trái tim bỗng đau quặn lên như bị dao cắt. Cô chết liền, mắt và miệng còn mở. Santati chỉ kịp lắp bắp:

- Cô nương, coi chừng!

Thì cô ta đã ngừng thở; Santati sầu não quá đỗi. Trong khoảnh khắc, rượu chảy trong máu ông từ cả tuần nay như biến mất, giống như nước để trên than hồng. Ông biết không ai ngoài Thế Tôn có thể dập tắt nỗi buồn của mình, nên đến gặp Phật, đảnh lễ, kể lại và xin được nương tựa. Thế Tôn an ủi ông:

- Ông đã đến đúng người có thể làm tiêu tan sầu khổ cho ông. Biết bao nhiêu lần người đàn bà này đã chết như thế, và ông đã bao phen khóc nàng, nước mắt còn nhiều hơn bốn biển.

Và Ngài đọc kệ sau:

Việc gì đã trôi qua,
Tốt nhất là buông bỏ.
Và ở trước mặt ngươi,
Không có gì ở đó.
Nếu không nắm bắt gì,
Giữa tương lai, quá khứ,
Sẽ bước trong an bình,
Không còn gì khổ sở.

Vừa kết thúc bài kệ, Santati chứng quả A-la-hán cùng các thần thông. Quan sát thọ mạng mình, ông biết chẳng còn sống được bao nhiêu, nên xin Thế Tôn nhập Niết-bàn. Dù đã biết việc làm của ông trong tiền kiếp, Phật vẫn bảo ông kể lại cốt cho nhóm ngoại đạo, đang chờ sự thật sẽ xảy ra khác với tiên đoán của Thế Tôn, và nhóm Phật tử muốn thấy công đức quá khứ của ông, được nghe:

- Vậy thì, Santati, hãy thuật lại chuyện quá khứ, nhưng đừng đứng dưới đất, mà bay lên trời, cao bằng bảy cây thốt nốt.

Santati vâng lời. Ông chào Phật, bay lên trời, đáp xuống chào Phật một lần nữa, rồi bay lên trên, ngồi kiết già kể:

Chuyện Quá Khứ

9A. Người Thuyết Pháp Và Nhà Vua

Cách đây chín mươi chín kiếp, thời Phật Tỳ-bà-thi tôi sanh ở Bandhumatì. Băn khoăn không biết làm thế nào để trừ được tham ái và phiền não cho người khác, bỗng gặp các nhà thuyết pháp, tôi quyết định sẽ làm việc đó mà thôi. Tôi khuyến khích mọi người làm việc công đức. Chính tôi cũng vậy, vào ngày Bát quan trai, tôi giữ giới, bố thí và nghe pháp. Tôi đi khắp nơi rao giảng: "Không có châu báu nào có thể sánh với Tam Bảo là Phật, Pháp và Tăng. Hãy cung kính Tam Bảo!". Vua Bandhumatì, cha của Phật, gọi tôi lại hỏi thăm, và khi biết việc tôi làm Ngài hỏi tôi thường dùng phương tiện gì để đi lại. Nghe tôi thưa thường vẫn đi chân đất, Ngài choàng cho tôi một chuỗi hoa, y như chuỗi ngọc và cho tôi một con ngựa. Sau đó, vua gọi tôi lại lần thứ hai để hỏi thăm. Biết tôi vẫn đi thuyết pháp, vua cho một xe có bốn ngựa thuần chủng Sindh kéo. Hỏi thăm lần thứ ba, vua tặng nguyên tài sản lớn, một bộ châu báu lộng lẫy và cả một con voi. Ðeo hết châu báu và ngồi trên lưng voi, suốt tám mươi ngàn năm thuyết pháp khắp nơi, tạo công đức, thân tỏa mùi thơm chiên đàn, miệng mùi lá sen.

(Hết Chuyện Quá Khứ)

Kể xong, Santati, vẫn ngồi kiết-già trên trời, nhập Hỏa quang tam-muội, và từ đó nhập Niết-bàn. Lửa thiêu hết thân, xá-lợi rơi từ từ xuống như hoa nhài, Thế Tôn cho trải một tấm thảm trắng để hứng và sai cất tháp tại ngã tư đường để thờ. Dân chúng tôn kính xá lợi này sẽ có nhiều công đức.

Các Tỳ-kheo bàn tán về Santati, và không biết nên gọi ông là ẩn sĩ hay Bà-la-môn. Phật nghe được trả lời:

- Các Tỳ-kheo! Ðệ tử Ta thật đáng gọi là ẩn sĩ, và cũng đáng gọi là Bà-la-môn.

Và Ngài đọc Pháp Cú:

(142) Ai sống tự trang sức,
Nhưng an tịnh, nhiếp phục,
Sống kiên trì phạm hạnh,
Không hại mọi sinh linh,
Vị ấy là Phạm Chí,
Hay Sa môn, khất sĩ.

10. Tỳ Kheo Và Bộ Ðồ Rách

Thật khó tìm ở đời...

Khi ngụ tại Kỳ Viên. Thế Tôn đã dạy câu trên vì Trưởng lão Pilotika.

Ngày nọ, Trưởng lão A-nan gặp một chàng trai lang thang, áo quần rách bươm, tay cầm miểng sành. Ngài kêu lại hỏi sao không đi tu có phải khá hơn sống như thế. Chàng trai hỏi tới:

- Tôn giả, ai cho con đi tu?

Ngài đáp:

- Ta sẽ độ ngươi.

Rồi Ngài cho anh ta theo, tự tay tắm rửa cho anh, giao anh một đề mục thiền quán và xuất gia cho anh. Tấm vải trước đây anh quấn làm nội y được phơi trên cành cây. Ðược nhận vào Tăng đoàn, anh làm tròn bổn phận và hưởng đầy đủ phẩm vật dành cho chư Phật, và đi khắp nơi với những y đáng giá.

Sau một thời gian, anh phát phì và bất mãn, nghĩ rằng chẳng lợi ích gì mà đi lang thang với bộ đồ của đàn na tín thí, tốt hơn là mặc bộ đồ cũ khi xưa. Rồi anh đến cành cây tìm lại tấm vải, tự mắng nhiếc mình là đồ vô liêm sỉ, ngu ngốc, trơ trẽn, bỏ đi ân huệ được mặc y phục tốt lành để đi đắp lên người tấm giẻ rách này với miểng sành, xin ăn đầu đường xó chợ. Giữ ý này làm đề mục thiền quán, anh tự khiển trách mình, và tâm trở nên an tịnh. Anh cất tấm vải, trở về tinh xá. Vài ngày sau anh lại bất mãn, và tự trách như lần trước. Ðến lần thứ ba cũng vậy. Các Tỳ-kheo thấy anh tới lui như thế, hỏi thăm, anh đáp là đến thầy anh. Và cứ thiền quán trên tấm vải cũ rách, anh tự điều phục. Chẳng bao lâu anh chứng A-la-hán. Các Tỳ-kheo lại hỏi anh sao không lui tới thầy nữa, anh cho biết:

- Chư huynh, khi còn dính mắc vào thế gian, tôi đến một vị thầy. Nhưng bây giờ tôi đã cắt đứt hết trói buộc với thế gian, tôi không cần đến ông ta nữa.

Các Tỳ-kheo báo với Phật, cho là Trưởng lão Pilotika nói dối. Phật liền dạy:

- Các Tỳ-kheo, con Ta nói thật đấy, ông ấy đã tự điều phục và chứng A-la-hán.

Và Ngài đọc Pháp Cú:

(143) Thật khó tìm ở đời,
Người biết thẹn, tự chế,
Biết né tránh, chỉ trích,
Như ngựa hiền tránh roi.


(144) Như ngựa hiền chạm roi,
Hãy nhiệt tâm hăng hái,
Với tín, giới, tinh tấn,
Thiền định cùng trạch pháp,
Minh hạnh đủ, chánh niệm,
Ðoạn dứt vô lượng khổ.

11. Sa-Di Sukha

Người trị thủy dẫn nước...

Thế Tôn đã dạy như thế tại Kỳ Viên, liên quan đến Sa-di Sukha.

Chuyện quá khứ<

11A. Trưởng Khố Gandha, Người Lao Ðộng Bhattabhatika Và Phật Ðộc Giác

Gandha là con của vị chánh chưởng khố thành Ba-la-nại. Cha chết, vua gọi anh đến an ủi, và cho kế vị cha làm chưởng khố. Từ đó người ta gọi anh là chưởng khố Gandha.

Viên quản gia, một hôm mở cửa kho, chỉ cho anh tất cả tài sản tiền từ cha, ông nội và những người trước. Anh thắc mắc sao họ không đem theo sau khi chết, và được giải thích mọi người chỉ đem theo mình việc làm dù thiện hay ác. Từ đó anh suy luận rằng sẽ ăn xài cho hết, trước khi ra đi. Anh bỏ ra một trăm ngàn đồng xây một nhà tắm bằng pha lê, một trăm ngàn làm một ghế ngồi bằng pha lê để ngồi sau khi tắm, một trăm ngàn làm một cái bát đựng thức ăn của anh, một trăm ngàn làm một mái che trên phòng ăn, một trăm ngàn làm một cái đĩa lót bát mạ đồng, một trăm ngàn xây một cửa sổ lộng lẫy trong nhà. Bữa ăn sáng một ngàn, bữa ăn chiều một ngàn, bữa ăn trưa ngày trăng tròn một trăm ngàn. Vào những ngày ăn tiệc như thế, anh chi một trăm ngàn cho việc trang hoàng trong thành, sai người đánh trống hô to:

- Mọi người hãy đi xem cách ăn của chưởng khố Gandha.

Dân chúng tụ tập đến, mang cả giường chõng. Và Gandha sử dụng hết mọi thứ mới tạo: tắm trong bồn với mười sáu bình nước hoa, mở chiếc cửa sổ lộng lẫy rồi ngồi trên sập trình diện cho mọi người ngắm. Người hầu dọn thức ăn trong chiếc bát quý giá, để trên chiếc đĩa lót mạ đồng và đặt trước mặt anh. Rồi anh ăn, uống với nguyên một đoàn vũ công bao quanh.

Một anh nhà quê chở củi lên thành. Ðể tiết kiệm anh đến nhà người bạn ở nhờ, nhân dịp đó anh được bạn dẫn đi xem cách ăn của trưởng khố Gandha. Ngửi mùi thức ăn thơm phức, anh nhà quê thèm quá nhờ bạn mình xin giùm. Chưởng khố không cho, anh bạn xin nữa, và cho biết không ăn được thèm quá sẽ chết. Mặc, chưởng khố từ chối. Nhiều lần xin quá, chưởng khố bắt buộc phải lên tiếng:

- Này ông, mỗi miếng cơm đáng giá một trăm tới hai trăm đồng đó. Ai đòi cũng cho thì ta lấy gì ăn?

Anh bạn vẫn cù nhây:

- Ông chủ! Người nhà quê không được miếng cơm của ông sẽ chết, xin ông cứu mạng hắn.

- Không được! À, nhưng mà, để ta xem! Nếu thật thế, hãy bảo hắn làm cho ta ba năm ta sẽ cho hắn bát cơm.

Anh nhà quê đồng ý, và làm mọi công việc rất trung thành, dù ở nhà ở rừng, dù ngày dù đêm. Dân trong thành gọi anh là: "Người kiếm thức ăn, Bhattabhatika". Mãn hạn, viên quản gia đến báo cho ông chủ biết, không quên khen ngợi anh nhà quê. Chưởng khố ra lệnh cho anh hai ngàn đồng cho bữa ăn tối, một ngàn đồng cho bữa ăn sáng, tất cả là ba ngàn đồng, và bảo mọi người trong nhà, trừ cô vợ yêu là Cintàmanì, ngày hôm ấy hầu hạ ông ta, xem như là ông chủ. Anh được tắm trong phòng tắm pha lê, ngồi ghế pha lê sau khi tắm, mặc y phục chưởng khố... rồi Gandha sai người đánh trống rao rằng Bhattabhatika làm thuê cho chưởng khố Gandha để nhận một bát cơm, hãy đến xem sự lộng lẫy huy hoàng trong bữa ăn bát cơm ấy của anh ta. Chỗ nào anh nhìn đến đều rúng động, xung quanh anh vũ nữ đứng phục vụ và gia nhân bưng cơm đặt trước mặt.

Khi anh rửa tay thì một vị Phật Ðộc Giác đắp y, ôm bát, bay trên không, và đặt chân xuống giữa hội chúng, đứng trước mặt anh. Trước đó trên núi Gandhamàdana, xuất định sau bảy ngày, Ngài đã thấy là anh có niềm tin, chịu ban ơn và sẽ được nhiều phước báo. Bhattabhattika hiểu rằng vì trước kia không bố thí nên phải làm thuê suốt ba năm để nhận bát cơm, bát cơm này đủ cho một ngày và một đêm, nhưng nếu dâng cho bậc tôn quý này anh sẽ được nuôi vô số kiếp. Và anh nén sự thèm khát không ăn một miếng cơm nào, mà cầm bát đến chỗ Phật, đảnh lễ Ngài và trút vào bình bát của Ngài. Ðược phân nửa, Ngài lấy tay che bát, nhưng anh khẩn khoản xin Ngài nhận hết để anh được phước, không những đời này mà còn đời sau, và được dự phần vào đạo pháp mà Ngài đã thấy.

Phật hứa khả:

- Mọi ước muốn của ông sẽ được toại nguyện như được ngọc như ý, lời cầu xin sẽ thành tựu như được trăng tròn.

Và Ngài hồi hướng công đức cho anh. Ðể cho dân chúng chiêm ngưỡng, Ngài bay lên trời đến núi Gandhamàdana, và chia thức ăn cho năm trăm vị Phật Ðộc Giác, mỗi vị nhận đủ phần mình.

Chưởng khố Gandha nghe tin, lòng tràn ngập niềm tin, tán thán anh nhà quê đã làm một việc khó khăn biết bao là bố thí; trong khi Gandha hưởng thụ quá đỗi mà chẳng cho ai bất cứ món gì. Chưởng khố mời anh ta đến, cho một ngàn đồng và xin anh ta chia phần phước đức sau khi bố thí số tiền ấy. Anh nhà quê bằng lòng, và chưởng khố lại chia gia tài của mình ra làm hai, cho anh ta phân nửa.

(Có bốn loại sở đắc:

- Về của cải: Như một bậc A-la-hán hay vị chứng Tam quả sau khi xuất định đáng nhận được của cải.

- Về tứ vật dụng: Do sống liêm chánh và công bằng.

- Về trí tuệ: Trí tuệ có được từ tri thức kết hợp với hỷ thọ, do bố thí cúng dường trong ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai.

- Về thần thông: Sau thời gian thiền định, như vị Phật Ðộc Giác đã thi triển).

Nghe chuyện Bhattabhatika, vua vời anh đến, ban cho một ngàn đồng để đổi bình bát của anh, cho anh nhiều của cải và phong làm chưởng khố. Hai chưởng khố Bhattabhatika và Ganda kết bạn với nhau, ăn cùng mâm, ngủ cùng giường. Mạng chung, Bhattabhatika sanh thiên, hưởng phước suốt thời gian giữa hai đức Phật, thời Phật hiện tại tái sanh vào nhà một thí chủ của Trưởng lão Xá-lợi-phất ở Xá-vệ.

Chuyện hiện tại:

11B- Sa-Di Sukha

Bà mẹ được săn sóc kỹ lưỡng khi đứa bé còn ở trong bụng. Ðúng theo ý nguyện, bà cúng dường thức ăn đầy gia vị cho Trưởng lão Xá-lợi-phất và năm trăm Tỳ-kheo của Ngài, được khoác y vàng, ôm bát vàng, và ngồi vòng ngoài hội chúng, và được chia phần thức ăn còn lại của chúng Tăng. Bà sinh một bé trai. Ngày đặt tên con bà thưa với Trưởng lão chọn tên và truyền giới cho chú. Trong nhà không ai đau ốm từ khi chú còn trong bụng mẹ, nên bà mẹ yêu cầu Ngài đặt tên chú là Sukha Kumàra, tức hạnh phúc, và Ngài truyền giới cho chú. Vào ngày đãi tiệc nhân dịp xỏ lỗ tai cậu bé và những dịp lễ khác, bà thường dâng phẩm vật lên chư tăng. Lên bảy tuổi chú muốn đi tu, bà bằng lòng. Bà thưa với Trưởng lão trước, và sau đó mặc y phục đẹp đẽ cho chú, và dẫn đến tinh xá giao phó cho Trưởng lão. Ngài cho biết đời tu sĩ lắm gian nan cực khổ, chú khứng chịu, lãnh một đề tài thiền quán và được gia nhập Tăng đoàn. Cha mẹ chú ở lại tinh xá, suốt bảy ngày cúng dường thức ăn trăm vị lên Tăng chúng, chiều tối thì trở về nhà. Ngày thứ tám Tăng chúng lên đường khất thực, Trưởng lão còn quá nhiều việc phải làm khắp tinh xá nên đi sau với chú.

Dọc đường, chú thấy những đường nước v.v... giống như Sa-di Pandita, và được Trưởng lão giải thích giống như Sa-di Pandita. Rồi Sukha đưa y bát cho thầy xin trở về tinh xá. Ðược thầy giao cho chìa khóa, chú vào phòng thầy tọa thiền và thấu triệt bản tính của thân

Công hạnh của chú làm ngai Ðế Thích nóng lên. Ông quan sát, thấy sự việc như thế nên muốn giúp chú. Ông mời Tứ thiên vương đến vườn tinh xá đuổi bầy chim ồn ào rồi gác lối vào bốn phía. Ông cũng ra lệnh cho mặt trời và mặt trăng đứng yên và chính ông đứng gác nơi cổng chính. Tinh xá hoàn toàn yên lặng. Sukha tập trung mãnh liệt, chú khai mở Minh-sát-tuệ và chứng Tam quả. Còn Trưởng lão khất thực xong rồi vội vã trở về tinh xá. Thế Tôn trong hương thất thấy biết hết, và cũng biết trước Sa-di Sukha sẽ chứng A-la-hán, nên Ngài rời hương thất đến trước cổng đón Trưởng lão đặt bốn câu hỏi để kéo dài thời gian cho Sa-di kịp chứng quả. Trưởng lão trả lời xong câu cuối thì Sa-di cũng vừa chứng quả. Lúc đó Phật mới cho phép Trưởng lão mang thức ăn cho đệ tử. Và Tứ thiên vương cùng Ðế Thích rời chỗ gác, mặt trời mặt trăng di chuyển bình thường. Các Tỳ-kheo bảo nhau sao hôm nay buổi sáng quá lâu, buổi chiều giờ mới đến, và Sa-di mới thọ thực xong. Phật liền giải thích và kết luận:

- Sa-di Sukha thấy người đang dẫn thủy nhập điền, thợ làm tên đang uốn tên, thợ mộc đẽo bánh xe v.v... tự điều phục được thân tâm và đắc quả A-la-hán.

Và Ngài đọc Pháp Cú:

(145) Người trị thủy dẫn nước,
Kẻ làm tên uốn tên,
Người thợ mộc uốn ván,
Bậc trí biết tự điều.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/08/2020(Xem: 5678)
(Thimphu, Bhutan) – Vào ngày 11 tháng 8 vừa qua, Chính phủ Vương quốc Hy Mã Lạp sơn Bhutan đã áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc đầu tiên kể từ khi đại dịch Virus corona tấn công Vương quốc Phật giáo này. Chính phủ Vương quốc Phật giáo này đã ban hành lệnh cách ly cho khoảng 750.000 người dân, các cơ quan nhà nước cũng đề nghị đóng cửa tất cả các trường học, cơ sở đào tạo và các cửa hàng kinh doanh; hoãn các kỳ thi và không rời địa bàn sinh sống trong thời gian này.
15/08/2020(Xem: 5943)
Sự từ biệt trần gian Ta bà của Cư sĩ Steven D. Goodman (1946-2020) là vô cùng kính tiếc, một sự mất mát cho việc nghiên cứu Phật giáo Tây Tạng tại phương Tây. Cư sĩ Steven D. Goodman, Giáo sư, Tác giả và Dịch giả nổi tiếng bởi các tác phẩm kinh điển Phật giáo Tây Tạng, đã an nhiên trút hơi thở cuối cùng tại tư gia và về cõi Phật vào ngày 03 tháng 8 năm 2020, Oaklan, Hoa Kỳ. Hưởng thọ 75 tuổi.
14/08/2020(Xem: 7424)
Phần này bàn về cách dùng tiền quí, cheo, bài ca dao “đi chợ tính tiền” và các cách tính tiền thời trước và thời LM de Rhodes, dựa vào tự điển Việt Bồ La và một số tài liệu chữ Nôm/chữ quốc ngữ. Đây là những chủ đề có rất ít người đề cập đến. Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra từ điển này trên mạng, như trang này chẳng hạn http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false .
11/08/2020(Xem: 9197)
Ai đã truyền Việt Nam Phật Giáo qua Trung Quốc: Khương Tăng Hội, người Việt Nam. Vào năm nào: năm 247 tây lịch. Nơi nào tại Trung Quốc: Kiến Nghiệp, nay là Nam Kinh. Chùa đầu tiên được xây dựng tại Kiến Nghiệp là chùa nào: Do Khương Tăng Hội xây dựng chùa Kiến Sơ tại Kiến Nghiệp, Nam Kinh, hiện nay, 2020, vẫn còn. Trưỡng lão Hòa Thượng Thích Trí Quảng, Đệ Nhất Phó Pháp Chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã đến thăm chùa đó cách nay mấy năm và đã xác nhận với tôi tại chùa Huê Nghiêm của Ngài tại quận hai, thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 7 năm 2017. Khương Tăng Hội mất năm 280. Nghĩa là Ngài hành đạo tại Trung Quốc được 33 năm. Trong khi đó Bồ Đề Đạt Ma đến Trung Quốc năm 520, nghĩa là sau Khương Tăng Hội 273 năm.
11/08/2020(Xem: 5325)
Được sự thương tưởng và hỗ trợ của chư vị chúng con, chúng tôi vừa thực hiện xong 10 giếng cần giục (Well hand-pump) cho những ngôi làng nghèo lân cận khu vực Bồ Đề Đạo Tràng & Nalanda tiểu bang Bihar India. Đây là Public Well Hand-pump nên cả làng có thể xài chung, người dân nghèo bớt đi rất nhiều nỗi nhọc nhằn vì phải đi lấy nước ngoài sông xa. Kính mời quí vị xem qua một số hình ảnh tường trình.
10/08/2020(Xem: 7087)
Đa số chúng ta, những người có duyên với Phật Giáo, hầu hết đã nghe nói đến, không nhiều thì ít, rằng Phật thuyết pháp, Tổ sư thuyết pháp, Pháp sư thuyết pháp, Hòa thượng hay Thượng tọa thuyết pháp, v.v…, nhưng ít ai nghe nói chim muôn thuyết pháp, phải không? Vì chúng ta thiết nghĩ rằng các loài động vật hay thực vật thì khác với loài người, không có Phật Pháp, không thể nghe hay thuyết Phật pháp, do đó, nên chúng ta có thể nghĩ rằng làm gì có chuyện chim muôn, cây cỏ, v.v… có thể thuyết Phật pháp bằng ngôn ngữ của chúng.
09/08/2020(Xem: 7372)
Sáng nay vừa thức dậy, nhìn ra ngoài bầu trời trong thật đẹp, chim chóc hót ca vang, ríu rít gọi nhau nghe sao mà thanh bình quá, tiếng chim hót mà con rất ưa thích nghe từ thuở còn ấu thơ mỗi khi bình minh sắp trổi dậy cho một ngày mới. Hôm nay 28.6.2020 sinh nhật lần thứ 71 của Thầy, con xin kính đọc bài thơ của nhà thơ Hoàng Phong Linh tức ông Võ Đại Tôn, 1 chiến sỹ yêu nước, yêu Đạo, yêu Đời luôn dâng hiến đời mình cho Tổ Quốc kính mừng sinh nhật Thầy:
09/08/2020(Xem: 6496)
Đức Đạt Lai Lạt Ma Đời Thứ 14, vị lãnh đạo tinh thần của Phật Giáo Tây Tạng, đã sống lưu vong tại Ấn Độ kể từ năm 1959 khi chế độ Cộng Sản tại Trung Quốc xua quân xâm chiếm Tây Tạng, nhiều lần lên tiếng trước công luận thế giới về chính sách tiêu diệt văn hóa truyền thống Tây Tạng của Bắc Kinh. Thật vậy, TQ đã và đang thực hiện việc tiêu diệt có hệ thống di sản văn hóa của Tây Tạng với sự phá hủy các truyền thống Phật Giáo và tôn giáo, hệ thống giáo dục, làm đổ vỡ xã hội, gây cảnh vô luật pháp, bất bao dung xã hội, lòng tham không kiểm soát và sự gia tăng cao độ việc buôn bán tình dục và nạn nghiện rượu tại Tây Tạng, theo một phúc trình được đăng trên trang mạng toàn cầu www.thehindubusinessline.com cho biết.
08/08/2020(Xem: 6438)
Ở đời có những cuộc từ giã hùng tráng gây ấn tượng như tạo nguồn cảm hứng sâu đậm trong lòng người qua lịch sử đương thời và mai sau. Điều đó đủ chứng minh tiền nhân có lý do xác đáng để khước từ quá khứ tù hãm, nhắm hướng tương lai không chỉ cho riêng mình mà còn nghĩ tới đồng loại và chúng sanh. Những cuộc từ giã hay nói chính xác hơn là những cuộc vượt thoát can trường mới diễn tả đúng ngữ nghĩa và ngữ cảnh của mỗi sự kiện mà tôi cho rằng ở trong ba thời kỳ: cổ đại, trung hưng và hiện đại.
08/08/2020(Xem: 5644)
Nghĩ cho cùng cuộc đời dài của con người chính là những bước đi - không hơn không kém. Đó là những bước khập khiễng từ khi lọt lòng mẹ cho đến các bước run rẩy trước khi bước vào quan tài. Điều quan trọng nhất là kẻ lữ hành phải luôn sáng suốt và lạc quan để nhận biết “mùa xuân phía trước”. Dầu sao đi nữa, dù muốn hay không mình vẫn phải bước đi.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]