Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần II - Hòa thượng Thích Trí Quang

12/04/201316:59(Xem: 16073)
Phần II - Hòa thượng Thích Trí Quang

Kinh Pháp Cú

Phần II

11. Già yếu

Pc. 146
Cuộc đời con người
bị thiêu đốt mãi
thì ham cười giỡn
vui vẻ nỗi gì?
Sao không tìm lấy
ngọn đèn chiếu sáng
trong khi cuộc đời
bao phủ tối tăm?
Pc. 147
Hãy nhìn cho kỹ
thể xác giống như
bong bóng đẹp này!
Nó là một khối
thương tích bệnh tật,
vậy mà còn phải
bận tâm mãi hoài!
Thế nhưng sự thật
của thể xác này
là không có gì
tồn tại như cũ!
Pc. 148
Hình hài thế này
rồi phải suy già!
Một khối bịnh tật
dễ bị hủy hoại!
Một đống dơ bẩn
tất phải đổ vỡ!
Và rồi cuối cùng
chết đến kết liễu
sự sống của nó!
Pc. 151
Lộng lẫy như xe
của vua đi nữa
rồi ra cũng hỏng!
Thân này cũng vậy,
là gì đi nữa
rồi ra cũng già!
Chỉ có giáo lý
của bậc Thiện nhân
là không có già,
được bậc Thiện nhân
đem chỉ dạy cho
các vị thiện nhân.
Pc. 152
Nghe ít, học kém,
thì những kẻ ấy
lớn như trâu bò:
thịt thì nở nang,
trí không phát triển.
Pc. 155
Tuổi trẻ không tu
cũng không kiếm của,
nên khi về già
thì như cò già
ủ rũ bên ao
không chút tôm cá!
Pc. 156
Tuổi trẻ không tu
cũng không kiếm của,
nên khi về già
thì như cung gãy,
chỉ còn than thở
những ngày đã qua!

12. Tự mình

Pc. 158
Trước hết đặt mình
vào trong đường chánh,
sau đó mới nên
chỉ dẫn cho người.
Người trí như vậy
khỏi bị chê trách.
Pc. 159
Hãy tự làm đi
những gì mình muốn
đem dạy cho người!
Phải tự chế ngự
mới có tư cách
chế ngự cho người!
Thế nên, khó thay,
cái việc tự mình
chế ngự lấy mình!
Pc. 160
Hãy tự làm vị
cứu tinh cho mình!
Những người ngoài mình
làm sao làm được
cứu tinh cho mình?
Bởi vì chính sự
tự chế ngự mình
là vị cứu tinh
khó thể có ấy.
Pc. 161
Việc ác là do
chính ta làm ra,
và rồi trở lại
mà nghiền nát ta,
như thể kim cương
đập vỡ đá quí.
Pc. 163
Việc ác là việc
bất lợi cho ta,
mà sao ta làm
quá ư dễ dàng!
Việc lành là việc
hữu ích cho ta,
mà sao ta làm
quá ư khó khăn!
Pc. 165
Việc ác là do
chính mình làm ra,
và việc dơ bẩn
cũng do mình làm.
Việc ác cũng phải
do mình không làm
và việc trong sạch
cũng phải mình làm.
Trong sạch hay không
toàn do mình làm.
Không ai làm ai
trở nên trong sạch!

13. Cuộc đời

Pc. 167
Đừng sống thấp hèn!
Đừng sống buông thả!
Chớ có thừa nhận
kiến thức tai hại!
Chớ có tăng thêm
cuộc đời bất toàn!
Pc. 171
Hãy đến mà nhìn
cuộc đời cho kỹ,
thì lộng lẫy lắm
cũng chỉ như là
cỗ xe vua đi.
Kẻ ngu hụp lặn
trong cuộc đời ấy,
còn người có trí
nào ai đắm say?
Pc. 172
Ai sống buông thả
nhưng rồi sau đó
biết sống tự chế,
người ấy làm cho
đời mình sáng lên,
in như vầng trăng
ra khỏi mây mù.
Pc. 173
Ai làm việc ác
nhưng rồi sau đó
biết làm việc lành
mà xóa mờ đi
việc ác đã làm,
người ấy làm cho
đời mình sáng lên
in như vầng trăng
ra khỏi mây mù.
Pc. 174
Người đời phần nhiều
mù quáng không thấy
chân tướng cuộc đời,
chỉ có số ít
kẻ đốn ngộ được.
Tựa như bầy chim
thoát ra khỏi lưới,
nhưng chỉ ít con
bay lên trời cao.
Pc. 176
Những ai trái nghịch
chân lý bậc nhất,
nói năng dối trá,
bác bỏ đời sau,
thì những kẻ ấy
không điều ác nào
mà không làm được.
Pc. 178
Thống lĩnh địa cầu,
sinh lên thiên đường,
hoặc tự cho mình
làm chúa vũ trụ,
tất cả những ai
cao trọng đến mấy,
cũng sánh không được
vị Tu đà hoàn,
thánh quả đầu tiên.

14. Đức Phật

Pc. 179
Đối với ái dục,
Như Lai chiến thắng
mà không bại trận.
Chiến thắng đến nỗi
dục vọng không còn
một dấu vết nào
ở nơi Như Lai
để mà bám theo.
Như Lai thênh thang,
không còn dấu vết
dục vọng như vậy,
thì còn làm sao
cám dỗ Như Lai
đi theo cho được?
Pc. 180
Như Lai không còn
mối vướng mắc nào
để cho dục vọng
có thể bám vào
dụ dỗ dẫn dắt.
Như Lai thênh thang
không còn dấu vết
dục vọng như vậy,
thì còn làm sao
cám dỗ Như Lai
đi theo cho được?
Pc. 181
Là bậc trọn vẹn
chuyên cần chỉ quán,
cho nên đức Phật
thích thú sống trong
trạng huống thanh bình
của sự Viễn ly:
một bậc chánh giác
toàn hảo như vậy
chư thiên cũng phải
hết lòng ngưỡng mộ.
Pc. 182
Khó thay, được làm
cái thân nhân loại!
Khó thay, thân ấy
lại được sống còn!
Khó thay, thân ấy
lại được nghe Pháp!
Khó thay, thân ấy
lại được gặp Phật.
Pc. 183
Không làm việc ác!
Kính làm việc lành!
Làm sạch tâm ý!
Đó, chư Phật dạy!
Pc 186
Mưa xuống tiền vàng
dục vọng cũng vẫn
khó mà thỏa mãn!
Vậy mà dục lạc
đắng nhiều ngọt ít.
Biết được như vậy
chính là người trí.
Pc. 187
Thế nên đệ tử
của bậc Chánh Giác
không tìm dục lạc,
dầu dục lạc ấy
là của chư thiên.
Mà chư đệ tử
của bậc Chánh Giác
thì chỉ ưa thích
sự hủy diệt được
chính cái ái dục.
Pc. 188
Nhân loại sợ hãi,
nên phải đi tìm
những nơi nương dựa.
Họ nương dựa vào
thần núi thần rừng
thần cây thần vườn
và thần đình miếu.
Pc. 189
Nương dựa như vậy
không phải an toàn
không phải tối thượng.
Bởi vì nương dựa
theo cách thức ấy
không làm cho ta
thoát khỏi lo phiền.
Pc. 190
Nương dựa vào Phật
nương dựa vào Pháp
nương dựa vào Tăng,
nương dựa như vậy
thì có một sự
thấy biết chính xác,
thấy biết "chân lý
gồm đủ bốn chi"
của Phật chỉ dạy.
Pc. 191
Đó là thấy biết
về sự đau khổ;
thấy biết nguyên nhân
sự đau khổ ấy;
thấy biết về sự
hủy diệt nguyên nhân
của sự đau khổ;
thấy biết con đường
dẫn đến hủy diệt
nguyên nhân đau khổ -
Đường ấy chính là
"đường chánh tám chi".
Pc. 192
Nương dựa Tam Bảo
mà được như vậy
thì là an toàn
thì là tối thượng.
Vì sự nương dựa
Tam Bảo như vậy
thì làm cho ta
thoát khỏi lo phiền.
Pc. 194
Vui thay,
đức Phật ra đời!
Vui thay,
Pháp mầu được giảng!
Vui thay,
chư Tăng hòa hợp!
Vui thay,
hòa hợp giữ giới!

15. Yên vui

Pc. 197
Thật là hạnh phúc,
sống không hận thù
giữa người hận thù;
giữa người hận thù
sống không hận thù.
Pc. 198
Thật là hạnh phúc,
sống không đau yếu
giữa người đau yếu;
giữa người đau yếu
sống không đau yếu.
Pc. 199
Thật là hạnh phúc,
sống không dục vọng
giữa người dục vọng;
giữa người dục vọng
sống không dục vọng.
Pc. 200
Thật là hạnh phúc
trong khi Như Lai
sống không phiền não
đối với vật thực:
[Như Lai không mừng
vì có vật thực,
Như Lai không bực
vì không vật thực].
Như Lai thường xuyên
được nuôi dưỡng bằng
cái vui chân lý
cái vui chỉ quán.
Như Lai vì vậy
lúc nào cũng vui
như thể cái vui
của Quang Âm Thiên
Pc. 201
Hơn thì bị oán
thua thì phải khổ.
Hãy sống thanh thản
xả hết hơn thua.
Pc. 202
Không cái lửa nào
bằng lửa tham dục,
không cái ác nào
bằng ác tức giận,
không cái khổ nào
cho bằng thân thể,
không cái vui nào
cho bằng Niết Bàn.
Pc. 203
Đói ăn: bịnh nhất,
thân thể: khổ nhất.
Biết đúng như vậy
thì thấy vui nhất
chính là Niết Bàn.
Pc. 204
Không bịnh: lợi nhất!
Biết đủ: giàu nhất!
Thành thật: thân nhất!
Niết Bàn: vui nhất!
Pc. 205
Ai đã nếm được
hương vị đời sống
ẩn dật thanh tịnh,
ai đã thấm đượm
hương vị đời sống
vui thỏa chân lý,
người ấy hết cả
ô nhiễm, lo âu.
Pc. 206
Quí nhất là gặp
vị không ô nhiễm!
Sống với các vị
thì hằng yên vui!
Như thế mới biết
không gặp người ngu
cũng là yên vui -
yên vui lâu dài!
Pc. 207
Sống với người ngu
thì lo phiền mãi.
Thế nên, khổ thay,
sống với người ngu,
khác nào sống với
kẻ thù oán mình!
Và là vui thay,
sống với người trí,
như thể sống với
người thân thiết mình!
Pc. 208
Vì lý do ấy,
đây là sự thật:
sống với các vị
hiền lành, thông minh,
dấn thân đi tới
Niết bàn thanh tịnh,
giới đức trang nghiêm
dục vọng tận diệt,
thì chẳng khác gì
vầng trăng đi theo
quĩ đạo tinh tú.

16. Yêu thích

Pc. 209
Siêng năng những việc
không đáng siêng năng,
không siêng những việc
đáng phải siêng năng,
từ bỏ chủ đích,
chạy theo dục vọng,
thì những kẻ ấy
rồi sẽ ganh tị
hay hâm mộ suông
đối với các vị
chuyên cần nhắm thẳng
chủ đích của mình.
Pc. 210
Chớ có gắn bó
với người mình ưa,
chớ có gắn bó
với người mình ghét.
Ưa mà không gặp
đã là khổ sở,
ghét mà phải gặp
càng khổ sở hơn.
Pc. 214
Luyến ái sinh lo,
luyến ái sinh sợ,
siêu thoát luyến ái
thế là hết lo,
lo đã hết rồi
thì còn sợ gì?
Pc. 215
Dục vọng sinh lo,
dục vọng sinh sợ,
siêu thoát dục vọng
thế là hết lo,
lo đã hết rồi
thì còn sợ gì?
Pc. 219
Xa nhà lâu ngày
trở về an toàn,
thì được người thân
đón tiếp nồng hậu.
Pc. 220
Cũng là như vậy
mà người làm lành,
khi từ đời này
chuyển sang đời khác,
sẽ được việc lành
của mình đón tiếp,
như thể người thân
đón tiếp người thân.

17. Giận dữ

Pc. 221
Dập tắt giận dữ!
Bẻ gãy kiêu căng!
Đừng bị chi phối!
Đừng nắm thân thể!
Không hết mọi sự
thì người như vậy
khổ não hết còn
đeo đuổi được nữa.
Pc. 222
Chận được cơn giận
khi đang bùng lên,
như thể hãm được
xe chạy có đà,
thì người như vậy
Như Lai gọi là
người lái xe giỏi,
còn những kẻ khác
chỉ cầm cương hờ.
Pc. 223
Hãy đem tình thương
mà thắng giận dữ!
Hãy đem đạo đức
mà thắng bất lương!
Hãy đem san sẻ
mà thắng keo lẫn!
Hãy đem chân thành
mà thắng xảo trá.
Pc. 224
Ai nói thành thực.
Không có giận dữ.
Ít của mà biết
chia cho người cần.
Đi ba đường này
thì gặp chư thiên.
Pc. 225
Bậc hiền triết ấy
do sự vĩnh viễn
thuần hóa toàn diện
thân thể tâm tính,
không còn tác hại
thương tổn đến ai,
nên đã đi vào
trạng thái Bất tử -
lĩnh vực không còn
mọi nỗi ưu sầu.
Pc. 227
Phật tử nên biết
đây là thành ngữ
đã có từ xưa
không phải ngày này.
Rằng không nói gì
đã bị chê trách,
rằng nói cho nhiều
cũng bị chê trách,
rằng nói ít thôi
vẫn bị chê trách.
Ở trên đời này
khó mà có được
ai đó không bị
chê trách điều gì.
Pc. 231
Hãy lo đề phòng
thân thể giận dữ!
Hãy gắng thuần hóa
việc làm của thân!
Hãy cố từ bỏ
điều ác của thân!
Hãy đem thân thể
mà làm điều lành!
Pc. 232
Hãy lo đề phòng
miệng lưỡi giận dữ!
Hãy gắng thuần hóa
lời tiếng của miệng!
Hãy cố từ bỏ
điều ác của miệng!
Hãy đem miệng lưỡi
mà nói điều lành!
Pc. 233
Hãy lo đề phòng
tâm ý giận dữ!
Hãy gắng thuần hóa
suy nghĩ của ý!
Hãy cố từ bỏ
điều ác của ý!
Hãy đem tâm ý
mà nghĩ điều lành!
Pc. 234
Thế nên người trí
thuần hóa lấy thân
thuần hóa lấy miệng
thuần hóa lấy ý,
thực sự thuần hóa
toàn diện như vậy.

18. Dơ bẩn

Pc. 235
[Đức Phật thức tỉnh
một người có tuổi],
rằng nay thân ông
như chiếc lá héo!
Sứ giả thần chết
đang chờ đợi ông!
Ông đang đứng trước
ngưỡng cửa tử vong!
Ông sắp phải làm
một cuộc lữ hành
trên đường cái chết
dài sâu thăm thẳm!
Như vậy mà ông
chưa chuẩn bị gì
về lương thực cả!
[Ông hãy thông minh
mà chuẩn bị đi]!
Pc. 236
Ông phải tự tạo
một cái cồn đảo
[ở trong sóng nước
của chốn luân hồi],
bằng cách gấp rút
làm người thông minh,
và chuyên cần nữa,
lọc bỏ cho sạch
dục vọng dơ bẩn,
thành bậc Ly dục.
Tịnh cư thiên cảnh
là chỗ của ông.
Pc. 239
Qua từng giờ khắc,
người trí lọc bỏ
những sự dơ bẩn
ngay trong bản thân.
Sự thể giống như
người thợ luyện kim
lọc bỏ quặng vàng
để thành vàng ròng.
Pc. 240
Như sắt sinh sét,
sét lại ăn sắt,
việc ác cũng vậy,
tự mình làm ra,
trở lại đẩy mình
sa vào nẻo ác.
Pc. 242
Bất trinh làm bẩn
cho người phụ nữ,
keo kiết làm bẩn
cho người hào phóng,
và làm dơ bẩn
đời sống hiện tại
cũng như tương lai
chính là việc ác.
Pc. 243
Trong mọi dơ bẩn
vô minh bẩn nhất.
chư vị Tỷ kheo!
hãy khử cho được
sự dơ bẩn ấy -
tự làm trở thành
một bậc Tỷ kheo
không còn dơ bẩn.
Pc. 244
Thật là dễ dàng
sống vô liêm sỉ,
sống mà lỗ mãng
như là giống quạ,
sống mà nói xấu
khoa trương trâng tráo,
sống mà liều lĩnh
dơ bẩn mặc sức.
Pc. 245
Thật là khó khăn
sống biết liêm sỉ,
sống mong tinh khiết,
sống rất công minh,
sống đời trong sáng
kiến thức dồi dào.
Pc. 246 - 247
Ai sống trên đời
mà lại sát hại,
chiếm đoạt, gian dâm,
nói dối, say sưa,
thì ngay đời này,
người này tự đào
tự bới cái gốc
tư cách con người.
Pc. 248
Do vậy mà phải
nhận thức cho rõ,
rằng không tự chế
thì đã là ác.
Chớ để cho mình
tham lam, làm ác,
mà tự hãm vào
nỗi khổ triền miên.
Pc. 251
Lửa nào cho bằng
cái lửa tham lam,
chấp nào cho bằng
cái chấp tức giận,
lưới nào cho bằng
cái lưới vô minh,
sông nào cho bằng
cái sông ái dục.
Pc. 252
Dễ thay,
tìm thấy lỗi người!
Khó thay,
tự thấy lỗi mình!
Lỗi người thì mình
cố phanh phui ra
như là sàng gạo
mà lấy trấu cám!
Lỗi mình thì mình
cố che dấu đi,
như kẻ bẫy chim
ngụy trang mà núp.
Pc. 253
Tìm thấy lỗi người
thì hay chỉ trích.
Kẻ nào như vậy
thì xấu thêm lên,
và càng xa cách
"trạng huống hết xấu" .
Pc. 254.
Ở giữa không trung
làm sao mà có
dấu vết đường đi:
ở trong ngoại đạo
làm sao mà có
những bậc giải thoát?
Loài người thích thú
trong sự giả dối,
Như Lai thì không
sự giả dối ấy.
Pc. 255
Ở giữa không trung
làm sao mà có
dấu vết đường đi:
ở trong ngoại đạo
làm sao mà có
những bậc giải thoát?
Tất cả vạn hữu
toàn là vô thường,
Như Lai thì không
sự vô thường ấy.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/03/2015(Xem: 7980)
Từ khi lộ ánh trăng thiền Tri ân sâu nặng cơ duyên cuộc đời Vô ngôn sáng giữa muôn lời Dấn thân thế sự, chẳng rời Tánh Không. ---
23/03/2015(Xem: 9457)
Từ xa xưa đã có hiện tượng cư sĩ tham gia tu tập Thiền, Tịnh Độ và học tập nghiên cứu Phật Học; nhưng thời cổ đại, việc cư sĩ tại gia học Phật là hành vi tự phát riêng lẻ, không có tổ chức đoàn thể đại chúng cùng tu tập. Trong quá trình lịch sử phát triển của Phật giáo Trung Quốc, các cư sĩ có vai trò rất tích cực trong việc học và hoằng dương đạo Phật, trải qua nhiều thời đại đã xuất hiện không ít những vị cư sĩ có cống hiến lớn lao với đạo. Đến thời nhà Thanh, do mạng mạch truyền thừa bị gián đoạn do đó khiến Phật Giáo suy yếu. Sau đó có cư sĩ Dương Nhân San phát tâm gánh vác, vận động lập ra hình thức đoàn thể cư sĩ để phục hưng Phật giáo. Tiến hành các hoạt động kết tập, in ấn, phát hành kinh điển, mở trường lớp, nghiên cứu Phật giáo, bồi dưỡng nhân tài, cải cách hưng long Phật giáo, đó chính là thời kỳ đầu phát triển của Cư sĩ Phật giáo.
20/03/2015(Xem: 9144)
Nhà sư Alan Piercey là một tu sĩ Phật giáo làm việc tại bệnh viện ở Burnie và cũng từng tham gia bán chocolate để gây quỹ. Đối với những cư dân ở bờ biển Tây bắc Burnie (Tasmania, Úc), thầy được biết đến với nhiều tên gọi, nhưng cái tên phổ biến nhất được lấy từ một bộ phim hoạt hình nổi tiếng. “Pháp danh tôi là Shih Jingang” (phát âm là Cher Gin Gun) - thầy nói. “Thế nhưng hầu hết mọi người sống quanh bệnh viện khu vực Tây bắc tại Burnie này gọi tôi là Sifu (sư phụ).
19/03/2015(Xem: 7527)
Đây không phải là lần đầu tiên tôi được Thọ Bát, được làm “Ni Cô chải tóc bên dòng suối“ một ngày một đêm đâu các bạn ạ! Từ bao năm nay hễ chùa Linh Thứu có lên lịch trình Thọ Bát là có mặt tôi, cho dù ngày ấy tuyết phủ ngập chùa, hay mưa dầm giăng lối. Nhưng chẳng bao giờ tôi tu trọn vẹn được đầy đủ 24 giờ tinh khôi cả, cứ buổi cháo chiều vừa dùng xong tôi đã tìm đường ra xe về nhà để sáng mai lên chùa sớm cho kịp buổi công phu khuya. Hay nhiều khi không thể tham dự được tôi cũng cố lên chùa nghe cho được bài Pháp mới thật hả dạ. Tất cả cũng chỉ vì Gia Duyên còn ràng buộc như câu các Thầy truyền giới vẫn thường đọc trong những buổi Thọ Bát Quan Trai, nên sự thể mới như vậy mà thôi.
19/03/2015(Xem: 6995)
Những Nguyên Nhân Của Hành Động Nầy các Tỳ Kheo, có ba nguyên nhân bắt nguồn của hành động. Ba nguyên nhân nầy là ba nguyên nhân gì? Đó là: lòng tham lam, lòng thù hận, và sự si mê (tham, sân, si). [32] Một hành động khi làm với lòng tham lam, sinh ra từ lòng tham lam, gây ra bởi lòng tham lam, phát sinh ra từ lòng tham lam, sẽ chín muồi bất cứ nơi nào người nầy tái sinh; và bất cứ khi nào hành động chín muồi, người nầy nhận lấy kết quả của hành động, ở trong đời nầy, hoặc là trong đời sau, hoặc là trong những đời kế tiếp sau đó. [33]
19/03/2015(Xem: 7600)
Theo quan điểm của Phật giáo “hạnh phúc” là sự đoạn trừ tâm tham ái, để hiểu rõ vấn đề này, người viết xin chia sẻ quý vị quan điểm này như sau: Chúng ta đang sống trong cõi Ta-bà như mảnh vườn hoang luôn bị chế ngự bởi dục vọng khổ đau, bệnh tật, sầu hận, chết chóc… Con người bao giờ cũng muốn vươn lên từ đời sống thấp hèn để tìm một cái gì đó cao đẹp và an lạc hơn đằng sau bức tường đầy sự hấp dẫn của ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thùy) mà con người cảm nhận qua tri giác hay còn gọi là tham ái.
15/03/2015(Xem: 6241)
Tôi có hai người bạn. Là bạn nhưng họ trẻ hơn tôi quãng chục tuổi. Là bạn vì chúng tôi khá quý mến nhau, có nhiều điểm tương đồng và hay sinh hoạt bên nhau. Tên khai sinh của họ là Châu Thương và Mỹ Hằng. Pháp danh của hai bạn này là Nguyên Niệm là Thánh Đức. Điểm thú vị rằng đây lại là một cặp vợ chồng.
14/03/2015(Xem: 8301)
Việc tu hành trên hết là để giải tỏa áp lực của tâm lý. Và áp lực đó nếu nghĩ theo cách thông thường, thì nó luôn đến từ ngoại giới. Vì chúng ta sống trong đời sống, mà không có một tấm lòng để gió cuốn đi. Mà chúng ta chỉ sống với nhau luôn bằng tham, sân, si, cho nên áp lực sẽ đến với chúng ta liên tục là đương nhiên. Nhưng nếu chúng ta quanh năm ngồi một chỗ không đi đâu cả, thì tâm lý vẫn có vấn đề khó khăn như thường. Đó là do chúng ta luôn sống trong vọng tưởng, và ảo tưởng mà thành ra như thế thôi.
13/03/2015(Xem: 9699)
Chánh Niệm cho Tình Yêu Bài của Đỗ Thiền Đăng Diễn đọc: Trọng Nghĩa - Mộng Lan
12/03/2015(Xem: 10159)
Đạo Phật ngày càng suy đồi, tha hoá, “mạt pháp”, nguyên nhân thì nhiều, nhưng đôi khi vì trong giới tu sĩ và cư sĩ không trang bị đủ kiến thức của giáo pháp như thực - tức là giáo pháp cội rễ - mà chỉ chạy theo cành, nhánh, ngọn lắm hoa và nhiều trái. Từ đấy, khó phân biệt đâu là đạo Phật chơn chánh, đâu là đạo Phật đã bị biến chất, chạy theo thị hiếu dung thường của thế gian. Đôi nơi đạo Phật còn bị trộn lẫn với tín ngưỡng duy linh và cả tín ngưỡng nhân gian nữa... Nhiều lắm, không kể xiết đâu.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]