Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài kinh giảng cho Girimānanda

20/09/202210:17(Xem: 3776)
Bài kinh giảng cho Girimānanda

Bài kinh giảng cho Girimānanda

Girimānanda Sutta

(Aṅguttara Nikāya / Tăng chi bộ kinh - AN 10:60)

 Buddha-314

***

Lời mở đầu của người chuyển ngữ

 

            "Bài kinh giảng cho Girimānanda" / Girimānanda Sutta (AN 10.60) là một bài kinh ngắn nhưng thuyết giảng về một phép luyện tập thiền định thật quan trọng, thiết thực và cụ thể, giúp người đau ốm mượn hơi thở để trở về với chính mình, làm lắng dịu các sự đau đớn trên thân thể và mọi lo lắng trong tâm thần. Ở các cấp bậc lắng sâu hơn, phép luyện tập này cũng có thể làm cho căn bệnh hoàn toàn chấm dứt, mang lại một niềm hân hoan và thanh thoát thật sâu xa. 

 

            Trong Tăng đoàn của Đức Phật thời bấy giờ có một vị tỳ-kheo tên là Girimānanda lâm bệnh nặng. Người đệ tử thân cận bên cạnh Ngài là Ānanda khẩn khoản xin Ngài hãy đến thăm người tỳ-kheo này, thế nhưng Đức Phật giữ yên lặng trước lời thỉnh cầu đó - chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về sự kiện này trong phần ghi chú dưới đây. Đức Phật không đến thăm người tỳ-kheo đang ốm đau mà chỉ nêu lên, qua trung gian của người tỳ-kheo Ānanda, về một phép thiền định gồm mười sự cảm nhận hướng vào thân xác mình, tâm thức mình và bản chất của hiện thực, mang lại cho mình một sự ý thức thật sâu xa, trong sáng và an bình, giúp mình hóa giải các sự đau đớn, bất an gây ra bởi bệnh tật. Đức Phật nói với Ānanda là nếu có đến thăm người tỳ-kheo Girimānanda thì hãy thuật lại mười phép cảm nhận đó giúp người tỳ-kheo Girimānanda tự chữa bệnh cho mình.

 

 

***

 

Bài kinh giảng cho Girimānanda

Girimānanda Sutta (AN 10.60)

 

 

            Tôi từng được nghe như vầy, lúc đó Đấng Thế Tôn đang ngụ gần thị trấn Sāvatthī (Kiều-tát-la / kinh đô của đế quốc Kosala) nơi khu vườn Jeta (Kỳ-đà) trong tu viện do Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc) xây dựng. Vào lúc đó Ngài Girimānanda (một vị tỳ-kheo trong Tăng đoàn. Trong bài kinh bằng tiếng Pali, vị tỳ-kheo này được gọi là Āyasmā Girimānando. Chữ Āyasmā có nghĩa là Ngài hay Vị Tôn kính / Venerable, nhưng chữ này cũng có một nghĩa thứ hai là một người "trọng tuổi", vị "đàn anh" trong Tăng đoàn. Đối với trường hợp một người phụ nữ thì cách gọi Āyasmā sẽ đổi thành Āyyā, chẳng như Ni sư Ayyā Khema) đang ngả bệnh, liệt giường, đau đớn, bệnh tình trầm trọng. Ngài Ānanda bèn đi tìm Đức Phật, khi gặp Ngài thì vái chào và ngồi sang một bên. Sau khi an tọa thì Ngài Ānanda cất lời với Đấng Thế Tôn như sau: "Thưa Thế Tôn, Ngài Girimānanda đang ngả bệnh, liệt giường, đau đớn, bệnh tình trầm trọng. Vì lòng thương cảm đối với vị ấy, tốt nhất xin Ngài hãy đến thăm vị ấy".

 

            "Này Ānanda, nếu [khi nào] đến thăm người tỳ-kheo Girimānanda thì hãy thuật lại với người tỳ-kheo ấy về mười phương cách cảm nhận (perception / nhận biết, nhận thức) sau đây. Sau khi được nghe mười phương cách cảm nhận đó thì bệnh trạng của người tỳ-kheo Girimānandi thuyên giảm ngay sau đó. Vậy mười cách cảm nhận ấy là gì? Đó là (1) cảm nhận về vô thường, (2) cảm nhận về không có cái tôi, (3) cảm nhận thân thể không có gì thu hút (unattractiveness / thân thể không có gì lôi cuốn hay hấp dẫn khiến mình phải say mê) (4) cảm nhận về các mối hiểm nguy (các sự đau đớn cùng các thứ bệnh tật có thể xảy ra trên thân thể mình), (5) cảm nhận về sự từ bỏ, (6) cảm nhận về sự thoát khỏi mọi dục vọng, (7) cảm nhận về sự chấm dứt, (8) cảm nhận chẳng có gì hấp dẫn (đáng để say mê, đáng để bị thu hút) trên toàn thế giới, (9) cảm nhận tính cách vô thường của tất cả mọi hiện tượng phát sinh từ sự tạo tác do nguyên nhân và điều kiện mà có (co-production conditionel / "lý duyên khởi"), (10) cảm nhận hướng vào hơi thở vào và hơi thở ra.

 

    [1] "Vậy, này Ānanda, cảm nhận về vô thường là gì? Đấy là trường hợp một người tỳ-kheo tìm một nơi thanh vắng (một khu rừng), ngồi xuống dưới một gốc cây, hoặc trong một túp lều bỏ hoang, và suy tư như thế này: (1) 'Hình tướng (thân xác / kinh sách Hán ngữ gọi là "sắc") là vô thường, (2) cảm giác (các cảm nhận của lục giác gồm ngũ giác và tâm thần / kinh sách Hán ngữ gọi là "thọ") là vô thường, (3) sự nhận thức (sự cảm nhận, nhận biết / perception / kinh sách Hán ngữ gọi là "tưởng") là vô thường, (4) các sự tạo tác tâm thần (tư duy, tác ý, các sự hình dung, tưởng tượng... / kinh sách Hán ngữ gọi là "hành") là vô thường, (5) tri thức (sự hiểu biết nói chung, gồm tư duy, ý nghĩ, tác ý, các sự diễn đạt và hình dung..., xuyên qua các sự cảm nhận của lục giác, nói chung là sự vận hành của tâm thức tương quan với các sự cảm nhận hay nhận biết của ngũ giác xuyên qua sự tiếp xúc với các đối tượng của chúng / sensory consciouness / conscience sensoriel / kinh sách tiếng Hán gọi là "thức") là vô thường' (năm thành phần trên đây - từ (1) đến (5) - là năm thứ cấu hợp tạo ra một cá thể / kinh sách Hán ngữ gọi là "ngũ uẩn". Nói chung tất cả năm thành phần tạo ra một cá thể đều là vô thường). Người tỳ-kheo tiếp tục giữ sự chú tâm đó của mình hướng vào tính cách vô thường của năm thứ cấu hợp ấy. Đấy gọi là sự cảm nhận về vô thường (hướng sự suy tư của mình vào tính cách biến động và đổi thay của năm thứ cấu hợp / "ngũ uẩn" tạo ra con người của mình).    

 

            [2] "Vậy, này Ānanda, cảm nhận không có cái tôi là gì? Đấy là trường hợp một người tỳ-kheo tìm một nơi thanh vắng, ngồi xuống dưới một gốc cây, hoặc trong một túp lều bỏ hoang, và suy tư như thế này: 'Mắt và các hình tướng trông thấy (nhận biết) bởi mắt (nói chung là các sự nhận biết của mắt về bóng dáng hay hình tướng về thân thể của chính mình) không phải là cái tôi (cái "ngã") [của mình] (không có cái tôi nào bên trong hình tướng cả); tai và âm thanh nghe thấy bởi tai (tiếng nói, tiếng hát của mình) không phải là cái tôi [của mình]; mũi và các thứ mùi ngửi thấy bởi mũi không phải là cái tôi [của mình]; lưỡi và các thứ vị nếm thấy bởi lưỡi không phải là cái tôi [của mình]; thân thể và các cảm nhận xúc giác không phải là cái tôi [của mình]'. Đấy gọi là sự cảm nhận không có cái tôi ("vô ngã"). 

 

            [3] "Vậy, này Ānanda, cảm nhận về thân thể không có gì thu hút có nghĩa là gì? Đấy là trường hợp một người tỳ-kheo nhìn từ gan bàn chân lên đến đỉnh đầu, từ đỉnh đầu xuống gan bàn chân, để nhận thấy cái thân xác đó [của mình] được bọc trong một lớp da, chứa đầy những thứ ô uế: 'Trong đó, nào là tóc, lông, móng tay, móng chân, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, màng nhầy, lá lách, phổi, ruột non, ruột già, bao tử, phẩn, mật, các chất nhờn, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, nước dãi, nước mũi, chất nhờn ở các khớp xương, nước tiểu'. Người tỳ-kheo tiếp tục giữ sự chú tâm đó của mình hướng vào tính cách chẳng có gì thu hút (lôi cuốn) nơi thân thể mình. Đấy gọi là sự cảm nhận về thân thể chẳng có gì thu hút (đáng để mình bị lôi cuốn và say mê nó).   

 

            [4] "Vậy, này Ānanda, cảm nhận các mối hiểm nguy là gì? Đấy là trường hợp một người tỳ-kheo tìm một nơi thanh vắng, ngồi xuống dưới một gốc cây, hoặc trong một túp lều bỏ hoang, và suy tư như thế này: 'Thân xác này [của tôi] là cội nguồn của các thứ đau đớn và các mối hiểm nguy, bởi vì mọi thứ bệnh tật đều có thể xảy ra với nó: nào là các thứ bệnh về mắt, về tai, về mũi, về lưỡi; các bệnh trên thân thể, trong đầu, trong tai, trong miệng, nhức răng, ho, suyễn, nóng sốt, đau bụng, ngất xỉu, kiết lỵ, tiêu chảy, dịch tả, phong hủi, ung nhọt, lang beng (herpes), ghẻ ngứa, lao phổi, động kinh, các bệnh ngoài da, nổi mày đay, da đầu bị nấm, bệnh vảy nến (psoriasis / da sưng đỏ), ghẻ lở, xuất huyết, tiểu đường, bệnh trĩ, thân thể có lỗ hổng (fistulas / ung nhọt khoét lỗ, máu mủ chảy ra), ung thư; các bệnh liên quan đến mật (bile / các bệnh liên quan đến tâm trạng và tánh khí), đờm dãi, ợ hơi, các bệnh phát sinh từ mật, từ đờm dãi; các bệnh do thời tiết, do sự chểnh mảng (tai nạn xảy ra vì sơ ý), bị hành hung hoặc hậu quả gây ra bởi kamma ("nghiệp"); trời lạnh, trời nóng, đói, khát, buồn đi cầu, đi tiểu (nhưng không đi được, hoặc không tìm được chỗ thuận tiện). Người tỳ-kheo ấy tiếp tục hướng sự chú tâm vào các mối hiểm nguy có thể xảy ra với thân thể của mình. Đấy gọi là sự cảm nhận về các mối hiểm nguy.

 

            [5] "Vậy, này Ānanda, cảm nhận về sự buông bỏ (abandoning / renoncement / từ bỏ),  là gì? Đấy là trường hợp một người tỳ-kheo không để mình bị khuất phục (bị khống chế, nô lệ) bởi bất cứ một ý nghĩ dục tính nào hiện lên với mình. Người tỳ-kheo buông bỏ nó, đuổi cổ nó, nghiền nát nó, diệt trừ nó. Người tỳ-kheo không để mình bị khuất phục bởi bất cứ một ác ý (ill-will / ác tâm) nào. Người tỳ-kheo buông bỏ nó, đuổi cổ nó, nghiền nát nó, diệt trừ nó. Người tỳ-kheo không để bất cứ một ý nghĩ độc hại nào hiện lên với mình. Người tỳ-kheo buông bỏ nó, đuổi cổ nó, nghiền nát nó, diệt trừ nó. Đấy gọi là sự cảm nhận về sự buông bỏ'.

 

             [6] "Vậy, này Ānanda, cảm nhận về sự từ bỏ mọi thứ đam mê (dispassion / không say mê, không thèm khát) là gì? Đấy là trường hợp một ngưòi tỳ-kheo tìm một nơi thanh vắng, ngồi xuống dưới một gốc cây, hoặc trong một túp lều bỏ hoang và suy tư như thế này: "Sự an bình (thanh thản) quả là như vậy - tuyệt vời thay - nó sẽ hiện lên với mình khi nào tất cả mọi sự tạo tác (tư duy, tác ý, xúc cảm, mọi sự hình dung, tưởng tượng,...) đều lắng xuống; khi nào tất cả mọi sự chiếm hữu (của cải, danh vọng..., nói chung là những gì là "của tôi", "thuộc vào tôi")  đều được buông bỏ; khi nào tất cả mọi sự thèm khát đã được hủy diệt, không còn thèm muốn, không còn bám víu'. Đấy gọi là sự cảm nhận về sự từ bỏ mọi thứ đam mê.

           

            [7] "Vậy, này Ānanda, cảm nhận về sự chấm dứt (cessation / sự dừng lại, sự đình chỉ) là gì? Đấy là trường hợp một người tỳ-kheo tìm một nơi thanh vắng, ngồi xuống dưới một gốc cây, hoặc trong một túp lều bỏ hoang và suy tư như thế này: "Sự an bình quả là như vậy - tuyệt vời thay - nó sẽ hiện lên với tôi khi nào tất cả mọi sự tạo tác [tâm thần] đều lắng xuống; khi nào tất cả mọi sự chiếm hữu đều được buông bỏ; khi nào tất cả mọi sự thèm khát và bám víu đều bị hủy diệt'. Đấy gọi là sự cảm nhận về sự chấm dứt.

 

            [8] "Vậy, này Ānanda, cảm nhận không có bất cứ gì hấp dẫn (đáng để say mê, thu hút) trên toàn thế giới là gì? Đấy là trường hợp một người tỳ-kheo buông bỏ mọi sự dấn thân, mọi sự bám víu, mọi niềm tin, mọi xu hướng (quan điểm) đối với thế giới. Người tỳ-kheo buông bỏ chúng, không liên lụy đến chúng'. Đấy gọi là sự cảm nhận không có bất cứ gì hấp dẫn (say mê, lôi cuốn mình) trên toàn thế giới (xin lưu ý "không có gì hấp dẫn hay lôi cuốn" đối với thế giới không có nghĩa là tạo cho mình một thái độ yếm thế và nhàm chán, mà là cách đứng ra ngoài sự chuyển động của thế giới hầu mở ra cho mình môt tầm nhìn thanh thản, trong sáng và sâu xa hơn về thế giới. Xông vào sự chuyển động của thế giới là cách đưa mình vào cảnh khổ đau triền miên trong cõi hiện tượng). 

 

     [9] "Vậy, này Ānanda, cảm nhận không màng đến (không ham muốn, không thiết tha đến) các sự tạo tác (các hiện tượng trong thế giới và cả trong tâm thức mình, phát sinh từ sự vận hành của nguyên lý tương liên, tức là do điều kiện mà có / "lý duyên khởi") là gì? Đấy là trường hợp người tỳ-kheo cảm thấy kinh sợ (horrified / khiếp sợ), mất phẩm giá (humiliated / bị phản bội, nhục mạ)nhàm chán (disguted / chán ngán) tất cả mọi sự tạo tác' (do nguyên lý tương liên và tương tác mà có, bởi vì các thứ ấy đều là vô thường và khổ đau. Bản chất vô thường và khổ đau đó của chúng khiến mình chán ngán và kinh sợ chúng. Say mê các thứ ấy sẽ khiến phẩm giá của mình bị hạ thấp). Đấy gọi là sự cảm nhận không màng đến (không để bị thu hút bởi) những thứ tạo tác [phát sinh từ nguyên lý tương liên].

 

            [10] "Vậy, này Ānanda, chú tâm thật tỉnh giác (chánh niệm) vào hơi thở vào và hơi thở ra là gì? Đấy là trường hợp một người tỳ-kheo tìm một nơi thanh vắng, ngồi xuống dưới một gốc cây, hoặc trong một túp lều bỏ hoang, hai chân tréo vào nhau, giữ thân người thật thẳng, hướng sự chú tâm về phía trước mặt. Với sự tỉnh giác ("chánh niệm") đó người tỳ-kheo hít vào; với sự tỉnh giác đó người tỳ-kheo thở ra.

 

            "Khi hít vào thật dài thì người tỳ-kheo nhận biết [thật minh bạch]: 'Tôi hít vào thật dài; hoặc thở ra thật dài thì người tỳ-kheo nhận biết [thật minh bạch]: 'Tôi thở ra thật dài'.

 

            Khi người tỳ-kheo hít vào thật ngắn thì người tỳ-kheo nhận biết [thật minh bạch]: 'Tôi hít vào thật ngắn; hoặc thở ra thật ngắn thì người-tỳ-kheo nhận biết [thật minh bạch]: 'Tôi thở ra thật ngắn'.

 

    Người tỳ-kheo tiếp tục luyện tập: 'Tôi sắp hít vào, đồng thời cảm nhận được [minh bạch] toàn thân thể tôi (chuẩn bị hít vào, đồng thời cảm nhận được, ý thức được, sự hiện hữu của thân thể mình). Người tỳ-kheo tiếp tục luyện tập: 'Tôi sắp thở ra đồng thời cảm nhận được [minh bạch] toàn thân thể [tôi]'.

 

            Người tỳ-kheo tiếp tục luyện tập: 'Tôi sắp hít vào, đồng thời làm lắng dịu sự sinh hoạt của thân thể [tôi] (chuẩn bị hít vào, đồng thời làm lắng dịu sự vận hành của thân thể, khiến các sự đau đớn phải dịu xuống không còn căng thẳng và gay gắt nữa). Người tỳ-kheo tiếp tục luyện tập: 'Tôi sắp thở ra, đồng thời làm lắng dịu sự sinh hoạt của thân thể [tôi].

 

            (Phép thiền định trên đây được dựa vào một nguyên lý thật căn bản là sự liên hệ giữa tâm thần và thân xác: sự sinh hoạt tâm thần trực tiếp tác động đến sự vận hành của thân xác, ngược lại sự vận hành của thân xác trực tiếp tác động đến sự sinh hoạt tâm thần. Điều này được Đức Phật nêu lên qua một góc nhìn rộng lớn hơn trong "Bài kinh dài về các nguyên nhân chủ yếu" / Mahā Nidāna Sutta - DN 15 : "Tri thức tạo ra danh-xưng và hình-tướng / name & form ("danh sắc") tức là thế giới nói chung, trong đó kể cả thân xác và tâm thức của một cá thể, và ngược lại thế giới tạo ra tri thức cho cá thể ấy. Qua một góc nhìn thu hẹp hơn thì tình trạng sức khỏe trên thân xác của một cá thể liên hệ đến sự sinh hoạt tâm thần của cá thể ấy, và ngược lại. Vì vậy, một tâm thức thăng bằng, trong sáng và tròn đầy - mindfulness / "chánh niệm" - mang lại sự an lành cho thân thể - hoặc ít nhất cũng làm nhẹ bớt các cảm giác đau đớn trên thân thể. Trái lại nếu tạo ra cho mình các sự lo sợ và bấn loạn trong tâm thức, thì đấy chỉ là cách ghép thêm sự đau đớn trong tâm thức vào sự đau đớn trên thân xác mà thôi).

 

            "Người tỳ-kheo tiếp tục luyện tập: 'Tôi sắp hít vào đồng thời cảm nhận được niềm hân hoan [hiện lên với tôi, thấm sâu vào con người tôi]' (hình dung hơi thở vào mang theo với nó một niềm hân hoan thấm sâu vào toàn thân thể mình). Người tỳ-kheo tiếp tục luyện tập: 'Tôi sắp thở ra đồng thời cảm nhận được niềm hân hoan [hiện lên với tôi, thấm sâu vào con người tôi]'.  

 

            "Ngưòi tỳ-kheo tiếp tục luyện tập: 'Tôi sắp hít vào, đồng thời cảm nhận được sự khoan khoái (pleasure / sự thích thú) [hiện lên với tôi, thấm sâu vào con ngưòi tôi]'. Người tỳ-kheo tiếp tục luyện tập: 'Tôi sắp thở ra, đồng thời cảm nhận được sự khoan khoái [hiện lên với tôi, thấm sâu vào con người tôi]'.

 

            "Người tỳ-kheo tiếp tục luyện tập: "Tôi sắp hít vào, đồng thời cảm nhận được sự linh hoạt tâm thần [của tôi] (sự tỉnh táo và bén nhạy của tâm thức)'. Người tỳ-kheo tiếp tục luyện tập:  'Tôi sắp thở ra, đồng thời cảm nhận được sự linh hoạt tâm thần [của tôi]'.

 

            "Người tỳ-kheo tiếp tục luyện tập: 'Tôi sắp hít vào, đồng thời cảm nhận được tâm thức [tôi]. Người tỳ-kheo tiếp tục luyện tập: 'Tôi sắp thở ra, đồng thời cảm nhận được tâm thức [tôi].

 

            "Người tỳ-kheo tiếp tục luyện tập: 'Tôi sắp sắp hít vào, đồng thời cảm nhận được một niềm vui sướng hiện lên trong tâm thức [tôi]. Người tỳ-kheo tiếp tục luyện tập: 'Tôi sắp thở ra, đồng thời cảm nhận được một niềm vui sướng hiện lên trong tâm thức [tôi].

 

            "Người tỳ-kheo tiếp tục luyện tập: 'Tôi sắp hít vào, đồng thời tập trung tâm thức [tôi] (tạo cho mình một sự chú tâm thật mạnh và vững chắc / "chánh niệm"). Người tỳ-kheo tiếp tục luyện tập: 'Tôi sắp thở ra, đồng thời tập trung tâm thức [tôi]'

 

            "Người tỳ-kheo tiếp tục luyện tập: 'Tôi sắp hít vào, đồng thời buông xả tâm thức [tôi]. Người tỳ-kheo tiếp tục luyện tập: 'Tôi sắp thở ra, đồng thời buông xả tâm thức [tôi]'.

 

            "Người tỳ-kheo tiếp tục luyện tập: 'Tôi sắp hít vào, đồng thời suy tư (chiêm nghiệm, suy nghĩ) về vô thường' (sự biến động và đổi thay của mọi hiện tượng). Người tỳ-kheo tiếp tục luyện tập: 'Tôi sắp thở ra, đồng thời suy tư về vô thường'.

 

            "Người tỳ-kheo tiếp tục luyện tập: 'Tôi sắp hít vào, đồng thời suy tư về sự kiện không còn đam mê' (dispassion / không còn thèm khát và bám víu vào các hiện tượng đang chuyển động và đổi thay). Người tỳ-kheo tiếp tục luyện tập: 'Tôi sắp thở ra, đồng thời suy tư về sự kiện không còn đam mê'.   

 

            "Người tỳ-kheo tiếp tục luyện tập: 'Tôi sắp hít vào đồng thời suy tư về sự chấm dứt (cessation / sự dừng lại, sự tan biến của các thứ đam mê)'. Người tỳ-kheo tiếp tục luyện tập: 'Tôi sắp thở ra, đồng thời suy tư về sự chấm dứt'.

 

            "Người tỳ-kheo tiếp tục luyện tập: 'Tôi sắp hít vào, đồng thời suy tư về sự buông xả (relinquishment / từ bỏ, buông bỏ, xả bỏ)'. Người tỳ-kheo tiếp tục luyện tập: 'Tôi sắp thở ra, đồng thời suy tư về sự buông xả'.

      

               "Này Ānanda, đấy gọi là sự chú tâm ("chánh niệm") hướng vào hơi thở vào và hơi thở ra.

 

            "Này Ānanda, nếu đến thăm người tỳ-kheo Girimānanda, thì hãy lập lại với người tỳ-kheo ấy về mười phương cách cảm nhận do ta nêu lên, sau khi được nghe mười phương cách cảm nhận đó thì tình trạng ốm đau của người tỳ-kheo ấy sẽ tức khắc thuyên giảm.    

 

            Sau khi được nghe mười phương cách cảm nhận do chính Đấng Thế Tôn giảng dạy, thì Ānanda bèn đi tìm Ngài Girimānanda để lập lại những lời giảng đó. [Quả vậy] sau khi được nghe những lời giảng dạy đó thì bệnh trạng của Ngài Girimānanda thuyên giảm và Ngài Girimanda đã hoàn toàn bình phục. Đấy là cách phải làm thế nào để căn bệnh của Ngài Girimanda phải chấm dứt.

 

 

Vài lời ghi chú của người chuyển ngữ

 

           Người tỳ-kheo Ānanda, và cũng là người đệ tử bên cạnh Đức Phật, khẩn khoản xin Đức Phật hãy đến thăm vị tỳ-kheo Girimānanda trong Tăng đoàn đang lâm trọng bịnh. Thế nhưng Đức Phật giữ yên lặng trước lời thỉnh cầu đó và chỉ nêu lên mười phương cách cảm nhận và nói với người đệ tử Ānanda nếu khi nào đến thăm người tỳ-kheo Girimānanda thì hãy thuật lại với người tỳ-kheo này về mười phương cách cảm nhận đó. Sau khi nghe - tất nhiên sau đó sẽ phải luyện tập - thì bệnh trạng của người tỳ-kheo Girimānanda sẽ có thể "thuyên giảm".

 

           Trước hết chúng ta có thể thắc mắc vì lý do nào Đức Phật không trực tiếp đến thăm và chữa bệnh cho người tỳ-kheo Girimānanda mà lại giao phó việc đó cho người đệ tử Ānanda? Đức Phật không phải là một vị y sĩ chăm sóc sức khỏe cho một người bệnh mà là vị Lương y của tất cả chúng sinh. Ngay cả người đệ tử thân cận bên cạnh Đức Phật là Ānanda cũng không hiểu được điều đó. Nếu Ngài đến thăm và tìm cách chữa bệnh cho người tỳ-kheo Girimānanda, thì khi các tỳ-kheo khác ngả bệnh thì Ngài cũng sẽ phải đích thân đến thăm họ hay sao? Hơn nữa, nếu Đức Phật đến thăm người tỳ-kheo Girimānanda và người này hết bệnh, thì người ta có thể nghĩ rằng Đức Phật đã dùng quyền năng thiêng liêng và siêu phàm của mình làm tan biến căn bệnh của người tỳ-kheo Girimānanda. Ngược lại, nếu sau khi Đức Phật đến thăm thì người tỳ-kheo này qua đời, trong trường hợp đó người ta có thể bảo rằng Đức Phật không hàm chứa một sức mạnh hay một quyền năng thiêng liêng và siêu phàm nào cả. Thế nhưng phải hiểu rằng sự sinh, sự già nua, bệnh tật và cả cái chết là hậu quả phát sinh từ kamma ("nghiệp") của một cá thể, vì thế chính cá thể ấy phải tự biến cải kamma do chính mình tạo ra cho mình.   

 

           Đức Phật không đến thăm người tỳ-kheo Girimānanda không phải là vì thiếu lòng từ bi, bởi vì lòng từ bi của Ngài không chỉ hướng vào một cá nhân nào cả mà bao trùm tất cả chúng sinh. Ngược về xa hơn, sau khi Đức Phật đạt được sự Giác ngộ tối thượng thì Ngài thành lập một Tăng đoàn thật hùng hậu và uyên bác trước khi trở về thăm gia đình tại quê nhà, thế nhưng cũng chỉ lưu lại với vua cha và hoàng tộc trong khoảnh khắc của một bữa cơm trưa. Người dì thay mẹ nuôi mình từ tấm bé xin bước theo Tăng đoàn, nhưng Ngài không chấp nhận. Người con trai duy nhất của mình xin theo, Ngài cũng không cho. Sau khi Tăng đoàn van xin thì Ngài đành phải chấp thuận, nhưng giao con mình cho một tỳ-kheo uyên bác trong Tăng đoàn chăm lo việc dạy dỗ. Lý tưởng của Ngài, quyết tâm của Ngài hiện lên qua từng cử chỉ và hành động. Cái gánh nặng trên vai Ngài không phải là tình nghĩa gia đình mà là cái khổ đau mênh mông của con người. Mười phép thiền định không nhất thiết chỉ là để chữa bệnh cho người tỳ-kheo Girimānanda mà còn trao cho người đệ tử Ānanda và các tỳ-kheo khác đang ngồi nghe, và dường như qua sự trung gian đó của Tăng đoàn vào thời bấy giờ Ngài cũng đã gửi lại mười phương cách thiền định đó cho tất cả chúng ta hôm nay.

 

           Bệnh tật, sự già nua và cái chết, dù vào thời đại nào, nơi phương trời nào, luôn là một sự ám ảnh to lớn đối với con người. Sự ám ảnh đó là động cơ sâu kín và chủ yếu nhất đưa đến sự hình thành của tín ngưỡng. Đã là tín ngưỡng thì thường được kèm thêm một số các câu chuyện mầu nhiệm và thiêng liêng. Phật giáo dưới khía cạnh đại chúng cũng không khác gì các tín ngưỡng khác, cũng có các câu chuyện thiêng liêng và mầu nhiệm. Có một người thiếu phụ rất thương con, thế nhưng đứa hài nhi ngả bệnh và qua đời. Người thiếu phụ tìm đến Đức Phật cầu khẩn Ngài cứu con mình sống lại. Đức Phật bảo với người thiếu phụ hãy tìm một gia đình nào chưa hề có một người qua đời và xin gia đình ấy một hạt cải, một thứ gia vị trong bếp, mang lại cho Ngài, thì Ngài sẽ làm phép cứu sống đứa bé. Sau khi đi khắp nơi nhưng không tìm được một gia đình nào không có ai qua đời, bởi vì tất cả mọi người ít nhất đều có một người thân - cha mẹ hay ông bà mình - đã quá vãng. Sự thất vọng đó đã khiến người thiếu phụ tỉnh ngộ. Nôi dung câu chuyện tuy có vẻ đơn giản và khá thật thà, thế nhưng dường như cũng mang một chút thiêng liêng và mầu nhiệm nào đó, phản ảnh một sự thật hiển nhiên và tất yếu của sự sống.    

    

            Trong suốt lịch sử phát triển, Phật giáo chưa bao giờ là một tín ngưỡng lớn, từ lúc bắt đầu hình thành trong thung lũng sông Hằng cho đến đến khung cảnh phát triển ngày nay trên toàn thế giới. Thống kê cho biết số người bước theo Con Đường Phật giáo gồm khoảng 500 đến 550 triệu người trong số 8 tỉ người trên hành tinh này, người Phật giáo phải luôn ý thức vị trí khiêm tốn đó của tín ngưỡng mình, có nghĩa là phải quan tâm nhiều hơn đến các tín ngưỡng khác trong cộng đồng nhân loại, hầu giúp mình học hỏi và mở rộng thêm kiến thức. Trong một tín ngưỡng được xem là lớn nhất và nhiều tín đồ nhất trên hành tinh này, có một câu chuyện khá tương tự với câu chuyện về người phụ nữ có con qua đời và câu chuyện về người tỳ-kheo ốm đau trên đây. Câu chuyện đó như sau:

 

            "Khi ấy, Chúa Giêsu đang nói, thì có một vị kỳ mục kia đến lạy Người mà thưa rằng: “Lạy Ngài, con gái tôi vừa mới chết, nhưng xin Ngài đến đặt tay trên nó, thì nó sẽ sống lại”. Chúa Giêsu chỗi dậy, và cùng với các môn đệ, đi theo ông ấy. Và này có người đàn bà bị bệnh loạn huyết đã mười hai năm, tiến lại đàng sau Người và chạm đến gấu áo Người. Vì bà nghĩ thầm rằng: Nếu tôi được chạm đến áo Người thôi, thì tôi sẽ được khỏi. Chúa Giêsu ngoảnh lại, trông thấy bà ta, liền phán rằng: “Này con, hãy vững lòng. Đức tin của con đã cứu thoát con”. Và người đàn bà được khỏi bệnh.

Khi Chúa Giêsu đến nhà vị kỳ mục, và thấy những người thổi kèn và đám đông đang xôn xao, thì bảo rằng: “Các ngươi hãy lui ra, con bé không có chết đâu, nó ngủ đó thôi”. Họ liền nhạo cười Người. Và khi đã xua đám đông ra ngoài, Người vào cầm tay đứa bé và nó liền chỗi dậy. Tin này đồn đi khắp cả miền ấy" (Phúc âm theo Thánh Mát-thêu - Tin Mừng: Mt 9, 18-26).

 

            Đức Phật dường như không có cái quyền năng siêu phàm như vậy, và đấy cũng lại thêm một lý do nữa khiến chúng ta phải biết ngưỡng mộ và thán phục các khía cạnh mầu nhiệm và siêu phàm của các tín ngưỡng khác. Thế nhưng chúng ta cũng có thể tự hỏi trong đoàn tùy tùng cùng đi đến nhà của đứa bé vừa qua đời, không có ai mang một triệu chứng bệnh tật nào cả dù chỉ là ngoài da hay âm ỉ trong cơ thể hay sao? Người phụ nữ khỏi bệnh và đứa bé sống lại, kể cả những người trong đoàn tùy tùng, có ai còn sống sót đến ngày nay hay không?

 

            Bệnh hoạn và cái chết nhan nhản khắp nơi, không sao chữa trị hết được, bởi vì đấy chỉ là hậu quả tạo ra bởi các nguyên nhân thứ yếu. Các nguyên nhân thứ yếu đưa đến các hậu quả thứ yếu thì nhiều lắm, chúng lôi kéo nhau, thúc đẩy nhau và nhân lên trùng trùng điệp điệp: nguyên nhân này đưa đến hậu quả kia, hậu quả kia lại biến thành nguyên nhân khác. Đấy là sự vận hành của thế giới hiện tượng. Phật giáo không mang chủ đích biến cải sự vận hành đó của thế giới, nói một cách khác là không nhắm vào việc chữa trị bệnh tật cùng các thứ khổ đau gây ra bởi các hiện tượng trong thế giới. Chủ đích của Phật giáo là giúp con người thoát ra khỏi sự vận hành đó của thế giới, tức là chận đứng và hóa giải nguyên nhân tiên khởi nhất và chủ yếu nhất là sự sinh đưa đến sự hình thành của toàn thể cái khối khổ đau, gồm thân xác và tâm thức của mình trong thế giới. Phật giáo gọi sự chận đứng và hóa giải sự sinh đó là sự Giải thoát.

 

            Trở lại với chủ đích giới hạn hơn trong bài kinh trên đây, tức là việc chữa trị bệnh tật  cho người tỳ-kheo Girimānanda, thì sau khi đưa ra mười phương cách thiền định Đức Phật cho người đệ tử Ānanda biết là sau khi được nghe - và tất nhiên là sau đó phải luyện tập - về mười phép cảm nhận do chính Ngài đưa ra, thì bệnh trạng của người tỳ-kheo sẽ thuyên giảm, nhưng không nói là sẽ khỏi hẳn. Cách nói dè dặt đó phản ảnh sự khéo léo của Đức Phật, bởi vì sự thuyên giảm hay khỏi hẳn còn tùy thuộc vào kamma ("nghiệp"), sự quyết tâm và cả khả năng thiền định của người tỳ-kheo Girimānanda. Thế nhưng thật ra trong đoạn cuối, người thuật lại bài kinh này cho biết bệnh trạng của người tỳ kheo Girimānanda không những thuyên giảm mà hoàn toàn biến mất.  

 

            "Bài kinh giảng cho Girimānanda" là một bài kinh khá phổ biến trong Phật giáo  Theravada và cả Đại thừa tại Việt Nam, độc giả có thể gõ vào một công cụ tìm kiếm trên mạng các chữ Kinh Girimānanda Sutta, hoặc Kinh Kỳ-lợi-ma-nan, hoặc Kinh giải bệnh Girimānanda, v.v. thì có thể tìm được hàng chục bản dịch, bài giảng, các bản địch đã được chuyển thành kệ đễ tụng, hoặc cũng có thể nghe giảng và nghe tụng về bài kinh này trên YouTube và một số các trang mạng khác. Sự phổ biến mang tính cách "đại chúng " đó đôi khi có thể đánh lạc hướng chủ đích về một phép luyện tập thiền định rất cụ thể và sâu sắc. Thật vậy, bài kinh không nhất thiết chỉ dùng để tụng niệm hay mang lại một sự hiểu biết nào cả, mà là để giúp chúng ta biến cải kamma ("nghiệp") của chính mình.

 

            Vì vậy khi nào cảm thấy bất an trên thân thể hoặc trong tâm thần, kể cả trong những lúc bình thường và khỏe mạnh, thì chúng ta hãy cứ thử thực hiện mười sự cảm nhận trên đây xem có mang lại một sự biến cải nào đó trong cuộc sống hằng ngày của mình hay không? Chúng ta không cần phải tìm một nơi thanh vắng mà chỉ cần khép cửa phòng, nằm trên giường nếu quá đau yếu, hoặc ngồi trên ghế hay tréo chân dưới đất, sau đó hướng sự chú tâm vào đầu mũi mình để cảm nhận hơi thở ra và hơi thở vào của mình, đồng thời mượn các hơi thở đó đưa vào thân thể mình và tâm thức mình một niềm an vui và thanh thoát giúp mình ý thức được tính cách "vô thường" của chính mình và của cả thế giới. Sự ý thức đó ở một cấp bậc thật sâu xa sẽ giúp mình thực hiện được sự "buông bỏ" và cả sự "chấm dứt". Tóm lại sự thực hiện đó là kết quả mang lại từ một sự luyện tập, không có gì là siêu phàm hay mầu nhiệm để cầu xin hay tụng niệm.

 

Bures-Sur-Yvette, 14.09.22

 Hoang Phong chuyển ngữ     

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/08/2021(Xem: 5420)
Người Á Châu không ai là không biết đến hoa Sen. Vì Á Châu chúng ta có khí hậu ấm áp, nhất là những xứ như Ấn Độ, Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan, Lào, Cam Bốt, Việt Nam, Trung Quốc và ngay cả Đại Hàn hay Nhật Bản, hoa Sen vẫn thường nở khoe sắc thắm vào mùa Hè nắng ấm. Sen có nhiều loại và nhiều màu khác nhau, nhưng hai màu chính mà chúng ta thường thấy là hoa Sen màu hồng và hoa Sen màu trắng. Trong Kinh A Di Đà diễn tả về màu sắc của hoa Sen ở thế giới Tây Phương Cực Lạc thì có cả hoa Sen màu xanh tỏa ra ánh sáng xanh, hoa Sen màu vàng tỏa ra ánh sáng vàng nữa; nghĩa là có nhiều màu sắc khác nhau khi hoa được trổ ra nơi cảnh giới giải thoát ấy.
20/08/2021(Xem: 6186)
Ai đã sống trải qua thời kỳ u ám thê lương của những năm đất nước đói nghèo với tên gọi "thời bao cấp", ắt hẳn thấm thía và nhận biết giá trị quý báu của chén cơm, manh áo. Nói không quá, "cơm trắng, áo đẹp" hầu như chỉ có trong... giấc mơ. Một xị dầu lửa, hay một cục xà bông để vừa giặt, vừa tắm, vừa gội đầu, cũng là những vật phẩm giá trị không phải muốn có lúc nào là được đâu.
19/08/2021(Xem: 6564)
Không sống với quá khứ, cũng không mơ tưởng tương lai. Hãy tập trung tâm thức vào giây phút hiện tại.
19/08/2021(Xem: 7781)
Phật Đản và Vu Lan là hai ngày lễ lớn nhất của Phật giáo trong năm. Riêng đối với tuổi trẻ thì Phật Đản là gốc rễ mà Vu Lan là hoa lá cành. Gốc rễ giữ cội nguồn và hoa lá cành làm giàu thêm vẻ đẹp. Phật Đản là ngày lễ trọng đại mừng Đức Phật Thích Ca ra đời. Vu Lan là ngày kỷ niệm Mục Kiền Liên tâm thành hiếu hạnh. Tích Mục Kiền Liên cứu mẹ đã trở thành biểu tưởng bái vọng của tinh thần báo hiếu tâm linh và cảm hứng sáng tạo nghệ thuật trong đạo Phật.
19/08/2021(Xem: 6673)
Các câu trích dẫn giáo huấn của Đức Đạt-lai Lạt-ma dưới đây được ghi lại từ một tư liệu trên trang mạng tiếng Pháp Evolution-101 https://www.evolution-101.com/citations-du-dalai-Lama/. Các câu này được xếp theo các chủ đề: 1- Tình thương yêu 2- Tiền bạc 3- Hạnh phúc 4- Lòng tốt
18/08/2021(Xem: 9865)
LỜI MỞ ĐẦU Thông thường ở bất cứ quyển sách nào cũng có lời mở đầu của chính tác giả, hoặc lời giới thiệu của một người nào đó cho tác phẩm sắp được ra đời. Nay cũng nằm trong thông lệ ấy, tôi viết lời nói đầu cho quyển sách năm nay lấy tên là: "CHÙA VIÊN GIÁC", một quyển sách bằng tiếng Việt mà bao nhiêu người đã chờ đợi.
17/08/2021(Xem: 7611)
Thật là một điều kỳ diệu và lý thú khi được tin báo trên Viber là Tuyển Tập pháp Thoại vừa hoàn thành và đã sẵn sàng đến tay Phật Tử khi đến dự Lễ Vu Lan tại Tu Viện Quảng Đức (nếu không bị lockdown). Vì sao gọi là kỳ diệu? Chỉ sau khi tôi được học xong 10 duyên mà Đức Phật cho là quan trọng nhất theo thứ tự của 24 duyên, mà chúng ta ai cũng phải gặp trong thời gian còn làm người phàm, và nếu hiểu rõ tường tận thì mình có thể sẽ không bao giờ thốt lên câu “Học muôn ngàn chữ nghĩa nhưng không ai học được chữ Ngờ” của bộ Đại Phát Thú / Vi Diệu Pháp, do Giảng Sư Thích Sán Nhiên đã thuyết giảng qua 61 video, mỗi video kéo dài từ 3: 00 đến 3:50 giờ. Chính vì thế, nhờ đó tôi chợt nhận ra nhân duyên gì đã làm trưởng duyên và đẳng vô gián duyên, để tôi đến với Đại Gia Đình Quảng Đức Đạo tràng nói chung, và tiếp xúc liên hệ với TT Trụ trì Tu viện Quảng Đức Thích Nguyên Tạng và được cộng tác với Ngài trên trang website Phật Giáo, Trang Nhà Quảng Đức, để rồi hôm nay lại có duyên
17/08/2021(Xem: 5153)
Phần này bàn về cách dùng nên so với lên vào thời LM de Rhodes đến truyền đạo. Đây là lần đầu tiên các âm này được dùng trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh (chữ quốc ngữ). Ngoài ra, từ thời Việt Bồ La thì nước Việt đã mở rộng bờ cõi đến tận Cà Mau và khuếch đại các sự khác biệt trong ngôn ngữ như phương ngữ Nam bộ (tiếng Nam Kỳ) so với Bắc Bộ. Do đó các nhân tố địa-chính-trị đã đóng phần không nhỏ trong quá trình hình thành tiếng Việt hiện đại, thí dụ như cách nói "nên mười tuổi", cùng với khuynh hướng "chuẩn hóa" tiếng Việt so với hiện tượng lẫn lộn n và l mà một số tác giả cho là ‘nói ngọng’ đều liên hệ phần nào đến chủ đề bài này.
16/08/2021(Xem: 7609)
Con người sinh ra từ xưa đến nay ai ai cũng phải trải qua 4 giai đoạn. Đó là: Sanh, Già, Bệnh và Chết. Tuy nhiên cũng có người chỉ sanh ra rồi chết liền, không trải qua giai đoạn già hay bịnh; hoặc có người chưa già đã chết vì bịnh hay tai nạn; cũng có lắm người phải sống đến 100 năm hay hơn thế nữa để thấy cuộc thế đổi thay, nhiều khi muốn chết mà chết cũng không được. Dẫu biết rằng sống hay chết là một việc tự nhiên của con người, của muôn vật và ngay cả những chúng sanh có đời sống cao hơn và lâu dài hơn chúng ta, như những vị được sanh ra ở cõi Sắc hay cõi Vô Sắc đi chăng nữa, rồi một ngày nào đó cũng phải chết, phải đi đầu thai. Họ chỉ khác chúng ta là ở cõi đó đời sống sung sướng hơn, có tuổi thọ dài lâu hơn. Vì khi làm người, họ đã biết tạo dựng nhiều phước báu, nên kiếp nầy họ mới được như vậy.
15/08/2021(Xem: 5044)
Cúng ma chay, giỗ người thân đã mất, giỗ ông bà tổ tiên, cúng cô hồn vào những ngày rằm, ngày lễ như lễ Vu Lan, Tết Nguyên Đán …vv cùng với đốt vàng mã là truyền thống ‘tâm linh’ lâu đời của người Việt Nam, là cách tưởng niệm, bày tỏ lòng biết ơn, hiếu đễ đối với người đã khuất, tổ tiên và thần linh. Ngày nay, việc cúng người chết, cúng ‘cô hồn’ và đốt vàng mã tràn lan trên tinh thần kiến chấp ‘dương sao âm vậy’, nên các loại vàng mã thay đổi đa dạng sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế nầy: ngoài áo giấy ra, vàng mã còn có cả xe hơi, nhà lầu, ipad, di động, đô la vv với ý niệm ‘thiện lành’ (nhưng tà kiến) là để người ‘âm’ sử dụng. Không những tập tục này phát triển biến tướng trong nhân gian mà còn ảnh hưởng không tốt đến môt số Phật tử tại gia, và ngay cả tại một số tự viện.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]