Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Làm Sao Thoát Khỏi “Bộc Lưu”?

20/04/202219:57(Xem: 4764)
Làm Sao Thoát Khỏi “Bộc Lưu”?

 LÀM SAO THOÁT KHỎI “BỘC LƯU”?

Thích Nư Hằng Như

 Buddha-325

I. DẪN  NHẬP

Đời sống của con người thọ mạng nhiều lắm chỉ trên dưới trăm năm. Trong chuỗi thời gian này con người hưởng hạnh phúc không bao nhiêu, mà phải trải qua bao cuộc thăng trầm vinh nhục, đau thương và sợ hãi. Nỗi đau khổ và sợ hãi lớn nhất của con người là sự chết. Không ai muốn chết nhưng cái chết vẫn cứ đến. Cái chết đến theo chu kỳ sinh, già, bệnh rồi chết, nhưng cũng có khi nó đến bất cứ lúc nào không ai biết trước được. Cái chết chấm dứt đời sống này, nhưng rồi lại phải tái sanh qua đời sống khác hầu trả nghiệp do mình đã tạo ra. Cứ như thế mà chịu trầm luân trong sáu cõi Trời, Người, Atula, Súc sanh, Ngạ quỷ, Địa ngục. Muốn thoát khỏi vòng luân hồi, con người cần phải tu tập  buông bỏ những khát vọng luyến ái đam mê, buông bỏ những ham muốn dục lạc thế gian, hành trì quán chiếu theo lời dạy của Đức Phật, diệt tận tham, sân, si. Đức Phật là ai?

Hơn hai ngàn sáu trăm năm trước, có một vị Thái tử ở đất nước Ấn Độ cổ xưa đã từ bỏ cuộc sống vinh hoa phú quý, từ bỏ ngai vàng điện ngọc, xa lìa cha mẹ, vợ con... ra đi tìm đạo giải thoát. Trải qua sáu năm dài khổ hạnh trong rừng sâu, tự thân Ngài đã vượt thắng những quyến rủ thường tình của ngũ dục. Rồi từ đó tìm ra phương pháp tu tập. Sau bốn tuần thiền Định dưới cội Bồ Đề, Ngài chứng quả Vô Thượng Chánh Đẳng Giác được tôn vinh là Phật với mười thánh hiệu, trong đó có thánh hiệu Thiên Nhân Sư là  bậc Thầy của con Người và chư Thiên. (*)

Chúng sanh sống ở cõi Trời được hưởng nhiều phước báu, muốn gì được đó. Nhưng nếu chúng sanh cõi này không biết tu tập giải thoát, thì sau khi hưởng hết phước sẽ bị đọa xuống làm người hay sinh vào ác thú tiếp tục trả nghiệp ác gây ra trước kia. Muốn tránh trường hợp sau này bị đẩy vào dòng thác lũ của đời người, đã có nhiều vị Thiên tìm đến Đức Thế Tôn để thính pháp. Câu hỏi “Làm sao thoát khỏi bộc lưu” là câu hỏi khó, không riêng gì loài người mà ngay cả loài Trời cũng thắc mắc phân vân.

một bài kinh ngắn tựa là “Bộc Lưu” kể lại giai thoại một vị Thiên tử đã đến thỉnh pháp từ Đức Thế Tôn trong một đêm gần sáng nơi thành Xá-Vệ tại khu vườn Cấp-Cô-Độc. Kinh “Bộc Lưu” được ghi lại trong Tương Ưng Bộ I, Chương Chư Thiên, Phẩm Cây Lau. Bài kinh này chỉ cho dòng thác đang chảy xiết mà Đức Thế Tôn dụ cho sự chấp trước, sự chìm đắm mê muội trong ngũ dục, cả với dòng tâm thức trôi chảy sanh diệt quay cuồng trong quá khứ, hiện tại và tương lai không ngừng nghỉ của chúng sanh và cách thoát ra khỏi chúng.

 

II. KINH “BỘC LƯU”

-CHÁNH VĂN:

“Như vầy tôi nghe;

Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi (Xá-Vệ), Jetavana (Thắng Lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Độc). Rồi một vị Thiên, khi đêm đã gần tàn, với nhan sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Đứng một bên, vị Thiên ấy bạch Thế Tôn:

-Thưa Tôn giả, làm sao Ngài vượt khỏi bộc lưu?

-Này Hiền giả, không dừng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.

-Thưa Tôn giả làm sao không đứng lại, không bước tới, Ngài vượt khỏi bộc lưu?

- Này Hiền giả, khi Ta đứng lại, thời Ta chìm xuống. Này Hiền giả, khi Ta bước  tới, thời Ta trôi dạt; do vậy này Hiền giả, không dừng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.

(Vị Thiên)

Từ lâu, tôi mới thấy

Bà-la-môn tịch tịnh

Không đứng, không bước tới,

Vượt chấp trước ở đời.

Vị Thiên nói như vậy và bậc Đạo Sư chấp nhận. Vị Thiên ấy biết được:”Thế Tôn đã chấp nhận ta”. Vị ấy đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài, rồi biến mất tại chỗ.”

 

III. TÌM HIỂU Ý NGHĨA KINH “BỘC LƯU”

            - Như vầy tôi nghe:  Là cụm từ bắt đầu cho bất cứ bản kinh Phật nào. Nguyên do là khi Đức Phật sắp nhập Niết-bàn.  Tôn giả A-Na-Luật đề nghị Tôn giả A-Nan bạch hỏi Phật bốn điều:

1) Khi kết tập kinh điển, mở đầu văn kinh nên dùng chữ gì làm tiêu biểu cho tất cả kinh tạng?

2) Khi Phật còn tại thế thì các đệ tử đều an trú cùng một nơi với Phật. Vậy sau khi Phật nhập Niết-bàn thì họ phải sống với ai?

3) Khi Phật còn trụ thế thì Phật là Thầy. Vậy sau khi Phật nhập Niết-bàn thì nên tôn ai làmThầy?

4) Nên đối phó như thế nào với các Tỷ-kheo có tánh tình xấu ác?

Đáp lời thưa thỉnh của ngài A-Nan, Đức Phật trả lời rằng:

1) Khi kết tập kinh tạng, hãy dùng bốn chữ “tôi nghe như vầy” (Như thị ngã văn) đễ mở đầu cho tất cả các bộ kinh.

2) Hãy nương theo Tứ Niệm Xứ mà an trú. Tứ Niệm Xứ chính là Thân, Thọ, Tâm và Pháp. Quán thân bất tịnh, quán thọ thì khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã.

3) Khi Phật còn tại thế thì Đức Phật là Thầy. Khi Phật nhập Niết-bàn thì lấy Giới làm Thầy.  Giới là Thầy của tất cả Tỷ-kheo và Tỷ-kheo-ni.

4) Hãy dùng phương pháp “mặc tẫn” để đối phó với các Tỷ-kheo tánh ác. “Mặc” nghĩa là mặc kệ, làm thinh, không nói chuyện với họ. Còn “tẫn” là làm lơ, không quan tâm, không để ý đến họ nữa.

            Trở lại cụm từ “Như vầy tôi nghe.”  Như vầy là từ chỉ cho pháp, chỉ Bộ Kinh sắp diễn nói. “Tôi nghe như vầy” hay “Như vầy tôi nghe  có nghĩa là “Pháp như vầy,  tự thân tôi (A-Nan) nghe Đức Phật nói, chứ chẳng phải tôi bày vẽ tạo ra”

-Nhan sắc thù thắng: Sắc đẹp vượt trội.

-Thiên: Là người phát ánh sáng chói rọi.

-Danh từ chư Thiên: Chỉ những chúng sinh sống trong thiện đạo. Nhờ những nghiệp tốt đã tạo, nên chư Thiên thọ mệnh rất dài và luôn sống trong an lạc hạnh phúc. Nhưng chính hạnh phúc này là chướng ngại trên đường giải thoát vì họ không hề giáp mặt với nỗi khổ. Do đó họ không biết khổ trong Tứ diệu đế là gì?

Theo Phật giáo có 28 cõi Thiên, gồm 6 cõi Dục giới, 18 cõi Sắc giới và 4 cõi Vô sắc giới. Dục giới có 6 cõi Trời, là những chúng sanh được hưởng nhiều phước báo, nhưng chỉ là phước báo tạm bợ, vẫn mang hình thể nam nữ nhưng vi tế hơn loài người, họ vẫn còn dục vọng như con người. Sáu cõi Trời của cõi dục còn gọi là lục dục thiên được xếp theo thứ tự từ thấp lên cao gồm:  (1) Tứ-Thiên-Vương;  (2) Đao Lợi (cõi trời 33 tức Tam-Thập-Tam Thiên); (3) Dạ-Ma Thiên;  (4) Đâu-Suất Thiên là cõi của thiên nhân có niềm vui thầm lặng, đó là chỗ Bồ-tát Di-Lặc đang giáo hóa. (5) Hóa-Lạc Thiên và (6) Tha-Hóa-Tự-Tại Thiên.

Các chư thiên sinh trong Sắc giới là những vị đạt Tứ Thiền đã diệt tận tham ái xác thịt, nhưng vẫn còn sắc thân, vẫn còn phải chịu hành khổ, hoại khổ tức là khi thời điểm tới thân xác cũng chịu hư hoại rồi chết, chúng Thiên này chưa thoát khỏi luân hồi sanh tử.

 Các vị đạt Tứ Xứ  (Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ) sẽ sinh trong Vô Sắc giới, các vị này đã giải thoát khỏi Sắc uẩn nhưng vẫn còn Tâm, tức còn bốn uẩn Thọ, Tưởng, Hành, Thức.

Lưu ý: Trong quyển “Đức Phật và Phật Pháp”, Hòa Thương Narada Maha Thera đã nói: “Nên ghi nhận rằng Đức Phật không nhằm mục đích truyền bá lý thuyết về vũ trụ nào. Cho dù những cảnh giới trên có thật hay không cũng không ảnh hưởng gì tới giáo lý của Ngài, không ai bắt buộc phải tin một điều nào nếu điều ấy không thích hợp với suy luận của mình. Thế nhưng nếu bác bỏ tất cả những gì mà lý trí hữu hạn của ta không thể quan niệm được thì điều đó cũng không phải hoàn toàn chinh đáng”.

-Bộc lưu: Bộc, âm Hán Việt nghĩa là thác nước. Lưu, nghĩa là dòng nước chảy. Bộc lưu có nghĩa chung là thác nước chảy xiết.

Bộc lưu trong bài kinh này mang ý nghĩa ẩn dụ là dòng thác của cuộc đời đang cuồn cuộn đổ ập vào chúng sanh một cách khủng khiếp. Nó xoay dần, cuốn hút, xô đẩy chúng sanh tạo nghiệp luân hồi sinh tử.

Bộc lưu trong Phật pháp bao gồm rất nhiều thứ. Chẳng hạn như bộc lưu dục vọng. Con người vốn sinh ra từ dục nên nhu cầu hưởng thụ dục vọng đối với họ là chuyện bình thường. Dục vọng là những điều ham muốn không bao giờ đủ của con người. Tùy theo vọng tưởng đam mê mà con người đắm chìm trong tài, sắc, danh, thực, thùy. Vì những thứ này mà con người không kiềm chế được tâm tham, sân, si. Do lòng tham mà họ tranh giành cấu xé lẫn nhau có khi bất chấp đạo đức để chiếm hữu hay thỏa mãn những gì họ mong muốn.  Chính vì thế mà con người tạo ra không biết bao nhiêu là ác nghiệp.

Nghiệp được hiểu là hành động có tác ý, gồm ba phần thân, khẩu, ý gọi chung là tam nghiệp. Nghiệp có tốt có xấu, có thiện có ác. Nghiệp nhân đã tạo ra rồi thì sớm muộn gì cũng trổ quả. Không ai có thể trốn tránh nghiệp, dù nghiệp đó đã gây ra từ nhiều đời quá khứ. Khi nghiệp xấu trổ quả, nghiệp nhẹ có thể qua mau, còn nghiệp nặng, nó khiến con người gặp những phiền não, đau đớn, thất vọng, khổ sở, không ngốc đầu lên nổi. Cho nên hành nghiệp cũng được xem như là một loại bộc lưu kinh khủng. Vì hễ còn nghiệp là còn bị trói buộc trong vòng luân hồi sinh tử.

Sống trên đời không ai thoát khỏi quy luật sanh già bệnh chết. Quy luật này cũng chính là bộc lưu khiến con người lúc nào cũng sợ hãi phải đối đầu với nó. Mà cho dù có can đảm đối đầu đi nữa, nhưng nếu không có phương pháp, không có đường lối tu tập theo đúng với Chánh pháp, thì nghìn kiếp, triệu kiếp vẫn mãi trôi lăn theo vòng quay của bánh xe luân hồi không bao giờ có lối thoát.

-Không đứng lại, không bước tới, Ta thoát khỏi bộc lưu: Đây là câu trả lời của Đức Thế Tôn dành cho vị Trời cầu pháp “Làm sao vượt khỏi bộc lưu?”  Câu này chúng ta có thể hiểu rằng “muốn vượt khỏi bộc lưu thì hành giả không được phép dừng lại, cũng không được phép bước tới!”

Câu trả lời của Đức Phật khiến cho vị Thiên tử kia, và ngay cả người thông thường như chúng ta cũng thắc mắc không hiểu nổi. Bởi một khi chúng ta đứng trên hay trước một dòng nước đang chảy xiết, thông thường chúng ta đứng lại, hoặc bước tới để chạy trốn khỏi dòng nước. Nhưng bậc Đại Giác lại bảo rằng “không đứng lại, không bước tới, thì ngay khi đó Ngài thoát khỏi bộc lưu”. Thật là khó hiểu. Vì vậy, vị Thiên tử đã nêu lên thắc mắc: “Làm sao không đứng lại, không bước tới, Ngài vượt khỏi bộc lưu?”. Bấy giờ Đức Phật mới khai thị:

- Này Hiền giả, khi Ta đứng lại thời Ta chìm xuống, khi Ta bước tới thời Ta trôi dạt. Do vậy, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu. Đây là một câu nói ẩn dụ dành trả lời cho những người tu học theo đạo Phật.

- Tại sao đứng lại thì bị chìm xuống: Chìm xuống ở đây có nghĩa là con người bị dòng nước xoáy nhận chìm khi đứng lại. Dòng nước xoáy mạnh này dụ cho những tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, hôn trầm, trạo cử, kiết sử, tùy miên, vô tầm, vô quý, đam mê với tài, sắc, danh, thực, thùy, hoặc sống ngay trong hiện tại mà luôn truy tìm về quá khứ và sống vui buồn theo quá khứ, hoặc mê man hưởng thụ lạc thú, không nhận ra chân lý của cuộc đời qua lời dạy của các bậc Chân nhân thì người đó đã đứng lại và bị nhận chìm trong bộc lưu tức bị những ác pháp nêu trên hành khổ.

-Tại sao bước tới thì bị trôi dạt: Bước tới nghĩa là cả thân tâm đều chạy theo ngũ dục trần cảnh, nghĩa là bị ngũ dục cuốn trôi. Ngũ dục vô tận,  con người sống theo ngũ dục, nên cũng bị trôi dạt theo ngũ dục, theo phiền não vô tận. Bản chất tham lam khiến con người thường mong cầu cuộc sống hạnh phúc tốt đẹp trong tương lai, nên luôn để tâm trí thêu dệt hết vọng cảnh này đến cảnh mộng khác, từ ý nghĩ này sang ý nghĩ khác.  Khi rơi vào trạng thái đó nghĩa là tâm thức đang trôi dạt hướng vọng đến tương lai. Đời sống nhân gian,  đa số người ta có thói quen hướng ngoại hơn hướng nội. Giải quyết vấn đề gì cũng để ý thức phân biệt so sánh đưa tới cảm thọ thương, ghét, giận hờn (tham, sân, si). Người nào để  tâm nhị nguyên chiếm lĩnh xử lý mọi việc thì người đó đang bị lôi kéo, trôi dạt theo dòng nước cuốn.

Con người đứng lại thì bị nhận chìm, bước tới thì bị trôi dạt theo dòng nước cuốn. Như thế cuộc sống của họ lúc nào cũng lo âu phiền não. Nếu như  có được chút sung sướng nhờ hưởng thụ một chút tiền tài, danh vọng, được ăn ngon, ngủ kỷ, thì người đó cũng phải trả một cái giá không nhỏ. Khi đạt được rồi lại nươm nướp lo sợ một ngày nào đó hạnh phúc bị mất đi. Từ xưa đến nay có cái gì của mình mà ở lại với mình mãi đâu. Đức Phật đã từng nói tất cả các pháp hữu vi đều vô thường mà!  Con người không tỉnh ngộ, mải mê phục vụ  những đòi hỏi của bản ngã nên tạo nhiều nghiệp... để rồi phải chịu luân hồi sanh tử. Sống như vậy là sống trong đau khổ,  sống trong thoi thóp nghẹt thở chờ chết, vì bị bộc lưu xoáy cuốn tơi bời. Chính vì vậy nên Đức Phật đã khai thị ngắn gọn cho vị Thiên tử rằng là: “Không đứng lại không bước tới, Như Lai thoát khỏi bộc lưu”.

Vậy lúc đó Như Lai đứng ở vị trí nào mà Ngài vượt thoát khỏi bộc lưu. Đó là lúc tâm Ngài đang ở trong thực tại bây giờ và ở đây. Chỗ đó không bị ảnh hưởng của  không gian và thời gian. Chỉ là một sự yên lặng tỉnh thức với cái Biết Không Lời của tâm về các đối tượng khi sáu căn tiếp xúc, mà ngôn ngữ Thiền gọi là Chánh Niệm Tỉnh Giác. “Cái Biết Không Lời” là đặc tính của Tánh giác. Khi cái Biết này sâu sắc thì trở thành “Nhận thức không lời”  là đặc tính của Phật Tánh.

 

IV. LÀM SAO VƯỢT KHỎI “BỘC LƯU” ?

Lời khai thị của Như Lai trả lời câu hỏi của vị Thiên tử “Làm sao vượt khỏi bộc lưu” là “không đứng lại, không bước tới, Ta thoát khỏi bộc lưu” thật ngắn gọn nhưng nó bao hàm cả một đời hay nhiều đời tu tập về Pháp Học và Pháp Hành cho những ai muốn thoát khỏi biển đời sinh tử trong nhà Phật.

Sau khi tìm hiểu nghĩa “bộc lưu” dụ cho những nguyên nhân khiến con người bị nhận chìm và trôi dạt đến một phương trời tăm tối si mê. Muốn thoát ra khỏi “bộc lưu” chúng ta phải có phương pháp tu tập. Trước hết phải gần gủi các bậc Chân Nhân học hỏi nơi các Ngài, để hiểu rõ bốn sự thật về khổ. Đó là Tứ Diệu Đế gồm Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế. Nhờ học hỏi, chúng ta biết thêm rằng vạn pháp có mặt ở trên đời này do nhiều nhân nhiều duyên kết hợp mà thành. Khi duyên tan rả thì vật đó cũng tan rả biến mất để trở thành một dạng thể khác. Hiểu và tin rằng cuộc đời của con người được vận hành bởi Nghiệp quả thì chúng ta không dính mắc với những phiền muộn, đau khổ hay hạnh phúc do thế gian mang tới. Đấy là Pháp Học.

Còn Pháp Hành? Chúng ta phải tu tập thiền Định và thiền Huệ. Nhờ thiền Định mà tâm chúng ta bình ổn. Nhờ thiền Huệ mà tâm trí chúng ta sáng suốt không bị bộc lưu nhận chìm hay cuốn trôi vào vòng luân hồi sinh tử. Trong thời gian bốn mươi lăm năm giáo hóa, Đức Thế Tôn đã tùy theo căn cơ của chúng sanh mà  truyền dạy rất nhiều phương pháp thoát khổ. Trong đó có pháp “Thu Thúc Lục Căn” thích hợp với nhiều người.

 

                                                   THU THÚC LỤC CĂN

 Khi lục căn tiếp xúc với lục trần là khi mắt thấy sắc, tai nghe âm thanh, mũi ngửi mùi hương, lưỡi nếm vị, thân va chạm và ý suy nghĩ đưa đến cái biết. Cái biết do mắt tiếp xúc với sắc gọi là Nhãn thức, do tai tiếp xúc với âm thanh gọi là Nhĩ thức, do mũi ngửi thấy mùi hương gọi là Tỷ thức, do lưỡi tiếp xúc với gia vị ngọt, cay, đắng, mặn, bùi… gọi là Thiệt thức, thân va chạm với lạnh nóng, thô kệch hay mịn màng có cái biết gọi là Thân thức, Ý suy nghĩ gọi là Ý thức.

Do các căn tiếp xúc với các trần có Ý thức xen vào phân biệt khen chê tác động vào tâm cảm xúc khiến con người sinh ra thích hay không thích, thương hay không thương, ưa hay không ưa. Tâm sẽ chạy theo những gì nó thích và tìm cách bám lấy hay chiếm đoạt cho bằng được. Còn như đối tượng, nó không ưa thì nó lẫn tránh xua đuỗi. Nếu không tránh được, có khi tâm rơi vào trạng thái sân giận chán ghét. Từ đó tâm tham sân si được thành lập. Tham sân si chính là bộc lưu sẽ cuốn hút chúng sanh đến cảnh giới thích ứng  và tạo nghiệp.

Thu thúc lục căn là tu tập bằng cách huấn luyện Ý thức yên lặng khi lục căn tiếp xúc với lục trần, hành giả giữ cái biết khách quan, “không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng”, tức biết cái đang là của đối tượng, tâm biết nhưng dửng dưng không bị đối tượng cuốn hút hay quyến rủ đưa đến nhung nhớ, suy nghĩ… Pháp tu này, có nghĩa là hành giả không bước tới, không ôm ấp nắm giữ tướng chung hay tướng riêng của đối tượng. Tâm chỉ có cái biết chân thật về đối tượng. Đối tượng như thế nào biết như thế nấy!

Pháp này cũng được xem là pháp “Như Thật”, thấy đối tượng như thế nào biết như thế đó hoặc pháp “Không Gọi Tên Đối Tượng” thấy đối tượng, biết nhưng không diễn nói, không gọi tên trong đầu, tức không nói thầm trong não, tâm hoàn toàn yên lặng.  Đây là pháp thuộc thiền Huệ.

Thu thúc lục căn qua “Chánh niệm” nghĩa là lúc nào tâm cũng có mặt trong thực tại bây giờ và ở đây. Tâm không buông lung chạy theo vọng cảnh hay vọng tâm, không truy tìm bám víu quá khứ, cũng không mơ tưởng ước vọng tương lai. Ngay trong hiện tại không bị hòan cảnh lôi cuốn theo ngũ dục. Khi hành giả ở trong “Chánh niệm tỉnh giác”, có nghĩa là hành giả không dừng lại, không bước tới, hành giả an trú trong “bây giờ và ở đây”. Tâm hành giả không động không rung chuyển trước bất cứ trận cuồng phong nào của cuộc đời thổi tới như thành công hay thất bại, tán thán hay chê bai, sỉ nhục hay khen thưởng đau khổ hay hạnh phúc…. thì ngay khi đó hành giả đã vượt thoát bộc lưu.

 

                                                            V. KẾT LUẬN

            Lời khai thị của Đức Phật dành cho vị Thiên tử vào một đêm gần sáng tuy ngắn gọn nhưng dụ một bài học lớn không chỉ dành cho vị Thiên tử đó, mà còn dành cho cả loài người chúng ta. Sống trong cuộc đời nếu không khéo học hỏi, không nhận thức và hành động đúng đắn, để cho bản ngã dính mắc vào với những buồn thương hay hạnh phúc của quá khứ hoặc chạy theo ảo ảnh của tương lai và bị nhận chìm trong những đam mê sắc dục, danh vọng, tiền tài. quyền lực… thì cả đời người chỉ khổ, vì những thứ đó trong nhà Phật so sánh như là những dòng nước lũ nhận chìm hoặc cuốn trôi con người không bến đổ. Bến đổ ở đây chính là bờ giác ngộ, nơi không còn khổ đau. Bờ Giác Ngộ không dễ đến được trong một sớm một chiều, nhưng nếu chịu học hỏi tu tập theo Bát Chánh Đạo, giữ được Chánh niệm thì ngay lúc đó hành giả cũng đã chạm tới niềm an lạc hạnh phúc, vì  không bị chìm xuống đáy vực sâu cũng không bị trôi dạt theo dòng nước lũ. Thực tập Chánh Niệm, chúng ta đừng quên lời dạy của Đức Thế Tôn trong bài kinh “Nhất Dạ Hiền Giả”: 

                        Quá khứ không truy tìm

                        Tương lai không ước vọng

                        Quá khứ đã đoạn tận

                        Tương lai lại chưa đến

                        Chỉ có pháp hiện tại

                        Tuệ quán chính là đây

                        Không động không rung chuyển

                        Biết vậy nên tu tập!

Tâm không động không rung chuyển” giây phút nào, thì giây phút đó hành giả đã thoát khỏi bộc lưu. Vượt qua bộc lưu là vượt qua những đòi hỏi của bản năng, từ đó có cơ hội vượt qua biển khổ sinh diệt. Sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý là sáu cánh cửa có thể giúp con người an trú trong cõi an nhiên tự tại bây giờ và ở đây, ngược lại nó cũng dễ dàng đưa con người vào ba đường khổ, nếu không biết tu tập. Pháp tu “Thu Thúc Lục Căn” giúp thanh tịnh sáu căn với cái biết chân thật, thấy sao biết vậy, giúp kiềm chế, ngăn chận, gội rửa những ô nhiễm do vọng tưởng  gây ra. “Thu Thúc Lục Căn” là phương tiện cần thiết mà Đức Thế Tôn cũng như các bậc Thầy Tổ đã truyền dạy cho chúng ta. Muốn thoát khỏi bộc lưu, chúng ta phải bắt đầu tu tập pháp này ngay từ bây giờ.

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

THÍCH NỮ HẰNG NHƯ

( An cư Kiết Xuân 2022 tại Thiền Viện Chân Như, Navasota, TX)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/12/2021(Xem: 6413)
Triết học Phật giáo và Cơ học Lượng tử luôn có sự hỗ tương cho nhau. * Sự kỳ lạ của Cơ học Lượng tử đến mức thách thức các nhà khoa học và triết học tìm hiểu một số nhận thức sâu sắc hơn về bản chất của thực tế. * Một nỗ lực để tìm cách diễn giải Copenhagen, và một số người tin rằng cách lý giải này dựa vào Thế giới quan Phật giáo. * Mặc dù tôi là một Phật tử nhưng tôi phản bác quan điểm vật lý học chứng minh Thế giới quan Phật giáo.
05/12/2021(Xem: 6150)
Khi đặt lợi ích của người khác lên hàng đầu, chúng ta thiết lập các kết nối sâu sắc, và giúp những người xung quanh tránh bị kiệt sức.
05/12/2021(Xem: 4259)
Mọi người bảo bạn hãy "Giữ bình tĩnh", không ai nói cho bạn biết cách làm. Những cuốn sách về thế giới của nhà văn Terry Pratchett, tác giả của loạt tiểu thuyết giả tưởng Discworld nổi tiếng, đang trở thành một bộ phim truyền hình, một trong những nhân vật kể chuyện cho người khác nghe: "Bạn có thể trực tiếp sống trong thời đại thú vị." (May you live in interesting times)
04/12/2021(Xem: 6718)
Một con gà chết oan Bên vệ đường cuộc thế Nhân sinh tùy vô ngại Nhặt nó về nấu ăn
03/12/2021(Xem: 4303)
Hằng ngày theo thông lệ kiểm mail, tôi bất chợt nhận thư mời tham dự Đại Hội Hoằng Pháp lần thứ nhất của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) qua Zoom do Hòa Thượng Thích Như Điển thông báo. Gần ngày Đại Hội, lại nhận mail của anh Phù Vân Chủ Bút báo Viên Giác giao nhiệm vụ cho tôi và cô bạn văn Hoa Lan tường thuật buổi Đại Hội. Thế là có động lực thôi thúc tôi quyết định ghi danh tham dự. Đại Hội bắt đầu lúc 4 giờ Âu Châu, thì phải lo dậy từ 3 giờ sáng mới có thể chuẩn bị cho kịp vào Zoom vì trước 15 phút Zoom khóa cửa. Chẳng những thế, từ chiều, còn phải chuẩn bị sạc pin cho đủ 100%, ăn cơm sớm, ngủ sớm lấy sức và không quên vặn đồng hồ báo thức... Đại Hội Hoằng Pháp lần thứ nhất quy tụ rất nhiều Chư Tôn Đức Tăng, Ni, Phật Tử khắp nơi trên thế giới từ Âu, Mỹ, Á, Úc... cùng nhau vào Zoom bàn chuyện phiên dịch Đại Tạng Kinh tiếp nối con đường tiền nhân để lại.
01/12/2021(Xem: 5143)
Vào tối hôm thứ Năm, ngày 25 tháng 11 vừa qua, các chi hội thứ nhất, nhì, ba Hiệp hội Quốc tế Phật Quang Sơn Toronto, Canada đồng phối hợp tổ chức một nhóm tọa đàm "Đối thoại về Tâm" (與心對話). Pháp sư Dương Phái Hân (楊沛欣法師), người tổng triệu tập Tổng hội đọc sách Phật giáo Nhân gian Toronto, dùng Pháp ngữ Trí tuệ của Đại sư Tinh Vân, Tông trưởng khai sơn Phật Quang Sơn Đài Loan, các hội viên đồng nghiên cứu thảo luận "Hướng Tuyệt diệu Sống Tự do Tự tại" (自由自在的生活妙方).
01/12/2021(Xem: 7152)
Ngẫm lại, điều gì ta xem trọng nhất trong đời. - Một người phụ nữ bất hạnh tìm đến lão Thiền sư nơi thâm sơn mong được Ngài chỉ dạy cho bí quyết nhân sinh hạnh phúc. Lão thiền sư trang nghiêm trong tư thế kiết già, khung cảnh tĩnh lặng chỉ còn nghe tiếng suối chảy róc rách và tiếng lá khô xào xạc. Thiền sư hỏi: “Xin hỏi đạo hữu, điều mà đạo hữu đang xem trọng nhất là gì?”.
29/11/2021(Xem: 5842)
Mấy hôm nay đọc báo trên các mạng lưới trực tuyến xã hội tiếng Việt, người Việt khắp nơi trong cũng như ngoài nước, được nghe một nguồn dư luận mới xôn xao về việc nên giữ hay bỏ một câu khẩu hiệu đã trở thành quá quen thuộc trong tất cả các hệ thống trường học Việt Nam từ xưa tới nay. Đó là câu châm ngôn “tiên học lễ, hậu học văn” thường được dán ngay trên tường trước mặt học sinh trong lớp học. Vì đã quá quen thuộc và mặc nhiên được coi đây là một đạo lý đương nhiên kết hợp giữa tinh thần tôn sư trọng đạo và rèn luyện nhân cách nên qua nhiều thế hệ, câu khẩu hiệu này đã trở thành một lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà nghiêm cẩn chuyên chở giá trị nhân văn đào tạo thế hệ trẻ. Đây không phải là một câu khẩu hiệu thời trang để trang trí lớp học mà là một châm ngôn rèn luyện nhân cách trong đời sống học trò. Bởi vậy, chẳng có thầy giáo hay học sinh nào còn bận tâm đặt câu hỏi là nên hay không nên treo câu khẩu hiệu mang nội dung “nguyên lý giáo dục” hay đạo lý trồng người nầy. (Chữ L
27/11/2021(Xem: 6266)
Phật thời còn tại thế gian Có ông vua nọ ngọc vàng đầy kho Chất cao như ngọn núi to Một ngày vua muốn phát cho mọi người Đem ra bố thí khắp nơi Cái tâm phước thiện tuyệt vời biết bao!
23/11/2021(Xem: 20383)
314. Vua, Thiền Sư Trần Thái Tông Người thiết lập nền tảng cho Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử Đây là Thời Pháp Thoại thứ 314 của TT Nguyên Tạng từ 6.45am, Thứ Ba, 23/11/2021 (19/10/Tân Sửu) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️ Múi giờ : pháp thoại của TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng (trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19) về chư vị Tổ Sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…) - 06: 45am (giờ Melbourne, Australia) - 12:45pm (giờ Cali, USA) - 03:45pm (giờ Montreal, Canada) - 09:45pm (giờ Paris, France) - 02:45am (giờ Saigon, Vietnam) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹 💐🌹🥀🌷🍀💐🌼🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃 Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thích Tâm Phương, TT Thích Nguyên Tạng, Melbourne, Australia) https://www.youtube.com/channel/UCxfUXUxU65FtOjrehu9zMMw Facebook: https://www.facebook.com/ThichNguyenTang/
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]