Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiền Tỉnh Thức Với Vô Ngã

20/04/202219:42(Xem: 4569)
Thiền Tỉnh Thức Với Vô Ngã

Thiền Tỉnh Thức Với Vô Ngã

Nguyên Giác
phathiendinh

   Thiền pháp tỉnh thức (mindfulness meditation) đang trở thành một trong các khuynh hướng ưu thắng của nhiều lĩnh vực hoạt động tại Hoa Kỳ và nhiều nước khác. Thiền pháp này đang được dạy ở bệnh viện để giúp bệnh nhân giảm đau, ở trường học để học sinh nhạy bén hơn, ở nhà tù để tù nhân giảm thói quen bạo lực, ở quân trường để chiến binh bình tỉnh đối phó các tình huống nguy hiểm, ở các doanh nghiệp lớn để hiệu năng làm việc tăng cao hơn, và ở gần như tất cả các lĩnh vực có thể có.

    Chúng ta cũng thấy tràn ngập nhiều sách tiếng Anh dạy Thiền pháp này, cho thấy Thiền pháp tỉnh thức đã trở thành một nguồn kinh doanh lớn, nơi đó dạy cách ăn chậm sao cho thưởng thức vị ngon hơn, dạy cách nghe nhạc sao cho nghe hay hơn, dạy cách giao tiếp với người trong gia đình sao cho yêu thương tha thiết hơn, dạy trong các nhà thờ sao cho dễ tiếp nhận “ý Chúa” để vâng phục trọn lành… Thậm chí, nhiều người còn nói rằng nhờ tu Thiền nhà Phật, nên làm giáo dân Đạo Chúa thuần thành hơn, tín tâm hơn. Thế rồi, “đạo nào cũng là đạo” và nhiều vị đã nói như thế.

   Chúng ta cũng thấy rằng có nhiều môi trường không thuận lợi để nói về Phật giáo. Thí dụ, một cô giáo gốc Việt khi dạy ở trường học Hoa Kỳ sẽ nhận thấy không thể nói trực tiếp với học trò về Phật Giáo, vì trên nguyên tắc, Hiến Pháp tách rời nhà nước với tôn giáo. Trong khi đó, một cô giáo da trắng có thể thoải mái mời các học trò cảm ơn Thượng Đế khi bắt đầu bữa ăn, mời các em cầu nguyện Thượng Đế khi đi cắm trại lạc đường. Chỉ vì Thượng Đế (God) được hiểu là đấng đã tạo ra vũ trụ này, không có nhãn hiệu nhà thờ hay hội thánh nào, nhưng hiểu ngầm là thuộc nhóm các tôn giáo xuất phát từ Israel.

Đó là chưa kể, khi một nhà sư Nam tông vào một địa phương đa số là Phật tử thuần thành theo Bắc Tông, và rồi trường hợp một nhà sư Bắc Tông thăm một phương xứ có truyền thống Nam tông, khi có duyên được mời dạy Thiền tỉnh thức, vị thầy nên dạy thế nào để thuận duyên, để không gây tranh cãi hý luận?

Do vậy, câu hỏi bây giờ là: chúng ta khi dạy Thiền pháp tỉnh thức, nên nói gì và dạy gì để Phật tử thấy đây là Thiền nhà Phật, và để phân biệt với các phương pháp Thiền tỉnh thức đang dạy trong nhà thờ, trong bệnh viện, trong quân trường… và sẽ cho thấy Thiền tỉnh thức của nhà Phật hiệu quả hơn, và không bao giờ đi lạc sang ngã rẽ khác của đạo khác hay đời thường? Thêm câu hỏi nữa: khi dạy Thiền tỉnh thức ở các môi trường cấm tôn giáo, có cách nào để dạy Phật pháp kiểu tàng hình?

   Câu trả lời: Trước hết, nên dạy về Lý duyên khởi (Dependent arising, hay Dependent origination) để rồi sẽ ứng dụng lý này vào Thiền pháp tỉnh thức. Không cần dạy chi tiết, vì sẽ bị quy chụp là truyền bá Đạo Phật, nếu đang làm việc ở các môi trường trung tính. Nên nói Lý duyên khởi tóm tắt là: "If this exists, that exists; if this ceases to exist, that also ceases to exist" (Nếu cái này có, thì cái kia có; nếu cái này diệt, thì cái kia cũng diệt). Bất kỳ cái gì trong cõi này cũng đều duyên sinh như thế. Đó là giáo lý căn bản và cốt tủy nhất. Tất cả những gì chúng ta nhìn thấy, nghe được, cảm nhận được, suy nghĩ tư lường được, đều chuyển vận trong Lý duyên khởi. Đức Phật dạy, ai thấy Lý duyên khởi, tức là thấy Pháp, và đó là thấy Phật.

   Không có gì lìa xa Lý duyên khởi, không có gì tự sinh ra, không có gì tự hiện hữu trong cõi hữu vi này. Hiểu được lý này vững chắc, Phật tử sẽ không bao giờ đi lạc sang các đạo khác, cũng không rơi vào tranh luận tông phái. Vì ngộ được Lý duyên khởi, nên tin sâu vào nhân quả; vì hiểu Lý duyên khởi thâm sâu, chúng ta sẽ không còn tự than thân trách phận hay cầu nguyện một Đấng Thượng Đế nào nữa hết, mà sẽ tự biết phải gìn giữ giới luật và tu dưỡng phước đức để từ từ giải nghiệp. Hiểu được Lý duyên khởi, chúng ta đứng vững ở Trung luận, sẽ không nói thế gian là Có, cũng không nói thế gian là Không Có, không nói bất cứ gì (kể cả mình hay người) là vĩnh cửu hay hư vô.

    Trong Tương ưng bộ, Kinh SN12.15, bản dịch của Thầy Minh Châu ghi lời Đức Phật dạy về Chánh kiến: "Này Kaccāyana, thế giới này phần lớn y chỉ vào hai cực đoan này: có và không có. Này Kaccāyana, ai với chánh trí tuệ thấy như chơn thế giới tập khởi, vị ấy không chấp nhận thế giới là không có. Này Kaccāyana, ai với chánh trí tuệ thấy như chơn thế giới đoạn diệt, vị ấy không chấp nhận thế giới là có."

   Khi tâm lìa cả Có và Không, đó là vào thực tướng Vô Ngã. Đó là khi ngôn ngữ dứt bặt, vì nói Có, nói Không đều sai. Cũng y hệt tiếng đàn, có chẻ cây đàn ra trăm ngàn mảnh cũng không dò ra tiếng đàn nơi đâu. Nhưng tiếng đàn là từ cây đàn, từ mưa nắng qua nhiều năm cho gỗ rừng mọc lên, rồi thợ rừng cưa xuống để đóng thành cây đàn, từ nhạc sĩ học nhiều thập niên để trình diễn, từ rất nhiều duyên mới thành tiếng đàn. Không gọi tiếng đàn là Có, vì nó là từ nhiều duyên, vì vừa sinh đã liền diệt và vì chúng ta không chỉ ra được là nó ở đâu. Không gọi tiếng đàn là Không, vì đã làm nhiều người nghe lúc vui, lúc buồn. Đó là nói Sắc tức thị Không, và ngược lại. Không (Emptiness) nơi đây không phải là Hư vô (Nihilism). Vì Không đây chính là Lý duyên khởi, và dẫn tới thực tướng vô ngã. Học như thế, Phật tử sẽ tin sâu nhân quả, sẽ giữ mãi Chánh kiến, sẽ không rơi vào Có hay Không. Như thế, Phật tử sẽ không dám bác bỏ nhân quả, cũng sẽ không chấp có ngã, vì chư hành chảy xiết, không hề có một pháp nào thực sự là có tự ngã. Đây cũng là tông chỉ Thiền Tông Việt Nam, vì Sắc/Không là cốt tủy của Bát Nhã Tâm Kinh.

    Do vậy, trong bài "Vô Ngã Là Niết Bàn" Thầy Thích Thiện Siêu viết: "Quán vô ngã thì tất cả cái gọi là: phải, trái, được, thua ở đời đều là một cái duyên cho ta tu, hoặc trở thành bình thường không có gì bận tâm cả. Quán vô ngã cũng như người võ sĩ luyện thân thể cho rắn chắc. Khi chưa rắc chắc thì dễ bị quật ngã trước một tác động bên ngoài. Người tu vô ngã cũng vậy, khi chưa thuần thục còn nhiều ngã chấp thì dễ đau khổ trước một lời nói độc. Nếu khi ngã chấp tiêu bớt, thì chỉ còn thấy đau khổ sơ sơ và cuối cùng thì không còn ngã chấp thì cũng không còn chút đau khổ nữa."

   Chỉ cần quán vô ngã là đủ để giải thoát. Đức Phật dạy như thế trong Kinh Ud 7.1 trong Tiểu Bộ. Kinh này rất ngắn, nơi đây xin phép dịch ra tiếng Việt, dựa vào 3 bản Anh dịch của ba Thầy Sujato, Thanissaro, Ānandajoti.

Như thế tôi nghe. Lúc đó, Đức Phật ở gần thành Xá Vệ, trong vườn Jeta, tu viện Cấp Cô Độc. Lúc đó Đại Đức Sāriputta đang dạy, khuyến khích, sách tấn, và cổ vũ Đại Đức Bhaddiya the Dwarf (Thầy Bhaddiya có dị tướng lùn thấp) bằng một bài pháp. Sau khi nghe pháp, tâm của ngài Bhaddiya được xa lìa các lậu hoặc bằng cách không nắm giữ bất kỳ thứ gì. Đức Phật thấy như thế. Rồi thì, biết ý nghĩa chuyện này, dịp đó, Đức Phật mới đọc bài kệ:
“Bên trên, bên dưới, khắp mọi nơi đều giải thoát
không chút tư lường ‘Tôi là cái này’.
Giải thoát được như thế, nhà sư đó đã vượt lũ lụt
nơi trước đây chưa từng qua, sẽ không tái sanh nữa
.”

    Bài kinh ngắn toàn văn như thế, tóm tắt là, không thấy cái gì là “tôi” ở bất kỳ nơi nào, thế là giải thoát. Khi dạy Thiền pháp tỉnh thức với cái nhìn vô ngã như thế, có thể tin là tất cả những Phật tử nghe được đều sinh tâm hoan hỷ, dù là Nam tông hay Bắc tông. Khi dạy Thiền pháp tỉnh thức trong cái nhìn không hề có cái gì là “tôi” dù trong thân hay tâm, dù trong mắt tai mũi lưỡi thân ý, có thể tin rằng bất kỳ ai mang bộ áo giáp “tỉnh thức vô ngã” như thế đều luôn luôn là Phật tử thuần thành cho dù có vào sinh hoạt trong vô lượng môi trường tà kiến.

 

   Có nhiều cách để tự thấy là vô ngã, để đi đứng nằm ngồi đều thấy không hề có cái “tôi” nào đang đi đứng nằm ngồi, mà chỉ thấy khối thân tâm này là mớ thịt da gân xương đang lung linh trong cõi vô thường chảy xiết. Hoặc là nhớ tới ẩn dụ tiếng đàn nói trên, vốn là không có gì là “tôi” hay “người.” Hoặc là nhớ tới ẩn dụ chiếc cỗ xe, chỉ thấy bánh xe, mui xe, càng xe… nhưng không hề chỉ ra cái gì là xe. Hoặc nhớ tới lời dạy của các Thiền sư Trung Hoa là “trâu bùn qua sông” – nghĩa là, khi trâu bùn tan ra giữa dòng, tức là không hề vướng cái “tôi” nào, thì mới qua sông được.

Hoặc là diễn dịch bài Kinh trên bằng cách để ghi nhớ (ở trên, bên dưới có thể hiểu là trước và sau), luôn luôn bao trùm toàn thân tâm là: “Trước cái được thấy, trước cái được nghe, trước cái được cảm thọ, trước cái được tư lường trong thực tướng vốn là không tôi, không người. Trong cái được thấy, trong cái được nghe, trong cái được cảm thọ, trong cái được tư lường trong thực tướng vốn là không tôi, không người. Sau cái được thấy, sau cái được nghe, sau cái được cảm thọ, sau cái được tư lường trong thực tướng vốn là không tôi, không người.”

   Hoặc là, có thể kết hợp với cảm thọ về hơi thở: Trong khi cảm nhận hơi thở ra và vào, trước hơi thở, trong hơi thở và sau hơi thở vẫn là không tôi, không người. Như thế, không hề có ai thở, mà chỉ có hơi thở đang được cảm thọ hơi vào và hơi ra.

   Thiền này không cần ngồi. Như ngài Bhaddiya the Dwarf trong Kinh Ud 7.1 trên, chỉ nghe dạy là giải thoát, vì tâm không còn nắm giữ gì. Trong Thiền Tào Động nhấn mạnh vào Tọa Thiền (Zazen), chúng ta nên hiểu theo nghĩa của thực tướng: trong Lý duyên khởi, tất cả các pháp dựa vào nhau, cái này sinh nên cái kia sinh, cái này diệt nên cái kia diệt, cũng có nghĩa là trong các duyên lung linh làm cho một danh-sắc đang đi đứng nằm ngồi thực sự là đang ngồi trong vô sinh, đang rỗng rang, đang trống không, tức là đi đứng nằm ngồi cũng chính là đang ngồi bất động trong Lý duyên khởi.

   Ai cũng có thể tập được như thế. Do vậy, các sư Tào Động Nhật Bản nói rằng khắp pháp giới vẫn đang Tọa Thiền, rằng núi xanh mây trắng đang ngồi, rằng hoa bay nước chảy đang ngồi --- đúng là cả thế giới đang ngồi Tọa Thiền trong Lý duyên khởi. Ngộ được như thế, sẽ thấy Lý duyên khởi, còn gọi là Không, còn gọi là Tự Tánh, sẽ thấy không hề có phương xứ trong với ngoài, không đông hay tây hay nam hay bắc. Thiền sử ghi lại, một nhà sư chỉ tay vào tảng đá bên đường, hỏi một nhà sư bạn, rằng tảng đá trong tâm hay ngoài tâm. Câu trả lời nên là trong cái thấy của Lý duyên khởi, không có gì gọi là trong hay ngoài, không có gì gọi là trong tâm hay ngoài tâm, không có gì gọi là “đá tảng đang được một ai nhìn thấy” mà chỉ có tất cả những cái được thấy đã dứt bặt ngôn ngữ. Các pháp vốn như thế, là như thế. Đó là nghĩa của Tọa Thiền.

Nơi đó, như Kinh Ud 7.1 nói, không dính chút tư lường “tôi là cái này hay cái kia” thì, đó là giải thoát. Đó chính là Thiền tỉnh thức với vô ngã. Là cội rễ của Phật giáo.

THAM KHẢO:

Kinh SN 12.15, bản dịch Thầy Minh Châu: https://suttacentral.net/sn12.15/vi/minh_chau

Vô Ngã Là Niết Bàn, HT Thích Thiện Siêu: https://thuvienhoasen.org/a15211/vo-nga-la-niet-ban

Kinh Ud 7.1, bản dịch Bhikkhu Sujato: https://suttacentral.net/ud7.1/en/sujato

Kinh Ud 7.1, bản dịch Bhikkhu Thanissaro: https://accesstoinsight.org/tipitaka/kn/ud/ud.7.01.than.html

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/10/2010(Xem: 7790)
Cuộc đời là những mâu thuẫn, ở đây tôi không nói những gì cao siêu mà nói về những kinh nghiệm sống của người Phật tử. Chúng ta sống như thế nào để cuộc đời được an lành tự tại, không bị đau khổ làm ray rứt.
27/10/2010(Xem: 10353)
Tên gọi của Đức Phật là «Thích-ca Mâu-ni» có nghĩa là «Bậc Tịch tĩnh trong họ Thích-ca», «Trí giả trầm lặng trong họ Thích-ca», chữ Phạn mauni có nghĩa là yên lặng. Phật còn có tên là «Mahamuni» : Maha là lớn, «Mahamuni» là «Bậc yên lặng Lớn lao» hay vị «Đại Thánh nhân của Yên lặng».
27/10/2010(Xem: 10052)
Tôn chỉ Phật giáo là chí hướng cao siêu của một chân lý. Chí hướng của Phật là "Tự Giác Giác Tha", có nghĩa là tự mình giác ngộ, thức tỉnh trong giấc mộng vô minh...
27/10/2010(Xem: 11864)
Tu thiền là thực hiện theo nguồn gốc của đạo Phật. Vì xưa kia, Đức Phật tọa thiền suốt bốn mươi chín ngày đêm dưới cội bồ đề mới được giác ngộ thành Phật. Chúng ta là Tăng Ni, Phật tử học giáo lý của Phật thì phải đi theo con đường mà Phật đã đi, không đi con đường nào khác, dù đường ấy người thuyết giảng nói linh thiêng mầu nhiệm, chúng ta cũng không theo. Chúng ta cần phải giảng trạch pháp thiền nào không phải của Phật dạy và pháp thiền nào của Phật dạy, để có cái nhìn chính xác, để tu và đạt được kết quả tốt đúng với giáo lý mà mình đã tôn thờ.
27/10/2010(Xem: 7617)
Vì Sao Cần Phải Niệm Phật? Vì sao lúc bình thường chúng ta cần phải niệm Phật? Lúc bình thường chúng ta thường niệm Phật là để chuẩn bị cho lúc lâm chung. Thế thì tại sao không đợi đến lúc lâm chung rồi hãy niệm Phật? Tập quán là thói quen được huân tập qua nhiều ngày, nhiều tháng. Cho nên, nếu bình thường các bạn không có tập quán niệm Phật thì đến lúc lâm chung các bạn sẽ không nhớ ra là mình cần phải niệm Phật. Do đó, lúc bình thường mình cần phải học niệm Phật, tu Pháp-môn Tịnh Độ, đến lúc lâm chung mới không hoảng hốt, luống cuống, mà trái lại, sẽ an nhiên vãng sanh Thế Giới Cực-lạc!
25/10/2010(Xem: 7168)
Chúng ta theo đạo Phật là để tìm cầu sự giác ngộ, mà muốn được giác ngộ thì phải vào đạo bằng trí tuệ, bằng cái nhìn đúng như thật, chớ không thể nhìn khác hơn được.
23/10/2010(Xem: 9253)
Từ hơn bốn mươi năm nay, chưa bao giờ Việt Nam đứng ra tổ chức một lễ Phật Đản lớn về tất cả mọi mặt: tôn giáo, văn hóa, xã hội, và về cả chính trị như lần này. Nói lớn về cả chính trị là bởi trong ba ngày vừa qua, thủ đô Hà Nội là thủ đô Phật giáo của thế giới.
23/10/2010(Xem: 10448)
Trong kinh Pháp Hoa có dạy: "Đức Phật vì một đại sự nhân duyên mới xuất hiện ra đời, để mở bày, chỉ dạy chúng sanh giác ngộ và thể nhập vào tri kiến Phật". Giáo pháp của Phật như biển rộng rừng sâu, tuy nhiên cũng có thể tóm thâu trong bốn câu kệ: “Chư ác mạc tác Chúng thiện phụng hành Tự tịnh kỳ ý Thị chư Phật giáo”.
23/10/2010(Xem: 9241)
"Mưa dầm thấm sâu, sẽ giúp con cháu trong gia đình đến với đạo Phật, thực hành theo lời dạy của đức Phật một cách tự nhiên và bền vững. Điều quan trọng là tự thân của mỗi người cư sĩ Phật tử nên tự nổ lực tinh tiến tu học, cẩn thận ba nghiệp thân miệng ý, làm sao để trở thành một tấm gương sáng cho con cháu noi theo"
22/10/2010(Xem: 8052)
Sự ảnh hưởng sâu rộng của Đức Phật và Tăng đoàn đã làm cho ngoại đạo lo sợ quần chúng sẽ theo Phật và xa rời họ. Do đó, một nhóm ngoại đạo đã suy nghĩ, toan tính âm mưu triệt hạ uy danh Đức Phật. Sau cùng, một nữ đệ tử cuồng tín của họ tên là Tôn Đà Lợi đã chấp nhận hy sinh bản thân cho mục đích đen tối đó.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]