Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn, Đạo Lý hay Tiêu Cực ?

29/11/202107:02(Xem: 6307)
Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn, Đạo Lý hay Tiêu Cực ?

           

 tien hoc le dau hoc van

         


TIÊN HỌC LỄ, HẬU HỌC VĂN

ĐẠO LÝ HAY TIÊU CỰC ?




 
Mấy hôm nay đọc báo trên các mạng lưới trực tuyến xã hội tiếng Việt, người Việt khắp nơi trong cũng như ngoài nước, được nghe một nguồn dư luận mới xôn xao về việc nên giữ hay bỏ một câu khẩu hiệu đã trở thành quá quen thuộc trong tất cả các hệ thống trường học Việt Nam từ xưa tới nay. Đó là câu châm ngôn “tiên học lễ, hậu học văn” thường được dán ngay trên tường trước mặt học sinh trong lớp học. Vì đã quá quen thuộc và mặc nhiên được coi đây là một đạo lý đương nhiên kết hợp giữa tinh thần tôn sư trọng đạo và rèn luyện nhân cách nên qua nhiều thế hệ, câu khẩu hiệu này đã trở thành một lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà nghiêm cẩn chuyên chở   giá trị nhân văn đào tạo thế hệ trẻ. Đây không phải là một câu khẩu hiệu thời trang để trang trí lớp học mà là một châm ngôn rèn luyện nhân cách trong đời sống học trò. Bởi vậy, chẳng có thầy giáo hay học sinh nào còn bận tâm đặt câu hỏi là nên hay không nên treo câu khẩu hiệu mang nội dung “nguyên lý giáo dục” hay đạo lý trồng người nầy. (Chữ Lễ trong bài này xin được viết hoa khi nhấn mạnh đó là tiêu đề của toàn bài và viết thường khi hiểu theo nghĩa quy ước.)


Bối cảnh làm nền cho cuộc… đảo chánh khẩu hiệu nầy được giới truyền thông đưa tin như sau:

            Tại hội thảo Giáo dục Việt Nam chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục đào tạo” do Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 21/11, GS Trần Ngọc Thêm trình bày quan điểm trên trong tham luận: “Xây dựng Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo”.
GS Trần Ngọc Thêm kiến nghị: “Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo”.
“Chừng nào còn đề cao chữ Lễ để ràng buộc người học, còn đề cao quá mức vai trò của người thầy, của đáp án thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển, không thể có xã hội phát triển”, ông nhấn mạnh thêm.
            – Trước đó, năm 2016, tại hội thảo “Xây dựng môi trường văn hóa trường học” do Bộ GD-ĐT tổ chức, nhiều đại biểu cho rằng, hệ thống khẩu hiệu trường học đã đáp ứng đúng tôn chỉ mục đích. Tuy nhiên, việc treo khẩu hiệu còn bất cập, mỗi nơi làm một phách và chưa phù hợp nên kiến nghị xem lại khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” ở trường tiểu học.(Tin Mới)


            
Là một thầy giáo xuất thân được đào tạo dạy môn Việt Văn cấp 3 từ trường Văn Khoa và Sư Phạm Huế (1966-1970) nhưng vì hoàn cảnh và thời thế tôi phải dạy học tại nhiều trường, phụ trách các môn học khác nhau và phục vụ nhiều nơi với hoàn cảnh khác nhau như: Việt Nam trước và sau 1975, Phi Luật Tân, Mỹ. Mãi cho đến khi đứng trên bục giảng của nhà trường Mỹ, nhìn sinh viên vừa vào lớp miệng vừa bỏm bẻm nhai kẹo cao su hay ngồi gác chân lên ghế trong lớp, tôi mới nhận ra cái đạo lý lớp học phải như thế nào mới phải “đạo” bởi tôi vốn đã coi cái trật tự truyền thừa “tiên học lễ, hâu học văn” là nề nếp mặc nhiên trong văn hóa học đường Việt Nam.

            Truyền thống văn hóa và giáo dục Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm và lâu đời về khái niệm chữ Lễ của văn hóa Trung Quốc. Trong Ngũ Kinh có Lễ Kinh và vai trò của Lễ được đức Khổng Tử xác định: “Không học Lễ thì không biết cách đi đứng ứng xử ở đời.” Và năm đức tính căn bản làm người là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín thì Lễ đứng giữa để làm trung gian, bởi vì nhân không trí là tốt mã, thương hại; nghĩa không tín là tuỳ hứng, giang hồ. Cho nên khái niệm cổ điển về Lễ là sự phân định vai trò và cương lĩnh rõ ràng: Hai nước giữ lễ là không xâm hại nhau, hai nhà giữ lễ là không gây phiền oán cho nhau, hai người giữ lễ là tôn trọng lẫn nhau và thầy trò giữ lễ là làm tốt vị trí của mình. Lễ tự nguyên nghĩa là luân thường đạo lý, là trật tự xã hội, là tôn trọng lẫn nhau. Ý nghĩa của chữ Lễ trong quá trình truyền thừa và ứng dụng vào văn hóa giáo dục Việt Nam là tôn sư trọng đạo, học trò xem thầy như cha và thầy xem trò như đứa con tinh thần kế thừa và phát huy tâm nguyện cùng lý tưởng giúp đời và giữ đạo làm người nghiêm cẩn của mình để sống, ứng xử hay có khi chỉ trong mơ ước. Với một khái niệm về Lễ như thế thì bất cứ một nền giáo dục hay một xã hội nào đều ứng hợp với vai trò giáo dục là nhằm đào tạo thế hệ tương lai tài năng và đạo hạnh.

           

            Tuy nhiên, xã hội Việt Nam từ xưa đến nay đã vô tình hay cố ý diễn dịch ý nghĩa của nội hàm chữ Lễ một cách cực đoan và phiến diện trong nhiều trường hợp giáo dục bị biến thành phương tiện đầy khắt khe, áp bức để phục vụ cho tinh thần bảo thủ, quyền lực tôn giáo, giai cấp thống trị đè đầu cỡi cổ dân lành, hay thủ đoạn chính trị... Do đó, đã có nhiều trường hợp cái “Lễ” đã bị lạm dụng khi các thầy đồ, thầy giáo, cô giáo, cơ sở giáo dục… sử dụng hình thức “lễ trị” bằng roi vọt, bạo lực, uy quyền… để đánh đập, mạ lỵ, trừng phạt, vùi dập học sinh một cách thô bạo và… vô lễ! Và hệ quả đương nhiên, với phản ứng tâm lý và thể lý phản hồi có điều kiện, học sinh bị tha hóa vì sợ hãi, căm tức hay chán ngán môi trường học tập với thầy giáo đã hành hạ mình dẫn đến tình trạng cũng đành, thụ động và “thủ tiêu phản biện” như ý kiến của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp phổ biến mà chỉ là khía cạnh cực đoan trong truyền thống giáo dục Việt Nam. Riêng về mặt tâm lý tương tác với xã hội, một học sinh hay sinh viên thiếu khả năng phản biện không phải vì “giữ lễ” hay bị ép lễ mà thường là do thiếu thông tin, thiếu kiến thức và thiếu không khí hay môi trường thích hợp.

           

            Thật ra, câu “Tiên học lễ, hậu học văn” tuy là một câu văn Hán Việt nhưng thường được xem như đã trở thành thuần Việt vì văn phong nhẹ nhàng, ngữ điệu cân đối và nội dung rất dễ hiểu về tinh thần đạo lý và trật tự xã hội rất dễ ứng dụng cho mọi người thuộc mọi trình độ, kể cả hai thế hệ thầy và trò. Đã nhiều lần tôi vừa nhớ, vừa trân trọng cái câu khẩu hiệu đơn giản và nhỏ nhắn nhưng đầy ý nghĩa nầy khi bước vào dạy lớp học Mỹ chẳng thấy ai đứng dậy hay biểu hiện cử chỉ chào kính nào hoặc nhìn thái độ có vẻ thiếu cung kính khi hỏi hay phát biểu với thầy giáo. “Tiên không học lễ rồi chăng?” Tôi tự hỏi. Nhưng càng đi sâu vào khái niệm của “cái Lễ” tôi càng nhận thấy rõ ràng rằng, nội dung của Lễ nếu được hiểu theo một nghĩa tích cực hơn thì học trò, sinh viên Mỹ còn trọng Lễ hơn cả Việt Nam vì trong quá trình học tập rất ít nói dối, hiếm khi gian lận hay ích kỷ và thủ lợi như sinh viên của nhiều nước châu Á xem Lễ như một chiêu thức đóng kịch giả vờ làm vui lòng thầy giáo, miễn sao có lợi cho cá nhân mình.

 

            “Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu ‘Tiên học lễ, hậu học văn’ để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo”! Đọc câu nầy của GS. Trần Ngọc Thêm, tôi thật tình chưa hiểu hết tôn ý của GS. Cái gọi là “tư duy phản biện” sao lại bị cột trói vào một trật tự tinh thần và phẩm chất đạo lý của một con đường khiêm cung, quang minh chính đạo như Lễ (lễ độ, lễ phép, lễ nghi, lễ giáo, lễ bái…). Muốn khai mở tư duy phản biện thì chỉ cần ba yếu tố chính là kiến thức vững vàng, phương pháp luận chặt chẽ và khung cảnh thích hợp. Cả một nền triết lý Đông phương, kiến thức khoa học kỹ thuật và phương tiện truyền thông hiện đại là cốt lõi của tư duy phản biện. Lễ không đóng vai trò chướng ngại hay tiêu cực nào cho mọi hình thức phản biện. Không có một thầy giáo nghiêm túc nào lại cấm đoán học sinh mình nêu ý kiến phản biện; nếu không muốn nói là còn hài lòng, ngầm sung sướng vì sự thông minh, lập luận rạch ròi của học sinh mình trong phản biện cả. Thêm nữa, khi nói đến cụm từ “giải phóng sức sáng tạo” thì phải tìm tới những trở ngại kìm hãm sức sáng tạo. Đó là do sự thiếu khả năng, thiếu nhân tài, thiếu điều kiện, thiếu hoàn cảnh… chứ hoàn toàn không do một hình thức “Lễ” nào tác động để làm mất đi khả năng sáng tạo cả. Muốn “giải phóng sức sáng tạo” thì phải cần quy tụ nhân tài, tôn trọng tự do, đánh giá công minh và đãi ngộ xứng đáng là bốn “tiêu chuẩn vàng” của tinh thần phát huy sáng tạo Đông cũng như Tây. “Lễ” chẳng đóng một vai trò nào mang tính quyết định chung cuộc trong sáng tạo nghệ thuật, khoa học và nhân văn cả. Do vậy, kiến nghị của GS về việc cần chấm dứt việc sử dụng một câu TÂM NGÔN hay ho như thế thì rất mong GS định tâm suy nghĩ và cân nhắc cẩn trọng hơn; cũng như cần uốn lưỡi nhiều lần trước khi phát biểu.

 

            Nhà trường Mỹ cũng có các câu khẩu hiệu được sử dụng luân lưu trong hệ thống trường học cả nước nhưng hẩu hiệu trong nhà trường Mỹ thường không nhắc nhở về phương thức và thái độ học tập mà nói về ý nghĩa và mục đích của quá trình học tập.  Sau đây là một dẫn chứng về 200 câu khẩu hiệu trong nhà trường Mỹ đủ các cấp học (https://sloganshub.org/school-slogans/). Có thể nói là gần như không có một câu nói lên một nhân vật thần thánh nào khác hơn là chính bản thân người học trò phải chủ động và chịu trách nhiệm cho hướng đi và mục đích mình vươn tới. Nếu có chăng một vài câu nói về “lễ” thì cũng đề ra phong cách ứng xử do chính bản thân người học trò chủ động như “Hãy kính trọng người khác để được người khác kính trọng” (Respect others and they’ll respect you). Trong lúc đó thì cách thủ lễ của Việt Nam ta là cần phải làm theo lời khuyên và đương nhiên chấp nhận giá trị của các bậc cao nhân tiền bối.

 

            Thử khách quan để đưa ra một vài nét so sánh về khái niệm, nội dung và tác dụng của cái “đức” và “lễ” theo hai khuynh hướng:

 

-          Việt Nam: Thầy giáo và xã hội chủ động dạy dỗ học trò và con em phải làm những điều hay lẽ phải đã được quy định.

-           Mỹ: Thầy giáo và xã hội chỉ đóng vai trò trình bày, giới thiệu hệ thống giá trị đạo lý để cho học trò và con em tự quyết định có nên áp dụng những nguyên tắc và giá trị đó cho mình hay không.

 

            Như thế, dẫu là trong bối cảnh văn hóa của Mỹ, Việt Nam hay bất cứ quốc gia, xã hội nào thì đức hạnh vẫn được bảo vệ và tôn trọng. Tiêu chí của hệ thống giá trị và đức hạnh tuy không giống nhau nhưng vẫn có điểm chung, đó là trật tự xã hội và cung cách đối tác hay ứng xử với nhau. Đó chính là cái Lễ đã trở thành cái biết, cái học đầu tiên cần phải có. Hình thức và phương tiện ứng dụng cái Lễ trong môi trường giáo dục cần phải có sự mềm dẽo, thích ứng tùy theo thời đại, văn hóa xã hội và đáp ứng được nhu cầu cụ thể.

 

            Kẻ đang viết những dòng nầy rất chia sẻ thiện ý và công tâm của GS. Trần Ngọc Thêm cũng như lời phản biện rất thuyết phục của PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khi ông cho rằng: “… với mỗi một con người, ‘đức’ là cái gốc cơ bản . Ở đây có thể hiểu “lễ” tức là đức hạnh. Trong cuộc sống hay ở gia đình , cơ quan, nhà trường… đức rất quan trọng.”

 

            Nay giữa hai khuynh hướng trái chiều là nên bỏ hay nên giữ câu châm ngôn “Tiên học lễ, hậu học văn” trong môi trường giáo dục, tuy mới nghe qua thì đây chỉ mới là một hoặc vài ba ý kiến chống hay thuận theo quan điểm cá nhân; nhưng đứng trên bình diện giáo dục và luân lý đạo đức của một xã hội, một quốc gia thì đây cũng có thể coi như một bước đột phá của những nhà giáo, trí thức dân tộc trước những thách thức của thời đại mới. Sự xét lại để điều chỉnh cập nhật những giá trị tinh thần và đạo đức “xưa bày nay làm” trong nhiều lĩnh vực mà đặc biệt trong môi trường và nhu cầu cải cách giáo dục là những đóng góp cần thiết trước muôn vàn chướng ngại đang diễn ra trước mắt. Tuy nhiên, việc kiến nghị hủy bỏ câu “Tiên học lễ, hậu học văn” thì hoàn toàn không nên thực hiện vì nó vừa thiếu cơ sở về đạo đức cũng như lý luận; vừa không thuyết phục trên căn bản nguyên lý giáo dục và đạo lý dân tộc.

 

            Trong mọi công cuộc cải cách và đổi mới cần xác định một cách khách quan và khoa học rằng, không hề có một nguyên nhân đơn lẻ nào có đủ tầm vóc quyết định huống hồ đây chỉ là một câu nói mang tính tục ngữ, châm ngôn lâu đời chứ không phải là khẩu hiệu nhất thời. Học lễ trước để chuẩn bị những điều kiện sẵn sàng cho bước học văn tiếp theo là một trình tự diễn tiến rất “lôgich” không bao giờ lỗi thời hay phai cũ.

                             

                                                                                                                                                                                                            Sacramento Thanksgiving 2021
 Trần Kiêm Đoàn, Ph.D., MSW.

                                                                             





***

facebook

youtube

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/06/2012(Xem: 7986)
Đây là lần đầu tiên chúng tôi được thăm viếng và làm quen quý Phật tử. Qua lời giới thiệu của Thầy chúng tôi, sáng nay chúng tôi được phép thay nhọc cho Thầy nói chuyện Phật pháp tại Thiền tự Vạn An cùng quý Phật tử. Lâu nay ở quê nhà, có một số Phật tử phát tâm tu học và đủ điều kiện thực hành công phu tu tập. Qua tiếp xúc, chúng tôi biết nỗi ưu tư lớn của quí vị là “Làm sao áp dụng được Phật pháp một các
17/06/2012(Xem: 6623)
Điều 1- Người Phật tử chân chính phải nên siêng năng chuyên cần học hỏi, có tư duy, có suy xét, có chiêm nghiệm và biết cách áp dụng lời Phật dạy. Xem tam tạng kinh điển gồm có kinh, luật, luận là những lời dạy minh triết, là món ăn tinh thần nhằm giúp cho ta biết cách dứt ác làm lành. Điều 2- Người Phật tử chân chính, nên cố gắng sắp xếp thời gian thuận tiện để đến các trung tâm văn hóa Phật giáo, các lớp giáo lý phổ thông ở các chùa, thiền viện, các buổi thuyết pháp vào ngày sám hối, ngày vía Phật, Bồ-tát.
16/06/2012(Xem: 6531)
Điều 1- Ý thức được khổ đau do giết hại gây ra, người Phật tử chân chính phát nguyện không sát sinh hại vật dưới mọi hình thức, nhất là sự sống của con người, động vật và thiên nhiên. Phải biết tôn trọng và thể hiện tình thương yêu và bảo vệ sự sống của muôn loài.
16/06/2012(Xem: 6555)
Điều 1- Người Phật tử chân chính thờ phượng hình ảnh tượng Phật, Bồ-tát, A-la-hán và Thánh Tăng để được chiêm bái, học hỏi qua công hạnh độ sinh, không biết mệt mỏi, nhàm chán mà vẫn an nhiên tự tại để làm gương sáng cho cuộc đời, nhằm làm chỗ dựa tinh thần cho bản thân, gia đình và xã hội.
14/06/2012(Xem: 8655)
Tình yêu thương có năng lực vô song, giúp bạn không còn cảm xúc sợ hãi. Một khi bạn phát triển được tình yêu thương (tâm Đại từ) thì sẽ không còn chỗ cho sự sợ hãi.
05/06/2012(Xem: 36176)
Mới đây theo công trình nghiên cứu của giáo sư Eric Sharp thuộc Đại học Sydney, Australia, trong số những thánh nhân của thế kỷ thứ 20 này, có ba thánh nhân người châu Á. Đó là cố thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore (1861-1941), Thánh Mahatma Gandhi (1869 - 1948) và một vị hiện sống là Tenzin Gyatso, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 (1935-?). Vâng, Tenzin Gyatso, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 hiện nay được nhiều nơi trên thế giới công nhận là một hóa thân Quan Âm và một bậc thầy tâm linh vĩ đại của nhân loại
27/05/2012(Xem: 12124)
Guru Rinpoche tuyên bố với Jomo Shedron rằng việc trì tụng lời cầu nguyện này cũng ngang bằng với việc trì tụng toàn thể Bài Trì tụng Hồng danh Đức Văn Thù.
27/05/2012(Xem: 9131)
Mục đích của việc cúng dường mạn-đà-la là xua tan sự bám chấp vào cái tôi và bất cứ kiểu thái độ quan niệm nào mà bám vào thứ gì đó như là của ai đó.
26/05/2012(Xem: 8053)
Khi trí tuệ được thắp sáng, bóng tối vô minh nhiều kiếp liền được xua tan, cuộc đời hết tối tăm, cho người người đều được hưởng trọn niềm vô biên phúc lạc.
26/05/2012(Xem: 9218)
Căn cứ trên khái niệm về Tính không nghĩa là Quang Minh khách thể, và cũng căn cứ khái niệm về Quang Minh chủ thể, chúng ta cố gắng phát triển một sự lí hội thông hiểu...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]