Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Truyện Tích: Thân Hòa Đồng Trèo

26/07/202110:51(Xem: 5208)
Truyện Tích: Thân Hòa Đồng Trèo


treo cay

Thân Hòa Đồng Trèo 

Trần Thị Nhật Hưng



Buổi trưa hè miền Trung, cái nắng nóng làm như ông Trời gôm hết lửa đổ xuống trần gian thiêu rụi vạn vật, không ai chịu nổi. Tất cả đều rúc hết vào nhà, đóng cửa trốn ông Trời, tranh thủ thời gian đó nghỉ ngơi. Hầu hết tìm giấc ngủ trưa để quên đi thời tiết khắc nghiệt. Chỉ riêng bốn đứa...tứ tặc gồm Nam, Thanh Du, Hiền và Bích Nga lang thang trên đường phố. Chúng la cà từ Ngã Tư Chính trung tâm phố đi lần về trường trung học Hùng Vương chỉ cách đó không xa, khoảng 15 phút đi bộ, nơi bốn đứa cùng học chung lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ) dù Thanh Du và Hiền 12 tuổi đều hơn Nam và Bích Nga một tuổi.

  Biết Nam và Thanh Du là đứa hay tinh nghịch hiếu động, ít chịu ở nhà dù trời nắng nóng, ông bà Khang, thân sinh hai đứa thường bày ra việc để cột chân hai đứa ở nhà nếu không chịu ngủ trưa.

  Thanh Du có nhiệm vụ nhổ tóc sâu cho mẹ trên gác. Tóc sâu còn gọi là tóc ngứa, loại tóc bạc ngắn độ một đốt ngón tay ẩn trong mớ tóc đen dày cộm hay làm cho ngứa. Còn Nam nhổ tóc sâu cho bố dưới nhà.

    Ông Khang nằm soải mình trên một chiếc di văng nhỏ đặt đầu trên chiếc gối cao. Đối diện ông, trên chiếc ghế đẩu thấp, Nam ngồi chúi mặt vạch từng lớp tóc trên đầu ông tìm kiếm tóc sâu như cảnh sát vạch cây lá lùng quân gian. Những sợi tóc sâu êm ái rời khỏi đầu qua chiếc nhíp nhỏ, đã lắm, nhanh chóng ru ông Khang vào giấc nồng. Chỉ dăm mười phút sau ông Khang ngáy khò khò, thả hồn vào giấc mộng không biết trời trăng gì nữa. Đoán ông đã ngủ say, Nam rón rén dứng dậy, sau khi gom tất cả những cọng tóc sâu vừa nhổ, cả những sợi tóc bạc dài Nam ranh mãnh bứt ra thành nhiều sợi ngắn làm như...thu hoạch nhiều chiến công để chứng tỏ với ông Khang thành quả của mình, rồi Nam gói trong tờ giấy trắng xếp làm tư, đặt cái nhíp lên trên để bên đầu giường ông nằm. Xong đâu vào đấy, Nam mon men lên gác ra hiệu Thanh Du rút lui, cùng lúc bà Khang cũng say sưa trong mộng điệp tự lúc nào.

   Bốn đứa Nam, Du, Hiền, Bích Nga hẹn tụ họp nhau không khó. Vì nhà Hiền bên kia đường gần Ngã Tư Chính đối diện xeo xéo nhà Nam. Còn nhà Bích Nga bên này đường cách nhà Nam vài căn. Chúng chỉ cần lấp ló ho vài tiếng báo hiệu và ngoắc một cái là bốn đứa đã gặp nhau. 

    Lang thang giữa trời nắng nóng, thời tiết khắc nghiệt không làm chúng ngại, nhưng la cà mãi cũng chán, cuối cùng chúng dừng chân tại một cây trứng cá nằm một góc ngã tư đường, đồng thanh “Thân Hòa Đồng Trèo„ thoắt một cái bốn đứa trụ luôn trên cây trứng cá trước khách sạn Đồng Khánh của bà Xì Thố. 

   Bà Xì Thố là một người Tàu chính hiệu con nai vàng không lai chút nào cả. Sự hiện diện của bà tại Việt Nam và định cư tại miền Trung không ai rõ từ lúc nào. Mọi người đoán già đoán non, bà là hậu duệ của người Hán tộc thuộc nhà Minh chống đối Mãn Thanh rồi chạy qua Việt Nam lánh nạn để tránh sự truy lùng tiêu diệt của nhà Thanh. Và thiên hạ hay gọi những thành phần như bà là Minh Hương. Dù đã nhiều thế kỷ và đã sinh sống lâu năm tại Việt Nam, tổ tiên gia tộc bà vẫn giữ truyền thống cổ xưa để tỏ lòng trung thành với triều đại phong kiến cũ và lòng hoài cổ với nhà Minh thể hiện qua việc đàn bà con gái vẫn giữ tập tục bó chân chứng tỏ mình thuộc giới quí tộc thượng lưu và duy trì văn hóa người Hán. Do vậy, bà Xì Thố có đôi bàn chân bị bó nhỏ xíu.

   Cây trứng cá trụ trước khách sạn của bà Xì Thố ai trồng từ hồi nào không ai hay cũng không ai cần biết. Chỉ biết là hiện giờ nó cao lớn gần mái nhà, cành lá sum suê tỏa bóng râm mát rất dễ chịu giữa cái nắng nóng như đổ lửa của miền Trung.   

   Cây trứng cá luôn thu hút bọn trẻ con, không chỉ bởi bóng mát mà cây trứng cá còn cho chúng những quả ngon ngọt mềm mềm đỏ rực khi chín, hồng hồng khi ương ương. Trái trứng cá lớn cỡ viên bi, lúc còn sống màu xanh và cứng ngắt, bọn trẻ con thường dùng làm đạn luồn dây thun làm ná hay dùng ná thật bắn nhau.

IMG_0165.JPG

   Vắt vẻo trên cành cây trứng cá, bốn đứa như bốn con khỉ con, chuyền từ cành này sang cành kia để hái những quả trứng cá chín cho vào miệng. Chúng ăn ngon lành. Mạnh đứa nào tự kiếm cho mình những chiến lợi phẩm.Và khi trên cây chỉ còn những quả xanh không ăn được, mỗi đứa chọn cho mình một thân cành chắc chắn soải mình nghỉ ngơi. 

   Ngước mặt mông lung nhìn lên trời cao, xuyên qua những chiếc lá trứng cá nhỏ, từng đám mây trắng xóa lững lờ bay ngang trong tầm mắt của Nam. Bỗng Nam cất tiếng hỏi:

- Ê, tụi bây, đám mây kia bay hoài, bay mãi, nó bay về đâu, tụi bây biết không?

- Mày hỏi nó chứ sao hỏi tụi tao. Bích Nga trả lời.

- Tao đã hỏi nó nhiều lần, nhưng nó không thèm trả lời tao, nên tao mới hỏi tụi bây.

Tiếng của Hiền đáp:

- Nó bay về phương trời vô định!

- Vô định là đâu?

- Ngu nà. Vô định là không định. Không có chân trời! Thanh Du góp tiếng. Nam vẫn thắc mắc:

- Không lẽ nó cứ bay mãi bay hoài không biết mệt?

- Mệt chớ, nên đôi khi tao thấy nó dừng, đứng một chỗ nghỉ ngơi.

- Nghỉ ngơi? Nghỉ ngơi để xả hơi và đi ...toa lét hả?

- Ờ! Đúng rồi. Nó đi toa lét,...tè xuống trần mới thành mưa đó!

- Hèn gì!

- Nhưng mày ạ, sao có lúc tao thấy có những đám mây đen thui. Tại sao vậy?

- Thì những đám mây đó bay đến từ... Phi Châu thì nó phải đen thôi. Còn mây trắng đến từ nước Mỹ thì nó trắng.

- Còn đến từ Á Châu da vàng thì sao?

- Có những lúc mày cũng thấy mây hồng hồng vàng vàng nhất là buổi chiều đó.

   Câu chuyện vớ vẩn chỉ có thế mà bọn chúng ríu rít hằng giờ trên cành cây cứ như đàn chim non mải miết líu lo, không để ý cánh cửa khách sạn Đồng Khánh xịch mở rồi bà Xì Thố chân bước liêu xiêu như con robot chậm chạp tiến về cây trứng cá. Bà hóng mặt nhìn lên bọn trẻ, nói:

- Lày, tụi..pây..đám con..lít (nít) từ đâu..đến phá làng phá xóm...ha? 

   Tiếng của bà cất lên, âm hưởng giọng Tàu rặc dù bà sinh trưởng và sinh sống tại Việt Nam lâu năm. Đám bọn Nam nhìn xuống nhận ra bà Xì Thố, người mà hằng ngày đi học ngang qua, bọn chúng thường gặp bà ra vô lấp ló bên song cửa hoặc đôi khi bà ra quét sân nhà.

   Bà Xì Thố có vóc người nhỏ thó, tương xứng đôi bàn chân bị bó nhỏ xíu nhờ vậy bà có thể đi lại dễ dàng nhưng chỉ chậm thôi. Mái tóc hoa râm cắt bum bê úp gọn vào gáy. Phía trước bà còn cài chiếc băng đô bằng nhựa màu hồng vén gọn mái tóc lòa xòa trước trán. Bà mặc bộ đồ bộ vải sa teng bóng loáng màu hường nhạt, trông bà ra dáng Tàu rặc không pha chút nào cả. Nghe tiếng bà cất lên, bọn trẻ như đàn chim non giật mình nhưng không vỗ cánh bay đi, Nam nhanh nhẩu cất tiếng chào:

- Ngộ ái nị ha...!

 Bà Xì Thố nhăn mặt:

- Khôn..g ngộ, nị gì ở tâ..y (đây) hết ch.ơ.n (trơn) á. Tụi...pây ch.è.o..(trèo) xuống khô..n..g?

Nam giả giọng lơ lớ ngọng ngọng như của bà, đáp:

- T..ươ..ng..(đương) nhiên là khô..n..g!

- Không xuống té chết a!

- Chết ngộ chứ không chết nị à!

 Đứa khác tiếp lời:

- Mấy ngộ mình đồ..n (đồng) da sắt ha, có té chỉ pể nền nhà nị thôi ha...!

   Thấy bọn trẻ nhại giọng Tàu của mình, “chưởi cha không bằng pha tiếng„ bà Xì Thố hơi có chút bực bội, bà nói với giọng giận dữ:

- Mấy tứa (đứa) pây lì lợm không xuống, tau đập..chết..cha..pây!

- A, nị khiêu chiến ha! Tàu khiêu chiến với Việt Nam ha!

- Nị mà đánh..“chết cha“ ngộ, tụi ngộ.. tèo xuống xúm nhau đánh…“chết..mẹ“..nị!

- Mấy đứa pây hỗn ha! Tụi pây có xuống hết không ha?

- Cây..tứng (trứng) cá lày ở trên đất nước ngộ, pọn ngộ có quyền sử dụn..g, muốn…tịnh (định) cư luôn ở ..tây (đây) ha!

- Tụi pây làm lá rụn..g  tầy (đầy) sân, ai quét ha?

- Nị cứ về Tàu mà ở đi, thì khỏi quét ha!

   Biết cãi với bọn chúng chỉ vô ích, bà Xì Thố lẩm chẩm từng bước vẫn như con robot đi vào nhà. Bọn trẻ tưởng như thế đã yên, ai dè, bà trở ra với chiếc chổi chà cầm trên tay. Bà đến gốc cây trứng cá nhìn lên, lớn giọng:

- Tụi pây có xuống hết khôn..g, tau... thọt lên pây giờ!

   Vừa nói, bà Xì Thố vừa thọt chổi chà lên cây. Bọn trẻ nhanh nhẩu như những con khỉ con lập tức trèo cao ngọn né tránh. Một đứa hét:

- Nị thọt lên nữa, pọn ngộ...pọn ngộ...Nói chưa hết câu, Nam tiếp:

- Phe ta chuẩn bị...tấn công! 

   Rồi Nam liên tục hái những quả trứng cá xanh tới tấp ném xuống bà Xì Thố. Đám bạn khác cũng bắt chước. Những...viên đạn lả chả rơi xuống tứ tung vô tình rơi lốp đốp trên chiếc nón cời của một bà già đang ngồi dựa dưới gốc cây. Đó là bà già bán bánh tráng gạo, bánh tráng khoai lang cho những trẻ đi học qua lại trường trung học Hùng Vương gần đó. Bà ngồi bán đã vài năm trời, quá quen với bọn trẻ con nghịch phá trèo cây, hết lớp này đến lớp khác, nhưng chưa lần nào ồn ào như lần này.

   Nãy giờ bà ngồi đó, chiếc nón cời đắp mặt để tránh cái hanh nắng của buổi trưa hè, không ai rõ, bà thức hay ngủ, nhưng những quả trứng cá trúng nón đã khiến bà lồm cồm đứng dậy, chỉa mặt nhìn lên cây, nói:

- Nè, đám con nít kia, tụi bây có dừng tay không? Tụi bây ném nhỡ trúng bánh tráng bể hết bánh của tao bây giờ. 

- Bà già an tâm, bọn tui chỉ...chiến đấu với người Tàu hống hách ngang tàng, chứ không với bà đâu.

- Nhưng tụi bây...

- Bà an tâm nha bà!

   Nói xong, bọn trẻ lại tiếp tục hái những quả trứng cá xanh cẩn trọng nhắm về hướng bà Xì Thố. Những...viên đạn có trúng cũng không làm bà Xì Thố đau, không nhằm nhò gì với bà, song thấy bọn trẻ trèo cao quá nhỡ sẩy chân té xuống có mệnh hệ gì thì ít nhiều bà cũng có phần trách nhiệm, không chừng phải đền mạng như chơi, bà chả dại, đành chịu thua, rồi lẩm chẩm vẫn như con robot từng bước chầm chậm xách chổi vào nhà.


   Đợi lâu, không thấy bà trở ra, “hòa bình đã thực sự trên quê hương ta„ bọn trẻ trèo xuống, rủ nhau ngồi xếp bằng trên đôi dép của mình, trước mặt bà bán bánh tráng:

- Bà già, bán cho cái bánh tráng khoai lang ăn, bà già!

IMG_2830.JPG

Vừa quạt than vừa nướng bánh, bà già nhẹ nhàng trách: 

- Tụi bây, con gái con ghiếc gì mà leo trèo hoang quá!

 Nam đáp:

- Con gái cũng là...con. Con trai cũng là…con. Con nào cũng có hai chân, tại sao không trèo được chứ?

- Trèo có ngày té chết!

- Bà thấy bọn tui có đứa nào chết đâu!

 Bà già lắc đầu, hỏi tiếp:

- Tụi bây con nhà ai vậy?

Thanh Du lí lắc:

- Con ông Thiếu úy!

Bích Nga:

- Tui con ông Trung úy!

Hiền a dua:

- Còn tui con ông Đại úy!

- Con ông Thiếu úy, Trung úy hay Đại úy gì gì mà hoang quá tao cũng đập chết!

- Còn tui con ông Tỉnh Trưởng nè! Nam chen vô.

- Tỉnh Trưởng nào mà không nhốt mày trong…dinh để mày lang thang ra ngoài vậy?

- Tui trèo tường ra ngoài!

Bà già trách yêu:

- Trời nóng nực như vậy, ở trong..dinh ngủ trưa có sướng hơn không!

- Không! Ngủ còn biết gì sướng. Thức, ăn bánh tráng sướng hơn!

 Đến lượt Nam hỏi lại bà:

- Bà già, trời nóng nực như vậy, sao bà không bán chè đá có mát mẻ hơn không? 

- Tao nghèo quá vốn đâu mà bán chè. Với lại tao cũng già gánh không nổi. Bán bánh tráng chỉ có mỗi lò than và mấy cái bánh tráng cũng nhẹ, lại ít vốn.

- Tội nghiệp bà già ha. Sao con cái bà không nuôi bà?

- Chúng cũng nghèo nên tao phải phụ, đỡ đần cho chúng chứ.

- Vậy hằng ngày ở nhà, bà già ăn gì?

- Thì cũng cơm với rau.

- Có thịt cá không?

- Cũng có nhưng ít lắm.

- Có ăn bánh mì xíu không?

- Ăn bánh mì không thì có, nhưng cũng ít khi lắm.

- Tội nghiệp bà già quá! Bà nè, nhà ba mẹ tui có lò bánh mì, để tui về nhà lấy bánh mì biếu bà ha!

Bà già thở nhẹ:

- Mày lại ăn cắp bánh mì của cha mẹ rồi cho tao hả?

- Không ăn cắp đâu. Tui sẽ xin cha mẹ chứ.

- Cha mẹ mày rầy chết!

- Còn không, tui sẽ nhường phần tui để biếu bà.

     Chỉ nói chơi vậy, mà sau lần đó, cả Nam và Thanh Du về thưa với ông bà Khang và kể câu chuyện về bà già nghèo khổ bán bánh tráng. Thấy con có lòng nhân hậu biết thương người, ông bà Khang mừng lắm, hằng ngày ông bà cho phép Nam và Du thực hiện điều chúng mong ước. Từ đó, mỗi lần đi học ngang qua, bà già có bánh mì ăn, không chỉ bánh mì không mà lâu lâu còn có thịt xíu do chị em Nam giành phần biếu bà.

  Mỗi lần như thế, bà già hom hem mỉm cười, mặt rạng rỡ, nheo cặp mắt hiền từ nói với bọn Nam:

- Tụi bây hoang mà cũng thiệt ngoan đó!


 Trần Thị Nhật Hưng

   

   

 


***
youtube
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/08/2021(Xem: 6540)
Các câu trích dẫn giáo huấn của Đức Đạt-lai Lạt-ma dưới đây được ghi lại từ một tư liệu trên trang mạng tiếng Pháp Evolution-101 https://www.evolution-101.com/citations-du-dalai-Lama/. Các câu này được xếp theo các chủ đề: 1- Tình thương yêu 2- Tiền bạc 3- Hạnh phúc 4- Lòng tốt
18/08/2021(Xem: 9687)
LỜI MỞ ĐẦU Thông thường ở bất cứ quyển sách nào cũng có lời mở đầu của chính tác giả, hoặc lời giới thiệu của một người nào đó cho tác phẩm sắp được ra đời. Nay cũng nằm trong thông lệ ấy, tôi viết lời nói đầu cho quyển sách năm nay lấy tên là: "CHÙA VIÊN GIÁC", một quyển sách bằng tiếng Việt mà bao nhiêu người đã chờ đợi.
17/08/2021(Xem: 7429)
Thật là một điều kỳ diệu và lý thú khi được tin báo trên Viber là Tuyển Tập pháp Thoại vừa hoàn thành và đã sẵn sàng đến tay Phật Tử khi đến dự Lễ Vu Lan tại Tu Viện Quảng Đức (nếu không bị lockdown). Vì sao gọi là kỳ diệu? Chỉ sau khi tôi được học xong 10 duyên mà Đức Phật cho là quan trọng nhất theo thứ tự của 24 duyên, mà chúng ta ai cũng phải gặp trong thời gian còn làm người phàm, và nếu hiểu rõ tường tận thì mình có thể sẽ không bao giờ thốt lên câu “Học muôn ngàn chữ nghĩa nhưng không ai học được chữ Ngờ” của bộ Đại Phát Thú / Vi Diệu Pháp, do Giảng Sư Thích Sán Nhiên đã thuyết giảng qua 61 video, mỗi video kéo dài từ 3: 00 đến 3:50 giờ. Chính vì thế, nhờ đó tôi chợt nhận ra nhân duyên gì đã làm trưởng duyên và đẳng vô gián duyên, để tôi đến với Đại Gia Đình Quảng Đức Đạo tràng nói chung, và tiếp xúc liên hệ với TT Trụ trì Tu viện Quảng Đức Thích Nguyên Tạng và được cộng tác với Ngài trên trang website Phật Giáo, Trang Nhà Quảng Đức, để rồi hôm nay lại có duyên
17/08/2021(Xem: 5023)
Phần này bàn về cách dùng nên so với lên vào thời LM de Rhodes đến truyền đạo. Đây là lần đầu tiên các âm này được dùng trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh (chữ quốc ngữ). Ngoài ra, từ thời Việt Bồ La thì nước Việt đã mở rộng bờ cõi đến tận Cà Mau và khuếch đại các sự khác biệt trong ngôn ngữ như phương ngữ Nam bộ (tiếng Nam Kỳ) so với Bắc Bộ. Do đó các nhân tố địa-chính-trị đã đóng phần không nhỏ trong quá trình hình thành tiếng Việt hiện đại, thí dụ như cách nói "nên mười tuổi", cùng với khuynh hướng "chuẩn hóa" tiếng Việt so với hiện tượng lẫn lộn n và l mà một số tác giả cho là ‘nói ngọng’ đều liên hệ phần nào đến chủ đề bài này.
16/08/2021(Xem: 7143)
Con người sinh ra từ xưa đến nay ai ai cũng phải trải qua 4 giai đoạn. Đó là: Sanh, Già, Bệnh và Chết. Tuy nhiên cũng có người chỉ sanh ra rồi chết liền, không trải qua giai đoạn già hay bịnh; hoặc có người chưa già đã chết vì bịnh hay tai nạn; cũng có lắm người phải sống đến 100 năm hay hơn thế nữa để thấy cuộc thế đổi thay, nhiều khi muốn chết mà chết cũng không được. Dẫu biết rằng sống hay chết là một việc tự nhiên của con người, của muôn vật và ngay cả những chúng sanh có đời sống cao hơn và lâu dài hơn chúng ta, như những vị được sanh ra ở cõi Sắc hay cõi Vô Sắc đi chăng nữa, rồi một ngày nào đó cũng phải chết, phải đi đầu thai. Họ chỉ khác chúng ta là ở cõi đó đời sống sung sướng hơn, có tuổi thọ dài lâu hơn. Vì khi làm người, họ đã biết tạo dựng nhiều phước báu, nên kiếp nầy họ mới được như vậy.
15/08/2021(Xem: 4905)
Cúng ma chay, giỗ người thân đã mất, giỗ ông bà tổ tiên, cúng cô hồn vào những ngày rằm, ngày lễ như lễ Vu Lan, Tết Nguyên Đán …vv cùng với đốt vàng mã là truyền thống ‘tâm linh’ lâu đời của người Việt Nam, là cách tưởng niệm, bày tỏ lòng biết ơn, hiếu đễ đối với người đã khuất, tổ tiên và thần linh. Ngày nay, việc cúng người chết, cúng ‘cô hồn’ và đốt vàng mã tràn lan trên tinh thần kiến chấp ‘dương sao âm vậy’, nên các loại vàng mã thay đổi đa dạng sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế nầy: ngoài áo giấy ra, vàng mã còn có cả xe hơi, nhà lầu, ipad, di động, đô la vv với ý niệm ‘thiện lành’ (nhưng tà kiến) là để người ‘âm’ sử dụng. Không những tập tục này phát triển biến tướng trong nhân gian mà còn ảnh hưởng không tốt đến môt số Phật tử tại gia, và ngay cả tại một số tự viện.
15/08/2021(Xem: 7345)
Là người hay là thú, sinh ra đời nếu bộ não bình thường thì tất cả đều có cái biết. Biết đói, biết no, biết khát, biết nóng, biết lạnh, biết thiếu, biết đủ v.v… Tâm trí loài vật, có nhiều loài khá khôn ngoan, nhưng khôn ngoan cách nào cũng không bằng con người. Khi còn nhỏ cái biết của con người rất hạn hẹp. Khi lớn lên cái biết dần mở rộng, nhờ học hỏi từ môi trường gia đình, học đường, xã hội. Tùy theo căn cơ mà có người thông minh học một biết mười, có người kém thông minh chậm hiểu. Nhưng dù cái biết của người thông minh hay cái biết của người kém thông minh thì đó cũng là cái biết cần thiết cho đời sống.
13/08/2021(Xem: 6366)
Công ơn cha mẹ tựa biển trời Làm sao báo hiếu hỡi người ơi? Nếu chưa báo hiếu đừng bất hiếu Bất hiếu làm ta khổ trọn đời.
13/08/2021(Xem: 8967)
Nam Mô Vu Lan Hội Thượng Phật Bồ Tát Phật Dạy Ân Đức Cha Mẹ - A-nan! Ân đức cha mẹ có 10 điều sau đây: MỘT là ân thai mang giữ gìn: Vì sự nghiệp lực nhân duyên, nên nay ky' thác thai mẹ. Lâu ngày khổ sở, chín tháng cưu mang, nặng nhọc như đội núi, đi đứng sợ gió mưa, quần áo không sửa soạn, trang điểm còn kể chi.
09/08/2021(Xem: 8124)
Các lời trích dẫn giáo lý của Đức Phật cùng các danh nhân khác thường thấy trên mạng, báo chí và tạp chí đủ loại tại các nước Tây phương. Dường như trong cuộc sống dồn dập tại các nơi này, một số người đôi khi cũng thích đọc một vài câu ngắn gọn nhưng sâu sắc, giúp mình suy nghĩ về xã hội, con người và sự sống nói chung.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]