Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thoảng Hồn Thơ Việt Trên Đất Mỹ

27/05/202119:12(Xem: 10123)
Thoảng Hồn Thơ Việt Trên Đất Mỹ

THOẢNG HỒN THƠ VIỆT TRÊN ĐẤT MỸ

 

Sáng nay, 20-5-2021, chén trà móc câu Thái Nguyên miên man hương vị quê nhà trở lại với mình sau hơn một năm dài vắng bóng. Lâu nay, vì đại dịch phải uống mãi trà Tàu, trà tứ xứ. Hương trà cũ lại phảng phất hồn quê khi cùng lúc có tin một bé gái người Việt thuộc thế thứ ba trên đất Mỹ đang ở cùng thành phố Sacramento với mình, vừa được giải “thi sĩ khôi nguyên” của tổ chức Thi sĩ Tuổi Trẻ Toàn quốc (National Youth Poet Laureate - NYPL) tại Hoa Kỳ: Đó là Alexandra Huynh (Huỳnh Thụy An), 18 tuổi, vừa đoạt giải.

 

 Thoang-hon-tho-Viet-tren-dat-My-000

 

Văn bút thơ thẩn lắm khi có nét tình cờ của duyên thơ nhưng thi ca đích thực thường là do “văn chương nết đất, thông minh tính trời” như thi hào Nguyễn Du điểm xuyết Kim Kiều. Thật vậy, người đoạt giải thơ Tuổi trẻ Toàn quốc Hoa Kỳ năm 2021 này là con gái của đôi vợ chồng người Việt gốc Nha Trang. Hai anh chị theo gia đình định cư tại Mỹ theo diện HO-1 năm 1990 và lập gia đình tại Mỹ, sinh được 4 cháu (Thụy An và Thu Bình là hai cháu gái thứ nhì, sinh đôi), hiện đang ở tại Sacramento, thủ phủ tiểu bang California. Thụy An tốt nghiệp thủ khoa trung học Mira Loma và theo học trường đại học Stanford là đại học được xếp hạng trong số 3, 4 trường đại học danh tiếng nhất của Mỹ và toàn cầu. Thụy An cũng là huynh trưởng của tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam, sinh hoạt tại chùa Kim Quang, Sacramento. Và, hồn thơ xa vời mà sâu lắng cũng thường là hương hoa của huyết thống. Thụy An là cháu của nhà thơ Duy Năng (1935-2002), một nhà thơ nổi tiếng của miền Nam trước 1975.

 

Trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn AP vào tối ngày 20-5-2021,  Alexandra Huynh nói rằng thơ cũng là một khí cụ đầy sức mạnh để đương đầu với sự thách thức của cuộc sống.

Sinh hoạt với Gia Đình Phật Tử Kim Quang từ lúc còn bé, tâm hồn Thụy An đã được tưới tẩm chất thơ qua ca dao lời ru của Mẹ, qua tiếng hát và lời kinh trong sinh hoạt đầy đạo hạnh và êm đềm của tuổi trẻ Phật tử dưới mái hiên chùa. Chất liệu và suối nguồn thi ca nầy đã thể hiện trong lời nói của Alexandra Huynh với phóng viên quốc tế: “Tiếng Việt tự nó đã là một tiếng nói giàu chất thơ. Trong sinh hoạt văn hóa của người Việt người ta đã nói thành thơ trong cuộc sống hằng ngày.” Thụy An còn cho hay là đã tập viết những lời thơ phổ nhạc từ khi mới 7 tuổi; đặc biệt là sau những lần đọc thơ trước công chúng thì lại càng cảm thấy sức mạnh của chữ nghĩa có tác động tích cực lên tâm lý và tinh thần đại chúng. Alexandra Huynh căn bản sáng tác thơ bằng tiếng Anh nhưng luôn nuôi hy vọng là sẽ có tác phẩm thơ ra đời và sẽ được chuyển ngữ sang “tiếng Mẹ đẻ”, ngôn ngữ Việt Nam

Tổ chức văn học nghệ thuật và phát triển Urban Word đã thành lập chương trình Nhà Thơ Trẻ Quốc Gia (NYPL) năm 2017, người đầu tiên được giải là Amanda Gorman. Gorman xuất bản thi phẩm đầu tiên từ năm 2015. Năm 2020, nhà thơ trẻ tuổi da đen nầy đã có vinh dự tên tuổi của mình được giới thiệu và làm nổi bật danh nghĩa tổ chức Nhà Thơ Trẻ Quốc Gia qua phần diễn đọc bài thơ “The Hill We Climb” trong ngày lễ nhậm chức của tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.  Chính Alexandra bày tỏ đã có được sức mạnh tinh thần hỗ trợ và có thêm năng lực sáng tạo thi ca từ hình ảnh Amanda Gorman đọc thơ cho cả thế giới đều nghe.

 

Thế hệ trẻ người Việt nơi xứ người đã tạo được nhiều thành tích xuất sắc trong gần nửa thế kỷ lịch sử tha hương sau 1975 nhưng phần lớn là trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Đặc biệt về văn chương nghệ thuật, tác phẩm ra đời đòi hỏi tài năng, sự thẩm nhập văn hóa và tài hoa ngôn ngữ. Nguyễn Thanh Việt được giải thưởng Pulitzer năm 2016 về tiểu thuyết The Sympathizer và Alexandra Huynh được giải thưởng thơ năm 2021 đã mang lại niềm tự hào cho cộng đồng người Việt tha hương khi nói về văn học nghệ thuật. Ngoài ra, những tác giả gốc Việt tên tuổi khác cũng góp mặt trên văn đàn thế giới và được tặng các giải thưởng danh giá như Ocean Vuong (Mỹ), Linda Lê (Pháp), Lại Thanh Hà (Mỹ), Kim Thúy (Canada), Nguyễn Hoài Hương (Pháp), Trần Minh Huy (Pháp), Monique Truong (Mỹ), Nam Lê (Úc)… Và, hy vọng một ngày không xa, sẽ có tên tuổi nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ Việt Nam tiếp cận với giải Nobel.

Sáng nay, có tin một số tác giả trong nước ngại dịch thơ của Alexandra Huynh từ tiếng Anh sang tiếng Việt vì không dễ dàng. Thật ra, thơ của Alexandra Huynh thường được sáng tác với sự kết hợp bất ngờ của những hình ảnh đầy tính biểu tượng nối kết thực tại. Ý và tình được diễn cảm bằng những câu chữ khá độc đáo. Một trong nhiều bài thơ với thể loại như thế được nhắc đến nhiều nhất là Lời Nguyện Mùa Thu (Autumn Prayer). Bởi thế, thơ của Alexandra Huynh không dễ dàng cảm nhận trực tiếp khi chuyển ý và chuyển ngữ nên tương đối khó chuyển ngữ một cách trọn vẹn để chuyển tải hết tinh túy của hồn thơ thi nhân qua ngôn ngữ thi ca của tiếng Việt. Mong rằng, tác phẩm dịch thơ bằng tiếng Việt đầu tay sẽ ra mắt sớm như mong ước của “thi sĩ khôi nguyên” trẻ tuổi đã chia sẻ…

 

LỜI NGUYỆN MÙA THU

đây là nơi tôi nhận mọi thông tin,

mẩu tin xưa cũ của thế giới

chẳng của riêng tôi

nhưng phảng phất mùi cảm thông

 

từ một ông già

với lòng cảm thông thương hại

 

ông giảng cho tôi

về bài học tên gì số mấy

& tôi nuốt xuống

 

cho đến khi ông nhắc đến Việt Nam

(cuộc chiến)

khi đó

tôi bắt đầu thật sự lắng nghe

 

nếu tôi không thể là người hùng

tôi mang tên người di dân gương mẫu

 

     ôi những chiếc thuyền

     & những người trên những chiếc thuyền ấy

     can đảm biết bao & khác xa

     đám tỵ nạn đương thời chúng ta nợ họ

 

Tôi ngậm chặt lưỡi

nghe âm thanh

thân thuộc gần như nhà mình
khi tên Dương Thu Hương mất đi dòng sông

trong miệng lão thầy

và chẳng ai buồn hỏi vì sao

mặt tôi giàn giụa.

 

& nhớ đến chiếc bàn buồn bã,

trong góc xó lớp học

tôi viết lời nguyện cầu

cho lũ trẻ sắp vào chật lớp này:

 

hãy để đám trẻ được xưng tên chúng như mẹ chúng đã từng gọi thế.

hãy để điệp khúc được xướng lại hay cố gắng & cố gắng như thế.

hãy để những câu chuyện không pha chất trọ trẹ

& giữ lại thanh âm không phiên dịch.

hãy để lũ trẻ điền vào khoảng trống bằng ký ức.

 

 

     ừ thì rau ngò. ừ thì tơ lụa. ừ thì tiếng giậm chân. căn nhà đôi. mật ngọt.
     tràng hạt. ừ thì nhựa đường. tiếng trống. những đôi giày. những lọn tóc.
     ừ thì nén hương. bánh mì. giây xích. đồng kẽm. ừ thì những ngôi sao.
     những ca khúc. những xôn xao trên truyền hình dây cáp, dòng sông. ừ thì
     những số nhân. số nhiều. ừ tình yêu. ừ tình yêu.

 

hãy để ký ức được kể lại bằng những khối u trong tim

hãy cho lũ trẻ biết tên gọi thực thụ của nỗi buồn.

hãy để chúng kết âm thanh thành hy vọng.

& rút tỉa từ những bi hùng ca của tổ tiên.

hãy để danh dự không bắt chúng làm con tin.

hãy để huyết thống chúng trở thành nguyên bản.

hãy để những gì mắt thấy tai nghe trở thành ngôn ngữ chính.

 

Alexandra Huynh

Hòa Bình Lê phỏng dịch

 

Trong buổi lễ công bố nhà thơ thắng giải National Youth Poet Laureate, Alexandra Huynh đã diễn đọc bài thơ Di Sản với nội dung tạm chuyển ngữ tiếng Việt như sau:

 

Thoang-hon-tho-Viet-tren-dat-My-001

những ngày này tôi hoan nghênh sự im lặng

cảm nhận vòng tay của trái đất

cả những lúc vắng âm thanh

tôi vẫn lắng nghe mọi câu chuyện

vẫn được gọi là hư cấu

 

tôi khắc chúng xuống lối đi

để biết hướng nào là nhà

đôi khi tôi để yên cho tiếng ồn cứ là tiếng ồn

không để cho nghĩa vụ phân trí    

tôi không phải là máy móc gia dụng

cũng không phải là sinh vật phục vụ trong nhà

 

tôi là con người

tôi là con người

có sự hiện hữu bên ngoài cảm giác tội lỗi

có thứ từ ngữ dành riêng cho cảm xúc

và tôi không sợ gọi đúng tên nó

  

Trí óc tôi không phải nhà tù

mà là lăng kính

và tôi hiểu rằng

những chiếc bóng tăm tối hiện ra

trong sự hiện hữu của ánh sáng 

 

và ngày tháng của tôi không đếm được
dẫu chúng là con số

nên tôi đếm bằng sự tử tế

và nhắc đến tình yêu nhiều hơn lời tạm biệt

tôi đếm những bữa ăn thay vì sức nặng mang theo

và mang theo những điều hữu ích ngày sau

 

Một vài điều tôi nghiệm ra

Đôi vớ vẫn là vớ

dù chúng có lẫn lộn,

mọi điều tôi nghe về một căn phòng sạch vẫn đúng,

bạn có thể nhìn thấy nụ cười đằng sau cái khẩu trang,

cách tôi nói chuyện với bản thân

là cách tôi nói chuyện với bạn,

tôi nên gỡ nút câm của mình ra thường xuyên hơn,

tôi cần nước nhiều hơn tôi nghĩ tới,

nếu những người trong căn phòng này có thể mỉm cười,

nếu những người trong căn phòng này đều là người.

 

Ngay cả khi tôi tự tháo gỡ tôi khỏi

thế giới quy mô này

tôi biết mình hiện hữu.

 

Cuộc chiến vẫn tiếp diễn

ngay dưới hai bàn chân tôi;

Không cần hình ảnh chứng mình điều đó.

Nghi lễ khải hoàn đang diễn ra
trong huyết thống tôi.

Không cần dải băng-rôn chứng minh điều đó.

Tôi là sự chiến thắng.

Mỗi ngày tôi thở.

Và nhiều năm sau này,

khi trở thành tổ tiên

tôi sẽ cho chúng biết

về sự can đảm của khoảng cách,

và cách chúng ta

nắm không gian thay vì nắm tay nhau.

Tôi sẽ cho chúng biết

màu sắc của sự can đảm; 

âm vang của sự mất mát lan truyền

suốt một thế hệ,

và đám trẻ trở thành thầy cô giáo;

hiểu được tình yêu không định nghĩa bằng tuổi tác.

Tôi sẽ cho chúng biết trên mảnh đất này

chúng ta tước đoạt từ những người

chúng ta không bao giờ có thể đáp trả,

nhưng chúng ta sẽ cố gắng & cố gắng,

tôi sẽ cho chúng biết

mỗi dấu chân được cảm nhận như thế nào

phía bên kia hành tinh.

Vì vậy hãy để ý thật kỹ

đặt chân duy nhất về hướng sự thật.

 

Các bạn đã thừa hưởng sự im lặng,

bây giờ hãy cất cao tiếng hát. 

Alexandra Huỳnh đọc thơ 
Việt Báo phỏng dịch

 

Bình trà xanh Bắc Thái đã cạn nhưng hương vị quê nhà vẫn còn thoảng hương thơm và vị ngọt. Hồn thơ Việt trong thinh lặng vẫn còn lan tỏa năng lượng cho những thế hệ kế thừa.

 

 Sacramento, Ngày Phật Đản 2565-2021

Trần Kiêm Đoàn

 

 



***
youtube
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/05/2021(Xem: 4660)
Đại thừa lấy việc chăn trâu dụ cho việc điều tâm, luyện tâm. Cái tâm đó, nguyên lai thuần hậu, nhưng đã bị đánh lạc mất, để nó chạy rông, buông lung theo sở thích không biết gì đến những hiểm nguy rình rập, cho nên phải tìm lại, và chế ngự cho thuần tính. Cái tâm vọng động xấu xa lần hồi được gạn lọc khỏi các cấu nhiễm trần gian sẽ sáng dần lên và từ chỗ vô minh sẽ đạt tới cảnh giới vòng tròn viên giác. Đó là tượng trưng cho phép tu “tiệm”. Theo phép tu tiệm thì phải tốn rất nhiều công phu mới tiến đến được từng nấc thang giác ngộ. Nhờ công phu, cái vọng tâm lần hồi gạn lọc được trần cấu mà sáng lần lên, cũng như nhờ được chăn dắt mà con trâu hoang đàng lâu ngày trở nên thuần thục dần dần và lớp da đen dơ dáy trắng lần ra.
24/05/2021(Xem: 3846)
Cơn đại dịch quét qua địa cầu gây điêu đứng và làm xáo trộn cả đời sống của nhân loại. Nó tước đi những sinh mệnh, làm đảo lộn nếp sống của từng cá nhân, gia đình, xã hội, quốc gia và quốc tế. Nó không phân biệt, nể trọng hay nhường nhịn ai; không kỳ thị trí thức hay bình dân, giàu hay nghèo, già hay trẻ, nam hay nữ, khỏe mạnh hay yếu đuối. Nó ly cách từng cá nhân, chia lìa những gia đình, khoanh vùng từng xã hội; và như lưỡi hái khổng lồ của tử thần, nó phạt ngang, san bằng tất cả những gì nằm trên lối đi thần tốc của nó.
24/05/2021(Xem: 7748)
Ca khúc phổ nhạc “Đóa Hoa Dâng Đời... Của Ns Phật Giáo Hằng Vang từ bài thơ có tựa là “ Đóa Hoa Ngàn Đời... Của Huyền Lan đăng tuần báo Giác Ngộ đặc biệt Phật Đản số 110 ra ngày 09/05/1998. Sau đó vào năm 2003. Cư Sỹ Tống Hồ Cầm – Phó Tổng Biên Tập Báo Giác Ngộ - tức nhà thơ Tống Anh Nghị - Chủ Nhiệm CLB thơ ca Báo Giác Ngộ, hợp tuyển thơ báo Giác Ngộ nhiều tác giả có tên gọi “Sắc Hương Hoa Bút... Được tuyển chọn vào tập thơ nhiều tác giả nầy...
24/05/2021(Xem: 4855)
Ni sư Thích Nữ Giới Hương có lẽ là vị trụ trì viết nhiều nhất ở hải ngoại. Đó là theo chỗ tôi biết, trong cương vị một nhà báo nhiều thập niên có liên hệ tới nhà chùa và công việc xuất bản. Viết là một nỗ lực gian nan, vì phải đọc nhiều, suy nghĩ nhiều, phân tích nhiều, cân nhắc kỹ rồi mới đưa chữ lên mặt giấy được. Đặc biệt, Ni sư Giới Hương cũng là vị trụ trì viết bằng tiếng Anh nhiều nhất. Tôi vẫn thường thắc mắc, làm thế nào Ni sư có đủ thời giờ để gánh vác Phật sự được đa dạng như thế. Nghĩ như thế, vì tự thấy bản thân mình, nghiệm ra, không có đủ sức đọc và viết nhiều như Ni sư.
18/05/2021(Xem: 6295)
Phật sử ghi lại rằng, vào canh Ba đêm thành đạo, đức Phật đã tìm ra câu giải đáp làm sao thoát khỏi cảnh “Sinh, Già, Bệnh, Chết”, tức thoát khỏi vòng “luân hồi sinh tử”. Câu trả lời là phải đoạn diệt tất cả “lậu hoặc”. Lậu hoặc chính là những dính mắc phiền não, xấu xa, ác độc, tham, sân, si… khiến tâm con người bị ô nhiễm từ đời này sang đời khác, và đời này con người ta vẫn tiếp tục huân tập lậu hoặc, tạo thành nghiệp. “Lậu hoặc” hay “nghiệp” là nguyên tố nhận chìm con người trong luân hồi sanh tử, là nguyên nhân của khổ đau. Muốn chấm dứt khổ đau, chấm dứt luân hồi sanh tử thì phải đoạn diệt tất cả các lậu hoặc, không có con đường nào khác!
18/05/2021(Xem: 5430)
Năm 1959 một sự đe dọa của Tàu Cộng chống lại Đức Đạt Lai Lạt Ma đưa đến sự phản kháng ở Lhasa. Hy vọng tránh được một cuộc tắm máu, ngài đã đi lưu vong và hơn 150,000 Tây Tạng đã đi theo ngài. Bất hạnh thay, hành động này đã không ngăn được sự tắm máu. Một số báo cáo nói rằng khoảng một triệu người Tây Tạng đã chết trong năm đó như một kết quả trực tiếp của việc Tàu Cộng xâm chiếm Tây Tạng.
16/05/2021(Xem: 12312)
Nhận xét rằng, Chúng ta đang đứng trước một khúc quanh gấp của lịch sử nhân loại. Đại dịch Covid-19 đã khép kín mỗi cá nhân trong một không gian chật hẹp, cách ly xã hội, cô lập cá nhân, cách ly cả những người thân yêu. Nó đã tạo ra những khủng hoảng tâm lý trầm trọng trong nhiều thành phần xã hội. Một số đông bị quẫn bức, không thể tự kềm chế, bỗng chốc trở thành con người bạo lực, gieo kinh hoàng cho xã hội. Một số khác, có lẽ là số ít, mà phần lớn trong đó là thanh thiếu niên, khởi đầu cũng chất đầy oán hận trong lòng, nhưng rồi trước ngưỡng sinh tử sự đại, tự mình phấn đấu tự kềm chế, cuối cùng đã khám phá chính mình, trong trình độ nào đó, với những giá trị nhân sinh chỉ có thể tìm thấy trong những cơn tư duy thầm lặng. Giá trị nhân sinh không thể tìm thấy bằng những cao trào kích động của tuổi trẻ. Thế hệ ấy sẽ làm thay đổi hướng đi của lịch sử Đông Tây qua hai nghìn năm kỷ nguyên văn minh Cơ-đốc, khi mà tín đồ có thể liên hệ trực tiếp với đấng Chí Tôn của mình qua mạng truyền
15/05/2021(Xem: 5505)
Phần này bàn về niên hiệu Long Thái và chúa Khánh ở Cao Bằng vào thời LM de Rhodes đến truyền đạo. Đây là lần đầu tiên các danh từ như vậy được dùng trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh (chữ quốc ngữ). Các tài liệu tham khảo chính của bài viết này là cuốn "Chúa Thao cổ truyện" và bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) tự điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra tự điển này trên mạng, như trang http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false.
15/05/2021(Xem: 5077)
Không nói được tiếng Tây Tạng và chưa bao giờ dịch tác phẩm nào nhưng Evans-Wentz được biết đến như một dịch giả xuất sắc các văn bản tiếng Tây Tạng quan trọng, đặc biệt là cuốn Tử Thư Tây Tạng ấn bản năm 1927. Đây là cuốn sách đầu tiên về Phật giáo Tây Tạng mà người Tây Phương đặc biệt quan tâm. Ông Roger Corless, giáo sư Tôn Giáo Học tại đại học Duke cho biết: “Ông Evans-Wentz không tự cho mình là dịch giả của tác phẩm này nhưng ông đã vô tình tiết lộ đôi điều chính ông là dịch giả.”
15/05/2021(Xem: 5252)
Ngay sau tác phẩm Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa, người đọc lại được đón đọc Vua Là Phật - Phật Là Vua của nhà văn Thích Như Điển. Đây là cuốn sách thứ hai về đề tài lịch sử ở thời (kỳ) đầu nhà Trần mà tôi đã được đọc. Có thể nói, đây là giai đoạn xây dựng đất nước, và chống giặc ngoại xâm oanh liệt nhất của lịch sử dân tộc. Cũng như Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa, tác phẩm Vua Là Phật - Phật Là Vua, nhà văn Thích Như Điển vẫn cho đây là cuốn tiểu thuyết phóng tác lịch sử. Nhưng với tôi, không hẳn như vậy. Bởi, tuy có một số chi tiết, hình ảnh tưởng tượng, song dường như rất ít ngôn ngữ, tính đối thoại của tiểu thuyết, làm cho lời văn chậm. Do đó, tôi nghiêng về phần nghiên cứu, biên khảo, cùng sự liên tưởng một cách khoa học để soi rọi những vấn đề lịch sử bấy lâu còn chìm trong bóng tối của nhà văn thì đúng hơn. Ở đây ngoài thủ pháp trong nghệ thuật văn chương, rõ ràng ta còn thấy giá trị lịch sử và hiện thực thông qua sự nhận định, phân tích rất công phu của
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]