Đại thừa lấy việc chăn trâu dụ cho việc điều tâm, luyện tâm. Cái tâm đó, nguyên lai thuần hậu, nhưng đã bị đánh lạc mất, để nó chạy rông, buông lung theo sở thích không biết gì đến những hiểm nguy rình rập, cho nên phải tìm lại, và chế ngự cho thuần tính. Cái tâm vọng động xấu xa lần hồi được gạn lọc khỏi các cấu nhiễm trần gian sẽ sáng dần lên và từ chỗ vô minh sẽ đạt tới cảnh giới vòng tròn viên giác. Đó là tượng trưng cho phép tu “tiệm”. Theo phép tu tiệm thì phải tốn rất nhiều công phu mới tiến đến được từng nấc thang giác ngộ. Nhờ công phu, cái vọng tâm lần hồi gạn lọc được trần cấu mà sáng lần lên, cũng như nhờ được chăn dắt mà con trâu hoang đàng lâu ngày trở nên thuần thục dần dần và lớp da đen dơ dáy trắng lần ra.
Tâm là con trâu, người chăn là mình. Vì có trâu nên có mục đồng, vì có tâm nên có cảnh. Từ khi tìm được trâu để chăn cho đến khi việc chăn thành tựu phải trải qua mười giai đoạn, được minh họa bằng mười bức tranh liên hoàn. Tranh chăn trâu Đại thừa nhằm vào sự cột trâu, tức là điều tâm, luyện tâm.
TÂM MINH NGÔ TẰNG GIAO
chuyển dịch thơ
(dựa theo bản chuyển ngữ tiếng Anh của
DAISETZ TEITARO SUZUKI)