Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bước Qua Lịch Sử

24/05/202119:55(Xem: 3777)
Bước Qua Lịch Sử

BƯỚC QUA LỊCH SỬ

 lotus 10

Vĩnh Hảo

 



 

Cơn đại dịch quét qua địa cầu gây điêu đứng và làm xáo trộn cả đời sống của nhân loại. Nó tước đi những sinh mệnh, làm đảo lộn nếp sống của từng cá nhân, gia đình, xã hội, quốc gia và quốc tế. Nó không phân biệt, nể trọng hay nhường nhịn ai; không kỳ thị trí thức hay bình dân, giàu hay nghèo, già hay trẻ, nam hay nữ, khỏe mạnh hay yếu đuối. Nó ly cách từng cá nhân, chia lìa những gia đình, khoanh vùng từng xã hội; và như lưỡi hái khổng lồ của tử thần, nó phạt ngang, san bằng tất cả những gì nằm trên lối đi thần tốc của nó.

Hơn ba triệu người nằm xuống (1) dưới lưỡi hái này kể từ khi dịch bắt đầu lây lan; và số nhân mạng tử vong vẫn còn tăng lên từng ngày ở quốc gia này, quốc gia kia, dù các khoa học gia đã bào chế và sản xuất được thuốc chủng ngừa từ cuối năm trước.

Hãy thử nhìn những con số của dịch cúm năm 1918: khoảng 500 triệu người bị lây nhiễm, và khoảng ít nhất là 50 triệu người tử vong trên toàn thế giới (2). Số người chết năm xưa so với ngày nay thật quá khủng khiếp. Nhưng ngày nay đọc lại từ sử liệu, chỉ thấy tử vong trên những con số. Hình ảnh chết chóc sẽ được gợi lên bằng phép toán so sánh thật nhanh: năm ấy và năm nay, con số và người chết. Mức độ xúc cảm sẽ không nhiều, nếu không muốn nói là vô cảm.

Thống kê về tử vong trong chiến tranh, thiên tai, ôn dịch… ở khắp nơi trên thế giới với cấp số nghìn, muôn, ức, triệu không thể nào chính xác, để rồi con số cuối cùng lưu vào sử chỉ là ước tính. Những con số trên trang sử, dù chuẩn xác hay chỉ ước tính, cũng đã lược bỏ đi danh tánh, tuổi tác, giới tính, chức nghiệp… của từng phận người. Và, sử đã không ghi được nỗi thống khổ cùng tận của những con người bằng xương bằng thịt, có ý thức, xúc cảm và tình thương, phải đau đớn quằn quại khi mất đi một phần cơ thể, hoặc mất đi người thân yêu trong gia đình. Sử không ghi được máu đổ nơi chiến trường hay hậu phương, không ghi được nước mắt lăn dài trên những gương mặt sầu đau khổ nạn. Sử cũng không mô tả được nỗi âu lo, niềm hy vọng, thất vọng và từng giây phút căng thẳng của những người ở tuyến đầu lửa đạn hay đại dịch: người lính ở trận tiền, y sĩ y tá nơi phòng cấp cứu bệnh viện, trực tiếp chứng kiến, cảm nhận và chia sẻ nỗi đớn đau và cái chết với đồng đội, với bệnh nhân.

Có những cơn đau làm oằn cả thân, rồi mau chóng mang đi một đời người. Có những cơn đau vật vã kéo dài như hành hạ xác thân trong nhiều kiếp. Có những cuộc chia ly vội vàng không kịp nói lời từ giã, và những cuộc từ biệt đã biết từ nhiều ngày trước. Có những lời trăng trối đứt quãng theo hơi thở phập phều, và những lời nhắn nhủ ngắn gọn chỉ được gửi qua vị y sĩ. Có những cái chạm tay qua mặt kiếng, hay vẫy tay từ một khoảng cách xa thẳm như từ hai thế giới cách biệt. Những lời nghẹn ngào. Những tiếng khóc lặng câm, đau buốt ở tận tim gan. Sự đau đớn và khiếp hãi của bệnh nhân khi đối diện với cái chết là không cùng tận; niềm đau mất mát của người thân ở lại cũng không cùng tận.

Cái khổ của sinh, già, bệnh, chết đã được nói nhiều trong kinh điển các tôn giáo, trong sử sách, văn chương, báo chí, lời truyền giảng… Nhưng nếu không trực tiếp ở ngay tuyến đầu của chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, người ta khó có thể khởi lên niềm trắc ẩn, xót xa hay phát lòng từ bi ảnh hưởng lên hành động cứu giúp, vỗ về. Khi khổ nạn chưa đến với bản thân, người ta hãy còn thờ ơ, không quan tâm gì lắm; cho đến khi dịch bệnh lan đến bạn bè, hàng xóm, người thân, mới để ý và tin rằng nó có thật. Và rồi khi khổ nạn ấy đến với chính tự thân, lời trăng trối cũng không kịp cất lên, niềm hối hận cũng muộn màng không thể chân thành biểu lộ. Tin tức từ các phương tiện truyền thông đại chúng đến lúc này mới được ghi nhận là có thật, mà căn bệnh nguy hiểm đang hành hạ xác thân, hăm he tước đi mạng sống của mình còn thật hơn.

 

Cho nên, sống trên cuộc đời khổ đau này, cần phải học và phát triển lòng thương. Thiếu lòng thương, người ta sẽ mất đi sự nhạy cảm, đồng cảm với khổ nạn của kẻ khác. Thiếu lòng thương, người ta chỉ biết có mình, niềm đau của mình, mà không hề biết rằng có những người khác cũng đau khổ, có khi còn trăm lần hơn. Lòng thương là chất liệu có sẵn trong mỗi con người, là sức mạnh vô song có thể vực dậy được những gì đã ngã đổ của tự thân và gia đình; xa hơn, có thể làm vơi đi những khổ đau bệnh hoạn của xã hội, cứu vớt an ủi những số phận hẩm hiu nghèo đói.

Hạt mầm thương yêu có sẵn, nhưng không tạo môi trường tốt đẹp và thích hợp thì mầm ấy cũng không thể nứt lên cây, cho ra hoa trái. Bởi vậy tình thương, hay lòng từ bi, cần phải trau luyện và nuôi lớn. Lòng từ bi nên được ứng dụng vào tất cả mọi sinh hoạt của con người, từ cá nhân đến gia đình và xã hội, từ giáo dục đến y tế, kinh tế. Động lực và chức năng của lòng từ bi là nâng dậy. Từ sự nâng dậy ấy, nhân gian sẽ an vui hơn, cuộc đời sẽ hạnh phúc hơn.

Hãy nghe lời nguyện tha thiết phát khởi từ lòng yêu thương con người và cuộc đời, được tụng đọc mỗi sáng trong chốn thiền môn: “Vào những lúc tật dịch tràn lan, con sẽ hóa hiện thành thuốc men (dược thảo), cứu chữa cả những bệnh trầm kha; gặp khi nạn đói hoành hành, con sẽ hóa hiện thành lương thực để cứu người đói lạnh cơ khổ. Bất cứ điều lợi ích (thiết thực) nào, con nguyện sẽ không từ nan” (3).

Với lòng từ bi được trau luyện và nuôi dưỡng ấy, chúng ta đối diện và đối kháng với thảm họa dịch bệnh hôm nay bằng trái tim và bàn tay nhân ái. Bất cứ điều gì có thể góp phần vào việc phòng ngừa và chống lại dịch bệnh, chúng ta sẽ tận lực thực thi, vì điều này sẽ cứu mạng rất nhiều người, trong đó có cả bản thân và gia đình chúng ta. Chúng ta không quên tri ân những nhà khoa học suốt mấy chục năm qua đã vùi mình vào các chương trình nghiên cứu về vi trùng để kịp bào chế thuốc chủng ngừa cho dịch bệnh ngày nay. Chúng ta biết trân quý, biết ơn và hết sức ca ngợi lòng hy sinh, ý thức trách nhiệm và lòng nhân ái của những y sĩ, y tá, y công ở tuyến đầu đại dịch.

Trăm năm sau, hình ảnh cao đẹp và bi tráng của các nhà khoa học và những người ở tuyến đầu dịch bệnh sẽ được nhắc qua loa trong sách sử; và người đời sau cũng sẽ nhìn thấy những con số lây nhiễm, tử vong, ở nước này nước kia với một thoáng bi thương, hoặc hoàn toàn vô tâm vô tình. Người viết sử chỉ khách quan ghi nhận các sự kiện đã xảy ra trong quá khứ cho nên sách sử là những trang giấy khô chết, chứa đựng dữ liệu, sự kiện. Người đọc sử có trách nhiệm nghiên cứu và rút tỉa những bài học từ lịch sử khô chết ấy để tránh tái diễn những thảm họa khó thể lường trước ở tương lai.

Đã khắc ghi bài học lịch sử ấy rồi thì tiếp đến, cần nhớ rằng bài học vỡ lòng của tiến bộ là hãy quên đi quá khứ. Bám víu vào những sai lầm lịch sử sẽ ngăn cản bước đi của người trí tuệ hiện tại, ảnh hưởng tiêu cực đến các thế hệ mai sau.

 

Nơi trạm xe buýt cuối ngày, chuyến xe cuối cùng chuẩn bị lăn bánh. Những người đến trễ và những người muốn ngủ lại nơi băng ghế chờ đợi, sẽ bị bỏ lại. Cơ hội tái diễn cho một chuyến xe khác, có thể là ngày hôm sau. Nhưng hôm sau, nào ai đoán được chuyện gì sẽ xảy ra. Người ta cần phải bước qua, bỏ lại lịch sử phía sau, bằng không sẽ bị bỏ lại bên lề lịch sử.

 

California, ngày 23 tháng 05 năm 2021

Vĩnh Hảo

www.vinhhao.info

 

______________

 

 

(1)  Theo số liệu thống kê từ Worldometer, https://www.worldometers.info/coronavirus/ tính đến ngày 23/5/2021, đã có 167,362,130 ca lây nhiễm, 148,377,916 trường hợp được hồi phục, và 3,475,053 trường hợp tử vong vì COVID-19.

(2)  Theo CDC (Centers for Disease Control and Prevention – Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh), đại dịch cúm năm 1918 là đại dịch nghiêm trọng nhất trong lịch sử gần đây. Nó được gây ra bởi một loại vi-rút H1N1 với gen có nguồn gốc từ gia cầm. Mặc dù không có sự đồng thuận chung về nguồn gốc của virus, nhưng nó đã lây lan trên toàn thế giới trong giai đoạn 1918-1919. Tại Hoa Kỳ, nó lần đầu tiên được xác định ở các quân nhân vào mùa xuân năm 1918. Người ta ước tính rằng khoảng 500 triệu người hoặc một phần ba dân số thế giới đã bị nhiễm vi-rút này. Số người chết ước tính lên tới ít nhất 50 triệu người trên toàn thế giới với khoảng 675.000 người xảy ra ở Hoa Kỳ. (Nguồn: https://www.cdc.gov/flu/pandemic-resources/1918-pandemic-h1n1.html )

Theo Wikipedia, đại dịch năm 1918 được ghi vào sử với tên gọi là Spanish Flu (cúm Tây Ban Nha). Nhưng kể từ năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO – World Health Organization) đã yêu cầu các nhà khoa học nên tránh dùng địa danh hay tên gọi cá biệt của một chủng loại nào đó để đặt cho một loại virus hay đại dịch nhằm tránh sự kỳ thị chủng tộc cũng như tác hại về kinh tế đối với địa phương ấy.

(3)  “Tật dịch thế nhi hiện vi dược thảo, cứu liệu trầm kha; cơ cẩn thời nhi hóa tác đạo lương, tế chư bần nổi. Đản hữu lợi ích, vô bất hưng sùng.” Đoạn này trích từ bài “Phát Nguyện Văn” (mà thiền môn Việt Nam gọi nôm na là Sám Qui Mạng) của Thiền sư Di Sơn, đời Đường bên Trung Hoa. Để tỏ lòng tôn kính, môn đồ lấy tên ngọn núi (Di Sơn) để gọi thay vì gọi thẳng tên là Thiền sư Kiểu Nhiên. Bài Phát Nguyện Văn này được đưa vào nghi thức tụng niệm để tụng đọc vào mỗi thời công phu sáng tại các chùa miền Trung và Nam Việt Nam.

 

 



***
youtube
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/12/2021(Xem: 6933)
Một con gà chết oan Bên vệ đường cuộc thế Nhân sinh tùy vô ngại Nhặt nó về nấu ăn
03/12/2021(Xem: 4340)
Hằng ngày theo thông lệ kiểm mail, tôi bất chợt nhận thư mời tham dự Đại Hội Hoằng Pháp lần thứ nhất của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) qua Zoom do Hòa Thượng Thích Như Điển thông báo. Gần ngày Đại Hội, lại nhận mail của anh Phù Vân Chủ Bút báo Viên Giác giao nhiệm vụ cho tôi và cô bạn văn Hoa Lan tường thuật buổi Đại Hội. Thế là có động lực thôi thúc tôi quyết định ghi danh tham dự. Đại Hội bắt đầu lúc 4 giờ Âu Châu, thì phải lo dậy từ 3 giờ sáng mới có thể chuẩn bị cho kịp vào Zoom vì trước 15 phút Zoom khóa cửa. Chẳng những thế, từ chiều, còn phải chuẩn bị sạc pin cho đủ 100%, ăn cơm sớm, ngủ sớm lấy sức và không quên vặn đồng hồ báo thức... Đại Hội Hoằng Pháp lần thứ nhất quy tụ rất nhiều Chư Tôn Đức Tăng, Ni, Phật Tử khắp nơi trên thế giới từ Âu, Mỹ, Á, Úc... cùng nhau vào Zoom bàn chuyện phiên dịch Đại Tạng Kinh tiếp nối con đường tiền nhân để lại.
01/12/2021(Xem: 5185)
Vào tối hôm thứ Năm, ngày 25 tháng 11 vừa qua, các chi hội thứ nhất, nhì, ba Hiệp hội Quốc tế Phật Quang Sơn Toronto, Canada đồng phối hợp tổ chức một nhóm tọa đàm "Đối thoại về Tâm" (與心對話). Pháp sư Dương Phái Hân (楊沛欣法師), người tổng triệu tập Tổng hội đọc sách Phật giáo Nhân gian Toronto, dùng Pháp ngữ Trí tuệ của Đại sư Tinh Vân, Tông trưởng khai sơn Phật Quang Sơn Đài Loan, các hội viên đồng nghiên cứu thảo luận "Hướng Tuyệt diệu Sống Tự do Tự tại" (自由自在的生活妙方).
01/12/2021(Xem: 7519)
Ngẫm lại, điều gì ta xem trọng nhất trong đời. - Một người phụ nữ bất hạnh tìm đến lão Thiền sư nơi thâm sơn mong được Ngài chỉ dạy cho bí quyết nhân sinh hạnh phúc. Lão thiền sư trang nghiêm trong tư thế kiết già, khung cảnh tĩnh lặng chỉ còn nghe tiếng suối chảy róc rách và tiếng lá khô xào xạc. Thiền sư hỏi: “Xin hỏi đạo hữu, điều mà đạo hữu đang xem trọng nhất là gì?”.
29/11/2021(Xem: 6213)
Mấy hôm nay đọc báo trên các mạng lưới trực tuyến xã hội tiếng Việt, người Việt khắp nơi trong cũng như ngoài nước, được nghe một nguồn dư luận mới xôn xao về việc nên giữ hay bỏ một câu khẩu hiệu đã trở thành quá quen thuộc trong tất cả các hệ thống trường học Việt Nam từ xưa tới nay. Đó là câu châm ngôn “tiên học lễ, hậu học văn” thường được dán ngay trên tường trước mặt học sinh trong lớp học. Vì đã quá quen thuộc và mặc nhiên được coi đây là một đạo lý đương nhiên kết hợp giữa tinh thần tôn sư trọng đạo và rèn luyện nhân cách nên qua nhiều thế hệ, câu khẩu hiệu này đã trở thành một lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà nghiêm cẩn chuyên chở giá trị nhân văn đào tạo thế hệ trẻ. Đây không phải là một câu khẩu hiệu thời trang để trang trí lớp học mà là một châm ngôn rèn luyện nhân cách trong đời sống học trò. Bởi vậy, chẳng có thầy giáo hay học sinh nào còn bận tâm đặt câu hỏi là nên hay không nên treo câu khẩu hiệu mang nội dung “nguyên lý giáo dục” hay đạo lý trồng người nầy. (Chữ L
27/11/2021(Xem: 6531)
Phật thời còn tại thế gian Có ông vua nọ ngọc vàng đầy kho Chất cao như ngọn núi to Một ngày vua muốn phát cho mọi người Đem ra bố thí khắp nơi Cái tâm phước thiện tuyệt vời biết bao!
23/11/2021(Xem: 20769)
314. Vua, Thiền Sư Trần Thái Tông Người thiết lập nền tảng cho Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử Đây là Thời Pháp Thoại thứ 314 của TT Nguyên Tạng từ 6.45am, Thứ Ba, 23/11/2021 (19/10/Tân Sửu) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️ Múi giờ : pháp thoại của TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng (trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19) về chư vị Tổ Sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…) - 06: 45am (giờ Melbourne, Australia) - 12:45pm (giờ Cali, USA) - 03:45pm (giờ Montreal, Canada) - 09:45pm (giờ Paris, France) - 02:45am (giờ Saigon, Vietnam) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹 💐🌹🥀🌷🍀💐🌼🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃 Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thích Tâm Phương, TT Thích Nguyên Tạng, Melbourne, Australia) https://www.youtube.com/channel/UCxfUXUxU65FtOjrehu9zMMw Facebook: https://www.facebook.com/ThichNguyenTang/
22/11/2021(Xem: 4807)
- Khi bàn về cái tôi, người ta thường nói hóm hỉnh rằng: trong cuộc sống, cái tôi mà nặng thì thành tội; cái tôi huyền thì thành tồi; và cái tôi sắc thì thành tối.
22/11/2021(Xem: 18208)
Đức Phật truyền dạy giáo pháp nhằm mang lại an lạc và giác ngộ. Nếu Phật Pháp chỉ là những tiền đề lý luận thỏa mãn tri thức thì Đạo Phật đã không có khả năng tồn tại qua bao nhiêu thế kỷ, trải rộng trên nhiều phần đất khác nhau. Dịch phẩm này có hai giá trị to lớn đối với người Phật Tử Việt Nam trong việc tu học:
20/11/2021(Xem: 4202)
Phật ơi! sao người không cho con có được một nhan sắc thật đẹp để vạn người mê, mỗi khi xuất hiện là được nhiều người yêu mến và vây quanh? - Ta đã cho con sức khoẻ. Chẳng phải con là cái đứa dễ ăn dễ ngủ,...và trong cơ thể không mắc phải các bệnh nan y đó sao? Phật ơi! sao người không cho con một bộ đồ hàng hiệu thật đẹp và sang trọng? - Ta đã cho con sự ấm áp, không phải chịu đựng những lãnh lẽo và giá rét vì không có vải để che thân.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]