Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Những Kỷ Niệm Hiện Về ( Năm 1977 khi tôi từ Nhật Bản sang Đức xin tỵ nạn vì lý do Tôn Giáo thì bao nhiêu chương trình cũng như công việc luôn được thực hiện ở những năm sau đó. Nhất là khi đã có giấy tờ tỵ nạn chính thức rồi thì tôi lại có nhiều cơ hội để đi đây đi đó, nhằm giúp đỡ đồng bào của mình, giống như khi chúng tôi còn là những Tăng Ni sinh đã du học tại Nhật Bản từ trước năm 1975.)

21/02/202115:29(Xem: 8211)
Những Kỷ Niệm Hiện Về ( Năm 1977 khi tôi từ Nhật Bản sang Đức xin tỵ nạn vì lý do Tôn Giáo thì bao nhiêu chương trình cũng như công việc luôn được thực hiện ở những năm sau đó. Nhất là khi đã có giấy tờ tỵ nạn chính thức rồi thì tôi lại có nhiều cơ hội để đi đây đi đó, nhằm giúp đỡ đồng bào của mình, giống như khi chúng tôi còn là những Tăng Ni sinh đã du học tại Nhật Bản từ trước năm 1975.)
htnhudien (30)
Những kỷ niệm hiện về
Thích Như Điển



Năm 1977 khi tôi từ Nhật Bản sang Đức xin tỵ nạn vì lý do Tôn Giáo thì bao nhiêu chương trình cũng như công việc luôn được thực hiện ở những năm sau đó. Nhất là khi đã có giấy tờ tỵ nạn chính thức rồi thì tôi lại có nhiều cơ hội để đi đây đi đó, nhằm giúp đỡ đồng bào của mình, giống như khi chúng tôi còn là những Tăng Ni sinh đã du học tại Nhật Bản từ trước năm 1975.

Năm 1978 lần đầu tiên tôi đi Canada, hồi đó chùa và Hội Phật Giáo Quan Âm ở Montréal mới thành lập, sau khi tách từ chùa Liên Hoa ở Brossard và chùa Tam Bảo do Hòa Thượng Thích Thiện Nghị sáng lập. Quan Âm không có một vị lãnh đạo tinh thần; nên Hội đã mời Hòa Thượng Thích Minh Tâm và tôi lo cho Hội phần tinh thần, mặc dầu chúng tôi ở từ Âu Châu sang, ít thường trực tại đó; nhưng vì thưở ấy chư Tăng Ni ở ngoại quốc còn ít lắm; nên đó là giải pháp tạm thời để ổn định đời sống tinh thần cho đồng bào Phật Tử tại Montréal và các nơi khác tại Canada như Ottawa và Toronto. Đây cũng là lý do tôi có mặt thường xuyên hơn ở Canada từ năm 1978 đến năm 1990. Anh Huỳnh Phước Bàng là một trong những người quen biết nhiều cựu sinh Viên Việt Nam du học tại Canada trước năm 1975; nên mỗi lần tôi sang Canada hoằng pháp là Anh phát tâm đưa tôi đi nhiều nơi tại Montréal cũng như Ottawa giới thiệu với nhiều người thân quen tại đó. Ví dụ như Ban Nhạc của Ông Phạm Mạnh Cương, nhà sách của Anh Nguyên, chị Lê Thị Bạch Nga và cả Anh ViVi từ sau năm 1981, khi Anh ViVi Võ Hùng Kiệt đã định cư tại Montréal. Đây là cái duyên văn nghệ của tôi với Họa Sĩ.

Cuối năm 1979 lần đầu tiên tờ báo Viên Giác tại Hannover Đức Quốc được ra đời và cho đến năm nay 2020, Viên Giác đã kỷ niệm 41 năm xuất bản ở ngoại quốc, là một trong những tờ báo Đạo có tuổi thọ sống lâu nhất kể cả trong nước cũng như Hải Ngoại từ đó đến nay. Tôi với nhiệm vụ là Chủ Bút của tờ báo nầy kể từ khi sáng lập cho đến năm 2003 khi tôi trở về ngôi Phương Trượng, do vậy phải làm quen cũng như mời gọi những văn nghệ sĩ khắp nơi đóng góp bài vở và tranh bìa. Từ số 1 cho đến số 6 Viên Giác bộ cũ chúng tôi chỉ chọn những hình vẽ bình thường để làm bìa; nhưng những năm sau nầy thì Anh Chủ Bút Phù Vân chính thức mời Anh ViVi Võ Hùng Kiệt gửi cho Viên Giác tranh bìa vẽ màu. Đây là cái duyên Văn Nghệ. Sau đó thì Cô Diễm Châu tức Họa Sĩ Cát Đơn Sa, người bạn đời của Anh ViVi đã thay anh lo công việc nầy, là trực tiếp gửi những hình ảnh quê hương qua hình dáng của những người phụ nữ hay những em bé Việt Nam… để làm bìa cho tờ báo Viên Giác càng ngày càng dễ nhìn hơn, nhất là những tranh vẽ hình bìa của họa sĩ ViVi và Cát Đơn Sa đã làm cho những độc giả hài lòng không ít.

Ở Việt Nam với cương vị của một Tăng Sĩ trẻ thời trước năm 1975, tôi ít có cơ duyên hay nói đúng hơn là quy cũ Thiền Môn ít cho phép chúng tôi có cơ hội để tiếp xúc với những Văn nghệ Sĩ, Họa Sĩ v.v… Bởi vì mỗi lĩnh vực tương đối khác nhau rất nhiều; nhưng khi ra ngoại quốc thì chúng tôi bắt buộc phải đối diện với nhiều sự kiện cũng như phải tiếp xúc với nhiều tầng lớp người Việt có khuynh hướng, Tôn Giáo khác nhau v.v… nên đây là những bài học rất sống động đã giúp cho chúng tôi mang Đạo vào Đời, có nhiều ảnh hưởng trực tiếp hơn như lúc còn ở quê nhà trước năm 1975.

Mỗi lần có dịp sang hoằng pháp tại Hoa Kỳ, tôi thường hay đến thăm những vị đang viết bài cộng tác cho báo Viên Giác; mặc dầu mỗi cuối năm tôi đều có viết Card chúc Tết thăm hỏi. Thế nhưng Ông Bà mình thường hay nói: “Một mặt hơn mười gói”; nên đã có lần cách đây vài năm, khi phái đoàn của chúng tôi đến Santa Ana, Hoa Kỳ, tôi đã điện thoại và có ý đến thăm viếng gia đình hoạ sĩ ViVi - Cát Đơn Sa.

Ở một bài nào đó viết cho báo Viên Giác, Cô Diễm Châu có ý ngại khi đón chúng tôi, vì lẽ HS ViVi ở ẩn, ít tiếp khách ngoại trừ gia đình. Lúc đó thợ lại đang đào đất sửa ngoài sân nhà khá bề bộn! Tôi bảo cô an tâm không sao cả, vì Anh và Cô đã cộng tác với Viên Giác từ rất lâu mà tôi chưa có dịp đến nhà thăm, cũng như gặp lại Anh ViVi đã trên mấy mươi năm xa cách. Thế là một buổi hội ngộ đơn giản đã diễn ra sau đó. Trước khi bước vào nhà, tôi thoáng thấy một tượng người lính Việt Nam Cộng Hòa mà anh đã tạc xong và khi vào câu chuyện, Anh kể cho nghe nhiều việc về hội họa cũng như triển lãm. Trong khi Cô Diễm Châu lo trà nước, thì Anh ViVi dẫn chúng tôi đi xem những bức họa của Anh và Cát Đơn Sa treo trong nhà… Các bức tranh của anh đã được những giải thưởng cao quý ở trong nước cũng như ngoại quốc. Ai trong phái đoàn của chúng tôi cũng phải trầm trồ khen ngợi, vì Anh là một họa sĩ đại tài.

Trước khi ra về, Cô Diễm Châu còn gửi cho tôi vài ba gói quà là những đĩa CD nhạc do Cô hát với giọng Huế, thỉnh thoảng có sót đâu đó vài giọng Quảng Nam, vì Cô đã lớn lên và học tại trường Sao Mai Đà Nẵng. Cô cũng là bạn học của Anh Ngô Ngọc Diệp đang ở tại Hannover và Anh Diệp cũng là người Đệ Tử tại gia đầu tiên của tôi từ năm 1978. Khi về lại Đức, nghe những băng nhạc của Cô Diễm Châu gửi, phải công nhận Cô là một nữ ca sĩ đa tài. Vừa là họa sĩ, vừa ca sĩ và cả văn sĩ nữa. Quả thật người xưa nói: “Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn” là vậy. Anh ViVi đang có người vợ hiền đa tài năng đang ở cạnh mình, chắc rằng Anh phải hạnh phúc lắm. Bởi vì tục ngữ Nga cũng có câu rằng: “Hạnh phúc là những gì người ta đang có, chứ không phải những gì người ta đi tìm”.

Lâu nay tôi tự hỏi tại sao Anh Võ Hùng Kiệt lại dùng bút danh là ViVi thì trên Wikipedia đã có lời giải thích rõ ràng. Đó là hai tiếng gọi thân thương Việt Nam và Vĩnh Long; nơi sinh quán của Anh mà Anh đã ghép vào. Anh sinh trước tôi 4 năm và năm nay 2020 ai cũng đã trên 70 tuổi hết rồi. Trước năm 1975 Anh ViVi đã là một họa sĩ nổi danh một thời qua những hình ảnh tem thư của Việt Nam Cộng Hòa, của báo Tuổi Hoa… và sau năm 1981 tại ngoại quốc, Anh đã là một họa sĩ, một điêu khắc gia nổi tiếng, mà Viên Giác tại Đức cũng đã được Anh và Cát Đơn Sa đóng góp, cộng tác không ngừng; nhất là qua những họa phẩm vừa rồi đã đăng trên Tập San Văn Hóa Phật Giáo xuất bản lần thứ hai tại Đức để kỷ niệm 70 năm sinh nhật của tôi (2019) và những phụ bản của Cát Đơn Sa trong những bìa báo Viên Giác cũng như trong quyển tiểu thuyết “Mây Oan Cửa Thiền” của tôi đang tái bản kỳ nầy. Ân nầy và những nghĩa cử tốt đẹp kia của Anh ViVi cũng như của Cô Diễm Châu, tôi biết nói gì đây ngoài hai tiếng cảm ơn như thường tình mà người ta vẫn thường dùng như thế. Nhưng ở tôi thì xin mượn câu nầy của Đức Phật để tặng cho Anh ViVi và Cô Diễm Châu nhân việc xuất bản sách của Anh lần nầy. Đó là: “không có sự phân biệt Tôn Giáo và giai cấp, khi trong máu người cùng đỏ và nước mắt người cùng mặn”. Tôi biết rằng Tôn Giáo Anh và tôi đang phụng thờ khác nhau; nhưng không vì thế mà chúng ta đã không thể gần nhau qua văn chương chữ nghĩa cũng như Hội Họa. Bởi vì nước mắt của ai trong chúng ta cũng mặn và máu của ai cũng đỏ, dầu người đó thuộc chủng loại hay Tôn Giáo nào.

Bây giờ sau hơn 40 năm ở ngoại quốc nhìn lại (1979-2020) hay gần 50 năm xa xứ (1972-2020) những người cùng trang lứa, ai cũng đã già và nhiều người đã mất... Vì thời gian và năm tháng trôi qua, khiến cho người ta dễ quên đi dĩ vãng; nhưng những hồi ký, ức ký, nhật ký v.v… sẽ giúp người ta nhớ về dĩ vãng một cách dễ dàng hơn… và hôm nay tôi viết bài nầy riêng tặng Anh ViVi, Cô Diễm Châu cũng không ngòai mục đích ấy. Rồi đây mỗi người trong chúng ta cũng sẽ có “Một cõi để đi về”; nhưng những gì Anh và Cô đã đóng góp cho Viên Giác ở Đức cũng như cho cộng đồng người Việt Nam tỵ nạn cộng sản ở ngoại quốc không nhỏ. Hình ảnh đó, âm thanh nầy sẽ ghi đậm nét về sau là: Ở một thời điểm như vậy đã có những họa sĩ, điêu khắc gia, văn sĩ, ca sĩ như Anh và Cô đã mang lại cho Đời và cho Đạo nhiều chất liệu dưỡng sinh để sống trên cuộc đời nầy càng ngày càng có nhiều ý nghĩa hơn.


Viết xong vào ngày 25 tháng 10 năm 2020 tại thư phòng chùa Viên Giác Hannover Đức Quốc.

HT. Thích Như Điển






Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/11/2011(Xem: 9742)
Trầm Tháp (agarwood incense) xứ Huế
15/11/2011(Xem: 8813)
Từ Ân Thiền Đường là một ngôi chùa nhỏ ở Santa Ana, có những độc đáo riêng, khó tìm được ở nhiều nơi khác.
08/11/2011(Xem: 7439)
Cách ngôn Trung Hoa có câu: ‘Tĩnh tọa thường tư kỷ quá, nhàn đàm mạc thuyết tha phi’, khi ngồi một mình vắng vẻ, hãy thường xuyên suy nghĩ về lỗi lầm của chính mình. Trong lúc đàm luận nhàn rỗi, chớ nên kể lể chuyện xấu của người. Đây là châm ngôn tu thân của người đời. Dù chỉ là người dân thường, nếu ưu tư về lỗi lầm của mình thì có thể cách mạng được cả số phận; còn như một quân vương, nếu thấy được lỗi lầm của mình thì không những thay đổi cả mệnh đời, mà còn thay đổi cả vận mệnh quốc gia, đánh thức toàn trái tim dân tộc, và mãi mãi là tấm gương lịch sử cho những đế vương sau này học theo.
04/11/2011(Xem: 7342)
Chánh điện Chùa Phật Đà, San Diego, rực sáng bởi màu y vàng giải thoát của hàng trăm người “Em” tôi kính quý và thân thương vừa xuất hiện sáng hôm nay. Tôi đã nhìn và đã thấy trên từng nét mặt đoan trang thanh tú, từng nụ cười tươi vui rạng rỡ của các “Em” tôi, những người “Em” tôi vừa mới gặp lại hôm qua sau bao năm trường xa cách. Tôi và Em tôi đã cùng tắm chung gìong suối từ bi thanh lương dịu ngọt. Chúng ta có cùng đại nguyện lên đường để tìm an lạc của bản thân và muôn loài. Vậy là chúng ta đã có rất nhiều nhân duyên liên hệ với nhau từ muôn vạn kiếp. Chúng ta đã cùng gieo hạt từ bi trong nhiều kiếp xa xưa để hôm nay cây trí tuệ đơm hoa kết trái. Chúng ta đang cùng nhau bước vào trong nhà Như Lai, cùng mặc áo Như Lai và đang ngồi toà của Như Lai. Chúng ta đã cạo bỏ râu tóc để cùng về với nhau, mang chung giòng họ Thích, cùng kết duyên quyến thuộc Bồ Đề…
03/11/2011(Xem: 6927)
Tâm của con người vô cùng quan trọng, nó là trung tâm của sự sống, của vũ trụ và chứa nhóm tất cả muôn pháp. Nó là hào lũy ẩn náu của mọi tật xấu, nhưng cũng là mảnh đất phì nhiêu nẩy sanh mầm giống giác ngộ. Vì thế, chính tâm tạo nên hạnh phúc và cũng chính tâm tạo biết bao nỗi khổ đau.
01/11/2011(Xem: 7960)
A lại da thức : A lại da là âm của tiếng Phạn Alaya có nghĩa là cái kho mà danh từ Hán-Việt gọi là tàng. Tất cả mọi chủng tử không phân biệt thiện ác, tốt xấu, sanh tử và niết bàn, mê ngộ và khổ vui, ngay cả vô ký đều được chứa đựng trong tàng thức này.
01/11/2011(Xem: 7522)
Thương khen, ghét chê trong thế gian là việc hết sức bình thường, thích thì khen, không thích thì chê, đố kỵ hơn thua, ganh ghét chê bai. Khen chê là tánh nết có hầu hết trong tất cả mọi người sống trên trần thế, cho nên trong dân gian có câu “Khi thương thì củ ấu cũng tròn, khi ghét thì bồ hòn cũng méo”. Thế mới biết, nghe việc đó tốt chưa nên vội tin vào lời khen mà phải xem lại, cho việc kia xấu nên xét lại ngọn ngành rồi hãy nói. Ông bà mình dạy “biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”.
31/10/2011(Xem: 18676)
Nguyên nhân đức Phậtnói bài pháp này, vì tôn giả Vakkali ở nhà thợ gốm, đang bị bịnh nặng, sắp lâmchung, nhưng lòng rất muốn diện kiến dung nhan đức Thế Tôn và đảnh lễ Ngài lầncuối trước khi nhắm mắt lìa đời, nhưng không thể nào đến nơi Thế Tôn ở được,cho nên Tôn giả Vakkali đã cho thị giả đến cung thỉnh đức Thế Tôn đến nơi mìnhở. Vì lòng từ mẫn đức Thế Tôn đã thân hành đến thăm Tỷ kheo Vakkali.
29/10/2011(Xem: 21657)
Một trong những nhân tố chính yếu cung cấp năng lượng cho Cách Mạng Hạnh Phúc đã là sự nghiên cứu khích động phơi bày nhiều lợi ích của hạnh phúc – những hạnh phúc trải rộng...
24/10/2011(Xem: 6637)
Những lúc ngồi ngẫm nghĩ, tôi lại càng thấm thía câu nói mà ông cha ta đã dạy: “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm” hay “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]