Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thời Gian Không Chờ Đợi Ai

02/11/202018:48(Xem: 6478)
Thời Gian Không Chờ Đợi Ai

buddha-547
Thời Gian Không Chờ Đợi Ai

(Phóng tác theo kinh Đại Bát Niết Bàn)

--------------------------------------------

Thích Nữ Hằng Như

          Dù Đức Phật đã là một bậc Vô thượng chánh đẳng giác, nhưng Ngài cũng là một con người như bao nhiêu người khác nên không tránh khỏi nạn sanh lão bệnh tử trong đời này. Là một vị Sa-môn khiêm tốn, Đức Phật đã chọn nơi nhập diệt của mình ở một làng mạc xa xôi hẻo lánh, đó là làng Kushinagar, nơi có liên hệ mật thiết đến cuộc đời tu hành của Ngài trong một kiếp xa xưa. Tuy đã chuẩn bị như thế, nhưng những ngày tháng cuối cùng của Ngài vẫn là những ngày tháng làm việc không ngừng nghỉ. Mặc dù tuổi già sức yếu, nhưng Đức Phật không ngần ngại đi bộ trên những con đường chập chùng xa tắp, lên đèo xuống dốc, băng rừng vượt suối... cùng với vị đệ tử hầu cận thân mến là Đại Đức Ananda đến các làng lân cận thăm hỏi và truyền dạy những bài học sau cùng cho các đệ tử của Ngài.

          Trong thời gian này, các đại đệ tử của Đức Phật đã lần lượt trước sau tịch diệt. Hai vị đại đệ tử Xá-Lợi-Phất và Mục-Kiền-Liên là hai cánh tay đắc lực, giúp Phật lo trong, lo ngoài cho giáo đoàn. Bây giờ chỉ còn một mình Đại đức Xá-Lợi-Phất. Ngay cả Đại đức La-Hầu-La và Đại đức ni Da-Du-Đà-La cũng không còn ở dương thế.

          Đại đức Ananda buồn rầu mỗi khi chứng kiến cảnh ra đi của các bạn đồng tu, hoặc khi được tin các đệ tử tại gia của Đức Phật, ngày một ra đi nhiều hơn. Những lúc buồn rầu nhớ nhung như vậy, Đại đức thường hay hỏi han Đức Phật xem những vị này đi về đâu sau khi mệnh chung. Chẳng hạn như hôm nay, khi Đức Phật cùng với đại chúng Tỷ kheo trên đường hoằng hoá dừng lại tại làng Nadika, nơi có Tỷ kheo Salha và các cư sĩ qua đời trước đó. Kỷ niệm thân thương lại trở về khiến cho Đại đức Ananda không dằn được xúc động, đã ngồi xuống một bên Đức Phật mà hỏi rằng:

          - Bạch Đức Thế Tôn, con nhớ sư huynh Salha đã mệnh chung ở nơi này. Không biết sư huynh đã được sanh về cõi nào rồi? Hậu thế và tâm trạng của sư huynh con ra sao? Xin Ngài mở lượng hải hà nói cho con biết!

          Đức Phật đang dõi mắt nhìn quang cảnh xung quanh, nghe Đại Đức Ananda nhắc đến Salha, Ngài nhớ lại dáng người đệ tử ấy trong chiếc y vàng, vẻ mặt hiền hoà, lúc nào cũng chăm lo tu học, rồi trả lời:

          - Này Ananda, Tỷ-kheo Salha đã diệt tận các lậu hoặc, tự giác chứng đạo. Tâm và tuệ của thầy ấy đã được giải thoát.

          - Bạch Đức Thế Tôn, còn cư sĩ Cấp-Cô-Độc, ông ấy đã được sanh về cõi trời, rồi làm gì trên ấy?

          - Thầy Ananda, thầy nhớ là trước khi mệnh chung ông Cấp-Cô-Độc đã chứng quả Nhất Lai. Sở dĩ ông ấy được sanh về cõi trời, là nhờ phước đức to lớn đã tạo ra trong đời này. Ông ấy sẽ là một vị trời cho đến khi nào hưởng hết phước thì trở lại đời này một lần nữa, tiếp tục con đường tu hành và sẽ diệt được hết mọi khổ đau.

          Nghe Đức Phật nói như vậy, Đại đức Ananda chấp tay trước ngực xá một xá, rồi đưa mắt nhìn những hàng cây đong đưa trước gió dưới cơn nắng gay gắt. Trong đầu của Đại đức lại xuất hiện hình bóng Tỷ-kheo ni Sundari Nanda, vốn là em bà con của Đức Phật và Đại Đức, một công nương lá ngọc cành vàng, cũng từ bỏ cuộc sống sang giàu trong cung điện thí phát xuất gia. Không biết bây giờ công nương phiêu bạc nơi nào. Không dằn được. Đại đức lại chấp tay xá Phật hỏi:

          - Bạch Đức Thế Tôn, Tỷ-kheo ni Nanda lúc còn sống hành trì rất siêng năng, không biết sau khi mệnh chung, Sư nữ sanh về cõi nào?

          Đức Phật nhẫn nại trả lời câu hỏi người thị giả:

          - Tỷ-kheo ni Nanda đoạn trừ được những ham muốn thấp hèn, không oán ghét, không mê muội, không lo âu buồn phiền, cũng chẳng hoài nghi chánh pháp... bằng cách tự mình tu tập phát huy trí tuệ làm giảm suy những khát vọng mạnh mẽ đó... cho đến khi tâm của ni sư an trú trọn vẹn trong Tứ Niệm Xứ. Khi mệnh chung ni sư hoá sanh về Thiên giới, từ đó nhập Niết Bàn không trở lại đời này nữa!

          Đại đức Ananda thở nhẹ, cảm thấy trong lòng thật dễ chịu. Đại đức nghĩ Đức Phật thật là một nơi nương tựa êm đềm tín cẩn nhất trên đời này của Đại đức. Bất cứ chuyện gì Đại đức muốn tìm hiểu, Đức Phật đều vui lòng giải đáp, giúp cho Đại đức thấu triệt được nhiều điều.

          Như vậy là cô em trong dòng họ của Đức Phật và Đại đức đã chứng quả Niết Bàn, sẽ chẳng còn chịu cảnh luân hồi nữa. Mô Phật, Đại đức mừng cho ni sư Nanda, rồi tự nghĩ đến phận mình. Không biết sau này con đường tu tập của mình ra sao? Nghĩ như vậy, rồi Đại đức lại tiếp tục tò mò nhớ đến những vị khác đã ra đi trước mình như Kakudha, Kalinga và nhiều cư sĩ khác nữa... Đại đức muốn hỏi thăm Đức Phật nhưng lại thôi!

          Đọc được những ý nghĩ của Đại đức Ananda, Đức Phật mỉm nụ cười bao dung rồi chậm rãi nói:

          - Này Đại đức Ananda, thầy muốn biết nữ cư sĩ Sujata, người đã dâng sữa và thức ăn cho Như Lai trước khi Như Lai thành đạo, và các cư sĩ Kakudha, Kalinga, Nikata, Bhadda, Subhadda... bây giờ ra sao phải không?

          - Mô Phật! Bạch Đức Thế Tôn, đệ tử thật làm phiền Ngài!

          - Như Lai có thể nói cho thầy biết là các vị này cũng như ni sư Nanda, họ hoàn toàn an trú trong tâm như, nên được hoá sanh, từ đó nhập Niết Bàn, không còn trở lại đời này nữa... Có hơn chín mươi tín nam cư sĩ mệnh chung tại nơi này, họ đã diệt trừ ba kiết sử, làm giảm thiểu tham, sân, si chứng quả Nhất Lai, sẽ trở lại đời này một lần nữa rồi diệt tận khổ đau... Cũng có hơn năm trăm cư sĩ mệnh chung ở Nadika này, chứng được quả Dự Lưu, nhất định không còn đọa vào ác đạo, nhiều kiếp sau này sẽ đạt được chánh giác.

          Đại đức Ananda chấp tay thưa Mô Phật, rồi ngập ngừng chừng như muốn hỏi nữa, nhưng không dám lên tiếng. Đức Phật đưa ánh mắt từ bi nhìn Đại đức rồi nhẹ nhàng khuyên nhủ:

          - Này Đại đức Ananda, thầy đừng thắc mắc những chuyện không đáng phải thắc mắc nữa! Thật không có gì lạ về việc con người sanh ra rồi phải chịu cảnh mệnh chung. Nhưng mỗi lần có người mệnh chung hoặc nghĩ ngợi đến vấn đề mệnh chung thì thầy buồn rầu rồi lại hỏi Như Lai về quả chứng tu hành của họ.

          - Mô Phật... đệ tử thực sự nhiều lần đã làm phiền Đức Thế Tôn.

          - Thôi được, Như Lai sẽ dạy cho thầy làm sao chứng đạt được Chân lý, để các thầy có thể biết trước và tự nói với mình rằng: "Ta sẽ không còn tái sanh vào địa ngục, bàng sanh, ngạ quỷ, những cảnh phiền não, tội lỗi và thấp hèn nữa. Ta đã nhập lưu, không còn rơi trở lại con đường ác, và sự chứng ngộ cuối cùng chắc chắn sẽ được bảo đảm".

          Đức Phật nói tiếp:

          - Này thầy Ananda, thầy hãy lắng nghe và ghi nhớ, Như Lai sẽ vì thầy giảng về Gương Chánh Pháp. Gương Chánh Pháp là gương lành của những người đệ tử dốc lòng học đạo. Muốn thành tựu đạo quả sau này, trước hết người cầu đạo cần phải có niềm tin vững chắc, cũng như lòng kính trọng ba ngôi Tam Bảo. Có tin tưởng kính trọng thì người ấy mới nỗ lực tu tập theo Chánh pháp. Ba ngôi Tam Bảo đó là Phật, Pháp, Tăng. Kính trọng ba ngôi là như thế nào? Đó là họ đặt trọn niềm tin và suy nghĩ về những ân đức của Phật như là một "bậc A-La-Hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Thế Tôn, Phật". Họ cũng tin tưởng rằng Giáo Pháp của Đức Phật đã được Ngài: "Khéo giảng dạy, truyền bá đầy đủ, khuyến khích sự suy nghĩ tìm tòi, có hiệu năng tức khắc đưa đến Niết Bàn, để mỗi người tự học hỏi, tu tập, khai thác tìm hiểu cho chính mình". Họ cũng đặt trọn vẹn niềm tin nơi Đức Tăng, tức tin tưởng vào Giáo Hội Tăng Già bởi vì: "Các đệ tử xuất gia của Như Lai có đức hạnh hoàn hảo. Các vị ấy tu hành trong bốn niệm: Chân chánh, Chân trực, Chân trí và Chân tịnh. Các vị ấy là những vị Tỷ-kheo đã thành đạt bốn đạo và bốn quả Thánh nên là phước điền vô thượng ở thế gian, là bậc xứng đáng thọ lãnh sự cúng dường. "

          Sau khi giảng về Gương Chánh Pháp cho Đại đức Ananda, Ngài đi đến kết luận:

          - Thầy Ananda nên biết những vị đệ tử cao thượng như trên là những người tu tập có phẩm hạnh thích hợp với chư Phật. Phẩm hạnh của họ hoàn toàn trong trắng, không bị một chút ô nhiễm. Phẩm hạnh mà các bậc thượng trí luôn luôn tán dương. Người đạt được phẩm hạnh cao quý trên không bao giờ bị khát vọng trần tục vương vấn làm hoen ố. Phẩm hạnh thuận chiều đưa đến tâm định sáng suốt, biết được những gì sẽ xảy đến cho mình mà không phải cầu tìm nơi người khác. Khi nào thầy Ananda và đại chúng chứng đạt được Pháp Kính này thì các thầy mới thật là những đệ tử cao thượng của Như Lai. Các thầy có thể biết trước được các thầy sẽ đi về đâu sau khi xả bỏ thân phàm ở đời này.

          Đại đức Ananda chăm chú nghe lời giảng dạy của Đức Phật. Thầy phát tâm kính trọng ba ngôi Phật, Pháp, Tăng một cách nghiêm chỉnh. Khi Đức Phật vừa dứt lời, Đại đức xoay người quỳ ngay ngắn đảnh lễ thật sâu trước mặt Đức Phật.

          Đức Phật nhìn Ananda rồi ban bảo:

          - Thôi... từ giờ trở đi thầy Ananda chớ hỏi Như Lai những câu không có ích cho việc tu tập của thầy nữa. Thầy nên trau giồi tinh tấn thêm để đạt được đạo nguyện!

          Đại đức Ananda cúi rạp người hứa sẽ hết sức nỗ lực tinh cần.

          Buổi tối, thầy trò đều nghỉ tại nơi đây. Sau khi chăm sóc và đưa Đức Phật vào trong nhà rồi. Đại đức ra ngoài sân ngồi. Thầy nhớ lại những chuyện xảy ra trên núi Linh Thứu mấy tuần trước. Không hiểu tại sao Thầy cảm thấy quyến luyến thương mến ngọn núi này vô chừng. Những ngày trú ngụ ở trên núi Linh Thứu là những ngày êm đềm có nhiều kỷ niệm đối với cuộc đời khất sĩ của thầy hơn những nơi khác. Từ khi được giáo đoàn đề cử làm thị giả cho Đức Phật, thầy có dịp chứng kiến tận mắt, được nghe tận tai, những lời vàng ngọc tràn đầy tuệ giác, cũng như những hành động biểu lộ lòng từ bi thương xót muôn loài của Đức Thế Tôn.

          Theo suy nghĩ riêng tư của Đại đức Ananda thì Đức Phật là một bậc Toàn Giác hoạt động tích cực và nhiệt thành có một không hai trên thế gian này. Suốt ngày, lúc nào thầy cũng thấy Đức Phật luôn bận rộn với công việc hoằng pháp. Ngoài thời gian rất ngắn cần giải quyết các nhu cầu cá nhân như thọ trai, tắm rửa, giặt giũ ... chương trình hoạt động của Đức Phật được sắp xếp thật khít khao.

          Đời sống nội tâm của Đức Phật là tham thiền nhập định, chứng nghiệm hạnh phúc thoát tục. Còn đời sống bên ngoài của Ngài là hướng dẫn, nâng đỡ phẩm hạnh của chúng sanh trong nhân gian.

          Nhờ cận kề với Đức Phật ngày cũng như đêm, nên Đại đức Ananda biết được những việc làm của Đức Phật rất rõ ràng. Mỗi ngày vào lúc mặt trời chưa mọc, Đức Phật dùng tuệ nhãn quan sát thế gian, xem có ai cần Ngài tế độ. Nếu thấy có người cần hỗ trợ tinh thần thì Ngài hoan hỷ đến để dẫn dắt người ấy con đường tu tập vào chánh đạo. Bình thường Đức Phật đi bộ, nhưng đôi khi Ngài cũng dùng phép thần thông bay trên không trung. Đại đức đã từng thấy Đức Phật đến với những người hư hèn bạo ngược giết người không gớm tay Angulimala hay con quỷ dạ xoa ác độc để hoá độ họ. Cũng có những người tâm đạo nhiệt thành như cô bé Visakha, nhà triệu phú Cấp-Cô-Độc hay các bậc thiện trí như anh em kết nghĩa Xá-Lợi-Phất và Mục-Kiền-Liên tìm đến xin thọ giáo nơi Ngài.

          Trong khi tế độ thế gian, nếu không có ai thỉnh mời trai tăng thì Đức Phật tự mình ôm bình bát đi khất thực trên các nẻo đường bất kể sình lầy hay khô ráo, lúc đi một mình, khi với chúng tăng. Một vị giác ngộ được hàng vua chúa trọng vọng tôn sùng kính nể, một vị Thiện Thệ được hàng người trời khắp cõi... khấu đầu đảnh lễ mỗi khi đến trước mặt. Vậy mà vị đó lại im lặng khiêm cung đứng trước cửa từng nhà, không thốt một lời để thọ lãnh vật thực bố thí của những người có tâm trong sạch, rồi trở về nơi trú xứ. Đức Phật đã làm như vậy từ khi Ngài còn trẻ cho đến bây giờ Đức Phật đã tám mươi tuổi. Mặc dầu đau ốm bất thường nhưng Đức Phật vẫn đi khất thực như vậy.

          Đức Phật thọ thực trước ngọ. Sau đó Ngài thuyết một bài pháp cho chư vị Tỳ kheo nghe. Sau thời pháp, Đức Phật ban lễ quy y Tam Bảo, truyền ngũ giới, và nếu có vị đệ tử nào đạt đến trình độ tinh thần đầy đủ, Ngài chỉ dẫn những bài học cao hơn, rút ngắn con đường giải thoát cho họ. Buổi trưa Đức Phật quay về tịnh thất. Không biết Đức Phật có chủ ý gì hay không mà lúc nào Đại đức cũng thấy Ngài nằm nghiêng mình bên mặt. Đức Phật không bao giờ nằm lâu. Chỉ năm hoặc mười phút là Ngài thức dậy nhập Đại Bi định. Lúc nầy là lúc Đức Phật phóng tuệ nhãn quan sát thế gian theo dõi những chuyến hoằng pháp khắp nơi của các vị Tỷ-kheo. Các đệ tử của Ngài có người đang đi vào rừng sâu vắng vẻ hành thiền. Cũng có các vị đi vào làng mạc để tế độ quần sanh. Nhiều vị đệ tử ở xa khác có những thắc mắc không thông giải được thì Ngài dùng thần thông bay đến hoằng giảng rồi trở về tịnh thất.

          Vào buổi chiều, thiện tín khắp nơi đến nghe Đức Phật giảng Pháp. Với Phật nhãn, Ngài nhìn vào khuynh hướng và tâm tánh của mọi người trong cử toạ để thuyết Pháp. Mỗi người nghe dù tánh tình và quan niệm dị biệt đều có cảm tưởng rằng bài Pháp của Đức Phật đặc biệt dành cho mình. Đối với người thuộc hạng trung bình, Đức Phật giảng về lợi ích của hạnh bố thí, khuyên họ nên giữ giới luật để khi thác sanh về cõi trời hưởng hạnh phúc. Với những người tiến bộ hơn, Ngài đề cập đến mối nguy hại của thú vui vật chất và hạnh phúc của sự khước từ, sự thoát ly. Với những vị đã đạt đến mức cao hơn thì Ngài giảng về pháp Tứ Diệu Đế. Trong trường hợp hiếm hoi như Angulimala kẻ mê muội nhúng tay vào máu đến chín trăm chín mươi chín lần, thì Ngài dùng oai lực thần thông để ảnh hưởng đến tâm và sau cùng làm lễ xuất gia cho hắn.

          Tối đến canh đầu, từ sáu đến mười giờ đêm, Đức Phật dành khoảng thời gian này để giải đáp và soi sáng những thắc mắc về giáo pháp của các vị Tỷ-kheo sống bên cạnh Ngài.

          Canh giữa, từ mười đến hai giờ khuya, là giờ các chư thiên là những chúng sanh mà mắt người phàm không thể trông thấy. Họ từ các cảnh trời xuống hầu Phật để được nghe Ngài giảng pháp.

          Canh cuối cùng trong đêm từ hai giờ khuya đến sáu giờ sáng, được chia làm bốn phần. Phần đầu, từ hai đến ba giờ Đức Phật đi kinh hành. Từ ba đến bốn giờ, Ngài nằm định thần nghiêng về phiá tay mặt. Từ bốn đến năm giờ, Ngài nhập Đại Bi định rải tâm Từ đến khắp nơi làm êm dịu tâm trí của tất cả chúng sanh. Sau đó bằng Phật nhãn, Ngài lại quan sát thế gian xem ai cần tế độ. Những người đạo hạnh và những người cần đến Ngài dù ở xa thế mấy, Ngài cũng nhận ra và mở lòng bi mẫn tự ý đến hỗ trợ tinh thần cần thiết cho họ.

          Trọn cả ngày, Đại đức Ananda được biết Đức Phật luôn bận rộn với nhiệm vụ đạo đức như thế. Đức Phật chỉ ngủ có một tiếng đồng hồ và ngày nào cũng như ngày nấy cho đến hôm nay Đức Phật đã tám mươi tuổi rồi, Ngài vẫn làm việc đều đặn như vậy.

          Đại đức Ananda ngồi yên trong đêm tối, thầy nhìn lên bầu trời không có một vì sao, bỗng dưng trên cao có những tia sáng chớp xẹt xuống ngang trước mặt thầy. Đã sắp tới canh hai rồi. Có phải là các chư thiên lần lượt từ giã Đức Phật bay về trời tạo ra những tia chớp này hay không? Đức Phật đã chia thời gian làm việc của Ngài như vậy rồi cơ mà! Giờ giấc làm việc của Đức Phật thật là khít khao. Đại đức thấy thương Đức Phật ghê lắm, vừa thương vừa kính trọng Ngài không cách nào diễn tả được. Trên đời này không có ai tự nguyện như Đức Phật từ bỏ đời sống đầy quyền lực của một vị vua trong tương lai, rời bỏ đời sống xa hoa sung sướng đầy hoan lạc nơi cung vàng điện ngọc... để lao vào sống đời nghèo nàn, đầu trần chân đất, mảnh khăn quấn thân, trì bình khất thực mỗi ngày rày đây mai đó, không phiền đến ai. Ngoài ba tháng an cư tại một chỗ, còn tám tháng kia là thời gian hoằng khai Diệu Pháp. Đức Phật không dừng gia công đem lại những điều tốt đẹp và hạnh phúc cho tất cả mọi người không phân biệt giai cấp giàu sang quyền quý hay bần hàn. Ngài đã tế độ và cứu rỗi không biết bao nhiêu sinh linh, từ lúc Ngài mới chuyển Pháp Luân cho đến ngày hôm nay, và chắc chắn Ngài sẽ tiếp tục làm như thế cho đến khi nhập diệt.

          Nghĩ đến ngày Đức Phật không còn bên mình nữa, Đại đức Ananda cảm thấy trái tim của thầy nhói lên, và chưa chi Đại đức đã cảm thấy hụt hẫng bơ vơ. Bơ vơ vì Đại đức biết rõ con đường trước mặt Đại đức còn lắm chông gai, còn nhiều hầm hố. Nếu không có Đức Phật bên cạnh hướng dẫn dìu dắt, thì làm sao Đại đức có thể một mình bước lên bờ Giác Ngộ?

          Trong thời gian tu hành thỉnh thoảng những ý nghĩ phức tạp xuất hiện phá rối Đại đức. Bọn chúng thường hướng dẫn tâm trí của Đại đức chạy nhảy lung tung. Nhưng nhờ sự hộ trì của Đức Phật nên Đại đức thoát khỏi những vọng niệm tạp nhạp đó. Tối hôm nay, Đại đức nhận thấy mình bị mất chánh niệm và sự lo ngại vu vơ tràn ngập trong tâm Đại đức. Hết hình ảnh này hiện ra rồi đến hình ảnh khác tiếp nối... Bây giờ những câu chuyện xảy ra trên ngọn núi Linh Thứu chiếm lĩnh tâm thầy. Thầy bắt đầu nhớ lại rất rõ....

          Núi Linh Thứu nằm trong thành phố Vương Xá là kinh đô của nước Ma-Kiệt-Đà do vua Tần-Bà-Xa-La trị vị. Về sau, vua nhường ngôi lại cho con là Thái tử A-Xà-Thế. Mấy năm qua, Đức Phật ưa cư trú trên ngọn núi Linh Thứu này. Đây là một ngọn núi đá, trên đỉnh có phiến đá lớn hình dáng giống như chim Thứu nên người ta gọi là Thứu Sơn.

          Khi Đức Phật ngự nơi đây, vua Tần-Bà-Xa-La thường hay đến viếng Phật và nghe Pháp trên núi này. Vua đã cho xây bậc đá từ chân núi lên tới tịnh xá của Phật và ra lệnh quân lính san bằng phía dưới thành thung lũng, đồng thời bắc cầu ngang qua mấy dòng suối để giúp các khất sĩ qua lại dễ dàng. Mỗi lần đến thăm Đức Phật, khi tới chân núi, vua Tần-Bà-Xa-La thường xuống kiệu đi bộ lên từng bậc đá để bày tỏ tấm lòng tôn kính Đức Phật.

          Tịnh thất của Phật được xây trên một tảng đá lớn trên đỉnh núi. Phía Đông Bắc tịnh thất, là một dòng suối trong suốt, mát lạnh, uốn cong theo khe đá. Vào những ngày mùa Hạ, khi Đức Phật còn trẻ, Ngài thường tự giặt y áo của Ngài tại dòng suối này và phơi trên một phiến đá lớn bên cạnh suối. Tại nơi đây vào những ngày quang đảng, Đức Phật đứng nơi tịnh thất nhìn xuống, Ngài chỉ cho Đại đức Ananda thấy cả kinh đô thành Vương Xá. Hướng tầm nhìn về phía trái Ngài hỏi Đại đức có thấy những lâu đài đồ sộ nguy nga? Quay về phía bên phải Ngài khen đồng ruộng lúa bát ngát được chia thành từng ô vuông rõ nét thật là đẹp. Hình ảnh đồng ruộng đó Đức Phật ví là những ruộng phước. Người cư sĩ có thể cất giữ phước báu của mình trong những ruộng phước đó.

          Những lần đứng hay ngồi hầu bên cạnh Đức Phật, nếu không được Đức Phật chia sẻ những ý nghĩ của Ngài, hẳn nhiên Đại đức sẽ không nhận ra được vẻ đẹp huy hoàng diễm lệ khi cùng Ngài ngắm cảnh mặt trời từ từ lặn xuống ở phương Tây. Vì thế đối với Đại đức Ananda, Đức Phật không phải chỉ là một bậc đại giác ngộ với lòng từ bi hỷ xả vô bờ, mà Ngài còn là một người biết thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên trong trời đất nữa.

          Núi Linh Thứu không phải chỉ có mình Đức Phật trú ngự, mà là nơi các đại đệ tử của Ngài cất am rải rác để được ở gần với Đức Phật, như các đại sư huynh Xá-Lợi-Phất, Mục-Kiền-Liên, Ca-Diếp, Ưu-Bà-Ly, Đề-Bà-Đạt-Đa v.v...

          Nhớ đến sư huynh Đề-Bà-Đạt-Đa, Đại đức nhớ đến những liên hệ dòng tộc. Đề-Bà-Đạt-Đa là con của Hoàng hậu Pamila là cô ruột của Đức Phật, là anh của Công chúa Da-Du-Đà-La. Công chúa là Thái tử phi, tức là vợ của Thái tử Sỹ-Đạt-Đa khi chưa xuất gia. Vừa có liên hệ dòng tộc, vừa là đệ tử lớn của Đức Phật, thế mà sư huynh Đề-Bà-Đạt-Đa lại là người quyết tâm mưu sát Đức Phật, là người tự đặt mình vào thế kẻ thù không đội trời chung với Phật, chỉ vì lòng hám danh, muốn đoạt quyền chưởng quản toàn thể Giáo Hội Tăng Già. Sư huynh Đề-Bà-Đạt-Đa đã nhiều lần vấn kế người khác hại Phật, nhưng lần nào cũng thất bại. Do đó, sư huynh liều mạng chính mình lập mưu giết Phật. Nhờ cùng trú ngụ trên núi Linh Thứu nên sư huynh Đề-Bà-Đạt-Đa tìm cách xô đá chận Phật khi Ngài đang dưới chân núi đi lên. May thay tảng đá do sư huynh Đề-Bà-Đạt-Đa xô xuống lại va nhằm một tảng đá khác, bể ra làm nhiều mảnh, chỉ có một mảnh vụn rơi trúng vào chân Đức Phật làm chảy máu. Giết Phật lần này không được, sư huynh Đề-Bà-Đạt-Đa tìm cách khác giết Ngài. Một lần nọ, sư huynh đã phục rượu mạnh cho voi say rồi xua voi ra dẫm Phật. Nhưng lạ thay khi voi đến trước mặt Đức Phật thì hai chân trước quỳ xuống, rồi hai chân sau cũng khuỵu xuống, hai tai và đuôi cụp xuống. Thế hung hăng ban đầu không còn nữa, thì ra Đức Thế Tôn đã nhập vào Đại Bi Định cảm hoá voi say. Nghĩ đến những hành động tội lỗi ác độc của sư huynh Đề-Bà-Đạt-Đa, Đại đức cảm thấy buồn bã hết sức.

          Còn đại huynh Mục-Kiền-Liên cũng chết trong đau đớn, nhưng cái chết của người đối với Đại đức Ananda là một cái chết dũng cảm vì đạo. Sư huynh Mục-Kiền-Liên là người có tài lý luận, đắc quả A-La-Hán được Đức Phật tuyên dương là vị đại đệ tử đứng hàng thứ ba của Ngài, sau sư huynh Kiều-Trần-Như và Xá-Lợi-Phất. Sư huynh Mục-Kiền-Liên là một vị đại khất sĩ hiếu thảo đối với mẫu thân nổi tiếng trong Tăng đoàn, đã từng dùng thần thông xuống tận địa ngục tìm kiếm mẫu thân. Thấy mẹ chịu cảnh gông cùm đói khát mà sư huynh không làm gì được để giúp mẹ. Ngay cả bát cơm của sư huynh dâng cho mẹ dùng, cũng biến thành lửa đỏ. Quá thương tâm, sư huynh trở về dương thế cầu cứu cùng Đức Phật.

          Đức Phật thuyết rằng:

          - Mẹ của thầy gây nhiều tội lỗi, gốc những tội tày trời của bà đã thành uẩn nghiệp nặng nề. Dù thầy là người con có lòng hiếu thuận, là vị Sa-môn tu hành đắc quả, cũng không đủ sức cứu nổi bà. Chỉ có cách là thầy nên mang hết tài sản của cha mẹ thầy, mua sắm đủ một trăm món ăn, trái cây trăm thứ, hương, dầu, đèn nến, giường, chiếu v.v...  sắp thành một lễ cúng dường chư vị Đại đức khắp mười phương. Cúng cả các vị Thánh chúng hoặc các vị đang thiền định ở trong rừng sâu núi thẳm. Những vị đã đắc bốn quả đạo lớn, những vị đặng sáu phép thần thông và nhiều vị khác... Khi dâng cúng các vị này xong, thầy chỉ khẩn cầu họ một điều duy nhất là: Đúng vào ngày Rằm tháng Bảy, là ngày Tự tứ, mười phương chúng Tăng, mỗi người nên vì hiện thời cha mẹ, hoặc cha mẹ tiền kiếp bảy đời của họ đang bị đoạ vào đường ách nạn, hãy cùng nhau dồn hết oai lực tụng niệm cầu xin vãng sanh, thì mẹ của thầy nương nhờ phước đức đó mà thoát nạn.

          Sư huynh Mục-Kiền-Liên phụng hành theo đúng lời dạy của Đức Phật. Năm đó, vào ngày Rằm tháng Bảy, tất cả các vị Tăng ở khắp nơi đã hợp lực với sư huynh tụng kinh giải tội cho cha mẹ bảy kiếp của mình. Nhờ vậy, bà Thanh Đề, mẹ của sư huynh Mục-Kiền-Liên được thoát kiếp ngạ quỷ đói khổ, sanh về cõi trời.

          Gương hiếu thảo của sư huynh Mục-Kiền-Liên được Phật dùng làm bài học truyền dạy cho tất cả chúng sanh. Mỗi năm đến ngày Rằm tháng Bảy là ngày hoan hỷ của thập phương chư Phật, nên thiết Lễ Vu Lan dâng cúng Phật, chúng Tăng. Chí thành cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền được tuổi thọ dài lâu, thân tâm an lạc. Cũng cầu nguyện cho cha mẹ bảy đời quá khứ thoát khỏi cảnh ngạ quỷ sanh về cõi người, cõi trời an vui.

          Sư huynh Mục-Kiền-Liên không những vang danh là người con hiếu thảo, biện luận giỏi, mà còn được mọi người biết đến là một vị khất sĩ bạo dạn và cương trực nhất của giáo đoàn. Khi cần phải tuyên bố lập trường của giáo đoàn hoặc giáo pháp, sư huynh bao giờ cũng nói thẳng, không dung nhượng hay tha thứ giảm tội bất cứ một ai. Mỗi khi có cuộc thi đua nghị luận về giáo pháp với các giáo phái khác, sư huynh đều được Đức Phật cử thay thế nếu Ngài bận việc. Với tài hùng biện lưu loát, lần nào cũng như lần nấy, sư huynh Mục-Kiền-Liên đều thu phục được lòng người một cách vẻ vang. Vì những điều này mà sư huynh bị nhiều người thuộc các giáo phái khác ganh tỵ thù ghét.

          Đại đức Ananda nhớ hôm đó... sau khi thầy cùng Đức Phật đi hoằng hoá hơn nửa tháng, lúc trở về núi Linh Thứu thì nhận một tin sét đánh là Đại đức Mục-Kiền-Liên đã bị những người thuộc giáo phái lõa thể ám sát ngay tại cổng tu viện Trúc Lâm. Nhục thân của Đại đức đã được trà tỳ. Tro xương của Ngài được thu gọn trong một cái bình và đặt sẵn bên ngoài tịnh thất của Đức Phật.

          Nhận tin này, Đức Phật yên lặng một lúc, rồi trầm giọng hỏi thăm Đại đức Xá-Lợi-Phất. Các thầy cho biết là Đại đức Xá-Lợi-Phất đã đóng cửa am thất từ ngày Đại đức Mục-Kiền-Liền bị giết. Đức Phật nghe như vậy nên đi tìm Xá-Lợi-Phất để an ủi. Đại đức Ananda cũng lẻo đẻo đi theo Đức Phật, trong lòng vừa thương tiếc người đã mất lại vừa chua xót cho người còn sống. Đại đức lặng im bước theo từng bước chân Phật, thầy không dám nói gì nhưng trong đầu thầy nghĩ: "Phật đi an ủi sư huynh Xá-Lợi-Phất, trong khi người mất một lúc tới hai vị đệ tử lớn là sư huynh Mục-Kiền-Liên và vua Ba-Tư-Nặc trị vì nước Kosala. Vua Ba-Tư-Nặc là vị cư sĩ quy y với Phật từ những năm đầu khi Đức Phật mới hoằng dương đạo Pháp, là một người bạn già tri kỷ cùng thời với Phật. Còn sư huynh Mục-Kiền-Liên là vị đệ tử phẩm hạnh thay Phật hướng dẫn giáo đoàn. Trong một lúc mất cả hai người thì thật là hụt hẫng". Dù Đức Phật không nói gì và không tỏ thái độ gì, nhưng Đại đức vẫn cứ lo âu cho Ngài.         

            Sau hơn nửa tháng dài hoằng pháp mệt mỏi, mới trở về tịnh thất thì nhận được tin buồn như vậy, nên đêm hôm đó Đại đức trằn trọc hoài không ngủ được. Sáng hôm sau, Đức Phật ôm bình đựng xá lợi của sư huynh Mục-Kiền-Liên xuống núi. Ngài bảo Tăng chúng đến tu viện Trúc Lâm chọn vị trí để xây tháp kỷ niệm và an trí xá lợi của Đại đức Mục-Kiền-Liên.

          Tại đây nhằm an ủi và trả lời những câu hỏi thầm kín của Đại đức Ananda, Đức Phật nhìn sâu vào mắt thầy rồi nói:

          - Này, Ananda, trong giáo đoàn ai cũng khen thầy học nhiều nhớ nhiều về chánh pháp. Thầy không nên lấy sự học nhiều và nhớ nhiều đó làm đủ. Thầy làm thị giả, chăm sóc cho Như Lai và lo lắng cho giáo đoàn cẩn thận, điều đó tuy cần thiết và công đức vô lượng, nhưng cũng không đủ. Thầy phải biết "thời gian không chờ đợi ai". Đại đức Mục-Kiền-Liên chấp nhận cái chết không chống trả, dù thầy ấy có đầy đủ phép thuật thần thông. Nếu thầy ấy không muốn, thì không một kẻ nào có thể đụng được đến thầy ấy, nói chi sát hại thầy một cách tàn bạo như vậy.

          Đức Phật yên lặng một giây rồi thuyết tiếp:

          - Người hiểu đạo không chống trả những gì không cần chống trả. Thầy Mục-Kiền-Liên là một vị thánh tử đạo, là một vị Bồ Tát. Số thầy ấy như vậy! Đại đức Ananda, thầy hãy noi theo gương Mục-Kiền-Liên bình thản trước sự sanh tử và cố gắng tinh tấn để thoát ra khỏi vòng sinh tử đó. Phải xem chuyện sanh tử là một chuyện bình thường và vượt qua khỏi chuyện bình thường để diệt hẳn nó, hầu đạt được cái hạnh phúc cao quý bên trong của thầy.

          Đại đức Ananda chấp tay trước ngực xá Đức Phật. Thầy cúi đầu thật thấp lí nhí hỏi:

          - Mô Phật! Như vậy Đức Thế Tôn đã biết trước chuyện này hay sao?

         Đức Phật đưa tay che mắt trước ánh nắng chói chan ngoài sân tu viện rồi nói:

          - Thầy Ananda lại hỏi Như Lai chuyện không cần phải hỏi nữa rồi! Ngay cả thầy Mục-Kiền-Liên cũng biết trước chuyện thầy ấy phải chịu nữa mà! Trước khi đi hoá đạo, Như Lai có dặn thầy ấy đừng nhận lời thách đố biện luận của giáo phái loã thể, thầy Ananda quên rồi sao?

          - Mô Phật, đệ tử có nhớ!

          Qua lời dạy này của Đức Phật, Đại đức Ananda thật muôn vàn biết ơn Đức Phật. Đại đức biết Đức Phật rất quan tâm đến thầy. Kiểm điểm bản thân, quả thật cho đến bây giờ Đại đức cũng chưa chứng được quả vị nào khá hơn quả vị Nhập Lưu. Đại đức vẫn ngày đêm bên cạnh Đức Phật, hoan hỷ hầu hạ Ngài, vẫn nhớ rất rõ những lời Đức Phật thuyết pháp. Nhưng mà thầy vẫn chưa thấy phải lúc cần nỗ lực. Hôm nay câu nói "thời gian không chờ đợi ai" của Đức Phật dội mạnh vào tâm khảm thầy và cái chết của sư huynh Mục-Kiền-Liên giống như mũi tên của ai đó ghim sâu vào lồng ngực của thầy.

          Bây giờ hai vị sư huynh Mục-Kiền-Liên và Đề-Bà-Đạt-Đa đã nhập diệt rồi. Một người ra đi trong sự bình thản chấp nhận, còn một người ra đi trong sự dày dò hối hận. Đại đức nghĩ sẽ đến một lúc nào đó thầy cũng ra đi. Thầy muốn mình ra đi mang theo niềm hạnh phúc, sự sáng đạo...  như lời dạy của Đức Phật, chứ không muốn bị đoạ vào địa ngục như sư huynh Đề-Bà-Đạt-Đa. Muốn như vậy thì phải tinh tấn hạ thủ công phu, tự mình giải thoát cho mình mà thôi!

          Hình ảnh của hai vị sư huynh qua đời vừa ra khỏi tâm trí của Đại đức Ananda, thì hình ảnh khác lại chiếm ngự...

          Đại đức nhớ một buổi sáng sớm nọ...  Đức Phật bảo với Ananda rằng Ngài muốn gặp lại tất cả các vị khất sĩ hiện sống dưới chân núi Linh Thứu và xung quanh làng lần cuối. Nghe lời Phật dạy, chiều hôm đó Đại đức Ananda đã ra đi triệu tập những vị khất sĩ ở dưới chân núi, đồng thời nhờ mọi người giúp truyền khẩu...  triệu tập tất cả khất sĩ có mặt ở thành Vương Xá và quanh vùng phụ cận đến gặp Phật. Chỉ trong vòng một tuần lễ, màu áo cà sa của gần hai ngàn vị khất sĩ tăng ni tạo thành một màu vàng rực rỡ dưới ánh nắng mặt trời trên năm ngọn đồi Linh Thứu.

          Ngày hôm sau, khi đại chúng đã quy tụ trước giảng đường đầy đủ. Đức Phật từ tịnh thất thong thả đi xuống. Ngài bước lên pháp tọa cao, chẩm rãi ngồi trong thế kiết già, rồi đưa mắt nhìn đại chúng với nụ cười hiền lành trên môi. Sau khi hỏi thăm sức khoẻ tất cả mọi người. Ngài bắt đầu thuyết giảng:

          - Này hỡi các đệ tử, hôm nay vì lợi ích của chư đệ tử, Như Lai truyền dạy bảy điều kiện thịnh suy của chúng Tăng, gọi là "Bảy Pháp Bất Thối", những lời nói của Như Lai hôm nay, quý vị hãy lắng nghe và cố gắng thực hành để hoằng dương chánh pháp.

          Hai ngàn tiếng "Mô Phật" của khất sĩ vang lên và vọng lại trong rừng núi tạo thành một thứ âm thanh ngân nga như điệu nhạc hoà theo tiếng gió. Tất cả mọi người hướng về Đức Phật chờ nghe giáo huấn của Ngài.

          Đức Phật từ tốn nhắn nhủ:

          - Hỡi các đệ tử... Ngày nào mà chư Tỷ-kheo còn thường gặp gỡ và họp mặt đông đảo với nhau để học hỏi và tìm hiểu chánh pháp như ngày hôm nay. Ngày nào chư vị còn đến với nhau trong ý niệm mong mỏi được học hỏi và cố gắng chu toàn trách nhiệm tăng sĩ trong tinh thần đoàn kết. Ngày nào mà tất cả các tăng sĩ nghiêm trì giới luật không tạo ra những hiểu lầm chia rẽ. Ngày nào mà chư vị Tỷ-kheo còn hộ trì, kính trọng những vị cao hạ đạo đức trong giáo đoàn. Ngày nào mà chư vị chấp nhận cuộc sống thanh đạm giản dị để tránh bị ảnh hưởng của tham ái. Ngày nào mà chư Tỷ-kheo còn được an vui thích thú trong việc chú tâm thiền định ở những nơi vắng vẻ thanh tịnh. Và ngày nào các chư Tỷ-kheo còn tự thân an trú chánh niệm khiến các bạn đồng tu chưa đến đã muốn đến, các đạo hữu đã đến thì được sống yên lành.... thì ngày đó đạo pháp vẫn còn hưng thịnh và giáo đoàn không bị suy thoái.

          Đức Phật giảng tiếp:

          - Quý vị nên biết rằng không một yếu tố nào bên ngoài có thể phá hoại được giáo đoàn. Chỉ có những phần tử từ bên trong giáo đoàn mới có thể làm cho giáo đoàn bị tan rã mà thôi! Hỡi các vị khất sĩ, hãy bảo vệ chánh pháp bằng cách sống theo "bảy pháp bất thối" mà Như Lai vừa mới đưa ra!

          Sau khi dặn dò bảy điều trên, Đức Phật nhận thấy có nhiều đệ tử chưa đủ căn cơ để có thể tiến lên trên con đường tu học. Bằng tâm từ bi vô lượng vô biên, Đức Phật soi sáng thêm cho các Tỷ-kheo "bảy pháp bất thối" an toàn khác như sau:

          - Này các vị khất sĩ, để rút ngắn con đường mưu cầu giải thoát. Quý vị không nên mất thì giờ đắm chìm trong thế sự. Chớ nên la cà nói chuyện thiên hạ. Cũng đừng để mất thì giờ vào những giấc ngủ triền miên. Đừng chứa chấp hay rơi vào những ham muốn thấp hèn. Đừng thân cận với những người xấu ác có khuynh hướng đê tiện. Đừng tự mãn với những kiến thức. Cũng không nên tự mãn với trình độ chứng đắc nhỏ bé của mình, nếu có.

          Sau khi giảng "mười bốn pháp bất thối" cho các Tỷ-kheo. Đức Phật nhắc nhở thêm "bảy yếu tố giác ngộ" mà mỗi tu sĩ đều phải đi qua. Đó là: Yếu tố chánh niệm, yếu tố quán chiếu vạn pháp, yếu tố tinh tấn, yếu tố hỷ lạc, yếu tố nhẹ nhàng, yếu tố chánh định và hành xả. Đức Phật cũng chỉ dạy các phép quán vô thường, vô ngã, bất tịnh, buông bỏ, xa lìa tham dục và giải thoát.

          Mười ngày trôi qua nhanh chóng, Đại đức Ananda có cảm tưởng trong mười ngày này, Đức Phật đã đem tất cả sở học sở chứng của mình ra truyền dạy cho đệ tử, với hy vọng tất cả mọi người trước sau đều được giải thoát. Đại đức Ananda cảm nhận những ngày sống bên Đức Phật thật là có ý nghĩa, an tịnh và hạnh phúc. Hai ngàn vị khất sĩ cư trú khắp nơi trên năm ngọn đồi. Vị trú dưới gốc cây, vị trú trong hang đá, am thất hoặc khe suối. Cũng có vị ngủ hẳn ngoài trời với tấm y xếp gối đầu và tấm y làm mền che thân. Mỗi ngày các vị ấy tụ tập một lần tại giảng đường để nghe Đức Phật giảng dạy. Thính chúng ngồi thành nhiều bậc khắp nơi trên núi Linh Thứu, vì sân không đủ rộng để chứa ngần ấy người.

          Qua ngày thứ mười một, Đức Phật từ giả các vị khất sĩ và khuyên họ xuống núi trở về trú xứ để hành đạo, chỉ có các vị thường trú ở núi Linh Thứu là còn ở lại với Phật mà thôi!

          Gần hai ngàn vị khất sĩ từ từ xuống núi. Màu y vàng của các vị nổi bật lên giữa màu xanh của rừng núi tạo thành một bức tranh đẹp đẽ thanh thoát. Đại đức đứng phía sau Đức Phật nhìn xuống núi cho đến khi không còn một vạt y nào nữa mới quay lại. Trước khi về tịnh thất, Đức Phật đứng nhìn những chỏm núi in trên nền trời rồi nhẹ nhàng bảo:

          - Này thầy Ananda, núi Linh Thứu này thật là đẹp, thật là hùng vĩ, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng ở đây hưởng thụ vẻ đẹp thiên nhiên mãi được. Thầy hãy chuẫn bị, ngày mai chúng ta sẽ xuống núi, bắt đầu một chuyến hoằng pháp dài mấy tháng. Không chừng Như Lai sẽ không có dịp trở về nơi đây nữa! Nơi chúng ta ghé thăm đầu tiên sẽ là tu viện Trúc Lâm.

          Đại đức chấp tay thưa:

          - Mô Phật! Con sẽ chuẫn bị tất cả. Bạch Đức Thế Tôn, sáng mai chúng ta khởi hành sớm như thường lệ?

          - Phải, thầy báo với các Đại đức nào muốn tham gia chuyến hoằng hoá này hãy chuẩn bị. Thầy trò chúng ta sẽ bắt đầu khi mặt trời chưa mọc. Vào lúc đó mọi cảnh vật còn đang hưởng sự thanh tịnh, do Như Lai vừa rải ra. Bắt đầu chuyến đi vào giờ đó, các thầy cũng sẽ hưởng được sự an tịnh nữa!

          Đức Phật thường dạy các đệ tử không nên truy tìm về quá khứ, không dính mắc với hiện tại, cũng không nghĩ tưởng đến tương lai, chỉ an trú trong bây giờ và ở đây, nghĩa là chánh niệm trong mỗi lúc mỗi thời. Khi ở bên Đức Phật nhờ sự hộ trì của Ngài mà Đại đức không bị thất niệm. Ngày hôm nay dừng chân ở làng Nadika này, Đại đức chạnh lòng nhớ các sư huynh sư tỷ đã viên tịch ở nơi đây, nên hỏi han lung tung, nhưng mà được Đức Phật cho biết những người thân thiết tu hành tinh tấn đó đã hoá sanh về chỗ an lành, thầy cũng cảm thấy an ủi và hoan hỷ cho họ.

          Đêm đã xuống từ lâu. Một cơn gió lạnh thổi qua. Mưa bắt đầu rải hột. Hơi đất ẩm ướt bốc lên khiến Đại đức nhảy mũi liên hồi. Đại đức đứng dậy vươn vai, bước vào tịnh thất trông chừng giấc ngủ của Đức Phật. Bên ngoài mưa mỗi lúc một lớn, sấm chớp vang rền. Đức Phật không đi kinh hành, nhưng Ngài đang nhập định. Đại đức múc nước rửa chân rồi rón rén bước vào hương phòng, sát cạnh bên tịnh thất của Đức Phật. Thầy trải tấm y, ngồi lên giường toạ thiền. Một lát sau thầy nghiêng mình nằm xuống. Trước khi đi vào giấc ngủ Đại đức ôn lại lời dặn dò của Đức Phật: "Này Ananda, thầy phải biết thời gian không chờ đợi ai. Thầy đừng cho sự học rộng hiểu nhiều của thầy là đủ. Thầy phải tinh tấn để đạt được điều thầy mong muốn. Quả vị đang chờ người cuối cùng". Đại đức khó nhọc trở mình, tự hỏi: "Quả vị đang chờ người cuối cùng, người cuối cùng ấy là ai? Chẳng lẽ lại là ta. Nếu như vậy thì sau ta không còn ai nữa ư?". Cơ thể mỏi mệt, tay chân đau nhức rả rời, nhưng Đại đức cảm thấy cõi lòng mình thật ấm áp bởi vì Đại đức đang được Đức Phật phủ tâm từ hộ trì cho thầy đi vào giấc ngủ không mộng mị. Trong giấc ngủ bình an, Đại đức không còn nhớ gì ngoại trừ câu nói ấm áp của Đức Phật: "Thời gian không chờ đợi ai, hãy tinh tấn lên thầy Ananda.".

 

THÍCH NỮ HẰNG NHƯ

(Chân Tâm thiền thất 02-11-2020)




***
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25/09/2010(Xem: 8728)
Pháp môn Lạy Phật không phải chỉ có các Phật tử thuộc truyền thống Tịnh Độ thực hành, nhưng phương pháp này cũng được các truyền thống khác tu tập.
25/09/2010(Xem: 8751)
Đây là một danh từ rất phổ thông trong chốn thiền môn. Pháp khí là những đồ dùng trong chùa nhưng đúng với Phật Pháp như chuông mõ, khánh, tang đẩu, linh, chung cổ...
25/09/2010(Xem: 18459)
Thứ nhất, nghĩ đến thân thể thì đừng cầu không bịnh khổ, vì không bịnh khổ thì dục vọng dễ sinh. Thứ hai, ở đời đừng cầu không hoạn nạn, vì không hoạn nạn thì kiêu sa nổi dậy.
24/09/2010(Xem: 12392)
Tronghệ thống giáo điển Phật đà, cả Nam truyền và Bắc truyền đều có những bài kinh, đoạn kinh nói về công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ rất là cảm động. Cũngnhư có những trang kinh đức Phật chỉ dạy phương pháp báo đáp ân đức sâudày đối với song thân một cách thiết thực nhất. Có nghĩa là đức Phật đãchỉ bày cách báo ân chơn chánh, hợp đạo lý, có lợi ích trong hiện đời và mai sau...
24/09/2010(Xem: 10086)
Nghèo khó và thịnh vượng là hai điều kiện khác nhau trong số những sự thực của cuộc sống. Bạn, tôi và những người còn lại trong thế giới này rơi vào một trong hai điều kiện ấy. Chúng ta có thể giàu hay nghèo về phương diện của cải vật chất hay phương diện tâm linh. Rõ ràng hai cụm từ này, “nghèo khó” và “thịnh vượng”, có những ngữ nghĩa khác nhau. Trước khi bàn đến những quan điểm của Phật giáo về sự nghèo khó và thịnh vượng, chúng ta cần biết chính xác về ý nghĩa của hai thuật ngữ này.
24/09/2010(Xem: 8418)
Người tham muốn ngủ nghỉ nhiều, thì quá nửa đời mình lẩn quẩn trên chiếc giường, bộ ván; ăn xong lại nghỉ chuyện đi nằm chẳng muốn làm gì hết, khi ngủ xong lại muốn ngủ nữa giống như các loài heo vậy đó, mất cả tự chủ và thể diện của mình. Con người vì không biết rõ thực tướng của vạn vật nên si mê chấp thân tâm làm ngã rồi dẫn đến chiếm hữu, lười biếng, ăn không ngồi rồi. Loài heo vì tham ăn ngon, ngủ kỹ nên mới bị đọa lạc như thế, tối ngày chỉ biết ăn rồi ngủ, ngủ dậy rồi ăn, chẳng biết làm gì.
23/09/2010(Xem: 12861)
Nghi lễ sẽ tạo thành không khí lễ nghĩa, làm cho con người có tập quán đạo đức hướng về điều tốt điều phải một cách tự nhiên. Ở chỗ có mồ mả thì có cái không khí bi ai...
22/09/2010(Xem: 14602)
Nói đến Phật giáo, người ta nghĩ ngay đến đạo Từ bi cứu khổ.Mà hình ảnh cứu khổ tiêu biểu tuyệt vời nhất thiết tưởng không ai khác hơn làđức Bồ tát Quan Thế Âm, hay Mẹ hiền Quan Âm. Vì vị Bồ tát này có đầy đủ phẩmchất của một người mẹ trong tất cả những người mẹ. Hình như trong mọi trái timcủa những người con Phật thuần thành nhất là giới Phật tử bình dân không ai làkhông không có hình ảnh đáng tôn kính của vị Bồ tát giàu lòng bi mẫn này...
22/09/2010(Xem: 12894)
Cuộchành trình miên viễn của kiếp sống trầm luân sáu nẻo luân hồi đã thôithúc rất nhiều người đi tìm những phương pháp để thoát ly khổ não. Hạnh phúc và khổ đau là hai thực trạng của cuộc sống mà con người luôn đề cập tới. Nhưng để biết được hạnh phúc là gì thì con người phải trực nhận ra được bản chất của khổ đau như thế nào rồi mới bàn tới phương pháp giải quyết khổ đau... Sau khi nhận lời thỉnh cầu của Phạm thiên, đức Phật dùng tri kiến thanh tịnh quan sát khắp cả thế giới. Bằng tuệ nhãn, Ngài thấy chúng sanh có nhiều căn tánh bất đồng...
22/09/2010(Xem: 14658)
Ngàynay,lễ Tự tứ không còn đơn thuần mang dấu ấn lớn dành cho chư Tăngtrong giới thiền môn sau ba tháng An cư kiết hạ hàng năm, mà nó đã thựcsự tác động mạnh vào đời sống đạo đức xã hội trong việc xây dựng nếpsống an lạc, hạnh phúc cho con người. Bởi vì, suy cho cùng thì giá trịcủa lễ Tự tứ là sự thể hiện việc quyết định nỗ lực hoàn thiện nhâncách, thăng chứng tâm linh và khai mở trí tuệ đối với mỗi cá nhân conngười trong cuộc sống vốn biến động không ngừng... Nguyên tắc của Tự tứ là phải thanh tịnh hòa hợp, do đó mọi hành giả trong buổi lễ này đều khởi lòng tự tín với chính mình và các vị đồng phạm hạnh khác.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]