Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tiễn cháu Diệu Mừng về Quê Hương Phật ( Bài của Cư Sĩ Diệu Danh Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước)

27/10/202016:25(Xem: 6194)
Tiễn cháu Diệu Mừng về Quê Hương Phật ( Bài của Cư Sĩ Diệu Danh Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước)
Phat Di Da



Tiễn cháu Diệu Mừng về Quê Hương Phật
Bài của Cư Sĩ Diệu Danh
Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước


 

Thấm thoát mà hôm nay ngày 11.8. Canh Tý, nhằm chủ nhật 27.9 đã thất tuần rồi.

Dì dâng hương hoa cúng Mười Phương Chư Phật cũng như cơm canh để cúng cửu huyền thất tổ, hương hồn con linh thiêng về đây cùng ngồi tụng kinh Địa Tạng với dì, dì cháu mình cùng đảnh lễ xưng danh hiệu chư Phật phẩm thứ chín hầu mong đem lại lợi ích được cho tất cả những loài hữu hình hay vô hình nếu ai đó hữu duyên để lắng nghe lời Phật dạy:

Lúc đó Ngài Địa Tạng Bồ Tát bạch cùng Đức Phật rằng: " Bạch đức Thế Tôn! Nay con vì chúng sanh trong đời sau mà phô bày sự lợi ích, làm cho trong vòng sanh tử đặng nhiều điều lợi ích lớn. Cúi xin đức Thế Tôn cho phép con nói đó"

Đức Phật bảo ngài Địa Tạng Bồ Tát rằng: " Nay ông muốn khởi lòng từ bi cứu vớt tất cả chúng sanh mắc phải tội khổ trong sáu đường, mà diễn nói sự chẳng thể nghĩ bàn, bây giờ chính đã phải lúc, vậy ông nên nói ngay đi.

Giả sử ông có thể sớm làm xong nguyện đó, ta dầu có vào Niết Bàn, cũng không còn phải lo ngại gì đến tất cả chúng sanh ở hiện tại và vị lai nữa".

Ngài Địa Tạng bạch cùng Đức Phật rằng: " Bạch đức Thế Tôn! Vô lượng vô số kiếp về thuở quá khứ, có đức Phật ra đời hiệu là Vô Biên Thân Như Lai.

Như có người nam người nữ nào nghe danh hiệu của Đức Phật đây mà tạm thời sanh lòng cung kính, liền đặng siêu việt tội nặng sanh tử trong bốn mươi kiếp, huống là vẽ đắp hình tượng cúng dường tán thán!

Người này sẽ được vô lượng vô biên phước lợi.

Lại hằng hà sa kiếp về thuở quá khứ, có đức Phật ra đời hiệu là Bửu Thắng Như Lai.

Như có người nam người nữ nào nghe danh hiệu của Đức Phật đây, phát tâm quy y với Phật trong khoảng khảy móng tay, người này trọn hẳn không còn thối chuyển nơi đạo vô thượng Chánh Giác

Lại về thuở quá khứ, có Đức Phật ra đời hiệu là Ba Đầu Ma Thắng Như Lai.

Như có người nam người nữ nào, nghe đến danh hiệu của Đức Phật đây thoáng qua lỗ tai, người này sẽ được một ngàn lần sanh lên sáu từng Trời cõi dục, huống nữa là chí tâm xưng niệm!

Lại bất khả thuyết, bất khả thuyết vô số kiếp về thuở quá khứ, có đức Phật ra đời hiệu là Sư Tử Hống Như Lai.

Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của Đức Phật đây, mà phát tâm quy y chừng trong một niệm, người này sẽ  đặng gặp vô lượng các Đức Phật xoa đảnh thọ ký cho 

Lại về thuở quá khứ, có đức Phật ra đời hiệu là Câu Lưu Tôn Như Lai.

Như có người nam, người nữ nào nghe đến danh hiệu của đức Phật đây, chí tâm chiêm ngưỡng lễ bái, hoặc lại tán thán, người này nơi pháp hội của một nghìn đức Phật trong hiền kiếp làm vị đại Phạm Vương, đặng Phật thọ ký đạo vô thượng cho.

Lại về thuở quá khứ, có đức Phật ra đời hiệu là Tỳ Bà Thi Như Lai.

Như có người nam, người nữ nào được nghe danh hiệu của đức Phật đây, thời mãi không còn sa đọa vào chốn ác đạo, thường được sanh vào chốn Trời, người, hưởng lấy sự vui thù thắng vi diệu.

Lại vô lượng vô số hằng hà sa kiếp về thuở quá khứ có đức Phật ra đời hiệu là Đa Bửu Như Lai.

Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của đức Phật đây, liền khỏi đoạ vào ác đạo, thường ở tại cung Trời hưởng sự vui thù thắng vi diệu.

Lại về thuở quá khứ có đức Phật ra đời hiệu là Bửu Tướng Như Lai

Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của đức Phật đây, sanh lòng cung kính không bao lâu người ấy sẽ đặng quả A La Hán.

Lại vô lượng vô số kiếp về thuở quá khứ có đức Phật ra đời hiệu là Ca Sa Tràng Như Lai

Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của đức Phật đây, thời người nầy sẽ siêu thoát tội sanh tử trong một trăm đại kiếp.

Lại về thuở quá khứ có đức Phật ra đời hiệu là Đại Thông Sơn Vương Như Lai.

Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của đức Phật đây, thời người này đặng gặp hằng hà chư Phật nói nhiều pháp mầu cho, đều đặng thành đạo Bồ Đề.

Lại về thuở quá khứ, có đức Tịnh Nguyệt Phật, đức Sơn Vương Phật, đức Trí Thành Tựu Phật, đức Vô Thượng Phật, đức Diệu Thinh Phật, đức Mãn Nguyệt Phật, đức Nguyệt Diện Phật, có bất khứ thuyết đức Phật Thế Tôn như thế. 

Tất cả chúng sanh trong thời hiện tại cùng thuở vị lai: hoặc là Trời, hoặc là người, hoặc người nam, hoặc người nữ chỉ niệm được danh hiệu của một đức Phật thôi, sẽ được vô lượng công đức, huống nữa là niệm được nhiều danh hiệu.

Những chúng sanh đó lúc sanh lúc tử đặng nhiều phước lợi, không còn phải đọa vào ác đạo nữa.

Như có người nào sắp mạng chung, hàng thân quyến trong nhà nhẫn đến một người vì người bệnh sắp chết đó mà niệm lớn tiếng danh hiệu của một đức Phật, thời người chết đó, trừ năm tội lớn vô gián, các nghiệp báo khác đều tiêu sạch cả.

Năm tội lớn vô gián kia dầu rất nặng nề đáng lẽ trải qua ức kiếp hẳn không ra khỏi đặng quả khổ, nhưng bởi lúc lâm chung, nhờ người khác vì đó mà xưng danh hiệu của Phật cho nên những tội nặng đó cũng lần lần tiêu sạch

Huống là chúng sanh tự mình xưng danh hiệu của chư Phật, người này đặng vô lượng phước lành, trừ diệt vô lượng khổ

 

Giờ đây con hãy cùng dì cung kính đảnh lễ Ôn Phương Trượng tổ đình Viên Giác Đức quốc, Hòa Thượng Thích Thiện Minh, tịnh thất Lộc Uyển Việt Nam quý Ngài đã mở rộng lòng từ bi mà độ, hướng dẫn cho con trong những ngày thân trung ấm con còn hiện diện trong cõi Ta Bà này.

 

Hương linh con đã đến Tổ Đình Viên Giác, để nhìn thấy sự trang nghiêm gìn giữ giới luật của Tăng đoàn tạo cho những người tha hương có niềm tin vững chắc nơi Tam Bảo, những tháng ngày nghe tin con trở bệnh nặng dì đã thỉnh Sư Ông Viên Giác gửi năng lực đến cho con, rồi khi nghe tin con không còn trên dương thế, dì đau buồn báo tin cho Sư Ông , Ngài đã từ bi hứa khả:

 Mấy bữa nay sáng nào tụng Kinh, Thầy cũng cầu nguyện cho cháu Nguyễn Thị Vui hết. Bây giờ nghe Cô báo tin vậy, thật là đáng tiếc, vì ra đi ở tuổi còn trung niên, nên Gia Đình sẽ có nhiều sự mất mát lớn. Thầy chia xẻ sự mất mát nầy với Cô và Gia Đình và thay vì cầu an như mấy bữa nay, Thầy sẽ đọc cầu siêu vào những ngày chủ nhật cho đến 49 ngày.“

 dì cảm động biết bao! con ơi, tới khi được tin trong những ngày ấy Sư Ông cũng mất đi hai người thân là anh và chị của Sư Ông mà dì vô tình không biết, lòng dì càng cảm kích và kính thương, Sư Ông đức độ, từ bi đã coi mọi người, và mọi chúng sanh bình đẳng như nhau. Con thấy không? Đạo tràng thanh tịnh, với những chiếc y vàng đầy thánh thiện mà Sư Ông luôn ghi ơn nặng qua bài viết „đức chúng như hải“, ơn đàn na, tín thí, mỗi nhất, mỗi việc nhỏ Sư Ông đều ghi nhận. Đây là hình ảnh của người tu vì tha nhân trọn đời sống đạo, con cùng dì đảnh lễ Sư Ông và Tăng Đoàn để tạ ân, và hứa đời đời kiếp kiếp giữ đạo, tu học lành, làm hạnh lành.

Hai dì cháu mình cùng hướng về tịnh thất Lộc Uyển để đảnh lễ thầy Thích Thiện Minh, Người đã hướng dẫn, dạy con thiền, cho con niềm vui, nơi nương dựa tinh thần trong những tháng ngày cuối đời, sáng ngày con ra đi, thầy Thiện Minh báo tin cho dì. Cậu Chí thương con biết là bao: „tội nghiệp, mới tuần trước còn thấy con nhỏ, gầy xọp nhưng luôn tươi cười, cháu chấp nhận những gì đến với nó, an phận! „ thầy Thiện Minh cũng buồn vì thầy rất thương mến con, Thầy viết cho cháu Hồng con gái lớn của con:

 

Thầy chia buồn cùng con và gia đình.

Mẹ đi xa không về nữa, con đốt nén hương dùm thầy, nói rằng thầy cố hết khả năng nhưng không cứu được người vắn số, cầu mong mẹ con bình yên trong giấc ngủ, thầy sẽ cầu nguyện cho hương hồn được nhẹ nhàng nơi tịnh cảnh và siêu thoát.

Con hãy thay mặt mẹ chăm sóc cho các em khôn lớn với đời, hãy nói với các em trước khi ra đi mẹ con có khát vọng mong muốn hai con còn bé được học hành chóng nên người chỉ cần hai đến ba năm thôi rồi chia tay cũng được. Nhưng mạng số đã đến cuối cùng chỉ cầu xin ra đi cho nhẹ và nhanh đừng hành xác.

Bệnh ung thư có hàng vạn con virus cắn xé  vào xương thịt và hút máu ngày đêm nên đau nhức vô cùng, miệng cười là chỉ để cười gượng cho người thân bớt lo”

Con gái con hứa với sư ông:

Con cám ơn Thầy, Mẹ con một đời hy sinh lo lắng cho chúng con, con sẽ lo cho hai em con nên người. Mẹ con trước cũng nói cố một hai năm nữa để lo cho em gái con có công ăn việc làm, nhưng không được Thầy ạ, còn em trai con quá nhỏ, vẫn chưa biết gì . Nhưng nay Mẹ đi rồi, con chỉ mong Mẹ mãi an yên nơi chín suối, không phải vất vả nơi cõi trần nữa Thầy ạ,”

Thầy đã chúc con con hoàn thành tâm nguyện.

 

Dì đã thư cho thầy Thiện Minh:

“Con xin tạ ơn Thầy đã cho hai mẹ con cháu  con có nơi nương tựa. Cả đời chị con và các cháu con khổ, chỉ bắt đầu khá lên từ khi cộng sản thay đổi kinh tế, chút xíu mị dân (chỉ là bề mặt thôi)

Khoảng cuối 1977 chị cả con vào Nam để gặp lại bố mẹ và các em sau 20 năm xa cách. Sau này con gái lớn của chị con kể lại, lúc đó mới có cái quần, cái áo tươm tất do con gửi về để đi học, cháu con đi lấy chồng hai mẹ con chỉ có một cái quần để thay đổi. Khi Ba Mẹ con di cư vào Nam, họ hàng xóm giềng đều xa lánh, sợ liên lụy vì cộng sản ghép cho Ba con là thành phần phản động, địa chủ, chị con dù chăm chỉ tới đâu họ cũng chỉ cho mỗi tháng 7 Kg lúa với mức thấp nhất để trả thù, chị con phải vất vả, ngoài việc đồng lúa cho hợp tác xã phải thức thật sớm khi gà bắt đầu sang canh, hoặc thức khuya trên những con đường khúc khuỷu tối tăm mót lúa về nấu cháo cho năm đứa con nhỏ, các cháu con chia nhau từng hạt cơm cháy. Có lần quá tủi nhục, chị con đã liều nghe nói thịt trâu độc ăn người yếu ăn vô sẽ chết, chị con dành dụm mua một ký thịt trâu về, chỉ dành cho con mình một  miếng nhỏ, chị ăn tất cả để kết liễu đời mình, ai dè ăn xong chị con không chết lại khỏe ra. Té ra vì thiếu dinh dưỡng quá sức!

Sau chuyện này chị con thương các cháu con nhiều hơn và nghĩ mình nông cạn nếu không các con sẽ khổ vì thiếu mẹ biết là bao!

Thương làm sao, con biết anh chị và các cháu khổ nhiều, cháu Vui khá hơn, dù cháu không than vãn nhưng con cũng hiểu sự cơ cực của cháu. Sự hiếu thảo với cha mẹ, lòng thương yêu với họ hàng và sự giúp đỡ cho than nhân, nuôi các con cháu nên người cũng là sự hy sinh vô bờ bến của cháu ở trong chế độ xã hội chủ nghĩa nơi xóm Rô miền quê Thanh Sơn Bắc Ninh nghèo khó.

Cháu Vui đã làm tròn trách nhiệm của người con đối với cha mẹ, người vợ đối với chồng, người mẹ đối với các con. Con rất đau buồn vì sự ra đi của cháu, nhưng nghĩ lại cháu đau đớn từng giờ, lo cái chết đến từng phút khổ sở biết là bao, giờ cháu con ra đi để lại niềm tiếc thương cho mọi người. Con biết cháu sẽ được vãng sanh, con chưa dám gọi về Bắc để an ủi chị con vì con biết con sẽ khóc, nhìn hình ảnh ở nhà gửi qua, anh rể con ngồi ngoài cửa mắt buồn xa vắng, chị con ngồi lặng lẽ bên ô trầu, trông thương làm sao, chị năm nay 87 tuổi rồi, chắc rằng chị con đứt từng đoạn ruột khi mẹ khóc con!

 

HT Thiện Minh đã gửi thư dì cho con gái lớn con cháu viết:

“Nỗi đau này chắc sẽ không bao giờ nguôi ngoai được Thầy ạ.

Bà Mai và gia đình con sẽ mãi mãi nhớ mẹ con, con người nhiều nghị lực và mạnh mẽ. Đau lắm, xót xa lắm Thầy ạ. Tạ ơn Thầy, cám ơn Thầy đã cho mẹ con những ngày dễ chịu, cầu nguyện cho mẹ con. Thầy nhắn bà Mai giúp con, bà ở bên đất khách quê người chú ý giữ gìn sức khỏe, công việc của mẹ con đã dần dần ổn thỏa. Bà nén đau buồn Bà nhé”

 

 Dì viết cho Thầy:

Đọc thư cháu và Thầy con khóc, con chưa biết mặt cháu và cũng không liên lạc được. Con biết cháu Vui và con rất có sự tương thông, vì vậy đôi khi cháu né không nói chuyện với con, có lần con gọi về thăm chị con, mẹ cháu gọi cháu để nói chuyện với con, cháu vội vàng chạy đi: “con không muốn nói chuyện với dì Mai đâu!”, một lát cháu chạy ra còn đọng nước mắt tươi cười “dì ơi, cháu đẹp không này” rồi lại tiếp: “cháu biết dì cười nhưng trong lòng khóc”, con xúc động lắm, nhưng rồi hai dì cháu giống nhau vẫn cười toe toét rồi cả hai cùng khóc!

Lần chót cháu nói: “dì ơi, con có nhiều áo đầm đẹp lắm mà con chết chẳng ai mặc” con nghe nghẹn từ ruột lên cổ, từ đó con nhắn tin nhiều lần nhưng không gặp được cháu. Cách hai tuần cháu mất, con đi làm để điện thoại cầm tay cho Chí gọi thăm cháu, hai chú cháu nói chuyện vui vẻ khá lâu, hai chú cháu quý thương nhau nhiều lắm.

Tuần cuối cháu mất con sốt ruột, con tụng kinh Đại Bi Sám Pháp muốn nhờ Vệ, anh cháu gửi cho cháu nghe nhưng con sợ ở nhà kiêng, đến giờ con vẫn ân hận. Chị Hai con ngả bệnh từ hôm nghe tin cháu Vui mất cứ lẩm bẩm “từ nay không còn ai gọi dì ơi nữa”

 

Vui yêu thương của dì ơi, con đã sống trọn kiếp người, dù ngắn ngủi nhưng đáng sống, dì gọi về u con đã chấp nhận, tuy có đau đớn vì sự ra đi quá sớm của con, tình thương của người mẹ dành cho con mà, vô bờ bến! Là mẹ rồi chắc con cũng hiểu, như lời Phật dạy “trong lục đạo luân hồi, sữa của mẹ mà các thầy thọ nhận còn nhiều hơn nước biển đại dương”, u con cũng hiểu và nói với dì rằng “em thay chị, trả ơn Thầy, tạo điều phước hạnh, Thầy đã hết lòng cho cháu Vui, rồi u con khóc, u kể những ngày các con còn thơ ấu, ở một cái xã hội cay nghiệt họ hàng xa lánh, u phải lên chùa trong những ngày lễ hội đóng những vai ông lái đò gọi khách hành hương, vai Thanh Đề, Mục Liên v.v... nhờ nguyện lực hồng ân Tam Bảo u đã vui sống, nếp sống tâm linh luôn lấy tình thương làm gốc rễ, để u con vượt qua nuôi các con nên người, xóm làng thương mến, các con có sự hiếu hạnh và niềm tâm linh vững chắc nơi Tam Bảo, u hiểu về vô thường, về nghiệp lực của mỗi người sinh ra, u tụng kinh A Di Đà cho dì nghe, u con thuộc làu làu, giọng trầm bổng như tiếng chuông chùa đưa dì về tĩnh lặng, bình an, dì đã yên tâm và con cũng thanh thản nhé, các con con đã nên người, con gái lớn con đã hứa lo cho hai em nó ăn học thành tài, còn hai năm nữa còn thứ hai con ra luật sư, chắc rằng ở nơi nào đó con vui sướng mỉm cười, lo niệm Phật, Pháp, Tăng theo gương u con,  không màng tới mình, chỉ mong cho người có niềm vui. Con đã gieo trồng được giống Phật, mà trong đó biểu tượng là Tăng, là mẹ con, người dìu dắt con trong cuộc đời, cho con cuộc sống hiền hòa, khiêm nhẫn

Con ơi!

Ta sanh ra từ lửa

Lửa ái dục mẹ cha

Sống trong cõi Ta Bà

Lòng ta không vướng bận

Không hận cũng chẳng thù

Ta cám ơn Mẹ Cha

Đã cho ta hình hài

Đã yêu ta từ khi

Ta còn là giọt máu

Đến lúc có hình hài

Công mẹ cha nuôi dưỡng

Dựng cho mái gia đình

Nối tiếp mẹ cha ta

Ta trọn hiếu làm con

Trọn nghĩa tình chồng vợ

Yêu thương các con khờ

Có con chưa thành đạt,

Ta lại phải ra đi,

Thuận theo lẽ vô thường

Ngọn lửa bừng bừng cháy,

Thiêu rụi cả thân ta

Trả ta về vũ trụ

Ta theo gió bay bay

Theo biển cuồn cuộn chảy

Cát bụi nào có hay?

Tứ đại ta khắp nơi

Tung bay khắp phương trời

Ta không kẹt vào ai,

Ta đến rồi ta đi

Thế gian là huyễn mộng

Mất còn như hư không!

 

...

Hôm nay 49 ngày

Dì nấu chén cơm canh

Cháu về đây cùng ăn

Dì cháu mình lễ Phật

Nguyện mọi người vãng sanh

Cháu nghe lời kinh tụng

Kính đảnh lễ Thế Tôn

Và ba ngôi Tam Bảo

Phật thuyết vô ngã tướng

Sắc là vô ngã

Thọ là vô ngã

Tưởng là vô ngã

Hành là vô ngã

Thức là vô ngã,

Sắc là vô thường

Thọ là vô thường

Tưởng là vô thường

Hành là vô thường

Thức là vô vô thường

Tất cả

Không thuộc về tôi

Không là bản ngã của tôi

Không còn khổ đau

Điều nên đã làm

Thân không là tôi

Không kẹt vào thân

Bay khắp cùng tận

Thế gian huyễn hóa

Giải thoát! Giải thoát!

Thế giới vô cùng

Không gian vô tận

Nam Mô Siêu Lạc Độ Bồ Tát Ma Ha Tát tác đại chứng minh

 

Thôi nhé con, tạm biệt con, con hãy đảnh lễ Mười Phương Chư Phật

Đảnh lễ ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng

Đảnh lễ sư ông Phương Trượng Tổ Đình Viên Gíac

Đảnh lễ Hòa Thượng Thiện Minh

Lạy Thầy U con

Chào chồng, con  con và những người thân yêu

 

Sanh ra đời, ai cũng một lần đến rồi một lần đi, xoay vòng, không gì còn, chẳng gì mất phải không con?

 

Nếu mai này ta chết 

Ta cũng lên bàn thờ

Bát cơm lời kinh nguyện

Hồn ta cũng về thăm

Nhớ ngày nào dương thế

Đến bàn thờ khấn nguyện

Cho người được siêu thăng

Nay ta về hội họp

Hiểu được pháp vô thường

Người đi rồi ta đến 

Sanh tử rồi tử sanh

Có pháp nào bất diệt?

Có pháp nào bất sanh?

Hóa thân ta ẩn hiện

Sanh tử rồi tử sanh

Ta cúng cho người mất?

Hay ta cúng cho ta

Âm dương không cách biệt

Có hồn và có ta

Thế gian là cát bụi

Ta từ bụng mẹ ra

Từ giọt máu tạo ra

Cho ta tấm hình hài

Mai này ta có chết 

Cát bụi lại mang ta

Có gì đâu là mất?

Có gì đâu là còn?

Tiếng vọng từ phương xa

 

Con nhìn xem kìa, từng cánh sen nở, từng búp sen nở!

Ánh hào quang rực rỡ chiếu muôn phương

Đức Phật đó A Di Đà thân kim sắc

Cùng đức Quán Âm, Ngài Thế Chí theo cùng

Rước con về đó chốn lành an vui

Nam Mô niệm Phật A Di Đà

Cho người cõi thế chan hòa niềm vui

 

Con về cõi Tịnh, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, rồi dì, và thầy u con, gia đình mình sẽ đến sau nhé con

Quê Hương mình giờ đây khổ lắm, bao nhiêu kiếp nạn đè lên dân mình, con không còn thấy thảm cảnh của đồng bào mình nữa con ơi!

Thế gian là huyễn mộng, như mây hợp rồi lại tan, biến thành mưa rơi vào lòng đất hiền hòa

Tạm biệt con

Diệu Danh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/08/2020(Xem: 7628)
Phần này bàn về cách dùng tiền quí, cheo, bài ca dao “đi chợ tính tiền” và các cách tính tiền thời trước và thời LM de Rhodes, dựa vào tự điển Việt Bồ La và một số tài liệu chữ Nôm/chữ quốc ngữ. Đây là những chủ đề có rất ít người đề cập đến. Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra từ điển này trên mạng, như trang này chẳng hạn http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false .
11/08/2020(Xem: 9732)
Ai đã truyền Việt Nam Phật Giáo qua Trung Quốc: Khương Tăng Hội, người Việt Nam. Vào năm nào: năm 247 tây lịch. Nơi nào tại Trung Quốc: Kiến Nghiệp, nay là Nam Kinh. Chùa đầu tiên được xây dựng tại Kiến Nghiệp là chùa nào: Do Khương Tăng Hội xây dựng chùa Kiến Sơ tại Kiến Nghiệp, Nam Kinh, hiện nay, 2020, vẫn còn. Trưỡng lão Hòa Thượng Thích Trí Quảng, Đệ Nhất Phó Pháp Chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã đến thăm chùa đó cách nay mấy năm và đã xác nhận với tôi tại chùa Huê Nghiêm của Ngài tại quận hai, thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 7 năm 2017. Khương Tăng Hội mất năm 280. Nghĩa là Ngài hành đạo tại Trung Quốc được 33 năm. Trong khi đó Bồ Đề Đạt Ma đến Trung Quốc năm 520, nghĩa là sau Khương Tăng Hội 273 năm.
11/08/2020(Xem: 5538)
Được sự thương tưởng và hỗ trợ của chư vị chúng con, chúng tôi vừa thực hiện xong 10 giếng cần giục (Well hand-pump) cho những ngôi làng nghèo lân cận khu vực Bồ Đề Đạo Tràng & Nalanda tiểu bang Bihar India. Đây là Public Well Hand-pump nên cả làng có thể xài chung, người dân nghèo bớt đi rất nhiều nỗi nhọc nhằn vì phải đi lấy nước ngoài sông xa. Kính mời quí vị xem qua một số hình ảnh tường trình.
10/08/2020(Xem: 7280)
Đa số chúng ta, những người có duyên với Phật Giáo, hầu hết đã nghe nói đến, không nhiều thì ít, rằng Phật thuyết pháp, Tổ sư thuyết pháp, Pháp sư thuyết pháp, Hòa thượng hay Thượng tọa thuyết pháp, v.v…, nhưng ít ai nghe nói chim muôn thuyết pháp, phải không? Vì chúng ta thiết nghĩ rằng các loài động vật hay thực vật thì khác với loài người, không có Phật Pháp, không thể nghe hay thuyết Phật pháp, do đó, nên chúng ta có thể nghĩ rằng làm gì có chuyện chim muôn, cây cỏ, v.v… có thể thuyết Phật pháp bằng ngôn ngữ của chúng.
09/08/2020(Xem: 7645)
Sáng nay vừa thức dậy, nhìn ra ngoài bầu trời trong thật đẹp, chim chóc hót ca vang, ríu rít gọi nhau nghe sao mà thanh bình quá, tiếng chim hót mà con rất ưa thích nghe từ thuở còn ấu thơ mỗi khi bình minh sắp trổi dậy cho một ngày mới. Hôm nay 28.6.2020 sinh nhật lần thứ 71 của Thầy, con xin kính đọc bài thơ của nhà thơ Hoàng Phong Linh tức ông Võ Đại Tôn, 1 chiến sỹ yêu nước, yêu Đạo, yêu Đời luôn dâng hiến đời mình cho Tổ Quốc kính mừng sinh nhật Thầy:
09/08/2020(Xem: 6707)
Đức Đạt Lai Lạt Ma Đời Thứ 14, vị lãnh đạo tinh thần của Phật Giáo Tây Tạng, đã sống lưu vong tại Ấn Độ kể từ năm 1959 khi chế độ Cộng Sản tại Trung Quốc xua quân xâm chiếm Tây Tạng, nhiều lần lên tiếng trước công luận thế giới về chính sách tiêu diệt văn hóa truyền thống Tây Tạng của Bắc Kinh. Thật vậy, TQ đã và đang thực hiện việc tiêu diệt có hệ thống di sản văn hóa của Tây Tạng với sự phá hủy các truyền thống Phật Giáo và tôn giáo, hệ thống giáo dục, làm đổ vỡ xã hội, gây cảnh vô luật pháp, bất bao dung xã hội, lòng tham không kiểm soát và sự gia tăng cao độ việc buôn bán tình dục và nạn nghiện rượu tại Tây Tạng, theo một phúc trình được đăng trên trang mạng toàn cầu www.thehindubusinessline.com cho biết.
08/08/2020(Xem: 6654)
Ở đời có những cuộc từ giã hùng tráng gây ấn tượng như tạo nguồn cảm hứng sâu đậm trong lòng người qua lịch sử đương thời và mai sau. Điều đó đủ chứng minh tiền nhân có lý do xác đáng để khước từ quá khứ tù hãm, nhắm hướng tương lai không chỉ cho riêng mình mà còn nghĩ tới đồng loại và chúng sanh. Những cuộc từ giã hay nói chính xác hơn là những cuộc vượt thoát can trường mới diễn tả đúng ngữ nghĩa và ngữ cảnh của mỗi sự kiện mà tôi cho rằng ở trong ba thời kỳ: cổ đại, trung hưng và hiện đại.
08/08/2020(Xem: 5808)
Nghĩ cho cùng cuộc đời dài của con người chính là những bước đi - không hơn không kém. Đó là những bước khập khiễng từ khi lọt lòng mẹ cho đến các bước run rẩy trước khi bước vào quan tài. Điều quan trọng nhất là kẻ lữ hành phải luôn sáng suốt và lạc quan để nhận biết “mùa xuân phía trước”. Dầu sao đi nữa, dù muốn hay không mình vẫn phải bước đi.
08/08/2020(Xem: 5845)
Hôm nay là ngày 4 tháng 6 năm 2002 nhằm ngày 24 tháng 4 năm Nhâm Ngọ, tôi bắt đầu viết tác phẩm thứ 34 của mình với nhan đề là: “Cảm Tạ Xứ Đức”. Trong mùa an cư kiết hạ này tôi cố gắng hoàn thành tác phẩm để sau đó còn cho dịch ra tiếng Đức, nhằm cho người Đức cũng có thể xem và hiểu nhiều hơn về một dân tộc ở rất xa hơn nửa vòng trái đất, nhưng tại quê hương này đã cưu mang họ hơn 25 năm nay trong bàn tay từ ái đón nhận những người tỵ nạn Cộng Sản Việt Nam đến tạm dung, sinh sống tại xứ Đức này.
08/08/2020(Xem: 7461)
Trong Kinh Pháp Cú có một số bài khá phong phú đề cao chánh pháp vì chánh pháp đóng một vai trò rất quan trọng trong trách nhiệm phát huy chánh kiến, tu tập trí tuệ, đưa người hành giả dần đến mục đích giác ngộ và giải thoát. Chánh pháp cũng giữ một vai trò rất quan trọng trong trách nhiệm hướng dẫn quần sinh. Chúng ta nhớ lại lời căn dặn của Đức Phật trong kinh Đại Bát Niết Bàn: “Này A Nan, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình y tựa chính mình, chớ y tựa người khác. Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ tựa.”
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]