Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Khi Thầy Đi Tìm Trò

15/09/202007:40(Xem: 4084)
Khi Thầy Đi Tìm Trò

 

KHI THẦY ĐI TÌM TRÒ
Huệ Trân

 

Ngôi chùa tọa lạc lưng chừng ngọn núi, sau rừng sồi, cũng tương tự như bao ngôi chùa nhỏ, xa nơi đô thị. Nhưng nơi đây, những ngày Lễ Vía Chư Phật, Chư Bồ Tát, người dân ở những thôn xóm quanh dưới núi đều rủ nhau sắm sửa hương hoa, lễ vật, lên chùa cúng dường, trước là lễ Phật, sau là vấn an Sư Trụ Trì đã ngoài 80 tuổi.

Sư có bảy đệ tử, đều trong tuổi thanh xuân nhưng dưới sự hướng dẫn và chỉ dạy của Sư, bẩy vị đều tu hành rất tinh tấn. Thỉnh thoảng, các vị xuống phố chợ khi cần mua thêm nhu cầu gạo muối thì mỗi cử động, mỗi lời nói đều thể hiện nơi Pháp Thân nghiêm túc mà ai có đủ duyên trực diện đều dễ dàng cảm nhận và kính quý.

Khi Thay Di Tm Tro-1

Chùa rất đơn sơ, đúng như tinh thần tri-túc-tiện-túc nhưng lại có một bảo vật vô giá mà nơi cất giữ chỉ Sư và bẩy đệ tử biết thôi. Đó là một xâu chuỗi mà tương truyền là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng đeo.

Một ngày kia, sau thời công phu tối, Sư vừa băn khoăn, vừa buồn rầu nói với các đệ tử:

-Xâu chuỗi không còn đó! Trong các con, có ai rời bảo vật đi đâu không?

Bẩy đệ tử đều nhìn nhau, ngơ ngác lắc đầu.

Im lặng vài giây, Sư nói tiếp:

-Trong các con, có ai lỡ lấy xâu chuỗi thì chỉ cần lặng lẽ để lại chỗ cũ, Thầy sẽ không giận, không truy tìm là ai. Thầy cho các con 3 ngày để suy nghĩ và quyết định.

Ba ngày trôi qua, xâu chuỗi vẫn bặt tăm!

Sư lại nói với các đệ tử:

-Trong các con, nếu có ai lỡ lấy xâu chuỗi thì chỉ cần nhận là vì quá thích, nên trong một phút bị vô minh lấn áp đã không kiềm chế được tâm mình. Chỉ cần thành thật như vậy, xâu chuỗi sẽ thuộc về người đó. Thầy và các bạn đồng tu đều thông cảm. Thầy cho các con 3 ngày để quyết định.

Ba ngày lại trôi qua. Xâu chuỗi vẫn biệt tăm, và không ai lên tiếng.

Tới thời điểm này thì Sư quá buồn rầu và thất vọng, bèn nói với các đệ tử của mình rằng:

-Thôi được! khả năng Thầy chỉ dạy dỗ các con được tới đây thôi. Ngày mai, các con hãy rời chùa, xuống núi hết đi! Dưới phố cũng có nhiều ngôi chùa sẵn sàng đón nhận các con. Riêng kẻ lỡ lấy xâu chuỗi thì hãy nán lại dăm phút, Thầy có lời riêng muốn nói.

Không khí trong chùa chưa bao giờ thê lương, ảm đạm như thế, nên sáng sớm hôm sau, mạnh ai nấy thu dọn vật dụng của mình, ai xong trước thì cứ đi trước nên không ai biết ai là người ở lại sau cùng!

Ánh dương chưa lên thì sáu đệ tử của Sư đã xuống núi.

Vị còn lại, không thu dọn gì, chỉ khép hờ đôi mắt, yên lặng khoanh chân kiết già, ngồi trên Chánh Điện.

Sư đến trước người đệ tử đó, lên tiếng hỏi:

-Xâu chuỗi đâu?

Đệ tử mở mắt, nhìn Thầy và lễ phép thưa:

-Bạch Sư Phụ, con không lấy.

-Vậy sao con ở lại để nhận tội ăn cắp?

Đệ tử từ tốn thưa:

-Bạch Sư Phụ, suốt những ngày qua, chúng con đều quá đau lòng vì huynh đệ nghi ngờ lẫn nhau. Phải có một người đứng ra nhận thì mới hóa giải được. Đa tạ Sư Phụ đã cho thời gian suy nghĩ, để con quyết định sẽ là người nhận tội.

Sư đưa tay, nâng đệ tử đứng lên. Khi bốn mắt nhìn nhau, Sư mỉm cười, lấy trong tay áo thụng, xâu chuỗi bảo vật, choàng vào cổ đệ tử và hân hoan nói:

-Xâu chuỗi không mất! Vì Phật vẫn còn đây!

 

Có thể đây chỉ là một câu chuyện ngụ ngôn, khi đề cập đến lợi ích của sự lần chuỗi niệm Phật. Nhưng, như khi nhìn bông hoa nở, nhìn chiếc lá bay, nếu lắng tâm ta cũng có thể nhận ra thêm, đây còn là một câu chuyện tuyệt vời về Hạnh Vô Ngã! Người đệ tử đó phải thấm nhập bài học Vô Ngã mới có thể vì muốn bảo tồn tinh thần Lục Hòa giữa thầy trò, huynh đệ, mà sẵn sàng nhận một tội mình không hề phạm.

Đã chứng được Vô Ngã thì đâu còn Cái Ta để sợ bị khinh chê, phiền não!

Hạnh Phúc sẽ đến, khi Tự Ngã ra đi.

 

Câu chuyện này cũng nói lên sự cảm thông vô cùng thầm lặng mà cực kỳ thâm sâu giữa Thầy và Trò. Các đệ tử đều tinh tấn như nhau nên khi muốn trao Y Bát để tịnh tu tuổi già, Thầy phải làm sao để vừa giữ lẽ công bằng mà vẫn tìm được người cho đúng. Tuy nhìn chung, trò đều xuất sắc, nhưng trong vi tế, Thầy biết rằng, không có gì tuyệt đối như nhau, mà sẽ có người vượt trội, ở một tiềm năng nào đó.

Chỉ những vị Thầy thực sự quan tâm tới nền thịnh suy Đạo Pháp mới cẩn trọng theo dõi mà nhìn ra.

Có lẽ vì vậy mà người xưa có câu “Đệ tử tầm Sư dị, Sư tầm đệ tử nan”

Câu này rất đúng với Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn tại Đạo Tràng Đông Thiền, huyện Huỳnh Mai. Nơi đây, trong hơn một ngàn đệ tử theo học, đã có sẵn một người xuất sắc vượt trội, mà các bạn đồng môn đều công nhận, không một chút tỵ hiềm. Đó là môn sinh Thần Tú.

Ấy vậy mà khi muốn trao Y Bát để nghỉ ngơi thì Ngũ Tổ vẫn chần chừ mãi, chưa quyết định. Lòng băn khoăn đó đã như linh tính, khi bất ngờ một kẻ không biết chữ, từ phương xa bỗng tới trước ngọ môn, xin được Tổ thâu nhận.

Tổ hỏi:

-Người từ đâu? Tới cầu chi?

Người đó đáp ngắn gọn:

-Thưa Tổ, con từ Lĩnh Nam, tới cầu làm Phật

-Người Lĩnh Nam quê mùa, sao cầu làm Phật được?

-Thưa Tổ, người tuy có Nam có Bắc nhưng Phật Tánh thì không phân chia Nam Bắc. Thân quê mùa này, so với thân Tổ có khác, nhưng Phật Tánh trong thân này với Phật Tánh trong thân Tổ nào sai khác chi đâu!

Nghe thế, Tổ Hoằng Nhẫn vội nói:

-Thôi được! Hãy đi xuống nhà trù, lo việc giã gạo.

 

Người nhà quê đó tên là Huệ Năng, làm nghề đốn củi nuôi mẹ già. Một lần khi giao củi tới nhà khách, Huệ Năng thoáng nghe tiếng tụng kinh, tới câu kệ “Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm” thì tâm bỗng bừng sáng, bèn hỏi thăm, tìm đến chùa Đông Thiền, huyện Huỳnh Mai là nơi đang giảng dạy Kinh Kim Cang, có câu kệ khai tâm như vậy.

Chỉ dăm câu đối đáp trong phút sơ ngộ mà Tổ Hoằng Nhẫn đã nhìn ra “kỳ- tâm” của một kẻ quê mùa mù chữ. Thế nên, để bảo vệ kẻ xa lạ đó khỏi bị ganh tỵ, thù ghét nên Tổ chỉ giao cho công việc lao động là bửa củi, giã gạo trong nhà bếp.

Về phần Huệ Năng, suốt tám tháng nhập môn không hề được Tổ hỏi han một câu nhưng không buồn tủi mà tâm vẫn an lạc, thảnh thơi. Phải chăng Thầy và Trò đều nhìn rõ nhau nhưng không thể đột ngột bày tỏ, cho đến thời điểm thuận duyên.

 Khi Thay Di Tm Tro-2

Kỳ tích này, người học Phật, đặc biệt là người theo thiền-tông, đều biết rất rõ những tình tiết kỳ diệu khi Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn truyền Y Bát cho ngài Huệ Năng.

Nơi đây, chỉ đan cử đôi dòng trong phạm vi tâm cảm tương đồng giữa Thầy và Trò. Không văn tự, không ngôn từ, chỉ tâm-thấy-tâm mà hậu thế đã có Lục Tổ Huệ Năng, được xem là vị khai sáng Thiền Tông Trung Hoa; từ đó, các môn đệ của Lục Tổ đã tùy thuận cơ duyên từng quốc độ mà sáng lập ra Thiền Tông Đốn Ngộ, Tông Lâm Tế, Tông Tào Động …v…v… đem lại vô vàn hỷ lạc cho thiền sinh khắp chốn.

Trong tình nghĩa Thầy Trò này, không phải chỉ Trò Huệ Năng đem thân đi tìm Thầy, mà chính Thầy - Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn – cũng đã đem tâm đi tìm Trò nên người đời sau mới có Lục Tổ Huệ Năng, để từ đó Thiền Tông đã khai mạch tới muôn sông, ngàn suối …

Vạn hữu luôn vận chuyển trong vòng xoáy thịnh suy, không ngừng xô đẩy chúng sinh giữa mộng và thực.

Đời nay, e rằng nhục-nhãn thường bị bao tình huống phức tạp che mờ; chỉ bằng tuệ-nhãn, Thầy và Trò mới có thể nhìn thấy nhau để mong vững bước trên Đường-Trung-Đạo.

Ngưỡng xin Chư Phật, Chư Bồ Tát, Chư Hiền Thánh Tăng gia hộ.

 

 

Huệ Trân

(Tào-Khê tịnh thất – Sau công phu sáng)


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/09/2012(Xem: 11082)
"Heartwood of the Bodhi tree" (Cốt lõi của cội Bồ-đề) - Buddhadasa Bhikkhu, Hoang Phong chuyển ngữ
18/09/2012(Xem: 10519)
Qua bài viết này, người viết mong rằng sẽ góp một phần nhỏ kiến thức về ý nghĩa chân thật về Phật giáo đối với Phật tử đi chùa.
14/09/2012(Xem: 19867)
Thế giới đang sử dụng Thiền như thức ăn như nguồn sống không thể thiếu trong cuộc đời thường. Ngay ở nước Mỹ, quốc gia tân tiến bậc nhất về khoa học kỹ thuật cũng đã áp dụng Thiền như một phương thuốc trị liệu tâm lý.
14/09/2012(Xem: 6813)
Tất cả những pháp môn tu chỉ nhằm chuyển hóa tâm thức, vì chỉ có chuyển hóa tâm thức. Nhìn trên căn bản, mỗi người tu Phật cần thực hành hai phương diện. Thứ nhất, hành giả phải có khả năng rút khỏi xã hội một thời gian nhất định nào đó, có thể vài giờ, vài ngày, vài tháng hoặc vài năm... Thứ hai, có khả năng đem những kinh nghiệm từng trãi nơi tịnh tu vắng vẻ cống hiến lại cho cuộc đời, cho những người hữu duyên và cho chính cuộc sống hằng ngày mỗi chúng ta. Như hơi thở ra và hơi thở vào, cả hai đều cần thiết như nhau. mới phổ độ chúng sanh một cách chân thật.
14/09/2012(Xem: 6934)
Mấy năm trước, nhân dịp Đức Dalai Lama đến thăm thung lũng Lahoul nơi chúng tôi tu tập ở Ấn Độ; lúc đó Ngài trú lại một tuần để thăm viếng, ban lễ điểm đạo và giảng pháp. Sau buổi thuyết pháp dài mấy tiếng đồng hồ, tôi hỏi một phụ nữ Lahoul rằng: “Bác có biết Đức Dalai Lama giảng gì không?”. Bác gái trả lời: “Dạ, con không hiểu nhiều nhưng con biết Ngài giảng là, nếu ta có lòng từ bi thì đó là điều tốt”. Đúng vậy, cơ bản là như thế. Đâu có gì đáng nói hơn thế nữa phải không? Nếu chúng ta có lòng từ bi, điều đó không tốt lắm sao? Vậy từ bi nghĩa là gì?
12/09/2012(Xem: 4830)
Đã có một trong những sự phát triển sâu xa , xuất hiện từ thế kỷ 20 , tác động đến đời sống của hàng tỷ người , nhưng vẫn chưa được chú ý rộng rãi . Bên cạnh những biến đổi đầy ấn tượng về chính trị và xã hội , những phát triển về khoa học và công nghệ , cùng những hệ thống mới trong lãnh vực vận tải và truyền thông , các sử gia tương lai chắc chắn sẽ quan tâm đến sự tự do tương đối . Họ sẽ nhận thức rằng chính sự tự do tương đối đã trước hết diễn dịch rồi sau đó định hình cho cá tính của từng con người ; cuối cùng mang lại quyền tồn tại cho loài người . Tuy những yếu tố quen thuộc tạo nên tự ngã , như là tính cách sắc tộc , khu vực định cư , dòng dõi , gia đình …vẫn hiện diện , nhưng những yếu tố đó không còn quan trọng vì một chuỗi những yếu tố độc đặc mới xuất hiện trong thế kỷ 20 . Cho nên khi đã hoàn toàn chấp nhận các ý niệm dân chủ tự do như một bản chất thực nghiệm làm nền để xác định ý nghĩa của việc làm người , hiếm khi chúng ta xem xét những ý niệm đó đã làm biến đổi hình th
12/09/2012(Xem: 5802)
Phật giáo Đại thừa có rất nhiều Thần chú như Chú Đại Bi, chú Thủ Lăng Nghiêm, chú Chuẩn đề… mà Thần chú chỉ có trong Mật tông. Vậy lịch sử hình thành Mật tông như thế nào?
11/09/2012(Xem: 5215)
Người Phật tử khi đã hiểu đạo thì phải lấy hạnh khiêm tốn làm đầu, phải biết khiêm tốn thấp mình thưa hỏi đạo lý thì mới học được điều hay lẽ phải mà biết được cội nguồn của giác ngộ, giải thoát. Người Phật tử phải nên nhớ rằng muốn mình thật sự khiêm tốn thì ngay bước đầu chúng ta phải tập nhẫn nhịn đối với những việc trái ý nghịch lòng, nhẫn không có nghĩa là hèn nhát.
01/09/2012(Xem: 9575)
Phật tính [1] có thể là bản chất trống rỗng của tâm thức, mà trong trường hợp nào nó không là một thức. Nó cũng liên hệ đến tâm tịnh quang nguyên sơ là điều liên hệ hơn đến giáo huấn mật thừa tantra.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567