Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Huân Tập Động Lực Tác Động (Bài viết mới nhất của HT Thích Bảo Lạc)

25/06/202008:13(Xem: 6665)
Huân Tập Động Lực Tác Động (Bài viết mới nhất của HT Thích Bảo Lạc)

duc phat di da-3a
HUÂN TẬP ĐỘNG LỰC TÁC ĐỘNG

Bài viết của  HT. Thích Bảo Lạc

Diễn đọc: Cư Sĩ Quảng An


 

 

Câu nói: ướp xạ xông hương như đã trở thành quen thuộc với mọi người nên cũng chẳng mấy ai quan tâm tới, tuy nhiên áp dụng “xông ướp” vào huân tập là điều không đơn giản, nên cần phải quan tâm sâu rộng hơn tới hai điểm: thứ nhất là từ Hán Việt có những nghĩa: tập nhiễm, xông ướp, in sâu nơi tâm thức; thứ hai là khó hiểu, vì không thể hình dung rõ ràng. Huân tập là động từ như lực làm thay đổi tâm sinh lý con người rất tinh vi nên cần phải gia tâm hơn, vì nó ảnh hưởng về hai mặt tiêu cực và tích cực, cũng như thiện và bất thiện.

Các pháp thiện ác ở thân, miệng, ý lúc dấy khởi bên trong khi đó chia ra hoặc Chân Như, hoặc A Lại Da Thức (Alaya) mà Alaya là tên của tâm thức hay thức thứ 8 trong tám thức lại là thức quan trọng. Đó là tâm thức của loài hữu tình có vai trò chứa đựng, truyền tín hiệu, nắm giữ tất cả mọi vật như tạo tác, thọ dụng, nên còn gọi là Tàng hay Tạng thức, vì nó chứa đựng tất cả hạt giống Thiện Ác, ví như nhà chứa của thân. Vì những hạt giống chứa đựng trong thức này bị hoàn cảnh bên ngoài kích thích mà khởi lên để trở thành hai quả là y báo (ngoại giới) và chánh báo (thân thể).

Như xông hương vào quần áo sẽ phát ra mùi thơm hoặc rảy nước hoa lên tóc làm cho tóc mượt mà dợn sóng phảng phất hương thơm nhè nhẹ, hoặc xông trầm trong lư khiến hương thoảng bay mùi thơm dịu, hoặc ướp lài, sen vào trà làm cho mùi trà thành trà lài, trà sen; khi đạt đến trình độ cao sẽ trở thành môn nghệ thuật như các môn trà đạo, nhu đạo, bắn cung và còn nhiều môn khác nếu tập quen sanh đắm nhiễm trở nên ghiền (nghiện) khó bỏ,  đó gọi là huân tập.

Huân lâu ngày trở thành thói quen khó bỏ là tập, tập gồm hai phần nhiễm và tịnh hay thiện và ác, nên không thể nói chỉ xông ướp mùi thơm thôi mà gồm cả mùi hôi hám, mặc dù chẳng ai ưa nhưng phải chấp nhận lâu dần rồi cũng thành quen. Cái hiện ra ở thân, miệng gọi là pháp hiện hành, còn hiện ra ở Chân Như hoặc A Lại Da thức của pháp hiện hành gọi là huân tập.

Như bài Tán Hương có câu: “pháp giới mông huân” có nghĩa là xông ướp khắp cõi, tức mùi hương bay tỏa ngào ngạt khắp nơi không đâu không tới, để nói lên cái Dụng của Huân qua Huân Tập lan rộng cùng khắp. Bài biên khảo này gồm bốn phần:

-                      Hài nhi tượng hình

-                      Ba loại huân tập và Bốn loại huân tập

-                      Tam hiền - thập thánh

-                      Nghệ thuật thưởng thức trà…

 

Hài Nhi Tượng Hình

                        

Ngay từ khi mới thọ thai, người mẹ đã được lưu ý kỹ hãy “gìn vàng giữ ngọc”, có nghĩa rằng thai phụ phải xem thai nhi đang trong bụng là vàng ngọc, để nuôi lớn bào thai theo từng hơi thở của người mẹ. Hầu cho con có những giá trị đích thực lúc tròn đủ chín tháng mười ngày để nó ra đời như một thành viên ưu tú của gia đình và giòng họ, hầu góp tài năng và trí huệ cho quốc gia dân tộc mai sau. Người mẹ phải cẩn trọng trong cách sống, lối suy nghĩ của mình thuần thiện để giúp cho hài nhi hấp thụ được cái tinh ba qua lời nói và hành động của mình. Tâm luôn vui vẻ, cởi mở cũng như khoan thứ đối với các thành viên trong gia đình, không có vấn đề xung đột, cải vả, bất hòa, giận hờn, ghét ghen… khiến cho hài nhi bị nhiễm độc từ những ngày còn trong trứng nước mới tượng hình, người mẹ buồn phiền, ưu tư quên ăn mất ngủ, tự hối là mình có thai nên mới ra nông nổi ! “Con hư tại mẹ” nằm trong trường hợp này. Vì người mẹ có nhiều việc phải làm và nhiều vấn đề phải giải quyết, là những áp lực trong đời sống mà có mấy ai ngờ việc không đến vẫn đến. Thế nhưng, dù khó khăn thế mấy thai phụ cũng phải giữ nét vui tươi, rộng rãi. Những gia đình nghèo khó, vấn đề kinh tế là một trở ngại rất lớn làm cho người cha, người mẹ phải tất bật bươn chải, cho dù hài nhi trong bụng người mẹ ngày càng lớn và người đàn bà càng mang nặng nhiều hơn.

Dù gặp nhiều thử thách, người phụ nữ mang thai cũng phải nghĩ đứa con sắp chào đời nên điều cần là phải trang bị cho nó sẵn sàng từ vật chất tới tinh thần, để trẻ được tiếp cận môi trường tươi sáng, lành mạnh đang chờ nó ở phía trước. Những gia đình khá giả, người phụ nữ trong thời kỳ thai nghén được bồi dưỡng từ vật chất đến tinh thần như được nghĩ dưỡng sức không cần phải làm việc nhiều, tìm đọc những sách hay, suy nghĩ những việc thiện, giúp nguời, cứu vật, làm phước bố thí, cúng dường v.v… là những nhân lành giúp hài nhi thông minh, học giỏi, đạo đức, tài năng cho trẻ đủ nhân duyên vào đời tạo dựng cuộc sống an lành hạnh phúc.

 

Ba loại huân tập và Bốn loại huân tập

 

1/Danh ngôn huân tập: danh là tên gọi, ngôn là lời nói. Thức phân biệt được tên gọi, lời nói là thức thứ 6, ý thức. Đó là thức do chủng tử của thức thứ 7 và 8 truyền tống huân tập, có thể thành tựu được thực tướng nhiễm ô như qua câu tục ngữ trên đầu môi: “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” đủ chứng minh.

2/Sắc thức huân tập: do sắc xúc với nhãn căn, từ các sắc này sinh ra nhãn thức gọi là sắc thức. Phân biệt là thức thứ sáu hay ý thức cũng do chủng tử của thức thứ 7 và 8 huân tập rồi thành nếp nhiễm. Như câu chuyện dời nhà của bà Mạnh Mẫu là mẹ của Mạnh Tử, bà phải thay đổi dời nhà đến 3 lần: lần thứ nhất, nhà ở gần khu nghĩa địa, cậu con trai nhỏ ngày nào cũng chứng kiến cảnh chết chóc, tang tóc, bà mẹ nghĩ: Không được rồi, theo đà này con ta sẽ tiêm nhiễm vào đầu óc tuổi thơ bao hình ảnh ly biệt, buồn thương, than khóc… Nghĩ vậy, bà quyết định dời nhà, lần thứ hai lại nhằm khu chợ kế bên, ngày hai buổi cảnh mua bán tấp nập, thách giá, cải vả theo hàng tôm cá làm cậu con bị ảnh hưởng, học hành thua kém bạn bè trong lớp. Bà mẹ khổ tâm rồi tự trấn an: còn nước còn tát, nên bà hạ quyết tâm dời nhà thêm lần nữa cho con mình có cơ hội vươn lên theo kịp chúng bạn. Lần này bà dời nhà tới gần khu trường học, với cảnh nô đùa hồn nhiên vui vẻ của đám học trò nhỏ khiến Mạnh Tử phấn chấn hơn lên chăm chỉ học hành. Kết quả cuối năm, cậu được thầy giáo khen thưởng với tấm bằng khen (Award Certificate) và đem về nhà khoe với mẹ. Bà rất hài lòng động viên tinh thần để cậu con vươn lên nên sau này Mạnh Tử chóng trở thành bậc hiền tài trong lịch sử cổ đại của Trung Hoa.

 

3/Phiền não huân tập: phiền não do các tà kiến tham, sân, si gây nên, cũng do ý thức thứ 6, chủng tử của 2 thức thứ 7 và 8. Huân tập trở thành bản tánh nhiễm, như Tổ Quy Sơn Linh Hựu Thiền Sư (771 – 853) dạy rằng, thân cận bạn hiền như đi trong sương móc, tuy không ướt áo nhưng dần dà rồi cũng thắm đượm, gần gũi bạn ác hẳn tập quen thói ác, cứ tích tập mãi trở thành là ác tri kiến. Một khi mất thân người thời muôn kiếp khó được lại (thân cận thiện hữu giả như vụ lộ trung hành, tuy bất thấp y, thời thời hữu nhuận, áp tập ác giả, trưởng ác tri kiến. Một hậu trầm luân, nhất thất nhân thân, vạn kiếp nan ngộ) (Quy Sơn Cảnh Sách)

 

Theo Luận Đại Thừa Khởi Tín, do Bồ Tát Mã Minh tạo, Hòa Thượng Thiện Hoa giải, có 4 thứ huân tập:

1/Chơn Như huân tập (pháp thanh tịnh), vì Chơn Như là pháp thanh tịnh không có nhiễm ô, nhưng bị vô minh huân tập vào, nên có nhiễm ô. Trái lại, vô minh là pháp tạp nhiễm, cũng không có diệu dụng thanh tịnh, chỉ vì bị chơn như huân tập vào, nên nó có diệu dụng thanh tịnh. Thí như người không biết hút thuốc, lúc đầu tập phì phà vài hơi rồi thôi, sau đó, kéo luôn một hồi tới nửa điếu thuốc. Lâu ngày người ấy quen mùi thuốc và ghiền thuốc, gọi đây là tập quen. Cũng thế, Chơn Như và Vô Minh huân tập nhau, nếu Chơn Như mạnh huân tập, vô minh thời vô minh biến thành tịnh. Trái lại, nếu vô minh mạnh huân tập vào Chân như, thời chân như biến thành nhiễm ô. Như khi tắm, nước lạnh và nước nóng hoà chung trong bồn tắm, nếu nước nóng nhiều làm cho nước lạnh thành ấm, trái lại, nếu nước lạnh nhiều làm cho nước nóng trở thành mát.

 

Hằng ngày ta huân tập vô số việc, nên huân tập cái nào thành ra cái ấy. Huân tập xấu nhiều thành ra người xấu, huân tập tốt nhiều thành ra người tốt. Chẳng hạn, hàng bán nhang trầm xông ướp mùi thơm tinh khiết, hàng bán thịt cá tỏa mùi hôi tanh làm lây lan chung quanh. Như phần ba có dẫn lời dạy của Tổ Linh Hựu hoặc việc dời chỗ đến 3 lần của bà mẹ Mạnh Tử giúp chúng ta rút tỉa được những bài học cao quí. Theo sách Quốc Văn giáo khoa thư của tác giả Trần Văn Chi khuyên con trẻ rằng:

Thói thường “gần mực thì đen”

Anh em kết bạn phải nên chọn người

Những người lêu lõng chơi bời

Cùng là lười biếng ta thời tránh xa.

(Chọn bạn mà chơi: QVG KT lớp dự bị)


2/Vô minh huân tập
, do vô minh làm nhơn huân tập vào Chơn Như sanh vọng tâm, rồi vọng tâm trở lại huân tập vào vô minh. Có nghĩa vì chưa ngộ được chơn tâm nên bất giác vọng niệm sanh khởi, rồi do vọng hiện ra các cảnh giới. Do cảnh giới vọng nhiễm ô này huân tập vào vọng tâm sanh vọng niệm chấp trước (trí tướng, chơn tục tướng, chấp thủ tướng, kế danh tự tướng) tạo các nghiệp là món thô thứ năm, rồi chịu tất cả khổ về thân và tâm (món thô thứ sáu). Thí dụ 12 nhân duyên từ vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, hữu, sanh, lão tử. Ba đời nhân quả, từ hoặc tạo nghiệp, do nghiệp nên thọ khổ. Rồi khổ lại mê hoặc tạo nghiệp, và vì tạo nghiệp nên phải chịu khổ về sau, như vòng tròn không đầu mối để nói về các pháp tạp nhiễm, tương tục sanh khởi không dứt.

     Vọng tâm (Nghiệp thức căn bản) huân tập căn bản vô minh làm cho chư Bồ Tát, A La Hán, Bích Chi Phật phải thọ khổ sanh tử biến đổi (biến dịch sanh tử). Vọng tâm (phân biệt sự thức) huân tập chi mạt vô minh làm cho phàm phu phải bị phần đoạn sanh tử. Vô minh huân tập vào chơn như làm thành tựu nghiệp thức, và chi mạt vô minh (tư hoặc, kiến hoặc) huân tập vào vọng tâm làm thành tựu phân biệt sự thức (ý thức) nuôi lớn chấp thủ làm cho 7 thức trước tương tập mãi mãi, nên phàm phu phải bị khổ phần đoạn sanh tử, vì căn bản vô minh huân tập vào chơn như làm thành tựu nghiệp thức, tức là A Lại Da Thức. Chi mạt vô minh (kiến hoặc: kiến, tư hoặc: ái) huân tập vào vọng tâm (nghiệp thức) làm thành tựu phân biệt sự thức (ý thức) nói chung gồm 7 thức trước. Vì 7 thức trước phân biệt các sự vật, rồi chấp ngã, chấp pháp, các sự vật mới thành như thế này hoặc như thế nọ, nên gọi là phân biệt sự thức.


3/Vọng cảnh huân tập:
biết cảnh giới hiện tiền không thật có, chỉ do tâm vọng động hiện ra (thập trụ), rồi tu hành để xa lìa các nhiễm ô (thập hạnh, thập hồi hướng). Khi đã biết xác thực không có cảnh giới hiện tiền (sơ địa), hành giả mới dùng các phương tiện tu hành (từ nhị địa đến cửu địa và khởi hành tùy thuận chơn tâm, không chấp thủ, không vọng niệm và tu hành trãi qua nhiều kiếp (thập địa).


4/Tịnh pháp huân tập:
chư Bồ Tát dùng đại trí huệ diệt trừ hết vô minh, chứng được thể chơn như, do các Ngài đã chứng được chổ đồng thể nên tự xem mình cùng tất cả chúng sanh đồng một bản thể không có riêng khác. Như chúng sanh đau khổ tức là mình đau khổ, chúng sanh còn trầm luân thì mình chưa được giải thoát. Do vậy, Bồ Tát do thể chơn như bình đẳng, khởi đại dụng, phát tâm đại từ bi, lập lời thệ nguyện rộng lớn, tu các pháp Ba La Mật, hóa độ chúng sanh trong vô số kiếp mà không chấp tướng có chúng sanh để độ như Kinh Kim Cang.

Thể và Tướng của Chơn Như đều rộng lớn như thế, nên Dụng của Chơn Như cũng không thể nghĩ bàn. Không có hình tướng, không có dụng công và cũng không tâm tạo tác, song tùy theo căn cơ của mỗi chúng sanh cảm muốn như thế nào thì ứng hiện như thế ấy, làm cho chúng sanh đều được lợi ích. Như ánh sáng, như hư không cò cùng khắp không cố ý, không dụng công mà tự nhiên tỏa khắp tất cả, tùy theo ngày hay đêm mà ánh sáng tỏ hay mờ. Do huân tập mà các pháp sanh khởi không dứt, bên trong nhờ Phật tánh (Chơn Như) huân tập vô minh, làm hành giả phản tỉnh, nhàm khổ sanh tử, cầu vui Niết Bàn. Bên ngoài nhờ sự phản tỉnh này trở lại huân tập vào Chơn Như (tánh Phật) làm cho hành giả giác ngộ cảnh giới này không thật, nên không sanh tâm tham luyến và tạo nghiệp. Trái lại còn tùy thuận theo tánh Phật tu hành, phá trừ ba tế (1) sáu thô (2) trãi qua vô số kiếp, từ thập địa đến quả Phật.

Như bài kệ truyền Pháp của Khuông Việt quốc sư (930-1011) trước khi thị tịch cho đệ tử là Đa Bảo Thiền Sư như sau:

Trong cây vốn có lửa

Có lửa, lửa liền sanh

Nếu bảo cây không lửa

Cọ xác sao lại thành.

(Mộc trung nguyên hữu hỏa

Nguyên hỏa mộc hoàn sanh

Nhược vị mộc vô hỏa

Tỏa toại hà do manh).

                       Khuông Việt Thiền Sư

 

Lửa sẵn có trong cây, cũng như Phật tánh sẵn có nơi chúng sanh, chỉ cần chờ đủ điều kiện nhân duyên là phát sáng thành hiện thật. Ý này dựa theo giải thích của HT Thiện Hoa trong Khởi Tín Luận rằng, nhờ dứt trừ các pháp nhiễm ô phân biệt, nên tánh giác hiện ra hai tướng: bản thể sáng suốt trong sạch gọi là tướng trí tịnh, và diệu dụng không thể nghĩ bàn, còn gọi là tướng nghiệp dụng bất tư nghì. Vì Thể và Dụng không rời tánh giác, nên gọi là hai tướng không rời bản giác”.

 

Tam Hiền - Thập Thánh

“Bậc Tam Hiền (thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng) bên trong nhờ sức chơn như huân ra, bên ngoài lại nhờ chánh pháp huân vào làm cho hành giả tự khởi tín tâm tu hành.

Đến hàng thập địa (từ sơ địa) Bồ Tát, do nhờ sức tu tập mà ngộ nhập được tâm chơn như, rồi nương tâm chơn như này để tu tập, đó gọi là như thật tu hành.

Đến vị đẳng giác Bồ Tát thời sự tu hành, công đã thành, quả đã mãn, lúc bấy giờ Bồ Tát phá trừ thức hòa hiệp và diệt tâm tương tục nên pháp thân thanh tịnh hiện ra, đạt trí thuần tịnh gọi là tướng trí tịnh. Như đã nói sanh diệt và bất sinh diệt hòa hợp gọi là A Lại Da, ở đây nói phá thức hòa hợp, tức là phá thức A Lại Da để chuyển thành trí. Còn nói diệt tâm tương tục là 7 chuyển thức (từ nhãn thức đến mạt na thức) tức là diệt tướng hư vọng tương tục của 7 thức trước, không phải diệt cái thể của 7 chuyển thức. Thí dụ như nước hiện (tánh giác) vì gió (vô minh) nên dợn sóng (tâm thức); sóng và gió đều động và không rời nhau, song tánh nước chẳng động. Đến khi sóng lặng thì gió dừng, song tánh ướt của nước không diệt”.

Cũng thế, biển tâm thanh tịnh của chúng sanh bị gió vô minh thổi động, nên sóng tâm thức nổi lên. Sóng tâm thức, gió vô minh đều động, lại không hình tướng và chẳng rời nhau, song biển chơn tâm chẳng hề dao động. Nếu gió vô minh dừng thì sóng tâm thức tương tục kia cũng lặng, song nước trí thuần tịnh không bao giờ diệt (PHPT quyển 11, trang 683-685)

 

 

 

Nghệ thuật thưởng thức trà

Một việc phổ thông như uống trà mà dân tộc Trung Hoa biết nâng lên hàng nghệ thuật qua bậc trà sư danh tiếng là Lục Vũ (Lu Wuh) vào giữa thế kỷ thứ 8 đời Đường. Ông viết bộ sách 3 quyển gọi là Trà Kinh gồm 10 chương. Chương I: Ông bàn về tánh chất của cây trà, chương 2 bàn những dụng cụ dùng để uống trà, chương 3: phương pháp chọn lựa lá trà. Theo Ông lá trà ngon nhất phải có “những nếp nhăn nheo như chiếc ủng da của những nguời kỵ mã Thát đát, quăn như cái yếm của bò mộng, tỏa ra như hơi sương từ khe suối bốc lên, lấp lánh như mặt hồ vờn gió tây, và sau hết vừa ẩm vừa mềm, như thứ đất tốt mưa vừa tưới dội”.

Chương 4, miêu tả 24 thứ trà khí: từ cái lò 3 chân, cho đến cái tủ bằng tre để đựng những dụng cụ ấy (sđd p.39). Nghệ thuật uống trà ảnh hưởng tới nghề làm đồ gốm của Trung Hoa thời xưa không ít. Chẳng hạn như màu sắc của lớp nước men tráng như màu xanh hay màu trắng của chén đựng trà là rất quan trọng. Mới đầu người ta dùng trà bánh, rồi dần dần biến thành trà vụn (mạt trà) và về sau thành trà ngâm. Thậm chí cách nấu trà cũng lắm công phu như gia thêm vào các thứ gia vị, muối, đường, chanh, cũng như phải chọn nước, nước suối là tốt nhất, thứ đến nước sông và sau chót nước từ các nguồn khác. Đó là phần chương 5, Lục Vũ còn đề cập tới nước sôi ở ba độ: nước vừa sủi bọt nho nhỏ gợn lên trên bề mặt, độ thứ hai bọt nước bắn lên trông giống những hạt châu bằng pha lê trong suốt, độ thứ ba nước sôi lên sùng sục sóng nước sủi lên trong ấm rồi hạ xuống mới đủ độ cần thiết để trà mau ngấm. Tuy nhiên người ta phải rót ra sang một chiếc bình nhỏ gọi là “tống” mà không ngâm lâu trong bình tích, vì xác trà cần dùng đến lần thứ ba.

Từ chương 6 đến chương 10 nói về sự phổ thông hóa của phương pháp uống trà đã bị thất lạc, nhưng danh tiếng của Lục Vũ vẫn nổi bật thời bấy giờ. Ông được vua Đường Đại Tôn (763-779) yêu quí nên danh tiếng ông lôi cuốn được nhiều môn đệ. Cho tới đời Tống thì nghệ thuật thưởng trà trở thành siêu tuyệt, những tay sành điệu tìm cho ra những giống trà mới và đặt ra những cuộc thi định kỳ để phân tài cao thấp. Nhân vật thứ hai biết thưởng thức hương vị trà là Vua Huy Tông (1101-1124) đem của kho tiêu phí vào việc tìm kiếm loại trà trân hảo nhất.

Đời Tống trà được du nhập vào Nhật Bản năm 1191, khi thiền sư Vinh Tây (Eisai Zengi) sau khi nghiên cứu Thiền ở Nam Hoa về, Ông đem hạt giống trà về trồng ở vùng ngọai ô Kyoto. Thế kỷ 15 vào thời Mạc Phủ Tướng quân dưới quyền của Túc Lợi Nghĩa Chính (Ashikaya Yoshinasa Shogun), nghi lễ uống trà được đặt ra. Và bắt đầu từ đó có môn trà đạo. Theo tác giả Okakura Kakuzo thì mãi đến giữa thế kỷ thứ 17 người Nhật mới biết đến phương pháp trà thang (trà ép thành bánh) qua ghi nhận của Ông: “Chính trong nghi thức trà thang của người Nhật, ông thấy những lý tưởng đối với trà đã đạt tới tuyệt đỉnh của nó. (*) (Stk3)

Nghệ thuật thưởng thức trà ảnh hưởng đến người Tây Phương sớm nhất là người Pháp, người Anh, người Nga từ thế kỷ 17 cho tới nay. Gần đây, tác giả đọc báo thấy có bài viết “bí mật loại trà núi Himalaya siêu đắt”, chỉ hái vào đêm trăng tròn. Bài viết ngắn chỉ vỏn vẹn một trang báo mà người viết diễn tả loại trà “siêu đắt” lên tới 50 triệu đồng 1 pound (dĩ nhiên tiền VN) có tên là Silvertipstea.com với giá 60 đôla 1 ounce, vào khoảng 2,118 USD/ký. Không thấy đề cập tới cách thưởng thức trà mà chỉ giới thiệu nghi lễ hái trà của những công nhân ở nông trường Makaibari thuộc vùng Darjeeling Ấn Độ, khi mặt trời lặn họ mặc trang phục truyền thống Bengal tụ tập ở triền núi, đàn ông gõ trống, đàn bà nhảy múa, vừa hô to lời cầu nguyện đất trời, sự bình an và may mắn v.v… Những công đoạn mà người thợ hái trà phải tiến hành như vác gùi lên núi và tới nơi phải nghỉ ngơi lấy sức, tính toán chính xác, đợi lúc thích hợp nhất; thời điểm hoàn hảo để thu hoạch Oolong là đêm trăng tròn đầu tiên của tháng 3, 4 và 5 vào lúc mực thủy triều dâng cao nhất, còn mực nước trong thân cây trà lại giảm xuống thấp nhất. Lúc đó khí của trời đất hòa hợp, kết tinh nên hương vị trà dịu ngọt, thơm ngon nhất. Đó là niềm tin của người hái trà ở Makaibari…

Tóm lại, những môn học: bắn cung, nhu đạo, võ thuật, cắm hoa, hội hoạ, điêu khắc, thi văn, gãy đàn… muốn thành tay nghề tinh xảo cần phải rèn luyện nhuần nhuyễn, theo danh từ chuyên môn võ thuật là “nội công thâm hậu”. Như nhà tu hành phải trải qua công phu tu tập mà đạt kết quả. Việc hành trì tuân theo kỷ luật, nhẫn nại kiên trì qua thử thách với thiên nhiên như thời tiết nóng lạnh, nắng mưa, đông hạ; cũng như thân thể: ốm đau, hoạn nạn, khó khăn… nhất là 3 độc: tham – sân – si cần theo dõi, cảnh giác biến thành ba hạnh: bố thí, nhẫn nhục và trí tuệ đầy dũng lực, ấy là huân tập tâm đức , như tác giả cảm hứng thành thơ lục bát qua bốn oai nghi:

Học từng phép tắc oai nghi

Nói năng, cử động, đứng đi, ngồi nằm…

để thành những đức tính sáng giá, cao thượng của ngừơi hành trì đáng trân quí biết bao…

                                                        
 
Thích Bảo Lạc

   Thiền Lâm Pháp Bảo tháng 12 năm 2019

 

 

Chú thích:

(1) Tam Tế là tiền tế, hậu tế, trung tế hay quá khứ, hiện tại, vị lai.

(2) Lục thô: trí tưởng, tương tục tướng, chấp thủ tướng, kế danh tự tướng, khởi nghiệp tướng, nghiệp hệ khổ tướng.

 

Sách tham khảo:

- Quy Sơn Cảnh Sách nguyên tác: Qui Sơn Linh Hựu (771-853), Thích Bảo Lạc dịch Việt ngữ do Bảo Tạng Tùng Thư Pháp Bảo, Sydney ấn hành năm 1991.

- Đại Thừa Khởi Tín Luận, Bồ Tát Mã Minh tạo, H.T Thiện Hoa dịch giải in chung trong bộ Phật học phổ thông cuốn Ii, các trang 683 – 685, do Khánh Anh Pháp tái bản.

- Trà Đạo nguyên tác Nhật Ngữ Okakura Kakuzo Bảo Sơn dịch Việt ngữ, nhà Xb Xuân Thu tái bản tại Hoa Kỳ, không thấy đề năm.

- Phật học Hán Việt từ điển, phân viện nghiên cứu Phật học ấn hành năm 1994 tại Hà Nội.

- Báo Việt Luận số 3210 ngày 20/7/19 phát hành tại Sydney.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25/09/2010(Xem: 10097)
Mọi sự mọi vật theo luật vô thường, chuyển biến liên tục không bao giờ ngừng nghỉ, nhất là chúng thay đổi mau chóng. Con người do không rõ được lẽ vô thường sinh diệt đó...
25/09/2010(Xem: 8740)
Pháp môn Lạy Phật không phải chỉ có các Phật tử thuộc truyền thống Tịnh Độ thực hành, nhưng phương pháp này cũng được các truyền thống khác tu tập.
25/09/2010(Xem: 8775)
Đây là một danh từ rất phổ thông trong chốn thiền môn. Pháp khí là những đồ dùng trong chùa nhưng đúng với Phật Pháp như chuông mõ, khánh, tang đẩu, linh, chung cổ...
25/09/2010(Xem: 18480)
Thứ nhất, nghĩ đến thân thể thì đừng cầu không bịnh khổ, vì không bịnh khổ thì dục vọng dễ sinh. Thứ hai, ở đời đừng cầu không hoạn nạn, vì không hoạn nạn thì kiêu sa nổi dậy.
24/09/2010(Xem: 12404)
Tronghệ thống giáo điển Phật đà, cả Nam truyền và Bắc truyền đều có những bài kinh, đoạn kinh nói về công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ rất là cảm động. Cũngnhư có những trang kinh đức Phật chỉ dạy phương pháp báo đáp ân đức sâudày đối với song thân một cách thiết thực nhất. Có nghĩa là đức Phật đãchỉ bày cách báo ân chơn chánh, hợp đạo lý, có lợi ích trong hiện đời và mai sau...
24/09/2010(Xem: 10089)
Nghèo khó và thịnh vượng là hai điều kiện khác nhau trong số những sự thực của cuộc sống. Bạn, tôi và những người còn lại trong thế giới này rơi vào một trong hai điều kiện ấy. Chúng ta có thể giàu hay nghèo về phương diện của cải vật chất hay phương diện tâm linh. Rõ ràng hai cụm từ này, “nghèo khó” và “thịnh vượng”, có những ngữ nghĩa khác nhau. Trước khi bàn đến những quan điểm của Phật giáo về sự nghèo khó và thịnh vượng, chúng ta cần biết chính xác về ý nghĩa của hai thuật ngữ này.
24/09/2010(Xem: 8418)
Người tham muốn ngủ nghỉ nhiều, thì quá nửa đời mình lẩn quẩn trên chiếc giường, bộ ván; ăn xong lại nghỉ chuyện đi nằm chẳng muốn làm gì hết, khi ngủ xong lại muốn ngủ nữa giống như các loài heo vậy đó, mất cả tự chủ và thể diện của mình. Con người vì không biết rõ thực tướng của vạn vật nên si mê chấp thân tâm làm ngã rồi dẫn đến chiếm hữu, lười biếng, ăn không ngồi rồi. Loài heo vì tham ăn ngon, ngủ kỹ nên mới bị đọa lạc như thế, tối ngày chỉ biết ăn rồi ngủ, ngủ dậy rồi ăn, chẳng biết làm gì.
23/09/2010(Xem: 12864)
Nghi lễ sẽ tạo thành không khí lễ nghĩa, làm cho con người có tập quán đạo đức hướng về điều tốt điều phải một cách tự nhiên. Ở chỗ có mồ mả thì có cái không khí bi ai...
22/09/2010(Xem: 14613)
Nói đến Phật giáo, người ta nghĩ ngay đến đạo Từ bi cứu khổ.Mà hình ảnh cứu khổ tiêu biểu tuyệt vời nhất thiết tưởng không ai khác hơn làđức Bồ tát Quan Thế Âm, hay Mẹ hiền Quan Âm. Vì vị Bồ tát này có đầy đủ phẩmchất của một người mẹ trong tất cả những người mẹ. Hình như trong mọi trái timcủa những người con Phật thuần thành nhất là giới Phật tử bình dân không ai làkhông không có hình ảnh đáng tôn kính của vị Bồ tát giàu lòng bi mẫn này...
22/09/2010(Xem: 12907)
Cuộchành trình miên viễn của kiếp sống trầm luân sáu nẻo luân hồi đã thôithúc rất nhiều người đi tìm những phương pháp để thoát ly khổ não. Hạnh phúc và khổ đau là hai thực trạng của cuộc sống mà con người luôn đề cập tới. Nhưng để biết được hạnh phúc là gì thì con người phải trực nhận ra được bản chất của khổ đau như thế nào rồi mới bàn tới phương pháp giải quyết khổ đau... Sau khi nhận lời thỉnh cầu của Phạm thiên, đức Phật dùng tri kiến thanh tịnh quan sát khắp cả thế giới. Bằng tuệ nhãn, Ngài thấy chúng sanh có nhiều căn tánh bất đồng...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]