Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thơ Sẽ Chữa Lành Thế Giới

09/05/202017:50(Xem: 5478)
Thơ Sẽ Chữa Lành Thế Giới

Thơ Sẽ Chữa Lành Thế Giới

Nguyên Giác

hoasen1a

Hãy hình dung rằng sẽ tới một thời thế giới không còn bom đạn, và thay cho những trận mưa bom sẽ là những trận mưa thơ. Hãy hình dung rằng những góc phố Sài Gòn, Hà Nội và khắp thế giới sẽ dựng lên các bia đá khắc lên những dòng thơ ca ngợi hòa bình và tình thương. Như thế, thơ sẽ chữa lành thế giới, sẽ đẩy nhân loại bước rời xa các u tối chiến tranh, khi những ánh mắt căm thù hốt nhiên chỉ nhìn thấy những trận mưa hoa đầy chất thơ. Thậm chí, hát thơ còn chữa bệnh được: lịch sử ghi rằng trong thời Vua Hùng Vương, hát thơ chữa được sản nạn, hóa giải chứng đau bụng đẻ để bà bầu êm ái cho ra em bé an lành.

Ông bà mình từ xa xưa đã nhìn thấy tác dụng của thơ. Khi nhìn thấy người thương bước tới sân đình giữa làng, trong khi lời còn rất rụt rè, thì dòng thơ ca dao có thể nói lên rất nhiều, dù là chàng ướm lời với nàng hay ngược lại:

Qua đình ngả nón trông đình,
Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu.

Sau khi hai dòng thơ trên được hát lên, lời nói nào sau đó cũng dư thừa. Vì thương nhớ là những gì rất trừu tượng, rất mơ hồ, lấy chữ nào mà gói được ý nghĩa cho trọn vẹn, và lúc đó thơ mới hiện lên.

Hay là lời người con thương nhớ mẹ. Nói gì về mẹ? Cụ bà tóc trắng, thân gầy, một thời lụm khụm sau bếp và trước sân, rồi một thời mẹ ra đi vĩnh viễn. Nói gì về mẹ, khi nước mắt người con ràn rụa và hình ảnh mẹ chỉ còn là quá khứ? Lúc đó, ông bà mình mới dùng tới hát thơ và rồi trở thành ca dao:

Mẹ già như chuối ba hương,
Như xôi nếp mật, như đường mía lau.
Đường mía lau càng lâu càng ngát,
Xôi nếp mật ngào ngạt hương say.
Ba hương lây lất tháng ngày,
Gió đưa mẹ rụng, con rày mồ côi.

Như thế, mẹ trở thành chuối, xôi, đường… là những gì ngon ngọt đã trở thành thân thể người con, và rồi mẹ biến mất theo gió. Hãy hình dung rằng thay vì sáu dòng thơ trên, chúng ta có cách nào nói lên được cảm xúc thiết tha thương nhớ như thế? Có vẻ như bất khả, vì thơ nơi đây đã gói trọn thành công những gì rất mơ hồ thương nhớ trong hồn người, y hệt như làn khói rất khó nắm bắt.

Trong khi đó, tiếp thị kinh doanh cũng là một nghệ thuật. Có khi vài dòng ca dao là đủ để quảng cáo và đưa vào ký ức người nghe các hình ảnh cần thiết. Như các dòng ca dao tiếp thị sau với các địa danh đều ở trong huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá:

Ai về nhớ vải Định Hòa,
Nhớ cau Hổ Bái, nhớ cà Đan Nê,
Nhớ dừa Quảng Hán, Lưu Khê,
Nhớ cơm chợ Bản, thịt dê Quán Lào.

Như thế, không nói nhiều, không hô hào ồn ào, nhưng ý thơ sẽ ngấm từ từ vào tâm thức người nghe. Có phải thơ đã tự thân có sẵn một khung trời đón nhận trong não bộ chúng ta? Phải chăng tự trong tâm thức, chúng ta đã dị ứng với các ngôn ngữ trật nhịp thơ?

Thơ như thế, là gắn liền với máu thịt của chúng ta. Thơ đã cho chúng ta nhìn thế giới qua chân trời mới: ngả nón là lời mời gọi vào thế giới của nhau, chỉ vào ngói đình là chi vào niềm thương nhớ, sau khi mẹ biến mất là hóa thân ngay vào chuối, vào xôi, vào đường, và những người con Thanh Hóa đi xa đã chỉ vào nỗi nhớ gì rất cụ thể như vải, cau, cà, dừa… Thế giới trước mắt đã hóa thân thành một thế giới trong màn sương khói thi ca. Như thế, sự thật trong thơ không phải là sự thật khả lượng của thế giới vật lý. Trong khi địa cầu chúng ta đầy những hỗn loạn, tranh chấp, bom rơi đạn bắn, với âm vang hàng ngày trên TV từ trên vị trí cao nhất trở xuống cho tới giang hồ đứng bến là những lời chửi mắng chát chúa… thì thế giới thơ hiện ra khi chúng ta mở lại các trang sách cũ, tìm học lại những giá trị ông bà mình để lại trong các dòng thơ. Tại sao thơ làm chúng ta nhẹ lòng được như thế. Có vẻ như nửa thực, nửa hư khi chúng ta nhìn về hình ảnh thương nhớ với ngả nón, ngói đình…

Bài thơ đầu tiên của dân tộc Việt hình như là bài thơ mấy dòng do vua Lạc Long Quân nói lên khi tuyên bố ly hôn cùng bà Âu Cơ để chia trăm con làm hai hướng, nửa đi theo mẹ, nửa đi theo cha. Hình ảnh về truyền thuyết này cũng là cuộc ly hôn thuận thảo nhất trong lịch sử nhân loại, vì cổ sử không nói chuyện xích mích gì giữa hai người khai sinh ra dân tộc Việt.

Tự điển Bách khoa Mở ghi rằng Lạc Long Quân (truyền thuyết ghi rằng sinh năm 2825 trước Tây lịch) có tên húy là Sùng Lãm, là một vị vua truyền thuyết của lịch sử Việt Nam. Lạc Long Quân được xem là vị vua của nhà nước sơ khai Xích Quỷ trước nhà nước Văn Lang.

Thuyết này ghi rằng Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem là thủy tổ sinh ra dân tộc Việt Nam theo truyền thuyết “bọc trăm trứng.” Lạc Long Quân có thể là danh hiệu truyền lại trong dã sử của một tù trưởng đã có công trong việc đi đến thống nhất các bộ tộc người Lạc Việt. Con trai ông là tù trưởng bộ lạc Văn Lang đã thống nhất thành công 15 bộ lạc, thành lập nhà nước Văn Lang, xưng hiệu Hùng Vương đời thứ nhất.

Một phiên bản kể về mối tình Rồng-Tiên này ghi rằng vua Lạc Long Quân thường xuyên lên bờ dạy dân việc cày cấy nông tang, đặt ra các đẳng quân, thần, tôn, ti, các đạo cha con, vợ chồng, đôi khi trở về Thủy Phủ mà trăm họ vẫn yên vui vô sự, không biết do đâu được thế. Hễ dân có việc lại lớn tiếng gọi Long Quân rằng: “Bố ơi! Sao không lại cứu chúng tôi!” Long Quân tới ngay, sự linh hiển của Long Quân, người đời không ai lường nổi. Đột nhiên một ngày nọ, xuất hiện một bệnh dịch lớn mà Long Quân không trị được. May mắn thay đã có một tiên nữ tên Âu Cơ từ trên núi xuống ra tay giúp đỡ, nhờ thế mà mọi người mới vượt qua bệnh dịch này. Âu Cơ đi khắp bốn phương để giúp đỡ và chữa trị cho những người đang lâm bệnh và gặp khó khăn. Nàng có lòng từ bi và có tài về y thuật. Một ngày nọ, một con quái vật làm nàng sợ hãi. Nàng liền biến thành một con sếu mà bay đi. Lạc Long Quân, là thần rồng từ biển cả, thấy nàng đang gặp nguy hiểm liền cầm lấy cục đá và giết tên quái vật. Sau đó tình yêu đã nảy nở giữa hai người và họ cưới nhau. Âu Cơ sinh ra một bọc trứng có 100 người con. Một hôm Lạc Long Quân nói với Âu Cơ:

Ta là giống Rồng,
mình là giống Tiên,
thủy thổ khắc nhau,
không ở cùng được.

Than ôi, bài thơ không vần, rất ngắn, rất khô khan này đã đoạn lìa một tình nghĩa phu thê rất thơ mộng của dân tộc. Hai người bèn chia con mà ở riêng. Trăm con vâng theo, sau đó từ biệt mà đi. Âu Cơ và năm mươi con lên ở đất Phong Châu suy phục lẫn nhau, cùng tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang, đông giáp Nam Hải, tây tới Ba Thục, bắc tới Động Đình hồ, nam tới nước Hồ Tôn (nay là Chiêm Thành). Vua đời đời thế tập gọi là Hùng Vương, không hề thay đổi.

Sau khi chia tay với Quốc mẫu Âu Cơ, Lạc Long Quân cùng 50 người con còn lại xuôi đường lần ra Nam Hải. Đến đất Bình Đà bây giờ (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội), cách biển không xa, sông nước mênh mang, Lạc Long Quân truyền cho các con dừng chân dựng trại, chọn đất này làm nơi dựng xây cơ nghiệp.

Tuy nhiên, làn điệu thơ xa xưa dường như là hát, chớ không phải là ngâm, vịnh như đời sau. Một trong những dấu tích thơ được ghi từ xa xưa là trong điệu hát xoan. Một trong các cơ duyên ban đầu này trong thời Vua Hùng Vương, hát thơ chữa lành được chứng đau bụng đẻ. Theo nhà nghiên cứu Phạm Thị Thiên Nga (Về miền Lễ Hội cội nguồn dân tộc Việt Nam – ấn bản 2008), Làng Cao Mại (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) có một truyền thuyết như sau:

“Vợ Vua Hùng mang thai đã lâu tới ngày sinh nở, cứ đau bụng mãi mà không đẻ được. Người hầu tâu rằng: Có nàng Quế Hoa xinh đẹp, múa giỏi, nên đón về múa hát có thể làm đỡ đau và sinh nở được, vợ Vua Hùng nghe lời cho mời nàng Quế Hoa tới (Quế Hoa ở thành Phong Châu), vâng lời triệu, Quế Hoa đến chầu vợ Vua. Bấy giờ, vợ Vua đang lên cơn đau đẻ dữ dội mới bảo nàng Quế Hoa đứng trước giường múa hát. Quế Hoa hát hay, tay uốn chân đưa, người mềm như tơ, dẻo như bún ai cũng phải mê. Vợ Vua mải xem múa hát không  thấy đau, sinh được 3 người con trai khôi ngôi đẹp đẽ. Khi ấy đang mùa xuân, Vua Hùng hết lời khen ngợi Quế Hoa mới bảo các Mỵ nương học lấy các điệu múa hát ấy sau được gọi là hát xoan.” Cũng có truyền thuyết giải thích rằng: Xoan là từ gọi chệch tiếng xuân (vì vợ Vua tên thật là Xuân). Do tục kiêng kỵ tên huý, nên hát Xuân được gọi là hát xoan.

Y khoa hiện nay đã chứng minh rằng thơ có chức năng chữa lành nhiều vết thương cho nhân loại. Các bác sĩ tại hai bệnh viện Yale University School of Medicine và University College London School of Medicine trong khi chăm sóc bệnh nhân đã đề nghị thơ như một phương thuốc, trước tiên là để tự hiểu cảm xúc và sau nữa để giúp bệnh nhân bước vào một thế giới thơ, nơi xa lìa bạo lực và đau đớn của đời thường đang tràn ngập màn hình TV. Nhiều bệnh viện tại Hoa Kỳ, Anh quốc và Châu Âu hiện nay dùng thơ như một pháp trị liệu, và phương pháp này gọi là “poetry therapy” với người chăm sóc trong lĩnh vực này sẽ được qua các khóa huấn luyện của tổ chức có tên là International Federation for Biblio / Poetry Therapy (IFBPT, Liên Đoàn Trị Liệu Bằng Sách và Thơ).

Truyền thống dân tộc nào cũng gắn liền với thơ. Chúng ta rất khó hình dung được có một dân tộc nào với một ngôn ngữ riêng lại không có một truyền thống thơ. Dân tộc Việt Nam có thơ bốn chữ, thơ năm chữ, thơ lục bát, thơ bảy chữ, thơ tám chữ, thơ tự do có vần và thơ tự do không vần. Hay, có khi kết hợp chung nhiều hình thức thơ vào một bài, như bài phú Cư Trần Lạc Đạo của vua Trần Nhân Tông.

Gắn liền trong ngôn ngữ là âm thanh. Do vậy, thơ tự động gắn liền với âm thanh. Ngay cả thơ tự do không vần cũng có tác dụng âm thanh. Bởi vì não bộ nhân loại đón nhận âm thanh và giải nghĩa theo kiểu riêng của mỗi ngôn ngữ. Trong y khoa có phương pháp dùng máy đo fMRI (functional magnetic resonance imaging) để xem phản ứng của não bộ phản ứng đối với thơ. Máy đo fMRI khám phá ra một điều ai cũng biết, rằng nhân loại có phản ứng khác nhau khi nghe ngôn ngữ đời thường và ngôn ngữ thơ. Trong ngôn ngữ thơ, bên cạnh âm vang còn có hình ảnh, và hình ảnh đời thường (như: nón, đình, ngói…) khi trở thành hình ảnh thế giới thơ bỗng nhiên có tác dụng trong những phẩn khác nhau của não bộ.

Phương pháp fMRI đo các hoạt động của não bộ bằng cách đo các biến đổi gắn liền với dòng huyết lưu, dựa vào sự kiện rằng dòng máu chảy trong não bộ gắn liền hoạt động của thần kinh. Khi một khu vực nào trong não bộ được sử dụng, lưu lượng máu chảy vào khu vực đó tăng thêm. Máy đo fMRI sử dụng các từ trường và sóng radio để vẽ đồ hình các cơ phận trong cơ thể.

Thực ra, y khoa đã áp dụng thơ trị liệu từ vài thế kỷ nay, với việc đọc văn/thơ và sáng tác văn/thơ dùng làm pháp hỗ trợ trị liệu các bệnh về căng thẳng. Theo sử ghi lại, Pennsylvania Hospital, bệnh viện đầu tiên tại Hoa Kỳ, dùng phương pháp văn học trị liệu từ giữa các năm 1700s. Tới đầu thập niên 1800s, Bác sĩ Benjamin Rush đưa ra phương pháp dùng thơ trị liệu cho các bệnh nhân. Năm 1928, nhà thơ và là dược sĩ Eli Griefer khởi đầu thành lập các nhóm “thơ trị liệu” (poemtherapy) tại hai bệnh viện khác nhau với hỗ trợ từ các bác sĩ tâm lý Jack L. Leedy và Sam Spector. Sau khi Griefer từ trần, Leedy và nhiều người khác tiếp tục đưa thơ vào tiến trình trị liệu, từ đây thành lập Hội Thơ Liệu Pháp (Association for Poetry Therapy) trong năm 1969.

Nhà nghiên cứu James Pennebaker đưa ra kết quả nghiên cứu của ông cho thấy rằng khi hướng dẫn bệnh nhân sáng tác văn học bày tỏ cảm xúc (expressive writing) chỉ trong 15 phút trong vòng 4 ngày cho thấy hiệu quả tốt cho sức khỏe đo lường tương đương như tới khám trong phòng mạch bác sĩ và giảm được các than phiền triệu chứng từ bệnh nhân. Nghiên cứu này của ông sử dụng cách viết văn bày tỏ cảm xúc để chữa các vết thương từ các sự kiện căng thẳng gây chấn thương.  Nghiên cứu này của Pennebaker được ông tường trình trong sách “Writing to Heal: A Guided Journal for Recovering from Trauma and Emotional Upheaval” (Viết để Chữa Lành. Xuất bản lần đầu 2004).

Nghiên cứu trên cho thấy sáng tác văn học (thể loại bày tỏ cảm xúc) làm tăng lực cho hệ thống miễn nhiễm trong cơ thể bệnh nhân, các tác dụng tốt với cả bệnh nhân bị suyễn, ung thư và đau khớp, giảm mức độ căng thẳng bắp thịt, giảm huyết áp và giảm mức độ tốc độ nhịp tim đập, tác phong bệnh nhân thay đổi dài hạn, ảnh hưởng thái độ bệnh nhân giúp tăng hiệu quả làm việc trong sở và trong trường học.

Nhiều cuộc nghiên cứu tương tự cũng đã thực hiện. Tác phẩm “The Writing Cure: How Expressive Writing Promotes Health and Emotional Well-Being” (Chữa Lành Bằng Viết, ấn hành lần đầu năm 2002) của hai nhà nghiên cứu Stephen J Lepore và Joshua M Smyth cũng cho thấy kết quả tương tự, sáng tác văn/thơ thể loại bày tỏ cảm xúc giúp cho cả bệnh nhân ung thư, giúp cả bệnh nhân trẻ em, giảm cao máu, vân vân.

Trong khi đó xưa cổ nhất trong phương pháp thi ca trị liệu là Đức Phật, người đã sáng tác hàng trăm ngàn bài thơ trong suốt một đời hoằng pháp. Trong khi Kinh Tập (sách thứ 5 trong Tiểu Bộ Kinh) trọn vẹn là thơ, toàn bộ 71 bài kinh là 71 bài thơ, trong đó hai phẩm cuối trong năm phẩm là các bài thơ do Đức Phật ứng khẩu trong khi trả lời 32 vị học giả Bà La Môn. Nghĩa là, bên cạnh việc trình bày giáo pháp, có thể (chúng ta suy đoán, có thể không chính xác) rằng ứng khẩu làm thơ nơi đây còn là một cuộc trình bày kỹ năng ngôn ngữ để người nghe nhập tâm sâu hơn, và rồi hai phẩm này trở thành kinh nhật tụng sơ thời cho tứ chúng trong những năm đầu hoằng pháp của Đức Phật.

Tương tự, Kinh Pháp Cú là do chư tăng kết tập các lời ứng khẩu thơ của Đức Phật trong nhiều sự kiện, và thơ trở thành kinh và sự kiện trở thành tích truyện. Do vậy, Kinh Pháp Cú có nhiều phiên bản khi chư tăng đi ra nhiều hướng để hoằng pháp, có bản Pali, bản Hán tạng (dịch theo tiếng Sanskrit), bản tiếng Tạng ngữ (cũng dịch từ Sanskrit), bản Gandhara… Như thế, thơ là một phần xương gân máu tủy trong Kinh Phật. Thậm chí, ngay cả văn xuôi cũng mang nhiều chất thơ, như Kinh Duy Ma Cật, Kinh Hoa Nghiêm… Và như thế, khởi đầu phương pháp thơ trị liệu là hệ thống Kinh Phật đồ sộ.

Không chỉ Đức Phật, các trưởng lão tăng và trưởng lão ni cũng để lại khối gia tài thơ đồ sộ. Nghĩa là, sinh thời của Đức Phật, giới trí thức được thu hút quy y và tu học rất là đông, và các vị trí thức từng một thời tinh thông các bộ Vệ Đà đã trở thành các cột trụ đứng bên cạnh Đức Phật để tu học và hoằng pháp.

Như vậy, chữ nghĩa không vô ích. Chúng ta trong cõi này hãy rủ nhau làm thơ, đọc thơ, ngâm thơ, in thơ, hát thơ… Nếu chúng ta không đủ sức nương vào thơ để ngộ nhập tri kiến Phật, và nếu chúng ta cũng không có đủ sức mạnh của hát thơ để chữa sản nạn như thời Vua Hùng Vương, ít nhất thơ cũng giúp chúng ta giảm được những đau đớn của trần gian này, kể cả khi buộc phải nghe tới bốn dòng thơ ly biệt tương tự của Cha Rồng và Mẹ Tiên thời lập quốc dân tộc Việt Nam. Nàng thơ ơi, hãy cứu lấy trần gian này. Hãy biến tất cả những trận mưa bom trên trần gian này thành các trận mưa thơ…

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
31/08/2014(Xem: 12354)
Đây là một hình thức sinh hoạt truyền thống của Phật giáo nói chung và Phật giáo Nam Tông nói riêng, góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của Phật giáo. Như thường lệ, đúng vào ngày Chủ nhật hàng tuần, chư tôn đức Phật giáo Nam Tông tỉnh Thừa Thiên Huế đều có pháp khất thực trên những con đường êm ả của xứ Huế thơ mộng. Những bước chân nhẹ nhàng, thong thả với chánh niệm, pháp khất thực đã thể hiện nét đẹp văn hóa của Phật giáo xứ Huế và dần trở thành thân thuộc với người dân.
22/08/2014(Xem: 22236)
Hơn ba mươi năm trời, vì vận nước, hàng triệu người Việt đã xa xứ và khi đã được ổn định ở xứ người, như đã hẹn, ai về nhà nấy. Nhà ở đây là tín ngưỡng, tư tưởng, chính kiến, văn hóa và dĩ nhiên là cả tình cảm. Con chiên tiếp tục thờ Chúa, Phật tử tiếp tục thờ Phật, kẻ mê cổ nhạc thì tiếp tục khoái vọng cổ, người mê tân nhạc thì tiếp tục yêu những dòng nhạc mới. Dầu mỗi người một cách riêng, nhưng chung quy, ai cũng cứ lần theo lối cũ mà về.
21/08/2014(Xem: 9550)
Sau rất nhiều liên lạc chúng tôi đã hẹn gặp được anh Trương Gia Bình, chủ tịch Hội đồng quản trị FPT, vào buổi chiều tháng 8 năm 2014, để tặng anh Bộ sách “Tứ thư Lãnh đạo”, bộ sách mà anh đã dành tâm huyết để viết lời giới thiệu. Vì biết anh Bình rất bận và hiếm khi có cơ hội được gặp anh, nên sếp tôi, anh Nguyễn Mạnh Hùng là người đã có 12 năm gắn bó với FPT, đã kéo theo thêm 4 lãnh đạo của công ty đi cùng để được nghe anh trò chuyện.
18/08/2014(Xem: 59096)
108 lời dạy của Đức Đạt-lai Lạt-ma được gom góp trong quyển sách tuy bé nhỏ này nhưng cũng đã phản ảnh được một phần nào tư tưởng của một con người rất lớn, một con người khác thường giữa thế giới nhiễu nhương ngày nay. Thật vậy tư tưởng của Ngài có thể biểu trưng cho toàn thể lòng từ bi và trí tuệ Phật Giáo trên một hành tinh mà con người dường như đã mất hết định hướng. Các sự xung đột không hề chấm dứt, con người bóc lột con người, giết hại muôn thú và tàn phá thiên nhiên. Phật giáo thường được coi như là một tín ngưỡng nhưng những lời khuyên của Đức Đạt-lai Lạt-ma trong quyển sách này vượt lên trên khuôn khổ hạn hẹp của một tôn giáo: - "Mỗi khi phải đề cập đến các vấn đề tâm linh thì không nhất thiết là tôi buộc phải nói đến các vấn đề liên quan đến tôn giáo (câu 87).
18/08/2014(Xem: 15890)
Ngày chủ nhật 10-8-2014 tại Thiền viện Chân Nguyên có một buổi lễ đặc biệt dành cho một gia đình người Mỹ phát tâm qui y và xuất gia với Thầy trụ trì Thích Đăng Pháp. Viện chủ Thiền viện Chân Nguyên. Người xuất gia là một cô bé xinh đẹp 17 tuổi tên là KAYALA JARAMILLO và 2 người phát nguyện qui y là Cha và Mẹ của KAYALA, ông KERAY JARAMILLO, và bà ARMIDA JARAMILLO, cả hai đều 62 tuổi đang cư ngụ tại thành phố Ontario, California, Hoa Kỳ.
17/08/2014(Xem: 8628)
Thú thật, chuyện đèn lu tỏ của nhà ai đó tôi không rành lắm, chỉ dám nói chuyện đèn nhà mình thôi. Đó là cái đèn bàn ăn, nó có tất cả năm bóng, loại Halogen, hằng ngày rọi sáng cho những bữa ăn gia đình trên chiếc bàn tròn. Nó từng đã chứng kiến không biết bao nhiêu cuộc chuyện trò đối đáp đùa giỡn của chúng tôi quanh chiếc bàn này - vui có, buồn có,
15/08/2014(Xem: 15155)
•Bất luận là người tu tại gia hay xuất gia, cần phải trên kính dười hòa, nhẫn nhục đìều mà người khác khó nhẫn được, làm những việc mà người khác khó làm được, thay người làm những việc cực nhọc hoàn thành cho người là việc tốt. •Khi tỉnh tọa thường nghĩ đến điều lỗi của mình. Lúc nhàn đàm đừng bàn đến điều sai trái của người. •Lúc đi, lúc đứng, lúc nằm, lúc ngồi, lúc ăn, lúc mặc, từ sáng đến tối, từ tối đến sáng chỉ niệm Phật hiệu không để gián đoạn, hoặc niệm nho nhỏ hoặc niệm thầm.
15/08/2014(Xem: 7086)
Chắc là sắp sắp lại được thiền và được có những cảm xúc tuyệt diệu như lần này mà thôi Tôi luôn tự nghĩ mình là người có nhiều duyên lành với Phật pháp. Tôi có một người mẹ chuyên tâm học Phật và mở lối cho tôi đến với con đường tu tập từ khi còn rất nhỏ. Tôi có cơ hội nhiều lần đi chùa lễ Phật, tụng kinh. Tuy nhiên, tôi lại chưa từng có cơ hội được trải nghiệm một khóa tu dù chỉ một ngày và chưa từng có một giây ngồi thiền trước khi đến với Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng.
15/08/2014(Xem: 9995)
Sau thời kinh, ở phương đông trời cũng vừa ửng sáng. Sa di Thiện Thiên như thói quen đi mở hết các cánh cửa sổ của chánh điện cho ánh sáng và gió sớm lùa vào. Chẳng bao lâu toàn chánh điện đã chan hòa ánh sáng báo hiệu một ngày như mọi ngày sinh hoạt của tịnh xá Ngọc Hưng. Chánh điện tịnh xá Ngọc Hưng nền tráng xi-măng, có những đường nứt thật rõ. Gần bục thờ được trải 4 chiếc chiếu nylon để tăng chúng lễ lạy hai thời công phu. Nhìn từ cuối chánh điện, tượng Đức Bổn sư Thích Ca và những đồ thờ bằng kim loại sáng bóng như mới được đánh dầu đồng trong dịp Đản Sinh vừa qua.
14/08/2014(Xem: 12384)
Thủ tướng Abe Shinzō (An Bội Tấn Tam-安倍 晋三) đã từ chức vào năm 2007, và chức Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do khi chưa làm được một năm, sau thất bại thảm hại của đảng này khi bầu cử Thượng viện. 12 tháng 9 năm 2007 : Nhiệm kỳ của ông lại bị phá hỏng vì hàng loạt cuộc từ chức của các Bộ trưởng Nội các và vụ tiết lộ về việc để mất số liệu lương hưu. Ông từ chức sau một năm tại nhiệm với lý do sức khỏe. Bảy tháng sau, Thủ tướng Abe Shinzō (An Bội Tấn Tam-安倍 晋三) bị bệnh hay quên lãng và đã thử thách mình bằng cách dùng phương pháp trị liệu "Tọa thiền" ngồi thiền tại Chùa Zenshōan (臨済宗國泰寺)một ngôi chùa thuộc Thiền phái Lâm Tế ở huyện Yanaka, Tokyo.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]