Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

06. Duy Trì Mức Chuẩn

17/08/201916:33(Xem: 4743)
06. Duy Trì Mức Chuẩn

DUY TRÌ MỨC CHUẨN

(Thiền sư giảng bài Pháp này tại tu viện Nong Pah Pong, khi kết thúc kỳ thi Giáo lý năm 1978)

 

Theo lệ thường, hàng năm sau các kỳ thi giáo lý,[1] chúng ta câu hội lại đây. Lần này, tất cả quý vị nên suy nghĩ cho thật kỹ về tầm quan trọng của việc thực hiện các bổn phận trong tự viện, bổn phận đối với vị Giới sư, đối với vị Thầy. Để thực hiện tốt những bổn phận này, cần phải làm việc theo từng nhóm. Điều này giúp chúng ta có tinh thần hòa hợp sống chung, biết cách ứng xử tốt đẹp, tôn kính lẫn nhau mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng.

Từ thời Đức Thế Tôn còn tại thế cho đến ngày nay, trong tất cả hội chúng, bất kể mọi người trong hình thức nào, nếu không có sự tôn trọng lẫn nhau, hội chúng ấy không thể đi đến thành công. Dù là hội chúng thế gian hay hội chúng của tự viện nào, nếu thiếu tôn trọng lẫn nhau, họ không đoàn kết hòa hợp với nhau được. Nếu không có sự tôn trọng lẫn nhau, họ sống trong phóng túng cẩu thả, và việc tu tập cuối cùng cũng bị suy thoái mà thôi.

Hội chúng của chúng ta gồm những hành giả thực hành giáo pháp sống ở đây đã 25 năm, lớn mạnh và khá bền vững, song cũng có thể trở nên tệ hơn. Chúng ta phải ý thức rõ điều này. Tuy nhiên, nếu tất cả chúng ta đều lưu ý rằng, sống biết tôn trọng lẫn nhau và tiếp tục duy trì pháp môn tu học truyền thống căn bản, nếp sống tu học hòa hợp của chúng ta sẽ được thiết lập bền chắc, tôi tin tưởng như vậy. Việc thực tập của chúng ta là nhân tố quan trọng tạo nên nguồn năng lượng chính để đạo Phật thăng hoa.

Học và hành là một cặp song sinh. Đạo Phật lớn mạnh và hưng thịnh đến hôm nay là nhờ vào việc học Pháp song song với việc thực tập. Nếu chỉ học kinh điển suông, không áp dụng thực tập thì đời tu của chúng ta sẽ sớm rơi vào phóng túng, mai một... Ví dụ, năm đầu tiên, ở đây có bảy vị Tăng An cư. Lúc ấy tôi có suy nghĩ rằng: “Khi nào chư Tăng học Pháp và chỉ chuẩn bị cho những cuộc khảo thí Pháp thì việc thực tập có lẽ sẽ yếu đi”. Nghĩ như vậy nên tôi quyết định thiết lập nền tảng tu tập trước. Tôi bắt đầu hướng dẫn tu tập cho bảy vị Tăng trong mùa An cư ấy. Tôi hướng dẫn tu học khoảng 40 ngày, từ sau giờ thọ thực trưa cho đến sáu giờ tối mỗi ngày. Khi tham dự thi giáo lý, cả bảy vị Tăng đều thành công kỳ thi và mang về kết quả rất tốt.  

Vậy là tốt lắm rồi, thế nhưng vẫn còn phiền toái đối với những vị thiếu tu tập, thiếu thận trọng, thiếu chánh niệm. Để học tốt, việc công phu bái sám cũng là điều cần thiết. Nhiều vị không kiểm soát nổi mình, không kham nhẫn nổi trong việc thực tập thiền định đã dành tất cả thời gian để nghiên cứu, tụng niệm và học thuộc giáo điển. Điều này khiến họ quên mất nền tảng tu học trước đây, đó là việc căn bản nhất họ phải thực thi. Điều này xảy ra rất thường.

Cho nên khi họ hoàn tất việc học và thi cử, tôi có thể thấy rõ chư Tăng đã thay đổi rất nhiều trong cách hành xử của họ. Không thiền hành, chỉ ngồi thiền chút ít và làm việc nhập thế thì nhiều. Rất ít tự điều phục và điềm tĩnh.

Thật ra, trong việc thực tập của chúng ta, khi thiền hành, quý vị hết sức tập trung vào việc đi; khi ngồi thiền, quý vị hết sức chú tâm việc mình đang làm, chỉ chừng đó là đủ. Bất cứ đứng, đi, ngồi, hay nằm, quý vị đều cố gắng giữ tĩnh lặng. Nhưng khi học quá nhiều, đầu óc đầy những chữ là chữ, họ nghiên cứu kinh sách càng lúc càng cao siêu và rồi họ quên chính mình luôn. Họ đánh mất chính mình để chạy theo thế giới bên ngoài. Ở đây chúng ta đang nói đến những vị không có trí tuệ, họ không tự điều phục chế ngự chính mình và không có chánh niệm kiên định. Đối với những vị này, nghiên cứu, học hỏi sách vở có thể là nguyên nhân cho sự suy vi. Khi bận rộn với việc học rồi, họ không còn thời gian để thiền hành hay thiền tọa và thế là, việc chế ngự tu thân càng lúc càng trở nên khiếm khuyết hơn. Tâm họ càng trở nên xao lãng. Đàm luận không có mục đích, thiếu tỉnh giác câu thúc thân tâm và các hoạt động liên quan đến xã hội trở nên bình thường trong ngày. Đây là nguyên nhân làm cho việc thực tập đi xuống, xao lãng. Nói một cách chính xác hơn rằng, không phải do vì học, nghiên cứu làm họ quên chính mình mà là do vì họ không tự nỗ lực tinh tấn.

Kinh điển quả là bản đồ hướng dẫn con đường thực tập. Nếu thực sự hiểu như vậy, việc đọc, nghiên cứu cả hai đều là hai lĩnh vực mở rộng của thiền định. Nhưng nếu học và quên đi chính mình, khiến ta nói nhiều và việc làm không kết quả. Nhiều người bỏ qua thực tập thiền định và rồi sớm muộn gì cũng hoàn tục. Phần lớn những vị thích đi học thường sớm trở lại đời sống thế tục. Nói vậy không phải là việc học không tốt hay việc thực tập không đúng mà chính là họ đã không nhớ kiểm điểm thu thúc chính mình.

Nhận thức rõ điều này, trong mùa An cư lần thứ hai, tôi không dạy kinh điển nữa. Mấy năm sau này, nhiều thanh niên đến xin xuất gia. Một vài người trong số họ không có khái niệm gì về giới luật cả và cũng mù tịt về kinh điển, vì vậy tôi quyết định chỉnh sửa lại hiện trạng, thỉnh những vị cao Tăng có sở học cao thâm đến dạy và họ đã dạy cho đến bây giờ. Đây là cách chúng ta đến học ở đây.

Tuy nhiên, hàng năm khi kỳ thi chấm dứt, tôi bảo tất cả chư Tăng hãy quay về việc thực tập của mình. Tất cả kinh điển không trực tiếp liên quan đến thực tập hãy cất vào tủ. Thiết lập lại chính mình, quay trở lại những chuẩn mực hàng ngày. Thiết lập lại cuộc sống lục hòa theo thời khoá trong Tăng chúng như tụng kinh hàng ngày với nhau. Đó là chuẩn mực của chúng ta. Hãy hành trì, ngay cả lúc quý vị mệt mỏi, phiền muộn vẫn phải hành trì đều đặn. Làm được như thế giúp chúng ta cần mẫn hơn. 

Đừng quên những phương pháp thực tập căn bản như ăn ít, nói ít, ngủ ít, chế ngự, điềm tĩnh, viễn ly, thường xuyên thiền hành và thiền tọa, gặp gỡ nhau khi đúng thời. Tất cả quý vị hãy tinh tấn hành trì những việc ấy. Đừng để mất cơ hội đặc biệt này. Hãy thực tập. Thực tập ở đây, quý vị có nhiều cơ hội vì còn được vị Thầy hướng dẫn. Vị Thầy quan tâm chăm sóc cho quý vị trong một giai đoạn nhất định nên quý vị hãy nỗ lực hết sức mình thực tập. Quý vị thiền hành rồi đến thiền tọa. Quý vị đã có thời gian tụng kinh vào mỗi tối sáng, và bây giờ quý vị liên tục nỗ lực hành trì. Những việc này là trách nhiệm rất quan trọng của quý vị, lúc nào cũng phải chánh niệm đối với chúng. 

Những ai thường lãng phí thời gian cho việc ăn mặc, y phục, họ hoàn toàn không có chút đạo lực nào cả, quý vị biết chứ. Quý vị đã từng gặp những người quờ quạng trên đường tu, nhớ nhà, hoài nghi... chưa? Có những người không dốc tâm tu tập, họ không có việc để làm. Chúng ta không thể lừa dối mọi người xung quanh. Là một vị Tăng hay một Sa-di có cuộc sống vật dụng ẩm thực đầy đủ, quý vị không nên thọ nhận không khống như vậy. Kamasukhallikānuyogo[2] là một sự nguy hiểm. Hãy tự thân nỗ lực thực tập. Điều gì còn lầm lỗi, hãy sửa đổi ngay. Đừng đánh mất mình cho những chuyện bên ngoài.

Một người nhiệt huyết thực tập không bao giờ quên thiền hành và tọa thiền, không bao giờ ngừng lại trong việc duy trì điều phục chiến thắng chính mình và điềm tĩnh. Hãy xem chư Tăng ở đây. Bất cứ vị nào thọ thực xong và hoàn tất công việc nào đó rồi cũng đều khoác y vào đi kinh hành, và khi đi ngang thất (kuṭī)[3] của vị ấy, chúng ta thấy trên con đường đi có lối mòn nhẵn, chúng ta thấy điều này rất tự nhiên – vị Tăng này thực tập không bao giờ biết mỏi mệt. Đây là một vị tinh tấn nhiệt tình trong thực tập giáo pháp. 

Nếu tất cả quý vị dâng hiến hết mình cho việc thực tập như thế này, chắc chắn sẽ không bao giờ gặp vấn đề khó khăn nào cả. Nếu không an trú vào thực tập, thiền hành, thiền tọa thì không khác gì quý vị đang du lịch vòng quanh. Không thích nơi đây, quý vị du lịch đến chỗ kia, không thích chỗ kia, quý vị lại vòng về đây. Lúc nào quý vị cũng hướng tâm đến đủ chỗ. Như thế là quý vị không kiên trì, không đủ tự giác. Quý vị không cần thiết phải đi đó đây nhiều, hãy ở ngay đây và liên tục thực tập, nghiên tầm nó cho thật thấu đáo. Du lịch vòng quanh khắp nơi có thể chờ đến sau này, chuyện đó không khó gì. Tất cả quý vị hãy nỗ lực tinh tấn.

Thành công và thất bại xoay quanh ở mấu chốt này. Nếu quý vị thật sự muốn thành công, hãy học và thực tập đúng mức, vận dụng song hành hai yếu tố này. Cũng giống như thân và tâm. Nếu tâm thanh thản và thân khoẻ mạnh, không bệnh thì tâm trở nên điềm tĩnh sáng suốt. Nếu tâm hoài nghi bất an cho dù thân khoẻ mạnh chúng ta sẽ gặp khó khăn. Hãy lặng lẽ một mình khi thân cảm thấy khó chịu, bực dọc.

 Việc học trong thiền tập là học rèn luyện và xả bỏ. Ở đây tôi nói việc học có nghĩa là bất cứ khi nào tâm cảm nhận có một cảm thọ xuất hiện, chúng ta vẫn bám theo nó chứ? Chúng ta vẫn tạo rắc rối xung quanh nó? Chúng ta vẫn cảm thấy vui thích hay bực mình với nó? Đơn giản là: Chúng ta vẫn bị thất niệm. Vâng, chúng ta sẽ rơi vào trạng huống như thế. Nếu không thích, chúng ta giận dữ phản đối; nếu thích chúng ta tỏ ra sung sướng, tâm ta đã bị biến nhiễm, không còn thanh tịnh nữa. Nếu trong trường hợp tự nhận thấy rằng chúng ta vẫn phạm lỗi, vẫn sơ sót, thế thì chúng ta vẫn còn có việc để làm. Phải xả bỏ hơn và tăng cường tu tập hơn. Đó là ý nghĩa của học tôi muốn nói đến. Nếu mắc kẹt vào điều gì, hãy nhận ra ngay rằng chúng ta đang còn mắc kẹt. Chúng ta biết rõ mình đang ở trạng huống nào và chúng ta điều chỉnh lại mình.

Sống với Thầy hay sống xa Thầy cũng như nhau. Nhiều người sợ, họ sợ nếu họ không thiền hành sẽ bị Thầy quở rầy. Điều này cũng hay nhưng nếu thực tập đúng đắn, quý vị không cần phải sợ ai cả, chỉ thận trọng đừng để lỗi lầm sai quấy khởi lên trong hành động, lời nói và ý nghĩ của mình mà thôi. Khi quý vị thấy được những sai sót trong hành động, lời nói, và ý nghĩ, quý vị phải tự phòng hộ chính mình chứ. Attāṇo jodayattanam - “Quý vị phải tự giác thu thúc chính mình”, không chờ ai khích lệ thúc đẩy mình cả. Chúng ta phải động viên mình ngay, nhận biết chính mình ngay. Đây gọi là “học”, rèn luyện và xả bỏ. Hãy nghiền ngẫm quán chiếu điều này cho đến khi nào quý vị thấu đạt rõ ràng.

Tu tập theo cách này chúng ta phải tự rèn sức chịu đựng, kiên nhẫn đối diện với mọi phiền não thử thách. Dù rằng cách thực tập này tốt, nó vẫn chỉ ở cấp độ “thực tập pháp mà không thấy nó”. Nếu chúng ta thực tập pháp và nhận biết rõ nó, thì bất cứ điều sai quấy nào khởi lên, chúng ta tự nhiên loại bỏ ngay; ngược lại đối với bất cứ điều hữu ích nào phát sinh, chúng ta bảo vệ phát triển nó. Quay về quán sát tự thân, chúng ta biết rõ mình khoẻ mạnh. Bất cứ ai nói gì, chúng ta biết chính tâm mình, không dao động. Chúng ta có thể an lạc mọi lúc mọi nơi.

Những vị Tăng và Sa-di trẻ ngày nay mới thực tập có thể nghĩ rằng vị Thượng tọa này dường như không tinh tấn thiền hành và thiền tọa mấy. Đừng bắt chước theo vị ấy. Quý vị nên thi nhau tu tập, đừng bắt chước. Thi đua là một chuyện, bắt chước lại là một chuyện khác. Sự thật vị Thượng tọa ấy đang an trú trong việc thực tập và cảnh giới an lạc của người. Mặc dù bên ngoài không thấy tu tập gì cả, vị ấy đang chuyên tâm tu tập nội tâm. Bất cứ điều gì khởi lên trong tâm vị ấy, chúng ta không thể thấy bằng mắt được. Tu tập trong đạo Phật là tu tập tâm. Dù thực tập có thể không hiển hiện ở hành động, lời nói, tu tập trong tâm là một chuyện khác.

Như thế, một vị Thầy dày dạn công phu tu tập trong nhiều năm, vị ấy thực tập rất nhuần nhuyễn. Có thể chúng ta thấy dường như hành động lời nói của vị ấy tự nhiên, phóng khoáng nhưng trong tâm vị ấy đang theo dõi rất kỹ. Vị ấy trầm tĩnh. Cái chúng ta thấy được chỉ là hành động bên ngoài của vị ấy mà thôi, quý vị cũng có thể cố gắng bắt chước hành động tự nhiên, nói đủ chuyện quý vị muốn nói, nhưng hai bên không giống nhau. Quý vị không cùng tần số. Hãy suy ngẫm điều này.

Thực sự có khác nhau, quý vị đang thực tập từ nhiều trình độ khác nhau. Mặc dù chúng ta thấy dường như vị Thầy ngồi đủ chỗ, song vị ấy không hề buông thả tâm mình. Vị ấy sống trong cảnh tiếp xúc nhiều điều kiện xung quanh nhưng không hề bị chúng làm cho dao động. Chúng ta không thể thấy điều này, những gì đang khởi lên trong tâm vị ấy, chúng ta không thể nhận biết được. Đừng phán đoán một cách đơn thuần theo vẻ bề ngoài, tâm rất là quan trọng. Khi nói, tâm chúng ta cũng phan duyên theo lời nói. Khi làm bất cứ việc gì, tâm chúng ta thường bị phan duyên; nhưng người có tu tập, có thể làm hay nói, tâm họ dõi theo nhưng không ràng buộc, bởi vì họ đã thể nhập trong giáo pháp và giới luật rồi. Ví dụ, thỉnh thoảng vị Thầy khó khăn với đệ tử, lời nói của vị Thầy cộc cằn, không để ý, việc làm của vị Thầy dường như lỗ mãng. Trước cục diện này, tất cả chúng ta có thể nhìn thấy hình tướng, lời nói của vị Thầy, nhưng tâm của vị Thầy vẫn đang thể nhập với Pháp và Luật song ta đâu thể thấy được. Luôn giữ vững di huấn của Đức Thế Tôn: “Đừng lơ đễnh”. “Chú tâm là con đường đưa đến Bất tử. Lơ đễnh đưa đến cái chết”. Tư duy điều này. Những gì người khác làm không quan trọng, chỉ không lơ là, bất tri bất giác, đây là điều quan trọng.

Tất cả những điều tôi đang trình bày ở đây chỉ đơn giản một điều là nhắc quý vị biết rằng quý vị đã trải qua kỳ thi, quý vị có cơ hội đi đó đây và làm mọi việc. Mong quý vị luôn luôn nhớ, mình là người đang tu tập theo giáo pháp, là một hành giả nên cần phải luôn chánh niệm, phải biết tự điều phục chính mình và hết sức thận trọng.

Nghĩa đen của Tỳ-kheo (Bhikkhu) là người hành khất; hãy suy ngẫm ý nghĩa này. Nếu chúng ta định nghĩa “Tỳ-kheo” theo cách này, sự nghiệp tu hành của chúng ta thuộc tầm rất thấp kém. Nếu chúng ta hiểu từ ngữ này như Đức Thế Tôn đã định nghĩa rằng Tỳ-kheo là vị đã nhận chân được sự nguy hiểm của vòng luân hồi (saṃsāra),[4] như vậy thâm thuý hơn nhiều.

Người nhận biết vòng luân hồi là người thấy được những lỗi lầm, trở ngại của cuộc đời này. Trong thế gian có lắm hiểm nguy, nhưng hầu hết con người ta không nhận thấy điều ấy, họ chỉ thấy khoái lạc và hạnh phúc của thế gian. Đức Thế Tôn bảo rằng một Thầy Tỳ-kheo đúng nghĩa là vị thấy được sự nguy hiểm của vòng luân hồi. Vòng luân hồi là gì? Cái khổ của vòng luân hồi, chúng sanh không chống lại được, không thể chịu đựng nổi. Hạnh phúc cũng là vòng luân hồi. Đức Thế Tôn nhắc chúng ta đừng bám víu vào chúng. Nếu chúng ta không thấy nguy hiểm của vòng luân hồi thì khi có hạnh phúc chúng ta tham chấp vào hạnh phúc và quên đi khổ đau. Chúng ta quên lãng nó giống như đứa trẻ không biết gì là lửa.

Nếu chúng ta hiểu pháp thực tập theo cách “Tỳ-kheo là vị nhận chân được sự nguy hiểm của vòng luân hồi”... như vậy, đi, ngồi hay nằm, bất cứ lúc nào chúng ta cũng tự tại. Chúng ta quán chiếu chính mình, sự chú ý đang có mặt nơi đó. Ngay khi ngồi nghỉ ngơi, chúng ta cũng rõ biết như thế. Làm việc gì, chúng ta cũng thấy nguy hiểm này, vì vậy chúng ta đang ở trong khoảng trời riêng. Thực tập được như thế gọi là “người nhận biết nguy hiểm của vòng luân hồi”.

Người đang sống trong vòng luân hồi nhưng thấy rõ sự nguy hiểm của vòng luân hồi, đó chính là vị đã hiểu được các khái niệm và tính siêu việt của chúng. Những gì vị ấy nói không giống như người bình thường nói. Những gì vị ấy làm, vị ấy nghĩ đều không giống người bình thường. Cách ứng xử của vị ấy trí tuệ hơn nhiều.

Do vậy, nên nói: “Tranh đua nhưng không bắt chước”. Có hai cách - tranh đua và bắt chước. Người xuẩn ngốc túm lấy mọi thứ. Quý vị không được làm thế! Đừng quên chính mình.

Về phần tôi, năm nay sức khoẻ không tốt lắm. Có vài việc tôi phải để cho quý Sư và các Sa-di làm giúp. Có lẽ tôi phải nghỉ ngơi. Từ thời xa xưa, thông lệ này đã có và trong thế giới hiện tại, nó vẫn vậy. Lúc cha mẹ còn tại tiền, con cháu an vui và thịnh vượng. Khi cha mẹ mất rồi, con cháu chia rẽ. Lúc trước họ giàu có, bây giờ trở nên nghèo thiếu. Đó là lệ thường, ngay đời sống cư sĩ cũng thế và ai cũng có thể thấy điều đó ngay ở đây. Cũng như, khi vị Thầy còn sống, Tăng chúng an vui, hòa hợp vững mạnh. Ngay khi vị Thầy viên tịch, mầm mống làm suy yếu bắt đầu nhen nhúm. Tại sao vậy? Bởi vì trong khi vị Thầy còn tại thế, mọi người tự thoả mãn với chính mình và quên mất chính mình. Họ không thật sự tinh tấn nỗ lực học hỏi và thực tập. Như trong đời thường, trong khi cha mẹ còn sống, con cái nạnh hết mọi việc cho cha mẹ. Chúng dựa vào cha mẹ và không biết tự chăm sóc chính mình. Khi cha mẹ qua đời, chúng khổ sở. Đời sống chư Tăng cũng thế thôi. Nếu vị Thầy đi khỏi hay viên tịch rồi, chư Tăng sa ngã vào chuyện thế gian, chia rẽ và trôi nổi vào vòng suy hoại, đời nào cũng thế.

Tại sao vậy? Chính vì họ đánh mất chính mình. Sống trong ân đức của Thầy, mọi việc suông sẻ, êm thắm. Khi vị Thầy ra đi, đệ tử nghiêng theo xu hướng chia rẽ. Quan điểm của họ bất đồng xung đột. Những ai có suy nghĩ sai quấy sống một chỗ, những ai có suy nghĩ đúng đắn sống một chỗ. Những ai cảm thấy sống không thoải mái trong môi trường cũ, họ thành lập những chỗ mới và bắt đầu mở ra dòng truyền thừa mới theo đoàn nhóm đệ tử riêng của họ. Sự việc diễn tiến như thế. Trong hiện tại tiến trình cũng sẽ như vậy. Bởi vì chúng ta đã sai. Trong lúc vị Thầy còn hiện tiền, chúng ta cũng đã sai rồi, chúng ta sống buông thả. Chúng ta không đi theo cách thực tập chuẩn mực của vị Thầy đã hướng dẫn và thiết lập chuẩn mực ấy nơi tâm mình. Chúng ta thực sự không tu tập theo bước chân của vị Thầy.

 Ngay trong thời Đức Phật, sự việc này cũng diễn ra như thế, quý vị có nhớ câu chuyện trong kinh không? Có một vị Tăng lớn tuổi, tên vị ấy là gì nhỉ...? Tỳ-kheo Subhadda! Khi Trưởng lão Đại Ca-diếp từ Pāvā trở về, Ngài hỏi một du sĩ trên đường: “Có phải Đức Thế Tôn nhập diệt rồi không?” Du sĩ trả lời:“Đức Thế Tôn đã nhập Niết-bàn bảy ngày rồi”.

Những vị Tăng chưa chứng quả đều khóc oà, đau khổ và than thở. Những vị đã chứng quả tự cảnh tỉnh mình: “Đức Thế Tôn đã nhập Niết-bàn. Ngài đã đăng trình”.  Nhưng những người uế nhiễm còn dày đặc như Tỳ-kheo Subhadda, nói rằng:

Các huynh khóc gì mà khóc? Đức Thế Tôn nhập Niết-bàn, thật tốt làm sao. Bây giờ chúng ta có thể sống thoải mái. Khi Đức Thế Tôn còn tại thế, Ngài luôn phiền nhiễu chúng ta, đặt lắm giới luật và đủ thứ phiền toái, chúng ta không thể làm cái này, hay nói cái kia. Bây giờ Ngài nhập diệt rồi, thật là hay. Chúng ta có thể làm, có thể nói bất cứ chuyện gì mình muốn làm, muốn nói... Tại sao các huynh lại khóc chứ?” 

Nhận thức ngốc nghếch ấy vẫn diễn ra trong thời đại ngày nay.

Cũng có thể không bảo lưu hoàn toàn... Giả dụ có một chiếc ly và chúng ta cẩn thận giữ gìn nó. Mỗi khi dùng, chúng ta lau chùi nó sạch sẽ và khi xong việc đem cất nó ở một nơi an toàn. Giữ gìn cẩn thận chiếc ly ấy, chúng ta có thể dùng nó trong một thời gian dài và rồi khi chúng ta thôi không sử dụng đến nó nữa, người khác cũng có thể dùng nó. Bấy giờ, người ta dùng nhiều ly một cách bất cẩn và làm bể chúng mỗi ngày, như vậy đối với dùng một chiếc ly trong mười năm trước khi nó bể, bên nào tốt hơn?

Việc thực tập của chúng ta cũng giống như thế. Nếu như trong chúng ta ở đây không có ai tu tập một cách vững vàng, chỉ cần mười vị trong số quý vị thực tập tốt thì tu viện Wat Pah Pong thành công rồi. Cũng như trong nhiều làng: Trong làng có một trăm hộ, nếu chỉ có năm mươi người tốt, làng ấy sẽ thịnh vượng phát đạt. Thật ra tìm được mười người cũng đã khó lắm rồi. Hay ví dụ lấy một tự viện như ở đây chẳng hạn: Tìm được năm hay sáu vị thật sự có phát nguyện, có tu tập, quả là khó vô cùng. 

Ở bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta không có trách nhiệm gì ngoài mỗi việc thực tập cho tốt. Hãy suy ngẫm, chúng ta đang làm gì cho chính mình đây? Chúng ta không có tài sản, không sở hữu vật chất, gia đình hay bất cứ gì khác. Ngay cả thức ăn, chúng ta chỉ ăn ngày một bữa. Chúng ta đã từ bỏ rất nhiều thứ quý báu hơn những thứ này. Để làm Tăng, làm Sa-di, chúng ta đã từ bỏ tất cả. Chúng ta không có gì hết. Tất cả những thứ người đời ưa thích, hưởng thụ, chúng ta đều dẹp bỏ. Xuất gia làm tu sĩ đạo Phật là để tu tập. Tại sao chúng ta còn khao khát điều gì khác, nuông chiều theo tham sân si? Để những thứ khác choán hết chỗ trong tâm ta thật không nên vậy.

Hãy suy ngẫm: Tại sao chúng ta xuất gia? Tại sao chúng ta dụng công thực tập? Chúng ta xuất gia để thực tập. Nếu không thực tập tức chúng ta đã và đang lừa dối mọi người xung quanh. Nếu không thực tập, chúng ta còn tệ hơn hàng cư sĩ, chúng ta không làm tròn chức năng nào hết. Nếu không làm tròn chức năng nào cả hay không nhận lãnh trách nhiệm của mình, đó là chúng ta hoang phí một đời làm Sa-môn.[5] Như vậy thật mâu thuẫn với mục đích của đời sống Sa-môn.  

Nếu để rơi trong một đời sống tu hành như thế quả là chúng ta quá chểnh mảng. Kẻ lơ là, chểnh mảng sẽ đi vào con đường chết. Hãy tự hỏi rằng: “Mình có thời gian thực tập một khi chết rồi không?” Hãy thường xuyên tự vấn lương tâm mình: “Khi nào mình chết đây?” Nếu ưu tư như thế, tâm ta sẽ tỉnh thức từng giây, chánh niệm luôn có mặt. Khi có chánh niệm, ký ức tự nhiên hồi sinh rõ ràng không ngừng. Trí tuệ phát khởi, nhận biết tất cả mọi việc một cách rõ ràng đúng đắn. Niệm canh giữ tâm, biết rõ cảm thọ khởi sanh mọi lúc, ngày cũng như đêm. Đó là có chánh niệm. Có chánh niệm tức là có trầm tĩnh. Có trầm tĩnh tức biết thận trọng. Một người thận trọng tức vị ấy đang thực tập đúng đắn. Đây là trách nhiệm quan trọng nhất của chúng ta.  

Vì vậy hôm nay tôi muốn trình bày điều này đến tất cả quý vị. Nếu trong tương lai, quý vị rời nơi này đến sống ở những tự viện chi nhánh hay bất cứ nơi nào, hãy đừng quên chính mình. Sự thật là quý vị vẫn chưa hoàn hảo, vẫn chưa trang bị đúng mức. Quý vị vẫn còn rất nhiều việc để làm, có rất nhiều trách nhiệm phải gồng gánh. Ấy là luôn làm cho việc thực tập thăng tiến và tập buông bỏ. Mỗi vị hãy quan tâm vấn đề này. Dù sống tại tự viện này hay đến tự viện chi nhánh, hãy duy trì việc thực tập căn bản chuẩn mực. Ngày nay số lượng chúng ta khá đông nên phải lập thêm nhiều tự viện chi nhánh. Tất cả những tự viện chi nhánh đều nhận sự hỗ trợ từ Tổ đình Nong Pah Pong, do vậy chúng ta mới có thể gọi đó là những tự viện chi nhánh. Cũng chính vì vậy, những vị Thầy, chư Tăng và Sa-di của tu viện Nong Pah Pong phải hết sức cố gắng làm gương mẫu để hướng dẫn tất cả tự viện chi nhánh khác, không ngừng tinh cần trong việc thực tập và nhận lãnh nhiệm của một vị Sa-môn.  

 

 



[1] Nhiều vị Tăng trải qua kỳ thi viết về kiến thức Phật học; Thiền sư Ajahn Chah cho rằng đôi khi những kiến thức này không vận dụng được vào trong đời sống hàng ngày.

[2]  Ham mê dục lạc của giác quan, ham mê sự sung túc.

[3] Kuṭī: Nơi ở của vị Tỳ-kheo, cái thất nhỏ.

[4] Vòng hiện hữu do nhân duyên, thế giới của ảo tưởng.

[5] Samaṇa: Một người đang đi tìm đời sống thoát tục trong tôn giáo. Bắt nguồn từ thuật ngữ Sanskritmột người đang phấn đấu,” thuật ngữ này biểu đạt những ai có ý nguyện sâu sắc đối với việc trau dồi tâm linh.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/08/2021(Xem: 6555)
Các câu trích dẫn giáo huấn của Đức Đạt-lai Lạt-ma dưới đây được ghi lại từ một tư liệu trên trang mạng tiếng Pháp Evolution-101 https://www.evolution-101.com/citations-du-dalai-Lama/. Các câu này được xếp theo các chủ đề: 1- Tình thương yêu 2- Tiền bạc 3- Hạnh phúc 4- Lòng tốt
18/08/2021(Xem: 9727)
LỜI MỞ ĐẦU Thông thường ở bất cứ quyển sách nào cũng có lời mở đầu của chính tác giả, hoặc lời giới thiệu của một người nào đó cho tác phẩm sắp được ra đời. Nay cũng nằm trong thông lệ ấy, tôi viết lời nói đầu cho quyển sách năm nay lấy tên là: "CHÙA VIÊN GIÁC", một quyển sách bằng tiếng Việt mà bao nhiêu người đã chờ đợi.
17/08/2021(Xem: 7501)
Thật là một điều kỳ diệu và lý thú khi được tin báo trên Viber là Tuyển Tập pháp Thoại vừa hoàn thành và đã sẵn sàng đến tay Phật Tử khi đến dự Lễ Vu Lan tại Tu Viện Quảng Đức (nếu không bị lockdown). Vì sao gọi là kỳ diệu? Chỉ sau khi tôi được học xong 10 duyên mà Đức Phật cho là quan trọng nhất theo thứ tự của 24 duyên, mà chúng ta ai cũng phải gặp trong thời gian còn làm người phàm, và nếu hiểu rõ tường tận thì mình có thể sẽ không bao giờ thốt lên câu “Học muôn ngàn chữ nghĩa nhưng không ai học được chữ Ngờ” của bộ Đại Phát Thú / Vi Diệu Pháp, do Giảng Sư Thích Sán Nhiên đã thuyết giảng qua 61 video, mỗi video kéo dài từ 3: 00 đến 3:50 giờ. Chính vì thế, nhờ đó tôi chợt nhận ra nhân duyên gì đã làm trưởng duyên và đẳng vô gián duyên, để tôi đến với Đại Gia Đình Quảng Đức Đạo tràng nói chung, và tiếp xúc liên hệ với TT Trụ trì Tu viện Quảng Đức Thích Nguyên Tạng và được cộng tác với Ngài trên trang website Phật Giáo, Trang Nhà Quảng Đức, để rồi hôm nay lại có duyên
17/08/2021(Xem: 5040)
Phần này bàn về cách dùng nên so với lên vào thời LM de Rhodes đến truyền đạo. Đây là lần đầu tiên các âm này được dùng trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh (chữ quốc ngữ). Ngoài ra, từ thời Việt Bồ La thì nước Việt đã mở rộng bờ cõi đến tận Cà Mau và khuếch đại các sự khác biệt trong ngôn ngữ như phương ngữ Nam bộ (tiếng Nam Kỳ) so với Bắc Bộ. Do đó các nhân tố địa-chính-trị đã đóng phần không nhỏ trong quá trình hình thành tiếng Việt hiện đại, thí dụ như cách nói "nên mười tuổi", cùng với khuynh hướng "chuẩn hóa" tiếng Việt so với hiện tượng lẫn lộn n và l mà một số tác giả cho là ‘nói ngọng’ đều liên hệ phần nào đến chủ đề bài này.
16/08/2021(Xem: 7163)
Con người sinh ra từ xưa đến nay ai ai cũng phải trải qua 4 giai đoạn. Đó là: Sanh, Già, Bệnh và Chết. Tuy nhiên cũng có người chỉ sanh ra rồi chết liền, không trải qua giai đoạn già hay bịnh; hoặc có người chưa già đã chết vì bịnh hay tai nạn; cũng có lắm người phải sống đến 100 năm hay hơn thế nữa để thấy cuộc thế đổi thay, nhiều khi muốn chết mà chết cũng không được. Dẫu biết rằng sống hay chết là một việc tự nhiên của con người, của muôn vật và ngay cả những chúng sanh có đời sống cao hơn và lâu dài hơn chúng ta, như những vị được sanh ra ở cõi Sắc hay cõi Vô Sắc đi chăng nữa, rồi một ngày nào đó cũng phải chết, phải đi đầu thai. Họ chỉ khác chúng ta là ở cõi đó đời sống sung sướng hơn, có tuổi thọ dài lâu hơn. Vì khi làm người, họ đã biết tạo dựng nhiều phước báu, nên kiếp nầy họ mới được như vậy.
15/08/2021(Xem: 4925)
Cúng ma chay, giỗ người thân đã mất, giỗ ông bà tổ tiên, cúng cô hồn vào những ngày rằm, ngày lễ như lễ Vu Lan, Tết Nguyên Đán …vv cùng với đốt vàng mã là truyền thống ‘tâm linh’ lâu đời của người Việt Nam, là cách tưởng niệm, bày tỏ lòng biết ơn, hiếu đễ đối với người đã khuất, tổ tiên và thần linh. Ngày nay, việc cúng người chết, cúng ‘cô hồn’ và đốt vàng mã tràn lan trên tinh thần kiến chấp ‘dương sao âm vậy’, nên các loại vàng mã thay đổi đa dạng sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế nầy: ngoài áo giấy ra, vàng mã còn có cả xe hơi, nhà lầu, ipad, di động, đô la vv với ý niệm ‘thiện lành’ (nhưng tà kiến) là để người ‘âm’ sử dụng. Không những tập tục này phát triển biến tướng trong nhân gian mà còn ảnh hưởng không tốt đến môt số Phật tử tại gia, và ngay cả tại một số tự viện.
15/08/2021(Xem: 7355)
Là người hay là thú, sinh ra đời nếu bộ não bình thường thì tất cả đều có cái biết. Biết đói, biết no, biết khát, biết nóng, biết lạnh, biết thiếu, biết đủ v.v… Tâm trí loài vật, có nhiều loài khá khôn ngoan, nhưng khôn ngoan cách nào cũng không bằng con người. Khi còn nhỏ cái biết của con người rất hạn hẹp. Khi lớn lên cái biết dần mở rộng, nhờ học hỏi từ môi trường gia đình, học đường, xã hội. Tùy theo căn cơ mà có người thông minh học một biết mười, có người kém thông minh chậm hiểu. Nhưng dù cái biết của người thông minh hay cái biết của người kém thông minh thì đó cũng là cái biết cần thiết cho đời sống.
13/08/2021(Xem: 6378)
Công ơn cha mẹ tựa biển trời Làm sao báo hiếu hỡi người ơi? Nếu chưa báo hiếu đừng bất hiếu Bất hiếu làm ta khổ trọn đời.
13/08/2021(Xem: 9002)
Nam Mô Vu Lan Hội Thượng Phật Bồ Tát Phật Dạy Ân Đức Cha Mẹ - A-nan! Ân đức cha mẹ có 10 điều sau đây: MỘT là ân thai mang giữ gìn: Vì sự nghiệp lực nhân duyên, nên nay ky' thác thai mẹ. Lâu ngày khổ sở, chín tháng cưu mang, nặng nhọc như đội núi, đi đứng sợ gió mưa, quần áo không sửa soạn, trang điểm còn kể chi.
09/08/2021(Xem: 8176)
Các lời trích dẫn giáo lý của Đức Phật cùng các danh nhân khác thường thấy trên mạng, báo chí và tạp chí đủ loại tại các nước Tây phương. Dường như trong cuộc sống dồn dập tại các nơi này, một số người đôi khi cũng thích đọc một vài câu ngắn gọn nhưng sâu sắc, giúp mình suy nghĩ về xã hội, con người và sự sống nói chung.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]