Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

04. Cuộc Chiến Trong Pháp

17/08/201916:30(Xem: 4740)
04. Cuộc Chiến Trong Pháp

CUỘC CHIẾN TRONG PHÁP

 

(Thiền sư Ajahn Chah giảng bài Pháp này cho chư Tăng và các vị mới xuất gia tại tu viện Nong Pah Pong)

 

Tham lam, sân hận, si mê… là nhưng đối thủ cần phải chế ngự. Trong pháp hành của đạo Phật, con đường do Đức Thế Tôn khai sáng, chúng ta phải luôn nhẫn nại và dùng rất nhiều phương thức trong cuộc chiến với các đối thủ này.

Pháp và thế giới có mối quan hệ hỗ tương với nhau. Nơi đâu có pháp, ở đó có thế giới, nơi đâu có thế giới, ở đó có pháp. Nơi đâu có phiền não, ở đó có người chế ngự được phiền não, có cuộc chiến diễn ra. Đó còn được gọi là cuộc nội chiến. Đánh với kẻ thù bên ngoài, người ta sử dụng bom mìn, súng đạn; họ có thể thắng hoặc có thể thua. Cuộc chiến với kẻ thù bên ngoài vẫn thường diễn ra trên thế giới. Trong lúc thực tập pháp, chúng ta không đấu với kẻ thù bên ngoài mà là chiến đấu với tâm của mình, kham nhẫn, chịu đựng và bằng mọi cách phải điều phục được tâm.  

Khi thực tập pháp, chúng ta không nuôi dưỡng oán giận, thù hằn bên trong mình. Thay vì bị cuốn theo bất thiện pháp trong khi phản ứng, trong khi suy nghĩ, chúng ta thoát ra ngoài sự đố kỵ, ác cảm, oán giận kia. Lòng căm ghét chỉ có thể được chế ngự bằng cách không nuôi dưỡng oán giận, không cho phép có sự oán giận.

Những việc làm gây tổn thương hay có tính chất trả đũa tuy phần thể hiện có khác nhưng bản chất không khác nhau mấy. Mọi việc đã xảy ra, hãy để chúng đi qua, không cần thiết trả lời, trả thù hay oán hận gì cả. Đó là nghiệp (kamma). Việc trả đũa (vera) có nghĩa là tiếp tục đi xa hơn và trong đầu luôn mang ý nghĩ “anh đã làm thế với tôi, tôi sẽ quay lại báo thù anh”. Như thế, oán thù này sẽ không bao giờ có ngày chấm dứt. Lúc nào cũng tìm cách trả thù thì hận thù không bao giờ kết thúc. Cũng giống như sợi dây xích này, các mắc xích liên kết rất chắc, hận thù rồi trả thù, oan oan tương báo, không kết thúc được. Bất cứ ta đi nơi nào, hận thù mãi theo ta đến đó.

Bậc Tối Thắng Trí[1] đã ban giáo huấn cho cuộc đời, Ngài ban rải đức từ bi đến tất cả chúng sinh. Bậc Trí Tuệ nhìn vào thế giới này và chọn ra những chân giá trị. Lúc còn là Thái tử, Ngài đã thực thi nhiều cách và rồi Ngài nghiệm ra chúng thật sự không hữu dụng, chúng chịu giới hạn trong thế giới này, luôn bị xung đột và có nhiều trở ngại chi phối.  

Do vậy, trong khi tu tập, những vị đã cắt ái ly gia cần học cách, bằng mọi giá phải đoạn tận tâm bất thiện, từ bỏ mọi nguyên nhân khiến phát sinh tâm hận thù. Hãy chiến thắng chính mình, đừng cố tìm mọi cách để chiến thắng ai khác. Chúng ta đánh là đánh giặc phiền não, khi tâm tham khởi lên, liền tiêu diệt tham; khi tâm sân khởi lên, liền tiêu diệt sân; khi tâm si khởi lên, ta liền diệt si.

Đây còn gọi là “Pháp chiến hay cuộc chiến trong pháp”. Cuộc chiến trong ta mới thật sự nhiều khó khăn, khó khăn nhất trong tất cả cuộc chiến. Xuất gia để chiêm nghiệm điều này, để học diệu thuật chiến thắng tham, sân và si. Đây là trách nhiệm tiên quyết của tất cả chúng ta.

Trận nội chiến tức chiến đấu với phiền não. Nhưng ít người nhận ra điều này, phần lớn, họ tranh đấu với người ngoài, chuyện bên ngoài, thậm chí họ cũng không nhận diện được phiền não. Đức Thế Tôn dạy chúng ta, bằng mọi cách phải dập tắt tận gốc rễ tâm bất thiện và tu tập tâm hiền thiện. Đó là chánh đạo. Lời dạy này giống như Ngài bồng chúng ta lên và đặt trên con đường. Khi đặt trên đường rồi, bước đi hay đứng yên một chỗ là chuyện của chúng ta. Bổn phận của Ngài hoàn tất ở đây. Ngài chỉ cho con đường đúng đắn, chẳng phải con đường sai trái, phần việc còn lại dành cho chúng ta.  

Thế mà đã ở trên đường rồi, chúng ta vẫn không biết gì cả, chẳng thấy gì cả, nên giờ chúng ta cần phải học. Muốn học tốt, chúng ta phải chuẩn bị chịu đựng sự thử thách cam go, giống như những cô cậu học trò nhỏ mới bắt đầu đi học vậy. Việc tiếp thu kiến thức và học hỏi nhiều điều cần thiết để thành công trong sự nghiệp, thật không phải chuyện dễ dàng. Chúng ta phải chịu khó, chịu khổ. Khi có ý nghĩ sai quấy hay cảm thấy chán ghét, nản lòng, chúng ta phải tự thôi thúc mình trước khi tốt nghiệp khoá học hay nhận công việc. Việc tu tập của một vị xuất gia cũng y như thế. Nếu quyết định thực tập và quán chiếu, chắc chắn chúng ta sẽ thấy được lối đi.

Diṭṭhi-māna (thành kiến) là điều tai hại. Diṭṭhi có nghĩa là quan điểm hay ý kiến. Mọi hình thức của ý kiến, quan điểm đều được gọi là diṭṭhi: Thấy việc tốt thành xấu, việc xấu như tốt... bất cứ nghĩ điều gì, thấy điều gì. Thế cũng không có vấn đề gì. Vấn đề ở chỗ cố chấp vào những quan điểm ấy, đó gọi là māna; khư khư giữ quan điểm ấy, xem chúng hoàn toàn đúng đắn. Thế là chúng ta bị dắt dẫn, xoay tròn theo vòng sanh tử, chẳng bao giờ thoát ra được, chỉ vì chúng ta bám víu, cố chấp. Vì vậy, Đức Thế Tôn giục chúng ta hãy đoạn tuyệt ác pháp này.

Nhiều người sống chung với nhau, như chúng ta đang sống đây, nếu quan điểm của họ không bất đồng nhau, họ có thể sống một cách hoan hỷ, an lạc. Nhưng đôi khi, chỉ có hai hay ba vị sống với nhau lại hết sức khó khăn, chỉ vì quan điểm của họ bất đồng. Chúng ta phải tập khiêm tốn, dẹp đi quan điểm của mình, hiểu rằng tất cả chúng ta đến đây vì đều tôn kính Phật Pháp Tăng,[2] thì cho dù chúng ta sống đông bao nhiêu vẫn an ổn, tốt lành. 

Nói rằng, do sống chung đông đảo nên bất hòa là không đúng. Hãy nhìn xem con cuốn chiếu vô số chân. Nhìn nó, ta cứ nghĩ, nó đi đứng khó khăn lắm nhỉ! Nhưng không, nó đi dễ dàng, theo một trật tự và nhịp điệu riêng. Chúng ta thực tập cũng như thế. Nếu chúng ta được tu tập trong Tăng đoàn của bậc Thánh, được Đức Phật trực tiếp dẫn dắt, thật quá dễ dàng. Đó là supaṭipanno - những vị thực tập tốt; ujupaṭipanno - những vị thực tập thẳng tắt, ñāṇapaṭipanno - những vị thực tập vượt qua khó khăn và sāmīcīpaṭipanno - những vị thực tập một cách đúng đắn. Bốn đặc tính này đều đang có mặt trong mỗi chúng ta, làm cho chúng ta xứng đáng là phần tử chân chánh trong Tăng đoàn. Dầu chúng ta sống cùng nhau trong hội chúng hàng trăm, hay hàng ngàn vị đi nữa, cũng không có vấn đề gì về số lượng cả, tất cả chúng ta cùng đang du hành trên cùng một tuyến đường. Dù cho quan điểm có thể khác nhau, nếu thực tập đúng đắn, chúng ta không có xích mích. Cũng như tất cả con sông, con suối tuôn về biển cả, một khi đến biển chúng hòa vào biển, cùng một vị, một màu. Chúng ta cũng thế, bước vào dòng pháp, chỉ có pháp mà thôi. Dù từ nhiều nơi đến đây, chúng ta vẫn hài hòa, hợp nhất.

Suy nghĩ dẫn đến tranh luận và mâu thuẫn, còn gọi là diṭṭhi-māna. Vậy nên, Đức Thế Tôn nhắc chúng ta, hãy để quan điểm qua một bên. Không cho phép cố chấp vào các quan điểm cũng như những gì liên hệ với chúng.

Đức Thế Tôn còn dạy giá trị của Niệm (sati).[3] Mọi lúc chúng ta đứng, đi, ngồi hay nằm, bất cứ ở đâu, hãy làm cho năng lượng chánh niệm luôn có mặt. Khi niệm có mặt, chúng ta nhận diện được chính mình, nhận diện rõ các loại tâm và tâm sở đang có mặt. Chúng ta nhận diện rõ “thân trong thân, tâm trong tâm.” Nếu niệm không có mặt, chúng ta không nhận biết gì cả, cũng không biết việc gì đang diễn ra.

Vì vậy Niệm rất quan trọng. Lúc nào cũng vậy, lắng nghe lời Đức Thế Tôn dạy trong chánh niệm. Mắt thấy sắc là pháp, tai nghe âm thanh là pháp, mũi ngửi hương là pháp, lưỡi nếm vị là pháp, thân xúc chạm là pháp, ý tưởng khởi lên trong tâm là pháp, tất cả đều là pháp vậy. Người thường giữ chánh niệm luôn nghe được Đức Thế Tôn đang thuyết pháp. Pháp luôn hiện hữu. Tại sao? Vì có niệm, vì chúng ta đang tỉnh thức.

Sati là niệm, sampajañña là tỉnh giác. Tỉnh giác này chính là Phật. Khi có niệm - tỉnh giác, nhận thức đúng đắn có mặt ngay. Chúng ta nhận biết rõ việc gì đang diễn ra. Khi mắt thấy sắc: Đẹp hay không đẹp? Khi tai nghe âm thanh: Hay hoặc không hay? Nó có hại gì không? Đúng hay sai? Những việc khác cũng thế. Nghe trong nhận thức tỉnh giác, chúng ta nghe pháp trong mọi thời.

Hãy tỉnh giác như thế ngay lúc này đây, chúng ta đang học pháp Trung đạo. Dẫu đi tới, đi lui, chúng ta đều đối diện với pháp. Nếu chánh niệm tỉnh giác đang có mặt, tức thì xung quanh chúng ta đều là pháp cả. Thấy con vật đang chạy trong rừng, chúng ta có thể quay lại quán chiếu, thấy rằng động vật cũng không khác chúng ta. Chúng đang trốn chạy sự bất an, tìm kiếm sự bình an, cũng giống chúng ta vậy. Hễ không thích thì chúng tránh đi; chúng giống con người rất sợ chết. Nếu quán chiếu thế giới xung quanh cẩn thận, chúng ta thấy rằng tất cả chúng sinh trong thế giới này, kể cả con người, đều giống nhau về mặt bản năng cả. Quan điểm này còn gọi là “bhāvanā”,[4] thấy đúng với chân lý, vạn vật đồng hành trong quy luật sinh, già, bệnh, và chết. Động vật cũng giống con người, con người cũng giống động vật. Nếu nhận thức bản chất thật của vạn vật như thế, tâm chúng ta sẽ không còn tham luyến gì nữa cả.

Thế nên, chúng ta hãy tập chánh niệm trong mọi lúc. Chúng ta sẽ nhận biết được mọi trạng thái của tâm nếu chánh niệm có mặt. Chúng ta đang suy nghĩ hay đang có cảm giác gì, đều cần phải nhận biết rõ chúng. Sự nhận biết này được gọi là tỉnh giác (buddho, buddha), người đạt được sự tỉnh giác này gọi là vị Tỉnh Giác, vị Giác ngộ viên mãn. Khi tâm nhận thức một cách rõ ràng, viên mãn, tức chúng ta đang thực tập đúng pháp. 

Con đường thực tập thẳng tắt, đó là tập chánh niệm (sati). Năm phút quý vị không chánh niệm, tức năm phút quý vị mất trí, lơ đãng. Hễ thiếu chánh niệm, quý vị mất trí ngay. Chánh niệm là điều cần yếu. Có chánh niệm, biết rõ chính mình, biết rõ trạng huống của tâm, của cuộc sống quý vị. Có hiểu biết và nhận thức sáng suốt, chính là đang lắng nghe pháp mọi lúc. Sau khi bài pháp của vị Thầy đã dứt, quý vị vẫn còn nghe âm vang của pháp, vì pháp ở khắp mọi nơi.

Mỗi ngày, quý vị hãy tạo thói quen thực tập cho chính mình. Dù lười mỏi hay siêng năng, hãy thực tập đều đặn. Thực tập pháp không phải tuỳ theo tâm trạng của quý vị. Nếu thực tập theo tâm trạng của chủ nhân, đó không phải là pháp nữa. Bất luận ngày hay đêm, dù tâm bình lặng hay loạn vọng, hãy tinh tấn thực tập.

Giống như đứa trẻ đang học viết. Lúc đầu cậu ta viết không đẹp, có chữ lớn, có chữ dài, ngoằn ngoèo, nghệch ngoạc. Nét chữ giống y như cậu bé. Một thời gian sau, luyện tập nhiều, nét chữ của cậu tiến bộ. Thực tập pháp cũng giống như vậy. Ban đầu, quý vị lúng túng, vụng về, có lúc yên lặng, có lúc không, quý vị không nhận biết rõ ràng gì hết. Có người chán nản. Đừng nản chí! Quý vị phải kiên nhẫn thực tập. Cố gắng thực tập cũng giống như cậu học trò nhỏ, lớn dần, cậu càng viết đẹp hơn. Từ chữ viết như cua bò, cậu viết đẹp hẳn lên, tất cả đều nhờ vào việc siêng luyện tập từ lúc nhỏ.

Việc tu tập của chúng ta cũng vậy. Gắng tập chánh niệm trong mọi lúc, đứng, đi, ngồi hay nằm. Khi chúng ta làm nhiều công việc một cách nhịp nhàng, khéo léo, tức tâm ta đã có định tĩnh. Khi ta giữ được định tĩnh trong công việc, sự định tĩnh, an lạc trong lúc ngồi thiền rất dễ đạt được. Chúng có liên hệ với nhau. Vậy nên hãy tinh tấn. Quý vị hãy tinh tấn hành trì. Đó là chúng ta đang tu tập vậy.

 



[1] Bậc Tối Thắng Trí chỉ cho Đức Phật.

[2] Ba Ngôi Báu, đó là Phật, Pháp, Tăng. Phật tức Đức Phật, Pháp nghĩa là lời dạy của đức Phật. Tăng có nghĩa là Tăng đoàn hay những vị xuất gia đang hành trì hoặc đã nhận chân thông suốt pháp. 

[3] Sati: Có nghĩa là chánh niệm.

[4] Bhāvanā: Có nghĩa là tu tập, thường được dùng chỉ cho sự tu tập tâm (cittabhāvanā), hay tu tập tuệ (paññā-bhāvanā).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/12/2018(Xem: 5249)
Sáng nay nhận tờ lịch đón năm mới 2019 đầu tiên đến nhà. Vẫn là Báo Giác Ngộ như mọi năm. Ảnh Lịch mang chủ đề "Sen". Thư pháp tiếng Việt bình dị chân phương của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Lịch có 7 tờ, lật giở từng tờ, đọc và suy ngẫm, thích nhất là tờ lịch của tháng 9&10, câu "Có Bùn mới có Sen", bởi:
09/12/2018(Xem: 5703)
CẤU TRÚC THÂN TÂM Nguyên bản: The Inner Structure Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma Anh dịch và hiệu đính: Jeffrey Hopkins, Ph. D. Chuyển ngữ: Tuệ Uyển
04/12/2018(Xem: 4915)
Từ khi đọc được lời dạy của Sư Ông Thích Nhất Hạnh trong TRÁI TIM CỦA BỤT rằng , có người đến tuổi trung niên rồi 60 hay nhiều hơn nữa mà chưa bao giờ có đủ thì giờ để ngắm nhìn sâu sắc vào một đóa hoa đang nở trong vườn hay ngắm ánh trăng đang tỏa sáng bên song cửa vào đêm rằm ....tôi chợt tư duy nghĩ lại những gì thật sự gọi là giá trị một đời người , thế nào là hạnh phúc một đời người và phải chăng ta chưa biết được mình đang là người hạnh phúc ...
01/12/2018(Xem: 7650)
Nếu trong lúc chúng con tụng chú Lăng Nghiêm mà phát âm không hoàn toàn chính xác thì có sao không? Ngày xưa có một ông lão tu hành rất chân thật, nên lúc nào ông cũng không rãnh rỗi. Ông lão làm gì? Ông lão trì chú, tức là trì “Lục Tự Đại Minh Chú.” Nhưng ông lão tu hành này niệm không đúng. Bởi vì ông đã không hỏi cho rõ ràng cách đọc như thế nào, mà lại tự ý đặt ra. Hoặc là ông có hỏi qua, nhưng vì trí nhớ không mấy gì tốt, cho nên người ta dạy: khi chữ khẩu (口) bên cạnh chữ Án (奄) thì có âm đọc là Án (奄)Vì thế mà ông nghĩ rằng khi chữ khẩu có thêm chữ Ngưu (牛), thì nhất định cũng đọc là Ngưu. Thật ra chữ đó không phải phát âm là Ngưu (牛) mà có âm đọc là Hồng (吽). Thế là ông lão niệm câu chú Án Ma Ni Bát Di Ngưu, Án Ma Ni Bát Di Ngưu, Án Ma Ni Bát Di Ngưu. Ông lão cứ như vậy mà niệm rất thành tâm, rất hứng thú. Với lòng nhiệt tâm và nghị lực trì niệm của ông, thì thật là bao nhiêu sức mạnh của chữ ngưu ( trâu ) đó như phát xuất ra vậy.
29/11/2018(Xem: 6723)
Trong cương vị Thống Đốc tiểu bang Hawaii, bản thân là một Phật tử và là da màu, David Yutaka Ige suy nghĩ thế nào trong thời đại của Tổng Thống Trump, một người Thiên Chúa Giáo không gương mẫu và là một chính khách không tin các nghiên cứu về biến đổi khí hậu? Tạp chí Lion’s Roar đã có bài phỏng vấn Thống Đốc David Yutaka Ige về nhiều phương diện, đặc biệt về suy nghĩ của một Phật tử như Ige. Ông David Ige sinh ngày 15/1/1957, giữ chức Thống Đốc tiểu bang Hawaii từ năm 2014, và tái thắng cử năm 2018. Là một đảng viên Dân Chủ, trước đây từng là Thượng nghị sĩ cấp tiểu bang Hawaii (1996-2014), Dân biểu cấp tiểu bang Hawaii (1985-1995).
27/11/2018(Xem: 7542)
Bài này là phần 3 trong loạt bài viết về hiện tượng đồng hóa âm thanh trong ngôn ngữ với tâm điểm là tiếng Việt. Phần 1 bàn về cách dùng ròng rọc < rọc rọc, phưng phức < phức phức, nơm nớp < nớp nớp, phấp phất/phất phới/phân phất < phất phất và khám bệnh < khán bệnh. Phần 2 bàn về cách dùng Huyền Trang < Huyền Tảng/Tráng, Tịnh Độ < Tịnh Thổ. Phần 3 chú trọng vào cách dùng tẩm liệm so với tấn/ tẫn/tẩn liệm.
26/11/2018(Xem: 6366)
Đêm đã khuya ánh trăng xuyên qua những tàn cây, gấp lại quyển sách còn dang dở, đi dạo một vòng ngoài sân để hít thở, ngước nhìn lên bầu trời cao rộng ánh trăng thật sáng, nhìn trăng nơi nầy lại chợt nhớ ánh trăng năm nào nơi quê nhà. Thế là những ký ức lại ùa về…
24/11/2018(Xem: 5835)
Kính thưa chư Tôn đức, chư Pháp hữu & quí vị ân nhân. Sau chuyến hành hương Phật tích India năm nay, (chúng con) chúng tôi có duyên lành viếng thăm các tu viện Phật giáo tại Dharamsala- Himachal India, được cơ hội tiếp xúc với các vị ''ẩn sỹ rừng xanh'' , và sống hòa mình với thiên nhiên của núi rừng Himalaya thanh khiết. Điều quí hóa hơn cho chúng tôi nũa là được quý thiện hữu, pháp hữu phát tâm lành hỗ trợ cho tâm nguyện cúng dường, gieo duyên cùng chư Lạtma, ẩn sỹ tại đây.
23/11/2018(Xem: 7660)
Hơn 40.000 người đã đổ xô để xem bức thư pháp Tâm Kinh lớn nhất thế giới được vẽ của một nhà thư pháp mắc hội chứng Down và được trưng bày tại một ngôi chùa trung tâm của Nhật Bản kể từ tháng 11 năm ngoái.
20/11/2018(Xem: 6469)
Ngày nay, nhân loại tiến vào lãnh vực khoa học đời sống, khoa học vật chất và nhiều lãnh vực khác nhau bằng kiến thức và trí thông minh vượt bậc. Nâng cuộc sống lên tầm mức tiện nghi mà những thế hệ cha ông trước đây chưa được chứng kiến và hưởng thụ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]