- Lời Người Dịch
- Lời Đầu Sách
- Giới Thiệu
- Chương 01: Khát Vọng Tình Yêu
- Chương 02: Thiền Tập - Sự Khởi Đầu
- Chương 03: Thế Giới Vật Chất Và Phi Vật Chất
- Chương 04: Nghiệp
- Chương 05: Phiền Não
- Chương 06: Sự Bao La Và Thậm Thâm: Hai Khía Cạnh Của Con Đường
- Chương 07: Bi mẫn
- Chương 08: Thiền Tập Về Bi Mẫn
- Chương 09: Trau Dồi Hành Xả
- Chương 10: Tâm Bồ Đề
- Chương 11: Nhất Tâm Bất Loạn
- Chương 12: Chín Giai Tầng Của Nhất Tâm Bất Loạn
- Chương 13: Tuệ Trí
- Chương 14: Quả Phật
- Lời Bạt
Tại sao con người tìm đến tôn giáo?
Bởi vì con người cần những ý tưởng cực lạc, thiên đàng, hay niết bàn.
Tại sao con người cần những ý tưởng cực lạc, thiên đàng, và niết bàn?
Bởi vì con người trải nghiệm vô vàn khổ não của cuộc sống cũng như sự ngắn ngủi của đời sống. Nên con người mong mõi niềm vui cực lạc sống lâu vô cùng, hưởng phúc thiên đàng đời đời hay niết bàn không sanh diệt.
Càng khổ não con người càng tha thiết mong mõi những ý tưởng ấy và nếu trần gian không khổ não chắc con người cũng không tầm cầu những ý tưởng ấy.
Càng tha thiết mong mõi, niềm tin của con người càng mãnh liệt trong tín ngưỡng. Nhưng nếu niềm tin không lý trí, đức tin không hiểu biết con người càng dễ giáo điều, càng giáo điều thì càng mù quáng, càng mù quáng thì càng cuồng tín trong những điều Đạo Phật gọi là kiến thủ tức là tin những tín lý sai lầm, giới cấm thủ tức là giữ những cấm kỵ không chân chánh tổn mình hại người. Và thay vì tôn giáo trong mục đích đem đến hạnh phúc cho nhân gian thì giáo đồ hiện tại lại làm khổ não cho nhau, giết chóc lẫn nhau nhân danh đức tin tôn giáo trong khi mong chờ niềm vui cực lạc hay hưởng phúc thiên đàng trong tương lai. Như trong giáo lý của Đạo Phật thì cũng có một thế giới cho những chúng sanh thường sân hận, thù địch và gây chiến đấy là thế giới của loài A tu la. Như vậy có phải khổ não hiện tại là do thiếu lòng yêu thương chân thật, lòng từ bi chân thành, lòng bao dung chân chánh và sự hiểu biết chân lý dúng đắn hay không?
Kinh luận nhà Phật cũng nói rằng những chúng sanh ở các cõi trời vì quá sung sướng nên không nghĩ đến việc tu tập để hoàn toàn giải thoát vì khi hết phúc lại sanh trở lại cõi khổ vì những nghiệp nhân chưa hoàn toàn dứt sạch trong tâm thức. Do vậy nếu những ý tưởng như "tịnh độ nhân gian" hay "thiên đàng tại thế" được hiện thực thì có lẻ thực tế hơn vì Thiền sư Nhất Hạnh cũng từng nói rằng, "Không có an lạc hiện tại thì đừng hòng có an lạc trong tương lai", như thế thì con người mới thực sự chăm lo cho cuộc sống hạnh phúc hiện tại không tổn mình hại người thì tương lai chắc chắn cũng sẽ là hạnh phúc dù không thật sự như cực lạc hay thiên đàng. Như vậy con người sẽ không mù quáng hay cuồng tín làm đau đớn cho người và khổ não cho mình để mong hưởng hạnh phúc tương lai chưa đến.
Đức Phật từng dạy rằng, đừng tin tưởng lời ta vì lòng tôn kính mà hãy như người thợ kim hoàn, cắt, giũa, nung chảy để thử nghiệm xem có phải vàng thật hay không, những lời dạy của ta cũng như thế nếu qua phân tích cẩn thận thấy thật sự có lợi ích thì mới tin tưởng và làm theo.
Đức Phật cũng từng dạy rằng, "tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta". Cho nên trong một lần thuyết giảng tại chùa Quang Minh, Úc Đại Lợi, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chấp tay lại và nói rằng, "Xin các anh chị em Phật tử của tôi hãy học hỏi hơn nữa".
Học hỏi để làm gì?
Học để biết "Trước nhất là khoa học Phật Giáo, trên căn bản của khoa học Phật Giáo rồi thì triết lý Phật Giáo phát triển, như hai chân lý, bản chất vô thường, và duyên khởi tương sinh, những quan điểm triết lý này được phát triển trên căn bản của thực tiển. Đấy là khoa học Phật Giáo. Rồi thì điều này có thể thay đổi tâm thức chúng ta, có thể giảm thiểu cảm xúc tàn phá, và cuối cùng có thể hoàn toàn tiêu trừ hoàn toàn những cảm xúc tàn phá. Đấy là niết bàn, giải thoát, hay cứu độ.
Nên trên căn bản của khoa học, triết lý Phật Giáo, nhận thức Phật Giáo phát triển, sau đó theo nhận thức Phật Giáo rồi thì thực tập Phật Pháp. Do vậy, người Phật tử chân thật phải nên biết triết lý Phật Giáo, khoa học Phật Giáo. Bằng trái lại việc thực hành tôn giáo chỉ như tập tục, theo thói quen tín ngưỡng không có ý nghĩa gì nhiều."
Học để biết từ bi là gì, tác động của từ bi đối với con người thế nào, phương pháp để đạt được từ bi, và việc hiện thực từ bi trong đời sống hằng ngày ra sao?
Mọi tôn giáo đều nói đến lòng yêu thương rộng lớn, và trong Đạo Phật gọi là từ bi. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng không cần phải có một tôn giáo cho tất cả vì mỗi tôn giáo đáp ứng cho tâm tư của một tầng lớp nào đấy. Nhưng nếu có một tôn giáo cho tất cả, thì đấy chính là từ bi. Vậy thế nào là từ bi?
"Từ năng dữ nhất thiết chúng sanh chi lạc
Bi năng bạt nhất thiết chúng sanh chi khổ ".
Tạm dịch :
Lòng thương yêu có khả năng đem đến cho tất cả chúng sanh an vui,
Lòng thương xót có khả năng cứu tất cả chúng sanh thoát khổ.
Hay ngắn gọn là ban vui, cứu khổ. Nhưng làm sao có thể ban vui cứu khổ, có phải chăng đấy chỉ là những đức tính của những bậc thánh nhân, bồ tát và Phật, và phàm phu Phật tử chúng ta chỉ ngưỡng cầu các ngài ban vui cứu khổ cho chúng ta. Thật sự thì từ bi không chỉ là ý tưởng triết lý, từ bi không chỉ là ngôn ngữ mà từ bi là một thực tế, là đức tính mà mỗi Phật tử phải đạt đến chứ không chỉ cầu xin, để ban vui cứu khổ cho chính mình, rồi mở rộng ra cho gia đình mình, mở rộng lớn hơn cho toàn xã hội rồi đến tất cả chúng sanh và chắc chắn sẽ hưởng sự ban bố từ bi của của những bậc thánh nhân, bồ tát và Phật như cảm ứng đạo giao.
Nhưng từ bi nếu chỉ tin tưởng thì cũng chỉ là viễn vông, làm sao có thể ban vui cứu khổ ngay trong phạm vi hạn hẹp nhất.
Từ bi trong Đạo Phật không chỉ là ý tưởng, từ bi không chỉ là ngôn ngữ mà từ bi là một thực tế, từ bi không chỉ là niềm tin, từ bi trong Đạo Phật dựa trên lý trí, lý trí ấy có nền tảng và nền tảng ấy có phương pháp khoa học để đạt đến vì từ bi cũng được định nghĩa là:
- Từ hay từ ái và có nghĩa là nguyện cho mọi chúng sinh được hạnh phúc và có nguyên nhân của hạnh phúc.
- Bi hay bi mẫn và có nghĩa là nguyện cho mọi chúng sinh thoát khổ và hết những nguyên nhân của khổ.
Trước hết người Phật tử phải phát nguyện như thế làm căn bản rồi từ đấy mới thực tập để đạt được lòng từ bi của Đạo Phật.
Đức Đạt Lai Lạt Ma trong một số bài viết cũng nói rằng, không phải nói đến từ ái hay bi mẫn là chúng ta phải có khả năng để ban vui hay cứu khổ mà trước hết đấy là sự phát nguyện, mong ước của chúng ta cho mọi chúng sinh được có niềm vui và hết khổ. Quả vậy, nếu chúng ta nghĩ đến ban vui cứu khổ mà khi chúng ta chưa có khả năng thần thông tự tại như những vị Phật hay Bồ tát thì quả là ngoài sức tưởng tượng và chúng ta không thể và không dám nghĩ đến, và chúng ta cảm thấy thối chí. Nhưng thay vì thế, như lời dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma, chúng ta trước hết phải có tấm lòng rộng rãi như thế, phải phát nguyện từ ái và bi mẫn nguyện cho mọi người được hết khổ, được có niềm vui, được có nguyên nhân của niềm vui, được hết những nguyên nhân của khổ. Với lời nguyện ước, mong muốn này chắc chắn ai cũng có thể làm được.
Dĩ nhiên nói đến từ bi là nói đến lòng thương yêu không phân biệt kẻ oán, bạn hữu hay người dưng, nhưng thật khó mà nghĩ đến người làm tổn hại chúng ta, người chúng ta không ưa với tâm bình đẳng như vậy, nhưng như Bồ tát Tokmay Sangpo nói, nếu chúng ta không thuần hóa kẻ thù nội tại mà lại muốn thuần hóa kẻ thù ngoại tại thì kẻ oán lại càng tăng, thế nên việc phát lời nguyện ước từ ái và bi mẫn hay nguyện cho mọi người đều khỏi khổ, hết nguyên nhân của khổ, được hạnh phúc và có nguyên nhân của hạnh phúc là cách tốt nhất để rộng mở cõi lòng của chúng ta, thuần hóa kẻ thù nội tại của chúng ta, dù thực tế chúng ta chưa hành động gì cả.
Trong những buổi lễ của Phật Giáo, chúng ta thường có một phút nhập từ bi quán, nhưng chỉ một phút thôi và lâu lâu một lần như vậy thì thật khó mà thâm nhập được từ bi và khó mà rộng mở cõi lòng, khó mà thuần hóa kẻ thù nội tại. Nhưng nếu chúng ta thường xuyên phát nguyện từ ái và bi mẫn, hay luôn luôn giữ lòng từ bi, chắc chắn kẻ thù nội tại sẽ khuất phục trước năng lực của từ bi. Các đạo sư Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, hay Thiền sư Nhất Hạnh thường nói hãy gởi những thông điệp thương yêu hay từ bi vào không gian, năng lực của từ bi của chúng ta, của càng nhiều người sẽ làm dịu "thế gian nóng bức" này, dịu những nổi thù hận trong nghiệp chướng của chúng ta. Phát nguyện từ ái bi mẫn là thiết thực làm việc này, là thiết thực biểu lộ bản chất của Đạo Phật, đạo từ bi.
Thức dậy miệng mĩm cười,
Hăm bốn giờ tinh khôi,
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt thương nhìn cuộc đời.
Quyển "Trái Tim Rộng Mở" nói về những đề tài căn bản để người đọc có một nền tảng về những vấn đề chung quanh chủ đề chính là lòng từ ái,bi mẫn và vị tha sau đó là những phương pháp tổng quát để thực tập nhằm phát huy từ bi. Đây là một trong những quyển sách bán chạy nhất (bestseller) của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Những câu kệ của Tôn Giả Tịch Thiên viết trong tác phẩm "Hướng Dẫn Lối Sống của Bồ tát" mà Đức Đạt Lai Lạt Ma rất ngưỡng mộ và ngài cho là nguồn động viên cho sức mạnh tâm linh của ngài và đã được ngài thường nhắc lại trong những buổi thuyết giảng và cũng được nhắc lại trong quyển sách này là:
Khi không gian còn tồn tại
Chúng sanh còn hiện hữu
Cho đến lúc ấy, con nguyện cũng sẽ vẫn hiện diện
Để xua tan khổ não cho trần thế.
Có người chắc sẽ nói, "Ô, thế gian muôn vàn khỗ não mà cứ ở lại để khổ não cùng chúng sanh thì có ích gì?". Tôi nghĩ lời dạy của ngài Tịch Thiên có nghĩa là, không chỉ giải thoát cho riêng mình, mà hãy là những bậc giác ngộ để ban vui cứu khổ cho tất cả chúng sanh trong không gian vô tận và thời gian vô cùng, của những bậc đầy năng lực của nguyện lực chứ không phải là những kẻ bất lực với nghiệp lực. Vì có là những bậc giác ngộ thì lòng từ bi mới thật sự có năng lực chuyển hóa cuộc sống con người chúng ta. Đức Đạt Lai Lạt Ma từng nói rằng, nếu muốn vị kỷ thì hãy vị kỷ một cách thông tuệ, là hãy cứu giúp người thì sẽ có người cứu giúp mình hay tiểu thừa là không làm tổn hại người, và đại thừa là cứu giúp người. Thiền sư Nhất Hạnh cũng nói là, "Một Đức Bụt thì không đủ" có nghĩa là chúng sanh cần thêm những Đức Phật, vì vô lượng khổ não của vô số chúng sanh cần có vô biên chư Phật thì sự ban vui cứu khổ mới hiệu quả hơn, trước nhất có nghĩa là phải cần có thêm nhiều người phát nguyện thành Phật, phát tâm bồ đề, phát lòng từ bi. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng dù người phát nguyện chưa ban vui cứu khổ được ai, nhưng năng lực từ bi cũng đã tác động làm tươi nhuận an lạc chính người ấy trước rồi. Hãy tưởng tượng ngày càng nhiều người, hay tất cả mọi người đều phát nguyện từ bi thì thế giới này cũng được chuyển hóa vô cùng rồi, chưa nói đến lúc mọi người đều thành Bồ tát hay thành Phật.
Kinh Thương Yêu hay Kinh Từ Bi nói rằng, " Ta hãy đem lòng từ bi không giới hạn của ta mà bao trùm cả thế gian và muôn loài, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, lòng từ bi không bị bất cứ một cái gì làm ngăn cách, tâm ta không còn vương vấn một chút hờn oán hoặc căm thù. Bất cứ lúc nào, khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, miễn là còn thức, ta nguyện duy trì trong ta chánh niệm từ bi. Nếp sống từ bi là nếp sống cao đẹp nhất. Không lạc vào tà kiến, loại dần ham muốn, sống nếp sống lành mạnh và đạt thành trí giác, hành giả sẽ chắc chắn vượt khỏi tử sinh" và thành Phật là kết quả đương nhiên của một người phát tâm bồ đề hay phát nguyện thành Phật. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng khi phân tích những điều kiện xa điều kiện gần thì đạt đến Quả Phật là điều kiện ắt có và đủ để thực hiện từ bi một cách trọn vẹn nhất và chúng ta phải cảm thấy có trách nhiệm trong việc đạt đến giác ngộ vô thượng vì lợi ích của tất cả chúng sanh.
Mong rằng những lời dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ cho chúng ta những bài học và thực hành thiết thực để từ bi có thể trải rộng làm cuộc sống cá nhân an ổn hơn, gia đình hòa hiệp hơn, nhân gian hạnh phúc hơn, và thế giới hòa bình thật sự.
Xin chân thành sám hối nếu những lời chuyển ngữ của Tuệ Uyển không diễn đạt chân thật nghĩa của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Xin hồi hướng đến tất cả chúng sanh đều trọn thành Phật đạo.
Ẩn Tâm Lộ ngày 28-10-2012
Tuệ Uyển
Thích Từ-Đức