Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chướng Ngại Trong Việc Tu Thiền Là Gì?

19/08/201816:39(Xem: 7735)
Chướng Ngại Trong Việc Tu Thiền Là Gì?

Chướng Ngại

Trong Việc Tu Thiền Là Gì?

-----------phathiendinh----------

THÍCH NỮ HẰNG NHƯ

 

TU THIỀN PHẬT GIÁO LÀ GÌ?

          Tu thiền (Bhavanã Jhãna) Phật giáo là tiến trình tu tập, hành trì miên mật một pháp môn nào đó để kinh nghiệm trực tiếp trên Thân và Tâm về những giáo lý nhà Phật mà hành giả đã học từ kinh điển hay qua sự hướng dẫn của những bậc chân nhân.

          Thiền hay sống Thiền là sống trọn vẹn ngay bây giờ và ở đây với cái Biết như thật về hiện tượng thế gian, không phê phán khen chê, không quay về quá khứ cũng không hướng đến tương lai hoặc dính mắc với tham dục ở hiện tại.

          Giáo pháp của Đức Phật để lại không ngoài mục đích giúp con người Thoát Khổ, Giác Ngộ, Giải Thoát. Và con đường đi đến Thoát khổ, Giác ngộ, Giải thoát đó phải thông qua thiền Định.

          Theo ngôn ngữ Phật giáo, chữ Thiền thường được kết hợp chặt chẽ với chữ Định (Samàdhi). Trạng thái ban đầu của Samãdhi trong kinh điển định nghĩa là Nhất tâm (Citta Ekagaya). Nhất tâm là trạng thái của Thiền chứng ở mức độ tịnh chỉ (Samatha), Ở giai đoạn này định Nhất tâm chưa hoàn thiện vì còn chịu ảnh hưởng khuấy động của Tầm và Tứ. Khi Tâm hoàn toàn được ổn định ở mức độ kiên cố, không còn tán loạn, nghĩa là Tầm và Tứ hoàn toàn yên lặng, thì lúc bấy giờ mới được gọi là Samãdhi tức Định vững chắc.

          Sự thành đạo của Đức Phật được biểu thị qua tiến trình tu chứng bốn bậc Thiền Định. Đó là Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền, còn gọi là Sơ Định, Nhị Định, Tam Định hay Tứ Định.

          Kể lại kinh nghiệm chứng ngộ Sơ Thiền, trong Kinh Sa Môn Quả, Đức Phật cho biết: "Tỷ kheo ly dục, ly ác pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm với tứ".

          Mức độ thứ hai là Nhị Thiền, Đức Phật dạy tiếp: "Vị Tỳ Kheo ấy diệt tầm và tứ, chứng và trú nhị thiền, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm và tứ, nội tĩnh nhất tâm." Nội tĩnh Nhất tâm có nghĩa là Tâm yên lặng không còn bị Tầm và Tứ khuấy động nên Nhị Thiền này kết quả thù thắng hơn Sơ Thiền.

          Mức độ thứ ba, Đức Phật nói: "Vị Tỳ Kheo ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc thánh gọi là "xả niệm lạc trú", chứng và trú tam thiền." Trong kinh gọi tầng định này là Định Chánh Niệm Tỉnh Giác.

          Mức độ cao nhất trong thiền Phật giáo lúc đó là Tứ thiền còn gọi là Định bất động tức ngôn hành, ý hành và thân hành không động. Đức Phật chia sẻ như sau: "Vị Tỳ Khưu ấy xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú tứ thiền, không khổ, không lạc, "xả niệm thanh tịnh" tức kinh nghiệm trạng thái Tâm hoàn toàn thanh tịnh, do xả sanh .

          Muốn kinh nghiệm các tầng Thiền kể trên, bước đầu hành giả phải "Như lý tác ý" nhằm tẩy trừ các bất thiện pháp: "tham dục, sân hận, hôn trầm - thuỳ miên, trạo cử - hối quá và hoài nghi" là nguyên nhân cản trở sự tự chủ nội tâm nơi hành giả gọi là "năm triền cái".

          Như vậy bước đầu tu Thiền là sự tu tập để đoạn trừ "năm triền cái" và thay thế bằng "năm thiền chi" tức là năm tâm sở đối nghịch với năm triền cái, đó là: "Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc và Nhất Tâm."

                           

"NĂM TRIỀN CÁI" LÀ GÌ ?

           Triền tức là trói buộc, trì kéo nặng nề hay là ngăn che. Năm triền cái là năm thứ trói buộc tâm con người trong phiền não, tạo nhiều nghiệp, phải chịu sanh tử luân hồi. Chức năng của triền cái là ngăn che trí tuệ khiến con người bị vô minh che mờ không Giác ngộ được. Đối với người tu Thiền thì năm triền cái chính là các ác pháp, tà pháp là: "Tham dục; Sân hận; Hôn trầm-Thuỵ miên; Trạo cử-Hối quá; và Nghi ngờ", làm cho hành giả tu Thiền không thể đạt được Tâm yên lặng, định tĩnh, là nền tảng phát huy trí huệ đưa đến Giác ngộ, Giải thoát.

          Đức Phật dạy muốn loại trừ năm triền cái: "Tỷ kheo tự mình quán năm triền cái chưa xả ly, như món nợ, như bệnh hoạn, như ngục tù, như cảnh nô lệ, như con đường sa mạc" để ghê sợ mà viễn ly nó, thì con đường tu Thiền mới được suông sẻ. Trước hết chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa của mỗi triền cái như thế nào rồi mới áp dụng phương pháp Phật dạy để xa lìa nó.

          1) Tham dục: Là sự ham muốn được là tướng nam hay nữ đẹp đẽ, được nghe âm thanh ngọt ngào, mùi hương hấp dẫn, vị ngon của thức ăn nước uống và những cảm giác êm dịu đê mê của thân khi xúc chạm.

          Nói chung đó là những mong cầu dục lạc qua năm giác quan như sắc dục, thanh dục, hương dục, tỷ dục, vị dục, xúc dục và những ước muốn không bao giờ biết đủ về mưu cầu tiền bạc, người đẹp, danh thơm tiếng tốt cũng như uy quyền tột đỉnh của ý dục. Ngoài ra tham dục còn được kể đến như lòng khao khát ham muốn hưởng thụ khoái lạc trong những hoạt động tình dục, ăn ngon ngủ kỷ, thích này thích nọ, không muốn chịu đựng những cảm giác đau đớn, phiền muộn mà muốn luôn được sảng khoái dễ chịu trong mọi hoàn cảnh. Đó là những đòi hỏi của bản năng con người.

          Người đời thường nói ham muốn càng nhiều thì phiền não càng gia tăng. Điều này thật đúng, nhưng rất tiếc, tuy biết thế nhưnh đa số con người vẫn luôn ngụp lặn trong tranh giành được mất hơn thua do tham dục đòi hỏi, rồi than đau, than khổ!

          Người tu hành là người tỉnh ngộ muốn thoát ra khỏi cuộc sống dằn vặt bởi những ham muốn đó. Tu hành pháp môn nào cũng phải biết tri túc thiểu dục,  nhất là tu Thiền lại càng phải đoạn trừ tham dục thì Tâm mới an ổn, vì không còn khởi niệm ham muốn cái này, ham muốn cái kia, khiến Tâm lúc nào cũng lăng xăng dao động không đạt được mục đích an tịnh.

          2) Sân hận: Nghĩa là Tâm tức giận đối với những hoàn cảnh không vừa ý hay do người khác làm trái ý mình. Người sân hận là người mang tâm trạng muốn chống đối, trừng phạt, gây gổ hay tàn phá. Sân hận là trạng thái tiêu cực tiềm ẩn trong mỗi con người, nó sẽ bộc phát khi gặp điều kiện thích hợp tác động. Cảnh báo sự độc hại của sân hận, Đức Phật cho biết tham, sân, si là tam độc, nó có khả năng phá hoại tâm hồn và thể xác con người không chỉ đời này mà còn nhiều đời sau. Trong kinh còn cho rằng sân hận tàn khốc và nguy hiểm hơn lửa dữ, nó như là giặc cướp, như là rắn độc, một niệm sân hận dễ dàng đốt cháy cả rừng công đức, cho nên phải tìm đủ mọi cách để ngăn chận loại trừ nó.

          Sân hận có nhiều trạng thái, mức độ biểu hiện khác nhau ví dụ như: Chán ghét, buồn phiền, bực tức, giận hờn, nổi nóng, oán hận, căm thù. Sân hận biểu lộ qua hành vi nét mặt, lời nói và trong ý nghĩ. Biểu lộ bằng thái độ như nhăn mặt, nhíu mày, trợn mắt, nghiến răng. Biểu lộ bằng lời nói như la hét, quát tháo, chửi bới. Biểu lộ qua cử chỉ hành động như quăng ném đồ đạc, đánh đập, hành hạ, đâm chém, giết người....  Có khi nỗi sân hận oán thù không biểu hiện ra ngoài mà giữ kín trong lòng theo kiểu "sống để dạ chết mang theo" đồng nghĩa "đây là mối thù truyền kiếp" từ đời này qua đời khác. Sân hận khiến người ta tạo nghiệp xấu qua lời nói, ý nghĩ và hành động. Nó là nguyên nhân bất thiện đưa tới quả luân hồi sinh tử.

          Đối với người tu Thiền, sân hận là sự chán ghét vào chính đối tượng thiền quán trong lúc toạ Thiền. Nó khiến hành giả dễ dàng bỏ rơi đề mục đang tu tập, chuyển tâm qua những mục tiêu khác.

          3) Hôn trầm-Thuỵ Miên: Là sự mệt mỏi của Thân và sự dã dượi của Tâm. Là trạng thái nặng nề uể oải của cơ thể và sự mơ màng của tâm thức. Trạng thái đầu tiên khi hành giả toạ Thiền là đánh mất Chánh niệm, phóng tâm lang thang ra khỏi chủ đề, sau đó rơi vào trạng thái vô ký nửa mê nửa tỉnh. Đây là trạng thái Tâm không ngủ mà cũng không thức gọi là hôn trầm.

           Tu Thiền là rèn luyện Tâm. Khi Thân uể oải, Tâm ngầy ngật thì ta không có nghị lực để làm bất cứ chuyện gì. Không có nghị lực sẽ đưa đến hôn trầm. Hôn trầm làm cho niệm Biết mất đi sự rõ ràng, tiến tới sự rời rạc, yếu ớt và biến mất. Từ đó đưa đến thuỵ miên là ngủ gục trong lúc toạ thiền mà ta không hay biết.

          4) Trạo cử - hối quá: Trạo cử có hai mặt, trạo cử nơi Thân và trạo cử nơi Tâm. Thân thì không lúc nào ngồi yên một chỗ, cứ lắc thay đổi thế ngồi, mắt liếc nhìn qua lại. Hoặc do sự tinh tấn hành trì quá sức chịu đựng khiến cho cơ thể bị rả rời hay đau nhức, dễ đưa đến tình trạng chán nãn lười biếng trong việc tu tập.          Trạo cử của Tâm là trạng thái Tâm bị các niệm lăng xăng xẹt vô, xẹt ra, chi phối trong lúc hành Thiền. Tâm này trong kinh gọi là "tâm lang thang" hết suy nghĩ chuyện này sang suy nghĩ chuyện khác như chú khỉ chuyền cành không bao giờ chịu ngồi yên, hoặc là không hài lòng với đề mục tu tập nên phóng tâm ra ngoài tìm những đề mục khác hứa hẹn tốt hơn. Tìm những đề mục khác có nghĩa là hành giả đang bị sự nghi ngờ chi phối.

          Hối quá là trạng thái đặc biệt khác của trạo cử thuộc về Tâm. Tâm không yên là bởi lương tâm cắn rứt hối hận những lầm lỗi đã qua. Đó là nghiệp quả của các hành động bất thiện trong quá khứ khiến cho Tâm không được an ổn trong lúc hành Thiền.

          5) Nghi ngờ: Trạng thái Tâm luôn do dự, không nhất quyết nhận ra điều nào thực sự đúng và điều nào thực sự nào sai, nghĩa là trong Tâm còn nhiều thắc mắc về khả năng tu tập của chính mình, hoặc nghi ngờ pháp học pháp hành không biết có đúng không? Có khi nghi ngờ khả năng chứng đắc của Thầy mình, hay chưa chắc chắn tin vào Tam Bảo.

          Nghi ngờ cũng có thể xem như là một trạng thái khác của trạo cử, khi trong đầu có quá nhiều kiến thức, nhiều khái niệm do đó Tâm rơi vào trạng thái lưỡng lự, không quyết định. Vì thế, những câu hỏi, những thắc mắc trong lúc toạ Thiền cần phải được giải quyết một cách rõ ràng thấu đáo trước khi thực hành.

          Khi quyết định chọn tu Thiền, hành giả phải có niềm tin vững chắc, hiểu rõ phương pháp kỹ thuật hành Thiền, hiểu rõ đề mục tu tập và hiểu rõ mục đích tu tập này đi về đâu.

 

"NĂM THIỀN CHI" CÓ KHẢ NĂNG LOẠI TRỪ

"NĂM TRIỀN CÁI"

          Đã sanh làm kiếp con người, có ai không ao ước mong muốn hoàn thành điều gì đó trong cuộc đời của mình. Cái mong muốn đơn giản mà ai cũng có, đó là xây dựng một đời sống tốt, một gia đình an vui hạnh phúc. Có mong muốn người ta mới cố gắng học hỏi, mới có nghị lực để làm việc, hầu đạt được mục đích. Nhưng thói thường, sự mong muốn đơn giản này dần dần sẽ nảy sanh nhiều mong muốn khác. Mong muốn thì không có hại, nhưng cái gì cũng muốn để phục vụ cho giác quan, cho bản ngã của mình, thì từ trạng thái mong muốn đã nhảy sang trạng thái tham lam khao khát sở hữu cái này, sở hữu cái kia. Khi con người vượt qua lằn ranh mong muốn bước sang vùng đất tham lam không biết dừng, thì con người đã sa vào hố sâu của tham dục. Càng lặn ngụp trong tham dục thì càng bị cơn xoáy bộc lưu cuốn sâu vào vùng vô minh đau khổ.

          Những ai đã bị tham dục lấn áp rồi, không thể một sớm một chiều mà buông bỏ được. Những thứ đó giống như những chất ghiền nghiện huân tập trong ký ức khó buông bỏ, nó biến thành lậu hoặc tập khí. Khi toạ Thiền chúng lần lượt bung lên khuấy động làm cho Tâm hành giả không thể nào được an tịnh. Vì không đạt được sự an tịnh trong lúc tu tập khiến cho hành giả bất mãn sinh chán ghét pháp tu, nghi ngờ pháp tu.

          Để chứng ngộ Sơ Thiền, Đức Phật dạy chúng ta cần "ly dục, ly bất thiện pháp", hay nói cách khác là phải đoạn trừ toàn bộ "năm triền cái" . Muốn đoạn trừ "năm triền cái" là những pháp bất thiện, thì bên cạnh việc tu Tâm, hành giả cần tu Tướng. Tu Tướng có nghĩa là hành giả cần: Có niềm tin vững chắc nơi Tam Bảo, nắm vững pháp học (giáo lý) và pháp hành (kỹ thuật thực hành) để chế ngự lòng nghi ngờ. Giữ gìn giới luật không không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không sử dụng những chất say làm lu mờ tâm trí để chế ngự lòng tham cũng như trạo cử-hối quá khi ngồi Thiền. Ngoài ra hành giả cần sống tri túc thiểu dục trên mọi mặt để chế ngự lòng tham lam khao khát. Nuôi dưỡng lòng từ bi, rộng lượng với mọi người và mọi vật để chế ngự lòng sân hận.

          Nhờ sự tu tập hằng ngày chừa bỏ những ác pháp, thực hành những pháp lành, hành giả có thể ngăn chận "năm triền cái" lúc toạ Thiền. Khi có kinh nghiệm Định thì "năm thiền chi" xuất hiện lấn áp và làm cho "năm triền cái" không thể trồi lên được.

 

"Chi thiền Tầm và Tứ" có công năng đối trị

"hai triền cái Hôn Trầm - Thuỵ Miên và Nghi Ngờ"

          Tầm tiếng Phạn là Vitakka có nghĩa là "tư duy", là "hướng tới" hay "tập trung" Tâm vào một đối tượng duy nhất.

          Đơn giản và dễ hiểu, Hoà Thượng Thích Thông Triệt giải thích Tầm là "sự nói thầm" (tư duy, suy nghĩ) trong Tâm. Tứ là "đối thoại thầm lặng" trong Tâm. Cả hai là tiếng nói thì thầm bên trong Tâm. Nếu Tầm Tứ không dừng lại thì nó sẽ phát ra âm thanh tức nói ra lời tạo khẩu nghiệp.

          Trong kinh ghi chức năng của Tầm là hướng tâm hay tập trung tâm đến đối tượng, mang lại sự sâu lắng cho Định. Tứ thì gắn chặt và neo Tâm vào đối tượng nghĩa là duy trì sự định tâm nơi đối tượng đã thành tựu từ Tầm. Trong sự liên hợp này Tầm-Tứ là hai yếu tố thiết yếu cho sự thành tựu và ổn định của Sơ Thiền.

          Khi Tâm của hành giả đang tư duy, hay đang hướng đến, hoặc tập trung vào một đối tượng tức là "thiền chi Tầm" đang có mặt, thì hành giả không thể rơi vào trạng thái hôn trầm. Cũng như trong Tâm đang có sự hiện diện của "thiền chi Tứ" đang làm công việc gắn chặt sự hướng tâm của Tầm vào đối tượng, thì chứng tỏ rằng hành giả đang tinh tấn tu tập, không có sự nghi ngờ về pháp học hay pháp hành ở đây.

          Như vậy chúng ta có thể nói khi  "hai thiền chi Tầm và Tứ" có mặt trong trạng thái Định thì "hai triền cái hôn trầm và nghi ngờ" không thể trồi lên được.

          Có điều quan trọng, hành giả cần ghi nhớ Tầm và Tứ là hai chi xuất hiện trong Sơ Thiền, nhưng muốn tiến cao hơn thì hành giả cần phải buông cả Tầm và Tứ, cũng như không dính mắc với hỷ lạc, thì mới đạt được Định sâu lắng vững chắc ở tầng Thiền thứ hai.

 

"Thiền chi Hỷ và Lạc" có công năng đối trị

"hai triền cái Sân Hận và Trạo Cử"

          Chi thiền thứ ba có mặt trong Sơ Thiền là Hỷ tiếng Phạn là "Pìti". Hỷ có nghĩa là sự hân hoan, thích thú, vui mừng, hỷ duyệt, hài lòng, phấn khởi của Tâm. Chức năng của Hỷ là làm cho Thân và Tâm được tươi tỉnh, phấn chấn. Như vậy "thiền chi Hỷ" trái ngược với sự buồn bực, thù hằn, sẵn sàng trừng phạt, la hét của "triền cái Sân Hận". Như vậy Hỷ có khả năng đối trị sự Sân hận.

          Chi thiền thứ tư có mặt trong Sơ Thiền là Lạc tiếng Phạn là "Sukha". Chữ Lạc được dùng như danh từ thì có nghĩa là: Sự dễ chịu, niềm hạnh phúc hay sự hài lòng. Nếu dùng như tĩnh từ thì Lạc có nghĩa là: trạng thái an lạc, trạng thái dễ chịu. Lạc biểu thị cảm giác dễ chịu ngược với khó chịu bất mãn là khổ. Trong lúc toạ thiền mà có kinh nghiệm "dễ chịu, hài lòng" thì trạo cử không xuất hiện.

         

"Chi thiền Nhất Tâm" có công năng loại trừ

"triền cái Tham Dục"

          Nhất tâm là thiền chi thứ năm. Ở mức Sơ Thiền, Nhất tâm có thể hiểu là trạng thái Samatha nghĩa là tịnh chỉ mọi hoạt động trong Tâm, nhưng vẫn còn Tầm và Tứ. Khi nào Tầm và Tứ cũng yên lặng luôn thì Nhất tâm được gọi là Samãdhi tức Định vững chắc.

          Nhất tâm ở Sơ Thiền tích tụ một sức mạnh đặc biệt nhờ bốn chi thiền kia hợp nhất, neo Tâm vào một đối tượng vững chắc được gọi là định căn. Chức năng của Nhất tâm là ngăn ngừa những ảnh hưởng bất thiện tác động vào Tâm, đặc biệt là tham dục. Bởi vì nó duy trì một sức mạnh ổn định nên gọi là định lực. Định lực đưa Tâm đến trạng thái tịnh chỉ, tức trạng thái Samatha. Samatha là nền tảng của Samãdhi, mà Samãdhi là nền tảng cho tuệ giải thoát phát huy sau này.

          Trong lúc hành Thiền, hành giả kinh nghiệm trạng thái Nhất tâm có nghĩa là Tâm hoàn toàn yên lặng, không còn dính mắc đến thân thể hay hoạt động của năm giác quan, vì thế tham dục không thể khởi lên.

         

KẾT

          Trên bước đường tu tập, nhất là tu Thiền thì năm triền cái: Tham dục, Sân hận, Hôn trầm, Trạo hối và Nghi hoặc là những chướng ngại lớn nhất. Khi hành giả bắt đầu ngồi xuống toạ thiền, thì một trong những triền cái, hay toàn bộ năm triền cái nổi lên quậy phá, khiến cho hành giả đánh mất chánh niệm, đánh mất sự tỉnh giác, thả hồn lang thang theo hết hiện tượng này qua hiện tượng khác. Năm triền cái tựa như một chiếc xe hứa hẹn đưa chúng ta đi vào con đường luân hồi sinh tử. Chúng tác động vào Tâm khiến chúng ta đánh mất những giới hạnh cao quý, lăng xả vào dục vọng thế gian, hành xử bất thiện, tạo những nhân xấu trong đời sống nhiều hơn là nhân tốt. Cho nên muốn hành trì giáo pháp để đi đến Giác ngộ Giải thoát thì việc đầu tiên là phải đoạn trừ năm triền cái. Đoạn trừ bằng cách nào? Trước hết là phải "Như lý tác ý" không được "Phi như lý tác ý".

          "Như lý tác ý" nghĩa là khởi ý, tác ý học hỏi và áp dụng thực hành những chân lý mà Đức Phật đã dạy. Chân lý là những điều thiện lành đúng đắn không bao giờ thay đổi bởi thời gian và không gian. Thí dụ như chân lý vạn vật Vô thường, Khổ, Vô ngã; chân lý Tứ Diệu Đế: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế gồm tám nhánh như Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định...

          Người tu hành không nên "Phi như lý tác ý" nghĩa là không tác ý thích sống trong tham dục, trong giận hờn, ghen tuông, sân hận ... "Phi như lý tác ý " ở đây chính là "năm triền cái".

          Chúng ta thực hành "Như lý tác ý" để hướng Tâm đến đối tượng thiện lành. Tâm được huân tập những thói quen tốt, thì khi toạ thiền chúng ta ít bị triền cái phá rối. Nhưng nếu triền cái có ló dạng thì chúng ta "Như lý tác ý" buông bỏ liền vì đã biết đó là bất thiện pháp.

          Còn "năm thiền chi" chỉ xuất hiện sau khi "năm triền cái" không có mặt. Lúc bấy giờ công năng của "năm thiền chi" như là ánh sáng, còn "năm triền cái" như là bóng tối. Hễ cái này có mặt thì không có cái kia. Nhưng nếu "năm thiền chi" hiện diện yếu ớt, thì triền cái sẽ có dịp trồi lên. Cho nên phải có định lực vững chắc thì mới hoàn toàn diệt được "năm triền cái".

          Tóm lại, trong lúc hành Thiền, năm triền cái là chướng ngại khiến cho việc tập trung Tâm vào đề mục đang hành trì rất khó khăn. Chúng ta cần kiểm điểm xem chúng ta đã vướng phải triền cái nào: Tham dục, Sân hận, Hôn trầm, Trạo hối hay Nghi ngờ? Từ đó chúng ta tìm phương cách hoá giải thích hợp để vượt qua hàng rào ngăn che đó, hầu vượt lên mức Thiền Định cao hơn.

          Thí dụ như tham dục quá mạnh thì chúng ta cần quán hiện tượng bất tịnh, vô thường, khổ, vô ngã của tài, sắc, danh, thực, thuỳ. Áp dụng pháp tu phòng hộ sáu căn, tiết độ sự ăn uống, ngủ nghỉ v.v...

          Nếu như chúng ta dễ dàng nổi sân đối với mọi người thì chúng ta nên chọn đề mục Thiền từ ái. Quán xét những nghiệp mình gây ra, quán xét bản chất vô thường về tài sản mình đang sở hữu.  Thường xuyên Như lý tác ý làm việc lành, nói lời lành, tu hạnh bố thí v.v... để tạo thành thói quen trợ giúp cho việc phát triển tâm Từ và loại bỏ sân hận.

          Nếu như thường xuyên bị hôn trầm, chúng ta cần biết lý do của hôn trầm phần lớn là do ăn uống quá độ, hoặc thiếu ngủ, hay đích thực là cơ thể đang quá mệt mỏi. Vì thế chúng ta không nên ăn quá no trước khi ngồi thiền, nên ngủ đủ giấc để thân tâm khoẻ khoắn khi toạ Thiền. Chọn chỗ ngồi Thiền thoáng mát, không quá tối tăm. Tư thế toạ Thiền cũng rất quan trọng, ngồi ngay ngắn, lưng thẳng, hai vai ngang với hai trái tai v.v... Khi buồn ngủ thì không nên nhắm mắt.

          Trạo cử, hoài nghi phần lớn do chúng ta chưa có niềm tin vững chắc về pháp tu hoặc kiến thức của chúng ta quá rộng rãi, nên có nhiều thắc mắc. Để trị hai căn bệnh này, chúng ta cần tìm hiểu rõ về cuộc đời và đường lối tu tập cũng như sự chứng ngộ của Đức Phật. Tìm hiểu về giáo pháp của Ngài. Khi đã quyết định trở thành đệ tử của Phật thì phải thông suốt giới luật, đặt trọn niềm tin nơi Tam Bảo. Lý thuyết tức pháp học phải vững chắc thì khi thực hành mới không bị trạo cử hay nghi ngờ.

          Nói chung sự đè nén năm triền cái bằng pháp Như lý tác ý ở bước đầu rất cần thiết để chứng Thiền. Không những giúp cho hành giả chứng Thiền, mà nó còn có khả năng kéo dài Thiền chứng ấy nữa.

          Ở giai đoạn đầu của Nhất tâm, chúng ta có thể nhờ vào định lực đè nén sự nổi dậy của năm triền cái, nhưng vì chúng ta chưa Chánh Tư Duy rốt ráo và chưa tu tập pháp "Như lý tác ý"  để làm suy yếu tiềm năng của chúng, thì chúng vẫn còn tiềm tàng ẩn náu trong tiềm thức chúng ta. Chúng là những chất ô nhiễm, là lậu hoặc, tập khí bám chặt trong Tâm và có khuynh hướng "nổi loạn" nhằm chọc thủng sự tịnh chỉ (Samatha), phá tan định lực của chúng ta khi có cơ hội.

          Con đường tu Thiền là con đường đi về ngôi nhà tâm linh của mình. Trên đường đi phải qua nhiều cửa ải. Một trong những cửa ải đó là "năm triền cái". Qua được "năm triền cái" rồi, chúng ta còn phải buông bỏ Tầm và Tứ để an trú trong tầng Thiền thứ hai tức Định không Tầm không Tứ. Đây là cửa ải khó khăn nhất. Khi Tâm chúng ta đã quen thuộc với sự tĩnh lặng không Tầm không Tứ rồi thì "năm triền cái" không có cơ hội xen vào cuộc hành trình của chúng ta. Do đó trước mặt của chúng ta là con đường thênh thang rộng mở, chúng ta sẽ nếm được pháp vị của Thiền và từ đó thẳng tiến tu cho đến khi nào kinh nghiệm được mục tiêu Thoát khổ, Giác ngộ, Giải thoát ngay trong đời này.

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

THÍCH NỮ HẰNG NHƯ

August 17-2018

 

Tài liệu:

- Kinh Sa Môn Quả (Sàmannaphala Sutta) – Kinh Trường Bộ - ĐLHT Thích Minh Châu dịch.

- Tìm Hiểu Kinh Sa Môn Quả: Đoạn Xả Ly Năm Triền Cái của Hoà Thượng Thích Nhuận Thịnh.

- Tài liệu học tập thuộc giáo trình giảng dạy các cấp lớp Bát Nhã của HT. Thích Thông Triệt (ThiềnTánh Không)

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/07/2018(Xem: 5898)
CHÙA NHỎ MIỀN QUÊ Tôi đứng lặng im trước bức thư pháp đề thơ lộng khung kính treo trên vách của ngôi điện im ắng. Thư pháp của chính Thầy trú trì. Thi phẩm bất hủ của Trương Kế, đã được truyền tụng nhiều đời, đưa tiếng chuông của một ngôi chùa ngân vọng giữa thinh không, rung động xuyên suốt cả không gian và thời gian, khiến cho nhân tâm đang lăng xăng phóng túng phải quay về với thinh thinh lắng đọng.
28/07/2018(Xem: 8997)
Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, còn gọi là Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, có khi còn gọi là Đức Phật Quan Âm, được Phật tử nhiều quốc gia Châu Á thờ phượng vì hạnh nguyện hóa hiện nhiều thân tướng để cứu độ chúng sanh. Riêng đối với Nhật Bản, nơi nhiều tông phái Tịnh Độ thịnh hành, hình tượng Đức Quan Âm hiện diện trong rất nhiều chùa, trong các tuyến hành hương, và trong văn học. Bạn chỉ cần đi vào bất kỳ ngôi chùa nào tại Nhật Bản, nhiều phần là bạn sẽ gặp tượng Đức Quan Âm, hoặc là nghìn tay nghìn mắt gọi là Senju Kannon (Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Âm), hoặc là một hóa thân của ngài là tượng Đức Chuẩn Đề 18 tay, nhưng thường gặp nhất là tượng Quan Âm Nam Hải trong bộ áo trắng. Chúng ta có thể đọc trong thơ của Basho (1644-1694) hình ảnh nhà thơ đứng nơi gác chuông Chùa Kannon (Quan Âm Tự) nhìn xuống núi, thấy mái ngói chùa trôi nổi trong các chùm mây hoa anh đào: Mái ngói Chùa Quan Âm trôi dạt xa trong mây của các chùm hoa anh đào.
27/07/2018(Xem: 7136)
Chúng tôi được Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch công ty sách Thái Hà thông báo về khóa tu tại chùa Cự Linh, tỉnh Hải Dương Thầy là khách mời của khóa tu trong buổi sáng và buổi chiều sẽ hướng dẫn thiền. Khóa tu có đến 600 bạn trẻ mà chủ yếu là học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. Tôi là một trong số các bạn may mắn nhất của CLB yêu sách Thái Hà được đi cùng thầy Hùng. Thầy Hùng lái xe đưa chúng tôi đến một chương trình quá đặc biệt làm tôi vô cùng ấn tượng. “Khóa tu mùa hè.” Tại sao lại là mùa hè nhỉ? Câu hỏi này luôn vấn vương trong đầu tôi. Tại sao bây giờ ở rất nhiều chùa, các quý thầy, quý sư cô đều tổ chức khóa tu cho các bạn học sinh, sinh viên nhỉ? Tôi được biết, riêng thầy Hùng đã có hơn chục khóa tu mùa hè mời đến chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của mình và hướng dẫn thiền cho các bạn tu sinh rồi. Tôi giật mình nghĩ rằng mùa hè là mùa có nhiều ánh sáng mặt trời nhất, là mùa mà bắt đầu có nhiều loại cây bắt đầu kết trái, bởi thế nó mang lại nhiều năng lượn
27/07/2018(Xem: 10448)
Người không hiểu đặt câu hỏi “Tại sao cá đã bắt lên rồi lại đem thả, như thế có giả tạo không?; “Sao không đem tiền cho người nghèo mà đi cứu mấy con cá?” Chúng tôi xin phép được giải thích rõ hơn cho hành động Phóng Sinh: Cũng có những người thiếu hiểu biết và rất tiêu cực còn chê người là ngu vì họ nghĩ nên dùng tiền mua cá để đem cho nhà mồ côi, viện dưỡng lão, trại phong cùi hay người nghèo Phi Châu thì thực tế hơn v.v. Ngư phủ đi bắt cá lên bờ để bán cho người mua về giết rồi ăn thịt chúng. Nhưng thực tế có bán và ăn hết những thuỷ sản bị bắt lên bờ không, hay là sẽ còn thừa bị chết vì bắt lên nhiều quá làm cho một phần thặng dư chúng sanh sống trong nước bị chết uổng phí và chẳng được đóng góp thân thể của chúng để nuôi cho loài người được sống hạnh phúc; Hay chúng bị thúi rữa rồi đem bỏ?
26/07/2018(Xem: 7683)
Sự sợ hãi là tập tính của con người khi mà những gì bất lợi xảy ra thì kéo theo sự sợ hãi bị ảnh hưởng liên lụy tác động đến mình. Nhưng sợ hãi có mặt tích cực của nó trong vấn đề tu tập hành trì đạo pháp mà không phải ai cũng biết, sợ hãi là nếp tốt là đạo hạnh của sự lương thiện trong tâm hồn cao thượng. Vậy sự sợ hãi trong tu tập hành đạo như thế nào?
26/07/2018(Xem: 8509)
TUỆ TRÍ CỔ XƯA VÀ TƯ TƯỞNG HIỆN ĐẠI Nguyên tác: Ancient Wisdom and Modern Thought Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma, Mumbai 2011 Chuyển ngữ: Tuệ Uyển Tôi thật sự cảm thấy vinh dự lớn để nói chuyện với quý vị. Đặc biệt tại trường đại học, vì đây là trường Đại học Bombay rất nổi tiếng. Tôi luôn cảm thấy vui mừng khi gặp gở với các sinh viên. Tôi tin rằng thế hệ trẻ hơn – những người tuổi dưới 30 hay là 20 – là thế hệ thật sự của thế kỷ này, thế hệ có thể tạo nên một tình trạng mới cho thế giới này một lần nữa.
26/07/2018(Xem: 5997)
5h sáng. Sớm tinh mơ. Tôi đã thức dậy, mở toang hết cửa cổng để đón tất cả nhân duyên của ngày mới còn đang lãng vãng lân la bên ngoài vào nhà. Khu vực ngoại thành này, tầm 8h -9h vẫn còn yên tĩnh, còn nghe được tiếng chim ca, tiếng gà cục tác, huống hồ chỉ mới vào thời khắc đón ánh bình minh dịu dàng từ hướng Đông... Gian phòng thờ đã lên đèn. Ánh hào quang sau thánh tượng đức Phật rọi soi ấm áp huyền diệu. Hoa đăng, hương trầm, bánh trái đã thiết bày trên các bàn thờ theo đúng nghi lễ được Thầy hướng dẫn, căn dặn... Thầy đến trước giờ hẹn nửa giờ đồng hồ, mới 7h30, triệu thỉnh thêm thánh tượng đức Địa Tạng Vương Bồ Tát từ chùa Tịnh Quang mà Thầy trú trì, để thiết trên bàn đặt giữa chính môn. Nửa giờ sau, thêm một thầy nữa quang lâm, thầy
24/07/2018(Xem: 6671)
Sinh ra ở cõi đời này, dù được sống trong vui vẻ hạnh phúc nhiều như thế nào đi nữa, thì cũng sẽ có lúc chúng ta cảm thấy cuộc sống thật là vô vị, bởi những chuyện không vừa ý cứ dồn vập đổ tới khiến chúng ta vô cùng chán nãn. Những lúc như thế chúng ta thường hay oán Trời trách đất, hay oán hận những người xung quanh đã gây bao nhiêu điều phiền muộn đau khổ cho chúng ta. Chúng ta trách tại sao trước mắt chúng ta có những người quá hạnh phúc, không phải lo toan điều gì, mới sanh ra đời đã được ở trong cảnh giàu sang nhung lụa, lớn lên lập gia đình cũng được sống trong cảnh sung sướng, lên xe xuống ngựa, kẻ hầu người hạ. Riêng chúng ta thì đầu tắt mặt tối, cực khổ vô cùng mà cơm không đủ no, áo không đủ mặc.
22/07/2018(Xem: 8950)
Thái Lan: Các cầu thủ đội bóng Heo rừng sẽ xuất gia 12 cầu thủ đội bóng “Heo rừng” và huấn luyện viên của họ đã được cứu thoát sau khi bị mắc kẹt 18 ngày trong một hang động ở Thái Lan, có khả năng sẽ xuất gia hạn định để bày tỏ sự kính trọng đối với Saman Kunan, cựu Hải quân Thái SEAL đã hy sinh trong nhiệm vụ giải cứu đội bóng.
22/07/2018(Xem: 7136)
Người con Phật nghĩ gì về án tử hình? Đứng về phương diện cá nhân, rất minh bạch rằng không Phật tử nào ủng hộ án tử hình. Đứng về phương diện quốc gia, thực tế là rất nhiều quốc gia -- nơi Phật giáo gần như quốc giáo, như Thái Lan, Miến Điện, Sri Lanka… -- vẫn duy trì và thực hiện án tử hình. Tại Thái Lan, án tử hình dùng để trừng phạt cho 35 tội hình sự, trong đó có tội sát nhân và buôn ma túy. Miến Điện cũng thế. Điểm hay là ở chỗ, hai quốc gia này tuyên án tử hình, nhưng rất ít khi thi hành án tử. Các quốc gia có đông dân số Phật tử -- như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan… -- vẫn áp dụng án tử hình, và thường xuyên thi hành án tử.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]