Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Mục Tiêu Của Đạo Phật Là Gì?

04/08/201810:49(Xem: 6470)
Mục Tiêu Của Đạo Phật Là Gì?

Mục Tiêu Của Đạo Phật Là Gì?

THÍCH NỮ HẰNG NHƯ

 lotus_6

          Mục tiêu cao cả của đạo Phật là dạy con người tu tập để thoát khổ, giác ngộ và giải thoát. Cho nên, những ai lập chí xuất gia đều có chung một sở nguyện là mong được thoát khổ, giác ngộ và giải thoát.

          Nhưng tu như thế nào để đạt được mục tiêu cao quý đó?

          Nhiều người nghĩ đơn giản tu tập theo đạo Phật là giữ giới, ăn chay, làm việc lành tránh việc dữ, thực hành hạnh bố thí, giúp đỡ người nghèo khổ bất hạnh, góp tiền của xây chùa, ấn tống kinh sách v.v... là đang trên con đường tiến tới giải thoát. Thực ra, đây chỉ là bước đầu của người Phật tử tập sống lương thiện, đạo đức, trải lòng từ bi với mọi người mọi loài. Những hành động bố thí giúp đỡ này giúp cho người Phật tử dần dần dẹp bớt tham sân si, bỏ bớt lòng ích kỷ, tâm thức mở rộng khiến cho cuộc sống hiện tại của họ được an vui hạnh phúc. Những việc làm tốt đẹp này sẽ kết thành nghiệp thiện lành và người ấy sẽ được hưởng sự may mắn nào đó trong đời sống hiện tại, hoặc hưởng phước báu trong đời sống vị lai. Nhưng nếu nói những việc làm tốt đẹp này sẽ giúp họ được giải thoát thì cần phải xét lại!

          Tu giải thoát với ý nghĩa là tu bây giờ để được kết quả sau khi chết sẽ không bị tái sanh vào ba cõi sáu đường, mà tái sanh theo nguyện lực để giáo hoá chúng sanh hoặc sẽ nhập vào trạng thái Vô Dư Niết Bàn.

          Tu giải thoát còn mang ý nghĩa là chúng ta hành trì tu tập để được giải thoát ngay trong đời sống hiện tại này. Nghĩa là Tâm chúng ta không dính mắc với những đam mê vật chất, không dính mắc với những tri kiến thế gian, không đắm chìm trong hạnh phúc dục lạc cũng không bị phiền não vây bủa. Nếu Tâm của chúng ta hoàn toàn không bị trói buộc với bất cứ vui buồn hạnh phúc khổ đau của thế gian thì Tâm được giải thoát, tức là tuy còn sống trong đời sống nhiểu nhương, mà Tâm thì vẫn an nhiên tự tại trong trạng thái Hữu Dư Niết Bàn.

 

THOÁT KHỔ, GIÁC NGỘ, GIẢI THOÁT

          Muốn thoát khổ, giác ngộ, giải thoát, trước hết chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa của nhóm từ này.

          1. THOÁT KHỔ:  "Thoát" là "vượt qua" một giới hạn nào đó để đạt được trạng thái hoàn toàn tự do. Thí dụ: Vượt qua cơn bệnh ngặt nghèo nhờ chửa trị trúng thuốc. Vượt qua nghĩa là thoát khỏi. Giới hạn ở đây là bệnh tật. Trạng thái tự do tức là hết bệnh. Trị đúng thuốc tức là phương pháp tu tập thích hợp với căn cơ của mình. Còn khổ, tạm định nghĩa là trạng thái Thân và Tâm không được hài hoà. Cả hai bị xung đột, bị trói buộc vào những điều bất như ý. Thoát khổ là được giải phóng ra khỏi những phiền não trói buộc Thân Tâm mình.

          Con người gồm hai phần Thân và Tâm. Cho nên bàn đến khổ thì chúng ta phải biết rằng Thân có cái khổ của Thân và Tâm có nỗi khổ của Tâm. Thân bị bệnh hành hạ thì Thân khổ. Tâm bực bội khó chịu thì Tâm khổ. Đau khổ là căn bệnh của Thân. Sầu ưu, phiền não là căn bệnh của Tâm. Nếu Tâm bệnh mà không lo trị liệu thì sớm muộn gì Thân cũng bị bệnh theo. Ngược lại Thân đau ốm triền miên cũng khiến cho Tâm vì chịu đựng mà phải buồn rầu chán nãn, thì đó chính là nỗi khổ của Tâm. Như vậy cả Tâm và Thân tương tác qua lại tạo thành những mối khổ triền miên cho con người.

          Trong kinh Chuyển Pháp Luân (Tương Ưng Bộ Kinh S.v, 420), Đức Phật nêu lên các tướng trạng về Khổ như: "... Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khồ, sầu, bi, ưu, não là khổ, oán gặp nhau là khổ, ái biệt ly là khổ, cầu không được là khổ. Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ". Năm thủ uẩn là khổ có nghĩa là: "Chấp ngũ uẩn có thật, cho đó là Ta, thuộc về Ta, là tự ngã của Ta, thì đó là khổ". Tại sao thế? Đó là vì chấp "Ta" có thật nên mong muốn đủ mọi thứ để phục vụ cho cái "Ta", hay nói đúng hơn là phục vụ những cảm giác của giác quan. Nặng nề nhất là Khát ái. Khát ái hay tham dục là lòng khao khát thèm muốn tiền bạc, sắc dục, quyền lợi, danh vọng, địa vị trên thế gian mà cái "Ta" không bao giờ biết đủ. Trong quá trình tranh đấu để đạt điều mong muốn, cái "Ta" này va chạm, tranh chấp với những cái "Ta" của kẻ khác cho nên khổ mình mà cũng khổ người. Ở cấp độ cá nhân thì cái "Ta" tự xung đột, tự lo lắng, tự phiền não... tự mình gây khổ cho mình. Ở cấp độ thế giới thì xảy ra chiến tranh, gây thảm cảnh chết chốc lan tràn khắp nơi khiến nhiều người chịu khổ.

          Đức Phật dạy tất cả hiện tượng trên thế gian này đều vô thường biến đổi, cho nên dù những điều mà cái "Ta" mong muốn, nếu may mắn đạt được, thì cũng sẽ có lúc mất đi, giống như nắm nước trong tay không giữ mãi được, nước sẽ vuột mất khỏi bàn tay không còn một giọt, thì nỗi khổ lại tràn đến. Thân khổ thì nước mắt trào ra, tim đập mạnh, bao tử co thắt, tay chân rả rời, đầu cổ đau nhức... Còn Tâm khổ thì buồn rầu, chán nãn, oán hờn, thù nghịch, trầm cảm, có khi muốn chết phứt đi cho rồi!

          Nói chung ý niệm khổ được thành lập là do những xung đột bên trong Tâm. Vì lòng ích kỷ tham tham vô bờ, nên không bao giờ cái "Ta" chấp nhận hay bằng lòng với những gì đang có. Một lý do khác nữa là bên dưới Tâm Phàm Phu này luôn tiềm tàng lậu hoặc, tập khí, nói chính xác hơn đó là những đam mê ghiền nghiện, những lục dục thất tình, những tham muốn vô độ, không thể từ bỏ được. Ai sống với Tâm này luôn tự làm khổ người và khổ mình mà thôi!

 

          2. GIÁC NGỘ: Tiếng Pàli và Sanskrit đều là Bodhi (Bồ Đề). Tiếng Anh là "enlightenment" hay "awakening",  có nghĩa là "thức tỉnh" hay "sự bừng sáng" thường được dịch là giác ngộ. Đây là trạng thái Tâm của người tu tập đã thoát khỏi vô minh, đã nhận thức được tận cùng bản thể của chính mình và bản thể của vạn vật. Giác ngộ trong đạo Phật là trạng thái Tâm đoạn tận lậu hoặc/tập khí, kiết sử, tuỳ miên, không còn bị tham ái, sân, si... khống chế. Con người giác ngộ sống thanh thản, hoàn toàn tự do, không còn vướng vào vòng sinh tử nữa. Các bậc Thánh thường mô tả trạng thái giác ngộ như là: "Tâm định tĩnh, an lạc, thanh thản, vô sự, ngoài lý luận...".

          Giác ngộ đặt trên cơ sở tỉnh ngộ. Tỉnh ngộ nhận ra điều gì đó, rồi quyết tâm dấn thân, bằng những phương tiện thích hợp với căn cơ của mình để phát triển trí tuệ tâm linh. Còn giác ngộ là nhờ hành trì thiền Định mà trí tuệ tâm linh bừng sáng.

          Như vậy phải có Pháp thực hành mới bật ra giác ngộ.    

          Thí dụ: Như Thái Tử Sỹ-Đạt-Ta tỉnh ngộ rời bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp, con thơ để ra đi cầu đạo. Tỉnh ngộ mới quyết tâm ra đi tìm phương pháp tu tập để thoát khỏi sinh lão bệnh tử. Suốt thời gian dài 6 năm không gặp Pháp thù thắng nên Ngài chưa đạt thượng trí, chưa giác ngộ. Ngài phải rời bỏ những Pháp này để đi tìm Pháp khác. Cho nên phải có Pháp tu đúng mới có thể đi đến giác ngộ. Giác ngộ tức Phật tánh bừng sáng lên, soi sáng những điều mà trước đây vì vô minh che phủ nên không thấy không hiểu.

 

          3. GIẢI THOÁT: Đây là mức độ thiền Định mà các vị Phật, A-La-Hán đã chứng được, thoát ra khỏi luân hồi sinh tử, tuỳ hỷ đến đi trong lục đạo để gieo duyên cùng chúng sanh.

          Giải là gở ra, tháo ra, trừ bỏ những điều gì đó. Thoát là vượt qua. Giải thoát trong đạo Phật có nghĩa là từ lâu Tâm thức bị trói buộc, bị dính mắc với đủ thứ thành kiến, thiên kiến, định kiến, đủ thứ chấp thủ, đủ thứ tham lam, ngu si, giận hờn... bây giờ được thiện tri thức có trí tuệ khai mở, giúp giải trừ được những gút mắt đó nên Tâm được giải thoát khỏi những dính mắc nêu trên. Thông thường giải thoát trong nhà Phật có hai nghĩa:

          1) Giải thoát khỏi sinh tử luân hồi tức chấm dứt tái sanh: Muốn vậy phải tu tập để đào thải tận gốc tập khí, lậu hoặc. Nếu không thì lúc lâm chung, cận tử nghiệp sẽ trồi lên, khiến người chết theo cận tử nghiệp tái sanh để trả quả xấu hay hưởng quả tốt trong kiếp sống vừa qua. Nếu chấm dứt tái sanh là được giải thoát.

          2) Khi còn sống đạt được "Hữu Dư Niết Bàn", khi chết đạt "Vô Dư Niết Bàn": Đạt "Hữu Dư Niết Bàn" là trong lúc còn sống ở thế gian này Thân được lành mạnh, Tâm không dính mắc bất cứ đam mê nào. Sáu căn hoàn toàn thanh tịnh khi tiếp xúc với các trần cảnh. Muốn kinh nghiệm sự giải thoát này, đầu tiên ý nghĩ, lời nói hay hành động phải được thanh tịnh. Ba nghiệp thanh tịnh thì không tạo nghiệp, dù là nghiệp tốt hay nghiệp xấu. Chỗ này chính là chỗ mà nghiệp hoàn toàn thanh tịnh hay còn gọi là nghiệp giải thoát. Ngoài ra với Tâm định tĩnh sáng suốt, tiềm năng giác ngộ sẽ bật sáng, tự nó kiến giải những điều mới lạ mà hành giả chưa bao giờ biết tới. Bấy giờ hành giả đạt được trạng thái Niết Bàn ngay trong đời sống, Phật Giáo Nguyên Thuỷ gọi là "Hữu Dư Niết Bàn", và khi bỏ xác phàm thì thể nhập vào "Vô Dư Niết Bàn".

 

 

TỈNH NGỘ LÀ NỀN TẢNG CỦA GIÁC NGỘ

          Giá trị bài Pháp đầu tiên của Đức Phật rất quan trọng đó là tỉnh ngộ. Trong đời tu, hành giả có thể tỉnh ngộ nhiều lần. Có tỉnh ngộ hành giả mới xác định hướng đi của mình. Lúc bấy giờ tạm nói Trí Năng đã tỉnh ngộ nên không còn vẽ vời, suy luận về những tín hiệu của Ý Căn và Ý Thức đưa ra, mà chỉ hướng tâm đến mục đích cao thượng là tu tập để chuyển hoá nhận thức, chuyển hoá nghiệp hầu sớm được thoát khổ, giác ngộ, giải thoát.

          Trong "Tiến trình tu chứng và thành đạo của Đức Phật", chúng ta ghi nhận Đức Phật đã nhiều lần tỉnh ngộ.

          - Tỉnh ngộ đầu tiên: Khi Đức Phật còn là Thái tử, Ngài nhận thấy sinh, già, bệnh, chết là quy luật khách quan đã, đang và sẽ khống chế con người, nên Ngài quyết định thoát ly khỏi gia đình để đi tìm một phương pháp tu tập hầu thoát ra khỏi sự khống chế của bốn nỗi khổ đó.

          - Tỉnh ngộ thứ hai: Đức Phật từ giả hai vị Thầy Àlàra Kàlama và Uddakka Ramàputta đã dạy cho Ngài bốn tầng thiền Vô sắc, đó là: Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ,  nhưng Pháp này đã không giúp Ngài kinh nghiệm được thượng trí, không giải quyết được bài toán đi tìm cái Vô sanh của Ngài nên Ngài xin phép ra đi.

          - Tỉnh ngộ lần thứ ba: Tu khổ hạnh đói khát suýt chết, cũng không kinh nghiệm được Niết Bàn. Một hôm Ngài té xỉu ngay bìa rừng, may nhờ có một mục nữ chăn cừu cúng dường bát sữa, lay Ngài tỉnh dậy. Lúc đó, Ngài ngộ ra rằng phải có thân khoẻ mạnh để tâm nương vào thân mà tu. Thế là Ngài từ bỏ pháp tu khổ hạnh, quyết định ăn uống trở lại để giữ thân mà tu. Bấy giờ Bồ Tát không có Pháp gì để hành trì, Ngài nhớ lại Pháp Thở đã có lần kinh nghiệm "nhập định" khi theo vua Tịnh Phạn làm lễ hạ điền lúc còn nhỏ. Ngài quyết định áp dụng Pháp Thở qua bốn tiến trình Biết: Từ Biết Có Lời chuyển qua Biết Không Lời, Thầm Nhận Biết, Tỉnh Thức Biết và Nhận Thức Biết. Sau 49 ngày đêm toạ thiền, Ngài đã Giác ngộ nhận ra mình đã hoàn toàn sạch hết lậu hoặc, chứng quả Abhisamaya tức quả vị A-La-Hán.

          Qua những lần tỉnh ngộ như trên của Đức Phật, chúng ta nhận thấy tỉnh ngộ là bước ngoặc rất quan trọng. Nhờ có tỉnh ngộ, chúng ta mới lo tu tập, ban đầu học tập để có tuệ tri. Tuệ tri là sự hiểu biết, nhận ra, ngộ ra những lời dạy của Đức Phật. Sau đó hành trì để thể nhập những lời dạy của Đức Phật vào đời sống hằng ngày trên Thân và Tâm của chúng ta. Giác ngộ chính là sự hiểu biết chứng ngộ của riêng chúng ta qua thiền Định.

 

NHỮNG MỨC CHỨNG NGỘ TRONG THIỀN PHẬT GIÁO

          Giác ngộ có nhiều mức độ. Hành giả tu tập sẽ có dịp kinh nghiệm tiểu ngộ nhiều lần rồi mới đại ngộ. Mức độ đầu tiên là:

          - Tỉnh ngộ (Pabodhana/Awakening): Tỉnh ngộ là chức năng của vùng tiền trán, Trí Năng không còn là công cụ của Ý Căn, Ý Thức mà trở thành ông chủ của hai tâm này. Tạm gọi là Trí năng tỉnh ngộ, không còn suy luận suy đoán, vẽ vời nữa, mà nó học hỏi hướng thượng: Thấy, nghe, đọc kinh sách. Quyết tâm tìm tòi, học tập để biết nguyên nhân của cái Khổ rồi tu tập để diệt Khổ.

          Hành giả xử dụng Trí năng để học những giáo lý quan trọng mà Đức Phật dạy cho các đệ tử của Ngài là Bài kinh Chuyển Pháp Luân gồm kinh Tứ Diệu Đế và kinh Vô Ngã Tướng.

          Kinh Tứ Diệu Đế, Đức Phật đã chỉ rõ: Đây là Khổ Đế, Đây là Tập Đế, Đây là Diệt Đế và Đây là Đạo Đế.

          Muốn thoát khổ, Phật dạy chúng ta phải quán chiếu tìm nguyên nhân gây ra khổ. Biết nguyên nhân gây ra khổ rồi, chúng ta phải diệt nó đi. Khi hết khổ là lúc chúng ta an trú trong Niết Bàn. Phương pháp để Diệt Khổ là Đạo Đế. Đạo Đế gồm tám chi để chúng ta hành trì tu tập. Đó là: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định. Thực hành tới nơi tới chốn Bát Chánh Đạo thì hành giả kinh nghiệm trạng thái giác ngộ. Giác ngộ rồi thì làm gì còn khổ nữa. Hết khổ thì giải thoát.

          Bài Kinh Vô Ngã Tướng, Đức Phật dạy con người gồm hai phần Danh và Sắc tức Thân và Tâm. Thân là vật chất gồm các giác quan, não bộ và nội tạng. Tâm gồm các yếu tố hợp thành là: Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Từ bài Kinh này mà chúng ta sẽ nhận ra định luật khách quan của hiện tượng thế gian là: Vô thường, Khổ, Vô Ngã, gọi chung là Tam Pháp Ấn. Qua Tam Pháp Ấn, Đức Phật nhắc nhở chúng ta không nên bám víu, chấp Thân Tâm này là thường hằng, vì cả hai không thực chất tính nên nó Vô Ngã. Nhận ra được điều này và thể nhập được điều này vào đời sống hiện tại thì Thân Tâm sẽ không bị trói buộc vào khái niệm "Ngã" là có thật, là thường hằng. Vì thế, khi Thân ốm đau hay cuối cùng nó chết đi chúng ta chấp nhận mà không tiếc nuối đau khổ.

          Giai đoạn này tuy đã tỉnh ngộ nhưng vẫn còn xử dụng Biết Có Lời nên trong đầu vẫn còn Tầm vàTứ.

          - Ngộ hay chứng ngộ : Tiếng Phạn là "Sacchikaroti", tiếng Anh là "to realized". Nghĩa là "nhận ra" hoặc "hiểu biết" điều gì đó qua phản xạ giác quan, nghĩa là khi giác quan tiếp xúc đối tượng, Tâm hoàn toàn yên lặng, chỉ một niệm Biết không lời về cái đang là của đối tượng. Niệm Biết này kích thích vào 3 Tánh: Tánh thấy, tánh nghe, tánh xúc chạm tạo ra phản xạ giác quan là chất xúc tác làm tuệ trí bật ra kiến giải điều mình từng thắc mắc thì đó là ngộ hay chứng ngộ.

          Một cách khác, khi Trí năng suy nghĩ vấn đề gì mà bị bế tắt. Một điều kiện bên ngoài tác động vào một trong ba Tánh thì Tánh Giác bật ra kiến giải. Điều mình hiểu biết từ sự kiến giải của Tánh giác là chứng ngộ.

          - Đốn ngộ hay triệt ngộ (khippàbhinnà): Triệt ngộ qua 4 Tánh, nghĩa là hành giả nghe giảng Pháp ngay trong lúc ở trong Định, ngộ liền tức khắc chứng quả A-La-Hán, không còn vi tế lậu hoặc, như câu chuyện ngộ đạo ông Bahiyà và Lục Tổ Huệ Năng. Các Ngài đã ngộ từ (niệm/nghe) bằng Tánh Nghe. Tánh Nghe đi thẳng vào Tánh Nhận Thức, hai vị này ngộ liền tức khắc. Ngộ này gọi là đốn ngộ hay triệt ngộ.

          - Abhisamaya (A-La-Hán): Bồ Tát Cồ Đàm sau bốn tuần toạ thiền đã lần lượt chứng sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền. Ngày cuối cùng của tuần lễ tứ thiền, Ngài chứng ngộ ba minh: Túc mạng minh, Thiên nhãn minh, Lậu tận minh, hoàn toàn sạch lậu hoặc, Ngài an trú trong Tâm Tathà (Tâm Như). Kinh ghi Bồ Tát "chứng ngộ hoàn toàn" gọi là  "Abhisamaya" tức quả vị A-La-Hán, là quả vị cao nhất trong thiền Phật giáo lúc bấy giờ.

          - Anuttara-Sammà-Sambodhi (Chánh đẳng chánh giác, quả vị Phật): Tuần lễ thứ bảy Bồ Tát chứng ngộ Pháp Tánh (Idappaccayatà) và Pháp Giới Tánh (Tathatà của hiện tượng thế gian) được tôn xưng là vị Phật lịch sử.

 

TÂM SINH DIỆT VÀ TÂM GIẢI THOÁT

          Trong kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật chia Tâm làm hai loại. Đó là Vọng Tâm và Chân Tâm. Tâm là cái Biết. Cái Biết cũng có hai loại: Biết có lời, là cái Biết của Vọng Tâm. Biết không lời là cái Biết của Chân Tâm.  

          Ngày xưa Đức Phật thành đạo qua pháp tu thiền Định. Vì thế nếu hành giả muốn tu "Giác Ngộ Giải Thoát", thì sau khi Quán chiếu kinh điển hay những lời Phật dạy, thì hành giả cũng phải tu thiền Định để kinh nghiệm những giáo lý đó trên Thân và Tâm của mình hầu phát huy trí huệ tâm linh tức giác ngộ.

          Nguyên tắc tu tập là huấn luyện tế bào não từ quán tính lăng xăng dao động do suy nghĩ, xúc cảm, buồn, vui, đau khổ là trạng thái của Vọng Tâm còn gọi là Tâm Sinh Diệt, trở thành quán tính yên lặng. Tâm yên lặng khi giác quan tiếp xúc đối tượng, thấy, nghe, xúc chạm... biết như thật về đối tượng mà Tâm không dao động bởi sự phân biệt so sánh khen chê, ưa ghét. Tâm biết như thật về mọi vật, đó là Chân Tâm. Chân Tâm là Tâm giải thoát không còn phiền não khổ đau.

 

KẾT LUẬN

          Cuối cùng, muốn đạt mục tiêu "Thoát Khổ, Giác Ngộ, Giải Thoát", thì phải tu tập thế nào cho Tâm luôn được thanh tịnh sáng suốt. Đức Phật thì nói rằng Tâm "hoàn toàn sạch lậu hoặc" là giải thoát. Phật Giáo Nguyên Thuỷ đòi hỏi Tâm này "không còn tham sân si" thì sẽ chứng quả A-La-Hán.  Phật giáo Phát Triển nói Tâm này là "tự ngã thanh tịnh" để chỉ Chân Tâm là Tâm Bậc Thánh, còn "tự ngã thanh tịnh tuyệt đối" để chỉ Tâm Phật.

          Trên đây Phật và chư vị Tổ chỉ mượn lời khác nhau nhưng cùng một ý nghĩa, để diễn tả cái chỗ không lời là chỗ yên lặng tuyệt đối. Như vậy cốt lõi của con đường tâm linh đi từ Tâm Phàm Phu đến Tâm Bậc Thánh hay cao hơn là Tâm Phật chính là sự thanh tịnh của Thân và Tâm. Tâm là ý nghĩ, là sự tác ý. Thân là hành động và lời nói. Tất cả ba nghiệp này thanh tịnh sẽ đưa đến toàn bộ thanh tịnh. Nhưng quan trọng nhất vẫn là cái Tâm, từ nơi Tâm mới sinh ra những động thái khác, ngay cả việc phát huy trí huệ cũng phát xuất từ cái Tâm định tĩnh chứ không từ đâu khác. Cho nên, sự thanh tịnh của Tâm như là một ly nước được lóng sạch những chất dơ bẩn, nước trong veo thì chúng ta có thể nhìn xuyên suốt tới tận đáy ly. Cũng vậy khi Tâm hoàn toàn trong sáng, không cấu nhiễm và định tĩnh... thì chuyện gì mà chúng ta không giải quyết được.

          Tóm lại, Tu Phật giúp cho Thân Tâm chúng ta được hài hòa, Tâm chúng ta được sáng suốt và cõi lòng chúng ta luôn từ bi cởi mở. Ở bước đầu này, chúng ta cảm nhận được sự an lạc hạnh phúc và nhận thấy mọi người thân cận chúng ta cũng hài hoà vui vẻ... Bấy nhiêu đây cũng đã là quá hạnh phúc rồi, nói chi đến việc chúng ta tu tới mức Giác Ngộ, Giải Thoát, được an trú trong Hữu Dư Niết Bàn một trạng thái Tâm vượt ra ngoài nhận thức thế gian thì còn gì để nghĩ bàn nữa.

          Chúng tôi tạm dừng bài viết nơi đây. Kính chúc quý vị an vui trong đời sống của người biết đạo. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

THÍCH NỮ HẰNG NHƯ

August 03-2018

 

           

           

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/06/2020(Xem: 7126)
Khóa Tu Học Mùa Dịch Corona tại Thụy Sĩ Trần Thị Nhật Hưng Để ngăn ngừa dịch bệnh Corona quái ác không có thuốc chữa, bùng phát từ đầu năm 2020, cả thế giới chung tay đối phó kêu gọi và ra lịnh mọi người cách ly. Không ai được tụ tập, mọi tổ chức hội họp lớn, nhỏ đã dự định đều phải đình chỉ. Người này người kia gặp nhau phải giữ khoảng cách 2 mét. Trong tình trạng đó, khóa tu học thứ 12 thường niên nhân dịp nghỉ lễ Thăng Thiên từ 21-24.5.2020 của anh em Gia Đình Phật Tử (GĐPT) Thiện Trí-Thụy sĩ định tổ chức cũng cùng chung số phận. Mọi người an tâm nằm nhà nghỉ dưỡng với tâm trạng nuối tiếc.
10/06/2020(Xem: 6197)
Dương Lệ Quyên tuổi ngoại tứ tuần thuê nhà ở trọ, cha chết, chồng con không có, cuộc sống vất vả. MC Lỗ Dự gần đây có gặp gỡ Dương Lệ Quyên - cô gái từng là fan cuồng của tài tử Hong Kong Lưu Đức Hoa, để tìm hiểu về cuộc sống của cô hiện tại. Từng một thời điên cuồng theo đuổi Lưu Đức Hoa, Dương Lệ Quyên ở tuổi ngoài 40 giờ đây đã thay đổi nhiều về quan điểm, suy nghĩ. So với nhiều năm trước, trạng thái tinh thần của cô cũng tốt hơn, không bấn loạn, rối bời như trước.
08/06/2020(Xem: 7150)
"Tự do" là một thuật ngữ ngày nay thường nghe nói đến trong mọi lãnh vực: xã hội, chính trị, luật pháp, tín ngưỡng, ngôn luận, truyền thông và cả nghệ thuật. Thế nhưng đôi khi chúng ta cũng có thể tự hỏi tự do là gì, ý niệm về sự tự do phát sinh từ lúc nào trong lịch sử tiến hóa của nhân loại? Dường như trong các xã hội ngày nay ngày càng có khuynh hướng biến nó trở thành một lý tưởng, một quyền hạn thiêng liêng, như vậy thì tự do thật sự là gì, phải chăng là một thứ gì có thật?
02/06/2020(Xem: 8522)
Sáng thức dậy mở cửa nhìn ra đường thấy cảnh nhiều người qua lại tấp nập, xe cộ dập dìu xuôi ngược không hề ngưng như dòng nước chảy mãi không dứt; dòng đời cũng chỉ như thủy triều lên xuống mỗi ngày hai lượt liên lỉ kéo dài. Quan sát dòng người tất bật di chuyển ấy ta có thể tạm phân ra hai thành phần: thành phần khá giả và thành phần nghèo khó qua cách ăn mặc và phương tiện giao thông của họ rất dễ nhận ra. Có khi nào quí bạn tự hỏi tại sao nhìn số đông người lại biết thừa hay thiếu?
02/06/2020(Xem: 6053)
Đức Đạt Lai Lạt Ma chia sẻ trực tiếp với khán thính giả toàn cầu trong thời kỳ Quán đỉnh Đức Quán Thế Âm Tự tại Thế gian, được ban diệu pháp âm tại nơi cư trú của Ngài, Daharamsala vào ngày 30 và 31 tháng 6 năm 2020. Ảnh: Tenzin Jamphel. Dalailalama.com
31/05/2020(Xem: 7418)
Đôi khi một nụ cười lả lơi, một liếc mắt say đắm, một lần nắm tay bất chợt cũng có thể dẫn tới một tai họa vô cùng lớn lao. Cũng y hệt một tia lửa nhỏ có thể làm phựt cháy cả một khu rừng khổng lồ. Một thí dụ rất cụ thể: nếu ngài Anan sa ngã, số lượng kinh Phật có thể sẽ chỉ còn có phân nửa. Trí nhớ của ngài Anan rất mực siêu đẳng, nhớ hơn 10,000 Kinh Phật trong Tạng Pali.
29/05/2020(Xem: 12507)
Trưởng lão cư sĩ Hứa Triết (許哲, Teresa Hsu Chih, 7/7/1897-7/12/2011), trước danh Cư sĩ, danh tự tiếng Anh là “(Teresa, tiếng Trung: 德蕾莎)” tên tiếng Phạn là “Prema, (愛人)”, chào đời tại Sán Đầu, thành phố ven biển thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Sinh thời, bà đến lớp tiểu học năm lên 27 tuổi, học Y khoa chuyên ngành Điều dưỡng ở tuổi 47, thành lập một Viện Dưỡng lão độc lập ở tuổi 67, học Yoga (瑜伽) ở tuổi 69, học Phật ở tuổi 90, dụng công học tiếng Trung ở tuổi 100, và 101 tuổi quy y Phật môn.
29/05/2020(Xem: 6477)
Tâm thế gian là tâm tràn đầy ham muốn ích kỷ, những ai luôn sống với tâm này sẽ huân tập nhiều tập khí, lậu hoặc gọi chung là nghiệp. Nghiệp thì có nghiệp xấu và nghiệptốt. Nhưng đa phần người ta dính nhiều với nghiệp xấu hơn là nghiệp tốt. Đã tạo nghiệp, thì phải chịu luân hồi sinh tử để thọ quả báo.
27/05/2020(Xem: 6371)
Bài viết, kỷ niệm 50 ngày thành lập Cộng đồng đa dạng văn hóa tín ngưỡng gồm 10 quốc gia ASEAN!
27/05/2020(Xem: 5094)
Năm nay đánh dấu kỷ niệm 40 năm, kể từ khi Khánh thành Bảo tàng Khảo cổ Thung lũng Bujang (the Bujang Valley Archaeological Museum), tọa lạc tại Merbok, Kedah, một bang phía tây bắc của Bán đảo Malaysia.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]