Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chánh Niệm Tỉnh Giác

20/07/201821:04(Xem: 6319)
Chánh Niệm Tỉnh Giác
Chánh Niệm Tỉnh Giác

(Từ Mindfulness đến Awareness)

THÍCH NỮ HẰNG NHƯ

 Hình sư cô Hằng Như 7-2018

          Xã hội tân tiến ngày nay, đã khiến cho con người không còn sống trong sự bình thản như ngày xưa, bởi vì nền văn minh kỹ thuật cơ khí, điện tử đã lôi cuốn người ta gia nhập và chạy đua với thời gian. Cái gì cũng phải nhanh, phải vội, cuộc sống bon chen, không ai chờ đợi ai. Chính vì thế nên đầu óc con người không lúc nào trụ yên một chỗ để nghỉ ngơi, mà luôn tích cực hoạt động để thực hiện những điều mới lạ nhằm phục vụ cho bản thân mình, hoặc phục vụ cho tha nhân. Tuy nhiên đã là con người thì không ai tránh khỏi lòng tham và ích kỷ. Do đó, mỗi người một cách, tuỳ theo khả năng hoàn cảnh của mình mà lăn xả vào cuộc đời, nhắm mắt nhắm mũi gia tăng tốc lực chạy về phía trước. Họ tranh thủ thời gian, vận dụng toàn bộ sức khoẻ lẫn tinh thần để phấn đấu, tranh danh đoạt lợi và sẳn sàng trừ khử lẫn nhau trên thương trường, bất chấp những mưu mô xảo trá.

          Đó là chưa kể đến môi trường sống ngày thêm tồi tệ vì độc khí thải ra từ các công xưởng kỹ nghệ ảnh hưởng nặng nề đến sức khoẻ của con người. Do đó thể chất lẫn tinh thần của con người bị căng thẳng và khủng hoảng tột cùng, đồng thời những căn bệnh thời đại bắt đầu xuất hiện, và sự xuất hiện này, ngày một nhiều hơn tác động thẳng đến con người khiến họ vô cùng đau đớn và khổ sở. Đó là những căn bệnh tâm thể phát xuất do tâm rối loạn gây nên như nhức đầu, hồi hộp, khó thở, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy nhược thần kinh, mặc cảm, bứt rứt, lo âu, sợ hãi, trầm cảm, alzheimer, mất ký ức, hoang tưởng và những biến chứng nguy hại về mặt tâm thần khiến người ta chán sống đi tìm cái chết ..v.v...

          Trong số hằng triệu người lặn ngụp trong cơn khủng hoảng khiếp đảm đó, có nhiều người đã thức tỉnh, kịp nhận ra sự mất cân bằng trầm trọng nơi bản thân,  nên quay về chăm sóc đời sống tinh thần và tâm linh của mình bằng cách "học thiền".

          Thiền là gì? Thiền thật ra không có gì cao siêu huyền bí, mà Thiền chỉ là một chân lý sống của con người tỉnh thức. Họ cũng sống như bao người khác, nhưng không phải sống bằng sự chạy đua với vật chất bên ngoài, mà sống với cái tâm bình thản thư giãn không dính mắc không phiền muộn và dĩ nhiên là không mệt mỏi, khổ đau. Họ sống bằng cách nào? Họ cũng ăn, cũng uống, cũng ngủ nghỉ, cũng làm việc như bao nhiêu người khác, nhưng việc nào ra việc đó. Tâm họ không bị quấy rối bởi việc nọ xọ vào việc kia. Sự hiểu biết và suy tư có trật tự đó, trong đạo Phật gọi là "Chánh Niệm".  Chánh Niệm được xem như là cội nguồn, là gốc rễ để Tâm được an tịnh. Khi tâm an thì thân khoẻ và trí tuệ sáng suốt hơn.

 

CHÁNH NIỆM LÀ GÌ ?

          Chánh niệm tiếng Pàli là "Samasati" (P) hay tiếng Sanskrit gọi là "Samyaksmrti" (Skt), có nghĩa là sự nhận biết đúng, tương đương với tiếng Anh là Correct Thinking, Right Mindfulness or Right Awareness. Trong Phật giáo từ "Sati" có nhiều ý nghĩa, nội dung khác nhau tuỳ theo cách xử dụng tương ứng với tiếng Việt. Thí dụ như: Suy nghĩ (điều gì đó trong đầu). Sự ngẫm nghĩ, Sự chú ý, Sự chú tâm (Mindfulness về một đối tượng nào đó). Sự nhận biết (Awareness rõ ràng về điều gì). Tưởng nhớ (đến điều tốt lành) hay Chối bỏ (những điều xấu xa). Chánh Niệm còn có nghĩa là lúc nào cũng "Tỉnh Giác".

          Chánh Niệm không có nghĩa là chọn lựa (do sự vận dụng của trí óc) và giữ lấy ý niệm thiện lành vừa khởi lên hoặc xua đuổi ý niệm xấu ác trong Tâm, mà Chánh Niệm có nghĩa là biết rõ ràng điều gì qua giác quan một cách vô tư không phê phán. Nói cách khác Chánh Niệm là sự tỉnh giác không quên điều đang xảy ra, biết rõ (tuệ tri) các pháp (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) một cách trọn vẹn tức là biết rõ những gì đang có mặt trước giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) ngay trong thời khắc "bây giờ và ở đây", một cách khách quan tuyệt đối.

          Theo Phật Giáo Nguyên Thuỷ, Chánh Niệm là sự nhận biết của Tâm (the awareness of the mind). Đây là trạng thái Tâm hoàn toàn yên lặng mà vẫn biết rõ ràng và đầy đủ về một pháp nào đó (đối tượng) đang xảy ra trong thân hay ngoài thân.

          Chánh Niệm là pháp được Đức Phật dạy đệ tử áp dụng trong 4 oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi, trong bất cứ trường hợp nào như khi ăn uống, khi mặc áo, khi máng áo, khi đi, khi ngồi, khi quay đầu nhìn hay ngay cả khi đại tiểu tiện v.v... Chánh Niệm vững chắc tạo ra năng lượng giúp Tâm nhận diện rõ ràng những gì đang xảy ra cho chính ta và những người xung quanh. Người ta nói Tâm quay về với Thân hay Thân Tâm cùng có mặt khi chúng ta có Chánh Niệm. Nếu Thân một nơi, Tâm một ngã, đó là chúng ta đã bị Thất Niệm.

 

CHÁNH NIỆM (RIGHT MINDFULNESS)

THEO NGHĨA THÔNG THƯỜNG TRONG THẾ GIAN

          Thông thường từ "Sati" được dịch sang tiếng Anh là "Mindfulness" nghĩa là "sự chú tâm, chú ý, tập trung vào một đối tượng" hay "gom tâm vào một đối tượng" để Tâm được yên lặng. Khi Tâm bận chú ý đến một đối tượng thì không thể suy nghĩ lan man hay mơ mộng đến những điều gì khác.

          Thí dụ : Khi làm bất cứ việc gì bằng tay chân như tụng kinh, gõ mõ, lần tràng hạt, niệm Phật, may vá, lặt rau, rửa chén, lái xe, làm vườn, giải phẫu, nhổ răng, sửa sắc đẹp, làm móng tay, gỏ computer, làm đồ nữ trang, vẽ tranh ảnh, quan sát hay theo dõi đối tượng, ngay cả việc hành nghề đạo chích (trộm cắp đồ đạc của người khác ) v.v... Khi thực hiện một trong các công việc nêu trên, chúng ta phải chú tâm và chú ý vào những gì liên hệ đến công việc. Nếu không, thì chúng ta khó đạt mục tiêu nhắm đến lúc ban đầu, sẽ thất bại hoặc có thể xảy ra tai nạn vì bất cẩn không chú ý.

          Như vậy tác dụng của "sự chú tâm chú ý" này, trước hết giúp chúng ta có khả năng ngăn chận sự xao lãng, lo ra, hoặc hạn chế sự phóng tâm hay suy nghĩ linh tinh vào những việc khác. Trên thực tế làm việc gì mà chúng ta không toàn tâm toàn ý, nghĩa là Tâm không trụ vào đối tượng hay công việc sẽ đưa đến thất bại và dễ gây tai nạn.

          Do đó, bằng Chánh Niệm với sự chú tâm và chú ý (Right Mindfulness), Chánh Niệm này không phải là phương tiện dành cho người thực hành Thiền để đạt được Tâm an tịnh, vì với Chánh Niệm này Tâm vẫn đang ở trong trạng thái nhị nguyên, vẫn có chủ thể là Ý Căn, Ý Thức, Trí Năng. Tâm tự nó luôn luôn có đối tượng, đối tượng đó có khi chỉ là đang niệm Phật trong Tâm, hay dính mắc với niệm rửa chén, niệm quét nhà hay niệm thiền hành. Toàn bộ những niệm này là niệm Biết có lời (verbal knowledge).

          Tuy nhiên, nếu muốn hạn chế Tâm lo ra để dễ tập trung tâm ý vào một việc, thì phương pháp này có hiệu quả tốt nhất.

 

CHÁNH NIỆM (RIGHT AWARENESS )

THEO NGHĨA TRONG BÁT CHÁNH ĐẠO

          Chánh Niệm là chi thứ bảy trong tám chi của Bát Chánh Đạo (Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định). Chánh Niệm ở đây có nghĩa là "nhận biết không lời" (wordless awareness) về đối tượng một cách rõ ràng đầy đủ mà không có tự ngã hiện diện (để suy nghĩ, phân tích hay so sánh hoặc mong cầu điều gì), Biết không lời là đặc tính của Chánh Niệm cũng là đặc tính của Tánh Giác.

          Vì thế, khi xuất hiện trong Bát Chánh Đạo, "sati" có nghĩa là "nhận biết" (awareness). Đây là sự nhận biết đối tượng ngay tức khắc mà Vọng Tâm không có mặt. Nó không giống như trạng thái tâm chú ý, tập trung (Mindfulness). Khi tập trung thì Vọng Tâm có mặt. Vọng Tâm có mặt là có xung đột, Tâm không bao giờ yên lặng nên không thể đi đến Chánh Định được.

 

                                      CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC

TRONG BỐN TẦNG THIỀN CỦA ĐỨC PHẬT

          Nghiên cứu "Tiến Trình Tu Chứng Và Thành Đạo của Đức Phật" chúng ta biết rằng "Chánh Niệm Tỉnh Giác" là kết quả của tầng Thiền thứ ba trong bốn tầng Thiền, đó là: Sơ Thiền, Đức Phật kinh nghiệm "Định Có Tầm Có Tứ". Nhị thiền đạt "Định không Tầm không Tứ". Tam thiền Ly Hỷ Trú Xả đạt "Chánh Niệm Tỉnh Giác", Tứ thiền đạt "Định Bất Động" chứng ngộ tuệ giác về ba minh.

          Ở mức độ "Chánh Niệm Tỉnh Giác" này chúng ta có thể hiểu rằng thiền giả đang an trú trong Tánh Giác, Tâm thiền giả hoàn toàn yên lặng, không dính mắc với bất cứ những gì xảy ra trong thân cũng như ngoài thân mặc dù thiền giả biết rõ ràng và chính xác những gì đang xảy ra. Có thể nói thiền giả hiện là nhân chứng giữa Tâm và cảnh lúc bấy giờ.

THỰC TẬP CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC

          Mục đích của Thiền là hành trì tu tập để thay đổi quán tính vọng động của Tâm thường gọi là Vọng Tâm, sang quán tính yên lặng sáng suốt với niệm biết không lời gọi là Chân Tâm. Khi Tâm hoàn toàn định tỉnh, yên lặng vững chắc mà vẫn có  nhận thức biết không lời thì gọi là Định hay Chánh Định. Chánh Định là chi thứ tám trong Bát Chánh Đạo tương đương với tầng Định thứ tư là tầng Định cao nhất trong bốn tầng Định mà Đức Phật đã trải nghiệm và thành đạo.

          Muốn thực tập Thiền Chánh Niệm, trước hết người tập phải xử dụng Trí Năng Tỉnh Ngộ để tu tập. Trí Năng Tỉnh Ngộ giữ vai trò chú ý, chú tâm vào một đối tượng hay một điểm nào đó để cột Tâm lại không cho Tâm tán loạn. Thí dụ như tu tập đề mục "Định Niệm Hít Vào Thở Ra" (Anapànasati Samàdhi). Ban đầu hành giả chú tâm chú ý nói ra lời "Tôi biết tôi hít vào." "Tôi biết tôi thở ra" khi hít vào thở ra. Đây là đơn niệm Biết có lời, nghĩa là câu nói chỉ một nội dung duy nhất là biết mình đang hít vào thở ra mà thôi. Kết quả Tâm được yên lặng, có Định nhưng không vững chắc, thuật ngữ gọi đây là trạng thái của Thiền Chỉ (Samatha Bhavanà). Giai đoạn này là giai đoạn Tầm (Vitakka/sự nói thầm trong đầu) tắt Tứ (Vicàra/đối thoại thầm lặng hay lầm bầm trong đầu không ngừng). Tức lời nói do hành giả tự động nói ra sẽ tắt đi những vọng tưởng nói thầm qua lại từ trong ký ức khởi lên.

          Bước kế tiếp là giữ Chánh Niệm về hơi thở vào ra bằng cách thầm nhận biết không lời về hơi thở vào ra đó. Hơi thở dài biết dài, hơi thở ngắn biết ngắn, hơi thở nặng nề khó chịu biết hơi thở nặng nề khó chịu. Kết quả ngôn hành (Tầm Tứ) yên lặng, hành giả kinh nghiệm Định Không Tầm Không Tứ.

          Bước thứ ba Nhận Biết Không Lời rõ ràng đầy đủ về những gì đang xảy ra trên thân, trong thân (thân, thọ, tâm, pháp) hay những gì xảy ra xung quanh (ngoại thân) trong hiện tại bây giờ và ở đây, mà Tâm hoàn toàn yên lặng không dính mắc.Tầng định này gọi là Chánh Niệm Tỉnh Giác. Từ Chánh Niệm sẽ đưa đến Chánh Định.

           

 

 

KẾT LUẬN

          Thiền không phải chỉ dành cho các vị xuất gia tu tập để đạt giác ngộ giải thoát, mà Thiền còn dành cho tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, quốc gia để có được đời sống hiện tại an vui hạnh phúc. Chìa khoá để đạt sự an lạc này là Chánh Niệm, cho nên chúng ta phải tập sống trong Chánh Niệm. Nói theo thuật ngữ nhà Phật là an trú trong Chánh Niệm. Chánh Niệm đi đôi với Tỉnh Thức. Vắng Tỉnh Thức chúng ta dễ dàng mất Chánh Niệm gọi là Thất Niệm. Khi Thất Niệm thì Tâm sẽ tán loạn mất năng lượng vì định lực không có, khiến Tâm ta yếu đuối dễ xúc cảm, dễ rơi vào trạng thái phiền não khổ đau.

          Thực tập sống trong Chánh Niệm khó, nếu chúng ta không có mục tiêu tức hướng tới, cũng như không có sự cương quyết, kiên nhẫn và pháp hành. Nếu chúng ta có đầy đủ những sự kiện trên thì chúng ta sẽ kinh nghiệm sự an vui hạnh phúc không mấy khó khăn. Thực tập Thiền không phải chỉ ngồi yên một chỗ tư duy quán chiếu về một đề mục, mà chúng ta còn cần phải thực tập trong bốn oai nghi tức là những hoạt động trong đời sống hằng ngày. Chúng ta thực tập qua giác quan mắt thấy, tai nghe, lưỡi, mũi, thân xúc chạm.

          Chẳng hạn như nhìn thấy vật gì, chúng ta nhìn vật ấy bằng cái nhìn khách quan không để Ý Thức phân biệt khen chê so sánh. Đó là chúng ta đang tập sống trong Chánh Niệm.

          Tới giờ ăn cơm, chúng ta cho cơm cùng với thức ăn vào miệng, khi nhai thức ăn, chúng ta đặt niệm biết của chúng ta vào việc nhai cơm và thức ăn, chúng ta biết mùi vị của thức ăn như thế nào, chúng ta thưởng thức nó nhưng không có một ý nghĩ nào khác ngoài niệm biết chúng ta đang ăn. Đó là chúng ta đang ăn cơm trong Chánh Niệm.

          Khi bước lên cầu thang chúng ta đặt niệm biết trên từng bước chân. Khi bước lên mỗi bậc thang, chúng ta cảm nhận chân của chúng ta như thế nào, khi đặt bàn chân xuống chân của chúng ta ra sao? Chúng ta cảm nhận sự xúc chạm của bàn chân. Đó là chúng ta đang bước đi trong Chánh Niệm.

          Khi vào buồng tắm đưa tay vặn vòi sen, chúng ta biết chúng ta đang làm động tác mở vòi sen. Đó là chúng ta vặn vòi sen trong Chánh Niệm.

          Khi vòi sen toả những tia nước xuống thân thể. Chúng ta biết nhiệt độ nước quá lạnh, chúng ta điều chỉnh sang độ nước ấm. Khi nhiệt độ nước thích hợp với cơ thể, chúng ta biết nhiệt độ vừa phải thích hợp với nhiệt độ cơ thể của chúng ta. Chúng ta kỳ cọ trên thân đến đâu, chúng ta biết. Đó là chúng ta tắm trong Chánh Niệm.

          Thời gian thực tập ban đầu, có thể chúng ta dễ bị Thất Niệm. Khi phát giác ra chúng ta đang Thất Niệm có nghĩa là chúng ta đã Tỉnh Thức. Tỉnh Thức nhận ra chúng ta đang không có Chánh Niệm.

          Chánh Niệm có công năng tiêu trừ sự dính mắc nên những áp đặt hay trói buộc của Kiết Sử truyền thống trong gia đình, sở làm, xã hội không ảnh hưởng đến Tâm. Những giây phút sống trong Chánh Niệm là những giây phút mà Tâm chúng ta thanh thản, nhẹ nhàng và bình yên. Tín hiệu yên bình này tác động vào hệ thống thần kinh Đối Giao Cảm tiết ra những chất sinh hoá học có lợi cho cơ thể giúp hài hoà Thân Tâm của chúng ta. Thân Tâm chúng ta được hài hoà thì Thân khoẻ Tâm an. Thân khoẻ Tâm an, thì chúng ta cảm thấy hạnh phúc. Năng lượng khoẻ khoắn hạnh phúc này tạo ra năng lượng từ bi thúc giục chúng ta thương yêu và giúp đỡ người khác để họ cũng được sống trong an vui hạnh phúc như chúng ta.

          Tất cả những kết quả tốt đẹp đó đến với đời sống của chúng ta có phải là do chúng ta đã tinh tấn tu tập và sống trong Chánh Niệm Tỉnh Thức hay không? Câu hỏi được đặt ra đã có sẵn câu trả lời. Câu trả lời giúp chúng ta hiểu tại sao sống trong thế giới văn minh kỹ thuật tiến bộ vượt bực, có đầy đủ tiện nghi, mà trên thế giới này vẫn có rất nhiều người không màn hưởng thụ vật chất, lại quay về với đời sống tâm linh của họ bằng cách "học thiền". Chính nhờ "học thiền", biết cách sống trong Chánh Niệm mà con người mới thật sự được an lạc hạnh phúc, mới điều chỉnh được mọi nhiễu nhương phiền não mang tới từ đời sống. Thật quý hoá thay!

THÍCH NỮ HẰNG NHƯ

15/7/2018

Tài liệu:

Dựa theo giáo trình giảng dạy của HT Thích Thông Triệt trong các lớp Bát Nhã cao cấp tại các đạo tràng Thiền Tánh Không.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/09/2010(Xem: 10925)
Gốc tiếng Phạn của chữ cà-salà kasaya.Nhưng thật sự chữ kasayatrong tiếngPhạn không có nghĩa là áomà có nghĩa là bạc màu, cáu cặnhay hư hoại. Sách tiếng Hán dịch chữ này là đạm(màu nhạt), trọchay trược (đục, dơ bẩn, ô nhiễm, rác bẩn), hoặc còn dịch là hoại sắc,bất chính sắc, hư nát, dính bẩn…Tóm lại chiếc áo cà-sacủa người xuất gia tu Phật, của hàng tỳ kheo,…tượng trưng cho những gì nghèonàn, thô sơ, tầm thường, và khiêm nhường nhất. Người đọc, nếu chưa có ý niệm gìvề chiếc áo của một nhà tu Phật giáo, cũng có thể hơi ngạc nhiên khi đọc nhữngđiều vừa nêu trên đây.
10/09/2010(Xem: 58790)
Một cuộc đời một vầng nhật nguyệt (quyển 3) Vào thời không có đức Phật Chánh Đẳng Giác ra đời, tại vùng Allakappa bị dịch bệnh hoành hành, lây lan từ người này sang người khác, nhà này sang nhà khác làm cho rất nhiều người chết, đói kém xảy ra khắp nơi. Những người còn mạnh khỏe, chưa bị lây nhiễm
08/09/2010(Xem: 7012)
Chịu đựng sự nhục nhã và lời thóa mạ là đức tính quan trọng nhất mà mỗi ngươi có thể rèn luyện, bởi vì sức chịu đựng là vô cùng mạnh mẽ, tại vì chỉ một giây phút tức giận là có thể phá hủy hết công đức của cả một đời người.
07/09/2010(Xem: 8262)
Chúng ta chỉ có một địa cầu. Người Phật tử và những người có lương tri trên hành tinh này đều giống nhau, đều khát vọng an bình toàn cầu, như cọng cỏ khát ánh mặt trời, như cá khát dòng sông êm dịu. Thế nhưng, khi chúng ta đứng trên một bình diện nào đó của địa cầu, huớng về khát vọng, chúng ta sẽ thất vọng phát hiện: quả địa cầu này tràn đầy bạo động và bất an, chiến tranh cục bộ, tranh giành quân bị, xung đột địa giới, dân tộc mâu thuẫn, giáo phái phân tranh, chủng tộc kỳ thị, tà giáo ngang ngược, khủng bố đe dọa, buôn chích ma túy, tàn phá môi trường, tài nguyên cạn kiệt, giàu nghèo chênh lệch, tội phạm gia tăng, công chức hủ hóa, HIV hoành hành và vô số bệnh thái sa đọa khác của xã hội loài người. Tất cả đó, dù trực tiếp hay gián tiếp, đã và đang phủ lên một màu sắc u ám, đe dọa đến sự an bình trên quả địa cầu này.
04/09/2010(Xem: 12492)
Tôi được một vị Tăng sinh ở Saigon mời góp ý kiến về Bát Kính Pháp khoảng hai tuần trước, nhưng vì khá bận rộn với những công việc tại đây (vừa lo thi cử cho việc trường lớp xong thì lại có duyên sự Phật sự 10 ngày tại Minnesota) nên đã khất hẹn với vị ấy là: khi nào tranh thủ được thời gian thì tôi sẽ xem xét vấn đề kỹ hơn để bàn cùng quý vị. Lúc ấy tôi nghĩ rằng: những vị Tăng sinh này sẽ tìm được câu trả lời cho những nghi vấn liên quan đến Bát Kính Pháp nhanh chóng thôi, vì ở Việt Nam hiện có rất nhiều chư Tôn Đức chuyên nghiên cứu, hiểu sâu sắc và hành trì Luật tạng miên mật, các vị dễ dàng đến đảnh lễ thưa hỏi.
04/09/2010(Xem: 7619)
Đọc xong những câu chuyện của các phụ nữ ở Hoa Kỳ và kinh nghiệm của các vị đối với đạo Phật, chúng tôi đã rất hoan hỷ và xúc động trước những nhận thức sâu xa của họ về cuộc sống, con người và môi trường chung quanh... Những lời dạy của đức Phật vừa nhiệm màu vừa thực tiễn đến làm sao! Những lời giảng dạy ấy đã chữa lành, loại bỏ những khổ đau và đem lại sự bình an, hạnh phúc đến hàng vạn con người trong nhiều thế kỷ qua. Sau đây là các câu chuyện của những phụ nữ người Hoa Kỳ từ các nguồn gốc khắp nơi trên thế giới. Những câu chuyện về hạnh phúc và sự sống trong tỉnh thức của họ qua sự tu tập và trở về với Đạo Phật. Chúng tôi xin hân hạnh giới thiệu và chia xẻ cùng bạn đọc.
02/09/2010(Xem: 7522)
Phiêu linh bao kiếp luân hồi - Phút giây hội ngộ, đời đời khổ đau - Mịt mùng tăm tối lạc nhau- Mang mang sáu cõi lao đao kiếm tìm
30/08/2010(Xem: 9884)
Nhiều người cho rằng Phật giáo là một tôn giáo nên không có sự quan hệ với vấn đề kinh tế đó là nhận định sai lầm, bởi vì con người là một hợp thể do ngũ uẩn tạo thành chia làm hai phần là Vật chất (sắc) và tinh thần (danh). Con người không thể chỉ dựa vào tinh thần không thôi mà có thể tồn tại được, nhưng con người cũng không thể chỉ là động vật thuần nhất về kinh tế vật chất.
30/08/2010(Xem: 10190)
Đạo đức là ngành học đánh giá các hành vi con người biểu hiện qua các hành động của thân, lời và ý do lý trí, ý chí và tình cảm cá nhân thực hiện. Các nhà tư tưởng và các nhà đạo đức thường quan niệm khác nhau về giá trị, tiêu chuẩn giá trị. Dù vậy, vẫn có nhiều nét tư tưởng gặp gỡ rất cơ bản về ý nghĩa đạo đức, nếp sống đạo đức mà ở đó giá trị nhân văn của thời đại được đề cao.
30/08/2010(Xem: 9448)
Tất cả chúng ta đều mong ước sống trong một thế giới an lạc và hạnh phúc hơn. Nhưng nếu chúng ta muốn biến nó trở thành hiện thực, chúng ta phải bảo đảm rằng lòng từ bi là nền tảngcủa mọi hành động. Điều này lại đặc biệt đúng đối với các đường lối chủ trương về chính trị và kinh tế.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]