Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thử Đề Nghị Một Phương Thức Kết Hợp Những Người Con Phật .....

19/07/201817:24(Xem: 7392)
Thử Đề Nghị Một Phương Thức Kết Hợp Những Người Con Phật .....



an-cu-ky19-day10-qua duong-kinh hanh-58

THỬ ĐỀ NGHỊ MỘT PHƯƠNG THỨC KẾT HỢP

PHẬT TỬ NGƯỜI VIỆT TRONG NHIỀU CHI NHÁNH

CÙNG SINH HOẠT VỚI NHAU

Nguyên Toàn

  

“Thử Đề Nghị Một Phương Thức Kết Hợp Những Người Con Phật Trong Nhiều Chi Nhánh Phật Giáo Việt Nam Cùng Sinh Hoạt Với Nhau” là một đề tài tế nhị, khó nói, và nói ra cũng rất khó tìm được sự đồng thuận của hầu hết chư Tôn Đức và đồng bào Phật tử hiện đang sinh hoạt trong nhiều chi nhánh Phật Giáo Việt Nam.  Đề tài này hàm ngụ hai lãnh vực nội dung và hình thức sinh hoạt, và bao gồm ba hình thái tổ chức là các Giáo Hội Phật Giáo, các Hội Cư Sĩ, và các hệ thống Gia Đình Phật Tử. 

Bàng bạc trong Kinh Luận, Đức Phật đã dạy phương pháp tu học tùy theo căn cơ của mỗi người; và đã là con người sống trong xã hội thì tất nhiên có nhiều suy nghĩ và hành động khác nhau, Đức Phật cũng đã dạy phương pháp hòa giải các tranh chấp trong Tăng Đoàn.  Để giải quyết vần đề thiếu hòa hợp trong sinh hoạt Phật Giáo Việt Nam hiện nay thì không gì thích hợp hơn là nương theo lời dạy của Đức Phật.

 

I.- PHẬT GIÁO THỐNG NHẤT LÀ THỐNG NHẤT NAM TRUYỀN VÀ BẮC TRUYỀN.

 

Hiện nay có rất nhiều người sử dụng Internet, và Internet đem lại cho chúng ta vô vàn lợi ích nhưng cũng không ít tai ương.  Qua Internet, một số Phật tử hoang man về phương pháp tu học của họ và họ không biết phương pháp tu học nào là đúng với Chánh Pháp.  Sở dĩ có tình trạng đó là vì một số Tăng sĩ thuyết pháp qua video trên youtube chống trái nhau về Phật lý căn cứ vào hai truyền thống văn học Phật giáo Nam truyền Pali tạng và Bắc truyền Hán tạng.

Lời Nói Đầu của Hiến Chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ban hành năm 1964 đã xác định “Công bố lý-tưởng Hòa-bình của giáo-lý Đức Phật, hai tông phái Phật-giáo Bắc Tông và Nam Tông tại Việt-Nam thực-hiện nguyện-vọng thống-nhất thực-sự đã hoài-bão từ lâu để phục-vụ nhân-loại và dân-tộc: đó là lập-trường thuần nhất của Giáo-Hội Phật-Giáo Việt-Nam Thống-Nhất.Giáo-Hội Phật-Gíao Việt-Nam Thống-Nhất không đặt sự tồn tại của mình nơi nguyên vị cá biệt mà đặt sự tồn tại trong sự tồn tại của Nhân loại và Dân tộc.Quan niệm thống nhất Phật Giáo Việt Nam để thực hiện theo chủ trương điều hợp, nghĩa là giáo lý, giới luật và nếp sống của hai tông phái cũng như của hai giới tăng sĩ và cư sĩ chẳng những được tôn trọng mà còn phải nỗ lực phát triển trong sự kết hợp có chỉ đạo.  Chính đó là sắc thái đặc biệt của nền Phật giáo thống nhất tại Việt Nam.”

Thật vậy, về phương diện Phật lý thì hai truyền thống văn học Nam truyền và Bắc truyền không có gì khác biệt. 

Cố Đại lão Hòa thượng Thích Minh Châu, Tiến sĩ Phật học, Viện trưởng Đại học Vạn Hạnh, một vị cao tăng uyên bác và vô cùng tâm huyết, đã hy hiến nhiều công sức để phiên dịch toàn bộ Kinh Bộ Pali sang Việt ngữ, một công trình văn học thật quý báu mà ngay cả người Trung Hoa cũng chưa thực hiện được một bộ Kinh Bộ Pali bằng Hoa văn như thế.  Hòa thượng đã viết “Đọc kỹ tiến trình tư tưởng Phật giáo, chúng ta sẽ thấy các luận sư không vị nào là không muốn diễn đạt cho thật sự trung thành giáo nghĩa nguyên thủy của đức Từ Phụ.  Dầu cho sự diễn đạt đặt dưới nhiều quan điểm và khía cạnh sai khác, lồng vào những bối cảnh có thể nói là mâu thuẫn, nhưng chúng ta vẫn nhận thấy những sóng ngầm đồng nhất, thật sự nguyên thủy trong sự cố gắng trung thành của các nhà luận sư.  Cho nên quan điểm của một số học giả cho rằng những gì

ngoài ba Tạng Pàli là ngụy tạo thì quan điểm đó vừa nguy hiểm, vừa nông nổi nếu không phải là lạc hậu.”[1]

Hòa thượng Walpola Rahula (1907-1997), một học giả Phật giáo Theravada của Tích Lan (Sri Lanka), Tiến sĩ Triết học, Giáo sư Đại học Northwestern University, Illinois, đã viết về Phật giáo Bắc truyền Mahayana và Phật giáo Nam truyền Theravada như sau.

“Tôi đã nghiên cứu Phật giáo Bắc truyền Mahayana trong nhiều năm và càng nghiên cứu tôi lại càng thấy không có gì khác biệt giữa Phật giáo Nam truyền Theravada và Phật giáo Bắc truyền Mahayana về giáo lý căn bản của Đức Phật. 

  • Cả hai đều công nhận Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là Bậc Đạo Sư.
  • Tứ Thánh Đế, Bát Chánh Đạo, và Lý Duyên Sinh hay Lý Duyên Khởi đều hoàn toàn giống nhau giữa hai trường phái.
  • Cả hai đều không chấp nhận có một Đấng Tối Cao đã sáng tạo và ngự trị thế giới này.
  • Cả hai đều công nhận Vô Thường, Khổ, Vô Ngã và Giới, Định, Tuệ mà không có một khác biệt nào.

Đấy là những giáo lý quan trọng của Đức Phật và đã được công nhận hoàn toàn bởi hai trường phái mà không nghi vấn gì cả.”[2]

Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ trong dịch phẩm Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận cũng đã viết lời nhận định “Phật giáo cũng như cái cây có ba phần: phần gốc, phần thân cây và phần ngọn bao gồm nhiều cành lá.  Phần gốc là Phật Giáo Căn Bản, phần thân cây là Phật Giáo Nam Truyền, phần cành lá là Phật Giáo Bắc Truyền.  Người ta không thể nào tưởng tượng được sự tồn tại của một cái cây mà không có gốc nhưng nếu chỉ có gốc không thôi thì cây ấy không còn sức sống; hoặc giả có gốc, có thân cây mà không có cành lá thì cây ấy cũng như cây trong mùa đông, không khỏi gây cho người ta cái ấn tượng trơ trụi tiêu điều.”[3]

Người viết đã nhiều lần phát biểu trên các Diễn Đàn Tu Học Phật Pháp rằng chúng ta không thể tưởng tượng được là một cây xanh có thể sống mà không có lá vì tuy gốc rễ là rất cần thiết để hút nhựa nguyên đưa lên thân cây và cành lá, nhưng chính tại những chiếc lá thì nhựa nguyên mới được biến thành nhựa luyện để nuôi cây, tức là nuôi cả gốc rễ, thân cây, và cành lá để cây sống còn và phát triển.  Diễn trình biến nhựa nguyên thành nhựa luyện tại chiếc lá gọi là quá trình quang hợp lục diệp tố; tại đó, lá cây đón nhận nhiệt lượng, ánh sáng, và dưỡng khí oxy để chuyển hóa nhựa nguyên thành nhựa luyện, một dạng lương thực để nuôi cây.

Do vậy, là một người Phật tử, chúng ta phải tôn trọng cả hai truyền thống Nam Truyền Theravada và Bắc Truyền Mahayana vì thật sự mọi kinh luận Phật Giáo Bắc Truyền Mahayana đều bắt nguồn từ tư tưởng Phật Giáo Nguyên Thủy và Phật Giáo Nam Truyền Theravada; chẳng hạn như, cốt lõi của Kinh Hoa Nghiêm là nguyên lý trùng trùng duyên khởi, của Kinh Bát Nhã là tánh không, của Kinh Pháp Hoa là chư pháp chân thật tướng, và của Kinh Kim Cang là ưng vô sở trụ …[4]

 

II.- KẾT HỢP SINH HOẠT CHUNG CỦA CÁC TỔ CHỨC PHẬT GIÁO THEO TIẾN TRÌNH BA BƯỚC HỢP TÁC, HỢP LỰC, VÀ HỢP NHẤT.[5]

 

Nhiều Phật tử thiết tha với sự đoàn kết giữa những người con Phật tại hải ngoại nên đã thảo luận và đề nghị việc kết hợp đó có thể thực hiện bằng một trong ba cách hoặc cả hai hay cả ba cùng một lúc:

- Cách thứ nhất là kết hợp từ trên xuống dưới, tức là các Giáo hội kết hợp trước rồi Gia đình Phật tử và Cư sĩ sẽ đi theo.  Phương thức này rất khó thực hiện nhưng lại là một phương thức tương đối khả thi nhất.

- Cách thứ nhì là các Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử kết hợp trước rồi thỉnh cầu và hậu thuẩn các Giáo hội tái kết hợp sau.  Phương thức này có thể khả thi nhưng đòi hỏi một thời gian rất dài mà tình hình chính trị tại quê nhà hiện nay không cho phép chờ đợi được nữa.

- Cách thứ ba là các Hội Cư sĩ kết hợp trước rồi thỉnh cầu các Giáo hội tái kết hợp sau.  Phương thức này là một phương thức không tưởng vì bản thân người Cư sĩ Việt Nam không có tính tổ chức.

Do vậy xin được tập trung vào phương thức thứ nhất, tức là phương thức tái kết hợp bốn Giáo hội cùng có danh xưng là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (Unified Buddhist Sangha of Vietnam) gồm Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ (Vietnamese American United Buddhist Congregation), Tăng Đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại (The Overseas Vietnamese Unified Buddhist Sangha), Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất – UBCV (Unified Buddhist Church of Vietnam), và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ[(The Overseas) Unified Buddhist Church of Vietnam (in the United States of America)].

Phật giáo Việt Nam mang tâm thức của người Việt Nam, tâm thức đó là khi đất nước lâm nguy trước mối họa ngoại xâm thì mọi người dân Việt sẽ đoàn kết một lòng thành một khối duy nhất bền vững như núi, thủy chung như suối, và bao dung như biển cả.  Hiện nay tình hình chính trị tại Việt Nam và quốc tế có liên quan đến Việt Nam diễn biến quá dồn dập, quá khẩn trương và vô cùng khẩn cấp.  Một khi nhà nước Cộng sản Việt Nam thiết lập ba đặc khu hành chánh - kinh tế tự trị ở ba trọng điểm chiến lược của ba Miền Bắc, Trung, Nam – Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh, Bắc Vân Phong tỉnh Khánh Hòa, và Phú Quốc tỉnh Kiên Giang -- như là ba tô giới thì toàn dân trong nước sẽ sôi sục căm hờn giới lãnh đạo và quan chức Cộng sản Việt Nam vì Đảng và Nhà nước Cộng sản Việt Nam đã làm một việc nhục nhả là đem một phần đất giang sơn tổ quốc đi cho thuê hằng thế kỷ như đem đất tổ đi cầm cố để lấy tiền trả tiền lời của công nợ mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã đi vay khắp nơi. 

Đa số trí thức và chuyên gia trong nước đã tiên liệu được các hiểm họa về mặt an ninh quốc phòng cũng như những tệ nạn xã hội mà những đặc khu hành chánh -- kinh tế tự trị đó sẽ đem lại cho đất nước trong thời gian hằng bốn thế hệ nhưng họ chỉ có thể phát biểu trong chừng mực không quá nguy hiểm cho an ninh bản thân.  Ngược lại, thanh thiếu niên, sinh viên, học sinh và đại bộ phận dân chúng lao động trong công nghiệp, trong nông nghiệp và nhất là trong ngư nghiệp thường đối đầu với hành động côn đồ của “tàu lạ” trên biển cả thì họ đã hành động quyết liệt qua “lời thề giữ nước” của cả hai phái nam và nữ như lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc đã được ghi đậm nét.

Khi thế đối đầu giữa quốc dân và Đảng Cộng sản không thể lui thì Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ dùng bạo lực đàn áp như Đảng Cộng sản Trung Hoa đã sử dụng xe tăng để chà nát hơn 10,000 người trong số 200,000 sinh viên các trường Đại học ở Bắc Kinh tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. 

Một tình huống bi thảm như thế rất có thể xảy ra trong một ngày không xa mà theo truyền thống Phật giáo và Dân tộc của Việt Nam thì lý tưởng của Giáo hội Phật giáo và của người Phật tử Việt Nam là hộ pháp, hộ quốc, và hộ dân nên các Giáo hội cùng trang trọng đứng dưới một danh xưng chung là Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thì phải “hợp đoàn” mới “gây sức mạnh” được.  Đức Đệ ngũ Tăng thống Thích Quảng Độ trong Thông điệp Mùa Phật đản năm nay đã kêu gọi, “Xin chư liệt vị hãy tăng trưởng tín tâm, kiên trì Phật hạnh, đem Lục hoà ngăn chận mọi tranh chấp, phân hoá để xây dựng Đạo pháp và Quê hương.”[6]

Nhưng tái kết hợp theo phương thức nào?  Trước hết trên căn bản của mỗi quốc gia, bốn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất sinh hoạt trong đất nước Hoa Kỳ sẽ đi tìm một phương thức cùng ngồi lại với nhau.  Phương thức đó phải đặt căn bản trên lời dạy của Đức Phật về Bảy Phương Pháp Dập Tắt Các Cuộc Tranh Chấp trong đó Phương Pháp Thứ Bảy, tức là phương thức cuối cùng và cũng là quan trọng nhất, là hành xử luật như dùng cỏ lấp lên bùn (Thảo phủ địa tỳ-ni -- Tinavattharakavinayo).[7]

Trong thời gian qua có nhiều vị Tôn Đức của các Giáo hội âm thầm đi vận động tái kết hợp; và may mắn hơn nữa là có rất nhiều chư Tôn Đức Tăng, Ni vẫn luôn luôn bày tỏ lòng kính trọng Đức Đệ ngũ Tăng thống Thích Quảng Độ với một tâm niệm vô cùng khiêm tốn và từ ái, trong đó tôi được nghe một vị Tôn Túc đã phát biểu, “Người cha do thông tin thiếu trung thực thì có thể từ con nhưng người con thì luôn luôn phải thương kính, tôn trọng và lễ độ đối với cha của mình!”

Khi tổ chức được một Đại hội tái Kết hợp thì theo phương pháp “Thảo phủ địa tỳ-ni” này, bốn Giáo hội nên cung thỉnh chư Tôn Đức trưởng lão cao hạ, đức độ, và uy tín để chứng minh.  Chính quý ngài là linh hồn của việc tái kết hợp.  Quý ngài chỉ từ ái lắng nghe, thường không đóng góp ý kiến gì, nhưng nếu các ngài có đưa ra lời giáo giới, nhắc nhở nào thì đấy đều là những lời vàng ngọc, là năng lượng cảm thông và tha thứ; nó như phủ một lớp cỏ lên bùn lầy để mọi người bước lên khỏi bị dính chân.  Nhờ vậy, cả bốn Giáo hội đều chịu nghe lời để bỏ qua những tình tiết không đáng kể, tạo cho cuộc hòa hợp trở nên nhẹ nhàng.[8]

Muốn công cuộc kết hợp được thành công thì trước hết phải đi tìm biểu tượng vì biểu tượng là linh hồn của tổ chức, là ngọn hải đăng để tàu bè vào bến.  Trong sinh hoạt Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ hiện nay thì hầu hết chư Tôn Đức Giáo Phẩm và đồng bào Phật tử đều hướng về Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Thắng Hoan, một vị Tôn Túc niên cao lạp trưởng, suốt đời đã hy hiến cho công cuộc hoằng pháp tại hải ngoại mà không vướng bận một cơ sở tự viện nào.  Từ khi thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ năm 1992 đến nay, Ngài luôn luôn được chư Tôn Đức Tăng Ni cung thỉnh vào Pháp tịch lãnh đạo Hội Đồng Giáo Phẩm trong cương vị Chánh Thư Ký hay Chánh Văn Phòng như là một Pháp tịch cao nhất vì Hội Đồng Giáo Phẩm chưa có một vị Tôn Túc nào chịu đảm nhiệm vị trí Chủ Tịch.

Đức Trưởng Lão Thích Thắng Hoan (sinh năm 1928) không những được hầu hết Tăng, Ni và đồng bào Phật tử tại Hoa Kỳ thương kính và kỳ vọng mà Ngài còn được chư Tôn Đức Giáo Phẩm lãnh đạo Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tại Châu Âu, Châu Úc và Canada ngưỡng vọng.  Trong một thời gian hơn bốn năm, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Canada đã cung thỉnh Ngài vàonhiệm vụ Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN Canada (1996-2000). Rất nhiều chư Tôn Đức Giáo Phẩm trụ trì các tự viện lớn trong nước, như Thượng tọa Thích Chân Tín, Trụ trì Chùa Hoằng Pháp tại Hóc Môn, vô cùng kính ngưỡng Đức Trưởng Lão Thích Thắng Hoan, và dự trù thực hiện một kỷ yếu về cuộc đời, hành trạng và sự nghiệp hoằng pháp của Đức Trưởng Lão qua hình thức đặc san và VCD (Video Compact Disk).[9]

Sự hòa hợp để tiến đến tái kết hợp là một chặng đường không đơn giản nên sự hòa hợp đó phải được đặt căn bản trên một số nguyên tắc khách quan, tôn trọng, từ ái và uyển chuyển trước một tình trạng thực tế là Phật giáo Việt Nam hải ngoại có một sự độc lập về tổ chức và điều hành với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ở trong nước.  Các nguyên tắc đó có thể bao gồm:

Một là tránh cực đoan của hai khuynh hướng tứ chúng đồng tu cũng như tùy duyên hành đạo; đấy là hai tiêu chuẩn thiếu nội dung thực tế.

Hai là hòa hợp sinh hoạt chung nhưng tôn trọng đặc tính riêng; chúng ta đang sinh hoạt trong một xã hội dân chủ trong đó văn hóa đa nguyên được tôn trọng thì sinh hoạt Phật giáo cũng tôn trọng tính khác biệt của mỗi bộ phái.

Ba là Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ phải sinh hoạt dưới danh nghĩa Phật Tử Người Mỹ Gốc Việt.

Bốn là đơn vị căn bản của tổ chức Giáo hội là các ngôi chùa với sự độc lập về quản trị tài chánh do Nội Quy By Laws của ngôi chùa quy định trong đó có thể có vai trò của Ban Trị Sự Chùa như là một Khuôn Hội.

Và cuối cùng là để tiến tới sự hòa hợp rồi tái kết hợp mong muốn thì các Giáo hội phải đưa ra những đề án (projects) làm việc chung như hợp tác tổ chức Đại Lễ Phật Đản chung, Đại Giới Đàn chung, hiệp kỵ chư Thầy Tổ, tưởng niệm những vị Cao Tăng và các Cư sĩ đã đóng góp nhiều cho Giáo hội khi quý vị đó qua đời, thực hiện công tác từ thiện xã hội chung, in ấn kinh luận chung, dịch thuật kinh luận chung, biên soạn chung Kinh Nhật tụng song ngữ, cộng tác phát hành một nhật báo và tạp chí chung, tổ chức hội thảo hướng dẫn trẻ em về học tập và sinh hoạt vui chơi theo tinh thần Phật giáo trong mục đích chia sẻ kinh nghiệm hướng về tương lai, và cùng đứng tên trong các Bảng Lên Tiếng chung về các vấn đề chính trị xã hội cần phải lên tiếng với tư cách Phật giáo người Việt để từng bước từ chỗ chống nhau sẽ tiến đến chỗ thương mến nhau và hợp tác với nhau.  Hợp Tác là bước đầu để có thể đi đến bước kế tiếp là Hợp Lực, và sau Hợp Lực thì mới có thể tính đến bước cuối cùng là Hợp Nhất.

Hợp nhất bốn Giáo hội cùng có một danh xưng là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trước rồi sau đó Giáo hội hợp nhất sẽ hợp tác với bốn Giáo hội có quá trình hình thành riêng biệt và sinh hoạt độc lập từ lâu là Giáo Hội Phật Giáo Linh Sơn Thế Giới, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới, Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ và một bộ phận lớn của Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam.  Và rồi tiến trình hợp nhất sẽ tuần tự diễn ra trong một thời gian dài hợp tác với tinh thần lục hòa theo giới luật của chư Tôn Đức Tăng, Ni các hệ phái. 

Các Giáo hội này đã hình thành và sinh hoạt riêng biệt trong một thời gian dài nên rất khó hợp nhất thì cũng là một lẽ thường theo quy luật “Một là tất cả; tất cả là một” (Nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất), nghĩa là Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ bao gồm tất cả các Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, và các Giáo hội Phật giáo đó là Phật giáo Việt Nam.  Một khi không thể hợp nhất thì chư Tôn Đức sẽ thảo luận bình đẳng nhằm tìm ra một mô thức liên hợp thích đáng cho sự hoạt động hoằng pháp chung tại Hoa Kỳ.

Cũng như Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam, Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ đã tham gia vào sinh hoạt của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ từ năm 2008 cho đến nay.

Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam được thành lập năm 1951 là một Giáo Hội Phật Giáo Bắc Truyền Mahayana, được lãnh đạo bởi Hòa thượng Tăng thống Thích Tịnh Khiết và ba vị Phó Tăng thống, đại diện ba Miền Bắc Trung Nam, là quý Thượng tọa Thích Tâm Châu, Thích Thiện Minh, và Thích Thiện Hoa.  Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam là tiền thân của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập năm 1964 sau khi kết hợp với Giáo Hội Phật Giáo Nam Truyền Theravada và 12 tổ chức Phật giáo khác.  Hiện nay Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ do Hòa thượng Sakya Trí Tuệ làm Chủ tịch, có trụ sở tại Chùa Phổ Đà, Santa Ana, California. 

Giáo Hội Phật Giáo Linh Sơn Thế Giới được Cố Hòa thượng Thích Huyền Vi thành lập năm 1976 tại Paris. Hiện nay Giáo Hội Phật Giáo Linh Sơn Thế Giới có khoảng 30 ngôi chùa ở khắp năm châu.  Riêng tại Hoa Kỳ thì các ngôi chùa Linh Sơn tại Houston, Texas; Leander, Texas; Belmont, Michigan; Alea, Hawaii; Portland, Oregon; Stanhope, New Jersey, v.v… sinh hoạt tương đối độc lập với nhau và độc lập với cộng đồng Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới do Cố Hòa thượng Thích Tâm Châu làm Thượng Thủ, được cải tiến năm 1984 tại Chùa Liên Hoa, Montreal, Canada, từ Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Việt Nam Trên Quốc Tế do Cố Hòa thượng Thích Tâm Châu thành lập năm 1979 tại Washington, D.C.  Hiện nay Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới do Hòa thượng Thích Chơn Thành làm Thượng Thủ và Hòa thượng Thích Quảng Thanh làm Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành, có trụ sở chính tại Chùa Bảo Quang tại Santa Ana, California, do Hòa thượng Thích Quảng Thanh làm Viện chủ.

Đấy là những ý kiến tâm huyết của người viết xin được trình lên chư Tôn Đức Tăng, Ni trong cả bốn tổ chức Giáo hội cùng mang tên Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đang sinh hoạt tại Hoa Kỳ và xin được phổ biến rộng rãi đến tất cả đồng bào Phật tử để tham khảo nhằm hổ trợ cho công cuộc hợp nhất này.

 

Nguyên Toàn


[1]Dutt, Nalinaksha. Aspects of Mahayana Buddhism and its Relation to Hinayana. Dịch bởi Thích Minh Châu. Saigon, 1971. Lời Dịch Giả trong dịch phẩm Đại Thừa và Sự Liên Hệ với Tiểu Thừa, tr. 3

[2]Rahula, Walpola. “Theravada – Mahayana” in Gems of Buddhist Wisdom. Kuala Lumpur: Buddhist Missionary Society, 1996, p. 4.

“I have studied Mahayana for many years and the more I study it, the more I find there is hardly any difference between Theravada and Mahayana with regard to the fundamental teachings. 

  • Both accept Sakyamuni Buddha as the Teacher.
  • The Four Noble Truths are exactly the same in both schools.
  • The Eightfold Path is exactly the same in both schools.
  • The Paticca-samuppada or the Dependent Origination is the same in both schools.
  • Both rejected the idea of a supreme being who created and governed this world.
  • Both accept Anicca, Dukkha, Anatta and Sila, Samadhi, Panna without any difference.

These are the most important teachings of the Buddha and they are all accepted by both schools without question.”

[3]Taiken, Kimura. Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận. Dịch bởi Thích Quảng Độ. Saigon: Đại Học Vạn Hạnh, 1969. Lời Tưa, tr. 3.

[4]Ba thời kỳ Phật giáo là:

-          Thời kỳ thứ nhất gọi là Phật Giáo Nguyên Thủy (Early Buddhism) từ khi Đức Phật thành đạo đến khi Kết Tập Kinh Điển lần thứ hai sau khi Đức Phật nhập niết bàn 100 năm, thường được các học giả Phật giáo gọi là Thời kỳ Tiền Bộ phái (Pre-sectarian Buddhism) và Thời kỳ Luật tạng (Vinaya).  Kinh được dùng trong thời kỳ này là Kinh Tập (Sutta – Nipata) trong đó có Kinh Nghĩa Túc (Arthapada) mà 5 tờ kinh bằng tiếng Phạn Sanskrit của kinh này được học giả A. F. Rudolf Hoernle tìm thấy năm 1916 do một cuộc khai quật tại Khadalik (Đông Thổ, Eastern Turkestan) thuộc tỉnh Tân Cương, Trung Hoa, bây giờ.

-          Thời kỳ thứ nhì gọi là Phật Giáo Bộ Phái trong đó có Phật Giáo Theravada (Thera: Thượng tọa, Trưởng lão; Vada: bộ phái, học thuyết) hay Phật Giáo Nam Truyền kể từ lần kết tập kinh điiển lần thứ nhì và nhất là từ kết tập kinh điển lần thứ ba vào thời Vua A Dục, 218 năm sau khi Đức Phật niết bàn;

-          Thời kỳ thứ ba gọi là Phật Giáo Đại Thừa Mahayana từ thế kỷ thứ nhất sau Dương Lịch, còn gọi là Phật Giáo Bắc Truyền hay Phật Giáo Phát Triển.

[5] Tiến trình ba bước Hợp Tác, Hợp Lực và Hợp Nhất là gợi ý của một vị Tôn Túc uyên bác và tâm thành mà Thầy khiêm tốn muốn được ẩn danh.  

[6] Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ. Thông điệp Phật đản, Phật lịch 2662, Dương lịch 2018.

[7] Thảo phủ địa tỳ-ni (Tinavattharakavinayo).  Trung A Hàm, quyển 64.  Kinh Trung Bộ, các bài kinh 97-106. 

[8]Minh Đức Triều Tâm Ảnh. Một Cuộc Đời: Một Vầng Nhật Nguyệt. Saigon: Nhà Xuất Bản Văn Học, 2014. (Tập 4: Thất diệt tránh pháp – Bảy Phương Pháp Dập Tắt Các Cuộc Tranh Chấp -- Satta-adhikaraṇa-samatha).

[9]http://quangduc.com/author/about/7029/ht-thich-thang-hoan

https://quangduc.com/a58957/le-mung-khanh-tue-duc-truong-lao-ht-   thich-thang-hoan

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
30/07/2018(Xem: 8887)
Một vị cư sĩ hỏi vị Sư: - Bạch Thầy cho con hỏi vì sao có người tu thì an lạc, có người tu lại chẳng an lạc? Vị Sư không đáp mà thủng thẳng hỏi: Chẳng hay tâm của Đạo hữu đang an hay chẳng an? Cư sĩ: Bạch thầy tâm con vừa an, vừa bất an. Vị Sư: Cho tôi hỏi đôi điều, Đạo hữu nghĩ sao cứ thẳng thắn mà đáp. Khi nào Đạo hữu thấy an?
28/07/2018(Xem: 5894)
CHÙA NHỎ MIỀN QUÊ Tôi đứng lặng im trước bức thư pháp đề thơ lộng khung kính treo trên vách của ngôi điện im ắng. Thư pháp của chính Thầy trú trì. Thi phẩm bất hủ của Trương Kế, đã được truyền tụng nhiều đời, đưa tiếng chuông của một ngôi chùa ngân vọng giữa thinh không, rung động xuyên suốt cả không gian và thời gian, khiến cho nhân tâm đang lăng xăng phóng túng phải quay về với thinh thinh lắng đọng.
28/07/2018(Xem: 8988)
Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, còn gọi là Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, có khi còn gọi là Đức Phật Quan Âm, được Phật tử nhiều quốc gia Châu Á thờ phượng vì hạnh nguyện hóa hiện nhiều thân tướng để cứu độ chúng sanh. Riêng đối với Nhật Bản, nơi nhiều tông phái Tịnh Độ thịnh hành, hình tượng Đức Quan Âm hiện diện trong rất nhiều chùa, trong các tuyến hành hương, và trong văn học. Bạn chỉ cần đi vào bất kỳ ngôi chùa nào tại Nhật Bản, nhiều phần là bạn sẽ gặp tượng Đức Quan Âm, hoặc là nghìn tay nghìn mắt gọi là Senju Kannon (Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Âm), hoặc là một hóa thân của ngài là tượng Đức Chuẩn Đề 18 tay, nhưng thường gặp nhất là tượng Quan Âm Nam Hải trong bộ áo trắng. Chúng ta có thể đọc trong thơ của Basho (1644-1694) hình ảnh nhà thơ đứng nơi gác chuông Chùa Kannon (Quan Âm Tự) nhìn xuống núi, thấy mái ngói chùa trôi nổi trong các chùm mây hoa anh đào: Mái ngói Chùa Quan Âm trôi dạt xa trong mây của các chùm hoa anh đào.
27/07/2018(Xem: 7133)
Chúng tôi được Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch công ty sách Thái Hà thông báo về khóa tu tại chùa Cự Linh, tỉnh Hải Dương Thầy là khách mời của khóa tu trong buổi sáng và buổi chiều sẽ hướng dẫn thiền. Khóa tu có đến 600 bạn trẻ mà chủ yếu là học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. Tôi là một trong số các bạn may mắn nhất của CLB yêu sách Thái Hà được đi cùng thầy Hùng. Thầy Hùng lái xe đưa chúng tôi đến một chương trình quá đặc biệt làm tôi vô cùng ấn tượng. “Khóa tu mùa hè.” Tại sao lại là mùa hè nhỉ? Câu hỏi này luôn vấn vương trong đầu tôi. Tại sao bây giờ ở rất nhiều chùa, các quý thầy, quý sư cô đều tổ chức khóa tu cho các bạn học sinh, sinh viên nhỉ? Tôi được biết, riêng thầy Hùng đã có hơn chục khóa tu mùa hè mời đến chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của mình và hướng dẫn thiền cho các bạn tu sinh rồi. Tôi giật mình nghĩ rằng mùa hè là mùa có nhiều ánh sáng mặt trời nhất, là mùa mà bắt đầu có nhiều loại cây bắt đầu kết trái, bởi thế nó mang lại nhiều năng lượn
27/07/2018(Xem: 10447)
Người không hiểu đặt câu hỏi “Tại sao cá đã bắt lên rồi lại đem thả, như thế có giả tạo không?; “Sao không đem tiền cho người nghèo mà đi cứu mấy con cá?” Chúng tôi xin phép được giải thích rõ hơn cho hành động Phóng Sinh: Cũng có những người thiếu hiểu biết và rất tiêu cực còn chê người là ngu vì họ nghĩ nên dùng tiền mua cá để đem cho nhà mồ côi, viện dưỡng lão, trại phong cùi hay người nghèo Phi Châu thì thực tế hơn v.v. Ngư phủ đi bắt cá lên bờ để bán cho người mua về giết rồi ăn thịt chúng. Nhưng thực tế có bán và ăn hết những thuỷ sản bị bắt lên bờ không, hay là sẽ còn thừa bị chết vì bắt lên nhiều quá làm cho một phần thặng dư chúng sanh sống trong nước bị chết uổng phí và chẳng được đóng góp thân thể của chúng để nuôi cho loài người được sống hạnh phúc; Hay chúng bị thúi rữa rồi đem bỏ?
26/07/2018(Xem: 7683)
Sự sợ hãi là tập tính của con người khi mà những gì bất lợi xảy ra thì kéo theo sự sợ hãi bị ảnh hưởng liên lụy tác động đến mình. Nhưng sợ hãi có mặt tích cực của nó trong vấn đề tu tập hành trì đạo pháp mà không phải ai cũng biết, sợ hãi là nếp tốt là đạo hạnh của sự lương thiện trong tâm hồn cao thượng. Vậy sự sợ hãi trong tu tập hành đạo như thế nào?
26/07/2018(Xem: 8509)
TUỆ TRÍ CỔ XƯA VÀ TƯ TƯỞNG HIỆN ĐẠI Nguyên tác: Ancient Wisdom and Modern Thought Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma, Mumbai 2011 Chuyển ngữ: Tuệ Uyển Tôi thật sự cảm thấy vinh dự lớn để nói chuyện với quý vị. Đặc biệt tại trường đại học, vì đây là trường Đại học Bombay rất nổi tiếng. Tôi luôn cảm thấy vui mừng khi gặp gở với các sinh viên. Tôi tin rằng thế hệ trẻ hơn – những người tuổi dưới 30 hay là 20 – là thế hệ thật sự của thế kỷ này, thế hệ có thể tạo nên một tình trạng mới cho thế giới này một lần nữa.
26/07/2018(Xem: 5991)
5h sáng. Sớm tinh mơ. Tôi đã thức dậy, mở toang hết cửa cổng để đón tất cả nhân duyên của ngày mới còn đang lãng vãng lân la bên ngoài vào nhà. Khu vực ngoại thành này, tầm 8h -9h vẫn còn yên tĩnh, còn nghe được tiếng chim ca, tiếng gà cục tác, huống hồ chỉ mới vào thời khắc đón ánh bình minh dịu dàng từ hướng Đông... Gian phòng thờ đã lên đèn. Ánh hào quang sau thánh tượng đức Phật rọi soi ấm áp huyền diệu. Hoa đăng, hương trầm, bánh trái đã thiết bày trên các bàn thờ theo đúng nghi lễ được Thầy hướng dẫn, căn dặn... Thầy đến trước giờ hẹn nửa giờ đồng hồ, mới 7h30, triệu thỉnh thêm thánh tượng đức Địa Tạng Vương Bồ Tát từ chùa Tịnh Quang mà Thầy trú trì, để thiết trên bàn đặt giữa chính môn. Nửa giờ sau, thêm một thầy nữa quang lâm, thầy
24/07/2018(Xem: 6670)
Sinh ra ở cõi đời này, dù được sống trong vui vẻ hạnh phúc nhiều như thế nào đi nữa, thì cũng sẽ có lúc chúng ta cảm thấy cuộc sống thật là vô vị, bởi những chuyện không vừa ý cứ dồn vập đổ tới khiến chúng ta vô cùng chán nãn. Những lúc như thế chúng ta thường hay oán Trời trách đất, hay oán hận những người xung quanh đã gây bao nhiêu điều phiền muộn đau khổ cho chúng ta. Chúng ta trách tại sao trước mắt chúng ta có những người quá hạnh phúc, không phải lo toan điều gì, mới sanh ra đời đã được ở trong cảnh giàu sang nhung lụa, lớn lên lập gia đình cũng được sống trong cảnh sung sướng, lên xe xuống ngựa, kẻ hầu người hạ. Riêng chúng ta thì đầu tắt mặt tối, cực khổ vô cùng mà cơm không đủ no, áo không đủ mặc.
22/07/2018(Xem: 8950)
Thái Lan: Các cầu thủ đội bóng Heo rừng sẽ xuất gia 12 cầu thủ đội bóng “Heo rừng” và huấn luyện viên của họ đã được cứu thoát sau khi bị mắc kẹt 18 ngày trong một hang động ở Thái Lan, có khả năng sẽ xuất gia hạn định để bày tỏ sự kính trọng đối với Saman Kunan, cựu Hải quân Thái SEAL đã hy sinh trong nhiệm vụ giải cứu đội bóng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]