Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Các tính cách của nguyên lý Tương liên trong Đạo Pháp của Đức Phật

30/10/201721:14(Xem: 10106)
Các tính cách của nguyên lý Tương liên trong Đạo Pháp của Đức Phật

Tính cách toàn cầu và hiện đại của nguyên lý Tương liên

trong Đạo Pháp của Đức Phật

 

De l’interdépendance:

portée universelle et actualité du Bouddha-Dharma

 

Lama Denys Rinpoché

Hoang Phong chuyển ngữ

 

 Nguyen-Ly-Tuong-Lien-0000

Đức Đạt-lai Lạt-ma và Lạt-ma Denys

(Ảnh chụp năm 1997 tại ngôi chùa Tây Tạng Karma Ling tại Pháp)

 

Dharma tức Giáo Huấn của Đức Phật dạy rằng tất cả mọi thứ đều tương liên và tương tác với nhau: giữa những gì đang là mình và thế giới của mình, giữa tất cả những gì hiện hữu và những gì được hiểu biết.

 

 

Lời giới thiệu của người chuyển ngữ

 

            Dưới đây là bài viết của Lạt-ma Denys tóm lược một số các bài thuyết giảng của chính tác giả tại ngôi chùa Tây Tạng Karma Ling, tọa lạc trong vùng núi Alpes trên đất Pháp. Bài viết nêu lên một sự hiểu biết mang một tầm quan trọng vô song trong Dharma/Đạo Pháp của Đức Phật, đó là khái niệm "Tương liên, tương tác và tương tạo" giữa tất cả mọi hiện tượng dù vô hình hay hữu hình, thuộc thế giới bên ngoài hay bên trong tâm thức một cá thể. Tiếng Pa-li gọi khái niệm này là Paticca-samuppada, tiếng Phạn là Pratitya-samutpada, tiền ngữ "pratitya" có nghĩa là "lệ thuộc vào" [một thứ gì khác], hậu ngữ "samutpada" có nghĩ là "hiện lên" hay "hình thành"..., Các ngôn ngữ Tây Phương gọi khái niệm này là: Interdependence, dependent origination, dependent arising, dependent co-production, conditioned co-production, conditioning co-production, v.v.; kinh sách Hán ngữ gọi là "Lý duyên khởi". Có thể tạm dịch sang tiếng Việt là "Nguyên lý tương liên, tương tác và tương tạo", tuy nhiên cũng có thể gọi vắn tắt hơn là "Nguyên lý tương liên" (Interdependence).

 

            Dù Đức Phật từng cho biết mình không giấu giếm bất cứ điều gì thế nhưng Ngài cũng bảo rằng những gì mà mình thuyết giảng cũng chỉ như nắm lá trong lòng bàn tay. Tuy ít ỏi thế nhưng nắm lá ấy là những gì vô cùng thiết thực và hữu ích, không những đối với những con người thời bấy giờ mà cho cả chúng ta hôm nay. Thật vậy Đức Phật không thể an nhiên mô tả toàn bộ quang cảnh thâm sâu của cả khu rừng trí tuệ của mình, một khi đã quán thấy được hoàn cảnh khổ đau đang đày đọa chúng ta trong kiếp nhân sinh ngắn ngủi này. Trước cảnh huống cấp bách đó Ngài không thể thuyết giảng cho chúng ta từng chiếc lá một trong khu rừng mà chỉ nêu lên những gì thiết thực mà thôi

 

            Sau khi đạt được Giác Ngộ và trong suốt bốn mươi lăm năm thuyết giảng sau đó, Ngài chỉ nêu lên cho chúng ta trông thấy nguyên nhân nào đã mang lại khổ đau cho mình và các phương pháp làm cho nguyên nhân ấy phải chấm dứt. Đức Phật tuyệt nhiên không thuyết giảng về lý thuyết mà chỉ giữ sự im lặng trước những câu hỏi vô ích, thế nhưng trong bối cảnh tiến bộ chung của nền văn hóa nhân loại ngày nay thiết nghĩ chúng ta cũng nên thử phiêu lưu và đi sâu hơn vào khu rừng trí tuệ đó của Đức Phật hầu tìm hiểu thêm về Giáo Huấn của Ngài với hy vọng đáp ứng được chăng những đòi hỏi của con người ngày nay?  

 

            Bài thuyết giảng đầu tiên của Đức Phật là "Bốn Sự Thật Cao Quý" còn gọi là  "Tứ Diệu Đế", rõ ràng mang tính cách ứng dụng và thiết thực. Vậy phía sau bốn Sự Thật đó Ngài đã khám phá ra những gì thâm sâu và siêu việt hơn? Chúng ta sẽ trở lại với vấn đề này trong phần ghi chú ở cuối bài, nhưng trước hết hãy đọc bài viết thật khúc triết và cô đọng của Lạt-ma Denys dưới đây.

 

            Bài viết nêu lên nguyên lý tương liên chi phối toàn bộ khả năng nhận thức, sự hiểu biết và cả sự vận hành của tâm thức chúng ta. Điều đáng khâm phục hơn nữa là Lạt-ma Denys không những chỉ giải thích về nguyên lý tương liên trên phương diện lý thuyết mà còn áp dụng nguyên lý này vào phép luyện tập thiền định ở các cấp bậc cao siêu nhất. Sau hết quả khó giới thiệu vị Lạt-ma khác thường này qua một vài dòng, do đó chúng ta sẽ tìm hiểu vài nét về tiểu sử của ông trong phần phụ lục dưới đây. Ngoài ra độc giả cũng có thể tham khảo bản gốc tiếng Pháp của bài chuyển ngữ này trên trang mạng: http://www.buddhaline.net/De-l-interdependance-portee.

 

 

***

 

Tính cách toàn cầu và hiện đại của nguyên lý Tương liên

trong Đạo Pháp của Đức Phật

 

De l’interdépendance: portée universelle et actualité du Bouddha-Dharma      

 

Lama Denys Rinpoché

 

 

I- Tìm hiểu nguyên lý tương liên

 

Nguyên lý tương liên trên phương diện tổng quát

 

            Dharma tức Giáo Huấn của Đức Phật cho chúng ta biết rằng tất cả mọi thứ đều tương liên và tương tác với nhau: giữa những gì đang là mình và cái thế giới của mình, giữa tất cả những gì hiện hữu và những gì được hiểu biết. Sẽ không thể có bất cứ một thứ gì, một sự cảm nhận hay một sự hiểu biết nào có thể hiện hữu được nếu nó không tương kết với một thứ gì khác! (kể cả Thượng Đế cũng chỉ có thể hiện hữu lệ thuộc vào tâm thức con người, nhờ vào khả năng tưởng tượng và hình dung của tâm thức con người. Tất cả mọi hiện tượng dù thuộc lãnh vực tâm thần hiện lên bên trong tâm thức, hay thuộc bối cảnh bên ngoài tâm thức đều phải liên kết và tương tác với nhau để hiện hữu). Hơn nữa, Dharma/Đạo Pháp cũng cho biết rằng sự hiện hữu của chúng ta - với tính cách là một cá thể con người - là một sự kết hợp gồm nhiều thành phần tương tác với nhau. Ở cấp bậc thấp nhất và dễ hình dung nhất thì có thể hiểu nguyên lý tương liên là một khái niệm gần như là khoa học (quasi-scientific): chẳng hạn như hình dung toàn bộ thế giới là một hệ thống kết nối tạo ra bởi sự liên kết giữa nguyên-nhân và hậu-quả. Qua góc nhìn đó, khái niệm về sự tương liên luôn đi đôi với một khái niệm khác là vô thường (mọi hiện tượng đều kết nối với nhau, một hiện tượng biến đổi thì sẽ lôi kéo theo sự biến đổi của các hiện tượng khác liên kết với nó, khiến không có một hiện tượng nào có thể đứng yên được. Tóm lại thế giới hiện tượng luôn ở trong tình trạng chuyển động và đổi thay: Phật giáo gọi sự biến động thường xuyên đó là vô thường).   

 

Nguyên lý tương liên và Tâm lý học

 

            Tất cả các kinh nghiệm cảm nhận của chúng ta trong thế giới này đều là kết quả tạo ra bởi các quá trình nhận thức dựa vào khái niệm và các phóng tưởng tâm thần (mental projections) của mình. Quan điểm trên đây, qua một số khía cạnh nào đó, cũng thường thấy nói đến trong các ngành Tâm lý học và Triết học Tây Phương. Dharma/Đạo Pháp cũng nêu lên quan điểm này nhưng được đào sâu hơn nhiều nhờ vào các việc tìm hiểu và phân tích đến chỗ tột cùng của nó (Đức Phật thuyết giảng cách nay đã hơn 25 thế kỷ, Triết học và nhất là Tâm lý học Tây Phương chỉ mới bắt đầu phát triển được một vài thế kỷ nay). Thật vậy, trong lãnh vực Tâm lý học người ta thường cho biết là các các kinh nghiệm cảm nhận (experiences/các trải nghiệm) của mình đều được quy định (tạo dựng) bởi các phóng tưởng của mình, thế nhưng mình thì lại cứ tin vào các phóng tưởng ấy là thật và bám chặt vào chúng. Dharma/Đạo Pháp không những cảnh giác chúng ta về sự kiện đó mà còn đào sâu hơn thế rất nhiều và cho chúng ta biết rằng: mỗi khi có một chủ thể "hiểu biết" một "đối tượng" thì cả hai (chủ thể và đối tượng) sẽ cùng hiện ra một lúc thông qua một quá trình phóng tưởng, tức là một "hành động nắm bắt" mang tính cách khái niệm (khi một chủ thể "hướng vào" một đối tượng thì nó "nhận biết" được "đối tượng" đó thông qua một khái niệm có sẵn: thí dụ chủ thể hướng vào một vật gồm một mặt phẳng và bốn chân thì nó nhận biết đó là cái bàn. "Cái bàn" là một khái niệm có sẵn, sự "hiểu biết về cái bàn" phát sinh từ sự tương tác giữa "chủ thể" và "đối tượng" thông qua một quá trình phóng tưởng hay nắm bắt hướng vào khái niệm về "cái bàn", tức là một vật gì đó gồm một mặt phẳng và bốn chân. "Chủ thể", "đối tượng" và cả sự "hiểu biết" cùng hiện ra trong một lúc, cả ba đều phải lệ thuộc vào nhau và tương kết với nhau để hiện hữu, thiếu một thứ thì hai thứ kia cũng không có. Riêng sự hiểu biết tự nó cũng phải lệ thuộc vào một khái niệm - trong trường hợp này là khái niệm về "cái bàn" - để trở thành một sự hiểu biết).    

 

Nguyên lý tương liên và sự nhận thức

 

            Theo Dharma/Đạo Pháp, các kinh nghiệm cảm nhận về chính mình và cái thế giới của mình chỉ có thể hiện hữu xuyên qua một quá trình nhận thức, trong đó chủ thể và đối tượng tương kết với nhau và cùng hiện ra trong một lúc, tạo ra một vị thế lưõng phân nhưng cùng tương kết chặt chẽ với nhau: một bên là chủ thể nhận biết làm nhân chứng cho hành động nhận biết, đồng thời tạo dựng ra sự hiện hữu của chính nó bằng sự liên kết giữa nó và các phóng tưởng do nó tạo ra [cho nó] và xem đấy là thế giới bên ngoài (tức là khác với nó). Đấy là khía cạnh quan trọng và chủ yếu nhất trong nguyên lý tương liên (điều này cho thấy thế giới cũng chỉ là những gì hiện ra bên trong tâm thức của mỗi cá thể, xuyên qua các phóng tưởng của cá thể ấy! Nếu mình có thể thâm nhập vào tâm thức kẻ khác để "nhìn vào" thế giới của người này thì nhất định sẽ thấy thế giới đó hoàn toàn khác biệt với cái thế giới bên trong tâm thức mình, quen thuộc với mình từ trước đến nay. Nguyên lý tương liên tác động tức khắc ngay khi sự nhận thức mới bắt đầu hiện ra: đó là sự xuất hiện của chủ thể và đối tượng: cả hai cùng hiện ra trong một lúc, cùng tương liên và tương kết với nhau để hiện hữu, nếu không có đối tượng thì cũng sẽ không có chủ thể và ngược lại. Chủ thế nhận biết đối tương xuyên qua các phóng tưởng của nó tức là lệ thuộc vào các khái niệm có sẵn từ bên trong nó, thế nhưng nó lại cứ xem đấy là những gì khác với nó tức thuộc vào thế giới bên ngoài: đấy là cách mà chủ thể tự tạo dựng ra cái thế giới của nó. Vì thế cho nên mỗi cá thể đều có một thế giới riêng: thí dụ hai cá thể cùng cảm nhận một đối tượng chung - một sự vật hay một sự diễn biến nào đó - thế nhưng các cảm nhận của hai cá thể đều khác nhau, tạo ra các "xúc cảm" và các sự "hiểu biết" khác nhau, đưa đến các "tác ý" và "hành động" khác nha. Nguyên nhân của sự khác biệt đó là do các phóng tưởng và các khái niệm có sẵn bên trong mỗi cá thể hoàn toàn khác nhau. Nếu nhìn xa hơn nữa thì sẽ nhận thấy rằng nguyên nhân ấy chính là hậu quả tạo ra bởi các nghiệp khác nhau giữa hai cá thể).

 

                Qua góc nhìn trên đây, cái tôi là chủ thể "bên trong" và tất cả những gì mà nó cảm nhận được là các đối tượng "bên ngoài" thuộc vào cái thế giới quen thuộc của [riêng] nó (do nó tạo dựng ra cho nó), cả hai phía "bên trong" và "bên ngoài" đó tương quan và liên kết với nhau, Dharma/Đạo Pháp gọi phía bên này là "cái ngã của cá thể" và phía bên kia là "cái ngã của các sự vật". Sự liên đới và tương quan đó cho thấy cả hai [phải dựa vào nhau để hiện hữu và do đó] không hề hàm chứa một sự bền vững và tự chủ nào cả như chúng ta thường có thói quen gán cho chúng. Dharma/Đạo Pháp gọi sự vắng mặt đó của sự hiện hữu độc lập là "Vô Ngã"  hay "Tánh Không" (có nghĩa là sự "Trống Không" của mọi hiện tượng: không có gì là "thật" cả từ bên trong chúng, bởi vì chúng chỉ tạm thời hiện hữu nhờ vào sự tương tác và tạo dựng lẫn nhau qua sự tương kết giữa chủ thể và đối tượng. Sở dĩ chủ thể hiện hữu là nhờ vào sự liên kết với đối tượng của nó, cũng thế đối tượng cũng phải nhờ vào chủ thể để hiện hữu: nguyên lý tương liên và tương tạo giúp cho cả hai "tạm thời" hiện hữu mỗi khi xảy ra một sự "nhận thức", nói cách khác là trong mỗi khoảnh khắc hay đơn vị của sự nhận thức sẽ có một "chủ thể" hiện ra để "nhận biết" và một "đối tượng" hiện ra để "được nhận biết" bởi chủ thể ấy. Sự lưỡng phân hay tính cách nhị nguyên đó hiện ra qua sự vận hành của tâm thức khiến chúng ta có cảm giác là cả hai - chủ thể tức là cái tôi và đối tượng tức là các sự vật hay các hiện tượng - đều là thật cả, nhưng thật ra thì cái cảm giác rất thật đó về chủ thể và cả đối tượng chỉ xảy ra trong khoảnh khắc của một sự nhận thức mà thôi. Sự tiếp nối dây chuyền giữa các khoảnh khắc hay đơn vị nhận thức khiến tạo ra một cảm giác liên tục, tương tự như các hình ảnh tiếp nối của một cuốn phim. Trong trường hợp này có thể hiểu mỗi khoảnh khắc của sự nhận thức trên đây là mỗi đơn vị tạo ra chuỗi tiếp nối không gián đoạn/continuum của dòng tri thức/consciousness của một cá thể, và do đó cũng có thể xem sự nhận thức hay các đơn vị của dòng tri thức mang bản chất thời gian).    

 

            Nguyên lý tương liên ở cấp bậc sâu sắc nhất không nhất thiết chỉ nói lên sự tương kết giữa các sự vật với nhau mà còn là một sự liên kết giữa chúng với chủ thể nhận biết chúng, xuyên qua một cấu trúc nhận thức (cognitive structure) lưỡng phân: một bên là chủ thể và một bên là đối tượng. Điều đó cho thấy Dharma/Đạo Pháp không những là một Khoa học nhận thức (Cognitive Science) mà còn là một Khoa nhận thức luận (Epistemology) tức là một ngành triết học về sự hiểu biết của sự hiểu biết (trên đây chúng ta đã thấy nguyên lý tương liên trên phương diện gần như hoàn toàn khoa học - tức là xem thế giới là một hệ thống kết nối chằng chịt giữa nguyên nhân và hậu quả - thế nhưng qua tầm nhìn của Dharma/Đạo Pháp, nguyên lý tương liên còn tác động đến từng tư duy và sự nhận thức hiện lên bên trong tâm thức của mỗi cá thể).

 

            Các nhà Vật lý học đều ý thức được sự tương tác thật tinh tế giữa người quan sát (khoa học gia) và các công việc thử nghiệm của mình, cũng như sự thiếu chính xác trong việc đo đạt các kích thước không-gian-thời-gian, hơn nữa thêm vào đó còn có sự bất ổn định của các "hệ thống quy chiếu" (trong nguyên bản là chữ "référentiels", có thể tạm dịch sang tiếng Anh là "frame of reference", có nghĩa là một "hệ thống các yếu tố làm chuẩn" dùng để xác định một sự kiện nào đó, chẳng hạn như vị trí hay một sự di động của một vật thể. Thí dụ đối với Vật lý học thì không thể nào "xác định" được một sự di động trong không gian "trống không", tức không có một điểm mốc nào làm chuẩn để có thể căn cứ vào đó mà nhận ra là có một sự di động. Hơn nữa đối với chính sự đi động thì cũng phải có một vật thể "vật chất" làm chuẩn để xác định là có một sự di động. Trong toán học cũng vậy, nếu muốn xác định vị trí của một điểm thì cũng cần phải có một hệ thống gồm nhiều điểm khác có vị trí cố định - gọi là "hệ thống quy chiếu" - để làm chuẩn. Chẳng hạn như chiếc máy GPS trong xe hơi phải dựa vào tín hiệu phát đi từ nhiều vệ tinh khác nhau ở các vị trí cố định đối với mặt địa cầu, để xác định vị trí và sự di động của chiếc xe. Vị trí của các vệ tinh tạo ra một "hệ thống quy chiếu" giúp vào việc định vị chiếc xe. Các sự kiện trên đây cho thấy tác động của nguyên lý tương liên trong lãnh vực Vật lý học và cả Toán học). Trong khi đó thì nhà tâm lý học ý thức rõ rệt tính cách tương đối (thiếu khách quan) trong sự nhận thức thông thường và cả sự lệ thuộc của chúng vào các "hệ thống quy chiếu" ("các hệ thống quy chiếu" trong trường hợp này là các "mô hình" hay các "khái niệm có sẵn" đã ăn sâu từ trước trong tâm thức một cá thể) mang tính cách tập thể (giáo dục, văn hóa, xã hội, v.v...) hay cá nhân (các kinh nghiệm cảm nhận của mỗi cá thể trong cuộc sống thường nhật). Một người tu tập Dharma/Đạo Pháp (người Phật giáo nói chung) bác bỏ toàn bộ [sự vững chắc của] các hệ thống quy chiếu dựa vào khái niệm đó, kể cả các sự hiểu biết về con người và tư duy dưới các hình thức tương liên và tương kết (sự hiểu biết đích thật - trí tuệ - vượt lên trên các sự tạo tác mang tính cách tương liên và tương kết, trong đó kể cả con người và các tư duy mang tính cách khái niệm). Mặc dù những gì vừa nêu lên có vẻ như đi quá xa, thế nhưng thật ra đều là Dharma/Đạo Pháp, và nằm trong Dharma/Đạo Pháp (có nghĩa là tất cả những sự hiểu biết đó đều nằm trong Giáo Huấn của Đức Phật).  

 

Nguyên lý tương liên và hành động: quy luật nguyên-nhân-hậu-quả, nghiệp và luân hồi

 

            Các sự nhận định (considerations/sự phán đoán, quyết đoán, xác định, nói chung là các "tác ý" hiện lên trong tâm thức) của mình từ trước có thể biến thành các "động lực tâm thần" (trong nguyên bản là "le pouvoir du mental", có thể dịch sang tiếng Anh là "mind power ", do đó cũng có thể hiểu như là các "yếu tố kích động trong tâm thức") cùng với các khả năng trói buộc của nó (conditionings) gọi là "karma"/"nghiệp", giữ chức năng của một kẻ sáng tạo (trong nguyên bản là chữ créateur/creator) làm phát sinh ra "cái ngã" và cái thế giới của chúng ta (Lạt-ma Denys giải thích thật tài tình và ngắn gọn nghiệp/karma là gì, phát sinh từ đâu và tác động như thế nào trong tâm thức của một cá thể. Nên hiểu rằng cái ngã đang thúc đẩy mình bên trong tâm thức mình cũng như cái "thế giới" mà mình đang sống với nó, bên trong nó, là do chính mình tạo ra cho mình bằng chính các sự nhận thức của mình, do đó chính mình là "kẻ sáng tạo" ra mình và cái thế giới của mình xuyên qua nghiệp của mình. Mỗi người trong chúng ta đều có một thế giới riêng, không có thế giới nào giống với thế giới nào cả), người ta thường gọi các thế giới ẩy là "samsara" (qua góc nhìn đó, cõi ta-bà hay luân hồi/samsara cũng là "gia tài" riêng mà mỗi cá thể thừa hưởng từ nghiệp quá khứ của mình. Chữ samsara nguyên nghĩa là "ra đi" hay đi "lang thang". Trong cõi samsara nghiệp xui khiến và thúc đẩy chúng ta tự tạo ra cho mình hết tác ý này đến tác ý khác, khiến chúng ta phải liên tục suy nghĩ, lo âu, tính toán, sợ hãi, hy vọng, v.v., hoặc các tác ý ấy cũng có thể phát lộ ra bên ngoài khiến chúng ta nói năng liên tục, làm hết việc này đến việc khác, hết chuyện lớn đến chuyện nhỏ, không sao dừng lại được. Tình trạng đó cũng tương tự như cuộc sống thúc đẩy mình bước tới, cứ bước tới, nhưng không biết là mình đi đâu, và cũng không biết là những gì đang chờ đợi mình, hoặc sẽ xảy đến với mình. Đó là tình trạng trói buộc của một cá thể trong cõi samsara/luân hồi. "Các động lực thúc đẩy" làm hiện ra tác ý cũng có thể xem như là các "khái niệm có sẵn" bên trong tâm thức tạo dựng ra các "phóng tưởng" mỗi khi xảy ra một sự nhân thức). Ở cấp bậc tương đối (có nghĩa là phải nhờ vào sự tương liên và tương tạo mà có) thì tất cả các thể dạng tri thức cũng như các kinh nghiệm cảm nhận của mình đều bị chi phối (conditioned) bởi karma/nghiệp, chúng liên kết với nhau tạo thành một chuỗi dài kết nối giữa nguyên-nhân và hậu-quả, chúng thúc đẩy và lôi kéo nhau: mỗi nguyên nhân tạo ra một hậu quả, mỗi hành động đưa đến một nguyên nhân. Quy luật nguyên-nhân-hậu-quả đó phản ảnh nền tảng kỷ cương trong giáo lý của Dharma/Đạo Pháp.

 

            Hơn nữa nguyên lý tương liên cũng tác động đến sự xoay vần của các chu kỳ hiện hữu, tức là samsara/cõi luân hồi. Sự xoay vần trói buộc này được nêu lên trong khái niệm về mười hai mối dây liên kết tạo thành một chuỗi dài lôi kéo nhau (kinh sách Hán ngữ gọi là "thập nhị nhân duyên"). Mối dây đầu tiên là một quá trình nhận thức (a cognitive process) mang tính cách ảo giác gọi là vô minh (một sự hiểu biết sai lầm),  mối dây tiếp theo là sự hình thành của dòng tri thức mang tính cách cá nhân cùng với các kinh nghiệm cảm nhận của nó (tức là sự sống của một cá thể) và cả sự chấm dứt của các kinh nghiệm cảm nhận ấy (tức là cái chết của cá thể ấy). Sự diễn tiến đó biểu trưng cho một chu kỳ hiện hữu của một cá thể hay samsara/cõi luân hồi (tức là một kiếp sống lang thang của một cá thể, gồm tất cả là 12 mối dây liên kết và thúc đẩy nhau). Chu kỳ đó "vận hành một cách tự động" (trong nguyên bản là chữ "auto-sustentateur"/"auto-lift", có nghĩa là tự nó chuyển động bởi chính nó, tương tự như chiếc máy bay tự nó nâng nó trong không khí nhờ vào lực thúc đẩy của các động cơ. Cũng vậy một chu kỳ hiện hữu tự xoay vần lấy nó - không có ai chỉ huy hay thúc đẩy nó cả -, lực thúc đẩy làm chuyển động sự xoay vần đó chính là nghiệp tồn lưu trên dòng tri thức của mỗi cá thể): sự xoay vần này là hậu quả tạo ra bởi các vết hằn lưu lại bởi các hành động trong quá khứ. Các hậu quả này lại trở thành nguyên nhân đưa đến các hành động trong hiện tại, các hành động trong hiện tại lại sẽ trở thành các nguyên nhân khác, đưa đến các cảnh huống trói buộc khác (tức các hậu quả khác) trong tương lai. Bên trong sự vận hành mang tính cách trói buộc trên đây - tức là samsara/cõi luân hồi - vẫn có một phần tự do nào đó dự phần vào việc tạo ra một cấu trúc liên kết giữa chủ thể, đối tượng và hành động. Sự vận hành này sẽ tiếp tục xoay vần bất tận cho đến khi nào nó chưa bị cắt đứt bởi sự giác ngộ. Chỉ có phép luyện tập mang tính cách thực nghiệm là thiền định mới có thể cắt đứt được cái "vòng luẩn quẩn" đó.

 

Nguyên lý Tương liên và sự trùng hợp

 

            Trong khung cảnh trói buộc của sự tạo tác tương liên cũng có một phần không bị lệ thuộc, nhưng cũng hiện ra cùng một lúc trong khung cảnh trói buộc chung - hoặc cũng có thể xảy ra trường hợp các điều kiện trói buộc trong bối cảnh chung này tạm thời hay vĩnh viễn dừng lại - thì một hình thức tương liên khác theo đó sẽ xuất hiện và cùng tạo ra một "biến cố chung" ("co-incidence"/"co-impact"/một hình thức tác động chung). Sự kiện này thoát khỏi nguyên lý tương liên thông thường giữa nguyên-nhân và hậu-quả, điều này cho thấy một sự đồng bộ (concordance/sự trùng hợp, tương hợp hay ăn khớp) nào đó có thể xảy ra giữa các sự chuyển động của các quá trình khác nhau, có nghĩa là giữa các mạn-đà-la/mandala khác nhau (có thể hiểu mạn-đà-la trong trường hợp này là các "bầu không gian" thiêng liêng mang tính cách riêng biệt) - nhưng thật ra đấy cũng chỉ là một sự chuyển động chung quanh một sự tương hợp và giao thoa thật hài hòa, tương tự như một bản nhạc hòa tấu. Hình thức tương liên này - có thể gọi là Tánh Không (sự Trống Không) - nhưng cũng có thể xem như là một hiện tượng "đồng bộ phi-nguyên-nhân" (une synchronicité a-causale/a non-causal synchronicity). Hình thức tương liên này nêu lên một sự đồng bộ khá quan trọng mà sự diễn tiến vượt khỏi sự hợp lý/logic [thông thường] của quy luật nguyên-nhân-hậu-quả (đoạn trên đây vô cùng khúc triết, bao quát và sâu sắc, nhằm phân tích sự trùng hợp và ăn khớp xảy ra giữa các quá trình vận hành khác nhau, thuộc các hiện tượng khác nhau. Dường như tác giả muốn nói đến "cộng nghiệp"(?), thí dụ như trường hợp tai nạn máy bay khiến nhiều người, dù mang nghiệp khác nhau, nhưng cùng gánh chịu một biến cố chung. Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về vấn đề này trong phần ghi chú ở cuối bài)

 

Nguyên lý tương liên và quá trình tạo tác tư duy

 

            Bất cứ một khoa học gia nào khi đưa việc khảo cứu của mình đến chỗ tột đỉnh đều phải đối đầu với các khó khăn liên quan đến mức độ chính xác của các phương tiện sử dụng, dù thuộc vào lãnh vực nào: máy móc, phương pháp, học thuyết hay bất cứ một hệ thống lô-gic nào cũng vậy, và sau hết là khó khăn gây ra bởi chính tư duy mang tính cách khái niệm của mình tức là người khảo cứu (và cũng là khó khăn gay go nhất). Các khó khăn này không những chỉ xảy ra trong ngành Vật lý học mà cả các ngành Khoa học Nhân văn, đối với một triết gia cũng như một người tu tập Dharma/Đạo Pháp. Dầu sao, sự thiếu vững chắc của tư duy mang tính cách khái niệm luôn tạo ra các khó khăn căn bản và chủ yếu nhất đối với việc tu tập Dharma/Đạo Pháp. (sự hiểu biết dựa vào khái niệm, quy định bởi khái niệm, không cho phép chúng ta thấu triệt được sự hiểu biết siêu việt trong Dharma/Đạo Pháp, tức là một sự hiểu biết vượt lên trên tư duy thông thường vướng mắc trong khái niệm).

 

            Sở dĩ cấu trúc của tư duy đuợc phân tích và hiểu biết tường tận là nhờ vào "Con đường ở giữa" hay Madhyamaka (tức học thuyết "Trung quán" của Long Thụ, thế kỷ thứ II), học thuyết này đưa ra các luận cứ chứng minh cho thấy người suy tư, đối tượng suy tư và cả sự hiểu biết do sự suy tư ấy tạo ra, đều mang cùng một bản chất như nhau (có nghĩa là "chủ thể", "đối tượng" và  sự "hiểu biết" chỉ là tư duy, mang cùng một bản chất với tư duy, nói chung là các thứ "tạo tác tâm thần" hiện lên bên trong tâm thức. Điều này cho thấy "chủ thể", "đối tượng" và "kết quả" mang lại từ sự tương tác giữa chủ thể và đối tượng đưa đến sự "nhận thức" đều không thật. Đấy chỉ là kết quả mang lại từ sự vận hành nhị nguyên của tâm thức, do tâm thức "phóng tưởng" và "tạo dựng" dưới sự chi phối của nghiệp nơi mỗi cá thể). Điều này nói lên tính cách mở rộng và bao hàm (co-extensif/co-extensive) giữa các thứ ấy với nhau (có nghĩa là chủ thể, đối tượng và sự hiểu biết cùng "choàng" lên nhau và cùng mang một bản chất như nhau, điều này cho thấy nguyên lý tương liên tác động ngay từ bên trong tâm thức khi tư duy mới khởi sự hiển hiện: chủ thể, đối tượng và kết quả của sự nhận thức đều tương liên, tương tác với nhau để cùng nhau hiện hữu): chúng mang một giá trị (một sự vững chắc) ngang nhau và chỉ ở một mức độ nào đó mà thôi (có nghĩa là "chủ thể", "đối tượng" và "sự hiểu biết" mang một giá trị ngang hàng nhau trong khuôn khổ của một sự tạo tác tương liên. Nếu tách chúng ra khỏi thể dạng kết nối tạo ra bởi nguyên lý tương liên thì tất cả chỉ là Tánh Không/sự Trống Không mà thôi: "chủ thể", "đối tượng" và "tư duy" không có một thứ nào hiện hữu cả). Sự hiểu biết do đó cũng chỉ là một sự "hiểu biết đồng bộ" (co-connaissance/co-knowledge): phát sinh từ sự tương tác giữa "chủ thể hiểu biết" và "đối tượng được hiểu biết". Thật vậy chủ thể hiểu biết chỉ có thể hiện hữu bên trong lãnh vực tư duy của chủ thể ấy, chẳng hạn như câu phát biểu nổi tiếng sau đây: "Tôi suy tư tức là tôi hiện hữu", thế nhưng tiền đề (axiom) của câu phát biểu này - tức là sự "suy tư" - cũng chỉ có giá trị trong khuôn khổ của một tư duy (trên đây chúng ta đã thấy tư duy cũng chỉ là sản phẩm phát sinh từ sự tương tác giữa chủ thể suy tư và đối tượng của sự suy tư đó), thế nhưng chủ thể suy tư thì cứ cho rằng mình là thật (hiện hữu thật) một cách hiển nhiên, tương tự như các sự hiểu biết thường tình mà chủ thể ấy cảm nhận được, chẳng hạn như "con người", "thời gian", "không gian", quy luật "nguyên-nhân-hậu-quả", v.v. (chúng ta cứ nghĩ rằng những con người đang hiện hữu chung quanh chúng ta, không-gian-thời-gian phân cách chúng ta với kẻ khác và mọi sự vật, kể cả quy luật nguyên-nhân-hậu-quả chi phối các hành động của mình, tất cả đều nhất loạt đúng thật như vậy. Thế nhưng xuyên qua "lăng kính" của nguyên lý tương liên thì không hẳn là như thế mà chỉ là một sự Trống Không mà thôi. Câu phát biểu "Tôi suy tư tức là tôi hiện hữu" trên đây là của triết gia người Pháp René Decartes, thế kỷ XVII: "Je pense, donc je suis/I think, therefore I am", với chủ đích trực tiếp chứng minh thực thể của chính mình và gián tiếp là sự hiện hữu của linh hồn mình. Câu này đã làm mất không biết bao nhiêu giấy mực, thời giờ và công sức của các triết gia, học giả qua dòng lịch sử phát triển của nền triết học Tây Phương. Lạt-ma Denys mượn thuyết Trung Quán của Long Thụ chứng minh cho thấy tiền đề "tôi suy tư" cũng chỉ có một giá trị giới hạn mà thôi, bởi vì "tôi", sự "suy tư" và những gì phát sinh từ sự tương tác giữa "tôi" và sự "suy tư" đó đều là tư duy, tức chỉ là các "thứ tạo tác tâm thần". Nếu tiền đề - "tôi suy tư" - chỉ có giá trị trong khuôn khổ của một tư duy thì kết luận  - "tôi hiện hữu" - cũng chỉ có một giá trị tương đương, tức giới  hạn trong khuôn khổ của một tư duy hay một sự tạo tác tâm thần).  

 

Các vấn đề giả tạo và các giải pháp

           

            Khi nào ý thức được tư duy mang tính cách khái niệm chỉ mang một giá trị hạn hẹp thì tức khắc một lô các vấn đề khác - chẳng hạn như bản chất của sự hiện hữu, con người đang hiện hữu, nguồn gốc đầu tiên [đưa đến sự hiện hữu của họ] cũng như sự chấm dứt của họ - dù là thuộc lãnh vực Bản thể học (Ontology, tức lãnh vực siêu hình: sự hình thành, sự hiện hữu là gì, con người là gì, v.v.) hay Vật lý học (thân xác và sự sống) cũng vậy - tất cả sẽ hiện ra khác hẳn. Thật vậy, dù rằng có một số giải pháp với ít nhiều hữu lý trong lãnh vực khái niệm có thể giải đáp cho các vấn đề trên đây, thế nhưng không có một giải pháp nào có thể gọi là hoàn hảo cả, bởi vì từ bên trong các giải pháp đó đã ẩn chứa sẵn những sự nghịch lý tự tại và căn bản của các thể loại tư duy dựa vào khái niệm. Chẳng phải Đức Phật đã từng cho biết rằng các vấn đề đó (tức là bản chất của sự hiện hữu, con người đang hiện hữu và cả nguồn gốc đầu tiên cũng như sự chấm dứt của họ) chỉ là các vấn đề giả tạo, và nếu cứ bám chặt vào những thứ ấy thì cũng chỉ là cách quay mặt đi trước giải pháp đích thật là sự giải thoát hay sao?

           

            Dharma/Đạo Pháp của Đức Phật qua các góc nhìn triết học và siêu hình học cũng có đưa ra các giải pháp thuộc lãnh vực tương đối, nhưng đồng thời cũng cảnh giác chúng ta là các giải pháp mang tính cách tương đối đó sau cùng cũng sẽ trở nên sai lầm như chính các vấn đề mà các giải pháp ấy cho rằng có thể giải quyết được. Giải pháp đích thật chỉ có thể là "giải-pháp-làm-tan-biến" (solution-dissolution) tất cả thắc mắc và cả người nêu lên thắc mắc, bằng cách dựa vào các sự cảm nhận siêu-khái-niệm (supra-conceptuel) và siêu-duy-lý (supra-rationel) (có nghĩa là giải pháp hữu hiệu, tuyệt đối và hoàn toàn độc lập phải vượt lên trên khái niệm và sự lý luận thông thường, thiền học gọi các kinh nghiệm cảm nhận này là một sự nhận thức trực giác. Sự nhận định trên đây phản ảnh cấp bậc siêu đẳng nhất của thiền định, và cũng là một cách định nghĩa sâu sắc nhất về phép luyện tập tâm thức này, do đó cũng xin mạn phép tô đậm câu trên đây để nhấn mạnh tầm quan trọng của nó), đối với các kinh nghiệm cảm nhận trên đây phương pháp lý luận dựa vào sự hợp lý thông thường hoàn toàn bị lỗi thời. Sự cảm nhận về tính cách "vô ngã"- tức là giải pháp "thanh toán" cái ngã - chỉ có thể hiện ra trong một "nơi" mà tất cả các vấn đề đều đề tan biến hết, dù là các vấn đề ấy thuộc vào lãnh vực triết học siêu hình hay bất cứ một lãnh vực nào khác, (xin nhắc lại: phương pháp đích thật - tức là thiền định ở cấp bậc siêu đẳng nhất của nó - là một sự cảm nhận "siêu-lý-luận" và "siêu-khái-niệm". "Đức tin" trong các tôn giáo độc thần cũng là một hình thức cảm nhận "siêu-lý-luận", nhưng lại bám chặt vào "khái-niệm" chẳng hạn như sự hiện hữu của Thượng Đế, linh hồn, cõi thiên đường ở trên trời, v.v., tất cả các thứ này cũng chỉ đơn giản là các "tạo tác tâm thần". Sự nghịch lý thô thiển đó đưa đến chỗ bế tắc trên mọi mặt đối với người tu tập dù là ở cấp bậc nào,. Sự hung bạo thường thấy xảy ra phải chăng cũng có thể là một trong số các hậu quả tạo ra bởi sự bế tắc đó?).

 

Từ tư-duy đến phi-tư-duy

 

            Phương pháp học (Methodology) trong học thuyết Trung Quán (Madhyamaka) do Long Thụ và những người thừa kế đưa ra sau này, thường sử dụng sự nghịch lý nội tại bên trong các thể loại tư duy căn bản được chọn sẵn và được xem là đúng, hầu vạch trần sự thiếu mạch lạc và lỏng lẻo (inconsistancy/bất nhất) từ bên trong chúng nhằm bác bỏ sự vững chắc của chúng, và đấy cũng là cách nêu lên giá trị giới hạn của các thể loại tư duy này. Phương pháp tiếp cận trên đây [của Trung Quán] đồng thời cũng phân tích các khái niệm và các sự hợp lý thông thường hầu nêu lên tính cách thiếu vững chắc của chúng. Do đó các khái niệm căn bản về "con người" (être/being), "Thượng Đế" (God) phải chăng cũng chỉ đơn giản là các sản phẩm tạo ra bởi các cấu trúc của sự nhận thức dựa vào khái niệm (cognitive and conceptual structure) hay sao, và do đó chúng cũng chỉ có một giá trị giới hạn ngang hàng với giá trị của chính các cấu trúc đã tạo ra chúng. [Tóm lại tất cả cũng chỉ tương tự như] "kẻ khác" đối mặt với "cái tôi" và "cái tôi" đối mặt với "kẻ khác", "phía bên kia" đối mặt với "phía bên này ". "Con người" (être/being) được xác định bởi "phi-con-người" (non-être/non-being/néant/nothingness/hư vô). Tóm lại sự hiện-hữu và phi-hiện-hữu của những thứ ấy cũng chỉ là những gì được tạo dựng bên trong tư duy của một chủ thể trực tiếp cảm nhận chúng mà thôi (những gì trên đây là tầm nhìn của Trung Quán: tức không phải bên này cũng không phải bên kia, Thượng đế và con người hay con người và hư vô cũng chỉ tương tự như "bên này" với "bên kia", hai bên tương liên, tương kết với nhau để tạo ra nhau và cùng nhau hiện hữu, tất cả đều ngang hàng nhau, mang cùng một bản chất với tư duy, tức là sự hiểu biết mang tính cách khái niệm về những thứ ấy. Ý nghĩa của thuyết Trung Quán là như vậy: đứng ở giữa, tránh tất cả mọi vị trí, và thật ra "đứng ở giữa" cũng có nghĩa là đứng vào vị trí của sự Trống Không, chẳng dính dáng với phía bên nào cả, nói cách khác là không vướng mắc vào bất cứ một quan điểm nào).

 

            Phương cách tiếp cận trên đây cũng tương tự như một cách lấy đà để vượt lên trên thể loại tư duy dựa vào khái niệm và tính cách nhị nguyên theo cách đối mặt (doublets dualistes) của nó, chẳng hạn như "con người" và "phi-con-người" (non-being/không phải con người), "vĩnh hằng" (eternalism) và "hư vô" (nihilism), một (one) và bội số (multiple), sự tạo-tác và phi-tạo-tác,... (sự vận hành của tâm thức luôn xoay quanh tính cách "nhị nguyên đối mặt" này, thế nhưng chúng ta thì lại không ý thức được điều đó: thí dụ mỗi khi nói "có" thì đối mặt với nó sẽ là "không", nếu cho rằng một vật nào đó là "trắng" thì sự đối nghịch của nó sẽ là "đen", nếu không có đen thì sẽ không thể nào có trắng được, và ngược lại. Trường hợp "có" và "không" thì cũng vậy, tất cả là các thể dạng nhị nguyên đối mặt, cả hai bổ khuyết cho nhau để có thể mang lại một ý nghĩa nào đó cho sự hiểu biết, và đấy chính là sự tương liên trong lãnh vực nhận thức). Tóm lại, giải pháp [để đối đầu với tính cách nhị nguyên dù là đối mặt hay giữa chủ thể và đối tượng cũng vậy] là phải vượt lên trên tư duy mang tính cách khái niệm. Chuyện đó thật hết sức khó hình dung, bởi vì đấy sẽ phải là một thể dạng phi-tư-duy (non-pensée/non-thinking), phi-tâm-thần (non-mental/no-mind), không có cái tôi (non-moi/no-self) cũng không có kẻ khác (non-autre/no-other). Và đấy cũng chính là chỗ gặp nhau giữa thể dạng phi-tư-duy nêu lên trong Dharma/Đạo Pháp và phép thiền định dựa vào một số các kinh nghiệm cảm nhận về sự yên lặng hiện lên từ sự phi-hiểu-biết (non-connaissance/not-knowing) mang tính cách thần bí! (xin lưu ý đạt được thể dạng đó cũng có nghĩa là đạt được mục đích của thiền định ở cấp bậc tột đỉnh của nó).

 

Phi giáo điều và sự giải thoát

 

            Bên trong Dharma/Đạo Pháp cũng có nhiều khuynh hướng khác nhau, một số có xu hướng duy vật (materialism), một số khác gần với chủ nghĩa duy tâm hơn (spiritualism/duy linh). Các khuynh hướng này được xem như chủ trương các quan điểm khác nhau, nhưng thật ra là bổ khuyết cho nhau. Thật vậy không có một sự đối nghịch căn bản nào giữa hai khuynh hướng trên đây, bởi vì cả hai đều hướng vào một giải pháp chung là phải thực hiện cho bằng được thể dạng vô ngã. Phương cách tiếp cận của Dharma/Đạo Pháp không duy tâm cũng không duy vật, mà đúng hơn là duy thực, tức chủ trương thực hiện các kinh nghiệm cảm nhận về hiện thực bằng một sự hiểu biết vượt lên trên mọi ảo giác quen thuộc. Tuy nhiên Dharma/Đạo Pháp cũng mang các khía cạnh của khoa Hiện tượng học (Phenomenology), thế nhưng thật hết sức quan trọng phải nhấn mạnh ngay đến tính cách thực nghiệm và khả năng nhận thức của Dharma/Đạo Pháp vì đấy chính là liều thuốc hóa giải mọi ảo giác và tình trạng bất an do chúng tạo ra (Hiện tượng học là một ngành triết học nghiên cứu về các hiện tượng, các kinh nghiệm cảm nhận và những gì cất chứa bên trong tri thức, đấy cũng là một trong các mục đích của Dharma/Đạo Pháp, thế nhưng Dharma/Đạo Pháp chú trọng nhiều hơn đến các khía cạnh thực nghiệm và thiết thực của sự nhận thức với một chủ đích thật rõ rệt là loại bỏ khổ đau cho con người).    

 

            Cách tiếp cận trên đây của Dharma/Đạo Pháp hiển nhiên là phi-giáo-điều: chỉ là các công thức vạch ra một hướng đi, và cũng chỉ mang giá trị của một sự hướng dẫn, nhưng tuyệt nhiên không phải là một sự hướng dẫn cuối cùng nào cả. Tâm điểm của nền giáo huấn đó chỉ xoay quanh một sự cảm nhận đột khởi về thực tại, thế nhưng thực tại ấy thì cũng chỉ là một sự Trống Không/Tánh Không thật trọn vẹn mà thôi. Cách tiếp cận phi-giáo-điều đó phản ảnh bản chất khoan dung của Dharma/Đạo Pháp, có nghĩa là không áp đặt một sự thật tối hậu nào, một lời thuyết giáo nào hay một khái niệm nào. Thanh kiếm sắc bén của trí tuệ đột khởi trong Dharma/Đạo Pháp chỉ là để chặt phăng các ảo giác do cái ngã tạo ra hầu mang lại sự giải thoát.

 

Nguyên lý tương liên và tư duy mang tính cách khái niệm

 

                        Nguyên lý tương liên chi phối sự vận hành của tâm thức và các kinh nghiệm cảm nhận trong cuộc sống cũng như ngôn ngữ mà mình sử dụng là những gì chủ yếu nhất mang lại sự hiểu biết về toàn bộ Giáo Huấn của Đức Phật. Các kinh nghiệm cảm nhận gồm cảm tính về "cái tôi của mình" và "cái thế giới riêng của mình" nói chung là những gì chỉ mang tính cách biểu trưng, tức là các danh xưng và hình tướng hiện lên từ "môi trường" và "chủ thể cấu hợp" (các chữ "chủ thể cấu hợp" là dịch từ chữ "le constituant"/"the constituing" trong nguyên bản, tức là "chính mình" hay "cái tôi" dưới hình thức một "cá thể" tạo ra bởi sự "kết hợp"/the constituing gồm năm thành phần tương kết còn gọi là ngũ uẩn. Cách nêu lên "chủ thể" hay "cá thể con người" bằng thuật ngữ "cấu hợp"/the constituing là một cách diễn đạt sâu sắc và tinh tế vì tác giả không muốn chỉ định đích danh một cá thể con người mang một cái tôi nào cả, bởi vì đấy chỉ là các danh xưng, các sự tạo dựng mang tính cách khái niệm. Con người đối với tác giả chỉ là "một sự kết hợp"/constituing vô ngã, không có "cái tôi" cũng không mang một "danh xưng" nào cả để mà gọi hay chỉ định, mà đơn giản chỉ là năm thứ "cấu hợp"). Kinh nghiệm cảm nhận trong đó hiện ra sự đối nghịch là những gì được chống đỡ bởi khái niệm. Chính khái niệm làm hiện ra sự đối nghịch giữa chủ thể "quan sát" và đối tượng "được quan sát" bên trong sự cảm nhận (nói cách khác thì sự hiểu biết chỉ có thể xảy ra qua một thể dạng nhị nguyên gồm một bên là chủ thể "hiểu biết" và một bên là đối tượng "được hiểu biết", và chính "sự hiểu biết" thì cũng chỉ có thể hiện lên được bằng cách dựa vào các khái niệm đã có sẵn từ trước. Nếu không có một khái niệm nào chen vào giữa chủ thể và đối tượng thì sự hiểu biết cũng sẽ không thể xảy ra. Thí dụ một người nào đó trông thấy một cái bàn nhưng người này không có một mảy may khái niệm nào về một cái bàn - tức một vật gồm một mặt phẳng và bốn chân gọi là "cái bàn" dùng để đặt các vật thể trên đó - thì người này cũng sẽ không cảm nhận được một "cái bàn" nào cả dù là "nó" đang ở trước mắt mình. Tất cả mọi sự hiểu biết đều phải dựa vào hay căn cứ vào các khái niệm có sẵn hay chứa đựng sẵn trong tâm thức mình, nếu tìm hiểu sâu xa hơn nữa thì các khái niệm có sẵn đó là kết quả tạo ra bởi nghiệp của mình)    

 

            Khái niệm hiện lên trước nhất là sự quan sát (tức tác ý bên trong tâm thức muốn nhìn vào một đối tượng nào đó), và bên trong sự quan sát ấy sẽ hiện lên sự cảm nhận về chủ thể và đối tượng. Sau đó cũng từ bên trong sự cảm nhận ấy lại tiếp tục xảy ra các khái niệm khác, nhằm xác định xem đối tượng vừa được nhận biết ấy là tốt, xấu hay trung hòa ("trung hòa" có nghĩa là "không tốt" cũng "không xấu", nhưng cũng có nghĩa là một sự "xao lãng" hay "thiếu tỉnh giác", do đó thể dạng "trung hòa" cũng tạo nghiệp tương tự như các cảm nhận "tốt" hay "xấu"). Các cảm nhận này sẽ tạo ra các sự bám víu, ghét bỏ hay dửng dưng, đưa đến tất cả những gì mà tâm thức cảm nhận được qua các thể dạng của sáu cõi luân hồi trên dòng tri thức (sáu cõi luân hồi là: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, con người, thánh nhân và thiên nhân. Các cõi này thật ra cũng chỉ là các thể dạng xúc cảm hiện lên trên dòng tri thức một cá thể, phản ảnh cái thế giới của một cá thể do chính cá thể ấy tự tạo ra cho mình trong cuộc sống của mình).

 

            Mạng lưới kết cấu (texture) trong cuộc sống của mình (tức là sự diễn tiến của các sự kiện và biến cố xảy đến với mình trong cuộc sống) hoàn toàn tùy thuộc vào các khái niệm của mình. Các cảm nhận, tâm tính và cả cung cách hành xử của mình đều phát sinh từ các khái niệm của chính mình (các "khái niệm" ở đây có thể hiểu là các "quan điểm" chi phối bởi nghiệp đã ăn sâu vào tâm thức mình). Do đó biến cải các khái niệm cũng có nghĩa là biến cải cuộc đời mình. Tóm lại nếu muốn biến cải cuộc sống thì phải biến cải các khái niệm và sau hết là phải hoàn toàn thoát ra khỏi chúng ("đức tin" là một "khái niệm" do mình tạo ra cho mình, bám víu vào "đức tin" cũng có thể mang lại cho mình một sự trấn an, thế nhưng đôi khi cũng có thể là một gánh nặng, một nguyên nhân sâu xa đày đọa mình - và cả con người nói chung - một cách khủng khiếp nhất. Nếu nhìn vào xã hội con người và lịch sử nhân loại thì cũng có thể nhận thấy được điều đó. Thật vậy tuy gánh nặng của "đức tin" có thể mang lại một sự trấn an nào đó, thế nhưng nếu đặt được cái gánh nặng ấy xuống thì cũng có thể mang lại một chút "nhẹ nhõm" cho mình, và biết đâu cho cả xã hội và nhân loại?).       

 

Nguyên lý tương liên và ngôn ngữ

 

            Khái niệm lệ thuộc vào ngôn ngữ mà mình sử dụng; tư duy mang tính cách khái niệm được tạo dựng phù hợp với các cấu trúc ngôn ngữ (thí dụ một người Việt Nam nhận ra đây là một "cái bàn" thì một người Mỹ nhận ra "a table". Đối với một người Mỹ khái niệm về cái bàn liên kết với một cấu trúc hợp lý trong tiếng Anh là "a table", nếu trỏ tay vào một cái bàn và nói với một người Mỹ đây là "cái bàn", thì người này sẽ  không hiểu gì cả, bởi vì "cái bàn" là một khái niệm được dựa vào một cấu trúc hợp lý trong tiếng Việt. Khi một người Việt Nam trông thấy một cái bàn thì sự hiểu biết hiện lên trong tâm thức mình dưới hình thức một "tên gọi", một "danh xưng" mang cấu trúc của tiếng Việt thông qua một "khái niệm" gọi là "cái bàn", đối với trường hợp của một người Mỹ thì đấy là "a table"). Lý trí vận hành xuyên qua sự hợp lý của ngôn ngữ gồm một số các ký hiệu và cú pháp (syntax) [riêng của ngôn ngữ ấy]. Các cấu trúc mang tính cách khái niệm này (có thể hiểu là các ngôn từ quy ước) chính là khuôn mẫu (matrix/khuôn đúc, mẫu mực) tạo ra tâm tính mình và đồng thời cũng tạo ra cả cuộc sống thường nhật của mình (thí dụ dân tộc Mỹ có nguồn gốc tạp chủng, thế nhưng cùng nói tiếng Anh với nhau qua nhiều thế hệ đã trở thành "người Mỹ", hành xử và suy nghĩ theo cung cách một người "Mỹ"). Do đó ngôn từ và các khái niệm lành mạnh giữ một vai trò vô cùng quan trọng (điều này thật dễ hiểu: thí dụ trông thấy một miếng thịt thì một người bình dị có thể sẽ "thốt lên" từ bên trong tâm thức mình hai tiếng: "ngon quá!", một người tu tập thì nghĩ thầm: "khổ đau!". Hai tiếng "ngon quá" sẽ khiến mình muốn được ăn, sự ham muốn đó sẽ tạo ra cho mình nghiệp của sự thèm khát và bám víu; trái lại hai tiếng "khổ đau" hiện lên trong tâm thức sẽ khơi động tình thương và sự xót xa, đánh động con tim mình trước cái chết và sự đau đớn của một con vật, tình thương và sự xót xa đó sẽ lưu lại trên dòng tri thức mình vết hằn của nghiệp tốt lành. "Ngôn từ" đi đôi với "khái niệm" tạo ra phẩm tính của sự hiện hữu của mình là như vậy!).

 

II- Thiền định

 

Thiền định là một phương pháp tiếp cận hiện sinh và thực nghiệm

 

            Tư duy không thể nào vượt xa hơn sự hiểu biết tương đối dựa vào khái niệm, vì vậy phải tìm một phương pháp khác: đó là phương pháp tiếp cận phi-khái-niệm của thiền định. Phép thiền định là một khí cụ mang lại một kinh nghiệm cảm nhận đột khởi, và bên trong nó tất cả mọi thứ tạo tác tâm thần mang tính cách ảo giác sẽ không còn tạo được một tác động nào nữa.    

 

            Một cách cụ thể, phép thiền định là một phương pháp thực nghiệm có thể biến cải bối cảnh hiện sinh của mình bằng cách giúp mình tháo gỡ dần dần từng chút một các ảo giác ra khỏi tâm thức mình, và từ bên trong bối cảnh [đã được biến cải] đó cảm tính về một sự hiện hữu tự chủ (autonomous/tự lập, không lệ thuộc) sẽ hiện lên với mình, giúp mình hòa nhập vào một thế giới hiện thực hoàn toàn độc lập (sự cảm nhận đó cũng chính là sự giải thoát, do đó cũng có thể hiểu sự giải thoát là một thể dạng tâm thần hiện lên bên trong tâm thức mình). Phép luyện tập thiền định thật ra cũng chỉ gồm một số các điều chỉ dẫn nêu lên một phương pháp tiếp cận mang tính cách thực dụng, nếu tin vào khả năng của nó thì cũng là một cách giúp mình hăng hái hơn trong việc luyện tập, mang lại cho mình một sự hiểu biết thực nghiệm. 

 

            Thực thi thiền định cũng cần phải có một sự tin tưởng cần thiết tương tự như các việc khảo cứu trong lãnh vực khoa học thực nghiệm. Mỗi khi mang ra thử nghiệm một giả thuyết nào thì trước hết người nghiên cứu ít ra cũng phải có một chút tin tưởng trong việc khảo sát của mình, trước khi có thể công nhận hay phủ nhận giả thuyết ấy. Cũng vậy, phép thiền định đòi hỏi chúng ta phải tin vào khả năng của nó trong việc sửa đổi và biến cải cách suy nghĩ cũng như tình trạng hiện hữu của mình, kể cả việc cải thiện các mối tương giao giữa mình và kẻ khác. Chỉ khi nào bắt tay vào việc luyện tập thì khi đó chúng ta mới dần dần khám phá ra được các khả năng của thiền định, sự khám phá đó là cả một sự khích lệ giúp mình ngày càng chuyên cần hơn, và từng chút một sẽ giúp mình thoát ra khỏi tình trạng trói buộc và các tư duy điên loạn của mình, hầu mang lại cho mình một căn bản sức khỏe (tức là sự giải thoát) ngày càng trọn vẹn hơn.

 

            Nguyên tắc chủ yếu trong việc luyện tập thiền định là không dựa vào khái niệm cũng không nắm bắt bất cứ gì (buông bỏ, buông xả tất cả), đó là cách mang lại cho người hành thiền một sự an bình thoát khỏi các tư duy và xúc cảm xung đột (émotions conflictuelles/conflicting emotions, disturbing emotions/các xúc cảm bấn loạn/ kinh sách Hán ngữ gọi là "phiền não"!), và khi nào chúng tan biến hết thì người hành thiền sẽ khám phá thấy bản thân mình thật ra cũng chỉ là một sản phẩm do tư duy của mình tạo ra cho mình mà thôi, và sự khám phá đó cũng chính là sự giải thoát.  

 

Sư tương liên và tương tác giữa khí lực và tâm thức

 

            Dharma/Đạo Pháp cũng sử dụng một số phương pháp luyện tập du-già về "khí lực" (souffle/sinh khí. Du-già/Yoga là một trong sáu ngành "triết học" Ấn Độ, chủ trương giải thoát con người khỏi các chu kỳ hiện hữu tạo ra bởi nghiệp, bằng phép thiền định và các phương pháp luyện tập cơ thể, cùng việc giữ gìn đạo đức), có nghĩa là các năng lượng sinh lý, tâm lý và cả tâm linh, là những gì mang lại sức sống cho cơ thể [vật chất] và giúp cho tâm thức chuyển động, đồng thời cải thiện các khả năng cảm nhận [của các giác quan]. Các phép luyện tập biến cải các luồng khí lực này được dựa vào sự tương liên và tương kết giữa "khí lực" và "tâm-thức" - mà người Tây Phương thường gọi là bản chất khí (pneumatic nature) của tâm thức - có thể giúp chuyển hóa được dòng tri thức thường tình trở thành dòng tri thức giác ngộ của một vị Phật (trên đây Lạt-ma Denys nêu lên các phép luyện tập thiền định gần với Thiền phái Zen, nhằm mang lại một sự giải thoát tối thượng và đột khởi bằng một sự hiểu biết siêu-khái-niệm và siêu-tư-duy. Trong phân đoạn này tác giả mới nói đến phép thiền định của Tan-tra Thừa/Kim Cương Thừa mà ông tu tập, có thể chuyển hóa tri thức của một người bình dị trở thành tri thức của một đấng giác ngộ).

 

Từ tình trạng trói buộc đến sự giải thoát

 

            Đức Phật thường được xem là một vị đại lương y và Giáo Huấn của Ngài là một phương thuốc chữa trị vô song. Điều này gián tiếp cho thấy chỉ có chư Phật mới không bệnh tật mà thôi (trên đây tác giả cho biết là phép luyện tập thiền định sẽ mang lại cho người hành thiền một sức khỏe ngày càng trọn vẹn hơn, điều đó cũng có nghĩa là tất cả chúng ta đều bệnh hoạn và chỉ có chư Phật nhờ đạt được sự hiểu biết tối thượng tức là sự giải thoát, thì mới thật sự "khỏe mạnh" mà thôi). Qua góc nhìn đó tất cả chúng sinh bình dị đều mang một tâm thần bệnh hoạn, luôn bị đè bẹp bởi cái ngã và bủa vây bởi ảo giác. Luyện tập thiền định là phương thuốc chữa trị: giúp loại bỏ tất cả các thứ trói buộc trong tâm thức hầu mang lại cho mình một sức khỏe toàn vẹn, do đó "tình trạng sức khỏe căn bản" cũng chính là "thể dạng của một vị Phật" (thể dạng của một vị Phật/état du Bouddha/state of Buddha tức là sự Giác Ngộ, một thể dạng tự do tuyệt đối trong tâm thức, tương tự như tâm thức được giải thoát khỏi cảnh tù tội và giam hãm gây ra bởi các sự u mê và lầm lẫn, được hít thở không khí trong lành và đạt được một sức khỏe toàn vẹn).  

 

III- Hành động

 

Thiền định và hành động

 

            Việc luyện tập thiền định có thể bắt đầu ngay với những gì là chính mình đang trong lúc này (không đòi hỏi phải có một số vốn liếng nào cả) tức có nghĩa là với thân xác, tư duy, xúc cảm và tâm thức đang là của mình qua từng cảnh huống trong cuộc sống thường nhật. Việc luyện tập đó được dựa vào sự tương kết giữa mình và thực tại, với mục đích giúp mình phát huy một sự chú tâm thật tỉnh giác qua từng giây phút một của hiện thực, mang lại cho mình một tri thức thanh thoát: tức là một thể dạng tri thức mở rộng và bén nhạy (disponible/disposable/sẵn sàng, không bị ràng buộc hay vướng mắc bởi bất cứ gì). Các cảm nhận về thực tại và khả năng chú tâm và cởi mở mang lại bởi thiền định thật hết sức cần thiết trong cuộc sống năng động ngày nay. Đối với một người đã đạt được một sự chú tâm cảnh giác, một tâm thức thanh thoát và cởi mở, thì mỗi khi phải đối đầu với bất cứ một cảnh huống nào trong cuộc sống, nhất định sẽ biết cư xử một cách sáng suốt, êm thắm, thông minh, không hung bạo, và đặc biệt là với thật nhiều tình thương yêu.    

 

Nguyên lý tương liên trên phương diện nhân bản: tình thương yêu và lòng từ bi

 

            Việc luyện tập thiền định sẽ đần dần giải thoát chúng ta khỏi những thứ si mê của cái ngã và các thứ xúc cảm xung đột, đồng thời khơi động thật mạnh tình thương yêu và lòng từ bi bên trong chúng ta. Thật vậy, thiền định giúp chúng ta vuợt lên trên cái tôi nhỏ bé giam hãm mình và mở rộng lòng mình với kẻ khác và thế giới, đó cũng là cách giúp mình đến gần với tất cả mọi người từ bên trong thực tại của chính họ, với tất cả sự dịu dàng, tình thân thiện, không một mảy may hung hãn phát sinh từ cái ngã, và đấy cũng chính là nền tảng của tình thương yêu đích thật.  

 

            Sự mở rộng đó giúp chúng ta quán thấy được nguyên lý tương liên nối kết giữa con người và tất cả chúng sinh trên tất cả mọi phương diện: nhân bản, xã hội, kinh tế và cả môi sinh, mang lại cho chúng ta một tầm nhìn toàn cầu về kinh tế và sự ý thức về trách nhiệm của mình đối với hành tinh này. Tầm nhìn và sự ý thức đó vượt lên trên cái ngã chật hẹp mang tính cách cá nhân, thoát ra khỏi các biên giới xã hội, quốc gia, kể cả các khối liên minh xuyên quốc gia, sẽ gợi lên với mọi người là sự đoàn kết mang tính cách toàn cầu là một thứ gì đó có thể thực hiện được.

 

Có thể mang Dharma đến gần hơn với thế giới tân tiến ngày nay hay không?

 

            Khoa học hiện đại và Dharma/Đạo Pháp cả hai đều cố gắng mang lại những gì hữu ích cho con người, điều đó chứng tỏ cả hai cùng mang một hoài bão chung là mang lại hạnh phúc cho con người.

 

            Nếu khoa học và kỹ thuật từng thành công trong việc mang lại cho một số ngưòi các tiện nghi vật chất và một niềm an vui hời hợt - và dù cho thành quả ấy không phải là nhỏ - thế nhưng xã hội Tây Phương cũng là nơi lan tràn các chứng bấn loạn thần kinh, tâm thần mất thăng bằng và nội tâm khủng hoảng: một tệ trạng phát sinh từ sự ích kỷ của cái ngã. Tất cả mọi khó khăn trong thời đại tân tiến ngày nay, dù là thuộc lãnh vực nào - gia đình, xã hội, quốc gia hay quốc tế - đều phát sinh từ các cuộc đấu tranh quyết liệt giữa cái ngã và những sự xung đột giả tạo do chính nó tạo ra cho nó.  

 

            Dharma/Đạo Pháp qua sự ý thức về nguyên lý tương liên có thể làm cái ngã và các sự đam mê của nó lắng xuống, hầu mang lại hạnh phúc và sự an bình bên trong nội tâm, thế nhưng đấy cũng là phương pháp duy nhất có thể mang lại hạnh phúc và an bình cho cả thế giới bên ngoài.

 

Bài viết trên đây được soạn thảo tại Viện Phật học Kama Ling (một ngôi chùa Tây Tạng trên đất Pháp) dựa vào các bài giảng của Lạt-ma Denys

 

Lama V. Denys

Institut Karma Ling

Hameau de St Hugon

F-73110 Arvillard - FRANCE

Tel: 04 79 25 78 00

Fax: 04 79 25 78 08

http://www.karmaling.org/

 

 

***

 

Vài lời ghi chú của người chuyển ngữ

 

            Điều đáng lưu ý trước nhất là tác giả không dịch chữ Dharma và giữ nguyên chữ này trong bài viết của mình. Ngày nay trong thế giới Tây Phương các học giả Phật giáo có xu hướng giữ nguyên một số các thuật ngữ tiếng Phạn và Pa-li, bởi vì các thuật ngữ này mang ý nghĩa thật đặc thù không thể dịch trung thực được sang các ngôn ngữ khác. Dharma có nghĩa là Giáo Huấn của Đức Phật, kinh sách tiếng Hán dịch là Pháp/法, nghĩa từ chương là luật pháp, phép tắc, biện pháp..., cách dịch này không những thiếu chính xác mà còn dễ gây ra hiểu lầm, bởi vì Giáo Huấn của Đức Phật không phải là phán lệnh cũng không phải là một nền tảng giáo lý để tuân thủ. Trong bản Việt dịch trên đây chữ "Đạo Pháp" đặt cạnh chữ Dharma cũng chỉ là một cách "tạm dịch", với ý nghĩa là "Con Đường nêu lên một phương pháp, một sự chỉ dẫn".

 

            Ngoài ra đối với "nguyên lý tương liên" thì các kinh sách tiếng Hán dịch là "lý duyên khởi". Thế nhưng theo nội dung bài viết trên đây của Lạt-ma Denys thì người đọc có thể nhận thấy cách dịch này không nói lên được được ý nghĩa trung thực của một nguyên lý vô cùng chủ yếu trong Giáo Huấn của Đức Phật. "Lý duyên khởi" trong kinh sách Hán ngữ mang ý nghĩa gần với tiếng Anh là "conditioned co production" hay "conditioning co-production", thế nhưng chữ "conditions"/điều kiện trong tiếng Anh và các ngôn ngữ Tây Phương nói chung phản ảnh một sự trói buộc, trong khi đó chữ duyên/緣 không nói lên được sự tương kết và ràng buộc cần thiết làm phát sinh ra một hiện tượng cùng sự hiện hữu tạm thời của nó. Sở dĩ mạn phép dài dòng như trên đây là để nêu lên tầm quan trọng của các thuật ngữ trong việc tìm hiểu Giáo Huấn của Đức Phật. Các thuật ngữ thiếu chính xác sẽ dễ gây hoang mang, tạo ra một trở ngại không nhỏ cho việc tu tập.

            Nội dung của bài viết trên đây gồm hai phần: trước hết là phân tích nguyên lý tương liên trong các lãnh vực thật tinh tế của tư duy và sự nhận thức, sau đó là áp dụng nguyên lý này vào việc luyện tập thiền định nhằm mang lại sự giác ngộ ở các cấp bậc cao nhất của nó, tức là một sự quán thấy siêu-duy-lý và siêu-khái-niệm, vượt lên sự hợp lý thông thường trong cuộc sống thường nhật.

 

            Trong bài viết trên đây cũng có một phân đoạn thật tinh tế, nhưng cũng rật khó thấu triệt, giải thích về nguyên lý tương liên và các sự "trùng hợp" xảy ra giữa các hiện tượng.  Chữ "trùng hợp" ở đây được dịch từ chữ "coincidence" trong nguyên bản, thế nhưng nếu cho rằng đấy là một sự "trùng hợp" thì cũng là cách gián tiếp chấp nhận bên trong sự trùng hợp đó cũng hàm chứa "một phần ngẫu nhiên" nào đó. Hơn nữa trong một phân đoạn trước đó khi giải thích về "nguyên lý tương liên và quy luật nguyên-nhân-hậu-quả", tác giả cũng cho biết bên trong cấu trúc tạo ra "chủ thể" và "đối tượng" đưa đến "hành động" cũng có "một phần tự do" nào đó. Vậy phải hiểu sự trùng hợp với "ít nhiều ngẫu nhiên" trong sự vận hành của nguyên lý tương liên và "một phần tự do" trong quy luật nguyên-nhân-hậu-quả như thế nào? Bởi vì nguyên lý tương liên và quy luật nguyên-nhân-hậu-quả rất chặt chẽ, không có một ngoại lệ nào cả, có nghĩa là không thể có một sự "trùng hợp ngẫu nhiên" hay "một phần tự do" nào. Đối với giáo lý Phật giáo và sự vận hành của thế giới hiện tượng nói chung, bất cứ một hiện tượng nào cũng phải có một nguyên nhân tạo ra nó và tiếp theo đó chính nó sẽ trở thành một nguyên nhân khác để tạo ra một hiện tượng khác.

 

            Vì thế các chữ "trùng hợp" và "tự do" do Lạt-ma Denys nêu lên trong các trường hợp trên đây chỉ có thể mang một ý nghĩa nào đó trước các sự kiện và biến cố vô cùng phức tạp đã được đơn giản hóa để dễ hiểu hơn. Dầu sao Lạt-ma Denys cũng đã đưa ra một thí dụ cụ thể bằng cách so sánh sự "trùng hợp" hay "ăn khớp" giữa các quá trình vận hành khác nhau với một ban nhạc trong đó các nhạc công sử dụng các nhạc khí khác nhau, nhưng cùng hòa tấu một bản nhạc chung. Điều này rõ ràng gợi lên khái niệm về "cộng nghiệp". Vậy "cộng nghiệp" là gì?

 

            Dường như không có bản kinh nào nói về "cộng nghiệp" cả, và cũng không biết được là thuật ngữ này được nêu lên lần đầu tiên trong kinh sách nào và trong trường hợp nào. Cộng nghiệp có thể chỉ là một khái niệm xuất hiện muộn, nhằm nói lên một sự "tương hợp" xảy ra trong sự vận hành phức tạp của quy luật nguyên-nhân-hậu-quả, tương tự như toàn thể một ban nhạc cùng hòa tấu một bản nhạc chung, và đây cũng là hình ảnh đơn giản hóa do Lạt-ma Denys nêu lên để giải thích sự "ăn khớp" giữa các sự vận hành khác nhau.

 

            Nghiệp luôn luôn mang tính cách cá nhân, đeo đuổi và bám chặt vào dòng tri thức của một cá thể, do đó không thể có hai dòng tri thức khác nhau cùng chia sẻ một thứ nghiệp chung, mà chỉ có thể xảy ra một sự "trùng hợp" hay "ăn khớp" giữa các sự vận hành của nghiệp thuộc hai dòng tri thức khác nhau. Dưới một góc nhìn nào đó thì cũng có thể hiểu các trường hợp "đồng bộ" hay "trùng hợp" này là tác động của nguyên lý tương liên ở một cấp bậc bao quát và tổng thể hơn, chẳng hạn như cả một dân tộc bị mất nước, hoặc gánh chịu một tai ương chung, dù rằng mỗi người dân trong nước đều khác biệt nhau trên mọi phương diện: tuổi tác, giàu nghèo, xu hướng, tánh tình, hung dữ, đạo đức, tín ngưỡng... Hoặc cũng có thể nêu lên một thí dụ thu hẹp hơn, một tai nạn máy bay chẳng hạn, khiến tất cả hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng: họ mang quốc tịch khác nhau, thuộc các sắc dân khác nhau, tuổi tác khác nhau, quá khứ khác nhau..., nói chung là nghiệp khác nhau, thế nhưng tất cả cùng gánh chịu một tai nạn chung. Tuy rằng mỗi cá thể đều mang một tổng thể nghiệp riêng và các nghiệp này vận hành biệt lập trên một dòng tri thức riêng, thế nhưng giữa các sự vận hành của các dòng tri thức cá nhân đó dường như cũng có một sự "trùng hợp", "tương hợp" và "ăn khớp" với nhau trước một cơ duyên bên ngoài, chẳng hạn như trong thí dụ trên đây thì cơ duyên bên ngoài là động cơ của máy bay bất thần bị hỏng.

 

            Thế nhưng cũng có thể xảy ra trường hợp sau khi tai nạn xảy ra cũng có một số người sống sót, nếu mượn hình ảnh của một ban nhạc thì trong số hành khách và phi hành đoàn, tuy cùng hòa tấu một bản nhạc chung, nhưng có một số đánh đàn hay thổi kèn sai một vài nốt khiến họ "rơi" ra ngoài sự trùng hợp liên kết giữa các sự vận hành của nghiệp của các hành khách khác trên chiếc máy bay và cơ duyên xảy ra bên ngoài là động cơ của máy bay bị hỏng. Trường hợp này cho thấy tác động của nguyên lý tương liên ở một cấp bậc rắc rối hơn so với trường hợp mà tất cả mọi người cùng hòa tấu ăn khớp với nhau, không sai một nhịp hay một nốt nào. Đây cũng có thể là lý do khiến Lạt-ma Denys cho rằng có một sự "trùng hợp" hay "bất trùng hợp" trong sự vận hành của nguyên lý tương liên và một phần vừa "trói buộc" nhưng cũng vừa "tự do" trong hành động thuộc quy luật nguyên-nhân-hậu-quả.  

 

            Thật ra những người sống sót không phải là những người ngoại lệ thoát khỏi sự chi phối của nguyên lý tương liên và quy luật nguyên-nhân-hậu-quả mà chỉ vì sự vận hành của các "hành động" tức là nghiệp của họ không hoàn toàn tương hợp với biến cố xảy ra. Sự vận hành và diễn tiến của nghiệp trên đây giúp chúng ta nhận thấy những người tu tập, tuy vẫn bị kiềm tỏa bởi nghiệp quá khứ, nhưng biết nương vào "thành phần tự do" của các hành động trong hiện tại, giúp mình gỡ rối mạng lưới chi phối cuộc sống của mình.

 

            Đến đây chúng ta lại thu hẹp thí dụ trên đây hơn nữa, chẳng hạn như một cặp vợ chồng: một người thì đàn sai nhịp một người thì hát lại quên lời, nhưng cứ thế mà cả hai cùng nhau đàn hát suốt nhiều chục năm, hoặc cũng có thể ngắn hơn. Trong trường hợp này thì bản "tình ca" là cộng nghiệp thuộc môi trường bên ngoài, phản ảnh một sự "đồng bộ" giữa sự vận hành của nghiệp của hai người, ngón đàn và giọng hát là biệt nghiệp của mỗi người phát sinh từ nghiệp quá khứ của họ và họ thì mỗi người qua tiếng đàn và tiếng hát của mình đang tạo ra nghiệp mới cho chính mình trong tương lai. Không có một Đấng toàn năng nào chen vào đấy để dùng chiếc đũa thần của mình mà đánh nhịp cho ngón đàn hay giọng hát của kẻ khác. Mỗi người tự do đàn, tự do hát và tự tạo nghiệp cho mình, đấy là "thành phần tự do" trong cấu trúc chủ-thể-đối-tượng đưa đến tác ý và hành động, theo như sự giải thích trên đây của Lạt-ma Denys.

 

            Đến đây chúng ta lại tiếp tục nêu lên các thí dụ nói trên theo một chiều hướng ngược lại, tức càng lúc càng mở rộng và càng phức tạp hơn. Khác hơn với một đôi vợ chồng, trong một gia đình đông người, sự khác biệt sẽ nhiều hơn: lứa tuổi, vai vế, tánh tình, quan điểm..., sự tương liên giữa họ do đó cũng sẽ phức tạp hơn, mỗi khi họp lại với nhau thì thật "ồn ào", cứ như một đám múa lân: đại gia đình là cộng nghiệp, mỗi thành phần là biệt nghiệp. Mở rộng hơn nữa, trong một quốc gia gồm hàng triệu người thì nguyên lý tương liên theo đó cũng sẽ mang các kích thước càng rộng lớn hơn: đảng phái, khuynh hướng, tôn giáo, quyền lợi, bảo thủ, cấp tiến, dân chủ, độc tài, lường gạt tập thể..., trong trường hợp này quốc gia là công nghiệp, người dân là biệt nghiệp. Đối với lịch sử nhân loại thì hận thù, tranh chấp, đô hộ, xâm chiếm, cướp phá, diệt chủng, chiến tranh dưới mọi hình thức kể cả tôn giáo,..., chưa bao giờ chấm dứt. Hành tinh thì bé tí xíu, thế nhưng "Trời" thì lắm, mỗi "Ngài" có một số tín đồ riêng, biểu trưng cho cộng nghiệp. Tín đồ là biệt nghiệp, cùng hòa tấu và hợp xướng một bản thánh ca, thế nhưng nhịp thì sai, lời thì quên trước quên sau, khiến không ai hiểu gì cả. Một đôi vợ chồng đàn hát còn không xong, huống hồ...

           

            Trên đây là các khía cạnh tiêu cực của nguyên lý tương liên, thế nhưng bên trong nguyên lý đó cũng hàm chứa những khía cạnh tích cực. Các khía cạnh này được Lạt-ma Denys nêu lên trong phần kết luận của bài viết trên đây, vậy cũng xin mạn phép lập lại để cùng nhau suy ngẫm về một hướng đi trong thế giới hiện tượng phức tạp này:

 

            "Việc luyện tập thiền định sẽ đần dần giải thoát chúng ta khỏi những thứ si mê của cái ngã cùng các thứ xúc cảm xung đột, đồng thời khơi động thật mạnh tình thương yêu và lòng từ bi bên trong chúng ta. Thật vậy, thiền định giúp chúng ta vuợt lên trên cái tôi nhỏ bé giam hãm mình và mở rộng lòng mình với kẻ khác và thế giới, đó cũng là cách giúp mình đến gần với tất cả mọi người từ bên trong thực tại của chính họ, với tất cả sự dịu dàng, tình thân thiện, không một mảy may hung hãn phát sinh từ cái ngã, và đấy cũng chính là nền tảng của tình thương yêu đích thật.

...........

            "Dharma/Đạo Pháp qua sự ý thức về nguyên lý tương liên có thể làm cái ngã và các sự đam mê của nó lắng xuống, hầu mang lại hạnh phúc và sự an bình bên trong nội tâm, thế nhưng đấy cũng là phương pháp duy nhất có thể mang lại hạnh phúc và an bình cho cả thế giới bên ngoài".

 

            Khi nào ý thức được sự vận hành của nguyên lý tương liên trói buộc con người và mang lại khổ đau cho họ, thì một người tu tập Dharma/Đạo Pháp sẽ biết mở rộng con tim mình để thương yêu và đến gần với kẻ khác từ bên trong những khổ đau của chính họ trong cái thế giới hiện tượng đầy biến động này. Bởi vì trong cái thế giới đó, qua nguyên lý tương liên - dù là ở cấp bậc nào: gia đình, xã hội, quốc gia hay nhân loại - chúng ta cùng chia sẻ một quá khứ chung, một tương lai chung, những niềm đau chung: do đó thương yêu kẻ khác cũng là thương yêu chính mình. Tóm lại nguyên lý tương liên không nhất thiết chỉ là một sự trói buộc mà còn là một phương tiện giúp chúng ta có thể đến gần với kẻ khác và liên hệ mật thiết hơn với cả thế giới, và đấy cũng là một cách biết nhìn vào khía cạnh tích cực của nguyên lý này. Do đó khi nào ý thức được các khía cạnh tích cực trên đây thì mỗi người trong chúng ta mới có thể "vượt lên trên cái ngã chật hẹp mang tính cách cá nhân, thoát ra khỏi các biên giới xã hội, quốc gia, kể cả các khối liên minh xuyên quốc gia, hầu gợi lên với mọi người là sự đoàn kết mang tính cách toàn cầu là một thứ gì đó có thể thực hiện được". Mong lắm thay!

 

            Nguyên lý tương liên giữ một vị trí và một vai trò vô cùng quan trọng trong giáo lý Phật giáo. Nguyên lý thật chặt chẽ này chi phối sự vận hành của tất cả mọi hiện tượng trong vũ trụ, từ vô hình đến hữu hình, thoát ra khỏi các kích thước không gian và thời gian, hiện lên bên trong tâm thức cũng như đang chuyển động trong thế giới bên ngoài. Trong sự vận hành của nguyên lý đó không có một ngoại lệ nào cả, có nghĩa là không có một hiện tượng nào mà lại không có một nguyên nhân tạo ra nó, và chính nó cũng không thể đứng yên được mà phải biến đổi liên tục để biến thành một nguyên nhân khác, tạo ra một hiện tượng khác. Các khía cạnh tương liên chặt chẽ vượt khỏi các kích thước không gian và thời gian trên đây giúp chúng ta hiểu được sự xoay vần của các chu kỳ hiện hữu, vượt qua ranh giới của cả hai lãnh vực vô hình và hữu hình. Cái chết không phải là một sự biến mất hoàn toàn mà chỉ là một nguyên nhân tạo ra một hiện tượng trong thế giới vô hình, hiện tượng này lại chuyển thành một nguyên nhân khác tạo ra một hiện tượng khác trong thế giới hữu hình, trực tiếp liên hệ với nó mà người ta thường gọi là sự "tái sinh". Do đó sự tái sinh cũng chỉ là một hình thức vận hành của quy luật nguyên-nhân-hậu-quả bên trong nguyên lý tương liên nối liền giữa hai lãnh vực vô hình và hữu hình.   

 

            Các triết gia, học giả và khoa học gia ngày nay đều kinh ngạc và thán phục trước nguyên lý tương liên do Đức Phật nêu lên cách nay đã hơn 25 thế kỷ, dù rằng họ chỉ nhận thấy tác động của nguyên lý này trong các lãnh vực vật chất và tâm thần, cũng như các kết quả đo đạt của máy móc hiện đại, nói chung là những gì cụ thể mà các khoa học gia có thể hiểu biết được. Trong khi đó một người hành thiền có thể quán thấy tác động của nguyên lý tương liên ở các cấp bậc tinh tế hơn nhiều, chẳng hạn như bản chất của sự nhận thức tức là sự hiểu biết của sự hiểu nêu lên trong bài viết trên đây, hoặc các thể dạng tương liên của sự hiện hữu hiện ra trong cả hai thế giới hữu hình và vô hình. Vậy nguyên lý tương liên đã được Đức Phật nói đến trong các bài kinh nào và giải thích như thế nào?

 

            Thật hết sức khó đi sâu vào tư tưởng của Đức Phật qua các kinh điển do Ngài thuyết giảng vì nhiều lý do. Trước hết là phải đặt sang một bên con số khổng lồ các kinh sách được trước tác sau thời đại của Đức Phật, có nghĩa là không phải là do Đức Phật trực tiếp thuyết giảng. Các trở ngại này lại càng trở nên rõ rệt hơn nữa đối với Phật giáo Trung Quốc, bởi vì ngoài các kinh sách dịch thuật đôi khi quá kém, còn có vô số các ngụy tác (apocryphal) tức là các kinh sách giả mạo.

 

            Riêng đối với kinh sách được xem là do Đức Phật thuyết giảng cũng lên đến hàng ngàn hay chục ngàn bài kinh hay câu kinh khác nhau, và trong số này cũng có một số được trước tác muộn, khoảng thế kỷ thứ II trước Tây Lịch - tức là sau thời đại của Đức Phật - chẳng hạn như một số kinh trong tập thứ V trong Kinh Tạng/Sutta Pitak là tập Khudaka Nikaya/Tiểu Bộ Kinh. Nói chung "kinh" là các bài giảng của Đức Phật được các đệ tử của Ngài học thuộc lòng và truyền khẩu cho nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác, do đó hầu hết các kinh này không được sắp xếp theo một thứ tự rõ rệt nào cả, nội dung của mỗi bài cũng không được phân đoạn với các tiểu đề để dễ theo dõi. Hơn nữa một số phân đoạn và một số câu kinh được lập đi lập lại triền miên nhằm mục đích dễ học thuộc lòng, thế nhưng cũng khiến bài kinh trở nên quá dài dòng, khó phân tích và tìm hiểu. Kinh Tạng tức là bộ sưu tập các lời thuyết giảng chính thức của Đức Phật gồm tất cả là năm quyển, nhưng trong số này chỉ có quyển thứ ba là xếp các bài kinh theo từng chủ đề, trong bốn quyển còn lại cách sắp xếp chỉ dựa vào chiều dài của các bài kinh. Năm quyển trong Kinh Tạng là:

 

1- Digha Nikaya/Trường Bộ Kinh: gồm 34 bài kinh dài, nhiều bài là cả một quyển sách.

2- Majjhima Nikaya/Trung Bộ Kinh: gồm 152 bài với chiều dài trung bình, gộp chung trong 5 tập.

3- Samyutta Nikaya/Tương ưng Bộ Kinh: là bộ kinh duy nhất mà các bài giảng được xếp theo các chủ đề khác nhau, gồm tất cả  7.762 bài, xếp thành 5 tập.  

4- Anguttara Nikaya/Tăng nhất Bộ Kinh: gồm 9.557 bài ngắn, xếp thành 11 tập.

5- Khuddaka Nikaya/Tiểu Bộ Kinh gồm 8.777 bài ngắn hoặc chỉ là các câu ngắn gọn, được xếp thành 15 tập.

 

            Đi sâu vào khu rừng kinh điển trên đây để tìm hiểu tư tưởng của Đức Phật đòi hỏi một sự kiên nhẫn và một sức cố gắng vượt bực, tuy nhiên cũng không phải là nan giải, bởi vì trong quá khứ cho đến ngày nay đã có nhiều học giả và các nhà sư từng ra sức phân tích, tìm hiểu và học hỏi từ các kinh sách đó và họ đã ghi lại các kinh nghiệm cũng như các sự hiểu biết của họ trong rất nhiều trước tác, giúp chúng ta tìm hiểu Giáo Huấn của Đức Phật mà không cần phải nghiên cứu tất cả số kinh điển trên đây. Thế nhưng vẫn còn một khó khăn khác nữa, to lớn và gay go hơn rất nhiều, đó là vì Đức Phật không hề thuyết giảng lý thuyết mà chỉ đưa ra những gì thiết thực, cụ thể và trực tiếp, nhằm mục đích thật rõ rệt là loại bỏ khổ đau cho con người mà thôi.

 

            Bài thuyết giảng đầu tiên của Đức Phật là "Bốn Sự Thật Cao Quý": sự thật về tình trạng khổ đau của con người, sự thật về nguyên nhân tạo ra tình trạng đó, sự thật về khả năng làm cho tình trạng đó phải chấm dứt và sau hết là sự thật về một phương pháp giúp con người tự tạo ra cho mình cái khả năng đó. Bốn Sự Thật ấy vô cùng cấp bách và thiết thực, không những đối với con người thời bấy giờ mà cho cả chúng ta hôm nay. Các bài thuyết giảng của Đức Phật trong suốt 45 năm sau đó cũng chỉ xoay quanh Bốn Sự Thật ấy mà thôi. Thế nhưng tại sao lại gọi là Bốn Sự Thật? Bởi vì Đức Phật muốn chúng ta hiểu rằng bốn điều ấy không phải là những điều bịa đặt hay những điều mà chúng ta phải nhắm mắt tin theo. Tại sao Bốn Sự Thật ấy lại là Cao Quý? Bởi vì có rất nhiều sự thật trong thế giới hiện tượng, nhưng chỉ có Bốn Sự Thật ấy là hữu ích, thiết thực và cấp bách nhất.

 

             Thật rõ ràng Bốn Sự Thật trên đây chỉ mang tính cách ứng dụng với mục đích duy nhất là làm cho khổ đau phải chấm dứt. Thế nhưng nếu chỉ là ứng dụng thì tất cả Bốn Sự Thật đó phải xuất phát từ một sự hiểu biết căn bản và bao quát hơn nhiều. Đức Phật đã khám phá ra sự hiểu biết siêu việt và rộng lớn đó trong một đêm trăng sáng khi ngồi thiền định trong khu rừng Uruvela. Thế nhưng Ngài không hề trực tiếp nói lên các khám phá đó của mình, cũng không tự nhận mình mang một sứ mạng thần khải nào cả, mà chỉ đơn giản nêu lên Bốn Sự Thật trên đây, đơn giản và trần trụi. Kể cả sau này, khi mọi người bắt đầu tôn kính Ngài như một Đấng Giác Ngộ, một Bậc Thầy siêu phàm, nhưng cũng không phải vì thế mà Ngài giải thích những thắc mắc ray rứt muôn thuở của họ. Trong kinh Cuka-Malunkya Sutta (Majjhima Nikaya, MN 63) một đệ tử của Ngài đã nêu lên các câu hỏi như sau: vũ trụ có trường tồn hay không, có biên giới hay không, một sinh linh đã được giải thoát có còn tiếp tục hiện hữu sau khi chết hay không, v.v., Ngài chỉ giải thích rằng các thắc mắc đó hoàn toàn vô ích và viễn vông. Trước các câu hỏi đại loại như thế Đức Phật chỉ giữ sự yên lặng, trong một vài trường hợp nếu người hỏi một mực bám chặt vào các thắc mắc của mình và sau ba lần thiết tha nài nỉ thì khi đó Đức Phật mới trả lời, nhưng Ngài cũng chỉ cho biết đấy là các câu hỏi đặt sai và hướng các thắc mắc của người hỏi vào những gì thiết thực và cụ thể hơn.  

           

            Thật hết sức rõ ràng Đức Phật không muốn nêu lên lý thuyết viễn vông và các chủ đề vô ích, thế nhưng nhiều người trong chúng ta hôm nay cũng không khác những người thời bấy giờ, luôn thắc mắc về đủ mọi thứ, muốn hiểu biết thật nhiều và tranh cãi rất hăng say. Thế nhưng các thắc mắc và tranh cãi đó là những gì vô ích, chỉ là một sự xao lãng trước những khổ đau đang đày đọa chính mình và kẻ khác. Thật vậy những thắc mắc và tranh cãi đó cũng chỉ là một cách bộc lộ sự lo sợ và khổ đau sâu kín bên trong tâm thức mình mà mình không hề ý thức được mà thôi.

 

            Lý thuyết chỉ đưa đến tranh cãi, nếu tranh cãi thì sẽ bất tận, vô minh này chưa kịp tan biến thì vô minh khác đã hiện ra, thắc mắc này đưa đến thắc mắc khác. Điều này thật hiển nhiên, ngay cả trong thế giới tân tiến và khoa học ngày nay, dù con người đã đặt chân lên mặt trăng và trở về trái đất, thế nhưng mỗi người trong chúng ta đều cho rằng tôn giáo của mình là đúng nhất và hợp lý nhất, từ đó phát sinh ra khuyến dụ, hung bạo, hận thù. Chiến tranh tôn giáo chưa bao giờ thật sự chấm dứt trong lịch sử nhân loại. Đấy là lý do tại sao Đức Phật không thuyết giảng về lý thuyết, cũng không đưa ra một giáo điều nào cả. Trên dòng lịch sử đầy biến động và sôi sục của nhân loại, Giáo Huấn của Đức Phật vẫn trường tồn trong một sự yên lặng mênh mông, sâu xa và kín đáo.

 

            Vậy sự hiểu biết siêu việt nào đã tàng ẩn phía sau những điều thiết thực mà Đức Phật đã thuyết giảng? Ngài chỉ nhận mình là một người đã thức tỉnh và đạt được giác ngộ, thế nhưng thức tỉnh và giác ngộ về điều gì? Với một khả năng hiểu biết hạn hẹp, chúng ta cũng chỉ có thể tưởng tượng hay hình dung được sự khám phá ấy của Đức Phật là một sự hiểu biết siêu nhiên vô cùng rộng lớn thế thôi. Đức Phật vì nhiều lý do không thể nêu lên ngay các khám phá của mình với những con người chất phác thời bấy giờ, trước hết là để tránh cho họ mọi hoang mang và thắc mắc vô ích, bởi vì các khám phá đó có thể vượt xa hơn khả năng hiểu biết của họ, có thể đánh lừa họ khiến họ bị lạc hướng trước những khổ đau đang bủa vây họ, và sau đó là vì những sự hiểu biết ấy không cần thiết, không phải là liều thuốc cấp bách trước những khổ đau cùng khắp của chúng sinh.

 

            Bảy thế kỷ sau khi Đức Phật tịch diệt, tức vào thế kỷ thứ II sau Tây Lịch, Nagarjuna/Long Thụ là người đầu tiên tìm hiểu tư tưởng của Đức Phật và giải đoán các sự khám phá siêu việt đó của Ngài. Nguyên lý tương liên và bản chất Trống Không của mọi hiện tượng được Long Thụ triển khai rộng rãi qua học thuyết Trung Quán của mình. Bài viết thật sâu sắc trên đây của Lạt-ma Denys cũng đã góp phần nói lên sự khám phá đó của Đức Phật về bản chất tương liên của hiện thực trong các lãnh vực tư duy, xúc cảm và nhận thức. Trong lúc suy tư để viết những lời ghi chú này - vào buổi chiều ngày 02 tháng10 - thì các cơ quan truyền thông cũng đưa tin ba khoa học gia Mỹ J.Hall, M.Rosbash và M.Young được trao giải Nobel Y khoa 2017 về các công trình khảo cứu của họ về "đồng hồ sinh học" (biological clock). Các khảo cứu này chứng minh cho thấy các "gien" trong nhân của từng tế bào sinh vật và cỏ cây đều liên hệ đến ngày và đêm, tức là sự xoay vần của mặt trời và mặt trăng trong không gian và vũ trụ. Khoa học ngày nay không ngừng khám phá ra các khía cạnh vô cùng tinh tế của nguyên lý tương liên.

 

            Những gì trên đây cho phép chúng ta suy đoán rằng sau một đêm dài thiền định dưới ánh trăng rằm nơi khu rừng Uruvela, thái tử Tất-đạt-đa đã quán thấy được bản chất của thế giới này, một thế giới chỉ gồm toàn là hiện tượng, liên kết với nhau và cùng nhau chuyển động:

 

            Hình tướng (rupa) chẳng khác gì như bọt sóng,

            Cảm giác (vedana) là các gợn sóng lăn tăn trên mặt nước,

            Sự nhận thức (sanna) chỉ là những ảo giác chập chờn,

            Tác ý (samkhara) là những con sâu trên lá,

            Tri thức (vinnana)  ẩn hiện và lập lòe như đom đóm trong đêm.

 

            Thế giới chỉ là hiện tượng, toàn là hiện tượng, nhất thiết chỉ là hiện tượng, chẳng có gì khác cả! Thái tử Tất-đạt-đa đứng lên trút bỏ cái gánh nặng của những thứ ấy trên vai mình. Ngài trả lại năm thứ cấu hợp cho thế giới hiện tượng đang chuyển động và xoay vần. Hành động trao trả ấy chính là sự Tỉnh Thức, sự Giác Ngộ của một vị Phật.

 

            Sau đó Đức Phật tiếp tục lưu lại thêm bảy tuần lễ dưới cội bồ-đề để tiếp tục thiền định và suy tư thêm về các khám phá của mình, rút tỉa và hệ thống hóa những gì thiết thực và hữu ích nhất trong đó, hầu giúp chúng sinh đặt cái gánh nặng của họ xuống, tương tự như mình vừa thực hiện được cho chính mình. Những điều thiết thực và hữu ích đó gồm có "Bốn Sự Thật":

 

            - Sự Thật thứ nhất là sự chuyển động không ngừng của thế giới hiện tượng. Không có bất cứ một thứ gì có thể đứng yên được, sự biến đổi thường xuyên đó tạo ra bản chất vô thường của vạn vật, đưa đến tình trạng bất toại nguyện trong nội tâm con người, tức là những niềm đau sâu kín của họ.

 

            - Sự Thật thứ hai là tình trạng bất toại nguyện dai dẳng hiện ra bên trong tâm thức nhất định phải có một nguyên nhân tạo ra nó, bởi vì trong thế giới hiện tượng bất cứ một thứ gì hiện ra cũng phải có một nguyên nhân liên hệ với nó, và nó cũng sẽ trở thảnh một nguyên nhân khác tạo ra một thứ gì khác.

           

            - Sự Thật thứ ba là bất cứ một thứ gì hiện ra trong thế giới hiện tượng cũng đều phát sinh từ một nguyên nhân liên hệ với nó, nếu làm cho nguyên nhân ấy tan biến đi thì sẽ không có một kết quả nào liên hệ với nó có thể xảy ra được. Khổ đau cũng vậy, sẽ không thể xảy ra nếu nguyên nhân liên hệ với nó đã tan biến hết, hoặc biến đổi khác đi thì kết quả do nó tạo ra cũng sẽ khác hẳn: khổ đau cũng có thể chuyển thành hạnh phúc được. 

 

            - Sự thật thứ tư là có một phương pháp làm cho nguyên nhân mang lại khổ đau phải biến mất, hoặc phải chuyển hướng khác đi. Phương pháp đó là Con Đường do Đức Phật vạch ra giúp chúng ta tạo cho mình một nếp sống đúng đắn, ngay thật và đạo đức, một tâm thức minh mẫn có thể trông thấy những mối dây chằng chịt trói buộc thân xác và tâm thức mình hầu cởi trói cho mình, giúp mình đứng ra bên ngoài sự chuyển động của thế giới hiện tượng.

 

            Hai sơ đồ dưới đây tóm lược các khám phá của Đức Phật và các ứng dụng rút tỉa từ các khám phá ấy.      

 

Sơ đồ I

 

Các khám phá quan trọng và chủ yếu nhất của Đức Phật

 

Nguyen-Ly-Tuong-Lien-0001

 

A- THẾ GIỚI HIỆN TƯỢNG: trong tình trạng thường xuyên chuyển động dựa vào nguyên lý tương liên và quy luật nguyên-nhân-hậu-quả. Sự tương liên, tương tác và tương tạo đó làm phát sinh ra trùng trùng điệp điệp các "mối dây liên kết" giữa các hiện tượng với nhau để cùng nhau hiện hữu.

 

B - MƯỜI HAI MỐI DÂY TRÓI BUỘC: trong số trùng trùng điệp các mối dây tương liên, tương kết và tương tạo đó trong thế giới hiện tượng có 12 mối dây trực tiếp liên kết và thúc đẩy nhau tạo ra sự hiện hữu trói buộc của một cá thể - kinh sách Hán ngữ gọi 12 mối dây này là "thập nhị nhân duyên". Sự vận hành trói buộc của 12 mối dây đó - còn gọi là samsara/cõi luân hồi - xảy ra như sau:

 

1-  vô minh phát sinh trước nhất và là mối dây thứ nhất,

2-  vì vô minh phát sinh, nghiệp phát sinh,   

3-  vì nghiệp phát sinh, tri thức phát sinh,

4-  vì tri thức phát sinh, danh xưng và hình tướng (các tên gọi) phát sinh,

5-  vì danh xưng và hình tướng phát sinh, các cơ sở của sự hiểu biết (lục giác) phát sinh,

6-  vì các cơ sở của sự hiểu biết phát sinh, sự tiếp xúc phát sinh,

7-  vì sự tiếp xúc phát sinh, cảm giác phát sinh,

8-  vì cảm giác phát sinh, sự thèm khát phát sinh,

9-  vì sự thèm khát phát sinh, sự bám víu phát sinh,

10- vì sự bám víu phát sinh, sự sinh khởi (hình thành) phát sinh,

11- vì sự sinh khởi phát sinh, sự sinh phát sinh,

12- vì sự sinh phát sinh, sự già nua và cái chết phát sinh.

 

C- NĂM CẤU HỢP TẠO RA MỘT CÁ THỂ CON NGƯỜI: trong thế giới hiện tượng liên tục xảy ra các sự tạo tác và hủy hoại dưới hình thức các hiện tượng hữu hình và vô hình, xuyên qua không gian và thời gian. Trong số trùng trùng điệp điệp các hiện tương đó có 5 hiện tượng - còn gọi là 5 thứ cấu hợp, kinh sách Hán ngữ gọi là ngũ uẩn - kết hợp với nhau tạo ra một cá thể con ngưòi. Nguyên nhân đưa đến sự kết hợp này là 12 mối dây trói buộc, trong đó mối dây tiên khởi là vô minh. Do đó nếu muốn đạt được sự giải thoát - có nghĩa là cắt đứt sự níu kéo của 12 mối dây trói buộc - thì phải làm cho mối dây thứ nhất là vô minh phải tan biến. Năm thứ cấu hợp tạo ra một cá thể gồm có:

 

1- hình tướng/Rupa (tức là thân xác vật chất với 5 giác quan và não bộ)

2- các cảm giác/Vedana (phát sinh từ sáu giác quan: ngũ giác và tâm thức)

3- sự nhận thức/Sanna (khả năng xác định và phân biệt các cảm giác)

4- sự tạo nghiệp/Samkhara (tức là các tác ý hiện lên trong tâm thức)

5- tâm thức/Vinnana (tức là tổng thể vận hành của cảm giác, sự nhận thức và tác ý, liên kết với nghiệp ghi khắc và tồn lưu trên dòng tri thức của mỗi cá thể)

 

            Tóm lại trong số trùng trùng điệp điệp các mối dây tương liên hiện ra trong thế giới hiện tượng, luôn ở trong tình trạng chuyển động thật phức tạp (A) có 12 mối dây tương liên và trói buộc tạo ra sự hiện hữu của một cá thể (B), mỗi cá thể là một sự kết hợp của 5 thứ cấu hợp (C). 12 mối dây liên kết với nhau dưới sự chi phối của nguyên lý tương liên và quy luật nguyên-nhân-hậu quả tạo ra sự xoay vần của 5 thứ cấu hợp ấy (C+B).

 

Sơ đồ II

 

Các Khám phá căn bản và cốt lõi trong Giáo Huấn của Đức Phật

 

Khám phá thứ I

THẾ GIỚI HIỆN TƯỢNG

vận hành theo nguyên lý tương liên, tương tác và tương tạo,

thuận theo quy luật nguyên-nhân-hậu-quả

 

 

Khám phá thứ II

Cá thể con người là một sự kết hợp của 5 thứ cấu hợp/ngũ uẩn dưới sự

chi phối và kiềm tỏa của 12 mối dây trói buộc trong thế giới hiện tượng

 

 

 


Khám phá thứ III

Sự kiện bị trói buộc trong thế giới hiện tượng trên đây

nguyên nhân mang lại khổ đau cho con người

 

 

 


Khám phá thứ IV

Bốn Sự Thật Cao Quý

là giải pháp loại bỏ nguyên nhân trói buộc và giải thoát con người khỏi mọi khổ đau

 

 


Thực Hành

Thiền Định là phương pháp thực hiện Bốn Sự Thật Cao Quý

 

            Phương pháp đó đòi hỏi ba điều kiện tiên quyết: 1- giữ gìn đạo đức tức là giữ gìn giới luật, 2- thực hiện 37 phẩm tính tinh thần, 3- tạo cho mình một nếp sống đúng đắn: lương thiện, ngay thật và từ bi..

 

           

            Thật ra trong số bốn khám phá trên đây thì Bốn Sự Thật Cao Quý - tức khám phá thứ IV - là chủ yếu nhất, bởi vì là phần ứng dụng của tất cả ba khám phá trước đó. Vì thế nếu không quen tìm hiểu những gì trừu tượng, rắc rối và khúc triết thuộc lãnh vực lý thuyết thì người tu tập cũng chỉ cần noi theo Bốn Sự Thật Cao Quý cũng là đủ.

 

            Bốn Sự Thật Cao Quý tiếng Phạn là Catvāri āryasatyāni, tiếng Pa-li là Cattāri ariyasaccāni, cả hai là các từ ghép. Trong tiếng Pa-li, cattaro có nghĩa là bốn; ariya là cao quý và sacca là sự thật, ghép chung có nghĩa là "Bốn Sự Thật Cao Quý", thế nhưng kinh sách Hán ngữ thì lại dịch là "Tứ Diệu Đế"/四妙諦 (四: tứ; 妙: diệu, có nghĩa là đẹp, tốt, khéo léo, diệu kỳ; 諦: đế, có nghĩa là đạo lý, chân lý, chân đế, chân ngôn),  Cách dịch thiếu chính xác và lệch lạc này không nói lên được ý nghĩa của "Bốn Sự Thật" trong Giáo Huấn của Đức Phật nêu lên Con Đường giúp chúng ta thoát ra khỏi thế giới hiện tượng này. Bốn Sự Thật trong Giáo Huấn của Đức Phật chỉ là những Sự Thật trần trụi, hiển nhiên và vững chắc, không mang tính cách diệu kỳ của một thứ chân lý hay chân đế nào cả.

 

            Sự Thật thứ nhất vô cùng quan trọng, đó là cửa cổng mở vào Con Đường. Chỉ khi nào chúng ta ý thức được những khổ đau sâu kín của mình và kẻ khác, khiến bùng lên trong con tim mình ngọn lửa của từ bi, thắp lên ngọn đuốc soi bước chân mình, thì khi đó mình mới có thể trông thấy được Con Đường với tất cả Bốn Sự Thật của nó. Ngọn đuốc từ bi sẽ tiếp tục dẫn dắt mình trên Con Đường, không cần phải thắc mắc và tìm hiểu những điều lý thuyết xa vởi và rắc rối. Trên Con Đường của Bốn Sự Thật Cao Quý cũng không có bất cứ gì để cầu xin và van vái cả, mà chỉ có lòng từ bi để hiến dâng cho kẻ khác mà thôi. Lỗi lầm to lớn nhất của chúng ta đối với Đức Phật là biến Giáo Huấn của Ngài thành một tín ngưỡng đơn thuần.  

                   

***

 

Phụ Lục I

 

Tiểu sử của Lạt-ma Denys Rinpoché

 

            Lạt-ma Denys sinh năm 1949 tại Paris trong một gia đình Ki-tô giáo nhưng không thuần thành, và ngay từ thuở bé ông đã có dịp đọc các sách Phật giáo. Sau khi đỗ tú tài và ghi danh theo học các ngành Y khoa và Triết học thì cậu sinh viên vừa mới 18 tuổi đó đã tìm đường sang tận Ấn Độ để đích thân tìm hiểu về Phật giáo. Cơ duyên đã giúp cậu sinh viên này gặp được nhà sư Tây Tạng nổi tiếng là Kalu Rinpoché (1904-1989) tại Sonada một thị trấn nhỏ trên triền núi phía nam của dãy Hy-mã-lạp-sơn thuộc tiểu bang Sikkim của nước Ấn, và đã được nhà sư này nhận làm đệ tử.

 

            Sau khi thi đỗ các cấp bậc đầu tiên ở đại học ông bỏ dở việc học hành, quay lại Ấn Độ năm 1970 và lưu trú hẳn tại đây để trau dồi thêm tiếng Tây Tạng và ghi danh học tiếng Phạn tại đại học Sanskrit University tại Bénarès/Ba-la-nại (Varanasi), rồi sau đó lại ghi danh học ngành Tây Tạng học tại đại học Vishvabharati do thi hào Rabindranath Tagore thành lập tại vùng vịnh Bengale thuộc đông bắc nước Ấn. Sau thời gian học hỏi trên đây ông quay lại vùng bắc Ấn tu tập bên cạnh thầy mình là Kalu Ripoché, một vị thầy thật uyên bác,  được tất cả các học phái Phật giáo Tây Tạng kính nể. Kalu Rinpoché khuyến khích ông biệt tu và truyền cho ông các giáo pháp Mahamudra (Đại-thủ Ấn) và Dzogchen (Đại thành tựu). Ngoài ra ông còn được học hỏi thêm với nhiều vị thầy khác như Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV, Ngài Gyalwang Karmapa XVI, Dujom Rinpoché, Dilgo Rinpoché, Chatral Rinpoché... và được các vị này truyền cho nhiều giáo pháp của các học phái khác. Trường hợp của ông quả hiếm hoi vì ngoài vốn liếng kiến thức học hỏi được tại các đại học Tây Phương và Ấn Độ, ông lại còn được thừa hưởng các truyền thống ngàn năm của các vị Thầy lỗi lạc trên miền bắc Ấn. 

 

            Kể từ năm 1971 vị thầy Kalu Rinpoché thường du hành sang các nước Âu Châu để thuyết giảng, và trong các dịp này ông đã tháp tùng thầy mình để thông dịch. Năm 1976 hai thầy trò thành lập một trung tâm đầu tiên tại Pháp và cũng là trung tâm đầu tiên cho toàn thể Âu Châu dành vào việc tổ chức các khóa biệt tu ba năm, ba tháng và ba ngày. Năm 31 tuổi tức là vào năm 1980 ông chính thức được ban tặng pháp danh Lama Denys Tondrup Gyalsen, và được đề cử trụ trì ngôi chùa Karma Ling tại Pháp. Năm 1984 ông được chính thức ban tước vị Vajracharya, chứng nhận ông là một vị thầy toàn vẹn của Kim Cương Thừa, và ông cũng là người Tây Phương đầu tiên được ban tước vị này. Một năm sau đó ông đứng ra điều khiển một khóa biệt tu ba năm, ba tháng, ba ngày, tổ chức lần đầu tiên tại ngôi chùa Karma Ling.

 

            Lạt-ma Denys là một nhà sư vô cùng tích cực, đã thành lập nhiều tăng đoàn, tổ chức hội thảo và thuyết giảng khắp nơi tại Pháp và Âu Châu, và từng là chủ tịch Tổng hội Phật giáo Âu Châu trong nhiều năm liền, nhưng nay chỉ giữ chức vụ này với tư cách danh dự.

 

 

***

Phụ lục II

 

Các bài kinh xem thêm

 

            Sau đây là một vài bài kinh ngắn trong Samyutta Nikaya/Tương Ưng Bộ Kinh đề cập đến nguyên lý tương liên. Tuy nhiên cũng xin lưu ý là trong các bài kinh này Đức Phật tránh các hình thức lý thuyết và triết học mà chỉ thuyết giảng về các khía cạnh ứng dụng của nguyên lý này.

 

Samyutta Nikaya (tập 2: Nidana Vagga, chương 12):

 

SN 12.2: Paticca-samuppada-vibhanga (phân tích nguyên lý tương liên)

SN 12.10: Mahaa Sakyamuni Gotama Sutta (nói về nguyên lý tương liên và sự Giác Ngộ)

SN 12.15: Kaccayanagotta Sutta (nói về nguyên lý tương liên và sự quán thấy đúng đắn)

SN 12.38: Cetana Sutta (sự tương liên giữa tác ý và tri thức)

SN 12.46: Annatra Sutta (nghiệp và nguyên lý tương liên)

SN 12.48: Lokayatika Sutta (nguyên lý tương liên và "con đưởng ở giữa hai thái cực")

 

            Các bài kinh này có thể tìm thấy trên nhiều trang mạng, chẳng hạn như trang mạng tiếng Anh của nhà sư Thanissaro Bhikkhu:  

 

http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/sn/index.html

 

            Các bản dịch tiếng Pháp có thể tìm thấy trên trang mạng:    

 

http://www.canonpali.org/tipitaka/suttapitaka/samyutta/samyutta.html#Nidana

           

            Hòa thượng Thích Minh Châu cũng có dịch bộ kinh Samyutta Nikaya và cũng đã được đưa lên nhiều trang mạng tiếng Việt, nhưng dường như không được đầy đủ:

 

http://www.daitangkinhvietnam.org/node/8588

https://thuvienhoasen.org/images/file/Nqrqkp1G0QgQACMa/tuongungbokinh.pdf

 

 

                                                                                                Bures-Sur-Yvette, 29.10.17

                                                                                                 Hoang Phong chuyển ngữ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/11/2015(Xem: 10607)
Chúng ta cần có một động cơ thích đáng cho việc lắng nghe giáo huấn; bằng khác đi chúng ta sẽ mất một cơ hội để xây dựng một năng lực tích cực lớn là phước đức và hòa nhập giáo huấn này vào trong sự tương tục tinh thần của chúng ta.
28/11/2015(Xem: 9808)
Đoạn video về cuộc trò chuyện cảm động giữa cha con người Pháp gốc Việt về vụ khủng bố Paris, trong đó ít nhất 128 người chết, đang lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội. Trong cuộc phỏng vấn của chương trình Le Petit Journal, đài Canal+, phóng viên hỏi bé trai Brandon liệu bé có hiểu lý do những kẻ cực đoan giết người ở Paris tối ngày 13/11 hay không. Brandon, người đang thăm một khu vực tưởng niệm bên ngoài nhà hát Bataclan cùng cha, trả lời: "Có ạ, vì họ rất rất xấu xa". "Và chúng ta phải rất cẩn thận vì chúng ta phải dọn nhà đi nơi khác". Chính lúc này, người cha Angel Le tham gia vào cuộc trò chuyện cảm động về cuộc tấn công. Ông đảm bảo với con trai rằng họ sẽ không rời bỏ Paris vì "nước Pháp là nhà mình".
28/11/2015(Xem: 9893)
Trong kinh Pháp Cú có câu "Sabba danam dhammadanam jinati" có nghĩa là "Hiến dâng Đạo Pháp - hay Sự Thật - vượt hơn tất cả các hiến dâng khác", thế nhưng sự hiến dâng đó quả khó thực hiện bởi vì cần có một chút vốn liếng nào đó để có thể hiến dâng. Tuy nhiên dường như mỗi người trong tất cả chúng ta đều sẵn có một thứ vốn liếng mang tính cách bẩm sinh, đấy là tình thương yêu trong trái tim mình. Tình thương đó đôi khi cũng không quá mơ hồ và trừu tượng mà có thể hiện ra rất cụ thể qua nếp sống và cung cách hành xử của chính mình, đấy là quyết tâm mang lại sự "an toàn" và "không sợ hãi" cho tất cả chúng sinh, kể cả những côn trùng nhỏ bé. Việc bố thí sự "không sợ hãi" và hiến dâng sự "an toàn" cho tất cả chúng sinh thật hết sức đơn giản: chỉ cần tuân thủ giới luật "không sát sinh", và đấy cũng là giới luật quan trọng nhất trong Phật giáo. Dưới đây là một bài viết của Hòa Thượng Parawahera Chandaratana về ý nghĩa của sự bố thí trong Phật giáo Theravada. Ông là một nhà sư
24/11/2015(Xem: 12716)
Sự đáo vô tâm giai khả lạc Nhân đáo vô cầu phẩm tự cao Chẳng bận tâm thì lòng an vui Người vô cầu là bậc cao thượng.
24/11/2015(Xem: 7230)
Xứ Ấn giữa tháng 11 đã bắt đầu se lạnh. Nhờ sự trợ duyên từ thiện của quý vị Phật tử thiện hữu, sáng hôm qua (Nov 13 -2015) chúng tôi vừa đến thăm và '' đắp mền '' cho một ngôi làng, nghèo cách Bồ Đề Đạo Tràng chừng 7 cây số. Xin gửi về một vài hình ảnh tường trình thay cho lời tri ân cùng quí vị ân nhân. Buổi phát quà được bảo trợ bởi những Tấm Lòng :
23/11/2015(Xem: 6579)
1, Có bố thí thanh tịnh từ người cho, không thanh tịnh từ người nhận; 2, Có bố thí thanh tịnh từ người nhận, không thanh tịnh từ người cho; 3, Có bố thí không thanh tịnh từ người cho cũng không thanh tịnh từ người nhận; 4,Có bố thí thanh tịnh từ người cho cũng thanh tịnh từ người nhận.
22/11/2015(Xem: 11582)
Thiền tập .b ở trường Trung học Phật giáo Pal, Sydney The Mindfulness in Schools được biết đến rộng rãi trên thế giới có tên gọi .b (dot bee), và theo khảo nghiệm của đại học Cambridge và Oxford thì .b mang đến những tác động tích cực cho các em học sinh luyện tập đúng cách. Trinh Nguyễn tìm hiểu chương trình này trong cuộc phỏng vấn với Giáo viên hướng dẫn Bodhidasa Caldwell của trường Pal, và phiên dịch viên Thu Vân. Muốn tìm hiểu thêm về hoạt động 'Mindfulness in Schools', chương trình 'Teach 4 Peace', và buổi dạ tiệc gây quỹ 'Little Buddha', liên lạc với trường Trung học Phật giáo Pal Phone: +612 9755 7778 Email: [email protected] Web: http://pal.nsw.edu.au/
22/11/2015(Xem: 7735)
Khuôn mặt của anh Hardison đã bị hủy hoại kinh hoàng, sau một lần tham gia thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, Daily Mail đưa tin. Kể về “ngày định mệnh” cách đây hơn 10 năm, anh cho biết: “Đó chỉ là một ngày bình thường, cũng giống như những đám cháy khác". "Chúng tôi đi vào bên trong để tìm kiếm một phụ nữ đang mắc kẹt”. Hardison bước vào căn nhà cùng với 3 đồng nghiệp khác. Thảm kịch xảy ra khi trần nhà sụp xuống đúng chỗ anh đang đứng. “Mặt nạ đã tan chảy vào khuôn mặt tôi”, anh Hardison kể lại.
22/11/2015(Xem: 7878)
Quân khủng bố IS đặt bom nổ ở Paris, đã giết hại hơn hai trăm người dân vô tội vào ngày thứ sáu 13.11.15. Quân khủng bố IS đã đánh bom nổ tung chiếc máy bay A321 từ Ai Cập đi Nga hôm 31.10.15 khiến 224 hành khách thiệt mạng. Trong năm nay cũng đã hàng loạt những hành động giết người dã man hay phá loại vô lương tâm của IS ở Ankara Thổ Nhĩ Kỳ (10.10), ở Kuwait (26.2), ở Aousse Tenisia (26.6), ở Saudi Arabien, Ai Cập, Yemen, Tunis, ở Mali v.v… Quân khủng bố IS còn đe dọa ở sân banh Hannover Đức quốc, làm trận cầu quốc tế hữu nghị Đức và Hòa Lan hôm thứ ba 17.11.15 phải hủy bỏ. Quân khủng bố đang IS đe dọa liên tục tinh thần người dân Âu châu trong mùa Vọng Giáng Sinh năm nay. Cả với cá nhân tôi, người ít khi đi hội chợ Giáng sinh cũng không đi xem đá banh ở sân vận động nhưng vẫn cứ thấy lòng bất an.
21/11/2015(Xem: 10630)
Ngày 16.11.2015, sau cuộc khủng bố đẫm máu ở Paris, phóng viên Murali Krishnan của „Làn Sóng Đức Quốc - Deutsche Welle“ đã có cuộc phỏng vấn Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Ấn Độ. Tổ chức Deutsche Welle là một cơ quan truyền thông lớn của nước Đức, thành lập từ năn 1924, phát thanh và hình hơn 30 ngôn ngữ trên toàn thế giới, là thành viên của Đài Truyền Hình ARD. Xin trích dịch toàn bài phỏng vấn từ tiếng Đức từ trang Web của Deutsche Welle.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]