Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hành Trang về Cực Lạc

08/02/201707:00(Xem: 7436)
Hành Trang về Cực Lạc

 


Khoa tu Chua Bao Quang Hamburg Duc Quoc (1) 

Hành Trang Về Cực Lạc
 

● Phương Quỳnh-Diệu Thiện

 

 

     Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

     Đêm qua sân trước một cành mai

 

     Đó là Xuân của Ngài Thiền Sư Mãn Giác, Xuân của Phật Pháp là vậy.  

     Thêm một mùa Xuân nữa trôi qua trên xứ người, 42 mùa xuân viễn xứ. Chúng ta tự hỏi, mỗi một người đã góp công góp sức cho đời, cho đạo được bao nhiêu lợi tha. Trong kinh Đại Trí Độ Luận, đức Phật có dạy rằng: Mọi việc xảy ra trong đời này có thể tốt với người này mà cũng có thể trở thành xấu với người kia. Tất cả cũng đều do nhân duyên thành tựu và cũng từ nhân duyên nó cũng sẽ tan rã ra. Trùng trùng duyên khởi và trùng trùng biến hiện là vậy.

     Hòa Thượng Phương Trượng chùa Viên Giác thường nhắc nhở chúng ta cố gắng thực hành Tứ Chánh Cần để được lợi lạc chung. Việc ác chưa sanh thì đừng làm cho nó sanh, việc ác đã sanh rồi thì đừng làm cho nó sanh nữa. Việc thiện chưa sanh thì cố gắng làm cho nó phát sanh, việc thiện đã sanh rồi thì làm cho nó sanh thêm nữa.

     Bởi thế cho nên tại chùa Bảo Quang Hamburg đã bảy mùa xuân qua, Sư Bà Viện Chủ Diệu Tâm và Sư Cô Trụ trì Tuệ Đàm Nghiêm đã không quản ngại khó khăn vất vả mỗi năm cứ vào độ cuối thu đều có tổ chức khóa tu Phật thất cho Phật tử khắp nới về tham dự tu tập, thính pháp của Chư Tôn Đức cho chúng ta biết cách sống để chuẩn bị hành trang về Cực Lạc.

     Đức Phật dạy, tất cả thân tâm và nơi cảnh giới này đều vô thường thì nghiệp lực của chúng sanh cũng không tồn tại. Pháp tu Niệm Phật là để thay đổi nghiệp lực và chuyển hóa thân tâm.

 

     Niệm Phật một câu phước sanh vô lượng

     Lạy Phật một lạy tội diệt hà sa

 

     Niệm „Nam Mô A Di Đà Phật” sẽ giúp cho hành giả không còn trạng thái vui buồn khổ đau hay giận hờn thương ghét. Tự tâm sẽ xóa tan phiền não, định tĩnh tâm linh chúng ta sẽ tìm thấy niềm an bình và hạnh phúc mới. Đó là những lời khai thị Khóa tu Niệm Phật từ ngày 25.9 đến ngày 02.10.2016 của Đại Đức Thích Hạnh Giới, trụ trì chùa Viên Giác Hannover và cũng là Chi Bộ Trưởng Chi Bô PG.VNTN Đức Quốc.

 

      Vãng tích sở tạo chư ác nghiệp 

     Giai do vô thỉ tham sân si

     Tùng thân ngự ý chi sở sanh

     Kim đối Phật tiền cầu sám hối…

 

     Lời kinh cầu nguyện mỗi buổi sáng sớm sau thời tụng kinh Chú Lăng Nghiêm và Cầu An thập chú. Đại Đức Hạnh Giới và Sư Cô Tuệ Đàm Nghiêm đã hướng dẫn cho trên 100 hành giả tụng theo và quý Chư Ni Tuệ Đàm Châu, Tuệ Đàn Vân, Tuệ Đàm Giác, Tuệ Am và Thông Chân. Lời kinh vang dội, âm thanh nghe thanh thoát nhẹ nhàng đầy vẻ uy nghi mầu nhiệm. Trong chánh điện đèn hoa sáng rực, chúng tôi tưởng chừng như có Chư Phật, Chư Bồ Tát và Long Thần Hộ Pháp chứng giám vậy.


Khoa tu Chua Bao Quang Hamburg Duc Quoc (2)

    Tất cả các Pháp môn Phật đều đưa đến giải thoát. Tu theo Pháp môn nào cũng vậy, phải kiên nhẫn phát nguyện; nhưng sự thành tựu được như thế nào là tùy theo nhân duyên và cũng tùy theo phước đức của mỗi chúng sanh. Lạy Phật để cho Nghiệp tiêu tan và Lạy Phật là Sám hối. Thầy Hạnh Giới dí dõm ví von không nên tu theo kiểu “mì ăn liền”, không nên tu vì bản ngã, người Phật tử luôn phải biết trì giới, nhẫn nhục, dứt bỏ tham sân si, diệt trừ hết tội lỗi… 

  

      Sau hai ngày khai giảng, đạo tràng chúng tôi hân hoan đón Hòa Thượng Phương Trượng Thích Như Điển về thăm và thuyết giảng. Lần này Hòa Thượng có mang theo nhiều bầu, bí của vườn chùa Viên Giác thể hiện tấm lòng thương đối với Phật tử; làm chúng tôi chợt nhớ lại cách đây 5 năm từ Sri Lanka, trong lần Thầy và cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm đi nhận giải của Hội Đồng Tăng Già Thế Giới trao tặng tại Thủ đô Colombo, Hòa Thượng cũng đã cố gắng xách mang nặng vài thứ trái cây Á Đông như mít, xoài… cho đệ tử và Phật tử chùa Viên Giác thưởng thức.

     Lần này Hòa Thượng thuyết giảng về lịch sử truyền thừa của Tịnh Độ Tông. Từ thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đến Ngài Long Thọ, Ngài Thế Thân qua đến Trung Hoa có Ngài Đàm Loan, Ngài Đạo Xước và Ngài Thiện Đạo. Đến Nhật Bản có Ngài Nguyên Tín, Ngài Pháp Nhiên và Ngài Thân Loan.

     Tịnh Độ Tông ở Việt Nam do Ngài Đàm Hoằng, người tu theo pháp Thập Lục Quán của kinh Quán Vô

Lượng Thọ tại núi Tiên Dung Bắc Việt và Ngài đã xiển dương pháp môn Tịnh Độ từ năm 325 đến năm 355.

 
Khoa tu Chua Bao Quang Hamburg Duc Quoc (3)

     Ba kinh chính yếu của Tịnh Độ Tông là Vô Lượng Thọ, A Di Đà và Quán Vô Lượng Thọ.

     1- Trong Kinh Vô Lượng Thọ, Đức Phật đã thuyết cho Ngài A Nan Đà nghe ở núi Kỳ Xà gồm có hai quyển Thượng và Hạ. Quyển Thượng nói về 48 lời nguyện của Đức Phật A Di Đà, khi Ngài còn là một Pháp Tạng Tỳ Kheo phát ra những lời nguyện ấy để trang nghiêm cảnh giới Cực Lạc.

    Quyển Hạ nói về trong đời ác năm trược chúng sanh bị luân hồi sanh tử  khổ sở, chỉ có Pháp môn Tịnh Độ là thù thắng nhất để cầu được vãng sanh về thế giới “Phàm Thánh Đồng Cư Tịnh Độ” này. 

     2- Trong Kinh A Di Đà Đức Phật thuyết giảng cho Ngài Xá Lợi Phất và Thánh chúng nghe tại Kỳ Viên Tịnh Xá ở nước Xá Vệ. Nội dung của Kinh, Đức Phật Thích Ca  Mâu Ni giới thiệu về Quốc Độ Cực Lạc, danh hiệu của Đức Phật A Di Đà và đời sống của những chúng sanh tại cảnh giới này. Tiếp đến nói về các vị Phật tại 4 phương Đông, Tây, Nam, Bắc, Thượng phương và Hạ phương đã tuyên dương giáo nghĩa Vô Lượng Thọ để chúng sanh nào nếu nhất tâm niệm Phật thì sẽ được sanh về thế giới này.

     3- Quán Vô Lượng Thọ: Kinh nói rõ về 16 phép quán mà Đức Phật đã nói cho Hoàng Hậu Vi Đề Hy và đặc biệt là phép quán về 9 phẩm Liên Hoa nơi thế giới Tây phương Cực Lạc.

    Nói tóm lại việc Niệm Phật để cầu vãng sanh nên hành trì 3 Kinh quan trọng trên và đơn giản là niệm danh hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật” một cách miên mật để cho từ trường của chúng sanh có thể tiếp cận được với từ trường của Đức Phật. Lúc đó Phật và chúng sanh là một.

    Ba bộ kinh trên làm căn bản để phát triển việc vãng sanh. Khi niệm Phật nên nghĩ tưởng cõi này là cõi hóa sanh (theo kinh A Di Đà). Cõi của Phật A Di Đà là Cực Lạc Thế Giới.  

     Niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”: Nam Mô là quy mạng, là trở về. A Di Đà Phật là Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang, Vô Lượng Công Đức.

     Đức Phật là bậc đã giác ngộ. Khi ta niệm Phật, vừa hồi hướng công đức cho chúng sanh. Trong Kinh A Di Đà, Như Lai nói những gì Như Lai làm và Như Lai làm những gì Như Lai nói.

     Tiếc thay Hòa Thượng Phương Trượng chỉ ở lại ba ngày không thể trụ hết khóa tu được vì lịch trình thuyết giảng của Ngài dày đặc, đạo tràng nào Phật tử cũng mong muốn sự có mặt của Hòa Thượng. Đúng là:

     Làm Tăng Sĩ bốn phương trời rảo bước

     Không tình riêng không ràng buộc tình đời

     Đem từ bi trang trải khắp muôn nơi

     Cho nhân thế vơi đi bao sầu khổ…

 

Khoa tu Chua Bao Quang Hamburg Duc Quoc (4)

     Khóa tu Phật thất Bảo Quang năm nay may mắn cung thỉnh được Hòa Thượng Nguyên Siêu từ Hoa Kỳ sang thuyết giảng. Hòa Thượng cũng là vị Giảng Sư hằng năm của Khóa Tu Học Phật Pháp do Giáo Hội PGVNTN Âu Châu tổ chức gần 30 năm qua. Hòa Thượng là Tổng Thư Ký Giáo Hội PGVNTN Hoa Kỳ từ năm 2008 đến nay. Ngài có rất nhiều bài viết đăng trên nhiều báo chí Phật Giáo Việt Nam hải ngoại và có nhiều bài đăng trên các trang nhà điện toán. Có 7 tác phẩm đã xuất bản và nhiều bài dịch thuật. Hòa Thượng cũng có nhiều tập thơ, có thuyết giảng Online về nghệ thuật sống của người Phật tử.

 

 

     Cuộc đời vô thường, con người vô ngã. Giáo pháp có 84 ngàn thì chúng sanh cũng có 84 ngàn phiền não. Ngài A Nan bạch với Đức Thế Tôn “Xin Đức Thế Tôn chứng minh cho lời nguyện của con. Ngày nào con người còn đau khổ thì con sẽ không thành Phật”. Phật pháp luôn ở tại thế gian này tùy căn cơ của mỗi người mà chọn pháp môn đó. Mình phải luôn nhớ đến chúng sanh còn đau khổ. Hoa sen tượng trưng cho đạo Phật, nếu không có cái ô uế bùn lầy dưới mặt nước thì làm sao có cái tinh khiết của hoa sen được. Hoa sen có điểm đặc biết là “nhân quả đồng thời”. Nhân tương đồng với quả.

     Trong Kinh Pháp Cú có dạy: Tâm dẫn đầu các pháp và làm chủ các pháp. Tất cả các pháp môn đều lấy Tâm làm trọng yếu. Pháp môn Niệm Phật qua 3 phạm trù là Tín, Hạnh, Nguyện.

     Câu niệm Phật có năng lực đưa đến từ hữu lậu đến vô lậu. Pháp vô lậu là không còn phiền não, pháp hữu lậu là còn phiền não.

     Giáo pháp của Đức Thế Tôn là ngược dòng sinh tử, còn chúng sanh thì xuôi theo dòng sinh tử. Hòa Thượng Nguyên Siêu dặn dò người Phật tử đã chọn pháp môn niệm Phật thì phải phát khởi 10 thứ Tâm thù thắng sau đây:

     1- Tín Tâm là lòng tin chân thật tha thiết vững bền. Phải tin chân thật vào lý Nhân Quả, kiếp sống là vô thường. Tin rằng cõi Cực Lạc là do tâm thanh tịnh tương ứng với bổn nguyện của Phật A Dì Đà, mà bổn nguyện ấy là chân thành, rốt ráo và tối thắng.

     2- Thân trọng Tâm: là đem lòng sâu xa và cẩn trọng mà cảm mộ ân đức của Tam Bảo, tưởng nhớ công lao của cha mẹ, thiện tri thức và của hết thảy chúng sanh.

     3- Hồi hướng phát nguyện Tâm: nguyện đem công đức niệm Phật, hồi hướng cho chính bản thân mình và cho chúng sanh vãng sanh Cực Lạc Quốc.

     4- Xả ly Tâm: là lìa bỏ tất cả ý niệm sai biệt có-không để trở về nhất hướng của mình là sanh về Tịnh Độ.

     5- An ổn Tâm: người niệm Phật trong khi xưng danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật phải phát khởi tâm trí bất động kiên cố không thoái chuyển gọi là Tâm an ổn.

    6- Đà La Ni Tâm: người niệm Phật, đặt trọn niềm tin vào Phật, diết các ác, phải nắm giữ các thiện pháp.

    7- Hộ giới Tâm: phát tâm an trụ nơi giới luật, hộ trì giới luật, hân ngưỡng đại thừa, phát Bồ Đề tâm, tu cho mình thành Phật và phổ độ chúng sanh.

    8- Ba La Mật Tâm: Niệm Phật phải phát Bồ Đề Tâm tu theo 6 phạm trù giới pháp là Bố thí, Trì giới, Tinh tấn, Nhẫn nhục, Thiền định và Trí tuệ Ba La Mật. Đó là chất liệu nuôi duỡng Tâm Bồ Tát.

     9- Bình đẳng Tâm: Phật dạy „nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh. Niệm Phật với tâm không phân biệt, không ngăn ngại, không khinh ai, chuyên cần tinh tấn, Đức Phật sẽ hóa độ hết”.

     10- Tâm Phổ hiền: Phổ là khắp, rộng rãi và không rời bỏ chúng sanh. Hiền là chẳng xa lìa quả vị chánh đẳng, chánh giác. Tâm Phổ hiền là tâm rộng rải như hư không, tâm vô biên như Phật tánh luôn bổn nguyện độ chúng sanh mau thành Phật.

 

 Khoa tu Chua Bao Quang Hamburg Duc Quoc (5)

     Trước khi Hòa Thượng Phương Trượng rời đạo tràng, Ngài đã dành 2 tiếng đồng hồ cùng với Hòa Thượng Nguyên Siêu và Đại Đức Hạnh Giới giải đáp những thắc mắc; nhưng quý Thầy ban đầu chỉ nhận có 6 câu hỏi ghi trên giấy; nên Hòa Thượng Phương Trượng yêu cầu mỗi học viên phải nộp 2 câu hỏi. Sau 2 tiếng đồng hồ, số câu hỏi lên đến trên 160 câu. Nhiều câu hỏi đặt ra rất hay, thỉnh thoảng cũng có vài câu hỏi ra ngoài đề tài, nhưng cũng được quý Thầy lần lượt vui vẻ trả lời.

     Quý Thầy nhắc nhở các hành giả luôn nhớ lấy tín tâm để mình tu. Niềm tin phải chân thật, lòng tin là cửa ngõ của sự nhiệm mầu. Đức Phật là một bậc giác ngộ đã trải qua 3 A Tăng Kỳ Kiếp là trong Vô lượng kiếp nên Đức Phật có 3 Căn là Pháp thân, Ứng báo thân và Hóa thân.  

     Đức Phật dạy, hãy lấy pháp giới chúng sanh làm nhà, lấy chúng sanh làm cha mẹ. Đường sanh tử luân hồi không có điểm khởi đầu và điểm cuối. Trong đời sống giữa người với người, sự tương quan tương duyên trên tinh thần của đạo Phật đều có nhân duyên với nhau cả.

     Đôi mắt của Phật là đôi mắt “từ nhãn thị chúng sanh” luôn luôn nhìn xuống là để thương tưởng đến chúng sanh, ví như cái cây: rễ là chúng sanh, thân cây là Chư Phật và Bồ Tát. Vì lẽ đạo Phật là đạo tích cực đi vào thế gian để mang lòng từ bi đến cho con người. Bởi thế cho nên năm 1999, Liên Hiệp Quốc đã chọn ngày Đức Phật Đản Sanh là Ngày Hòa Bình Thế Giới. Thực chất của Đạo Phật là Đạo Hòa Bình, Đời sống của Đức Phật là đời sống màu xanh. Sinh ra tại gốc cây, thuyết pháp dưới gốc cây, ăn ngủ và thành đạo gốc cây. Đức Phật có một đời sống siêu việt, đặc biệt 3 câu kệ của Ngài: (1) Chớ làm các việc ác, (2) Làm các việc lành, (3) Giữ tâm ý trong sạch. Chỉ 3 câu kệ trên mà giải ra 3 bộ Kinh-Luật-Luận.

     Về Kinh Phạm Võng, quý Thầy giải thích: Phạm là thanh tịnh, Võng là lưới; đó là lưới thanh tịnh, tất cả mọi căn cơ của chúng sanh nằm trong đó.

     Về Kinh Pháp Hoa, trong Kinh có nói “Ai tu thì nên nhìn cái đẹp, cái tốt của người khác, ví như tờ giấy trắng có một chấm đen, ta nên nhìn vào tờ giấy trắng chứ đừng nhìn chấm đen đó. Ai thọ trì Kinh Pháp Hoa, người đó sẽ có được 3 đức tính: mặc áo nhẫn nhục, ngồi tòa Như Lai, ngồi tòa Vô ngã và có 3 cửa để vào nhà Như Lai đó là bản môn, tích môn và hạnh môn…

     Trong giờ giảng pháp, Hòa Thượng Nguyên Siêu với giọng nói từ tốn nhẹ nhàng thường kể nhiều chuyện về Phật pháp nhiệm mầu, rồi thêm vào nhiều chuyện vui, dí dỏm. Vừa đến chùa, nhìn thấy cổng tam quan khắc tên chùa Bảo Quang “nhỏ xíu”, nhưng khi vào trong chùa thì lại rộng lớn nguy nga. Cũng như nhìn Sư Cô trụ trì người “nhỏ xíu” mà lại có cái đầu thật lớn, nên Hòa Thượng đặt tên Cô là Sư Cô Trụ trì “Tí Hon”. Thầy hỏi có đúng vậy không? Cả đạo tràng đều cười vui và xác nhận đúng vậy mà lâu nay Phật tử chúng con không nhìn ra sự tương phản đó!

 

Khoa tu Chua Bao Quang Hamburg Duc Quoc (6)

 

     Trong phạm vi giới hạn, người viết không thể ghi lại tất cả những lời giải đáp vui vẻ, dễ hiểu, dễ nhớ ý nghĩa sâu xa của quý Thầy về những giáo pháp của Đức Phật qua những câu hỏi đơn giản hoặc thông minh bất ngờ nhưng lại mang tính triết lý nhà Phật của học viên.

     Trước khi kết thúc, người viết xin ghi lại sự huyền diệu của Đêm Hoa Đăng mãn khóa của tuần lễ Phật thất; đặc biệt có sự tham dự của 2 phóng viên đài truyền hình Đức quốc. Họ đến quay phim thu hình buổi lễ và muốn tham dự lễ Hoa Đăng cùng đốt nến cầu nguyện chung.


Khoa tu Chua Bao Quang Hamburg Duc Quoc (1)

     Trong chánh điện đèn hoa rực rỡ, nhiều bình hoa tươi màu sắc hài hòa với những kiểu dáng nghệ thuật càng tôn thêm vẻ trang nghiêm đẹp đẻ.

     Trên 120 ngọn nến trong hoa sen giấy vàng. Mỗi người trên tay một ngọn nến được quý Thầy châm lửa. Khung cảnh trong đạo tràng mờ ảo, điện tắt hết chỉ còn lại những ánh nến lung linh kỳ diệu. Mỗi người lại được nhận thêm một cành hồng vàng tuần tự đến trước Phật đài cầu nguyện điều gì mình mong ước.

 Khoa tu Chua Bao Quang Hamburg Duc Quoc (7)

 

     Sau phần nghi lễ cầu nguyện, Sư Cô Trụ Trì thành kính cảm ơn Chư Tôn Đức Tăng Ni về tham dự. Riêng đối với Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu và Đại Đức Hạnh Giới, Sư Cô lạy đảnh lễ tạ ơn. Hòa Thượng tuổi cao lại thêm Phật sự đa đoan ở Hoa Kỳ và Bắc Mỹ, mà Hòa Thượng cũng thương tưởng nhận lời mời của Sư Cô. Riêng Đại Đức Hạnh Giới là vị Thầy luôn hướng dẫn cho đạo tràng Bảo Quang suốt 7 mùa Phật thất đã qua. Hòa Thượng ngồi lắng nghe và bày tỏ tấm lòng mình lần đầu tiên đối với Sư Bà Viện Chủ và Sư Cô Trụ trì đã tạo nhân duyên cho Hòa Thượng đến đây gặp những người con Phật rất là trang nghiêm tinh tấn tu học và khen ngợi Phật tử châu Âu. Hòa Thượng cảm thấy rất hạnh phúc khi nhìn thấy cả đạo tràng chung 3 thế hệ, nhưng lúc nào trong giờ học cũng chú tâm nghe lời Thầy thuyết giảng. Qua lời ca ngợi của Hòa Thượng dành cho Sư Cô Trụ trì về lòng hiếu hạnh và nhất tâm làm con thuyền Bát Nhã để đưa những hành giả đến bến bờ giải thoát. Những lời pháp nhũ của Hòa Thượng cũng làm cho Sư Cô bùi ngùi cảm động nhớ lại những công hạnh của hai vị ân sư là Sư Bà Viện Chủ Thích Nữ Diệu Tâm và Hòa Thượng Phương Trượng Thích Như Điển mà Cô đã học hỏi thấm nhuần từ trong Trại tạm cư 30 năm trước khi xuất gia.

     Trong không khí nhiệm mầu của Đêm Hoa Đăng, ai cũng nghĩ đến ngày mai chia tay mỗi người về trụ xứ của mình còn vương lòng luyến tiếc. Sư Cô và cả đạo tràng xin Hòa Thượng hứa khả sẽ trở lại Bảo Quang vào mùa Phật thất năm 2017. Hòa Thượng vui vẻ nhận lời, mọi người đều hoan hỷ. Tiếp theo, ca sĩ Tường Diệu trình bày bài “Thầy Tôi” và Minh Lộc hát bài “Tây phương Cực Lạc” để cảm ơn Thầy và đưa các hành giả đến cảnh giới an lạc.

     Một tuần lễ trôi qua, mỗi bài giảng của Chư Tôn Đức là mỗi phát âm tỉnh thức như những giọt nước cam lồ thấm từ từ vào tâm thức của chúng tôi. Lời kinh thiêng còn âm vang đâu đây trong mái nhà chung Phật pháp. Các hành giả cùng nhau lạy đấng tình thương vô thượng và cùng nguyện nương theo pháp Phật quay về Chơn tánh.

     Về thôi lữ khách đường xa lắm

     Danh lợi sầu thương vướng đã nhiều

     Thanh thản ngủ trong lòng đạo cả

     Để hồn thơ ấu được nâng niu…

 

     Chúng tôi cũng không quên ân tình của các Ban phục vụ. Ban ẩm thực thật là hùng hậu, có vợ chồng anh chị đầu bếp của Khóa Tu Phật Pháp Âu Châu, đó là anh chị Giác Ngọc và Chánh Hùng Đức ở tận Viersen cách Hamburg gần 500 cây số chở theo máy móc để làm đậu hủ và hơn 50 ký khổ qua và rau quả từ vườn nhà. Công đức thật vô lượng. Suốt khóa tu các món ăn thường xuyên được thay đổi rất ngon miệng. Đặc biệt Ban Ẩm Thực có hai cô Phật tử luôn luôn trực tiếp phục vụ dí dỏm dễ thương là Quảng Hùng và Diệu Hoàng. Miệng lúc nào cũng tươi cười mời mọc “Quý vị dùng thêm chè, bánh vì hàng còn nhiều, bán ế quá”. Trong mỗi bữa ăn lại còn được chị Thanh Thắng và các chị khác chăm chút thêm đủ thứ bánh trái, nên cả đạo tràng đều vui vẻ, ai cũng nói tu kỳ này về chắc chắn lên cân !

     Nếu có ai cảm cúm đau nhức thì có đôi bàn tay phục dược của “Thầy châm cứu” Nhật Cảnh Hùng và chị Lệ Hiếu, mặc dù xa xôi nhưng khóa tu nào cũng không vắng bóng anh chị được. Chúng tôi xin hồi hướng công đức cho tất cả các Ban phục vụ. Hẹn gặp lại nhau trong khóa tu Phật thất ngày 24.9.2017.

     Năm Khỉ sắp qua đón Gà sắp đến, chúng con kính chúc quý Chư Tôn Đức Tăng Ni pháp đăng thường chiếu, Phật sự viên thành; chúc quý Phật tử Bồ Đề Tâm kiên cố, chí tu học vững bền để phụng sự Tam Bảo trường tồn.

     Kính chúc quý độc giả gần xa sức khỏe dồi dào, gia đạo an bình và hạnh phúc.

     Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát.

 

Hamburg, tháng 9.2016

Phương Quỳnh – Diệu Thiện

Hình ảnh: Văn Công Tuấn

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/03/2011(Xem: 8666)
Phật giáo gọi nghiệp là (kamma). Kamma gồm nghiệp thiện, nghiệp ác. Theo Dhamma thiền Vipassaana gọi là Sanhara. Sanhara là phản ứng của tâm và tinh thần, hình thành hành động có dụng ý, tạo nên nghiệp. Nghiệp mang lại hậu quả trong tương lai, hậu quả xấu do nghiệp ác, hậu quả tốt do nghiệp thiện. Nghiệp liên quan chặt chẽ với nhân quả. Có nghĩa là trồng cây gì (nhân) ta hưởng trái đó (quả). Không thể trồng cây ớt mà hưởng cà được. Nhân quả này cũng là luật thiên nhiên trong qúa trình sinh hoại của vạn vật.
17/03/2011(Xem: 8156)
Nói tới chuyện Nhân Quả một số người khinh thị, cho đó là lạc hậu, lỗi thời, quê mùa giống như chuyện “Rắn Báo Oán” chẳng hạn. Thế nhưng Luật Nhân Quả lại là định luật bất biến chi phối sự tồn vong của khoa học. Nếu mai đây khí Hydrogen và khí Oxygen hợp lại mà không thành nước thì khoa học sụp đổ, cuộc sống con người và thiên nhiên đảo lộn hòan tòan.
16/03/2011(Xem: 7789)
Cuộc sống xô bồ và dồn dập trong các xã hội phương Tây không chophép một số người có thì giờ đọc toàn bộ những quyển sách liên quan đến các vấnđề khúc mắc của tâm linh. Vì thế nhiều tác giả chọn lọc các lời thuyết giảng,các câu phát biểu ngắn gọn hoặc các đoản văn ý nghĩa nhất để gom lại thành sáchgiúp người đọc dễ theo dõi và tìm hiểu, vì họ muốn đọc hay muốn dừng lại ở đoạnnào cũng được.
15/03/2011(Xem: 14006)
Trời tu viện rộng và đẹp, sáng nay mây ngoài biển đã kéo vào chưa? Thôi, xin mời thầy hãy vào cốc Trăng Lên, nhóm lửa và thêm chút củi vào cho ấm.
12/03/2011(Xem: 8758)
Hỡi các tín đồ! cho dù ngày bây giờ hay vài năm tới hoặc 100 năm sau con người có thể chưa sáng chế được thiết bị để “ giải mã” tiếng kêu của các loại vật bị con người giết hại thì cũng đã đến lúc chúng ta cũng cần phải dừng lại để lắng nghe, để ngắm nhìn, để quan sát, để tận mắt nhìn thẳng vào mắt những loài vật xung quanh ta trước khi ta giết hay cho vào miệng ta đã nhé.
08/03/2011(Xem: 7246)
Kiến tạo lại mộttrong hai pho tượng Phật khổng lồ ở Bamyan tại A-Phú-Hãn (Afghanistan) là mộtcông trình có thể thực hiện được. Hai pho tượng này bị các người Hồi giáoTaliban đặt mìn phá tan vào năm 2001.
02/03/2011(Xem: 8382)
Tập truyện này kể lại nhiều câu chuyện mang tính giáo dục cao, có thể giúp dạy bảo, khuyên răn nhằm bồi dưỡng nhân cách, đưa con người hướng đến Chân, Thiện, Mỹ...
02/03/2011(Xem: 8552)
Học thiền, chúng ta học Pháp Bảo Ðàn mà không học Tín Tâm Minh là không được. Tổ chỉ tóm gọn tinh yếu của thiền, bao nhiêu lời, bao nhiêu chữ đề là Tín Tâm Minh.
01/03/2011(Xem: 8517)
Giữa muôn vàn phức tạp của cuộc đời, chúng ta phải sống như thế nào? Chắc hẳn trong đời, bạn đã từng có lúc tự hỏi mình câu hỏi đó?
27/02/2011(Xem: 7020)
« Sự thụ thai và hình thành của một đứa bé đòi hỏi một khung cảnh đạo đức và một thái độ tinh thần thật đặc biệt. Các khoa học gia cho biết ngay từ lúc đứa bé còn nằm trong bụng, trạng thái tâm thần của người mẹ đã bắt đầu ảnh hưởng đến nó. Sự an bình trong tâm thức của người mẹ trong thời gian mang thai tác động rất tích cực đến đứa bé sinh ra sau này. Trái lại, nếu tâm thần của người mẹ mang tính cách tiêu cực – chẳng hạn như giận dữ hay mang đầy thất vọng trong lòng – thì sẽ làm phương hại đến sự phát triển bình thường và lành mạnh của đứa bé», (Lời giảng của Đức Đạt-lai Lạt-ma).
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]