Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chu Văn An thơ ngát hương Thiền

24/01/201721:31(Xem: 5440)
Chu Văn An thơ ngát hương Thiền

 

chu-van-an

 

CHU VĂN AN

thơ ngát hương Thiền

_________________________

 

        Ngay từ hồi còn trẻ cụ Chu Văn An (1292-1370) đã nổi tiếng là một người cương trực, giữ tiết tháo, không cầu danh lợi, chỉ ở nhà đọc sách. Sau khi thi đậu Thái học sinh (Tiến sĩ) cụ không ra làm quan, chỉ ở nhà mở trường dạy học. Học trò theo học rất đông. Trong số môn đệ cụ có nhiều người thành đạt, thi đỗ ra làm quan to trong triều.

        Năm Khai Thái đời vua Trần Minh Tông (1314-1329) cụ mới nhận chức Quốc tử giám tư nghiệp, dạy cho thái tử học. Đến đời Trần Dụ Tông (1341-1369), vì nhà vua mải mê chơi bời, tình cảnh xã hội nhiễu nhương, chính sự thối nát, dân tình đói khổ, cụ đã dũng cảm dâng “Thất trảm sớ” xin chém bảy tên nịnh thần nhưng vua không nghe. Cụ bèn treo mũ, cởi áo từ quan lui về ở ẩn. Cụ tính ưa đọc sách nên dựng một ngôi nhà ở sườn đồi, cạnh bờ đầm tại núi Phượng Hoàng (Chí Linh), vừa làm thư viện, vừa làm trường và là nơi soạn sách. Cụ lấy hiệu là Tiều Ẩn (có nghĩa là người đi hái củi ẩn dật). Cụ dạy học và viết sách cho tới khi qua đời tại đây. Khi cụ mất, vua Trần đã dành cho cụ một vinh dự lớn bậc nhất đối với một trí thức là được thờ ở Văn Miếu. Sự nghiệp của cụ được ghi lại trong văn bia ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Cụ được tôn kính là người Thầy vĩ đại, được coi là “Vạn thế sư biểu”. Các tác phẩm của cụ phần lớn đã bị giặc Minh thâu góp và tiêu hủy. Hiện chỉ còn lưu truyền lại mười hai bài thơ. 

        Cụ Chu Văn An tìm về với cuộc sống ẩn dật để di dưỡng tâm thần, để xa lánh cõi đời trần tục thoát khỏi trò đua chen chốn quan quyền và nêu cao khí tiết của bậc chính nhân quân tử. Bài thơ “Xuân Đán” (Sáng mùa Xuân) cụ làm khi về ở ẩn:

 

春 旦

寂 寞 山 家 鎮 日 閒,
竹 扉 斜 擁 護 輕 寒。
碧 迷 草 色 天 如 醉,
紅 濕 花 梢 露 未 乾。
身 與 孤 雲 長 戀 岫,
心 同 古 井 不 生 瀾。
柏 薰 半 冷 茶 煙 歇,
溪 鳥 一 聲 春 夢 殘

 XUÂN ĐÁN

 

Tịch mịch sơn gia trấn nhật nhàn.
Trúc phi tà ủng hộ khinh hàn
Bích mê thảo sắc thiên như túy,
Hồng thấp hoa sao lộ vị can.
Thân dữ cô vân trường luyến tụ,
Tâm đồng cổ tỉnh bất sinh lan.
Bách huân bán lãnh trà yên yết,
Khê điểu nhất thanh xuân mộng tàn.

(Nhà trên núi vắng vẻ, suốt ngày thảnh thơi. Cánh cửa phên che nghiêng ngăn cái rét nhẹ. Màu biếc át cả sắc cỏ, trời như say. Ánh hồng thấm nhành hoa sương sớm chưa khô. Thân ta cùng đám mây cô đơn mãi mãi lưu luyến hốc núi. Lòng giống như mặt giếng cổ, chẳng hề gợn sóng. Mùi khói thông sắp hết, khói trà đã tắt. Một tiếng chim bên suối làm tỉnh mộng xuân).

   

                              SÁNG MÙA XUÂN  


Nhà trên núi vắng cảnh an nhàn
Phên cửa nghiêng che tiết lạnh sang
Cỏ biếc trời cao say chất ngất,
Hoa hồng sương sớm đượm miên man.
Thân như mây lẻ vương non thẳm
Lòng tựa giếng xưa lặng sóng vàng
Hương gỗ thông tan, trà cạn khói,
Chim bên suối hót mộng xuân tàn.

           (Tâm Minh dịch thơ)

 

        Đây là ngôi nhà tranh cửa trúc nhỏ bé hoang lặng nơi cụ Chu Văn An ở ẩn tại làng Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, một vùng sơn thủy hữu tình với núi Côn Sơn, ngọn Phượng Hoàng, sông Thanh Lương và ao Miết Trì...

        Cánh cửa phên chỉ che nghiêng ngăn cái rét nhè nhẹ, có lẽ vì cụ vẫn còn muốn đón nhận cái khí lành lạnh của trời đất ban cho. Cụ không tâm niệm là với một thời thế nhiễu nhương như thế, kẻ sĩ không còn cách gì để cống hiến cho đời. Về ở ẩn không phải là một sự thất bại, một nỗi khổ đau. Ẩn dật chính là môi trường sống lý tưởng. Dạy học cũng là một cách phục vụ nước nhà một cách hữu ích.

        Cụ sống giản dị và thư thái an nhàn, xa lánh cõi đời trần tục hòa đồng với cảnh thiên nhiên đơn sơ, đạm bạc thinh lặng, vắng vẻ. Cụ thích ngắm hoa thơm cỏ lạ. Đất trời đang vào Xuân, cụ cảm nhận thấy vạn vật phô sắc với các loại kỳ hoa dị thảo, trong đó có làn cỏ xanh biếc tốt tươi. Màu biếc át cả sắc cỏ. Trời trên cao như say chất ngất. Những ánh hồng thấm vào các nhành hoa đượm miên man trong sương sớm. 

        Cảnh giới thanh u như gột sạch hết phiền não, thoát vòng tục lụy chẳng còn vương vấn chút bụi trần thời khác chi Phật giới. Và chỉ có một tâm hồn đã đạt đạo được trọn vẹn mới có thể cảm nhận thiên nhiên được như thế.

        Thân như đám mây lẻ loi cô đơn mãi mãi lưu luyến hốc núi, vấn vương với non thẳm. Non thẳm tượng trưng cho đạo lý hay lẽ phải muôn đời mà sĩ phu yêu nước không thể nào ly khai. Khi trong đời trần tục bao kẻ tiểu nhân đắc chí lộng hành, thời người quân tử thường bị thất thế, tự ví thân mình như cụm mây gần núi, thoái lui, ẩn khuất, tránh đời, xa lánh tiểu nhân, cứ giữ vẻ uy nghiêm mà lui về ở ẩn, ứng với quẻ “Thiên Sơn Độn”, còn gọi là quẻ Độn là quẻ thứ 33 trong Kinh Dịch.      

        Lòng tựa giếng xưa, giống như mặt giếng cổ, chẳng hề gợn sóng, luôn dâng hiến dòng nước tươi mát, không hề pha lẫn với các dòng đời ô tạp rác rưởi khác, luôn làm ích lợi cho đời, cho muôn người đang khát khao đạo lý và kiến giải nhưng vẫn lặng sóng vàng. Tương tự như ý trong quẻ “Thủy Phong Tỉnh” (còn gọi là quẻ Tỉnh) là quẻ thứ 48 trong Kinh Dịch. Theo đó thì làng xóm có khi thay đổi, còn giếng nước vốn cố định, không dời chỗ. Đổi làng xóm, đổi ấp chứ không đổi giếng. Nước giếng không kiệt mà cũng không thêm, ở chỗ nào cứ ở yên chỗ đó. Người có tài, muốn giúp đời, nhưng không được dùng, ví như cái giếng nước trong mà không ai múc. Nếu được ông vua sáng suốt dùng, thì người đó sẽ giúp cho mọi người được nhờ.

        Cụ muốn bộc lộ tấm lòng mình là dù cho phải dời chỗ ở về núi Phượng Hoàng nhưng tấm lòng son của người quân tử vẫn chẳng hề phai. Hình ảnh này đã nói lên cái tâm như nhất đầy ắp chính khí của kẻ sĩ hết lòng phù dân giúp nước. Cụ nhàn thân nhưng không nhàn tâm. Làm ích lợi cho đời nhưng lòng tĩnh lặng không sinh ra sóng. Nơi đây gợi ra hình ảnh của cái tâm được đề cập tới trong Thiền Tông đó là “chân tâm”, “diệu tâm”.

        Mùi khói thông thoạt tiên hình thành, rồi hương gỗ tồn tại tỏa rộng ra, sau biến dần đi và cuối cùng là tan hết. Làn khói trà tỏa ra rồi cũng tương tự theo những giai đoạn như trên mà tan biến. Một tiếng chim bên suối hót vang lên làm tỉnh giấc mộng trong buổi sáng mùa Xuân. Phải chăng cụ thấy được sự vận hành của Đạo cùng với lẽ “vô thường”, đặc tính chung của mọi sự sinh ra có điều kiện, qua các giai đoạn “thành, trụ, hoại, không” hay “sinh, trụ, dị, diệt” là bốn quy luật chi phối mọi hiện tượng giới. Đạo Phật gọi Thế gian là vô thường nghĩa là “không chắc chắn”, “không trường tồn”. 

        Từ giữa đời Trần về sau, Nho giáo thịnh dần, Phật giáo suy yếu. Tuy thế nhiều nhà Nho trước đây đã từng lên án chỉ trích Phật giáo gay gắt vậy mà cuối đời lại vào chùa sống cuộc đời thanh đạm và viết những vần thơ ca ngợi cảnh đẹp già lam như Trương Hán Siêu, Phạm Sư Mạnh...

        Cụ Chu Văn An cũng không trực tiếp bài bác Phật giáo mà trái lại cụ còn sáng tác những vần thơ ca ngợi thiên nhiên, bộc lộ tâm tình tiêu dao, phóng khoáng tự tại, mang cốt cách của thiền sư, của đạo sĩ với một tâm hồn đạt đạo. Thơ của cụ được Phan Huy Chú nhận xét là: “lời thơ trong sáng u nhàn”. Thơ cụ chịu ảnh hưởng của đạo Phật trong giai đoạn về ở ẩn này như nhiều nhà thơ thời ấy. Nói chung thơ các ẩn sỹ thường có phong vị u nhàn, nhưng với cụ u nhàn chỉ là ở cái giọng thơ

        Sự ngưỡng mộ Phật giới thanh u (trong sạch và tĩnh lặng), thoát vòng tục lụy của cụ Chu Văn An cũng tỏ lộ ra vào một lần cụ dừng chân tạm nghỉ ở núi thôn Nam. Cảm thấy thân nhàn nhã như đám mây lẻ loi trên bầu trời, tự do phân tán, nhẹ bay khắp Nam, Bắc. Gió mát thổi bên gối, tâm tình để ngoài cuộc đời, xúc cảnh sinh tình cụ làm bài thơ “Thôn Nam Sơn Tiểu Khế” (Tạm nghỉ núi thôn nam):

     村 南 山 小 憩
閑 身 南 北 片 雲 輕,
半 枕 清 風 世 外 情。
佛 界 清 幽 塵 界 遠,
庭 前 噴 血 一 鶯 鳴。

 

THÔN NAM SƠN TIỂU KHẾ


Nhàn thân nam bắc phiến vân khinh,

Bán chẩm thanh phong thế ngoại tình.

Phật giới thanh u, trần giới viễn,

Đình tiền phún huyết nhất oanh minh.


(Thân nhàn như đám mây nhẹ bay khắp Nam, Bắc. Gió mát thổi bên gối, tâm tình để ngoài cuộc đời. Cõi Phật thanh u, cõi trần xa vời. Trước sân, hoa đỏ như máu, một chiếc oanh kêu).

   

     TẠM NGHỈ NÚI THÔN NAM


Thân nhàn Nam Bắc áng mây trôi,

Bên gối gió qua, nhẹ việc đời.

Cõi Phật thanh u, xa cõi tục

Trước sân hoa đỏ, tiếng oanh vui.

           (Tâm Minh dịch thơ)

 

        Một lần vân du cụ dừng chân bên sông đứng một mình đếm thuyền về bến. Trước ghềnh, gió gấp, một tiếng sáo gợi cảnh thu. Thơ đã tàn, mặt trời xế bóng, ánh hồng nhàn nhạt. Màu biếc mênh mông. Cụ làm bài thơ “Giang Đình Tác” (Làm thơ ở Giang Đình). Trong thơ cụ có sự cô độc nhưng vắng bặt hẳn sự tiếc nuối thở than. Quả thật đây vẫn là Phật giới thanh u, xa lánh cõi trần tục. Bốn câu cuối bài thơ:

功 名 已 落 荒 唐 夢,
湖 海 聊 為 汗 漫 遊。
自 去 自 來 渾 不 管,
滄 波 萬 頃 羨 飛 鷗。

Công danh dĩ lạc hoang đường mộng,
Hồ hải liêu vi hãn mạn du.
Tự khứ tự lai hồn bất quản,
Thương ba vạn khoảnh tiện phi âu.
 

(Công danh đã rơi vào giấc mộng hoang đường. Tạm dạo chơi miền hồ hải. Đi lại tự mình, chẳng gì trói buộc. Thèm cảnh chim âu bay liệng trên muôn khoảnh sóng xanh).


Công danh chót lạc vùng mơ ảo
Hồ biển tạm chơi thú nẻo xa
Đây đó lang thang đời tự tại,
Ước như chim lướt sóng bao la.
     (Tâm Minh dịch thơ)

 

        Trong một bài thơ khác cụ lại đã ca ngợi một vị sư đạo cao đức trọng. Cụ tán dương tư cách thanh cao của các nhà sư như tư cách của một nhà Nho quân tử sống ẩn dật chịu ảnh hưởng Lão–Trang trong bài “Đề Dương công Thuỷ Hoa đình”.

 

        Như vậy ta thấy ý thơ của cụ Chu Văn An luôn ngát hương thiền. Chính vì đã chịu nhiều ảnh hưởng của đạo Phật mà khi về ở ẩn tiên sinh bình tĩnh dạy học, viết sách và sống yên vui đến cuối đời.

 

TÂM MINH NGÔ TẰNG GIAO

(Virginia, đón Xuân Đinh Dậu, 1-2017)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/05/2012(Xem: 8857)
Hồi nãy, trước khi ra thiền đường, tôi có hỏi thị giả còn mấy phút. Thị giả nói còn mười phút. Mười phút là nhiều hay ít? Và mình sử dụng mười phút đó như thế nào?
18/05/2012(Xem: 8373)
Thưaquý lãnh đạo tâm linh kính mến, quý vị lãnh đạo tổ chức Templeton quý mến và dĩnhiên là những người anh em trên căn bản nhân loại thân mến! Ngôiđền nổi tiếng này, một ngôi đền lịch sử với những khuôn mặt thời đại, với nhữngnụ cười mĩm. Mặc dù tôi không thấy từngkhuôn mặt của mỗi người, nhưng dường như là không có khuôn mặt nào biểu lộ mộtsự sân hận hay không vui nào đấy.
18/05/2012(Xem: 8114)
Tâm chúng ta thêu dệt tạo tác nên mọi điều, nhiều khithật khó lường. Đôi khi nó cất chứa những thông tin vô nghĩa và vứt bỏ nhữngthông tin hữu ích. Tôi luôn nhắc nhở học trò và bạn bè rằng, đừng lưu lại trongtâm những điều vô nghĩa, cuộc sống của bạn rất ngắn ngủi, và khả năng ghi nhớ củatâm bạn cũng rất hữu hạn cho cuộc sống ngắn ngủi này mà thôi. Hãy để dành tâmmình cho những điều hữu ích, đó là những điều giúp bạn trưởng dưỡng một tâmthái lạc quan tích cực thay vì những ảnh hưởng tiêu cực
10/05/2012(Xem: 8871)
... Người ta sinh ra đời không khác gì trái cây ở trên cành: có những trái lớn, có những trái nhỏ; có những trái xanh, có những trái già... Những trái cây ấy đã có lúc sinh ra tức có ngày rụng xuống: trái rụng trước, trái rụng sau... nhưng rồi trái nào cũng phải rụng xuống hết. Rụng xuống để biến thành cành hoa thơm hay rụng xuống để biến thànhcây cỏ dại... nhưng rồi trái nào cũng phải rụng xuống hết. Con người đã có sanhđều có chết. Chết để mà sanh theo nghiệp lực thiện ác, khổ vui, xấu tốt.
06/05/2012(Xem: 8841)
Một trong những biểu tượng của Đạo Phật, Đức Phật Gautama ngồi thiền với bàn tay trái để ngửa trên đùi Ngài, trong khi tay phải chạm đất. Những năng lực ma quỷ đã cố gắng để đẩy Ngài ra khỏi chỗ ngồi, bởi vì vua của chúng, Ma vương, cho rằng vị trí ấy ở dưới cây bồ đề (cây của giác ngộ).
04/05/2012(Xem: 7034)
Tuy Ngài đã nhập diệt nhưng chánh pháp vẫn được lưu truyền mãi trong thế gian như là một con đường đưa chúng ta thoát khỏi sự khổ đau để tìm về bờ giải thoát.
04/05/2012(Xem: 8168)
Nhớ Phật đản là nhắc nhở chúng ta rằng trong cuộc đời ô trược này đã từng hiện sinh một Đức Phật đem tình thương và trí tuệ soi sáng nhân gian...
03/05/2012(Xem: 9354)
Bà Cụ nhà tôi và nhà tôi chuyên tu Tịnh Độ. Mỗi ngày bà cụ ít nhất ba lần công phu niệm Phật. Nhà tôi ít nhất mỗi ngày một lần, từ 5 giờ đến 7 giờ sáng. Khi nghe bàn đến chuyện Tịnh Độ thì nhà tôi như rồng gặp mây, thao thao bất tuyệt, cho rằng mình đã đi đúng đường, vì căn cơ thấp nên không thể hành trì thiền quán mà chỉ biết trì danh niệm Phật, tụng kinh bái sám, để một ngày nào đó được vãng sinh vào thế giới Cực Lạc.
02/05/2012(Xem: 7782)
Lớn lên, mang trong mình trái tim thương yêu đạo pháp thiết tha, tôi luôn ghi đậm hình ảnh mùa Phật Đản Phật lịch 2508-1963 đầy tự hào nhưng cũng nhiều hoài vọng...
02/05/2012(Xem: 8779)
Hằng năm, cứ vào dịp đến những ngày tháng tư âm lịch, lòng tôi lại dâng lên một niềm hân hoan khôn tả; niềm vui ấy chính là khoảnh khắc đón chờ đến ngày Phật đản...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]