Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ý Chí Về Độc Lập Của Dân Tộc Việt Nam

29/03/201618:17(Xem: 11891)
Ý Chí Về Độc Lập Của Dân Tộc Việt Nam
Ý CHÍ  VỀ ĐỘC LẬP
 của
DÂN  TỘC VIỆT NAM

 

 

 phan-tich-ban-tuyen-ngon-doc-lap-binh-ngo-dai-cao-2

 

GS   Nguyễn vĩnh Thượng

 

 

Lời tác giả : Giảng luận về bài “ Bình Ngô Đại Cáo” (  曹鶴岱平 ) ( Great Proclamation of Đại Việt Victory over Northern Invaders, translated by Prof. Nguyễn Cao Hách – University of Saigon )  của Nguyễn Trải được viết vào tháng 4, năm 1985 , và đã được đăng trên nguyệt san Phổ Thông ở Toronto , Canada , số 12 và 13 vào tháng 4 & 5 , năm 1985. Lúc đó, Ông Nguyễn văn Tiết làm Chủ Nhiệm, Ông Nguyễn thế Vĩnh làm Chủ Bút. “Bình Ngô Đại Cáo” đã trình bày một cách sâu sắc cái “ ý chí về độc lập của dân tộc Việt Nam”( The will to Independence of the Vietnamese, translated by Dr. Nguyễn Thanh Liêm, University of Iowa ), đây là một tiềm thức dân tộc đã có từ ngàn năm trong tâm tư  của dân tộc ta. “Bình Ngô Đại Cáo” là một áng văn bất hủ chẳng những có giá trị về lịch sử, tư tưởng chính trị mà còn có nhiều giá trị  về văn học nghệ thuật của dân tộc Việt Nam nữa.

 

                     Dân tộc Việt Nam bị quân Tàu ở phương Bắc thôn tính và cai trị  tổng cộng  998 năm , trải qua bốn thời kỳ Bắc                     thuộc như sau :

   1.       Bắc thuộc lần thứ nhất (111 trước Tây lịch - 39 ): nhà Triệu, nhà Hán chiếm nước ta.
   2.       Bắc thuộc lần thứ hai ( 43- 541 ) : nhà Đông Hán , Đông Ngô, Tào Ngụy, nhà Tấn , nhà Tề , nhà Lương chiếm nước ta.
   3.       Bắc thuộc lần thứ ba ( 602- 905 ): nhà Tuỳ, nhà Đường chiếm nước ta.
   4.       Bắc thuộc lần thứ tư ( 1407- 1427 ) : nhà Minh chiếm nước ta . Bài “ Bình Ngô Đại Cáo” đã được tuyên đọc nhân chiến thắng quân Minh của nghĩa quân Việt Nam và Lê Lợi.

                                                                                                      Đọc lại ở Toronto, tháng 10 năm 2013

 

I.                  Nguồn gốc áng văn :

  

             Bài Bình Ngô Đại Cáo do Nguyễn Trải viết bằng chữ Hán vào đầu năm 1428 để bố cáo trước quốc dân về công cuộc khởi nghĩa Lam Sơn  của Bình Định Vương Lê Lợi ( 1418 – 1427 ) ngay sau khi đạo quân viễn chinh cuối cùng của nhà Minh do Vương Thông chỉ huy đã triệt thoái về Trung Hoa vào ngày 29 tháng Chạp năm 1427.

             Bản dịch ra Việt văn đã được in trong sách Quốc Văn Cụ Thể của Bùi Kỷ do Tân Việt Thư Xả xuất bản năm 1932 tại Việt Nam. Bản dịch của cụ Bùi Kỷ tuy chưa phải là tuyệt hảo, nhưng có thể nói rằng cho đến nay , bản dịch này có nhiều giá trị hơn nhiều bản dịch khác. Nên chúng tôi đã căn cứ vào bản dịch của cụ Bùi Kỷ để tìm hiểu bài Bình Ngô Đại Cáo.

 

 

 I I.  Tiểu sử  và Sự nghiệp văn chương  của Nguyễn Trải

 

*Tiểu sử :

 

 Nguyễn Trải hiệu là Ức Trai, người làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc ( bây giờ là huyện Thường Tín , tỉnh Hà Sơn Bình ). Ông sanh ra đời vào năm 1380. Cha là Nguyễn Phi Khanh, mẹ là Trần thị Thái .Nguyễn  Phi Khanh vốn là một thầy giáo  có sức học uyên bác , thuộc giai cấp dân dã. Trần thị Thái là con gái của vị quan Đại Tư Đồ  Trần Nguyên Đán thuộc dòng dõi quý tộc của nhà Trần.  nguyễn Phi Khanh là thầy dạy học của Trần thị Thái, Nguyễn Trải là kết quả của “ mối tình thầy trò “ này : cuộc hôn nhân ấy  đã vi phạm luật lệ của nhà Trần, nhà Trần chỉ cho phép những người ở trong dòng họ nhà Trần lấy nhau mà thôi. Nguyễn Trải vốn bẩm chất thông minh lại được sự giáo dục tận tình của thân phụ, nên ông đã trở nên người học rộng biết nhiều, và do đó nên Nguyễn Trải đã ôm một hoài bảo phụng sự cho tổ quốc ngay từ lúc ông hãy còn là niên thiếu.

           

           Năm 1400, Hồ Quý Ly đoạt ngôi nhà Trần, lên xưng vương, và tổ chức ngay một khoa thi đầu tiên, tuyển chọn nhân tài để phục vụ cho triều đại mới. Nguyễn Trải  đã thi đậu kỳ thi Thái Học Sinh ( Tiến Sĩ ) vào năm này ( 1400 ), lúc đó ông được 21 tuổi. Hồ Quý Ly đã bổ nhiệm ông làm Ngự Sử Đài Chánh Chưởng sau khi ông vừa thi đậu. Năm sau , Hồ Quý Ly nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương ( 1401 – 1407 ) để làm Thái Thượng Hoàng mà trông nom việc quốc sự. Cũng năm này ( 1401 ) Nguyễn Phi Khanh được nhà Hồ bổ Nhậm chức Học Sĩ Viện Hàn Lâm.

            Cuối năm 1406, nhà Minh bên Trung Hoa đã xua quân viễn chinh sang đánh chiếm nước

Ta với chiêu bài “ phạt Hồ , phục Trần”, lúc đó Nguyễn Trải được 26 tuổi. Thế giặc ngoại xâm rất mạnh bạo, còn nhà Hồ chưa củng cố uy quyền thật sự vững mạnh, một phần vì không được long dân do bởi dân chúng vẫn còn hướng về cựu trào – nhà Trần , một phần vì trong nước có quá nhiều sự chia rẽ, một phần do ở những sự cải cách của Hồ Quý Ly chưa đạt được những thành quả hoàn hảo. Nên chỉ trong vòng có mấy tháng kháng chiến của nhà Hồ thì nước ta đã tràn ngập gót giày của giặc Minh xâm lăng ( tháng 6 năm 1407 ). Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương và hầu hết các quan lại của triều đình nhà Hồ đều bị giặc Minh bắt đem về Trung Hoa. Nguyễn Phi Khanh cũng đã bị bắt đưa về Kim Lăng bên Tàu. Nguyễn Trải theo cha lên đến tận biên giới là cửa Nam Quan, ông than khóc sụt sùì không nguôi . Thấy thế , Nguyễn Phi Khanh mới dạy Nguyễn Trải rằng : “ Con phải trở về nước nhà mà lo trả thù cho cha , rửa nhục cho nước. Như vậy mới là con có hiếu. Chứ đi theo cha khóc lóc mà làm gì”.

 

             Nguyễn Trải bèn trở về nước, rồi nung chí báo thù cho cha và phục quốc. Trước đại nạn của dân tộc Việt Nam , gia đình của Nguyễn Trải cũng tan nát : cha ông bị lưu đày qua xứ giặc. Vừa khi trở lại đất nước , Nguyễn Trải đã bị giặc Minh, đang đô hộ nước ta , bắt giam lỏng ở Đông Quan khoảng 10 năm ( 1407 – 1418 ).Trong thời gian này, ông đã luôn luôn bí mật tìm cách liên lạc  với những người đồng tâm, đồng chí để bàn phương cách cứu nước, cứu dân. Nguyễn Trãi đã suy ngẫm nhiều về nguyên nhân thất bại của cuộc kháng chiến của nhà Hồ mà ông đã từng giữ chức vụ cao cấp dưới triều đại nhà Hồ cho đến ngày giặc Minh đánh tan nhà Hồ. Ông cũng đã nghiên cứu về những thất bại của các lực lượng khởi nghĩa chống giặc Minh xăm lược khác để rút ra bài học kinh nghiệm lịch sử : từ những nhóm nghĩa quân lẻ tẻ đã đứng lên chống giặc Minh nhưng đã ngã gục xuống lòng đất mẹ vì sự đàn áp bạo tàn của giặc Minh, đến cuộc kháng chiến tương đối lâu dài hơn của con cháu nhà Trần là Giản Định Đế ( 1407 – 1409 ) và Trằn Quý Khoách ( 1409 – 1413 ), nhưng nhà Hậu Trần cuối cùng cũng bị giặc Minh tiêu diệt. Nguyễn Trải đã đúc kết những kinh nghiệm thất bại đó, ông đã nghĩ ra một chiến lược mới , đó là “chiến lược tâm công” ( đánh vào lòng người ) để chống lại giặc Minh, và Nguyễn Trải đã ghi lại trong “Bình Ngô Đại Cáo”. Sau đó , Nguyễn Trải đã cùng với người anh em bà con cô cậu với mình là Trần Nguyên Hãn đi vào căn cứ địa Lam Sơn, thuộc tỉnh Thanh Hoá để dâng bài “ Bình Ngô Sách “ cho Lê Lợi trong lúc cuộc khởi nghĩa Lam Sơn còn trong trứng nước , lúc đó Nguyễn Trải được khoảng 40 tuổi. Lê Lợi là  lãnh tụ đã phất cờ kháng chiến chống giặc Minh xâm lăng trong phong trào khởi nghĩa Lam Sơn  từ năm 1418 , Lê Lợi đang chiêu mộ anh hùng hào kiệt, nên đã thu dụng Nguyễn Trải và Trần Nguyên Hãn.

 

               Nguyễn Trải được Lê Lợi trọng dụng, được giữ vai trò cuả một mưu sĩ . Ngày nay ta có thể coi như là một cố vấn tối cao, tham mưu trưởng của Lê Lợi, vừa vạch chiến lược , chiến thuật đánh giặc Minh , vừa đảm nhận tất cả các việc thảo văn thư , thoả mệnh lệnh của các tướng sĩ kháng chiến , và ngay cả việc thảo văn thư ngoại giao để đối đáp qua lại với  các tướng lãnh của giặc Minh  . Còn Trần Nguyên Hãn thì được Lê Lợi giao cho chỉ huy quân sự lực lượng  kháng chiến Lam Sơn.

 

              Cuộc kháng chiến càng ngày càng đem đến thắng lợi cho “ Phong trào Khởi Nghĩa Lam Sơn”. Cuối năm 1427, đạo quân cuối cùng của giặc Minh do Vương Thông chỉ huy đã triệt thoái về Trung Hoa theo như điều đã cam kết với nghĩa quân Lam Sơn do Lệ Lợi lãnh đạo.Việc rút quân của quân đội viễn chinh Trung Hoa hoàn tất vào tháng giêng năm 1428, nước nhà đã được thu hồi độc lập, nhân dân được tự do.Bình Định Vương Lê Lợi liền thiết lập đàn đại tế  Trời Đất  và uỷ thác cho Nguyễn Trải soạn bài Bình Ngô Đại Cáo để bố cáo vớí quốc dân công cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lăng của Phong Trào Khởi Nghĩa Lam Sơn và nhân dân đã đạt được đại thắng. Rồi Lê Lợi truất phế Trần Cao , con cháu nhà Trần được quân Minh cho làm An Nam Quốc Vương trước khi chúng rút về Tàu. Lê Lợi xưng vương lấy niên hiệu là Thuận Thiên, tức là Lê Thái Tổ, đặt quốc hiệu mới là Đại Việt. Nguyễn Trải là một trong những người có công lao to lớn trong cuộc trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn , nên vua Lê Lợi đã ân thưởng cho Nguyễn Trải:  Nguyễn Trải được ban Quốc tính ( tức là được lấy họ của vua Lê, được gọi là Lê Trải), được phong tước Quan Phục Hầu, được bổ nhậm chức Nhập Nội Hành Khiển kiêm Thượng Thư Bộ Lại.

 

              Nhưng sau ngày đại thắng giặc Minh xâm lăng không bao lâu, chưa đầy một năm , vua Lê Thái Tổ lại nghe lời gièm pha của bọn nịnh thần đem lòng nghi ngờ và thanh trừng những đại công thần. Bởi thế nên vua Lê Lợi lần lượt thanh trừng những người đã có công lao lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, dĩ nhiên họ là những vị đã từng nằm gai nếm mật với Ông , đã có công đầu trong việc xây dựng đế nghiệp của Lê Lợi để mở đâu cho triều đại nhà Hậu Lê kéo dài 88 năm trời ( 1428 – 1856 ), và nhất là tên tuổi và uy tín của các bậc Khai Quốc Công Thần ấy đang còn là thời sự nóng hổi của dân chúng ta sau ngày đại thắng giặc Minh xâm lăng. Vua Lê ra lệnh bắt Trần Nguyên Hãn giải về Kinh đô của nước Đại Việt , mạc dầu Trần Nguyên Hãn đã xin về hư trí sau khi cuộc kháng chiến thành công, ông đã ẩn cư ở làng Đông Sơn, huyện Lập Thạch ( nay là tỉnh Vĩnh Phú ).Vì quá uất ức nên trên đường bị áp giải về kinh thành , Trần Nguyên Hãn đã tự tử. Rồi Phạm Văn Xảo bị vua Lê Thái Tổ ra lệnh xử tử và tịch thu tài sản. Rồi tới Nguyễn Trải cũng bị vua Lê Thái Tổ bắt giam năm 1429 , sau một năm đại thắng giặc Minh , lúc ấy Nguyễn Trải được 49 tuổi. Nhưng trước dư luận của toàn dân , qua năm sau ( 1430 ) , vua Lê Lợi ra lệnh tha cho Nguyễn Trải. Từ đó trở đi , Nguyễn Trải đã trải qua nhiều nổi thăng trầm trên bước đường hoạn lộ của ông . Nguyễn Trãi hẳn đã phải ngao ngán ngậm ngùi cho cái đạo nghĩa vua tôi, cho cái sự đối xử tệ bạc của Lê Lợi :

                                 Chim bay đã hết , cung tốt cất đi ,

                                Thỏ lanh chết rồi , chó săn phải giết .

                                                         Ca dao

 

                 Tháng 5 năm 1433 , Lê Thái Tổ thăng hà, con là Lê Nguyên Long lên nối ngôi, tức là Lê Thái Tông. Việc triều chính càng ngày càng bị bọn nịnh thần và gian thần lộng hành. Bọn chúng không ưa những con người khẳng khái và có nhiều uy tín với quốc dân như Nguyễn Trải nên chúng thường hay gièm pha và rắp tâm hãm hại ông. Nhận thấy chính sự rối rấm và phiền hà như thế , nên Nguyễn Trải đã xin về hư trí , ông về ẩn cư tại Côn Sơn , thuộc huyện Chí Linh , tỉnh Hải Dương . Hằng ngày ông ngao du sơn thuỷ , đến chùa Côn Sơn mà lắng nghe câu kinh tiếng kệ :

                                  “Bụt ấy là lòng, bụt há cầu”

                                           Nguyễn Trải  ( Mạn Thuật )

 

              Nhưng định mệnh khắc khe: người anh hùng dân tộc Nguyễn Trải không tránh được đại nạn. Tháng 9 năm 1442 vua Lê Thái Tông đi duyệt binh ở huyện Chí Linh , nên ghé ngang Côn Sơn để thăm Nguyễn Trải. Khi vua Lê Thái Tông trỏ về kinh đô thì lại vớt theo một người thiếp của Nguyễn Trải để hầu hạ cho nhà vua. Bà này vừa trẻ đẹp lại vừa có văn tài tên là Nguyễn Thị

Lộ. Trên đường về , Thái Tông đã ghé lại nghỉ đêm tại Trại Vải ( tức Lệ Chi Viên ) ở làng Đại Lại, huyện Gia Bình ( nay thuộc huyện Gia Lượng , tỉnh Hà Bắc ) cũng vào tháng 9 năm 1442. Vào nửa đêm đó, vua Lê Thái Tông bị trúng gió chết bất thần bên cạnh nàng Nguyễn Thị Lộ. Cơ hội bằng vàng cho bọn nịnh thần vốn dĩ đã thù ghét Nguyễn Trải từ trước , chúng hạ độc thủ : bắt giết ngay Nguyễn thị Lộ vì cho rằng nàng đã giết vua Thái Tông và lên án Nguyễn Trải đã âm mưu xúi giục Nguyễn Thị Lộ giết vua.Sau đó mấy ngày , triều đình nhà Lê tuyên án xử Nguyễn Trải “tru di tam tộc “ . Bản án này không những đã kết liễu cuộc đời của vị anh hùng dân tộc  - Nguyễn Trãi – linh hồn của phong trào khởi nghĩa Lam Sơn  , mà còn kết liễu cuộc đời của nhiều người trong dòng họ ông nữa . Mãi cho đến năm 1464 , hai mươi hai năm sau ngày  vụ án Nguyễn Thị Lộ , vua Lê Thánh Tông ( 1460 – 1497 ) mới ra lệnh giải oan cho Nguyễn Trải , rồi ra lệnh khôi phục địa vị và danh dự của ông.

 

       * Sự nghiệp văn chương của Nguyễn Trải

 

                    Ông đã để lại một sự nghiệp văn chương  gồm có các tác phẩm chính sau đây :

 A.    Những tác phẩm viết bằng chữ Hán :

 

  1. Ức Trai thi tập  : gồm có hơn 100 bài thơ ngũ ngôn hoặc thất ngôn.
  2. Văn loại : gồm có những bài : Bình Ngô Đại Cáo , Lam Sơn Thực Lục , Vịnh Lăng Thân Đạo Bi Ký , Băng Hồ Dị Sử Lục.
  3. Quân Trung Từ Mệnh Tập : gồm có 24 bài công vănbao gồm những thư từ , mệnh lệnh trong quân đội , những thư từ giao thiệp qua lại với các tướng lãnh của giặc Minh xâm lăng  ( 1423 – 1427 ). Những công văn đã đúc kết nên chiến lược và chiến thuật của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
  4. Dư Địa Chí  là cuốn sách lược khảo về địa lý nước ta vào năm 1435.

 

B.- Những tác phẩm viết bằng chữ Nôm :

   1.      Gia Huấn Ca  là tập thơ dạy về luân lý,  dạy bổn phận của đàn bà và trẻ con ở  trong gia đình.
   2.      Hởi Ả Bán Chiếu  đây là bài thơ định mệnh do ông sáng tác khi mới gặp Nguyễn Thị Lộ lần đầu.

 

Dương Quảng Hàm đã nhận xét về Nguyễn Trải như sau :

           “Nguyễn Trải không những là một bậc khai quốc công thần đã giúp vua Lê Thái Tổ đánh đuổi quân Minh, để khôi phục lại nền tự chủ cho nước Nam, mà lại là một bậc văn hào buổi Lê sơ đã đem tài học mà trước thuật ra những thi phẩm có giá trị: ông thực là bậc nho gia chân chính vậy.”    

               ( Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử Yếu , Việt Nam : Nha Học Chánh Đông Pháp, 1943.)

 

               Cố Giáo Sư Dương Quảng Hàm đã nhận xét thật là chí lý ! Nhưng u buồn thay ! Chính bậc khai quốc công thần ấy  đã suốt đời hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cho đất nước , đã cứu dân tộc mình thoát khỏi ách thống trị bạo tàn của giặc Minh xâm lăng, rồi lại là người bị lên án tru di tam tộc do chính cái triều đình nhà Hậu Lê mà ông đã từng đem khối óc và con tim của ông để tạo đựng và phụng sự cho triều đại ấy.

 

                Vinh quang thay ! Nhưng cũng đầy khổ đau thay ! Một bậc anh hùng dân tộc đã lưu tiếng thơm vào sử xanh muôn thuở : Nguyễn Trải , người trai thời loạn , đã làm tròn bổn phận của mình là trả thù cho cha và đền nợ nước. Quả thật là :   

                                     “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng ,

                                    Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”.    

  

I I I . Nguyên văn bản dịch tiếng Việt bài Bình Ngô Đại Cáo  của Bùi Kỷ :  

 

         Để giúp độc giả nhận ra các đoạn mạch của áng văn “Bình Ngô Đại Cáo” một cách dễ dàng , chúng tôi đã phân chia áng văn ra làm nhiều đoạn với những tiểu tựa .

 

  • Cương lĩnh của phong trào khởi nghĩa Lam Sơn :

                               Tượng mảng :

           Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

          Quân điếu phạt chỉ vì khử bạo.

          Như nước Việt ta từ trước ,

         Vốn xưng văn hiến đã lâu,

          Sơn hà cương vực đã chia,

         Phong tục Bắc Nam cũng khác,

         Từ Đinh , Lê, Lý, Trần gây nền độc lập,

         Cùng Hán, Đường , Tống , Nguyên hùng cứ một phương.

         Dẫu cường nhược có lúc khác nhau,

         Song hào kiệt đời nào cũng có.

                            

                      Vậy nên :

       

         Lưu Cung sợ uy , mất vía,

        Triệu Tiết nghe tiếng giật mình ,

        Cửa Hàm Tử giết tươi Toa Đô,

         Sông Bạch Đằng bắt sống Ô Mã.

         Xét xem cổ tích,

         Đã có minh trưng.

 
    2.      Tội ác của giặc Minh xâm lăng :

                                           Vừa rồi :

      

 Vì họ Hồ chính sự phiền hà,

   Để trong nước nhân dân oán bạn,

  Quân cường Minh đã thừa cơ tứ ngược ,

Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh,

Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn,

Vùi con đỏ xuống hầm tai vạ.

Chước dối đủ muôn nghìn khoé,

 Ác chưa ngót hai mươi năm.

Bại nhân nghĩa nát cả càn khôn,

Nặng khoá liểm vét không sơn trạch.

 Nào lên rừng đào mỏ, nào xuống bể mò châu,

  Nào hố bẩy hươu đen, nào lưới dò chim trả.

 Tàn hại cả côn trùng thảo mộc,

 Nheo nhóc thay! quan, quả, điêu liên.

 Kẻ há miệng , đứa nhe răng , máu mở bấy ! no nê chưa chán.

 Nay xây nhà , mai đắp đất,chân tày nào phục dịch cho vừa.

 Nặng nề về những nỗi phu phen,

 Bắt bớ mất cả nghề canh cửi.

 Độc ác thay ! trúc rừng không ghi hết tội,

 Dơ bẩn thay! nước bể khôn rửa sạch mùi,

 Lẽ nào trời đất tha cho,

 Ai bảo thần dân nhịn được.

  

  3.      Diễn tiến công cuộc bình định giặc Minh xâm lăng của Phong trào giải phóng Lam Sơn :

         

       Phần này chia làm 5 đoạn nhỏ để độc giả có thể thấy rõ ràng  diễn tiến lịch sử của cuộc kháng chiến :

 

3-1  . Một ý chí sắt đá :

          

            Ta đây :

 

Núi Lam Sơn dấy nghĩa ,

Chốn hoang dã nương mình,

Ngắm non song, căm nỗi thế thù,

Thề sống chết cùng quân nghịch tặc,

Đau long nhức óc, chốc là mười mấy nắng mưa,

Nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối,

Quên ăn vì giận, sách lược thao suy xét đã tinh,

Ngẫm trước đến nay, lẽ hưng phế đắn đo càng kỹ.

Những trằn trọc trong cơn mộng mị,

Chỉ băn khoăn một nỗi đồ hồi.

Vừa khi cờ nghĩa dấy lên,

Chính lúc quân thù đang thịnh.

 

3- 2. Bước đầu đầy gian nan   (  1418 – 1424 ) :

 

    3-2-a.- Chưa được sự hưởng ứng của toàn dân :

 

                Lại ngặt vì :

 

Tuấn kiệt như sao buổi sớm,

Nhân tài như lá mùa thu,  

Việc bổn tẩu thiếu kẻ đỡ đần,

Nơi duy ác hiếm người bàn bạc,

Đòi phen vùng vẫy, vẫn đăm dăm con mắt dục đông,

Mấy thưở đợi chờ, luống đằng đẵng cỗ xe hư tá.

Thế mà trông người, người càng vắng ngắt, vẫn mịt mù như kẻ vọng dương.

 

 3-2-b.- Những cảnh gian nan ( 1418 – 1420 ) :

              

 Thế mà tự ta, ta phải lo toan, thêm vội vả như khi chửng nịch,

Phần thì giận hung đồ ngang dọc,

Phần thì lo quốc bộ khó khăn,

Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần,

Khi Khôi huyện quân không một đội.

     

 3-2-c.- Lòng kiên gan trì chí ( 1420 – 1424 ):

 

Có lẽ trời muốn trao cho gánh nặng, bắt trải qua bách chiết thiên ma,

Cho nên ta cố gắng gan bền, chấp hết cả nhất sanh thập tử.

  

         3-3.- Chính nghĩa sáng tỏ dần dần , lực lượng khởi nghĩa Lam Sơn chuyển yếu thành mạnh :

 

 Múa đầu gậy ngọn cờ phất phớingóng vân nghệ bốn cõi đan hỗ,

Mở tiệc quân chén rượu ngọt ngào, khắp tướng sĩ một lòng phụ tử.

Thế giặc mạnh, ta yếu mà ta địch nổi,

Quân giặc nhiều, ta ít mà ta được luôn.

                 

               Dọn hay :

 

Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,

            Lấy chí nhân mà thay cường bạo.     

         

 3-4.- Những chiến thắng liên tiếp ( 1424-1428 ) : thành quả củachiến lược tâm công , và của lực lượng nghĩa quân hùng mạnh :

 

          3-4-a.Giai đoạn trước : từ Chí Linh ra Đông Đô:

 

Trận Bồ Đằng sấm vang sét dậy ,

Miền Trà Lân trúc phá tro bay,

Sĩ khí đã hăng.

Quân ta càng mạnh.

Trần Trí, Sơn Thọ mất vía chạy tan.

Phường Chính, Quí An tìm đường trốn tránh.

Đánh Tây Kinh phá tan thế giặc,

Lấy Đông Đô thu lại cõi xưa.

Dưới Ninh Kiều máu chảy thành sông,

Bến Tuỵ Động xác đầy ngoài nội.

Trần Hiệp đã thiệt mạng,

Lý Lương lại phơi thây.

Vương Thông hết cấp lo lường,

Mã Anh khôn đường cứu đở.

Nó đã trí cùng lực kiệt, bó tay không biết tính sao,

Ta đây mưu phạt tâm công, chẳng đánh mà người chịu khuất.

Tưởng nó đã thay long đổi dạ, biết lẽ tới lui,

Ngờ đâu còn kiếm kế tìm phương, gây mầm tội nghiệt.

Cậy mình là phải, chỉ quen đổ vạ cho người.

Tham công một thời, chẳng bỏ bày trò dơ duốc,

Đến nỗi đứa trẻ con như Tuyên Đức, nhàm vỏ không thôi.

Lại sai đồ nhút nhát như Thanh, Thăng đem dầu chữa cháy.

 

   3-4- b.- Giai đoạn sau :  ta phá tan viện binh , vây hãm Đông Đô.

 

Năm Đinh Mùi tháng chín,

Liễu Thăng từ Khâu Ôn tiến sang.

Mộc Thanh từ Vân Nam kéo đến.

Ta đã điều binh thủ hiểm, để ngăn lối Bắc quân.

Ta lại sai tướng chẹn lui, để tuyệt đường lương đạo.

Mười tám, Liễu Thăng thua ở Chi Lăng.

Hai mươi, Liễu Thăng chết ở Mã Yên.

Hai mươi lăm, Lương Vinh trận vong,

Hai mươi tám, Lý Khánh tự vẫn.

Lưỡi dao ta đang sắc,

Ngọn giáo giặc phải lùi,

Lại thêm quân bốn mặt vây thành.

Hẹn đến rằm tháng Mười diệt tặc.

Sĩ tốt ra oai tì hổ,

Thần thư đủ mặt trão nha.

Gươm mài đá, đá núi cũng mòn,

Voi uống nước, nước sông phải cạn.

Đánh một trận, sách không kình ngạc.

Đánh hai trận, tan tác chim muông.

Cơn gíó to trút sạch lá khô,

Tổ kiến hổng sụt toang đê cũ.

Thôi Tụ phải quì mà xin lỗi,

Hoàng Phúc tự trói để hàng.

Lạng Giang, Lạng Sơn thây chất đầy đồng.

Xương Giang, Bình Than, máu trôi đỏ nước.

Ghê gớm thay! sắc phong vân phải đổi.

Thảm đạm thay! sáng nhật nguyệt phải mờ.

Binh Vân Nam nghẽn ở Lê Hoa, sợ mà mất mật.

Quân Mộc Thanh tan chưng Cầu Trạm, chạy để thoát thân.

Suối máu Lãnh Câu, nước sông rền rỉ.

Thành xương Đan Xá, cỏ nội đầm đìa.

Hai mặt cứu binh, cắm đầu trốn chạy.

Các thành cùng Khấu, cởi giáp xuống đầu.

  

   3-5.- Thái độ khoan hồng của ta đối với bọn tướng lãnh nhà Minh bại trận. Tính hiếu hòa của nghĩa quân Lam Sơn:

 

 Bắt tướng giặc mang về, nó đã vẫy đuôi phục tội,

Thể lòng trời bất sát, ta cũng mở đường hiếu sinh.

 

Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền,

                                       ra đến bể chưa thôi trống ngực .

Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cổ ngựa,

                                       về đến Tàu còn đổ bồ hôi.

Nó đã sợ chết cầu hoà, mở lòng thu phục,

Ta muốn toàn dân làm cốt, cả nước nghỉ ngơi.

  

4.     Hướng về phía trước: nhìn vào tương lai huy hoàng của đất nước ta :

 

                       Thế mới là mưu kế thật khôn,

 Vả lại suốt xưa nay chưa có.

Giang san từ nay mở mặt,

Xã tắc từ đây vững bền.

Nhật nguyệt hối mà lại minh,

Kiền khôn bỉ mà lại thái.

Nền vạn thế xây nên chắc chắn. 

Thẹn nghìn thu , rửa sạch làu làu.

Thế là nhờ trời đất, tổ tông khôn thiêng giúp đỡ cho nước ta vậy.   

 

                     Than ôi!

 

Vẫy vùng một mảnh nhung y, nên công đại định.

Phẳng lặng bốn bề thái vũ, mở hội vĩnh thanh,

Bá cáo xa gần,

Ngỏ cùng nghe biết.

                               *

                  *                        *

 

 * Cước chú :

                  

 

Ngô : Khi nhà Hán bên Trung Hoa suy tàn, đất nước Trung Hoa chia làm ba phe : Bắc Ngụy, Tây Thục và Đông Ngô. Sau khi nhà Hán mất, nhà Đông Ngô đã thay thế cai trị nước ta và Hai Bà Trưng ( 41 – 43 ) đã khởi nghĩa chống lại chúng. Rồi sau đó, bà Triệu đã khởi nghĩa đánh quân xâm lăng Đông Ngô năm 248, nhưng chi chống cự được có mấy tháng thì quân ta thua. Kể từ đó người Việt thường dung tiếng Ngô để chỉ người Trung Hoa.

 

Cáo :  tờ Cáo là một loại công văn mà nhà vua dụng để ban bố, để thông cáo một công cuộc gì đặc biệt trọng đại, hoặc một biến cố lịch sử nóng hổi, và quan trọng của thời cuộc có liên quan đến toàn thể dân tộc.

      Song song với tờ Cáo, còn có tờ Hịch thường do các vị Nguyên Soái làm ra để động viên tinh thần quân sĩ mà ra lệnh xuất quân; ví dụ như bài  Hịch Tướng Sĩ Văn của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn , và tờ Chiếu  thường do nhà vua ban bố ra để làm một chính lệnh mà thi hành một công cuộc gì đặc biệt trọng đại như bài Chinh Chiêm Thành Chiến của vua Lê Thánh Tông. Ngoài ra, theo tập truyền hành chánh , ở nước ta ngày xưa dưới chế độ quân chủ , Công Văn còn có các loại sau đây :

-          Các quan viên gởi xuống cấp dưới có những tờ  Sức , tờ Tư .

-          Các quan viên gởi xuống lên cấp trên có những tờ Bẩm  , tờ Trình .

-          Ở triều đình :

    - Các quan viên cao cấp, bề tôi đệ trình điều gì lên vua thì có những tờ Tấu , tờ Khải , tờ Trạng , tờ Biểu .

 - Vua truyền lệnh xuống cho các quan viên thì có tờ Chế , tờ Sắc , tờ Lệnh.

Ngày xưa, ở xứ ta, công văn đều viết bằng chữ Hán bởi vì chúng ta chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa rất nhiều. Mãi tới khi vua Quang Trung ( Nguyễn Huệ ) đại thắng được quân Thanh vào đầu năm 1798 ở trận Đống Đa, vua liền ban hành sắc lệnh “ bắt buộc các viên quan phải sử dụng chữ Nôm để soạn thảo các công văn. “ Rồi sau này , khi nước nhà thâu hồi được độc lập từ tay thực dân Pháp, gần giữa thế kỷ thứ hai mươi, thì chữ Quốc ngữ mới được sử dụng để soạn thảo các công văn.

 

Nhân Nghĩanhân là lòng thương người, nghĩa là những điều mình phải thực hiện theo đúng lương tâm. Theo Nho giáo, đạo nhân nghĩa tức là đạo làm người.

 

Yên DânYên là trái nghĩa với loạn lạc, trái nghĩa với nguy nan tức là sự an lành ; dân là dân chúng, mọi người sống trong một nước. Như vậy, yên dân có nghĩa là giữ cho dân khỏi loạn lạc , khỏi nguy nan.

 

Sơn Hà: sơn là núi , là sông . Đó là những yếu tố địa lý thiên nhiên cấu tạo nên lãnh thổ của một nước.

 

Văn Hiến: sách vở, tác phẩm, tư tưởng, học thuật và những nhân vật lỗi lạc trong một thời đại.

 

Lưu Cung: là vua nước Nam Hán. Ngô Quyền đã đánh bại quân Nam Hán ở tại sông Bạch Đằng ( năm 938 ) , đã đem lại nền độc lập và tự chủ cho nước ta .

 

Triệu Tiết Quách Quỳ  đã chỉ huy quân Tống sang đánh nước ta vào đời nhà Lý. Chúng đã bị Lý Thường Kiệt đẫy lui ra khỏi bờ cõi nước ta vào năm 1076.

 

Cửa Hàm Tử giết tươi Toa Đô, sông Bạch Đằng bắt sống Ô Mã   : câu này nhắc lại những trận chiến thắng giặc Nguyên (Mông Cổ) dưới thời nhà Trần.Quân ta giết được Toa Đô ở cửa Hàm Tử (năm 1285), đuổi quân Nguyên ra khỏi bờ cõi lần thứ nhất. Rồi sau đó, quân ta bắt sống được Ô Mã Nhi ở trận đại chiến thắng tên sông Bạch Đằng (năm 1827), đuổi quân Nguyên ra khỏi bờ cõi lần thứ hai.

 

Minh Trưng : chứng cớ rõ ràng.

 

Thừa cơ tứ ngược : thừa cơ hội để làm điều tàn bạo hết sức .

 

Quan, Quả , Điên Liên : là những người vô cùng khổ sở trong xã hội. Quan là người đàn ông không có vợ. Quả là người đàn bà goá chồng . Điên Liên là những người không nhà , không cửa , không có nơi nương tựa che thân.

 

Khoá Liểm : liểm là thu góp lại, khóa là thuế má. Khóa liểm là thu góp thuế má.Thực dân Minh có chính sách cai trị bóc lột dân ta vô cùng, chúng đặt ra nhiều loại thuế để thu góp tài sản của nhân dân ta vào thời bấy giờ.

 

Sơn Trạch : Sơn là núi, trạch là cái hồ nước hoặc sông ngói hay đầm lầy, hay nhà cửa. Giặc Minh “vét không sơn trạch” tức là chúng vơ vét các của cải quý báu, lâm sản, hải sản, thổ sản quý của ta để đem về xứ của chúng.

 

Tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu : ý nói tuấn kiệt và nhân tài hãy còn mai danh ẩn tích, hãy còn ẩn dật, số người xuất hiện hãy còn thưa thớt, ít oi. “Sao buổi sớm” có nghĩa là buổi sáng sớm các vì sao được thấy thưa thớt ở trên bầu trời; “lá mùa thu” có nghĩa là vào mùa thu, lá cây vàng úa và rơi rụng nên lá cây còn lại ở cành cây thật là ít ỏi, đôi khi cành cây trơ trụi không còn một lá nào cả vào mùa thu nữa.

 

Dục Đông:  muốn tiến về phía Đông, ý nói muốn chiếm lấy Đông Đô, đây là Bộ Chỉ Huy đầu não của giặc Minh xâm lăng.

 

Cỗ xe hư tả: cỗ xe để trống trơn ở bên trái, ý nói sự mong đợi nhân tài cùng ra giúp sức.

 

Vọng Dương: trông nhìn ra biển không thấy gì cả.

 

Chửng nịch: chửng là cứu vớt, nịch là người chết đuối. Chửng nịch là động tác vội vã , cấp bách để cứu người chết đuối.

 

Bách chiết thiên maBách Chiết là trăm lần gãy, Thiên Ma là ngàn lần mài, ý nói đến nhiều cảnh khổ cực, gian nan, hiểm nguy, tai biến của kháng chiến quân trong thời gian chống giặc ngoại xâm.

 

Tâm công: là “đánh vào lòng người”. Đây là một chiến lược của Nguyễn Trải đã được viết  ra trong sách “Bình Ngô Sách” và được đem áp dụng trong thời gian kháng chiến chống quân Minh xâm lăng. Tôi sẽ trình bày chi tiết về chiến lược “tâm công” ở phần bình luận.

 

Tuyên Đức: là niên hiệu của vua Tuyên Tông,  nhà Minh bên Tàu.

 

Bỉ: là vận số khi xấu, cùng cực.

 

Thái: là vận số khi tốt, may mắn, sung sướng.

                    

                                             *

                               *                             *

   

IV. Giảng Luận Áng Văn Bình Ngô Đại Cáo:

                Trước khí thế hùng mạnh của lực lượng Khởi Nghĩa Lam Sơn, giặc Minh xâm lăng đành phải cuốn cờ triệt thoái về nước vào cuối năm 1427. Bình Định Vương Lê Lợi – lãnh tụ của Phong Trào Khởi Nghĩa Lam Sơn - liền thiết lập đàn để đại tế Trời Đất, rồi xưng vương đặt quốc hiệu là Đại Việt, và uỷ thác cho Nguyễn Trải soạn thảo bài Bình Ngô Đại Cáo để bố cáo trước quốc dân công cuộc khởi nghĩa của Phong Trào Lam Sơn chống lại giặc Minh xâm lăng và đem lại nền độc lập, thái bình cho đất nước. Bài Bình Ngô Đại Cáo có thể coi như là bản Tuyên

Ngôn Độc Lập (The Declaration of Independence) của nước Đại Việt, đã được Lê Lợi tuyên đọc và phổ biến khắp nước ta vào đầu năm 1428.

       

                       Nguyễn Trải đã thi hành chỉ thị của Bình Định Vương Lê Lợi để soạn bài Bình Ngô Đại Cáo, ông đã nhân danh Lê Lợi , đã đặt cương vị của Lê Lợi vào bài báo cáo này trước quốc dân. Nguyễn Trải đã gởi gấm vào bài Bình Ngô Đại Cáo những tư tưởng chính trị của cấp lãnh đạo của Phong Trào Khởi Nghĩa Lam Sơn .Nhưng thật ra thì Nguyễn Trải đã đưa vào áng văn bất hủ này những suy tư, những tư tưởng chính trị của chính ông.

 

                            Tìm hiểu bài Bình Ngô Đại Cáo ( BNĐC) cũng chính là tìm hiểu về tư tưởng chính trị và hành động cứu dân, cứu nước của Nguyễn Trải đã gắn liền với Lực Lượng Khởi Nghĩa Lam Sơn từ khi Phong trào này hãy còn trong trứng nước cho đến ngày đại thắng giặc Minh để đem vinh quang về cho dân tộc và đất nước.

 

                           Nội dung bài BNĐC đã được phân tích ra thành 4 đoạn chính  ở phần nguyên văn, chúng tôi sẽ căn cứ vào thứ tự của 4 đoạn này mà bình giảng ;

 

  • Cương lãnh của phong trào Khởi Nghĩa Lam Sơn:

                 Thật ra, không phải đợi đến ngày đại thắng giặc Minh thì các nhà lãnh đạo – hay đúng hơn là Nguyễn Trải- mới đưa ra cương lãnh của mình. Chúng ta có thể tìm thấy cương lãnh của Phong Trào Khởi Nghĩa Lam Sơn ( PTKNLS ) ở trong nhiều tác phẩm của Nguyễn Trải , nhất là ở trong Quân Trung Từ Mệnh Tập.

                  Chúng ta nhận thấy có mấy điểm chính yếu sau đây đã làm nền tảng triết lý chính trị của PTKNLS được ghi lại trong BNĐC:

 

1-a.-Nhân nghĩa , yên dân ,Khử bạo :

 

  Theo truyền thống đạo lý của Nho giáo thì :

               

 - Nhân :  nhân có ý nói về mối quan hệ giữa con người với con người như đạo vua tôi,đạo cha con, đạo vợ chồng   v..v…Theo Thiều Chửu (1902-1954), tức Cư sĩ Nguyễn Hữu Kha, trong quyễn “Hán Việt Từ Điển”, in lần thứ nhất năm 1942, nhà xuất bản Đuốc Tuệ, Hà Nội , tr.14 thì nhân là cái đạo lý làm người, con người phải thực hiện cái đạo lý này thì mới gọi là người; yêu người mà không vì lợi riêng cho mình  gọi là nhân.

 

  - Nghĩa : nghĩa là sự gắn bó giữa cá nhân với cộng đồng xã hội. Theo Thiều Chửu, sách đã dẩn , tr. 452 thì nghĩa là sự phải chăng, lẽ phải chăng; định liệu sự vật hợp với lẽ phải gọi là nghĩa.

 

             Vậy đạo lý nhân nghĩa, theo Nho giáo, chính là đạo làm người ở trong cơ cấu xã hội Nho gia.

 

              Dĩ nhiên,  Nguyễn Trải đã tiếp thu quan điểm ấy của Nho giáo, vì đã từ lâu giới trí thức lãnh đạo ở nước ta ngày xưa đã hướng về đạo Nho và coi triết lý đạo đức chính trị của Nho gia như là phương châm cứu nước và dựng nước. Nhưng ở Nguyễn Trải , ta thấy tư tưởng của ông còn có cái gì vượt lên trên và vượt ra ngoài tư tưởng cố hữu của Nho gia. Ông đã viết :

 

                                   “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

                        và :

                                   “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,

                                    Lấy chí nhân mà thay cường bạo

                                              

            Như vậy , theo Nguyễn Trải muốn thực hiện lòng nhân nghĩa thì cốt ở yên dân. Yên là trái với loạn lạc, trái với nguy hiểm. Yên dân có nghĩa là giữ cho dân khỏi loạn lạc, khỏi sự hiểm nguy tức là đem lại cuộc sống an lành và hạnh phúc cho nhân dân. Mà muốn cho dân được yên thì phải khử bạo. Khử bạo tức là diệt trừ bạo ngược, tham tàn, hung ác của đội quân viễn chinh của giặc Minh đang giày xéo trên quê hương ta :

 

                             “Quân điếu phạt chỉ vì khử bạo”

 

             Như vậy, khử bạo là diệt trừ thế lực bạo ngược của giặc Minh xâm lăng , là chính nghĩa của PTKNLS, và đường lối chính trị để thực hiện việc khử bạo , để cứu nước, cứu dân rồi xây dựng đất nước chính là lòng nhân nghĩa gắn liền với yên dân.

 

             Theo Nguyễn Trải, Nhân là lòng thương người, thương dân. Nhân trái với  bạo tàn, với hận thù. Nhân có thể nói đồng nghĩa với từ bi của đạo Phật và bác ái của đạo Chúa:

 

                              Lấy chí nhân mà thay cường bạo”

 

Nghĩa là tinh thần trách nhiệm đối với mọi người, đối với dân tộc, đối với đất nước. Nghĩa trái  với hung tàn, với bất công, với áp bức, với bạo ngược. Nghĩa đồng nghĩa với công bằng, với bình đẳng:

 

                               Đem đại nghĩa để thắng hung tàn”

 

           Đến đây tư tưởng “ việc nhân nghĩa cốt để yên dân” của Nguyễn Trải được soi sáng. Theo ông thì đó chính là lòng thương dân, muốn cho dân được hạnh phúc ấm no, mối ưu tư, lo lắng trước nỗi khổ đau của dân dưới sự thống trị bạo tàn của giặc Minh xâm lăng. Đó là lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu tổ quốc, yêu dân tộc của Nguyễn Trải, và ông chỉ có một con đường là phụng sự cho tổ quốc, phục vụ cho dân tộc.

 

           Phải chăng tư tưởng chính trị của Nguyễn Trải là một “ ý thức hệ Nho gia  đã xoay chiều, đổi hướng”. Ông đã chuyển hướng tư tưởng “ trung quân ái quốc” ( yêu nước là phải trung với nhà vua ) và “trung thần bất sự nhị quân” ( người tôi trung thành không phục vụ cho hai ông vua khác dòng dõi với nhau) của Nho gia để trở thành “trung quốc ái dân” ( trung thành với tổ quốc phải là thương dân ) , là lòng yêu nước, yêu tổ quốc không lệ thuộc vào một chế độ, một chủ nghĩa nào, một triều đại nào của bất cứ nhà vua nào, và phụng sự tổ quốc cũng không có nghĩa là phụng sự cho riêng một dòng dõi nào của vua chúa cả. Đây quả thật là một tư tưởng chính trị rất cấp tiếntáo bạo ở vào thời đại của Nguyễn Trải (đầu thế kỷ XV ). Xét trong cuộc đời của Nguyễn Trải ta thấy ông đã thực hiện tư tưởng yêu nước này: ông là con cháu nhà Trần, ông ngoại của ông là Trần Nguyên Đán, vị quan thuộc dòng dõi quí tộc nhà Trần ) ra phục vụ cho nhà Hồ - Hồ Quý Ly (năm 1400), Hồ Hán Thương(1401 – 1407 )- cho đến khi quân Minh sang xâm lược nước ta. Nhưng dưới chế độ thực dân của nhà Minh, Nguyễn Trải đã hết lòng yêu nước nên đã khẳng khái từ chối việc hợp tác với giặc ngoại xâm, và rồi ông đã tham gia “Phong trào Khởi Nghĩa Lam Sơn”, khoảng năm 1420 , để cứu dân, cứu nước.

 

           Một câu hỏi được đặt ra là Lê Lợi , lãnh tụ của Lực Lượng Khởi Nghĩa Lam sơn , có đồng tâm nhất trí với lập trường và quan điểm  “ yêu nước , yêu dân” của Nguyễn Trải hay không ? – Căn cứ vào các sự kiện lịch sử thì ta thấy rõ ràng rằng Lê Lợi đã “ đồng tâm , nhất trí ‘ với tư tưởng “ yêu dân, yêu nước” của Nguyễn Trải trong suốt thời gian kháng chiến cho đến khi mới giành được độc lập cho đất nước, và dĩ nhiên tư tưởng này đã được ghi lại trong BNĐC. Tư tưởng “ yêu nước, yêu dân rất cấp tiến này rất có lợi cho Lê Lợi nói riêng và của PTKNLS nói chung . Tư tưởng này xoá nhoà “ lòng hoài Trần” của dân ta thời bấy giờ để hướng về lòng yêu nước, yêu dân. Do đó, nhân dân sẽ qui tụ dưới ngọn cờ khởi nghĩa của Lê Lợi. Lê Lợi vốn xuất thân là một điền chủ giàu có.

 

           Khi giặc Minh đã rút khỏi đất nước, trước uy thế hùng mạnh của PTKNLS, Bình Định Vương Lê Lợi đã phế bỏ Trần Cao – con cháu nhà Trần, được nhà Minh phong cho làm An Nam Quốc Vương trước khi chúng triệt thoái về nước vào cuối năm 1427 - , và xưng Vương vào đầu năm 1428, đặt quốc hiệu mới là Đại Việt. Chưa đầy một năm ,sau khi Lê Lợi củng cố uy quyền và đế quyền của mình thì Lê Lợi lại trở về với ý thức hệ Nho gia cố hữu , tức là trở về quỹ đạo tư tưởng chính trị của Nho gia: “Trung thần bất sự nhị quân” và “Trung quân ái quốc” . Dĩ nhiên những người có tư tưởng chính trị cấp tiến như Nguyễn Trải, Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xão lần lượt bị thanh trừng. Khoảng cách giữa Lê Lợi và những tư tưởng chính trị cấp tiến trong thời kháng chiến càng ngày càng xa dần. Thật vậy, Lê Lợi đã đặt một nền tảng vững vàng cho đạo Nho trong suốt thời gian ông trị vì ( 1428 – 1433 ) và cho cả các triều đại kế nghiệp theo thế tập của nhà Hậu Lê. Trong lịch sử nước ta, chưa có triều đại nào mà đạo Nho thịnh hành cho bằng triều Hậu Lê (1428 - 1516).

 

          1-b.- Nước ta là một nước đã có một nền Văn Hiến, Một Lãnh ThổMột Lịch Sử oai Hùng  : Nước ta là một nước độc lập .

 

              Nguyễn Trải đã đại diện cho dân tộc ta mà đặt một câu hỏi với nhà Minh   rằng tại sao họ lại quên nước ta là một nước có một nền văn hiến lâu đời, có một lãnh thổ rõ rệt, có một lịch sử oai hùng để xem đó như là một bài học lịch sử mà lại xua quân sang xâm chiếm nước ta , và để rồi bị thảm bại đến nỗi phải cuốn cờ triệt thoái về Trung Hoa.

 

             Thật vậy, nước ta là một nước đã có một nền văn hoá từ lâu: từ thời Hồng Bàng mới dựng nước Văn Lang đến thời Nguyễn Trải đã có bao nhiêu nhân vật lỗi lạc,đã có bao nhiêu tác phẩm, tư tưởng học thuật ra đời, có một phong tục tập quán riêng, có một tổ chức chính quyền riêng, có một lãnh thổ riêng:

 

                                          “Như nước Việt ta từ trước,

                                            Vốn xưng văn hiến đã lâu.

                                             Sơn hà cương vực đã chia,

                                             Phong tục Bắc Nam cũng khác”

 

              Trước bài BNĐC khoảng 352 năm, Lý Thường Kiệt cũng đã khẳng định nền độc lập và tinh thần bất khuất cũng như nguyên lý tất thắng của dân tộc ta khi vị tướng lãnh tài ba này đã đánh bại giặc Tống xâm lăng nước ta vào năm 1076. Lý Thường Kiệt đã tuyên đọc bản “ Tuyên ngôn độc lập” lần thứ nhất của dân tộc Việt Nam vào thời Lý sau khi đuổi giặc ngoại xâm:

 

                                         “Nam quốc sơn hà Nam đế cư,

                                           Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.

                                            Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?

                                            Nhử đẳng hành khan thủ bại hư.”

                                                 ( Lý Thường Kiệt, Nam quốc sơn hà Nam đế cư)

 

                          Bản dịch tiếng Việt :

 

                                            “Sông núi nước Nam, vua Nam ở,

                                              Đã phân định rõ ràng ở trong sách trời.

                                               Cớ sao lũ giặc bay dám xâm phạm?

                                               Nhất định bay sẽ chuốc lấy sự thảm bại nặng nề.”

                  Bài thơ trên của Lý thường Kiệt đã có một giá trị lịch sử siêu việt, nên “Nhóm Diên Hồng History Foundation” đã dịch ra tiếng Anh như sau :

 

Mountains and rivers of the South territories belong to the South                                    Emperor,

Its borders and sovereignty were written in the Book of Heaven.

Any stranger aggressors who dare to invade the land,

Everyone and anyone shall be totally annihilated.

 

                                        ( Lý thường Kiệt ,Nam Quốc Sơn Hà Nam đế cư ,translated by Diên Hồng History Foundation)

                 

                 Nước ta kể từ thời có lịch sử một cách rõ ràng như từ thời Triệu ( 207 trước Tây lịch - 111 trước Tây lịch ) cho đến thời Nguyễn Trải, lúc nào cũng có những anh hùng hào kiệt ra giúp dân, giúp nước để bảo vệ nền độc lập cho nước nhà:

                                               “Dẫu cường nhược có lúc khác nhau,

                                                 Song hào kiệt đời nào cũng có.”

               

                 Nhiều võ công oanh liệt hãy còn ghi đậm nét trong lịch sử Việt Nam : một Lý Thường Kiệt đã đánh bại quân Tống, một Ngô Quyền đã đánh bại quân Tàu ở trên sông Bạch Đằng ( năm 938 ), một Hưng Đạo Đại Vương  Trần Quốc Tuấn dưới đời Trần đã dẹp tan giặc Tàu. Chúng ta đã 3 lần đánh bại quân Mông Cổ, vó ngựa của quân Mông rất dũng mãnh , mặc dầu chúng đã  từng chiếm Trung Hoa, đã chiếm Tây Bá Lợi Á , chiếm Trung Âu , chiếm Ba Lan, v.. v…

 

                Và còn nhiều chiến công to lớn khác, trong một lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam, với những bằng cớ rành rành trước mắt mà giặc Minh xâm lăng đã không ý thức hoặc đã không chịu ý thức về các bài học lịch sử ấy:

 

                                              “Lưu Cung sợ uy mất vía,

                                               Triệu Tiết nghe tiếng giật mình,

                                                Cửa Hàm Tử giết tươi Toa Đô,

                                                Sông Bạch Đằng bắt sống Ô Mã,

                                                Xét xem cổ tích,

                                                 Đã có minh trưng”.

 

                    Lịch sử đấu tranh oai hùng của dân tộc để cứu nước và dựng nước đã là một niềm tự hào dân tộc và là một chất keo sơn đã kết hợp lòng yêu nước của toàn thể dân tộc ta trong công cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, để giành lại nền độc lập cho đất nước: điều tất thắng cho dân tộc , và là điều tất bại cho giặc Minh xâm lăng.

 

  1. Tội ác của giặc Minh xâm lăng :

                

                      Năm 1400, Hồ Quý Ly thoán đoạt ngôi của Trần Thiếu Đế (1398-1400) rồi xưng Vương, tổ chức khoa thi đầu tiên; Nguyễn Trải đã trúng tuyển kỳ thi Thái Học Sinh (Tiến Sĩ) lúc 21 tuổi (năm 1400), và được Hồ Quý Ly bổ nhậm chức Ngự Sử Đài Chánh Chưởng. Từ đó Nguyễn Trải đã tham gia việc chính sự của nhà Hồ cho đến khi nhà Hồ sụp đổ trước gót giày xâm lăng của giặc Minh ( năm 1407).Hồ Quý Ly đã ban hành nhiều cải cách táo bạo như :

-          Chỉnh đốn võ bị: cải tổ cách tổ chức quân đội, quân cụ, khí cụ.

-          Thiết lập “sổ hộ tịch” để kiểm soát dân đinh và rất thuận tiện cho việc tuyển lính để gia tăng quân số.

-          Sửa đổi thuế má, hình luật, thi cử.

-          Phát hành tiền giấy, đây là một cải cách về tiền tệ đầu tiên trong lịch sử kinh tế Việt Nam.

-          V…v…

              Những cải cách của Hồ Quý Ly đã gặp phải sự phản ứng của dân chúng vì nó va chạm vào những “ lề thói cũ” và những “định chế cũ” đã có một gốc rễ trong suốt 175 năm trị vì của nhà Trần ( 1225-1400 ) với 12 đời vua. Thêm vào đó, với quan niệm “ trung quân ái quốc” đã gây một tâm trạng “hoài Trần” ở trong lòng đa số quần chúng vào lúc bấy giờ. Lòng dân chia rẽ và không phục nhà Hồ:

                                           “Vì họ Hồ chính sự phiền hà,

                                              Để trong nước nhân dân oán hận”

 

                 Sử gia Trần Trọng Kim đã nhận xét :

                     “ Xem công việc của  Hồ Quý Ly làm thì không phải là một người tầm thường, nhưng tiếc thay một người có tài kinh tế như thế, mà giả sử cứ giúp nhà Trần cho có thuỷ chung thì dầu giặc Minh có thế mạnh đến đâu đi nữa, cũng chưa hầu dễ đã cướp được nước Nam, mà mình lại được cái tiếng thơm để lại nghìn thu”.

                           (Trần Trọng Kim, Việt Nam sử Lược, Saigon: Tân Việt, 1971; bản in lần thứ                   nhất vào năm 1917)

 

                 Thấy rõ tình hình chính trị rối rấm của nước ta dưới thời nhà Hồ, cuối năm 1406, nhà Minh nêu chiêu bài “Phạt Hồ, Phục Trần” rồi đưa đội quân viễn chinh hùng hổ kéo sang xâm chiếm nước ta. Nhà Hồ chống cự giặc Minh được mấy tháng thì thất thủ ( tháng 6 năm 1407 ). Thực dân Minh đã bắt Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương và nhiều quan lại khác trong đó có thân phụ của Nguyễn Trải là Nguyễn Phi Khanh lưu đày ở bên Trung Hoa, một số tướng lãnh và quân sĩ khác bị chúng giết. Cái lòng “giả nhân, giả nghĩa” của nhà Minh hiện rõ ràng ngay sau khi chúng chiếm đóng xứ ta. Giặc Minh xâm lược liền bắt các quan lại cũ của ta và các kỳ lão dâng lời kiến nghị do chúng thảo sẵn:

                  “ Họ Trần không còn nữa, và đất đai An Nam vốn là đất Giao Châu ngày trước, nay xin đặt quận huyện như cũ”.

                  ( Cửu Long Giang và Toan Ánh, Người Việt Đất Việt, Sàigòn: Nam Chi Tùng Thư, 1967 )

 

                 Con cháu nhà Trần là Giản Định Đế (1407 – 1409) và Trần Quý Khoách (1409-1413 ) cũng đã đứng lên khởi nghĩa chống giặc Minh với sự giúp sức của nhiều tướng lãnh tài ba và hết lòng yêu nước như Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân, Nguyễn Biểu, Đặng Dung, Nguyễn Súng, Nguyễn Cảnh Dị. Nhưng dưới một quân lực hùng hậu của giặc Minh xâm lăng, các cuộc khởi nghĩa này đã bị chúng đè bẹp. Rồi thì Lê Lợi đã phất cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn năm 1418 để đem đến thắng lợi cho nhân dân ta vào cuối năm 1427.

 

                 Như vậy , nước ta đã bị giặc Minh xâm lược chiếm đóng 20 năm trời ( 1407 - 1427 ). Trong 20 năm đó chúng gây biết bao nhiêu là tội ác. Ta hãy nghe Nguyễn Trải viết bản cáo trạng về tội ác của giặc Minh xâm lăng trong Bình Ngô Đại Cáo, tuy vắn tắt nhưng cũng đã vẽ lại được một bức tranh đen tối đầy máu lửa và nước mắt của một giai đoạn lịch sử khổ đau của dân tộc trong suốt 20 năm mất nước :

 

                                    “ Quân cuồng Minh đã thừa cơ tứ ngược,

Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh,

Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn,

Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.

Chước dối đủ muôn nghìn khóe,

              Ác chứa ngót hai mươi năm.”

 

                 Lịch sử nước ta không phải chỉ được viết nên bởi những vị anh hùng đã oanh liệt chiến đấu chống giặc ngoại xâm, bởi những tấm lòng trung thành của những người dân yêu nước, mà lịch sử nước ta còn được viết bởi những tên gian hùng, bởi những bọn gian tà bán nước cầu vinh, bởi những bọn cướp bóc tài sản, lường gạt công lao, giết hại cả sinh mạng của những người chân thành yêu quê hương, yêu tổ quốc. Bọn gian tà phản phúc này luôn luôn ôm gót giày thực dân để buôn dân bán nước mà cầu danh, cầu lợi, mà vinh than phì da:

 

Quân cường Minh đã thừa cơ tứ ngược,

   Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh”

                                   

                 Dưới chế độ thực dân nhà Minh, nhân dân ta luôn luôn nơm nớp lo âu, sợ hãi và bàng hoàng, sởn óc trước những cảnh cướp bóc tài sản của dân ta, trước cảnh bắt bớ và giết hại những người yêu nước, trước cảnh hãm hiếp dân lành vô tội. Chúng làm cho biết bao nhiêu gia đình tan nát: con xa cha, vợ mất chồng, chồng mất vợ, hoặc có người sống lang thang không cửa không nhà thật là khổ sở:

 

“ Bài nhân nghĩa nát cả càn khôn,

                                           Nặng khoá liễm vét không sơn trạch.

Nào lên rừng đào mỏ, nào xuống biển mò châu,

Nào hố bẫy hươu đen, nào lưới dò chim trả.

Tàn hại cả côn trùng thảo mộc,

Nheo nhóc thay! quan,quả, điên liên.”

 

                 Thêm vào đó, giặc Minh xâm lăng còn áp dụng chính sách thâm độc nhằm tiêu diệt nền văn hiến của nước ta để chúng đồng hoá nước ta với mẫu quốc: chúng ra lệnh tịch thu tất cả sách vở, các chứng tích văn hoá đã được ông bà ta sáng tác từ đời Trần trở về trước, lớp thì chúng tiêu huỷ, lớp thì chúng chở về Kim Lăng ở bên Trung Hoa. Chúng còn bắt dân ta ăn mặc theo chúng, phong tục tập quán phải rập khuôn theo chúng.

 

                  Tội ác của giặc Minh xâm lăng quả thật tầy trời và đầy dẫy đến nỗi không có sử sách nào chép cho hết được:

 

“Độc ác thay! trúc rừng không ghi hết tội,

Dơ bẩn thay! nước bể khôn rửa sạch mùi.”

 

                  Nhân dân ta đã sống trong cảnh khổ đau và áp bức cùng cực dưới ách thống trị bạo tàn của giặc Minh xâm lược. Nỗi khổ niềm đau này quả có nhiều ý nghĩa thấm thiá cho dân tộc ta:

                  “Không có sự trưởng thành đáng kính nào bằng sự trưởng thành trong đau khổ. Đúng như lời cổ nhân thường nói “ kẻ đau khổ là một sự thiêng liêng ở trên thế gian này”, dân tộc Việt Nam phải là một sự thiêng liêng với nhân loại vì thật hiếm có lịch sử dân tộc nào gian nan khổ ải hơn dân tộc Việt”.

                  (Doãn Quốc Sỹ, Người Việt Đáng Yêu, Saigon: Sáng Tạo, 1965)

    

      Và rồi GS Doãn Quốc Sỹ đã nhận định :

                “Hãy dùng đau khổ làm dầu mà thắp lên ngọn lửa tin yêu, bởi quả thật dân mình vì đã kinh qua quá nhiều đau khổ mà có thừa “chất người” để trở thành một trong những dân tộc đáng yêu nhất của nhân loại”.

                 (Doãn Quốc Sỹ, sách đã dẩn)

 

        Khổ đau và áp bức chồng chất do giặc Minh xâm lăng tham tàn gây ra đã biến thành ngọn lửa căm thù giặc ngoại xâm trong lòng của nhân dân ta, trong lòng của nghĩa quân, trong lòng của Lê Lợi, trong lòng của Nguyễn Trải.

         Lòng căm thù giặc Minh xâm lăng đã biến thành sức mạnh vũ bão trong cuộc kháng chiến của toàn dân ta:

                       “Lẽ nào trời đất tha cho,

                        Ai bảo thần nhân nhịn được”

 

   3.- Diễn Tiến Công Cuộc Bình Định Giặc Minh Xâm Lăng Của Phong Trào Khởi Nghĩa Lam Sơn:

 

           Năm 1413, nghĩa quân nhà Trần bị giặc Minh đánh tan thì toàn dân nước ta đành sống trong câm lặng, trong tủi nhục, trong khổ đau và trong áp bức. Mãi đến năm năm sau, năm 1418, một lãnh tụ khác xuất hiện, đó là Lê Lợi. Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn trong núi rừng Chí Linh, một vùng núi non hiểm trở thuộc miền tây tỉnh Thanh Hoá. Lê Lợi tự xưng là Bình Định Vương:

                         “Ta đây:

                            Núi Lam Sơn dấy nghĩa,

                            Chốn hoang dã nương mình”.

 

            3.1- Một ý chí sắt đá:

 

                   Lê Lợi và nghĩa quân trong PTKNLS đã thề sống chết với bọn thực dân nhà Minh cướp nước và bọn tay sai bán nước cầu vinh. Với tinh thần yêu nước cuồng nhiệt, nghĩa quân Lam Sơn thề quyết không đội trời chung với giặc ngoại xâm nhà Minh. Lòng căm thù những tội ác của giặc Minh đã hừng hực bốc cháy trong lòng kháng chiến :

                             “Ngắm non sông căm nỗi thế thù,

                              Thề sống chết cùng quân nghịch tặc”.

                   

                      Với ý chí bất khuất truyền thống của dân tộc Việt Nam, nghĩa quân thà chết chứ không chịu để cho nhân dân sống trong cảnh tủi nhục của kẻ mất nước. Chính nhờ ý chí sắt đá ấy mà dân tộc ta đã giữ vững được nền độc lập và sự trường tồn của quê hương kinh qua biết bao nhiêu lần bị Trung Hoa xâm lăng.

                      Nguyễn Trải, Lê Lợi cũng như mọi nghĩa quân Lam Sơn đều “đau lòng” trước cảnh nước mất nhà tan, đều “quên ăn vì giận”, đem nằm “trằn trọc, “ băn khoăn”, “nhức óc” vì sự suy tính những phương kế cứu nước, cứu dân trước sức mạnh của quân thù:

          “Đau lòng nhức óc, chốc là mười mấy nắng mưa,

            Nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối,

            Quên ăn vì giận, sách lược thao suy xét đã tinh,

             Ngẫm trước đến nay, lẽ hưng phế đắn đo càng kỹ,

 Những trằn trọc trong cơn mộng mị,

Chỉ băn khoăn một nỗi đồ hồi.

 Vừa khi cờ nghĩa dấy lên,

Chính lúc quân thù đang mạnh”.

 

3.2.- Bước đầu đầy gian nan:

 

                  Qua những kinh nghiệm sống thực tiển, ông bà ta đã dạy rằng: “Vạn sự khởi đầu nan”. (Tục Ngữ)

                   Muôn việc đều gặp những gian nan, những khó khăn ở bước đầu. Huống hồ đó là một công cuộc to lớn, một công cuộc khởi nghĩa chống lại giặc ngoại xâm  bạo tàn đã đặt một nền tảng vững mạnh từ năm 1407 đến năm 1419 là năm Lê Lợi bắt đầu nổi lên chống lại giặc cướp nước tham tàn.

 

     3.2.a.- Chưa được sự hưởng ứng của toàn dân: nhân tài, anh hùng, hào kiệt còn mai danh ẩn tích :

 

                    Năm 1418, Lê Lợi công khai tuyên chiến với giặc Minh xâm lăng. Trong bước đầu kháng chiến chống quân Minh, Lê Lợi sống trong cảnh trơ trọi vì ngoại trừ những gia nhân của ông ra thì nhân tài, anh hùng, hào kiệt chưa có ai ra hợp tác với Lê Lợi cả:

                           “Tuấn Kiệt như sao buổi sớm,

                              Nhân tài như lá mùa thu”.

                   

                          Lời kêu gọi nhân tài, chiến sĩ ra hợp tác với PTKNLS của Lê Lợi đã không có tiếng trả lời ưng thuận:

                            “Mấy thưở đợi chờ, luống đằng đẳng cổ xe hư tả,

                              Thế mà trông người, người càng vắng ngắt, vẫn mịt mù như kẻ

                               vọng dương,                       

                              Thế mà tự ta, ta phải lo toan, thêm vội vả như khi chửng nịch”.

                      

                      Vì lý do nào mà có hiện tượng nhân tài hào kiệt chưa xuất hiện, trong khi nước ta không có thời buổi nào mà lại thiếu bóng anh hùng để lo việc cứu nước, giữ nước và dựng nước:

                               “Dẫu cường nhược có lúc khác nhau,

                                 Song hào kiệt đời nào cũng có.”.

 

                         Chúng ta có thể gỉải thích hiện tượng nhân tài, hào kiệt, chiến sĩ chưa tham gia PTKNLS của Lê Lợi là bởi những nguyên nhân sau đây:Lê Lợi vốn là một đại điền chủ giàu có, sở hữu một gia trang rộng lớn và có nhiều gia nhân phục dịch trong gia trang của ông. Khi giặc Minh chiếm đóng nước ta vào năm 1407 thì Lê Lợi vẫn cung cấp phẩm vật cho chúng để Lê Lợi yên thân, đến khi Lê Lợi bị giặc Minh cướp bóc tài sản của ông nhiều quá thì quyền lợi vật chất cá nhân của ông bị va chạm nên Lê Lợi mới chống lại giặc Minh vào năm 1418:

                                   “Trẫm đã chịu khánh kiệt cả gia tài để thờ phụng chúng. Vậy mà chúng vẫn đem lòng muốn hại Trẫm, không chịu buông tha! Việc khởi nghĩa thực cũng là bất đắc dĩ mà Trẫm phải làm!”

-                                                              ( Nguyễn Trải, Lam Sơn Thực Lục)

 

- Như vậy việc chống lại giặc Minh chỉ là muốn bảo vệ tài sản, bảo vệ cá nhân của Lê Lợi chứ chưa có một lý tưởng cao quý là giải phóng quốc gia, giải phóng dân tộc:

                                               “Trẫm trước gặp lúc loạn ly, nương mình ở Lam Sơn, vốn cũng mong giữ toàn được tính mệnh mà thôi! Ban đầu cũng không có lòng muốn lấy thiên hạ.”

                                               (Nguyễn Trải, Lam Sơn Thực Lục)

 

                  3.2.b.- Những cảnh gian nan (1418 – 1420 ):

 

                             Do đó, chính nghĩa cứu nước, cứu dân chưa được sáng tỏ trong PTKNLS thì làm sao được sự hưởng ứng của toàn thể nhân dân ta được.

                             Bởi thế nên Lê Lợi đã gặp nhiều khó khăn trong công cuộc chống lại giặc Minh vào những năm đầu tiên:

                                      “Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần,

                                        Khi khôi huyện quân không một đội”.

 

                              Như năm 1419, Lê Lợi bị vây ở núi Chí Linh rất nguy cấp: quân thua, lương hết. May nhờ có một người trong dòng họ là Lê Lai đã liều chết mặc áo mão của Lê Lợi, rồi xung ra trận đánh giáp chiến với giặc Minh. Giặc Minh tưởng lầm là Lê Lợi nên đã vây đánh và bắt giết đi, nhờ vậy mà Lê Lợi thoát chết.

 

                     3.2.c.- Kiên gan trì chí (1420 – 1424):

 

                                Sau trận đại bại ở núi Chí Linh, Lê Lợi may mắn được Nguyễn Trải và Trần Nguyên Hãn tìm đến và hợp tác dưới ngọn cờ Lam Sơn. Có nhân tài hào kiệt lần lần ra giúp sức Lê Lợi được động viên tinh thần nên đã cùng toàn thể nghĩa quân kiên gan trì chí chiến đấu để vượt mọi gian khổ trong cuộc kháng chiến trường kỳ để giành độclập cho quê hương, theo lời dạy của ông bà ta ngày xưa: “Sóng cả quyết không ngã tay chèo”. ( Tục ngữ)

                               Bởi thế nên, nghĩa quân Lam Sơn bất chấp gian khổ, bất chấp hiểm nguy, bởi vì càng gian khổ thì chiến thắng càng vinh quang:

 

                                      “Có lẽ trời muốn trao cho gánh nặng,

                                        Bắt trải qua bách chiết thiên ma,

                                        Cho nên ta cố gắng gan bền,

                                         Chấp hết cả nhất sinh thập tử”.

 

                       

 

                        3.3.- Chính nghĩa sáng tỏ dần dần :

 

                                  Qua sự hy sinh của nghĩa quân Lam Sơn và qua cuộc vận động dư luận quần chúng của Nguyễn Trải bằng chiến lược “tâm công” chính nghĩa cứu nước , cứu dân của PTKNLS được soi sáng: từ động lực lúc ban đầu của PTKNLS  là bảo vệ tài sản cho Lê Lợi bây giờ động lực được Nguyễn Trải lý tưởng hoá và chuyển lên một khuynh hướng tốt đẹp và cao cả hơn là bảo vệ tổ quốc , bảo vệ đất nước. Do đó, nhân dân khắp nơi trong nước đã kéo về quy tụ dưới ngọn cờ khởi nghĩa Lam Sơn. Lực lượng khởi nghĩa Lam Sơn đã chuyển yếu thành mạnh, và dĩ nhiên bấy giờ thì tương quan giữa lực lượng Lam Sơn với lực lượng thực dân nhà Minh đã đổi chiều, thay hướng: quân ta từ yếu chuyển sang mạnh, từ thế thủ chuyển sang thế công, từ bại chuyển thành thắng. Toàn quân, toàn dân đồng một lòng diệt quân thù, diệt giặc xâm lăng:

                                         “Mở tiệc quân chén rượu ngọt ngào,

                                           Khắp tướng sĩ một lòng phụ tử”.

 

                                      Toàn dân, toàn quân đều một lòng, một dạ trung thành với tổ quốc, trung thành với dân tộc:

                                             “Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn,

                                         Tào khê nước chảy hãy còn trơ trơ”

                                                               ( Ca  dao)   

                          

 

                     “Ôi dạ thuỷ chung của người Việt: chỉ với lòng tin tưởng đó, chúng ta mới cứu được nước khỏi hoạ diệt vong qua bao cuộc xâm lăng, qua bao phản bội lịch sử”.

                                    (Doãn Quốc Sỹ, Người Việt Đáng Yêu, Saigon: Sáng Tạo, 1965).

 

 

                    3.4.- Những chiến thắng liên tiếp (1424-1428): thành quả của “chiến lược tâm công” và của lực lượng nghĩa quân hùng mạnh :

 

                              Kể từ khi Nguyễn Trải đem dâng quyển Bình Ngô Sách cho Lê Lợi, và  Lê Lợi đã chấp nhận sách lược bình Ngô ấy rồi thu dụng Nguyễn Trải vào PTKNLS. Suốt trong thời gian kháng chiến chống quân Minh, Nguyễn Trải đã giữ vai trò của một mưu sĩ, một cố vấn tối cao, một tham mưu trưởng, ông đã lấy “Bình Ngô Sách” làm cẩm nang binh pháp và đem ra áp dụng trong công cuộc kháng chiến Lam Sơn để cứu nước. Trong “Bình Ngô Sách”, Nguyễn Trãi đã có một quan niệm căn bản là “trước hết phải đánh vào lòng người rồi sau mới đánh vào thành quách của địch”. “Đánh vào lòng người” tức là”tâm công”, đó là một chiến lược được ông rút tỉa từ kinh nghiệm từ bảy năm ông tham gia việc chính trị dưới đời nhà Hồ (1400 – 1407), và mấy tháng chống giặc Minh xâm lược dưới đời nhà Hồ.”Chiến lược tâm công” cũng được đúc kết từ những kinh nghiệm thất bại trong cuộc kháng chiến chống quân Minh Xâm lăng dưới thời nhà hậu Trần (1407 – 1413)và những kinh nghiệm thất bại của các cuộc khởi nghĩa tự phát lẻ tẻ để chống lại quân Minh xâm lăng:

                                          “Sách lược thao suy xét đã tinh,

                                          Ngẫm trước đến nay, lẽ hưng phế đắn đo càng kỹ”.

 

                        Chiến lược “ tâm công” là sự vận dụng tuyệt vời của Nguyễn Trải về yếu tố “nhơn hoà” trong binh pháp của Tôn Tử ở bên Trung Hoa:

                                “ Này cái đạo dụng binh, phải cốt “nhân hoà” làm gốc, thiên thời cùng địa lợi thì là phần giúp thêm”.

                          (Tôn Tử, Binh Pháp Tôn Tử, bản dịch tiếng Việt của Ngô Văn Triện, Hoa Kỳ: Đại Nam, 1982)

 

                        Chiến lược tâm công có một sức mạnh bằng cả trăm ngàn quân, và đã đem lại nhiều chiến thắng vẻ vang cho dân tộc ta vào thời bấy giờ:

                                       “Ta đây :

                                          Mưu phạt tâm công,

                                          Chẳng đánh mà người chịu khuất”.

 

                         Trong binh pháp Tôn Tử ở “Thiên Mưu Công” đã nhận xét như sau:

                                   “Không đánh mà làm khuất phục được quân của người, ấy là người giỏi ở trong những người giỏi”.

                              (Tôn Tử, sách đã dẩn)

 

  • Chiến lược tâm công  đã được Nguyễn Trải thực hiện cụ thể vào những chiến thuật sau đây:

 

  1. Đối với nhân dân ta ở trong nước :  

                  Nguyễn Trải đã  tạo một chính nghĩa sang ngời cho PTKNLS để giải phóng đất nước khỏi ách ngoại xâm. Từ trên chổ đứng đầy chính nghĩa cao cả này, Nguyễn Trải đã quy tụ, đã tập hợp được những anh hùng, hào kiệt, nhân tài và những chiến sĩ yêu nước. Nói chung, Nguyễn Trải đã động viên tinh thần yêu nước của toàn dân để tập hợp lại dưới ngọn cờ khởi nghĩa của Lê Lợi, và do đó ông đã tạo một sức mạnh vũ bảo cho lực lượng kháng chiến chống giặc Minh xâm lăng.

     

                  Nguyễn Trải đã rút một kinh nghiệm chính trị dưới thời nhà Hồ (1400- 1407) là nhân dân đều có lòng “hoài Trần”  nên nhà Hồ mất lòng dân, và lòng người chia rẽ nên dễ đi đến chỗ mất nước dưới sự xâm lăng của nhà Minh. Nguyễn Trải đã làm một công tác “dân vận”, tuyên truyền để tạo uy tín cho Lê Lợi, và nhờ đó mọi người dân sẽ hướng về Lê Lợi như là vị cứu tinh của dân tộc. Ông dùng mật ong viết vào lá cây bằng chữ Hán : “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trải vi thần”. (Lê Lợi là vua, Nguyễn Trải là bề tôi), rồi để kiến ăn mật chọt thủng lá cây và lộ ra những nét chữ vừa kể để kích thích lòng dân. Ngày xưa, ông bà ta thường tin vào các điềm lạ, nên Nguyễn Trải đã đạt được một dư luận tốt trong quần chúng trong việc tuyên truyền này.

                 

 

 Nguyễn Trải còn kêu gọi những “kẻ bán nước cầu vinh” hãy trở về với dân tộc, trở về với nghĩa quân Lam Sơn.

 1.      Đối với Tướng lãnh và Binh sĩ của giặc Minh Giặc Minh xâm lăng: 

Trong quyển “ Quân Trung Từ Mệnh Tập”, ta thấy Nguyễn Trải đã soạn thảo và gửi các văn thư ngoại giao gởi qua lại với các tướng lãnh của giặc Minh xâm lăng như Liễu Thăng, Mộc Thanh, Vương Thông. Lời lẻ của mỗi bức thư đều được Nguyễn Trải linh động thay đổi tuỳ theo cá tính, tư tưởng của từng tên tướng lãnh của giặc Minh. Tựu trung thì nội dung của các bức thư mà Nguyễn Trải đã soạn ấy đều chứa đựng một việc tuyên truyền cho tướng lãnh và quân sĩ của giặc Minh xâm lược thấy rõ cái “phi lý”, cái “phi nghĩa” của việc đi xâm lăng của chúng, điều này trái cái đạo lý của Nho gia ở bên Trung Hoa; Nguyễn Trải cũng dẩn chứng lịch sử oai hùng của dân tộc ta để nhắn nhủ rằng bọn chúng chắc chắn sẽ bị thảm bại. Đặc biệt hơn cả là Nguyễn Trải đã làm “tỉnh thức”, đã làm “giác ngộ” một tướng lãnh nhà Minh là Thái Phúc khi Nguyễn Trải giải thích về cái “đạo lý nhân nghĩa” của Khổng Mạnh. Bởi thế nên, Thái Phúc chẳng những không chống lại lực lượng khởi nghĩa Lam Sơn mà còn lại đi vận động với các tướng lãnh nhà Minh khác nên đem quân trở về Trung Hoa, Thái Phúc đã đứng về phía chính nghĩa của nhân dân Đại Việt. Khi Thái Phúc đem quân về Trung Hoa thì ông bị vua Minh bắt xử tử.

                Với “chiến lược tâm công”, Nguyễn Trải đã trở thành một chiến lược gia và đã là linh hồn cho PTKNLS . Dân tộc ta vào thời bấy giờ quả đã có nhiều may mắn nhờ vào tài ba của Nguyễn Trải mà thoát được giặc ngoại xâm nhà Minh.

                 Nguyễn Trải đã tạo một thế mạnh cho lực lượng khởi nghĩ Lam Sơn nữa:

            “Gươm mài đá, đá núi cũng mòn,

                                      Voi uống nước, nước sông phải cạn.” 

 

                Nghĩa quân Lam Sơn và toàn dân ta vào lúc bấy giờ muôn lòng như một, thề quyết không đội trời chung với giặc Minh xâm lăng. Quân ta đã chuyển từ thế thủ sang thế công và đạt từ chiến thắng này đến chiến thắng khác để cuối cùng đại thắng quân Minh xâm lăng. Rồi những chiến thắng lẫy lừng liên tiếp đã đem về thắng lợi cho dân tộc, đã tạo thành những bản “hùng ca dân tộc”, và đã làm cho nhân dân ta vào thời bấy giờ vô cùng phấn khởi, vô cùng sung sướng.

 

 

       3.4.a.- Giai đoạn trước : Từ Chí Linh ra Đông Đô:

 

                   Những chiến thắng ở các trận Bồ Đằng, Ninh Kiều, Tuy Động đã đưa đến kết quả là Vương Thông phải xin hòa với ta:

   “Trận Bồ Đằng sấm vang sét dậy,

     Miền Trà Lân trúc phá tro bay,

   ……………………………………

………………………………………

Trần Trí, Sơn Thọ mất vía chạy tan.

Phương Chính,Quý An tìm đường trốn tránh.

Đánh Tây Kinh phá tan thế giặc,

Lấy Đông Đô thu lại cõi xưa,

Dưới Ninh Kiều máu chảy thành sông,

Bến Tụy Động xác ngoài nội.

Trần Hiệp đã thiệt mạng,

Lý Lương lại phơi thây.

Vương Thông hết cấp lo lường,

Mã Anh không đường cứu đỡ.

Nó đã trí cùng, lực kiệt, bó tay không biết tính sao?

 

3.4.b.- Giai đoạn sau: Ta phá tan viện binh và vây hãm Đông Đô:

 

                    Càng chiến thắng tinh thần nghĩa quân Lam Sơn càng lên cao, tướng lãnh và quân sĩ giặc Minh Xâm lăng càng suy giảm tinh thần.

                     Nghĩa quân Lam Sơn đã chiến thắng dồn dập ở các trận Chi Lăng, Mã Yên. Quân ta đã thắng và diệt giặc ngọai xâm với “thế chẻ tre” kể từ tháng 9 năm Đinh Mùi (1427). Nghĩa quân ngăn chận và phá tan viện binh của giặc Minh kéo từ mẫu quốc kéo sang:

 

“Năm Đinh Mùi tháng Chín,

Liễu Thăng từ Khâu Ôn tiến sang,

Mộc Thanh từ Vân Nam kéo đến,

Ta đã điều binh thủ hiểm, để ngăn lối Bắc quân.

Ta lại sai tướng chẹn lui, để tuyệt đường lương đạo.

Mười tám, Liễu Thăng thua ở Chi Lăng,

Hai mươi, Liễu Thăng chết ở Mã Yên,

Hai mươi lăm, Lương Minh trận vong,

Hai mươi tám, Lý Khánh tự vẩn”.

                      

                           Một mặt nghĩa quân Lam Sơn vây thành Đông Đô và hẹn đến ngày rằm năm Đinh Mùi (1407) thì sẽ tấn công chiếm thành:

                                  “Lại thêm quân bốn mặt vây thành,

                                    Hẹn đến rằm tháng mười diệt tặc”.

 

 

                            Trận Xương Giang là trận đánh lớn cuối cùng vào tháng mười năm Đinh Mùi (1427) đã đem lại đại thắng cho ta :

                              “Đánh một trận sạch không kình ngạc,

Đánh hai trận tan tác chim muông,

Cơn gió to trút sạch lá khô,

Tổ kiến hổng sụt toang đê cũ.

Thôi Tụ phải quỳ mà xin lỗi,

Hoàng Phúc tự trói để hàng.

Lang Giang, Lạng Sơn thây chất đầy đồng,

Xương Giang, Bình Than máu trôi đỏ nước.

Ghê gớm thay! Sắc phong vân phải đổi,

Thảm đạm thay! Sáng nhật nguyệt phải mờ”.    

 

                      Giặc Minh xâm lược thua to:  một số tướng lãnh của giặc thì “ rút lui chiến lượt” bỏ chạy về mẫu quốc, một số khác thì xin đầu hàng:

 “Binh Vân Nam nghẻn ở Lê Hoa, sợ mà mất mật.

                                           Quân Mộc Thanh tan chưng Cầu Trạm, chạy để thoát thân.

Suối máu Lãnh Câu, nước sông rền rỉ ,

Thành xương Dan Xá, cỏ nội đầm đìa.

Hai mặt cứu tinh, cắm đầu trốn chạy,

Các thành cùng khấu, cởi giáp xuống đầu”.

 

    Cuối cùng thì nghĩa quân Lam Sơn đã đuổi giặc Minh xâm lăng ra khỏi nước ta vào đầu năm 1428. Toàn dân đương thời quả đã say sưa với những chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn ở từng trận chiến một, và từng vinh quang một đã đem đến cho dân tộc sau mỗi chiến thắng. Quả thật tinh thần bất khuất của dân tộcta, một lần nữa đã được chứng minh trong cuộc khởi nghĩa chống lại quân Minh xâm lăng.

 

     3.5. Thái độ khoan hồng đối với bốn tướng nhà Minh bại trận, đó là tính hiếu hòa của nghĩa quân Lam Sơn:

 

      Sau khi giặc Minh xâm lăng đã cam kết triệt thoái về Trung Hoa, các nhà lãnh đạo nghĩa quân Lam Sơn đã cung cấp phương tiện di chuyển cho chúng rút quân về Trung Hoa bằng đường thuỷ và đường bộ. Ta còn mở lượng khoan hồng đối với bọn tướng lãnh nhà Minh bại trận là không trả thù, không bắt giết hay bắt lưu dày chúng như những ngày đầu chúng đã đem quân sang xâm lược nước ta dưới đời nhà Hồ: Chúng bắt lưu đày Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương, Nguyễn Phi Khanh- thân phụ của Nguyễn Trải- và nhiều vị quan cao cấp khác. Đó là do đức hiếu sinh của cấp lãnh đạo nghĩa quân Lam Sơn. Đức hiếu sinh là lòng tôn trọng và bảo vệ sự sống của muôn loài:

“Bắt tướng giặc mang về, nó đã vẫy đuôi phục tội.

Thể lòng trời đất bất sát, ta cũng mở đường hiếu sinh.

Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiến thuyền,

Ra đến bể chưa thôi trống ngực.

Vương Thông, Mã Anh phát cho vài nghìn cổ ngựa,

Về đến Tàu còn đổ bồ hôi”.

 

    Lòng khoan hồng này còn có một ý nghĩa chính trị trong chính sách ngoại giao của Nguyễn Trải là ông muốn giữ thể diện cho giặc Minh xâm lăng vốn là một cường quốc so với nước ta. Lòng khoan hồng này đã ăn sâu vào tiềm thức dân tộc ta thời xa xưa, trước thời Nguyễn Trải nữa như: vua Lý Thái Tông (1028-1054) đã tha tội chết cho Nùng Trí Cao, vua Lý Thánh Tông (1054-1072)đã không giết vua Chiêm Thành là Chế củ. Vua Trần Nhân Tông (1279-1298) đã tha tội cho những người Việt gian tà đã cộng tác với giặc Mông Cổ.

      Ngoài ra, các nhà lãnh đạo lực lượng nghĩa quân Lam Sơn cũng đã tỏ ra có tinh thần hiếu hoà rất đáng ca ngợi. Mặc dầu, lực lượng nghĩa quân đã hùng mạnh và thiện chiến như vậy, nhưng cấp lãnh đạo - Nguyễn Trải, Lê Lợi – đã không hiếu chiến mà muốn chấm dứt chiến tranh với giặc ngoại xâm nhà Minh để bảo vệ lực lượng của mình và để cho toàn quân, toàn dân nghỉ ngơi sau 20 năm dài chinh chiến:

                                              “Nó đã sợ chết cầu hòa, mở lòng thu phục,

                                                Ta muốn toàn quân làm cốt, cả nước nghỉ ngơi”.

 

      Những nhà lãnh đạo Việt Nam nào mà đi ngược lại với truyền thống khoan hồng và hiếu hòa của cha ông chúng ta trong mấy ngàn năm lịch sử của dân tộc thì chắc chắn họ sẽ bị lịch sử dân tộc ta phê phán gắt gao vậy.

 

    4.- Hướng về phía trước : nhìn vào tương lai huy hoàng của đất nước ta.

 

 

           Trong hai mươi năm kháng chiến chống giặc xâm lăng bạo tàn, có biết bao nhiêu người con yêu nước đã ngã gục và nằm trong lòng đất mẹ. Đất nước được giữ vững nền độc lập, nhân dân được tự do:

 “Giang sơn từ đây mở mặt,

Xã tắc từ đây vững bền.

Nhật nguyệt hối mà lại minh.

Kiền khôn bĩ mà lại thái,

Nền vạn thế xây nên chăn chắn,

Thẹn nghìn thu rửa sạch làu làu”.

 

         Nhưng mà “than ôi! chiến thắng nào của dân tộc ta mà không kèm theo sự tàn phá, sự hoang tàn, đổ nát còn để lại dấu vết trên quê hương ta. Độc lập, tự do nào mà không trả bằng một giá đắt, bằng biết bao sự hy sinh và gian khổ. Cảnh thái bình nào của đất nước mà không vấn vương những đau thương và u buồn cho dân tộc ta. Nguyễn Trải đã khuyên dân ta hãy lật một trang sử mới, hãy vui mừng phấn khởi để nhìn vào một ngày mai rực rở của đất nước mà hát “khúc khải hoàn âu ca”:

                                            “Phẳng lặng bốn bề thái vũ,

                                              mở hội vĩnh thanh”.

 

       Một nền thái bình thịnh trị mãi mãi như đời vua Nghiêu, đời vua Thuấn bên Trung Hoa là ước mơ ngàn năm của dân tộc ta. Và có lẽ Nguyễn Trải cũng đã hứa hẹn đem hoài bão “duy tân, cải cách” mà phụng sự cho dân tộc, cho tổ quốc sau ngày đại thắng giặc Minh xâm lăng.

 

 

* Về hình thức :

 

         BàiBình Ngô Đại Cáodo Nguyễn Trải biên soạn bằng chữ Hán theo thể văn tứ lục. Rất tiếc chúng tôi không có bản chính chữ Hán, nên tạm thời tìm hiểu hình thức của áng văn này qua bản dịch chữ Việt của cụ Bùi Kỷ, đây quả là một sự thiếu sót.

 

        Nguyễn Trải quả là một nhà thiên tài, vừa là một tay “văn chương đại bút”, vừa là một nhà chính trị đại tài biết thương dân, yêu nước một cách chân thành, lại vừa là chủ nhân và chứng nhân nóng hổi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống lại quân Minh xâm lăng. Trong thời gian kháng chiến, Nguyễn Trải đã sát cánh bên Lê Lợi để đem “khối óc” và “con tim” của ông để điều khiển tình hình chính trị và quân sự của lực lượng nghĩa quân Lam Sơn. Nguyễn Trải đã gắn liền con người mình với dòng sinh mệnh của cuộc kháng chiến Lam Sơn của dân tộc. Đến khi dân tộc vừa đại thắng quân Minh xâm lăng thì ông được ủy thác biên soạn”Bình Ngô Đại Cáo” nên ông đã đem tất cả sự rung động của tâm hồn mình trước cảnh đại thắng quân thù vào áng văn bất hủ này. Do đó, Nguyễn Trải đã soạn bài BNĐC vừa sắc sảo, chính xác và đanh thép trong lời văn chính luận (nghị luận chính trị), lời và ý dạt dào một tấm lòng yêu nước, thương dân tộc, một tấm lòng bất khuất, sẳn sàng hy sinh cho sự độc lập, tự do và trường tồn cũng như lòng tự hào của dân tộc được vươn lên cao:

               - Như khi gợi lại lịch sử oai hùng của dân tộc thì: “Lưu Cung sợ uy mất viá”, “Triệu Tiết nghe tiếng giật mình”.

                - Như gây nỗi xúc động  của dân ta trước tội ác của giặc Minh thì: “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn”, “Bại nhân nghĩa nát cả càn khôn, nặng khóa liễm vét không sơn trạch”, “Nheo nhóc thay! Quan, quả, điên liên”.

                - Như nói lên ý chí sắt đá, lòng kiên gan trì chí của cấp lãnh đạo và nghĩa quân Lam Sơn thì: “Thề sống chết cùng quân nghịch tặc”, “nếm mật nằm gai”, “bách chiết thiên ma”, “nhất sinh thập tử”.

                 - Như nêu lên chính nghĩa sáng ngời của cuộc kháng chiến Lam Sơn thì: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo”.

                 - Như nói cảnh bi hùng trong chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn thì: “Lạng Giang, Lạng Sơn thây chất đầy đường”, “Xương Giang, Bình Than máu trội đỏ sông”.

                 - Như khi mạt sát, nhục mạ giặc Minh xâm lăng thì: “Trần Trí, Sơn Thọ mất vía chạy tan”, “Nó đã trí cùng lực kiệt, bó tay không biết tính sao”, “Đứa trẻ ranh như Tuyên Đức (vua nhà Minh), “đồ nhút nhát như Thạnh Thăng”.

                 - Như khi biểu dương sức mạnh của lực lượng kháng chiến Lam Sơn thì: “Gươm mài đá, đá núi cũng mòn, voi uống nước, nước sông phải cạn”, “đánh một trận sạch không kình ngạc, đánh hai trận tan tác chim muông”.

                 - Như khi diễn tả niềm tự hào của dân tộc được vươn lên cao một cách ngạo nghễ trước cảnh cuốn cờ triệt thoái của tàn quân địch: “Ra đến bể chưa thôi trống ngực”, “Về đến Tàu còn đổ bồ hôi”.

                 - Như khi diễn tả sự sung sướng lúc độc lập được thu hồi thì: “Giang san từ đây nở mặt”.

                 - Như khi nhìn vào ngày mai rực rở của đất nước thì: “bốn bề thái vũ, mở hội vĩnh thanh”.

 

*Kết luận :

 

                 Từng chữ, từng chữ một của bài “Bình Ngô Đại Cáo”, bản tuyên ngôn độc lập của nước Đại Việt ( quốc hiệu nước ta dưới thời Lê Lợi), đã được viết bằng máu và nước mắt không những của chính Nguyễn Trải, của Lê Lợi, của Lê Lai, của nghĩa quân Lam Sơn mà còn bằng máu và nước mắt của toàn dân ta ròng rã trong hai mươi năm trời bị giặc Minh chiếm đóng.

 

                 Ngày xưa - đầu năm 1428 – nhân dân ta từ kinh đô đến xã thôn hẻo lánh đã đọc “Bình Ngô Đại Cáo” với một tấm lòng vô cùng vui mừng, vô cùng phấn khởi. Mọi người dân đều cùng với nghĩa quân Lam Sơn hát khúc khải hoàn, mừng đại thắng. Ai ai cũng vui mừng trong cảnh nước nhà vừa mới thu hồi độc lập, tự do. Mọi người đếu ước mơ một tương lai rực rở cho dân tộc ta trong cảnh thái bình mà ai ai cũng đều được ấm no, hạnh phúc.

 

                Ngày nay, đọc lại “ Bình Ngô Đại Cáo” , chúng ta cảm thấy tấm lòng yêu nước, thương dân được hâm nóng lại trong lòng chúng ta, và được đưa lên cao để bay vút về tận quê hương đất tổ xa vời vợi. Chúng ta cảm thấy trong lòng một sự sôi sục căm hờn tội ác của giặc Minh xâm lăng. Chúng ta cảm phục ý chí sắt đá và tấm lòng kiên gan bền chí của nghĩa quân Lam Sơn. Chúng ta cảm thấy một niềm tự hào về lịch sử oai hùng của dân tộc ta. Cuối cùng, ý chí phấn đấu cho quê hương của chúng ta được kích thích mạnh mẽ trong ước mơ một này mai huy hoàng của đất nước.

 

                                       Viết xong tại Toronto, 15 tháng 4 năm 1985

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/11/2015(Xem: 10595)
Chúng ta cần có một động cơ thích đáng cho việc lắng nghe giáo huấn; bằng khác đi chúng ta sẽ mất một cơ hội để xây dựng một năng lực tích cực lớn là phước đức và hòa nhập giáo huấn này vào trong sự tương tục tinh thần của chúng ta.
28/11/2015(Xem: 9798)
Đoạn video về cuộc trò chuyện cảm động giữa cha con người Pháp gốc Việt về vụ khủng bố Paris, trong đó ít nhất 128 người chết, đang lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội. Trong cuộc phỏng vấn của chương trình Le Petit Journal, đài Canal+, phóng viên hỏi bé trai Brandon liệu bé có hiểu lý do những kẻ cực đoan giết người ở Paris tối ngày 13/11 hay không. Brandon, người đang thăm một khu vực tưởng niệm bên ngoài nhà hát Bataclan cùng cha, trả lời: "Có ạ, vì họ rất rất xấu xa". "Và chúng ta phải rất cẩn thận vì chúng ta phải dọn nhà đi nơi khác". Chính lúc này, người cha Angel Le tham gia vào cuộc trò chuyện cảm động về cuộc tấn công. Ông đảm bảo với con trai rằng họ sẽ không rời bỏ Paris vì "nước Pháp là nhà mình".
28/11/2015(Xem: 9889)
Trong kinh Pháp Cú có câu "Sabba danam dhammadanam jinati" có nghĩa là "Hiến dâng Đạo Pháp - hay Sự Thật - vượt hơn tất cả các hiến dâng khác", thế nhưng sự hiến dâng đó quả khó thực hiện bởi vì cần có một chút vốn liếng nào đó để có thể hiến dâng. Tuy nhiên dường như mỗi người trong tất cả chúng ta đều sẵn có một thứ vốn liếng mang tính cách bẩm sinh, đấy là tình thương yêu trong trái tim mình. Tình thương đó đôi khi cũng không quá mơ hồ và trừu tượng mà có thể hiện ra rất cụ thể qua nếp sống và cung cách hành xử của chính mình, đấy là quyết tâm mang lại sự "an toàn" và "không sợ hãi" cho tất cả chúng sinh, kể cả những côn trùng nhỏ bé. Việc bố thí sự "không sợ hãi" và hiến dâng sự "an toàn" cho tất cả chúng sinh thật hết sức đơn giản: chỉ cần tuân thủ giới luật "không sát sinh", và đấy cũng là giới luật quan trọng nhất trong Phật giáo. Dưới đây là một bài viết của Hòa Thượng Parawahera Chandaratana về ý nghĩa của sự bố thí trong Phật giáo Theravada. Ông là một nhà sư
24/11/2015(Xem: 12702)
Sự đáo vô tâm giai khả lạc Nhân đáo vô cầu phẩm tự cao Chẳng bận tâm thì lòng an vui Người vô cầu là bậc cao thượng.
24/11/2015(Xem: 7213)
Xứ Ấn giữa tháng 11 đã bắt đầu se lạnh. Nhờ sự trợ duyên từ thiện của quý vị Phật tử thiện hữu, sáng hôm qua (Nov 13 -2015) chúng tôi vừa đến thăm và '' đắp mền '' cho một ngôi làng, nghèo cách Bồ Đề Đạo Tràng chừng 7 cây số. Xin gửi về một vài hình ảnh tường trình thay cho lời tri ân cùng quí vị ân nhân. Buổi phát quà được bảo trợ bởi những Tấm Lòng :
23/11/2015(Xem: 6559)
1, Có bố thí thanh tịnh từ người cho, không thanh tịnh từ người nhận; 2, Có bố thí thanh tịnh từ người nhận, không thanh tịnh từ người cho; 3, Có bố thí không thanh tịnh từ người cho cũng không thanh tịnh từ người nhận; 4,Có bố thí thanh tịnh từ người cho cũng thanh tịnh từ người nhận.
22/11/2015(Xem: 11570)
Thiền tập .b ở trường Trung học Phật giáo Pal, Sydney The Mindfulness in Schools được biết đến rộng rãi trên thế giới có tên gọi .b (dot bee), và theo khảo nghiệm của đại học Cambridge và Oxford thì .b mang đến những tác động tích cực cho các em học sinh luyện tập đúng cách. Trinh Nguyễn tìm hiểu chương trình này trong cuộc phỏng vấn với Giáo viên hướng dẫn Bodhidasa Caldwell của trường Pal, và phiên dịch viên Thu Vân. Muốn tìm hiểu thêm về hoạt động 'Mindfulness in Schools', chương trình 'Teach 4 Peace', và buổi dạ tiệc gây quỹ 'Little Buddha', liên lạc với trường Trung học Phật giáo Pal Phone: +612 9755 7778 Email: [email protected] Web: http://pal.nsw.edu.au/
22/11/2015(Xem: 7726)
Khuôn mặt của anh Hardison đã bị hủy hoại kinh hoàng, sau một lần tham gia thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, Daily Mail đưa tin. Kể về “ngày định mệnh” cách đây hơn 10 năm, anh cho biết: “Đó chỉ là một ngày bình thường, cũng giống như những đám cháy khác". "Chúng tôi đi vào bên trong để tìm kiếm một phụ nữ đang mắc kẹt”. Hardison bước vào căn nhà cùng với 3 đồng nghiệp khác. Thảm kịch xảy ra khi trần nhà sụp xuống đúng chỗ anh đang đứng. “Mặt nạ đã tan chảy vào khuôn mặt tôi”, anh Hardison kể lại.
22/11/2015(Xem: 7857)
Quân khủng bố IS đặt bom nổ ở Paris, đã giết hại hơn hai trăm người dân vô tội vào ngày thứ sáu 13.11.15. Quân khủng bố IS đã đánh bom nổ tung chiếc máy bay A321 từ Ai Cập đi Nga hôm 31.10.15 khiến 224 hành khách thiệt mạng. Trong năm nay cũng đã hàng loạt những hành động giết người dã man hay phá loại vô lương tâm của IS ở Ankara Thổ Nhĩ Kỳ (10.10), ở Kuwait (26.2), ở Aousse Tenisia (26.6), ở Saudi Arabien, Ai Cập, Yemen, Tunis, ở Mali v.v… Quân khủng bố IS còn đe dọa ở sân banh Hannover Đức quốc, làm trận cầu quốc tế hữu nghị Đức và Hòa Lan hôm thứ ba 17.11.15 phải hủy bỏ. Quân khủng bố đang IS đe dọa liên tục tinh thần người dân Âu châu trong mùa Vọng Giáng Sinh năm nay. Cả với cá nhân tôi, người ít khi đi hội chợ Giáng sinh cũng không đi xem đá banh ở sân vận động nhưng vẫn cứ thấy lòng bất an.
21/11/2015(Xem: 10623)
Ngày 16.11.2015, sau cuộc khủng bố đẫm máu ở Paris, phóng viên Murali Krishnan của „Làn Sóng Đức Quốc - Deutsche Welle“ đã có cuộc phỏng vấn Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Ấn Độ. Tổ chức Deutsche Welle là một cơ quan truyền thông lớn của nước Đức, thành lập từ năn 1924, phát thanh và hình hơn 30 ngôn ngữ trên toàn thế giới, là thành viên của Đài Truyền Hình ARD. Xin trích dịch toàn bài phỏng vấn từ tiếng Đức từ trang Web của Deutsche Welle.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]