Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Duyên Khởi Ngoại Giới Duyên Khởi Nội Tâm

18/12/201509:11(Xem: 8536)
Duyên Khởi Ngoại Giới Duyên Khởi Nội Tâm

Minh Đức Triều Tâm Ảnh
(Sīlaguṇa-Mahāthera)

NHẶT LÁ RỪNG XƯA
Tủ sách Huyền Không Sơn Thượng

(Phật lịch 2558 – 2015)

Duyên Khởi Ngoại Giới Duyên Khởi Nội Tâm

 

Lời thưa: Sau bài viết “Những Câu Hỏi Tế Vi”, tôi nhận được khá nhiều câu hỏi từ trong email của tôi cũng như những comment của các bạn Lý Học Phật, Lưu-tâm-Lực, Jan nguyễn, hưng trần... liên hệ đến đề tài. Nhận thấy nội hàm vấn đề không thể chỉ trả lời năm bảy dòng là xong, nên tôi kính nhờ BBT/TVHS cho chuyển tải bài viết này, xem như trả lời chung chứ không phải riêng cho một câu hỏi nào. Tôi chỉ nói cái gốc của vấn đề chứ không bàn đến cành, nhánh của vấn đề. Và tôi cũng không dám chắc đáp ứng được những thắc mắc của chư vị - nhất là kiến giải “bác lãm” của bạn Lý Học Phật mà tôi “thường không lãnh hội nổi”. Đây chỉ là sự chia sẻ của một người học Phật luôn cảm thấy mình còn phải học mãi, học hoài do sở học chỉ mong như là một hạt bụi được dính chân gót chân của các bậc xuất trần thượng sĩ! Trân kính.

I- Duyên khởi ngoại giới.

Sáng nay, ngồi uống trà trong sương sớm. Cầm chung trà nóng trong lòng bàn tay, nghe hơi ấm len nhẹ rồi lan toả cả toàn thân. Tôi thấy hơi và hương trà bốc lên rất mỏng, rất mảnh, rất tế, khó nhận biết. Nhưng mà tôi thấy biết rất rõ ràng cái khí, cái hương ấy. Rồi tôi chợt nghĩ: “Cái khí cái hương nhẹ, mỏng, tế vi ấy đang hiện hữu, đang cùng với tôi, cùng với vũ trụ đang là, đang mới mẻ, tinh khôi trong phút giây này. Tôi cảm ơn trời đất, nhật nguyệt, sum la vạn tượng... đã cùng hiện hữu, cùng có mặt với tôi trong dòng sống, trong sự sống muôn đời đang chảy trôi không gián đoạn, không đứt khúc! Ôi! Sự mầu nhiệm của thực tại đang là cùng chung với vạn hữu khi nhận thức của tôi có mặt!”

Tại sao tôi lại nói vậy? Những sát-na tôi cảm nhận hơi khí và hương trà là những sát-na vĩnh cửu, không lặp lại hai lần. Vả giả dụ không có hơi khí, hương trà sáng nay thì sẽ không có sơn hà đại địa, không có nhật nguyệt trăng sao, và không có cả quả đất, không có cả nhân loại 7 tỷ người!

Khi có hơi khí, hương trà và sự cảm nhận của tôi thì toàn bộ pháp giới đều có mặt. Có hơi khí, có hương trà thì nước pha trà, trà, chung trà có mặt. Nước là nước tại HKST qua công trình thợ thầy khoan giếng, xây bể chứa, những cái máy bơm nước; lửa đun trà lấy từ nguồn lưới điện quốc gia với công trình hạ thế đi qua mấy cây số đường rừng; trà thì ở cao nguyên Bắc Lạng có người trồng, thu hái, chế biến; chung trà bằng gốm đất nung thuộc một lò sản xuất, do một nhóm thợ thủ công nào đó. Đưa đôi mắt toàn cục ta thấy cả sự hiện hữu cả nhân, vật, thế gian, thế giới khi truy nguyên liên hệ thợ thầy, xuất xứ thiết bị, máy móc, thời gian, công phu, sự đóng góp không biết bao nhiêu nhân và duyên nữa trong suốt quá trình vận hành ấy. Vậy, có hơi khí, hương trà và tôi cảm nhận thì chúng đồng hiện hữu cả vạn pháp tương quan.

Trên bàn viết của tôi có một hạt bụi. Hạt bụi có mặt thế là vũ trụ hiện hữu. Tại sao vậy. Nếu hạt bụi không có thì ngôi nhà này không có, đất đá nơi ngọn núi này cũng không có. Thế là không có cả tỷ năm trước, đất đá này được phun trào từ một miệng núi lửa nào đó. Từ đây ta có công thức duyên khởi:

“Hạt bụi có thì vũ trụ có

Hạt bụi không thì vũ trụ không”.

Ta có thể chuyển rộng nghĩa sang Pāḷi công thức ấy:

“Rajasmiṃ sati sakalalokadhātu hoti

Rajass’ uppādā sakalalokadhātu uppajjati

Rajasmiṃ asati sakalalokadhātu na hoti

Rajassa nirodhā sakalalokadhātu nirujjhati”.

Raja (m) là bụi; sakala-lokadhātu (f) là vũ trụ nên ta có thể dịch:

“Khi hạt bụi hiện hữu, vũ trụ hiện hữu; do sự sinh khởi của hạt bụi, vũ trụ sinh khởi. Khi hạt bụi biến mất, vũ trụ biến mất; do sự biến mất của hạt bụi, vũ trụ biến mất”.

Vậy thì bất cứ cái gì xẩy ra, hiện hữu, tồn tại – nhìn thì tưởng như hỗn loạn nhưng chúng nằm trong một luật tắc vô cùng nghiêm minh và chặt chẽ, trong một tương quan tương duyên trùng trùng, tương tác, tương thành. Ai đã từng biết qua bài nói chuyện của Edward Norton Lorenz trước Hiệp hội phát triển khoa học Hoa Kỳ (American Association for the Advancement of Science) có tựa đề Predictability: Does the Flap of a Butterfly's Wings in Brazil Set off a Tornado in Texas? (Tính dự đoán được: Liệu con bướm đập cánh ở Brasil có thể gây ra cơn lốc ở Texas?) thì sẽ hiểu sự trùng trùng duyên khởi tương tác của vạn hữu trong “hiệu ứng của cánh bướm” này! (Xem Wikipedia).

Tồn tại của vạn pháp là tồn tại tương quan, không có tương quan, tương duyên, tương sinh thì không có cái gì được gọi là tồn tại. Vậy có cái gì bị diệt mất không? Cũng không có cái gì bị diệt mất cả. Định luật bảo toàn năng lượng là một nguyên lý tổng quát cho tất cả các lý thuyết vật lý (cơ học, điện từ học, vật lý hạt nhân...). Theo đó, trong toàn vũ trụ tổng năng lượng không đổi, nó chỉ có thể chuyển từ hệ này sang hệ khác. Người ta không thể “tạo ra” năng lượng, người ta chỉ “chuyển dạng” năng lượng mà thôi. Năng lượng không tự sinh ra cũng không tự mất đi mà chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác hay chuyền từ vật này sang vật khác (Xem Wikipedia).

Tất cả những duyên khởi này, duyên khởi ngoại giới, là cả vũ trụ, nhật nguyệt, sum la vạn tượng – chúng muôn đời vô thường, vô ngã; và vì là luật tắc tự nhiên của vạn hữu nên chúng không có khổ (dukkha).

II- Duyên khởi nội tâm.

Chính duyên khởi nội tâm này, do cảm giác, tri giác và nhận thức chủ quan chế biến, xen dự vào tiến trình sinh khởi nên có đầy đủ vô thường, vô ngã và dukkha.

Ta sẽ tuần tự khảo sát.

“ Tác hữu trần sa hữu

Vi không nhất thiết không!”

Hai câu thơ của thiền sư Đạo Hạnh mới nghe qua ai cũng tưởng là nó diễn đạt duyên khởi ngoại giới như chúng ta vừa bàn ở trên.

Phan Kế Bính dịch rất thơ:

“- Có thì có tự mảy may,

Không thì cả thế gian này cũng không!

Đúng vậy chứ còn gì nữa. Nó y chang. Nhưng không, không phải vậy. Thiền sư Đạo Hạnh muốn nói đến lý duyên khởi nội tâm, nhưng do giới hạn của Việt dịch nên đã “biến trong thành ngoài” đó thôi!

Cụm từ quan trọng nhất là “tác hữu”; tác là tư tác (cetanā); vậy hai câu kệ ấy có nghĩa là: “Khởi niệm có thì hạt bụi, hạt cát li ti cũng có. Khởi niệm không thì cả thế gian này cũng không!”

Ta có thể chuyển ngữ nghĩa hai câu kệ ấy sang “công thức” Pāḷi:

“Khaṇasmiṃ sati loko hoti

Khaṇass’uppādā loko uppajjati

Khaṇasmiṃ asati loko na hoti

Khaṇassa nirodhā loko nirujjhati”.

Khaṇa (m) là sát-na hay một chập tư tưởng nên ta có thể dịch gần sát với nguyên văn:

“Khi một sát-na tư tưởng hiện hữu, thế giới hiện hữu; do sự sinh khởi của sát-na tư tưởng, thế giới sinh khởi. Khi sát-na tư tưởng biến mất, thế giới biến mất; do sự biến mất của sát-na tư tưởng, thế giới biến mất”.

Ý nghĩa của đoạn kệ này nó đúng ý cái câu mà những người cư sĩ thường nói qua cửa miệng: “Vạn pháp duy tâm tạo”. Nhưng khi nói “duy tâm tạo” thì có thể sinh hiểu lầm, phải nói đúng y như kinh Lời Vàng số 1, 2 mới được:

“Các pháp, tư tác dẫn đầu
Tư tác chủ ý bắc cầu đưa duyên
Nói, làm xấu ác, chẳng hiền
Bánh xe bò kéo, khổ liền theo sau”.
(Manopubbaṅgamā dhammā
manoseṭṭhā manomayā,
manasā ce paduṭṭhena
bhāsati vā karoti vā,
tato naṃ dukkhamanveti
cakkaṃ’vā vahato padaṃ).
“Các pháp, tư tác dẫn đầu
Tư tác, chủ ý bắc cầu đưa duyên
Nói, làm lành tốt, thiện hiền
Như hình dọi bóng, vui liền theo sau”.
(Manopubbaṅgamā dhammā
manoseṭṭhā manomayā,
manasā ce pasannena
bhāsati vā karoti vā,
tato naṃ sukhamanveti
chāyā’va anapāyinī).

Theo Abhidhamma thì ý (mano), thức (viññāṇa), tâm (citta)... đồng nghĩa; nhưng tôi chọn dịch là tư tác (cetanā) vì tư tác mới là nghiệp. Từ trước đến nay, nhiều nơi bảo tác ý (manasikāra) là nghiệp; không phải vậy, tác ý mới chỉ là hướng tâm, như bánh lái của chiếc thuyền. Trong 7 biến hành tâm sở (Duy Thức chỉ 5): Xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư, nhất tâm, mạng căn – thì chính tư (tư tác-cetanā) mới quan trọng, mới tạo nghiệp; sau đó, các lộ trình tâm mới khởi theo – chúng đồng khởi. Tuy nhiên, nếu dịch là tâm hay ý đều không sai, vì ý, tâm, tư tác - được coi là tâm và các pháp (dhammā), hai từ đầu trong câu kệ, chính là những tâm sở (theo chú giải).

Trích dẫn dài dòng như vậy để đi đến cái gốc của vấn đề đó là khởi niệm, khởi tư tưởng; nếu khởi niệm, khởi tư tưởng tốt (tâm vô tham, vô sân, vô si) thì những tâm sở đi theo sẽ tốt, là những thiện tâm sở; nếu khởi niệm, khởi tư tưởng xấu (tâm có tham, sân, si) thì những tâm sở đi theo sẽ xấu, là những bất thiện tâm sở.

Từ cái bản căn ấy, trong đời sống thường nhật, chúng ta đôi khi có một khởi niệm, đi kèm một quyết định tâm để tạo cho mình một hướng đi, tạo một ngã rẽ mới có liên hệ với ba-la-mật – thì cái này mới thật là trùng trùng duyên khởi, ảnh hưởng rất lớn đến thế gian, thế giới. Tôi sẽ có ví dụ thực:

Năm 1973, khi đại sư huynh của tôi, thiền sư Viên Minh, lúc ấy đang ở chùa Phật Bảo, Phú Thọ Hoà, ngài khởi tâm về đèo Hải Vân, Lăng Cô lập chùa. Ban đầu chỉ là những mái lá giản dị, sau trở thành một danh lam. Chính ngôi chùa này đã hấp dẫn tôi, nên năm 1974 tôi cũng bỏ Sài Gòn về xin tu học ở đây. Thế rồi bao nhiêu biến động, trùng trùng duyên khởi, ngôi chùa HK ban đầu ấy bây giờ biến hoá thành 3 cơ ngơi ở Huế. Tôi ở HKST, hai vị sư đệ của tôi ở chùa HK (I) và chùa Pháp Luân, Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa. Và bây giờ thì chư tăng khá đông và cả hằng trăm cư sĩ nam nữ nữa. Vậy, chỉ một khởi niệm của vị đại sư huynh tôi mà nó duyên khởi trùng trùng, nên ở Huế, chúng tôi, chư sư có mặt và hằng trăm Phật tử cũng đang có mặt để tu học. Ngược lại, nếu sư huynh tôi không khởi niệm ấy thì làm gì có chúng tôi và cả thế hệ tăng tục đang và sẽ còn trùng trùng duyên khởi trong tương lai nữa? Và hiện tại, như tôi chẳng hạn, nếu tôi không khởi niệm xin đất trồng rừng thì hiện tại, làm gì có mặt Rừng thiền HKST và đại chúng đang tu học ở đây?

Rộng hơn tí nữa, nếu đức Đạt Lai Lạt Ma không khởi niệm rời bỏ Tây Tạng năm 1959 thì bây giờ làm gì có một hệ Phật giáo Mật Tông đang lôi cuốn hàng ngàn, hàng triệu tăng tục có mặt khắp các châu lục cùng những buổi giảng pháp của ngài có đến trăm trăm ngàn ngàn người nghe? Còn nữa, ví như khởi niệm của thiền sư Nhất Hạnh? Ví như khởi niệm của thiền sư Thanh Từ? Ví như khởi niệm của chư vị thiền sư Thái Lan, Miến Điện? Họ là những nhân cách lớn, sứ mạng lớn, ảnh hưởng Tăng tín đồ Việt Nam và cả thế giới! Tôi nói “ảnh hưởng” chứ không nói hoàn toàn tốt, vì là thế gian pháp nên tốt có thể lẫn lộn xấu, và xấu có thể lẫn lộn tốt.

Những khởi niệm như trên là duyên khởi trùng trùng, nhưng đức Phật chỉ chú trọng Thập Nhị Duyên Khởi, vì nó là cốt lõi của giáo pháp: “Ai thấy duyên khởi là thấy Pháp, ai thấy Pháp là thấy Như Lai”. Nói cách khác là phải minh sát tiến trình vận động của Thập Nhị Duyên Khởi theo chiều thuận, chiều sinh và cả theo chiều nghịch, chiều diệt, mà tôi có thể tóm tắt cô đọng bằng những câu thơ lục bát như sau: 

Vô minh, bất giác làm duyên
Sinh hành tạo tác chẳng yên chút nào
Thức tâm dao động lao xao
Kiếm tìm danh sắc thai bào thọ sanh
Tháng ngày giọt máu lớn nhanh
Sáu căn đầy đủ tượng thành ấu nhi
Nghiệp, tâm nuôi lớn từng kỳ
Chào đời mở mắt, biết đi đứng rồi
Sáu trần đối tượng mớm mồi
Xúc sanh cảm thọ, biết mùi biết hương
Vui buồn, khổ lạc, ghét thương
Thế là sân dục tìm đường nổi lên
Ái hà, dòng nước triền miên
Lạc thì cố thủ, khổ liền cố xua
Đầy lòng, trăm chuyện chán, ưa
Ngàn muôn xấu, tốt chẳng vừa góp thâu
Hạt mầm ba cõi ẩn sâu
Tạo thành nghiệp hữu dẫn đầu tái sanh
sanh, già lão sẵn dành
Rồi tìm sự chết, mối manh có rồi
sầu, bi, não không thôi
ưu, hận, khổ luân hồi trường miên
Nếu vô minh biết đoạn triền
Chánh niệm, tỉnh giác thường xuyên giữ gìn
Đâu còn tạo tác, bíu vin
Hành diệt, thức diệt, tuệ nhìn sáng trong
Danh sắc tìm kiếm tiêu vong
Căn trần xúc đối giữa lòng nhẹ sao
Lắng nghe cảm thọ thế nào
Buồn vui, thương ghét chẳng xao động mình
Tham sân thấy rõ sự tình
Ái hà, dòng chảy phiêu linh cạn rồi
Đâu còn thủ giữ giống mồi
Đâu còn gieo hữu sáu nơi, ba đường
Không sanh, già lão chẳng vương
Đâu còn sự chết tìm đường ghé thăm
Khổ sầu từ đó biệt tăm
Bao nhiêu ưu não tí tăn chẳng còn
Thế là khổ uẩn tiêu mòn
Toàn bộ duyên khởi, khoen tròn lìa tan
Đâu còn sinh tử buộc ràng
Giác ngộ, giải thoát thênh thang cõi bờ!

Ở trên, chúng ta lưu ý từ Hành (saṅkhāra), do có vô minh và ái dục ẩn đằng sau nên tạo tác các nghiệp, đưa tâm thức tái sanh đi tìm kiếm các cõi tương thích. Và Hành diệt nghĩa là không còn saṅkhāra được gọi là Vô Hành (asaṅkhāra), nhưng do không có từ tương đương nên các nhà Phật học đã mượn thuật ngữ Vô Vi của Lão Tử để nói lên khái niệm Vô Hành. Vậy, pháp Vô Hành nghĩa là pháp Vô Vi, không còn tạo tác các nghiệp, hàm chỉ Niết-bàn.

Và Niết-bàn có 3 đặc tính: Không tính (do thấy rõ vô ngã của tất cả pháp), Vô tướng (do thấy rõ vô thường của các pháp hành), Vô tác (do không còn tạo tác nên chấm dứt tất cả khổ).

Ở đây, những ai còn thắc mắc pháp Vô Hành, Vô Vi (Niết-bàn) là vô ngã nhưng không bị vô thường và khổ chi phối thì hãy xem nguồn liên hệ: 

- Sabbe saṅkhārā aniccāti sabbe tebhūmakasaṅkhārā aniccā. Sabbe dhammā anattāti sabbe catubhūmakadhammā anattā… (SN-a, II. 317)

“Sabbe saṅkhārā aniccā” nghĩa là tất cả các Hành thuộc về ba cõi đều là vô thường. “Sabbe dhammā anattā”  nghĩa là tất các Pháp nằm trong bốn cõi đều là vô ngã (Bốn cõi là Dục giới, Sắc giới, Vô Sắc giới và Siêu thế giới).

- Sasaṅkhārā, bhikkhave, uppajjanti pāpakā akusalā dhammā, no asaṅkhārā. Tesaṃyeva saṅkhārānaṃ pahānā evaṃ te pāpakā akusalā dhammā na hontī’’ti (AN I. 82).

Nghĩa: Này các thầy tỳ-khưu! Những pháp ác, bất thiện sinh khởi do đi cùng với các Pháp Hữu Vi (Hành-saṅkhāra), không phải là các Pháp Vô Vi (Vô Hành-asaṅkhāra). Thật vậy, do việc từ bỏ các Pháp Hữu Vi nên những pháp ác, bất thiện không còn hiện hữu.

Còn nữa, tôi xin cung cấp thêm 3 câu Kinh Lời Vàng số 277, 278, 279 để mọi người rộng đường nghiên cứu:

Các hành là vô thường (anicca)
“Khi tuệ quán chiếu tỏ tường
Các hành vốn dĩ vô thường xưa nay
Thoát ly khổ não, đọa đày
Là Thanh Tịnh Đạo, ai rày chớ quên!”
(Sabbe saṅkhārā aniccā’ti
yadā paññāya passati,
atha nibbindati dukkhe
esa maggo visuddhiyā).
Các hành là khổ (dukkha)
“Khi tuệ quán chiếu tỏ tường
Các hành vốn dĩ đau thương, khổ nàn
Thoát ly phiền não, chán nhàm
Là Thanh Tịnh Đạo, Niết-bàn tìm đâu?!”
(Sabbe saṅkhārā dukkhā’ti
yadā paññāya passati,
atha nibbindati dukkhe
esa maggo visuddhiyā).
Các pháp hữu, vô-vi đều là vô ngã (anatta)
“Khi tuệ quán chiếu tỏ tường
Các pháp vô ngã, chẳng thường là ta
Thoát ly phiền não, ác tà
Là Thanh Tịnh Đạo, chẳng xa lối về!”
(Sabbe dhammā anattā’ti
yadā paññāya passati,
atha nibbindati dukkhe
esa maggo visuddhiyā).

Đức Phật từng nói rằng: “Biển lớn kia chỉ thuần một vị mặn như thế nào thì giáo pháp của Như Lai cũng chỉ thuần một vị thoát khổ như thế ấy!”

Mong lắm vậy thay!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/04/2019(Xem: 6682)
TẬP TRUNG TÂM THỨC Nguyên bản: Focusing the Mind Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma Anh dịch: Jeffrey Hopkins, Ph. D. Chuyển ngữ: Tuệ Uyển/Friday, March 22, 2019
23/04/2019(Xem: 9569)
Khóa Tu Học nhân Mùa Phục Sinhà019 tại Chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc, từ ngày 19-22.4.2019.
23/04/2019(Xem: 6273)
Cảnh Giác Với Bạo Lực Tôn Giáo, Vào ngày 21/4/2019 hãng Reuters loan tin, “Hơn 290 người chết và tối thiểu 500 bị thương trong bảy cuộc đánh bom liên tiếp vào ba nhà thờ Thiên Chúa Giáo và bốn khách sạng sang trọng tại miền đông Tích Lan (Sri Lanka) vào ngày hôm nay do nhóm cực đoan Quốc Gia Thowfeek Jamaath thực hiện và đây là cuộc tấn công đầu tiên lớn nhất vào hòn đảo ở Ấn Độ Dương kể từ khi cuộc nội chiến chấm dứt cách đây mười năm. Bảy người đã bị bắt vài giờ ngay sau những cuộc đánh bom
18/04/2019(Xem: 6311)
NGƯỠNG MỘ GIÁC NGỘ Nguyên bản: Aspiring to Enlightenment Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma Anh dịch: Jeffrey Hopkins, Ph. D. Chuyển ngữ: Tuệ Uyển
10/04/2019(Xem: 7085)
Một ngày như mọi ngày, không có gì thay đổi, giống hệt như ngày hôm qua, không có gì vui, không có gì mới, là nỗi kinh hoàng của con người. Căn bệnh buồn nản, chán đời (depressed) mà trong nước gọi là trầm cảm đã được ông nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khóc than trong bản nhạc “Một ngày như mọi ngày” như sau:
10/04/2019(Xem: 6401)
Ban sơ, Phật giáo là một phong trào cải cách chống lại uy quyền Vệ-đà, nghi lễ Bà-la-môn và hệ thống giai cấp đầy bất công cuả xã hội Ấn độ . Thời Đức Phật, khuynh hường nầy phát triển rộng khắp dưới sự lãnh đaọ của Đức Phật, đạo Phật được số đông dân chúng và gai cấp thống trị ủng hộ. Tuy nhiên, vào thế kỷ thứ 9 DL, Ấn giáo tung đòn phản công: tư tưởng đạo Phật được cố ý đem vào Ấn giáo và Đức Phật lịch sử được tuyên bố là một Hóa thân của thần Vệ Nữu. Những gì trước đây là điểm hấp dẫn của Phật giáo nay cũng được tìm thấy trong Ấn giáo.
09/04/2019(Xem: 5536)
Con Cháu Hiếu Ông Bà Vui Tươi Lắm Hãy Giành Nhau Phụng Dưỡng Phước Đức Nhiều Chính Người Già Là Ruộng Phước Phì Nhiêu Sau Tam Bảo, Cùng Neo Đơn Khốn Khó…(2)
09/04/2019(Xem: 6660)
MỞ RỘNG GIÚP ĐỞ Nguyên bản: Extending Help Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma Anh dịch: Jeffrey Hopkins, Ph. D. Chuyển ngữ: Tuệ Uyển / Monday, February 25, 2019
07/04/2019(Xem: 8595)
Nó bị người ta tra tấn hành hạ rất dã man, quá đói mà không có gì ăn phải ăn cả vỏ bánh kẹo của du khách, bây giờ nó đã được giải thoát và sống cuộc sống vui vẻ, tự do. Trong suốt 50 năm, chú voi Raju sống một kiếp sống nô lệ. Không ai biết cuộc đời trước kia của nó là như thế nào, chỉ biết rằng nó đã bị bắt cóc khỏi mẹ và tách khỏi bầy từ khi còn rất nhỏ, rồi được bán đi bán lại qua tay của 27 người chủ khác nhau như một món hàng hóa, để rồi cuối cùng chôn vùi cuộc đời mình tại một sở thú ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ.
04/04/2019(Xem: 7740)
Chuẩn bị lên đường, bạn dặn tôi đến nơi nhớ điện thư cho biết năm nay (2018) Bồ Đề Đạo Tràng có gì lạ. Tôi đáp ngay: vâng, sẽ cố gắng. Nhưng xin hiểu giùm. Nếu ai đó trong ba năm qua, năm nào cũng đến đấy thì khó thấy chuyện lạ. Chuyện gì cũng quen. Từ con đường đi có chỗ ổ gà phải tránh, cổng vào chùa khép đến chỗ nào thì nghe tiếng kêu két két, anh bán hàng góc chùa Tây Tạng lúc nào cũng cười tươi. Kể cả bà già ăn xin cũng là người cũ, ngồi ủ rũ y nguyên chỗ cũ. Chuyện gì cũng thấy như năm ngoái mình đã thấy. Nhưng, nói vậy mà việc ấy cũng có cái hay của nó: tự nhiên sao mình có cảm giác thật thân quen, như đi xa về lại thăm nhà. Thành ra muốn vừa lòng bạn nhưng không lẽ lặp lại chuyện đã từng kể cho bạn nghe những năm rồi. Rồi bỗng … quên luôn!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]