Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nguyện Lực

18/12/201509:02(Xem: 7994)
Nguyện Lực

Minh Đức Triều Tâm Ảnh
(Sīlaguṇa-Mahāthera)

NHẶT LÁ RỪNG XƯA
Tủ sách Huyền Không Sơn Thượng

(Phật lịch 2558 – 2015)

Nguyện Lực
(Adhiṭṭhāna)

 

“Nguyện lực” hay “quyết định lực” là 01 trong 10 ba-la-mật (pāramī) (1) theo kinh điển truyền thống. Nó là năng lực hữu vi của ý chí tiếp sức cho tư tác (cetanā) hoàn thành tâm nguyện của người học Phật và tu Phật.

Chư Chánh Đẳng Giác, Độc Giác, Thinh Văn Giác đều có nguyện lực và đều có ba giai đoạn: Nguyện trong tâm (ý), nguyện thành lời (khẩu) và nguyện bằng hành động (thân) ba-la-mật. Như đức Phật Sakyā Gotama đã phát nguyện ở trong tâm suốt 7 A-tăng-kỳ, nguyện thành lời suốt 9 A-tăng-kỳ, và nguyện bằng hành động ba-la-mật suốt 4 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp (2). Như vậy là đức Phật Sakyā Gotama phải thực hành ba-la-mật trải qua 24 vị Phật tổ, kể từ Phật Dīpaṅkāra (Nhiên Đăng) cho đến Phật Kassapa (Ca Diếp).

Trong các kiếp trầm luân sinh tử, thỉnh thoảng chư Bồ-tát cũng “quên”  hay “lơ là” nguyện lực cũ của mình mà tạo tác sai lầm, bị đoạ, nhưng rồi, qua thác, qua ghềnh, chiếc thuyền vẫn tìm được hướng đi chơn chánh. Chúng ta, dù tu sĩ hay cư sĩ, cũng tương tự vậy, không ai có khả năng biết rõ nguyện lực của mình thuộc giai đoạn nào. Tôi biết có một vị trưởng lão Nam tông, cuối bổn dịch của một bộ kinh, có ghi lời phát nguyện thành bậc Chánh Đẳng Giác. Tôi biết một vị trưởng lão khác, trong ngày nhậm chức Tăng Thống có phát nguyện thành lời bố-thí ba-la-mật như thái tử Vessantara để thành bậc Chánh Đẳng Giác. Và còn nhiều vị khác nữa. Cách đây nhiều năm, có người thân quen hỏi nhỏ tôi là đã phát nguyện Chánh Đẳng Giác chưa? Tôi cười cười nói, chưa, chưa phát nguyện thành lời, nhưng có khởi ý nghĩ lặng lẽ trong tâm là thành bậc Độc Giác thôi, một mình khoẻ hơn! Chứ thành Chánh Đẳng Giác mệt lắm, đeo níu nhân duyên nhiều đời kiếp với chúng sanh, phiền lắm; rồi lại còn sinh tử trầm luân dài dằng dặc nữa, ớn lắm!

Thật là lạ lùng! Dù mới khởi nguyện lặng lẽ Độc Giác ở trong tâm mà đời sống của tôi nó cứ có khuynh hướng đồng quy về chỗ “một mình” mới kỳ. Hiện tại, tôi không vào bất cứ một hội nào, ngoài Phật. Không đi họp đi hành ở bất cứ đâu, ngoài hành lễ bố-tát. Đi kỵ giỗ tưởng niệm một vài bậc cố trưởng lão tôn túc là chuyện chẳng đặng đừng, chứ thật ra “không có mợ thì chợ cũng đông”! Có tham dự một vài cuộc hội thảo xét ra là quan trọng và cần thiết; còn thấy vô ích, vô bổ, “phong trào” hoặc bên sau có này có kia thì cứ “viện cớ già lão” mà từ chối! Chuyện thuyết pháp hay đi giảng nói đây đó thì tuỳ duyên chút ít – vì tôi biết rõ “nói nhiều thì lỗi nhiều”; và vì tôi đã học rất thuộc câu kinh Lời Vàng “Im lặng như cái mõ bể là đã gần kề Niết-bàn” không thống khoái hơn sao! (Nơi bàn chỗ tôi ở có ba tượng khỉ bằng gỗ, con bịt mắt, con bịt tai và con bịt mồm – tôi nhìn và cố tu tập như vậy hằng ngày). Thấy đám đông hay khi có lễ lượt nhiều người là tôi cảm giác mệt mỏi, thiếu không khí để thở, muốn vào nơi lặng lẽ một mình! Tết, xuân - tôi thường trốn 20 ngày hay một tháng thấy khoẻ vô cùng; và càng già càng thích cô liêu, tịch mịch để viết cái gì đó, nghiên cứu, học hỏi cái gì đó... Duy nhất tôi có hướng dẫn một lớp thiền, 3,4 năm nhưng giờ thì cho nghỉ rồi; và tôi bảo, đời là một trường thiền rộng lớn, hãy nắm “nguyên lý thiền”, linh động, biến hoá để áp dụng đa dạng và phong phú khi giao tiếp, ứng xử với thế gian đa phức: Phải học bài học giác ngộ ở đó chứ không phải ở đây! “Pháp thực thuyết” là ở trong thế giới duyên sinh khổ, lạc mà chư vị đang sống! “Một tiếng chửi là pháp đang đến đó!” “Một chiếc lá vàng rơi là pháp đang đến đó!” Giữa chợ, giữa đời ngày nay tha hồ là pháp!

Ôi! Mới có “nguyện lực trong tâm” thôi mà nó đã “chuyển” sinh hoạt tâm linh của tôi đi về cõi cô liêu, cô độc như vậy đó! Chưa rõ nó là tốt hay xấu, mà có lẽ cả tốt, cả xấu. Tốt là ít duyên sanh phiền não và tốt nữa là có nhiều thì giờ để đọc, để viết! Xấu do bản ngã ẩn mình đóng vai trò cao thượng và xấu nữa là do có bóng dáng của tư kỷ, ích kỷ! Nhưng hiện tại, tôi-đang-là-vậy thì tôi nói thật, sống thật vậy thôi!

Ai cũng phải có nguyện lực, quyết định tâm, nhất là sinh hoạt của tu sĩ và cư sĩ. Tôi xin kể một chuyện xưa nhé.

“Vào thời đức Phật Ca-diếp (Kassapa), có đức vua tên là Vijjitāvī trị vì một vương quốc giàu mạnh, kinh đô đặt tại xứ Sāgala xinh đẹp. Đức vua là một cư sĩ có giới và có trí, cai trị quốc độ bằng mười vương pháp, sống với thần dân bằng bốn pháp tế độ.

Tại kinh đô ven sông, đức vua cho xây dựng một ngôi chùa lớn rồi dâng cúng đến các vị trưởng lão đạo cao đức trọng, suốt thông Pháp và Luật. Ngài hộ độ chư Tăng đầy đủ về tứ sự, hết tuổi thọ, hóa sanh làm Thiên chủ cõi Đao-lợi, gọi là Đế thích Thiên vương.

Ở ngôi chùa do đức vua bảo trợ này, chư tỳ-khưu Tăng rất đông đúc, duy trì pháp học và pháp hành một cách nghiêm túc và không gián đoạn. Trong chúng, có vị tỳ-khưu giới hạnh trong sạch, hằng ngày tu tập thiền quán. Mỗi sáng, ngài thường thức dậy sớm, lễ bái Tam Bảo, quán tưởng ân đức Tam Bảo, tọa thiền, kinh hành rồi đi quét dọn xung quanh chùa. Công việc ấy ngài làm một cách lặng lẽ và chuyên cần.

Hôm kia, vị tỳ-khưu quét lá quanh Bảo tháp, gom lại thành đống rồi gọi sư sa-di phụ việc hốt đem đổ đi. Sư sa-di ngày thường rất ngoan ngoãn, nhưng hôm ấy lại sanh tâm lười biếng, giả vờ không nghe. Gọi đến lần thứ ba, thấy sư sa-di vẫn cứng đầu, vị tỳ-khưu bèn bước tới, đánh cho chú mấy cán chổi khá đau. Thế là sư sa-di vừa khóc vừa hốt rác, ấm ức vô cùng. Công việc xong xuôi, sư sa-di phát lời nguyện rằng:

‘- Với phước báu đổ rác này, nếu chưa đắc Niết-bàn, dù sanh vào cảnh giới nào, cũng xin cho tôi có đầy đủ quyền cao, chức trọng mà oai lực của tôi sẽ thù thắng hơn tất cả mọi người, như mặt trời vĩ đại ở giữa hư không kia vậy’.

Nguyện xong, hể hả và vui sướng, sư sa-di đi xuống sông tắm. Khi bơi lội nhởn nhơ trong nước, thân tâm mát mẻ, sư sa-di cảm thấy hối hận, tự nghĩ:

-‘Thầy tỳ-khưu bảo ta hốt rác, đấy chẳng phải là phận sự bắt buộc, chẳng phải là việc riêng của ngài; cũng chẳng phải là lợi ích cho các thầy A-xà-lê, cũng không phải nhằm phục vụ cho các vị thượng tọa, hòa thượng của ngài. Vậy đích thị ngài đánh ta là muốn tế độ ta, muốn đánh vào cái tính lười biếng và cứng đầu của ta! Ôi! Vì u mê mà ta tự làm hại ta rồi’.

Vẫn còn ngâm mình dưới sông, nhìn những lượn sóng như vô tận đuổi nhau đến tận bờ xa, sư sa-di tâm cơ máy động, phát lời đại nguyện:

‘- Vì thiếu trí tuệ mới sinh lười biếng, cứng đầu, sinh những nhận thức sai lầm, nông nổi. Vậy thì với tất cả những phước đức tu tập của tôi, phước đức đổ rác bấy lâu nay, phước đức thấy mình lầm lỗi, xin nguyện rằng: Nếu chưa đắc quả Niết-bàn, hãy cho tôi có được trí tuệ nhiều vô biên vô lượng như những làn sóng vô tận của con sông này’.

Đang trên bến, cũng định xuống sông tắm, vị tỳ-khưu nghe được lời phát nguyện đầy quyết tâm vững chắc của sư sa-di, chột dạ, nghĩ thầm: ‘Không kể chút lầm lỗi sáng nay, sư sa-di này từ lâu tu tập rất tốt, có hạnh kiểm và có trí. Vậy với lời nguyện sắt đá này, chú sa di hẳn sẽ thành tựu dễ dàng’. Trầm ngâm hồi lâu, vị tỳ-khưu nghĩ tiếp: ‘Trong lời nguyện của sư sa-di, vừa có cái gì đó như phục thiện mà cũng vừa có cái gì đó như đối chọi lại với ta? Nhưng bản chất của sư sa-di này ngủ ngầm sự cứng đầu, kiêu căng, ngã mạn. Vậy nếu lời nguyện kia mà thành tựu thì trên thế gian này có ai đủ khả năng trí tuệ để kềm bớt trí tuệ của y?’.

Vì thế, vị tỳ-khưu cũng chấp tay lên đầu, hướng giữa thinh không, phát lời đại nguyện:

‘- Với tất cả mọi công đức tu tập của tôi, công đức quét rác bao nhiêu năm, nếu tôi chưa đắc quả Niết-bàn, xin cho tôi được thành tựu trí tuệ bất khả tư nghì. Trí tuệ ấy phải đầy đủ năm tính chất sau đây:

  Nhiều như sóng của con sông đại Hằng.

  Vững chắc và kiên định như hai bờ của con sông này.

  Thấy rõ gốc ngọn tất cả các pháp.

  Quang minh, sáng sủa.

  Quảng bác, thâm sâu, sắc bén.

Mong nhờ trí tuệ bất khả tư nghì ấy, có thể kiềm chế, phá nghi, soi rọi, dẫn dắt sư sa-di đi đến nơi giác ngộ, giải thoát’.

Cả hai vị tỳ-khưu và sa-di, với lời nguyện ấy, sau khi tan rã ngũ uẩn, họ đều được sanh làm người, làm trời trọn thời gian giữa hai vị Phật. Đến lúc Phật Thích-ca Niết-bàn gần năm trăm năm, vị tỳ-khưu thuở xưa từ cõi trời giáng hạ làm Na-tiên tỳ-khưu; vị sa-di sanh làm vua Mi-lan-đà ở kinh thành Sāgala đúng với lời nguyện của họ”.

Nội dung câu chuyện chỉ nói về quét rác và đổ rác thôi, nhưng do nguyện lực của hai vị mà hiện nay ta có được bộ sách Mi Tiên vấn đáp (hay Na-tiên tỷ kheo), hàm tàng tư tưởng Phật học thâm sâu có giá trị nhiều đời cho hàng hậu tấn nghiên cứu, học hỏi.

Nguyện lực, theo truyền thống, muốn đầy đủ sức mạnh thì phải trọn vẹn cả tam nghiệp thân, khẩu, ý như ba giai đoạn dẫn lược ở trên. Tuy nhiên, người tu học thường không biết mình đang ở trong giai đoạn nào – nên cứ tuỳ duyên, thuận pháp mà “làm”. Khi thấy cần ở trong tâm (ý) thì cứ ở tâm mà “quyết định với ý chí sắt đá”. Khi thấy cần ở lời nói (khẩu) thì cứ nơi lời nói mà “bày tỏ nguyện lực một cách nhất như”. Khi thấy cần bổ túc một ba-la-mật nào đó trong 10 ba-la-mật thì cứ ba-la-mật ấy mà “thực hành một cách triệt để” (thân). Nếu làm được vậy thì sự tu học sẽ bất thối chuyển, và chắc chắc sớm muộn, trước sau cũng thành tựu mục đích rốt ráo phạm hạnh, giải quyết trọn vẹn “đại sự tử sinh” của đời mình!

Mong lắm cho tất cả chúng ta vậy thay!

Ghi chú:  

(1) Bố thí (dāna), trì giới (sīla), xuất gia (nekkhamma), trí tuệ (paññā), tinh tấn (viriya), nhẫn nại (khantī), chân thật (sacca), quyết định (athiṭṭhāna), tâm từ (mettā), tâm xả (upekkhā).

(2) Tổng cộng là 20 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp dành cho Bồ-tát căn cơ Trí tuệ. Bồ-tát căn cơ Đức tin với thời gian gấp đôi, là 40 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp. Bồ-tát căn cơ Tinh tấn (phục vụ chúng sanh) thì thời gian gấp đôi căn cơ Đức tin là 80 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/01/2012(Xem: 12813)
Hình tượng Đức Phật Di Lặc hiện hữu với nụ cười trên môi, dáng vẻ hiền hòa khiến ai nhìn vào cũng thấy lòng mình nhẹ nhàng, hiền thiện và hoan hỷ hơn bao giờ hết.
24/01/2012(Xem: 9632)
Những ai muốn đi gặp mùa xuân thì phải đứng dậy, giã từ u tối của đêm đông, thắp sáng tâm mình bằng ánh lửa tỉnh thức được đốt cháy trong nguồn năng lượng tình thương.
22/01/2012(Xem: 7096)
Chư Phật, Bồ-tát biết rõ cuộc đời là ảo mộng, đã là ảo mộng thì còn gì quan trọng nữa để lôi cuốn chúng ta chìm trong mê muội. Điều thiết yếu là chúng ta phải khắc tỉnh...
21/01/2012(Xem: 17761)
Tập sách này, đa phần ghi lại những mẫu chuyện Phật đã dạy qua các kinh, phụthêm phần lý giải để chúng ta có thể rút ra được những bài học cho bản thân. Những gì ghi trong đây có thể sẽ làm ta khó chịu và bất an vì nó không giốngvới những gì ta đang suy nghĩ và hành động. Nó khiến ta hay có thái độ tránh né.Dù thế, qui luật Duyên khởi vẫn đang vận hành chi phối tất cả. Ta gieo một cáinhân, đủ duyên ta có một cái quả. Cuộc đời cứ thế mà trôi. Ta, thì gieo và gặt.Luật nhân quả, cứ thế mà xoay vần. Không chờ đợi, không cảm thương... Biết Phật pháp, ứng dụng được Phật pháp vào đời sống của mình, đó là phước báu lớn nhất mà mình nhận được trong cuộc đời này. Bởi nhờ đó, mình đi không lầm lẫn.
21/01/2012(Xem: 8228)
Vào một ngày đầu năm, tiết trời ấm áp, vạn vật như đồng loạt hân hoan chào đón ánh xuân. Quốc vương đưa hoàng gia và các quan văn võ cận thần đến một tu viên nổi danh trong thành...
19/01/2012(Xem: 6533)
Chu Mạnh Trinh là khách hành hương tới Hương Sơn để hưởng thú "bầu Trời, cảnh Bụt" nhưng thật ra là đang viếng cảnh biển xanh biến thành nương dâu đang hiện tướng trong tâm thức cuả chính mình. Chim ríu rít cúng dường hoa trái, cá lặng lờ vùng vẫy nghe kinh; là khi Tâm kinh biến thành Chân kinh
18/01/2012(Xem: 10436)
Nếu chúng ta là người Phật tử thì ngày 23 tháng chạp không nên theo tập tục văn hóa mê tín dị đoan mua cá chép vàng về để giết hại cúng Ông Táo, việc làm ấy sai trái đạo lý...
18/01/2012(Xem: 8368)
Ai bảo thiền sưkhông biết trồng hoa chứ! Các Ngài còn trồng hoa trên đá nữa kìa. Mắt thấy sắctai nghe tiếng mà không dính là trồng hoa trên đá. Do không dính nên không cầnphải gỡ. An nhàn tự tại. Đóa hoa tâm mặc sức mà sắc sắc không không giữa muônhồng ngàn tía, biến hóa khôn lường, không đóa hoa nào dám sánh cùng. Thiền sưkhông để cho danh lợi làm hoen mờ đôi mắt, thấy là phủi liền. Cho nên các Ngàicó đôi mắt sáng, không bị nhậm nên không cần phải đeo kính viễn kính râm. Sựvật vì thế không bị đổi màu, nhãn quan vì thế không bị chinh nghiêng... Chư Phật ra đời chỉ cho chúng sanh con đường thoát khổ, khả năng thoát khổ nằm trong tầm tay của chúng ta. Bởi ta tự buộc nên ta phải tự mở.
18/01/2012(Xem: 7744)
Đại lực Độc long dùng mắt quan sát, thấy một người yếu đuối bị chết, một người mạnh khoẻ rồi cũng bị chết. Thấy vậy, Độc long bèn thọ giới một ngày xuất gia...
18/01/2012(Xem: 13232)
Theo truyền thuyết, rồng là loài vật linhthiêng, có thần thông, có khả năng làm mưa, phun ra khói, lửa, thăng, giáng,ẩn, hiện, biến hóa lớn nhỏ một cách tự tại. Kinh điển Phật giáo có nhiều huyềnthoại về Đức Phật liên quan đến rồng, chẳng hạn như: Chín rồng phun nước tắmcho thái tử khi mới đản sinh, Rồng che mưa cho Phật, Phật hàng phục hỏa long,Long vương nghe kinh Thập thiện, Long nữ thành Phật…
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]