Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hơi Thở Định

18/12/201509:00(Xem: 5516)
Hơi Thở Định

Minh Đức Triều Tâm Ảnh
(Sīlaguṇa-Mahāthera)

NHẶT LÁ RỪNG XƯA
Tủ sách Huyền Không Sơn Thượng

(Phật lịch 2558 – 2015)

Hơi Thở Định

 

Trên trang mạng thuvienhoasen.org, hễ bài viết nào liên hệ đến sự tu tập, liên hệ đến cuộc sống đời thường với nhiều nỗi bức xúc, bất an cần phải giải quyết, những giáo lý nào có giá trị thiết thực trong đời sống hiện tại thì độc giả đọc nhiều hơn, quan tâm nhiều hơn. Còn những bài viết thiên trọng văn chương, nghiên cứu, có tính học thuật hoặc nói đến những gì quá xa vời thì số lượng độc giả ít đi. Đó là điều đáng mừng vậy. Đáng mừng vì chư tăng ni phật tử trong “thời đại mạt pháp” này, người “muốn” có được cái thực học và thực tu quả là còn nhiều lắm lắm!

Sở dĩ tôi nhận xét vậy là vì, sau mấy bài về hơi thở, tôi nhận được vài email hỏi cặn kẽ về cách hít thở trong khi tu tập nội quán và cả những khi lăng xăng với mọi sinh hoạt đời thường. Thấy đây là một đề tài mang lại lợi ích cho nhiều người nên tôi sẽ viết hai bài, trình bày hai nội dung liên quan đến hơi thở. Đó là cách thở của thiền định và cách thở thuộc về thiền tuệ, nói gọn là hơi thở định và hơi thở tuệ. Hai cách thở có khác nhau đấy.

Bài này nói về cách thở thuộc về thiền định. Và dĩ nhiên, thiền định chỉ là một giải pháp tình thế, là sự lắng dịu tạm thời, đáp ứng những bất an, rối loạn của tâm (như trong bài thiền định); ngoài ra, nó còn là nấc thang, là cơ sở lập địa cần thiết để bước lên “thắng vức”cao hơn để chấm dứt tất thảy mọi tham sân, phiền não khổ đau của kiếp người.

Bây giờ chúng ta đi vào nội dung chính.

Thở thì ai cũng thở, nhưng thở trong tu tập hoàn toàn khác với cách thở vô thức, cách thở bản năng vốn có của chúng ta. Sở dĩ hơi thở được làm đề mục vì nó luôn luôn ở bên ta và là sự sống của chúng ta. Hãy thử tập quan sát, khi nào hơi thở dồn dập, đứt khúc hoặc rối loạn là nó tác động tức khắc đến toàn bộ tim, mạch, bộ máy tuần hoàn và cả khí huyết... Khi nào hơi thở nhẹ nhàng, nhịp đi vào ra đều đặn thì toàn bộ tâm sinh lý bình ổn. Những người chơi thể thao như điền kinh, cử tạ, bơi lội... do tế bào cần nhiều oxy nên thở gấp, thở vội là nhu cầu sinh lý bình thường. Nhưng khi nào tâm lý bất an, lo lắng, sợ hãi, nóng giận, bức xúc... làm cho hơi thở không được bình ổn thì đây mới chính là vấn đề liên hệ đến thiền hơi thở.

Tâm chúng ta luôn luôn duyên cảnh, bị tác động bởi cảnh nên nó luôn luôn dao động, khó yên lặng được. Lại nữa, bản chất của tâm và pháp là dịch chuyển, dịch hoá, thay đổi từ dạng này sang dạng khác, hai giọt nước không giống nhau, hai sát-na không giống nhau, không bao giờ A bằng A được, chúng luôn A phẩy, A hai phẩy, A ba phẩy... Đấy là định luật như thật muôn đời. Tuy nhiên, nền văn minh tâm linh cổ truyền của Ấn Độ đã cung cấp cho nhân loại phương pháp ngưng lắng, tĩnh chỉ tạm thời những xung động thô tháo có hại cho đời sống tinh thần, cho môi trường tương duyên, tương sinh: Đấy là bát định của truyền thống bà-la-môn và chánh định của Phật giáo.

Đi vào các định này, các bậc có thẩm quyền về tâm linh, nhất là đức Phật thấy rõ rằng, có 40 đề mục thuộc định có công năng làm ngưng lắng những xung động thô tháo, gốc nguồn của những hành động sai lầm đem đến đau khổ cho mình và cho người khác, trong đó có định thuộc về hơi thở.

Định thuộc về hơi thở là lấy hơi thở làm đề mục để định tâm, để ngưng lắng mọi lao xao, phóng dật, buông lung, bất an. Nếu định tâm vào hơi thở được năm, bảy phút thì tâm ta tạm thời yên lắng năm, bảy phút. Nếu định tâm vào hơi thở, sâu thêm, tâm ta có khả năng yên lắng một tiếng, hai tiếng, ba tiếng hoặc cả đêm. Trong thời gian ở trong định, toàn bộ tâm sinh lý vẫn vận hành, vẫn hoạt động nhưng với trạng thái bình ổn, nghỉ ngơi, tịnh dưỡng, ít tiêu tốn năng lượng và nó còn có khă năng phục hồi toàn bộ sinh lực bị hao tổn, bị tiêu tán, bị hư mất.

Thực hành thiền định về hơi thở có năm giai đoạn hoặc là một tiến trình có năm bước kế tục nối nhau không gián cách:

1- “Tầm” tâm sở (vitakka) đối trị “hôn trầm thuỵ miên” tâm sở (thīna-middha).

Nghĩa kinh điển căn bản của tâm sở tầm là khởi tư duy, khởi ý nghĩ, tư tưởng - nhưng trong thiền (jhāna) ta sử dụng tầm với nghĩa tìm kiếm để dán sát, áp sát vào đề mục, đối tượng.

Đầu tiên vừa mới tập thiền ta phải quay lại xem hơi thở của ta nó ra làm sao! Có người thở ngắn, có người thở dài, có người thở nhẹ, có người thở nặng. Không quan trọng. Ta chỉ việc xem nó vậy thôi, một cách khách quan và thụ động. Tuy nhiên, người không quen nhìn “vu vơ, vô ích” như vậy thì chỉ năm bảy hơi thở thôi thì sinh buồn chán, dã dượi, lừ đừ, đờ đẫn, buồn ngủ, và chỉ muốn ngủ. Đây là trường hợp thứ nhất cần phải đối trị.

Người bị trạng thái gọi chung là “hôn trầm, thuỵ miên” nầy, nếu bị nó chi phối thì sẽ không làm được bất kỳ cái gì thật sự có ích cho mình và cho xã hội, huống nữa là tập thiền, đòi hỏi sự gia công, phải có niệm và có tấn. “Hôn trầm” là trạng thái dã dượi, mệt mỏi của các tâm sở. “Thuỵ miên” là trạng thái dã dượi, mệt mỏi của thân. Vậy khi nó có dấu hiệu, triệu chứng như vừa kể, hành giả phải chú tâm liên tục vào hơi thở, tìm kiếm lại hơi thở và đeo bám nó không rời, không lơi một giây khắc nào. Làm được vậy thì “hôn trầm, thuỵ miên” tự động “tỉnh táo” lại, tự động “mở mắt” ra, tự động “dựng tâm đứng dậy”, không còn bị buồn chán, dã dượi, lừ đừ, đờ đẫn, buồn ngủ chi phối nữa.

Đây là bước thành công thứ nhất, là đã có một thiền chi phát sanh, được gọi là  tầm đã đối trị được hôn trầm-thuỵ miên rồi vậy. Tầm, vitạkka, có nghĩa là tìm kiếm hơi thở, như con ong bay đi tìm kiếm đoá hoa vậy.

Có trường hợp hôn trầm, thuỵ miên quá, “tầm” không đối trị được thì ta nên đi rửa mặt rồi ngồi lại. Nếu vẫn chưa tỉnh táo được, ta nên để tâm lên trán hoặc huyệt bách hội để dẫn khí đi lên - vì hôn trầm, thuỵ miên là khí đi xuống. Sau đó, trở lại với hơi thở.

2- “Tứ” tâm sở (vicāra) đối trị “nghi” tâm sở (vicikicchā).

Tứ có nghĩa căn bản là dán sát, áp sát, quan sát. Nghi “nghi ngờ, nghi hoặc” chưa hẵng là không tin mà nó nằm khoảng giữa tin và không tin nên nó dường như là lưng chừng, là lửng lơ, là hàng hai.

Khi thiền chi “tầm” (vitakka) phát sanh rồi, nhưng chỉ một hoặc hai phút sau tâm ta lại “quên” đối tượng hơi thở, nó chạy vô rồi chạy ra, không yên. Đây được gọi là trạng thái phân vân, lưỡng lự, do dự, bất nhất, bất quyết, dùng dằng nửa ở nửa đi, đôi khi còn nghi ngờ, nghi hoặc cái gì đó nữa nên không thể bám sát đối tượng hơi thở một cách sít sao, gắn khít. Chỉ cần theo dõi, rà soát, quan sát hơi thở một cách liên tục, đừng gián đoạn, đừng lơ là thì trạng thái nghi tự động chấm dứt.

Thế là ta đã qua bước thành công thứ hai, thêm một thiền chi nữa phát sanh, được gọi là  tứ đã đối trị hiệu quả  nghi rồi vậy. Tứ  nghĩa là rà soát không lơi, là quan sát liên tục. Như con ong tìm kiếm (tầm) đoá hoa, thấy đoá hoa rồi, nó bắt đầu rà soát, quan sát đoá hoa (tứ).

Trong khi “hôn trầm thuỵ miên” và “nghi” đang được đối trị bởi hai thiền chi “tầm” và “tứ” thì hơi thở bắt đầu yên. Và khi hơi thở yên thì thân sẽ yên. Tuy nhiên, cái thân vốn quen tự do, quen nhúc nhích, bây giờ bắt trói nó, bắt nó yên, nó sẽ phản ứng lại, do vậy sẽ có những cảm giác như đau, nhức, tê, ngứa ở đâu đó. Ta đừng để ý đến sự “làm nũng”, “trở chứng” của nó, cứ để tâm chuyên nhất vào hơi thở, khởi quyết tâm dính chặt vào hơi thở đừng xao lãng thì các cảm giác kia sẽ chấm dứt, tự động chấm dứt. Ta có những ví dụ:

- Khi ngồi bán già hay kiết già, do chân tréo lên nhau nên sẽ có một hai mạch máu nào đó bị chèn ép nên phát sanh tê, đau. Cứ để yên, đừng thay đổi oai nghi. Cứ ngồi chịu trận như vậy, đừng để ý đến nó, cứ việc theo dõi hơi thở thôi, một hồi, mạch máu nghẽn nó sẽ tự động tìm hướng khác để lưu thông. Rồi cảm giác dễ chịu sẽ đến với ta.

- Khi bị ngứa hay bị muỗi đốt bị nhức cũng nên làm như trường hợp trên, ngứa, nhức sẽ từ từ tan mất đi.

3- “Phỉ” tâm sở (pīti) đối trị “sân” tâm sở (vyāpāda):

“Phỉ” là cảm giác nhẹ nhàng, dễ chịu, khoan khoái. “Sân” là trạng thái không vừa lòng, bực bội, không thích thú, không hân hoan.

Khi thiền chi tầm và tứ đã phát sanh hiệu quả, có nghĩa là tâm bắt được hơi thở, dính khít liên tục hơi thở thì các cảm giác như đau, nhức, tê, ngứa sẽ không còn nữa, đồng thời những trạng thái bực bội, khó chịu, bứt rứt, nóng nảy, nghĩa là tất cả những thuộc tính của sân cũng lắng dịu luôn. Đến đây thì hơi thở vào ra bắt đầu nhẹ nhàng, thanh mảnh; và do thân đã quen với sự ở yên nên những cảm giác dễ chịu, mát mẻ, an lành, khoan khoái như là cái quả tự nhiên nó sẽ đến cho thân, được gọi là phỉ.

Nói cách khác, khi thiền chi  phỉ phát sanh thì sân sẽ chấm dứt. Như con ong bay đi tìm đoá hoa, thấy đoá hoa rồi nó quan sát đoá hoa, sau đó thò cái vòi vào nhuỵ để hút mật hoa.

Phỉ tạo hiệu ứng ở nơi thân. Khi tầm tứ được áp sát, duy trì liên tục, miên tục thì phỉ phát sanh, nó trung tính, thiện hay bất thiện nó vẫn có mặt. Có thể, nơi thân sẽ phát sanh một, hai hoặc cả năm hiện tượng phỉ (hỷ) dễ chịu, lâng lâng, mát mẻ, khoan khoái sau đây:

- Tiểu hỷ (khuddaka-pīti), nổi da gà, mọc ốc, rần rần cả người....

- Sát na hỷ (khanika-pīti), chớp, ánh sáng...

- Hải triều hỷ (okkantika-pīti), như dao động bởi thủy triều, như võng ru êm.

- Ubbega-pīti (khinh hỷ, thượng thăng hỷ), nhẹ lâng lâng như muốn bốc lên, bay lên.

- Pharaṇa-pīti (sung mãn hỷ), thấm mát, tẩm mát cả toàn thân.

Nếu một trong năm hiện tượng nầy phát sanh là hành giả đi đúng hướng thiền định. Còn thấy Phật, bồ-tát, thiên đường, địa ngục, kiếp này, kiếp kia thì biết đã hướng tâm sai, do vọng tưởng, tưởng tượng, mơ tưởng gì đó xen vào quấy rối.

Khi  phỉ  này phát sanh rồi,  sân  hoàn toàn lắng dịu,  thì “tướng hơi thở” của hành giả lúc này nó đã trở nên vi tế, nhẹ mỏng, ngắn, có thể nó chỉ còn mảnh như sợi chỉ nhích lên, nhích xuống. Cũng có thể, có người, cái tướng hơi thở là nhúm bông gòn di chuyển xuống lên. Ngoại giới xung quanh đã bắt đầu mơ hồ. Và đối tượng của tâm chỉ còn theo dõi quan sát cái tướng hơi thở ấy.

4- “Lạc” tâm sở (sukha) đối trị “trạo cử-hối quá” tâm sở (uddhacca - kukkucca)

Lạc là trạng thái an lành, an lạc của tâm. Trạo hối là gọi chung tất cả trạng thái lay động, lăng xăng, lao xao, buông lung, phóng dật, ăn năn, hối quá. Vậy nếu phỉ là khoan khoái dễ chịu ở nơi thân, thì lạc đã len vào tâm, làm cho tâm no đầy, hạnh phúc. Và khi lạc no đủ, tròn đầy thì trạo hối không còn, tâm bắt đầu có dấu hiệu dừng lặng, ở yên.

Hành giả đến đây vẫn không rời tướng hơi thở. Nếu tướng hơi thở là sợi chỉ ngắn, mảnh thì nó sẽ càng nhỏ, càng ngắn, càng mảnh. Nếu là bông gòn thì cũng vậy. Hãy cứ quan sát hơi thở, quan sát cái tướng hơi thở của mỗi người, nó ra sao thì chỉ việc theo dõi nó như vậy. Có người cái tướng hơi thở lúc này là sợi chỉ ngắn, hay bông gòn có màu xám cứ nhích lên nhích xuống. Cái tướng có màu xám ấy còn di động, cứ chú tâm vào đấy thì nó có dấu hiệu lần hồi đi đến bất động, trạng thái an lạc, theo đó lại càng được củng cố, len thấm sâu vào tâm.

Tâm sở lạc này được ví như con ong, sau khi hút mật nhuỵ có vẻ đã no nê, thoả mãn.

5- “Nhất tâm” tâm sở (ekaggatā) đối trị “dục lạc” tâm sở (kāmachanda).

Nếu lạc đã có dấu hiệu ở yên, dừng lặng thì nhất tâm là trạng thái dừng lặng bắt đầu đi sâu, bắt đầu đi vào tĩnh chỉ. Muốn được vậy thì hành giả quan sát tướng hơi thở. Cứ miên mật chú tâm vào tướng xám của hơi thở thì màu xám bắt dầu có dấu hiệu xám bạc rồi xám trong. Cứ chú tâm mãi vào tướng xám trong, màu xám sẽ dần mất nhường chỗ cho tướng sáng trong. Lúc này thì “tướng sáng trong” không còn nhúc nhích nữa, nó đã bất động. Chú tâm vào tướng sáng bất động ấy, thiền (jhāna) gọi là “quang tướng”, nắm bắt quang tướng này, hành giả sẽ đi vào định. Đến đây, ta lần lượt đi vào định cạn và định sâu, trải qua 7 sát-na tác hành tâm (javana) (1). Định cạn gọi là cận hành, định sâu gọi là an chỉ. Định cận hành thì mọi đối tượng ngoại giới đã rất mơ hồ, nhưng khi vào an chỉ thì sáu căn đã đóng kín, không còn nghe còn biết những gì ở thế giới ngoại trần nữa, chỉ còn dòng chảy bình lặng của tâm, nhập vào dòng bhavaṇga, như giấc ngủ ngon không mộng mị. Cận hành định thì còn ở cõi dục giới nhưng vào an chỉ định thì tâm đã chuyển đổi, chuyển tánh chất, từ bỏ cõi dục để đi vào cõi sắc giới.

Đến đây thì mọi ham muốn dục lạc ngũ trần sẽ không còn nữa, hành giả đã từ bỏ dục vật chất, thọ hưởng hạnh phúc tinh thần của hỷ, lạc, định. Ví như con ong sau khi hút no nê mật nhuỵ nó nằm ngủ một giấc ngủ ngon ngay trên đoá hoa!

Ta còn biết rằng, an chỉ chỉ khởi lên một sát-na rồi diệt. Tuy nhiên người trú định thuần thục, thâm sâu có thể nuôi dưỡng, an trú tâm, bằng cách giữ mãi sát-na tâm này sanh diệt liên tục hai tiếng, bốn tiếng, hay một ngày đêm...

Sau này chúng ta còn biết thêm rằng, người nhập định, tùy theo “nguyện lực” của mình để nhập định một thời gian nào đó theo ước muốn. Ví dụ: "Tôi nguyện nhập định chừng ba tiếng đồng hồ rồi xả”. Lời phát nguyện phải thành khẩn, với đức tin trọn vẹn, không lay chuyển, không hoài nghi thì chừng ba tiếng sau, hành giả tức khắc xả định. Trong trường hợp này, hành giả đã “an trú” , tức là giữ mãi “sát-na an chỉ sinh diệt” liên tục trong ba tiếng đồng hồ, gọi là nhập định được ba tiếng đồng hồ.

Lợi ích của thiền định là ta có được hạnh phúc nội tâm (lạc định) khi năm triền cái bị năm thiền chi khống chế, do vậy, tham sân phiền não hoàn toàn bị ngưng lắng, không có đối tượng để khởi sanhđược.

Thiền định hơi thở hay là hơi thở định là vậy.

Lưu ý là “tướng hơi thở” do chú tâm miên mật, do tưởng sanh, biến thành “quang tướng” mới đi vào định được, không có quang tướng không thể có định, tất cả đối tượng sắc pháp đều y như vậy, không có ngoại trừ.

Ghi chú:

(1) Trong 7 sát-na của tác hành tâm (javana), có sự hiện hữu của những sát-na tâm sau đây: Parikamma (chuẩn bị); upācara (cận hành, cận định); anuloma (thuận thứ); gotrabhū (chuyển tánh); appanā (an chỉ định).

- Parikamma (chuẩn bị): Đây là sát-na tâm sửa soạn, chuẩn bị thu nhiếp để đi vào cận định. Tuy nhiên, chỉ có hành giả căn cơ trì độn, chậm lụt mới có sát-na tâm này. Còn hành giả căn cơ nhạy bén, mau lẹ thì không có sát-na tâm chuẩn bị.

- Upācara (cận hành): Cận hành định là sự lặp đi lặp lại tương tục của những sát-na định, là thuật ngữ dùng để chỉ giây khắc sắp đi vào định, không thể có trong sinh hoạt thường nhật.

- Anuloma (thuận thứ): Sát-na tâm này là dòng chảy tự nhiên tiếp theo của lộ trình, nó thuận với sát-na tâm đi trước, thuận với sát-na tâm đi sau.

- Gotrabhū (chuyển tánh): Đến đây, sát-na tâm này từ bờ cõi Dục giới, chuyển tính chất của tâm để bước sang cõi Sắc giới.

- Appanā (an chỉ): Sát-na tâm này đã thuộc tâm Sắc giới, không còn tham muốn dục vật chất nữa mà nuôi sống tâm bằng hạnh phúc của thiền định.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/08/2013(Xem: 9384)
Kinh Pháp Cú (Dhammapada) có 26 phẩm, trong đó Đức Phật dành hẳn một phẩm nói về thái độ và quan niệm dấn thân trên mọi cuộc hành trình của tín đồ Phật giáo, cuộc hành trình nào cũng nhắm đến mục đích hạnh phúc an vui và thong dong tự tại. Đó là phẩm An Lạc (Sukkha Vagga).
08/08/2013(Xem: 9106)
Có một người buồn chán vì gia cảnh quá nghèo. Không mua nỗi chiếc giường để nằm. Trong nhà chỉ có một cái ghế dài ... Mỗi ngày anh nằm dài trên đó mà ngủ.
08/08/2013(Xem: 7486)
Hôm nay mới đến tuy còn nhọc, nhưng nghĩ tình Phật tử từ ở Ottawa lên đây chờ đợi nên tôi nói một đề tài nhỏ cho quí vị nghe hiểu, ứng dụng sống đúng với đạo lý. Đề tài tôi nói là Người giành khôn là kẻ dại, người chịu dại tức là khôn.
07/08/2013(Xem: 6015)
NUÔI BỆNH một câu chuyện để suy gẫm nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu Trang nhà Quảng Đức st Diển đọc: Tường Dinh Voice of Vietnam RADIO FM974
06/08/2013(Xem: 16446)
Cơ hội làm người của chúng ta trong đời sống quý báu của kiếp người nầy không bền lâu. Không sớm thì muộn, cái chết rồi cũng sẽ đến với tất cả mọi người. Bản chất thật sự của kiếp sống là vô thường, và cái chết không miễn trừ một ai cả. Chúng ta đã mang không biết bao nhiêu là thân xác mỗi khi chúng ta được sanh ra.
04/08/2013(Xem: 8660)
34 câu nói của người 90 tuổi
04/08/2013(Xem: 15028)
Trong thời gian làm trưởng Ban tổ chức Pháp hội đức Dalai Lama 14 thuyết giảng cho cộng đồng Việt Nam tại Tu viện Namgyal, Dharmasala, Ấn Độ, từ ngày 1-3/7/2013, tôi có cơ hội đọc các danh ngôn của đức Dalai Lama được viết thành thư pháp trong Phòng phát hành của tu viện. Tìm thêm trên trang Wikiquote và Ineedmotivation.com, tôi tuyển chọn thêm, phân loại và dịch sát nghĩa 50 câu danh ngôn dưới đây. Hy vọng, các danh ngôn này soi sáng và giúp chúng ta sống hạnh phúc bây giờ và tại đây.
31/07/2013(Xem: 10831)
Hạnh phúc & khổ đau
30/07/2013(Xem: 8171)
Thưa Quý chư Tôn Đức Tăng Ni, các anh chị và các bạn , vào thứ 6 tuần này (2/8/2013), chương trình "100 ngàn - Vạn mái ấm" sẽ tổ chức chuyến đi trao nhà kết hợp với khảo sát xây dựng tại tỉnh Đồng Nai. Thân mời các bạn tham dự cùng chương trình nhé. Các bạn liên lạc qua sdt 0168 296 4406 - gặp Lan Anh để đăng ký tham gia và vui lòng đăng ký trước ngày thứ 5 nhé. Mọi thông tin chi tiết, các bạn theo dõi sau đây nhé. Thời gian: 7am đến 17pm. Ngày thứ 6, 2/8/2013 Địa điểm: xã Xuân Bắc, Đồng Nai Chi phí: 200 000 / người. Bao gồm: - Ăn sáng - Ăn trưa - Trái cây vườn, nước uống, khăn lạnh - Chương trình giao lưu, sinh hoạt giữa các thành viên & ban tổ chức. Lịch trình: - 6h45: tập trung tại Trung tâm triễn lãm Tân Bình, đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình. - 7am: xuất phát - Chương trình giao lưu trên xe. - 9h30: đến nơi - 10am: tiến hành lễ trao nhà cho gia đình người nhận - 11
30/07/2013(Xem: 8264)
Con xin mạn phép Thầy Thích Huệ Viên, kể lại chuyện này cho mọi người nghe, mong thầy hoan hỷ. Thưa quý vị, nếu quí vị tin, đó là phước báu của quí vị, nếu quí vị không tin là sự thật cũng không sao, chuyện này có thể chứng minh bằng người thật việc thật. Bạn cứ đến chùa xem thử, chứng kiến những điều tôi đã trải qua trong mười ngày qua.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567