Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Các Họa Sĩ Thế Giới Chung Tay Vẽ Tranh Về Paris

21/11/201507:51(Xem: 12387)
Các Họa Sĩ Thế Giới Chung Tay Vẽ Tranh Về Paris

Các họa sĩ trên khắp thế giới đã và đang vẽ tranh để cổ vũ Paris đứng lên sau thảm kịch ngày 13/11 vừa qua.


Sau sự kiện khủng bố Pháp 13/11 làm 128 người chết và hàng trăm người khác bị thương, nước Pháp- kinh đô ánh sáng, thành phố của tình yêu nay phủ đầy tang tóc. Cả thế giới đều chấn động trước tin một thành phố giữa lòng Châu Âu lại bị tấn công thảm khốc như vậy, đồng thời gửi lời chia buồn tới thân quyến các nạn nhân.
 
Instagram, Twitter, Facebook khắp nơi đều ngập tràn những bức tranh vẽ động viên Paris sớm vượt qua sự việc tang thương lần này.
blank
"Chúng tôi không sợ hãi" -Tác giả: Mathilde Adorno.
 
blank
Paris tang tóc -Tác giả: Carlos Latuff.
 
blank
Bức tranh của Plantu miêu tả tháp Eiffel chiếu sáng Paris trong thời khắc u tối.
 
blank
Nước Pháp đau buồn vì sự kiện 13/11- Tác giả Jaume Capdevila.
 
blank
Biểu tượng của Paris an ủi người dân thủ đô sau thảm họa Ngày thứ 6 đen tối.
 
blank
Tác phẩm của Hélène Berrier nhắc tới cả hai thảm kịch Charlie Hebdo và Paris 13/11.
blank
Tình yêu rồi sẽ lại bao phủ kinh đô ánh sáng- Tác giả Linda Mill.
 
blank
Bức tranh của Benjamin Regnier.
 
blank
Cầu nguyện cho Paris- Tác giả AnthoDraw.
 
blank
Những ngọn nến từ khắp thế giới xoa dịu nỗi đau Thứ 6 ngày 13 của Paris.
 
blank
Tác giả Steve Sack với bức tranh mang hàm ý cuộc tấn công 13/11 tại Paris như sét đánh giữa trời quang.
 
blank
Rồi tình yêu cũng sẽ chiến thắng nghịch cảnh- Tác giả Rabii Rammal.
 
blank
Tác giả Osama Hajjaj từ Jordan gửi gắm bức tranh tới Paris.
 
blank
Thông điệp về sự đoàn kết và hy vọng của Jeffrey Koterba.
blank
 Họa sĩ Cristian Dzwonik từ Argentina với bức tranh Cả thế giới khóc thương Paris.
 
blank
Cầu thủ người Ý Andrea Bertolacci: "Các bạn không hề cô đơn".


Hạnh Nhân 
(Theo Telegraph)


****

Thư người mất vợ ở Paris gởi IS: Các người sẽ không nhận được sự hận thù



Cô ấy vẫn cứ xinh đẹp như khi tôi mới yêu cô ấy cách đây hơn 12 năm”, anh Antoine Leiris viết trên Facebook kể về thời khắc anh được gặp lại người vợ yêu Helene Muyal-Leiris từ … nhà xác.
Chính phủ Pháp hôm 18.11 đã thông báo nhận diện xong toàn bộ 129 nạn nhân của vụ khủng bố Paris đêm 13.11, vì vậy người dân có thể đến nhận thi thể người thân về mai táng. Trong số này có cô Muyal-Leiris, mới 35 tuổi. Cô bị bắn chết tại nhà hát Bataclan cùng 89 người khác trong đêm kinh hoàng 13.11 qua.
Những người chết sau vụ khủng bố Paris đã nằm xuống, nhưng gia đình họ, cả thành phố Paris, cả nước Pháp và cả thế giới này vẫn đang đau đớn.
Người chồng mất vợ lên Facebook viết status gửi IS: “Đêm thứ sáu, các ông đã cướp đi một mạng sống lớn lao, đó là tình yêu của đời tôi, là mẹ của con trai tôi. Nhưng tôi sẽ không thù hận các ông. Tôi không biết các ông là ai và cũng không muốn biết. Các ông chỉ là những linh hồn đã chết”.
Thông điệp của Leiris đã làm lay động con tim cộng đồng mạng, đang được dịch ra nhiều thứ tiếng và được chia sẻ rất nhanh, thu hút hàng trăm ngàn lượt người đọc.
Anh Leiris viết tiếp: “Nếu thượng đế, đấng mà các ông xưng danh để giết người bừa bãi, tạo dựng chúng ta theo hình ảnh của người, mỗi viên đạn trên thân thể vợ tôi là mỗi vết thương trong trái tim thượng đế. Vì thế, sẽ không có chuyện tôi cho các ông món quà hận thù. Các ông muốn nó, nhưng đem sự giận dữ ra mà đáp trả hận thù thì chẳng khác nào tôi cũng giống như các ông.
Các ông muốn tôi sợ hãi. Các ông muốn tôi nhìn đồng hương của tôi với cặp mắt nghi ngờ. Các ông muốn tôi hy sinh tự do cho an ninh. Các ông đã lầm.
Tất nhiên, tôi đau đớn trước sự mất mất này. Tôi đã để cho các ông giành được một chiến thắng nhỏ. Nhưng sự đau đớn sẽ mau qua đi. Tôi biết rằng cô ấy sẽ luôn ở bên cạnh chúng tôi mỗi ngày và chúng tôi sẽ lại tìm được nhau ở chốn thiên đường của những linh hồn yêu thương và tự do, chốn mà các ông sẽ không bao giờ vào được.
Chúng tôi chỉ còn lại hai người, con trai tôi và tôi. Nhưng chúng tôi sẽ mạnh hơn bất kỳ đội quân nào trên thế giới này. Tôi không còn giờ để dành cho các ông nữa. Tôi phải đến với Melvils. Nó đã ngủ trưa dậy rồi”.
Nhưng người chồng trẻ Leiris, nhà báo làm việc cho một đài phát thanh ở Pháp cũng không quên “nhắn nhủ” IS thêm một điều: sẽ nuôi dạy Melvil lớn lên trong “hạnh phúc và tự do. Bởi vì không, các ông cũng sẽ không nhận được sự hận thù từ nó”.
Kiều Oanh 
http://thanhnien.vn/the-gioi/thu-nguoi-mat-vo-o-paris-goi-is-cac-nguoi-se-khong-nhan-duoc-su-han-thu-636125.html
)




Cuộc trò chuyện cảm động 
của cha con gốc Việt về vụ khủng bố Paris

angel-le-2

(xem video)


blank


***

Thuốc nổ 'Mẹ Quỷ' IS dùng trong vụ thảm sát Paris

Với sức công phá lớn, dễ chế tạo bằng các hóa chất sẵn có, "Mẹ Quỷ" trở thành loại thuốc nổ ưa thích của các phần tử khủng bố, trong đó có những kẻ gây thảm sát ở Paris.
thuoc-no-me-quy-is-dung-trong-vu-tham-sat-paris

Đặc nhiệm Pháp tham gia vụ đột kích ở Saint Denis. Ảnh: Independent

Hôm 18/11, đội đặc nhiệm RAID của Pháp đã phải tháo lui sau khi nữ nghi phạm Hasna Aitboulahcen kích hoạt khối thuốc nổ trên người trong vụ đột kích vào tòa nhà ở Saint-Denis, ngoại ô thủ đô Paris. Sức công phá từ vụ nổ mạnh đến mức một phần sàn nhà sụp xuống, thi thể của Aitboulahcen bị xé thành nhiều mảnh văng ra đường, cửa kính các căn hộ trên phố đều vỡ vụn.

Aitboulahcen là một trong 8 nghi phạm sử dụng đai bom có liên quan đến vụ thảm sát ở Paris hôm 13/11 khiến 129 người thiệt mạng. Nhà chức trách Pháp xác định loại thuốc nổ mà các nghi phạm sử dụng trong vụ khủng bố này được mệnh danh là "Mẹ của Quỷ Satan", bởi sự bất ổn định và sức công phá lớn của nó, theo Mashable.

Thuốc nổ Triacetone-Triperoxide, hay TATP, là loại chất nổ được các phần tử khủng bố sử dụng nhiều bởi nó rất dễ sản xuất bằng những nguyên liệu bình thường có thể mua được từ các hiệu thuốc. Tuy nhiên, loại thuốc nổ này rất khó bảo quản, và có thể dễ dàng phát nổ bởi những thao tác nhỏ trong quá trình chế tạo bom hay đai thuốc nổ.

Theo đặc vụ Kirk Dennis, chuyên gia về thuốc nổ của Cục quản lý Rượu, Thuốc lá, Vũ khí và Chất nổ Mỹ, TATP chính là thuốc nổ được tên khủng bố Richard Reid sử dụng trong quả bom giấu dưới đế giày của y nhằm đánh bom tự sát trên một máy bay Mỹ năm 2001. Việc IS nhồi TATP vào áo khoác tự sát không phải là điều đáng ngạc nhiên.

Điều khiến Dennis ngạc nhiên là tất cả đai bom mà các phần tử IS sử dụng trong vụ khủng bố Paris đều phát nổ theo đúng dự tính của chúng, chứ không nổ tung trong quá trình chế tạo hay phân phát đến tay những kẻ đánh bom tự sát. Chỉ có hai ngoại lệ là một nghi phạm ở nhà hát Bataclan bị trúng đạn của cảnh sát gục xuống, và đai bom trên người hắn phát nổ ngay sau đó. Trường hợp thứ hai là kẻ khủng bố ở đại lộ Voltaire bị chết mà không gây ra thương vong cho người nào khác, khi đai bom trên người hắn có vẻ phát nổ sớm hơn dự kiến.

Dễ kiếm

The Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia Mỹ, thuốc nổ TATP nhìn giống bột nở, là hợp chất giữa hydrogen peroxide (thành phần có trong nước ôxy già) và acetone, thêm một lượng nhất định axit clohydric. "Tại các nước phương Tây, bạn có thể dễ dàng mua được các loại hóa chất này, thậm chí là từ hiệu thuốc", Dennis cho hay.

thuoc-no-me-quy-is-dung-trong-vu-tham-sat-paris-1

Chuyên gia Dennis cầm trên tay một lọ nhỏ thuốc nổ TATP. Ảnh: Mashable

FBI đang hỗ trợ cơ quan điều tra Pháp xem xét thi thể những kẻ đánh bom tự sát trong vụ khủng bố để xác định cấu tạo, thành phần, cơ chế kích hoạt và nguồn điện của các đai thuốc nổ. Nếu chúng đều giống nhau, chứng tỏ tất cả các đai thuốc nổ này đều do một kẻ chế tạo, và kẻ đó hẳn là chuyên gia chế tạo bom, Dennis nói.

Các chuyên gia chất nổ cho biết TATP có thể được chế tạo ở bất cứ đâu, trong một căn hộ chung cư, phòng khách sạn hay một địa điểm không đáng ngờ nào khác, không cần các thiết bị phức tạp. Khi lần ra phòng khách sạn mà nghi phạm Salah Abdeslam từng ở trước vụ khủng bố, cảnh sát phát hiện nhiều xy lanh và ống dẫn, các dụng cụ bị nghi là dùng để pha trộn hóa chất chế tạo bom.

Họ cũng nghi ngờ rằng TATP chính là loại thuốc nổ đã được nhồi vào lon nước ngọt được tuồn vào khoang hành lý của máy bay Metrojet của Nga rồi phát nổ, khiến toàn bộ 224 người trên khoang thiệt mạng.

Dù dễ chế tạo và có lực lớn, TATP lại là con dao hai lưỡi, bởi nếu không cẩn thận, nó rất dễ phát nổ ngay trong quá trình chế tạo. Ông Scriven King, sĩ quan quân cảnh không quân Mỹ, cho biết TATP phải được pha trộn trong môi trường yên tĩnh, ổn định, nơi nhiệt độ không được dao động quá lớn.

Khi cảnh sát Bỉ đột nhập vào hang ổ một nhóm nghi phạm khủng bố ở "xóm liều" Molenbeek, ngoại ô thủ đô Brussels, họ phát hiện một tay súng vẫn đang tìm cách cho thuốc nổ TATP vào tủ lạnh để bảo quản cho vụ khủng bố mà chúng đang lên kế hoạch.

Kẻ chế tạo bom chuyên nghiệp

Theo ông King, để sản xuất được 8 đai bom thuốc nổ TATP, nhóm khủng bố cần thời gian chuẩn bị khoảng một năm. "Chúng ta đang đối mặt với một kẻ chế tạo bom chuyên nghiệp, một kẻ chắc chắn đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này", ông nói.

Trong quá trình này, chỉ cần một va chạm mạnh hay tia nhiệt, TATP có thể dễ dàng phát nổ bởi bản chất bất ổn của nó. "Hợp chất này rất nguy hiểm, bất cứ tác nhân nhiệt độ hay ma sát nào đều có thể khiến nó phát nổ", ông cảnh báo.

"Kẻ nào chế tạo ra loại thuốc nổ này, những đai bom này, hoặc là rất may mắn, hoặc là rất tự tin vào khả năng của mình. Chỉ cần một vụ nổ, hắn sẽ chết hoặc bị thương nặng, và cả kế hoạch có nguy cơ đổ bể. Đó không phải là thứ bạn có thể dễ dàng lắp ráp trong một đêm".

thuoc-no-me-quy-is-dung-trong-vu-tham-sat-paris-2

Một áo khoác đánh bom tự sát dùng thuốc nổ TATP bị quân đội Israel thu giữ năm 2002. Ảnh: DefenseNews

IS không phải là nhóm khủng bố duy nhất trên thế giới sử dụng loại chất nổ này. Ngày 7/7/2005, những kẻ khủng bố tấn công tàu điện ngầm ở London, Anh cũng sử dụng một loại thuốc nổ có tên là HMTD, có thành phần tương tự nhưng ít nhạy cảm với các tác động bên ngoài hơn TATP.

Cuộc điều tra của cảnh sát Anh sau đó cho thấy họ đã gặp rất nhiều khó khăn khi tìm kiếm vị trí nơi những kẻ khủng bố chế tạo bom, nếu không có thông tin từ phía cơ quan tình báo, chẳng hạn như các cuộc điện thoại bị nghe lén.

Tuy nhiên, cảnh sát Anh cũng đã phát hiện ra những dấu hiệu bất thường có thể vạch mặt những kẻ đang tìm cách chế tạo "Mẹ Quỷ".

Một báo cáo được trình bày trước Hạ viện Anh năm 2006 cho biết hai kẻ tham gia vụ đánh bom ở London đã mua khẩu trang để pha chế thuốc nổ từ các loại hóa chất trong đó có hydrogen peroxide, ngay trong căn hộ của chúng.

Trong quá trình chế tạo, vì tiếp xúc với hydrogen peroxide đậm đặc, hóa chất có tính tẩy màu mạnh, trong thời gian dài, nên tóc của hai nghi phạm trở nên nhạt màu một cách bất thường. Hóa chất bốc ra từ cửa sổ căn hộ cũng khiến cây cối xung quanh khô héo và chết, báo cáo nhấn mạnh.

Chuyên gia Dennis kêu gọi người dân Pháp thông báo ngay cho cảnh sát nếu phát hiện bất cứ ai mua các loại hóa chất trên với số lượng lớn, hay nhận thấy người nào đó xung quanh bị bạc tóc bất thường hoặc đột nhiên nhuộm tóc, cũng như những người thường xuyên sở hữu lượng lớn nước ôxy già trong nhà.

"Bởi nguy cơ khủng bố ngày càng gia tăng, thời kỳ mà bạn cứ im lặng trước những dấu hiệu đáng ngờ đã hết rồi", chuyên gia này nói.

Trí Dũng

vnexpress.net


****


Gia đình kẻ chủ mưu khủng bố Paris mong hắn chết

Lúc gia đình Abdelhamid Abaaoud nghe được tin y bị giết khi đang chiến đấu cho Nhà nước Hồi giáo, họ coi đó là một tin mừng.
gia-dinh-ke-chu-muu-khung-bo-paris-mong-han-chet

Abdelhamid Abaaoud. Ảnh: Abc News

"Chúng tôi luôn cầu nguyện rằng Abdelhamid thực sự đã chết", New York Times dẫn lời Yasmina, chị gái của Abdelhamid Abaaoud, nói.

Abaaoud mùa thu năm ngoái quay trở lại châu Âu để bí mật gặp gỡ các phần tử Hồi giáo cực đoan, những kẻ cùng chung chí hướng với y, muốn gieo rắc sợ hãi và gây ra tình trạng hỗn loạn trên khắp thế giới. Abaaoud cũng được xác định chính là kẻ chủ mưu chuỗi vụ tấn công ở Paris cuối tuần trước khiến 129 người thiệt mạng.

"Tất nhiên, chẳng có gì vui vẻ khi gây đổ máu. Nhưng ta lại luôn cảm thấy vui khi nhìn máu của những kẻ không có niềm tin phải đổ", Abaaoud tuyên bố trong một video tuyển mộ chiến binh cho IS bằng tiếng Pháp.

Hồi đầu năm, tạp chí Paris Match tìm thấy một đoạn phim quay cảnh Abaaoud cười thích thú và pha trò trong lúc đang kéo lê các xác chết sau một chiếc xe bán tải. Và bằng cách nào đó, y còn thuyết phục được người em trai, Younes, mới 13 tuổi, tới Syria.

"Tôi không thể chịu đựng nổi nữa", ông Omar Abaaoud, cha của Abdelhamid Abaaoud, khi đó nói với các phóng viên. "Nó hủy hoại gia đình. Tôi không bao giờ muồn nhìn lại mặt nó".

Theo một quan chức quân đội đã nghỉ hưu ở châu Âu, khi Abaaoud trở lại đây vào cuối năm ngoái, nhà chức trách theo dõi điện thoại và phát hiện y có mặt ở thủ đô Athens của Hy Lạp song lại để mất dấu. Không lâu sau, xuất hiện manh mối cho thấy dường như Abaaoud đã tới Bỉ, nơi hắn lớn lên.

Vào thời điểm Abaaoud bắt đầu hành trình trở về châu Âu, Abu Muhammad al-Adnani, một thủ lĩnh của IS, đã kêu gọi thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào những người không theo đạo Hồi.

"Nếu có thể giết lũ vô đạo người Mỹ hay châu Âu, đặc biệt là những kẻ hằn học và bẩn thỉu người Pháp, hãy đặt niềm tin vào thánh Allah và giết chúng bằng mọi giá", al-Adnani nói.

Abaaoud có thể nằm trong số hai kẻ bị cảnh sát Pháp tiêu diệt sau cuộc đột kích hôm qua tại Saint - Denis, Washington Post dẫn lời hai quan chức cấp cao châu Âu cho biết. Tuy nhiên ông François Molins, ủy viên công tố Paris, lại nói chưa thể cung cấp danh tính những kẻ bị hạ gục trong cuộc bao vây.

Vũ Hoàng

vnexpress.net

***


Cảnh sát lần ra chủ mưu khủng bố Pháp nhờ nghe lén điện thoại

Cảnh sát lần ra nơi trú ẩn của nghi phạm chủ mưu vụ khủng bố Paris bằng cách theo dõi em họ hắn, người sau đó đánh bom tự sát trong cuộc đột kích.
canh-sat-lan-ra-chu-muu-khung-bo-phap-nho-nghe-len-dien-thoai

Abdelhamid Abaaoud. Ảnh: TVM

Theo Reuters, khi được quan chức Morocco thông báo rằng nghi phạm chủ mưu khủng bố Abdelhamid Abaaoud đang ở Pháp, cảnh sát Pháp ngay lập tức tập trung vào Hasna Aitboulahcen, người phụ nữ liên quan đến hắn ta mà họ vốn đang theo dõi.

Cảnh sát đã nghe lén điện thoại của Aitboulahcen trong một cuộc điều tra ma túy và lần theo dấu vết cô ta đến Saint-Denis, phía bắc Paris. Họ theo dõi và phát hiện người phụ nữ này đưa Abaaoud vào tòa nhà bị cảnh sát bao vây hôm 18/11.

Cả hai sau đó chết trong cuộc đột kích của cảnh sát vào tòa nhà. Aitboulahcen đã đánh bom tự sát, các quan chức cho biết một người chưa xác định thứ ba đã chết cùng với họ. Aitboulahcen có thể là em họ của Abaaoud.

Trước đó, một nguồn tin cảnh sát cho biết Abaaoud đã xuất hiện trong đoạn phim do camera an ninh ghi lại tại một ga điện ngầm ngoại thành, khi các cuộc tấn công đang diễn ra ở trung tâm Paris. Hắn xuất hiện ở ga Croix de Chavaux tại Montreuil, khá gần nơi một trong những chiếc xe được sử dụng trong các cuộc tấn công được tìm thấy, một nguồn tin cảnh sát cho biết.

canh-sat-lan-ra-chu-muu-khung-bo-phap-nho-nghe-len-dien-thoai-1

Hasna Aitboulahcen. Ảnh: Mirror


Phương Vũ
vnexpress.net


****

Nữ đánh bom tự sát - chiến lược nhắm tới hai đích của IS

Việc sử dụng phụ nữ để đánh bom tự sát chứng tỏ IS đã có những thay đổi lớn trong việc sử dụng lực lượng của mình.
nu-danh-bom-tu-sat-chien-luoc-nham-toi-hai-dich-cua-is

Nữ nghi phạm đánh bom tự sát Hasna Aitboulahcen. Ảnh: Independent

Sớm ngày 18/11, nữ nghi phạm Hasna Aitboulahcen đã tự kích hoạt đai bom tự sát khi bị cảnh sát Pháp bao vây căn hộ tại thành phố Saint-Denis, ngoại ô Paris, trong chiến dịch truy lùng những kẻ gây ra vụ khủng bố khiến 129 người chết hồi tuần trước.

Đây là vụ kích bom tự sát đầu tiên của một phụ nữ Tây Âu, gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức độ liều lĩnh và manh động cũng như bước chuyển quan trọng trong chiến lược sử dụng nhân lực của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS), các chuyên gia cảnh báo.

Tạo cú sốc lớn

Theo các nhà phân tích, đạo Hồi có các quy định rất khắt khe về vai trò của phụ nữ, và những quy định hà khắc này được phiến quân IS áp dụng tại các lãnh thổ do chúng kiểm soát.

Bà Géradile Casult, tiến sĩ xã hội học, chuyên gia về phong trào jihad, cho rằng từ khi tuyên bố thành lập đến nay, phiến quân IS chỉ tuyển mộ phụ nữ để thực hiện các nhiệm vụ phi tác chiến, chẳng hạn như duy trì luật lệ, phát hiện và trừng phạt các phụ nữ vi phạm luật đạo Hồi.

Luận điệu IS đưa ra trong quá trình tuyển mộ nhấn mạnh vai trò làm vợ, làm mẹ của phụ nữ, cũng như các hoạt động hậu phương với mục đích hỗ trợ về tinh thần cho các tay súng nam, chứ không phải trực tiếp cầm súng chiến đấu.

Chỉ trừ các trường hợp thật đặc biệt, IS mới có thể bỏ qua định khắt khe này, sử dụng phụ nữ làm phương tiện để đạt được mục đích chiến lược quan trọng nào đó.

"Sau vụ khủng bố ngày 13/11, các chỉ huy của IS có thể đã nhận định rằng kế hoạch tiến hành vụ tấn công thứ hai ở Paris đã bị đổ bể. Mục tiêu trước mắt là cần phải tiếp tục gây sốc, tăng cường tâm lý hoang mang sợ hãi trong dân chúng Pháp. Quyết định cho một nữ nghi phạm đánh bom liều chết là lựa chọn phù hợp. Cái chết của một phụ nữ đánh bom tự sát sẽ tạo ra một cú sốc lớn cho xã hội Pháp vốn rất đề cao và trân trọng phụ nữ", bà Casult nhận định.

Theo bà Marc-Antoine de Montclos, chuyên gia nghiên cứu về vai trò của phụ nữ trong các tổ chức jihad tại viện Nghiên cứu và Phát triển Pháp, khi IS quyết định để một thành viên nữ đánh bom tự sát, đó chính là động thái chiến lược đánh vào dư luận mà nhà chức trách Pháp cần phải thận trọng. Về mặt tâm lý, cái chết của nữ nghi phạm ở Saint-Denis có thể có tác động không kém một vụ xả súng hoặc nổ bom đẫm máu trong các khu phố của Paris.

"Sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động thảm sát hàng loạt luôn tạo ra một tâm lý ngạc nhiên và kinh sợ đối với dư luận", bà Montclos nhận định.

Cú hích tinh thần

"Ngoài mục đích gây sốc và sợ hãi, IS còn có thể lợi dụng vụ đánh bom tự sát của Aitboulahcen vào mục đích chiến lược nhằm động viên các phiến quân nam tại Syria, vốn đang có chiều hướng mất tinh thần trước các cuộc không kích ác liệt của Nga và Pháp trong những ngày qua", bà Casult đánh giá.

Theo bà Fatima Lahnait, tác giả cuốn sách "Phụ nữ jihad" do trung tâm Nghiên cứu tình báo Pháp phát hành, sự "hy sinh" của một phụ nữ trong tổ chức sẽ có tác động rất mạnh vào lòng tự trọng đàn ông của các chiến binh Hồi giáo cực đoan vốn bị tư tưởng gia trưởng ăn sâu bám rễ trong suốt nhiều thế kỷ qua.

"Đó giống như một cú hích tinh thần đối với các phiến quân nam ở Iraq và Syria", bà Lahnait nói.

Những báo cáo tình báo mới đây cho thấy IS đã có những thay đổi lớn trong chiến lược sử dụng lực lượng do phải hứng chịu nhiều tổn thất trong các đợt không kích của Nga từ đầu tháng 10, theo Le Point.

Nhằm đối phó với nguy cơ thiếu hụt tay súng nam trong các cuộc giao tranh với quân đội chính phủ Syria trong thời gian tới, IS đã bắt đầu sử dụng phụ nữ vào các hoạt động tác chiến trực tiếp, trong đó có đánh bom tự sát.

Đối tượng chúng lựa chọn chính là các phụ nữ trẻ có chồng hoặc cha chết trong các đợt không kích của Nga và liên quân do Mỹ dẫn đầu cũng như trong các trận chiến với quân đội chính phủ.

"Các thủ lĩnh IS thường huyễn hoặc những phần tử đánh bom tự sát nam bằng lời hứa về 72 trinh nữ xinh đẹp đang đợi chúng trên thiên đường. Lời hứa hẹn này hoàn toàn vô nghĩa với các đối tượng nữ. Chúng lại vẽ ra viễn cảnh rằng chồng, cha và người thân của họ đang đợi chờ họ cùng Thượng đế. Đó là một động lực tinh thần to lớn", chuyên gia Fatima Lahnait cho biết.

"Xu hướng này chưa dừng lại ở đây, nữ nghi phạm tại Saint- Denis chỉ là trường hợp đầu tiên mang tính biểu tượng. Thời gian tới, chúng ta có thể còn phải chứng kiến nhiều đối tượng nữ trẻ tuổi hơn tìm đến cái chết theo cách này", Lahnait nhận định.

nu-danh-bom-tu-sat-chien-luoc-nham-toi-hai-dich-cua-is-1

Diễn biến cuộc đột kích ở Saint Denis. Đồ họa: Tiến Thành


Nguyễn Hoàng

vnexpress.net


***

Ba giờ đấu súng diệt khủng bố của 70 đặc nhiệm Pháp

Từ tin mật báo, đặc nhiệm Pháp bao vây tòa nhà mà không ngờ được rằng những mối đe dọa lớn đang rình rập họ sau cánh cửa.
ba-gio-dau-sung-diet-khung-bo-cua-70-dac-nhiem-phap

Cảnh sát đặc nhiệm Pháp tham gia chiến dịch đột kích. Ảnh: Reuters

Khi bắt đầu chiến dịch đột kích vào một ngôi nhà ở thành phố Saint-Denis, ngoại ô thủ đô Paris rạng sáng ngày 18/11, cảnh sát đặc nhiệm Pháp đã phải đối mặt với rất nhiều thử thách ngay sau lệnh xuất kích của chỉ huy, theo Reuters.

Khoảng 70 thành viên đội đặc nhiệm chống khủng bố RAID với sự hỗ trợ của 40 cảnh sát đã bao vây một tòa nhà trên phố Rue du Corbillon lúc 3h16, sau khi nhận được tin mật báo rằng tên Abdelhamid Abaaoud, kẻ chủ mưu vụ khủng bố kinh hoàng ở Paris hôm 13/11 khiến ít nhất 129 người chết, có thể đang lẩn trốn trong tòa nhà. Trước đó, một số nhân chứng khẳng định đã nhìn thấy Abaaoud xuất hiện ở khu phố này, công tố viên Paris Francois Molins cho biết.

Đội đặc nhiệm được lệnh phá cửa tòa nhà và tiến thẳng lên tầng ba để truy bắt nghi phạm. Tuy nhiên, ngay từ lúc xuất phát, họ đã gặp phải trở ngại đầu tiên. Cánh cửa tòa nhà được gia cố chắc chắn, và khối thuốc nổ đầu tiên mà họ gài vào đã không phá bung được cửa. Tiếng nổ đã khiến những kẻ khủng bố bên trong tòa nhà thức giấc và có thời gian chuẩn bị để chống trả.

Ông Jean-Michel Fauvergue, chỉ huy đội RAID, kể với tờ Le Figaro rằng những nghi phạm bên trong tòa nhà đã đẩy đồ đạc ra chắn sau cửa để ngăn đội đặc nhiệm tiến vào, rồi nổ súng chống trả dữ dội.

"Chúng bắn hàng trăm viên đạn, thậm chí còn ném cả lựu đạn", ông Fauvergue cho biết. Trận đấu súng càng lúc càng quyết liệt và kéo dài tới 45 phút. Cảnh sát cũng sử dụng lựu đạn, súng trường và súng bắn tỉa để chế áp nghi phạm, và họ đã bắn ra tổng cộng gần 5.000 viên đạn.

Khi tiếng súng lắng xuống, cảnh sát cử chú chó nghiệp vụ Diesel của đội RAID tiến vào thăm dò, nhưng chú chó 7 tuổi này đã bị các nghi phạm bắn chết ngay sau đó. Đúng lúc này, lực lượng bắn tỉa của cảnh sát cũng tìm được vị trí ngắm thích hợp ở tòa nhà đối diện, nơi họ có thể nhìn được vào bên trong căn nhà thông qua cửa chính và cửa sổ.

Lính bắn tỉa phát hiện một nghi phạm và hô lớn yêu cầu hắn ta giơ tay lên, nhưng hắn không chịu chấp hành, và Faugergue ra lệnh nổ súng. Tuy nhiên, tên này chỉ bị thương ở tay và tiếp tục bắn trả.

Sau gần hai tiếng đấu súng, cảnh sát đã bắt được ba nghi phạm đầu tiên, trong đó có một người bị thương ở tay. Các nghi phạm còn lại tiếp tục cố thủ trong căn hộ.

Nữ nghi phạm vờ kêu cứu  

Đến 6 giờ sáng, tiếng súng ngớt dần, một phụ nữ tóc vàng đột nhiên xuất hiện bên cửa sổ và kêu lớn "Cứu tôi với, xin hãy cứu tôi", các nhân chứng tại khu vực lân cận cho biết.

Một nhân chứng tên là Christian sống ở khu phố này kể: "Khoảng 10-15 phút sau khi tiếng súng lắng xuống, tôi nghe thấy tiếng một phụ nữ kêu cứu. Cảnh sát yêu cầu cô ta xưng danh và lộ diện. Cô ta giơ tay lên trời nhưng không để lộ khuôn mặt".

ba-gio-dau-sung-diet-khung-bo-cua-70-dac-nhiem-phap-1

Chú chó nghiệp vụ Diesel bị khủng bố bắn chết khi tham gia chiến dịch đột kích. Ảnh: AFP



Cô gái này nhiều lần bỏ tay xuống rồi lại giơ tay lên. Một nhân chứng khác tên là Thibault Chaffotte kể: "Cảnh sát hô lớn, yêu cầu cô này giơ tay lên trời và không được bỏ xuống, nếu không họ sẽ bắn, nhưng cô gái không chấp hành, và tiếng súng lại tiếp tục rộ lên".

Cảnh sát tiếp tục bắn từ mái của tòa nhà đối diện vào bên trong căn hộ. Đột nhiên, một tiếng nổ rất lớn phát ra, có vẻ như là từ khối thuốc nổ gắn trên người cô gái. Tiếng nổ lớn đến mức cửa sổ của các căn nhà dọc khu phố vỡ tan tành. "Các bộ phận thi thể người vung vãi khắp nơi, một đoạn xương sống còn rơi trúng xe của chúng tôi đậu phía trước", ông Fauvergue nói.

Theo các chuyên gia chống khủng bố, những kẻ đánh bom tự sát thường lợi dụng phụ nữ đóng giả làm nạn nhân để dụ lực lượng cảnh sát và an ninh tiến tới gần hơn trước khi kích nổ quả bom nhằm gây thương vong nhiều hơn.

Cảnh sát Pháp xác định cô gái tóc vàng này là Hasna Aitboulahcen, em họ của tên chủ mưu Abaaoud. Một số điều tra viên cho rằng chính Aitboulahcen đã tự kích nổ quả bom gắn trên người, tuy nhiên ông Molins tỏ ra thận trọng khi nói rằng cần phải tìm hiểu thêm để xác định ai là người kích hoạt quả bom.

Robot thăm dò

Sức công phá từ quả bom mạnh đến mức khiến một phần tầng ba của tòa nhà sụp xuống, vùi lấp các bộ phận thi thể của Aitboulahcen. Những kẻ còn lại tiếp tục nã đạn ra bên ngoài, buộc Fauvergue phải ra lệnh cho đặc nhiệm ném khoảng 20 quả lựu đạn vào bên trong.

Họ điều một robot gắn camera tiến vào bên trong căn hộ để thăm dò tình hình, nhưng robot không thể tiến sâu vì có quá nhiều gạch đá, mảnh vỡ cản trở lối đi. Phát hiện một phần tầng ba bị sập, cảnh sát vội rút xuống tầng hai để đảm bảo an toàn trước khi tiếp tục cuộc đột kích.

Tại tầng hai, họ phát hiện một một thi thể rơi xuống qua lỗ thủng trên trần nhà. Ông Molins cho biết thi thể này bị trúng nhiều phát đạn và mảnh văng đến mức không thể nhận diện được. Nhiều người tin rằng đây chính là Abaaoud, kẻ đã lên kế hoạch thực hiện hàng loạt vụ tấn công đẫm máu ở Paris.

Các điều tra viên Pháp cho biết họ sẽ xét nghiệm ADN để xác định xem nghi phạm bị tiêu diệt này có phải là Abaaoud hay không.

Khi tiếp tục trở lại tầng ba, cảnh sát phát hiện hai người đàn ông đang nấp sau máy giặt và bắt giữ họ đưa xuống tầng một. Tổng cộng cảnh sát đã bắt giữ 7 nghi phạm nam và một nghi phạm nữ trong và ngoài tòa nhà này. Không phát hiện thêm dấu hiệu chuyển động nào bên trong căn hộ, cảnh sát cuối cùng ập vào bên trong và tuyên bố kết thúc cuộc đột kích. Có 5 cảnh sát bị thương nhẹ trong chiến dịch này.

"Đây là một chiến dịch đột kích vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Có vẻ như lực lượng an ninh đã không lường trước được sự hung hãn của những kẻ khủng bố đang chờ đợi họ", Tổng thống Pháp Francois Hollande phát biểu.

Tuy nhiên, ông Molins cho biết, nhờ chiến dịch đột kích này, cảnh sát đã phá vỡ một âm mưu khủng bố sắp xảy ra, đồng thời phát hiện và vô hiệu hóa một nhóm khủng bố khác ở địa điểm gần đó. Ngay sau chiến dịch đột kích, cảnh sát tiếp tục bao vây, khám xét nhiều vị trí khác ở Saint Denis, trong đó có một nhà thờ gần đó.

"Chúng tôi có lý do tin rằng với số vũ khí, cấu trúc tổ chức và quyết tâm của chúng, nhóm khủng bố này đang sắp sửa hành động", ông Molins cho hay.

ba-gio-dau-sung-diet-khung-bo-cua-70-dac-nhiem-phap-2

Các nghi phạm trong vụ khủng bố đẫm máu ở Paris.  Đồ họa: Tiến Thành


Trí Dũng

vnexpress.net

****

Nữ bồi bàn liều mạng giúp các nạn nhân vụ khủng bố Paris

Bất chấp nguy cơ kẻ khủng bố quay lại nổ súng tấn công, Jasmine El Youssi vẫn chạy ra ngoài, mong giúp đỡ những người đang gục xuống đường.
nu-boi-ban-lieu-mang-giup-cac-nan-nhan-vu-khung-bo-paris

Jasmine giúp đỡ một phụ nữ bị thương chạy vào nấp sau quầy bar. Ảnh: Mirror

Jasmine, phục vụ một quán cà phê ở Paris và anh họ Samir làm nghề pha chế rượu, đang nói chuyện với nhau phía sau quầy bar thì tiếng đạn xé tai vang lên hôm 13/11, theo Mirror.

"Lúc đầu, tôi cứ tưởng là bọn trẻ con đang chơi trò gì đó bên ngoài. Rồi chúng tôi nghe thấy một tiếng ồn khác, cửa sổ vỡ tung, đạn bay vèo vèo. Tôi chỉ có thể nằm xuống, cố trốn, cầu nguyện chuyện này chấm dứt", Jasmine nói.

"Tôi nghĩ là mọi chuyện diễn ra trong 10 hay 20 giây gì đó, nhưng đối với chúng tôi, cảm giác cứ như 1-2 phút".

Salah Abdeslam, 26 tuổi, người Bỉ, được xác định là kẻ nã súng vào quán cà phê. Hắn đã bỏ trốn lên một ôtô chờ sẵn, sau khi cố giết một phụ nữ nhưng bất thành vì súng kẹt đạn. 

"Anh họ tôi chạy ra cầu thang xuống tầng hầm. Còn tôi, thấy một phụ nữ bị thương, Lucille, đang chạy tới chỗ mình. Tôi muốn bảo vệ cô ấy. Cô ấy bị thương, cánh tay bị bắn thủng", Jasmine giải thích tại sao không chạy xuống tầng hầm cùng Samir.

"Cô ấy khóc và nói rằng, bạn trai đang ở bên ngoài. Nói thật, tôi cứ tưởng là anh ta chết rồi cơ (anh này vẫn sống). Tôi biết rằng cô ấy đang hoảng sợ, và bị thương, nên tôi sẽ không chạy đi mà bỏ rơi cô ấy".

"Cô ấy trông khoảng 25 tuổi, đang bị mất máu. Khi đỡ cô ấy xuống tầng hầm, cô ấy nói rằng tay đã mất cảm giác".

Sau khi đưa cô gái bị thương và những khách hàng khác xuống hầm an toàn, Jasmine quay lên, chạy ra ngoài xem còn giúp được ai nữa không.

"Tôi ra ngoài nhưng quá muộn, họ đều bị bắn. Một phụ nữ đang hấp hối, còn ba người khác đã chết. Người đang hấp hối là một cô gái trẻ, tôi thấy cô ấy nhìn mình. Tôi nắm chặt tay cô ấy, trong một hay hai giây, rồi cô ấy qua đời".

"Tôi quay đầu lại, một chàng trai nằm đó. Lúc đầu, tôi cứ tưởng anh ấy chỉ bị thương nhẹ, nhưng anh ấy không thở nữa. Một cảnh sát từng nói với tôi, nếu có ai đó bị thương, hãy hỏi tên người đó, rồi gọi tên họ, nhưng tôi không biết tên bất kỳ ai trong số họ", Jasmine kể lại.

"Tôi cứ chạy qua người này đến người khác, xem có giúp gì được không, nói chuyện với họ, nhưng anh ấy đã chết. Tôi hỏi anh ấy: 'Anh ổn chứ? Có nghe thấy tôi nói không?'"

"Đương nhiên là không, vì anh ấy đã chết. Anh ấy bị mất ngón tay, nhưng bàn tay dường như vẫn còn run rẩy", Jasmine nói, vẫn còn bị ám ảnh bởi ánh nhìn trống rỗng trong đôi mắt những người thiệt mạng.

nu-boi-ban-lieu-mang-giup-cac-nan-nhan-vu-khung-bo-paris-1

Jasmine thắp nến tưởng nhớ nạn nhân thiệt mạng trước quán cà phê cô làm việc. Ảnh: David Parker

Aissa Feredj, người bán hoa đối diện quán cà phê, nói rằng Jasmine mới làm việc ở quán được một tháng, và là người đầu tiên chạy đến hiện trường.

"Cô ấy rất dũng cảm. Cô ấy là người đầu tiên chạy ra khỏi quán, lao ra đường, nhìn thấy một phụ nữ nằm gục bên quán cà phê ngay cạnh, an ủi: 'Đừng lo, đừng hoảng sợ'. Rồi, cô ấy lại chạy tới chỗ một cô gái khác, cho đến khi người ấy trút hơi thở cuối cùng".

"Tôi thà mất mạng, còn hơn để ai đó phải chết mà không người đưa tiễn", Jasmine nói. Cô khẳng định, mình sinh ra và lớn lên trong một gia đình gốc Morocco, nhưng là người Paris chính hiệu.

"Chuyện tồi tệ xảy đến với tôi, với đất nước này, và tôi chưa bao giờ cảm thấy mình ràng buộc chặt chẽ với quê hương hơn lúc này. Những người đó chết, chỉ vì muốn nghe nhạc, uống bia với bạn bè, hoặc chỉ vì chọn nhầm đường. Chúng tôi đều khóc thương cho những người thiệt mạng".

Vụ xả súng vào quán cà phê của Jasmine là một trong chuỗi vụ tấn công khủng bố Paris hôm 13/11, khiến ít nhất 129 người thiệt mạng, và hàng trăm người bị thương. Nước Pháp bàng hoàng trước cuộc tấn công, tổng thống Pháp ban bố tình trạng khẩn cấp, trong khi cảnh sát và lực lượng đặc nhiệm truy lùng thủ phạm.

Nhà nước Hồi giáo (IS) nhận trách nhiệm vụ việc. Trong cuộc bố ráp ngoại ô Paris sáng 18/11, cảnh sát Pháp đã tiêu diệt Abdel Hamid Abaaoud, kẻ chủ mưu trong vụ tấn công Paris, tuy nhiên, vẫn còn ít nhất hai đồng phạm của tên này đang bỏ trốn, trong đó có Abdeslam.

 

Hồng Hạnh

vnexpress.net

****

Chàng trai Pháp thiệt mạng vì lao ra đỡ đạn cho cô gái không quen

Ludovic Boumbas lao ra đỡ đạn cho một cô gái ở quán bar La Belle Equipe rồi gục xuống.
chang-trai-hy-sinh-than-minh-do-dan-cho-co-gai-khong-quen-biet

Boumbas lao mình ra đỡ đạn cho một cô gái không quen biết. Ảnh: Twitter

Theo Independent, Boumbas đang dự tiệc sinh nhật lần thứ 35 của Houda Saadi, một người bạn gái làm hầu bàn trong quán bar ở Paris, thì hai tay súng xuất hiện, nã đạn vào mọi người.

Thấy chúng chĩa súng về một cô gái trong quán, Boumbas lập tức lao mình ra phía trước và bị trúng đạn. 

"Cô ấy cũng bị bắn, nhưng còn sống và đang cấp cứu ở bệnh viện", một người bạn của Boumbas kể lại. 

Saadi và chị gái cô, Halima, 36 tuổi, nằm trong số 19 người thiệt mạng ở quán bar. Halima, người Tunisia, là mẹ của hai con mới 3 và 6 tuổi.

9 nạn nhân vẫn đang trong tình trạng nguy kịch ở bệnh viện.

Boumbas, 40 tuổi, quê gốc ở Congo, nhưng lớn lên ở Lille, miền bắc nước Pháp. Người bạn cho hay anh tốt bụng, luôn yêu thương mọi người và đam mê du lịch. 

"Cậu ấy là một người hùng", bạn của Boumbas nói về người bạn đã hy sinh.

Theo nhân chứng trong quán, hai kẻ tấn công đã "nã gần 100 viên đạn" vào quán La Belle Equipe khoảng 20h40, trong chuỗi tấn công vào thủ đô nước Pháp tối 13/11, khiến ít nhất 129 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.

Hồng Hạnh

vnexpress.net

****

Nỗi sợ của người Pháp sau vụ khủng bố Paris

"Tại sao nhiều người khóc thế hả mẹ?" một bé gái hỏi cha mẹ vào chiều chủ nhật, khi đi ngang qua góc phố nơi diễn ra vụ tấn công đẫm máu ở trung tâm Paris.
nguoi-phap-lo-lang-vi-con-nguoi-la-muc-tieu-khung-bo-moi

Một bé gái thắp nên tưởng niệm cho nạn nhân vụ khủng bố đẫm máu vào giữa Paris. Ảnh: AFP

"Họ đang rất buồn, con gái ạ", người mẹ trả lời. Quanh cô là những vệt máu khô sậm lại trên vỉa hè quán cà phê Carrilon và nhà hàng Petit Cambodge, nơi 14 người thiệt mạng tối 13/11, theo AFP.

"Nhưng sao họ lại buồn" bé gái hỏi tiếp. "Bởi vì không thể trả lời được", Benedicate Joffre, người đứng trong đám đông với cậu con trai 11 tuổi, nói. "Và cũng bởi vì, lúc này, chúng ta đang ngày càng sợ hơn".

Joffre đến góc phố quận 10, gần kênh đào St Martin, tụ điểm đa văn hóa nhộn nhịp của Paris bởi vì cảm thấy cùng một "nỗi buồn không thể chịu nổi" mà thủ đô nước Pháp đang rơi vào.

"Vụ này khác hẳn vụ trước", cô nói, đề cập tới vụ tấn công tòa soạn Charlie Hebdo và siêu thị hồi tháng một. "Vụ này có phạm vi rộng hơn, nhằm mục tiêu vào con người, khiến tất cả chúng ta hoảng loạn".

"Hồi tháng một, chúng tấn công vào mục tiêu nhất định, đó là tự do báo chí. Nhưng lần này, chúng tấn công vào toàn xã hội", Joffre nói. Khắp quảng trường Cộng hòa (Place de la Republique) - biểu tượng đoàn kết của nhân dân Pháp, tràn ngập những giọt nước mắt, những cái nhìn phẫn nộ, và cả nỗi lo sợ. Bầu không khí hoảng hốt bao trùm quảng trường sau buổi tối 13/11.

Hoa, nến, thiệp, những vật tưởng nhớ nạn nhân đặt bên ngoài quán cà phê Carillon bị giày xéo vì một vụ cảnh báo giả, trong khi đó, ở quận Marais, cũng diễn ra những cảnh tương tự khi một du khách Australia nhìn thấy một người đàn ông mang vũ khí, nhưng hóa ra là cảnh sát mặc thường phục.

E ngại cho cộng đồng Hồi giáo

Helene Lagoutte đưa con gái 4 tuổi Jeanett tới quảng trường Cộng hòa xem mọi người thắp nến và viết thông điệp để dưới chân tượng Marianne - người phụ nữ hiện thân cho tự do, bình đẳng và bác ái - những giá trị thế tục của nước Pháp.

"Tôi giải thích với con gái rằng, có người ghét nước Pháp đã đến để giết người, và điều đó là sai trái. Tôi chủ động đề cập vấn đề này với con bé, vì thể nào nó cũng sẽ bàn luận với bạn bè khi đi học".

"Tôi cũng đã trò chuyện với cậu cả về Hồi giáo, về những điều xảy ra ở Algeria (thuộc địa cũ của Pháp), bởi vì nhiều bạn bè của cậu con trai 12 tuổi của tôi theo đạo Hồi, và tôi không muốn nó đổ lỗi cho những người bạn Hồi giáo".

nguoi-phap-lo-lang-vi-con-nguoi-la-muc-tieu-khung-bo-moi-1

Đám đông tụ tập quanh quảng trường Cộng Hòa hai ngày sau vụ tấn công khủng bố. Ảnh: AFP

Cô nói rằng, nước Pháp đang vô cùng đau đớn bởi những vụ tấn công khủng bố vừa qua, không phải vì có nhiều người chết hơn những vụ hồi tháng một, mà bởi vì những kẻ khủng bố jihad đã nhằm mục tiêu vào "mọi người", chứ không riêng cộng đồng người Do Thái, hay những nhà báo đã chọc tức chúng.

"Đó là lý do chúng ta phải đoàn kết lại. Tôi sẽ đề nghị cộng đồng người Hồi giáo tại Pháp và lãnh đạo cộng đồng lên tiếng, tổ chức tuần hành để chứng tỏ, đây không phải lỗi của họ. Họ phải làm như thế. Nếu không, tôi e là những việc đáng tiếc hơn sẽ xảy ra".

Tình cờ nghe được lời Lagoutte nói, một người đàn ông Paris tên là Mehdi, 43 tuổi, làm công nhân vệ sinh, bật khóc.

"Tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ. Tôi không biết có dám nhìn vào mắt đồng nghiệp không nữa, nhưng họ nên hiểu rằng, người Hồi giáo đích thực không bao giờ làm điều này. Tôi chỉ muốn ôm họ, và nói rằng tôi cũng đang đau đớn như họ".

Mehdi e ngại về những cuộc tấn công vào nước Pháp mà ở đó, trẻ em Hồi giáo - thế hệ nhập cư thứ ba, sinh ra và trưởng thành.

"Chúng tôi cũng là người Pháp", ông nhấn mạnh. Ông và vợ chỉ ngủ được hơn một tiếng kể từ hôm thứ sáu.

"Tôi không thể rời mắt khỏi tivi, cảm thấy buồn rầu và tức giận. Vợ tôi nằm cạnh, nước mắt đẫm gối, nói rằng cảm thấy phát điên. Tôi chỉ còn cách đi ra khỏi nhà".

Vụ đổ máu này chưa phải kết thúc, Meir, một người Do Thái chính thống, sống tại Auschwitz cảnh báo, đầu quay lại nhìn theo xe cảnh sát đang vang tiếng còi hụ.

"Đây chắc chắn không phải vụ cuối cùng. Chúng sẽ tiếp tục tấn công chúng ta", Meir nói.

Benedicte Joffre cho biết, cô là cháu nội của một nhà lãnh đạo quân sự Pháp hồi Thế Chiến I, tướng Joffre - người nói rằng đấu tranh và hy sinh vì giá trị dân chủ của quốc gia là xứng đáng. "Đó là những gì tổ tiên của chúng tôi đã làm, và bây giờ, chúng tôi phải tiếp tục".

Nhưng cô cũng e ngại về phản ứng của xã hội đối với những vụ tấn công có thể làm sâu sác thêm sự phân chia trong xã hội Pháp bởi "rất dễ đổ lỗi cho người Hồi giáo".

"Mặc dù những vụ tấn công là hành động của chiến tranh, nhưng chúng ta phải nhận thức được rằng, đất nước không phải đang chiến tranh", Joffre nói.

nguoi-phap-lo-lang-vi-con-nguoi-la-muc-tieu-khung-bo-moi-2

Sáng 14/11, một người cầu nguyện tại hiện trường vụ tấn công ở quán Carillon. Ảnh: Reuters



Hồng Hạnh

vnexpress.net

 ****

Những người ra đi trong vụ khủng bố Paris

Từ kiến trúc sư, sinh viên đến luật sư đều trở thành nạn nhân trong vụ tấn công hàng loạt ở Paris, nơi những kẻ khủng bố xả súng vô tội vạ, bất kể chủng tộc, màu da hay tín ngưỡng.

Guardian đến nay đã xác định được 12 quốc tịch của các nạn nhân trong các cuộc tấn công khủng bố tại Paris.

Công dân đầu tiên mà Bộ ngoại giao Anh xác nhận thiệt mạng là Nick Alexander. Anh bán hàng tại khán phòng nhà hát Bataclan, nơi diễn ra buổi biểu diễn của nhóm nhạc rock Mỹ Eages of Death Metal tối 13/11.

[Caption]Ảnh 1: Nick Alexander.

Nick Alexander. Ảnh: Twitter

Trong một thông cáo, gia đình anh mô tả Alexander là một người "hào phóng, hài hước và rất trung thành".

"Chúng tôi rất đau buồn khi phải thông báo rằng Nick yêu quý của chúng tôi đã thiệt mạng ở Bataclan tối qua", Mirror dẫn thông cáo gia đình cho biết. "Nick không chỉ là người anh em, người con trai, người chú của chúng tôi, mà còn là người bạn tốt nhất của mọi người, hào phóng, hài hước, cực kì trung thành. Nick ra đi vĩnh viễn khi đang làm công việc mà anh yêu thích và chúng tôi cảm thấy nhẹ lòng hơn khi biết anh ấy được yêu thương nhường nào bởi những bạn bè trên khắp thế giới". 

Nohemi Gonzale, 23 tuổi, một sinh viên người Mỹ, đang theo học ngành thiết kế tại đại học bang California, cũng nằm trong những người xấu số. Gonzale đến Pháp theo một chương trình trao đổi học sinh. Cô được cho là đã thiệt mạng tại nhà hàng La Petit Cambodge, một trong 6 địa điểm bị tấn công.

"Mọi suy nghĩ và những lời cầu nguyện của chúng tôi hướng về gia đình và bạn bè của em trong suốt thời gian đau thương này", trường đại học bang California cho hay trong một thông cáo. "Trường đại học của chúng tôi đang sát cánh cùng gần 80 sinh viên trao đổi của Pháp, những người đang phải đối mặt với thảm kịch này. Chúng tôi sẽ cung cấp tất cả những hỗ trợ cần thiết để động viên các em". 

Ảnh 2: Nohemi Gonzalez.

Nohemi Gonzalez.Ảnh: Mirror

Valentin Ribet, một luật sư được đào tạo tại Anh, thiệt mạng trong buổi biểu diễn tại Bataclan.

Một phát ngôn viên của công ty luật Hogan Lovells cho biết Valentin từng học tại trường kinh tế London, là người rất được yêu mến với tính cách tuyệt vời.

"Hogan Lovells đang rất buồn vì cái chết của Valentin Ribet. Valentin có mặt ở khán phòng nhà hát Bataclan tối thứ sáu và đã bị sát hại trong cuộc tấn công diễn ra ở đó", một phát ngôn viên của công ty nói. "Đây là một thảm kịch khủng khiếp và thật khó chấp nhận với bất kỳ ai trong chúng ta. Chúng tôi bị sốc trước sự mất mát của mình và cả những vụ tấn công trong thành phố.

Valentin làm việc trong nhóm kiện tụng chuyên về tội phạm cổ cồn trắng.

"Cậu ấy là một luật sư tài năng, rất được yêu mến và có tính cách tuyệt vời. Suy nghĩ của chúng tôi giờ đây hướng về Valentin cùng gia đình cậu ấy, cũng như những đồng nghiệp ở văn phòng và toàn công ty", phát ngôn viên nói thêm. 

Một trong những nạn nhân người Pháp đầu tiên được xác định danh tính là Djamila Houd, 41 tuổi. Cô đến từ thị trấn Dreux, cách thủ đô Paris 80 km về phía tây.

Báo địa phương L'Echo Republicain cho hay Djamila đã lên thành phố làm việc nhưng vẫn thường xuyên về thăm quê.

"Cả một thế hệ người dân Dreux bị đau đớn vì cái chết của cô. Tất cả những người mẹ ở đây đều chia sẻ nỗi đau này với mẹ của Djamila", tờ báo viết. 

Amine Ibnolmobarak, 28 tuổi, người Morocco, cùng vợ là Maya đang đứng trên sân thượng của quán bar Carillon khi các tay súng nã đạn. Ibnolmobarak đã thiệt mạng còn Maya bị bắn ba phát và đang ở trong tình trạng nguy kịch tại bệnh viện. 

Sinh ra ở thủ đô Rabat, Ibnolmobarak làm kiến trúc sư và giáo viên tại trường kiến trúc ENSA Paris-Malaquais, nơi anh tốt nghiệp vào năm 2012. 

Giáo viên cũ của anh, M Jean Attali, viết trên Facebook: "Cảm ơn tất cả các bạn về những lời động viên sau thảm kịch giết chết Amine Ibnolmobarak, một trí thức Hồi giáo trẻ tuổi, người đã khiến chúng tôi mến phục bằng luận văn tốt nghiệp tuyệt vời về cuộc hành hương đến thánh địa Mecca".

Amine Ibnolmobarak

Amine Ibnolmobarak. Ảnh: Twitter

Chiều 14/11, trên tài khoản Twitter của mình, cựu ngôi sao Ngoại hạng Anh Lassana Diarra cũng tiết lộ người anh họ tên là Asta Diakite đã thiệt mạng.

Diarra từng chơi cho Portsmouth trước khi chuyển sang Real Madrid. Tối hôm trước, anh nằm trong đội hình Pháp thi đấu với đội tuyển Đức trên sân vận động Stade de France, một trong những điểm bị tấn công.

"Có thể các bạn đã biết, cá nhân tôi cũng chịu đựng mất mát từ các vụ tấn công, anh họ của tôi Asta Diakitie là một trong những nạn nhân, giống như hàng trăm người Pháp vô tội khác. Cùng với nhau chúng ta phải bảo vệ, yêu thương, tôn trọng và hòa bình. Cảm ơn tất cả mọi người vì những tin nhắn. Hãy tự chăm sóc mình và người thân, và hy vọng các nạn nhân được yên nghỉ", Diarra viết.

Những vụ nổ bom và xả súng kinh hoàng vừa qua tại Paris đã cướp đi mạng sống của ít nhất 129 người. 

Hôm qua, Thủ tướng Pháp Manuel Valls cho biết hơn 100 người trong số các nạn nhân đã được xác định danh tính. Khoảng 20-30 thi thể vẫn đang chờ được nhận dạng. 

Tuấn Vũ

vnexpress.net


 

 

 

 


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/11/2015(Xem: 10625)
Ngày 16.11.2015, sau cuộc khủng bố đẫm máu ở Paris, phóng viên Murali Krishnan của „Làn Sóng Đức Quốc - Deutsche Welle“ đã có cuộc phỏng vấn Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Ấn Độ. Tổ chức Deutsche Welle là một cơ quan truyền thông lớn của nước Đức, thành lập từ năn 1924, phát thanh và hình hơn 30 ngôn ngữ trên toàn thế giới, là thành viên của Đài Truyền Hình ARD. Xin trích dịch toàn bài phỏng vấn từ tiếng Đức từ trang Web của Deutsche Welle.
20/11/2015(Xem: 11801)
Viện trưởng cho biết: “Từ khi hành nghề bác sĩ, tôi chưa từng gặp và điều trị một căn bệnh nào kỳ quái như vậy. Bệnh nhân này trong vòng 3 năm đã phải phẫu thuật tới 5 lần, mỗi lần phẫu thuật tính chất lại nặng hơn so với lần trước, cuối cùng thậm chí đến một tay một chân cũng phải cắt bỏ, chỉ trong phút chốc người bệnh này đã trở thành một người tàn tật với duy nhất một tay một chân. “ Bệnh nhân kỳ lạ này có tên là Văn Lai, có một lần anh bị con rùa (thường được gọi là giáp ngư) cắn đứt một góc ở ngón út bàn tay. Lúc đầu, người này đến bệnh viện để điều trị cơn đau, cho rằng không có vấn đề gì, nhưng sau đó hai tuần, vết thương bắt đầu bị viêm sưng lên. Sau khi tiến hành kiểm tra y tế cho thấy vi trùng đã xâm nhập vào các khớp xương, bắt buộc phải cắt cụt ngón tay út, sau khi anh bị cắt đứt ngón tay út thì chỉ còn lại chín ngón tay.
20/11/2015(Xem: 6554)
Michel Henri Dufour là một người Pháp tu tập theo Phật giáo Theravada, viết và xuất bản nhiều sách trong số đó có quyển "Tự điển Phật giáo Pa-li - Pháp ngữ" (Dictionnaire Pali-Français du Bouddhisme", Eds des Trois Mondes, 1999, 351 tr.) được nhiều người biết đến. Các bài viết của ông thường rất ngắn, cô đọng, chính xác và thiết thực.
17/11/2015(Xem: 8064)
Mấy hôm nay tôi không vào ineternet nên không biết tình hình bên ngoài. Chỉ có 1 tin bằng tiếng Anh được dán lên bảng thông báo của tu viện nơi chúng tôi đang hành thiền, rằng khủng bố tấn công Paris và gần 200 người thiệt mạng, hơn 200 người bị thương. Con số đang thống kê. Nếu không là con Phật, nếu không tu tập tốt chúng ta có thể hoảng sợ và tâm ta có thể bất an. Nhất là khi chúng tôi đang ở Pháp.
14/11/2015(Xem: 9861)
Mới gặp lại chị, ai cũng thấy ngạc nhiên, hình như chị có gì khác khác trên khuôn mặt. Hỏi ra mới biết, chị vừa bị tai nạn giao thông, gãy lá mía sống mũi, phải làm lại. Với đàn bà, bị cái gì ảnh hưởng đến khuôn mặt là kinh khủng lắm, vì chị vốn là người xinh đẹp ở cơ quan tôi. Thế nhưng chị bảo gặp tai nạn mà sao không thấy kinh khủng lắm, vì vẫn gặp người tốt.
13/11/2015(Xem: 8796)
Nicolas sinh năm 1989. Em còn trẻ, còn rất trẻ. Tương lai của em là phía trước. Những ngày này em thực hành thiền cùng chúng tôi tinh tấn lắm. Em rất hay chạy bộ vào rừng. Ngày nào em cũng chạy. Hôm qua em bảo tôi lập 1 nhóm các thiền sinh chạy gần quanh đây, chạy quãng một vài trăm km thôi để gắn kết hơn, để hiểu và thương nhau hơn, để cùng bên nhau. Tôi giật mình – thế là được thiền chạy đấy em nhỉ. Khi tôi hỏi trong những cuốn sách về thiền đã đọc, em thích cuốn nào nhất, em nói ngay đó là “Buddha teaching” của thầy Thích Nhất Hạnh. Em đọc lần đầu tiên năm 2006.
12/11/2015(Xem: 9006)
Dưới đây là một bài thuyết giảng của nhà sư Ajahn Chah trước một cử tọa gồm các tỳ kheo Tây Phương, các sa di và cả người thế tục, và đặc biệt là dành cho cha mẹ của một tỳ kheo người Pháp sang thăm con xuất gia ở Thái Lan vừa được thụ phong tỳ kheo. Buổi giảng được tổ chức tại ngôi chùa Wat Pah Pong của nhà sư Ajahn Chah trên miền bắc Thái, vào ngày 10 tháng 10 năm 1977.
12/11/2015(Xem: 11083)
Đây là bài Pháp luận có Chủ đề: Tại Sao Giới Trẻ Ít Đến Với Đạo Phật? do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ và Canada tổ chức trong KHÓA TU HỌC PHẬT PHÁP BẮC MỸ LẦN V tại San Diego, CA từ ngày 6 đến ngày 10, tháng 8 năm 2015. Thuyết trình đoàn gồm có Thượng Tọa Thích Hạnh Bình, Thượng Tọa Thích Nhật Trí, Ni Sư Thích Thiền Tuệ, Cư Sĩ Quảng Thành Bùi Ngọc Đường, và cá nhân tác giả. Đây là phần thuyết trình của chúng con / chúng tôi. Nếu có chút vụng về gì trong khi truyết trình hay viết thành văn, kính mong quý Ngài và quý vị niệm tình mà tha thứ cho.
12/11/2015(Xem: 10354)
Chiều ngày 30 tháng 10 năm 2015 (18/09 năm Ất Mùi) tại chùa Huyền Không Sơn Thượng, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế đã diễn ra buổi lễ hành chính dâng Y Kathina do Phái đoàn Đại diện Quốc Vương Thái Lan cúng dường. Phái đoàn Đại diện Vương Quốc Thái Lan có ông Prả-chuộp Chằy-yả-xán - Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Hội hữu nghị Thái - Việt, Đại diện Quốc Vương Phu-mí-phôn Á-đul-yá-đệt và Hoàng gia Thái Lan; cùng các thành viên, các Phật tử Thái Lan tháp tùng trong phái đoàn.
12/11/2015(Xem: 7883)
"...Các con hy sinh một chút xíu, dễ thương một chút, nhẫn nhịn một chút xíu thì ngay trong đời sống này các con đang tập luyện một đức tính của ngọc." Hôm nay Thầy sẽ nói chuyện với các con về đề tài "Đá biến thành ngọc". Sao gọi là đá biến thành ngọc? Thầy mới đọc một cuốn sách và chính cuốn sách đó gợi ý cho Thầy buổi nói chuyện với các con hôm nay. Trong đó, tác giả đưa ra một hình ảnh rất bình thường, cụ thể về một hòn đá sỏi, lăn lóc vô tri giống như là một hòn đá màu xanh mà mình đi đạp thường ngày và không ai để ý tới nó.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]