Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tu Học: Nói, Nghe, Đọc, Viết…

26/02/201505:53(Xem: 7357)
Tu Học: Nói, Nghe, Đọc, Viết…

Buddha_40

 

Đôi khi, tôi đọc kinh, và đôi khi đọc thơ. Thường là vào sáng sớm, hay giấc khuya, khi không gian tĩnh lặng. Từng chữ đọc lên trong tâm, đọc thầm lặng, nghe âm vang ngấm toàn thân. Nhấp một ngụm trà, để nghe chữ tan vào hồn. Trong lòng thanh thản, nhìn thấy từng chữ khởi lên trong tâm, nhìn thấy từng nghĩa trải trên trang giấy. Trong cái tịch lặng của đêm và cái âm vang của chữ trong tâm mình không còn biên giới – nơi đó, không gọi được là tịch hay động.

 

Những lúc đó, nghe bên tai như có âm vang lạ, một bên tai phải. Phải chăng trong tịch lặng của đêm vẫn có âm vang riêng… Đôi khi tiếng xe chạy ngoài phố vụt qua, tiếng vọng từ xa tới và rồi lại rơi vào tịch lặng. Từng chữ một lặng lẽ, có sức mạnh riêng. Tuyệt vời là ngôn ngữ.

 

Đôi khi, tôi được nghe ngâm thơ trong các buổi văn nghệ. Nhiệm vụ của tôi thường là phóng viên, và do vậy, khi nghe ngâm một bài thơ là cố gắng tìm ghi lại ít nhất hai câu thơ.  Như thế, bản tin sẽ có sức linh động riêng. Vấn đề là, tiếng đàn, tiếng sáo thường át mất giọng người ngâm thơ. Và ngay cả khi không có nhạc đệm, giọng người ngâm thơ lại có khi cách điệu, và rồi có những chữ không nghe rõ.

 

Tôi nghiệm ra rằng, đọc chữ viết trên giấy tiện hơn là nghe. Khi đọc, có thể đọc đi, đọc lại nhiều lần, nếu gặp câu phức tạp, chưa rõ nghĩa. Còn nghe, khi người ngâm thơ đã sang câu khác, không cách nào chúng ta nghe lại được khoảnh khắc trước đó.

 

*

 

Và kinh sách cũng thế. Tôi ưa thích đọc kinh, đọc sách… hơn là nghe băng giảng. Nói như thế, không có nghĩa gì là kỳ thị. Chỉ là vấn đề tiện lợi thôi. Tôi vẫn ưa thích đặc biệt một số chương trình trên YouTube, đặc biệt là video “Phật pháp nhiệm mầu - Thầy Thích Trúc Thái Minh.”

 

Trọn băng video này thật toàn hảo. Từ cách bố trí ánh sáng, nhạc đệm, câu hỏi, cách điều hợp và trả lời rất mực tự nhiên. Tôi chú ý tới Thầy Thích Trúc Thái Minh vì Thầy trước khi xuất gia với Hòa Thượng Thích Thanh Từ là một giảng viên Đại học ở Hà Nội – nghĩa là người Miền Bắc, như thế, lúc đó là hy hữu. Thêm nữa, bạn gái của Thầy, một thời gian sau cũng xuất gia.

 

Chùa Hoằng Pháp thực hiện được những chương trình như thế thật là tuyệt vời. Vấn đề là, khi cần trích dẫn cho một bài viết, chúng ta không tham khảo dễ dàng từ các băng nói và các băng hình. Bởi vì, chúng ta không thể nói rằng vị Thầy này, hay vị Ni kia nói chuyện này hay chuyện kia trên băng giảng ở link này hay ở link kia, ở phút thứ mười mấy hay phút thứ hăm mấy.

 

Bất tiện là, một băng giảng dài cả giờ đồng hồ, chúng ta không thể nghe trọn băng chỉ để tìm hiểu một vấn đề đơn giản. Bất tiện nữa là, khi sử dụng chức năng tìm kiếm trên Internet, chúng ta có thể dò tìm một chữ hay một nhóm chữ, nhưng không thể dò tìm một câu nói được nói trong một băng giảng.

 

Nhưng nói vẫn là một phương tiện hoằng pháp thích nghi cho nhiều trường hợp. Thí dụ, người bệnh có thể không ngồi đọc được, tất nhiên ưa nghe hơn. Và nhiều trường hợp khác.

 

*

 

Có một vấn đề: người nghe băng giảng hay xem băng hình có thể có một số thành kiến. Và do vậy, việc tìm hiểu kinh sách phức tạp hơn. Thí dụ, có người ưa thích nghe giảng bằng giọng Huế hay giọng Sài Gòn, giọng Bắc Kỳ 54… và rồi dị ứng khi nghe giọng Bắc Kỳ 75, hay giọng Nghệ Tĩnh. Thí dụ, có người ưa thích dự các lớp Thầy này hay Thầy kia giảng chỉ vì Thầy đẹp trai, giỏi kỹ năng hùng biện, thỉnh thoảng biết ngâm vài câu thơ hay vài câu đùa giỡn.

 

Trong khi đó, khi chúng ta ngồi đọc trên giấy, tất cả các yếu tố bên lề đó đều biến mất. Trong chữ và câu trên sách, chỉ có chữ và câu trên sách. Không có những yếu tố sân khấu, tuy cần thiết cho một loại hình nghệ thuật khác, nhưng thực sự không cần thiết để hiểu ý kinh…

 

Sau này tôi dò ra rằng Đức Phật rầy các nhà sư thuyết pháp với giọng ca kéo dài. Đó là Kinh Tăng Chi Bộ, Chương Năm Pháp, trích:

 

“Này các Tỷ-kheo, có năm điều nguy hại với người thuyết pháp với giọng ca kéo dài. Thế nào là năm?

- Tự mình say đắm trong âm giọng ấy;

- Làm người khác say đắm trong âm giọng ấy;

- Các người gia chủ phê bình: "Như chúng ta hát, cũng vậy, các Sa-môn Thích tử này ca hát";

- Vì vị ấy cố gắng rèn luyện cho âm thanh điêu luyện nên mức thiền định của vị ấy bị gián đoạn;

- Làm gương xấu để các thế hệ sau bắt chước.

Này các Tỷ-kheo, có năm điều nguy hại với người thuyết pháp với giọng ca kéo dài.” (1)

 

*

 

Một lần, tôi thưa vói bác Mật Nghiêm Đăng Nguyên Phả, một vị đại cư sĩ từng gánh vác nhiều Phật sự ở Quận Cam, và là Hội trưởng Hội Phật Học Đuốc Tuệ. Tôi là người ngoài hội, nên nói chỉ là nói thôi, thêm nữa không thể nào biết nội bộ điều hành trong hội ra sao.

 

Tôi nói rằng, thưa bác Mật Nghiêm, hội trước giờ, mỗi tháng cung thỉnh một vị thầy từ xa tới để giảng vài tiếng đồng hồ. Các Phật tử trong hội hoan hỷ tới nghe giảng. Nói chung, rất tốt, vì là hoằng pháp.

 

Nhưng tôi nói rằng, đây là ý chơn thật, làm như thế, chúng ta không quảng bá hết cho giới trẻ. Vì các em có em không nghe được tiếng Việt nữa, có em chỉ nghe được ở mức giao tiếp, và ngay cả khi em nào sang Mỹ năm 15 tuổi mà nghe những chữ Hán-Việt là bế tắc ngay. Đó là chưa kể, nếu Thầy nói giọng địa phương khó nghe. Và đó là lý do giới trẻ không tham dự, chỉ trừ lứa trung niên trở lên.

 

Nơi đây, tôi xin khai triển thêm ý này. Vì lúc đó, cùng ngồi xe với bác Mật Nghiêm trên đường tới thăm cụ Trần Văn Kha, không có thì giờ giải thích.

 

Ý là thế này, nếu quý bác muốn nghe giảng, trên YouTube có sẵn 24 giờ, ngồi nhà nghe tiện lợi hơn, vì nếu khó hiểu, có thể nghe đi nghe lại. Trong khi đó, có thể xin vị Thầy phương xa đó viết một bài viết, nếu được song ngữ Anh-Việt là tốt nhất, và nếu Thầy chỉ viết được tiếng Việt thì nên nhờ người dịch sang Anh ngữ. Các bài viết hàng tháng này đặt trên bàn bọn trẻ, chỉ cần nói rằng ba má thương con và muốn con đọc bài song ngữ này.

 

Hãy nhớ rằng, tại Hoa Kỳ, có nhiều (nghĩa là, không phải một) kênh truyền hình của các tôn giáo hệ Ky Tô phát sóng 24 giờ; và các em nghe tiếng Mỹ dễ dàng hơn nghe tiếng Việt. Đó là chưa kể trên FaceBook và email các em hằn là tràn ngập các chiêu dụ bằng Anh ngữ từ những tôn giác khác. Nếu chúng ta không tìm kinh sách cho các em đọc, chớ ngạc nhiên vì sao các em rời bỏ Đạo Phật.

 

Và rồi cuối mỗi năm, quý bác trong hội có thể tổ chức một buổi hội ngộ, cung thỉnh tất cả các thầy đã góp sức hội trong việc hoằng pháp.

 

*

 

Nhiều năm nay, tôi đã trình bày với nhiều người về một ước mơ. Rằng tất cả các tăng, ni, cư sĩ từ trong tới ngoàì nước, đều nên rèn luyện kỹ năng viết. Tôi ước mơ rằng tất cả đều có thể viết hay như những người mà tôi say mê tìm đọc (và cũng để học theo), trong đó có quý cư sĩ Cao Huy Thuần, Đỗ Hồng Ngọc… Tập viết hoài, tất sẽ giỏi. Vấn đề là, nhiều Thầy chỉ ưa thích lên YouTube nói, không ưa viết.  Điều này bất lợi vô cùng.

 

Như trường hợp hai vị thiền sư nổi tiếng -- Nhất Hạnh và Thanh Từ -- ban đầu đều sử dụng ngòi bút. Viết sách, in sách. Hãy hình dung rằng, nếu hai vị thầy này chỉ thuần sử dụng ngôn ngữ nói, và không viết một chữ nào… có lẽ hai dòng Thiền Làng Mai và Trúc Lâm không xuất hiện, và nếu có hẳn là không vững mạnh như hiện nay.

 

Nói như thế, không có nghĩa là bài bác ngôn ngữ nói. Đức Phật ngày xưa chỉ nói, không viết, vì lúc đó chưa có chữ. Ngài A Nan cũng thế, dùng ngôn ngữ nói để trùng tuyên chỉ vì chưa có chữ.

 

Bài viết tiện lợi, vì chúng ta đọc nhanh hơn là nghe. Đọc lại cũng tiện, ghi chú bên lề sách cũng tiện (tôi có bệnh này, hễ đọc sách là ghi chú), trích dẫn cũng tiện.

 

Riêng phần quý Thầy, khi quý Thầy nói, là lấy trí nhớ để nói. Tất nhiên có khi quý Thầy nhớ nhầm, và như thế là giảng không đúng. Nhưng khi quý Thầy ngồi xuống viết, tất nhiên sẽ cẩn trọng hơn, sẽ tham khảo nhiều hơn, sẽ tra từ điển kỹ hơn, và văn viết thường không có lỗi, hay rất ít lỗi so với văn nói. Trừ phi, quý Thầy viết sẵn và chỉ đọc lại trên băng giảng hay trên YouTube; nhưng có bao nhiêu vị như thế, hay chỉ là một dàn bài sơ lược và rồi nói theo trí nhớ…

 

Thí dụ, chúng ta từng nghe một số Thầy nói rằng con số 84.000 pháp môn là do Phật Giáo Trung Quốc đặt để ra. Đó là quý Thầy nói theo trí nhớ; tuy nhiên, nếu quý Thầy ngồi viết, hẳn là có thể tham khảo kỹ hơn và sẽ không quy lỗi cho Phật Giáo TQ như thế (dĩ nhiên, chúng ta sẽ chấp nhận cần gỡ bỏ sư tử đá kiểu TQ ra khỏi chùa để thay bằng con nghê Việt cổ).

 

Vì Ngài Ananda trong Trưởng Lão Tăng Kệ -(Thag 1024) đã nói:

 

82,000 Teachings from the Buddha

I have received;

2,000 more from his disciples;

Now, 84,000 are familiar to me. (2)

 

Dịch:

82,000 pháp dạy từ Đức Phật

Tôi đã thọ nhận;

Thêm 2,000 pháp nữa từ các môn đệ của Ngài;

Bây giờ, 84,000 pháp đã quen thuộc với tôi.

 

Có lẽ, nên thấy, con số 84.000 này không có nghĩa là pháp môn. Chữ gốc là:

"84,000 dhammakkhandha" (Dhamma teachings).

 

Có thể chăng, nên hiểu là 84.000 bài pháp, hay 84.000 đoạn pháp?

 

Bởi vì, Đức Phật đã nói trong kinh “Yuganaddha Sutta: In Tandem” (Bản dịch của HT Thích Minh Châu trong Tăng Chi Bộ, Chương Bốn Pháp: Gắn Liền, Cột Chặt) rằng, đường vào đạo chỉ có 4 lối vào: thứ nhất, là chỉ trước, quán sau; thứ hai, quán trước rồi chỉ sau; thứ ba, chỉ quán đẳng dụng; và thứ tư, tâm đột ngột hỗn loạn, và rồi lắng xuống, đường đạo hiện ra trong tâm.  (Ghi nhận: có phải lối vào đạo thứ tư là của Tổ Sư Thiền, khi các tổ dạy thiền thường làm khởi nghi tình trong tâm đệ tử nhiều năm hay nhiều tháng, và rồi nói rằng hễ nghĩ ngợi là sai…?)

 

Nơi đây, chỉ muốn thưa rằng, nếu quý Thầy viết, sẽ tham khảo kỹ hơn; trong khi nói, nếu chỉ thuần dựa vào trí nhớ, tất có lỗi. Đó cũng là lý do, tôi ưa thích đọc hơn là nghe.

 

*

 

Tuy nhiên, bao giờ cũng vậy, nếu chúng ta không trình bày cho đẹp, tất nhiên không thu hút được. Thí dụ, nếu làm một phim, với bố cục rời rạc, với hình ảnh không nối kết hợp lý, nếu nhạc không hay, nếu diễn viên không đẹp… chúng ta sẽ không hoằng pháp được. Vì các phương tiện truyền thông  bây giờ đã rất mực đa diện. Chữ viết chỉ là một phần trong nỗ lực hộ pháp và hoằng pháp.

 

Nhưng đã nói ở trên, Đức Phật đã quở rằng chớ có “thuyết pháp với giọng ca kéo dài.” Vậy thì, cái đẹp có bị rầy không? Vì nếu ca khúc dở (giọng ca không kéo dài), khán giả sẽ bỏ ra về hết. Thế là hỏng.

 

Trong khi đó, Đức Phật khi dạy Bát Quan Trai Giới đã cấm “Không ca múa hát xướng và đến xem nghe.”

 

Như thế, nếu chúng ta đi xem phim, xem kịch, xem văn nghệ… hay sáng tác cũng sẽ là hỏng. Xem “Uposatha Sila: The Eight-Precept Observance.” (3)

Trong bản văn trên cũng giải thích, “Trong mọi trường hợp, chớ lắng nghe cũng như chớ có xem [trình diễn sân khấu] là tốt nhất. Việc nghe hay hát các ca khúc là phạm giới, ngoại trừ các ca khúc mang pháp nghĩa, gây được lòng tin khởi lên cũng như làm cho sinh tâm nhàm chán nỗi khổ cuộc đời. Thí dụ, một Đại sư Trưởng lão nghe một nữ nô lệ hát về nỗi khổ đời cô. Khi Trưởng lão này nghe, ngài nhàm chán khổ não và thành tựu đaọ quả. Loại ca khúc này có thể lắng nghe và không nguy hại.”

 

Thật khó để có các tác phẩm nghệ thuật như thế. Tuy nhiên, chỗ này chúng ta cần ghi nhận rằng, câu chuyện nhìn thấy một nữ nghệ sĩ múa hát đã  làm một vị Trưởng lão đắc quả A La Hán trong Trưởng Lão Tăng Kệ (Tha 267-270) được Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch sang Việt ngữ cho thấy tác dụng nghệ thuật có thể dùng cho đạo pháp. (4)

 

Có thực rằng, cái đẹp chỉ là để dẫn chúng ta nhàm chán cõi khổ này? Hình như không phải. Vấn đề là, Đức Phật đã định nghĩa cái đẹp như thế nào? Thí dụ, khi nhìn một đoá hoa đẹp, khi nghe một ca khúc hay… nghĩa là, mỹ học dưới cái nhìn của Đức Phật là gì?

 

Chúng ta thường hiểu rằng, những gì mắt chúng ta ưa thấy, tai chúng ta ưa nghe là đẹp. Thí dụ, một thiếu nữ đẹp, thường là do phước đức vun trồng từ kiếp trước. Nhưng cái đẹp theo Đức Phật tuyên thuyết trong Kinh Pháp Cú là, theo bản dịch trên Buđhanet.net:

 

262. Not by eloquence alone or by lovely countenance is a person beautiful if jealous, boastful, mean.

263. But ‘beautiful’ is called that one in whom these are completely shed, uprooted, utterly destroyed, a wise one purged of hate. (5)

 

Dịch:

 

262. Không phảỉ vì nói khéo, không phải vì cái khuôn mặt đẹp bề ngoaì, mà một người được xem là thành tựu, nếu y ghen tỵ, khoe khoang, hung hăng...

263. Nhưng gọi là đẹp đối với người đã hoàn toàn cắt bỏ, nhổ rễ, hoàn toàn phá hủy những tính xấu đó; người trí tuệ đã hết hẳn sân rồi.

 

Nghĩa là, cái đẹp chỉ là thuần túy dẹp bỏ tham sân si? Thế còn, khi nhìn đóa hoa đẹp thì sao? Có dính gì tới tham sân si?

 

Thực sự, Đức Phật có chỗ đã dạy rằng cái đẹp là cái nhìn, cái thấy đơn sơ, khi người nhìn và người nghe đã xa lìa cái dục. Đó là khi chúng ta nhìn bờ biển đẹp, nhìn đóa hoa đẹp, nghe ca khúc hay, đọc câu thơ hay… và không một niệm dục nào khởi lên. Nghĩa là, đẹp là đẹp, tự thân các pháp là đẹp, khi chúng ta nhìn, chung ta nghe và không khởi lên một tâm phân biệt so đo nào. Thế giới tự thân là Niết bàn, là đẹp rực rỡ… chỉ vì tâm chúng ta làm hỏng thôi. Cõi Ta Bà là Niết Bàn? Câu này đúng là ngôn ngữ của Lục Tổ Huệ Năng, của Tam Tổ Tăng Xán.

 

Trong khi “Nibbedhika (Pariyā ya) Sutta” -- bản Anh dịch của Piya Tan trích:

 

“The thought of passion is a person’s sensuality:

There is no sensuality in what is beautiful (citra) in the world.

The thought of passion is a person’s sensuality:

What is beautiful in the world remain as they are.

So here the wise remove the desire for them.” (6)

 

Trong khi đó, bản Anh dịch của ngài Thanissaro Bhikkhu là, trích lời Đức Phật dạy:

 

“The passion for his resolves is a man's sensuality, not the beautiful sensual pleasures found in the world. The passion for his resolves is a man's sensuality. The beauties remain as they are in the world, while the wise, in this regard, subdue their desire.” (7)

 

Bản Việt dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu trong Tăng Chi Bộ Kinh, Chương Sáu Pháp, Kinh Một Pháp Môn Quyết Trạch:

 

“Các tư duy tham ái, 
Là dục của con người, 
Các hoa mỹ ở đời, 
Chúng không phải là dục, 
Các tư duy tham ái 
Là dục của con người, 
Các hoa mỹ an trú
Như vậy ở trên đời, 
Ở đây những bậc Trí, 
Nhiếp phục được lòng dục.” (8)

 

Nghĩa là, thế giới tự thân là đẹp. Khi chúng ta nhìn một đóa hoa đẹp, nghe một ca khúc hay, và trong tâm không khởi lên dục niệm tham ái nào, sẽ thấy thế giới tự thân là đẹp.

 

*

 

Câu hỏi rằng, khi chúng ta nhìn hoa, nhìn biển… và trong tâm chưa khởi lên bất cứ niệm nào, chưa khởi lên cái gì về “tôi nhìn” và “cái được tôi nhìn”… chính ngay khi đó, trong tâm của bạn, đó là cõi tâm không có hôm nay, không có ngày mai. Lúc đó, tâm bạn là kinh vô tự, vì không có một chữ nào vướng trong tâm. Đó là khi chưa có dục niệm khởi.

 

Vậy thì, khi có dục niệm khởi thì sao? Thí dụ, chúng ta nghe ca khúc buồn, chợt mủi lòng, nhìn thấy thiếu nữ đẹp, chợt quyến luyến… Lúc đó, là sinh tử luân hồi.

 

Nên thấy: trước khi dục niệm khởi, đó là cõi tâm mà Lục Tổ Huệ Năng chỉ vào, rằng phải thấy tánh, tức là tâm vô tâm, nương vào đó mà tu, khi ngài đọc kệ:

 

    Bồ-đề vốn chẳng cây,

    gương sáng cũng chẳng phải là đài

    Xưa nay không một vật,

    nơi nào dính bụi trần?

 

Nơi tâm đó, không có gì để tu hết. Nhưng nếu không bảo nhậm được tâm này, phải dùng tới Bát Chánh Đạo mà tu.

Do vậy, trở lại kinh này -- trong 2 bản Anh dịch, và bản Việt dịch của Thầy Thích Minh Châu -- có nói rằng, Đức Phật dạy là phải biết (nhận ra) các dục duyên khởi, dục sai biệt, dục dị thục, dục đoạn diệt… Kinh này rất dài, Đức Phật gọi đó là Thể nhập pháp môn, sử dụng Bát Chánh Đạo để thanh lọc tâm.

Chúng ta ở trên có nói về Ngài Huệ Năng, khi ngài chỉ vào tự tánh vốn thanh tịnh.

Có thể tóm tắt một lời về pháp Thiền của Ngài Huệ Năng hay không? Có lẽ, có thể nói đơn giản là "pháp vô niệm."

 

Trong bài viết "Lục Tổ Huệ Năng: Pháp Môn Vô Niệm," tác giả Tâm Thái tóm lược về Pháp Bảo Đàn Kinh:

 

"Vô niệm là đối với niệm mà không niệm... Này Thiện tri thức, người ngộ được pháp vô niệm thì muôn pháp đều thông, người ngộ được pháp vô niệm thì thấy cảnh giới của chư Phật, người ngộ được pháp vô niệm thì đến địa vị Phật." (9)

 

*

 

Có kinh nào trong Tạng Pali nói tương tự như thế chăng? Có phải khi Đức Phật giảỉ thích về cái đẹp như chúng ta đã nói ở trên là “pháp vô niệm”? Hay khi Đức Phật nói Kinh Bahiya là pháp vô niệm? Và rồi khi dục niệm khởi lên, Đức Phật nói về pháp đối trị khi dục niệm khởi bằng Bát Chánh Đạo…

 

Xin ghi nhận rằng trong Kinh Tương Ưng,  Đức Phật đã dạy về “pháp vô niệm.”

 

Trong Saṃyutta Nikāya 35, bản Anh dịch của Ngài Bodhi Bhikkhu, có các đoạn sau:

 

“Bhikkhus, I will teach you the way that is appropriate for uprooting all conceivings. Listen to that and attend closely, I will speak….”– xin xem nhiều đoạn trích phần Anh dịch ở ghi chú (10).

 

(Dịch: Các sư, ta sẽ dạy các sư phương pháp thích nghi để nhổ gốc rễ tất cả các niệm. Hãy nghe và theo dõi kỹ, ta sẽ nói…)

 

Bản Việt dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu là Tương Ưng Sáu Xứ, Phần Một - Năm Mươi Kinh Thứ Nhất, trích:

 

“2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông con đường thích hợp đưa đến nhổ lên tất cả tư lường (sabbamannità). Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ giảng.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường thích hợp đưa đến nhổ lên tất cả tư lường?

4-6) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không tư lường con mắt, không tư lường trên con mắt, không tư lường từ con mắt, không tư lường: "Con mắt là của ta". Vị ấy không tư lường các sắc, không tư lường trên các sắc, không tư lường từ các sắc, không tư lường: "Các sắc là của ta". Vị ấy không tư lường nhãn thức, không tư lường trên nhãn thức, không tư lường từ nhãn thức, không tư lường: "Nhãn thức là của ta". Vị ấy không tư lường nhãn xúc, không tư lường trên nhãn xúc, không tư lường từ nhãn xúc, không tư lường: "Nhãn xúc là của ta". Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; vị ấy không tư lường cảm thọ ấy, không tư lường trên cảm thọ ấy, không tư lường từ cảm thọ ấy, không tư lường: "Cảm thọ ấy của ta".... Tai... Mũi...

7-8) ... Vị ấy không tư lường lưỡi, không tư lường trên lưỡi, không tư lường từ lưỡi, không tư lường: "Lưỡi là của ta". Vị ấy không tư lường các vị, không tư lường trên các vị, không tư lường từ các vị, không tư lường: "Các vị là của ta". Vị ấy không tư lường thiệt thức, không tư lường trên thiệt thức, không tư lường từ thiệt thức, không tư lường: "Thiệt thức là của ta". Vị ấy không tư lường thiệt xúc, không tư lường trên thiệt xúc, không tư lường từ thiệt xúc, không tư lường: "Thiệt xúc là của ta". Do duyên thiệt xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; vị ấy không tư lường cảm thọ ấy, không tư lường trên cảm thọ ấy, không tư lường từ cảm thọ ấy, không tư lường: "Cảm thọ ấy là của ta".

9) ... Vị ấy không tư lường ý, không tư lường trên ý, không tư lường từ ý, không tư lường: "Ý là của ta". Vị ấy không tư lường các pháp, không tư lường trên các pháp, không tư lường từ các pháp, không tư lường: "Các pháp là của ta". Vị ấy không tư lường ý thức, không tư lường trên ý thức, không tư lường từ ý thức, không tư lường: "Ý thức là của ta". Vị ấy không tư lường ý xúc, không tư lường trên ý xúc, không tư lường từ ý xúc, không tư lường: "Ý xúc là của ta". Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; vị ấy không tư lường cảm thọ ấy, không tư lường trên cảm thọ ấy, không tư lường từ cảm thọ ấy, không tư lường: "Cảm thọ ấy là của ta". Này các Tỷ-kheo, tư lường cái gì, tư lường trên cái gì, tư lường từ cái gì, tư lường cái gì là của ta, từ đấy cái ấy bị đổi khác. Ý tựa trên đổi khác, bám víu vào tái sanh, thế giới ưa thích tái sanh.

10) Cho đến các uẩn, giới, xứ, này các Tỷ-kheo, vị ấy không tư lường pháp ấy, không tư lường trên pháp ấy, không tư lường từ pháp ấy, không tư lường: "Pháp ấy là của ta". Vị ấy không tư lường như vậy nên không chấp thủ một vật gì ở đời. Do không chấp thủ nên không ái luyến. Do không ái luyến nên tự mình được hoàn toàn tịch tịnh. Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".

11) Như vậy, này các Tỷ-kheo, là con đường thích hợp đưa đến nhổ lên tất cả tư lường.(11)

 

Ngắn gọn, như đối chiếu trên, Đức Phật dạy là vô niệm.

 

*

 

Bây giờ chúng ta nhìn về pháp đối trị. Nghĩa là, khi niệm khởi lên, khi trùng trùng song gió cuộc đời phủ chụp. Tất nhiên, chúng ta dễ gặp những cảnh như thế. Thí dụ, khi vào một buổi ca nhạc… Khi nhìn một ca sĩ tuyệt sắc và nghe hát ca khúc du dương… Nếu chnúg ta không vô niệm được, không nhổ gốc rễ tư lường được, chúng ta nên làm gì?

 

Trong Thiền Tông, ngài Tam Tổ Tăng Xán, viết trong Tín Tâm Minh là:

 

Đạo lớn chẳng gì khó

cốt đừng chọn lựa thôi

quí hồ không thương ghét

thì tự nhiên sáng ngời

.          

Sai lạc nửa đường tơ

đất trời liền phân cách

chớ nghĩ chuyện ngược xuôi

thì hiện liền trước mắt... (12)

 

Trong Kinh Tương Ưng 35.94,  ngài Bhikkhu Bodhi có bản Anh dịch, trích:

 

“Having heard sounds both pleasant and raucous,

Do not be enthralled with pleasant sound.

Dispel the course of hate towards the raucous,

And do not soil the mind by thinking,

‘This one is displeasing to me.” (13)

 

Bản Việt dịch của HT Thích Minh Châu trong Tương Ưng Sáu Xứ

94. I. Thâu Nhiếp, trích:

 

3) Sau khi nghe các tiếng,

Khả ái, không khả ái,

Chớ để tâm say mê,

Với các tiếng khả ái.

Hãy nhiếp phục lòng sân,

Với tiếng không khả ái,

Chớ khiến ý nhiễm ô:

"Đối tiếng, ta không thích".(14)

 

Ai nói đây không phải là ngôn ngữ của Tín Tâm Minh?

Quý hồ không thương ghét, thì tự nhiên sáng ngời…

Trùng tuyên lời Đức Phật tuyệt vời như thế sao vẫn còn bị ngộ nhận?

 

*

 

Tôi vẫn ước mơ rằng tất cả quý tăng ni, cư sĩ đều cẩn trọng khi nói, khi nghe, khi đọc, khi viết.

Khi hiểu ý kinh xong, và khi thấy được chỗ Đức Phật đã nêu ở trên là khi dục niệm chưa khởi lên, và chúng ta giữ gìn được tâm nơi đó, thì tất cả những gì chúng ta đi, đứng, nằm, ngồi đều rực sáng, không bị ngăn ngại. Và khi dục niệm khởi lên, đó là khi sử dụng Bát Chánh Đaọ để đối trị.

Và trong các pháp đối trị, Đức Phật đã dạy là nên tập pháp “nhổ bỏ gốc rễ tư lường” -- thực ra, đó là “pháp vô niệm” của Lục Tổ Huệ Năng.

Hay đơn giản, như ngài Tăng Xán dạy, là “quý hồ đừng thương ghét”…

 

Bài này được trân trọng viết từ tấm lòng rất mực tôn kính Tam Bảo, và từ ước mơ Phật Pháp mãi trường tồn.

Nguyên Giác

 

GHI CHÚ:

 

(1) Bản song ngữ Anh-Việt ở đây: http://thuvienhoasen.org/a22386/thuyet-phap-voi-giong-ca-song-ngu

Có thể tham khảo “Âm Nhạc Trong Kinh Phật” – Nguyên Giác: http://thuvienhoasen.org/a15120/am-nhac-trong-kinh-phat

 

(2) Xem toàn bản Anh ngữ: http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/thag/thag.17.03.hekh.html

 

(3)  Uposatha Sila: http://www.accesstoinsight.org/lib/authors/nanavara/uposatha.html 

 

(4) Trưởng Lão Tăng Kệ: http://thuvienhoasen.org/p15a6437/chuong-iv-pham-bon-ke

 

(5) Pháp Cú 262-262, bản Anh dịch ở Buddhanet: http://www.buddhanet.net/dhammapada/d_estab.htm

Có thể tham khảo bán dịch khác: http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/dhp/dhp.19.budd.html

 

(6) Bản Anh dịch Piya Tan: http://www.buddha.sg/dharma/translate/a06.63%20Nibbedhikapariyaya%20Sutta.pdf

 

(7) Bản Anh dịch của ngài Thanissaro Bhikkhu: http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/an/an06/an06.063.than.html

 

(8) Bản dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu: http://thuvienhoasen.org/p15a1248/pham-06-12

 

(9)  Tâm Thái: http://thuvienhoasen.org/a10388/luc-to-hue-nang

 

(10)  Bản Anh dịch của ngài Bodhi: http://suttacentral.net/en/sn35.30

Trích:

“And what, bhikkhus, is the way that is appropriate for uprooting all conceivings? Here, bhikkhus, a bhikkhu does not conceive the eye, does not conceive in the eye, does not conceive from the eye, does not conceive, ‘The eye is mine.’ He does not conceive forms… eye-consciousness … eye-contact … and as to whatever feeling arises with eye-contact as condition—whether pleasant or painful or neither-painful-nor-pleasant—he does not conceive that, does not conceive in that, does not conceive from that, does not conceive, ‘That is mine.’…” (Tương tự với các căn khác)

“He does not conceive all, does not conceive in all, does not conceive from all, does not conceive, ‘All is mine.’

“Since he does not conceive anything thus, he does not cling to anything in the world. Not clinging, he is not agitated. Being unagitated, he personally attains Nibbāna. He understands: ‘Destroyed is birth, the holy life has been lived, what had to be done has been done, there is no more for this state of being.’

“This, bhikkhus, is the way that is appropriate for uprooting all conceivings.”

 

(11) Bản Việt dịch Kinh Tương Ưng 35: http://thuvienhoasen.org/p15a705/35-chuong-i-tuong-ung-sau-xu

 

(12) Tín Tâm Minh: http://thuvienhoasen.org/a9866/tin-tam-minh

 

(13) Kinh SN 35.94: http://suttacentral.net/en/sn35.94

 

(14) Bản Việt dịch Tương Ưng SN 35.94: http://thuvienhoasen.org/p15a705/35-chuong-i-tuong-ung-sau-xu

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/03/2017(Xem: 8250)
Trong bài thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật, Ngài nói: “Này các thầy Tỳ Kheo! Phép tu hành theo con đường ở giữa mà Như Lai đã ngộ là sự tu hành để phát triển nhãn quan, tri kiến, đưa đến sự an tịnh, trí tuệ cao siêu, giác ngộ và Niết-bàn là gì? – Đó là Bát Chánh Đạo"
07/03/2017(Xem: 10676)
Chỉ là ngày giỗ bình thường như bao ngày giỗ khác của mọi người. Nhưng tôi, với những bạn bè bên cạnh tôi hiện nay, đó là những giây phút chạnh lòng bên mớ hành tranh và cũng là của cải trên suốt quảng đường đời hơn nữa đời người sống và cống hiến cho đạo pháp. Dù chỉ là tờ giấy, cây viết nhưng đó là gia sản to lớn chắt chiu có được mỗi khi chợt giựt mình ngồi suy tư nhìn lại.
07/03/2017(Xem: 8638)
Trong Phật giáo, có một sự thảo luận về những vết tích của nghiệp. Nói một cách chính xác thì dấu ấn ấy rất mơ hồ. Nó không phải là vật chất cũng không phải là tinh thần, nhưng hầu hết ở trong hình thức hùng mạnh, như là tiềm năng. Hầu như chúng ta có thể cho rằng đó là hình thái thuộc tính liên tục của tiềm thức. Khi nói về tiềm thức, đôi lúc nó được hiểu trong phạm vi hạt giống hoặc tiềm năng, đôi lúc nó hoàn toàn là một dấu ấn, nghĩa là có một cái gì đó in hằn rong ý thức của chúng ta, những dấu vết khiến chúng ta phải hành động trong một cách chắc chắn.
07/03/2017(Xem: 12370)
Đừng sống như một kẻ không biết gì về thế giới xung quanh. 1) "Đừng sống như cá trong chậu" Cái câu nói này có nghĩa “đừng chỉ thu lu trong thế giới của minh”, là một câu cách ngôn được thốt ra khỏi miệng tôi khi tôi giảng pháp cho một lớp học cách đây một vài năm tại một khoá tu học Phật pháp nửa ngày được tổ chức mỗi nữa tháng. Lớp này chỉ đơn giản được gọi tên là 'Hỏi và Đáp' và chúng tôi đặt tên lớp học sao cho liên quan đến chủ đề được bàn thảo cho đến khi kết thúc lớp học. Chủ đề là do câu hỏi của sinh viên nêu lên quyết định.
03/03/2017(Xem: 9042)
Phật tử hỏi: Kính bạch Hòa Thượng con có những thắc mắc cuối mong Hòa Thượng từ bi dẫn giải cho chúng con được rõ, rất đội ơn thầy. 1. Trong kinh Địa Tạng và kinh Vu Lan, Tự Tứ dạy cúng dường chư Tăng 10 phương thì có thể cứu được cha mẹ ông bà 7 đời được sanh về Nhân Thiên, còn hiện tại cha mẹ được phước lực tiêu khiên và ghi có chúng sanh sắp mạng chung nếu thân quyến tu nhân duyên thắng thọ thì các tội ác người mạng chung thảy đều tiêu sạch.
27/02/2017(Xem: 12914)
1- Hãy khoan hồng tha thứ, biết thiện thì làm, tới đâu thì tới. 2- Sống trong cuộc đời, muốn được thong thả rảnh rang thì đừng dính đến quyền lợi. 3- Làm việc hễ thuận duyên thì làm, không thuận thì phải khéo léo nhẫn nhịn để vượt qua. 4- Ăn chay, thương người, thương vật, tụng kinh. ...
24/02/2017(Xem: 8059)
Trong bài thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật, Ngài đã giảng: "Này các thầy Tỳ Kheo! đến khi Như Lai thấu triệt Bốn Diệu Đế/ Bốn Thánh Đế (insight and understanding of the Four Noble Truths/Four Holy Truths), về 3 phương diện (three stages) và đủ mười hai phương thức(twelve aspects) một cách hoàn toàn sáng tỏ thì đến lúc đó Như Lai mới xác nhận trước thế gian này gồm có cả chư Thiên (Gods), Ma vương (Maras), Phạm thiên (Brahmas), Đạo sĩ (Recluses), Giáo sĩ Bà-la-môn (Brahmans), Con người (Humans) và loài ngoài hạng con người nữa (Some-One) rằng Như Lai đã đạt được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
24/02/2017(Xem: 7460)
Chừng mươi ngày nữa là đến Tết của xứ Ấn, được sự phát tâm lành từ quí vị, chúng tôi đã thực hiện một buổi tặng quà tết cho các em nhỏ thuộc một mái trường làng không tường vách đơn sơ. Đây là một ngôi trường làng cách Bồ Đề Đạo Tràng chừng 8 cây số. Chúng tôi đã cố gắng để các em nhỏ em nào cũng có quà của quí vị cho. Hiện nay trường có 2 lớp học với tất cả là 156 em nhỏ thuộc giai cấp thấp của xã hội India. Xin gửi một vài hình ảnh tường trình thay cho lời tri ân cùng quí vị ân nhân đã bảo trợ cho buổi phát quà :
22/02/2017(Xem: 7832)
Trong 5 ngày từ 21 đến 25 tháng 2 diễn ra ĐẠI GIỚI ĐÀN TÁNH THIÊN tại Làng Mai Thái Lan, Parchong, cách Băng Cốc chừng 300 km. Đại giới đàn vô cùng long trọng, uy nghiêm, linh thiêng và tràn đầy năng lượng. Lần đầu tiên trong đời con được dự ĐẠI GIỚI ĐÀN nên rất xúc động và có những ấn tượng mạnh khó diễn tả trên câu chữ.
22/02/2017(Xem: 8380)
Phần này bàn về các cách dùng xuống thuyền, lên đất, ra đời từ nhận xét của linh mục/LM de Rhodes trong cuốn từ điển Việt Bồ La (1651). LM de Rhodes đã phải cố gắng ghi chú thêm khi thấy các cách dùng này, rất khác biệt (hay có lúc ngược lại) với các cách dùng ngữ pháp truyền thống của tiếng Pháp, La Tinh ...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]