Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài học từ sinh hoạt hằng ngày của Đức Đạt Lai Lạt Ma

18/11/201420:17(Xem: 8691)
Bài học từ sinh hoạt hằng ngày của Đức Đạt Lai Lạt Ma
 
Bai Hoc Hang Ngay

Bài học từ sinh hoạt hằng ngày
của Đức Đạt Lai Lạt Ma


Victor Chan
Hằng Như dịch




VICTOR CHAN, người viết chung với ngài Dalai Lama cuốn “The Wisdom of Forgiveness” (Trí tuệ của sự tha thứ), có được cơ hội quý báu trải qua một khoảng thời gian riêng cùng ngài Đạt Lai Lạt Ma. Dưới đây là lá thư ông viết cho các con của mình và kể lại những gì ông học được trong buổi sáng đặc biệt ấy.


Lina và Kira yêu quý,

Bây giờ, các con đã 16 và 19 tuổi rồi, bắt đầu hoạch định cho cuộc sống của chính mình. Thời gian qua là chuỗi ngày dường như vô tận, chúng ta chỉ mải mê ngồi đó và tán gẫu suốt ngày. 
 
Cha tiếc thời gian chúng ta hoang phí rong ruỗi ngoài bãi biển và những chuyến đi chơi dài ngày trong lần đi cắm trại ở Westfalia của gia đình mình trong khi các con chỉ ngoan ngoãn làm theo những gì cha bảo.

Một câu chuyện cha muốn chia sẻ với các con là về buổi sáng cha có dịp sống với ngài Đạt Lai Lạt Ma. Đây là một sự trải nghiệm có ý nghĩa sâu sắc của đời cha. Mấy tiếng đồng hồ cùng ngài đã cho cha hiểu rõ cách ngài sử dụng thời gian cho riêng mình đằng sau ánh hào quang của ngài. Ngài hầu như không nói gì nhiều với cha trong buổi sáng hôm ấy, nhưng những gì ngài làm đã nói thay ngài rất nhiều và có liên quan đến tất cả chúng ta. Do đó, cha quyết định viết thư này chia sẻ với các con.
Thời điểm ấy, khi đang viết bản thảo cho cuốn The Wisdom of Forgiveness (Trí tuệ của sự tha thứ), cuốn sách cha viết chung với ngài Đạt Lai Lạt Ma, ngài mời cha đến cùng ngài trải qua một buổi sáng tại tịnh thất của ngài ở Dharamsala, Ấn Độ. Cha đã từng cùng ngài đi qua bốn châu lục và nhiều lần thực hiện phỏng vấn cùng ngài, nhưng cha chưa bao giờ có được cơ hội vào nơi tịnh thất của riêng ngài. Chỉ một lần thôi, cha không ngại thức dậy vào lúc nửa đêm, với cha, có thể nói như vậy, lúc nửa đêm các con ạ.
Lúc 3:45 sáng, cha đang ngồi trên một tấm thảm nhỏ đặt trên nền nhà ở trong phòng hành thiền của ngài Đạt Lai Lạt Ma. Không gian nơi đây thật yên tĩnh và kỳ diệu, trang nhã, nhẹ nhàng. Trong phòng, có bài trí một chiếc bàn, một góc dành để ngồi thiền và một khu vực nhỏ để ngồi và dùng bữa. Có nhiều chiếc kệ trưng bày các loại pháp khí bằng đồng đủ các kích cỡ lớn nhỏ và nhiều giá sách đựng các tập kinh viết bằng chữ Tây Tạng. Những tấm rèm dày che cửa sổ buông dài từ trần nhà đến sàn và trong ánh sáng mờ mờ trước  lúc rạng đông, cha có thể thấy thấp thoáng ảnh hiện dãy núi Hy mã lạp sơn.
Vào thời điểm mà chỉ có những chú chó không chủ ở ngoài đường phố thức dậy, ngài Đạt Lai Lạt Ma đã bắt đầu một ngày của mình bằng việc lễ lạy. Từ tư thế đứng, ngài buông dài người ra sàn nhà, với chỉ một tấm đệm mỏng trải trên tấm ván đủ cho phần thân mình. Hai tay ngài đưa thẳng lên khỏi đầu, lòng bàn tay tựa vào miếng vải vuông, tạo nên một góc với các ngón tay đang chỉ thẳng lên trần nhà.
Rồi với một động tác điêu luyện, ngài trượt hai tay xuống dần đến đùi để lấy đà chống đỡ, gấp người về vị trí quỳ trên gót chân, rồi đứng thẳng lên. Ngài đặt lòng hai bàn tay lên đỉnh đầu, nhẹ nhàng đưa dần xuống ngực và trượt người nằm dài trên sàn trở lại. Thế rồi ngài tiếp tục quy trình như vậy nhiều lần.
Cha quên đếm một lát, nhưng cha ước chừng ngài lạy theo cách như vậy ít nhất là 30 lần.  Ngài Dalai Lama đã lạy như thế hầu như mỗi ngày trong suốt cuộc đời ngài, và nếu có ai đó đếm số lần ngài lạy, cha đoan chắc rằng, phải hơn một ngàn lần lặp đi lặp lại như thế trong suốt hơn bảy chục năm qua.
Sau khi lạy xong, ngài đến máy đi bộ (máy tập thể dục) đặt ở góc cửa sổ. Ngài treo xâu chuỗi niệm Phật trên một thanh nắm cạnh cái khăn choàng và bắt đầu bước nhanh trên thanh trượt của máy tập đang di chuyển. Hầu như ngay tức khắc, ngài nhắm mắt lại theo điệu nhạc phát ra từ máy và cứ thế, ngài thực hành thiền khi đang tập thể dục. Điệu nhạc dành cho thiền hành có tiết tấu nhanh hơn.
Sau khi tắm, ngài Đạt Lai Lạt Ma đưa cha đi vòng bên ngoài tịnh thất của ngài. Những rặng núi bao quanh vẫn còn chìm trong màn đêm, hầu như mặt trời chưa chạm tới. Những làn khói mỏng cuộn tròn bay lên từ những ống khói ẩn khuất đâu đó từ từ lan nhẹ trong làn sương lạnh. Xa xa dưới thung lũng Kangra, lác đác những tia sáng từ các phố thành Ấn Độ có thể nhìn thấy ẩn hiện từ xa. Còn quá sớm, chim vẫn chưa cất tiếng gọi đàn.
Ngài Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu từ đằng xa, hòa mình vào không gian yên tĩnh, để tất cả các căn của ngài hòa quyện vào sự thanh tịnh đến huyền diệu của môi trường xung quanh. Ngài thật bình an trong hiện tại, không hề dao động mảy may với sự hiện diện của cha bên cạnh. Khi quan sát ngài, cha đứng đó trong tĩnh lặng, một tay nhẹ chạm vào rào chắn bằng kim loại sơn màu xanh, sự thanh thoát không bút mực nào có thể tả được đã chạm vào trái tim cha.
Trời lạnh nên ngài và cha không ở lâu bên ngoài tịnh thất. Ngay sau khi trở lại phòng, ngài lập tức ngồi thiền. Ngài ngồi trên tấm tọa cụ trải sau chiếc bàn, có một tấm pa-nô bẵng gỗ gụ nhũ vàng hình tròn đặt phía sau lưng ngài. Ngài gỡ đôi kính ra khỏi mắt, thần thái thanh thoát, hiện thân của sự sống viên mãn nhất, được thể hiện trọn vẹn nơi ngài. Có vết thâm quầng ở dưới mi mắt ngài và những nếp nhăn chạy dài từ hai má đến cằm. Khuôn mặt ngài thật bình thản, nghiêm trang và đầy trí tuệ.
Khi ngài Đạt Lai Lạt Ma hành thiền, ngài luôn rung lắc thân mình, nhịp nhàng như cái máy. Đôi mắt ngài khép hờ, nhưng cha có thể thấy thỉnh thoảng con ngươi ngài di chuyển nhẹ trong hố mắt. Có những lúc con ngươi đưa lên, cha có thể thấy tròng trắng trong mắt Ngài. Hai bàn tay ngài đặt trên đùi, các ngón tay ngài gõ theo một cách nhịp nhàng. Cha cảm thấy không thoải mái, có cảm giác như sự hiện diện của mình đã xâm phạm vào không gian vô cùng riêng tư này.
Một điều chắc chắn rằng ngài Dalai Lama đi vào một trạng thái sâu lắng và vô cùng đặc biệt. Sau đó, ngài có chia sẻ với cha rằng, khi hành thiền, tâm ngài không hoàn toàn tĩnh lặng theo cách nói của các thiền sư. Một cách năng động, tâm ngài định hướng những mong muốn, hoạch định ngài sẽ làm trong ngày, ngập tràn với ý niệm làm thế nào để tâm từ bi phát triển sâu rộng hơn. Ngài mong ước đem tâm từ trải đến mọi người và giúp họ vơi đi nỗi khổ bằng bất cứ cách nào ngài có thể. Sự phân tích hợp lý trong lúc này giúp ngài nuôi lớn trí tuệ để thấy rằng, bằng cách trải tâm từ đến người khác, bản thân ngài vẫn có được lợi ích là tâm trở nên an tịnh.
Sau 4 tiếng đồng hồ, đã đến lúc cha chào ngài ra về. Ngài nắm chặt tay cha và đưa cha đến một căn phòng nọ. Từ đây, ngài lấy ra một viên đá nhỏ màu xám có khắc một ngôi tu viện Ấn Độ được trang trí bởi cái tháp ở phía trên cùng của một cái bục có hai tầng. Bốn ngọn tháp nhỏ an trí ở bốn hướng. Ngài nói “Tháp ở Bồ-đề đạo tràng đây, riêng dành tặng anh”.  
Ngài đưa cha ra cửa thì  dường như có một ý tưởng lóe lên trong đầu ngài. Ngài hướng cha đến một cái thùng chứa đầy các vật thể đẹp. Ngài vui mừng reo lên “À đây!”. Ngài cẩn thận lấy ra và trao cho cha một mảnh gỗ gụ có khắc một ông già râu dài đến tận thắt lưng. Đó là biểu tượng cho sự hoàn hảo ở một vị thánh Trung Hoa.
Ngay lúc đó, Paljior la, thị giả của ngài Đạt Lai Lạt Ma, nhẹ nhàng bước vào phòng. Vị này dâng lên ngài Đạt Lai Lạt Ma một phong bì nhỏ màu đỏ để Ngài trao cho cha. “Một bao lì xì đỏ dành cho anh, theo phong tục của người Trung Hoa. Tạm biệt anh”. Ngài nói trong sự chân tình, ấm áp. Bên trong bao lì xì là một xấp tiền đô-la Mỹ. Cảm giác ngại ngùng lan tỏa khắp khuôn mặt cha. Cha cảm thấy xấu hổ. Quá bất ngờ khi ngài Đạt Lai Lạt Ma cho cha những món quà, kể cả những vật quý giá với lai lịch đặc biệt của chúng. Và biết rằng cha khá eo hẹp, ngài còn cho tiền nữa.
Khi cha bước ra khỏi phòng thiền, ngay giây phút ấy, cha chạm phải ánh nhìn vô cùng hoan hỷ của ngài Đạt Lai Lạt Ma. Khuôn mặt ngài rạng ngời. Dường như khi cho cha những món quà ấy, ngài rất hài lòng. Điều này thể hiện trên nét mặt rạng rỡ của ngài. Vài nếp nhăn dọc theo hai gò má ngài dường như căng ra, vầng trán như bớt nhăn đi và bọng nước dưới mi mắt ngài dường như bớt thâm quầng. Tất cả toát lên vẻ bình yên và an lành nơi ngài.
Lina và Kira, từ kinh nghiệm cá nhân của mình, các con đã biết ít nhiều về những lợi ích của sự cho đi. Gia đình chúng ta đã từng sống ở Ấn Độ một năm khi Lina lên 7 và Kira lên 9. Các con có lẽ còn nhớ thời gian vài tuần đầu, chúng ta khổ như thế nào. Các con đã phải khổ sở với sự khác biệt quá lớn về văn hóa khi phải đối đầu với đói nghèo và khổ sở bao vây. Các con cảm thấy thật khủng khiếp. Rồi các con biết được những học sinh đường phố ở Dharamsala và rất vui khi được chăm sóc các bạn.
Cha còn nhớ rất rõ hai con đã bò qua những rãnh nước hôi hám dơ dáy để mang thức ăn và nước uống cho các con vật nhỏ. Rồi khi chúng bắt đầu chết vì sự lan tràn của vi rút gây bệnh, các con lại dấn thân vào việc kêu gọi mọi người chung tay để mua thuốc phòng bệnh cứu chúng. Hành vi chăm sóc, đặt lợi ích của người khác lên trên bản thân mình đã khơi dậy và làm cho tinh thần các con phấn chấn đáng kể.
Như tôn giả Tịch Thiên (Shantideva), một vị Thánh người Ấn vào thế kỷ XIX và chủ trương học thuyết của vị này ảnh hưởng sâu sắc đến ngài Đạt Lai Lạt Ma, từng viết rằng: “Tất cả niềm vui mà thế gian này chứa đựng đến từ mong ước người khác có hạnh phúc”. Cũng như ngài Đạt Lai Lạt Ma thường nói rằng “Nếu bạn muốn người khác hạnh phúc, hãy thực hành tâm từ. Nếu bạn muốn bản thân mình hạnh phúc, hãy thực hành tâm từ”.
Sau khi rời chỗ ở của ngài Đạt Lai Lạt Ma, cha đến một quán cà phê trong khu chợ ở Dharamsala. Ngồi nhâm nhi ly cà phê sữa ngon lạ, cha hồi tưởng lại những gì mình vừa trải nghiệm trong mấy tiếng đồng hồ qua. Cha thấy cuộc sống hằng ngày của ngài rất đơn giản, thậm chí bình thường. Ngài lạy, đi trên máy đi bộ, đi dạo vòng quanh tịnh thất, hành thiền và biếu quà cho cha. Không có việc nào ra ngoài quỹ đạo của cuộc sống bình thường cả, thật sự là như vậy. 
Khi nói với các con đây, cha vẫn còn cảm nhận được nguồn an lạc toát ra từ ngài. Cha đã từng gặp ngài, một người biết tự chăm sóc mình, cả về phương diện vật lý cũng như tinh thần. Cha biết công việc thường ngày trong mỗi buổi sáng của ngài cứ như thế, từ năm này sang năm khác, diễn ra một cách nhẹ nhàng. Nó diễn ra một cách có nguyên tắc, kiên trì và tự chủ, thức dậy lúc 3:30, thực hành tâm linh trong mấy tiếng đồng hồ trước khi bắt đầu những công việc đa đoan ở văn phòng. Ngài Đạt Lai Lạt Ma vẫn đều đặn thực hành như thế trong suốt mấy chục năm qua, ngay cả khi ngài đi xa với sự khác biệt múi giờ.
Ngài Đạt Lai Lạt Ma nhiều lần bảo cha rằng, ngài không thích tập thể dục. Thế nhưng, với cái đầu thiên về khoa học, không ngừng cập nhật những ưu điểm mới nhất trong lãnh vực sức khỏe, ngài hiểu rằng thể dục là quan trọng. Ngài ý thức rõ ràng về thời gian, sự tương đối và không phung phí nó. Khả năng của ngài là càng hoàn thiện sứ mạng giúp người càng tốt và tất cả đều phụ thuộc vào sức khỏe của ngài có cho phép hay không.
Cha cũng biết rằng ngài không phải là một học trò ngoan khi còn nhỏ. Ngài có tính khí thất thường và bốc đồng. Nguyên tắc tu viện (giới luật) như thiền định và học kinh điển không phải đến với ngài một cách tự nhiên. Trong một cuộc nói chuyện trước đây, với ánh mắt xen lẫn một chút tinh nghịch, ngài Đạt Lai Lạt Ma nói với cha rằng, “lúc khoảng lên 7 hay 8 tuổi, tôi không hề ham học. Chỉ thích chơi thôi. 
Thế nhưng có một điều: đầu óc tôi lúc đó vì còn nhỏ, nên sắc bén lắm, có thể học dễ dàng. Vì lẽ đó mà chủ quan sinh ra lười. Do vậy, mấy vị thầy dạy tôi luôn giữ cái roi bên mình, cái roi  màu vàng. Khi trông thấy cái roi màu vàng, cái roi thánh thiện dành cho cậu học trò thánh thiện Đạt Lai Lạt Ma, tôi học. Vì sợ mà học. Ngay cả khi đến tuổi có hiểu biết, khi tôi học, không có sự đau đớn thánh thiện nào”.
Mặc dù không mấy ham học khi còn nhỏ, ngài Đạt Lai Lạt Ma đã toàn tâm toàn ý thực hành mỗi buổi sáng. Với sự kiên trì và tự chủ, Ngài đã tập ngồi tĩnh lặng trong thời gian khá lâu. Dần dần, ngài có thể kiểm soát tốt hơn những bản năng sai lầm. Thiền định và học pháp trở thành quan trọng hơn việc chơi; không đáp ứng ngay những gì mình muốn thỏa mãn trở thành điều tất nhiên. Trong một thời gian dài, các nhà tâm lý học tập trung vào phương diện hiểu biết thuộc tri thức và xem đó là yếu tố quan trọng nhất để dự đoán sự thành công trong cuộc sống. 
Ngày nay, phần đông đều nhất trí rằng chỉ số trí tuệ IQ phần lớn tùy thuộc vào khả năng tự chủ. Những đứa trẻ thông minh nhất không thể luôn luôn y cứ thuần túy vào khả năng của não bộ. Sự thành công lâu dài phụ thuộc vào khả năng tự điều chỉnh, làm giảm đi những bản năng không tốt và tăng cường những gì tốt đẹp cho cuộc sống.
Kira, cha nghĩ con có thể liên hệ đến vấn đề này. Suốt ngày ở trường, con cứ lao đầu vào mớ bài tập, cắm cúi cho đến phút cuối. Điều này nói lên rằng, con có khả năng tự chủ tốt, không đáp ứng ngay những thỏa mãn mang tính bản năng. Cha nghĩ con cảm nhận được khi làm xong trách nhiệm đúng lúc, con đã hoàn thành công việc. Điều này dỡ đi gánh nặng từ đôi vai con và để con rảnh rang làm việc khác, những công việc có lẽ đem lại nhiều niềm vui hơn. Cha rất vui khi con có thể rèn cho mình có thói quen hữu ích này, một việc quan trọng trong đời sống của con.
Ngài Đạt Lai Lạt Ma thường giảng về tầm quan trọng của tự chủ. Ngài tin rằng tự chủ là yếu tố cần thiết trong sự thực hành tâm linh. Nó cho chúng ta phương tiện để thực hành và nuôi lớn những đặc tính cần thiết quyết định cho cuộc sống. Nó cho phép chúng ta thẩm vấn những hành vi của mình và mở đường cho sự sửa đổi ngày càng tốt hơn. Nó ví cái tâm chưa được thuần hóa của chúng ta với con voi nổi loạn chưa được huấn luyện. Nếu có thể dần thuần hóa được nội tâm, chúng ta sẽ có cơ hội nuôi dưỡng tâm từ, nền tảng của hạnh phúc thuần chân một cách dễ dàng hơn.
Rõ ràng rằng đối với ngài Đạt Lai Lạt Ma, thiền định rất quan trọng. Ngài dành một khoảng thời gian lớn trong ngày cho việc hành thiền, và cha đã từng chứng kiến ngài được nạp thêm nguồn năng lượng sau thời khóa buổi sáng. Câu nói của ngài Dalai Lama được trích dẫn nhiều trong thời gian gần đây là “Nếu mọi đứa bé lên tám được dạy thiền, chúng ta sẽ chấm dứt bạo lực trên thế giới chỉ trong một thế hệ mà thôi”.
Càng ngày càng có nhiều người thực hành thiền. Nhưng điều cha lo ngại là mặc dù họ có thiện chí đó, nhưng được bao nhiêu người có thể kiên trì thực hành thiền trong cuộc sống của mình. Sớm muộn gì những công việc cấp bách cần giải quyết của đời thường sẽ làm trở ngại việc thực hành thiền hằng ngày của nhiều người.
Với ngài Đạt Lai Lạt Ma, việc hành thiền tự nhiên như việc đánh răng vậy thôi. Đó là một thói quen trong cuộc sống hằng ngày. Cha thử nhẩm tính, hẳn ngài đã dành ra hơn 100 ngàn tiếng đồng hồ để thực hành thiền. Và không nghi ngờ gì nữa, ngài là người hạnh phúc nhất mà cha từng biết. Sự hài hước của ngài, khả năng gây cười và niềm hoan hỷ trong cuộc sống của ngài thật là thần kỳ. 
Ngài Đạt Lai Lạt Ma đã chỉ cho cha một số cách đơn giản để ứng dụng thiền vào trong công việc hằng ngày. Đừng quá tham vọng làm điều gì to tát; hãy kềm chế sự nóng nảy. Lúc mới bắt đầu thực hành thiền, đừng ngồi quá lâu, mỗi lần chỉ nên ngồi chừng 10 đến 15 phút thôi. Có điều là cần thực hành thường xuyên, nhiều lần trong một ngày và duy trì để nó trở thành một thói quen thường xuyên trong cuộc sống.
Làm cho việc hành thiền trở thành một công việc nhịp nhàng như một thói quen  hằng ngày, đó là bí quyết để ngài Dalai Lama nuôi dưỡng suối nguồn bình an. Và trong những năm gần đây, khoa học cũng đã xác chứng sự liên quan mật thiết giữa thiền định và hạnh phúc thuần chân.
Ngài Đạt Lai Lạt Ma bảo cha “thế nhưng muốn tiến bộ, cần kiên trì với thời gian. Hành thiền không giống như mở công tắc bóng đèn, mà giống như nhen một ngọn lửa: bắt đầu từ một đốm lửa nhỏ, nó cháy to dần, mỗi lúc một to dần, sáng hơn, mỗi lúc một sáng hơn. Hành thiền là giống như vậy đó”.
Đây là đôi điều cha học được trong buổi sáng hôm ấy. Hãy rèn luyện. Điều này tốt cho cả thân và tâm. Thiền định cũng rất tốt. Không có gì đáng ngạc nhiên ở đây. Cha không nói với các con điều gì mới mẻ cả. Thế nhưng cha ấn tượng với sự thấu hiểu hàm chứa trong công việc buổi sáng của ngài Đạt Lai Lạt Ma. Không có gì to tát cả, nhưng thật ý nghĩa khi chứng kiến những kinh nghiệm sống động như thế.
Đầu tiên là sự tự chủ và tất cả những gì nó hàm chứa: không đáp ứng ngay những gì mình muốn thỏa mãn, sống có nguyên tắc, bền bỉ kiên trì. Thứ hai là thói quen. Hình thành một thói quen hằng ngày một cách nhẹ nhàng giúp chúng ta có được sự kiên trì và thành công trong mỗi việc mình  muốn thực hiện. Thứ ba là chúng ta có được sự hài lòng từ sự cho đi, từ sự giúp đỡ người khác. Tất cả những điều này đều hiện thực, xác chứng những phương cách ta có thể sử dụng để làm cho cuộc sống mình thêm thành công và tươi đẹp hơn.
Hiểu biết sâu thẳm nhất đến một cách nhanh chóng với cha khi ở bên ngoài tịnh thất cùng ngài Đạt Lai Lạt Ma. Ngay cả lúc này, nó vẫn còn thoáng hiện trong tâm trí cha, tuy không được trọn vẹn như lúc đó. Cha không mong hai con có thể liên hệ đến việc ấy trong lúc này, nhưng các con nên lưu tâm điều này. Đó là khi ở bên ngoài tịnh thất hôm đó, cha đã cảm nhận một cách khái quát về sự duyên sinh và tầm quan trọng trong mối quan hệ tùy thuộc vào nhau trong cuộc sống này. 
Ngài Dalai Lama luôn sống với tâm ở trạng thái phản tỉnh, và ngài hầu như không nói gì với cha. Thế nhưng những khoảnh khắc ngắn ngủi trong sương lạnh trước lúc rạng đông trong buổi sáng hôm ấy đã đánh động mãnh liệt đến tâm thức cha một cách không ngờ. Cha trực nhận năng lực của ngài và sự liên kết rất thật với những gì quanh ngài, một sự kết nối làm thăng hoa ý tưởng.
Cha xin được nhắc lại trong một cuộc phỏng vấn ngài trước đó. Ngài đã nói với cha về nhiều điều ngài trải nghiệm lúc ngài hơn 20 tuổi. Bất cứ cái gì ngài nhìn – một chiếc bàn, chiếc ghế, hay một người nào đó – ngài đều thấy nó không có một thực thể, không thật tồn tại. Có một “cái không trong cái có hiện hữu”, ngài nói với cha như thế.
 Nhìn thấy cha bối rối chưa hiểu gì, ngài giải thích “những khoảnh khắc này giống như những bức tranh xuất hiện, giống như xem ti vi hay xem phim vậy. Đặc biệt rất giống như xem phim. Ta có cảm giác những  gì đang diễn ra là thật, nhưng đồng thời, trong khi mắt ta nhìn thấy các cảnh ấy, tâm ta biết đó chỉ là bức tranh. Chỉ là sự diễn xuất, không thật có”.
Cách nhận thức này, sự cảm nhận vi tế về thực tại này là nền tảng trong đời sống tâm linh của ngài Đạt Lai Lạt Ma. Ngài biết, trên phương diện tri thức cũng như phương diện trải nghiệm, rằng vạn vật đều chịu sự chi phối của luật vô thường và rằng sự tồn tại của mình tùy thuộc vào một mạng lưới phức tạp trong các mối quan hệ khác. Trên cơ sở này, các ranh giới cá nhân đều tan ra. Kết quả là, ngài cảm nhận được sự gắn kết quyến thuộc với tất cả vạn vật và mọi người.
Lina và Kira, cha khép lại những chia sẻ về những gì đi qua tâm trí cha về buổi sáng hôm ấy. Cha vẫn luôn nhớ về mấy tiếng đồng hồ quý báu cha có mặt cùng ngài Đạt Lai Lạt Ma. Ngài chẳng giảng cho cha những giáo lý cao siêu nào, cũng không phải theo cách thông thường. Hầu như trong mọi lúc, ngài không đoái hoài gì đến sự có mặt của cha. Nhưng các con có thể nói rằng, cha đã học được những điều quan trọng – những điều không dễ dùng ngôn ngữ mà diễn đạt được.
Yêu hai con nhiều,



Cha các con
Vitor Chan


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
23/02/2021(Xem: 5391)
Phật Giáo Việt Nam kể từ khi lập quốc (970) đến nay đã đóng góp rất lớn cho nền Văn Học Việt Nam qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần..v..v.. nhưng không có một Quốc Sử Việt Nam nào ghi nhận cả, điều đó thật là đau buồn, mặc dù Phật Giáo Việt Nam thời bấy giờ và cho đến bây giờ không cần ai quan tâm đến. Phật Giáo Việt Nam nếu như không có công gì với núi sông thì đâu được vua Đinh Tiên Hoàng phong Thiền sư Ngô Chân Lưu đến chức Khuông Việt Thái Sư và chức Tăng Thống Phật Giáo Việt Nam vào năm Thái Bình thứ 2 (971). Cho đến các Thiền sư như Pháp Thuận, Vạn Hạnh,v..v.... đều là những bậc long tượng trong trụ cột quốc gia của thời bấy giờ, thế mà cũng không thấy một Quốc Sử Việt Nam nào ghi lại đậm nét những vết son cao quý của họ.
23/02/2021(Xem: 10397)
Văn học thời Trần là giai đoạn văn học Việt Nam trong thời kỳ lịch sử của nhà Trần (1225 – 1400). Văn học thời Trần tiếp tục và có nhiều bước tiến bộ rõ rệt hơn so với văn học thời Lý (1010 – 1225). Văn học thời Trần chịu ảnh hưởng của Phật giáo và Nho giáo. Tư tưởng Phật giáo chủ yếu trong văn học thời Trần là tư tưởng thiền học.
23/02/2021(Xem: 9207)
Trong nội dung của ấn bản lần thứ hai của quyển “Tư tưởng Phật giáo trong Văn học thời Lý”, chúng tôi vẫn giữ những điểm chính quan trọng của ấn bản lần thứ nhất. Tuy nhiên, chúng tôi đã sửa chữa và bổ sung một vài nơi. Chúng tôi đánh giá cao sự góp ý và phê bình của: GS Lưu Khôn (Cựu GS tại trường ĐHVK Saigon và Cần Thơ), GS Khiếu Đức Long (Cựu GS tại ĐH Vạn Hạnh), Ô. Nguyễn Kim Quang (Cựu học sinh Lycée Petrus Ký 1953-1960), cố Kỹ Sư Nguyễn Thành Danh (Vancouver, Canada). Trong khi viết quyển sách này lần thứ nhất vào năm 1995, chúng tôi đã được sự giúp đỡ và góp ý của các thân hữu: cố Hoà Thượng Thích Nguyên Tịnh (Cựu Trú trì Chùa Thiền Tôn, Vancouver, Canada), cố GS Nguyễn Bình Tưởng (Cựu Hiệu Trưởng trường Trung Học Vĩnh Bình, và Cựu Giám Học trường Trung Học Nguyễn An Ninh, Saigon), chúng tôi chân thành cám ơn quý vị này.
20/02/2021(Xem: 6506)
Thơ tụng tranh chăn trâu của thiền sư Phổ Minh gồm tất cả mười bài thơ “tứ tuyệt” cho mười bức tranh chăn trâu với các đề mục sau đây: 1. Vị mục: chưa chăn 2. Sơ điều: mới chăn 3. Thọ chế: chịu phép 4. Hồi thủ: quay đầu 5. Tuần phục: thuần phục 6. Vô ngại: không vướng 7. Nhiệm vận: theo phận 8. Tương vong: cùng quên 9. Độc chiếu: soi riêng 10. Song mẫn: cùng vắng
20/02/2021(Xem: 8894)
Kinh Hoa Nghiêm được giải thích là kinh đầu tiên khi Phật đạt chánh đẵng chánh giác sau 49 ngày thiền định. Sau đó người giảng kinh Hoa Nghiêm cho chư thiên và bồ tát là giảng bằng thiền định tâm truyền tâm nên im lặng suốt 21 ngày. Kinh Hoa Nghiêm nói về Tâm. Kế đến Kinh Lăng Già Phật cũng giảng cho Ma vương và ma quỷ sống trong hang động ở đỉnh núi Lăng Già. Phật giảng bằng tâm truyền tâm ấn nên không có nói bằng lời và giảng về Thức vì Ma vương không còn uẩn sắc nữa mà chỉ còn là tâm thức. Kinh Lăng già là giảng về Duy Thức Luận. (bài viết của cư sĩ Phổ Tấn)
20/02/2021(Xem: 5075)
Washington: Theo báo cáo của The Economist, Trong nỗ lực mới nhất nhằm thắt chặt vòng vây Tây Tạng, Trung Cộng đang buộc người Tây Tạng ít quan tâm đến tôn giáo của họ hơn, và thể hiện nhiệt tình hơn đối với chế độ độc tài của Đảng Cộng sản Trung Quốc do Tập Cận Bình lãnh đạo tối cao. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực phủ nhận vai trò của Đức Đạt Lai Lạt Ma ra khỏi đời sống tôn giáo của người dân Tây Tạng để xóa bỏ danh tính của họ. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cưỡng chiếm Tây Tạng vào giữa thế kỷ 20 sau thập niên 1950, và kể từ đó đã kiểm soát khu vực cao nguyên tại Trung Quốc, Ấn Độ, Bhutan, Nepal, và Pakistan tại châu Á, ở phía bắc-đông của dãy Himalaya..
17/02/2021(Xem: 5266)
Nội dung tác phẩm dựa trên một bức tranh nổi tiếng có tên là “Thanh minh thượng hà đồ” (nghĩa là “tranh vẽ cảnh bên sông vào tiết Thanh minh”) của nghệ sĩ Trương Trạch Đoan vào thời nhà Tống cách đây hơn 1000 năm. Thiên tài Albert Einstein đã từng nói: “Nghệ thuật thật sự được định hình bởi sự thôi thúc không thể cưỡng lại của người nghệ sĩ sáng tạo”. Và một nghệ sĩ điêu khắc người Trung Quốc – Trịnh Xuân Huy đã chứng minh điều đó qua kiệt tác nghệ thuật của ông trên một thân cây dài hơn 12 mét. Chắc chắn bạn sẽ phải ngạc nhiên về một người có thể sở hữu tài năng tinh xảo đến như vậy!
17/02/2021(Xem: 5698)
Một quán chiếu về những ánh lung linh trên bề mặt một hồ nước gợn sóng lăn tăn bởi làn gió nhẹ. Một con sông khổng lồ của si mê tin tưởng sai lầm tâm-thân là tồn tại cố hữu tuôn chảy vào hồ nước của việc hiểu sai cái "tôi" như tồn tại cố hữu. Hồ nước bị xáo động bởi những làn gió của tư tưởng phiền não chướng ngại ẩn tàng và của những hành vi thiện và bất thiện. Sự quán chiếu ánh trăng lung linh biểu tượng cho cả trình độ thô của vô thường, qua sự chết, và trình độ vi tế của vô thường, qua sự tàn hoại từng thời khắc thống trị chúng sanh. Ánh lung linh của những làn sóng minh họa tính vô thường mà chúng sanh là đối tượng, và quý vị thấy chúng sinh trong cách này. Bằng sự ẩn dụ này, quý vị có thể phát triển tuệ giác vào trong vấn đề chúng sinh bị kéo vào trong khổ đau một cách không cần thiết như thế nào bằng việc điều hướng với tính bản nhiên của chính họ; tuệ giác này, lần lượt, kích hoạt từ ái và bi mẫn.
16/02/2021(Xem: 4568)
Nói về pháp khí, nhạc khí của Phật giáo là nói đến chuông, trống và mõ. Trong ba pháp cụ đó. Tiếng chuông chùa đã gợi nguồn cảm hứng không ít cho những văn, thi sĩ. Hiện nay rất ít tài liệu nói về nguồn gốc của chuông, trống và mõ. Sự kiện trên khiến các học giả nghiên cứu về chuông, trống, mõ gặp trở ngại không nhỏ. Tuy thế dựa vào bài Lịch sử và ý nghĩa của chuông trống Bát nhã do thầy Thích Giác Duyên viết đã đăng trong Thư Viện Hoa Sen, khiến chúng ta biết được người Trung Hoa đã dùng chuông vào đời nhà Chu ( thế kỷ 11 Trước CN – 256 Trước CN ). Riêng việc chuông được đưa vào các chùa chiền ở Việt Nam từ thời nào người viết không biết có tài liệu nào đề cập đến không?
14/02/2021(Xem: 5159)
Pháp Hoa kinh là vua của các kinh vì ở vào thời kỳ thứ 5 trong lịch sử đạo Phật. Lúc bấy giờ là cuối đời thọ mạng của đức Phật nên kinh giảng của người mang toàn bộ tính chất của đạo Phật do người thuyết pháp. Có hai cốt lỏi của kinh Pháp Hoa là Phật tánh và Tri kiến Phật. Phật tánh đã được tóm lược trong bài Nhận biết Phật tánh cùng tác giả. Tri là biết, kiến là thấy, biết thấy Phật là gì? Biết là tuệ giác người dạy cho chúng ta và thấy là thấy đại từ bi của Phật. Đó là trí tuệ và từ bi là đôi cánh chim đại bàng cất cao bay lên trong tu tập. Chúng ta nghiên cứu trí tuệ của toàn bộ đạo Phật một cách tổng luận để tư duy, về phần từ bi chúng ta đã hiểu qua bài Tôi Học kinh Pháp Hoa đồng tác giả. Trí tuệ đạo Phật có gồm hai phần triết lý đạo Phật và ứng dụng. Tri kiến Phật là nắm hết các điểm chính của đạo Phật theo lịch sử của thời gian. Chúng ta hãy đi sâu về tuệ giác.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]