Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thênh thang Ba La Mật

14/10/201408:48(Xem: 8828)
Thênh thang Ba La Mật
      

Ananda1
              THÊNH THANG BA-LA-MẬT

                                                              Huệ Trân








 

            Bạn chưa từng ghé thăm mà không gọi trước. Vậy mà lần này, mở cửa, chưa nhìn thấy người đã thấy hoa và trái. Mấy bó cúc đại đóa vàng tươi che kín mặt, chưa đủ, tay kia còn chĩu nặng một giỏ, vừa hồng dòn, vừa soài xanh, mận chín. Tôi toan đỡ một thứ, bạn đã bước nhanh qua cửa, đi thẳng vào bếp, đặt quà xuống, và líu lo:

          - Hên ghê, mình vừa đến tiệm là xe chở hoa và trái cây phân phối các chợ cũng vừa tới. Xem này, thiệt là tươi. Mình mua ngay. Khách hàng đầu tiên đấy!

          Tôi trách nhẹ:

          - Tươi thì tươi chứ mua chi dữ vậy? Định mang cho những đâu mà khiêng lắm thế?

          Bạn bỗng dừng tay sắp xếp, cất tiếng như chim:

          - A! Á! Đừng có hỏi mang đi đâu, và cho ai nhé! Bố thí Ba La Mật là chi? Không chấp vào của cho, người cho, kẻ nhận, phải không? Duyên tới thì thành thôi. Mà này, hôm nay có rảnh không? Có thì giờ uống trà không? Mình nói chuyện lai rai về Ba La Mật đi!

          Tôi cũng “bắt chước tiếng chim”:

          - A! Á! Nói tới nơi tới chốn thì nói, chứ không nói lai rai! Còn ai đa đoan tới mức không có thì giờ uống trà thì … sống làm chi nhỉ?

         

          Rồi “bình trà Ba La Mật” thơm ngát, được có mặt, do lần bạn ghé thăm không báo trước như thế.

          Chỉ xin xác định, đây như buổi mạn đàm ngẫu hứng của bạn đạo, tung tăng dắt nhau vào khu rừng mênh mông vì bỗng cùng muốn tìm một loài dược thảo đã được nghe là thần dược. Tìm thấy thế nào thì nói như thế ấy, theo cái biết, cái thấy của riêng cá nhân mà thôi. Chư vị nào thấy không phù hợp ý mình, xin mời nâng tách trà và … hỷ xả ba-la-mật!

  

          Ba La Mật Đa là dịch âm từ Pàramità, nếu dịch theo chữ, là Đáo Bỉ Ngạn, có nghĩa là qua bờ bên kia.

         

          Người học Phật thường nghe nói đến Lục Độ Ba La Mật là sáu hạnh, mà nếu hành giả nương theo một cách chính xác, miên mật thì có thể đạt tới những quả vị như Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán hoặc cao hơn. Như vậy đủ thấy sự vi diệu và thù thắng cùa sáu hạnh này như thế nào. 

Lục Độ Ba La Mật gồm: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ.

Cả hai phái, Phật Giáo Nguyên Thủy (PGNT) và Phật Giáo Đại Thừa (PGĐT) đều dựa trên căn bản này, bổ túc thêm bốn hạnh, tùy theo mục đích và quan điểm của phái tu mà sắp xếp thành một danh xưng chung là Thập Ba La Mật hay còn gọi đơn giản là Mười Pháp Ba La Mật.

Trước hết, để dễ nhận diện, chúng ta sẽ đi từng bước qua bảng đối chiếu Thập Ba La Mật sau đây, của hai phái PGNT và PGĐT:

 

PG NGUYÊN THỦY(PGNT):                  PG ĐẠI THỪA (PGĐT):

1- Bố thí (Dàna)                                          1-Thí ba la mật

          2- Trì giới (Silà)                                 2- Giới ba la mật

          3- Xuất gia (Nekkhamma)                 3- Nhẫn ba la mật

          4- Trí tuệ (Pãnnà)                                        4- Tinh tấn ba la mật

          5- Tinh tấn (Viriya)                           5- Thiền ba la mật

          6- Nhẫn nại (Khanti)                         6- Bát-nhã ba la mật

          7- Chân thật (Sacca)                         7- Phương tiện ba la mật

          8- Quyết định (Adhithàna)                8- Nguyện ba la mật

          9- Tâm Từ (Mettà)                                      9- Lực ba la mật

          10- Tâm Xả (Upekkhà)                     10- Trí ba la mật

         

 

          Trước hết, chúng ta nhận thấy cả hai phái, Phật Giáo Nguyên Thủy (PGNT) và Phật Giáo Đại Thừa (PGĐT) đều sắp xếp hai hạnh, Bố-thí và Trì-giới lên trên, chứng tỏ tầm quan trọng của hai hạnh này.

          1- BỐ THÍ (PGNT) – THÍ BA LA MẬT (PGĐT):

          Gồm Tài-thí (Dravyadàna), Pháp-thí (Dharmadàna) và Vô-úy-thí (Abhayadàna) Khi nói tới “cho” là ta phải hình dung ra ba yếu tố: người cho, người nhận và vật cho.    

Tài-thí gồm hai loại là Ngoại-thí và Nội-thí. Trong hai loại này, Ngoại-thí dễ cho hơn vì đó là những vật bên ngoài như tiền bạc, áo quần, đồ đạc, lương thực v…v… Còn Nội-thí là những bộ phận trong thân thể con người nên người muốn cho Nội-thí phải là người phát tâm đại bi dõng mãnh, như khi Đức Phật còn làm Bồ Tát, Ngài đã từng bố thí đầu, mắt, tay, chân cho kẻ cầu xin. Ngày nay, với kỹ thuật y học tân tiến, chúng ta cũng có thể chia xẻ bộ phận cho nhau để cứu sống lẫn nhau, nhưng vẫn đòi hỏi người cho phải có lòng mẫn cảm phi thường.

          Pháp-thí không chỉ là chia xẻ cho nhau những lời giảng dạy chánh pháp của Chư Phật, mà dùng lời chân thật đem lại hòa khí, an lạc cho nhau cũng có thể gọi là Pháp-thí vì Chư Phật há chẳng khuyên dạy chúng ta rằng ái ngữ có thể mang đến niềm vui và hạnh phúc ư?

          Theo kinh tạng Nguyên Thủy (Anguttara, Itivuttaka) thì chỉ có hai loại Bố-thí, là Tài-thí và Pháp-thí, nhưng theo tinh thần giáo lý Đại Thừa thì ngoài hai loại bố thí căn bản trên, còn một loại bố thí nữa không kém phần quan trọng. Đó là Vô-úy-thí, tức là giúp đem sự bình an tới cho người đang quay cuồng, sợ hãi.     

          Theo đúng nghĩa cao cả từ lời Phật dạy thì, bố là khắp, thí là cho. Bố thí là xả bỏ lòng tham lam vị kỷ, có thể cho tất cả những gì ta có, tới tất cả những ai thực sự đang cần. Khi cho, người cho phải hoan hỷ, đại lượng, cho đúng lúc, không so đo, không chần chừ. Chỉ biết, kia là kẻ đang cần, đây là vật ta đang có, lòng rộn rã lời nhắc nhở khôn nguôi của Chư Phật trong Kim Cương Chân Kinh: “Hãy cho. Hãy cho đi. Hãy cho mà không chờ nhận lại, dù là một lời cám ơn. Hãy cho và quên ngay những gì vừa cho và cho ai. Ấy là đã liễu nghĩa tam-không, đã làm nên hạnh bố thí vô tướng”. Đây cũng là thành quả của Bồ Tát bậc Sơ-địa (Hoan-hỷ-địa)

 

          2- TRÌ GIỚI (PGNT) – GIỚI BA LA MẬT (PGĐT):

          Theo Phạn ngữ, giới có nghĩa là luật, là nội quy đặt ra những kỷ cương buộc những ai trong cùng môi trường phải tuân theo để giữ được sự tốt đẹp, an lạc và trật tự chung.

          Tỷ như trên phố xá đông đúc phải có luật giao thông, khi nào xe bên trái ngừng, khi nào xe bên phải đi, nơi nào được chạy nhanh, nơi nào phải chạy chậm. Những người đi trên phố xá đó phải cùng nghiêm chỉnh tuân hành để tránh tai nạn, tránh phiền não khổ đau cho nhau, đưa đến mất hòa khí, sân hận.

              Trong đạo, giới là chuẩn mực của đạo đức được Đức Phật đặt ra làm thành trì bảo vệ, che chở chúng ta khỏi phạm điều trái ngang, bất thiện. Nhìn tổng quát, chúng ta thấy Đức Phật phân ra hai loại giới là Biệt-giải-thoát-giới và Bồ-tát-giới.   

Biệt-giải-thoát-giới hay gọi cho dễ hiểu là Tùy-thuận-giải-thoát là chỉ dạy cho biết, không buộc người phải tuân theo; tức là, giữ giới nhiều thì giải thoát nhiều, giữ giới ít thì giải thoát ít. 

Nghiêm túc hơn là Bồ-tát-giới, theo tinh thần Đại-thừa lại phân định ra ba loại là Nhiếp-luật-nghi-giới, Nhiếp-thiện-pháp-giới và Nhiêu-ích-hữu-tình-giới mà giới đầu là những giới điều rất căn bản cho cả hai hàng Phật tử tại gia và xuất gia.  

Nhiếp-luật-nghi-giới, Phật tử tại gia đã quy y Phật, tùy sự phát nguyện mà phải tuân theo Ngũ-giới, Bát-quan-trai-giới, Thập-thiện v…v…  Hàng xuất gia thì tùy theo giới đã thọ mà phải tuân trì mười giới, mười sáu giới, hai trăm năm mươi giới hay ba trăm bốn mươi tám giới.

Trong kho tàng kinh điển lưu truyền cho hậu học, Đức Phật luôn nhắc nhở về Giới, Định, Tuệ là pháp môn căn bản của người học đạo; trong đó, Giới đứng đầu vì giữ được Giới mới sanh Định, rồi an trú được trong Định mới phát triển Tuệ.   

Phác họa vài nét đơn sơ của người biết tự chế theo giới luật thì điển hình, tuân theo ngũ giới, ta tránh được sự sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ và say sưa nhảm nhí. Tuân theo mười giới, ta có thêm nét đẹp của sự giản dị, sự trong sáng, biết thiểu dục tri túc, biết giữ gìn sức khỏe qua sự thọ nhận thức ăn và xả bỏ lòng tham tích lũy tài sản vật chất. Rồi tuân theo mười giới trọng, bốn mươi tám giới khinh, hai trăm năm mươi giới, ba trăm bốn mươi tám giới v…v… chúng ta sẽ tạo biết bao nhân lành trong kiếp hiện tiền. Hành trì giới luật giúp hành giả thường xuyên tự tỉnh giác, rốt ráo cũng là đạt tới thành quả của bậc Nhị-địa (Ly-cấu-địa)

          Ngoài đời, theo PGNT, giới còn được hiểu là những trách nhiệm, bổn phận chung của những người liên hệ với nhau. Đó là trách nhiệm và bổn phận giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ và chồng, giữa vua và tôi, giữa chủ và tớ, giữa thầy và trò v…v… Nếu mọi người đều chu toàn được giới hạnh với nhau thì niềm vui và hạnh phúc không thể vắng mặt.

 

          3- XUẤT GIA (PGNT) – NHẪN BA LA MẬT (PGĐT):

          Tới đây, sự sắp xếp giữa PGNT và PGĐT đã bắt đầu có khác biệt. Hành giả tu theo PGNT, sau khi đã phát tâm từ bi, bố thí quảng đại, đã nương theo giới để trau giồi phẩm hạnh thì điều thứ ba có thể tiến tới là xuất gia, sống đời tu sỹ, thực sự cắt ái ly gia mới có nhiều hoàn cảnh thuận lợi cho sự tu tập hầu phát triển được phẩm giá và nhân cách của những người đang đi trên đường trung đạo, tự độ để đạt quả vị A La Hán.

          Trong khi đó, bên PGĐT, hạnh thứ ba chưa phải là xuất gia, mà Nhẫn- ba-la-mật mới cần kế tiếp; vì với cái nhìn dõng mãnh hơn, khi bố thí (cho Nội-thí), và sâu sa hơn (Vô-úy-thí) thì hành giả đã phát bồ-đề-tâm, không chỉ tự độ mà còn độ tha. Khi ấy, hành giả đã hành Bồ-tát-hạnh, đã đi trên Bồ-tát-đạo nên sự nhẫn nhục cần theo sát để yểm trợ cho những nghịch duyên mà Bồ Tát sẽ gặp.

          Như thí dụ về Bồ Tát Thường Bất Kinh, nhận biết bao lời mắng chửi của thế nhân, nhận sự ruồng rẫy như đuổi xua một kẻ mất trí, điên rồ, khi gặp ai Bồ Tát cũng chắp tay cung kính “Tôi không dám khinh ngài vì ngài là Phật sẽ thành.”

          Giữ được hạnh Nhẫn-ba-la-mật này, hành giả đạt tới thành quả của bậc Tam-địa (Phát-quang-địa)

 

          4- TRÍ TUỆ (PGNT) - TINH TẤN BA LA MẬT (PGĐT):

           Sự sắp xếp này tương đối dễ hiểu, vì với PGNT, sau khi xuất gia, vị tu sỹ cần nỗ lực phát triển trí tuệ, để khi học hỏi giáo pháp, hiểu được tận tường, hầu không sai lạc khi hành trì. Theo nghĩa đơn giản, trí tuệ là sự hiểu biết trong sáng từ những suy tư chính xác, miên mật, lột dần vỏ vô minh, mở con mắt tuệ nhìn ra thật tướng của vạn pháp.

          Với PGĐT, sau hạnh Nhẫn, là Tinh-tấn-Ba-la-mật vì sự tinh cần tu tập cực kỳ quan trọng khi thường xuyên phải giữ tâm Nhẫn để không hủy nhục chúng sinh, phản kháng nghịch duyên, sinh lòng sân hận.

          Duy trì được Tinh- tấn-ba-la-mật là đạt thành quả của bậc Tứ-địa (Diệm-huệ-địa)

 

          5- TINH TẤN (PGNT) – THIỀN BA LA MẬT (PGĐT):

          Với PGNT thì Tinh-tấn là phối hợp của Trí-tuệ và Quyết-tâm nên Tinh-tấn góp phần không nhỏ trong sự thăng tiến của hành giả. Đó là năng lượng tinh thần có thể giúp ta chuyển thất bại sang thành công.

          Trong khi, với PGĐT, Thiền ở đây được hiểu là Thiền-định, nằm trong Tam-vô-lậu-học, là pháp môn căn bản dẫn hành giả tới cửa Bát-Nhã. Cho nên, tới giai đoạn này, PGĐT chú tâm vào thiền định, cẩn trọng không rời sự yểm trợ của Bát-chánh-đạo nên đã giữ được chánh niệm cho tâm an định mà đạt thành quả của bậc Ngũ-địa (Nan-thắng-địa)

 

          6- NHẪN NẠI (PGNT) – BÁT NHÃ BA LA MẬT (PGĐT):

           Hạnh Nhẫn-nại không chỉ là chịu đựng những thiệt thòi, oan trái, như tinh thần PGNT chỉ dạy, mà đối chiếu là Bát-nhã-ba-la-mật mang tinh thần Đại thừa, dùng trí tuệ quán chiếu nên thấy rõ mọi thực tướng của các pháp. Bất khả thuyết, bất khả nghị, bất khả ngôn mới là chân thực. Thấu suốt diệu lý bình đẳng nơi đây là đạt thành quả của bậc Lục-địa (Hiện-tiền-địa)

 

          7- CHÂN THẬT (PGNT) – PHƯƠNG TIỆN BA LA MẬT (PGĐT): 

          Lời chỉ dạy trong tất cả các kinh điển không bao giờ thiếu sự nhắc nhở phải nói lời chân thật. Sự thật luôn đi đôi với tàm qúy. Tàm là biết hổ thẹn với mình. Quý là biết hổ thẹn với người. Tàm quý là lòng tự trọng giúp ta không nói lời dối trá hại người. Trái lại, nếu nói lên sự thật nào đem lợi ích cho người thì dẫu có bị thiệt thòi, hành giả vẫn sẵn sàng hiến tặng.

          Đây là trí tuệ quyền biến của Phương-tiện-ba-la-mật, là tự-tánh-thiện, là bản chất của đạo đức đưa đến thành quả của bậc Thất-địa (Viễn-hành-địa)

 

          8- QUYẾT ĐỊNH (PGNT) – NGUYỆN BA LA MẬT (PGĐT):

          Như hồ nước càng trong, càng nhìn thấy sâu, thì người tu tập càng lắng tâm, càng thấy rõ hỷ lạc. Đã thấy rõ, biết rõ đường đi, hành giả sẽ loại bỏ mọi đắn đo, lưỡng lự, chỉ một lòng vững tin và quyết định cho mục tiêu tối hậu. Đó cũng là chặng đường Văn, Tư, Tu mà PGĐT trải qua, để kết thành Nguyện-ba-la-mật. Văn là huệ, do học mà biết. Tư, do chiêm nghiệm, quán sát mà rõ. Và Tu là phát triển sự nhận biết để tự độ rồi độ tha, đạt thành quả của bậc Bát-địa (Bất- động-địa)

 

          9- TÂM TỪ (PGNT ) – LỰC BA LA MẬT (PGĐT):

          Tâm từ đứng đầu Tứ vô lượng tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả) có năng lượng cực kỳ mạnh mẽ vì Tâm-Từ, theo tinh thần Đạo Phật là lòng thương yêu rộng lớn không giới hạn, không phân biệt, hướng tới muôn loài.

          Khi ta có thể yêu người như yêu ta thì năng lượng của Tâm Từ sẽ tự động tỏa sáng, mang hạnh phúc đến cho người, để người lại trở thành hạnh phúc của ta.

          Khi Đức Phật về thăm nhà lần đầu, La Hầu La mới bẩy tuổi mà đã đến bên Phật, chắp tay cung kính thưa rằng: “Bạch Đức Sa-Môn, chỉ cái bóng của Ngài cũng đủ làm thân tâm con mát mẻ lạ thường”.

           Lời phát biểu chân thực này tuy rất thơ ngây nhưng đã vô tình chứng thực sức mạnh của người có Tâm-Từ có thể rực sáng và truyền đạt sự ấm áp tới người xung quanh.  

Tâm-từ ở đây được PGĐT bổ túc Trí-huệ nhận rõ chân, ngụy, rồi theo tinh thần “như lý tác ý” nghĩa là dựa trên lý mà diễn đạt ý, tạo thành Lực-ba-la-mật, giúp chúng sanh dứt bỏ tà kiến (điên đảo kiến) mà hầu hết chúng sanh đều mắc phải.

Hoàn thành Lực-ba-la-mật là thành quả của bậc Cửu-địa (Thiện-tuệ-địa)

 

          10- TÂM XẢ (PGNT) - TRÍ BA LA MẬT (PGĐT):

          Tâm-xả đứng thứ tư trong Tứ- vô-lượng-tâm nhưng lại là điều khó thực hiện nhất vì những cái vô-thường đã huân tập từ khi con người lọt lòng mẹ, làm sao có thể dễ dàng coi chúng là thường, mà xả bỏ? Mọi thứ quanh ta, từ tinh thần đến vật chất đều vô hình chung cột ta thành sở hữu chủ. Bởi có Cái Ta, Cái Của Ta, mới không kham nhẫn nổi những thóa mạ, những oan trái nào đụng chạm đến. Làm sao mà xả? Làm sao mà bỏ?

          Chỉ có Trí Tuệ Bát Nhã “Sắc tức thị không. Không tức thị sắc”, thấy rõ chân tướng vạn pháp để nhìn lại kiếp nhân sinh mới có thể không sợ sinh tử, cũng chẳng mong Niết Bàn, như thiền-sư thõng tay vào chợ mà chẳng lụy xôn xao phố chợ.

          Bồ Tát giữa bao la trời đất, cho không chờ nhận, xả chẳng vương mang, mới đạt tới thành quả của bậc Thập-địa (Pháp-vân- địa).

 

THẬP BA LA MẬT TRONG THẾ GIỚI NHÂN LOẠI

 

          Giới thiệu đơn giản về Thập ba-la-mật như trên tạm cho chúng ta cái nhìn đại cương về cuộc hành trình tu tập của những ai muốn tìm sự giải thoát, giác ngộ. Tuy nhiên, đồng hành với đoàn người đang đốt đuốc cùng đi, thì ánh đuốc của họ cũng vô hình chung, soi sáng xung quanh. Đó là những giao tiếp liên hệ trong xã hội.

 

          Từ khoảng nửa thế kỷ gần đây, giới trí thức, học giả Tây phương đã không ngừng nghiên cứu về Đạo Phật và họ kinh ngạc nhận ra rằng hình thức thành lập tăng đoàn cũng như cách sinh hoạt nương theo giới luật Đức Phật đặt ra cách nay hơn hai mươi lăm thế kỷ cũng chính là những mô hình căn bản mà thế giới nhân loại hiện tiền đang áp dụng. Một xã hội lý tưởng là một xã hội bình đẳng, nơi đó, mọi người đều được chấp nhận để phát triển tài năng và trí tuệ rồi từ đó, nhận trách nhiệm tùy theo căn cơ mình.

          Xã hội đó sẽ không thiếu an lạc và hạnh phúc nếu những thành viên trong đó biết tương kính nhau, từ bi, ôn hòa với nhau, dùng ái ngữ và vị tha mà cư xử với nhau, bỏ lòng tham lam ích kỷ để không xâm phạm nhau …

 

          Chúng ta có thể thấy môi trường đẹp đẽ này, theo bản đồ Thập-ba-la-mật dẫn tới.

          Chúng ta thử cùng đi xem! Và khởi hành từ Bố Thí Ba La Mật:

          Ai cũng có thể hiểu định nghĩa căn bản về bố-thí nên không ai nghèo đến nỗi không có tặng vật để cho, vì theo tinh thần pháp-thí của Bố-thí-ba-la-mật thì không chỉ chia xẻ về giáo pháp mới là cho, mà một nụ cười, một lời an ủi đúng lúc cũng là tặng phẩm.

          Dù thế giới ngày nay được thẩm định là thời kỳ băng hoại khá trầm trọng về đời sống tâm linh nhưng xét chung, chúng ta vẫn thường ít nhiều hành trì hạnh bố thí mà vô tình không nhận biết.

          Thực tiễn hơn, về tài-thí, hãy nhìn những nhà tỷ phú trên thế giới với những hội từ thiện mà họ lập ra để thấy rằng mối tương quan giữa người với người vẫn được ràng buộc thân ái qua hạnh bố thí.

 

          Nhìn những nhà tù đông đảo phạm nhân, ngoài sự ưu tư về sự phạm pháp, thì ở chiều hướng khác, kẻ phạm tội đang bị trừng trị có nghĩa là luật pháp vẫn đang được thi hành nghiêm minh. Chính giới luật này đang bảo vệ người lương thiện, đồng thời chuyển hóa kẻ bất thiện. Thử hỏi, trong quốc gia nào, xã hội nào mà không có trì giới?

 

          Lịch sử nhân loại từng chứng minh không có sự giải quyết xung đột nào bằng bạo lực mà có thể tồn tại lâu dài. Chẳng phải chỉ thời xưa có vua A Xà Thế tỉnh ngộ, buông gươm, tuân lời Phật dạy giữ nước trị dân bằng tâm từ mới có thể bình thiên hạ; mà thời nay, dũng tướng chinh đông kích tây dọc ngang khắp cõi là Đại Đế Nã Phá Luân của Pháp-quốc cũng tới lúc phải thốt lên: “Ở đời có hai sức mạnh là sức mạnh của thanh gươm và sức mạnh của lòng từ bi. Nhưng cuối cùng thì lòng từ đã đánh bại thanh gươm”.

 

          Tâm-Từ, khi được hiển lộ có thể chấm dứt binh đao, nhưng tiến trình đạt tới may mắn này không thể thiếu Nhẫn-ba-la-mật.   

Thủ tướng Mohandas Karamachand Ganhdi của Ấn Độ là biểu hiện toàn vẹn sự phối hợp giữa Nhẫn-nhục (Ksànti) và Trí tuệ (Parajna) mới đưa quốc gia và dân tộc Ấn qua cơn nguy khốn bằng sự tranh đấu bất bạo động. Sự tranh đấu bằng nhẫn nhục và trí tuệ này dựa trên nền tảng “chấp trì chân lý”, tiếng Phạn là Satyagraha, không đi ngoài lời dạy của Đức Phật về Thập Ba-la-mật.

Sự thành công mầu nhiệm của cuộc cách mạng lớn lao không tốn máu xương trong lịch sử nhân loại đã khiến dân Ấn - nói riêng, và thế giới - nói chung- tôn vinh ngài Ganhdi là bậc Thánh, qua danh xưng Mahatma Ganhdi, chứ không là tên nguyên thủy đầy đủ của ngài nữa.  

   

Nhìn xa rồi nhìn gần, Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông của Việt Nam chúng ta là hiện thân vị Đạo Sư đã nghiêm túc hành trì Thập-ba-la-mật từ thời thơ ấu vì được ông nội là vua Trần Thái Tông và cậu là Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung hướng dẫn tư tưởng Thiền Tông nên Ngài chí thiết tôn sùng Đạo Phật.

Suốt mười bốn năm trên ngôi vua, Ngài đã mang tâm Bồ Tát mà trị nước an dân. Hạnh thứ tám trong Thập-ba-la-mật của PGNT cũng là hạnh thứ chín của PGĐT đã giúp Ngài buông xả (Upekkhà) đời sống vật chất thế gian, truyền ngôi cho Thái Tử Trần Thuyên để thực hành hạnh Xuất Gia (Nekkhamma) rồi không ngừng sống chánh niệm, rốt ráo hướng tới hạnh thứ mười là Trí-ba-la-mật.

 

Người nắm giữ vận mạng dân chúng thế nào thì ảnh hưởng tới dân chúng thế ấy. Tuy nhiên, mỗi thời đại, mỗi dân tộc còn cần có phước báu của Tổ Tiên vun bồi nhiều đời nhiều kiếp để vượt qua những khổ nạn hiện tiền.   

Hơn hai mươi lăm thế kỷ trước, giáo pháp Đức Phật dạy chẳng những vẫn tồn tại mà còn đang lan rộng từ đông sang tây. Những khám phá mới mẻ của khoa học ngày nay lại chỉ là những điều Đức Phật đã thuyết giảng một cách bình thường từ xưa.

Câu chuyện về giáo sư Rhys Davids, người Anh, vẫn còn được kể lại như sự công nhận những chính xác và lợi ích về giáo pháp của Đức Phật với những diễn biến trên thế giới ngày nay.   

Rhys Davids là con trai của một mục sư Cơ Đốc Giáo. Ông đã bỏ ra nhiều năm học tiếng Pali và nghiên cứu các kinh điển Phật giáo cả Nguyên Thủy và Đại Thừa, chỉ với mục đích muốn chứng minh là giáo lý Đạo Phật thua xa giáo lý Cơ Đốc.

Nhưng ông đã thất bại với công việc này vì sau nhiều năm khổ công nghiên cứu, Rhys Davids đã trở thành một Phật tử, hết lòng ca ngợi Bát Chánh Đạo và Tứ Diệu Đế, là những  pháp môn mà ông trân trọng và hoan hỷ áp dụng cho chính bản thân và gia đình.

 

Đã là con Phật, chúng ta phải quyết tâm tinh tấn và tin tưởng rằng:

“Tụng kinh giả, minh Phật chi lý,

Niệm Phật giả, minh Phật chi cảnh”

Nghĩa là:  

Người tụng kinh lâu ngày sẽ hiểu ý kinh,

Người niệm Phật lâu ngày sẽ thấy cảnh Phật.

 

 

NAM MÔ THƯỜNG TINH TẤN BỒ TÁT.

NAM MÔ HOAN HỶ TẠNG BỒ TÁT.

                      

Huệ Trân

                                                

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/07/2021(Xem: 5348)
Buổi trưa hè miền Trung, cái nắng nóng làm như ông Trời gôm hết lửa đổ xuống trần gian thiêu rụi vạn vật, không ai chịu nổi. Tất cả đều rúc hết vào nhà, đóng cửa trốn ông Trời, tranh thủ thời gian đó nghỉ ngơi. Hầu hết tìm giấc ngủ trưa để quên đi thời tiết khắc nghiệt. Chỉ riêng bốn đứa...tứ tặc gồm Nam, Thanh Du, Hiền và Bích Nga lang thang trên đường phố. Chúng la cà từ Ngã Tư Chính trung tâm phố đi lần về trường trung học Hùng Vương chỉ cách đó không xa, khoảng 15 phút đi bộ, nơi bốn đứa cùng học chung lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ) dù Thanh Du và Hiền 12 tuổi đều hơn Nam và Bích Nga một tuổi.
25/07/2021(Xem: 5232)
Mấy ngày nay trên Facebook có chia sẻ lại câu chuyện (nghe nói là xảy ra năm 2014) về cô bé đã “ăn cắp” 2 cuốn sách tại một nhà sách ở Gia Lai. Thay vì cảm thông cho cô bé ham đọc sách, người ta đã bắt cô bé lại, trói 2 tay vào thành lan can, đeo tấm bảng ghi chữ “Tôi là người ăn trộm” trước ngực, rồi chụp hình và bêu rếu lên mạng xã hội. Hành động bất nhân, không chút tình người của những người quản lý ở đây khiến ta nhớ lại câu chuyện đã xảy ra cách đây rất lâu: một cậu bé khoảng 14-15 tuổi cũng ăn cắp sách trong tiệm sách Khai Trí của bác Nguyễn Hùng Trương, mà người đời hay gọi là ông Khai Trí. Khi thấy lùm xùm, do nhân viên nhà sách định làm dữ với cậu bé, một vị khách ôn tồn hỏi rõ đầu đuôi câu chuyện, tỏ vẻ khâm phục cậu bé vì học giỏi mà không tiền mua sách nên phải ăn cắp, ông đã ngỏ lời xin tha và trả tiền sách cho cậu.
23/07/2021(Xem: 17127)
Giữa tương quan sinh diệt và biển đổi của muôn trùng đối lưu sự sống, những giá trị tinh anh của chân lý bất diệt từ sự tỉnh thức tuyệt đối vẫn cứ thế, trơ gan cùng tuế nguyệt và vững chãi trước bao nổi trôi của thế sự. Bản thể tồn tại của chân lý tuyệt đối vẫn thế, sừng sững bất động dẫu cho người đời có tiếp nhận một cách nồng nhiệt, trung thành hay bị rũ bỏ, vùi dập một cách ngu muội và thô thiển bởi các luận điểm sai lệch chối bỏ sự tồn tại của tâm thức con người. Sự vĩnh cửu ấy phát xuất từ trí tuệ vô lậu và tồn tại chính bởi mục đích tối hậu là mang lại hạnh phúc chân thật cho nhân loại, giúp con người vượt thoát xiềng xích trói buộc của khổ đau. Tuỳ từng giai đoạn của nhân loại, có những giai đoạn, những tinh hoa ấy được tiếp cận một cách mộc mạc, dung dị và thuần khiết nhất; có thời kỳ những nét đẹp ấy được nâng lên ở những khía cạnh khác nhau; nhưng tựu trung cũng chỉ nhằm giải quyết những khó khăn hiện hữu trong đời sống con người và xã hội.
22/07/2021(Xem: 4334)
Thế giới lại rối ren vì Delta biến thể Phong tỏa giản cách áp dụng khắp nơi Tâm trạng người dân mỗi lúc lại chơi vơi Đành chấp nhận ... tìm phương pháp nào cùng chung sống ! Đọc sưu tầm, chúng có thể chết nơi tần số cao rung động Thế mà chúng ta vô tình làm tần số thấp đi Nào hãy xem gồm những yếu tố gì ... Chao ôi ! Chính những lúc bất an căng thẳng,
21/07/2021(Xem: 7091)
Vì hiện nay tình hình phong tỏa tại Sài Gòn thật chặt chẽ, rất khó khăn cho chúng con, chúng tôi xin được Phép vào những khu vực cách ly để phát quà, vì vậy chúng con, chúng tôi đã linh động quyết đinh giúp cho những hộ nghèo ở ngoại ô Sài Gòn, những bà con lao động tay chân, buôn thúng bán bưng.. Một khi SG LockDown dài hạn, tình hình kinh tế sẽ ảnh hưởng dây chuyền, vì vậy chúng tôi thiết nghĩ không riêng gì SG mà những vùng lân cận đều bị ành hưởng hết, vì vậy mong các vì hảo tâm hoan hỉ cho quyết đinh này của Hội Từ thiện chúng tôi.. Hôm qua, chúng tôi vừa thực hiện một đợt phát quà hỗ trợ cho 200 hộ nghèo. Kính mời quí vị đọc nguyên văn lời Tường trình của Ni Sư Huệ Lạc:
19/07/2021(Xem: 5491)
TÔI SẼ TRÌNH BÀY một tóm tắt nền tảng giáo lý của Đức Phật về Bốn Chân Lý Cao Quý – khổ đế (sự thật về khổ đau), tập đế (sự thật về nguồn gốc), diệt đế (sự thật về chấm dứt), và đạo đế (sự thật về con đường dẫn đến sự chấm dứt đau khổ.) Đức Phật đã dạy về những sự thật này ngay khi ngài đạt đến Giác Ngộ như một phần của những gì được biết như Chuyển Pháp Luân Lần Thứ Nhất. Nếu không có một sự thông hiểu về Bốn Chân Lý Cao Quý thì chúng ta không thể tiến hành sự học hỏi và thấu hiểu một cách đầy đủ về bản chất của thực tại phù hợp với Đạo Phật. Nhưng trước nhất, tôi muốn nói rõ rằng tất cả những tôn giáo quan trọng có cùng năng lực, cùng thông điệp và mục tiêu, qua đó tôi biểu lộ lòng mong muốn chân thành để mang đến những điều kiện tốt đẹp hơn cho thế giới, một thế giới hạnh phúc hơn với những con người từ bi hơn. Đây là những gì mà tất cả các tôn giáo quan trọng cùng chia sẻ.
18/07/2021(Xem: 4806)
Nơi gia đình chúng tôi sinh sống, có một nhóm người gốc BÌNH TRỊ THIÊN. Đặc tính cố hữu của bất cứ dòng tộc, quê quán nào khi người Việt đi đến đâu là luôn mang theo phong tục tập quán vùng miền cổ truyền nơi họ đã sinh ra. Đến nơi ở mới, họ cố gắng duy trì tập quán đó, vì họ thấy rất rõ phong tục tập quán chính là diền mối lễ nghĩa duy trì lễ giáo gia đình, duy trì nền nếp thiết lập hạnh phúc cho con cháu.
18/07/2021(Xem: 4971)
Tâm là một trong hai yếu tố thành lập nên con người. Tâm không phải là vật chất. Tâm trừu tượng, nên chúng ta không thể trông thấy hay sờ mó tâm được. Tuy tâm không có hình dáng như thân vật chất, nhưng không có nó thì con người không thể sống được. Tâm là những cảm xúc vui vẻ hạnh phúc, là những ưu tư phiền muộn, khổ đau, là những nhớ nhung suy nghĩ, là sự hiểu biết, là trí tuệ của con người. Những thứ này gom lại thành nguồn năng lượng sống tạo nên nhân cách của con người tốt hay xấu. Tùy theo năng lượng thiện hay bất thiện, từ đó tâm sẽ đưa ta đến cảnh giới tương ưng. Đó là cảnh giới an vui hay đau khổ, Niết-bàn hay địa ngục, Phật hay ma, tất cả đều do tâm tạo.
16/07/2021(Xem: 4882)
Tạp chí Nghiên cứu Phật học, một trong những tạp chí nghiên cứu học thuật về Phật giáo tại Hoa Kỳ, đã có buổi lễ ra mắt các thành viên trong Ban Biên tập và nhận Quyết định Bản quyền Nghiên cứu Học thuật từ Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 1 tháng 7 năm 2020, Thầy Thích Giác Chinh, người đảm nhận vai trò Sáng lập kiêm Tổng biên tập, đã nhận được Thư chấp thuận cấp mã số ISSN từ Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ:
14/07/2021(Xem: 4415)
Có một câu hỏi ngàn năm trước người ta đã đặt mà chưa có lời giải đáp thỏa đáng đó là “Tại sao tôi xấu, tôi nghèo, tại sao cuộc đời của tôi như thế này?” Các đạo thờ thần nói rằng đó là ý chỉ của Thượng Đế. Còn Đông Phương trước khi có Đạo Phật du nhập nói rằng đó là định mệnh do Trời-Đất an bài. Đã là ý chỉ của Thượng Đế hay định mệnh thì không thể cải sửa được như cụ Nguyễn Du đã nói: Bắt phong trần phải phong trần. Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]