Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chuyện giày chuyện dép

01/08/201420:15(Xem: 9170)
Chuyện giày chuyện dép
chuabaoquang2


Chuyện giày chuyện dép
Tản mạn nhân kỷ niệm 30 năm Bảo Quang Hamburg.

Nguyên Đạo



Bạn bè tôi thường hay đùa nhau nói: giày dép còn có số huống chi con người ta. Tôi biết, đó là bạn bè đùa vui thôi! Cuộc đời tôi thì có gắn bó nhiều với những câu chuyện về giày dép. Có bạn còn nói: cái mũ người ta đội trên đầu mới đáng nói hơn, nói chi lòng vòng mấy cái chuyện giày chuyện dép, chỉ là món đồ dùng người ta mượn để đạp dưới đất mà đi. Thì cũng có sao đâu! Cái mũ đội trên đầu thấy „cao thượng“ nhưng lúc lỡ quên mang theo thì mình có thể chui vào đâu đó tránh nắng hay dùng khăn chùm đầu cũng đỡ lạnh. Nhưng giày dép mà vắng mặt thì… bạn ơi, có hơi chật vật đấy! Sỏi đá, gai góc vào chân thì chỉ có khóc thôi. Phải vậy không? Ai từng gặp cảnh ấy mới biết. Bởi nghĩ thế nên mấy cái chuyện giày chuyện dép ấy nó cứ đeo đuổi theo tôi nhiều năm, đến hôm nay mới có dịp kể ra đây.

TO-Bo-De-Dat-Ma

[Một]

Chuyện ông già quảy chiếc dép

Lúc nhỏ, khoảng chín mười tuổi gì đó, chỉ mới vừa thấy ông lần đầu là tôi đã mê ngay, mê cái hình cụ ông ấy. Cụ ông dáng người quắc thước, đẹp lão, râu hùm, hàm én, mắt lòe kỳ quang, thân khoác cà sa. Thọat nhìn thì tưởng như ông già trong tượng Ngư Ông ở hòn non bộ của ông nội tôi. Nhìn kỹ thấy không phải, nên còn mê hơn nữa. Ông cụ chỉ quảy vỏn vẹn một chiếc dép trên vai mặt. Đó là lần đầu tiên tôi đến Chùa Bảo Quang ở Đà Nẵng. Đầu óc non nớt của một cậu bé chừng chín, mười tuổi đầu cứ mãi thắc mắc không biết chiếc dép còn lại ở đâu? Ông cụ có mang chiếc dép kia không? Mang có một chiếc thì đi đứng làm sao? Hay là cụ để dành chỉ mang mòn chiếc này rồi mới đến chiếc kia? Nhón gót lên cao để cố tìm, nhưng những vật dụng lỉnh kỉnh trên bàn thờ như nhang đèn hoa quả che mất tầm mắt nhìn của cậu bé, nên cậu ta không thấy được phần dưới của bức tranh, chỗ có đôi chân. Thắc mắc ấy đeo đuổi tôi trọn cả tuổi thơ nên cứ đến Chùa là tôi cứ chăm chú nhìn bức họa ấy! Bây giờ nghĩ lại, chắc có khi quý Sư Cô lo việc nhang đăng lúc ấy nghĩ tôi định dòm lấy cắp bánh chuối trên bàn thờ không chừng!

Lớn lên đôi chút, quý Sư Cô giải thích cho nghe thì biết được ông cụ chính là Tổ Bồ Đề Đạt Ma (?-529), Tổ Thiền Tông đời thứ 28 tính từ thời Ngài Ma Ha Ca Diếp. Tổ Đạt Ma sanh tại Kanchi, Nam Ấn Độ con vua Hương Chí (Simhavarman?). Ngài là đệ tử của Tổ Bát Nhã Đa La (Prajnatara) và được sư phụ dặn dò sau này sang Trung Hoa truyền pháp. Ngài rời Ấn Độ bằng thuyền và sau gần ba năm mới tới Quảng Châu khoảng năm 520. Vua Lương Võ Đế có mời Ngài tới gặp, sau câu chuyện trao đổi, tuy thấy nhà vua là người có lòng với đạo Phật nhưng Ngài thấy không hợp căn cơ nên rời tới chùa Thiếu Lâm ở Tung Sơn. Ngài dừng nơi đó, suốt chín năm ngồi xây mặt vào tường nên được gọi là "Bích quán Bà la môn" (thầy Bà la môn ngồi nhìn tường). Sau đó có vị tăng Thần Quang (487-593) được Ngài thâu nhận làm đệ tử truyền pháp. Ngài Thần Quang được đổi tên là Huệ Khả và trở nên vị tổ thứ hai tại Trung Hoa. Ở Trung Hoa được chín năm, Tổ Bồ Đề Đạt Ma trao áo cà sa và bát báu cùng bốn quyển của bộ kinh Lăng Già cho Tổ Huệ Khả. Sau đó Tổ viên tịch vào năm 529, (có tài liệu ghi là năm 532), nhục thân của Ngài được nhập tháp tại chùa Định Lâm, núi Hùng Nhĩ, Trung Hoa. Có tài liệu ghi Tổ sống lâu trên 150 tuổi (đoạn này trích theo: tangthuphathoc.net).

Tương truyền, do sự ganh ghét tị hiềm của một số kẻ đương thời , Tổ bị đánh thuốc độc năm lần, mà Tổ tự cứu lấy. Đến lần thứ sáu, hóa duyên đã xong, Tổ thị tịch.

Nhưng lại cũng có nhiều tài liệu ghi là Tổ không chết và đã bay về Ấn Độ, chuyện ly kỳ ấy như sau :

Tống Vân đi sứ Tây Vức về, gặp Tổ trên ngọn Thông Lãnh, cầm một chiếc dép, đi như bay. Tống hỏi:

- Thầy đi đâu đó ?

Tổ đáp: Ta về Tây Phương!

rồi tiếp:

- Ông chủ của ông đã chán đời rồi!

Tống Vân về đến triều thì mới hay tin Ngụy Minh Đế đã mất. Tống tâu lên vua Hiếu Trang việc gặp Tổ trên đường. Vua ra lịnh quật mồ, thì trong quan tài không có gì cả, ngoài một chiếc dép.

Còn có quá nhiều huyền thoại khác về cuộc đời của Tổ, kể cả việc nhiều tài liệu còn ghi rằng, chính Tổ là tác giả cuốn Dịch Cân Kinh và Tẩy Thủy Kinh, là Tổ Sư của võ Kungfu Tung Sơn Thiếu Lâm (nhưng cũng có nhiều tài liệu bác bỏ quan niệm này), thì làm sao một người mê truyện kiếm hiệp Kim Dung như tôi không phục lăn Ngài được.

Thành ra, chuyện chiếc dép còn lại của Tổ Bồ Đề Đạt Ma đến cả bây giờ vẫn còn là một công án chưa mở ra, huống hồ chi trong trí óc non nớt của một cậu bé mười tuổi là tôi thuở ấy làm sao lý giải được. Có lần trong một giấc mơ tôi có gặp được Ngài và đã đánh bạo hỏi thẳng Tổ là chiếc dép kia của Tổ giờ ở đâu rồi? Tổ chỉ cười và nói rằng: Tội nghiệp, sao con thắc mắc hoài làm chi. Con cứ nghĩ là, ta đã tháo dép vác vai lội ruộng bị đỉa cắn nên chạy lẹ, rớt mất một chiếc lúc nào chẳng hay! Ta cũng chẳng thèm quay lại tìm làm chi cho mất công. Để thì giờ và công sức ấy đi tìm tự tánh, chân tâm có hơn không!

Dạ, tự tánh, chân tâm thì con có nghe giảng qua và có hiểu lờ mờ chút ít, còn đỉa bám vào chân thì lúc ở quê con cũng từng sợ khiếp vía. Nhưng Tổ ơi! vì Tổ là Tổ nên Tổ nói thế dễ dàng, chứ con làm sao quên được chiếc dép trên cây gậy của Tổ mà con đã mang nặng trong lòng suốt mấy mươi năm qua? Cái cậu bé đứng xơ rơ, chỉ cao đến nửa cánh cửa tủ thờ và cứ cố nhón chân nhìn lên hình Tổ đó chính là con ngày xưa.

Kính lạy Tổ!


gandhi

[Hai]

Chuyện chiếc giày rơi của Thánh Gandhi.

Rồi tự dưng tháng trước chị Mười Nghiêm ở Thụy Sĩ gởi cho bài viết ngắn rất có ý nghĩa này, thêm vào sưu tập giày rớt dép rơi của tôi, (bài viết không thấy ghi xuất xứ nên xin chép cả nguyên văn vào đây, xin lỗi tác giả). Bài viết nói về chiếc giày rơi của Thánh Gandhi.

Xe lửa bắt đầu chuyển bánh. Gandhi nhảy vội lên tàu. Một chiếc giày của ông rơi xuống. Gandhi không thể nào nhảy xuống để nhặt nó trong khi tàu chạy càng lúc càng nhanh. Trước sự sững sờ của mọi người, Gandhi đã tháo luôn chiếc giày còn lại và ném về phía chiếc giày kia. Hành khách trên tàu lấy làm lạ về hành động kỳ quặc của ông. Gandhi mỉm cười và giải thích: “Nếu có một người nghèo nào lượm được chiếc thứ nhất, họ có thể tìm thấy chiếc thứ hai và sẽ xài được đôi giày của tôi”. Chúng ta thường ít nghĩ đến người khác mà chỉ nghĩ về bản thân mình. Khi chúng ta bị mất mát, điều đầu tiên chúng ta nghĩ đến là những thiệt thòi và bất hạnh của mình. Chúng ta mất quá nhiều thì giờ cho sự tiếc nuối, than thở, chán nản, thậm chí trở nên cáu gắt và bực bội vì những rủi ro xảy ra. Gandhi đã có một hành động thật cao quý bởi trong sự mất mát của bản thân như thế, ông vẫn có thể nghĩ đến người khác. Hành động của Gandhi chứng tỏ việc nghĩ đến người khác đã trở thành một phần trong tư tưởng và nguyên tắc sống của ông. Nếu trong những lúc bình an và thành công mà chúng ta còn không quan tâm lo lắng cho những kẻ bất hạnh hơn mình thì liệu khi gặp khó khăn, mất mát, ta có thể làm được điều đó hay không?

Xung quanh ta có biết bao nhiêu người khó khăn. Họ đang cần sự giúp đỡ. Những gì họ thiếu thốn không phải lúc nào cũng là vật chất, mà đôi lúc chỉ là một lời động viên an ủi. Thế giới của chúng ta sẽ hạnh phúc biết bao nếu mỗi người không chỉ chăm lo về lợi ích riêng của mình mà còn chăm lo về lợi ích của người khác nữa.



chua bao quang

[Ba]

Mất một lại được hai, thêm cả đóa hoa tươi

Mấy chuyện kia là chuyện xưa, tin hay không là tùy bạn. Tôi có một câu chuyện mà chính tôi cũng là một nhân vật trong đó. Chuyện đã trên hai mươi năm rồi, xảy ra tại Kushinagar Ấn Độ. Chuyện như thế này:

Chuyến hành hương Phật tích Ấn Độ, do Ni Sư Diệu Tâm (bây giờ là Sư Bà) làm trưởng đoàn, của chúng tôi đã đến khoảng gần cuối tuần lễ thứ hai. Đoàn chúng tôi vừa về đến Kushinagar, nơi đức Phật nhập Niết Bàn. Đến địa điểm đức Từ Phụ xả báo thân thị tịch ai cũng quá bùi ngùi. Lúc vào chiêm bái và đi kinh hành quanh pho tượng Phật nhập diệt chúng tôi muốn rơi nước mắt, mấy bác nữ không cầm được phải bật òa ra tiếng khóc. Nhất là khi nghe giải thích rằng, lúc tượng được khai quật lên người ta đã tìm thấy nhiều bộ xương của các tu sĩ ngày xưa trong tư thế đã ôm bảo vệ tượng khi những kẻ phá hoại muốn hủy, và đã bị chôn sống theo. Vừa về đến Chùa Linh Sơn thì người hướng dẫn viên người Ấn cho biết, anh có gặp được những người quen ở địa phương và họ cho biết là còn có một đền thờ nhỏ, ghi dấu là nơi đức Thích Ca đã từng đặt chân đến đây. Địa điểm tham quan ngoài chương trình, vả lại không muốn quấy rầy những giờ phút thanh tịnh và nghỉ ngơi cần thiết của đại chúng nên Ni Sư nói là chỉ vài người cùng đi mà thôi. Cuối cùng thì có năm, sáu người gì đó theo hướng dẫn viên Ấn Độ đến thăm ngôi đền kia. Đi vào ngôi đền, lát gạch khá sạch sẽ, thấy nhiều gạch đổ như mới khai quật, trong đó có một phòng thờ tôn tượng Phật trong tư thế Nhập Niết Bàn. Khi bắt đầu bước vào ngôi đền, Ni Sư và chúng tôi cởi giày dép phía trước đền và cung kính đi vào. Chúng tôi lễ lạy, thưởng thức cảnh cô tịch vắng lặng nơi đất Phật. Thực hư về Phật tích chúng tôi cũng chẳng màn đến, chỉ lắng lòng đi những bước chân trần tiếp xúc với mãnh đất của Từ Phụ thuở xưa. Sau khi đi kinh hành giáp vòng và quay lại chỗ cũ để mang giày thì phát hiện ra một đôi xăng-đan và một chiếc dép bị mất, đôi xăng-đan là của tôi và một chiếc dép là của Ni Sư. Người giữ đền khi nghe chúng tôi báo tin rất giận dữ và quát tháo gì đó, chúng tôi không hiểu, có lẽ ông ta giận vì sự sơ suất làm mất uy tín cơ sở của ông. Điểm đáng nói là có nhiều đôi dép để đó nhưng kẻ cắp lấy ngay dép của Ni Sư và chỉ lấy có một chiếc. Chúng tôi đoán là do đôi dép ấy có chữ Adidas và kẻ ăn cắp phải rất vội vã vì người giữ đền luôn có mặt tại đấy, có thể vì chỉ lơ là vài phút thôi, cũng vì thế mà ông ta rất tức giận. Mất đôi xăng-đan tôi rất bực mình, nhưng Ni Sư thì lại rất thản nhiên. Mấy vị cùng đi cũng bực bội không kém và đi tìm kiếm giúp, xem có thể ai đó đi vô ý đá văng vào góc nào đó chăng? Nhưng tìm mãi mà vẫn không thấy. Sau mấy phút tìm kiếm, Ni Sư nói rằng: Mọi vật đều vô thường. Đền đài thành quách như thế này mà còn tàn lụi huống hồ chi chiếc dép mà cứ tìm kiếm, cay cú làm chi. Nói rồi Ni Sư tự tay mang chiếc dép còn lại để ở một góc sân phía ngoài, nói là nếu ai kiếm được (hay kẻ cắp quay lại) thì họ sẽ có cả đôi dép mà xài và tự tại đi chân không về Chùa. Mấy Phật Tử đi theo nét mặt không vui lắm. Sau khi Ni Sư về đến Chùa thì họ nhờ tôi đi theo ra chợ để phiên dịch giúp họ mua đôi dép khác cúng dường Ni Sư. Buổi tối sau khi dùng cơm xong chúng tôi họp mặt nhau ở chánh điện nghe giảng pháp, sau đó phải lo chuẩn bị tiếp tục chuyến đi vào sáng sớm ngày mai nên quên ngay chuyện chiếc dép.Tờ mờ sáng hôm sau, lúc chúng tôi chuẩn bị lên đường đi Nepal đến chiêm bái Lâm Tỳ Ni viên thì thấy ai đó đã để sẵn đôi dép Adidas của Ni Sư và đôi xăng-đan của tôi trong góc vườn Chùa, trên đôi dép của Ni Sư còn có một đóa hoa tươi. Bạn có thể tưởng tượng được tôi vui biết chừng nào, còn hơn lúc con nít được bánh kẹo. Thật ra những vật dụng ấy cũng không đáng giá bao nhiêu nhưng rất cần thiết cho những ngày hành hương còn lại. Ni Sư thì vẫn thản nhiên bước lên xe, chỉ mỉm cười nói một câu: „hảo ý hoàn hảo sự“, nếu ý chân chính thì sẽ đáp đền bằng những sự việc tốt lành.

Mô Phật! Lại thêm một bài học về cách nhìn và cách hành xử trong cuộc sống cho tôi, không những chỉ trong những ngày bình an hành hương trên đất Phật mà còn cả cho những năm tháng về sau. Tôi thầm nghĩ, chắc câu nói ấy hôm đó Ni Sư chỉ nói cho riêng tôi, chứ nếu giảng pháp cho cả đại chúng mấy chục người trong xe thì có thể Ni Sư sẽ nói về hạnh nguyện Bồ Tát Quán Thế Âm: “từ nhãn thị chúng sanh, lấy mắt thương nhìn cuộc đời, lấy tâm từ cứu giúp chúng sanh v.v…”. Dù sao thì dù, bài học thân giáo tuyệt vời ấy đã ghi sâu trong tôi và cho cả mấy người dân Ấn ở đất Phật vùng Kushinagar hôm ấy.

Sau này trong cuộc sống bận rộn bon chen, có rất nhiều khi, đứng trước một việc bâng khuâng khó xử hay đối đầu trước một quyết định không biết phải tiến hay lùi, tôi thường hay tự lẩm bẩm một mình như tự nhắc cho tôi câu phương châm ở Kushinagar hôm ấy: ai kia ơi! nhớ nhé, hảo ý hoàn hảo sự.

Nguyên Đạo – Vu Lan 2014

Ghi vội nhân Lễ Kỷ Niệm 30 năm Bảo Quang Hamburg

Kính dâng Ni Trưởng và quý Sư Cô Chùa Bảo Quang.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
30/08/2010(Xem: 7608)
Sứ mệnh doanh nghiệp là hợp tác để cùng phát triển, cùng có lợi. Hợp tác mà một bên thắng và một bên thua giống như hình thức bóc lột thời phong kiến hay phạm giới ăn cắp. Trong một trò chơi mà ai cũng thắng thì ra về ai cũng thấy vui. Sứ mệnh doanh nghiệp là tái lập truyền thông giữa người với người, người và cộng đồng, người và thiên nhiên. Sự giao tiếp và truyền thông giữa cấp trên và cấp dưới, giữa các phòng ban, giữa các nhóm làm việc và giữa môi trường bên trong và môi trường bên ngoài là nhiệm vụ nòng cốt của doanh nghiệp.
28/08/2010(Xem: 61650)
Quyển 6 • Buổi Pháp Thoại Trên Đỉnh Cao Linh Thứu (Gijjhakūṭa) • Ruộng Phước • Tuệ Phân Tích Của Tôn Giả Sāriputta • MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI CHÍN (Năm 569 trước TL)- Mỹ Nhân Giá Mấy Xu? • Chuyện Cô Sirimā • Móc Cho Con Mắt Đẹp • Ngạ Quỷ Mình Trăn • Cùng Một Nguyên Lý • “Hớt” Phước Của Người Nghèo! • Ghi chú đặc biệt về hạ thứ 19: • MÙA AN CƯ THỨ HAI MƯƠI (Năm 568 trước TL)-Phước Cho Quả Hiện Tại • Bảy Thánh Sản • Chuyện Kể Về Cõi Trời • Hóa Độ Gia Đình Thợ Săn • Nhân Duyên Quá Khứ
28/08/2010(Xem: 6783)
Tiền bạc của cải là phương tiện trao đổi để sử dụng hữu ích trong mối quan hệ của đời sống như ăn uống, ngủ nghỉ là nhu cầu cần thiết của con người. Về cơ bản, con người là chúng sinh cõi dục, do dục mà được sinh ra và hiện hữu, con người cần có các nhu cầu ăn, mặc, ở, bệnh, nghỉ ngơi, giải trí, hoạt động đi lại, giao tiếp và thưởng thức các cảm xúc khoái lạc giác quan v.v…Con người không thể sống mà không ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi giải trí, thư giãn sau khi làm việc.
28/08/2010(Xem: 10364)
Khi sinh ra, chúng tôi lên tàu và gặp cha mẹ của chúng tôi, và chúng tôi tin rằng họ sẽ luôn luôn đi về phía chúng tôi. Tuy nhiên, tại một số trạm cha mẹ của chúng tôi sẽ bước xuống từ xe lửa, để lại cho chúng tôi trong hành trình này một mình. Khi thời gian trôi qua, những người khác sẽ lên tàu; và họ sẽ có ý nghĩa anh chị em của chúng tôi là, bạn bè, trẻ em, và thậm chí cả tình yêu của cuộc sống của chúng tôi.
28/08/2010(Xem: 58382)
Sau khi sinh hoạt của hội chúng đã tạm thời đi vào quy củ, nền nếp; đức Phật thấy thời tiết có nắng nhẹ, trời không lạnh lắm, thuận lợi cho việc du hành nên quyết định rời Gayāsīsa, đến kinh đô Rājagaha, đường xa chừng sáu do-tuần. Thấy đoàn sa-môn quá đông, khó khăn cho việc khất thực, đức Phật gợi ý với ba anh em Kassapa cho chúng đệ tử phân thành từng nhóm,
28/08/2010(Xem: 8384)
Trước hết, tôi chân thành cảm tạ Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế đã dành cho tôi vinh dự đọc một bài thuyết trình trong buổi lễ mãn khóa long trọng này. Tuy dạy học ở xa, tôi vẫn luôn luôn gần gũi Học viện, tưởng như đây là nơi gắn bó nhất với cuộc đời của mình. Ở đây, và chỉ ở đây, tôi mới tìm được khung cảnh đáp ứng đồng thời hai nhu cầu của tôi - nhu cầu tri thức và nhu cầu đạo đức. Trong các trường đại học mà tôi dạy ở xa, tôi có cảm tưởng như chỉ sống một nửa. Không khí mà tôi thở trong Học viện cho tôi được sống vẹn toàn cả hai nhu cầu. Tôi mong được sống vẹn toàn như vậy trong bài thuyết trình này.
28/08/2010(Xem: 8462)
Nếu chúng ta thọ năm giới, và khuyến khích mọi người trong gia đình ta thọ năm giới, thì ngày đó là ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời ta, vì gia đình ta sẽ được duy trì, và cuộc sống gia đình đơn giản, tốt đẹp sẽ ảnh hưởng đến những gia đình khác trong xã hội.
27/08/2010(Xem: 19325)
1. Dạy con trẻ vạn lời hay, không bằng nửa ngày làm gương, làm mẫu 2. Cha mẹ chỉ biết cho, chẳng biết đòi; Con cái thích vòi mà không biết trả 3. Dâu, rể tốt cha mẹ được đề cao; Con cái hỗn hào đứt mười khúc ruột 4. Cha mẹ dạy điều hay, kêu lắm lời, bước chân vào đời ngớ nga ngớ ngẩn 5. Cha nỡ coi khinh, mẹ dám coi thường, bước chân ra đường không trộm thì cướp 6. Cha mẹ ngồi đấy không hỏi, không han, bước vào cơ quan cúi chào thủ trưởng 7. Con trai chào trăm câu không bằng nàng dâu một lời thăm hỏi 8. Khôn đừng cãi người già, chớ có dại mà chửi nhau với trẻ
27/08/2010(Xem: 23638)
Còn nghĩ rằng “Đời là thế, vốn dĩ đời là thế”, “giữa cuộc đời cũng chỉ thế mà thôi”. Trước hiên nhà, lá rụng đầy sân, Chớm lộc mới, ngát hương đường cũ. Vậy nên: Hương xưa còn đọng trên đường, Ngàn lau lách ấy xem dường trinh nguyên. Âm ba tiếng hát đỗ quyên, Lung linh trăng nước xe duyên sơn hà.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]