Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kể Cho Người Ở Nhà (tường thuật khóa tu ở Thụy Sĩ)

04/05/201406:49(Xem: 16429)
Kể Cho Người Ở Nhà (tường thuật khóa tu ở Thụy Sĩ)

Ke_Cho_Nguoi_o_Nha_1aKể Cho Người Ở Nhà
(Tường thuật khoá tu Gia Đình Phật Tử Thiện Trí Thụy Sĩ 2014)
Trần Thị Nhật Hưng.


Hằng năm tại Thụy Sĩ nói riêng, Âu Châu nói chung, nhằm vào lễ Phục Sinh được nghỉ 4 ngày liên tiếp từ thứ 6 đến thứ 2, thiên hạ thường nô nức mua sắm, du lịch hay tiệc tùng ăn nhậu..v.v..và..v.v.. để đền bù và thưởng thức cuộc sống cho bõ những ngày tháng làm việc mệt nhọc mà họ cho là “đi cày” vất vả. Thế mà những ngày này, có một nhóm trẻ, xa lánh cái dục thường tình của thế gian tìm niềm vui tinh thần tận mãi núi cao để gột rửa tâm hồn, đánh bóng lại thân tâm ngày một cho mới lại. Chẳng những thế, anh em trong nhóm không chỉ “tu” cho mình mà còn thực hiện “Bồ Tát Hạnh” giúp người khác cùng…tu, do đó cả nhóm, không chỉ vất vả 4 ngày mà từ một ngày trước đó hay cả năm trước đó chuẩn bị, nào là lo tìm địa điểm, nào mời giảng sư, thiết kế bàn Phật, tìm người nấu ăn, phổ biến rộng rãi chương trình đến người đồng chí hướng “có duyên với Phật” tụ về huân tu hẹn cùng nhau sau này gặp nhau ở cõi Tịnh Độ.

Họ là ai mà đặc biệt thế, đó là lực lượng anh em Gia Đình Phật Tử (GĐPT) Thiện Trí tại Thụy Sĩ. Từ lâu, nhóm tụ hội lớn nhỏ có tới 46 người như những trẻ “mồ côi” không nơi nương tựa (không có chùa), không ai hướng dẫn (không có bổn sư) thế nhưng với tinh thần đoàn kết, họ tự biết dựa vào nhau, vào bản thân chính mình thành lập khóa tu để tạo điều kiện cho người khác dựa lại họ nữa. Ôi, mạnh mẽ và đáng khen quá chừng chừng!

Khóa tu kỳ này là khóa thứ 6. Sáu năm miệt mài! Thời gian chưa kể là nhiều nhưng không phải là ít để nói lên tinh thần vì đạo của anh em.

Ngôi nhà tổ chức khóa tu xa lánh phố hội, nằm trên ngọn núi cao yên tĩnh tại Wildhaus gần thành phố St.Gallen. Thời tiết vào Xuân mát mẻ, mở đầu cho một sự bừng sống sau những tháng ngày ảm đạm hiu hắt của mùa Đông. Nắng bung ra, rực sáng, soi rõ một màu xanh ngan ngát.

Ke_Cho_Nguoi_o_Nha_10

Con đường dẫn lên núi ngoằn ngoèo quanh co. Hai bên đường vắng vẻ, lác đác ẩn hiện một số ít nhà rải trên ngọn đồi thấp. Những hàng cây thông thẳng đứng cao vút thách thức với nắng mưa, thi gan cùng tuế nguyệt vẽ trên bầu trời một màu xanh đậm hài hoà với “tấm thảm” cỏ non xanh biếc trải khắp đất nước Thụy Sĩ. Thế nhưng, vào mùa này khi vô thường gõ cửa, thời tiết cũng đổi nhanh, mới xanh đó cũng có thể trắng xoá sau một đêm tuyết rơi. Tuyết rơi như rải muối phủ khắp mái nhà, khắp hàng cây, trên thảm cỏ…rồi nắng đến tuyết tan, trả lại màu xanh cố hữu khi đất trời thay đổi chỉ trong một khoảnh khắc.

Ke_Cho_Nguoi_o_Nha_11

Có điều, dù nắng dù mưa dù tuyết, bất kể, nhưng với lòng quyết tâm cầu đạo, mọi người vẫn thu xếp thời gian, công việc nhà, bỏ qua những thú vui thường tình để tụ về, quây quần bên nhau sống nếp sống đạo, tìm thấy cõi tịnh độ, an lạc ngay trong cõi đời này.

Ke_Cho_Nguoi_o_Nha_9Ke_Cho_Nguoi_o_Nha_8Ke_Cho_Nguoi_o_Nha_7

Giảng sư được mời đến khóa thứ 6 này với sự hiện diện của Sư Bà Thích Nữ Như Tuấn trụ trì chùa Phổ Hiền, Pháp quốc; Hoà Thượng Thích Thiện Huệ cũng đến từ Pháp quốc; riêng Đại đức Thích Hạnh Tuệ đến từ chùa Phật Đà, Hoa Kỳ.

Sư bà đã 83 tuổi, sức khỏe tốt và tướng hảo sáng ngời. Những trải nghiệm về công trình tu luyện, cho Sư bà có trí nhớ tốt. Sư bà đã truyền đạt lại “bí quyết” cho Phật tử, chỉ đơn giản bằng phương pháp niệm Phật, tu trì học Phật để ra ngoài vô ngã, quên mình, xả bớt cái tôi đi. Sư bà còn nhấn mạnh, nếu thường xuyên liên tục niệm Phật sẽ thâm nhập thành thói quen nhiếp tâm bất loạn thì vọng tưởng sẽ giảm xuống, là phương tiện ngăn dòng nước phiền não. Ngoài tụng kinh, niệm chú, Phật tử còn giữ giới nữa thì chắc chắn cực lạc không tìm ở đâu xa mà hiện hữu ngay cõi đời này. Riêng tụng Chú Đại Bi, Sư bà cho rằng nếu tụng 108 biến trong một ngày, khi vãng sanh sẽ về cõi cực lạc ở tầng cao nhất Thượng phẩm Thượng sanh. Tụng ít thì sẽ về tầng Hạ Phẩm Hạ sanh mà thôi.

Cùng với Sư bà, Hoà thượng Thiện Huệ 63 tuổi, sau hai lần mổ tim nhờ Phật độ vẫn khỏe mạnh như thường, đã đến khóa tu khuyên Phật tử nên thực hiện thêm “Bồ Tát Đạo”.

Bồ Tát Đạo là pháp môn pháp hành của Đại thừa (đại là lớn, thừa là cổ xe: Cổ xe lớn) để chuyên chở chúng sinh đến bờ giác ngộ. Với tinh thần đó, người Phật tử ngoài tụng kinh, giữ giới, còn phải biết dấn thân đưa người khác sang sông, sang bờ giải thoát. Nhưng trước nhất, muốn cứu người chết đuối thì mình phải biết bơi. Nghĩa là, mình phải phát tâm làm gương tự soi rọi chính mình, tri vọng, nhận ra nó để trừ vọng tâm, diệt khổ tạo cho mình một cảnh giới an bình rồi mới mong độ người.

Hòa thượng cho rằng, mỗi người trong chúng ta mang vào đời đều có hai cảnh giới: Điạ ngục và Niết bàn, tự ta có thể lựa chọn chúng. Khổ không ai muốn nhưng sao lại nhiều thế. Lạc ai cũng mong mà sao lại hiếm hoi. Chẳng qua là do mê muội, vô minh. Ghét khổ mà ta cứ tạo khổ. Vậy nên phát bồ đề tâm, hành bồ tát đạo “thế thế thường hành Bồ Tát Đạo” (kinh Phật đã dạy thế) quyết diệt khổ, thì khổ sẽ tiêu tan.

Một câu chuyện kể rằng: Có một người lính đến hỏi một vị Thiền sư.Thế nào là Niết bàn và thế nào là địa ngục? Thay cho câu trả lời, vị thiền sư mắng, anh hỏi…dzô dziên, giống như một thằng điên! Bỗng dưng bị mắng bất ngờ, người lính tức giận tuốt kiếm ra! Thiền sư nói, đó là địa ngục đấy. Khi hiểu sâu xa cách trả lời của Thiền sư, anh lính mỉm cười hài lòng cho kiếm vào vỏ. Thiền sư cười, anh đã tìm thấy Niết bàn rồi.

Vậy đó, phát bồ đề tâm thì, khổ phải biết, tập phải trừ, đạo phải tu, diệt phải chứng. Có nguyện trừ phiền não thì trí huệ mới phát sanh, tội chướng tất tiêu trừ, mới…thế thế thường hành Bồ Tát Đạo.

Ngoài ra, phát bồ đề tâm, người Phật tử còn biết tạo công đức, bố thí, cúng dường và…nhất thiết cứu độ chúng sanh. Dưới mắt Phật giáo, người Phật tử không mang tâm phân biệt, không có biên giới hay chủng tộc mà chỉ biết chúng sanh. Chúng sanh không chỉ là con người mà cả trâu, bò, chó, lợn, chim, chuột…v.v... Qua đó, nếu cứu được thì cứ cứu để thể hiện lòng từ bi. Và phong trào phóng sanh trong Phật giáo bắt nguồn từ thế kỷ thứ 6 do Đại sư Trí Giả, bậc trí tuệ thời đại nhà Tùy bên Trung quốc và là quốc sư của một hôn quân, cho đến bây giờ cũng không ngoài mục đích thực hiện Bồ Tát Hạnh. Những con cá được trở về với sông hồ biển cả, những con chim được ra khỏi lồng tung bay giữa bầu trời bao la, còn trâu, bò, gà, vịt…thì cứu làm sao, chúng ta phát tâm ăn chay, không ăn thịt chúng tức là phóng sanh chúng vậy!

Chúng ta được làm thân người, lại có duyên với Phật, trong tinh thần Bồ Tát Đạo nhất thiết cứu độ chúng sanh thì việc phóng sanh kèm niệm một vài câu chú theo tinh thần Phật giáo tức là phát tâm gieo duyên Phật pháp đến loài súc sanh để tiếp dẫn chuyển hoá chúng từ cảnh giới đọa đày sang cảnh giới khác tốt hơn mà vốn dĩ chúng khó có nhân duyên phước báu được trở lại thân người, cũng như Phật A Di Đà dang tay tiếp dẫn sau khi chúng ta xả báo thân về cõi Tịnh Độ của ngài vậy.

Thực hiện Bồ Tát Đạo còn mang ý nghĩa tạo công đức để đời đời được phước báu không chỉ cho đời này mà còn cho kiếp sau để nhận nhân quả. Do vậy mà có người mới sinh ra đã lọt vào cảnh giới giàu sang, con ông hoàng bà chúa, trong khi lắm kẻ đầu tắt mặt tối làm việc cật lực mà vẫn thiếu ăn. Tất cả đều do phúc đức vậy.

Thế thì phúc đứccông đức giống và khác nhau như thế nào?

Công đức là do tự tính, vượt vô ngã mang tâm Phật, tâm Bồ tát đem lợi lạc an lành cho vô số người khác cùng hưởng như mình. Chẳng hạn như hành động của anh em GĐPT Thiện Trí tổ chức khóa tu.

Phúc đức do mình có được từ bao đời giờ được hưởng và hưởng chỉ mình mình. Như anh, chị ca sĩ nào đó “Trời” phú cho có giọng ca hay, anh chị tha hồ hốt bạc, tha hồ mua sắm và có quyền hưởng thụ theo mong ước của mình.

Hiểu công đức và phúc đức như thế, theo cái hiểu của…à la Nhật Hưng thì ta cứ tạo công đức để nhận được phúc đức.

Ke_Cho_Nguoi_o_Nha_6

Một tăng sĩ nữa trong khóa học được Phật tử quan tâm chú ý nhờ tuổi trẻ mà tài cao đó là Đại Đức Thích Hạnh Tuệ.

Thầy Hạnh Tuệ đi tu từ hồi 10 tuổi, nay tuổi đời tròn đúng 35. Cái tuổi chín mùi, lý tưởng mà ngoài đời đúng ra giờ này đang dung dẻ đưa vợ con du hí, hoặc cùng người đẹp bát phố, la cà các quán cà phê, phòng trà, nghe nhạc du dương hay ăn nhậu, thế nhưng giờ này, Thầy lại hiện diện trong khóa học để…không chỉ kề vai sát cánh cùng các anh em GĐPT khuân khiêng dọn dẹp, viết thư pháp cho mọi người, giảng giải chăm lo các em Oanh vũ mà còn có tri thức thật tuyệt vời để hướng dẫn tâm linh cho Phật tử. Ôi, đáng nể và mừng cho “mầm non” của Phật giáo làm sao!

Thầy Hạnh Tuệ “trụ trì” toàn bộ khóa học, từ đầu khóa đến cuối khóa, chia sẻ đủ mọi chuyện, từ các buổi công phu khuya, tụng kinh, thiền tập, giảng pháp, chăm lo Oanh vũ và cả dọn dẹp nữa. Trong buổi khai giảng, Thầy “mở màn chương trình” qua mục “khai thị” với đề tài “Phật giáo, khoa Học và tuổi trẻ” một đề tài nóng bỏng không chỉ tuổi trẻ mà cả tuổi già cũng khao khát muốn nghe, muốn biết.

Nói đến khoa học, không ai phủ nhận khoa học đã chứng minh làm sáng tỏ những ý niệm của Phật giáo về những điều mà đức Phật từng nói ra cách đây hơn 2500 năm để thấy tính chất hợp lý của giáo pháp nhà Phật phù hợp với khoa học khi khoa học khám phá ra một hành tinh giống trái đất nằm ngoài hệ mặt trời được mang tên là M1. Điều đó đã giúp Phật giáo thăng hoa tạo niềm tin và ảnh hưởng rất tốt không chỉ cho Phật tử Á Châu bấy lâu mà với người phương Tây đang tìm hiểu Phật giáo. Hiểu, tin rồi theo không cần phải tuyên truyền như các tôn giáo khác! Nhà bác học Einstein

cũng từng khẳng định: “Nếu có một tôn giáo thích hợp với khoa học, chính là Phật giáo. Khoa học mà thiếu tôn giáo thì khập khiễng. Tôn giáo mà không hợp với khoa học thì mù quáng

Một câu chuyện Thầy Hạnh Tuệ kể, có con rùa đi du lịch, bò lên khỏi mặt nước, nó khám phá ngoài thế giới nước mà nó từng sống, không ngờ có một thế giới khác, nơi đó vô cùng tươi đẹp, đầy cỏ, cây, hoa, lá, ong, bướm, chuồn chuồn và cả mây bay gió thoảng…v.v...Rùa trở về kể cho cá nghe, cá bĩu môi, nghĩ: “Anh rùa này dốc tổ, đi chơi về dợt le nổ,chảnh, khoác lác chứ làm sao có thế giới nào khác ngoài thế giới nước mà mình đang sống”. Qua đó, chúng ta cũng vậy, cũng như cá, không bao giờ hình dung và tưởng tượng nổi ngoài cõi dục của chúng ta còn vô số thế giới như lời Phật nói. Nhưng là Phật tử, đương nhiên chúng ta tin Phật và tin có cõi Tịnh Độ để chúng ta nỗ lực tu tập. Và hôm nay tụ hội về đạo tràng không ngoài mục đích mong muốn sau này về cảnh giới khác ngoài cảnh giới đau khổ hiện tại.

Ke_Cho_Nguoi_o_Nha_5Ke_Cho_Nguoi_o_Nha_4

Trong khóa học, Thầy Hạnh Tuệ còn giảng về duyên sinh và vô ngã. Thầy cho rằng, tất cả mọi sự vật và hiện tượng trên cõi đời này đều liên hệ nhau bằng một lực vô hình nào đó, mà bản thân sự thành là do kết hợp từ trùng trùng duyên khởi, không có cái mở đầu và cũng không có kết cuộc.Tất cả tự nó sinh ra và mất đi, hễ duyên sinh thì vô ngã. Cái này có thì cái khác có. Nó luôn đến từ hai mặt trái nhau của cuộc đời. Có hạnh phúc thì có khổ đau, có trắng thì có đen, có cười thì có khóc, có sinh thì có diệt…v.v..và..v…v…như một định luật hiển nhiên, hiển nhiên như chấp nhận một điều, ai cuối cùng đều cũng chết để đừng sợ hãi,lo lắng. Và đặc biệt nữa nếu đã biết, ai rồi cũng chết, thì khi giận hờn căm thù ai đến độ muốn…giết nó cho hả giận thì kíp ngưng tay (nếu cần xuống ngay một câu vọng cổ: Khoan, xin ai ơi hãy ngừng tay…dao, tay súng lại. Con ranh thằng nhãi này trước sau gì cũng chết, đừng giết nó làm chi để mang tội sát sanh vô... a…à…người!”) Rứa đó, không nhọc công phải ra tay để phải ngồi tù, khổ thân. Đó chưa kể đối với Phật tử thọ 5 giới, nếu phạm giới giết người, kiếp sau còn bị đoạ xuống địa ngục hay làm súc sanh nữa.

Giữa khóa học bao giờ cũng có mục “Phật pháp vấn đáp” vô cùng sôi nổi, thân thiện. Vừa ăn bánh, uống trà, vừa luận bàn Phật pháp. Riêng tôi “ăn ý” nhất câu hỏi rất thực tế, thường tình của ai đó (câu hỏi còn “bị chú” đặc biệt dành cho Thầy Hạnh Tuệ): “Thầy còn trẻ, thuyết giảng hay, lại…xinh trai; trên đường tu thế nào cũng gặp Thị Mầu hay Ma Đăng Già, Thầy sẽ đối phó làm sao? Mọi người cười xòa, trong khi Thầy Hạnh Tuệ…bẽn lẽn mỉm cười, Ma Đăng Già - cô gái yêu sư thời Đức Phật, từng làm ngài A Nan điên đảo - không sợ, chỉ sợ Ma Đăng...Trẻ thôi. Các…trẻ này đôi khi làm Thầy vấn vương, vẩn vơ đôi chút (Tăng Ni cũng có trái tim yêu thương nồng nàn chứ bộ!) nhưng lời phát nguyện xuất gia năm nào với sư phụ “Dâng đời cho Phật” trong ngày xuống tóc không thể để thời gian, hay mấy cô Thị Mầu, Ma Đăng…Trẻ làm phôi phai, phụ bạc tấm lòng mong đợi của Phật tử và nhất là đối với sư phụ, người thuở ban sơ hết dạ yêu thương chăm sóc dìu dắt mình.

Như ong chỉ lấy mật thôi.

Không làm hại sắc hư đài của hoa.

Tỳ kheo theo luật nương kinh.

Vào trong nhân thế trung trinh lời nguyền.

Để rồi “bất vi bổn thệ” (không quên lời nguyện xưa), trung trinh lời nguyền đã giúp Thầy…tóm hết mấy cô “vớ vẩn” từng làm Thầy...“vẩn vơ” quăng ra khỏi tâm trí! Hà…hà…phải vậy chứ, nhờ thế, tăng sĩ mới vững chãi thăng tiến trên đường tu, đi trọn một cách thật ngon lành con đường đạo của mình trong bóng dáng của Phật, của Pháp, của Tăng mà mình từng thệ nguyện, không nửa đường…gãy gánh, và qua đó đạo Phật mới trường tồn và phát triển!

Bên cạnh “Phật pháp vấn đáp”, hôm sau, còn có chương trình kỷ niệm chu niên của GĐPT Thiện Trí và văn nghệ hội tụ nam, nữ nghệ sĩcây nhà lá vườn” cũng sôi nổi không kém. Những màn kịch câm, kịch nói cười bể bụng. Múa, hát thật dễ thương, thật vững chãi chứng tỏ tiềm năng các...nghệ sĩ còn tiến xa. Có một em Oanh vũ 7 tuổi, áo dài chỉnh tề, giọng ca rất hay, dạn dĩ bước ra “sân khấu”. Trước khi hát, em đưa mắt về hướng chánh điện, phía nơi Chư Tăng-Ni đang ngồi, tưởng em chào quí Thầy, Cô, em lại nhìn lên ban thờ cất tiếng: “Con xin chào ông Phật” làm mọi người cười xòa trước vẻ ngây thơ thánh thiện với hình bóng Phật đầy ắp trong tâm tưởng em.

Khoatu_GDPTThienTri_Thuy_Sy (39)

Khóa học kết thúc vào trưa thứ 2, sau 4 ngày quây quần bên nhau chuyên cần học đạo, sống nếp sống đạo. Trong tâm hồn của cả thảy 80 người vừa Tăng-Ni Phật tử, ai nấy lâng lâng những cảm giác khó tả lẫn lộn niềm vui và phảng phất chút se buồn khi phải chia tay. Những lời hẹn hò năm tới râm ran ngày gặp lại. Có hợp thì có tan. Tan rồi lại hợp. Đó là hiện tượng hiển nhiên dù muốn hay không thản nhiên chấp nhận.

Xin nguyện Phật Trời gia bị cho anh em GĐPT Thiện Trí Thụy sĩ nói riêng và toàn thể anh em GĐPT khắp năm châu nói chung chân cứng đá mềm, Bồ Đề Tâm kiên cố trong tinh thần thực hiện Bồ Tát Đạo, mãi mãi là những viên ngọc quí sáng ngời hoà nhập trong hào quang của đấng Thế Tôn và là đầm sen ngát hương nở rộ khắp nơi nơi tô điểm cho vườn hoa Phật giáo trường tồn vĩnh cửu.

Con cũng kính nguyện Chư Tôn Đức Tăng Ni dồi dào sức khoẻ để dìu dắt chúng sinh đến bờ giác ngộ.

Riêng Quí Phật tử tinh tấn trên con đường tu tập.


Nam Mô A Di Đà Phật.

Trần Thị Nhật Hưng

Thụy Sĩ mùa Phục Sinh 2014



Hình ảnh Khóa tu




Khóa tu những ngày cuối

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/09/2015(Xem: 11733)
Tâm dục được xếp hạng trên tất các sắc tướng, gọi là Sắc Dục, mà mê đắm sắc đẹp đưa đến dâm dục là điều cốt yếu của mọi vấn đề trên cõi Ta Bà. Tham dâm dục thôi thúc trong lòng khiến con người phải hành động để được thoả mãn ham muốn. Khi cái luồng chân khí ái dục này dâng lên thì si ái tình, khi đi xuống thì tham nhục dục. Mà ái có nghĩa là yêu thương thuộc tình cảm với cảm giác cao thượng. Dục là sự si mê, thèm khát thể xác. Khi dâng lên khi hạ xuống bất thường thì bị tẫu hỏa nhập ma, thất tình lục dục, đưa đến hành động phi luân, phạm pháp, vô đạo tai hại khôn lường cho mình cho người. Dục gồm có lục dục hay ngũ dục. Lục dục là sự ham muốn của sáu căn đối với sáu trần; mắt thích nhìn những sắc đẹp, tai thích nghe âm thanh êm dịu, mũi thích ngửi mùi thơm, lưỡi thích nếm những vị ngon, thân thích đụng chạm êm ái, ý thích nghĩ tới tham si. Ngũ dục là năm thứ ham muốn của người đời không dễ gì loại bỏ. Kinh Phật nói về Ác Dục, Niệm Dục: Chư hiền, nếu ai có ác dục, niệm dục th
20/09/2015(Xem: 8321)
Hôm nay là ngày rằm, từ sáng sớm bà chủ đã ngỏ lời: “Hây, tối nay kính mời khách thưởng trà ngắm trăng với chúng tôi trong vườn nhà”. Khi ráng chiều vừa tắt, bà chủ đưa cho khách bộ Yukata (Kymono mặc mùa hè), một đôi tất trắng, một đôi guốc xỏ ngón và một cái hoa vải màu hồng nâu. Thấy khách lúng túng, hiểu ý, bà chủ ân cần hướng dẫn khách sử dụng từng loại. Bà chủ chia sẻ: “Mặc Yukata khó nhất và đẹp nhất là cái đai quanh thắt lưng”. Miệng nói, tay làm, bà giúp khách hoàn thiện cái đai này. Bà lại hồn hậu: “Búi tóc kiểu Nhật cũng không là việc dễ”, rồi đôi tay bà chủ thoăn thoắt, chỉ mươi phút mái tóc của khách đã được búi cao lại còn giắt thêm cái hoa vải màu hồng nâu sau gáy. Khách nghĩ, mình đã tươm tất lắm rồi, thì nghe bà chủ nhắc khéo: “Mặc Yukata đôi chân phụ nữ phải được bọc trong đôi vớ trắng và bước đi với đôi guốc xỏ ngón”. Nghe lời, khách mang vớ, mang guốc rồi thử bước đi; xong, khách thầm nhủ “mang đôi guốc này mà không té là điều kỳ diệuJ”.
19/09/2015(Xem: 9280)
Đối với người Phật tử, dù ở bất cứ phương trời nào, không phải chỉ mùa Vu Lan mới là thời điểm để người con Phật thể hiện lòng báo đức tri ân. Ân Chư Phật, ân Thầy Tổ, ân cha mẹ giáo dường, ân đàn na thí thí, ân xã hội, ân chúng sanh …. mà ân kia, đức đó phải luôn phát nguyện bằng thiện tâm: “Hiếu là độ được song thân, Nhân là cứu vớt trầm luân muôn loài” Theo tinh thần trùng trùng duyên khởi trong kinh Hoa Nghiêm thì muôn người, muôn loài đều thầm lặng vì nhau mà sinh diệt. Cái này vì cái kia mà hiện hữu, cái này ra đi để cái kia tồn tại. Như lá rụng mà thực chẳng diệt, vì lá lại thành đất nuôi cây. Như mây tụ lại mà thực chẳng tan, vì mây chỉ chuyển hóa thành mưa tươi mát, tắm đẫm cỏ nội hoa ngàn ….
18/09/2015(Xem: 8870)
Được sự đồng ý của tác giả, Cư sĩ Diệu Nhung, Cư sĩ Tâm Thành và các Cư sĩ khác hùn phước ấn tống và gửi tặng sách GIA TÀI CỦA NGƯỜI TỈNH THỨC (Thực tập Kham nhẫn) phiên bản tiếng Việt cho các đối tượng sau đây: 1. Đọc giả người Việt đang sinh sống và làm việc trong khu vực VIỆT NAM và CHÂU Á. 2. Các tu sĩ Phật giáo người Việt không phân biệt tông phái. 3. Các cư sĩ người Việt đang nghiên cứu và thực tập Phật giá
13/09/2015(Xem: 7781)
Giáo dục là gì? Hiện nay khó mà định nghĩa dứt khoát; có rất nhiều định nghĩa khác nhau, ví dụ: Như trong cuốn "The Educator’s encyclopedia" của ba học giả Mỹ E.W. Smith, S.W. Krouse và M.M. Atkinson, 1969, USA, cho rằng khái niệm giáo dục chuyển tiếp từ Phương Đông đến thái độ Phương Tây và trong Larouse Universelle của Pháp định nghĩa: "Giáo dục là toàn thể những cố gắng có ý thức để giúp tạo hóa trong việc phát triển các năng lực thể chất, tinh thần và đạo đức của con người, hướng về sự toàn thiện, hạnh phúc và sứ mạng xã hội của con người". (Trích dẫn từ Sư Phạm Lý Thuyết, nhiều tác giả, nhà xuất bản trẻ năm 1971).
12/09/2015(Xem: 7272)
Những ngôi Chùa nổi tiếng ở VN
12/09/2015(Xem: 16801)
Nếu có người nào đó bảo rằng: “Tại sao Thầy viết nhiều và không chịu nghỉ ngơi, hãy để dồn viết một tác phẩm có giá trị vẫn hay hơn là những bài tạp ghi như vậy“ thì tôi sẽ trả lời rằng: “Nếu viết được thì cứ viết, chứ chờ viết hay mới viết thì biết bao giờ mới viết được một bài. Có nhiều người chờ cả đời không viết, đến khi muốn viết thì không còn sức khỏe nữa“. Quả cuộc đời nầy nó có nhiều cái khó như thế, mà chúng ta thì không tự làm chủ thời gian cũng như sức khỏe của mình được. Do vậy tôi chủ trương rằng: “Cái gì làm được trong ngày hôm nay thì hãy nên làm, chứ chờ đến ngày mai thì nhiều khi ngày mai ấy không còn ở lại với mình nữa. Dầu ta có già, có sống lâu bao nhiêu năm trên thế gian nầy đi nữa, rồi một ngày nào đó chúng ta cũng phải ra đi, mà thời gian thì chẳng thương tiếc gì ta, dầu ta có cố níu kéo nó lại. Ngay cả những người thân trong gia đình, mình cứ ngỡ rằng họ luôn ở gần mình và họ thuộc về một phần của cuộc sống mình, nhưng điều ấy ta đã lầm. Cuối cùng rồi chẳng có
12/09/2015(Xem: 9229)
Phật Giáo Việt Nam và vấn đề bảo vệ mội trường
10/09/2015(Xem: 10442)
Mẹ tôi năm nay 83 tuổi, mẹ đã bị bệnh mất trí nhớ (dementia) trong vòng năm năm nay. Bốn năm trước đây, khi tôi gặp mẹ, cánh cửa của căn chung cư mẹ tôi ở đã mở toang, và mẹ tôi đã đi lang thang ra ngoài đường. Bệnh mất trí nhớ của mẹ tôi phát ra rất nhanh, nhanh đến nỗi mẹ đã không còn nhớ đến ai cả.
06/09/2015(Xem: 9336)
Các nhà sư thuyết giảng cho người thế tục là chuyện bình thường, thế nhưng nếu một nhà sư đứng ra thuyết giảng cho các nhà sư khác thì quả là một chuyện hiếm hoi khi gặp. Dưới đây là một bài nói chuyện của nhà sư Thanissaro Bhikkhu với các bạn đồng tu trong một ngôi chùa mà nhà sư này có ý gọi chung các ngôi chùa là "bệnh viện của Đức Phật". Bài nói chuyện được trích dẫn từ một tập sách mang tựa "Thiền định 1: Bốn mươi bài thuyết giảng Đạo Pháp" (Meditation 1: Forty Dhamma Talks, Access to Insight, 2003), gom góp các bài thuyết giảng của ông. Thanissaro Bhikkhu là một nhà sư người Mỹ tu tập theo truyền thống "Tu Trong Rừng" của Phật Giáo Theravada, một nhà sư thật đáng kính, uyên bác và tích cực, vô cùng xứng đáng để hàn huyên với các nhà sư và thuyết giảng cho tất cả chúng ta nghe.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]