Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lời chia sẽ trước khi ra đi của 1 Bác Sĩ

30/04/201419:28(Xem: 14165)
Lời chia sẽ trước khi ra đi của 1 Bác Sĩ

Richard Teo Keng Siang 2

BUỔI NÓI CHUYỆN CỦA BÁC SỸ RICHARD TEO.

BS Richard Teo / John Phạm.

Người gửi : Vi Tâm

Vi Tâm xin gửi một bài rất hay, do John Phạm chuyển ngữ, ghi lại cuộc nói chuyện của Bác sĩ Richard Teo Keng Siang (Singapore) với một số sinh viên nha khoa về kinh nghiệm sống của mình.
Richard Teo, sanh năm 1972, là một bác sĩ giải phẩu thẩm mỹ, rất ham sống, ham làm việc và …ham làm giầu. Năm 40 tuổi, anh đã thành một nhà triệu phú.
Một ngày kia anh khám phá ra mình bị ung thư phổi đã tới thời kỳ 4.
Buối nói chuyện này diễn ra ngày 19/1/2012, tám tháng sau khi anh khám phá mình đã bị ung thư.

Richard Teo qua đời ngày 18/10/2012.

Buối nói chuyện đưa lên mạng đã gây một súc động rất lớn. Trang lưu niệm về anh có tới 4100 likes, 313 tweets, 175 shares, 122 g+.

(phần chữ nghiêng do VT ghi thêm)

Richard Teo Keng Siang 1

“ Chào tất cả các em. Giọng tôi hơi bị khàn một chút, mong các em chịu khó nghe. Tôi xin tự giới thiêu, tôi tên là Richard và là một bác sĩ. Tôi sẽ chia sẻ vài suy nghĩ về cuộc sống của mình và rất hài lòng khi được các giáo sư mời đến đây. Hy vọng sẽ giúp các em cách suy nghĩ khi bắt đầu theo ngành để trở thành nha sĩ giải phẫu cũng như suy nghĩ về những việc chung quanh.

Từ lúc trẻ, tôi là một sản phẩm đặc trưng của xã hội ngày nay, một sản phẩm khá thành công mà xã hội đòi hỏi. Hồi nhỏ tôi lớn lên trong một gia đình có mức sống dưới mức trung bình. Tôi được bảo ban bởi người chung quanh và môi trường rằng thành công thì hạnh phúc. Thành công có nghĩa là giàu có. Với suy nghĩ này, tôi trở nên cực kỳ ganh đua ngay từ nhỏ.

Không những chỉ cần đi học ở trường giỏi, tôi cần phải thành công trong mọi lãnh vực, từ các hoạt động tập thể đến chạy đua, mọi điều. Tôi cần phải đoạt được cúp, phải thành công, phải được giải, giải quốc gia, mọi thứ. Tôi rất ganh đua. Tôi vào trường y và trở thành bác sĩ. Chắc một số em biết rằng trong ngành y, giải phẫu mắt là một trong những chuyên khoa khó vào nhất. Tôi cũng vào được và được học bổng nghiên cứu của NUS* phát triển tia laser để chữa bịnh mắt.

(*NUS = National University of Singapore=Đại Học Quốc Gia Singapore)

Trong khi nghiên cứu, tôi có hai bằng phát minh, một về dụng cụ y khoa và một về tia lasers. Nhưng các em có biết không, tất cả các thành tựu này không mang lại cho tôi sự giàu có. Sau khi học hoàn tất, tôi quyết định rằng theo đuổi ngành phẫu thuật mắt mất quá nhiều thời gian trong khi ra ngoài làm tư kiếm được nhiều tiền hơn. Nếu các em để ý, vài năm qua, ngành thẩm mỹ đang lên, kiếm được khối tiền. Vì vậy, tôi quyết định bỏ ngành giải phẫu mắt giữa chừng và nhảy qua mở trung tâm giải phẫu thẩm mỹ trong tỉnh.

Các em có biết, rất mâu thuẫn, một người có thể không vui vẻ khi trả $20 cho một bác sĩ tổng quát, nhưng cũng chính người đó không ngần ngại trả $10.000 để hút mỡ bụng, $15.000 cho sửa ngực, vv… và vv. Không cần phải suy nghĩ nhiều, phải không? Tại sao lại muốn thành bác sĩ tổng quát mà không là bác sĩ thẩm mỹ? Do vậy, thay vì chữa bịnh, tôi quyết định trở thành người sửa sắc đẹp. Công việc làm ăn rất khấm khá. Bịnh nhân mới đầu chờ đợi một tuần, rồi 3 tuần, sau lên một tháng, 2 tháng, đến 3 tháng. Quá nhiều bịnh nhân. Tôi choáng váng. Tôi mướn một bác sĩ, hai bác sĩ, ba bác sĩ, rồi bốn bác sĩ. Chỉ trong vòng năm thứ nhất, chúng tôi đã lên hàng triệu phú. Nhưng chẳng thế nào là đủ vì tôi trở nên mê muội. Tôi bắt đầu khuếch trương tới Nam Dương, thu hút các “tai-tais*” những người muốn có cuộc giải phẫu trong chớp mắt. Cuộc sống thật lên hương.

(*tai-tai là tiếng dùng để chỉ các bà mệnh phụ nhiều tiền không đi làm)

Tôi làm gì với mớ tiền dư thừa? Cuối tuần tôi tiêu khiển ra sao? Thông thường tôi đến tụ tập tại câu lạc bộ đua xe hơi. Tôi sắm riêng cho tôi một chiếc xe đua. Chúng tôi đến Sepang ở Mã Lai và đua xe. Cuộc sống của tôi là thế đó. Với mớ tiền mặt, tôi sắm chiếc Ferrari. Lúc đó chiếc 458 chưa ra, chỉ có chiếc 430. Một người bạn học cũ của tôi làm ngân hàng. Anh ta mua chiếc màu đỏ mà anh mong muốn từ lâu. Tôi sắm chiếc màu bạc.

Tôi làm gì sau khi có chiếc xe? Đến lúc mua nhà, xây cửa. Chúng tôi bắt đầu tìm kiếm đất để xây nhà nghỉ mát. Tôi đã sống cuộc đời như thế nào? Chúng tôi nghĩ rằng phải cần hòa nhập với những người giàu có, nổi tiếng. Chúng tôi bắt đầu giao tiếp với mỹ nhân, người giàu sang và danh tiếng, như hoa hậu thế giới hay người sáng lập mạng internet, ăn uống ở mọi nhà hàng kể cả nhà hàng nổi tiếng của đầu bếp Michelin.

Tôi đã có được mọi thứ trong cuộc sống, đến tột đỉnh của sự nghiệp và tất cả. Đó là tôi của một năm trước đây. Lúc ở trong câu lạc bộ thể thao, tôi nghĩ tôi đã chế ngự được mọi chuyện và đạt đến đỉnh vinh quang.

Nhưng tôi lầm. Tôi không chế ngự được mọi chuyện. Khoảng tháng 3 năm ngoái, đột nhiên tôi bắt đầu bị đau lưng. Tôi nghĩ chắc tại tôi thường vận động manh. Tôi đi đến SGH* và nhờ bạn học làm MRI** để xem chắc là không bị trật đốt sống hay thứ nào khác. Tối hôm đó, anh ta gọi tôi và cho biết tủy sống thay đổi trong cột sống của tôi. Tôi hỏi như thế nghĩa là sao? Tôi biết nó có nghĩa như thế nào nhưng không thể chấp nhận sự thật. Tôi gần như muốn nói “anh nói thiệt sao?” tôi đang sắp sửa chạy đi tập thể dục. Ngày hôm sau chúng tôi có nhiều khám nghiệm hơn- PET** scans- và họ tìm thấy tôi đang ở thời kỳ thứ tư của ung thư phổi. Tôi nghĩ “từ đâu mà ra thế này?”. Ung thư đã lan tới não, cột sống và nội tuyến. Các em biết, có lúc tôi hoàn toàn nghĩ mình đã chế ngự được tất cả, đã đạt đến tột đỉnh của cuộc sống, nhưng kế đó, tôi mất tất cả.

(SGH = Singapore General Hospital =Nhà thương chính của Singapore)

(**MRI, PET = phương pháp tối tân soi chụp hình bộ phận trong người để chẩn bệnh)

Đây là bản chụp của phổi. Nhìn vào, mỗi chấm đều là nang ung thư. Và thật sự, tôi có cả chục ngàn nang trong phổi. Tôi được cho biết, ngay cả với hóa trị, tôi cũng chỉ còn được 3,4 tháng tối đa. Cuộc sống tôi bị nghiền nát, dĩ nhiên rồi, làm sao tránh khỏi? Tôi chán nản, tuyệt vọng, tưởng rằng mình đã có mọi thứ trước đây.

Điều mâu thuẫn là mọi thứ tôi có được - sự thành công, cúp thưởng, xe cộ, nhà cửa, tất cả những thứ mà tôi nghĩ đã mang hạnh phúc đến cho tôi; khi tôi xuống tinh thần, tuyệt vọng, không mang đến cho tôi niềm vui. Tôi chẳng thể ôm chiếc Ferrari mà ngủ. Chuyện đó không thể xảy ra. Chúng không mang lại một sự an ủi nào trong những tháng cuối cùng của cuộc đời tôi. Vậy mà tôi đã tưởng những thứ này là hạnh phúc; không phải vậy. Điều thật sự mang lại cho tôi niềm vui trong mười tháng cuối cùng là tiếp xúc với người thân, bạn bè, những người chân thành chăm sóc tôi, cười và khóc cùng tôi. Họ có thể nhìn thấy sự đau đớn, chịu đựng mà tôi phải trải qua. Đây thật sự mang lại hạnh phúc cho tôi. Những thứ tôi sở hữu, đáng lý ra mang lại hạnh phúc, nhưng không, tôi đã chẳng cảm thấy vui khi nghĩ đến.

Các em có biết, Tết sắp đến. Trước đây, tôi thường làm gì? À, thì tôi thường lái chiếc xe hào nhoáng của mình một vòng, thăm viếng họ hàng, phô trương với bạn bè. Tôi tưởng đó là niềm vui, thật sự vui. Nhưng các em có nghĩ họ hàng, bạn bè tôi đang chật vật kiếm sống có thể chia sẻ niềm vui cùng tôi khi thấy tôi khoe khoang chiếc xe bóng loáng? Chắc chắn là không. Họ sống khó khăn, đi xe công cộng. Thật sự những gì tôi làm chỉ khiến họ thêm ganh ghét, thậm chí có khi thành thù hận.

Những thứ này chúng ta gọi là đối tượng của sự ganh tị. Tôi khoe khoang để lấp đầy sự kiêu hãnh và cái tôi của mình. Chúng chẳng mang lại niềm vui cho bạn bè, cho người thân như tôi tưởng.

Để tôi chia sẻ với các em một câu chuyện khác. Khi tôi bằng tuổi các em, tôi ở khu King Edward VII. Tôi có một người bạn khá lạ lùng đối với tôi. Cô ta tên là Jennifer. Chúng tôi vẫn là bạn thân của nhau. Khi chúng tôi thả bộ, nếu cô ta thấy một con ốc sên trên đường, cô ta sẽ nhặt nó lên và đặt lại trong thảm cỏ. Tôi thắc mắc tại sao phải làm như thế? tại sao phải để bẩn tay? chỉ là một con ốc sên. Sự thật là cô ta đã cảm được cho con ốc có thể bị đạp nát chết. Đối với tôi, nếu không tránh đường thì đáng bị đạp nát, chỉ là luật tự nhiên thôi. Đối ngược nhau quá, phải không?

Tôi được huấn luyện thành bác sĩ để có từ tâm, đồng cảm. Nhưng tôi không có. Sau khi tốt nghiệp y khoa, tôi làm việc ở khoa ung thư tại NYH. Hàng ngày, tôi chứng kiến cái chết trong khoa ung thư. Tôi nhìn thấy tất cả đau đớn mà bịnh nhân phải chịu đựng. Tôi thấy tất cả các thuốc giảm đau, và họ cứ vài phút phải bấm vào người. Tôi thấy họ vật lộn với hơi thở cuối, thấy tất cả. Nhưng đây chỉ là một công việc. Tôi đến bịnh xá mỗi ngày lấy máu, cho thuốc nhưng bịnh nhân có “thật” đối với tôi không? Không. Tôi chỉ làm công việc và nóng lòng về nhà để làm việc riêng của mình.

Sự đau đớn, chịu đựng của bịnh nhân có “thật” không? Không. Dĩ nhiên là tôi biết tất cả các từ ngữ chuyên môn để mô tả về sự đớn đau mà họ phải trải qua, nhưng thật sự tôi không hề “cảm” được cho đến khi tôi trở thành bịnh nhân. Mãi đến bây giờ, tôi mới thật sự hiểu được cảm giác của họ. Nếu các em hỏi tôi, nếu được làm lại cuộc đời, tôi có muốn thành một người bác sĩ khác không. Tôi sẽ trả lời các em là Có. Vì bây giờ tôi thật sự hiểu được họ. Tôi phải trả giá đắt cho bài học này.

Ngay khi các em vào năm thứ nhất, bắt đầu hành trình để trở thành nha sĩ giải phẫu, cho phép tôi thử thách các em hai điều.

Hiển nhiên, tất cả các em ở đây sẽ bắt đầu đi làm tư. Các em sẽ thành giàu có. Tôi bảo đảm với các em rằng, chỉ trồng răng, các em kiếm được bạc ngàn, mớ tiền không tưởng được. Và thật ra, không có gì sai trái với thành công, giàu có, tuyệt đối không gì sai trái. Điều phiền toái duy nhất là nhiều người chúng ta, như bản thân tôi, không thể kiềm chế được.

Tại sao tôi nói như vậy? Bởi vì càng tích tụ, càng có nhiều, tôi lại muốn nhiều hơn. Càng ham muốn, tôi càng trở nên mê muội. Như tôi đã đề cập trước đây, tôi muốn sở hữu nhiều hơn, đạt tới đỉnh vinh quang như xã hội muốn đào tạo chúng ta. Tôi trở nên mê muội đến nỗi mà chẳng còn việc gì thành vấn đề đối với tôi nữa. Bịnh nhân chỉ là một nguồn lợi tức và tôi vắt cạn từng xu từ họ.

Nhiều khi chúng ta quên đi mình cần phục vụ ai. Chúng ta lầm lạc đến nỗi chẳng phục vụ ai cả ngoài chính mình. Điều đó đã xảy ra với tôi. Dù là ở y hay nha khoa, tôi có thể nói với các em ngay bây giờ rằng, trong khi khám bịnh, đôi khi chúng ta khuyên bịnh nhân chữa trị bịnh không hẳn có, không rõ rệt và ngay cả khi không cần thiết.

Ngay tại thời điểm này, tôi biết ai là bạn tôi, chân thành lo lắng cho tôi và ai chỉ muốn làm tiền tôi bằng cách bán buôn “hy vọng” cho tôi. Chúng ta đánh mất lương tâm vì chúng ta chỉ muốn kiếm tiền.

Tệ hại hơn, tôi có thể kể cho các em nghe, vài năm vừa qua, chúng tôi đã nói xấu đồng nghiệp, “đối thủ” của chúng tôi và không hề thấy khó chịu. Nếu hạ thấp được họ xuống để nâng mình lên, chúng tôi làm. Điều đó đang xảy ra trong ngành y, nha và ở mọi nơi. Tôi thử thách các em không để đánh mất lương tâm mình. Tôi trả giá đắt cho bài học. Và tôi hy vọng các em sẽ không bao giờ phải như vậy.

Điều thứ nhì, về số lượng bịnh nhân, dù ở bịnh viên công hay tư. Tôi có thể kể cho các em nghe, khi tôi làm trong bịnh viện, với chồng hồ sơ bịnh lý, tôi chỉ muốn làm cho xong càng nhanh, càng tốt. Tôi chỉ muốn họ ra khỏi phòng khám bịnh của tôi càng nhanh, càng tốt vì có quá nhiều bịnh nhân. Thực tế là vậy. Đây chỉ là một công việc, một công việc thường nhật. Lúc đó, tôi có thật sự biết về cảm xúc của bịnh nhân của tôi như thế nào không? Không. Sự sợ hãi, nỗi lo âu của họ, tôi có thật sự hiểu điều gì họ đang trải qua không? Không, mãi cho đến khi sự cố xảy ra với tôi. Tôi nghĩ rằng đây là một lỗi lầm lớn nhất trong xã hội của chúng ta.

Chúng ta được huấn luyện để trở thành lương y, nhưng chúng ta không cảm được cho bịnh nhân. Tôi không đòi hỏi các em phải xúc động, vì như vậy cũng không chuyên nghiệp, mà chỉ hỏi chúng ta có thật sự cố gắng tìm hiểu nỗi đau đớn của họ không? Phần lớn là không, tôi có thể chắc chắn như vây. Do đó, tôi thử thách các em luôn đặt mình vào cương vị của bịnh nhân.

Bởi vì sự đau đớn, nỗi lo lắng, sợ hãi rất thực với họ mặc dù không thực đối với các em. Ngay hiện giờ, tôi đang chữa hóa trị lần thứ 5. Tôi có thể cho các em biết nó rất kinh khủng. Hóa trị là thứ mà các em không muốn ngay cả kẻ thù của mình phải trải qua vì bị hành, đau đớn, ói mửa. Cảm giác khủng khiếp! Và bây giờ, với chút năng lực còn lại, tôi tìm đến các bịnh nhân ung thư khác vì tôi thật sự hiểu được họ đau đớn, chịu đựng như thế nào. Hơi muộn màng và ít ỏi !

Các em có cả tương lai sáng lạn phía trước với tất cả tài năng và nhiệt huyết. Tôi thử thách các em, ngoài bịnh nhân của mình, hiểu thêm rằng có nhiều người ngoài kia đang thật sự đau đớn, thật sự khó khăn, đừng nghĩ rằng chỉ có người nghèo mới phải khổ. Điều này không đúng. Những người nghèo khó vốn sẵn không có gì, họ dễ dàng chấp nhận. Do đó, họ hạnh phúc hơn các em và tôi. Nhưng có nhiều người đang đau khổ về tâm thần, thể xác, tình cảm, vật chất vv, vv.. Họ có thật. Chúng ta lựa chọn làm lơ hoặc chúng ta không muốn biết đến sự hiện hữu của họ.

Do đó đừng quên, khi các em được thành danh, hãy với tay đến những người cần sự giúp đỡ. Bất cứ việc gì các em làm điều có thể mang đến sự khác biệt lớn cho họ. Bây giờ tôi ở vị trí của người tiếp nhận, tôi hiểu rõ, thấy khác khi có người thật sự chăm lo, khuyến khích mình. Nhờ vậy mà tôi vẫn có thể nói chuyện với các em hôm nay.

Tôi sẽ ngưng với lời sau, trong cuốn sách có tựa đề là “Những ngày thứ ba với Morris”. Có lẽ một số các em đã đọc cuốn này. Mọi người đều biết rằng sẽ có ngày phải chết, chúng ta ai cũng biết như vây. Nhưng sự thật, không ai tin, vì nếu tin chúng ta đã sống một cách khác. Khi tôi phải đối diện với cái chết, tôi lột bỏ mọi thứ, chỉ tập trung vào thứ thiết yếu. Thật trái ngược rằng, chỉ khi sắp chết thì mình mới biết nên sống như thế nào. Tôi biết điều này nghe qua trông thật mơ hồ, nhưng đó là sự thật và tôi đang trải qua.

Đừng để xã hội bảo ban các em cách sống. Đừng để môi trường bắt các em phải làm gì. Điều này đã xảy ra cho tôi. Tôi tưởng như vậy là hạnh phúc. Tôi hy vọng các em suy nghĩ lại và sẽ tự quyết định cuộc sống của chính các em. Không phải do người khác bảo ban mà là các em quyết định, sống cho mình hay mang đến sự tốt đẹp cho đời sống của người khác. Hạnh phúc thật sự không có được khi chỉ sống cho mình. Sự thật không như tôi đã tưởng.

Tôi xin tóm lược, trong cuộc sống, chúng ta biết sắp xếp thứ tự trước sau càng sớm, càng tốt. Đừng giống như tôi. Tôi không còn cách nào khác và đã phải trả giá đắt cho bài học….. »

TÀI LIỆU :

1. Bản tiếng Việt ở trên (ghi một phần buổi nói chuyện của BS Teo) lấy trong bài « Một hình ảnh thực của chân lý Vô Thường », với tên tác giả Richard Teo/ John Phạm (15/4/2014):

http://vietcatholic.com/News/Html/122525.htm

2. Trang lưu niệm có nguyên bản tiếng Anh ghi đầy đủ buổi nói chuyện :

http://www.heavenaddress.com/Dr-Richard-Teo-Keng-Siang/424153/379719/content

3. Video buổi nói chuyện (tiếng nói nhỏ, thu âm không nghe rõ, nhưng có phụ đề tiếng Anh) :

http://www.richardteo.com/his-story-in-words/

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/09/2015(Xem: 11739)
Tâm dục được xếp hạng trên tất các sắc tướng, gọi là Sắc Dục, mà mê đắm sắc đẹp đưa đến dâm dục là điều cốt yếu của mọi vấn đề trên cõi Ta Bà. Tham dâm dục thôi thúc trong lòng khiến con người phải hành động để được thoả mãn ham muốn. Khi cái luồng chân khí ái dục này dâng lên thì si ái tình, khi đi xuống thì tham nhục dục. Mà ái có nghĩa là yêu thương thuộc tình cảm với cảm giác cao thượng. Dục là sự si mê, thèm khát thể xác. Khi dâng lên khi hạ xuống bất thường thì bị tẫu hỏa nhập ma, thất tình lục dục, đưa đến hành động phi luân, phạm pháp, vô đạo tai hại khôn lường cho mình cho người. Dục gồm có lục dục hay ngũ dục. Lục dục là sự ham muốn của sáu căn đối với sáu trần; mắt thích nhìn những sắc đẹp, tai thích nghe âm thanh êm dịu, mũi thích ngửi mùi thơm, lưỡi thích nếm những vị ngon, thân thích đụng chạm êm ái, ý thích nghĩ tới tham si. Ngũ dục là năm thứ ham muốn của người đời không dễ gì loại bỏ. Kinh Phật nói về Ác Dục, Niệm Dục: Chư hiền, nếu ai có ác dục, niệm dục th
20/09/2015(Xem: 8326)
Hôm nay là ngày rằm, từ sáng sớm bà chủ đã ngỏ lời: “Hây, tối nay kính mời khách thưởng trà ngắm trăng với chúng tôi trong vườn nhà”. Khi ráng chiều vừa tắt, bà chủ đưa cho khách bộ Yukata (Kymono mặc mùa hè), một đôi tất trắng, một đôi guốc xỏ ngón và một cái hoa vải màu hồng nâu. Thấy khách lúng túng, hiểu ý, bà chủ ân cần hướng dẫn khách sử dụng từng loại. Bà chủ chia sẻ: “Mặc Yukata khó nhất và đẹp nhất là cái đai quanh thắt lưng”. Miệng nói, tay làm, bà giúp khách hoàn thiện cái đai này. Bà lại hồn hậu: “Búi tóc kiểu Nhật cũng không là việc dễ”, rồi đôi tay bà chủ thoăn thoắt, chỉ mươi phút mái tóc của khách đã được búi cao lại còn giắt thêm cái hoa vải màu hồng nâu sau gáy. Khách nghĩ, mình đã tươm tất lắm rồi, thì nghe bà chủ nhắc khéo: “Mặc Yukata đôi chân phụ nữ phải được bọc trong đôi vớ trắng và bước đi với đôi guốc xỏ ngón”. Nghe lời, khách mang vớ, mang guốc rồi thử bước đi; xong, khách thầm nhủ “mang đôi guốc này mà không té là điều kỳ diệuJ”.
19/09/2015(Xem: 9286)
Đối với người Phật tử, dù ở bất cứ phương trời nào, không phải chỉ mùa Vu Lan mới là thời điểm để người con Phật thể hiện lòng báo đức tri ân. Ân Chư Phật, ân Thầy Tổ, ân cha mẹ giáo dường, ân đàn na thí thí, ân xã hội, ân chúng sanh …. mà ân kia, đức đó phải luôn phát nguyện bằng thiện tâm: “Hiếu là độ được song thân, Nhân là cứu vớt trầm luân muôn loài” Theo tinh thần trùng trùng duyên khởi trong kinh Hoa Nghiêm thì muôn người, muôn loài đều thầm lặng vì nhau mà sinh diệt. Cái này vì cái kia mà hiện hữu, cái này ra đi để cái kia tồn tại. Như lá rụng mà thực chẳng diệt, vì lá lại thành đất nuôi cây. Như mây tụ lại mà thực chẳng tan, vì mây chỉ chuyển hóa thành mưa tươi mát, tắm đẫm cỏ nội hoa ngàn ….
18/09/2015(Xem: 8874)
Được sự đồng ý của tác giả, Cư sĩ Diệu Nhung, Cư sĩ Tâm Thành và các Cư sĩ khác hùn phước ấn tống và gửi tặng sách GIA TÀI CỦA NGƯỜI TỈNH THỨC (Thực tập Kham nhẫn) phiên bản tiếng Việt cho các đối tượng sau đây: 1. Đọc giả người Việt đang sinh sống và làm việc trong khu vực VIỆT NAM và CHÂU Á. 2. Các tu sĩ Phật giáo người Việt không phân biệt tông phái. 3. Các cư sĩ người Việt đang nghiên cứu và thực tập Phật giá
13/09/2015(Xem: 7785)
Giáo dục là gì? Hiện nay khó mà định nghĩa dứt khoát; có rất nhiều định nghĩa khác nhau, ví dụ: Như trong cuốn "The Educator’s encyclopedia" của ba học giả Mỹ E.W. Smith, S.W. Krouse và M.M. Atkinson, 1969, USA, cho rằng khái niệm giáo dục chuyển tiếp từ Phương Đông đến thái độ Phương Tây và trong Larouse Universelle của Pháp định nghĩa: "Giáo dục là toàn thể những cố gắng có ý thức để giúp tạo hóa trong việc phát triển các năng lực thể chất, tinh thần và đạo đức của con người, hướng về sự toàn thiện, hạnh phúc và sứ mạng xã hội của con người". (Trích dẫn từ Sư Phạm Lý Thuyết, nhiều tác giả, nhà xuất bản trẻ năm 1971).
12/09/2015(Xem: 7275)
Những ngôi Chùa nổi tiếng ở VN
12/09/2015(Xem: 16804)
Nếu có người nào đó bảo rằng: “Tại sao Thầy viết nhiều và không chịu nghỉ ngơi, hãy để dồn viết một tác phẩm có giá trị vẫn hay hơn là những bài tạp ghi như vậy“ thì tôi sẽ trả lời rằng: “Nếu viết được thì cứ viết, chứ chờ viết hay mới viết thì biết bao giờ mới viết được một bài. Có nhiều người chờ cả đời không viết, đến khi muốn viết thì không còn sức khỏe nữa“. Quả cuộc đời nầy nó có nhiều cái khó như thế, mà chúng ta thì không tự làm chủ thời gian cũng như sức khỏe của mình được. Do vậy tôi chủ trương rằng: “Cái gì làm được trong ngày hôm nay thì hãy nên làm, chứ chờ đến ngày mai thì nhiều khi ngày mai ấy không còn ở lại với mình nữa. Dầu ta có già, có sống lâu bao nhiêu năm trên thế gian nầy đi nữa, rồi một ngày nào đó chúng ta cũng phải ra đi, mà thời gian thì chẳng thương tiếc gì ta, dầu ta có cố níu kéo nó lại. Ngay cả những người thân trong gia đình, mình cứ ngỡ rằng họ luôn ở gần mình và họ thuộc về một phần của cuộc sống mình, nhưng điều ấy ta đã lầm. Cuối cùng rồi chẳng có
12/09/2015(Xem: 9232)
Phật Giáo Việt Nam và vấn đề bảo vệ mội trường
10/09/2015(Xem: 10446)
Mẹ tôi năm nay 83 tuổi, mẹ đã bị bệnh mất trí nhớ (dementia) trong vòng năm năm nay. Bốn năm trước đây, khi tôi gặp mẹ, cánh cửa của căn chung cư mẹ tôi ở đã mở toang, và mẹ tôi đã đi lang thang ra ngoài đường. Bệnh mất trí nhớ của mẹ tôi phát ra rất nhanh, nhanh đến nỗi mẹ đã không còn nhớ đến ai cả.
06/09/2015(Xem: 9342)
Các nhà sư thuyết giảng cho người thế tục là chuyện bình thường, thế nhưng nếu một nhà sư đứng ra thuyết giảng cho các nhà sư khác thì quả là một chuyện hiếm hoi khi gặp. Dưới đây là một bài nói chuyện của nhà sư Thanissaro Bhikkhu với các bạn đồng tu trong một ngôi chùa mà nhà sư này có ý gọi chung các ngôi chùa là "bệnh viện của Đức Phật". Bài nói chuyện được trích dẫn từ một tập sách mang tựa "Thiền định 1: Bốn mươi bài thuyết giảng Đạo Pháp" (Meditation 1: Forty Dhamma Talks, Access to Insight, 2003), gom góp các bài thuyết giảng của ông. Thanissaro Bhikkhu là một nhà sư người Mỹ tu tập theo truyền thống "Tu Trong Rừng" của Phật Giáo Theravada, một nhà sư thật đáng kính, uyên bác và tích cực, vô cùng xứng đáng để hàn huyên với các nhà sư và thuyết giảng cho tất cả chúng ta nghe.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]