Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

48. Bụi Tan Thành Ngọc

19/03/201408:35(Xem: 24489)
48. Bụi Tan Thành Ngọc
blank

Bụi Tan Thành Ngọc



Các vị tộc trưởng Mallā do đã có cuộc hội kiến với chư tôn trưởng lão nên họ biết sẽ mang theo những gì từ thành phố. Thế là nhiều chiếc xe ngựa kéo chở đủ mọi thứ vật dụng, vật liệu, hòm chiên đàn, gỗ trầm hương, vải quý, lụa quý các loại, bông gòn, bột hương, dầu hương, dầu đốt, đuốc, hương, tràng hoa, nhạc khí, nhạc cụ... kể cả vũ công và nhạc công nữa. Tuy nhiên, các vị tộc trưởng còn cho người tức tốc đến gặp đức vua Mallā và triều đình, sợ rằng tài lực không đủ để làm lễ pháp táng kim thân đức Phật như là pháp táng một đức Chuyển Luân Vương. Thế là sự yêu cầu giúp đỡ trên được triều đình hoan hỷ đáp ứng.

Khi mặt trời vừa lên ngang ngọn cây thì các tộc dân Mallā, nam nữ, già trẻ đã từng đoàn, từng đoàn, trước sau quy tụ về rừng cây sālā, người đông như hội. Xế trưa và chiều thì từng chiếc xe ngựa, voi tải chở thêm vật liệu, dụng cụ... lại tiếp tục đổ về. Giờ thì xe chen xe, người chen người có vẻ ồn ào, hỗn loạn. Tuy nhiên, khi những lều trại to rộng đây đó, xa phía ngoài rừng cây được dựng lên thì xung quanh hai cội cây sālā đã thưa giãn người. Chư tăng mấy trăm vị được sự sắp xếp của tôn giả Anuruddha, ngồi thiền định thành năm bảy vòng lớn nhỏ bao quanh chỗ Niết-bàn của đức Đạo Sư. Chúng chư thiên, thiên thần cũng đã hội tụ đầy đặc cả không gian. Nhạc trời vẫn vọng xuống cúng dường. Bột chiên đàn như phấn vàng vẫn rải xuống cúng dường. Hoa Mandārava cũng còn rơi xuống cúng dường. Cả rừng cây đều đã được lót thảm hoa và hương.

Khoảng chiều tối, khi đã mang đến đầy đủ tất thảy những vật dụng cần thiết, các vị tộc trưởng đến trình chư trưởng lão chương trình làm việc của họ. Ngày thứ nhất và thứ hai, bó kim thân Thế Tôn và dựng hỏa đài tại điện thờ Makuṭabandhana của tộc người Mallā, một ngọn đồi thật đẹp trong thành phố. Ngày thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu - cận sự hai hàng cúng dường lễ phẩm, hương hoa; cúng dường ca, vũ, nhạc. Ngày thứ bảy (có chương trình riêng), khiêng kim quan đức Đạo Sư từ rừng sālā đến nơi hỏa táng. Họ còn chu đáo đến nỗi thỉnh đặt bát cúng dường cho chư trưởng lão cùng chư tăng ba bốn trăm vị hoặc cả ngàn vị trong thời gian pháp táng Thế Tôn.

Chư tôn trưởng lão chấp thuận mọi khoản, cả công đức đặt bát nhưng các ngài nói thêm ý kiến rằng: Ban đêm, vào canh giữa, là chương trình thuyết pháp đến cho đại chúng, trong suốt sáu ngày – là phần của chúng tôi.

Mọi người ai cũng hoan hỷ.

Thế rồi công việc được tuần tự tiến hành trôi chảy. Chư tăng bây giờ phải dạt ra ngoài rừng cây để các vị tộc trưởng hướng dẫn đoàn lễ táng của hoàng gia làm việc. Đèn đuốc sáng trưng cả khu rừng. Họ quấn quanh kim thân đức đạo sư hằng chục loại vải quý tẩm hương, bông gòn tẩm hương và lụa quý tẩm hương, với tuần tự từng lờp, từng lớp như thế. Rồi bốn lực sĩ nâng toàn bộ giá thể ấy đặt vào hòm chiên đàn, loại hòm thường chỉ để dùng cho vua chúa. Khoảng hở, khoảng trống còn lại trong hòm đều được phủ đầy xác hương và bột hương. Xong đâu đấy, chiếc hòm trân quý này lại được đặt vào hòm chiên đàn khác, lớn hơn đã được dát vàng, dát bạc, dát châu báu; và các khoảng trống xung quanh, trên dưới đều được lót bằng, phủ đầy xác hương và bột hương như thế. Chưa thôi! Những dây cột kim quan đều bằng những sợi chỉ vàng, chỉ bạc được bện dày, đang xoắn lại. Xung quanh kim quan, mười sáu trụ đầy dầu lạc được thắp sáng suốt bảy ngày bảy đêm không cạn bấc. Và khắp cả khu rừng và rừng kế cận, đèn đuốc cũng sáng rực cả vùng trời.

Quan sát cách làm, cách chọn lựa và sử dụng vật liệu của họ, tôn giả Ānanda nói khẽ với tôn giả Anuruddha:

- Xem ra, cách bó tẩm và vật liệu bó tẩm kia – thì nó còn quý trọng, trân trọng hơn cả đức vua Chuyển Luân đấy.

Tôn giả Anuruddha khẽ mỉm cười:

- Đúng vậy! Nhưng nếu hiền giả biết thêm, là chư thiên cũng đang làm, họ hòa trộn vào các vật liệu kia không biết bao nhiêu là hương, là phấn hương và xác hương của cõi trời nữa đấy. Nó thơm đến tận cung trời Đao Lợi.

- Chà! Đúng là họ thương kính, quý kính đức Đạo Sư của chúng ta vô cùng!

- Cũng là Đạo Sư của họ.

Mỗi ngày, từ sáng đến trưa là chương trình lễ bái, cung kính, cúng dường của các tộc trong kinh thành. Từng đoàn, từng toán... một gia đình, hai gia đình... nam nữ trẻ già... họ vận xiêm áo lễ hội, đẹp đẽ và lịch sự nhất, đi quanh kim quan ba vòng về phía hữu, vừa đi họ vừa tung hoa vừa tỏ cảm xúc của mình. Người thì khóc, người thì ca hát, người thì cung kính đọc tụng câu “đảnh lễ đức A-la-hán, Chánh Đẳng Giác”. Bên cạnh kim quan cách xa chừng hai mươi đòn gánh, tộc Mallā cho dựng một khán đài lộ thiên và buổi chiều nào cũng có phụng diễn ca, vũ, nhạc. Những đoàn nhạc công, ca nhi, vũ công nam nữ với hằng chục nhạc khí, nhạc cụ... với những tiết mục đặc sắc nhất, nội dung tôn giáo tín ngưỡng thiêng liêng nhất để cúng dường Thế Tôn. Họ là những nghệ nhân, nghệ sĩ cung đình, dân gian, các đền tế được thỉnh mời trân trọng với lễ phẩm hậu hĩ nên họ đã biễu diễn hết lòng, hết tài nghệ của mình. Các tiểu gia chủ, các đại gia chủ... đã hoan hỷ mở rộng hầu bao không tiếc tiền của, công sức để cúng dường trong dịp ngàn năm hy hữu, triệu năm hy hữu.

Tôn giả Anuruddha khẽ nói vào tai tôn giả Ānanda:

- Tráng lệ và huy hoàng lắm, nhưng xem ra, những nghệ sĩ này cùng với nhạc khí của họ, so với chúng nghệ sĩ càn-thát-bà ở cung trời Đao Lợi – thì tương tự như hai nắp sắt gõ vào nhau và bên kia là cây đàn ngàn dây, hợp tấu muôn ngàn giọng chim trong rừng Himalaya!

- Nhưng cái tâm cung kính, cúng dường thì giống nhau cả chứ?

- Vâng, cả thâm tín cũng vậy.

Mỗi đêm, vào canh giữa, tôn giả Anuruddha, Upāli, Ānanda thay nhau thuyết pháp cho đại chúng, đặc biệt dành cho cận sự nam nữ hai hàng.

Suốt hai đêm, hai thời, tôn giả Upāli nói về đạo hạnh, giới hạnh, đức hạnh tròn đầy, viên dung của đức Toàn Giác. Cuối cùng, tôn giả nhấn mạnh, là trong cõi người, ai lấy giới hạnh làm chiếc gậy đi đường, ai lấy giới hạnh làm kim chỉ nam dẫn lối, ai lấy giới hạnh làm chiếc áo giáp ngăn che, ai lấy giới hạnh làm chiếc thuyền qua sông, ai lấy giới hạnh làm đôi mắt sáng thì chắc chắn người ấy, khó rơi vào bốn con đường khổ, luôn làm bạn với cõi người sang quý, hạnh phúc và chúng chư thiên an lạc, thanh nhàn.

Và cũng hai thời, hai đêm, tôn giả Anuruddha chọn đề tài về thiền định. Tôn giả nói, thiền định có rất nhiều lợi ích, nhưng đây là năm lợi ích quan trọng nhất, từ cạn vào sâu mà người cư sĩ tại gia có thể tu tập được. Người có tu thiền định sẽ luôn luôn trầm tĩnh, bình tỉnh

trước mọi công việc, trước mọi tình huống bất ngờ của cuộc đời. Thứ hai là thiền định giúp mình làm chủ được những cảm xúc nhất thời, nông nổi, sẽ không có những giận dữ, nóng nảy dễ gây ra lầm lỗi. Thứ ba, người có thiền định thường ổn định được không khí gia đình, khó xảy ra bất hòa với vợ chồng, con cái. Thứ tư, người có thiền định luôn giữ được yên lặng nội tâm, điều hòa hơi thở, khí huyết nên sẽ trường thọ. Thứ năm, nếu tu tập được cận hành định thôi thì sẽ hóa sanh cõi trời, đôi khi còn là trời Đao Lợi hay trời Đẩu Suất nữa.

Hai đêm, hai thời của tôn giả Ānanda nói về kinh pháp. Đặc biệt, là bậc đa văn, bác học mà tôn giả lại nói là nên học ít mà thực hành nhiều, nói ít, làm nhiều; đôi khi chỉ cần thuộc một câu kinh văn, một kệ pháp cú cũng thể tu tập đến nơi giác ngộ, giải thoát được. Tôn giả cũng lặp đi lặp lại, ngoài việc có tịnh tín Tam Bảo, có giới, có thí là tốt đẹp nhất rồi, đừng nên lập tâm lập nguyện quá cao xa. Để kết luận, tôn giả nói, mọi người chỉ cần học thuộc câu kệ ngôn này của đức Đạo Sư thôi, là có thể làm bản đồ tâm linh tu tập cho đời mình: “Vui thay, điều ác không làm. Vui thay, việc thiện lại chăm làm hoài. Tự tâm trong sạch trong ngoài. Đấy là giáo pháp trọn đời Tôn Sư!”

Thời pháp nào cũng ngắn gọn, giản dị, tinh lọc. Thời pháp nào cũng như giọt mật ngọt ngào, giọt trăng lấp lánh và giọt nước trong lành. Thời pháp nào cũng dễ hiểu, dễ thuộc, dễ hành và dễ thành tựu. Như vậy là suốt sáu đêm, cận sự nam nữ hai hàng như chìm ngập trong niềm vui tinh thần thanh cao, xán lạn. Ai ai cũng tỉnh thức. Và núi rừng cũng tỉnh thức.

Sáng ngày thứ bảy, theo chương trình, là khiêng gánh kim quan đến lễ đài hỏa táng. Theo dự định thì họ sẽ đi về phía nam, qua thành phố rồi quành về phía đông để đến đài hỏa táng. Để chuẩn bị, tám vị tộc trưởng đại diện tám tộc của Mallā gội đầu bằng nước thơm, tắm rửa sạch sẽ cũng bằng nước thơm, mặc áo mới có tẩm dầu thơm, có thêm tám lực sĩ triều đình phụ giúp để khiêng kim quan. Nhưng cả ba lần đặt tay nâng đòn kim quan thì họ nhấc không nổi, có cảm giác nó nặng như một ngọn núi.

Vị tộc trưởng hỏi tôn giả Ānanda:

- Không biết do nhân gì, duyên gì mà chúng tôi, có cả tám lực sĩ phụ giúp vẫn không nhấc nổi kim quan!

Tôn giả Anuruddha đáp:

- Này các Vāseṭṭhā! Vì ý muốn của chư vị khác mà ý muốn của chư thiên khác.

- Vậy ý chư thiên làm sao, thưa tôn giả!

- Này các Vāseṭṭhā! Họ muốn rải hoa hương cúng dường, ca nhạc vũ cúng dường kim quan Phật suốt trên một lộ trình dài hơn.

- Cụ thể là lộ trình nào, thưa tôn giả?

- Này các Vāseṭṭhā! Theo chư vị sẽ đi về phía nam, qua thành phố rồi quành về phía đông để đến đài hỏa táng. Còn họ thì muốn bắt đầu đi thẳng về phía bắc. Đến cửa bắc thì đi vào trung tâm thành phố. Từ trung tâm thành phố mới đi đến phía đông. Từ cửa đông thành phố mới đi tới ngọn đồi có điện thờ Makuṭabandhana của tộc người Mallā, sau đó mới tôn trí kim quan lên giàn hỏa thiêu.

Chư lão trượng gật đầu:

- Ý chư thiên thế nào, ý chúng tôi là vậy, thưa chư tôn giả!

Quả nhiên, sau đó họ khiêng nhẹ hẫng như khiêng một khối bông gòn. Trên lộ trình, người người đầy đặc hai bên kim quan và phía sau kim quan kéo dài cả do tuần. Lúc này chư tăng các vùng phụ cận, cận sự nam nữ hai hàng ở xa nghe tin nên cùng vân tập về. Và theo đó, hoa rơi đầy trước kim quan, trên kim quan và sau kim quan. Đặc biệt là hoa trời Mandārava rơi ngập các lối đi, ngập cả bàn chân người.

Do đường xa, đi chậm, gần trưa, kim quan mới đến nơi hỏa đài. Chư tăng, bây giờ đã trên năm trăm vị cùng chư vị trưởng lão, họ tụng một thời kinh nói về vô thường, khổ không, vô ngã vang lên âm thanh trầm hùng, ùn ùn chao động cả không gian. Sau thời kinh, do oai lực của thời kinh mà cả một vùng xa rộng đều trở nên yên lặng, thanh tịnh.

Chư trưởng lão ra dấu hiệu có thể châm lửa được rồi. Và chư tôn giả muốn giao việc trân trọng và vinh dự ấy cho tám vị tộc trưởng Mallā.

Thế rồi, tám bó đuốc hương đều đồng loạt châm vào (cả một lễ đài dầu hương), nhưng không thấy bốc cháy. Lần thứ hai cũng vậy mà lần thứ ba cũng vậy. Lửa đều không bén được vào giàn hỏa.

Họ thưa với tôn giả Anuruddha:

- Do nhân gì, do duyên gì mà lửa châm vào dầu lại không cháy, thưa tôn giả! 

- Này các Vāseṭṭhā! Vì có ý muốn khác của chư thiên nên lửa không bén được.

- Ý chư thiên thế nào, thưa tôn giả?

- Này các Vāseṭṭhā! Ý định của chư thiên như sau: “Tôn giả Mahā Kassapa nay đang đi trên đường, khoảng giữa Pāvā và Kusinārā cùng với đại chúng tỳ-khưu khoảng năm trăm vị. Giàn hỏa chỉ được đốt cháy khi tôn giả Mahā Kassapa cúi đầu đảnh lễ bàn chân Thế Tôn”.

- Chúng tôi xin nghe theo ý định của chư thiên.

Và quả đúng như vậy, lúc bấy giờ, tôn giả Mahā Kassapa cùng với đại chúng tỳ-khưu năm trăm vị đang đi trên đường, khoảng giữa thị trấn Pāvā và thành phố Kusinārā.

Chuyện là, hôm kia, tôn giả từ rừng về, ghé Vesāli, biết rằng đức Phật và chừng mấy trăm vị tỳ-khưu đi lên phương bắc, và Thế Tôn sẽ nhập diệt, sau ba tháng kể từ hôm hứa với ma vương ở điện thờ Cāpāla. Do dẫn theo một hội chúng đông đúc nên tôn giả bộ hành chậm, vả lại, ngài cũng đã quá già yếu, mỗi đi, mỗi nghỉ.(1)Rời thị trấn Pāvā, đang trên đường đến thành phố Kusinārā thì tôn giả thấy một tà mạng ngoại đạo trên đường ngược chiều đang cầm đóa hoa Mandārava lạ lùng trên tay.

Tôn giả nghĩ: “Đây là hoa trời, và hoa trời thù thắng, kỳ diệu này thế gian không có, thường chư thiên chỉ cúng dường đức Đạo Sư mà thôi, vậy sao ông đạo sĩ tầm thường này lại có được?” 

Bèn hỏi:

- Sao ông lại có được đóa hoa Mandārava này, hở đạo sĩ?

Ông ta mau mắn đáp:

- Ối trời, tha hồ, nó rơi đầy đất tại rừng cây sālā tại Kusinārā đó. Tôi chỉ nhặt một đóa kỷ niệm thôi!

- Kỷ niệm gì vậy, này đạo sĩ?

- Tôn giả không biết sao? Là kỷ niệm ngày đại sa-môn Gotama tịch diệt mà! Đã sáu bảy hôm rồi đấy!

Khi nghe tin đức Phật đã Niết-bàn, một số tỳ-khưu còn phàm thì khóc than, bi lụy, cũng vật vã, cũng sầu buồn như những nơi khác. Một số vị đã vững chắc trên đạo lộ thì trầm lặng và an nhiên hơn, cũng có buồn nhưng nỗi buồn ấy như lao xao gợn sóng rồi yên tĩnh trở lại.

Trong hội chúng đệ tử của tôn giả Mahā Kassapa có một vị tỳ-khưu đã già, xuất gia khi đã lớn tuổi, tên là Subhadda, lại tỏ ra vui mừng, ông lớn giọng rằng:

- Thôi các hiền giả, tôn giả! Khóc than, sầu buồn như vậy thì được tích sự gì. Chuyện nên vui mừng là khác. Từ rày, chúng ta đã thoát khỏi sự phiền nhiễu của Đại Sa-môn ấy rồi. Chúng ta không còn bị quấy rầy bởi những lời giáo giới như: “ Không được làm như thế này, như thế kia! Nên làm như thế này, như thế kia”. Đại Sa-môn Gotama Niết-bàn thì từ nay chúng ta muốn làm gì thì làm, hoàn toàn tự do, phải vậy không, thưa các ngài?

Nghe những lời quấy quá của tỳ-khưu Subhadda, tôn giả Mahā Kassapa thoáng chau mày nhưng rồi lại nghĩ: “Đây không phải thời để rầy trách ông ta, nghiêm dạy ông ta! Chuyện này ta sẽ tính sau, sẽ có biện pháp xử lý thích đáng đối với những tỳ-khưu phát ngôn bừa bãi, coi thường giới luật, có nguy hại cho giáo hội trong mai hậu! Đây là thời nên trấn an chư tỳ-khưu trước sự ra đi mất mát lớn lao của Tôn Sư mà ai cũng cảm thấy hụt hẫng, trống vắng”.(1)

Thế rồi tôn giả cho hội họp chúng tỳ-khưu dưới rừng cây, nhắc nhở những điều cần thiết, dạy một vài pháp đối trị, đặt tâm họ trở lại trạng thái bình thường rồi lên đường.

Thế rồi, hướng tâm một lát, tôn giả biết mọi người đang chờ đợi ngài tại điện thờ Makuṭābandhana mà chư thiên chưa cho phép họ châm lửa hỏa đài. Dù đi khá nhanh nhưng đến nơi mặt trời cũng đã ngã xế. Từng đám đông, từng đám đông vẹt chỗ cho tôn giả và chúng tỳ-khưu bước vào. Chư vị đại trưởng lão, trưởng lão chào nhau theo giới phẩm, hạ lạp rất ấm cúng, thâm tình và đạo vị.

Không để mất thì giờ, tôn giả Mahā Kassapa trật y vai phải, chúng tỳ-khưu cũng vậy rồi họ nhiễu quanh kim quan đức Phật ba vòng. Dừng lại phía bàn chân Phật, tôn giả nhắm mắt, định thần một lát, đột nhiên, từ trong hàng chục lớp vải bó, hai bàn chân đức Phật thò ra.

Sau khi tôn giả Mahā Kassapa cúi xuống ba lần hôn bàn chân Thế Tôn xong, hai bàn chân thụt vào – thì hỏa đài tự động bốc cháy. Người phàm thì không hiểu nhưng tôn giả Anuruddha và những bậc có thiên nhãn thì biết đấy là do viên hỏa ngọc của trời Đế Thích.

Lửa cháy rần rần, bốc ngọn lên cao, tỏa hương thơm ngào ngạt giữa không gian. Cả rừng người yên lặng như tờ. Đôi nơi là những bài kinh pháp cú hoặc những kệ ngôn vọng lại nói về vô thường, khổ không, vô ngã. Nơi khác thì một nhóm người ngước mắt về hỏa đài tỏ vẻ trang nghiêm, thành kính hết mực.

Tôn giả Anuruddha đứng nhập định, vào tứ thiền, xuống cận hành, sử dụng nhãn lực quan sát ngọn lửa và kim quan từ khi lửa cháy đến lúc lửa tàn; sau đó, ngài cho biết rằng: Nó cháy từng lớp, từng lớp vải bó, bông gòn bó, lụa bó... tạo ra sức nóng kinh khiếp. Hai hòm chiên đàn lớn nhỏ, bốc cháy với thời gian nhanh hơn, sau đó mới đến những lớp y và nhục thân của Thế Tôn, và nó cũng cháy nhanh da, thịt rồi xương. Như sanh tô hay dầu bị cháy, tất cả đều bị cháy sạch không có tro than. Cũng vậy, cái gì nơi thân Thế Tôn, tất cả bị cháy tiêu hết mà không có một hạt bụi tro, bụi than nào. Cái còn lại là xương xá-lợi lấp lánh như kim cương, như bảo châu.

Lúc lửa tàn, một dòng nước thơm hương từ hư không tuôn đổ xuống tưới tắt giàn hỏa Thế Tôn. Những người có phận sự của tộc người Mallā lấy thêm nước thơm để làm nguội nơi này và nơi khác. Họ đã chuẩn bị sẵn những tháp nhỏ, hòm nhỏ bằng vàng, bằng bạc rồi thu gom hết tất cả xá lợi không để cho bất cứ ai lấy đi cái gì. Sau đó, tất cả tháp, hòm đựng xá-lợi được tộc người Mallā tôn trí tại chỗ quý trọng nhất trong một hội trường bên cạnh núi, cho người canh giữ cẩn thận. Rồi suốt cả bảy ngày sau đó, tám tộc trưởng của tám dòng họ ở Mallā cho cận sự nam nữ và cả dân chúng, cả ngoại đạo đến chiêm bái, cúng dường xá-lợi của đức Tôn Sư. Và ngày cũng như đêm, hội trường ấy đèn đuốc được thắp sáng trong ngoài và những toán, những đoàn nghệ nhân, nghệ sĩ lại cúng dường ca, vũ, nhạc...

Tin đức Phật Niết-bàn tại rừng cây sālā, thành phố Kusināra bay nhanh hơn gió thổi, tràn qua các quốc độ, lên phía bắc, xuống phía đông, phía nam cùng hai bên thung lũng sông Gaṇgā. Sứ giả các nước leo lên những con ngựa thuần chủng, phi nhanh như gió cuốn đến kinh thành Kusinārā, kẻ trước người sau đều đòi chia phần xá-lợi. Nhanh nhất, sớm nhất không phải là tộc Mallā ở thị trấn Pāvā bên cạnh – mà chính là đoàn sứ giả của đức vua Ajātasattu nước Māgadha cách xa hơn bốn mươi lăm do tuần. Tiếp đến là đoàn sứ giả của vua và tướng quân Licchavī tại Vesāli. Sau đó, lần lượt là tộc người Sākya ở Kapilavatthu,(1)tộc người Bulī ở thành phố Allakappa; tộc người Koliya ở Rāmagāma(2), bà-la-môn Vethadīpaka tại Vethadīpa, tộc người Moriyā ở tại Pipphalivana, tộc người Mallā ở thị trấn Pāvā.

Tất cả tám phái đoàn sứ giả nói trên đều tuyên bố trước tám tộc trưởng của tám tộc Mallā ở Kusināra rằng:

- Đức Thế Tôn là giai cấp sát-đế-lỵ, chúng tôi cũng giai cấp sát-đế-lỵ (có một bà-la-môn) nên hãy chia cho chúng tôi một phần. Chúng tôi sẽ xây dựng bảo tháp tôn nghiêm thờ xá-lợi Thế Tôn để cho dân chúng chiêm bái, hương đăng lễ phẩm cúng dường. 

Một vị tộc trưởng đại diện đáp lời:

- Không, chúng tôi không thể chia cho ai được cả. Đức Thế Tôn nhập diệt trên đất chúng tôi, rừng chúng tôi, thành phố chúng tôi. Lại nữa, cả hàng ngàn người của chúng tôi đã khổ công, đã rất nhiều tài vật, đã rất nhiều công sức từ khi đức Tôn Sư an nghỉ giữa hai cội cây sālā đến khi hỏa thiêu tại điện thờ Makuṭābandhana này. Các vị không công, không sức, không tài, không vật, tự dưng đâu đó lại đến đòi chia phần hay sao, có hữu lý không chứ?

Bị tự chối. Lý lẽ các tộc trưởng đưa ra không ai phản bác được. Có nhiều tiếng lời thảo luận lao xao, sự bất bình đâu đó đã hiện ra trên một số khuôn mặt. Một vị sứ giả trong phái đoàn nước Vesāli, có vẻ là một tướng quân Licchavī, vốn nóng nảy, cất giọng xẵng:

- Coi chừng sẽ có chiến tranh, thưa ngài tộc trưởng!

Một giọng khác thốt lên:

- Phải! Có thể xẩy ra tranh giành hay sao?

Chợt một vị bà-la-môn tóc trắng như cước, thần sắc trang nghiêm, từ hòa, xin được nói vài lời. Mọi người yên lặng, đưa mắt, chờ đợi.

Vị bà-la-môn ấy tên là Doṇa, ông nói:

- Cho tôi nói hơi dài. Thuở trước, tôi gặp đức Thế Tôn trên con đường nằm giữa Ukkaṭṭhā và Setavyā, thấy dấu bàn chân của ngài tôi liền đi theo. Đến một khóm tre, Thế Tôn ngồi xuống nghỉ ngơi, sau đó có dịp tôi xin được hỏi ngài vài câu, cũng giải tỏa cho tôi được một số vấn đề nội tâm. Lần gặp cuối cùng, sau pháp thoại của ngài, tôi như được uống một liều thần dược, mọi khổ đau phiền não nó nhẹ hẫng.(1)Tôi có làm một bài thơ lên đến mười hai ngàn chữ để dâng lên Thế Tôn vừa tỏ lòng tri ân, tôn kính cùng nói về sự thấy biết giác ngộ của mình.

Nói tóm lại, Thế Tôn là bậc vô thượng, tối thượng, trên đời này ai cũng muốn có xá-lợi của ngài để đảnh lễ, chiêm bái, cúng dường. Muôn triệu lần đừng nên để xẩy ra việc tranh giành, tranh chấp xá-lợi. Thế Tôn là hiện thân của hoà bình, an lành, an toàn, an lạc. Vậy tôi rất tri ân, nếu chư vị tộc trưởng, lấy cái đức, cái hạnh, cái tâm, cái tuệ trong muôn một của Thế Tôn để xử lý, để chia phần đồng đều cho chư vị sứ giả thì may mắn, hạnh phúc cho thế gian này lắm vậy.(1)

Lời “hùng biện” của bà-la-môn Doṇa như một là gió rì rào mát mẻ thổi qua tâm trí mọi người. Tám vị tộc trưởng hoàn toàn bị thuyết phục, không những là thuyết phục mà nói là bị nhiếp phục.

- Xin vâng! Xin vâng! Họ như cùng nói - Vậy xin tôn giả hãy chủ trì để phân chia đồng đều xá-lợi cho các phái đoàn.

Bà-la-môn Doṇa hoan hỷ đảm nhận công việc chia phần xá-lợi môt cách phân minh, không ai than phiền được cả.

Thế là gió yên, sóng lặng. Chư thiên cũng vô cùng hoan hỷ. Sau này khi xá-lợi được mang về bổn xứ, họ đều xây dựng bảo tháp để cho không những nam nữ cận sự mà cả dân chúng cũng được đảnh lễ, chiêm bái, cúng dường xá-lợi.

Chư vị trưởng lão, chúng tỳ-khưu cũng giải tán, bộ hành đi các nơi. Tôn giả Anuruddha, tôn giả Ānanda ôm y (tăng-già-lê trải chỗ nằm) bát cùng chừng vài trăm vị tỳ-khưu trở lại Trúc Lâm tịnh xá.

Vậy là chư trưởng lão, chúng tỳ-khưu không ai được chia cho một ngôi xá-lợi nào! Cũng phải. Vậy là đúng. Và do các ngài đã có xá-lợi “vô vi” của Phật trong tâm mình rồi. Việc xây dựng bảo tháp thờ xá-lợi, cúng dường xá-lợi “hữu vi” kia là việc của cư sĩ áo trắng như đức Tôn Sư đã từng giảng dạy. Vả lại, tất cả xương cốt Thế Tôn chỉ còn bụi tro, và triệu triệu li ti bụi tro ấy đã tan thành ngọc, nó lấp lánh trên mọi lộ trình đi về của thế gian chư hành giả, lấp lánh trên mọi ngõ ngách của đời sống nhân sinh, của ai đó biết tầm cầu và hướng thiện, hướng thượng; và nó còn huy hoàng và tráng lệ hơn nữa khi ngọc ấy được trang điểm nơi công, nơi hạnh, nơi nguyện, nơi tâm, nơi trí, nơi tuệ của vô lượng con người khắp năm châu bốn biển học Phật và tu Phật vậy.

Namo Buddhāya

(Trọn bộ - Chung)


(1)Ngài có thần thông, nhưng khi không hướng tâm thì không biết. Lại nữa, thần thông của ngài chưa đủ năng lực dẫn theo cả 500 tỳ-khưu bay qua hư không được.

(1)Vì lý do này nên ba tháng sau khi đức Phật Niết-bàn, tôn giả Mahā Kassapa vận động tổ chức đại hội kết tập Phật ngôn lần thứ nhất, tuyên đọc lại toàn bộ pháp và luật, có năm trăm vị A-la-hán tham dự. Tôn giả Mahā Kassapa chủ trì. Tôn giả Upāli phụ trách luật. Tôn giả Ānanda phụ trách kinh (Chưa có Abhidhamma, vì nó lẫn trong kinh và luật; sau này, đến kỳ kết tập thứ ba, thời vua Asoka mới phân ra ba tạng).

(1)Kinh Đại bát-niết-bàn ghi vậy – nhưng chúng ta đã biết rõ, thì Sākya đã diệt vong rồi?

(2)Dictionary of pāḷi proper names cho biết là tên một ngôi làng nằm trên bờ sông Gaṇgā (trang 734, q.2), trong lúc theo sử thì Koliya ở cạnh Sākya, làm gì có sông Gaṇgā ở đây?

(1)Theo Dictionary of pāḷi proper names, về tên Doṇa, trang 1122, q.1 – ông ta đắc quả A-na-hàm.

(1)Đoạn này không có trong kinh Đại bát-niết-bàn – mà phỏng dựa theo Dictionary of pāḷi proper names, về tên Doṇa, trang 1122, q.1.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/06/2021(Xem: 3686)
Nữ diễn viên nhìn vào trong hồ nước và trông thấy một khuôn mặt tuyệt vời, hàm răng hoàn hảo và một thân hình xứng hợp. Cô hỏi: “Chao ơi, sao tôi lại không thành một tài tử?” Con nhái nói: “Tôi có thể làm cho cô thành minh tinh.” Cô diễn viên la lên: “Mi là ai vậy?”
12/06/2021(Xem: 4587)
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật - Kính thưa chư Tôn đức, chư Thiện hữu & quí vị hảo tâm. Vào ngày Thứ Ba (June 08) vừa qua, được sự cho phép của chính quyền địa phương làng Tikabigar và Kutitya Village Bihar India, nhóm Từ thiện Bodhgaya Heart chúng con, chúng tôi đã tiếp tục hành trình cứu trợ thực phẩm cho dân nghèo mùa Dịch covid. Xin mời chư vị xem qua một vài hình ảnh tường trình.. Buổi phát quà cứu trợ cho 377 căn hộ tại 2 ngôi làng cách Bồ đề Đạo Tràng chừng 8 cây số. Thành phần quà tặng cho mỗi hộ gồm có: 10 ký Gạo và bột Chapati, 1 bộ áo Sari, 2 ký đường, dầu ăn, bánh ngọt cho trẻ em và 100Rupees tiên mặt (Mỗi phần quà trị giá: 15usd.75cents >< 377 hộ = . Bên cạnh đó là những phần phụ phí như mướn xe chở hàng, tiền công đóng gói và công thợ khuân vác, tiền quà cho những người sắp xếp trật tự tại nơi phát chẩn.)
12/06/2021(Xem: 5051)
Bài này được viết để hồi hướng các thiện hạnh có được để nguyện xin bình an và giải thoát cho tất cả đồng bào nơi quê nhà, vá cho chúng sanh khắp ba cõi sáu đường. Trong bài là một số ghi chú trong khi đọc Kinh luận, không nhất thiết theo một thứ tự nào. Các đề tài phần lớn ít được nhắc tới, nhưng đa dạng, có thể là quan tâm của nhiều người, từ thắc mắc rằng có khi nào Đức Phật đã dạy về ăn chay, cho tới câu hỏi có cần tu đầy đủ tứ thiền bát định hay không, và vân vân. Nơi đây sẽ tránh các lý luận phức tạp, chủ yếu ghi các lời dạy thực dụng từ Kinh luận để tu tập. Bản thân người viết không có thẩm quyền nào, do vậy phần lớn sẽ là trích dẫn Kinh luận.
10/06/2021(Xem: 14360)
NGỎ Từ khi vào chùa với tuổi để chỏm, Bổn sư thế độ đã trao cho tôi bản kinh "Phật thuyết A-di-đà" bằng chữ Hán, bản dịch của ngài Cưu-ma-la-thập và dạy phải học thuộc lòng, rồi theo đại chúng đi thực tập tụng kinh vào mỗi buổi chiều. Học và tụng thuộc lòng ngâm nga vào mỗi buổi chiều, mà chẳng hiểu gì, nhưng tôi lại rất thích. Thích không phải vì hiểu mà thích là vì được tụng kinh, lời kinh của Phật. Thích không phải vì hiểu, mà thích vì niềm tin xuất gia của mình được đặt trọn vẹn vào thời kinh mình đang tụng ấy. Và mỗi khi tụng, lại thấy gốc rễ tâm linh của mình lớn lên. Nó lớn lên mỗi khi mình tụng và nó lớn lên mỗi ngày, đến nỗi thấy cái gì ở trong chùa cũng đẹp, cũng thánh thiện và thấy ai đến chùa cũng đều phát xuất từ tâm hồn thánh thiện.
09/06/2021(Xem: 5369)
Mới đó mà Ông ra đi đã 5 năm rồi! Tháng 5 lại trở về. Nhớ đến Ông tôi lại muốn viết mà có lẽ viết bao nhiêu cũng không đủ. Ông ra đi đã để lại một niềm xúc động trong trái tim tôi, và không chỉ riêng tôi mà còn biết bao người, bao gia đình đã được Ông cứu vớt từ con tàu CAP ANAMUR khi những con thuyền người Việt lênh đênh trên đường vượt biên ngày nào. Ông chính là đại ân nhân của gia đình tôi, vì nếu không có Ông, con tôi đã nằm trong bụng cá từ lâu rồi. Chính vì vậy, gia đình tôi vẫn nhớ ơn Ông đời đời và cũng thật bàng hoàng đau đớn lúc hay tin Ông đã lìa cõi trần. Bây giờ ngồi nhớ lại nỗi đau ấy vẫn còn như đâu đây.
09/06/2021(Xem: 4878)
Kể từ khi con người mới bắt đầu xuất hiện trên quả địa cầu nầy. Trong trang nghiêm kiếp của quá khứ, hiền kiếp của hiện tại, hay tinh tú kiếp của tương lai thì sự tu học của chư Tăng Ni và Phật tử vẫn là những điều kiện cần thiết để xiển dương giáo lý Phật đà. Nhằm tiếp nối tinh hoa tuệ giác siêu việt của chư Phật, chư Bồ tát, chư vị Tổ sư đã kinh qua trong suốt nhiều đời, nhiều kiếp mới có được sự kế tục đến ngày hôm nay. Nếu dùng thời gian hiện tại của kiếp nầy, kể từ thời Đức Phật Thích-ca Mâu-ni giáng thế đến nay chỉ trên 2.500 năm, mà chúng ta đã có vô số văn kiện và dữ liệu để tham cứu học hỏi, tu niệm, và cần bàn đến. Gần gũi và trung thực nhất là hai bộ thánh điển Phật giáo của truyền thống Nam và Bắc truyền. Nếu căn cứ theo đó để nghiên cứu thì chúng ta sẽ có một đáp án tương đối chính xác để ghi nhận những giá trị về Văn hóa và Giáo dục xuyên qua nhiều tâm lực và nguyện lực của các bậc tiền nhân.
09/06/2021(Xem: 5701)
NHƯ LỜI GIỚI THIỆU CỦA ARTHUR Zajonc, cuộc gặp gỡ Tâm thức và Đời Sống lần thứ mười đã đưa chúng ta vào một hành trình dài, từ những thành phần đơn giản nhất của vật chất đến sự phức tạp của ý thức con người. Cuốn sách này theo dõi hành trình đó diễn ra trong suốt một tuần trong một căn phòng chật cứng tại tư dinh của Đức Đạt Lai Lạt Ma trên ngưỡng cửa của dãy Himalaya. Làm thế nào để bắt đầu theo dõi quỹ đạo đầy tham vọng, dường như bao la này? Chúng ta sẽ bắt đầu với tuyên bố mờ đầu thuyết trình của Steven Chu, nhà vật lý đoạt giải Nobel: “Điều quan trọng nhất mà chúng ta biết là thế giới được tạo ra từ các nguyên tử. Đây là quan điểm mà hầu hết các nhà vật lý ngày nay, vào đầu thế kỷ XXI, đồng ý với quan điểm này ”.
09/06/2021(Xem: 5836)
Trong Phật bảo, pháp bảo và Tăng bảo, Chúng con quy y cho đến khi đạt đến giác ngộ. Qua công đức của thực hành sáu ba la mật, Nguyện cho chúng con thành tựu quả Phật vì lợi ích của tất cả chúng sanh.
07/06/2021(Xem: 13471)
Trong mùa an cư kiết hạ năm nay (1984), sau khi đã viết xong quyển "Lễ Nhạc Phật Giáo“, tôi định dịch quyển luận "Đại Thừa Khởi Tín" từ Đại Tạng Kinh, cùng với quý Thầy khác, nhưng không thực hiện được ý định đó. Vì quý Thầy bận nhiều Phật sự phải đi xa. Do đó, tôi đình chỉ việc dịch trên. Sở dĩ như thế, vì tôi nghĩ, tài mình còn non, sức còn kém; đem ý thô sơ, tâm vụng dịch lời kinh Phật chỉ một mình làm sao tránh được những lỗi lầm, thiếu sót. Nếu có nhiều Thầy dịch cùng một lúc, văn ý trong sáng mà lại bổ khuyết cho nhau chỗ thừa, nơi thiếu thì hay hơn; thôi đành phải chờ dịp khác vậy.
07/06/2021(Xem: 14084)
LỜI NÓI ĐẦU Hôm nay là ngày 1 tháng 8 năm 2020, nhằm ngày 12 tháng 6 âm lịch năm Canh Tý, Phật lịch 2564, Phật Đản lần thứ 2644, tại thư phòng Tổ Đình Viên Giác, Hannover, Đức Quốc, tôi bắt đầu viết tác phẩm thứ 68. Hôm nay cũng là ngày có nhiệt độ cao nhất, 32 độ C, trong mùa dịch Covid-19 đang lan truyền khắp nơi trên thế giới. Sau hơn 5 tháng ròng rã, tôi đã đọc qua 8 tập kinh Việt dịch trong Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, từ tập 195 đến tập 202, thuộc Bộ Sự Vị, được dịch từ 2 tập 53 và 54 của Đại Chánh Tạng.1 Nguyên văn chữ Hán 2 tập này gồm 2.260 trang.2 Bản dịch sang tiếng Việt của 2 tập này là 15.781 trang, chia thành 8 tập như đã nói trên. Như vậy, trung bình cứ mỗi trang chữ Hán dịch ra tiếng Việt khoảng 7 trang.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]