Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

39. Mùa An Cư Thứ Hai Mươi Mốt

17/03/201409:08(Xem: 26294)
39. Mùa An Cư Thứ Hai Mươi Mốt
blank
Mùa An Cư Thứ Hai Mươi Mốt

(Năm 567 trước TL)


Tối Thượng Trân Bảo

Đức Phật trở lại Jetavanārāma sau nhiều tháng du hành cùng với đại chúng tỳ-khưu. Ở đây chỉ mới mấy hôm, ngài phải sử dụng thần thông quay trở lại lộ trình cũ để “ xử lý” một việc quan trọng.

Chuyện là đức vua Pukkusāti trị vì quốc độ Gandhāra, thành phố Takkasilā và đức vua Bimbisāra là đôi bạn đồng niên, rất thân thiết với nhau. Tuy hai quốc độ ở cách xa nhau vời vợi - một ở cực bắc, một ở trung nam – nhưng tình thân của họ không vì vậy mà trở nên xa cách. Trước đây, khi có cơ hội, cả hai thường gởi cho nhau, theo các đoàn thương buôn, lời thăm hỏi sức khỏe cũng như những món quà đặc sản ở địa phương mình. Vừa mới đây, đức vua Pukkusāti sai một sứ giả vượt ngựa gần hai trăm năm mươi dặm đường trường từ Takkasilā đến Rājagaha, đích thân dâng lên tận tay đức vua Bimbisāra một món quà quý giá gồm tám xấp gấm Kambala và tám thỏi trầm đỏ rất hiếm thấy trên thế gian. Loại gấm Kambala này được xem là vô giá, nhưng trầm đỏ thì lại càng quý hiếm hơn, chính đức vua cũng chỉ mới nghe nói chứ chưa hề thấy bao giờ. Loại trầm đỏ này chỉ được tìm thấy ở rừng sâu Himalaya, cây chiên đàn đỏ ngàn tuổi, được ví như hương của cõi trời, lại xua tan khí độc, thanh lọc không gian xung quanh. Cảm động trước tấm chân tình của bạn, đức vua Bimbisāra tay nâng niu món quà mà óc thì cứ suy nghĩ miên man, lý do là ông không nghĩ ra được món quà nào có giá trị tương đương để trao tặng lại.

Trong lúc đoàn sứ giả đang còn chờ đợi sự hồi đáp của đức vua thì ông bàn với các lão thần thân tín, uyên bác, góp ý giúp ông lựa chọn một món quà nào là tương xứng. Các vị lão thần biết sự vô giá của hai món quà phương Bắc nên họ cũng sinh ra băn khoăn và nghĩ ngợi nhiều. Vàng, bạc, châu, báu thì ông vua nào cũng không thiếu, không nên bàn nữa. Đặc sản phương Nam thì dồi dào thức ăn vật uống, dù quý báu chi cũng không để lâu để dài được. Những sản vật rừng, thì có nơi nào quý hiếm bằng dãy núi Himalaya?

Đức vua chợt nói:

- Phải là “trân bảo”, chư vị ạ! Nhưng nó không phải là vật chất, phải có giá trị văn hóa, tâm linh. Tuy nhiên, giá trị văn hóa, tâm linh ấy cũng phải được cân nhắc chín chắn, để khỏi bõ làm trò cười cho thiên hạ. Tại sao vậy? Vì thành phố Takkasilā là kinh đô đại học của châu Diêm-phù-đề; hằng trăm, hằng ngàn trí thức và lãnh đạo thiên hạ đều xuất thân ở kinh đô của bạn ta cả. Trí thức, kiến thức và văn hóa họ đều cao hơn chúng ta. Vậy hãy mở một cuộc hội nghị, ngoài các vị trọng thần học rộng, biết nhiều, chúng ta phải mời thêm một số trí thức, học giả trong kinh thành để thảo luận, hội ý cùng nhau xem trong cổ thư, cổ kinh – cái gì được gọi là “trân bảo” cùng giá trị cao thấp khác nhau của chúng! Rồi chúng ta sẽ lựa chọn cái “trân bảo đệ nhất” để biếu tặng đức vua Pukkusāti, bạn quý của ta.

Cuộc “hội nghị bàn tròn”, thế là nhanh chóng diễn ra; và sau đó, vị quan “đại học sĩ” học rộng, biết nhiều đã đúc kết cho đức vua nghe:

- Từ xưa đến nay, trong cổ thư, cổ kinh có phân loại, đưa ra hai loại trân bảo (ratana): Một là trân bảo không có thức tánh (aviññāṇaratana) và một là trân bảo có thức tánh (viññāṇaratana). Trân bảo không có thức tánh ví như là như vàng, bạc, kim cương, ngọc đỏ, ngọc lục, ngọc lam, ngọc tím, ngọc xanh, ngọc maṇi... Trân bảo có thức tánh ví như là ngựa quý, voi quý... Giữa hai loại ấy thì trân bảo có thức tánh được đánh giá là cao hơn, tâu bệ hạ quý kính!

- Chính xác! Đức vua gật đầu khen ngợi! Ngựa quý, voi quý đôi khi còn là linh hồn của quốc độ, đúng lắm! Hội đồng trí thức, học giả có khác, đã trình bày rõ ràng, đâu ra đấy! Ta đã được mở rộng kiến văn. Bây giờ nói tiếp đi, ta đang nôn nóng lắng nghe đây.

- Vâng! Trân bảo có thức tánh quý hơn, nhưng trân bảo có thức tánh này cũng được phân thành hai loại. Đấy là trân bảo thuộc về động vật (tiracchānaratana) và trân bảo thuộc về người (manussaratana). So sánh hai loại này thì trân bảo thuộc về người quý hơn, tâu bệ hạ!

- Hay lắm! Kể tiếp đi!

- Vâng! Về người cũng có hai loại, tâu bệ hạ! Ấy là đàn bà trân bảo (itthīratana) và đàn ông trân bảo (purisaratana). Trong hai trân bảo này thì đàn ông quý hơn, tâu bệ hạ!

Đến đây, đức vua gật gật đầu, mỉm cười góp chuyện:

- Bây giờ ta mới hiểu một chuyện xưa, chuyện xảy ra vào thời Chuyển luân Thánh vương. Khi một đức Chuyển luân vương xuất hiện thì đồng thời xuất hiện bảy báu(1). Trong bảy báu này có hai báu là ngọc nữ báu và tướng quân báu. Ngọc nữ báu chỉ tạo thêm thiên hương, thiên xúc cho đức vua mà thôi; còn tướng quân báu còn giúp thái bình cho cả thiên hạ! Đúng vậy, cổ nhân, cổ đức xếp loại như thế thì đã nêu bật giá trị minh nhiên rồi, không ai có thể tranh bàn hơn được.

- Đúng vậy, bệ hạ thật anh minh!

- Thôi, được rồi, hãy tiếp tục đi!

- Vâng, về người, về đàn ông cũng có hai loại. Đấy là đàn ông thế gian và đàn ông xuất thế gian; nói cách khác, là đàn ông thế tục trân bảo (āgāriyaratana) và đàn ông xuất gia trân bảo (anāgāriyaratana). Trong hai loại này thì đàn ông xuất gia trân bảo là quý hơn, tâu bệ hạ!

Đức vua gật đầu:

- Không sai! Hãy tiếp nữa đi!

Vị quan đại học sĩ chợt lắc đầu:

- Cuộc hội nghị bàn tròn hôm ấy, mọi người thảo luận đến ngang chỗ này là bế tắc; tuy cũng có ý kiến này, ý kiến kia nhưng họ đã tỏ ra mù mờ như đi đêm mà không có đèn soi. Thảng hoặc, họ rơi vào suy luận, luận đoán một biên, một phía nào đấy thôi. Đây là nhận xét khá chính xác của hạ thần, kẻ bề tôi không dám đa sự, lắm lời trước mặt bệ hạ đâu!

- Ừ, ta biết!

Trong lúc đức vua đang đăm chiêu, vị quan đại thần đang suy nghĩ thì duyên may làm sao, thánh y Jīvaka đi ngang, thoáng nắm bắt câu chuyện đang dang dở, lại góp ý:

- Tại sao đại vương không thử thưa hỏi điểm này với đức Đạo Sư? Ngài đang ở Rājagaha này mà!

Đức vua như chợt sáng ý, vỗ trán mình một cái:

- Sao ta lú lẫn vậy kìa! Chỗ này thì trên thế gian có ai sáng trí hơn đức Thế Tôn đã chứ?

Thánh y Jīvaka thưa tiếp:

- Đức Thế Tôn thì nói làm gì! Hai vị thượng thủ, chư đại trưởng lão, một bậc thánh vô lậu hoặc một vị tỳ-khưu đa văn cũng có thể có kiến giải rõ ràng được đấy, tâu bệ hạ!

- Ồ, ra là thế!

Đức Phật hôm ấy đang ở Veḷuvanārāma tịnh xá, theo dõi câu chuyện, đến ngang đây thì ngài chuyển thông tin cho tôn giả Mahā Moggallāna, ngay tức khắc, tôn giả có mặt tại vương cung. Và sau đó, tôn giả đã giải thích tiếp cho đức vua nghe.

“- Một vị Chuyển luân Thánh vương dù trân quý thế nào cũng không bằng một xuất gia sa-di, huống hồ là tỳ-khưu, huống hồ là trưởng lão, huống hồ là bậc thánh vô lậu! Tuy nhiên, xuất gia trân bảo cũng có hai loại. Thứ nhất là bậc hữu học trân bảo (sekharatana), gồm chư phàm tăng và thánh hữu học từ Tu-đà-hoàn đến A-na-hàm. Thứ hai là bậc vô học trân bảo (asekharatana), tức là chư thánh lậu tận A-la-hán. Bậc thánh vô học trân bảo cũng có hai hạng: Thanh Văn A-la-hán trân bảo (Sāvakaratana) và đức Phật trân bảo (Buddharatana); dĩ nhiên là đức Phật trân bảo cao quý hơn.

Còn nữa, đức Phật trân bảo cũng có hai thứ bậc: Đức Phật Độc Giác trân bảo (Paccekabuddharatana) và đức Phật Chánh Đẳng Giác trân bảo (Sammāsambuddharatana); và dĩ nhiên đức Phật Chánh Đẳng Giác trân bảo cao quý hơn”.

Giảng đến ngang đây, tôn giả Mahā Moggallāna cất cao giọng, kết luận:

- Tâu đại vương! Như vậy, tất cả trân bảo trên thế gian, Chánh Đẳng Giác là trân bảo tối thượng!

- Tri ân tôn giả! Đức vua cúi đầu cảm tạ - Bậc Chánh Đẳng Giác là trân bảo tối thượng, không còn bàn cãi gì nữa; nhưng không biết sẽ nên gởi tặng kinh đô Takkasilā cái gì là biểu tượng của trân bảo ấy, thưa tôn giả?

Tôn giả Mahā Moggallāna mỉm cười:

- Có đấy, tâu đại vương! Có đức Phật nghĩa là có đức Pháp, nghĩa là có đức Tăng. Đức Phật có chín hồng danh là đại biểu cho Phật, đức Pháp có sáu ân đức là đại biểu cho Pháp, đức Tăng có bốn ân đức là đại biểu cho Tăng. Vậy đại vương hãy tìm cách thế nào để biếu tặng đức vua Pukkusāti những trân bảo ấy – thì được xem là trân quý tối thượng ở trên đời này!

Sau đó, tôn giả còn phải một hồi giảng giải tỉ mỉ, rõ ràng về chín hồng danh của Phật(1), về sáu đức tính của Pháp(2), về bốn đức tính của Tăng(3). Tôn giả còn tóm tắt cả Ba Bảo ấy, là lộ trình giác ngộ, giải thoát nó nằm nơi Tứ Niệm Xứ, nó nằm nơi Bát Thánh Đạo, nó nằm nơi Ba Mươi Bảy phẩm trợ đạo như thế nào rồi biến mất tại chỗ - vì ngài biết ông vua sáng trí kia sẽ lãnh hội được và có khả năng biết mình phải là gì!

Và đúng như vậy, sau một hồi suy nghĩ, đức vua sai nội quan chuẩn bị sai thợ dát một tấm vàng mỏng, bề ngang một gang tay, bề dài chừng bốn cùi tay cùng một cây bút bằng thép cứng. Đâu đó xong xuôi, đức vua tắm rửa, vương bào chỉnh tề, lên lầu cao, đốt trầm cùng một viên học sĩ viết chữ tốt. Rồi theo chỉ dẫn của đức vua, viên học sĩ nắn nót khắc lên bảng vàng chín hồng danh của đức Phật, tức là chín ân đức cao cả (4); sáu đặc tính của Pháp, tức là sáu ân đức cao cả (5); bốn đức tính của Tăng, tức là bốn ân đức cao cả(6). Sau đó, đức vua giải thích rõ ràng từng ân đức một, xưng tán, ca ngợi tất cả đấy là những trân bảo trân quý nhất trên đời.

Cao quý thay! Phật Bảo đã xuất hiện rồi!

Cao quý thay! Pháp Bảo đã xuất hiện rồi!

Cao quý thay! Tăng Bảo đã xuất hiện rồi!

Đức vua cũng tóm tắt lộ trình giác ngộ, giải thoát nằm nơi Tứ Niệm Xứ, nằm nơi Bát Thánh Đạo, nằm nơi Ba Mươi Bảy phẩm trợ đạo như thế nào, như tôn giả Mahā Moggallāna đã giảng dạy.

Cuối thư, đức vua Bimbisāra còn khuyên bạn mình là nên xuất gia, ở trong Tăng Bảo, để sống trong những ân đức ấy, giáo pháp ấy, là hạnh phúc tối thượng trên cuộc đời nầy!

Đâu đó xong xuôi, đức vua tận tay cuốn tròn tấm vàng, lấy nhiều lớp gấm kambala bó lại. Đứcvua còn sai thợ kim hoàn thiết kế bảy chiếc hộp bằng đồng, bạc, vàng, hổ phách, xa cừ, pha lê, ngọc thứ tự lớn nhỏ khác nhau, có thể đặt vào trong nhau; rồi đặt vật tặng trân quý ấy trong hộp ngọc, hộp ngọc đặt trong hộp pha lê, hộp pha lê đặt trong hộp xa cừ, hộp xa cừ bỏ trong hộp hổ phách, hộp hổ phách đặt trong hộp vàng, hộp vàng bỏ trong hộp bạc, hộp bạc bỏ trong hộp đồng. Xong xuôi, vật trân quý được gói bằng nhiều lớp gấm rồi được đặt trong một chiếc hộp bằng gỗ chiên đàn với nhiều hoa văn khắc chạm công phu, tinh xảo. Chiếc hộp chiên đàn này sau khi niêm triện đỏ lại còn được đặt trên một pháp tòa, có lọng trắng che, có hoa thơm, nhiều hương liệu ngát ngào, trên lưng con voi Hạnh Phúc được trang điểm châu báu long lanh, chói ngời.

Ngày tiễn đoàn sứ giả lên đường, đức vua và bá quan đi chân đất, chấp tay cung kính trong âm thanh ca nhạc rộn rã, với không gian sực nức hương thơm. Để tăng thêm sự trân trọng và thiêng liêng, đức vua Bimbisāra cùng bá quan còn hô lớn lên ba lần khi ra khỏi thành: “Đức Phật xuất hiện rồi! Đức Pháp xuất hiện rồi! Đức Tăng xuất hiện rồi!” – rùng rùng chấn động cả không gian!

Chuyện kể rằng, tin báo phi mã đến tai đức vua Pukkusāti kinh thành Takkasilā về vật tặng trân quý được đức vua Bimbisāra và bá quan tổ chức nghi lễ thiêng liêng như thế làm cho ông rúng động cả châu thân. Thế là đức vua Pukkusāti cũng chuẩn bị một cuộc đón tiếp trân trọng không khác gì, khỏi kể thêm ở đây.

Khi một mình đối diện với vật trân quý trên lầu cao, đức vua từ từ, trân trọng gỡ niêm triện đỏ, lần lượt gỡ từng lớp gấm thì bảy chiếc hộp đồng, bạc, vàng, hổ phách, xa cừ, pha lê, ngọc hiện ra. Nhìn chiếc hộp ngọc xinh xắn với nghệ thuật điêu khắc tinh xảo tuyệt vời, đức vua run run mở nắp hộp, bên trong lại hiện ra một lớp gấm nữa. Lần gỡ lớp gấm cuối cùng, một tấm vàng dát mỏng có điêu khắc chữ(1)đập vào mắt đức vua. Trân trọng đặt “điêu bảng” trên bàn hương, đức vua chậm rãi đọc từng chữ, từng câu...

Không biết thời gian trải qua bao lâu, đức vua đã đọc xong; và câu còn lại để đức vua thốt lên mà cảm nghe hỷ lạc dâng trào, tẩm ướt sung mãn cả thân lẫn tâm, đó là: Đức Phật xuất hiện rồi! Đức Pháp xuất hiện rồi! Đức Tăng xuất hiện rồi! Và đức vua cũng ngồi yên như thế, một niềm vui thanh cao, nhẹ nhàng, siêu thoát ở đâu thuộc thượng tầng thanh khí choáng ngợp tâm tư ngài. Và rồi đức vua ngồi bất động suốt mấy hôm, không ăn, không uống, sống trong trạng thái hỷ lạc của thiền sắc giới.

Như đã quyết định dứt khoát, sau khi xuất định, đức vua lặng lẽ tự mình cạo đầu, choàng đơn sơ giản dị một tấm vải vàng, chấp tay niệm: “Đệ tử xin thành kính đảnh lễ bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác” rồi âm thầm rời cung, đầu trần, chân đất, không cho ai hay biết. Sau khi vượt qua một trăm chín mươi hai dặm đường(2)đến Sāvatthi thì nghe tin đức Phật đang ở Rājagaha, đức vua lại nhắm hướng xuôi Nam. Khốn khổ thay cho đức vua mà cũng tuyệt vời, kiên định thay cho ý chí xuất trần tối thượng của đức vua – vì sau khi vượt thêm bốn mươi lăm dặm đường(1)nữa, gần đến Rājagaha thì đức Thế Tôn lúc ấy đã ở tại Jetavanārāma tịnh xá – do cả hai đi hai lộ trình khác nhau.

Có lẽ chỉ có đức Thế Tôn mới biết đến lúc ấy thì nhân duyên mới chín muồi nên ngài xuất hiện đúng lúc khi đức vua gần đến Rājagaha, trời vừa tối, đang muốn tìm chỗ trọ qua đêm. Khi biết đức vua đang tá túc trong nhà của thợ làm đồ gốm thì đức Phật trong tướng mạo, y bát của một tỳ-khưu bình thường bước đến bên cửa.

- Này hiền giả! Đức Phật nói - Nếu không làm phiền thì có thể cho tôi tạm tá túc qua đêm được chăng?

- Không sao, thưa hiền giả! Đức vua mỉm cười đáp – Tôi cũng chỉ là khách lỡ đường xin ngủ nhờ qua đêm. Chẳng ai làm phiền ai cả. Nơi này yên tĩnh, sạch sẽ, không rộng quá, không hẹp quá, có thể nó đủ chỗ cho cả hai chúng ta. Xin mời hiền giả.

Đức Phật cảm ơn, bước vào. Ngọn đèn dầu lạc nơi góc tường đất dập dờn nhưng tạm đủ sáng, đức Phật lựa một chỗ khiêm tốn nhất, cất đặt y bát, lấy rơm có sẵn trải dưới, gấp làm bốn tấm y trải lên rồi ngồi xuống, nhắm mắt nghỉ ngơi; lát sau, một năng lượng an lành, thanh tĩnh tỏa ra xung quanh.

Đức vua quan sát vị sa-môn trung niên, thoáng thấy một cái gì đó rất an nhiên, tự tại, thanh bình... tỏa ra nơi hình dong, ngôn ngữ, cử chỉ, thái độ - nhưng do đức vua mệt quá, nên ông chỉ muốn nghỉ ngơi. Đức vua như thiếp đi rất lâu, như đã quá khuya, lúc tỉnh lại, thức dậy, nhìn sang bên kia, thấy vị sa-môn trung niên vẫn ngồi bất động như một bức tượng thần, như ở cõi trời siêu thoát nào!

Biết đức vua đã thức giấc, đang ngồi quan sát mình, đức Phật mở mắt ra, khẽ cất tiếng:

- Hiền giả có nghỉ ngơi được không?

- Thưa, được! Cảm ơn hiền giả!

- Tôi cũng xin cảm ơn lời cảm ơn ấy! Đức Phật cười nhẹ - Thấy hiền giả với tướng mạo, phẩm hạnh của bậc xuất gia, tôi muốn hỏi vài điều, không biết có phiền lòng hiền giả chăng?

- Không phiền lòng gì đâu. Tôi đã khỏe rồi. Xin hiền giả cứ hỏi.

- Hiền giả xuất gia, vậy ai là thầy của hiền giả? Thảng hoặc, hiền giả vừa lòng, hoan hỷ với giáo pháp của vị tôn sư, bậc chân sư nào?

- Có đấy, này hiền giả thân mến! Là đức Phật Gotama, là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác; tôi vừa lòng, hoan hỷ với giáo pháp của đức Phật ấy!

- Này hiền giả, thế thì đức Phật Gotama, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy hiện đang ở đâu vậy?

- Tôi nghe nói, đức Phật ấy hiện đang ở Veḷuvanārāma tịnh xá, thành phố Rājagaha này!

- Vậy thì hiền giả đã gặp đức Phật ấy, đã từng được nghe giáo pháp của đức Phật ấy, nên hiền giả xuất gia?

Đức vua chợt mỉm cười:

- Không, không phải vậy! Có điều kỳ lạ, là tôi vừa lòng, hoan hỷ với giáo pháp của đức Phật ấy nhưng tôi lại chưa được gặp vị ấy, đấng ấy một lần nào!

- Và nếu có gặp vị ấy, đức Phật ấy, hiền giả cũng không biết hay sao?

- Vâng, không biết! Khi xuất gia, tôi chỉ chấp tay, hướng tâm đến vị ấy, tuyên bố vị ấy là Đạo Sư của tôi mà thôi!

Yên lặng một lát rồi đức Phật nói:

- Bây giờ, hãy bỏ chuyện ấy sang một bên, hiền giả có thể nào lắng nghe, nhiếp tâm lắng nghe tôi thuyết pháp được chăng?

- Vâng, rất sẵn sàng! Tôi sẽ nhiếp tâm lắng nghe đây!

Câu chuyện quá khứ: Vào thời đức Phật Kassapa, sau khi ngài Nhập Diệt, Pukkusāti cùng sáu vị tỳ-khưu khác, đồng leo lên một ngọn núi cao phát lời nguyện, nếu không đắc quả lậu tận thì thà chết chứ không ăn, không uống, không xuống núi. Sau bảy ngày, chỉ có hai vị đắc quả, có thần thông, năm vị còn lại bị đói mà chết, sanh lên cõi trời Tusita, hiện tại, họ sanh xuống đây. Ngoài Pukkusāti ra, còn các vị khác là Kumāra-Kassapa, Dārucīriya, Dabba-Mallaputta, Sabhiya(1)trước hay sau họ đều sẽ tao ngộ chánh pháp. Do đức Phật biết về nhân duyên quá khứ như vậy nên ngài thuyết một thời pháp như lặn vào dòng tâm, dòng trí đã bị chìm mất quá lâu trong các cuộc tử sinh của vị tỳ-khưu với lời nguyện bất thối thuở nào. Ngài giảng về sáu giới hay sáu đại (dhātu), đó là đất, nước, lửa, gió, hư không và thức. Ngài giảng về sáu xúc mắt tai mũi lưỡi thân và ý. Từ sáu xúc này, liên hệ, tương duyên với khổ, lạc, xả liền có mười tám cảm thọ phát sanh như thế nào(2). Là một vị tỳ-khưu thì phải tinh tấn, miên mật quán sát những cảm thọ ấy để có được trí tuệ thấy rõ như thực. Như thực gì? Như thực vô thường, như thực dukkha, như thực vô ngã...

Nghe xong thời pháp, đức vua Pukkusāti đắc quả A-na-hàm, pháp lạc dâng tràn, ông biết đây chính là đức Phật Gotama, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác chứ không phải là ai khác! Ông vội đứng dậy, trật y vai phải, quỳ năm vóc sát đất, ôm chân bụi của đức Đạo Sư:

- Kính đức Thế Tôn! Đệ tử là người ngu muội, tăm tối, không minh mẫn nên đã dám xưng gọi đức Thế Tôn là hiền giả (āvuso), như bạn trang lứa với nhau, hoặc như người cao hạ gọi người thấp hạ. Điều ấy là phạm thượng, xin đức Tôn Sư hỷ xả tha thứ lỗi lầm ấy cho đệ tử.

Đức Phật mỉm nụ hoa sen:

- Thôi được rồi! Ông không có lỗi lầm chi cả.

Lúc ấy trời vừa hửng sáng, đức Phật hiển hiện lại thân tướng trang nghiêm, đầy đủ ba mươi hai quý tướng và tám mươi vẻ đẹp; đồng thời, hào quang sáu màu dập dờn, tỏa rạng cả không gian làm cho vầng dương cũng chợt trở nên lu mờ. Đức vua Pukkusāti thành kính quỳ xuống đảnh lễ một lượt nữa:

- Xin đức Tôn Sư cho đệ tử được xuất gia.

- Ừ, Như Lai chấp thuận, nhưng ông đã có đủ ba y và một bát chưa, này Pukkusāti!

- Vâng, đệ tử thiếu bát(1), bạch đức Tôn Sư.

Trong lúc đức vua Pukkusāti vừa rời đi tìm bát thì một số cận sự nam nữ ở ven kinh thành miệng truyền miệng, tai truyền tai: “Đức Thế Tôn hiện đang ở đâu gần xóm nhà của người thợ gốm!” “Tại sao biết?” “Hào quang của đức Thế Tôn thì không lầm lẫn được, nó sáng hơn cả vầng dương buổi sáng”. Không những dân chúng biết mà đức vua Bimbisāra lúc ấy đang đứng trên lầu cao thấy ánh sáng kỳ lạ kia, ông cũng đoán ra. Thế là với chiếc xe bốn ngựa cùng với một số khá đông quan quân tùy tùng, đức vua nhắm hướng, trực chỉ xóm nhà sáng rực hào quang kia.

Gặp được đức Phật, đức vua Bimbisāra vui mừng khôn xiết, tuy nhiên, ông không hiểu lý do sự xuất hiện đột ngột của ngài ở nơi cái lò gốm tối tăm, chật chội này! Thế rồi, đức Phật bèn chậm rãi, ôn tồn kể lại việc hóa độ một người bạn rất thân của đức vua như thế nào. Đức Phật còn kể thêm, sau khi đức vua Pukkusāti nhận được vật trân quý, đọc xong, ý nghĩ xuất trần tối thượng như một mũi tên vừa bật ra khỏi dây cung, không thể dừng lại, và nó tự động tìm đến đích nhắm. Rồi nào là một trăm chín mươi hai do tuần, rồi nào là bốn mươi lăm do tuần, không biết cái bàn chân trần đế vương kia đã dẵm qua không biết bao nhiêu vất vả, rướm máu, đói khát, nắng mưa để tìm đến đây? Hiện tại, đức vua ấy muốn xuất gia, nhưng còn thiếu bát, giờ ông ta đang đi tìm kiếm ở đâu đấy!

- Và này, đại vương! Đức Phật nói tiếp - Từ thời đức Phật Kassapa, đức vua Pukkusāti đã là một vị tỳ-khưu với lời nguyện bất thối; do duyên ấy nên Như Lai đã đặt đúng vị trí lại cho ông ta, đã an trí cho ông ta quả vị Bất Lai. Tuy nhiên, mỗi người đều có một dòng nghiệp. Giả dụ có chuyện gì xảy đến cho Pukkusāti trong hiện kiếp này, phải nhận chịu cái gì đó thì không phải phận việc của Như Lai!

Nghe xong, đức vua Bimbisāra ruột như lửa đốt, tức khắc cho quan quân, chia thành nhiều toán đi tìm đức vua Pukkusāti, người bạn rất thân thiết của ngài. Đức vua không ngờ bạn mình đã nghe theo lời khuyên của mình, quăng bỏ đế bào, vương vị như tấm giẻ rách, chỉ với một tấm y, không có bát, không biết ăn uống ra sao, nắng mưa ra sao mà đã vượt mấy trăm do tuần để tìm được đến đây?

Toán quan quân tìm kiếm đức vua Pukkusāti và họ đã tìm ra, nhưng ông ta đã chết rất thê thảm. Một con bò cái, tiền kiếp là một nữ dạ-xoa (yakkhinī) oan trái với đức vua, đã húc ngài chết. Tin báo hung dữ truyền đến nơi, đức vua Bimbisāra tưởng như trời nghiêng, đất sụp, ông vô cùng sầu khổ, khóc than, thương tiếc, nước mắt tuôn chảy dầm dề, không làm chủ cảm xúc được. Đức Phật xuất hiện ngay bên cạnh, nói vào tai đức vua rằng:

- Đừng sầu buồn nữa, đại vương! Chuyện này Như Lai dò theo dòng nghiệp, đã biết trước, biết rõ nhất, cả tương lai và hiện tại, nên đã tìm cách giúp cho đức vua kia an trú quả vị Bất Lai rồi! Cái thân xác của đức vua Pukkusāti đang còn nằm đó làm cho đại vương xót thương, nhưng thật sự bây giờ, ông ta đã là một vị đại phạm thiên, tại cõi trời Ngũ Tịnh Cư, nơi để dành cho các vị thánh Bất Lai, hết tuổi thọ rồi sẽ Niết-bàn luôn ở đấy!

Nghe lời đức Phật, đức vua Bimbisāra bình tĩnh trở lại, dặn bảo quan quân mang xác Pukkusāti về triều, phán truyền làm lễ quốc tang trọng thể...

Khi quay lại thì ông không còn thấy đức Phật ở đấy nữa, ngài đã trở lại Jetavanārāma tịnh xá.



(1)Ngọc luân báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, ngọc nữ báu, tài thần báu và tướng quân báu.

(1)9 hồng danh: A-la-hán-Ứng Cúng-Vô Sanh (Arahaṃ), Chánh Biến Tri (Sammā Sambuddh0), Minh Hạnh túc (Vijjā-carana-sampanno), Thiện Thệ (Sugato), Thế Gian giải (Lokavidū), Vô thượng sĩ Điều ngự trượng phu (Anuttaro Purisadammasārathi), Thiên Nhơn sư (Satthādevamanussānaṃ), Phật (Buddho), Thế Tôn (Bhagavā).

(2)6 đức tính của Pháp: Pháp được khéo thuyết bởi đức Thế Tôn (Svakkhāto bhagavatā dhammo), thiết thực hiện tại (Sandiṭṭhiko), vượt thời gian (Akāliko), đến đây mà thấy (Ehipassiko), có khả năng hướng thượng (Opanāyiko), bậc trí tự mình giác hiểu (Paccattaṃ veditabbo viññūhi).

(3)4 đức tính của Tăng: Thiện hạnh (Suppatipanno), trực hạnh (Ujupatipanno), ưng lý hạnh (Ñāyapatipanno), pháp hạnh (Sāmīcipatipanno).

(4)Arahaṃ guṇa, sammāsambuddha guṇa...

(5)Sandiṭṭhika guṇa, Akālika guṇa...

(6)Suppatipanna guṇa, Ujupatipanna guṇa...

(1)Các nhà nghiên cứu gọi là “điêu bảng”.

(2)Có thể xem Dictionary of Pāḷi proper names: “He travelled the one hundred and nine-two leagues to Sāvatthi”. Kinh điển thì ghi 192 do-tuần (Dặm và do-tuần khác nhau).

(1)Cũng theo sách vừa dẫn là 45 dặm, kinh điển thì ghi 45 do tuần.

(1)Xem sách đã dẫn. Tuy nhiên, có nhiều sử liệu khác nhau, tên các vị này có sai khác chút ít, như thay vì tên Dārucīriya lại là Bāhiya.

(2)Dhātuvibhaṇga-Sutta có kể chuyện này và cả thời pháp này.

(1)Kinh sách ghi như thế - nên không giải thích được, là suốt nhiều tháng bộ hành, mặc y, đi chân đất, đức vua kiếm vật thực đâu để ăn qua ngày?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/05/2021(Xem: 4696)
Lời tựa Những lời Phật dạy phần lớn mang tính phương tiện. Nếu ta chấp chặt từng chữ, từng lời sẽ khó hiểu được hết ý nghĩa thâm sâu bên trong. Chúng ta - những người học Phật ngày nay - rất cần nhận biết đâu là phương tiện, đâu là chân lý trong những lời Phật dạy để không rơi vào cực đoan và thiên kiến. Ngoài ra, người học Phật cũng cần chú tâm vào thực hành để tự mình thực chứng, để tự tìm ra cách đi phù hợp cho riêng mình.
26/05/2021(Xem: 5003)
Phật Đà sau khi thành Chánh Đẳng Chánh Giác nơi cội Bồ Đề, trong thời gian hai mươi mốt ngày, chỉ riêng mình thọ dụng diệu lạc giải thoát, tự riêng cảm niệm lý pháp tịch tịnh vi diệu thậm thâm khó thấy, không phải cảnh giới của tìm cầu, chỉ có bậc trí mới chứng ngộ được; chúng sanh thì bị nhiễm trước thâm sâu ngã kiến, ái lạc phiền não nặng nề, mặc dù họ được nghe Phật Pháp, e rằng cũng không thể rõ thấu, chỉ uổng công vô ích, chi bằng im lặng tịnh trụ tốt hơn. Sau đó Đại Phạm Thiên Vương ân cần cầu thỉnh Phật thuyết pháp, Thế Tôn mới đến Lộc Dã Uyển ngoài thành Ba La Nại Tư, vì năm ông thị giả lúc trước bỏ Phật mà vào trong đây tu khổ hạnh gồm có: A Nhã Kiều Trần Như, Át Bệ, Bạt Đề, Thập Lực Ca Diếp, Ma Nam Câu Lợi, giảng pháp môn Tứ Đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Năm vị sau khi nghe pháp thấu hiểu ý nghĩa các lậu đều dứt, chứng thành bậc A La Hán, đây là Tam Bảo đầu tiên mới thiết lập trong thế gian: Đại Thánh Phật Đà là Phật Bảo, Pháp Luân Tứ Đế là Pháp Bảo, Năm A La Hán là Tăng Bảo.
24/05/2021(Xem: 4509)
Đại thừa lấy việc chăn trâu dụ cho việc điều tâm, luyện tâm. Cái tâm đó, nguyên lai thuần hậu, nhưng đã bị đánh lạc mất, để nó chạy rông, buông lung theo sở thích không biết gì đến những hiểm nguy rình rập, cho nên phải tìm lại, và chế ngự cho thuần tính. Cái tâm vọng động xấu xa lần hồi được gạn lọc khỏi các cấu nhiễm trần gian sẽ sáng dần lên và từ chỗ vô minh sẽ đạt tới cảnh giới vòng tròn viên giác. Đó là tượng trưng cho phép tu “tiệm”. Theo phép tu tiệm thì phải tốn rất nhiều công phu mới tiến đến được từng nấc thang giác ngộ. Nhờ công phu, cái vọng tâm lần hồi gạn lọc được trần cấu mà sáng lần lên, cũng như nhờ được chăn dắt mà con trâu hoang đàng lâu ngày trở nên thuần thục dần dần và lớp da đen dơ dáy trắng lần ra.
24/05/2021(Xem: 3738)
Cơn đại dịch quét qua địa cầu gây điêu đứng và làm xáo trộn cả đời sống của nhân loại. Nó tước đi những sinh mệnh, làm đảo lộn nếp sống của từng cá nhân, gia đình, xã hội, quốc gia và quốc tế. Nó không phân biệt, nể trọng hay nhường nhịn ai; không kỳ thị trí thức hay bình dân, giàu hay nghèo, già hay trẻ, nam hay nữ, khỏe mạnh hay yếu đuối. Nó ly cách từng cá nhân, chia lìa những gia đình, khoanh vùng từng xã hội; và như lưỡi hái khổng lồ của tử thần, nó phạt ngang, san bằng tất cả những gì nằm trên lối đi thần tốc của nó.
24/05/2021(Xem: 7549)
Ca khúc phổ nhạc “Đóa Hoa Dâng Đời... Của Ns Phật Giáo Hằng Vang từ bài thơ có tựa là “ Đóa Hoa Ngàn Đời... Của Huyền Lan đăng tuần báo Giác Ngộ đặc biệt Phật Đản số 110 ra ngày 09/05/1998. Sau đó vào năm 2003. Cư Sỹ Tống Hồ Cầm – Phó Tổng Biên Tập Báo Giác Ngộ - tức nhà thơ Tống Anh Nghị - Chủ Nhiệm CLB thơ ca Báo Giác Ngộ, hợp tuyển thơ báo Giác Ngộ nhiều tác giả có tên gọi “Sắc Hương Hoa Bút... Được tuyển chọn vào tập thơ nhiều tác giả nầy...
24/05/2021(Xem: 4742)
Ni sư Thích Nữ Giới Hương có lẽ là vị trụ trì viết nhiều nhất ở hải ngoại. Đó là theo chỗ tôi biết, trong cương vị một nhà báo nhiều thập niên có liên hệ tới nhà chùa và công việc xuất bản. Viết là một nỗ lực gian nan, vì phải đọc nhiều, suy nghĩ nhiều, phân tích nhiều, cân nhắc kỹ rồi mới đưa chữ lên mặt giấy được. Đặc biệt, Ni sư Giới Hương cũng là vị trụ trì viết bằng tiếng Anh nhiều nhất. Tôi vẫn thường thắc mắc, làm thế nào Ni sư có đủ thời giờ để gánh vác Phật sự được đa dạng như thế. Nghĩ như thế, vì tự thấy bản thân mình, nghiệm ra, không có đủ sức đọc và viết nhiều như Ni sư.
18/05/2021(Xem: 6170)
Phật sử ghi lại rằng, vào canh Ba đêm thành đạo, đức Phật đã tìm ra câu giải đáp làm sao thoát khỏi cảnh “Sinh, Già, Bệnh, Chết”, tức thoát khỏi vòng “luân hồi sinh tử”. Câu trả lời là phải đoạn diệt tất cả “lậu hoặc”. Lậu hoặc chính là những dính mắc phiền não, xấu xa, ác độc, tham, sân, si… khiến tâm con người bị ô nhiễm từ đời này sang đời khác, và đời này con người ta vẫn tiếp tục huân tập lậu hoặc, tạo thành nghiệp. “Lậu hoặc” hay “nghiệp” là nguyên tố nhận chìm con người trong luân hồi sanh tử, là nguyên nhân của khổ đau. Muốn chấm dứt khổ đau, chấm dứt luân hồi sanh tử thì phải đoạn diệt tất cả các lậu hoặc, không có con đường nào khác!
18/05/2021(Xem: 5322)
Năm 1959 một sự đe dọa của Tàu Cộng chống lại Đức Đạt Lai Lạt Ma đưa đến sự phản kháng ở Lhasa. Hy vọng tránh được một cuộc tắm máu, ngài đã đi lưu vong và hơn 150,000 Tây Tạng đã đi theo ngài. Bất hạnh thay, hành động này đã không ngăn được sự tắm máu. Một số báo cáo nói rằng khoảng một triệu người Tây Tạng đã chết trong năm đó như một kết quả trực tiếp của việc Tàu Cộng xâm chiếm Tây Tạng.
16/05/2021(Xem: 12101)
Nhận xét rằng, Chúng ta đang đứng trước một khúc quanh gấp của lịch sử nhân loại. Đại dịch Covid-19 đã khép kín mỗi cá nhân trong một không gian chật hẹp, cách ly xã hội, cô lập cá nhân, cách ly cả những người thân yêu. Nó đã tạo ra những khủng hoảng tâm lý trầm trọng trong nhiều thành phần xã hội. Một số đông bị quẫn bức, không thể tự kềm chế, bỗng chốc trở thành con người bạo lực, gieo kinh hoàng cho xã hội. Một số khác, có lẽ là số ít, mà phần lớn trong đó là thanh thiếu niên, khởi đầu cũng chất đầy oán hận trong lòng, nhưng rồi trước ngưỡng sinh tử sự đại, tự mình phấn đấu tự kềm chế, cuối cùng đã khám phá chính mình, trong trình độ nào đó, với những giá trị nhân sinh chỉ có thể tìm thấy trong những cơn tư duy thầm lặng. Giá trị nhân sinh không thể tìm thấy bằng những cao trào kích động của tuổi trẻ. Thế hệ ấy sẽ làm thay đổi hướng đi của lịch sử Đông Tây qua hai nghìn năm kỷ nguyên văn minh Cơ-đốc, khi mà tín đồ có thể liên hệ trực tiếp với đấng Chí Tôn của mình qua mạng truyền
15/05/2021(Xem: 5347)
Phần này bàn về niên hiệu Long Thái và chúa Khánh ở Cao Bằng vào thời LM de Rhodes đến truyền đạo. Đây là lần đầu tiên các danh từ như vậy được dùng trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh (chữ quốc ngữ). Các tài liệu tham khảo chính của bài viết này là cuốn "Chúa Thao cổ truyện" và bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) tự điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra tự điển này trên mạng, như trang http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]